Tải bản đầy đủ (.pdf) (209 trang)

quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng tiến tới đồng khởi ở khu 8 trung nam bộ (1954 1960)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (7.33 MB, 209 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Thái Văn Thơ

QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH GIỮ GÌN
LỰC LƯỢNG TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI Ở
KHU 8 - TRUNG NAM BỘ (1954 - 1960)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2013


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Thái Văn Thơ

QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH GIỮ GÌN
LỰC LƯỢNG TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI Ở
KHU 8 - TRUNG NAM BỘ (1954 - 1960)

Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS HÀ MINH HỒNG

Thành phố Hồ Chí Minh – 2013



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi, có sự hướng dẫn, hỗ
trợ của PGS. TS Hà Minh Hồng. Các nội dung và kết quả nghiên cứu trong luận văn
là hoàn toàn trung thực và chưa từng được công bố trong bất cứ công trình nghiên
cứu nào. Nếu có gì sai sót tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm với công trình nghiên
cứu này.
Tác giả luận văn

Thái Văn Thơ

1


LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu để hoàn thành luận văn này, ngoài
sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, tôi đã nhận được sự động viên và giúp đỡ quý báu
từ nhiều đơn vị và cá nhân.
Tôi xin chân thành cảm ơn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
và Phòng Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp
thuận, tạo điều kiện cho tôi học tập và thực hiện tốt luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn quý Thầy, Cô giảng viên dạy lớp Cao học Lịch sử
Việt Nam khóa 22 tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp
cho tôi nhiều kiến thức quý báu trong toàn khóa học Cao học.
Tôi xin chân thành gửi lời cảm ơn đến các cán bộ, nhân viên Thư viện Trường
Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Thư viện Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh
cũng như giám đốc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Thành phố
Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện, cung cấp và giúp đỡ cho tôi nhiều tư liệu quý để hoàn
thành tốt luận văn này.
Và đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn PGS.TS Hà Minh Hồng là người Thầy

đã hết lòng giúp đỡ, động viên và hướng dẫn tận tụy cho tôi trong suốt quá trình thực
hiện luận văn.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn đến gia đình, người thân, bạn bè và tất cả các
anh chị, em Học viên lớp Cao học Lịch sử Việt Nam khóa 22 đã động viên, giúp đỡ
tôi trong học tập cũng như trong quá trình hoàn thành tốt luận văn này.
Cuối cùng, dù đã rất cố gắng, song luận văn chắc chắn còn nhiều hạn chế,
thiếu sót. Tôi kính mong quý Thầy, Cô và Hội đồng chấm luận văn góp ý cho những
thiếu sót trong luận văn này.
Tôi chân thành cảm ơn!
Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013
Tác giả
Thái Văn Thơ

2


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................................. 1
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................... 2
MỤC LỤC ......................................................................................................... 3
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 5
1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu ........................................................ 5
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ................................................................................. 6
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................... 10
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu sử dụng ...................................... 11
5. Đóng góp của luận văn ..................................................................................... 12
6. Bố cục của luận văn .......................................................................................... 13

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ KHU 8 – TRUNG NAM BỘ VÀ TÌNH
HÌNH NHIỆM VỤ MỚI SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE ............................... 14

1.1 Vị trí địa lý, thiên nhiên và con người Khu 8 – Trung Nam Bộ ................. 14
1.2 Khu 8 – Trung Nam Bộ đấu tranh và xây dựng trong kháng chiến chống
thực dân Pháp (1945 - 1954) ................................................................................ 18
1.3 Hiệp định Genève và tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng ở Khu 8 .... 31

CHƯƠNG 2: ĐẤU TRANH GIỮ GÌN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG Ở
KHU 8 – TRUNG NAM BỘ SAU HIỆP ĐỊNH GÈNEVE (1954 – 1958) . 38
2.1 Đấu tranh thi hành Hiệp định Genève ở Khu 8 – Trung Nam Bộ (1954 1956) ....................................................................................................................... 38
2.1.1 Ở tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) ................................................................ 39
2.1.2 Ở tỉnh Bến Tre ............................................................................................ 43
2.1.3 Ở tỉnh Long An – Kiến Tường (Long An) ................................................. 47
2.1.4 Ở tỉnh Mỹ Tho, Gò Công (Tiền Giang) ..................................................... 52
2.1.5 Ở tỉnh An Giang ......................................................................................... 54
2.2 Đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng ở Khu 8 – Trung
Nam Bộ giai đoạn 1954 – 1958 ............................................................................. 57
2.2.1 Đấu tranh bảo vệ và giữ gìn lực lượng cách mạng, chống quốc sách “tố
cộng, diệt cộng” .................................................................................................. 57
2.2.2 Xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ quần chúng các địa phương ............... 66

3


2.2.3 Những trận đánh diệt tề trừ gian, diệt đồn bót ........................................... 72
2.2.4 Xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền trong toàn Khu ....................... 79
2.3 Những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra trong đấu tranh giữ gìn và xây
dựng lực lượng ở Khu 8 – Trung Nam Bộ .......................................................... 81
2.3.1 Vấn đề bạo lực cách mạng quần chúng ...................................................... 81
2.3.2 Sử dụng hình thức và phương pháp đấu tranh ........................................... 83

CHƯƠNG 3: XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG TIẾN TỚI

ĐỒNG KHỞI TRONG TOÀN KHU 8 – TRUNG NAM BỘ (1959 – 1960)
.......................................................................................................................... 88
3.1 Thời cơ và sự chuẩn bị trực tiếp cho khởi nghĩa ......................................... 88
3.1.1 Chính quyền Mỹ - Diệm không thể thống trị được như trước ................... 88
3.1.2 Lực lượng chính trị, vũ trang ở Khu 8 – Trung Nam Bộ được xây dựng,
phát triển nhanh những năm 1959 - 1960 ........................................................... 93
3.1.3 Nghị quyết 15 của Trung ương và chủ trương, kế hoạch khởi nghĩa ở Khu
8 ......................................................................................................................... 101
3.2 Đồng Khởi chuyển thế chiến lược ở Khu 8 – Trung Nam Bộ năm 1960 . 104
3.2.1 Đồng Khởi ở tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) ............................................ 104
3.2.2 Đồng Khởi ở Bến Tre ............................................................................... 107
3.2.3 Đồng Khởi ở tỉnh Long An – Kiến Tường (Long An) ............................. 116
3.2.4 Đồng Khởi ở tỉnh Mỹ Tho, Gò Công (Tiền Giang) ................................. 121
3.2.5 Đồng Khởi ở tỉnh An Giang ..................................................................... 124
3.3 Kết quả của Cao trào Đồng Khởi ở Khu 8 - Trung Nam Bộ và những bài
học kinh nghiệm .................................................................................................. 128
3.3.1 Kết quả và những sáng tạo độc đáo của Cao trào Đồng Khởi chuyển thế
chiến lược ở Khu 8 - Trung Nam Bộ (1959 - 1960) ......................................... 128
3.3.2 Bài học kinh nghiệm về đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển thế chiến lược
ở Khu 8 .............................................................................................................. 137

KẾT LUẬN ................................................................................................... 145
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................... 150
PHỤ LỤC ...................................................................................................... 165

4


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) của nhân dân Việt Nam
đã đi vào lịch sử gần 38 năm, khói lửa của chiến tranh đã không còn, ngày nay nước
Việt Nam đang vươn mình phát triển trên con đường đổi mới. Nhìn lại 21 năm kháng
chiến chống Mỹ cứu nước trường kì không ai không khỏi đau xót, nhân dân Việt
Nam đã phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề không gì có thể tả hết. Khói lửa đau thương
tang tóc bao trùm trên toàn cõi Việt Nam trong những năm tháng ấy với sự đàn áp,
khủng bố dã man mà chế độ Mỹ - ngụy thực hiện ở miền Nam trong hơn 6 năm đầu
từ năm 1954 đến năm 1960. Trong những năm tháng khốc liệt này, thế giới đã chứng
kiến bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân kiểu mới và chế độ độc tài phát xít.
Đó là khoảng thời gian Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách
hòng tiêu diệt lực lượng các phía đối lập, tiêu diệt các thế lực cản trở con đường
thành lập một “quốc gia” riêng tách hẳn khỏi Bắc Việt Nam và lệ thuộc vào Mỹ. Với
sự giúp đỡ trực tiếp của Mỹ, Ngô Đình Diệm tiến hành các biện pháp nhằm phá hoại
Hiệp định Genève, xây dựng quân đội và bộ máy ngụy quyền, tiến hành tiêu diệt lực
lượng các giáo phái, khủng bố, đàn áp dã man nhân dân yêu nước, lực lượng cách
mạng và những người kháng chiến cũ. Mỹ và chế độ tay sai Ngô Đình Diệm đã tiến
hành đàn áp, khủng bố khốc liệt. Một bầu không khí tang tóc, đau thương bao trùm
lên toàn miền Nam; nhân dân và lực lượng cách mạng miền Nam chịu nhiều tổn thất
nặng nề.
Trong lúc tình thế khó khăn thử thách đó, lòng yêu nước và truyền thống bất
khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã được phát huy. Đứng trước
nguy cơ bị tiêu diệt nhân dân miền Nam nói chung, quân và dân ở Khu 8 - Trung
Nam Bộ nói riêng không thể nhịn mãi, không thể đứng nhìn mà chịu chết được, quân
dân miền Trung Nam Bộ với những sáng tạo độc đáo đã xúc tiến quá trình đấu tranh
giữ gìn, xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh đủ sức đối phó với chính sách
khủng bố, đàn áp của Mỹ - ngụy lúc bấy giờ. Đồng thời xây dựng, phát triển lực

5



lượng vững mạnh tiến tới một Cao trào Đồng Khởi nổ ra thắng lợi trong toàn Khu 8
những năm 1959 - 1960.
Trong quá trình đó, Khu 8 - Trung Nam Bộ đã anh dũng đấu tranh chống sự
đàn áp khủng bố khốc liệt của Mỹ - ngụy và tay sai. Khu 8 - Trung Nam Bộ là nơi đã
sản sinh ra những sáng tạo độc đáo trong cách giữ gìn, bảo vệ, xây dựng và phát
triển lực lượng cách mạng và tiến tới một cuộc quật khởi lớn, làm nên một cơn “sóng
thần lịch sử”, một Đồng Khởi thắng lợi vang dội trong toàn Khu. Tìm hiểu, nghiên
cứu để làm sáng tỏ những vấn đề trên về Khu 8 - Trung Nam Bộ và làm rõ những
sáng tạo độc đáo trong quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng thiết nghĩ là
một việc làm cần thiết, không chỉ có ý nghĩa, giá trị khoa học và thực tiễn mà còn để
tự hào về ông cha, tự hào về dân tộc, rút ra được những bài học quý báu ít nhiều có
ích trong quá trình đổi mới và phát triển với không ít khó khăn thử thách của Việt
Nam hôm nay. Ngày nay, Việt Nam cần làm một “cuộc Đồng Khởi” nữa, cuộc
“Đồng Khởi” trong xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn. Luận
văn góp phần nhỏ vào việc nhận thức lịch sử đấu tranh cách mạng ở Khu 8 - Trung
Nam Bộ trong giai đoạn lịch sử thời hiện đại, và cũng góp phần vào việc giáo dục
lịch sử đấu tranh cách mạng anh hùng ở địa phương Khu 8 cho thế hệ trẻ ngày nay.
Vì những lí do đó mà chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Quá trình đấu tranh giữ gìn
lực lượng tiến tới Đồng Khởi ở Khu 8 - Trung Nam Bộ (1954 - 1960)” làm luận
văn thạc sĩ của mình.
Thông qua việc khái quát và phân tích quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng
cách mạng ở Khu 8 - Trung Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy cam go và biến
động từ 1954 đến 1960, luận văn cũng góp phần làm rõ trong thực tiễn những vấn đề
lý luận về chiến tranh cách mạng Việt Nam, cụ thể là khái niệm và nội dung, đặc
điểm của hình thái “Đấu tranh giữ gìn lực lượng”, “Đồng Khởi” và “Chuyển thế
chiến lược” của cách mạng miền Nam khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu
nước.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Nói về Khu 8 - Trung Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước


6


trong giai đoạn 1954 - 1960, thì từ sau năm 1975 đến nay đã có những công trình lớn
tập trung nghiên cứu như:
Nhóm tác giả Cao Văn Lượng, Phạm Quang Toàn, Quỳnh Cư trong Tìm hiểu
phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam, xuất bản năm 1981 của Nhà xuất bản
Khoa học Xã hội, Hà Nội đã nêu được khá đầy đủ và sinh động một Cao trào Đồng
Khởi đã nổ ra khắp cả miền Nam chống chế độ Mỹ - ngụy trong những năm 1959 1960. Tác phẩm đề cập đến phong trào Đồng Khởi toàn miền Nam nhưng chưa
phân tích sâu sắc cũng như làm bật lên được những nét sáng tạo độc đáo của Khu 8 Trung Nam Bộ trong những năm đầu đấu tranh giữ gìn bảo vệ, phát triển lực lượng
cách mạng để tiến tới Đồng Khởi năm 1960.
Tác phẩm Đồng Khởi ở Bến Tre của Quỳnh Cư do Nhà xuất bản TP. Hồ Chí
Minh ấn hành năm 1985 đã khái quát về cuộc Đồng Khởi diệu kì, hào hùng của quân
dân Bến Tre anh dũng.
Năm 1988, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang cho ấn hành Cuộc kháng
chiến 30 năm của quân dân Tiền Giang, công trình đã khái quát và nêu bật được
cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân tỉnh Tiền Giang trong hai cuộc kháng chiến
chống Pháp, Mỹ thần thánh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp năm 1990 cũng cho ấn hành sách Ba
mươi năm kháng chiến của quân dân Đồng Tháp (1945 - 1975), tác phẩm đã trình
bày cơ bản về cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của quân dân tỉnh Đồng Tháp.
Trong năm 1993 Thường vụ Tỉnh ủy Long An cho xuất bản cuốn Kiến Tường
lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), trình bày về cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Kiến Tường anh hùng.
Trong quyển Lịch sử Đồng Tháp Mười, do Võ Trần Nhã chủ biên được Nhà
xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1993 cũng có phần nói về cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước của các tỉnh Đồng Tháp Mười thuộc Khu 8 – Trung Nam
Bộ.
Quyển Chung một bóng cờ (Về mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt

Nam) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1993 đã có phần nói về quá

7


trình đấu tranh anh dũng của quân dân Khu Trung Nam Bộ trong giai đoạn đầu kháng
chiến chống Mỹ từ 1954 – 1960.
Năm 1994 Thường vụ Tỉnh ủy Long An chỉ đạo biên soạn Long An lịch sử
kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975). Tác phẩm đã trình bày về cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của quân dân Long An. Trong đó giai đoạn 1954 –
1960 được khái quát cơ bản.
Địa chí Đồng Tháp Mười do Hội đồng Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh
biên soạn và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1996 đã có phần nói về
cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của các tỉnh Đồng Tháp Mười thuộc
Khu 8 – Trung Nam Bộ.
Năm 1997, Ban Chỉ đạo công trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ Khu 8 Trung Nam Bộ xuất bản cuốn Đồng bằng khu Trung Nam Bộ chống Mỹ, cứu nước (tập
1: 1954 – 1965), tác phẩm được biên soạn khá công phu, phần nào đã khái quát tổng
quan về Khu 8 - Trung Nam Bộ cũng như nêu bật được quá trình đấu tranh bất khuất
anh dũng chống Mỹ - ngụy của quân và dân Khu 8.
Quân khu 8 – 30 năm kháng chiến (1945-1975), được xuất bản năm 1998 của
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, cũng đề cặp đến quá trình đấu tranh gian khổ mà
anh hùng của quân Khu 8 trong hơn 30 năm. Tác phẩm đã khắc họa được những năm
tháng đấu tranh gian khổ mà rất oanh liệt, đặc biệt là trong những năm đầu kháng chiến
chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954 - 1960 đã được đề cập rất cơ bản.
Khu VIII - Trung Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), do
Nguyễn Minh Đường chủ biên được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm
2001 là một quyển sách quý nói về quá trình đấu tranh chống Mỹ cứu nước của Khu
8 - Trung Nam Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, quân và
dân Khu 8 đã vượt qua tất cả mọi khó khăn thiếu thốn và đã tạo ra nhiều cách đánh
giặc sáng tạo độc đáo, chính Khu 8 là nơi có nhiều đóng góp những kinh nghiệm

quan trọng cũng như những bài học quý báu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh
dũng cho cả miền Nam sau này.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang năm 2003 ấn hành sách Tuyên huấn Khu

8


8 - Trung Nam Bộ (1959 - 1975), 2 tập. Tác phẩm là một tư liệu quý khái quát về
công tác tuyên huấn của Khu 8 - Trung Nam Bộ trong những năm chống Mỹ anh
hùng. Chính công tác tuyên huấn là một trong những mũi nhọn là vũ khí đấu tranh
sắc bén của quân và dân miền Nam nói chung và của Khu 8 nói riêng trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ - ngụy. Công tác tuyên huấn đã góp phần quan trọng vào
thắng lợi chung của cuộc Đồng Khởi những năm 1959 - 1960.
Tác giả Lê Hồng Lĩnh trong Cuộc Đồng Khởi kỳ diệu ở miền Nam Việt Nam,
cũng đã khái quát cơ bản về cuộc Đồng Khởi kì diệu của quân và dân miền Nam
trong những năm tháng gian truân mà oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ cứu nước. Công trình nghiên cứu khá công phu đầy đủ về hoàn cảnh,
nguyên nhân cũng như diễn tả lại diễn biến của Cao trào Đồng Khởi ở miền Nam.
Năm 2010, Bộ Công an cùng với Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an
Nhân dân và Viện Lịch sử Công an đã cho xuất bản cuốn Lịch sử An ninh Trung Nam
Bộ - Khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), tác phẩm này
là một công trình nghiên cứu công phu về Khu 8 cũng như tình hình an ninh của toàn
Khu 8 - Trung Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mỹ - Ngụy.
Trong quyển Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1954 - 1975), tập 2, do Hội đồng
Chỉ đạo Biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến chỉ đạo biên soạn và được xuất bản
năm 2010 cũng đã dành một phần khái quát về lịch sử kháng chiến của đồng bào
Nam Bộ nói chung và của quân dân Khu 8 nói riêng. Tác phẩm đã trình bày cơ bản
về cuộc đấu tranh của nhân dân Khu 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - ngụy
những năm đầu sau Hiệp định Genève cho đến Cao trào Đồng Khởi những năm 1959
- 1960 thắng lợi.

Ngoài các tác phẩm và công trình nghiên cứu quan trọng đó thì các quyển
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre, Lịch sử Đảng bộ
tỉnh Long An, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh An Giang
cũng lần lượt cho ấn hành và xuất bản. Đây là những công trình nghiên cứu về lịch
sử của các tỉnh lúc trước thuộc Khu 8 - Trung Nam Bộ. Trong giai đoạn lịch sử từ
1954 - 1960, trong các tác phẩm này cũng có dành phần nói về quá trình đấu tranh

9


giữ gìn lực lượng và diễn biến của Cao trào Đồng Khởi ở mỗi địa phương.
Ngoài ra còn có những công trình nghiên cứu hay những bài viết phân tích về
cuộc đấu tranh hào hùng, anh dũng của quân và dân khu Trung Nam Bộ trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong giai đoạn khốc liệt từ năm 1954 1960. Có thể thấy, với những công trình và các bài viết nghiên cứu đó ít nhiều đã đề
cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân dân Khu 8 – Trung Nam Bộ
trong giai đoạn đầu từ năm 1954 kể từ sau Hiệp định Genève đến cao trào Đồng
Khởi nổ ra năm 1960 trong toàn Khu. Tuy nhiên những công trình nghiên cứu đó
chưa đi sâu vào khái quát và phân tích làm bật lên được quá trình đấu tranh giữ gìn
lực lượng cách mạng và tiến tới Đồng Khởi ở Khu 8 – Trung Nam Bộ trong giai
đoạn 1954 – 1960.
Với những thành tựu nghiên cứu quan trọng và quý giá đó, trên cơ sở kế thừa
những công trình nghiên cứu, chúng tôi tiến hành khái quát và phục dựng lại quá
trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng cũng như quá trình xây dựng, phát triển
lực lượng để tiến tới Đồng Khởi trong toàn Khu 8 - Trung Nam Bộ giai đoạn 1954 1960. Qua đó, chúng tôi đi vào phân tích những nét sáng tạo độc đáo của Khu 8
trong đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển lực lượng cũng như những sáng tạo
trong Cao trào Đồng Khởi những năm 1959 - 1960.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng tiến

tới Đồng Khởi ở Khu 8 - Trung Nam Bộ (1954 -1960); cụ thể là các vấn đề:
- Những hoạt động phong phú sáng tạo của các hình thức đấu tranh giữ gìn,
xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở Khu 8 - Trung Nam Bộ.
- Những yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể trong quá trình đấu tranh giữ gìn, xây
dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở Khu 8 - Trung Nam Bộ.
- Những đặc trưng sáng tạo trong phong trào Đồng Khởi ở Khu 8 những năm
1959 - 1960.

10


3.2 Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian là quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng và tiến tới Đồng Khởi ở
Khu 8 - Trung Nam Bộ từ năm 1954 đến năm 1960, cụ thể là từ sau khi Hiệp định
Genève có hiệu lực (21/7/1954) đến thắng lợi vang dội của Cao trào Đồng Khởi nổ
ra trong toàn Khu những năm 1959 – 1960.
- Về không gian là địa bàn Khu 8 - Trung Nam Bộ trong địa giới hành chính
thời chiến tranh, và nay bao gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre
và An Giang.

4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu sử dụng
4.1 Về phương pháp nghiên cứu
Để nghiên cứu đề tài luận văn này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau:
- Phương pháp chung: chúng tôi khi nghiên cứu đề tài đã vận dụng những
phương pháp và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sử
dụng hai phương pháp nghiên cứu chung và quan trọng là phương pháp lịch sử và
phương pháp lôgic trong đề tài nghiên cứu của mình.
+ Phương pháp lịch sử là nhằm phục dựng lại quá trình đấu tranh giữ gìn, bảo
vệ, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở Khu 8 - Trung Nam Bộ trong giai

đoạn từ 1954 - 1960 cũng như khái quát diễn tả lại diễn tiến của Cao trào Đồng Khởi
ở Khu 8 những năm 1959 - 1960.
+ Phương pháp lôgic là đi vào phân tích đánh giá những nét sáng tạo độc đáo
của quân và dân Khu 8 trong quá trình đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển lực
lượng cách mạng để tiến tới Đồng Khởi năm 1960. Đồng thời, qua đó rút ra những
bài học kinh nghiệm quý báu mà Khu 8 đã sáng tạo ra trong thực tiễn đấu tranh cách
mạng giai đoạn lịch sử từ 1954 -1960.
- Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp
điền giả, liên ngành, sưu tầm, thống kê, so sánh, phân tích, đánh giá tư tiệu... nhằm
phục vụ cho việc nghiên cứu luận văn có chiều sâu và khái quát được vấn đề nghiên
cứu.

11


4.2 Về nguồn tư liệu
Luận văn đã sử dụng các nguồn tư liệu sau:
- Những công trình tác phẩm nghiên cứu đầu tiên, tiêu biểu về Khu 8 - Trung
Nam Bộ đã tạo nền tảng lớn giúp chúng tôi tìm hiểu đề tài một cách đầy đủ khái quát
từ đó đi sâu vào phân tích nghiên cứu bổ sung đầy đủ và sâu sắc hơn những vấn đề
đặt ra trong đề tài luận văn của mình.
- Hồi kí của những vị đã từng lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng chống Mỹ
trong những năm đầu ở Khu 8, tiêu biểu là các đồng chí Nguyễn Minh Đường,
Nguyễn Thị Định, Lê Minh Đào...đã góp phần rất lớn cho chúng tôi thực hiện tốt
luận văn này.
- Nguồn tài liệu từ các bài viết trên các tạp chí như Tạp chí Thông tin Khoa
học Xã hội, Tạp chí Văn thư Lưu trữ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Lịch sử
Đảng..., các hồi kí của các tác giả trong nước viết về Khu 8 - Trung Nam Bộ trong
giai đoạn lịch sử này.
- Nguồn tài liệu từ các kho lưu trữ đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II,

từ các Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh của các tỉnh Đồng Tháp, Long
An, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang viết về lịch sử đấu tranh cách mạng ở mỗi địa
phương thuộc Khu 8 - Trung Nam Bộ.
- Ngoài ra, chúng tôi còn tìm đọc và khai thác tham khảo các tài liệu có chọn
lọc từ các bài viết, các trang tạp chí được đăng trên các website trên Internet có liên
quan đến đề tài nghiên cứu.

5. Đóng góp của luận văn
Đề tài “Quá trình đấu tranh giữ gìn lực lượng tiến tới Đồng Khởi ở Khu 8 Trung Nam Bộ (1954 - 1960)” góp phần làm sáng tỏ thêm quá trình đấu tranh anh
dũng bất khuất của quân và dân Khu 8 - Trung Nam Bộ trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ - ngụy cứu nước trường kì.
Luận văn đã phục dựng lại quá trình đấu tranh giữ gìn, xây dựng và phát triển
lực lượng cách mạng cũng như Cao trào Đồng Khởi nổ ra trong toàn Khu 8 những
năm 1959-1960.

12


Phân tích những nét sáng tạo độc đáo trong quá trình đấu tranh giữ gìn lực
lượng, góp phần lý giải vì sao Cao trào Đồng Khởi đã nổ ra sớm hơn và giành được
những thắng lợi vang dội trong toàn Khu 8 so với những nơi khác và là điển hình của
phong trào Đồng Khởi toàn miền Nam.
Luận giải những bài học kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn đấu tranh cách
mạng mà khu Trung Nam Bộ đã sáng tạo ra trong quá trình đấu tranh giữ gìn lực
lượng cách mạng cũng như trong Cao trào Đồng Khởi nổ ra thắng lợi đồng loạt trong
toàn Khu những năm 1959 - 1960.

6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phần phụ lục, Luận văn
gồm có 3 chương như sau:

Chương 1: Khái quát về Khu 8 - Trung Nam Bộ và tình hình nhiệm vụ mới
sau Hiệp định Genève
Chương 2: Đấu tranh giữ gìn lực lượng cách mạng ở Khu 8 - Trung Nam Bộ
sau Hiệp định Gèneve (1954 - 1958)
Chương 3: Xây dựng và phát triển lực lượng tiến tới Đồng Khởi trong toàn
Khu 8 - Trung Nam Bộ (1959 – 1960)

13


CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ KHU 8 – TRUNG NAM BỘ VÀ
TÌNH HÌNH NHIỆM VỤ MỚI SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE
1.1 Vị trí địa lý, thiên nhiên và con người Khu 8 – Trung Nam Bộ
Khu 8 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (nay thuộc địa bàn 5 tỉnh: Long
An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang), địa hình phần lớn là đồng bằng,
chỉ trừ An Giang ở miền Thất Sơn có một số đỉnh núi mọc lên để tô điểm thêm cho
một vùng đất đã được dòng Cửu Long hiền hòa vung đắp thành một vùng đồng bằng
rộng lớn trù phú tốt tươi. Nghề nông giữ vai trò quan trọng trong đời sống của cư
dân nơi đây. Là vùng có khí hậu cận xích đạo (mưa nhiều, nắng nóng) nên thuận lợi
cho phát triển ngành nông nghiệp đặc biệt là phát triển trồng lúa nước và cây lương
thực. Lúa trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang.
Ngày nay, các tỉnh thuộc Khu 8 là nơi sản xuất, xuất khẩu lương thực (lúa gạo) lớn
nhất của miền Nam và cả nước. Khu 8 là nơi hội tụ sinh sống, cộng cư của các dân
tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Trong đó người Kinh chiếm đa số. Trung Nam Bộ là
một vùng kinh tế có nhiều tiềm năng hàng năm đã đóng góp to lớn vào sự phát triển
kinh tế của cả nước.
Ở một vị trí đặc biệt quan trọng, Khu 8 được xem là bản lề nằm giữa miền
Đông và miền Tây Nam Bộ, nằm về phía Tây Nam của thành phố Sài Gòn, ở giữa
vùng đất Nam Bộ Việt Nam. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Khu 8 chính
thức được thành lập cùng với các khu khác ở miền Nam. Khu 8 phía Đông giáp với

biển Đông với chiều dài gần 100 km, phía Tây Bắc là biên giới giáp với Campuchia
dài gần 300 km, phía Đông Bắc và Tây Nam giáp với hai khu 7 và 9 (thuộc miền
Đông và miền Tây Nam Bộ).
Ngược dòng lịch sử thời triều Nguyễn, nơi đây từng là địa bàn hai tỉnh Định
Tường và An Giang của Lục tỉnh Nam Kỳ. Đến thời thời Pháp đô hộ, cho đến năm
1951, nơi đây là địa bàn của các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh
Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc. Từ năm 1951 đến năm 1954,
Trung ương giải thể các Khu 7, 8, 9, thành lập hai Phân liên khu miền Đông và miền

14


Tây Nam Bộ, địa bàn Khu 8 nằm trong các tỉnh Mỹ Tân Gò, Long Châu Sa của Phân
liên khu miền Đông và trong các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Trà, Long Châu Hà của Phân
liên khu miền Tây.
Từ sau năm 1954, hai Phân liên khu của Nam Bộ giải thể, thành lập 4 khu là:
miền Đông, miền Trung, miền Tây và Sài Gòn - Chợ Lớn. Khu 8 (miền Trung Nam
Bộ) gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc. Các
tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh thuộc khu miền Tây. Sau Hội nghị Xứ ủy Nam
Bộ cuối năm 1956, tỉnh Bến Tre của miền Tây cùng với tỉnh Chợ Lớn của miền
Đông được chuyển cho miền Trung. Đầu năm 1957, Mỹ - Diệm chia lại ranh giới các
tỉnh thì Khu 8 gồm: Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho, An Giang và Bến
Tre.
Năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, thành phố
Mỹ Tho và huyện Gò Công của tỉnh Mỹ Tho được tách ra thành hai đơn vị cấp tỉnh.
Tỉnh Long An được giao về Miền. Cho đến năm 1973, Long An mới trở lại với Khu
8. Đến năm 1974, hai tỉnh An Giang và Kiến Phong giải thể. Vùng đất hữu ngạn
sông Hậu của An Giang chuyển cho Khu 9 (miền Tây Nam Bộ). Phần còn lại của hai
tỉnh cộng với phần đất Nam Sa Đéc do Khu 9 giao lại lập thành hai tỉnh mới là tỉnh
Long Châu Tiền và tỉnh Sa Đéc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Khu 8

(miền Trung Nam Bộ) giải thể, trở thành địa bàn của 5 tỉnh: Tiền Giang, Long An,
Bến Tre, Đồng Tháp và An Giang ngày nay.
Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Khu 8 - Trung Nam Bộ là nơi “có mật độ dân
số cao, nhân dân đa số là người Kinh. Vào năm 1954, khi Hiệp định Genève được ký
kết, dân số toàn Khu ước khoảng 2 triệu người. Đến khi giải phóng miền Nam, dân
số khoảng 4 triệu người. Dân tộc ít người có: người Khơme, người Chăm và người
Hoa, tổng cộng xấp xỉ 8 vạn người. Đây là miền đất có nhiều tôn giáo. Phật giáo Hòa
Hảo có nhiều tín đồ nhất, chiếm 1/4 dân số toàn Khu” [30; tr.6]. Các tôn giáo có số
tín đồ khá đông là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài . Ngoài ra còn có
nhiều phái đạo nhỏ, mỗi phái có vài chục, vài trăm, vài nghìn tín đồ. Vùng có nhiều
tín đồ tôn giáo là các tỉnh An Giang, Kiến Phong, Sa Đéc (nay là hai tỉnh An Giang

15


và Đồng Tháp).
Khu 8 - Trung Nam Bộ được biết đến là vùng nông thôn đồng bằng, địa hình
trống trải, nhiều bưng trắp, sông rạch, kênh đào chằng chịt. Khu vực phía Tây có ít
đồi núi thấp. Khu vực phía Đông và Nam là nơi tập trung dân cư đông đúc, kinh tế
dồi dào, ruộng vườn phì nhiêu. Đó là vùng hạ lưu của hai con sông Cửu Long và
Vàm Cỏ. Còn khu vực phía Bắc, chiếm gần một nửa diện tích, là vùng Đồng Tháp
Mười mênh mông, dân cư thưa thớt, mùa nắng thì đồng khô cỏ cháy, kênh rạch dậy
phèn, mùa mưa thì nước từ thượng nguồn các sông Cửu Long, Vàm Cỏ tràn vào,
ngập sâu mênh mông, đưa một lượng lớn phù sa bồi đắp phì nhiêu. Quốc lộ 4, kênh
Chợ Gạo là hai đường vận chuyển chiến lược nối Sài Gòn với miền Tây xuyên qua
Khu 8 và cùng với những con sông, rạch lớn nhỏ thuộc hệ Cửu Long, Vàm Cỏ chia
cắt Khu 8 thành những vùng riêng biệt.
Người dân Khu 8 - Trung Nam Bộ tuyệt đại bộ phận là nhân dân lao động cần
cù, chăm chỉ, bị bọn địa chủ, thực dân đế quốc áp bức, bóc lột nên giàu tinh thần
quật khởi và đoàn kết; cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu. Khi thực

dân Pháp mới xâm lược nước ta, địa bàn Khu 8 là nơi có phong trào chống Pháp rất
sôi nổi với các phong trào của Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực,
Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Dương, Phan Tôn, Phan Liêm, v.v. Từ những năm 30, Khu
8 là nơi các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy
Nam Kỳ hoạt động và có ảnh hưởng rộng lớn. Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm
1940, lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập sau này, lần đầu tiên
xuất hiện ở xã Long Hưng, tỉnh Mỹ Tho.
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kì tạo tiếng vang, phong trào cách mạng ở các tỉnh
Khu 8 tạm lắng dịu bởi các hoạt động khủng bố đàn áp khốc liệt của chủ nghĩa phát
xít và thực dân. Nhưng đến đầu năm 1943, phong trào cách mạng ở nơi đây được
phục hồi, phát triển lớn mạnh và tạo tiền đề quan trọng tiến tới Cách mạng Tháng 8
năm 1945 thắng lợi.
Hòa cùng với miền Nam và cả nước, Cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm
1945 ở các tỉnh mà sau này thuộc Khu 8 đã diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ: Ở thị xã Tân

16


An, chiều ngày 21/8/1945, toàn bộ công sở, dinh cơ, trại lính, kho bạc, công xưởng,
nhà máy điện, nhà máy nước...đã về tay cách mạng. Cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng
phấp phới tung bay trên các dinh thự, đường phố. Sáng ngày, 22/8/1945, 4000 người
với tầm vông, giáo mác, mang dấu hiệu cờ đỏ sao vàng ở tỉnh lỵ và từ các quận Châu
Thành, Thủ Thừa đổ về sân banh tham gia cuộc míttinh chào mừng cách mạng thành
công [10; tr.139]. Khởi nghĩa Tân An thành công đã trở thành phát pháo lệnh khởi
nghĩa trên khắp 20 tỉnh còn lại của Nam Bộ. Đúng như cố giáo sư Trần Văn Giàu đã
từng nói: “Tân An đi tiên phong trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam Bộ” [10;
tr.140].
Ngày 22/8/1945, ở Hồng Ngự (tỉnh Sa Đéc) hơn 2000 đồng bào thuộc các xã
ven thị trấn (Bình Thạnh, Tân Hội, Thường Lạc, Tân Huề, An Long...) với tầm vông
vạt nhọn, giáo mác, cuốc xẻng trên bộ, dưới xuồng tràn vào thị trấn cùng đồng bào

ngoại ô và Thanh niên Tiền phong xông vào dinh quận buộc quận trưởng ra lệnh đầu
hàng [102; tr.337]. Và ngay sau đó, trước sức mạnh của quần chúng, quận trưởng đã
phải chấp nhận đầu hàng. Đến chiều ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở các địa
phương trong tỉnh đã thành công. Toàn bộ tỉnh Sa Đéc, quận Hồng Ngự và cù lao
Tây (thuộc tỉnh Châu Đốc), tổng Phong Thạnh Thượng (quận Chợ Mới, tỉnh Long
Xuyên), vùng Mỹ An, Thanh Mỹ...(quận Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho) dưới sự lãnh đạo trực
tiếp của các Đảng bộ địa phương và Mặt trận Việt Minh nhân dân đã giành được
chính quyền về tay mình. Ủy ban Cách mạng lâm thời ở tỉnh, các quận, các xã lần
lượt được thành lập để điều hành và quản lý xã hội [22; tr.7].
Ở tỉnh Châu Đốc, quần chúng nhân dân đã nổi dậy cướp chính quyền, đến
rạng sáng ngày 26/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi. Và đến ngày 27 và 28/8 hai huyện
còn lại là Tịnh Biên, Tri Tôn khởi nghĩa đã giành thắng lợi.
Ở các xã thuộc huyện Mỏ Cày (Bến Tre), từ ngày 24/8/1945, lực lượng khởi
nghĩa đã nổi dậy chiếm các trụ sở xã, giải tán tề, giành chính quyền và thôi thúc các
nơi khác trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền [14; tr.69]. Đến ngày 26/8/1945, khởi
nghĩa ở tỉnh Bến Tre đã giành thắng lợi và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bến Tre
đã ra mắt đồng bào.

17


Ở tỉnh Mỹ Tho, đêm 24/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi. Tỉnh ủy tổ chức cuộc
họp tại Tòa bố Mỹ Tho để xác định cơ cấu chính quyền nhân dân của tỉnh, triển khai
ngay việc tổ chức míttinh lớn tại sân vận động Mỹ Tho, để chào mừng thắng lợi của
cách mạng và ra mắt chính quyền của nhân dân. Sáng ngày 25/8, một cuộc míttinh
lớn gồm hơn 30.000 người từ các quận đổ về sân vận động Mỹ Tho để chào mừng
cách thắng lợi và chứng kiến lễ ra mắt của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Có thể thấy, Cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các tỉnh thuộc Khu 8
đã diễn ra với khí thế mạnh mẽ, sôi nổi và giành được thắng lợi lớn. Chính quyền
cách mạng đã về tay nhân dân. Quân dân các tỉnh phấn khởi vui mừng. Nhưng niềm

vui ấy chưa lâu, quân dân nơi đây lại phải tiếp tục đương đầu với khó khăn hơn trước
gấp bội lần và chuẩn bị bước vào một cuộc đấu tranh mới - cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược trở lại.

1.2 Khu 8 – Trung Nam Bộ đấu tranh và xây dựng trong kháng chiến
chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Ngày 23/9/1945 khi thực dân Pháp tấn công Sài Gòn mở đầu cho công cuộc
xâm lược trở lại ở Việt Nam thì cũng là lúc Nam Bộ nói chung và Khu 8 - Trung
Nam Bộ nói riêng anh dũng đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lăng.
Nằm ở một vị trí chiến lược quan trọng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế của cả
vùng Nam Bộ, Khu 8 - Trung Nam Bộ trở thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta với
địch trong suốt cuộc kháng chiến trường kì 9 năm. Trong cuộc kháng chiến chống
Pháp, Khu 8 - Trung Nam Bộ hòa cùng cả nước anh dũng, kiên cường, bất khuất,
bám trụ tiêu diệt kẻ thù xâm lược cho đến những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi nơi
đây.
Trước tình thế đẩy mạnh chiến tranh leo thang lan rộng của Pháp, đầu tháng
10 năm 1945 tại Mỹ Tho, tỉnh ủy Mỹ Tho họp hội nghị với sự tham dự của Tôn Đức
Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Dương Khương, Nguyễn Văn Tiếp, hội nghị đã
thành lập Ủy ban Kháng chiến tỉnh, củng cố lực lượng vũ trang, rút lực lượng vũ
trang và vận động nhân dân ra khỏi thành phố, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến” đồng
thời chủ trương xây dựng căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười.

18


Ngày 25/10/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ đã họp tại Thiên Hộ (Cái Bè, Mỹ
Tho) chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Hội nghị đã quyết định gấp rút xây
dựng lực lượng, lấy du kích chiến tranh là chủ yếu, trừ gian, khôi phục chính quyền
bị tan vỡ... Thực hiện theo Nghị quyết của Xứ ủy và Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng
chiến Nam Bộ, quân dân Khu 8 - Trung Nam Bộ chủ trương xây dựng và phát triển

lực lượng chuẩn bị chống giặc.
Ngày 10/12/1945, Hội nghị Quân sự họp ở ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc
Đức Hòa (Long An). Tại Hội nghị lịch sử này đã quyết định phân chia Nam Bộ
thành 3 khu: khu 7, khu 8 và khu 9. Lúc này Khu bộ trưởng Khu 8 là Đào Văn
Trường. Tháng 2 năm 1946, các đồng chí lãnh đạo của khu 8, khu 9 họp liên tỉnh ở
Rạch Giá và đã chủ trương bám trụ địa bàn, dựa vào dân đánh du kích, rút lực lượng
ra Nam Trung Bộ để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ để trở về chiến đấu. Tháng 3
năm 1946, Trần Văn Trà theo gợi ý của Lê Duẩn trở về Đồng Tháp Mười để xây
dựng lực lượng. Sau khi đi các tỉnh Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn nắm tình hình Trần
Văn Trà đã triệu tập hội nghị và quyết định: thống nhất lực lượng các tỉnh lại để xây
dựng Khu 8 do Trần Văn Trà làm khu bộ trưởng, xây dựng căn cứ Đồng Tháp Mười
thành căn cứ của khu và giao cho Nguyễn Văn Trí phụ trách việc xây dựng. Sau đó
Nguyễn Văn Trí tiến hành nghiên cứu địa hình lập sơ đồ và chọn gò Bắc Chan làm
căn cứ. Bắc Chan thuộc xã Tuyên Thạnh cách thị trấn Mộc Hóa 4 km.
Có thể thấy, từ cuối tháng 10 năm 1945 đến cuối tháng 4 năm 1946 thì song
song với hành động của thực dân Pháp là đẩy mạnh mở rộng phạm vi chiếm đóng ra
toàn Nam Bộ nói chung và Khu 8 - Trung Nam Bộ nói riêng thì quân và dân Khu 8 Trung Nam Bộ nỗ lực cố gắng bảo toàn lực lượng, tập trung xây dựng căn cứ kháng
chiến, bám trụ tiêu diệt kẻ thù xâm chiếm mở rộng. Chiến Khu 8 đã được thành lập,
lực lượng vũ trang được củng cố, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng
chiến của quân dân Khu 8 bước sang một thời kì đấu tranh mới với niềm tin tất thắng
ở tương lai.
Thực dân Pháp sau khi đã chiếm được các thị xã của các tỉnh trong Khu 8
chúng thiết lập hệ thống đồn bót, căn cứ quân sự, xây dựng một hệ thống đồn bót

19


dày đặc, thiết lập hệ thống kiềm chế quân sự, tiến hành tuyển thêm quân, tay sai lôi
kéo các thành phần phản động trong các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo để tăng cường
hệ thống chính quyền xâm lược, tổ chức lực lượng vũ trang phản động cho công

cuộc bình định của chúng. Phong trào cách mạng của nhân dân Khu 8 - Trung Nam
Bộ đứng trước một tình thế nguy hiểm và khó khăn nghiêm trọng. Địch kiểm soát
hầu hết các vùng trọng yếu của ta, vùng giải phóng bị thu hẹp dần, chúng tiến hành
khủng bố tiêu diệt lực lượng cách mạng và nhân dân rất dã man. Trong tháng 7 năm
1946, quân Pháp đánh chiếm Mộc Hóa, sau khi căn cứ của Đồng Tháp Mười là Mộc
Hóa bị chiếm đóng, Bộ Tư lệnh Khu 8 đã quyết định rời căn cứ về kênh Dương Văn
Dương.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả nước bước vào cuộc
kháng chiến và chiến đấu chia lửa với chiến trường Nam Bộ. Khu 8 cùng với Nam
Bộ bước vào cuộc kháng chiến thần thánh để bảo vệ độc lập, tự do. Chiến Khu 8 mà
đặc biệt là Đồng Tháp Mười đã trở thành trung tâm của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền của toàn Nam Bộ được hình thành là đứng
chân ngay tại trung tâm Đồng Tháp Mười. Bộ Tư lệnh Khu 8 về đóng dọc kênh
Dương Văn Dương sau ở Nhơn Ninh (kênh Năm Ngàn), ở Tân Hòa (kênh Cà Nhíp),
quân xưởng Khu 8 được xây dựng ở Cây Vông, bệnh viện Nam Bộ ở Tháp Mười,
Tỉnh ủy Tân An ở Long Ngãi Thuận và đúng như các đồng chí lãnh đạo của Xứ ủy
đã nói: “Cả Nam Bộ đều có mặt ở Đồng Tháp Mười” [102; tr.346].
Bước sang năm 1947, Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp cho rằng Nam Bộ
là “cái nút” của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh nhằm kết thúc cuộc chiến tranh
xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng quyết tâm bình định xong Nam Bộ trong năm
1947. Trước tình thế đó, Xứ ủy Nam Bộ đã ra chỉ thị cho các khu là: “Mở rộng và
phát triển chiến tranh du kích lên một bước mới, đẩy mạnh đánh địch khắp các mặt
trận, mở rộng tổng tấn công, quấy rối, phong tỏa, phá hoại, góp phần phá cuộc tiến
công địch trên các chiến trường” [102; tr.347].
Chấp hành Chỉ thị đó thì việc xây dựng và chiến đấu bảo vệ căn cứ Đồng
Tháp Mười - trung tâm của cuộc kháng chiến Nam Bộ trở thành nhiệm vụ hết sức

20



quan trọng của toàn quân dân trong Khu 8 lúc bấy giờ. Để thực hiện tốt Chỉ thị quan
trọng đó, quân dân các địa phương trong toàn Khu 8 đã quyết tâm thực hiện thành
công. Cụ thể tại Hồng Ngự, các du kích chiến tranh phát triển mạnh, mỗi xã xây
dựng được một tiểu đội du kích tập trung. Phong trào đắp cản phát triển điều khắp.
Tại vùng căn cứ thuộc 4 xã Bình Thành, Tân Hộ Cơ, Tân Thạnh, Thông Bình quần
chúng bắt cầu tre qua bưng Sa Rài để tiện việc đi lại. Có thể nói cán bộ, quân và dân
ở Hồng Ngự đã trở thành pháo đài kháng chiến trên đồng nước Tháp Mười.
Ở Mỹ Tho, Bộ Tư lệnh Khu 8 chỉ đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang vừa
tiến công bứt rút đồn bót nằm trong chiến khu Đồng Tháp Mười, vừa bung ra vùng
ven và dọc các trục lộ giao thông tấn công tiêu diệt địch. Ngày 14/1/1947, trung đội
quốc vệ đội của tỉnh phục kích diệt gọn một trung đội địch có hai tên Pháp chỉ huy
đang tuần tra ở Giồng Đình, giết chết 37 tên địch [102; tr.347].
Ở Mộc Hóa và các huyện của Tân An vào đầu năm 1947, cơ quan huyện đội
chính thức được thành lập. Tháng 1 năm 1947 trung đội du kích tập trung huyện
đánh tan một toán cướp có vũ trang tại Cây Cám Bàu Ma (Thạnh Trị). Bọn còn lại
chạy về Đức Huệ du kích kịp thời báo cho Chi đội 14 chặn đánh, thu hơn 30 súng.
Du kích huyện đã kết hợp với du kích xã và ấp tuần tra canh gác, bao vây đồn
địch[102; tr.349].
Trong năm 1947, quân dân Khu 8 đã giành được những chiến thắng lớn trong
các trận đánh như trận Cổ Cò (Cái Bè, Mỹ Tho) ngày 22/1/1947 do Nguyễn Hữu
Xuyến chỉ huy Chi đội 18 gồm 3 đại đội phối hợp với học viên trường Quân chính
Khu 8, phục kích giao thông đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn Néon (một tiểu đoàn
hùng mạnh của Pháp) đang trên đường hành quân về Sài Gòn sau cuộc càn quét dài
ngày ở Chợ Mới (Long Châu Tiền), trong trận này ta đã “diệt 170 tên, bắt 15 tên,
trong đó có trung quý Bernard người Đức, phá hủy 14 xe quân sự, thu trong đó có 8
xe thiết giáp, thu trên 100 súng” [103; tr.378].
Trận Giồng Dứa (Mỹ Tho), ngày 24/4/1947 do chính Khu bộ trưởng Khu 8 là
Trần Văn Trà chỉ huy giành thắng lợi lớn. Trong trận này ta đã “diệt 14 xe địch và
lực lượng Pháp hộ tống, trong đó có đại tá chỉ huy Trocard, bắt sống 7 tên, thu nhiều


21


vũ khí và toàn bộ hậu cần. Trong số những người bị ta bắt được có kỹ sư La Fouse,
Đốc phủ Bích, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trương Vĩnh Khánh” [51; tr.58]. Trận thắng
này đã gây chấn động nước Pháp, khiến Chính phủ Pháp phải ra lệnh quốc tang 7
ngày.
Trận Chưn Đùng - Chợ Mới (Long Xuyên): tháng 7 năm 1947, một đoàn vũ
trang tuyên truyền của kháng chiến gồm chi đội hải ngoại 4, Chi đội 18, hai đại đội
của Khu 9 và cán bộ quân dân chính địa phương về hoạt động tại vùng có nhiều
đồng bào Hòa Hảo ở Lấp Vò - Chợ Mới. Trong trận đánh này, ta đã đánh tan rã tiểu
đoàn lính lê dương thuộc binh đoàn thiện chiến của tướng Nyô tại Chưn Đùng, bắt 2
từ binh, thu nhiều chiến lợi phẩm [103; tr.379].
Bước vào Thu Đông 1947, địch có chủ trương rút bớt các đồn bót lẻ ở Nam
Bộ để tập trung lực lượng lớn chuẩn bị tấn công Việt Bắc nên lợi dụng tình thế đó ta
tập trung du kích và lực lượng vũ trang đánh địch tiêu diệt đồn bót mở rộng vùng
giải phóng. Phối hợp với chiến trường Việt Bắc Thu Đông 1947, trên chiến trường
Khu 8 bộ đội và du kích đánh địch nhiều trận diệt đồn, chống càn quét và giao thông
chiến. Đáng chú ý là các trận sau đây: ở Bến Tre, ngày 19/5/1947, hai trung đội của
Chi đội 19 phục kích ở Phú Lễ trên đường Ba Tri - Tân Xuân đã diệt 6 xe địch, thu
gần 100 súng. Tháng 10/1947, Trung đoàn 99 của Khu 8 phối hợp với dân quân du
kích địa phương diệt đồn Kênh Điều, tập kích diệt gần hết tiểu đoàn Âu Phi số 7 do
tướng Nyô chỉ huy ở Băng Tra Chợ Lách (thuộc Mỏ Cày), bức rút hàng loạt đồn bót.
Ở Gò Công, tháng 11/1947, địch huy động một tiểu đoàn lê dương cùng với 14 tàu
đổ bộ tiến công vào Gia Thuận nhằm tiêu diệt Tiểu đoàn 305. Tiểu đoàn trưởng
Nguyễn Văn Sĩ đã chỉ huy Tiều đoàn 305 dàn trận tiêu diệt gần 100 tên thu nhiều
súng. Tại Chợ Gạo (Mỹ Tho), ngày 6/12/1947, Trung đoàn 20 cùng với một tiểu đội
công an đã đánh bại cuộc càn quét của địch và diệt hơn 300 tên [103; tr.383].
Thất bại trong chiến dịch tấn công lên Việt Bắc Thu Đông 1947, Bộ Tham
mưu quân viễn chinh Pháp đưa trở lại chiến trường Nam Bộ nhiều đơn vị cơ động

Âu Phi và tuyên bố “sẽ bình định xong Nam Kỳ vào tháng 6 năm 1948” [102; tr.351].
Quân Pháp mở nhiều cuộc hành quân lớn vào chiến Khu 8 mà đặc biệt là căn cứ

22


Đồng Tháp Mười nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Từ ngày 16-20/12/1947, Xứ ủy lâm thời tiến hành hội nghị nhận định sang năm 1948,
quân Pháp sẽ tập trung đánh phá Nam Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng quanh đô
thị và các trục giao thông, lấn chiếm vùng căn cứ. Vì vậy, Xứ ủy chủ trương ra sức
xây dựng lực lượng vũ trang rộng khắp, đẩy mạnh chống bắt lính, làm tan rã địch,
tăng cường phá giao thông địch, ra sức chiến đấu bảo vệ căn cứ và đường giao thông
vận chuyển của ta.
Đầu năm 1948, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn vào chiến khu Đồng Tháp
Mười. Từ ngày 14 - 18/1/1948, địch huy động bán Lữ đoàn lê dương số 13 gồm 11
tiểu đoàn bộ binh, 1 hải đội và công binh, 3 thiết đoàn, 4 pháo 195 ly mở cuộc hành
quân “Vôga” thực hiện nhảy dù từ trên không và đổ quân từ tàu lên đánh vào Sở Chỉ
huy Bộ Tư lệnh Khu 8 đang đóng ở Giồng A Rặc và Giồng Lớn. Với sự chuẩn bị sẵn
ngay khi quân Pháp nhảy dù vừa chạm đất bộ đội ta đã nổ súng tiêu diệt 90 tên, thu
100 dù, sau đó phân tán bắn tỉa nơi địch trú quân gây cho địch nhiều tổn thất [103;
tr.385]. Ngày 18/1/1948 địch phải chấm dứt cuộc hành quân. Đến ngày 12/2/1948,
địch huy động 2000 quân càn vào khu vực kênh Nguyễn Văn Tiếp và các xã Tân
Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh. Qua 4 ngày chiến đấu ta tiêu diệt 300 tên, thu 1 đại liên,
4 trung liên, 80 súng trường [102; tr.352].
Tháng 6 năm 1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 chủ trương tập trung đánh một trận lớn
nhằm củng cố căn cứ địa và tập dượt cho chủ lực của Khu tỉnh và địa phương phối
hợp chiến đấu lớn. Mặc dù bị quân dân ta đánh đau nhưng quân Pháp vẫn không chịu
từ bỏ âm mưu tấn công đánh phá vào chiến khu Đồng Tháp Mười. Ngày 6/7/1948,
địch dùng cả thủy lục không quân phối hợp đánh sâu vào Ngã 6, Thiên Hộ, Mỹ An,
dùng máy bay oanh tạc và thả quân nhảy dù xuống kênh Năm Ngàn. Trung đoàn 105

được lệnh của Bộ Tư lệnh Khu đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích tổ chức
đánh địch nhiều trận quyết liệt trong suốt 11 ngày ở kênh Một Thước, Hàm Vồ,
Quan Cư ta đã “diệt 10 tên lính, thu hơn 50 súng các loại. Ngày 1/8/1948, quân ta
bắt đầu đánh vào Mộc Hóa. Kết quả là ta đã tiêu diệt gần 100 tên địch, thu được
nhiều súng và quân trang quân dụng của địch” [102; tr.354]. Kể từ đây, Tiểu đoàn

23


×