Tải bản đầy đủ (.pdf) (138 trang)

thế giới nghệ thuật thơ lưu quang vũ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (868.49 KB, 138 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ HỒNG HOA

THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT THƠ
LƯU QUANG VŨ

LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC NGỮ VĂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2003



MỤC LỤC
MỤC LỤC .................................................................................................................3
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................6
1.LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI ............................................................................................... 6
2.LỊCH SỬ VẤN ĐỀ ...................................................................................................... 7
3.PHẠM VI NGHIÊN CỨU ........................................................................................ 12
4.ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI ........................................................................................ 12
5.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................................................................ 13
6.KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN ..................................................................................... 14

Chương 1: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ LƯU QUANG VŨ.15
1.1.QUAN NIỆM VỀ THƠ .......................................................................................... 15
1.1.1.Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phui trước ....................... 17
1.1.2.Thơ là ô cửa mở tôi tình yêu ............................................................................ 21
1.1.3.Thơ tôi là mây trắng của đời tôi....................................................................... 24
1.2.TỪ QUAN NIỆM THƠ ĐẾN HÌNH ẢNH CON NGƯỜI TRONG THƠ ........... 25
1.2.1.Con người công dân mang đậm chất lý tưởng ................................................. 27


1.2.2.Con người đời thường ...................................................................................... 35
1.2.3.Con người trong cõi mộng và bức chân dung tự họa của nhà thơ ................... 54
1.2.3.1.Con người trong cõi mộng........................................................................ 54
1.2.3.2.Bức chân dung tự họa của nhà thơ .......................................................... 64

Chương 2: NHỮNG NGUỒN CẢM HỨNG LỚN TRONG THƠ LƯU
QUANG VŨ ............................................................................................................70
2.1.CẢM HỨNG VỀ ĐẤT NƯỚC - NHÂN DÂN....................................................... 70

3


2.1.1.Cảm hứng về đất nước trong truyền thống văn hóa - lịch sử .......................... 70
2.1.2.Cảm hứng về đất nước đau thương .................................................................. 76
2.1.2.1.Cảm hứng về đất nước nghèo khó:........................................................... 76
2.1.2.2.Cảm hứng về đất nước đau thương trong khói lửa chiến tranh ............... 79
2.1.3.Cảm hứng về nhân dân - những người làm nên đất nước................................ 84
2.2.CẢM HỨNG VỀ TÌNH YÊU................................................................................. 87
2.2.1.Tình yêu gắn với số phận ................................................................................. 88
2.2.2.Tình yêu với những đam mê và khát vọng ...................................................... 92
2.2.3.Tình yêu và những vẻ đẹp của muôn mặt đời thường ..................................... 95
2.2.3.1.Tình yêu trần thế mà lý tưởng .................................................................. 95
2.2.3.2.Tình yêu và nhân cách .............................................................................. 96

Chương 3: HÌNH ẢNH VÀ GIỌNG ĐIỆU THƠ LƯU QUANG VŨ ...............99
3.1.NHỮNG HÌNH ẢNH QUEN THUỘC VÀ ĐA NGHĨA ...................................... 99
3.1.1.Hình ảnh ngọn gió.......................................................................................... 100
3.1.2.Hình ảnh mưa ................................................................................................. 104
3.1.3.Hình ảnh ngọn lửa.......................................................................................... 107
3.1.4.Hình ảnh con tàu, bức tường, quả chuông ..................................................... 110

3.2.GIỌNG ĐIỆU THƠ LƯU QUANG VŨ .............................................................. 113
3.2.1.Giọng điệu buồn, da diết ................................................................................ 114
3.2.2.Giọng điệu đắm đuối...................................................................................... 121

KẾT LUẬN ...........................................................................................................125
PHẦN PHỤ LỤC .................................................................................................128
I.VÀI NÉT TIỂU SỬ ................................................................................................. 128

4


II.TÁC PHẨM CHÍNH .............................................................................................. 128
Kịch dài ................................................................................................................... 128
Kịch ngắn ................................................................................................................ 133
Các thể loại khác ..................................................................................................... 134

TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................135

5


MỞ ĐẦU

1.LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Lưu Quang Vũ là một con người hội tụ tài năng về nhiều mặt, hầu như ở lĩnh vực
nào trong hoạt động nghệ thuật anh cũng đạt được những thành tựu đáng quý. Thuở bé
anh đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa đồng thời cũng bộc lộ cốt cách của một thi sĩ tài
hoa, đa cảm trong tương lai. Con đường sự nghiệp của anh đã khởi đầu từ thơ và kết thúc
rất thành công ở kịch. Bên cạnh đó, "như một chiếc cầu nối giữa thơ và kịch", truyện
ngắn của anh đã tạo được nét riêng, để lại những dư vị khó quên trong lòng người đọc.

Để có được vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, tạo được dấu ấn
trong lòng độc giả như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua một quá trình lao động nghệ
thuật quên mình với một năng lực và tốc độ làm việc phi thường. Những kết quả mà anh
đạt được thật đáng khâm phục khi biết bao khó khăn của đời sống riêng và chung liên
tiếp chồng chất lên cuộc sống của anh. Nhưng vượt lên tất cả anh đã khẳng định mình,
khẳng định một bản lĩnh sống vững vàng và mạnh mẽ.
Sinh thời Lưu Quang Vũ vẫn thường quan niệm: "Thơ và kịch rất gần nhau. Đó là
hai thể loại lớn của văn học, là cuộc sống và thế giới tinh thần của con người được biểu
hiện ở dạng tinh chất nhất, mạnh mẽ nhất, tuy nghệ thuật của chúng có những điểm khác
biệt" [18, 143]. Mặc dù kịch là nơi đã đưa Lưu Quang Vũ đến vinh quang nhưng theo
như nhiều người thì thơ mới là nỗi đàm mê lớn nhất, là nơi anh ký thác nhiều nhất. Anh
thường nói với bạn bè là anh thích làm thơ hơn viết kịch, rằng thành công của thơ thường
mang cho anh niềm vui lâu hơn kịch, thậm chí anh có thể đổi tất cả chỉ để có được một
bài thơ hay. Điều đó có lẽ vì thơ là một thể loại bộc lộ sâu sắc diện mạo tâm hồn của con
người, nhất là những con người đa tài, đa cảm như anh. Thơ là một thể loại hợp với "cái
tạng" của anh hơn cả. Và trên thực tế, nhiều bài thơ của anh đã vượt qua được sự sàng lọc
khắc nghiệt của thời gian.

6


Nghiên cứu về "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" sẽ góp phần khẳng định
tài năng của anh trong lĩnh vực thơ ca, làm sống lại tâm hồn chân thực, luôn trăn trở về lẽ
sống, về con người, về tình yêu nơi anh, một tâm hồn tiêu biểu cho một thế hệ trong giai
đoạn hào hùng nhưng cũng đầy khó khăn, gian khổ của đất nước. Và đó cũng là thái độ
trân trọng của người viết đối với di sản của người nghệ sĩ tài hoa và đa cảm này.

2.LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Sự nghiệp mà Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta rất phong phú, gồm hàng trăm bài
thơ, vài chục truyện ngắn và trên năm mươi vở kịch cùng nhiều bài báo, bài viết về sân

khấu và chân dung diễn viên. Trong đó, thơ là lĩnh vực anh thử bút sớm nhất. Năm 1968,
khi mới 20 tuổi, anh đã cùng Bằng Việt xuất bản tập thơ đầu tay, đó là tập "Hương cây Bếp lửa". Sau khi anh mất các tập thơ "Mây trắng của đời tôi", "Bầy ong trong đêm
sâu" lần lượt được ra mắt bạn đọc.
Có thể nói bên cạnh hàng loạt những vở kịch từng gây tiếng vang lớn trong dư luận,
thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng thì sự xuất hiện các tập thơ của anh, dù
không ồn ào nhiửig nó lại có sức quyến rũ lớn. Chúng như những thỏi nam châm cuốn
hút người đọc, càng đọc càng say mê. Qua thơ người đọc phát hiện ra một Lưu quang Vũ
khác, một Lưu Quang Vũ không chỉ mạnh mẽ đến quyết liệt trước những vấn đề của đời
sống xã hội mà còn rất sâu sắc, tinh tế trong những cảm nhận về thế giới vi mô của con
người. Thơ Lưu Quang Vũ đã thể hiện sâu sắc diện mạo tâm hồn anh cũng như mọi sự
được mất trong cuộc đời anh. Vũ Quần Phương đã nhận xét một cách sâu sắc về anh:
"Đọc thơ anh có cảm giác anh viết kịch để sống với mọi người và làm thơ để sống với
riêng mình" [20, 34]. Thơ và kịch, hướng nội và hướng ngoại là hai mặt gắn bó hài hòa,
làm nên diện mạo hoàn chỉnh của một con người nơi Lưu Quang Vũ.
Thơ Lưu Quang Vũ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn
học nổi tiếng như: Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Vũ Quần Phương, Phong Lê, Vương Trí
Nhàn, Huỳnh Như Phương,... và cả các nhà thơ cùng thời khác như Phạm Tiến Duật, Anh
Ngọc,... Tất cả đều đánh giá cao tài năng của anh, thể hiện sự ưu ái đối với những vần thơ
chan chứa tình đời, tình người nơi anh, bày tỏ sự đồng cảm trước những vần thơ đầy suy
7


tư, dằn vặt về số phận, về cuộc đời của anh, cả sự trân trọng đối với những vần thơ "viển
vông cay đắng u buồn" nơi anh... Bên cạnh sự khẳng định ngợi khen thì cũng có một vài
nhận xét về những hạn chế trong thơ của anh, chủ yếu là ở những bài thơ đầu tay. Hiện
nay những bài viết này đều được Lưu Khánh Thơ tập hợp lại trong quyển "Lưu Quang
Vũ- Tài năng và lao động nghệ thuật", hay trong quyển "Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ,
tình yêu và sự nghiệp".
Bài viết đầu tiên về thơ Lưu Quang Vũ là bài "Một cây bút trẻ nhiều triển vọng"
của Hoài Thanh. Ở đây, chỉ qua những bài thơ đầu tay của Lưu Quang Vũ, nhà phê bình

văn học nổi tiếng này đã nhận ra tâm hồn thi sĩ tài hoa nơi anh và chỉ ra chiều hướng phát
triển của thơ anh. Bên cạnh cảm xúc tươi vui, trong trẻo của một chàng trai mới bước
chân vào cuộc sống chiến đấu, Hoài Thanh còn nhận ra sự già dặn trong suy nghĩ, cảm
xúc của anh so với những người cùng trang lứa. Ông tỏ ra rất thích thú trước những bài
thơ chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc sống chiến đấu, lao động của anh.
Hoài Thanh còn tìm ra nét bản chất trong thơ anh đó là: buồn và đắm đuối. Bên cạnh việc
nêu lên những thành công nhất định về nghệ thuật, ông còn chỉ ra sự non nớt, ngập ngừng
trong thơ anh. Nhưng suy cho cùng đó là điều không tránh khỏi của một thi sĩ mới bước
chân vào làng thơ.
Khi tập thơ đầu tay "Hương cây - Bếp lửa" (in chung với Bằng Việt) của Lưu
Quang Vũ ra đời, Lê Đình Kỵ đã viết bài "Hương cây - Bếp lửa, đất nước và đời ta" nêu
lên những nhận xét, đánh giá chung về tập thơ. Tác giả tỏ ra rất tâm đắc trước những bài
thơ Lưu Quang Vũ viết về thiến nhiên. Tình yêu thiên nhiên âm thầm, sâu sắc trong thơ
anh đã được nâng lên thành tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh việc khẳng định
những thành công của tập thơ, ông còn nêu lên nhược điểm chung là thiếu chiều sâu và
sức khái quát trước những vấn đề lớn, "giàu cảm xúc mà ít chất suy nghĩ" [20, 28].
Trong lời bạt cho tập thơ "Bầy ong trong đêm sâu" với tựa đề "Những bài thơ
"viển vong cay đắng u buồn" viết trong những năm chiến tranh", Vương Trí Nhàn đã
thể hiện sự cảm nhận sâu sắc về những bài thơ Lưu Quang Vũ viết trong giai đoạn này.
Tác giả nhận xét: "Tiếp nối vào những vần thơ rất mơ mộng, rất trong sáng của anh trong

8


"Hương cây", những vần thơ sau đây sẽ cho thấy một Lưu Quang Vũ khác, Vũ của dằn
vặt, đau xót, lỡ lầm, cô đơn, mà cũng là Vũ muốn vươn lên mọi mệt mỏi, mọi hoài nghi
để sống, để tồn tại. Hai chặng khác nhau nhưng đều là của một con người thống nhất"
[20, 64]. Nguyên nhân tạo nên hai chặng đường khác nhau ấy là do những "đa đoan phức
tạp" của cuộc đời riêng cộng với những khó khăn chung của đất nước. Ở tập thơ này,
Vương Trí Nhàn đặc biệt chú ý đến hình ảnh "Mưa", tác giả viết rằng: "Trong các thi sĩ

cùng thời, Vũ là người nhạy cảm với mưa và thân thuộc với mưa hơn ai hết" [20, 69].
Tác giả còn rất thành thực khi cho rằng dù thơ Lưu Quang Vũ có lạc điệu so với âm điệu
chung của thơ chống Mỹ lúc bấy giờ nhưng vẫn được đông đảo bạn trẻ (trong đó có tác
giả) yêu mến vì nó đã thể hiện một cách trung thực hiện thực tâm trạng của con người lúc
bấy giờ.
Trong bài viết "Những vần thơ thấm đẫm băn khoăn", Huỳnh Như Phương cũng
tỏ ra rất cảm thông và trân trọng đối với những bài thơ Lưu Quang Vũ viết trong giai
đoạn đầy bi kịch riêng và chung của mình. Và cũng như Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như
Phương rất chú ý đến hình ảnh "mưa" trong tập thơ này. Qua thơ Lưu Quang Vũ, tác giả
rút ra nhận xét: "Tâm hồn Vũ là một thể phức hợp của những đối cực và nghịch lý. Thậm
chí có khi anh tự mâu thuẫn với chính mình" [20, 106]. Cuối cùng, tác giả rút ra một nhận
định có tính khái quát như sau: "Lưu Quang Vũ thật sự là một nhà thơ của tuổi trẻ, một
tuổi trẻ luôn băn khoăn, dằn vặt, tra vấn về cuộc đời và tự tra vấn lòng mình" [20, 108].
Ở bài viết "Những bài thơ sống với thời gian", Bích Thu đã thể hiện sự đồng cảm
sâu sắc với những bài thơ buồn mà Lưu Quang Vũ viết trong những năm chiến tranh
khốc liệt nhất. Khi đi sâu vào phương diện "cái tôi" trong thơ anh, tác giả nhận xét: "Ẩn
chứa bên trong cái thể chất thanh xuân của Vũ là một trái tim trải đời, đầy ưu tư, dằn vặt.
Anh luôn luôn chiêm nghiệm, nghiền ngẫm con người và sự đời cả phần ánh sáng lẫn
phần khuất tối..." [20, 103]. Chính những nỗi đau tâm hồn và sự đắng cay nghiệt ngã của
số phận đã giúp anh sáng tác nên những bài thơ sống mãi trong lòng người đọc.
Khi đọc tập thơ "Mây trắng của đời tôi", Vũ Quang Vinh trong bài viết "Đọc Mây
trắng của đời tôi nhớ Lưu Quang Vũ" đã khẳng định Lưu Quang Vũ là một nhà thơ tài

9


năng. Tác giả bài viết nhận xét: "Điều đáng quý nhất ở thơ Lưu Quang Vũ không nằm
trong kỹ xảo, trong khả năng trau chuốt ngôn từ mà chính là một hồn thơ chân thành, da
diết. Sức nói, sức gợi, sức cảm của thơ anh chính bắt nguồn từ đó" [20, 97]. Trong bài
viết này Vũ Quang Vinh còn đề cập đến chủ đề tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ, khẳng

định sự thành công của anh khi viết về đề tài này. Ngoài ra tác giả còn điểm qua một số
bài thơ ghi lại những sinh hoạt đời thường và những bài thơ mang chủ đê rộng lớn khác
của Lưu Quang Vũ.
Bên cạnh những bài viết ghi lại một vài nhận xét, đánh giá về từng tập thơ như trên
thì bài viết "Đọc thơ Lưu Quang Vũ" của Vũ Quần Phương là một bài viết công phu,
cung cấp cho người đọc một cái nhìn tương đối rõ về đời thơ Lưu Quang Vũ. Tác giả đã
điểm qua các chặng đường sáng tác của Lưu Quang Vũ, từ những bài thơ đầu tay trong
"Hương cây" đến những bài thơ viết trong những năm chiến tranh khốc liệt nhất trong
"Cuốn sách xếp lầm trang" cho đến tập "Mây trắng của đời tôi". Mỗi chặng đường thơ
anh, Vũ Quần Phương đều thể hiện một sự cảm nhận tinh tế, sâu sắc với những nhận xét
xác đáng. Qua đó tác giả đã tìm ra nét bản chất trong thơ Vũ đó là sự đắm đuối và giàu
tưởng tượng. Tác giả cho rằng "đắm đuối là bản sắc cảm xúc của Lưu Quang Vũ" [20,
38]. Và cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình khác, Vũ Quần Phương cũng đặc biệt
quan tâm đến những bài thơ buồn, thể hiện sự cô đơn, ưu tư, dằn vặt về số phận, về cuộc
đời mà Lưu Quang Vũ viết trong khoảng những năm đầu 70. Tác giả cho rằng đây là giai
đoạn trưởng thành trong nhận thức của Lưu Quang Vũ và cũng là đỉnh điểm trong nghệ
thuật thơ anh. Ngoài ra Vũ Quần Phương còn đề cập đến cảm hứng dân tộc, cảm hứng về
nhân dân trong thơ Lưu Quang Vũ, khẳng định đây là nguồn cảm hứng bền chắc trong
thơ anh.
Trong bài viết "Tình yêu - đau xót và hy vọng", khi ghi lại những mối tình đã qua
trong cuộc đời của Lưu Quang Vũ, Lưu Khánh Thơ đã rất tinh tế khi phát hiện ra những
dấu ấn cảm xúc trong thơ anh qua mỗi cuộc tình. Trong bài viết này, tác giả đã nhận xét:
"Mỗi người con gái ra đi đã để lại trong lòng anh một vết thương. May sao anh lại chính
là một thi sĩ, nên những nỗi đau ấy đã kết tụ lại thành những bài thơ tình da diết, cháy

10


bỏng". Và "vốn là một người đàn ông tài hoa, đa cảm nên tình yêu và thơ ca luôn luôn là
cứu cánh còn lại trong cuộc đời anh" [20, 59].

Nguyễn Thị Minh Thái trong bài viết "Thơ anh Lưu Quang Vũ", sau khi nêu
những cảm nhận chung về thơ anh đã nhận xét: "Thơ là nơi ẩn náu cuối chót của chàng
thi sĩ buồn này. Thơ với Lưu Quang Vũ là tất cả sự hàm ơn và trang trải riêng tư của tâm
hồn chàng với đời sống" [20, 92].
Đặc biệt trong bài viết "Tam hồn trở gió", Phạm Xuân Nguyên đã đi sâu phân tích
hình ảnh "ngọn gió" trong suốt đời thơ Lưu Quang Vũ. Tác giả cho rằng cuộc đời, con
người và thơ anh có thể ví như ngọn gió: "Bởi như gió, anh phóng túng, tự do. Dám sống
đúngtmình, dám nghĩ đúng mình. Anh không thể yên ổn trong những cái mực thước,
khuôn phép, vừa phải, lừng chừng"[20, 79].
Ngoài ra trong cồn hai bài viết đi vào phân tích, bình giảng bài "Vườn trong phố"
và bài "Và anh tồn tại" của Anh Ngọc và Nguyễn Hoàng Sơn. Qua đó hai tác giả đã phát
hiện ra cái hay, cái đẹp trong từng bài thơ cụ thể và trong hồn thơ Lưu Quang Vũ nói
chung.
Ngoài những bài viết về thơ Lưu Quang Vũ được tập hợp trong "Lưu Quang VũTài năng và lao động nghệ thuật" đã điểm qua ở trên thì trong quyển "Một số gương mặt
văn chương học thuật Việt Nam hiện đại", Phong Lê đã có hai bài viết về Lưu Quang
Vũ. cả hai bài viết đều đánh giá cao tài năng và sức sáng tạo nơi anh. Trong quyển "Xuân
Quỳnh- Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp" còn có hai bài viết của hai nhà thơ cùng
thời với Lưu Quang Vũ, đó là Anh Ngọc và Phạm Tiến Duật. cả hai đều thể hiện những
tình cảm sâu sắc cùng với sự trân trọng đối với những gì mà Lưu Quang Vũ và Xuân
Quỳnh để lại cho chúng ta.
Như vậy qua các bài nghiên cứu, phê bình thơ Lưu Quang Vũ như trên, chúng tôi
thấy rằng các tác giả đã có những đóng góp nhất định trong việc phát hiện ra những đặc
điểm của thơ anh. Nhưng nhìn chung, những bài viết này chỉ mới đi vào tìm hiểu một tập
thơ, hoặc chỉ dừng lại nghiên cứu một khía cạnh, một mặt nào đó trong thơ Lưu Quang

11


Vũ chứ chưa có một công trình nào đi sâu nghiên cứu, khảo sát toàn diện và có hệ thống
về thơ anh, để từ đó rút ra những đặc điểm trong phong cách, nội dung tư tưởng cũng như

nghệ thuật thơ anh,... Vì vậy nghiên cứu về thơ Lưu Quang Vũ vẫn còn là một đề tài mới
lạ, hấp dẫn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học cũng như những người quan tâm,
yêu thích thơ anh.

3.PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Để thực hiện việc nghiên cứu đề tài "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ”
chúng tôi đi vào khảo sát và trích dẫn các tập thơ sau:
- "Hương cây - Bếp lửa" (in chung) - Nxb. Văn học, 1968.
- "Mây trắng của đời tôi" - Nxb. Tác phẩm mới, 1989.
- "Bầy ong trong đêm sâu" - Nxb. Hội nhà văn, 1993.
- "Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ" - Nxb. Văn học, 1994.
- "Lưu Quang Vũ - thơ và đời" - Nxb. Văn hóa thông tin, 1997.
Trong điều kiện và chừng mực nhất định, chúng tôi có thể đối sánh thơ Lưu Quang
Vũ với một so vở kịch của anh, đối sánh thơ anh với thơ của một số tác giả trước, sau
hoặc cùng thời như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật,
Nguyễn Khoa Điềm,... để từ đó rút ra những nét riêng biệt ở thơ Lưu Quang Vũ.

4.ĐÓNG GÓP CỦA ĐỀ TÀI
Tên tuổi của Lưu Quang Vũ được biết đến chủ yếu là nhờ những thành công vượt
trội của anh trong kịch trường. Việc nghiên cứu về "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang
Vũ" sẽ góp phần khẳng định những đóng góp của anh trong lĩnh vực thơ ca, đem đến một
cái nhìn tương đối toàn diện về tài năng nghệ thuật của anh.
Qua nguồn dẫn liệu mà chúng tôi khảo sát, đề tài "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu
Quang Vũ" nhằm mang lại những đóng góp sau:

12


- Luận văn đã tìm hiểu thơ Lưu Quang Vũ trên bình diện của thế giới nghệ thuật,
đây là một cách tiếp cận mới. Trong quá trình tiếp cận "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu

Quang Vũ" người viết xem đó như một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm nhiều phương diện
có mối quan hệ gắn bó biện chứng với nhau. "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ"
trước hết được hình thành từ một quan niệm nghệ thuật nhất quán, từ cách nhìn về con
người và cuộc đời. Trong thế giới ấy nhất thiết phải có hình ảnh của "cái tôi" với những
trạng thái cảm xúc riêng biệt. Và trong quá trình tìm hiểu thơ Lưu Quang Vũ, người viết
nhận thấy chính những nhận thức về đất nước, về con người, về tình yêu, về bản thẩn là
những nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào nơi anh. Điều này đã tạo nên bề dày của "Thế
giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ".
- Trong quá trình nghiên cứu, người viết luôn có ý thức khảo sát, nhận diện thơ Lưu
Quang Vũ một cách có hệ thống.
- Nghiên cứu tác phẩm trong sự thống nhất nội dung và hình thức của nó, người viết
đã cảm nhận được tính độc đáo trong tư duy nghệ thuật cũng như trong nội dung tư tưởng
của Lưu Quang Vũ so với các nhà thơ cùng thế hệ khác.
- Cảm nhận được một giọng điệu riêng và sắc thái thống nhất in đậm cá tính sáng
tạo của người nghệ sĩ ở Lưu Quang Vũ.

5.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trên, người viết vận dụng các phương pháp
nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống: Người viết coi thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang
Vũ là một chỉnh thể toàn vẹn bộc lộ quan điểm thống nhất về thế giới và con người của
tác giả.
- Phương pháp so sánh: Luận văn sử dụng phương pháp này để làm rõ "thế giới
nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ" với những nét độc đáo trong quan niệm về thế giới và
con người, trong những nguồn cảm hứng về đất nước, nhân dân, về chiến tranh, về hạnh
phúc, tình yêu,... Mục đích của phương pháp này là khẳng định những đóng góp đặc sắc

13



của Lưu Quang Vũ so với một số gương mặt thơ khác, xác định tính nhất quán, hệ thống
trong quan niệm nghệ thuật của anh.
- Phương pháp lịch sử - cụ thể: Người viết vận dụng phương pháp này để tìm hiểu
hoàn cảnh lịch sử xã hội với những biến cố ảnh hưởng đến quá trình sống và sáng tạo
nghệ thuật của Lưu Quang Vũ, khiến nhà thơ tạo ra những tác phẩm mang nét độc đáo,
riêng biệt.
Ngoài ra người viết còn sử dụng các phương pháp khác như khảo sát thống kê, phân
tích, chứng minh,...

6.KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
Để tiếp cận "Thế giới nghệ thuật thơ Lưu Quang Vũ", trước tiên người viết trình
bày các quan niệm về thơ của Lưu Quang Vũ và hình ảnh con người được thể hiện trong
thơ anh, xem đó như một tiền đề để đi vào khai thác những nguồn cảm hứng lớn của anh,
ở đây người viết đề cập đến hai nguồn cảm hứng nổi bật trong thơ Lưu Quang Vũ: Cảm
hứng về đất nước - nhân dân và cảm hứng về tình yêu. Qua đó người viết tìm ra những
nét nổi bật trong nội dung cũng như trong nghệ thuật của thơ Lưu Quang Vũ. Để thực
hiện nhiệm vụ này, ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn được tổ chức thành 3
chương như sau:
- Chương 1: Quan niệm nghệ thuật trong thơ Lưu Quang Vũ
- Chương 2: Những nguồn cảm hứng lớn trong thơ Lưu Quang Vũ
- Chương 3: Hình ảnh và giọng điệu thơ Lưu Quang Vũ.

14


Chương 1: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ LƯU
QUANG VŨ
1.1.QUAN NIỆM VỀ THƠ
Thơ là một hoạt động tinh thần rất phong phú và tinh tế trong đời sống của con
người. Mặc dù thơ là một thể loại văn học được sản sinh ra từ rất sớm thế nhưng để tìm

được một định nghĩa đúng đắn và hoàn chỉnh về thơ là một điều không đơn giản. Lý luận
về thơ xưa nay đã có rất nhiều, nó ghi dấu sự trưởng thành trong ý thức nghệ thuật của
nhà thơ, nhưng làm thơ về thơ thì không phải ai cũng có thể làm được. Bởi lẽ, ngoài
những yêu cầu cần có như một bài thơ thông thường thì thơ về thơ còn đòi hỏi nhà thơ
phải có những khám phá mới mẻ, sâu sắc. Trong lịch sử thi ca, những bài thơ nổi tiếng,
để lại ấn tượng sâu sắc như "Con bồ nông" của Muset, những bài thơ trong tập
"Đaghextan của tôi" của Raxim Ganýatốp quả thực không nhiều. Ngay với Óctaviô Paj
(Giải Nôben Văn học 1990) xuất sắc với 23 tập tiểu luận, trong đó có phần rất lớn bàn về
văn học nghệ thuật thì thơ về thơ của ông lại không có được tầm vóc tương xứng.
Thơ Việt Nam hiện đại có nhiều câu thơ bàn về thơ. Có người viết như một tuyên
ngôn: "Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong" (Hồ Chí Minh),
"Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ, Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền" (Sóng
Hồng). Có người viết như một sự răn mình: "Thơ ơi quặng thải bao lần, Biết bao giờ mới
ra vần kim cương" (Xuân Diệu), hay như một lời động viên, khích lệ: "Thơ ta ơi hãy cất
cao tiếng hát, Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta" (Tố Hữu),... Nhưng phần lớn những
quan niệm về thơ này chỉ nhân cơ hội nào đó mà nảy sinh. Và trong số những nhà thơ
từng làm thơ về thơ thì Chế Lan Viên được xem là người có nhiều định nghĩa về thơ bằng
thơ hơn cả.
Trong thế hệ thơ chống Mỹ, Lưu Quang Vũ là một người rất có ý thức về sự sáng
tạo, về việc tìm kiếm con đường nghệ thuật cho riêng mình. Những bài thơ trực tiếp bày
tỏ quan niệm nghệ thuật của anh chiếm khoảng 10% (13/121 bài thơ trong quyển "Lưu

15


Quang Vũ Thơ và Đời"). Nhưng quan trọng không phải ở số lượng mà ở vẻ độc đáo,
sống động của những quan niệm sáng tác được viết bằng thơ của Lưu Quang Vũ.
Lưu Quang Vũ khác với Chế Lan Viên- cây đại thụ của nền thơ Việt Nam hiện đại.
Thơ về thơ của Chế Lan Viên luôn mang đậm chất triết lý và hùng biện. Còn đối với Lưu
Quang Vũ, thơ không phải chuyện nghề, chuyện kỹ thuật; thơ về thơ của anh cũng không

là triết lý, lý luận. Với anh, thơ là cả một thế giới sống động, phong phú, đầy đắm say, hư
ảo và quyến rũ được gọi là "nàng Thơ",
Trong thế giới ấy, con người sáng tạo là ai? Nhân vật sáng tạo trong cõi thơ Lưu
Quang Vũ có những biểu hiện khá đặc biệt. Ở thơ về thơ trong thơ Chế Lan Viên phần
lớn xuất hiện một nhân vật giả định (là anh, là ta, là nhà thơ nói chung), để giãi bày,
thuyết phục, tranh cãi,... Còn nhân vật trong thợ về thơ của Lưu Quang Vũ lại chính là tác
giả với những danh xứng: tôi, lòng tôi, đời tôi,...
Nhân vật ấy chủ động và đầy khát vọng trong hành trình tìm thơ, hành trình sáng
tạo của mình: Tôi nhận, tôi viết, tôi tìm, tôi thức, tôi thắp lên, tôi tiếp nối, tôi không muốn
viết, tôi không thể viết,... Khát vọng sáng tạo và sức tưởng tượng mãnh liệt của nhân vật
trữ tình khiến cho thế giới quan niệm thơ của Lưu Quang Vũ sống động, mở rộng. Nhân
vật trữ tình luôn tự hình dung thấy mình trong một khung cảnh sáng tạo kỳ vĩ, có tầm vóc
của vũ trụ: bãi bể thời gian, ghềnh đá, biển khơi, mặt trời,... Ta có thể dẫn ra những câu
thơ: "Lên ghềnh đá chênh vênh tôi viết; Trên bãi bể của thời gian tôi viết,...".
Hành trình sáng tạo, hành trình kiếm tìm của nhân vật trữ tình trong thế giới thơ về
thơ của Lưu Quang Vũ dai dẳng, bền chặt. Sự kiếm tìm đo bằng số đo thời gian: Suốt tuổi
thơ, bao năm tháng,... Và đo bằng số đo của sự kiên lòng, bền bỉ: "Tôi bôi xóa rất nhiều
thề ước đẹp. Riêng với em tôi chẳng phản bao giờ... Người ta bảo rằng em đã chết,
Người ta bảo quên đi đừng phí sức. Em làm gì có thực mà mong... Tôi làm sao có thể
nguôi yên, Khi biết ở nơi nào em vẫn sống, Em sẽ đến như ngày rồi sẽ nắng,..." (Thơ tình
viết về một người đàn bà không tên (III)).

16


Cũng rất lạ, nhân vật sáng tạo tự lắng nghe thơ mình, để rồi tự miêu tả chúng:
"Những câu thơ âm thầm", "Những câu thơ thao thức không nguôi", "Những dòng chữ
như móng tay day dứt, trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè”. Anh còn biết có phút đột
chuyển thiêng liêng, bí ẩn trong sự sáng tạo. Phải có phút huyền diệu ấy, xác chữ mới
thành thơ, mới có được linh hồn, được sống. Anh so sánh khoảnh khắc thiêng liêng ấy

với khoảnh khắc: "Men trắng lên màu trong lò nung", để đất vô tri chuyển màu thành
gốm. Trong sáng tạo nghệ thuật có phút chuyển đổi thầm kín, huyền diệu lạ kỳ. Theo
chúng tôi, quan niệm này của Lưu Quang Vũ rất gần với quan niệm đã trở thành quen
thuộc: "Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy". Song ở Lưu Quang Vũ,
qua sự chiêm nghiệm của nhân vật trữ tình, ý tưởng quá trình sáng tạo nghệ thuật trên
bỗng trở nên lung linh, say đắm hơn.
Trong hành trình sáng tạo của mình, Lưu Quang Vũ luôn nghiền ngẫm cuộc sống từ
nhiều mặt, "cả phần ánh sáng lẫn phần khuất tối". Có thể nói cái đa thanh, đa dạng của
cuộc đời và tâm trạng con người hiện ra trong thơ anh thật đậm rõ. Vì vậy những quan
niệm về thơ của anh cũng rất phong phú, sống động và nhiều ý nghĩa.
1.1.1.Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phui trước
Đây có thể coi là quan niệm chủ đạo, chi phối cả đời thơ của Lưu Quang Vũ. Như
chúng ta đã biết, nghệ thuật là phương tiện để phản ánh đời sống, vì thế nghệ thuật không
thể tách rời cuộc sống dù chỉ trong giây lát. Thơ ca có giá trị không chấp nhận sự thoát ly,
tách rời cuộc sống nhiữig cũng không phải là sự sao chép cuộc sống một cách nguyên
mẫu, máy móc. Như những con ong cần mẫn hút tinh túy của hoa để tạo nên chất mật cho
đời, nhà thơ phải biết chắt lọc chất liệu mà cuộc đời cung cấp để tạo nên những vần thơ
có giá trị đi vào lòng người đọc. Thơ ca luôn gắn liền với cảm xúc. Đọc thơ mà không
tìm thấy nỗi lòng nhà thơ thì đó không phải là thơ ca đích thực.
Lưu Quang Vũ là một nhà thơ rất giàu cảm xúc. Chính lòng yêu đời, yêu cuộc sống
đã thôi thúc anh cầm bút. Con đường nghệ thuật mà anh đã chọn đem lại cho anh lắm
vinh quang nhưng cũng không ít chông gai. Nhưng chỉ với nghệ thuật thơ ca anh mới có
thể gởi gắm những tâm tình, ước mơ, khát vọng, những băn khoăn, rạo rực, ưu tư,... của

17


bản thân mình, và cũng chỉ với thơ anh mới nói được nhiều chuyện đời hơn cả. Anh đã
đến với thơ bằng niềm đam mê mãnh liệt chứ không phải vì "miếng cơm manh áo", với
thơ anh có thể đánh đổi tất cả:

Nhưng trước khi có chữ viết
Đã cổ thơ ca
Như tình yêu thơ đã sinh ra
Không phải vì tiền nhuận bút
Không sợ ngục tù bạo lực
Dù khổ sở phiền hà
Thơ không bao giờ câm lặng...
(Nếu đó là tội lỗi)
Theo anh thơ không phải là thứ tôn giáo cao siêu, huyền bí cũng không phải là
những ghi chép vặt vãnh về con người, cuộc đời, mà thơ phải khơi dậy ở lòng người
những đợt sóng tình cảm tuôn trào mãnh liệt với những yêu thương, căm giận, thông
cảm, xót xa, nghẹn ngào,... và cả những bâng khuâng, xao xuyến, ưu tư,... Thơ chính là
nguồn năng lượng để con người tranh đấu không ngừng:
Thơ không phải là chứng minh
Không phải hào quang phản chiếu cửa tấm gương.
Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa
Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả
(Nói với mình và các bạn)
Thơ không phải là trang giấy in nguyên vẹn hình bóng cuộc đời, khơi dậy cảm xúc
mà còn chắp cánh cho con người vươn tới những ước mơ, khát vọng. Vì thế, Lưu Quang
Vũ tâm niệm: Thơ phải vừa có ích cho hiện tại vừa giúp con người vươn đến tương lai,
vươn đến những khát vọng cao xa, bay bổng: "Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật",

18


nhưng thơ cũng phải "Vẫy gọi mọi người vươn tới tương lai". Theo quan niệm của anh thì
"Thơ để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước" ("Nói với mình và các
bạn"). Quan niệm này rất có ý nghĩa trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, bởi lẽ đời sống
của con người gồm có hai phần: cuộc sống thường ngày bề bộn, khó khăn thậm chí xấu

xa nhưng không thể nào chối bỏ và cuộc sống lý tưởng, mơ ước mà người ta luôn hướng
đến. Con người không thể chỉ sống với trước mắt, và cũng không thể chỉ đuổi theo giấc
mơ. Trong thơ Lưu Quang Vũ có rất nhiều hình ảnh đối lập gay gắt là để diễn tả điều
này: "Thơ là cái bánh ăn và giấc mộng", "hạt cát và ngôi sao", "bờ và biển cả", "vực tối
và ánh lửa", "đáy biển tối và cầu vồng", "tro bụi và ngọn lửa", "tường mảnh chai và đám
mây xô dạt", "thân cành khô khẳng và hoa trắng muốt",... Như thế, thơ là cả thực và
mộng, thật và ảo, cả sự thật tầm thường lẫn khát vọng bay bổng.
Là một nhà thơ chân chính, "càng yêu thương càng không vừa ý với mọi điều", vì
thế Lưu Quang Vũ không chấp nhận kiểu "làm xiếc" ngôn từ, anh khẳng định dứt khoát
và mạnh mẽ: thơ cao quý là thơ bám rễ sâu vào cuộc đời, không tô vẽ, gian dối. Đây
cũng chính là quan niệm chủ đạo trong quá trình sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam thời
kỳ hiện đại. Sóng Hồng đã quan niệm một cách sâu sắc về nghệ thuật: "Nghệ thuật không
thể tách rời cuộc sống, dù chỉ trong giây lát. Cuộc sống là một quá trình sáng tạo không
ngừng, nghệ thuật cũng phải sáng tạo". Và cũng trên cơ sở này, Tố Hữu quan niệm: "Thơ
biểu hiện tinh chất của cuộc sống", "Thơ là cái nhuỵ của cuộc sống", Lưu Trọng Lư cũng
lưu ý đến đặc điểm này của thơ: “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cốt lõi của cuộc
sống". Nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng Biêlinxki cũng đã từng phát biểu: "Thơ trước
hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Vì thế, thơ ca chân chính bao giờ cũng bắt
nguồn từ cuộc sống thông qua lăng kính nghệ thuật của nhà thơ. Quan niệm thơ gắn liền
với cuộc sống được Lưu Quang Vũ phát biểu rất rõ trong bài thơ "Nói với mình và các
bạn". Đây là một bài thơ bộc lộ tâm sự thẳng thắn, chân thành của anh đối với những
người làm thơ thuộc thế hệ mình. Anh cho rằng: "Đã qua rồi cái thời nhà thơ nhìn đời
bằng cặp mắt trong veo" mà "Thơ phải dạy ta nhìn đời bằng con mắt thật". Và nếu trước
kia:

19


"Thơ tươi mát cuộc đời và an ủi lòng ta", thì bây giờ thơ không viết xuôi tai để
phỉnh nịnh cuộc đời, vì "cuộc sống còn dang dở, cần đóng góp không cần ngồi ca ngợi",

và vì thơ "không phải là hào quang phản chiếu của chiếc gương soi" nên nhà thơ không
phải là lũ viết thuê "chạy theo những biển hàng ngắn ngủi", để cuối cùng "lắm kiểu nói
mà giống nhau đến thế". Là nhà thơ thì anh phải biết rằng "Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ,
Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi".
So với những nhà thơ cùng thời khác, ở Lưu Quang Vũ cảm hứng sự thực xuất hiện
rất sớm trong thơ anh. Từ chối việc lý tưởng hóa hiện thực, Lưu Quang Vũ kêu gọi:
"Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt, Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật",
thơ "không hát say mà lay ta thức", "Trước đau khổ của nhân dân thơ không gian dối".
Với anh, thơ là "nhịp đập của trái tim trung thực", là "không giấu che sự thật của lòng
mình".
Nhìn lại văn học nước ta sau gần 10 năm chiến thắng, dư âm của cuộc chiến tranh
còn vang vọng trong thơ cũng như trong các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, trường
ca,... Khuynh hướng sử thi, lý tưởng hóa hiện thực vẫn còn in đậm trong sáng tác của các
nhà văn tuy có nhạt dần theo thời gian. Mãi đến những năm 80, thơ mới bắt vào các chủ
đề thế sự với cái nhìn khách quan. Một quan niệm mới về sứ mệnh của nhà thơ được hình
thành qua những tuyên ngôn: "Hãy áp tải sự thật về đến bến cuối cùng" (Trần Nhuận
Minh), "Thế sự ngày ngày chen cột báo" (Dương Kỳ Anh), "Dẫu sinh nở muộn màng, Sự
thật bật ra ứa máu, Đẹp như nụ cười mẹ sau những cơn đau" (Lê Nhược Thúy),... Song
sự biến chuyển từ cái nhìn sử thi sang cái nhìn thế sự đã có mặt rất sớm trong thơ Lưu
Quang Vũ. Vì vậy, bên cạnh dòng chung hào hùng ca ngợi cổ vũ cuộc chiến đấu, thơ Lưu
Quang Vũ lưu lại một mảng sự thật khác, là nhân chứng cho hiện thực những năm chiến
tranh được nhìn từ góc độ đời thường, không lý tưởng hóa, là nhân chứng cho những khổ
đau mất mát của dân tộc trong những năm 70 hào hùng mà bi tráng.
Những vần thơ bắt rễ sâu vào cuộc sống đau thương, với những dự cảm hậu chiến
rất tinh nhạy dẫu có lúc đã phải chấp nhận nỗi cô đơn của sự sáng tạo: “Trơ trọi trong
lạnh lùng bóng tối", "bay đi không một lời đáp lại", nhưng Lưu Quang Vũ chấp nhận sự

20



cô đơn ấy, bởi anh vững tin ở con đường mình chọn. Anh tâm niệm "Phải thấu hết mọi
điều để thắng nỗi hoài nghi" và anh tin chắc rằng ''Nước lũ qua sẽ còn lại phù sa", những
vần thơ cắm rễ sâu vào lòng cuộc sống sẽ "rộng dài cánh lớn", sẽ vang xa, bay xa. Vì thế,
dẫu cuộc đời có đắng cay nghiệt ngã anh vẫn không chùn bước, khát vọng phấn đấu cho
những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực luôn thôi thúc, giục giã anh không ngừng
tiến bước: "Dẫu đường dài xa ngái, Đừng phút nào mệt mỏi, thơ ta ơi".
Thơ ca còn mở ra trong chiều sâu mới của khát vọng, của những "giấc mơ phía
trước". Lưu Quang Vũ khẳng định: "Thơ đưa tôi tới những bến bờ chưa tới được". Cõi
chưa tới được, cõi mơ ước ấy ẩn hiện qua những hình dung đẹp: ngôi sao, giấc mộng, cơn
gió ẩn sau buồm, chân trời sau biển cả, ban mai sau đêm tối,... Đối lập với thực tế cơ cực,
cõi khát vọng mà thơ ca hướng tới đầy ánh sáng và tình yêu, là nơi "đối lập với chiến
tranh, nghèo khổ, cái chết", là nơi "không có lo âu buồn khổ, con người được nghỉ ngơi ở
giữa con người". Ây là cõi của cái Đẹp, cái Thiện. Có thể, miền khát vọng ấy là nơi "chắc
ta không kịp tới", là nơi "không thể nào tới được". Song sự hiện diện của cõi ấy là cái
đích "giục con người vươn lên" để sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Bằng cách ây, "giấc
mơ phía trước" của thơ ca giúp con người biết sống tốt với đời thường, với hiện tại và
biết vươn tới tương lai tươi đẹp hơn.
1.1.2.Thơ là ô cửa mở tôi tình yêu
Theo Tố Hữu thơ là "một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu", là "tiếng nói đồng
ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Đến với thơ người đọc sẽ bắt gặp tâm tư, nỗi lòng của
người cầm bút, sau đó sẽ gặp tâm tư của chính mình. Thơ ca chính là những nhịp cầu vô
hình dẫn dắt những tâm hồn đến với tâm hồn, những trái tim đến với trái tim để con
người cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, niềm ước mơ, hy vọng...
Đến với thơ Lưu Quang Vũ, chúng ta sẽ bắt gặp những nỗi niềm của anh. Là một
người từng nếm trải nhiều đắng cay nghiệt ngã của số phận, Lưu Quang Vũ rất nhạy cảm
với nỗi cô đơn. Trong thơ anh hình ảnh bức tường xuất hiện rất nhiều, cũng có khi là hình
ảnh hàng rào, là cửa kính, là cánh cửa, là vực thẳm,... Nhưng ý nghĩa ẩn dụ thì chỉ có

21



một: ấy là sự ngăn cách, là giới hạn không thể vượt qua, để con người trở thành những
vật thể đơn độc, xa cách về tinh thần:
-Phía nào cũng hàng rào trước mặt
-Thế giới bao nhiêu tường vách
Ngăn cản con người đến với nhau
-Những tường cao chia rẽ con người
-Những bức tường dựng đứng quanh tôi
-Mỗi con người một vật thể cô đơn
Nhìn rõ nhau qua cửa kính trống trơn.
Không thể nghe nhau, không thể nói...
Lưu Quang Vũ cháy bỏng mong ước xóa đi những bức tường vô hình chia rẽ con
người, để con người hiểu nhau, kết lại thành những sức mạnh mới, để cho: "Những bàn
tay không còn đơn độc nữa". Và Lưu Quang Vũ trao sứ mệnh gắn kết thế giới ấy cho thơ.
Cụ thể hơn: Thơ gắn kết thế giới và con người bằng tình yêu.
Nếu mỗi con người là một hòn đảo cô đơn, thì thơ phải là "những dòng chữ như
móng tay day dứt, Trên vỏ dưa xanh thắm của mùa hè". Giải mã hình ảnh xuất hiện hơn
một lần ấy trong thơ Lưu Quang Vũ, ta hiểu quan niệm của anh: thơ giống như những
dòng chữ được Mai An Tiêm vạch trên vỏ dưa mong cầu sự liên lạc giữa đảo hoang và
đất liền, thơ là tín hiệu giao tiếp, mong cầu sự đón nhận, giao cảm giữa con người với con
người. Thơ quả thực đã là và phải là "Lời nói riêng mà thấu triệu tâm hồn".
Thơ mang đến ánh sáng và hơi ấm cho thế giới, bởi vì "Thơ là bó đuốc đốt thiêu, là
bàn tay thắp lửa", thơ là phương tiện để con người "trao lửa cho nhau". Lửa ấy là tình
yêu. Và nhà thơ sáng tạo ra một cặp so sánh mới: "Mỗi bài thơ của chúng ta, phải như
một ô cửa, mở tới tình yêu" (“Liên tưởng tháng hai"). Và vì vậy, thi sĩ phải là người
đi mở cửa, mạnh mẽ và tự nguyện:

22



"Chúng ta đi mở những cánh cửa, chúng ta suốt đời đi mở những cánh cửa, xuyên
bóng tối bốn bề bao phủ". Gắn kết thế giới bằng tình yêu trở thành khát vọng cháy bỏng
của nhà thơ, khi anh nồng nhiệt khẳng định:
Và nhân thế sẽ còn yêu ta mãi
Giữa thuở bạo tàn ta ca ngợi tự do
Ca ngợi tình yêu giữa thế giới hằn thù.
(Nếu đó là tội lỗi)
Cần phải yêu thương hi vọng đấu tranh
Để giải thích và đổi thay cuộc sống
(Lại sắp hết năm rồi)
Ở đây nhà thơ đã thực sự ý thức sâu sắc mục đích và sứ mệnh của thi ca, nhằm đáp
ứng lại những yêu cầu chân chính của xã hội thì thơ cần phải có ích. Những vần thơ này
được kết tinh từ những suy nghĩ cao đẹp và tích cực của Lưu Quang Vũ trong cuộc sống.
Với thơ ca con người không chỉ tìm thấy niềm an ủi, cảm thông mà còn tìm thấy sự
chia sẻ như "mái lá chở che" cho kẻ không nhà. Quan niệm này của Lưu Quang Vũ rất
gần với Pêtôphi:
Thơ là một nơi cư trú ngỏ cửa
Cho kẻ sung sướng cũng như người khổ sở...
Kể cả người nào không dép, không giày.
Thơ chính là "Sợi dây mỏng nối liền ta với bạn", thơ gắn kết thế giới và con người
trong tình yêu, trong sự an ủi và che chở, khiến cho con người không còn đơn độc, đủ sức
mạnh làm nên điều kỳ diệu: "Tay chúng ta sẽ kết một con tàu, Cặp bến đẹp của những
ngày vui sướng", trong một thế giới ngập tràn ánh sáng và tình yêu. Song Lưu Quang Vũ
cũng hiểu rằng, với người nghệ sĩ: "Để thơ anh mang lửa đến cho đời" thì “Trên chữ tài,

23


chữ tâm kia phải lớn". Chữ tâm ở đây gồm cả bản lĩnh và nhân cách của người nghệ sĩ những người luôn "Đau nỗi đau của mỗi trái tim người".
Lưu Quang Vũ luôn tìm kiếm con đường thơ cho riêng anh với tình yêu và bản lĩnh

lớn. Thấp thoáng sau "những dòng thơ thao thức không nguôi" ấy là hình ảnh một "gã
làm thơ da vàng, không đêm nào ngủ được", đầy trăn trở và trách nhiệm.
1.1.3.Thơ tôi là mây trắng của đời tôi
Đối với Lưu Quang Vũ thơ không chỉ "Để sống với đời thường và sống cùng giấc
mơ phía trước" hay "như một ô cửa để mở tới tình yêu", mà với anh, thơ còn là phần tinh
chất của thế giới tinh thần, là phần lý tưởng bay bổng, phần cao đẹp nhất của cuộc đời.
Điểm này bắt gặp quan điểm truyền thống, cổ điển. Hoàng Đức Lương ví thơ như "gỏi
nem" và "gấm vóc", thơ là "sắc đẹp ở ngoài sắc đẹp". Nguyễn Phi Khanh thì cho rằng:
"Giai cú chỉ lan hương" (Câu thơ hay có hương hoa lan, hoa chỉ). Nguyễn Đình Chiểu thì
viết: "Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần". Lưu Quang Vũ cũng nối tiếp truyền
thống đó song những ẩn dụ về thơ của anh sinh động, đa dạng đến lạ lùng. Với anh, thơ là
mầm, là cây, là suối mát, là hoa gạo, là nhựa thắm trong cây, là bài ca mùa hạ nắng, là bó
đuốc, là ngọn lửa, là nhịp cầu, là ô cửa,... Đặc biệt, hình ảnh Lưu Quang Vũ ưa thích
nhất: Thơ là "mây trắng" của đời anh, đây là phần đẹp nhất, bay bổng nhất.
Thơ là "mây trắng" của đời anh, nhưng đó là "Mây trắng của một đời cơ cực".
Những dòng thơ như mây trắng ấy đã vút bay lên từ những nỗi đau lắng đọng của cuộc
đời anh, nó như mật ngọt của loài ong, ngọc quý của loài trai phải trải qua vất vả đắng
cay mới kết thành.
Trong suốt cuộc đời sáng tạo không mệt mỏi của mình, tuy thành công ở nhiều thể
loại khác nhau, nhưng Lưu Quang Vũ vẫn dành cho thơ ca tình cảm và niềm đàm mê sâu
sắc nhất. Lời đề từ cho tập thơ sau chót mà chính anh đã đặt tên và chuẩn bị bản thảo
(nhưng số phận đã không để cho anh kịp nhìn thấy nó ra đời) đã thể hiện trọn vẹn những
suy nghĩ và tình cảm của anh:
Trên mái nhà, cao vút rừng cây

24


Trên rừng cây, những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng

Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.
(Mây trắng của đời tôi)
Trong thơ, Lưu Quang Vũ đã dùng rất nhiều những hình ảnh so sánh để nói lên ý
nghĩa của thơ ca đối với cuộc đời anh, nhưng có lẽ hình ảnh "mây trắng" được anh gởi
gắm nhiều ý nghĩa nhất. Những lời thơ chân thành giản dị ấy đã ẩn chứa bao điều làm ta
rưng rưng xúc động. Thơ là mật ngọt của đời, là suối mát, là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn
trong đêm giá lạnh. Thơ là cứu cánh, là niềm hy vọng,... Và bây giờ, "Thơ tôi là mây
trắng của đời tôi". Nó vừa là một hình ảnh rất thật, lại vừa là một điều gì đó cao vời, xa
xôi, không thể nắm bắt được. Nhưng dường như đó lại chính là điều làm nến sức quyến
rũ bí ẩn, vừa dịu dàng vừa mãnh liệt của thơ ca.
Những quan niệm thơ được phát biêu thành thơ của. Lưu Quang Vũ thật đặc sắc,
vừa mới mẻ vừa rất phong phú và sống động. Các quan niệm về thơ của anh đã đề cập
đến sứ mệnh của thơ ca, sứ mệnh của người nghệ sĩ, đến hành trình và khát vọng sáng tạo
của mỗi nhà thơ. Và những quan niệm về thơ này đã chi phối quá trình sáng tạo nghệ
thuật của anh, từ những nguồn cảm hứng tới cách nhìn về thế giới và con người, từ giọng
điệu trữ tình đến những biểu tượng nghệ thuật,...

1.2.TỪ QUAN NIỆM THƠ ĐẾN HÌNH ẢNH CON NGƯỜI TRONG THƠ
Văn học là nhân học. Trong bất cứ thể loại nào của văn học thì con người cũng là
trung tâm, là đối tượng miêu tả và phản ánh chủ yếu của văn học. Việc khám phá và miêu
tả những con người tiêu biểu của thời đại mình bao giờ cũng là khát vọng của những nhà
văn chân chính. Trong đó có Lưu Quang Vũ.
Hình ảnh con ngươi được thể hiện trong thơ Lưu Quang Vũ rất đa dạng và sống
động. Bước đầu anh đã đến với thơ bằng tâm hồn của một người chiến sĩ còn mang nhiều
vóc dáng và kỷ niệm thời học sinh, sục sôi những hoài bão và khát vọng của tuổi trẻ lên
đường chiến đấu. Vì vậy, hình ảnh con người trong "Hương cây" gắn liền với những cảm
25



×