Tải bản đầy đủ (.pdf) (176 trang)

thơ tứ tuyệt trong văn học việt nam từ thế kỷ x đến thế kỷ xix

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.2 MB, 176 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN KIM CHÂU

THƠ TỨ TUYỆT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ
THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIX

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2000



LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu
trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác.

Tác giả luận án

3


MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 3
MỤC LỤC .................................................................................................................... 4
PHẦN DẪN NHẬP ...................................................................................................... 6
1. Ý nghĩa của đề tài ...........................................................................................................6
2. Lịch sử vấn đề .................................................................................................................9
3. Mục đích nghiên cứu ....................................................................................................14
4. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................15


5. Giới hạn phạm vi nghiên cứu và tư liệu .....................................................................16
6. Kết cấu của luận án ......................................................................................................17

CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM THƠ TỨ TUYỆT ....................................................... 20
1.1. Những cách hiểu khác nhau về thơ tứ tuyệt: ..........................................................20
1.1.1. Về thuật ngữ. .........................................................................................................20
1.1.2. Về nội dung khái niệm ..........................................................................................22
1.1.3. Vấn đề nguồn gốc thơ tứ tuyệt. .............................................................................24
1.2. Xác định thuật ngữ sử dụng và nội dung khái niệm “Tứ tuyệt” ..........................26

CHƯƠNG 2: TIẾN TRÌNH THƠ TỨ TUYỆT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
TỪ THẾ KỶ THỨ X ĐẾN THẾ KỶ THỨ XIX. ................................................... 28
2.1. Thơ tứ tuyệt Việt Nam giai đoạn thế kỷ X - XII với nhu cầu thực hành các chức
năng ngoài văn học. ..........................................................................................................29
2.2. Hai khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt Việt Nam thế kỷ XIII - XIV.......33
2.2.1. Khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt có nội dung chính trị, triết học ...........33
2.2.2. Khuynh hướng trữ tình trong thơ tứ tuyệt viết về đời sống thế tục thế kỷ XIII XIV .................................................................................................................................36
2.3. Ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống đối với sự phát triển của thơ tứ tuyệt thế
kỷ XV. ................................................................................................................................41
2.3.1. Ảnh hưởng của thơ ca Trung Hoa và truyền thống thơ ca Lý - Trần đối với sự
phát triển của thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán thế kỷ XV ......................................................42
2.3.2 Ảnh hưởng của văn học dân gian đối với sự phát triển của thơ tứ tuyệt bằng chữ
Nôm thế kỷ XV. ..............................................................................................................47
2.4. Thơ tứ tuyệt Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX..................49
2.4.1. Sự hội nhập của cuộc sống đời thường vào thơ ca bác học hình thái ngắn bằng
chữ Hán giai đoạn thế kỷ XVI - XIX. .............................................................................49
2.4.2. Ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ hội thoại dân gian đối với sự phát triển của
thơ tứ tuyệt bằng chữ Nôm thể kỷ XVI - XIX. ...............................................................55
4



2.5. Nhận xét chung ..........................................................................................................62

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TỨ TUYỆT VIỆT
NAM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIX .............................................................. 64
3.1. Sự hình thành, phát triển của thơ tứ tuyệt - nhìn từ góc độ quan niệm nghệ
thuật. ..................................................................................................................................64
3.2. Cách lựa chọn và tổ chức hình ảnh ..........................................................................72
3.2.1. Cách lựa chọn hình ảnh: .......................................................................................72
3.2.2. Cách tổ chức hình ảnh...........................................................................................81
3.2.3. Thơ tứ tuyệt và những khoảnh khắc chuyển biến đột ngột trong cảm xúc, nhận
thức của nhà thơ. .............................................................................................................96
3.3. Bố cục bài thơ tứ tuyệt ............................................................................................103
3.3.1. Câu khởi ..............................................................................................................106
3.3.2. Câu thừa ..............................................................................................................109
3.3.3. Câu chuyển..........................................................................................................111
3.3.4. Câu hợp (kết) ......................................................................................................115
3.4. Đặc điểm ngôn ngữ thơ tứ tuyệt cổ điển việt nam ................................................118
3.4.1. Những đặc điểm về từ ngữ..................................................................................120
3.4.2. Những đặc điểm về cú pháp ...............................................................................134
3.4.3. Hiện tượng câu thơ 6 chữ trong bài thơ tứ tuyệt thất ngôn xen lục ngôn. ..........148

PHẦN KẾT LUẬN .................................................................................................. 156
PHỤ LỤC ................................................................................................................. 163
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH ........................................................................ 166

5


PHẦN DẪN NHẬP

1. Ý nghĩa của đề tài
1.1. Một trăm lẻ sáu quyển thơ văn cùng với những lời bình luận về các tác giả được
giới thiệu trong phần “Văn tịch chí” (Lịch triều hiến chương loại chí) đã chứng minh cho
nhận định xác đáng của nhà khảo cứu Phan Huy Chú về truyền thống văn chương lâu đời
của người Việt Nam [16, tr. 41]:
Nước Việt ta tiếng khen lễ nghĩa đã hơn nghìn năm, vốn có thư tịch đã từ lâu lắm. Kể
từ Đinh Lê dựng nước, đối địch với Trung Hoa, mệnh lệnh từ chương dần dần rõ rệt. Đến
Lý Trần nội trị, văn vật mở mang, về tham định thì có những sách điển chương, điều luật, về
ngự chế thì có các thể chiếu sắc thi ca. Trị bình đời nối, văn nhã đủ đều. Huống chi, nho sĩ
đời nào cũng có, văn chương nảy nở như rừng; sách vở ngày ngày càng nhiều, nếu không
trải qua binh lửa mà thành tro tàn thì hẳn là trâu kéo phải mệt, nhà chất phải đầy. Đến khi
nhà Lê dựng nước, văn hoá lại càng thịnh dần, hơn ba trăm năm, chế tác đầy đủ kỹ càng,
văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại. Trong khi ấy, các bậc vua sáng
tôi hiền cùng bàn bạc, các nhà học rộng tài cao soạn thuật ra, tinh thần ngụ đó, tiếng tăm lẫy
lừng. Tóm lại mà xét, há chẳng phải là văn nghệ thịnh vượng sao!.
Trong lời tựa tập “Tinh sà kỷ hành”, Ngô Thì Nhậm cũng phát biểu một cách tự hào
rằng:
Nước Việt ta dựng nước bằng văn chương, thơ từ thời Đinh, Lý đến thời Trần, nổi nhất
vào khoảng Hồng Đức nhà Lê, một bộ Toàn Việt loại cổ thể nào thua Hán Tấn, nào thua
Đường Tống, Nguyên Minh, gõ ngọc khua vàng, thực đáng gọi là một nước của thơ” [136,
tr. 22].
Có thể xem đây là một số nhận định tiêu biểu cho quan niệm của nhiều học giả nổi
tiếng khác khi nói về những thành tựu văn chương dân tộc.
Đáng chú ý là niềm tự hào sâu sắc đó thường được nhấn mạnh trong ý thức so sánh với
thơ ca Trung Hoa, đặc biệt là với thơ ca Đường Tống, như một cách thừa nhận những chuẩn
mực có ảnh hưởng rõ rệt đến sự phát triển của thơ ca cổ điển Việt Nam. Đó là một thực tế
khách quan trong quá trình giao lưu văn hóa vừa mang tính tự nguyện vừa mang tính áp đặt
6



đã từng diễn ra liên tục suốt chiều dài lịch sử. Nó quy định sự hình thành, phát triển của
dòng văn học bác học chủ yếu dựa trên văn tự Hán. Một trong những biểu hiện cụ thể của
ảnh hưởng đó chính là việc vay mượn thể loại mà phổ biến nhất là hiện tượng sử dụng các
thể thơ Đường luật như bát cú, tứ tuyệt.
Với tư cách những thành tựu nghệ thuật của thơ ca thời Đường, bát cú và tứ tuyệt được
các nhà thơ cổ điển đặc biệt ưa chuộng ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, so với
bát cú, tứ tuyệt có số phận lịch sử đặc biệt hơn. Có nguồn gốc từ trước thời Đường và hoàn
chỉnh về thi luật trong thời Đường, tứ tuyệt là một thể thơ được sử dụng khá phổ biến trong
văn chương cổ điển Trung Quốc. 73 bài tuyệt cú (Thất ngôn và ngũ ngôn) được chọn giới
thiệu trong “Đường thi tam bách thủ” [148] là một con số đáng kể cho phép ta hình dung
được sự phát triển của thể thơ nhỏ gọn này suốt thời kỳ hoàng kim của thơ ca Trung Hoa.
Ở Việt Nam, sự có mặt của tứ tuyệt được ghi nhận khá sớm qua một bài thơ mang tính
chất đối đáp giữa nhà sư Pháp Thuận, trong vai một người “cai quản bến đò”, với Lý Giác,
sứ thần nhà Tống (năm 986) [129,tr. 82 ]. Nhiều bài tứ tuyệt thời Lý - Trần như “Nam quốc
sơn hà”, “Tùng giá hoàn kinh sư”, “Thuật hoài”... đã trở thành tiếng nói ngắn gọn nhưng hết
sức tiêu biểu, có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với người Việt Nam buổi đầu dựng nước,
giữ nước. Đa số kệ của những nhà sư thời Lý - Trần được viết bằng dạng thức “tứ cú”. Các
ông vua - thi sĩ nổi tiếng thời Trần, thời Lê; các nhà thơ Huyền Quang, Nguyễn Trung
Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh,
Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Trần Tế
Xương,.. đều có những bài tứ tuyệt hay, được người đời sau nhắc nhở
Hơn thế, tứ tuyệt lại tiếp tục đồng hành với tiến trình văn học Việt Nam hiện đại bằng
khả năng tự điều chỉnh, đổi mới, để hôm nay, nó vẫn là một bộ phận không thể thiếu được
trong sự phát triển các hình thức, thể loại thơ ca đương đại.
Thực tế này khẳng định rằng thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam cần được nhìn nhận, đánh
giá toàn diện, khách quan hơn về vị trí, quá trình phát triển, những đặc điểm, ưu thế nghệ
thuật cũng như khả năng tự đổi mới để tiếp tục được sử dụng trong thơ ca đương đại.
1.2. Những thập niên cuối của thế kỷ XX chứng kiến một bước chuyển biến mới của
khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam bằng sự xuất hiện hướng tiếp cận các hiện tượng văn
7



học từ góc độ khảo sát toàn bộ “các phương thức và phương tiện thể hiện một cách nghệ
thuật cũng như khám phá đời sống bằng hình tượng” (Khrapchenco) [57], khảo sát “hình
thức tác phẩm trong tính chỉnh thể, tính quan niệm”, “nghiên cứu cái lý bên trong sự tìm tòi,
chọn lựa của nhà văn” (Trần Đình Sử) [116]. Thực tế cho thấy: Dựa trên cơ sở khảo sát
chính cấu trúc nội tại của tác phẩm trong mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình
thức, hướng tiếp cận này đã mở ra nhiều khả năng trong việc đi sâu, phát hiện, lý giải quá
trình sáng tạo nghệ thuật.
Mặt khác, nếu “Bản chất của văn xuôi là để mất đi” như Paul Valéry từng nhận xét thì
thơ cho phép người đọc tiếp nhận trọn vẹn nội dung và hình thức tác phẩm. “Chỉ khi tiếp
xúc với thơ, một câu thơ, một bài thơ thì người ta không thể quên hình thức của nó được,
nếu chỉ hiểu ý của thơ mà quên mất lời của thơ thì xem như quên cả thơ” [27, tr. 8 ]. Đặc
điểm này càng khẳng định rằng việc kháo sát các yếu tố hình thức là hết sức quan trọng bởi
chính nhờ hình thức mà toàn bộ văn bản bài thơ mới có thể được lưu giữ lại trong trí nhớ
sau quá trình tri giác nghệ thuật. Công việc nhớ, ngâm nga lại một bài thơ đã đọc trong quá
khứ chính là khả năng tác động lâu dài của thơ, là nguồn cội của tính đa nghĩa, của những
phát hiện mới mẻ qua nhiều thế hệ về các tầng nghĩa phong phú trong bài thơ. Như vậy, việc
tiếp cận tác phẩm phải “bắt đầu từ hình thức nghệ thuật, thâm nhập nội dung nghệ thuật và
kết thúc với hình thức nghệ thuật. Bởi vì, không thể có nghệ thuật nào mà không bắt đầu
bằng hình thức, bằng sáng tạo về hình thức để thực hiện sự sáng tạo về nội dung và nội
dung này cũng phải được hoàn tất trong hình thức hoàn thiện cuối cùng của nó” (Trần
Thanh Đạm) [27, tr. 9 ]. Đối với hướng tiếp cận này, thơ tứ tuyệt không phải là một ngoại
lệ.
Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến những tác động của hiện thực đời sống đối với sự
hình thành tác phẩm hoặc chỉ tập trung vào văn bản tác phẩm thì thực chất vẫn không tránh
khỏi cái nhìn phiến diện. Sự hình thành tác phẩm còn tùy thuộc nhiều vào các quy luật tâm
lý sáng tạo, tiếp nhận văn học. Vì lẽ đó, muốn phát hiện các quy luật nội tại, các yếu tố chi
phối quá trình hình thành, phát triển cũng như khẳng định những ưu thế nghệ thuật đã giúp
cho tứ tuyệt tồn tại lâu dài trong suốt tiến trình thơ ca cổ điển, vấn đề đặt ra là cần phải nhìn

nhận tác phẩm như một chỉnh thể phức hợp của những mối liên hệ bên trong lẫn bên ngoài
được thể hiện qua mối quan hệ giữa các yếu tố: “Cuộc sống - nhà văn - tác phẩm - người
thưởng thức”. Một cái nhìn toàn vẹn từ nhiều góc độ sẽ mở ra những khả năng to lớn trong
8


việc khảo sát, lý giải sâu sắc hơn những đặc điểm nghệ thuật hay khẳng định thuyết phục
hơn những ưu thế của thơ tứ tuyệt trong miêu tả, biểu hiện.
1.3. Thơ tứ tuyệt không chỉ được quan tâm trong quá trình giảng dạy phần văn chương
cổ điển Trung Quốc và Việt Nam ở bậc Đại học mà còn xuất hiện với tư cách là những tác
phẩm được chọn giảng chính thức trong chương trình giảng văn ở bậc Phổ thông. Thực tế
cho thấy việc giảng dạy một bài thơ chỉ có bốn câu trong 45 phút của một tiết học quả
không phải là điều dễ dàng. Tình trạng “ướt giáo án” vẫn thường diễn ra nhất là đối với các
sinh viên thực tập lần đầu đứng lớp. Là một giáo viên ngữ văn ở trường Đại học, qua luận
án này, người viết muốn đóng góp thêm một số hiểu biết nhất định của mình về thơ tứ tuyệt
nói chung và thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam nói riêng nhằm phục vụ cho các sinh viên ngành
Sư phạm Văn trong công tác học tập, thực tập sư phạm và giảng dạy sau này.

2. Lịch sử vấn đề
Lượng bài thơ tứ tuyệt trong sự nghiệp sáng tác của một tác giả hay trong các thi tuyển
Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX thường ít hơn các bài thơ bát cú. Trong văn học hiện
đại, từ Phong trào Thơ mới trở đi, các thể thơ mới, thơ tự do lấn át khiến cho tứ tuyệt được
sử dụng khá hạn chế. Mãi đến hai thập niên gần đây, văn học đương đại mới chứng kiến sự
xuất hiện trở lại, ngày càng nhiều của thể thơ ngắn gọn này. Trong tình hình đó, việc ít quan
tâm đến tứ tuyệt của giới nghiên cứu văn học là hoàn toàn có lý do.
2.1. Ngay từ thời kỳ trung đại, những nhà nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam rất ít bàn
về thơ tứ tuyệt. Chúng tôi đã tìm đọc các công trình có tính chất giới thiệu tổng hợp về quan
niệm thơ của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học thời trung đại như:
“Thơ với người xưa” [137], “Từ trong di sản” [120], “Các tác gia cổ điển Trung Quốc và
Việt Nam bàn về thơ” [138], “Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt

Nam” [73]...; các công trình khảo cứu, ghi chép hay phát biểu tản mạn về thơ của Nguyễn
Dữ trong “Truyền kỳ mạn lục” [24], Phạm Đình Hổ trong “Vũ trung tùy bút” [45], Lê Quý
Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” [29] và “Vân đài loại ngữ” [28] (mục “Văn Nghệ” gồm 48
điều), Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”[16], Nguyễn Văn Siêu trong
“Phương Đình tùy bút lục” [114]...; các quan niệm về thơ của Lưu Hiệp trong “Văn tâm
điêu long” [43], một tác phẩm lý luận văn học đặc sắc ra đời từ rất sớm (cuối thế kỷ V đầu
thế kỷ VI) ở Trung Quốc, tác phẩm “Thư gửi Nguyên Chẩn” của Bạch Cư Dị [19] hoặc các
9


công trình có tính chất trích dẫn, giới thiệu ý kiến của các nhà thơ, nhà phê bình lý luận văn
học cổ điển Trung Quốc về thơ và các lĩnh vực nghệ thuật khác như “Tinh hoa lý luận văn
học cổ điển Trung Quốc” của Phương Lựu [71], “Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung
Quốc” của Khâu Chấn Thanh [126]... Tình hình chung vẫn là bàn luận xung quanh các đặc
điểm của thơ ca cổ điển nói chung chứ không riêng gì tứ tuyệt. Tuy nhiên, những quan niệm
về thơ của các tác giả cổ điển Trung Quốc và Việt Nam là những cơ sở hết sức tin cậy giúp
chúng tôi có thể vận dụng để khảo sát đặc điểm thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ X - XIX.
2.2. Từ đầu thế kỷ XX đến 1985, việc nghiên cứu thơ tứ tuyệt đã được chú ý nhiều hơn
nhưng trong hầu hết các công trình nghiên cứu hình thức và thể loại thơ ca ở Việt Nam giai
đoạn này, tứ tuyệt chỉ có một vị trí hết sức khiêm tốn. Các từ điển chuyên ngành như: “Từ
điển văn học” [94], “Từ điển thuật ngữ văn học” [96],..; các công trình nghiên cứu văn học
sử như “Việt Nam văn học sử yếu” [39] của Dương Quảng Hàm, “Việt Nam cổ văn học sử”
của Nguyễn Đổng Chi [11], “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên” của Phạm Thế Ngũ
[83]...; các giáo trình “Lịch sử văn học Việt Nam” (Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX);
các công trình chuyên luận nghiên cứu hoặc dịch thuật về hình thức và thể loại thơ ca như:
“Phép làm thơ” của Diên Hương [50], “Khảo luận về thơ cũ Trung Hoa” (Phạm Thế Ngũ
dịch) [82], “Thơ Đường” [ 111 và 112] của Trần Trọng San, “Thi pháp thơ Đường” của
Quách Tấn [121], “Thơ ca cổ điển Việt Nam, một số vấn đề về hình thức và thể loại” [78]
của Lê Hoài Nam, “Tìm hiểu các thể thơ” [77] của Lạc Nam,... hầu như chỉ đề cập đến việc
định danh khái niệm và sơ lược đôi nét đặc thù của thơ tứ tuyệt. Chủ yếu, các công trình này

thường quan tâm đến việc giới thiệu bố cục, tổ chức kết cấu ngữ âm, vần điệu trong các
dạng thức ngũ tuyệt hoặc thất tuyệt và nhấn mạnh đặc điểm hàm súc tối đa của ngôn từ thơ
tứ tuyệt. Một số tác giả thường kết hợp giới thiệu các đặc điểm hình thức của thơ tứ tuyệt
sau khi phân tích, giới thiệu kỹ về thể thơ bát cú. Một số tác giả khác đã có cái nhìn khách
quan và khoa học hơn để xác nhận nguồn gốc và khẳng định rằng tứ tuyệt là một thể thơ độc
lập, thậm chí, nó còn có thể ra đời trước bát cú. Tuy vậy, mức độ quan tâm của các tác giả
này đối với tứ tuyệt cũng chỉ dừng lại ở chừng mực nhất định 1 .

Để tránh trùng lặp, ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu lên một số nhận xét khái quát. Các chi tiết cụ thể
về nhữngquan niệm khác nhau đối với thơ tứ tuyệt sẽ được trình bày kỹ hơn trong mục “Khái niệm”
của phần Nội dung

1

10


Trong những công trình đề cập trên, cuốn “Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại”
[84] của Bùi Văn Nguyên là một công trình có chú ý đáng kể đến quá trình hình thành và
phát triển của thơ tứ tuyệt từ giai đoạn Lý - Trần đến thơ ca hiện đại.
Tác giả đã có nhiều kiến giải bao quát được những vấn đề liên quan đến nội dung và
hình thức của thơ tứ tuyệt ở từng giai đoạn cụ thể. Đặc biệt, tác giả quan tâm đến việc lý
giải nguồn gốc, định danh khái niệm, xác định rõ nội dung khái niệm tứ tuyệt, khẳng định
tính hoàn chỉnh, độc lập của bài thơ tứ tuyệt để kết luận rằng đó không phải là một thể thơ
“phái sinh” từ bát cú. Khi khảo sát tiến trình thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam, ở mỗi
giai đoạn cụ thể, người viết đều dừng lại, tập trung lý giải nguyên nhân hưng thịnh hoặc suy
thoái của thể thơ chủ yếu là dựa vào sự tương thích của nó đối với nhu cầu miêu tả, biểu
hiện của nhà thơ trong những biến động lịch sử đặc biệt của giai đoạn đó. Mặt khác, tác giả
cũng đã giới thiệu các đặc điểm về bố cục, cách lựa chọn hình ảnh, đặc điểm hàm súc tối đa
của ngôn từ thơ và ưu thế thể hiện của thể thơ. Công trình này là một trong những định

hướng quan trọng bước đầu, giúp chúng tôi có thể kế thừa và phát triển sâu hơn các vấn đề
cần được chú ý khi nghiên cứu về thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến
thế kỷ thứ XIX.
2.3. Một số công trình ra đời gần đây như: “Thi pháp thơ Đường” [37] của Nguyễn Thị
Bích Hải, “Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế
kỷ thứ XIV” [140] của Đoàn Thị Thu Vân, “Một số đặc điểm nghệ thuật của thơ tứ tuyệt
đời Đường” [25] của Nguyễn Sĩ Đại, “Thơ văn Lý Trần, nhìn từ góc độ thể loại” [47] của
Nguyễn Phạm Hùng,... đã có nhiều đóng góp giá trị trong việc khảo sát những ưu thế nghệ
thuật và nhìn nhận thêm những vấn đề về nguồn gốc, khái niệm thơ tứ tuyệt. Tác giả
Nguyễn Thị Bích Hải sau khi đưa ra những cách hiểu khác nhau về chữ “tuyệt” đã nhấn
mạnh: “Về mặt nội dung, mỗi bài thơ tuyệt cú là một tác phẩm hoàn chỉnh, độc lập. Nhà thơ
dùng thể thơ này để trữ phát tình cảm, phát biểu trọn vẹn tình ý, xúc cảm chứ không phải
bài thơ tuyệt cú chỉ là một nửa bài thơ bát cú mà thành” [37]. Khái quát ý nghĩa thi pháp của
tứ tuyệt, tác giả cho rằng: “Đối với người Trung Hoa, hàm súc là một nhu cầu của nghệ
thuật. Nó là một giá trị. Thơ trữ tình đời Đường hầu hết không miêu tả mà chỉ thể hiện bằng
gợi ý. Luật thi, nhất là tuyệt cú, là thể thơ phù hợp nhất với nhu cầu này mà tập trung là ở
cái tứ của nó” [37, tr. 78 ].

11


Tác giả Nguyễn Sĩ Đại tập trung đi sâu nghiên cứu các phương diện: quan niệm nghệ
thuật, cách lựa chọn hình ảnh, đặc điểm về cấu trúc, ngôn từ của tứ tuyệt Đường thi và đặc
biệt là đã xác định rõ nguồn gốc, định danh khái niệm cũng như đưa ra một cách hiểu tương
đối rộng về khái niệm thơ tứ tuyệt. Tác giả nhấn mạnh: “Tứ tuyệt trước hết là một bài thơ
bốn câu, không nhất thiết ngũ ngôn hay thất ngôn, không nhất thiết phải có niêm luật chặt
chẽ nhưng phải vận dụng tối đa các thủ pháp nghệ thuật, phát huy thế mạnh của âm vận, đặc
biệt là cách tổ chức hình ảnh để tạo ra một cấu trúc đa chiều vừa đủ sức phản ánh hiện thực,
vừa mang tính khái quát cao, vừa ưu tiên cho sự tự thể hiện của sự vật, của các quan hệ, vừa
có chỗ cho tâm trạng cá nhân, cá tính của đối tượng cũng như của tác giả” [25, tr. 36 ].

Tác giả Đoàn Thị Thu Vân có nhiều đóng góp trong việc khảo sát các đặc điểm nghệ
thuật của thơ Thiền Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, đặc biệt là những nét độc đáo của
các bài “Tứ cú kệ” cực kỳ ngắn gọn mang tính chất “điểm ngộ”, “khai mở” rất thích hợp với
nhu cầu truyền phổ, thuyết giảng đạo lý nhà Phật. Tuy nhiên, các công trình này chỉ nghiên
cứu đặc điểm hay sự phát triển của tứ tuyệt trong một giai đoạn, một thời đại thi ca nhất
định.
2.4. Năm 1997, nhà xuất bản Giáo Dục cho in cuốn “Về thi pháp thơ Đường” [98],
trong đó tập hợp một số bài viết của các tác giả Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi cùng với
công trình “Bút pháp thơ ca Trung Quốc” của François Cheng, nhà nghiên cứu văn học
người Pháp gốc Trung Quốc và công trình “Sức quyến rũ của thơ Đường” của hai nhà
nghiên cứu văn học người Trung Quốc, quốc tịch Mỹ là Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân. Tập
sách này là sự đóng góp một cải nhìn mới mẻ về thơ Đường từ góc độ thi pháp thể loại, thi
pháp ngôn từ, các vấn đề về thời gian và không gian nghệ thuật (Bài viết “Thời gian, không
gian trong thơ Đường” của Trần Đình Sử), về đặc điểm bố cục, phép đối trong thơ Đường
(Các bài viết “Vấn đề đối ngẫu trong thơ Đường luật”, “Về trình tự phân tích một bài thơ
bát cú Đường luật” của Nguyễn Khắc Phi). Đặc biệt, các công trình “Bút pháp thơ ca Trung
Quốc” và “Sức quyến rũ của thơ Đường” đã dựa trên cơ sở lý thuyết thi pháp ngôn ngữ của
R. Jacobson để khảo sát một cách toàn diện đặc điểm lựa chọn và kết hợp ngôn từ của các
nhà thơ thời Đường trong mối quan hệ đối sánh với ngôn ngữ thơ ca phương Tây. Những
kiến giải của François Cheng chủ yếu dựa trên cơ sở lý thuyết ký hiệu học bởi, theo ông,
“Toàn bộ thơ Đường là một bài ca được viết ra cũng như một bài viết được hát lên. Qua
những ký hiệu, vẫn tuân theo nhịp điệu nguyên sơ, lời nói đã bung ra, lan tràn tứ phía hoạt
12


động tạo nghĩa của nó. Khoanh lại trước tiên tính hiện thực của những ký hiệu này - những
chữ viết ghi ý của người Trung Quốc - những đặc điểm của chúng, những mối liên quan
giữa chúng với những hoạt động tạo nghĩa khác - đã làm nổi bật một vài nét chủ yếu của thơ
ca Trung Quốc” [98, tr. 78]. Hai tác giả Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân chú ý khảo sát các
vấn đề về cú pháp, cách lựa chọn ngôn từ và sử dụng hình ảnh của thơ Đường trong quan hệ

đối sánh với thơ ca phương Tây. Các công trình nêu trên dù chuyên biệt nghiên cứu Đường
thi nhưng đã gợi ý cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình khảo sát các đặc điểm nghệ thuật
của thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
2.5. Về các bài viết được đăng tải trên hệ thống báo chí và tạp chí chuyên ngành,
chúng tôi lưu tâm đến loạt bài viết về thơ tứ tuyệt của Ngọc Chung Tử được đăng trên báo
Văn Nghệ từ năm 1991, trong đó, ông đã thể hiện rõ một cách hiểu rất rộng về thơ tứ tuyệt
khi chọn và bình cả những bài lục bát bốn câu. Mãi đến năm 1997, khi việc sáng tác thơ tứ
tuyệt ngày càng phổ biến, nảy sinh nhu cầu xác định một cách hiểu thống nhất về tứ tuyệt,
tác giả Tạ Ngọc Liễn đã đặt ra vấn đề “Tứ tuyệt có phải là thể thơ bốn câu” [70]. Tiếp tục
vấn đề trên, tác giả Nguyễn Khắc Phi đã giới thiệu ý kiến của mình qua bài viết “Về khái
niệm tứ tuyệt” trên báo “Văn Nghệ trẻ” [106]. Đây là một bài viết chuyên sâu, giới thiệu
nhiều cứ liệu khoa học và những kiến giải của tác giả về nguồn gốc, tên gọi và nội dung
khái niệm tứ tuyệt trên cơ sở khảo sát quá trình hình thành và phát triển của thể thơ độc đáo
này trong lịch sử văn chương Trung Hoa. Tác giả cũng đặt ra những thực tế khó khăn khi
chọn cách gọi tên hợp lý nhất cho thể thơ vì xét thấy khái niệm tứ tuyệt vẫn dùng trong thực
tiễn sáng tác của văn học hiện đại Việt Nam từ trước đến nay là chưa thật ổn. Qua những
kiến giải về ưu thế nghệ thuật, tác giả đã đưa ra những dự báo khả quan cho sự phát triển
mạnh mẽ của tứ tuyệt trong tương lai. Bài viết này là một trong những cơ sở quan trọng
giúp chúng tôi xác định cách hiểu hợp lý về thơ tứ tuyệt.
Bài viết “Thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên” [102] của hai tác giả Lê Lưu Oanh và Đinh Thị
Nguyệt trên tạp chí Văn Học số 8/1998 vừa khảo sát được những đặc điểm nghệ thuật của
thơ tứ tuyệt, một mảng thơ có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Chế Lan Viên, vừa
giúp chúng tôi có một cái nhìn tương đối khái quát về sự vận động, cách tân, phát triển của
thể thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam hiện đại.

13


Tóm lại, việc nghiên cứu vị trí, quá trình phát triến và đặc biệt là việc nghiên cứu các
đặc điểm, ưu thế nghệ thuật cũng như việc xác định những nét riêng của tứ tuyệt Việt Nam

từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX so với tứ tuyệt Đường thi và với các thể thơ khác vẫn còn là
những vấn đề chưa được quan tâm triệt để.

3. Mục đích nghiên cứu
Dựa trên những thành tựu cũng như những vấn đề chưa được giải quyết triệt để trong
thực tiễn nghiên cứu thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, luận án này hướng
tới việc giải quyết một số vấn đề cơ bản sau:
3.1. Xác định vị trí, miêu tả tiến trình thể loại của thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam
từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX qua việc thống kê và khảo sát một cách tương đối tỷ lệ
sử dụng thể thơ này trong phạm vi sáng tác từ văn học Lý - Trần đến văn học giai đoạn
cuối thế kỷ XIX qua các công trình khảo cứu, các hợp tuyển hoặc tuyển tập thơ của một số
tác giả tiêu biểu ở từng giai đoạn.
3.2. Góp phần lý giải nguyên nhân hình thành, phát triển cũng như sức sống lâu bền
của thơ tứ tuyệt trên cơ sở những nét đặc thù trong quan niệm nghệ thuật của văn chương cổ
điển, những đặc điểm và ưu thế thích ứng của thể thơ đối với nhu cầu phản ánh và biểu hiện
ở từng giai đoạn văn học cụ thể.
3.3. Mục tiêu chính của đề tài là khảo sát các đặc điểm nghệ thuật của thơ tứ tuyệt Việt
Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX trong mối quan hệ đối sánh với tứ tuyệt Đường thi
và với các thể thơ khác. Như đã trình bày, chúng tôi đặt ra mục tiêu khảo sát, lý giải các đặc
điểm nghệ thuật của thơ tứ tuyệt dựa trên cơ sở mối quan hệ giữa các yếu tố: cuộc sống nhà văn - tác phẩm – người đọc. Nói cách khác, trong quá trình khảo sát những đặc điểm
nghệ thuật của thể thơ này, chúng tôi không những chỉ căn cứ vào chính cấu trúc nội tại của
tác phẩm mà còn căn cứ vào mối quan hệ với những tác động sâu sắc, những nhu cầu cần
phản ánh của hiện thực đời sống, với các quy luật tâm lý sáng tạo và tiếp nhận văn học.

14


4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Để xác định những đặc điểm, trên nguyên tắc chung, cần phải khảo sát thơ tứ
tuyệt Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX trong mối quan hệ đối sánh với nhiều hệ

thống. Cụ thể, luận án sẽ được triển khai trên cơ sở quan tâm đến các mối quan hệ giữa:
- Thơ tứ tuyệt với thơ ca nói chung và thơ ca cổ điển phương Đông nói riêng
- Thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX với thơ tứ tuyệt Đường
thi.
- Thơ tứ tuyệt với các thể thơ khác mà đặc biệt là thể thơ bát cú luật Đường trong thơ
ca Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX
- Thơ tứ tuyệt với các thể thơ khác trong sáng tác của các nhà thơ tiêu biểu hoặc trong
các giai đoạn văn học cụ thể.
Mối quan hệ phụ thuộc, ảnh hưởng qua lại giữa các bộ phận trong hệ thống hoặc giữa
các hệ thống sẽ là cơ sở giúp xác định các đặc điểm nghệ thuật của bài thơ tứ tuyệt, bởi bên
cạnh những đặc điểm mang tính loại biệt rõ rệt còn có những đặc điểm mà tính loại biệt chỉ
được xác định thông qua tính chất và mức độ thể hiện các đặc điểm đó trong trường hợp cụ
thể của thể thơ. Chẳng hạn, tính hàm súc của ngôn từ là một đặc điểm của thơ ca nói chung
chứ không riêng gì tứ tuyệt. Cái khác là ở chỗ, đối với tứ tuyệt, yêu cầu này được thể hiện ở
mức độ cao hơn. Lượng càng ít thì chất càng phải tinh, bài thơ càng ngắn, sức cô đọng, hàm
súc của ngôn từ càng phải cao. Đó là một quy luật.
Vì vậy, từ “đặc điểm” mà chúng tôi sử dụng không bó hẹp trong phạm vi loại biệt, chỉ
có ở thơ tứ tuyệt, mà được hiểu một cách rộng rãi hơn: Tứ tuyệt vẫn mang những đặc điểm
chung với các bộ phận khác trong cùng hệ thống như đã nêu trên,
Sự khác biệt chỉ ở mức độ thể hiện những đặc điểm chung đó vào trường hợp cụ thể.
Đây là cách mà chúng tôi sử dụng nhất quán trong quá trình khảo sát các đặc điểm nghệ
thuật của các bài thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX
4.2. Để giải quyết những yêu cầu cụ thể của đề tài, chủ yếu chúng tôi sử dụng các
phương pháp sau:
15


4.2.1. Phương pháp thống kê được sử dụng nhằm:
- Khảo sát tỷ lệ sử dụng thơ tứ tuyệt trong một số tập thơ tiêu biểu để đánh giá vị trí và
tìm hiểu quá trình phát triển của thể thơ này trong văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế

kỷ thứ XIX
- Đặc biệt, không thể phủ nhận mối quan hệ ảnh hưỏng, tác động sâu sắc của thơ
Đường nói chung và thơ tứ tuyệt thời Đường nói riêng đối với thơ tứ tuyệt cổ điển Việt
Nam. Vì vậy, chúng tôi đã chọn 100 bài thơ tứ tuyệt Đường thi dùng làm cơ sở đối chứng 1
khi cần thống kê, so sánh tỷ lệ để xác định mối quan hệ kế thừa và sáng tạo cũng như
những nét khác biệt của thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX so với
thơ tứ tuyệt Đường thi.
4.2.2. Phương pháp phân tích - so sánh được sử dụng nhằm tìm hiểu:
- Ảnh hưởng của Đường thi, của thơ ca bác học và thơ ca dân gian Việt Nam đối với
quá trình phát triển của thơ tứ tuyệt Việt Nam từ thế kỷ thứ X - XIX.
- Đặc điểm nghệ thuật, những ưu thế thể hiện của tứ tuyệt cổ điển Việt Nam.
Tóm lại, các phương pháp, thao tác nghiên cứu đều nhằm đến mục đích cố gắng làm rõ
tính loại biệt về thể loại, xác định quá trình hình thành, phát triển, những đặc điểm nội dung
và nghệ thuật của thơ tứ tuyệt cổ điển Việt Nam trong mối quan hệ so sánh, đối chiếu với tứ
tuyệt cổ điển Trung Quốc.

5. Giới hạn phạm vi nghiên cứu và tư liệu
5.1 .Văn học dân tộc bao gồm hai bộ phận: văn học viết và văn học dân gian. Đề tài
chỉ giới hạn nghiên cứu kiểu bài thơ bốn câu xuất hiện trong phần văn học viết từ thế kỷ thứ
X đến cuối thế kỷ thứ XIX.
5.2. Đề tài chỉ tập trung thu thập tư liệu từ sự nghiệp sáng tác của một số nhà thơ tiêu
biểu ở các giai đoạn văn học.

1

Xin xem tên các bài thơ được chọn trong phần “Phụ Lục”
16


5.3. Những tác phẩm văn học cổ đã mất mát nhiều theo thời gian. Thơ của hầu hết các

tác giả, ngày nay, chỉ còn lại một phần ít ỏi dù đương thời, số lượng tác phẩm của mỗi
người đôi khi đạt đến con số nghìn. Đó là chưa kể đến những khó khăn khách quan trong
việc giới thiệu toàn bộ tư liệu Hán Nôm còn giữ được đến ngày nay. Thực tế đó khiến cho
công việc thống kê của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để thực hiện yêu cầu khảo
sát tỷ lệ sử dụng thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIX,
chúng tôi chỉ có thể căn cứ vào những dạng tư liệu đã được dịch thuật và giới thiệu như sau:
- Các công trình khảo cứu
- Các hợp tuyển thơ
- Các tập thơ được tuyến chọn và giới thiệu.

6. Kết cấu của luận án
Luận án gồm ba phần
Phần Dẫn Nhập
Giới thiệu sơ lược về ý nghía của đề tài, điểm lại một số công trình chủ yếu có nhiều
đóng góp cho việc nghiên cứu thơ tứ tuyệt trước đây, nhấn mạnh các mục đích nghiên cứu,
phương pháp nghiên cứu và tiến hành giới hạn phạm vi nghiên cứu, tư liệu của đề tài.
Phần Nội Dung
CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM THƠ TỨ TUYỆT
Xác định cách sử dụng thuật ngữ và cách hiểu khái niệm thơ tứ tuyệt nhằm phục vụ
cho việc thống kê tư liệu và kết luận về quá trình phát triển của thơ tứ tuyệt trong văn học
Việt Nam từ thế kỷ X đến thể kỷ XIX.
CHƯƠNG 2: TIẾN TRÌNH THƠ TỨ TUYỆT TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ
THẾ KỶ X ĐẾN THẾ KỶ XIX.
- Thống kê số lượng các bài thơ tứ tuyệt trong các tập thơ, các hợp tuyển thơ ở từng
giai đoạn cụ thể.
17


- Nhận xét khái quát về đặc điểm nội dung và nghệ thuật của thơ tứ tuyệt trong các giai
đoạn văn học để có được cái nhìn bao quát về tiến trình thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam

từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX.
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT THƠ TỨ TUYỆT VIỆT NAM
TỪ THẾ KỶ THỨ X ĐẾN THẾ KỶ THỨ XIX
Thể loại là một phạm trù mang tính lịch sử. Vì vậy, việc nghiên cứu thể loại, trước hết,
cần được tiến hành trên cơ sở tìm hiểu, lý giải con đường hình thành, phát triển thể loại dựa
vào sự thích ứng của nó với nhu cầu phản ánh và biểu hiện ở từng giai đoạn cụ thể.
Mặt khác, để phân tích, cảm thụ, người tiếp nhận phải khởi đầu từ ngôn ngữ, bố cục
bài thơ để cảm nhận vẻ đẹp của hình ảnh và cuối cùng là hiểu được tư tưởng của tác phẩm.
Công việc sáng tác một bài thơ phải bắt đầu theo hướng ngược lại: Từ những ý tưởng phát
sinh do hứng thú, cảm xúc trước tác động của ngoại cảnh, nhà thơ sẽ chọn lọc và tổ chức
những hình ảnh từ thực tế cuộc sống để diễn đạt các ý tưởng. Tuy nhiên, các hình ảnh thể
hiện ý tưởng phải được sắp xếp trong một bố cục chặt chẽ tùy thuộc vào quy cách thể thơ
hoặc ý đồ nghệ thuật của tác giả. Đặc biệt, với thơ Đường luật (Chủ yếu là bát cú và tứ
tuyệt), việc sắp xếp ý tưởng, hình ảnh trong mỗi câu thơ cần tuân thủ theo đúng quy cách bố
cục “Khai - thừa - chuyển - hợp”. Cuối cùng, tác giả dùng ngôn ngữ nghệ thuật để thể hiện
những cảm nhận, suy tưởng qua bài thơ. Vì vậy, ở chương này, đề tài giải quyết các vấn đề
cụ thể sau:
3.1. Sự hình thành, phát triển của tứ tuyệt nhìn từ góc độ quan niệm nghệ thuật
3.2. Cách lựa chọn và tổ chức hình ảnh.
3.3. Bố cục bài thơ tứ tuyệt.
3.4. Ngôn ngữ thơ tứ tuyệt
Phần Kết Luận
Chúng tôi cố gắng đưa ra một số nhận định khái quát về sự phát triển của thơ tứ tuyệt
trong văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX và phác thảo vài nét về sự phát triển

18


của thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam hiện đại, khởi đi từ Phong trào Thơ mới đến thơ
Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thơ tứ tuyệt đương đại.

Để có một cái nhìn xuyên suốt và toàn diện, chúng tôi khảo sát sự phát triển của thơ tứ
tuyệt hiện đại Việt Nam thông qua các giai đoạn văn học sử được phân ký theo quan niệm
truyền thống, Ở mỗi giai đoạn, bên cạnh những nhận định khái quát, chúng tôi điểm qua vài
nét về thơ tứ tuyệt của một tác giả cụ thể, tiêu biểu. Trên cơ sở điểm qua các chặng đường
phát triển của tứ tuyệt hiện đại, chúng tôi hướng tới việc khẳng định những ưu thế giúp tứ
tuyệt sẽ còn có thể đi tiếp vào thế kỷ XXI cùng với nhiều hình thức thơ khác và đề xuất một
số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.

19


CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM THƠ TỨ TUYỆT
1.1. Những cách hiểu khác nhau về thơ tứ tuyệt:
1.1.1. Về thuật ngữ.
Hiện nay, thuật ngữ tứ tuyệt được sử dụng rất phổ biến trong thực tiễn sáng tác và
nghiên cứu phê bình ở Việt Nam (ở Trung Quốc, người ta không sử dụng thuật ngữ này) để
chỉ một kiểu bài thơ ngắn gọn, chỉ gồm bốn câu. Nhiều cuộc thi sáng tác, bình thơ tứ tuyệt
được tổ chức trên báo chí những năm gần đây; nhiều tuyển thơ tứ tuyệt ra đời, trong đó xuất
hiện những bài thơ bốn câu theo kiểu thơ mới (mỗi câu 8 chữ), thơ tự do (số chữ trong câu
dài ngắn khác nhau), thơ lục bát, thơ bậc thang,..; nhiều công trình chuyên luận sử dụng
thuật ngữ tứ tuyệt ngay từ tên đề tài.
Điều này chứng minh rằng việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ tứ tuyệt có quan hệ với một
cách hiểu có phân phóng khoáng hơn về những đặc trưng hình thức của thể loại. Lý luận
phải xuất phát từ thực tiễn sáng tác, cho nên, hầu hết các công trình nghiên cứu về hình thức
và thể loại thơ ca đều phải chú ý đến sự có mặt cùng lúc hai thuật ngữ tuyệt cú và tứ tuyệt để
chỉ một kiểu bài thơ bốn câu từng phát triển đến mức hoàn chỉnh về quy cách, cấu trúc trong
Đường thi, từng dược sử dụng trong văn chương cổ điển Việt Nam và đã có nhiều cách tân,
biến đổi trong quá trình hội nhập vào văn học hiện đại.
Tác giả Dương Quảng Hàm giải thích cặn kẽ chữ “tứ tuyệt” như một cách thừa nhận
sự có mặt của thuật ngữ này trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam từ rất

sớm: “Tứ là bốn, tuyệt là dứt, ngắt. Lối này gọi thê vì thơ tứ tuyệt là ngắt lấy bốn câu trong
bài bát cú mà thành” [39, tr. 27 ]
Tác giả Bùi Văn Nguyên cũng viết: “Thơ bốn câu người ta còn gọi là tứ tuyệt tức là
bài thơ gồm bốn câu có ý nghĩa thật hay. Trong văn học Trung Quốc, người ta không gọi tứ
tuyệt mà gọi là tuyệt cú” [ 84, tr. 213 ]
Tác giả Nguyễn Khắc Phi, trong “Từ điển thuật ngữ văn học”, xác định: “ở ta, quen
gọi là thơ tứ tuyệt. Nghĩa rộng là những bài thơ bốn câu mỗi câu 5 hoặc 7 chữ. Theo nghĩa
hẹp là một dạng của thơ Đường luật, có quy định bằng trắc, niêm đối” [96, tr. 272]
20


Tác giả Lạc Nam trong “Tìm hiểu các thể thơ” cũng có định nghĩa cùng lúc sử dụng
hai thuật ngữ để định danh một khái niệm: “Thơ bốn câu gọi là thơ tứ tuyệt, người Trung
Quốc gọi là tuyệt cú”...[77, tr. 108 ]
Việc sử dụng cùng lúc hai thuật ngữ tứ tuyệt và tuyệt cú tồn tại suốt một thời gian dài,
thậm chí, ở Việt Nam, thói quen sử dụng rộng rãi thuật ngữ tứ tuyệt khiến thuật ngữ tuyệt cú
hầu như chỉ còn được sử dụng khi cần nghiên cứu chuyên sâu. Mãi đến gần đây, trên tạp chí
“Văn Nghệ Trẻ” số 25 (1997), tác giả Tạ Ngọc Liễn mới đặt ra vấn đề có nên dùng thuật
ngữ tứ tuyệt hay không? [70]. Theo ông, trong các tài liệu xưa chưa hề có chỗ nào dùng
thuật ngữ tứ tuyệt. Từ lúc khởi nguyên, người Trung Quốc chỉ sử dụng thuật ngữ tuyệt cú để
chỉ những bài thơ bốn câu ngũ ngôn, lục ngôn hoặc thất ngôn, có quy định bằng trắc, niêm
luật chặt chẽ. Tiếp liền sau đó, trên báo “Văn Nghệ Trẻ”, tác giả Nguyễn Khắc Phi, trong
bài “Về khái niệm tứ tuyệt” [106], có ý kiến trao đổi như sau: “Tứ tuyệt được hiểu như một
từ đồng nghĩa với tuyệt cú, một cách gọi hiện đại của một thể thơ xưa từng mang tên tuyệt
cú”. Theo ông, “một từ, khi đã có đời sống riêng, được hiểu một cách tương đối thống nhất
thì bất tất phải xoá bỏ, cho dù nó đã mang một nghĩa nội hàm khác với lúc ban đầu xuất
hiện”. Tuy nhiên, vẫn theo ông, dù có thể và nên dùng thuật ngữ tứ tuyệt nhưng cần phải
hiểu rằng thuật ngữ này “vẫn mang dấu hiệu khu biệt của tuyệt cú vốn đã tồn tại ổn định
ngót 1500 năm nay: bốn dòng, vần chân, số chữ ở bốn dòng bằng nhau”.
Theo chúng tôi, cách hiểu hai thuật ngữ cùng mang một nội dung như nhau có chỗ bất

lợi vì tuyệt cú là một thuật ngữ có nội hàm rất hẹp, chỉ ứng với các bài thơ nhập luật hoặc
luật hóa trong thơ Đường và thơ ca cổ điển Việt Nam. Cho nên, đối với những bài thơ bốn
câu “không theo luật Đường, dù sáng tác trước hoặc sau đời Đường đều gọi là cổ tuyệt cú
hoặc cổ tuyệt” [106].
Linh hoạt hơn, một số tác giả đã sử dụng cùng lúc hai thuật ngữ tương ứng với hai
cách hiểu rộng và hẹp về kiểu bài thơ bốn câu, theo đó, cách gọi tuyệt cú dùng để chỉ những
bài thơ bốn câu tuân thủ đúng quy cách, niêm luật thơ Đường còn cách gọi tứ tuyệt dùng để
chỉ chung một kiểu bài thơ bốn câu có thể đúng và cũng có thể không đúng quy cách, niêm
luật thơ Đường. Vậy là việc xác định thuật ngữ được quy về một dấu hiệu chung nhất: một
bài thơ chỉ gồm bốn câu.

21


1.1.2. Về nội dung khái niệm
Các tác giả Bùi Kỷ, Dương Quảng Hàm, Trần Trọng San, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn
Khắc Phi,.. đều cho rằng tứ tuyệt là một bài thơ bốn câu, mỗi câu gồm 5 chữ, 6 chữ hoặc 7
chữ (Phần lớn là 5 chữ và 7 chữ nên còn gọi là ngũ tuyệt và thất tuyệt), có những quy cách
về cấu trúc, niêm luật chặt chẽ tương ứng với quy cách của bài bát cú luật Đường.
Ở Việt Nam, quy cách sáng tác thơ tứ tuyệt luật Đường nhìn chung được tuân thủ khá
nghiêm ngặt nhưng vẫn tồn tại một số hiện tượng phá cách mà các bài thơ Nôm thất ngôn
xen lục ngôn của Nguyễn Trãi là một trong số những hiện tượng đáng chú ý... Như vậy,
cách hiểu truyền thống này tuy có khái quát được những hiện tượng phố biến nhưng vẫn tỏ
ra bất cập trước những trường hợp cá biệt, sáng tạo ở các nhà thơ giàu bản lĩnh, muốn vượt
thoát khỏi ràng buộc của thi ca Trung Hoa.
Thời gian gần đây, khi thi pháp học phát triển mạnh mẽ trong khoa nghiên cứu văn
học ở nước ta, các công trình có tính chuyên luận về thơ tứ tuyệt hoặc có liên quan đến sự
phát triển của thơ tứ tuyệt trong một giai đoạn văn học nhất định như: “Khảo sát các đặc
điểm nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV” của Đoàn Thị
Thu Vân [140], “Thi pháp thơ Đường’ của Nguyễn Thị Bích Hải [37], “Một số đặc điểm

nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường” của Nguyễn Sĩ Đại [25]... đã có những cách hiểu có
khả năng bao quát các trường hợp phá cách của thơ tứ tuyệt. Đặc biệt, tác giả Nguyễn Sĩ
Đại đề xuất một cách hiểu khá rộng: “Tứ tuyệt trước hết là một bài thơ bốn câu, không nhất
thiết ngũ ngôn hay thất ngôn, không nhất thiết phải có niêm luật chặt chẽ” [25, tr. 4].
Vấn đề thứ hai là sự tồn tại của hai cách hiểu khác nhau về chữ “Tuyệt”:
- Quan niệm thứ nhất cho rằng: “Tuyệt” là dứt, ngắt, cắt:
Theo tác giả Nguyễn Sĩ Đại, ở Trung Quốc, ngay từ thời Minh Thanh, những học giả
như Ngô Nột, Truyền Nhữ Bảng, Tiền Mộc Am,.. đều xem tuyệt cú là thể thơ “tiệt luật thi
chi bán” (Nửa bài cắt ra từ luật thi) [25].
“Từ Hải từ điển” cũng có một định nghĩa tương tự nhưng thận trọng hơn: “Hữu nhân
thuyết tuyệt thi thị tiệt thủ luật thi đích nhất bán nhi thành” (Có người nói tuyệt thi là do cắt
nửa bài luật thi mà thành) [127, tr. 9]
22


Ở Việt Nam, Dương Quảng Hàm là người chịu ảnh hưởng rất rõ của thuyết này: “Tứ
nghĩa là dứt, ngắt. Lối này gọi thế vì thơ tứ tuyệt ngắt lấy bốn câu
trong bài bát cú mà thành” [39, tr. 14]
Cuốn “Từ trong di sản” do Nguyễn Minh Tấn chủ biên cũng có một định nghĩa như
vậy: “Theo lối thơ này (tức tứ tuyệt) thường cắt hai câu đầu, hai câu cuối hoặc bốn câu cuối
(của bài bát cú) mà thành” [120, tr. 69]
Tác giả Nguyễn Khắc Phi trong “Từ điển văn học” [94] và “Từ điển thuật ngữ văn
học” [96] cho rằng: “Luật tuyệt, còn gọi là tuyệt ngôn luật thi, là do luật của bài bát cú quy
định giống như cắt từ bài bát cú mà ra”.
Cách hiểu này xuất phát từ nghĩa gốc của chữ “tuyệt” nên cũng có những hạt nhân hợp
lý nhưng lại rất dễ dẫn đến một quan niệm chưa thực sự khách quan về nguồn gốc của tứ
tuyệt, cho rằng nó chỉ là một dạng thức “phái sinh” từ bát cú và vì vậy, chắc chắn phải ra
đời sau bát cú.
- Quan niệm thứ hai cho rằng: “tuyệt” là tuyệt diệu, tuyệt vời.
Từ quan niệm “Tuyệt cú giả - nhất cú nhất tuyệt dã” của Dương Thận đời Minh và

nhất là từ thực tiễn sáng tác của thể thơ “khó làm” này (chữ dùng của Hoàng Trung Thông),
một số học giả có quan niệm khác về chữ “Tuyệt”.
Trong công trình “Thơ Đường”, Trần Trọng San đã dẫn lại ý kiến của Bùi Kỷ trong
“Quốc văn cụ thể” như một cách giới thiệu có tính chất khách quan hai quan niệm cơ bản về
chữ “tuyệt”: “Tuyệt là tuyệt diệu, mỗi câu chiếm một vị trí đặc biệt. Chỉ trong bốn câu mà
thiển thâm, ẩn hiện, chính kỳ, khởi phục đủ cả, cho nên gọi là tuyệt” [12, tr. 32]
Bùi Văn Nguyên trong “Thơ ca Việt Nam - Hình thức và thể loại” nhấn mạnh: “Thơ
bốn câu, người ta cũng gọi là tứ tuyệt, tức là bài thơ gồm bốn câu có ý nghĩa thật hay” [84,
tr. 213]. Để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của chữ “Tuyệt”, ông nói thêm: “Chữ Tứ Tuyệt theo
Trung Quốc nghĩa là bốn cái thật hay thí dụ như bia lầu Nhạc Dương (Thợ bia khéo, văn bia
hay, chữ chân tốt, chữ triện tốt) hoặc bốn cái thật xấu như bốn ngày trước các ngày lập
xuân, lập hạ, lập thu, lập đông”.

23


Tác giả Lạc Nam Phan Văn Nhiễm định nghĩa: “Thơ bốn câu gọi là tứ tuyệt... tức bài
thơ hay tuyệt vời” [77, tr. 106]
Tác giả Nguyễn Xuân Nam trong “Thơ, tìm hiểu và thưởng thức” cũng xem tính chất
tuyệt diệu, tuyệt vời như một phẩm chất nổi bật của bài thơ tứ tuyệt: “Bút pháp nghệ thuật
thơ tứ tuyệt là dồn nén trong khuôn khổ ngôn từ tinh tế nhất một tứ thơ mới lạ, độc đáo, tạo
sức hấp dẫn của ý ở ngoài lời và chính cái không nói ra lời ấy mới chính là cái đáng kể nhất,
ý vị nhất của thơ tứ tuyệt” [76, tr. 175].
Tác giả Quách Tấn, trong “Thi pháp thơ Đường”, cũng nhấn mạnh: “Tuy có bốn câu
nhưng ý tứ phải sung mãn như tám câu thì mới xứng danh là Tuyệt cú, là Tứ tuyệt. Bởi
Tuyệt vừa có nghĩa là Tiệt (cắt) vừa có nghĩa là Tuyệt diệu” [121, tr. 76].
Ngoại trừ những ý kiến khẳng định dứt khoát, một số tác giá khác vẫn còn dè dặt trong
cách hiểu “tuyệt” là tuyệt diệu, tuyệt vời dù, trong khi lý giải những đặc điểm nghệ thuật
của bài thơ tứ tuyệt, vô hình trung, họ đã thừa nhận sự “tuyệt vời” trong tất cả các phương
diện hình thức của thể thơ nhằm đạt tới tính “hàm súc cao nhất” (Đoàn Thị Thu Vân) và một

“cấu trúc đa chiều vừa đủ sức phản ánh hiện thực vừa mang tính khái quát cao” (Nguyễn Sĩ
Đại).
Cách hiểu này hợp lý hơn khi xem bài thơ tứ tuyệt là một chỉnh thể độc lập, hoàn hảo
về cấu trúc chứ không phải là kết quả của sự cắt ra từ bài bát cú. Khi đứng độc lập với tư
cách là một thể thơ nhỏ gọn nhất trong các thể thơ được sử dụng ở Trung Quốc từ đời
Đường về sau và ở Việt Nam thời trung đại, bắt buộc tứ tuyệt phải là sự tinh lọc tối đa hình
ảnh và cảm xúc, phải dồn nén được toàn bộ tài năng và tâm lực của nhà thơ sao cho bài thơ
nhỏ gọn ấy có thể chuyển tải được những vấn đề lớn lao, đa dạng, sâu xa của đời sống và
tâm linh. Muốn vậy, mỗi câu, mỗi chữ cần phải có sức nặng, phải thật sự “tuyệt vời”.
1.1.3. Vấn đề nguồn gốc thơ tứ tuyệt.
Quan niệm bài thơ tứ tuyệt là do những cách cắt khác nhau của bài thơ bát cú mà thành
đã dẫn đến việc cho rằng tứ tuyệt xuất hiện sau bát cú. Theo tác giả Nguyễn Sĩ Đại, “thuyết
này khá phổ biến với những tác giả như Ngô Nột đời Minh trong Văn Chương Biện Thể,
Truyền Nhữ Bảng (đời Thanh) trong Thi Pháp Nguyên Lưu, Tiền Mộc Am (đời Thanh)
trong Đường Âm Thẩm Thể ”[25, tr. 28].
24


Mâu thuẫn với thuyết “tiệt luật thi chi bán”, các học giả Trung Quốc như Hồ Ứng Lân
(đời Minh), Vương Sĩ Trinh, Lý Gia Ngôn, La Căn Trạch, Đổng Văn Hoán (đời Thanh)...
đều cho rằng “Luật thi thực do tuyệt cú bội phiên nhi thành”, tức tứ tuyệt xuất hiện trước bát
cú và có thể là tiền thân của bát cú. Hồ Ưng Lân đặt vấn đề: “Ý kiến bảo rằng (tuyệt cú) là
cắt hai liên đầu, cuối hoặc ở giữa của một bài thơ cận thể là không đáng tin. Ngũ ngôn tuyệt
cú đã xuất hiện ở hai kinh (Trường An và Lạc Dương) khi chưa có ngũ ngôn luật thi; thất
ngôn tuyệt cú cũng đã có từ thời tứ kiệt (Bốn nhà thơ nổi tiếng thời sơ Đường: Dương
Quýnh, Lư Chiếu Lân, Lạc Tân Vương, Vương Bột) bấy giờ cũng chưa có thất ngôn luật
thi” [ 106]
Ở Việt Nam, tác giả Trần Trọng San khẳng định: “Trong dân ca đời Lục Triều, đã thấy
có những bài bốn câu 5 chữ hoặc 7 chữ. Các nhà quý tộc mới phỏng theo đó mà làm ra
những bài bốn câu ngũ ngôn, lục ngôn hoặc thất ngôn. Đến đời Đường, lối thơ bốn câu này

rất thịnh hành và được gọi là tuyệt cú. Sau khi có luật thi, lối tuyệt cú vô hình trung đồng
hóa trong thể thơ này. Vì thế người ta thường ngộ nhận tuyệt cú là do sự cắt bài luật thi mà
thành” [ 112, tr. 32]
Bắt đầu từ việc truy nguyên dạng bài thơ bốn câu trong Kinh Thi, Nhạc Phủ và thơ Cổ
Phong, tác giả Bùi Văn Nguyên đã đi đến kết luận: “Thơ cổ phong cũng như dân ca không
hạn định số câu, có thể ít nhất là hai hoặc bốn câu, hoặc sáu, tám, mười câu hoặc nữa là rất
nhiều câu... Tuy nhiên, thể thơ cổ phong phổ biến nhất là thể bốn câu, tám câu và thể hành”.
Cuối cùng, ông khẳng định: “Có ý kiến cho rằng thơ tuyệt cú là một thể hoàn chỉnh tự nó và
nó hình thành trước thể bát cú. Ý kiến này xác đáng hơn” [85, tr. 299].
Cuốn “Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ tứ tuyệt đời Đường” [25] đã tập hợp được
nhiều cứ liệu khoa học để khẳng định rằng tuyệt cú đã có mầm mống ngay từ trong Kinh
Thi và dân ca thời Lục Triều. Theo tác giả Nguyễn Sĩ Đại, tên gọi “Tuyệt cú” xuất phát từ
tên gọi “Liên cú’

hai câu đối nhau gọi là nhất liên, tức lối làm thơ có hai người

trở lên, mỗi người đọc một câu. Lối làm thơ này rất thịnh hành ở đời Lưỡng Tấn, Lục Triều.
Và như vậy, chữ “Tuyệt”, theo tác giả, “Có lẽ chỉ việc cắt ra từ liên cú, sự dừng lại ở bốn
câu với ý nghĩa trọn vẹn”.
Tác giả Nguyễn Khắc Phi, trong bài viết “Về khái niệm tứ tuyệt”, phân tích cụ thể
hơn: “Khái niệm tuyệt cú, thoạt đầu đưa ra không phải để phân biệt với bát cú mà là để khu
25


×