Tải bản đầy đủ (.pdf) (194 trang)

truyện dân gian tây ninh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.5 MB, 194 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Hà Thị Thới

TRUYỆN DÂN GIAN TÂY NINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Hà Thị Thới

TRUYỆN DÂN GIAN TÂY NINH
Chuyên ngành

: Văn học Việt Nam

Mã số

: 60 22 01 21
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HỒ QUỐC HÙNG

Thành phố Hồ Chí Minh – 2014




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu,
kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất
kỳ công trình nào khác.
Người thực hiện

Hà Thị Thới


LỜI CẢM ƠN
Trong thời gian thực hiện luận văn thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt
Nam với đề tài Truyện dân gian Tây Ninh, tôi đã nhận được sự quan tâm
của Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh,
của quý thầy cô giảng dạy chuyên ngành Văn học Việt Nam (Cao học khóa
23 – Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh). Đặc biệt, tôi đã nhận được sự giúp
đỡ hết sức tận tình và nhiệt thành của Tiến sĩ Hồ Quốc Hùng, người trực tiếp
hướng dẫn tôi hoàn thành luận văn này. Song song đó, trong quá trình điền
dã, sưu tầm, nghiên cứu đề tài, tôi còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của
người dân địa phương Tây Ninh, các tổ chức văn hóa ở Tây Ninh (Thư viện
tỉnh Tây Ninh, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
Tây Ninh).
Tôi xin kính gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ Hồ Quốc Hùng, Ban chủ nhiệm
khoa Ngữ văn, quý thầy cô, các phòng ban của trường Đại học Sư phạm Tp.
Hồ Chí Minh (Phòng Sau đại học, Thư viện trường), các tổ chức văn hóa ở
Tây Ninh và người dân Tây Ninh cũng như gia đình, bạn bè đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi nhất cho tôi trong suốt thời gian qua.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Thị Thới



MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU ....................................................................................................... 1
Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG ...................................................... 10
1.1. Những vấn đề về lý thuyết có liên quan đến đề tài .............................. 10
1.1.1. Từ lý thuyết đến ứng dụng bước đầu trong công tác sưu tầm,
nghiên cứu Truyện dân gian Tây Ninh ......................................... 10
1.1.2. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa – tín ngưỡng ...... 18
1.2. Những vấn đề về đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư dân ở Tây Ninh.......23
1.2.1. Quá trình cộng cư giữa các tộc người ở Tây Ninh ....................... 24
1.2.2. Mối quan hệ giữa các tộc người về đời sống văn hóa – tín
ngưỡng ở Tây Ninh ....................................................................... 26
Tiểu kết chương 1 .......................................................................................... 34
Chương 2. TÌNH HÌNH TƯ LIỆU VÀ PHÂN LOẠI, MÔ TẢ TƯ LIỆU ....36
2.1. Tình hình tư liệu ................................................................................... 36
2.1.1. Tư liệu đã được công bố ............................................................... 36
2.1.2. Tư liệu sưu tầm, điền dã................................................................ 41
2.2. Phân loại và mô tả tư liệu..................................................................... 45
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 61
Chương 3. ĐẶC TRƯNG TRUYỀN THUYẾT TÂY NINH ................... 62
3.1. Đề tài .................................................................................................... 62
3.1.1. Truyền thuyết Tây Ninh gắn với lịch sử khai phá, hình thành
vùng đất ......................................................................................... 62
3.1.2. Truyền thuyết Tây Ninh gắn với địa danh, in đậm dấu tích địa phương............65



3.1.3. Truyền thuyết Tây Ninh có mối liên quan mật thiết với tín
ngưỡng dân gian và tôn giáo ......................................................... 71
3.2. Cấu tạo cốt truyện ................................................................................ 76
3.2.1. Cấu tạo truyền thuyết lịch sử Tây Ninh ........................................ 78
3.2.2. Cấu tạo truyền thuyết địa danh Tây Ninh ..................................... 90
3.2.3. Cấu tạo truyền thuyết tín ngưỡng dân gian và tôn giáo Tây Ninh ..... 96
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................ 105
KẾT LUẬN .................................................................................................. 106
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 109
PHỤ LỤC


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tây Ninh là một tỉnh biên giới được hình thành với thời gian khoảng 300
năm, nằm ở phía Nam, tiếp giáp với Campuchia. Tây Ninh có vị trí chiến lược
trong an ninh, quốc phòng cũng như ngoại giao về kinh tế, văn hóa,… Xét
thấy đây là một địa phương có bề dày lịch sử văn hóa trong tổng thể của lịch
sử văn hóa vùng, miền cũng như có nhiều sự giao thoa giữa các lằn ranh văn
hóa giữa các tộc người, giữa các tôn giáo tạo nên một bản sắc văn hóa đặc
trưng của địa phương. Nhưng trong thực tế, Tây Ninh chưa được các nhà
nghiên cứu lưu tâm, nhận diện và đánh giá, chúng tôi có một sự phân vân và
vướng mắc vì lý do nào Tây Ninh “bị lãng quên” trong các công trình nghiên
cứu? Phải chăng vì vùng đất này thật sự không có gì đặc sắc về văn học dân
gian, văn hóa dân gian? Hay vì một lý do nào khác phụ thuộc vào điều kiện
của các nhà nghiên cứu?
Hướng nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa, nghiên cứu văn

học dân gian địa phương hiện nay được các nhà nghiên cứu dành một sự quan
tâm không nhỏ, nhưng xét thấy văn học dân gian ở Tây Ninh chưa được lưu ý
đúng mức. Nhất là truyện dân gian ở đây chưa được sưu tầm, gìn giữ. Mặc dù
đã có những cuộc điền dã, thực tế được tổ chức ở Nam Bộ nhưng phần lớn tập
trung ở các địa phương khác như Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang,…Trên thực
tế, truyện dân gian Tây Ninh chỉ được tồn tại một vài bản kể rải rác trong các
công trình sưu tầm, tổng hợp truyện dân gian của các tác giả (vấn đề này,
chúng tôi sẽ trình bày cụ thể trong phần Tình hình tư liệu ở chương 2).
Chúng tôi chọn đề tài này với lý do muốn góp phần tìm hiểu đặc điểm
văn học dân gian Tây Ninh, đặc biệt là ở phần truyện dân gian. Bởi vì trong
chỉnh thể văn học dân gian, truyện dân gian là bằng chứng lịch sử - văn hóa


2

sống động nhất, là bộ phận phản ánh rõ nét và đầy đủ nhất lịch sử - đời sống
của cộng đồng. Cụ thể, chúng tôi muốn hướng đến tìm hiểu vai trò, ý nghĩa
của truyện dân gian trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tây Ninh,
cũng như mối quan hệ giữa bộ phận truyện dân gian (trong chỉnh thể văn học
dân gian) với văn hóa dân gian Tây Ninh.
Trong quá trình điền dã, sưu tầm tư liệu, chúng tôi muốn góp phần nhỏ
vào công cuộc bảo tồn, lưu giữ truyện dân gian (Tây Ninh) – vốn được xem là
“di sản tinh thần”, một nét đẹp văn hóa của dân gian (Tây Ninh).
Ngoài ra, chúng tôi muốn đề tài nghiên cứu này sẽ là một món quà tri ân
đối với quê hương Tây Ninh – cái nôi tinh thần nuôi dưỡng bản thân người
nghiên cứu đề tài.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Một điều chúng tôi cần lưu ý ngay từ đầu là trong phần này chúng tôi chỉ
điểm qua những công trình sưu tầm, tổng hợp có sự “góp mặt” của truyện dân
gian Tây Ninh và những công trình mang tính chất nghiên cứu có liên quan

trực tiếp đến đời sống văn hóa – tín ngưỡng, văn học dân gian ở Tây Ninh.
Những công trình mang tính chất nghiên cứu, sưu tầm chung của vùng Nam
Bộ, tuy Tây Ninh là một bộ phận nhưng không đề cập trực tiếp đến đề tài, tức
văn hóa dân gian, văn học dân gian (truyện dân gian) Tây Ninh, chúng tôi
cũng xin được phép không nhắc đến. Chúng tôi không chủ ý phân loại tài liệu
có liên quan đến vấn đề nghiên cứu vì xét về số lượng cũng không nhiều, nên
chúng tôi chỉ điểm qua các tài liệu này với trình tự thời gian ra đời trước, sau
của chúng.
1/ Tây Ninh xưa và nay (1971), Huỳnh Minh sưu khảo và tự xuất bản,
sau được nhà xuất bản Thanh niên hiệu đính và xuất bản vào năm 2001 với
tên gọi là Tây Ninh xưa. Công trình Tây Ninh xưa và nay được tác giả chia
làm 7 phần, theo thứ tự từng phần tác giả trình bày đi từ khái quát đến cụ thể
về lịch sử, văn hóa, con người Tây Ninh. Theo tuần tự, phần 1, tác giả tìm về


3

lịch sử hình thành cũng như về điều kiện tự nhiên vùng đất Tây Ninh qua các
thời đại từ khi cư dân mới định hình đời sống ở đây. Phần 2, tác giả điểm qua
các di tích lịch sử ở Tây Ninh, kết hợp với việc giới thiệu các di tích là việc
sưu tầm các bản kể truyện dân gian gắn liền với các di tích ấy (nếu có). Phần
3, tác giả đi tìm lại hình ảnh của các nhân vật lịch sử “cận đại” nổi tiếng có
công tích đối với Tây Ninh trong quá trình xây dựng, bảo vệ “lãnh thổ” cũng
như công tích của họ đối với việc xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa của
cư dân Tây Ninh. Một số bản kể được tác giả sưu tầm trong phần này đã trở
thành truyện dân gian lưu truyền trong địa phương Tây Ninh từ đời này sang
đời khác để lớp cháu con sau còn được ngưỡng vọng về quá khứ để tự hào và
biết ơn. Phần 4, tác giả ghi chép lại những “huyền thoại”, “giai thoại” Tây
Ninh được chính tác giả sưu tầm từ cư dân địa phương. Phần 5, tác giả tập
trung miêu tả các nơi tôn nghiêm: Chùa, Đình, Nhà Thờ, Tòa Thánh ở Tây

Ninh. Chủ yếu là viết về sự ra đời của các nơi ấy, có sự kết hợp miêu tả cảnh
quan và ghi chép kèm theo những mẩu chuyện linh thiêng được dân gian kể
lại. Trong phần này, tác giả lược thuật khá kỹ về Đạo Cao Đài, đó là sự hình
thành, hoạt động, và những bước thăng trầm của Đạo. Phần 6, tác giả viết về
đời sống văn nghệ ở Tây Ninh, các nhóm văn nghệ và các nhân vật nổi tiếng
trong lĩnh vực văn nghệ ở Tây Ninh thời bấy giờ. Phần 7, tác giả phác họa
Tây Ninh “ngày nay”, tức thời gian tác giả đến Tây Ninh sưu khảo.
Công trình này, Huỳnh Minh đã cung cấp cho chúng ta khá nhiều điều
thú vị và cặn kẽ về vùng đất Tây Ninh. Từ công trình Tây Ninh xưa và nay,
chúng tôi hiểu thêm về lịch sử Tây Ninh, chưa kể số lượng truyện được tác
giả sưu tầm, biên soạn từ chuyến đi thực tế ở Tây Ninh đã giúp chúng tôi kế
thừa một số lượng truyện dân gian đáng quý (sau khi chúng tôi chọn lọc) cũng
như giúp chúng tôi trong việc khoanh vùng trong công tác sưu tầm, điền dã
mà chúng tôi thực hiện khi nghiên cứu đề tài này.


4

2/ Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường (1994) của Lê Trí Viễn (chủ
biên). Công trình này gồm 2 tập, phân ra cho 3 cấp học Tiểu học, Trung học
cơ sở và Trung học phổ thông, được sử dụng trong chương trình giảng dạy
thơ văn địa phương ở các trường học trực thuộc Tây Ninh. Công trình này,
mỗi tập được chia làm 2 phần văn học dân gian và văn học viết. Phần văn học
dân gian tập trung nhiều ở tập 1 (cấp Tiểu học và Trung học cơ sở) hơn là tập
2 (cấp Trung học phổ thông). Ở phần văn học dân gian, nhóm biên soạn đã đa
dạng hóa tác phẩm văn học dân gian qua việc tuyển chọn đủ hai hình thức văn
vần (ca dao, tục ngữ) và văn xuôi (truyện). Tác phẩm văn học dân gian được
nhóm tác giả tiến hành sưu tầm và biên soạn lại từ lời kể của cư dân Tây
Ninh. Một số truyện có ghi chú về nguồn kể của truyện (người kể, địa điểm).
Các truyện này được nhóm tác giả gọi chung là truyện dân gian chứ chưa có

sự phân loại thể loại. Trong công trình, có tổng cộng 8 truyện dân gian, số
truyện này đã “góp mặt” vào nguồn truyện dân gian Tây Ninh của đề tài
nghiên cứu (chúng tôi sẽ nói rõ trong phần Tình hình tư liệu ở chương 2).
3/ Miền Đông Nam Bộ con người và văn hóa, Phan Xuân Biên (2004),
Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở công trình này, tác giả chỉ khoanh vùng giới thiệu về lịch sử - văn hóa,
con người ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền
Đông Nam Bộ nên không thể “vắng mặt” trong công trình. Ở mục bài viết
riêng về Tây Ninh, tác giả đã khái quát được lịch sử hình thành và phát triển
của Tây Ninh cũng như các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở địa phương
được phát hiện và cần phải được lưu giữ, phát triển. Tuy nhiên, tác giả chưa
có sự đào sâu vào mảng văn hóa phi vật thể, tức mảng văn hóa tinh thần – đời
sống tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương. Nhưng một mặt nào đó,
từ công trình này, chúng tôi cũng được cung cấp một vốn tư liệu quý về lịch
sử hình thành vùng đất Tây Ninh.


5

4/ Tìm hiểu Phật giáo và tín ngưỡng dân gian ở Tây Ninh, Phan Kỷ Sửu
(2014), Nxb Tôn giáo.
Có thể nói đây là công trình đầu tiên đi sâu vào vấn đề Phật giáo và tín
ngưỡng dân gian ở Tây Ninh. Phật giáo là một tôn giáo có một bước đường
dài gắn bó với lịch sử hình thành và phát triển của Tây Ninh song song với tín
ngưỡng dân gian ở địa phương. Tác giả chia quyển sách làm 3 phần. Phần 1 là
tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo theo chiều dài lịch sử ở Tây Ninh, phần 2
là đi sâu vào tín ngưỡng dân gian Tây Ninh, phần 3 là Những trang văn những
vần thơ về những cơ sở thờ tự tín ngưỡng cũng như những ngày lễ hội – văn
hóa tín ngưỡng ở Tây Ninh, có thể nói phần 3 là phần “vĩ thanh” của công
trình. Riêng phần 2, tác giả trình bày 27 bài viết nhỏ, giới thiệu về các cơ sở

thờ tự tín ngưỡng dân gian, lễ hội, nhân vật được thờ cúng bởi cư dân Tây
Ninh xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tuy không chủ ý sưu tầm truyện dân
gian Tây Ninh nhưng tác giả đã có công trong việc điểm lại và hiệu đính lại
một số truyện dân gian ở Tây Ninh. Đồng thời, qua kết quả điền dã thực tế
của tác giả, chúng tôi đã chọn lọc được 1 truyện dân gian vào nguồn truyện
dân gian Tây Ninh (xem mục Tình hình tư liệu ở chương 2). Tuy nhiên, tác
giả chỉ đề cập đến văn hóa – tín ngưỡng của người Việt và người Hoa, riêng
người Khmer tác giả có một bài viết về ngày tết Chol Chnam Thmay trong
phần 1. Tộc người Chăm, không thấy tác giả nhắc đến. Công trình là kết quả
của chuyến khảo sát thực tế của chính tác giả. Từ công trình, chúng tôi có thể
tiếp cận đời sống văn hóa - tín ngưỡng dân gian ở Tây Ninh dễ dàng hơn cũng
như có thêm tư liệu để đối chiếu, so sánh với truyện dân gian (ở các công
trình khác và do chúng tôi sưu tầm, điền dã) nhằm thu được một kết quả
nghiên cứu chính xác nhất có thể.
Tóm lại, vấn đề nghiên cứu truyện dân gian Tây Ninh chưa có một công
trình nào “chính thức” bàn qua. Các công trình chỉ dừng lại ở việc sưu tầm và
biên soạn truyện dân gian Tây Ninh. Vì vậy, với đề tài này, chúng tôi tiếp tục


6

thực hiện công tác sưu tầm và đi vào nghiên cứu Truyện dân gian Tây Ninh.
Với số tài liệu nghiên cứu ít ỏi có liên quan đến đề tài này, khó khăn là điều
đầu tiên chúng tôi gặp phải. Nhưng với sự khảo sát những công trình nghiên
cứu trên đã giúp chúng tôi tạo tiền đề cũng như kế thừa vốn tri thức về lịch
sử, văn hóa, tín ngưỡng, nguồn truyện dân gian,… trong việc nghiên cứu đề
tài Truyện dân gian Tây Ninh.
3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài nghiên cứu này, chúng tôi nhằm mục đích sưu tầm, hệ thống
hóa và miêu tả nguồn tư liệu truyện dân gian Tây Ninh. Từ đó, rút ra mục

đích sau cùng là kết luận văn học dân gian, văn hóa dân gian địa phương Tây
Ninh cũng có những bản sắc riêng và chung trong dòng chảy vận hành của
văn học dân gian, văn hóa dân gian của dân tộc.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là truyện dân gian Tây Ninh, những
truyện do cư dân người Việt ở Tây Ninh sáng tạo và chỉ lưu truyền ở Tây
Ninh.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn: chúng tôi chỉ tiến hành điền dã những
truyện dân gian của cư dân người Việt ở Tây Ninh, do đó phạm vi nghiên cứu
của đề tài chỉ dừng lại ở các truyện xuất hiện trong cộng đồng cư dân người
Việt ở Tây Ninh. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, những truyện xuất
hiện trong cộng đồng cư dân người Việt, nếu như có xuất hiện dị bản của
cộng đồng dân tộc khác, thì những dị bản đó luận văn vẫn xét trong phạm vi
nghiên cứu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Triển khai đề tài này, chúng tôi cố gắng vận dụng một số phương pháp
nghiên cứu phù hợp với khoa nghiên cứu văn học dân gian:
Phương pháp sưu tầm, điền dã: đây là một phương pháp quan trọng
mang tính chất cơ sở của luận văn. Chúng tôi tiến hành đi điền dã, sưu tầm,


7

lắng nghe, quan sát, ghi chép lại những bản kể của người dân địa phương. Từ
đó, tìm hiểu và mô thuật lại đời sống thực tế của truyện dân gian.
Phương pháp phân loại, thống kê: Là phương pháp nhóm những đối
tượng có chung những đặc điểm thành từng nhóm riêng. Luận văn sử dụng
phương pháp này để phân loại truyện dân gian thành những thể loại đã được
các nhà lý thuyết phân chia theo đặc trưng, nội dung phản ánh. Trên kết quả
phân loại, chúng tôi tiến hành thống kê, lập bảng biểu để đưa tới những kết

luận mang tính khoa học, chính xác.
Phương pháp phân tích cấu trúc: phương pháp này được sử dụng nhằm
khai thác những thành tố cấu thành chỉnh thể tác phẩm. Phương pháp này có
hữu ích khi sử dụng kèm với phương pháp thống kê, mô hình hóa tác phẩm.
Phương pháp so sánh được xem là phương pháp không thể thiếu trong
nghiên cứu văn học dân gian. Trong luận văn này, chúng tôi tiến hành so sánh
tư liệu trước và sau khi điền dã, sưu tầm, đồng thời so sánh trong tổng thể tư
liệu nhằm khám phá và kiến giải những điểm giống và khác nhau của các hiện
tượng, cũng như đưa ra những nhận định, đánh giá phục vụ cho việc nghiên
cứu đề tài.
Phương pháp tiếp cận hệ thống: đối tượng mà luận văn nghiên cứu là
truyện dân gian Tây Ninh là những đơn vị tác phẩm cụ thể được nằm trong
một hệ thống lớn hơn chứ không tồn tại độc lập, riêng lẻ. Sử dụng phương
pháp này, luận văn sẽ chỉ ra sự vận động của bộ phận truyện dân gian Tây
Ninh trong hệ thống truyện dân gian Nam Bộ và cả nước có những điểm
chung và điểm riêng nào chệch ra ngoài hệ thống.
Phương pháp nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa: đề tài của
luận văn mang tính chất địa phương nằm trong không gian vùng văn hóa Nam
Bộ nên việc sử dụng phương pháp này trong nghiên cứu sẽ mang lại rất nhiều
hữu ích trong việc khoanh vùng, tìm ra những nét đặc trưng riêng trong những
đặc trưng chung của vùng văn hóa.


8

Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Trong quá trình nghiên cứu đề tài,
chúng tôi sẽ phải tiến ngành nghiên cứu các vấn đề của các ngành dân tộc
học, văn hóa học, lịch sử học. Việc sử dụng phương pháp này thiết nghĩ sẽ bổ
trợ rất nhiều. Phương pháp này sẽ được sử dụng kèm theo phương pháp
nghiên cứu văn học dân gian theo vùng văn hóa.

6. Đóng góp của luận văn
Theo chúng tôi, Luận văn với đề tài “Truyện dân gian Tây Ninh” có
những đóng góp:
- Hệ thống hóa nguồn tư liệu truyện dân gian trong bức tranh tổng thể
văn học dân gian ở Tây Ninh.
- Khám phá những nét đặc trưng trong nội dung phản ánh của truyện dân
gian Tây Ninh cũng như những điểm riêng và chung trong đời sống văn hóa
tinh thần của cư dân Tây Ninh góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa địa
phương Tây Ninh trong bản sắc văn hóa vùng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung của
Luận văn gồm 3 chương như sau:
Chương 1. Những vấn đề chung
Chương này, chúng tôi đưa ra những vấn đề chung nhất, mang tính chất
cơ sở, làm tiền đề cho việc nghiên cứu đề tài. Chúng tôi kế thừa lý thuyết,
kinh nghiệm của người đi trước tiến đến việc ứng dụng có tính chất giới hạn
trong công tác sưu tầm, nghiên cứu đề tài. Song song đó, chúng tôi tìm hiểu
mối quan hệ giữa văn học dân gian và tín ngưỡng cũng như xác định cơ cấu
tộc người ở địa phương và tái thuật lại đời sống văn hóa – tín ngưỡng của cư
dân Tây Ninh.
Chương 2. Tình hình tư liệu, phân loại và mô tả
Chương này, chúng tôi tiến hành xác định nguồn tư liệu truyện dân gian
Tây Ninh làm dữ liệu cho việc nghiên cứu của chương 3. Chúng tôi tiến hành


9

phân loại, hệ thống hóa nguồn tư liệu, nhận diện bước đầu về nguồn tư liệu,
để khi đi vào chương 3 chúng tôi chỉ tiến hành đi sâu phân tích các vấn đề nảy
sinh trong quá trình tìm hiểu, đánh giá.

Chương 3. Đặc trưng truyền thuyết Tây Ninh
Chương này, chúng tôi tiếp cận nguồn tư liệu đã được chúng tôi chọn lọc
ở chương 2 dưới 2 cấp độ là đề tài và cấu tạo cốt truyện, xác định những kiểu
nhân vật và các yếu tố nghệ thuật ứng với mỗi kiểu cốt truyện. Từ đó, chúng
tôi tìm thấy những nét chung và riêng của đặc trưng truyền thuyết Tây Ninh
trong mối quan hệ với truyền thuyết tiểu vùng Sài Gòn - Gia Định và truyền
thuyết Nam Bộ.


10

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Những vấn đề về lý thuyết có liên quan đến đề tài
1.1.1. Từ lý thuyết đến ứng dụng bước đầu trong công tác sưu tầm,
nghiên cứu Truyện dân gian Tây Ninh
“Văn học dân gian địa phương là một bộ phận rất quan trọng của khoa
nghiên cứu văn học dân gian vì nó là nền tảng của ngành văn học dân gian
cho nên nó là một trong những đối tượng điều tra, sưu tầm và nghiên cứu” [7,
tr.89]. Quả thật, chúng ta “không thể nào nghiên cứu văn học dân gian Việt
Nam một cách thực thấu đáo trước khi nghiên cứu văn học dân gian của từng
địa phương” [38, tr.77]. Đó cũng là một cách ngụ ý, nhắc nhở về tầm quan
trọng của việc nghiên cứu văn học dân gian phải gắn liền với bối cảnh, phải
đặt văn học dân gian trong đời sống thực tế của nó, cũng như truy nguyên
nguồn gốc phát tích của nó.
Mọi công tác nghiên cứu văn học dân gian đều phải xuất phát từ một địa
bàn văn hóa – lịch sử cụ thể. Cho nên, “người nghiên cứu văn học dân gian
không thể chỉ đi vào thư viện để đọc những tác phẩm văn học dân gian qua
văn bản sưu tầm ghi chép mà còn phải đi vào môi trường sinh hoạt của nhân
dân để quan sát, tìm hiểu tác phẩm văn học dân gian ngay tại môi trường sống
của chúng” [83, tr.43]. Thật vậy, chúng ta không thể nghiên cứu văn học dân

gian trong một trạng thái “chết” mà phải nghiên cứu nó trong một môi trường
sống, trong một bối cảnh mà nó tồn tại qua từng thời đại theo chiều dài lịch
sử. Ở đó, chúng ta có thể thấy sự diễn tiến, vận động của một hiện tượng văn
học dân gian với một giá trị chân thực nhất và có lẽ cũng là đúng đắn nhất.
Chúng ta “không thể không tiếp cận với văn học dân gian trong đời sống thực
của nó để hiểu thấu đáo cái phần ngôn ngữ sinh động ẩn đằng sau văn bản.
Người nghiên cứu cần ghi chép các hình thức hành ngôn của các lứa tuổi,


11

nghề nghiệp thuộc từng vùng văn hóa, địa phương để thấy tính đa dạng, khả
năng tạo nghĩa của nó” [99]. Để tiếp cận được “đời sống thực” của các hiện
tượng văn học dân gian, đòi hỏi người nghiên cứu phải tiến hành công cuộc
điều tra, sưu tầm, điền dã. Đó là một bước quan trọng không thể bỏ qua khi
tiến hành nghiên cứu văn học dân gian địa phương.
Từ định nghĩa của nhóm tác giả Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đình Chú, Đặng
Nghiêm Vạn về văn học dân gian trong một làng bản, ta có thể xác định được
cách hiểu thế nào là văn học dân gian địa phương của họ. Đối với nhóm tác
giả, văn học dân gian làng, bản là: “Mọi sáng tác dân gian do một tập thể nhất
định, một thế hệ nhất định, một lớp người nhất định hay rộng hơn là toàn thể
nhân dân lao động trong làng ấy, bản ấy sáng tác ra hay tiếp nhận từ nơi khác
đến rồi cải biên đi hoặc giữ nguyên và truyền miệng đã ngày thành quen
thuộc” [17].
Tiếp tục bàn về cách hiểu thế nào là văn học dân gian địa phương, Bùi
Mạnh Nhị sau này cũng đưa ra một cách hiểu có phần khái quát hơn, tác giả
định nghĩa: “văn học dân gian địa phương, về cơ bản, phải là văn học dân
gian sưu tầm được ở địa phương, là văn hóa dân gian dân tộc hình thành, tồn
tại, phát triển ở địa phương” [56, tr.119].
Từ cách khoanh vùng văn học dân gian địa phương - đơn vị là làng, bản

- của nhóm tác giả Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đình Chú, Đặng Nghiêm Vạn ở
trên, cơ hồ đã định ra ba loại sáng tác đang tồn tại ở địa phương: Loại 1. Loại
sáng tác dân gian có tính chất phiếm chỉ, không rõ thời gian nào, không gian
nào, sự vật nào, sự việc nào, nhân vật nào cụ thể để nói nó được sáng tác ở
làng nào và nó nói về làng nào; Loại 2. Loại sáng tác dân gian có ấn dấu địa
phương rõ rệt. Trong đó có tên đất, tên người, có sự vật và sự việc đặc biệt…
thuộc một địa phương cụ thể, có thực; Loại 3. Loại thứ ba trong quá trình lưu
truyền, lúc thì phiếm chỉ hóa, lúc thì địa phương hóa, và do đó sinh ra nhiều
dị bản. Vấn đề này về sau được Bùi Mạnh Nhị kế thừa, làm rõ trong bài viết


12

“Tiếp cận văn học dân gian địa phương từ đặc trưng của văn học dân gian” in
trên Tạp chí văn học, số 3/1985. Bùi Mạnh Nhị cũng phân định ra 3 dạng hình
thành, tồn tại của văn học dân gian ở các địa phương: Dạng 1. Những hiện
tượng văn học dân gian nảy nở, lưu truyền ở một địa phương nhất định, do
nhân dân địa phương đó sáng tạo ra và phản ánh những đặc thù của địa
phương đó. Đây là dạng “đặc sản” của văn học dân gian địa phương; Dạng 2.
Những hiện tượng văn học dân gian có mặt ở địa phương khác nhưng địa
phương này cũng tạo nên, cung cấp những dị bản, làm giàu thêm cuộc sống
của những hiện tượng văn học dân gian đó và ngược lại; Dạng 3. Những hiện
tượng văn học dân gian có mặt ở nhiều địa phương và không hề thay đổi.
Việc xác định xuất xứ của các hiện tượng văn học dân gian thuộc dạng 3 cũng
là một vấn đề cần phải đặt ra trong lĩnh vực nghiên cứu. Vì nó sẽ tạo điều kiện
thuận lợi cho việc bóc tách các lớp văn hóa chứa đựng trong hiện tượng văn
học dân gian, xác định tính địa phương của văn học dân gian,… Và nhân dân
ở mỗi địa phương đều lưu truyền, mặc nhiên xem đó là tài sản riêng của họ.
Khi đó, các hiện tượng văn học dân gian này không còn bó hẹp ở địa phương
nữa mà đã vươn ra ngoài, nâng lên thành tài sản chung của cộng đồng, dân

tộc.
Tuy nhiên ở đề tài nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tập trung sưu tầm và
nghiên cứu ở dạng 1 và dạng 2. Như vậy, đối tượng của đề tài nghiên cứu này
chỉ tập trung vào những truyện dân gian nảy nở, lưu truyền ở Tây Ninh, do cư
dân Tây Ninh sáng tạo. Những truyện đó phản ánh đặc thù của Tây Ninh, nói
cách khác là có in đậm dấu tích của địa phương Tây Ninh. Thêm nữa, là
những truyện dân gian chỉ tồn tại ở Tây Ninh, ở địa phương khác tuy có phản
ánh về đề tài đó nhưng tồn tại một bản kể khác.
Sở dĩ, chúng tôi gạt đi đối tượng truyện dân gian tồn tại ở nhiều địa
phương và không hề thay đổi là vì đối tượng này không phản ánh rõ nét đặc
trưng truyện dân gian địa phương (Tây Ninh). Nó chỉ góp phần thể hiện tính


13

cộng đồng, quốc gia của truyện dân gian địa phương, văn học dân gian địa
phương mà thôi.
Quay lại vấn đề văn học dân gian trong một làng, theo quan niệm của
nhóm tác giả Cao Huy Đỉnh thì văn học dân gian trong một làng, có thể do
nhân dân làng ấy sáng tác, cũng có thể là từ nơi khác truyền đến rồi giữ
nguyên hoặc là thay đổi ít nhiều, cũng có thể lấy đề tài từ chính làng ấy mà
cũng có thể lấy đề tài từ làng lân cận hay xa hơn nữa. Vấn đề mà nhóm tác giả
Cao Huy Đỉnh đưa ra là vấn đề dành cho người sưu tầm. Đó là chính bản thân
người sưu tầm trong quá trình điền dã, điều tra xem những sáng tác ấy có
được tập thể ở làng (địa phương) truyền miệng lâu ngày và quen thuộc
không? Riêng loại sáng tác có giữ ấn dấu địa phương và loại sáng tác vừa có
tính phiếm chỉ vừa có tính địa phương với nhiều dị bản của nó là những cái
mà ta cần sưu tầm kỹ lưỡng, vì một trong những mục đích và yêu cầu của việc
sưu tầm văn học dân gian từng làng, từng vùng là cốt để tìm hiểu sự thống
nhất giữa tính địa phương và tính dân tộc, giữa tính truyền miệng và tính dị

bản của văn học dân gian.
Văn học dân gian địa phương hình thành, tồn tại một cách có quy luật.
Có những quy luật nảy sinh từ các đặc điểm địa phương về địa lý, lịch sử, xã
hội, văn hóa, con người… Có những quy luật nảy sinh từ chính những đặc
trưng của văn học dân gian. Những quy luật đó dù nảy sinh từ đâu thì nó cũng
quan hệ chặt chẽ, gắn kết với nhau không thể tách rời. Cho nên, khi nghiên
cứu văn học dân gian địa phương, chúng ta không nên quá xem trọng sự ảnh
hưởng của đặc điểm địa phương mà xem nhẹ sự chi phối của các đặc trưng
văn học dân gian. Bao giờ nghiên cứu văn học dân gian địa phương, cũng
phải đặt nó trong một thế cân bằng, hợp lý giữa các luồng ảnh hưởng cũng
như các mức độ chi phối.
Một trong những đặc trưng của văn học dân gian là tồn tại tính dị bản.
Cho nên, nhắc đến văn học dân gian địa phương thì không thể thiếu sự tồn tại


14

của dị bản. Nguyên nhân hình thành dị bản của văn học dân gian (địa phương)
theo Bùi Mạnh Nhị chính là do: “đặc điểm địa phương về các mặt địa lý, lịch
sử, xã hội, văn hóa, con người đã thúc đẩy sự hình thành dị bản của các tác
phẩm, tạo nên nét khác biệt trong dị bản ở các địa phương về một số chi tiết,
nội dung, nghệ thuật, hoặc hình thức lưu truyền tác phẩm…” [56]. Chính đặc
trưng tính địa phương của văn học dân gian đã tạo nên tính dị bản cho chính
nó.
Liên quan đến tính dị bản của văn học dân gian địa phương là bóng dáng
của nghệ nhân dân gian. Theo Đinh Gia Khánh, nghệ nhân là “những người
kết tinh được kinh nghiệm và tài năng của quần chúng, là những người nói lên
được một cách đầy đủ hơn cả tâm tư và nguyện vọng của quần chúng” [38,
tr.78]. Họ đại diện cho quần chúng biểu diễn, sáng tạo và hơn hết là lưu
truyền các tác phẩm văn học dân gian. Chính vì điều này đã tạo nên một hiện

tượng “dị bản nghệ nhân” trong văn học dân gian. Có thể trong lúc diễn
xướng (kể, hát) do tâm lý, do tài năng sáng tạo và cũng do đặc điểm tâm lý
địa phương mà nghệ nhân có thể thêm, bớt và sáng tạo thêm tình tiết mới cho
câu chuyện. Đó là tiền đề cho sự xuất hiện hiện tượng “dị bản địa phương”
của văn học dân gian. Từ vai trò của nghệ nhân dân gian, chúng ta có thể giới
hạn đối tượng sưu tầm, điền dã trong công tác thực tế. Đó là hết sức chú ý, tập
trung vào khai thác các đối tượng được xem là nghệ nhân dân gian ở địa
phương, rồi sau đó mới mở ra các đối tượng khác như người già, người có học
thức, người được sinh ra trong gia đình có truyền thống văn hóa,… Gặp gỡ ở
điểm này, Trần Xuân Toàn trong công trình Một số phương pháp điền dã sưu
tầm văn học dân gian (2011) đề xuất sử dụng phương pháp sưu tầm so sánh
trong quá trình sưu tầm điền dã, tức là cùng một vấn đề được nêu câu hỏi cho
nhiều người khác nhau. Thao tác này sẽ giúp chúng ta đưa ra được mức độ
chính xác cũng như tìm thấy sự khác nhau giữa ý thức, tâm thức dân gian ở
các địa điểm khác nhau. Ví dụ như cùng một vấn đề hỏi về công tích của ba


15

anh em Quan Lớn Trà Vong (anh hùng lịch sử của địa phương Tây Ninh), có
thể cư dân ở gần và cư dân ở xa các cơ sở thờ tự Quan Lớn Trà Vong sẽ kể
với một thái độ khác, có thể giữa các cư dân có đức tin và cư dân thiếu đức tin
sẽ kể với một thái độ khác, có thể người già kể khác và người trẻ kể khác,…
Và sự khác biệt ấy có thể biểu hiện ở sự rành mạch, rõ ràng và đầy đủ, đúng
đắn của bản kể. Cho nên, trong suốt thời gian thực hiện công tác điền dã, sưu
tầm, chúng tôi tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc ghi chép đầy đủ, giữ nguyên gốc
lời kể của dân gian để từ đó có thể tìm ra các dị bản (nếu có).
“Dị bản là bằng chứng chứng tỏ cuộc sống tích cực, sự vận động năng
động của văn học dân gian. Và về nguyên tắc, tất cả các dị bản đều có quyền
tồn tại, đều có ý nghĩa của nó. Còn trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên

cứu sử dụng dị bản nào thì đó là chuyện khác” [56]. Tuy nhiên, trong quá
trình nghiên cứu, việc so sánh các dị bản với nhau sẽ mang lại cho chúng ta
nhiều điều thú vị về văn hóa tộc người, vùng miền, địa phương. Nó giúp
chúng ta đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi vì sao bản kể này chỉ tồn tại ở
địa phương này mà không tồn tại ở địa phương khác? Vì sao bản kể này khi
lưu hành ở địa phương này thì có sức sống bền vững còn ở địa phương khác
thì không? Vì sao bản kể này mang đậm dấu ấn địa phương hơn bản kể
khác?...
Văn học dân gian có tính địa phương, được thể hiện qua ngôn ngữ, nội
dung, hình thức, thể loại. Theo Hoàng Tiến Tựu, giải quyết tốt vấn đề phân
loại văn học dân gian sẽ dẫn đến hệ quả tốt trong việc giải quyết vấn đề phân
vùng văn học dân gian vì “giải quyết tốt vấn để phân loại sẽ tạo điều kiện
thuận lợi để gắn những thể loại lớn hoặc nhỏ, chung hoặc riêng vào địa bàn
sinh nở và tồn tại của nó” [81]. Từ đó, ta có thể tiến hành đi tìm được bối
cảnh lịch sử của tác phẩm văn học dân gian. Quả thật, văn học dân gian chỉ
tồn tại trong những thể loại với những tác phẩm cụ thể vì vậy nghiên cứu văn
học dân gian địa phương cũng cần đi từ thể loại, tác phẩm. Tuy nhiên, “vấn đề


16

văn học dân gian địa phương cần phải được tìm hiểu khác nhau đối với những
thể loại khác nhau, bởi vì quy luật hình thành tính địa phương của chúng khác
nhau” [56, tr.120].
Có những thể loại phát triển mạnh ở địa phương này nhưng lại thiếu sức
sống ở địa phương khác. Đó là do, “quan hệ thẩm mỹ của văn học dân gian
đối với thực tại có những cơ sở khác nhau” [56, tr.120]. Điều này phần nào lý
giải tại sao ở Nam Bộ lại tồn tại không nhiều bộ phận truyện cổ tích nhất là
truyện cổ tích thần kỳ mà ở đó chỉ tồn tại số lượng lớn truyền thuyết về những
người anh hùng chống giặc ngoại xâm, những người anh hùng văn hóa trong

thời kỳ đầu khai hoang, mở đất nơi vùng đất mới? Cho nên, không phải chỉ có
nghiên cứu văn học dân gian chúng ta mới căn cứ vào thể loại mà ngay cả khi
sưu tầm, ghi chép cũng phải hết sức lưu ý đặc điểm (địa phương) của thể loại
bởi vì “mỗi thể loại quy định những công việc riêng, những hướng điều tra,
ghi chép riêng cho người sưu tầm” [56, tr.121]. Viện dẫn ra đây việc sưu tầm
những tác phẩm đặc trưng thể loại truyền thuyết ở Tây Ninh, “việc ghi chép
câu chuyện theo đúng cách kể dân gian chưa đủ, người sưu tầm còn cần phải
điều tra những hội lễ, những phong tục tập quán, những địa danh và nhiều
điều khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến câu chuyện” [56, tr.121].
Theo đó, chúng tôi lần theo những lễ hội, tham gia lễ hội, quan sát những nghi
thức, phong tục của cư dân địa phương (Tây Ninh). Những lễ hội chúng tôi
may mắn được tham gia đó là: Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong (ở Đền thờ Suối
Vàng ngày 20 và 21 tháng 2 âm lịch), Lễ kỳ yên ở đình Gia Lộc (nhằm ngày
14, 15, 16 tháng 3 âm lịch), Lễ kỳ yên ở đình Long Thành (ngày 17, 18 tháng
3 âm lịch), Lễ vía Bà Đen (tháng giêng và tháng 5 âm lịch), Lễ vía Đức Chí
Tôn (nhằm ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hằng năm), Tết truyền thống của
người Khmer (ở Khedol nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch)… Nhờ
vậy, chúng tôi đã nắm bắt được tâm thức của cư dân đã ẩn hóa trong truyện kể
như thế nào và lần tìm ra mối quan hệ giữa truyện kể dân gian với lễ hội, tín


17

ngưỡng, phong tục ở địa phương ra sao.
Tóm lại, việc nghiên cứu văn học dân gian địa phương không còn là vấn
đề cũ hay mới nữa mà nó thật sự trở thành một vấn đề, một lĩnh vực cần phải
được quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng. Nhất là trong thời đại ngày nay,
khi giới trẻ ngày càng xem nhẹ những giá trị văn hóa cổ truyền, thế hệ người
già, lớn tuổi, hiểu biết thì đang ngày một “tàn lụi” dần. Thực tế này do chính
chúng tôi trải nghiệm và nhận thức được sau khi thực hiện điền dã sưu tầm ở

địa phương Tây Ninh. Một số người trẻ thì không hề biết và cũng chưa một
lần đặt vấn đề là phải đi tìm hiểu văn hóa dân gian. Người già có kể cho con
cháu nghe nhưng không phải tất cả con cháu đều lưu tâm và coi trọng. Một bộ
phận những người hiểu biết văn hóa dân gian, văn học dân gian thì do hoàn
cảnh nên suốt ngày đầu tắt mặt tối mưu sinh, vốn văn học dân gian đã chìm
sâu vào ẩn ức, người không có kinh nghiệm như chúng tôi thật không dễ dàng
gì khơi gợi lại được. Vốn văn hóa dân gian, văn học dân gian đang ngày càng
lẩn khuất và chìm sâu theo thời gian. Vì vậy, vấn đề điền dã, sưu tầm, nghiên
cứu văn hóa dân gian, văn học dân gian là một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ
hết trong khoa nghiên cứu văn hóa dân gian, văn học dân gian.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ, do thời gian và công tác sưu tầm, điền
dã được thực hiện bởi cá nhân nên chúng tôi không thể tiến hành được trên
phạm vi diện rộng, điều tra theo phương pháp sưu tầm cuốn chiếu, tức là điều
tra hết địa bàn này sang địa bàn khác (tiêu chí là không bỏ sót), mà chúng tôi
chỉ có thể tiến hành theo phương pháp sưu tầm chọn hạt nhân. Tức là chúng
tôi tiến hành khoanh vùng, chọn lọc những nơi, những địa điểm được nghi
ngờ có tồn tại hiện tượng văn học dân gian, sự gợi ý này chúng tôi dựa vào
các nguồn tài liệu sưu khảo trước đó và dựa trên đặc trưng văn học dân gian
nói chung và văn học dân gian Nam Bộ nói riêng, đó là đặc trưng các hiện
tượng văn học dân gian hay gắn với đình, miếu, đền, chùa, những cơ sở tín
ngưỡng, thờ tự các vị anh hùng, những người có công khai hoang, lập làng,


18

lập ấp,… đối với cư dân vùng đất mới mà Tây Ninh là một bộ phận. Bên cạnh
đó, chúng tôi kết hợp với tiêu chí lựa chọn đối tượng điều tra, điền dã. Đó là
những người lớn tuổi, những người có vốn hiểu biết văn hóa dân gian, văn
học dân gian lâu đời ở địa phương. Kết lại, công tác sưu tầm, điền dã của
chúng tôi dựa trên hai tiêu chí: 1. Phạm vi xoay quanh đình, miếu, đền, chùa;

2. Đối tượng là những người lớn tuổi, những người hiểu biết vốn tri thức dân
gian ở địa phương. Một điều cần phải nói rõ là, chúng tôi không giới hạn
phạm vi câu hỏi điều tra xoay quanh đình, miếu, đền, chùa mà có sự kết hợp
mở rộng phạm vi câu hỏi ra những hiện tượng văn học dân gian không gắn
với đình, miếu, đền, chùa. Từ đó, sưu tầm được truyện dân gian đa dạng về đề
tài, chứ không hề có ý định “đóng gói” ở một đề tài nào cụ thể.
Bên trên, là vài điều chúng tôi đã tiếp thu được từ các tài liệu về công tác
sưu tầm, điền dã văn học dân gian địa phương và bước đầu ứng dụng mang
tính chất hoạch định phương hướng trong công tác điền dã, sưu tầm truyện
dân gian Tây Ninh của chúng tôi trên cơ sở phù hợp với thực tế địa phương
Tây Ninh. Bởi vì, tất cả các hiện tượng đều có tính đặc trưng, tức trong cái
chung luôn tồn tại cái riêng để khu biệt nó với các hiện tượng cùng cấp khác
trong một chỉnh thể mà nó là bộ phận.
1.1.2. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa – tín ngưỡng
Nghiên cứu văn học dân gian địa phương, tất yếu sẽ có liên quan nhiều
đến văn hóa dân gian địa phương. Cho nên, việc đi tìm, định hình mối quan
hệ giữa văn học dân gian và văn hóa dân gian là việc làm cần thiết không thể
bỏ sót.
Văn học dân gian vừa là một bộ phận của văn học nghệ thuật ngôn từ
vừa là một bộ phận của văn hóa dân gian. Lẽ dĩ nhiên, nó phải có những mối
quan hệ mật thiết với các bộ phận khác trong một chỉnh thể của văn hóa dân
gian. Đời sống văn hóa dân gian về mặt tinh thần không đâu được biểu hiện
sâu sắc hơn ở bộ phận phong tục, tín ngưỡng. Vì thế đi tìm mối quan hệ giữa


19

văn học dân gian và phong tục, tín ngưỡng sẽ phần nào nhận chân được bản
chất của văn học dân gian một cách định tính. Nguyễn Đổng Chi chẳng phải
đã từng nói: “Truyền thuyết và cổ tích có mối quan hệ không ít đến tín

ngưỡng, phong tục của một dân tộc […] cho nên xung quanh phong tục, nhất
là tín ngưỡng, thường vẫn có truyền thuyết hoặc cổ tích lưu hành […]. Đặc
biệt ở Việt Nam, gần như mỗi một thắng cảnh, mỗi một đền địa phương đều
có gắn liền với một hoặc nhiều truyền thuyết, cổ tích”. “Có thể nói tín ngưỡng
là vú nuôi của truyền thuyết, cổ tích, ngược lại, truyền thuyết, cổ tích là kẻ
tuyên truyền đắc lực cho tín ngưỡng”. Mặc dù chỉ khoanh vùng ở thể loại văn
xuôi tự sự dân gian nhưng bước đầu, Nguyễn Đổng Chi đã định hình một mối
quan hệ vững bền không thể tách rời giữa văn học dân gian và tín ngưỡng,
phong tục cũng như “đóng một dấu” về tính địa phương của tác phẩm văn học
dân gian. Văn học dân gian chính “là sự tự ý thức văn hoá, vì vậy, một
nguyên lí hết sức quan trọng là, trước khi tìm mã tín ngưỡng trong văn học
dân gian phải hiểu bản thân tín ngưỡng đó như một thực thể văn hoá, những
biểu hiện của nó trong thực hành văn hoá truyền thống. Từ đó mới có cơ sở để
tìm sự thể hiện nó trong văn học dân gian” [97].
Như vậy, tín ngưỡng là:
Một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần con người mà ở đó con
người cảm nhận được sự tồn tại của các vật thể, lực lượng siêu nhiên, mà
những cái đó chi phối, khống chế con người, nó nằm ngoài giới hạn hiểu
biết của con người hiện tại; sự tồn tại của các phương tiện biểu trưng
giúp con người thông quan với các thực thể, các sức mạnh siêu nhiên đó;
đó là chất kết dính, tập hợp con người thành một cộng đồng nhất định và
phân định với cộng đồng khác. Tất cả những niềm tin, thực hành và tình
cảm tôn giáo tín ngưỡng trên đều sản sinh và tồn tại trong một môi
trường tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống, theo cách
suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ [75, tr.10].


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×