Tải bản đầy đủ (.pdf) (139 trang)

phong trào đấu tranh của công nhân cao su tỉnh bà rịa vũng tàu thời kì 1945 1975

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.39 MB, 139 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
________________

Võ Mỹ Liễu Linh

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN
CAO SU TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
THỜI KÌ 1945- 1975

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
________________

Võ Mỹ Liễu Linh

PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN
CAO SU TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
THỜI KÌ 1945- 1975

Chuyên ngành : Lịch sử Việt Nam
Mã số

: 60 22 54

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ



Người hướng dẫn khoa học

TS. LÊ HUỲNH HOA

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được rất nhiếu sự quan tâm,
giúp đỡ từ phía nhà trường, thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và người thân.
Lời đầu tiên, tôi xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Lê Huỳnh Hoa,
người đã tận tình giảng dạy, hướng dẫn và động viên tôi trong suốt thời gian
thực hiện luận văn này.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô khoa Lịch sử- Trường ĐH Sư Phạm
Tp HCM và trường KHXH & NV đã truyền đạt những kiến thức, những kinh
nghiệm thực tiễn cũng như những ý kiến quý báu để tôi có thể hoàn thiện luận
văn của mình.
Với lòng biết ơn chân thành nhất, tôi xin được cảm ơn Công ty cao su
Xuyên Mộc, Công ty cao su Bình Ba, Tổng công ty cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu, Ủy ban nhân dân, Liên đoàn lao động, Thư viện tổng hợp tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực
hiện đề tài nghiên cứu.
Xin gửi lời cảm ơn đến quý thầy cô, các anh chị đang công tác tại Phòng
Sau Đại Học và Thư Viện Trường ĐH Sư Phạm Tp HCM đã hỗ trợ và giúp đỡ
tôi trong quá trình học tập và thu thập tài liệu để thực hiện luận văn.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã hỗ trợ,
động viên tôi học tập, công tác và hoàn thành luận văn.
Tác giả luận văn
Võ Mỹ Liễu Linh



MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
MỞ ĐẦU ................................................................................................................. 1
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU VÀ PHONG
TRÀO CÔNG NHÂN CAO SU CỦA TỈNH TRƯỚC CÁCH
MẠNG THÁNG TÁM .......................................................................... 7
1.1. Sơ lược về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ..................................................................... 7
1.1.1. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ................... 7
1.1.2. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu .... 8
1.2. Sự hình thành và phát triển đội ngũ công nhân cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ...... 15
1.2.1. Thực dân Pháp lập các đồn điền cao su ở Bà Rịa – Vũng Tàu .................. 15
1.2.2. Sự hình thành đội ngũ công nhân cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ............ 20
1.2.3. Tình cảnh công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu trước Cách mạng
tháng Tám 1945 ......................................................................................... 21
1.2.4. Sự chuyển biến về ý thức giai cấp, ý thức cách mạng của đội ngũ công
nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu ................................................................ 30
Chương 2: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN CAO SU
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRONG KHÁNG CHIẾN
CHỐNG PHÁP (1945 – 1954) ............................................................ 37
2.1. Chính sách của thực dân Pháp đối với ngành cao su và tình hình sản xuất
cao su ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau năm 1945 ....................................................... 37
2.1.1. Chính sách của thực dân Pháp đối với ngành cao su sau năm 1945 ở
Bà Rịa – Vũng Tàu .................................................................................... 37
2.1.2. Tình hình sản xuất cao su ở Bà Rịa – Vũng Tàu sau Cách mạng tháng
Tám – 1945 ................................................................................................ 39
2.2. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai

đoạn 1945 – 1949 ...................................................................................................... 41
2.2.1. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể,
cùng cả nước kháng chiến chống Pháp ...................................................... 41
2.2.1.1. Xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ...................................... 41


2.2.1.2. Củng cố lại lực lượng, tổ chức kháng chiến chống Pháp ...................... 44
2.2.2. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su trong những năm 1945 –
1949 ở Bà Rịa – Vũng Tàu ........................................................................ 46
2.2.2.1. Xây dựng công đoàn cao su kháng chiến ở Bà Rịa – Vũng Tàu......... 46
2.2.2.2. Mặt trận cao su chiến .......................................................................... 48
2.2.2.3. Công nhân cao su chống chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến
tranh” của địch trên lĩnh vực sản xuất cao su ...................................... 51
2.3. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su những năm 1950 – 1954 ............... 58
2.3.1. Công nhân cao su chuyển hướng đấu tranh ................................................. 58
2.3.1.1. Tình hình sản xuất cao su và đời sống công nhân cao su những
năm 1950 – 1954 ................................................................................. 58
2.3.1.2. Liên đoàn cao su Nam Bộ được thành lập và sự chỉ đạo chuyển
hướng đấu tranh ................................................................................... 59
2.3.2. Công nhân cao su đẩy mạnh đấu tranh trên các mặt trận, góp phần kết
thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp ............................................ 61
2.3.2.1. Công nhân cao su giữ vững phong trào đấu tranh............................... 61
2.3.2.2. Công nhân cao su đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh
vũ trang, góp phần thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp ........ 64
Chương 3: PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN CAO SU
BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ
(1954 – 1975) ........................................................................................ 68
3.1. Phong trào công nhân cao su Bà Rịa –Vũng Tàu trong giai đoạn 1954 – 1960 ....... 68
3.1.1 Tình hình sản xuất cao su và đời sống công nhân cao su ở Bà Rịa –
Vũng Tàu sau hiệp định Gèvene ................................................................ 68

3.1.1.1. Tình hình sản xuất cao su ...................................................................... 68
3.1.1.2. Đời sống công nhân cao su sau hiệp định Genève ............................... 71
3.1.2. Chính sách của Mĩ và chính quyền Sài Gòn trên lĩnh vực khai thác cao su .... 73
3.1.2.1. Các thủ đoạn chính trị của Mĩ và chính quyền Sài Gòn........................ 73
3.1.2.2. Các thủ đoạn hành chính, kinh tế của Mĩ và Chính quyền Sài Gòn ........... 75
3.1.3. Phong trào đấu tranh của công nhân cao su giai đoạn 1954 – 1960 ............ 76
3.1.3.1. Chuyển hướng đấu tranh, củng cố xây dựng cơ sở Đảng, cơ sở
quần chúng trong công nhân cao su .................................................... 76


3.1.3.2. Đấu tranh đòi dân sinh, cải thiện đời sống, chế độ lao động và đòi
thi hành Hiệp định Genève .................................................................. 78
3.1.3.3. Phong trào “Đồng khởi” của công nhân cao su .................................. 82
3.2. Công nhân cao su làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ và
Chính quyền Sài Gòn (1961 – 1965) ........................................................................ 84
3.2.1. Quốc sách “Ấp chiến lược” của Mĩ và Chính quyền Sài Gòn ................... 84
3.2.2. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu đấu tranh chống gom dân lập ấp
chiến lược từ năm 1961 – 1965 ................................................................. 87
3.2.2.1. Tình hình sản xuất cao su .................................................................... 87
3.2.2.2. Tình cảnh công nhân cao su ................................................................ 88
3.2.2.3. Phong trào đấu tranh phá ấp chiến lược của công nhân cao su Bà
Rịa – Vũng Tàu từ năm 1961 – 1965 .................................................. 90
3.2.3.4. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần vào chiến thắng
Bình Giã (1964 – 1965) ....................................................................... 92
3.3. Công nhân cao su Bà Rịa- Vũng Tàu chiến đấu chống Mĩ, cứu nước
(1965 – 1972) ................................................................................................. 94
3.3.1. Vùng cao su – Vùng trọng điểm bình định của Mĩ và Chính quyền Sài Gòn...... 94
3.3.2. Tình hình khai thác cao su và đời sống công nhân cao su giai đoạn
1965 – 1972 ............................................................................................... 96
3.3.2.1. Tình hình khai thác cao su ..................................................................... 96

3.3.3.2. Tình cảnh công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu .................................. 98
3.3.3. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu góp phần đánh bại các chiến lược
chiến tranh của Mĩ và chính quyền Sài Gòn ............................................ 100
3.3.3.1. Phong trào công nhân cao su đấu tranh chính trị, binh vận .............. 100
3.3.3.2. Công nhân cao su đấu tranh vũ trang, phá “bình định”, khôi phục
lực lượng............................................................................................ 102
3.3.3.3. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia chiến dịch Nguyễn
Huệ 1972 ........................................................................................... 104
3.4. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu trong công cuộc giải phóng các đồn
điền góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 – 1975) .............................. 105
3.4.1. Tình hình sản xuất cao su và đời sống của công nhân cao su ................... 105
3.4.1.1. Tình hình sản xuất cao su .................................................................... 105


3.4.1.2. Đời sống công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu ................................. 106
3.4.2. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu đấu tranh chống địch lấn chiếm
phá hoại Hiệp định Paris, tham gia tiến công và nổi dậy giải phóng các
đồn điền .................................................................................................... 107
3.4.2.1. Chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, lấn chiếm, bình
định vùng cao su ................................................................................ 107
3.4.2.2. Đấu tranh vũ trang đánh địch lấn chiếm, giữ vững vùng giải phóng ...... 109
3.4.2.3. Công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu tham gia tiến công và nổi
dậy giải phóng các đồn điền .............................................................. 111
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 114
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 117
PHỤ LỤC ............................................................................................................. 123


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài

1.1. Lí do khoa học
Trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu
là một lực lượng chính trị, là một đội quân chủ lực của phong trào cách mạng ở địa
phương, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung.
Bên cạnh đó, trong quá trình đấu tranh cách mạng, hơn nửa thế kỉ dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội ngũ công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu
ngày một trưởng thành về mặt nhận thức xã hội, về ý thức giai cấp, ý thức cách
mạng.
Tìm hiểu phong trào đấu tranh của công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu, luận
văn mong muốn làm sáng tỏ đặc điểm, vai trò, thành tích đấu tranh của họ trong hai
thời kì kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ.
1.2. Lí do thực tiễn
Sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, các đồn điền cao
su đã được khai thác khá ổn định. Qua quá trình đấu tranh, giai cấp công nhân ngày
một trưởng thành hơn. Đặc biệt, trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ,
công nhân cao su đã góp phần to lớn trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Là một người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đỏ miền Đông, là một giáo viên
dạy lịch sử ở trường phổ thông, tác giả muốn thông qua công trình của mình giúp
thế hệ trẻ không chỉ tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha mà còn
tự hào về những thành quả mà nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được trong công
cuộc đổi mới hiện nay.
Từ lí do khoa học và thực tiễn trên, đề tài “Phong trào đấu tranh của công
nhân cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kì 1945 – 1975” nghiên cứu tổng hợp
nhằm để lại thành quả của đội ngũ công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu xưa, ghi
nhận những đóng góp của họ cho cuộc kháng chiến ở Nam bộ nói riêng, của lịch sử
dân tộc nói chung trong thời kì 1945 – 1975.


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

• Về lịch sử nghiên cứu vấn đề, liên quan đến đề tài, trước năm 1954 có một
số sách tiếng Pháp như cuốn:
- Le Caotutchoue de plantation en 1909, Henri Brenier, Hà Nội 1909.
- Economie agricode de L’Indochine, Yves Henry Hà Nội 1932.
Viết về khai thác đồn điền cao su và kinh tế nông nghiệp ở Đông Dương.
Bên cạnh đó, các báo tiếng Pháp như: Echo Annamite, báo La Volonté
Indochinoise và báo Climats… một số tờ báo tiếng Việt như Tiếng Dân, Phụ
nữ Tân Văn…viết về chế độ mộ phu, chính sách cai trị của thực dân Pháp và hoàn
cảnh sống của người công nhân cao su, một số cuộc đấu tranh của công nhân ở các
đồn điền Nam bộ.
• Sau 1954 có một số sách báo, tiểu luận nghiên cứu viết về tình hình sản xuất
cao su, cuộc sống, hoàn cảnh của công nhân cao su như:
- Máu trắng máu đào, Diệp Liên Anh, NXB Lao động mới, Sài Gòn.
- Lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Trần Văn Giàu, NXB Sự thật, Hà
Nội, 1958.
- Phú Riềng đỏ, Trần Tử Bình ,NXB Lao động, Hà Nội 1965.
- Một số vấn đề về lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, Ban Sử cận hiện
đại, NXB Lao động, Hà Nội, 1974.
• Sau 1975, các bộ sách như:
- Giai cấp công nhân và liên minh công nông, Lê Duẩn, NXB Sự Thật, Hà
Nội, 1976.
- Đất đỏ miền Đông, Lê Sắc Nghi, NXB Sự thật, 1980.
- Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân cao su miền Đông Nam
Bộ, Thành Nam, NXB Lao Động, Hà Nội, 1982.
- Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1906 – 1990), Huỳnh
Lứa (chủ biên), NXB Trẻ, TPHCM, 1993.
Các công trình trên nghiên cứu về phong trào đấu tranh của công nhân cao
Việt Nam nói chung và công nhân cao su miền Đông Nam Bộ nói riêng.



Ngoài ra còn có một số bài viết nghiên cứu khác ở các tạp chí chuyên ngành
trong chừng mực nhất định có đề cập đến một số mặt về đội ngũ công nhân cao su ở
miền Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.
Tuy nhiên, mức độ nghiên cứu còn phân tán, lẻ tẻ trong các chuyên đề, các
giáo trình, các tác giả chưa đi sâu nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống
một địa phương cụ thể.
• Thời gian gần đây, còn có một số luận văn, luận án như:
-

Luận án Phó Tiến Sĩ khoa học lịch sử của Trần Toản với đề tài “Sự
hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân cao su Đồng Nai qua
các thời kì lịch sử (1906 – 1991), TPHCM, 1994.

-

Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Mộng Tuyền với đề tài “Phong trào đấu
tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải
phóng”, TPHCM, 2010.

Ngoài ra còn có một số tập sách về lịch sử địa phương như “Từ đồn điền Cuộc
– tơ – nay đến công trường Cẩm Mỹ” xuất bản năm 1987, “Xà Bang xưa và nay”
xuất bản 1990…
Đây là những công trình nghiên cứu rất cụ thể và gợi mở cho luận văn định
hướng về nguồn tài liệu cần thiết khi bước vào nghiên cứu đề tài.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên chưa thể hiện được một cách hệ
thống và toàn diện về phong trào đấu tranh của công nhân cao su Bà Rịa – Vũng
Tàu thời kì 1945 – 1975.
Hi vọng với đề tài “Phong trào đấu tranh của công nhân cao su tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu thời kì 1945 – 1975”, luận văn có thể đóng góp thêm một mảng màu ở
một địa phương cụ thể trong bức tranh đa sắc màu của phong trào đấu tranh của

công nhân cao su.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
• Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phong trào đấu tranh của công nhân
cao su Bà Rịa – Vũng Tàu trong đó đi sâu nghiên cứu: Sự ra đời và phát
triển của đội ngũ công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu, sự chuyển biến,


phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ công nhân cao su qua
các giai đoạn lịch sử: trước Cách mạng tháng Tám 1945, giai đoạn 1945 –
1954, giai đoạn 1954 – 1975.
• Phạm vi nghiên cứu :
-

Thời gian nghiên cứu: mốc mở đầu: 1945, mốc kết thúc: 1975. Đây là
thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, qua đó thấy được vai trò
của đội ngũ công nhân cao su trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc.

-

Không gian nghiên cứu: Vì địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
nhiều lần thay đổi qua các giai đoạn lịch sử, quyền quản lí các đồn điền
cao su cũng thay đổi theo, do đó luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu các
đồn điền cao su thuộc công ty cao su Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay.

4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp lịch sử và phương pháp logic được sử dụng chính giải quyết yêu
cầu đặt ra của đề tài. Đặc biệt để lý giải rõ hơn các sự kiện, các vấn đề lịch sử đặt
ra.
Ngoài ra, luận văn còn sử dụng phương pháp so sánh, thống kê, đối chiếu để

làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu trong các thời kì lịch sử, đồng thời cũng để góp
phần xác định tính chính xác của những cứ liệu, số liệu lịch sử.
Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu, kế
thừa những thành quả của các bộ môn khoa học xã hội khác như: văn học dân gian,
lịch sử quân sự… để vấn đề được lí giải một cách khoa học và có tính thuyết phục
cao.
5. Nguồn tài liệu
Nguồn tài liệu được khai thác và sử dụng trong luận văn gồm:
- Các tác phẩm, lí luận của chủ nghĩa Mác Lê – nin, của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về giai cấp công nhân, về đường lối,
tư tưởng quân sự….


- Các công trình nghiên cứu sử học có liên quan đến đề tài được công bố trên
sách báo, tạp chí…đang lưu trữ tại Phòng khoa học – công nghệ và Môi trường
quân khu 7; thư viện Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM, thư viện Tổng hợp
TP.HCM, Liên đoàn lao động tỉnh BRVT, thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
- Các biên bản hội thảo, hồi kí, lời kể của các nhân chứng lịch sử, tài liệu tổng
kết chiến tranh lưu tại Ban lịch sử của Bộ chỉ huy quân sự và phòng lịch sử Đảng
Ban tuyên giáo tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu
Ngoài ra tác giả còn nghiên cứu, khai thác nguồn tài liệu trong các công trình
lịch sử địa phương và các tác phẩm của người Pháp viết về cuộc chiến tranh Việt
Nam và Đông Dương.
6. Đóng góp mới của luận văn
Qua nghiên cứu, luận văn có những đóng góp mới như sau:
- Trình bày một cách hệ thống, tương đối toàn diện sự ra đời và phát triển của
đội ngũ công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh
tế, văn hóa xã hội của đội ngũ công nhân qua các thời kì lịch sử từ 1945 – 1975.
- Góp phần làm phong phú thêm tư liệu về các phong trào đấu tranh nói chung
và phong trào đấu tranh của công nhân cao su ở Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng từ

năm 1945 – 1975.
- Góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống xây dựng và bảo vệ quê
hương, đất nước, nâng cao lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày
nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
- Góp nguồn tư liệu để giảng dạy lịch sử địa phương.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu và phụ lục. Luận văn có cấu
trúc 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phong trào đấu tranh
công nhân cao su của tỉnh trước Cách mạng tháng Tám – 1945
Đây là chương cơ sở, luận văn giới thiệu tổng quan về tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu (vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, khái quát lịch sử hình thành và phát triển của


tỉnh). Đồng thời, luận văn cũng trình bày về sự hình thành và phát triển đội ngũ
công nhân cao su tỉnh trước năm 1945 để có thể tiếp cận vấn đề nghiên cứu một
cách trực tiếp, hệ thống và toàn diện.
Chương 2: Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu
trong kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954)
Chính sách của thực dân Pháp đối với ngành sản xuất cao su và sự trưởng
thành của công nhân cao su Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá trình đấu tranh được thể
hiện qua việc: xây dựng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng và mặt trận cao su chiến.
Chương 3: Phong trào đấu tranh của công nhân cao su trong kháng chiến
chống Mĩ (1954 – 1975)
Luận văn phân tích trong từng giai đoạn lịch sử công nhân cao su Bà Rịa –
Vũng Tàu cùng với nhân dân cả nước đã từng bước làm thất bại các chính sách của
Mĩ và chính quyền Sài Gòn. Một lần nữa, khẳng định vai trò của công nhân cao su
tỉnh đã góp phần thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng tỉnh nhà và giải phóng cả nước.



Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
VÀ PHONG TRÀO CÔNG NHÂN CAO SU CỦA TỈNH
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM
1.1. Sơ lược về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
1.1.1. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trên tọa độ địa lí được xác định từ 10°20’ đến
10°45’ vĩ bắc và 107° đến 107°35’ kinh đông, là vùng đất ở cửa ngõ phía Đông của
miền Đông Nam bộ, là một tỉnh được thành lập trên cơ sở hai địa danh là Bà Rịa –
Vũng Tàu, theo nghị quyết kì họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, ngày 12 tháng 8 năm
1991 bao gồm 7 đơn vị hành chính: thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, huyện Côn
Đảo, huyện Long Đất, huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, huyện Tân Thành.
Trong đó thành phố Vũng Tàu và huyện Côn Đảo trước 12 – 8 – 1991 được gọi là
Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, và các huyện : Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc,
được tách ra từ tỉnh Đồng Nai. Ngày 2 tháng 6 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Nghị định 45/CP chia huyện Châu Thành thành ba đơn vị hành chính là thị xã
Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành. Ngày nay Bà Rịa – Vũng Tàu trở
thành một tỉnh có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện như hiện nay.
Với 2047,66 km², Bà Rịa – Vũng Tàu có diện tích tương đương thành phố
Hồ Chí Minh, bằng 1/3 tỉnh Đồng Nai và chiếm 0,6% diện tích của cả nước. Bên
cạnh đó, Bà Rịa – Vũng Tàu còn quản lí hơn 100,000 km² thềm lục địa Nam biển
Đông, có tiềm năng to lớn về kinh tế, có nguồn tài nguyên dầu khí và một ngư
trường rộng lớn. Trải qua một quá trình tích hợp, trong điều kiện tự nhiên của một
vùng ven biển, miền đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành hai loại thổ nhưỡng
chính: hệ Peralit, chủ yếu hình thành trên nền đá của vùng đồi núi thấp, chiếm
khoảng 58% diện tích đất tự nhiên (113,000ha), tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân
Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và Côn Đảo. Xen lẫn trong hệ đất đỏ Ba-zan, thích
hợp với các loại cây công nghiệp như cao su, chè, cà phê, điều, tiêu… và các loại
cây ăn quả nhiệt đới. Hệ phù sa được kiến tạo từ sự bồi đắp của các con sông, suối



và chủ yếu tập trung ở phía Nam, chiếm hơn 42% diện tích đất tự nhiên (khoảng
83,000ha). Tuy không tạo được thế mạnh về sản xuất cây lương thực nhưng các loại
đất phù sa mới bồi, phù sa cổ bạc màu, phù sa pha cát, phù sa phèn, nhiễm mặn…
đều có giá trị riêng khi biết đầu tư và khai thác hợp lý [45].
1.1.2. Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bà Rịa –
Vũng Tàu
Những phát hiện khảo cổ học gần đây ghi nhận sự có mặt của con người ở
trung tâm địa bàn tỉnh, có niên đại cách ngày nay chừng 2500 – 2700 năm. Những
chủ nhân này đã ở vào giai đoạn phát triển văn hóa khá cao. Họ sinh sống trên
những ngôi nhà sàn, biết tạo khuôn đúc đồng với nhiều nét hoa văn tinh tế, biết
dùng bàn xoay để làm đồ gốm, dùng đá, dùng đồng để làm đồng trang sức. Một loạt
các di chỉ khảo cổ học khác được phát hiện gần đây đã xác định nền văn hóa Óc Eo
phát triển rực rỡ từ đầu Công nguyên đến thế kỉ VII, mà đồng bằng Nam bộ là trung
tâm.
Vùng đất Bà Rịa xưa là địa bàn người Việt đến cư ngụ sớm hơn so với những
nơi khác ở Nam bộ. Cuối thế kỉ XVII, người Việt đã sinh sống rất nhiều ở xứ này.
Mô Xoài – Bà Rịa, là vùng đất địa đầu, một thời nổi tiếng giàu có, gạo trắng nước
trong: “ Cơm Nai – Rịa, cá Rí – Rang” như dân gian vẫn lưu truyền. Liên tục trong
nhiều thế kỉ, những cư dân từ miền Trung đến vùng đất mới Bà Rịa – Vũng Tàu,
cùng đồng bào các dân tộc bản địa đoàn kết một lòng, dựng làng, mở cõi, tạo nên
những cánh đồng rộng lớn, xóm làng trù phú, xanh tươi.
Bán đảo Vũng Tàu cũng là nơi cư dân người Việt dừng chân khá sớm. Trong
sách “Phủ biên tạp lục” (1776), Lê Quý Đôn đã chép chuyện một người ở Nam Bố
Chánh (Quảng Bình) thường buôn bán vào Gia Định kể lại: “… Đến đầu địa giới
Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có cư dân. Tới đây, người ta thu xếp thuyền
buồm để nghỉ ngơi và để hỏi thăm nơi được mùa, mất mùa như thế nào. Sau khi đã
biết chắc địa phương nào được mùa lúa thóc, những người buôn mới cho thuyền
vào nơi ấy.”[8]. Như vậy, khi Lê Quý Đôn viết Phủ biên tạp lục, Vũng Tàu đã là
một đầu mối thông tin thương mại, giúp cho các thương nhân nắm được tình hình



sản xuất và nhu cầu của vùng đất Nam bộ.
Đến đầu thời Trung Hưng (1788), chúa Nguyễn đã cho lập Phong hỏa đài
(đài quan sát, truyền tin) ở núi Ngọa Ngưu (vị trí của Bạch Dinh ngày nay) để bảo
vệ cửa biển và bán đảo, đồng thời tăng cường lực lượng thân binh để ngăn chặn bọn
hải tặc hoành hành, đe dọa đối với dân cư và ghe thuyền buôn bán qua lại Vũng
Tàu. Đến đời vua Minh Mạng (1820), ba viên đội đã được phái đến trấn ải, lập đồn
binh, dẹp nạn cướp biển. Theo chính sách “Ngụ binh ư nông”, ba viên đội lần lượt
lập nên các làng Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam. Vì vậy, Vũng Tàu thời ấy
còn có tên là Tam Thắng và ba viên đội Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn
Huyền có công lập làng ngày ấy được nhân dân thờ trong ba ngôi đình của ba làng
Tam Thắng cho đến tận ngày nay.
Bên cạnh Tam Thắng, làng Núi Nứa dù có muộn hơn nhưng cũng được hình
thành theo một mô thức như thế. Nứa là tên núi, theo truyền thuyết Bà Trao là tên
một vùng đất phía Đông núi Nứa, cũng mang tên một người phụ nữ đã đến đây khai
hoang, lập ấp nhưng không thành. Đầu đời Minh Mạng (1820), triều đình phong
kiến cho lập một đồn binh tại Bến Đá, và người Việt đến định cư quanh vùng Bến
Đá, bến Điệp, Rạch Già ngày càng đông. Trong khi đó vùng phía Đông Núi Nứa
vẫn còn hoang vu. Đến năm 1900, ông Lê Văn Mưu (thường được gọi là ông Trần)
về đây khai khẩn lập ấp Bà Trao. Nhiều người dân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đã
theo Lê Văn Mưu đến đây định cư sinh sống.
Ông Lê Văn Mưu vừa tổ chức khai hoang, lập ấp, vừa truyền bá đạo Hiếu
Nghĩa (dân trong vùng quen gọi là đạo ông Trần). Vốn có nguồn gốc từ đạo Tứ Ân
Hiếu Nghĩa, ra đời từ giữa thế kỉ XIX, do Đức Bổn Sư Ngô Lợi sáng lập, nhằm tập
hợp lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Tây Nam bộ. Đạo ông Trần
có những nét khác lạ, kì thú với những công trình kiến trúc, lễ hội sinh động, những
phong tục, tập quán có sức cuốn hút lòng người. Người dân Bà Trao, ngày nay là
Long Sơn, hầu như ai cũng theo đạo ông Trần. Người theo đạo ông Trần là đàn ông
thường để râu và búi tóc củ tỏi, mặc đồ bà ba đen, luôn làm điều nhân nghĩa, cứu
giúp người gặp khốn khó, hoạn nạn, căm ghét điều ác. Trong suốt hai cuộc kháng



chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân long Sơn luôn là chỗ dựa
vững chắc cho các lực lượng kháng chiến trên địa bàn Rừng Sác. Nhà thờ đạo ông
Trần ngày nay vẫn là chốn thâm nghiêm được người dân địa phương giữ gìn như
một chứng tích biết bao thăng trầm của một miền đất được những con người như
ông Trần khai mở [78].
Ở vào vị trí cửa ngõ của vùng đất Nam Bộ, Bà Rịa – Vũng Tàu có điều kiện
phát triển sớm và thuận lợi hơn nhiều nơi khác trong vùng. Suốt nhiều thế kỉ, mảnh
đất Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi dấu những thay đổi của miền đất mới Nam Bộ. Cùng
với quá trình khai phá, những đơn vị hành chính cơ sở của Bà Rịa – Vũng Tàu được
hình thành, có ranh giới xác định. Dân số theo thời gian cũng dần dần tăng lên. Cuối
thế kỉ XVIII, vùng Mô Xoài, Bà Rịa đã có gần 60 làng, tập trung trong đó có nhiều
người các dân tộc thiểu số. Đó là kết quả của quá trình lao động bền bỉ, lâu dài của
nhiều thế hệ nối tiếp nhau, là kết quả của bản tính lao động cần cù, sáng tạo, giàu
lòng yêu quê hương đất nước và nghĩa hiệp của những người đi mở đất. Truyền
thống đó được lưu giữ và phát huy trong các thế hệ kế tiếp trên vùng đất Bà Rịa –
Vũng Tàu hôm nay.
Cùng với quá trình lao động, xây dựng quê hương đất nước, nếp sống văn
hóa, phong tục tập quán của quê hương xứ sở nơi quê cha đất tổ cũng được kế tục,
phát triển trên quê hương mới, trong hoàn cảnh lịch sử mới. Cư dân của mỗi làng
đều dựng đình, chùa, đền, miếu. Đình là nơi sinh hoạt tinh thần của làng. Đền là nơi
thực hiện những lễ nghi đối với các nhiên thần và nhân dân – các vị anh hung được
tôn là thần thánh có công với làng, với nước. Chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng
truyền thống. Một ngôi đình Long Phượng hay một ngôi chùa Long Bàn, chùa Quan
Lớn, Linh Sơn Cổ Tự, Phước Lâm tự đã lưu chút dấu ấn xưa còn đọng lại qua sự
tàn phá khốc liệt của chiến tranh.
Cư dân sống bằng nghề biển, vốn có mặt sớm ở Bà Rịa – Vũng Tàu, họ lập
miếu thờ Bà, thờ Ông Nam Hải, Quan Thánh Đế Quân hay Bà Ngũ Hành, là những
bậc giàu lòng nhân ái, sẵn sang cứu khổ, cứu nạn cho người đi biển gặp chuyện

không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được giữ gìn và phát triển. Các lễ hội hàng năm


ở Dinh Cô Long Hải, miếu Bà Ngũ Hành, lăng Ông Nam Hải ở Thắng Tam (Vũng
Tàu), Phước Tỉnh (Long Đất) và lễ hội tại các đình thần ở hầu khắp các làng xã
trong tỉnh, cầu cho xóm làng bình yên, mưa thuận gió hòa, được mùa tôm cá…phản
ánh phần nào nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, sinh động và có sức hấp dẫn đặc biệt
của cư dân Bà Rịa – Vũng Tàu từ ngày xưa cũng như hiện nay.
Trải qua nhiều thế kỉ, địa danh của tỉnh được thay đổi rất nhiều lần. Từ năm
1698, Bà Rịa, bao gồm cả Vũng Tàu thuộc huyện Phước Long, dinh Trấn Biên; năm
1808 là huyện Phước An, trấn Biên Hòa, thành Gia Định. Năm Minh Mệnh thứ thứ
13 (1832), nhà Nguyễn cải cách hành chính, chia lại tỉnh, đặt quan cai trị từ trấn
Quảng Nam trở vào thành 12 tỉnh, vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc huyện Phước
An của tỉnh Biên Hòa, một trong sáu tỉnh của xứ Nam Kì [54].
Năm 1837, nhà Nguyễn đặt phủ Phước Tuy (thuộc tỉnh Biên Hòa) gồm hai
huyện Long Thành và Phước An. Năm 1838, phủ Phước Tuy kiêm thêm huyện
Long Khánh; năm 1851, phủ Phước Tuy lại gồm hai huyện Long Thành và Phước
An như năm 1837. Hiện trạng này được duy trì cho đến khi thực dân Pháp xâm lược
các tỉnh miền Đông Nam Bộ [54].
Năm 1865, thực dân Pháp chia toàn cõi Nam Kì thành 13 sở tham biện. Phủ
Phước Tuy của nhà Nguyễn bấy giờ là sở tham biện Bà Rịa. Năm 1876, thực dân
Pháp chia tỉnh Biên Hòa thành bốn tỉnh. Phủ Phước Tuy cũ là tỉnh Bà Rịa mới. Địa
danh Bà Rịa, với tư cách là tên gọi của một tỉnh tồn tại từ ngày đó đến năm 1956
mới đổi làm tỉnh theo tên phủ cũ Phước Tuy.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu, với tư
cách là một đơn vị hành chính độc lập, từ đầu thế kỉ XIX đến nay, địa phận Vũng
Tàu được nhiều lần tách ra và nhập vào với Bà Rịa. Năm 1887, thực dân Pháp chia
tỉnh Bà Rịa thành Bà Rịa và Cap Saint Jacques. Ngày 1 tháng 5 năm 1895, thực dân
Pháp thành lập đô thị Cap Saint Jacques (đứng đầu là chức danh Résident
maire:Đốc lý). Kể từ đây Vũng Tàu phát triển độc lập theo mô hình, xu hướng của

một đô thị du lịch và nghỉ mát của chính quyền thực dân. Năm 1899, thực dân Pháp
lập lại tỉnh Bà Rịa, bao gồm cả Vũng Tàu. Năm 1929, Vũng Tàu lại được tách riêng


thành một tỉnh mới có tên là Cap Saint Jacques. Tháng 10 – 1956, chính quyền Sài
Gòn cải tổ lại địa giới hành chính, nhập Vũng Tàu vào Bà Rịa, lập tỉnh mới, gọi
theo tên phủ cũ của nhà Nguyễn là tỉnh Phước Tuy.
Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân (tháng 8 – 1945) với sự ra
đời của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, chính quyền cách mạng ở Bà Rịa và
Vũng Tàu cũng đã nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính thuộc phạm vi tỉnh Bà Rịa
– Vũng Tàu, nhằm tạo ra điều kiện, phạm vi phù hợp để tổ chức lãnh đạo nhân dân
thực hiện kháng chiến, chống xâm lược.
Tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Bà Rịa và tỉnh
Cap (“Cấp”). Tháng 12 – 1945, tỉnh Cấp được vào Bà Rịa. Từ tháng 5 năm 1951,
tỉnh Bà Rịa và các huyện Long Thành, Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè được sáp
nhập thành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hòa,
Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1955: tỉnh Bà Rịa, năm 1963: tỉnh
Bà –Biên; cuối năm năm 1963: tỉnh Bà Rịa; từ 1966 – 1967: tỉnh Long – Bà – Biên,
tháng 10 năm 1967: tỉnh Bà Rịa – Long Khánh; tháng 5 năm 1971: phân khu Bà
Rịa, tháng 8 năm 1972: tỉnh Bà Rịa – Long Khánh [79].
Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu được tách riêng, trở thành thành phố
trực thuộc Khu miền Đông. Từ năm 1976, địa phận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày
nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 1979, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, phần còn lại gồm Châu Thành,
Long Đất, Xuyên Mộc thuộc Đồng Nai.
Năm 1991, Quốc hội thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bao gồm các thành
phố, thị xã, huyện như hiện nay, mà đó cũng là địa bàn chủ yếu của phủ cũ Phước
Tuy hay tỉnh Bà Rịa xưa. Như vậy, suốt nhiều thế kỉ, cùng với những biến động
không ngừng của lịch sử, đơn vị hành chính Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lần thay
đổi bằng các tên gọi khác nhau, song về cơ bản, vẫn được giới hạn như tỉnh Bà Rịa

– Vũng Tàu ngày nay. Điều đó phản ảnh một sự thống nhất trong quá trình tạo lập
và phát triển trong đời sống kinh tế cũng như văn hóa – xã hội và phong trào yêu
nước, đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ trước đến nay.


Địa danh Bà Rịa – Vũng Tàu là tên gọi ghép của hai địa bàn xác định là Bà
Rịa và Vũng Tàu. Địa danh Vũng Tàu vốn là tên một vịnh biển nhỏ, là bến đỗ của
tàu thuyền. Vị trí của vịnh biển này được Đại Nam nhất thống chí xác định như sau:
“Núi Lãi Kỵ ở đông nam huyện Phước An 26 dặm, đầu ghềnh thường có con rái
biển bơi lặn ở đấy, nên gọi là Lãi Kỵ (Ghềnh Rái)… Đột khởi ba hòn núi đá đứng
sững như trụ biểu ở giữa biển, nên làm tiêu chí cho ghe thuyền nam bắc qua lại (…)
Đầu núi làm cửa hữu cho Ngọc Tỉnh, cuối núi làm ngoại hình cho Cần Giờ, ở trong
có vũng lớn tục gọi là Vũng Tàu, vũng này bảo vệ cho ghe thuyền đậu nghỉ. Trên
núi có suối nước ngọt, dưới có dân chài nhóm ở đông được đúc, làm chỗ cửa bể rất
là xinh đẹp”. [5].
Địa danh Bà Rịa được Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định thành thông chí,
cuốn địa chí đầu tiên của triều Nguyễn viết về Bà Rịa: “Bà Rịa là ở đầu trấn Biên
Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: “Cơm Nai –
Rịa, cá Rí – Rang là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến
Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó (…) Đất này dựa lưng vào
núi, quay mặt ra biển, rừng rậm tre cao, trên có tuần – trường để chiêu dụ bọn man
– mạch đến đổi chác, dưới có quan – tân để xem xét ghe thuyền lúc đi ra biển.
Đường trạm thủy lục giao thông, thổ sản núi rừng cung cấp. Chế ngự Đê – man
phòng ngự đạo tặc, có huyện, nha, đạo, thủ chia giữ nhiệm vụ, vẫn là địa hạt xung
yếu thứ nhất”. [9, tr 35].
Đại Nam nhất thống chí có chép rõ chuyện việc nhà Nguyễn đã đầu tư vào
việc khai phá vùng đất Bà Rịa: “Sông Xích Lam: ở cách huyện Phước An 31 dặm
về phía đông… Ở bờ phía Đông trước kia úng thủy, không tiện cho việc nông, năm
Minh Mệnh thứ 19 mới khơi cho nước úng theo sông mà tiêu, khẩn được hơn 300
mẫu ruộng hoang làm ruộng công cho các xã thôn phụ cận”. [5, tập V, tr 60].

Sông Xích Lam được mô tả trong Đại Nam nhất thống chí là sông Ray mà hạ
lưu phía đông của nó bao gồm các xã vùng Long Điền, Đất Đỏ. Khu vực này xưa
nhiều bàu trũng với câu ca trao duyên “Bao giờ Bưng Bạc hết sình, Bàu Thanh hết
nước chúng mình hết thương”. Trong mục Từ Miếu (đền miếu), Đại Nam nhất


thống chí còn cho biết rõ: “ông Hộ phủ Phạm Duy Hinh là người chỉ huy đào sông
Xích Lam, khơi úng thủy”.
Đại Nam nhất thống chí còn ghi một số địa danh có tên Bà Rịa là: chợ Bà
Rịa, núi Bà Rịa (gần thôn Hắt Lăng, huyện Long Điền – Đất Đỏ ngày nay), một đồn
binh ở làng Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc hiện nay) trước đây cũng gọi là đồn Bà
Rịa. Ngày nay, Bà Rịa còn là tên của một ấp thuộc xã Phước Tân, huyện Xuyên
Mộc.
Nhân dân ở địa phương còn có một cách giải thích khác về nguồn gốc địa
danh Bà Rịa, dựa theo truyền thuyết về một người phụ nữ tên là Rịa, quê ở miền
Trung đã có công khai phá vùng đất Mỹ Khê, Phước Liễu (nay thuộc xã Tam An,
huyện Long Đất) trong khoảng thời gian từ năm 1789 đến 1803. Tên gọi một vùng
đất mà người Việt đã tới lập nghiệp từ khi xuất hiện truyền thuyết ít nhất trên một
thế kỉ trùng tên với một đấng tiên hiền có công khai phá ở một làng thuộc vùng đất
Mô Xoài có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử.
Sau Hòa ước Nhâm Tuất (5 – 6 – 1862), thực dân Pháp từng bước thiết lập
nền thống trị của họ ở ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường. Tỉnh
Biên Hòa, từ năm 1864 được chia thành 5 tỉnh hạt (sở Tham biện) là: Thủ Dầu Một,
Thủ Đức, Biên Hòa, Long Thành và Bà Rịa. Tỉnh hạt Bà Rịa thâu tóm cả phần đất
đai huyện Phước An đời Minh Mạng.
Nghị định ngày 5 tháng 6 năm 1871 của Phó Đô đốc Dupré đã sắp xếp 25
tỉnh hạt trong toàn cõi lục tỉnh lại thành 18 tỉnh hạt, trong đó, tỉnh hạt Bà Rịa bao
gồm cả hai tổng Thành Tuy Thượng và Thành Tuy Hạ. Từ khi Bà Rịa trở thành tên
gọi một tỉnh hạt, người ta mới chú ý tìm cách giải thích địa danh này và sự tích Bà
Rịa cũng khởi đầu từ đó. Vũng Tàu thuở đó có ba làng Thắng Nhất, Thắng Nhì,

Thắng Tam thuộc tỉnh hạt Bà Rịa, đến năm 1895, mới trở thành tỉnh hạt Vũng Tàu.
Từ năm 1956, cùng với việc thành lập tỉnh Phước Tuy gồm đất Bà Rịa, Vũng
Tàu và quần đảo Hoàng Sa, người ta không dùng địa danh Bà Rịa chỉ một tỉnh nữa.
Tháng 8 năm 1991, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập với cách gọi bằng tên
ghép của hai địa danh đã từng ghi trong cổ sử.


1.2. Sự hình thành và phát triển đội ngũ công nhân cao su tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
1.2.1. Thực dân Pháp lập các đồn điền cao su ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Năm 1858, thực dân Pháp do Trung tướng Rigault de Genoiuilly chỉ huy nổ
súng vào Cửa Hàn – Đà Nẵng, mở đầu cuộc tiến công xâm lược nước ta. Đà Nẵng
được xem là cửa ngõ quan trọng đánh vào kinh đô Huế. Nhưng chiến lũy Liên Trì,
chiến thuật vườn không nhà trống và khí hậu khắc nghiệt đã khiến Rigault de
Genouilly thất bại trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh.
Cuối cùng, Rigault de Genouilly đã quyết định đánh chiếm Nam Kỳ khi yêu
cầu tăng viện của y không được Napoléon III đáp ứng, vì triều đình Pháp đang mở
cuộc chiến chống Áo. Nam Kỳ trong mắt người Pháp là nơi có nguồn dự trữ lương
thực của cả nước. Đánh chiếm Nam Kỳ vào thời điểm đó còn cắt đứt ngay được ý
đồ xuất hiện của người Anh trong vùng hoạt động của Pháp.
Ngày 2 tháng 2 năm 1859, Rigault de Genouilly đã đưa một phần lớn lực
lượng vào đánh chiếm Nam Kỳ. Sau 8 ngày chuyển quân, tối ngày 9 tháng 2 năm
1859 (mồng 7 Tết Kỉ Mùi), 12 chiếc thuyền do đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy
tập kết ở vịnh hàng Dừa (Bãi Trước) Vũng Tàu.
Suốt ngày 10 tháng 2 năm 1859, pháo đài Phước Thắng phòng thủ bờ biển
bên sườn Núi Lớn (khu vực Bạch Dinh ngày nay) đã nã đạn vào đoàn chiến hạm
của liên quân thực dân Pháp – Tây Ban Nha, mở đầu cuộc kháng chiến của quân và
dân Nam Bộ. Thống chế Trần Đồng, tổng chỉ huy lực lượng thủy, lục quân nhà
Nguyễn đã huy động toàn bộ lực lượng, anh dũng và kiên quyết đánh địch. Buổi
chiều, thống chế Trần Đồng bị tử trận. Cuộc đấu pháo giữa pháo đài Vũng Tàu và
liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã diễn ra quyết liệt, làm cho các chiến hạm Pháp

suốt một ngày chỉ đi được 2km, tới cửa Cần Giờ. Để đến được thành Gia Định, thực
dân Pháp phải mất 7 ngày vì sự giáng trả của quân, dân các địa phương.
Ngày 7 tháng 2 năm 1862, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm tỉnh lỵ Bà Rịa.
Tháng 6 năm 1862, thực dân Pháp chiếm trọn ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đánh dấu
một thời kì bị ngoại bang đô hộ, bóc lột và cũng là thời kì đấu tranh quật khởi của
nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung.


Trong con mắt của kẻ thực dân, Bà Rịa – Vũng Tàu không những là vị trí
chiến lược về khai thác nguồn lợi mà còn có ý nghĩa đặc biệt về quân sự. Bởi vậy,
sau khi “ổn định được tình hình”, thực dân Pháp đã chú tâm xây dựng ở đây nhiều
cơ sở hậu cần, cứ điểm quân sự và hệ thống phòng tuyến kiên cố nhằm bảo vệ cửa
ngõ Nam bộ nói chung, cũng như hậu cứ an toàn cho sự nghỉ ngơi, dưỡng bệnh và
thông tin liên lạc của chúng ở Vũng Tàu.
Ngay khi đặt chân lên đất Nam Kỳ, thực dân Pháp đã nhận thấy ngay những
điều kiện khí hậu nhiệt đới và chất đất đỏ, xám của miền Đông Nam Bộ rất thích
hợp với cây cao su, nên đã có ý định xây dựng ngành khai thác cao su ở đây từ rất
sớm. Năm 1877, một người Pháp tên là Pi – e (Pierre) mang hạt giống cây cao su từ
Xanh – ga – po (Singapore) về, lập vườn ươm thử ở vườn Bách thảo Sài Gòn,
nhưng không cây nào sống được. Đến năm 1879, toàn quyền Pôn Đu – me (Paul
Doumer) cho lập hai trung tâm nghiên cứu thí nghiệm cây cao su: một, ở vườn thí
nghiệm Ông Yêm – Thủ Dầu Một do một dược sĩ người Pháp tên là Ra – un (Raul)
phụ trách và một, ở Suối Dầu (Nha Trang) do bác sĩ Yéc – Xanh (Yersin) trông
nom. Năm 1897, Ra – un lại đem hạt giống cao su và cây cao su con từ đảo Gia – va
(Java) về trồng, và cùng thời gian đó, Yéc – Xanh cũng nhân được cây giống. Cả
hai trại thí nghiệm này đều thành công.
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, bọn tư sản Pháp đã hùn vốn thành lập
một số công ty để chuẩn bị khai thác đồn điền cao su. Các công ty gồm có:
- Công ty cao su Đồng Nai tức Công ty kỹ nghệ và rừng Biên Hòa trước kia,
được thành lập vào năm 1908, trụ sở đóng tại Pa – ri. Đối tượng của công ty này là

khai thác đồn điền cao su, cây có dầu và nứa ở Đông Dương. Số vốn ban đầu là
500, 000 phơ răng, gồm 5 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ răng. Năm 1911, số
vốn tăng lên thành 2 triệu phơ răng, năm 1919: 6 triệu phơ răng [19, tr 15]. Trong
các năm 1914 – 1918, công ty tập trung khai phá rừng vùng Trảng Bom, Cây Gáo,
Túc Trưng và vùng sau này gọi là Chiến khu Đ.
- Công ty đồn điền Đất Đỏ (Plantations des terres rouges) thành lập năm
1910, trụ sở đóng tại Sài Gòn. Chủ công ty là một viên toàn quyền Pháp làm việc ở


Hà Nội. Đối tượng của nó là khai thác các đồn điền cao su ở Thủ Dầu Một, Biên
Hòa, Bà Rịa. Số vốn ban đầu là 2,300,000 phơ răng, gồm 23,000 cổ phần, mỗi cổ
phần 100 phơ răng. Năm 1923, số vốn tăng lên tới 36 triệu phơ răng. Năm 1925: 46
triệu, năm 1935: 110 triệu, công ty này có phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu cây
cao su đặt tại bàu Ông Yêm, huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một cũ (nay là tỉnh
Bình Dương) [19, tr 15].
- Công ty cao su Viễn Đông (Société de Caoutchoues d’Extrêne – Orient),
tên thường gọi là Công ty CEXO, thành lập năm 1910, trụ sở đặt tại Pa – ri. Chủ là
Đờ La – lăng người Pháp. Đối tượng của nó là khẩn hoang và canh tác đất đai ở
Viễn Đông, đặc biệt là ở Đông Dương và chủ yếu trồng cây cao su. Số vốn ban đầu
là 1,500,000 phơ răng, gồm 15 nghìn cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ răng. Sau đó
vốn ngày một tăng lên: 8 – 1903: 3 triệu phơ răng, 1912: 4 triệu 5 trăm nghìn phơ
răng, 1917: 6 triệu phơ răng, 1920: 8 triệu, 1934: 28 triệu [64; tr 6,29,47].
- Công ty đồn điền Xuân Lộc (Hàng Gòn): thành lập năm 1911 đóng trụ sở
tại Sài Gòn. Chủ công ty là một người Pháp tên là Đờ Ba – bê (De Babet). Đối
tượng của công ty là trồng cây cao su và các loại cây công nghiệp khác. Số vốn ban
đầu là $360,000, gồm 7,200 cổ phần, mỗi cổ phần $50. Năm 1914, tăng them 800
cổ phần nữa, nâng số vốn lên thành $400,000 [64; tr 6,29,47].
- Công ty cao su Tây Ninh (Société des Hévéas de Tây Ninh): thành lập
năm 1913, có trụ sở ở Sài Gòn. Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh
đồn điền cao su ở Tây Ninh. Số vốn ban đầu là 3,800,000 phơ răng, gồm 38 nghìn

cổ phần, mỗi cổ phần 100 phơ răng. Năm 1931, số vốn tăng lên thành 6 triệu phơ
răng. Tháng 9 – 1937, tăng lên 8,750, 000 phơ răng [64; tr 6,29,47]..
- Công ty cao su Đông Dương (Société Indochinoise des Plantations d’ Hév
as, gọi tắt là S.I.P.H) được thành lập năm 1906 [64; tr 6,29,47].
- Công ty các đồn điền cao su Mít – sơ – lanh (Société des Plantations et
pneumatiques Michelin au Việt Nam) ra đời năm 1917, trụ sở chính tại Dầu Tiếng.
Đối tượng hoạt động của công ty này là kinh doanh đồn điền cao su ở vùng đất xám
ở miền Đông Nam Bộ nằm sát rìa vùng đồng bằng [64; tr 6,29,47]..


Những công ty vừa kể trên tuy số vốn ngày một tăng, nhưng hoạt động của
Pháp trong thời kì trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất mới chỉ giới hạn ở việc
trồng thử chứ chưa đi vào khai thác qui mô lớn.
Vào thời kì trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cây cao su mới chỉ
được trồng có tính chất thử nghiệm hoặc chỉ trồng có tính chất phụ ở một vài đồn
điền bên cạnh cây lúa là chính và các loại cây công nghiệp khác. Tính đến năm
1918, tổng số diện tích đất đai bị những tên thực dân người Pháp chiếm làm đồn
điền riêng ở Nam Kì là 184,700 hécta, nhưng mới có chừng 7,000 hécta được dùng
vào việc trồng cao su, trong đó hai tỉnh Biên Hòa và Bà Rịa chiếm khoảng 500
hecta[60, tr 25]..
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, do nhu cầu cao su ngày càng cao của nền
công nghiệp Pháp nên giới tư bản Pháp ồ ạt bỏ vốn đầu tư vào ngành khai thác cao
su ở Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 năm từ 1918 đến 1921 diện tích cao su tăng từ
7,000 hecta lên 29,000 hecta (chủ yếu ở 3 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một
chiếm hơn 20,000 hecta) với số vốn đầu tư khoảng 40 triệu Fr. Số lượng mủ cao su
khai thác được cũng tăng từ 1000 tấn năm 1918 lên 10,309 tấn năm 1929 [60, tr 25].
Ở Biên Hòa và Bà Rịa, hầu hết các đồn điền đều mở rộng diện tích cây trồng,
lập thêm các phân sở mới. Đồn điền Bình Ba lập thêm phân sở Xà Bang, Sông Ray,
Ngãi Giao. Đồn điền Cuộc – tơ – nay mở thêm các phân sở Nha Trào, Láng Lớn.
Diện tích trồng cao su ở Bà Rịa đến năm 1930 lên đến 6,669 hecta trong tổng số

84,100 hecta ở miền Nam.[10, tr 153].
Ngoài sự đầu tư thiết bị máy móc các chủ tư bản còn quan tâm đổi mới kĩ
thuật gieo trồng. Trong thời gian này số vườn cây lai ghép được trồng ở nhiều đồn
điền cao su.
Bên cạnh việc trồng mơi các lô cao su ở các đồn điền, các công ty cao su đã
tiến hành xây dựng 3 nhà máy chế biến mủ ở Dầu Giây, An Lộc và Long Thành với
công suất hàng ngàn tấn mủ trong 1 năm.
Năm 1935 nhiều đồn điền của các Công ty nhỏ ở Biên Hòa và Bà Rịa sáp
nhập vào Công ty cao su Đông Dương. Công ty này trở thành một Công ty cao su


×