Tải bản đầy đủ (.pdf) (173 trang)

giới trong thành ngữ tục ngữ tiếng việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (771.28 KB, 173 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trần Kim Anh

GIỚI TRONG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ
TIẾNG VIỆT

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH

Trần Kim Anh

GIỚI TRONG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ
TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS. TS ĐẶNG NGỌC LỆ

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn “Giới trong thành ngữ - tục ngữ tiếng Việt” là công
trình nghiên cứu của bản thân tôi; các thông tin, số liệu được nêu trong luận văn hoàn
toàn trung thực.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2012
Tác giả


LỜI CẢM ƠN
Với sự làm việc nghiêm túc của bản thân và sự giúp đỡ, động viên nhiệt tình
của Thầy Cô, gia đình, bạn bè, luận văn này đã được hoàn thành.
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS. TS Đặng Ngọc Lệ, người đã trực tiếp
hướng dẫn, chỉ bảo tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý Thầy Cô, những người đã chỉ bảo
và truyền đạt cho tôi những kiến thức quý báu; xin chân thành cảm ơn phòng Sau
đại học đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập cũng như trong quá
trình thực hiện luận văn.
Cuối cùng, tôi cũng chân thành cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn
bè đã động viên, ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi trong suốt thời gian học và làm luận
văn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2012
Tác giả


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ................................................................................................................................ i
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề .......................................................................................................... 2

3. Mục đích nghiên cứu ............................................................................................... 6
4. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................................ 7
5. Phương pháp nghiên cứu ....................................................................................... 7
6. Bố cục của luận văn ................................................................................................ 7
Chương 1: Cơ sở lý luận.......................................................................................................8
1.1. Lý thuyết chung về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.............................................. 8
1.1.1. Lý thuyết về thành ngữ tiếng Việt ...................................................................8
1.1.1.1. Khái niệm ..............................................................................................8
1.1.1.2. Cấu tạo thành ngữ tiếng Việt ..............................................................10
1.1.1.3. Đặc điểm thành ngữ tiếng Việt ...........................................................14
1.1.1.4. Phân loại thành ngữ ..........................................................................18
1.1.2. Lý thuyết về tục ngữ tiếng Việt .................................................................... 20
1.1.2.1. Khái niệm .........................................................................................20
1.1.2.2. Nội dung của tục ngữ .......................................................................22
1.1.2.3. Đặc điểm của tục ngữ ......................................................................23
1.2. Lý thuyết về giới ................................................................................................... 26
1.2.1. Khái niệm Giới tính (sex) ..........................................................................26
1.2. 2. Khái niệm Giới (Gender) ...........................................................................27
1.3. Sự phân chia giới trong đời sống và trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt ..... 30
1.4. Tiểu kết ................................................................................................................. 31
Chương 2: Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới được phản ảnh trong
thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt ........................................................................................... 33
2.1. Nhận xét về số lượng thành ngữ, tục ngữ khảo sát ............................................. 33
2.2. Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới của con người ........................ 33
2.2.1. Nhận xét về từ ngữ và tần số xuất hiện của từ ngữ trực tiếp chỉ giới bằng ý
nghĩa từ vựng ........................................................................................................................34


2.2.1.1. Từ ngữ trực tiếp chỉ về giới nam qua ý nghĩa từ vựng ........................34
2. 2. 1. 2. Từ ngữ trực tiếp chỉ về giới nữ qua ý nghĩa từ vựng ............................40

2. 2.1. 3. Vai trò của từ ngữ trực tiếp chỉ giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt44
2.2.2. Nhận xét về từ ngữ và tần số xuất hiện của từ ngữ gián tiếp chỉ giới thông qua
các biện pháp tu từ................................................................................................................46
2.2.2.1. Từ ngữ gián tiếp chỉ giới thông qua các biện pháp tu từ.........................46
2.2.2.2. Vai trò của từ ngữ gián tiếp chỉ giới thông qua biện pháp tu từ trong
thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt ................................................................................................51
a) Những từ ngữ chỉ giới thông qua biện pháp ẩn dụ..................................51
b) Những từ ngữ chỉ giới thông qua biện pháp hoán dụ..............................52
2.2.3. So sánh tần số xuất hiện của từ ngữ trực tiếp và gián tiếp chỉ về giới ...............54
2.2.4. Nhận xét về một số động từ, tính từ được dùng miêu tả về giới trong thành ngữ,
tục ngữ tiếng Việt ..................................................................................................................55
2.3. Tiểu kết ................................................................................................................... 60
Chương 3: Giới và sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt ......................... 61
3.1. Về khái niệm kỳ thị giới ..................................................................................... 61
3.2. Biểu hiện sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.......................... 62
3.2.1. Biểu hiện của sự kỳ thị đối với giới nữ trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt ...62
3.2.1.1. Việc sử dụng từ ngữ chỉ giới nam để chỉ chung cả hai giới ...................62
3.2.1.2. Sự vô hình của giới nữ qua các từ ngữ chỉ chức danh, xưng gọi .........65
3.2.1.3. Sự kỳ thị giới giới nữ thể hiện ở trật tự xuất hiện của các từ chỉ giới ...66
3.2.1.4. Sự kỳ thị về giới thể hiện qua lớp từ chuyên dụng của mỗi giới ............71
3.2.1.5. Sự kỳ thị giới biểu hiện qua cách khắc họa về giới ...............................76
3.2.2. Biểu hiện sự kỳ thị đối với giới nam trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt .........89
3.3. Tiểu kết ................................................................................................................... 93
KẾT LUẬN ..........................................................................................................................95
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................. 97
PHỤ LỤC.......................................................................................................................... 104


DANH MỤC CÁC BẢNG
TÊN BẢNG


STT
1

2

3

4

5

Bảng 2.1. Từ ngữ trực tiếp chỉ giới nam qua
ý nghĩa từ vựng
Bảng 2.2. Từ ngữ chỉ giới nữ trực tiếp qua
ý nghĩa từ vựng
Bảng 2.3. Danh từ gián tiếp chỉ về giới nam thông
qua các biện pháp tu từ
Bảng 2.4. Danh từ gián tiếp chỉ về giới nữ thông qua
các biện pháp tu từ
Bảng 3.1. Tần số xuất hiện của trật tự từ chỉ giới nam

TRANG
35

40

47

47


67

trước từ chỉ giới nữ
6

Bảng 3.2. Tần số xuất hiện của trật tự từ chỉ giới nữ
trước từ chỉ giới nam

69


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong xã hội hiện nay, vấn đề giới ngày càng được quan tâm và nghiên cứu
trong nhiều ngành khoa học khác nhau. Tùy theo lĩnh vực mà giới sẽ được nghiên
cứu, tiếp cận theo những cách khác nhau trong sự tương quan với những yếu tố
khác. Ngôn ngữ học xã hội cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề giới, và giới
đã được đặt trong mối quan hệ với ngôn ngữ, mà chúng ta gọi là ngôn ngữ học xã
hội giới. Trong bối cảnh hiện nay, khi những vấn đề về giới như cách phân biệt giới,
sự bất bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội,… đang ngày càng được quan
tâm thì việc nghiên cứu về giới đã đi vượt ra phạm vi một ngành khoa học riêng lẻ.
Ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của giới trong cuộc sống dù là quá khứ hiện
tại hay tương lai. Tầm quan trọng của giới đã được nhiều nhà xã hội học xác định.
Cụ thể, chúng ta thấy họ quan niệm giới là là một yếu tố quan trọng bên cạnh giai
cấp và tộc người với tư cách là một trong ba ba cơ chế trung tâm để phân bố về mặt
xã hội đối với nguồn lực và quyền lực, và giới được xem là một vấn đề quan trọng
trong đời sống mỗi con người. Đồng thời giới cũng được đánh giá: “Cụ thể là từ
cấp độ vĩ mô của nền kinh tế đến quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giới nhào nặn
các hoạt động, các vai trò và cái mà cá nhân nhận được và thụ hưởng trong đời

sống xã hội. Giới là sự biến hóa những khác biệt nam nữ thành khuôn mẫu và là sự
thống trị thông qua những phân biệt giữa nam và nữ. Giới là một phạm trù then
chốt, là lăng kính để xem xét tất cả mọi hiện tượng xã hội” [5, tr.29]. Hiện nay giới
còn được xem là một trong những trục chính để tổ chức đời sống xã hội. Theo góc
độ xã hội học thì tầm quan trọng của giới được xác định như thế. Đối với ngôn ngữ
học đặc biệt là ngôn ngữ học xã học giới cũng có một tầm quan trọng đặc biệt.
Nhưng trong ngôn ngữ học nói chung và ngôn ngữ học xã hội nói riêng, hướng tiếp
cận vấn đề giới không giống với các ngành khoa học khác. “Ngôn ngữ với chức
năng phản ảnh thực tại xã hội cụ thể là phản ảnh cách nhìn nhận về giới của con


người, ngôn ngữ được xem là “tấm gương soi của xã hội” về giới, là “chiếc hàn
thử biểu” để đo nhận thức của con người về giới trong các xã hội khác nhau, ở
từng giai đoạn lịch sử khác nhau” [42, tr.1]. Những quan niệm về giới của nhân dân
ta trong từng thời kỳ lịch sử được phản ảnh một cách sâu sắc thông qua ngôn ngữ.
Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới từ rất lâu đã trở thành một đề tài nghiên cứu
quan trọng của chuyên ngành ngôn ngữ học xã hội ngay từ khi chuyên ngành này ra
đời vào năm 1964. Đây là đề tài được nghiên cứu với nhiều nội dung khác nhau
như: các hình thức ngôn ngữ của giới nam và giới nữ, biểu hiện của sự kỳ thị về
giới tính trong ngôn ngữ, giới với tư cách là nhân tố trong nghiên cứu về giao
tiếp,… Cùng với tuổi tác, nghề nghiệp giới được xem là một trong ba nhân tố quan
trọng trong sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ và giới đã trở thành một trong những vấn
đề nghiên cứu quan trọng của ngôn ngữ học xã hội. “Khi giải quyết các vấn đề của
ngôn ngữ đồng thời chúng ta cũng phải giải giải quyết các vấn đề về giới và ngược
lại. Các vấn đề về giới luôn gắn liền với ngôn ngữ trên cả hai bình diện: phản ảnh
về giới và tác động về giới” [42, tr.1]. Thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt cũng là một bộ
phận của ngôn ngữ dân tộc, do đó các nhận thức, quan niệm về giới của nhân dân
đồng thời cũng được phản ánh trong đó. Việc nghiên cứu giới trong thành ngữ, tục
ngữ sẽ tìm thấy quan điểm cách nhìn nhận của nhân dân ta về vấn đề này. Chính vì
vậy người viết chọn đề tài “Giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt” nhằm tìm

hiểu làm rõ vấn đề này để mong có một sự hiểu biết về vấn đề giới trong thành ngữ,
tục ngữ dân tộc.

2. Lịch sử vấn đề
Nhìn lại vấn đề nghiên cứu giới ta thấy Giới, giới tính là những đối tượng đã
được nghiên cứu khá nhiều trong chuyên ngành xã hội học. Giới, giới tính cũng là
đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tổ chức, cá nhân như Hội liên hiệp
phụ nữ Việt Nam, các nhà giáo dục, các nhà tâm lý… Trong ngôn ngữ học giới và
giới tính cũng được nghiên cứu tương đối nhiều. Những công trình tiêu biểu như:
“Sự kì thị giới tính trong ngôn ngữ” của Trần Xuân Điệp, “Lịch sự trong tiếng Việt


và giới tính” của Vũ Tiến Dũng (2007), luận văn thạc sĩ “Định kiến giới trong ca
dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam” (2008) của Nguyễn Thị Thịnh, “Ngôn ngữ học
xã hội” của Nguyễn Văn Khang (1999); bài “Xã hội học ngôn ngữ về giới: Sự kì thị
và sự chống kì thị đối với giới nữ trong sử dụng ngôn ngữ” của Nguyễn Văn Khang
trên trang web của Viện ngôn ngữ học Việt Nam; bài “Sự bộc lộ giới tính trong
giao tiếp ngôn ngữ” của Nguyễn Văn Khang trong Ứng xử ngôn ngữ trong giao
tiếp gia đình người Việt,…
Trong Sự kỳ thị giới tính trong ngôn ngữ, Trần Xuân Điệp đã trình bày trực
tiếp về vấn đề kì thị giới tính trong ngôn ngữ. Ngoài những vấn đề lí luận liên quan
đến biểu hiện của sự kì thị giới tính trong ngôn ngữ ở chương một; trong chương
hai và ba đã trình bày về sự kì thị đối với giới nữ và sự kì thị đối với giới nam trong
ngôn ngữ một cách đầy đủ với nhiều ví dụ minh họa. Trong sách này tác giả đã đề
cập đến biểu hiện của sự kì thị giới tính trong ngôn ngữ với tư cách là một đối
tượng thuộc ngôn ngữ học xã hội, dựa trên cơ sở cứ liệu của một số ngôn ngữ tiêu
biểu. Đồng thời trong đó chúng ta cũng thấy được “những nét đặc thù nhất định về
văn hóa của các dân tộc đan xen trong các ngôn ngữ khác nhau mà việc nghiên cứu
sự kì thị giới tính trong ngôn ngữ sẽ bộc lộ” [23, tr. 8]. Trên cở sở đó tác giả còn đề
xuất hướng giải quyết vấn đề kì thị giới tính trong ngôn ngữ theo góc độ cải cách

ngôn ngữ và quy hoạch ngôn ngữ. Như vậy vấn đề chủ yếu trong Sự kỳ thị giới tính
trong ngôn ngữ là vấn đề kì thị giới tính trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung.
Trong “Định kiến giới trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam”, Nguyễn
Thị Thịnh đã trình bày được những vấn đề liên quan đến giới trong ca dao, thành
ngữ, tục ngữ chủ yếu xoay quanh vấn đề định kiến về giới nữ qua một số biểu hiện
cụ thể. Trong chương một, tác giả trình bày về những cơ sở lí luận của vấn đề
nghiên cứu, giúp chúng ta có một hiểu biết đầy đủ về khái niệm định kiến giới nói
chung và định kiến giới đối với người phụ nữ nói riêng. Trong chương hai, tác giả
đã trình bày về những biểu hiện cơ bản của định kiến giới trong ca dao, tục ngữ,
thành ngữ Việt Nam. Trong đó người viết đã nghiên cứu được một số nội dung
chính như sau:


- Những định kiến giới liên quan đến đặc điểm ngoại hình của người phụ nữ
(khuôn mặt, thân hình, nụ cười, giọng nói…).
- Những định kiến về tính cách, năng lực, công việc của người phụ nữ.
- Những định kiến đối với người phụ nữ biểu hiện trong gia đình (trong quan
niệm về giá trị con trai, con gái; trong mối quan hệ vợ – chồng như: chồng là người
cai quản, trị vì, vợ là người lệ thuộc, qua thân phận người vợ lẽ, qua quan niệm
“tòng phu”, qua quan niệm về vai trò của cha mẹ đối với con cái trong gia đình).
- Những định kiến giới trong cộng đồng và xã hội, biểu hiện qua kì vọng
giới, qua quan niệm của cộng đồng coi phụ nữ là dấu hiệu của sự không may mắn
(điềm gở).
- Đề tài cũng đề cập đến hậu quả của định kiến giới với người phụ nữ được
phản ánh trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.
Như vậy, về vấn đề giới trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao công trình này
cũng nghiên cứu được nhiều điều quan trọng. Ở đây tác giả đứng trên góc nhìn tâm
lý học nên không đề cập đến nhiều vấn đề khác liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa khi
nghiên cứu giới trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam.
Trong “Lịch sự trong tiếng Việt và giới tính”, Vũ Tiến Dũng cũng đề cập về

vấn đề giới tính. Cụ thể những nội dung liên quan đến giới tính đó là: xưng hô với
lịch sự và sự khác biệt trong cách xưng hô lịch sự giữa giới nam và giới nữ. Trong
đó ngoài phần lí luận chung như xưng hô với lịch sự trong tiếng Việt, tác giả đã
trình bày khá chi tiết thế nào là sự khác biệt giữa giới nam và giới nữ trong xưng hô
lịch sự. Tác giả đã đi vào từng trường hợp cụ thể để phân tích chứng minh cho sự
khác biệt đó. Như xưng hô với thủ trưởng, xưng hô với bố mẹ, xưng hô giữa anh chị
với em, giữa vợ với chồng, giữa đồng nghiệp với nhau, xưng hô xét trong quan hệ
nghề nghiệp, xưng hô xét trong quan hệ với nghề nghiệp và tuổi tác thì có những
cách xưng hô khác nhau để tạo nên sự lịch sự trong cách xưng hô của nam và nữ.
Bên cạnh đó tác giả còn trình bày về một số chiến lược lịch sự của người Việt trong
việc từ chối lời cầu khiến cạnh tranh và sự khác biệt giữa giới nam, giới nữ. Nhìn


chung đây là công trình nghiên cứu về vấn đề lịch sự trong xưng hô giữa nam và nữ,
nói về ngôn ngữ đặc trưng của từng giới trong giao tiếp hàng ngày.
“Ngôn ngữ học xã hội” của Nguyễn Văn Khang (1999), tác giả đã trình bày
về vấn đề ngôn ngữ và giới tính trong toàn bộ chương bảy. Có thể thấy rằng trong
chương này tác giả đã đề cập đến những vấn đề có liên quan đến giới tính trong gần
5 trang. Trong đó, có những vấn đề quan trọng như sự phân biệt đối xử về giới tính
thể hiện trong ngôn ngữ, phong cách ngôn ngữ của mỗi giới. Về vấn đề “sự phân
biệt đối xử về giới tính thể hiện trong ngôn ngữ”, tác giả trình bày nhấn mạnh vào
vấn đề phân biệt đối xử bằng cách dẫn ra các ví dụ, chủ yếu là các ví dụ tiếng Anh
và một phần tiếng Việt. Trong chương này Nguyễn Văn Khang cũng đã tóm tắt lại
kết quả nghiên cứu của một số học giả nước ngoài như: B.Thorne, C Kramarac, N.
Henley, Allen Nilsen và R. Lakoff. Về các biểu hiện của sự phân biệt đối xử về giới
tính theo tác giả đó là:
-

Sự biểu hiện ở mặt cấu tạo từ: hàng loạt từ được cấu tạo có yếu tố “đàn ông


đã phản ánh vị thế xã hội nam quyền”.
-

Sự phân biệt đối xử giới tính được thể hiện ở cách dùng các đại từ nhân xưng

he/ his trong tiếng Anh thay cho she/ her trong nhiểu trường hợp.
-

Sự phân biệt đối xử về giới tính thể hiện trong sự giao tiếp ngôn ngữ.
Về vấn đề phong cách ngôn ngữ của mỗi giới thì tác giả cũng có nhiều đánh

giá về lời nói của từng giới, cũng như việc sử dụng ngôn ngữ của mỗi giới như thế
nào trong những hoàn cảnh giao tiếp. Nhìn chung, vấn đề ngôn ngữ và giới tính ở
đây cũng nằm trong ngôn ngữ giao tiếp. Trong bài “Xã hội học ngôn ngữ về giới:
Sự kì thị và sự chống kì thị đối với giới nữ trong sử dụng ngôn ngữ” Nguyễn Văn
Khang đã trình bày vấn đề ngôn ngữ và giới, trọng tâm của vấn đề này là ngôn ngữ
đã phản ảnh sự thiên kiến đối với giới nữ trong xã hội như thế nào. Tác giả đã đưa
ra nhiều ví dụ tiếng Anh, tiếng Hán lẫn tiếng Việt để chứng minh. Đồng thời, tác giả
đã đưa định hướng để góp phần chống thiên kiến đối với giới nữ trong kế hoạch hóa
ngôn ngữ.


Trong “Sự bộc lộ giới tính trong giao tiếp ngôn ngữ”, Nguyễn Văn Khang
phân biệt hai góc nhìn về vấn đề giới tính trong giao tiếp ngôn ngữ. Thứ nhất là
ngôn ngữ nói về mỗi giới: trong phần này tác giả chỉ nhận xét rằng ngôn ngữ nói về
mỗi giới là những từ nhất định chỉ dùng cho giới này hoặc giới kia. Góc độ thứ hai
là ngôn ngữ được mỗi giới sử dụng, cụ thể là sự diễn đạt, cách sử dụng ngôn ngữ
khác nhau của hai giới để biểu thị cùng một vấn đề, cùng một nội dung giao tiếp.
Trong bài viết này chủ yếu trình bày về vấn đề ngôn ngữ được mỗi giới sử dụng
trong giao tiếp hàng ngày.

Ngoài ra, cũng có nhiều bài viết khác trên tạp chí ngôn ngữ như “Hiện tượng
phân biệt giới tính của người sử dụng ngôn ngữ trong tiếng Nhật” của Nguyễn Thị
Việt Thanh, “Ngôn ngữ của chúng ta phải chăng là việc của giới nam” của Steind
L.M, , “Về giới và ngôi ở những từ xưng hô trong giao tiếp tiếng Việt” của Nguyễn
Đức Thắng, và các luận văn liên quan đến vấn đề giới và giới tính ở trường đại học
như: luận văn thạc sĩ “Giới và ngôn ngữ giới” của Lê Thị Hiền Hoa, Đại học Khoa
học xã hội và nhân văn TP HCM năm 2005; luận văn thạc sĩ “Giới tính trong ngôn
ngữ báo chí (trên cứ liệu của phóng viên nam và nữ ở Việt Nam)” (2005) của Phan
Thị Ngọc Mai, TP HCM; … Nhưng nhìn chung các công trình trên đây chủ yếu
nghiên cứu giới trong ngôn ngữ giao tiếp, trong sử dụng ngôn ngữ nói chung, chưa
đề cập nhiều đến giới và những vấn đề chủ yếu về giới trong thành ngữ, tục ngữ
tiếng Việt theo hướng tiếp cận ngôn ngữ học. Chính vì thế đề tài này sẽ cố gắng làm
rõ giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt với hai vấn đề chủ yếu: ngôn ngữ về giới
chính là sự phản ảnh cách nhìn nhận về giới của nhân dân trong cuộc sống và sự kỳ
thị giới được phản ảnh trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Qua đó, nhằm đưa ra cái
nhìn toàn diện về vấn đề giới được phản ảnh trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.

3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này người viết nhằm vào mục đích là tìm ra một số vấn đề
chủ yếu về giới được phản ánh vào trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt như ngôn
ngữ về giới, sự kỳ thị giới.


4. Phạm vi nghiên cứu
Trong giới hạn của luận văn, người viết chỉ tìm hiểu:
- Ngôn ngữ về giới và số lượng giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
- Sự kỳ thị về giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt .

5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp thống kê – miêu tả: người viết tìm ra tất cả những thành ngữ,

tục ngữ tiếng Việt có đề cập đến vấn đề giới và sử dụng phần mềm thống kê SPSS
để thống kê số lượng, tần số xuất hiện, tỉ lệ phần trăm của từ ngữ và tiến hành miêu
tả ngôn ngữ về giới.
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: với phương pháp này người viết tiến
hành phân tích ngôn ngữ về giới, phân tích các biểu hiện của sự kỳ thị về giới trong
nguồn ngữ liệu thu thập được. Sau đó sẽ đi vào tổng hợp kết luận về những vấn đề
được tìm thấy.

6. Bố cục của luận văn
Luận văn ngoài phần Mở đầu và Kết luận, gồm có ba chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận. Chương này, người viết sẽ trình bày cơ sở lý luận
chung của đề tài: những nhận định xung quanh khái niệm giới và lý thuyết chung về
thành ngữ, tục ngữ; khái quát về số lượng giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt.
Chương 2: Ngôn ngữ về giới và quan niệm về số lượng giới của con người
trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Chương này trình bày về ngôn ngữ về giới trên
cứ liệu ngôn ngữ biểu hiện trong thành ngữ, tục ngữ để chứng minh quan niệm số
lượng giới trong nhân dân.
Chương 3: Giới và sự kỳ thị giới trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Người
viết trình bày sự kỳ thị về giới được phản ánh trong thành ngữ, tục ngữ với những
biểu hiện cụ thể của nó.
Ngoài ra, luận văn còn có tài liệu tham khảo gồm 102 đơn vị, và phụ lục.


Chương 1:
Cơ sở lý luận
1.1. Lý thuyết chung về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt
1.1.1. Lý thuyết về thành ngữ tiếng Việt
1.1.1.1. Khái niệm
Thành ngữ là một đối tượng đã được nghiên cứu khá nhiều từ trước cho đến
nay. Việc nghiên cứu thành ngữ được tiến hành một cách rộng rãi từ các nhà nghiên

cứu văn học dân gian cho đến các nhà ngôn ngữ học trên nhiều góc độ khác nhau.
Sau đây là một số định nghĩa phổ biến:
“Thành ngữ là cụm từ hay ngữ cố định có tính nguyên khối về nghĩa, tạo
thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác với tổng số ý nghĩa của các
thành tố cấu thành nó tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt
ở trong câu.” [89, tr.271].
“Thành ngữ là một tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không
thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó.” [88,
tr.915].
“Thành ngữ là cụm từ cố định, thường có vần điệu, được dùng rộng rãi
trong đời sống hàng ngày, trong đó ý nghĩa không giải thích đơn giản bằng ý nghĩa
của các từ tạo nên nó.” [93, tr.719].
“Thành ngữ là một cụm từ cố định mà các từ trong đó đã mất tính độc lập
đến một trình độ cao hơn về nghĩa, kết hợp làm thành một khối vững chắc, hoàn
chỉnh. Nghĩa của chúng không phải do nghĩa của từng thành tố (từ) tạo ra. Những
thành ngữ này có tính hình tượng hoặc cũng có thể không có. Nghĩa của chúng đã
khác nghĩa của những từ nhưng cũng có thể cắt nghĩa bằng từ nguyên học.” [82,
tr.185].


“Theo cách hiểu thông thường thành ngữ là một tổ hợp từ cố định, bền vững
về hình thái – cấu trúc, hoàn chỉnh, bóng bẩy về ý nghĩa, được sử dụng rộng rãi
trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ.” [26, tr. 27].
“Thành ngữ là một tổ hợp từ cố định về cấu trúc, có nghĩa bóng, được sử
dụng để miêu tả những hình ảnh, những hiện tượng tính cách hoặc quan hệ” [49, tr.
97].
“Thành ngữ là những cụm từ cố định vừa có tính hoàn chỉnh về nghĩa, vừa
có tính gợi cảm” [47, tr. 77].
Trong các định nghĩa đó đều có chung những sự thống nhất như sau: thứ nhất
thành ngữ là những cụm từ (tức là có hai từ trở lên), thứ hai là thành ngữ có sự cố

định về hình thái cấu trúc, thứ ba là thành ngữ có sự hoàn chỉnh về ý nghĩa và ý
nghĩa của thành ngữ không phải là tổng số nghĩa của các thành tố (từ) cấu thành nên
thành ngữ.
Ngoài ra khi định nghĩa về thành ngữ, một số tác giả còn đề cập đến nhiều
mặt khác nữa. Chẳng hạn, Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Như Ý, Hà Quang Năng nhấn
mạnh đến một đặc điểm là thành ngữ là một chỉnh thể định danh, hoạt động như
một từ riêng biệt. Hoàng Văn Hành nhấn mạnh đến đặc trưng bóng bẩy về ý nghĩa
và đặc trưng được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày của thành ngữ. Hồ Lê
đề cập đến chức năng miêu tả hình ảnh, hiện tượng, tính cách hoặc quan hệ. Nguyễn
Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành thì cho rằng thành ngữ thường có
vần có điệu. Nguyễn Văn Tu lại chú ý đến hai đặc điểm của thành ngữ đó là: các từ
của thành ngữ mất tính độc lập và nghĩa của chúng khác với nghĩa của các từ nhưng
ta có thể giải thích chúng bằng từ nguyên học. Nguyễn Thiện Giáp đề cập tính gợi
cảm của thành ngữ khi xem xét chúng. Nhưng nói chung, cho dù các tác giả khi
nhắc đến thành ngữ có đề cập đến một số đặc điểm khác của thành ngữ có thể thấy
rằng ba đặc điểm chung thống nhất giữa các tác giả là những đặc điểm quan trọng
hơn cả, cần thiết phải nhắc đến khi nghiên cứu thành ngữ.
Như vậy, có thể căn cứ vào các định nghĩa đã được phổ biến trong giới
nghiên cứu để rút ra một cách hiểu về thành ngữ. Tóm lại có thể hiểu thành ngữ là


những cụm từ cố định, là một đơn vị từ vựng có sẵn trong hệ thống từ vựng của một
dân tộc, chúng có chức năng định danh – gọi tên sự vật, hiện tượng đồng thời phản
ánh các khái niệm một cách gợi tả và bóng bẩy. Thành ngữ là đơn vị ngôn ngữ và
đồng thời cũng là một đơn vị mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc vì các yếu tố văn
hóa mà thành ngữ đã phản ánh. Chính vì vậy có thể đồng thời gọi thành ngữ là đơn
vị ngôn ngữ - văn hóa.
1.1.1.2. Cấu tạo thành ngữ tiếng Việt
Thành ngữ tiếng Việt thường được cấu tạo theo nhiều cách khác nhau. Trước
hết là được cấu tạo bằng hình thức điệp và đối giữa các thành tố.

• Thành ngữ điệp
Điệp ở đây là cấu tạo về mặt hình thức của thành ngữ. Đây là dấu nối âm
thanh giữa hai vế, làm cho những yếu tố trong thành ngữ gắn liền với nhau thành
một khối có âm điệu, làm cho thành ngữ trở nên hài hòa, dễ nhớ hơn. Thành ngữ
điệp gồm có hai loại: điệp ngữ âm và điệp ngữ nghĩa.
Điệp ngữ âm: sự láy lại một âm hoặc một vần, một âm tiết nào đó trong
thành ngữ.
Ví dụ :
Thất phu thất phụ; dở anh dở thằng; bóng cô, bóng cậu
Trong những đơn vị thành ngữ trên ta thấy có sự láy lại của ở các âm tiết
thất, dở, bóng.
Điệp ngữ nghĩa: sự sử dụng các từ trong thành ngữ có sự tương đồng nào đó
về mặt ý nghĩa.
Ví dụ :
Cha hươu mẹ vượn ; cha lừa mẹ ngựa ; cha đưa mẹ đón
Trong các đơn vị thành ngữ trên ta thấy hươu/ vượn ; lừa/ ngựa ; đưa/ đón là
những cặp từ có nét tương đồng nhau về nghĩa.
Tương tự như thế ta có thể lấy thêm một vài ví dụ như: cô loan độc phượng;
chia loan rẽ phượng,…


• Thành ngữ đối
Thành ngữ đối là thành ngữ được cấu tạo bằng cách đối giữa các bộ phận
trong thành ngữ tạo cho các bộ phận đó có sự đối xứng nhau. Đối trong thành ngữ
gồm có đối ý và đối lời.
Đối ý là bình diện đối xứng giữa hai vế thành ngữ về ý
Ví dụ :
Cha sinh mẹ đẻ; cha đưa mẹ đón
Đối lời và đối ý liên có liên quan mật thiết với nhau. Đối lời là các vế khi đối
phải có sự tương đồng về từ loại và phạm trù phản ánh.

Ví dụ :
Cha già mẹ yếu; cha già mẹ héo
Đối trong thành ngữ còn đòi hỏi tuân theo quy luật bằng trắc về âm vận.
Ví dụ:
Cha hươu mẹ vượn – BBTT
Chia loan rẽ phượng – BBTT
Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngoại lệ.
Ví dụ :
Bữa đực bữa cái – TTTT
Cha kính mẹ rái – BTTT
Bên cạnh những thành ngữ được cấu tạo bằng hình thức điệp và đối còn có
một số lượng lớn thành ngữ được cấu tạo bằng những phương thức tu từ khác
như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh
• Thành ngữ ẩn dụ
Thành ngữ ẩn dụ là những thành ngữ được cấu tạo từ phương thức ẩn dụ. Ẩn
dụ cũng là một kiểu so sánh nhưng là so sánh ngầm, chỉ cái đuợc so sánh tồn tại độc
lập với tư cách một đơn vị ngôn ngữ. Thành ngữ ẩn dụ đuợc cấu tạo dựa trên cơ sơ
liên tuởng tuơng đồng của các sự vật, sự liên tưởng này có tính chất chủ quan.
Nghĩa của thành ngữ ẩn dụ thuờng ẩn phía sau bề mặt ngôn từ. Chẳng hạn thông


qua thành ngữ “hoa trôi bèo dạt” dân gian ta muốn nói đến sự lận đận của đời
người phụ nữ..
Theo ông Hoàng Văn Hành có hai loại thành ngữ ẩn dụ đó là thành ngữ ẩn
dụ hóa đối xứng và thành ngữ ẩn dụ hóa phi dối xứng.
Thành ngữ ẩn dụ hóa đối xứng là những thành ngữ được cấu tạo bằng hai vế
đối xứng nhau. Đây là loại thành ngữ phổ biến nhất trong thành ngữ tiếng Việt.
Ví dụ :
Mẹ tròn con vuông; mẹ tròn con méo; bướm chán ong chường
Thành ngữ ẩn dụ hóa phi đối xứng thường không đối xứng nhau về mặt cấu

trúc, được cấu tạo giống như những cấu trúc ngữ pháp bình thường. Chúng thường
có kết cấu là một danh ngữ (anh hùng rơm; anh hùng tương ngộ; anh hùng mạt
lộ,…), động ngữ (bám váy vợ; chầu ông vải; khen phò mã tốt áo…), tính ngữ (oan
Thị Kính; yểu điệu thục nữ…), kết cấu chủ vị (bố vợ phải đấm; cha già nhà khó,…).
• Thành ngữ hoán dụ
Thành ngữ hoán dụ là những thành ngữ được cấu tạo từ phương thức hoán
dụ. Hoán dụ là phép chuyển nghĩa của từ dựa trên cơ sơ liên tưởng tiếp cận giữa các
sự vật. Khác với phương thức ẩn dụ, sự liên tưởng của hoán dụ dựa trên hiện thực
khách quan có thật. Thành ngữ hoán dụ thường lấy những sự vật cụ thể để biểu
trưng cho những cái trừu tượng khái quát.
Ví dụ :
Da trắng tóc dài – người con gái đẹp
Má hồng mệnh bạc – người con gái đẹp phải chịu lận đận
• Thành ngữ so sánh
Thành ngữ so sánh là những thành ngữ được cấu tạo từ phép so sánh. Thành
ngữ so sánh gồm hai vế được nối với nhau bằng từ có ý nghĩa tương đồng hoặc
đồng nhất, thường được nối với nhau bằng từ “như”.
Ví dụ :
Đẹp như Hằng Nga
Đẹp như ả Chức giáng trần


Thành ngữ so sánh có hai dạng cơ bản như sau:
Dạng 1: A như B (trong đó A là thuộc tính so sánh, B là cái so sánh, như là
thành phần biểu thị quan hệ so sánh).
Đây là dạng phổ biến trong thành ngữ so sánh. Ở dạng này thuộc tính so sánh
A và cái được so sánh B đều thấy rõ.
Ví dụ :
Béo như ông Di Lặc
Ấm oái như hai gái lấy một chồng

Lừ đừ như ông từ vào đền
Dạng 2 : như B
Dạng này thuộc tính so sánh (A) không biểu hiện rõ trên thành ngữ.
Ví dụ :
Như ông Thiên Lôi
Như ông từ giữ tráp
Thành ngữ so sánh bắt buộc phải hợp logic, tức là giữa thuộc tính so sánh A
và cái được so sánh B phải có nét tương đồng nào đó.
Trong thành ngữ so sánh thành phần biểu thị quan hệ so sánh và cái so sánh
là bộ phận bắt buộc và ổn định trên cấu trúc bề mặt cũng như cấu trúc sâu. Nếu phá
vỡ cấu trúc so sánh thì sẽ không còn là thành ngữ so sánh. Sự lựa chọn từ ngữ biểu
thị quan hệ so sánh và cái so sánh mang tính dân tộc sâu sắc. Từ ngữ biểu thị cái so
sánh thường là những hình ảnh điển hình mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc và con
người Việt Nam.
Ví dụ:
Đẹp như chị Hằng
Nợ như chúa Chổm


1.1.1.3. Đặc điểm thành ngữ tiếng Việt
a) Tính biểu trưng
Biểu trưng là đặc điểm nổi bật của thành ngữ. Mỗi thành ngữ vẽ nên một bức
tranh sinh động. Tính biểu trưng trong thành ngữ thể hiện ở việc lấy những vật thật
việc thật làm biểu tượng để nêu lên những hiện tượng sự vật có tính chất trừu tượng
khái quát.
Biểu trưng là đặc điểm góp phần quan trọng vào việc thể hiện giá trị biểu đạt
của thành ngữ. Nó nêu lên ý nghĩa khái quát mà thành ngữ muốn nói đến.
Nhờ vào tính biểu trưng mà thành ngữ có tính khái quát cao và đạt được tính
hàm hàm súc cao. Những ý nghĩa khái quát trừu tượng của thành ngữ được tạo nên
từ các sự vật riêng lẻ, cụ thể, cá biệt.

Ví dụ :
Má đào mày liễu
Mặn phấn tươi son
Tính biểu trưng của thành ngữ được tạo nên từ các phương thức so sánh, ẩn
dụ, hoán dụ là chủ yếu.
Ví dụ :
Hoa trôi bèo dạt - ẩn dụ về số vất vả của giới nữ
Má đào mệnh bạc - hoán dụ tượng trưng cho sự lận đận của đời người phụ
nữ
Đẹp như chị Hằng - so sánh ý nói vẻ đẹp không gì tả nổi, đẹp như tiên nữ (vì
thường tiên được xem là có sắc đẹp tuyệt vời)
Nghĩa biểu trưng làm cho thành ngữ mang nội dung định danh, có sắc thái
biểu cảm và có tính khái quát cao trong giao tiếp. Các biểu trưng được thiết lập
mang hiệu quả nghệ thuật cao, nêu lên một nhận định có tính khái quát và được sử
dụng rộng rãi trong ngôn ngữ dân tộc.
b) Tính hình tượng


Tính hình tượng (hay còn gọi là tính hình ảnh) của thành ngữ gắn liền với
tính biểu trưng. Nhờ vào tính biểu trưng mà quy định thành ngữ đó có tính hình
tượng như thế nào. Thành ngữ từ những sự vật hiện tượng, hình ảnh cụ thể tạo nên
ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe. Với những hình tượng cụ thể đó
và thông qua đó dân gian muốn gửi gắm vào một khái niệm có ý nghĩa sâu xa.
Tính hình tượng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra giá trị
biểu cảm. Có những hình tượng tạo được thiện cảm ở người nghe nhưng cũng có
trường hợp chính từ hình tượng đó mà gây phản cảm.
Nữ kê tác quái
Cú đậu cành mai
Thành ngữ nữ kê tác quái thì nữ kê dùng để chỉ những người có phụ nữ dữ
dằn; trong cú đậu cành mai thì cú biểu tượng nói về những người xấu. Ngoài ra

thành ngữ này còn kèm theo thái độ của người nói, đó là thái độ xem thường, khinh
miệt.
Những hình ảnh trong thành ngữ tồn tại độc lập song song với ý nghĩa thành
ngữ vì thế thành ngữ có giá trị gợi tả.
Mượn gió bẻ măng - chỉ sự thừa cơ hội.
Có nếp có tẻ - chỉ sự đầy đủ.
Tính hình tượng của thành ngữ có liên quan mật thiết với văn hóa dân tộc, nó
phản ánh phong tục tập quán của người dân.
c) Tính dân tộc và tính cụ thể
Ngôn ngữ của mỗi một dân tộc kết tinh những giá trị đời sống vật chất và
tinh thần dân tộc ấy. Vì vậy đặc trưng văn hóa phản ánh một cách sâu sắc trong
ngôn ngữ.
Với thành ngữ cũng vậy, nó chứa đựng dấu ấn của cả một quốc gia. Thành
ngữ chỉ hình thành ở những phạm vi mà sự phản ánh đòi hỏi có tính bình giá, biểu
cảm. Phạm vi phản ánh đó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh sống, vào kinh nghiệm và
vào cách tiếp nhận của từng dân tộc.


Tính dân tộc trong thành ngữ tiếng Việt thể hiện ở việc phản ánh các truyền
thống, phong tục, các hành vi cử chỉ, cách ứng xử, và đời sống sinh hoạt của người
Việt Nam.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, những hình ảnh gợi ra trong thành ngữ
cũng là những hình ảnh liên quan đến nền sản xuất đó như: sượng mẹ bở con; cọc đi
tìm trâu,… Trong thành ngữ Tiếng Việt còn ẩn hiện những đặc diểm của văn hóa
ứng xử của lịch sử dân tộc.
Ví dụ:
Cha kính mẹ rái
Thờ cha kính mẹ
Tôn sư trọng đạo
Tính dân tộc còn thể hiện ở việc lựa chọn hình ảnh biểu trưng. Đó có thể là

hình ảnh của những đồ vật như “chén, chăn - gối, áo,…”, hay những cái cây
“chanh, mướp,…”, hoặc những con vật như “trâu, chuột, mèo, ốc, cò,…”. Chính từ
những hình ảnh quen thuộc mà chúng ta có có cách tiếp cận tìm hiểu dễ dàng.
Ví dụ:
Chén chú chén anh; chăn đơn gối chiếc; cơm nhà áo vợ; cọc đi tìm trâu;
hoài hồng ngâm cho cuột vọc…
Tính cụ thể của thành ngữ thể hiện ở thái độ đánh giá của người nói đối với
sự vật và phạm vi sử dụng của từng thành ngữ. Điều đó có nghĩa là mỗi thành ngữ
khi được sử dụng luôn kèm theo sắc thái biểu cảm cụ thể. Mỗi thành ngữ là một
hiện tượng riêng biệt không giống nhau. Cùng miêu tả trạng thái buồn nhưng buồn
như cha chết khác với buồn như đĩ về già.
Tính cụ thể của thành ngữ còn biểu hiện ở phạm vi sử dụng, ở sự khác biệt
với thành ngữ nước ngoài. Một hiện tượng nào đó chỉ cho phép ta sử dụng một
thành ngữ nhất định. Chẳng hạn người Việt Nam xem rồng là biểu tượng thiêng
liêng ta có thành ngữ “gái có chồng như rồng có mây”, tuy nhiên ta không thể đem
thành ngữ này sử dụng trong một nước phương Tây nào đó. Còn tùy theo từng
trường hợp cụ thể ta biết cách lựa chọn phù hợp.


Ví dụ :
Gậy ông đập lưng ông - hại người giờ hại mình
Kẻ cắp gặp bà già - chỉ sự gặp nhau giữa hai kẻ xấu
d) Tính biểu thái
Mỗi thành ngữ luôn kèm theo một nội dung bình giá nhất định. Đó có thể là
sự tán thành hoặc là chê bai, khinh rẻ hoặc là ái ngại, xót thương. Tính biểu thái của
thành ngữ có liên quan mật thiết đến phạm vi sử dụng thành ngữ, đến mục đích sử
dụng của người nói và viết. Khi đó thái độ tình cảm của người nói dược bộc lộ cụ
thể qua thành ngữ. Ví dụ khi nói “bà chúa đứt tay” vừa diễn đạt sự việc vừa bộc lộ
sự không tán thành của người nói.
Qua đó ta thấy thành ngữ tiếng Việt là phương tiện biểu đạt vô cùng hiệu quả

trong quá trình giao tiếp. Người nói không cần phải tỏ rõ thái độ của mình một cách
thẳng thừng mà chỉ cần mượn một thành ngữ nào đó vẫn bộc lộ hết quan điểm.
e) Tính điệp và đối
Tính điệp và đối của thành ngữ là biểu hiện về mặt hình thức thành ngữ. Tuy
là hình thức nhưng nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải nội dung
thành ngữ.
Tính điệp giúp cho thành ngữ có được sự hài hòa về mặt vần điệu. Điệp
trong thành ngữ thể hiện ở cả mặt ngữ âm và ngữ nghĩa.
Về mặt ngữ âm là sự láy lại một âm hoặc một vần nào đó.
Ví dụ:
Ăn chắc mặc bền; vạ mồm vạ miệng; thất phu thất phụ; dở ông dở thằng…
Trong các đơn vị trên ta thấy đó không chỉ là sự điệp âm mà còn có điệp cả
mặt ngữ nghĩa. Điệp về mặt ngữ nghĩa là việc lặp lại các từ đồng nghĩa hay gần
nghĩa trong thành ngữ, với những ví dụ trên đó là các từ chắc - bền, mồm - miệng.
Tính đối của thành ngữ thể hiện ở số lượng các từ trong thành ngữ thường là
số chẵn. Đa số những thành ngữ tiếng Việt đều có số tiếng chẵn đặc biệt là bốn
tiếng. Nếu gọi các từ A, B, C, D là các tiếng của thành ngữ, ta có các cặp đối
AB/CD, AC/BD, A/C, B/D.


Ví dụ:
Nam ngoại nữ nội; nam tôn nữ ti; nam trọng nữ khinh sẽ có các cặp đối
tương đương nam/ nữ, nội/ ngoại, tôn/ ti, trọng/ khinh. Về ý nghĩa các từ đối nhau
phải cùng trường nghĩa. Nếu số tiếng trong thành ngữ là số lẻ thì trục đối nằm ở
giữa.
Chẳng hạn như thành ngữ “gậy ông đập lưng ông”, với thành ngữ này trục
đối là từ “đập”. Sự cân đối về nội dung có thể dựa trên sự cân đối về âm vận theo
quy luật bằng trắc.
Nhờ có tính điệp và đối mà thành ngữ trở nên giàu nhạc tính, cân đối, dễ đọc,
dễ nhớ và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

1.1.1.4. Phân loại thành ngữ
a) Dựa vào tiêu chí cấu tạo
Dựa vào tiêu chí cấu tạo có thể chia thành ngữ thành hai loại. Đó là thành
ngữ có kết cấu cụm từ và thành ngữ có kết cấu chủ vị.
Thành ngữ có kết cấu cụm từ chiếm số lượng lớn trong tổng số thành ngữ.
Đây là những thành ngữ được tạo nên từ việc tổ hợp các từ nhất định, có nghĩa
(trong đó không có từ nào là chủ ngữ, vị ngữ).
Ví dụ :
Khóc như cha chết
Buồn như đĩ về già
Thành ngữ có kết cấu chủ vị, đây là những thành ngữ được cấu tạo từ một
cụm chủ vị, hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp.
Ví dụ :
Mẹ già lo bảy lo ba
Mẹ già như chuối chín cây
b) Dựa vào tiêu chí nguồn gốc
Ta có thành ngữ thuần Việt và thành ngữ vay mượn


×