Tải bản đầy đủ (.pdf) (140 trang)

hình tượng cái tôi trữ tình trong “ngư phong thi tập” của nguyễn quang bích

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (692.33 KB, 140 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Nguyễn Thùy Dương

HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG “NGƯ PHONG THI TẬP”
CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Nguyễn Thùy Dương

HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH
TRONG “NGƯ PHONG THI TẬP”
CỦA NGUYỄN QUANG BÍCH
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC

Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM
Mã số: 60 22 34
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS LÊ THU YẾN

Thành phố Hồ Chí Minh – 2012



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan:
- Đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
- Các số liệu, tài liệu trích dẫn, kết quả nghiên cứu trong luận văn là
trung thực, đảm bảo tính khách quan, khoa học và nghiêm túc.

Tác giả luận văn

Trần Nguyễn Thùy Dương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU............................................................................................................................................ 6
1- Lí do chọn đề tài ........................................................................................................................ 6
2- Lịch sử vấn đề ............................................................................................................................ 7
3- Phạm vi nghiên cứu ................................................................................................................. 13
4- Phương pháp nghiên cứu ......................................................................................................... 13
5- Đóng góp của luận văn ............................................................................................................ 14
6- Cấu trúc luận văn: .................................................................................................................... 14
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG BÍCH .......................... 16
1.1- Thời đại ................................................................................................................................. 16
1.1.1- Sự khủng hoảng suy vong của vương triều Nguyễn ...................................................... 16
1.1.2- Sự xâm lược của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta ... 20
1.2- Cuộc đời................................................................................................................................ 24
1.3- Về khái niệm hình tượng cái tôi trữ tình ............................................................................... 30
CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG “NGƯ PHONG THI TẬP” CỦA
NGUYỄN QUANG BÍCH ............................................................................................................... 33
2.1- Cái tôi trữ tình trong mối quan hệ với quốc gia, dân tộc: ..................................................... 34

2.1.1- Ý thức trách nhiệm cứu nước: ....................................................................................... 34
2.1.2- Lòng căm thù giặc và bè lũ tay sai bán nước: ................................................................ 45
2.2- Cái tôi trữ tình trong mối quan hệ với gia đình, đồng chí, người dân................................... 50
2.2.1- Tình gia đình .................................................................................................................. 50
2.2.2- Tình đồng chí ................................................................................................................. 56
2.2.3- Tình quan dân ................................................................................................................ 60
2.3- Cái tôi trữ tình tự đối thoại với chính mình .......................................................................... 64
2.3.1 –Cái tôi lạc quan, tự hào về phẩm chất của mình............................................................ 65
2.3.2- Cái tôi yếu mềm, buồn lo ............................................................................................... 71
2.4- Cái tôi trữ tình trong mối quan hệ với thiên nhiên................................................................ 78
CHƯƠNG 3: NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG “NGƯ PHONG THI
TẬP” ................................................................................................................................................ 86
3.1- Thể thơ ...................................................................................................................................... 86
3.2- Ngôn ngữ nghệ thuật............................................................................................................. 94
3.1.1- Từ ngữ............................................................................................................................ 94
3.1.2- Câu ............................................................................................................................... 103


3.2- Giọng điệu nghệ thuật ......................................................................................................... 121
3.2.1- Giọng ngợi ca............................................................................................................... 124
3.2.2- Giọng thương cảm, chua xót ........................................................................................ 130
KẾT LUẬN .................................................................................................................................... 136
TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................................................. 138


1- Lí do chọn đề tài

MỞ ĐẦU

Văn học là nhân học, một khoa học về con người. Bất cứ một nền văn

học nào cũng lấy con người làm đối tượng chủ yếu. Chính việc quan tâm và
lí giải những vấn đề có liên quan đến con người làm nên đặc trưng của văn
học nghệ thuật trong mối quan hệ so sánh với các bộ môn khoa học kĩ thuật.
Tìm hiểu việc văn học lý giải các vấn đề thuộc con người tự nó trở thành một
nhiệm vụ quan trọng của các nhà nghiên cứu văn học. Vấn đề con người cá
nhân trong văn học từ lâu đã là đối tượng khảo sát và ngày càng thu hút mối
quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học trên thế giới. Bởi lẽ con người là
chủ thể sáng tạo, đồng thời cũng là đối tượng nhận thức, phản ánh của văn
chương. Nhận thức về điều này, Trần Đình Sử khái quát : “Không thể lý giải
một hệ thống văn, thơ mà bỏ qua con người được thể hiện trong đó… Vấn đề
quan niệm nghệ thuật về con người thực chất là vấn đề tính năng động của
nghệ thuật trong việc phản ánh hiện thực, lý giải con người bằng các phương
tiện nghệ thuật, là vấn đề giới hạn, phạm vi chiếm lĩnh đời sống của một hệ
thống nghệ thuật, là khả năng thâm nhập của nó vào các miền khác nhau của
cuộc đời”. Trong các vấn đề văn học cần được nghiên cứu của thời kỳ trung
đại, vấn đề con người trong văn học có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hình
tượng cái tôi trữ tình của tác giả là một trong những vấn đề cần được khám
phá và chiếm lĩnh.
Nguyễn Quang Bích là một trong những tác giả lớn của văn học yêu
nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Lịch sử đã ghi nhận những đóng góp của
ông cho phong trào Cần Vương kháng Pháp, văn học cũng ghi nhận những
cống hiến của ông cho nền văn học của nước nhà. Bên cạnh tư cách là một
lãnh tụ nghĩa quân lặn lội chống Pháp tại núi rừng Tây Bắc, Nguyễn Quang
Bích còn là một nghệ sĩ ngày ngày cầm bút khắc họa khung cảnh nên thơ của


chính địa bàn mà mình đã trường kì kháng chiến với tinh thần quyết tử. Vì lẽ
đó không thể bỏ qua Nguyễn Quang Bích như một đại biểu quan trọng, một
tiếng nói riêng độc đáo. Cái tôi trữ tình trong tác phẩm là tiếng nói thể hiện
những tâm tư tình cảm, những rung động thẩm mỹ của nhà thơ. Với đề tài

“Hình tượng cái tôi trữ tình trong Ngư phong thi tập của Nguyễn Quang
Bích” chúng tôi muốn khám phá, tìm hiểu về con người của ông từ nhiều góc
độ, đặt trong nhiều mối quan hệ khác nhau để đi đến một cái nhìn thống nhất
về một tác giả lớn của văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
2- Lịch sử vấn đề

Trong công trình của nhiều tác giả giới thiệu về “Thơ văn Nguyễn
Quang Bích” (NXB Văn học, Hà Nội, 1973) có phần giới thiệu thân thế và sự
nghiệp của Nguyễn Quang Bích. Phần đầu trình bày về Nguyễn Quang Bích
với công cuộc chống Pháp. Phần sau giới thiệu chung về thơ văn của Ngư
Phong. Về nội dung, các tác giả chỉ ra rằng tư tưởng yêu nước là tư tưởng chủ
đạo của Ngư phong thi tập và chia thành 4 nội dung lớn : “Một ý thức cứu
nước mãnh liệt”, “Một tình yêu thiên nhiên đất nước thắm thiết”, “ Một tình
thương yêu đồng chí nồng nàn và một lòng căm thù giặc sâu sắc”, “Một sự
gắn bó chân thành với nhân dân lao động”. Về nghệ thuật, các tác giả nhận
định Ngư Phong thi tập có sự kết hợp đẹp đẽ giữa hai yếu tố hiện thực và trữ
tình.
Nguyễn Lộc trong bộ sách “Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX”
(Tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên
nghiệp, Hà Nội, 1976 có một chương viết về Nguyễn Quang Bích (Chương
VI – Nguyễn Quang Bích). Trong tập sách này, Nguyễn Lộc đã giới thiệu sơ
bộ về nhà thơ - nhà yêu nước Nguyễn Quang Bích. Phần đầu người viết giới
thiệu về cuộc đời Nguyễn Quang Bích và phần sau giới thiệu nội dung thơ
văn. Tác giả đã khẳng định giá trị của tập thơ Ngư Phong thi tập và giới thiệu


những nội dung chính của tập thơ. Theo tác giả, Ngư Phong thi tập trước hết
cho thấy “con người Nguyễn Quang Bích” – “một người đi nhiều và dường
như cũng là một người thích nói nhiều về những nỗi buồn hơn là niềm vui,
trong một trạng thái cô đơn.” “Nhìn chung thơ Nguyễn Quang Bích thường

nói nhiều đến tâm sự riêng của ông, thường than thở, giãi bày. Nhà thơ than
thở về nỗi bất lực của mình và giãi bày tấm lòng lúc nào cũng ưu ái đối với
non sông đất nước.” Nguyễn Lộc còn chỉ ra một giá trị nữa cũng đặc biệt
đáng chú ý trong Ngư Phong thi tập là những bài thơ Nguyễn Quang Bích
viết về thiên nhiên và đời sống của nhân dân miền Tây Bắc. Nguyễn Lộc cho
rằng “Có lẽ Nguyễn Quang Bích là người đầu tiên đem đến cho văn học vẻ
đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. (…) Nguyễn Quang Bích nói nhiều đến
thiên nhiên mà không ai có cảm giác ông là nhà thơ sơn thủy, bởi vì thiên
nhiên trong thơ ông thấm đượm một cái nhìn rất giàu chất thơ, rất giàu tình
người.”
Như vậy qua công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Lộc đã đưa ra
được những nhận định khái quát về Ngư Phong thi tập của Nguyễn Quang
Bích, bước đầu khẳng định giá trị của tập thơ.
Trong quyển “Lịch sử Văn học Việt Nam” (Văn học viết tập 4A, thời
kỳ II, giai đoạn I: 1858 – đầu thế kỷ XX) (In lần thứ 4 có sửa chữa), (NXB
Giáo dục, 1976), ở Chương IV, Lê Trí Viễn đã trình bày ba luận điểm lớn khi
giới thiệu Ngư Phong thi tập. Đó là : “Một cuốn nhật ký kháng chiến – một
tâm hồn lành mạnh nhưng không tránh khỏi bi quan”, “Vùng núi Tây Bắc
trong thơ văn Nguyễn Quang Bích”, và “Nguyễn Quang Bích có tâm hồn một
nhà thơ”.
Có thể nói, trong công trình nghiên cứu này, Lê Trí Viễn đã có những
đánh giá rất xác đáng: “Đọc Ngư Phong thi tập người ta như thấy hiện lên
hình ảnh cuộc chống Pháp ở núi rừng Tây Bắc hồi thế kỷ trước. Hình ảnh


chưa thật trọn vẹn, chi tiết chưa được phong phú, tác giả thiên về tâm tư riêng
biệt của mình nhiều hơn là biểu hiện cuộc chiến đấu, đó là những hạn chế của
Ngư Phong thi tập. Nhưng hơn trăm bài thơ trong đó cũng gợi lên được một
số nét tiêu biểu. Người đọc Ngư Phong thi tập sẽ theo tác giả mà sống lại
những ngày kháng chiến ở Tây Bắc muôn thuở ấy. (…) Từ những trang nhật

ký ấy nổi bật lên tính chất gian khổ của cuộc kháng chiến và mối tình của
người kháng chiến với núi rừng và nhân dân Tây Bắc”.
Lê Trí Viễn cũng có sự gặp gỡ với Nguyễn Lộc khi chú ý đến mảng đề
tài Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích:“Trái với thành kiến hàng nghìn
năm phong kiến, Tây Bắc không phải là cảnh ma thiêng nước độc, mà là cảnh
đẹp, cảnh hiền lành, thái bình. (…) Tây Bắc còn xinh đẹp với núi sông hùng
vĩ.” Còn về những người dân vùng Tây Bắc, tác giả cho rằng Nguyễn Quang
Bích “mới nói đến cảnh làm ăn thái bình, sung túc, chứ chưa nói đến cái gian
khổ, đói nghèo, lạc hậu của họ”. Từ đó tác giả đi đến kết luận khái quát:
“Rừng núi Tây Bắc tuy chưa phải cùng người “đánh giặc” như rừng núi Việt
Bắc trong thơ ca kháng chiến của ta gần đây, nhưng cũng đã đi vào văn thơ
với những màu sắc quê hương, những mùi vị của đất nước tươi mát và đậm
đà, dưới ngòi bút của một nhà thơ thiết tha yêu nước.”
Công trình “Nguyễn Quang Bích nhà yêu nước nhà thơ” (NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1994) là kết quả tổng hợp của các lần kỷ niệm, khảo sát,
điều tra và Hội thảo khoa học từ năm 1988 đến 1991. Cuốn sách chia làm ba
phần lớn: Phần một – Tiến trình kỷ niệm Nguyễn Quang Bích; Phần hai –
Chuyên khảo gồm ba chương (Chương mở đầu, Chương I : Gia đình, dòng
họ, quê hương và sự hình thành cốt cách Nguyễn Quang Bích, Chương II: Từ
ông quan Tuần phủ Hưng Hóa đến một lãnh tụ Cần Vương, Chương III: Vị trí
của Ngư Phong thi văn tập); Phần ba – Thư mục, niên biểu và tư liệu. Ở phần
hai có một chương quan trọng nghiên cứu thơ văn của Nguyễn Quang Bích.


Trong đó có bảy tham luận khoa học của các tác giả nghiên cứu về thơ văn
Nguyễn Quang Bích.
Lại Văn Hùng có bài viết “Dáng vẻ tân kỳ trong thủ pháp tập cổ”. Tác
giả đánh giá khá cao Nguyễn Quang Bích trên cái nền chung của thơ chữ
Hán: “Nếu nhìn nhận trên ba bình diện : thể loại, ngôn ngữ và đề tài thì thơ
Nguyễn Quang Bích cũng nằm trong dòng phát triển chung của thơ chữ Hán

cuối thế kỷ XIX. Điều ông khác với các tác giả khác chủ yếu nằm ở nội dung
của sự phản ánh. (…) Cũng là “tập cổ” nhưng thơ Nguyễn Quang Bích giàu
chất hiện thực.” Cuối cùng tác giả đánh giá : “Vượt lên được quy phạm, thơ
Nguyễn Quang Bích hướng cổ, tập cổ mà vẫn thoát ra được để bày tỏ cá nhân
mình, thời đại mình.”
Cũng được tập hợp trong công trình trên, tham luận của Nguyễn Huệ
Chi “Truyền thống và cách tân trong thơ Nguyễn Quang Bích” đã tinh tế chỉ
ra biểu hiện của cái cũ và mới trong tập thơ của Ngư Phong. “Câu thơ của
Ngư Phong vẫn nhẹ nhàng, trầm mặc, như âm vận muôn thuở của hình thức
thơ luật cổ điển, có nơi còn phảng phất phong vị thơ Đường, nhưng thực ra đã
chứa đựng một lượng thông báo mới so với thơ ca cổ truyền của thế kỷ XIX.”
Nguyễn Hữu Sơn cũng góp một bài nghiên cứu “Nhận diện con người
cá nhân trong Ngư Phong thi tập”. Qua sự khảo sát tập thơ Ngư Phong thi
tập của Nguyễn Quang Bích, tác giả đi đến các kết luận về đặc điểm sự xuất
hiện con người cá nhân : “Có một bộ phận thơ triết lý, đề vịnh, khẩu khí
không xuất hiện trực diện con người cá nhân tác giả”; “Có một bộ phận thơ ca
mang tính tự thuật, hành trạng cuộc đời và cho thấy phần nào hình ảnh con
người cá nhân”; “Có một bộ phận thơ ca tự bộc lộ tâm trạng, cảnh ngộ riêng
tư và thể hiện khá rõ nét đời sống nội tâm tác giả.”
Bên cạnh đó còn có tham luận của Trần Đình Sử : “Cái buồn trong thơ
Nguyễn Quang Bích”. Tác giả cho rằng cái buồn trong thơ Nguyễn Quang


Bích có những nét riêng cần được chú ý. “Cái buồn trong thơ Nguyễn Quang
Bích không phải do thoái chí, chán nản, bạc nhược mà do tình thế bi kịch
khách quan tạo nên, vì thế không nên gọi là tiêu cực.” Tác giả cũng truy tìm
nguồn gốc cái buồn: “Ý niệm số mệnh là nguồn gốc sâu xa nhất của tính bi
kịch, của cái buồn”; “Ý niệm thời gian đời người ngắn ngủi, mau qua là một
cội nguồn khác của cái buồn”; “Ý niệm về thực trạng xơ xác, tiêu điều, đói
kém là cơ sở hiện thực của cái buồn”; “Ý niệm về sự bất lực, lão lai tài tận là

cơ sở chủ quan của cái buồn”. Trần Đình Sử tỏ ra là người tri âm với Nguyễn
Quang Bích khi cho rằng: “Hiểu cái buồn của Ngư Phong là hiểu cái chí chưa
thành nhưng không bao giờ chết của thơ ông, cũng là hiểu cái hữu hạn của
con người trong lịch sử.”
Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh với tham luận “Ngư Phong thi
tập - Những vần thơ “tâm ngữ tâm”” đi vào khía cạnh – tính chất độc thoại
của Ngư Phong thi tập. Theo tác giả : “Nguyễn Quang Bích không viết những
lời kêu gọi, đả kích hay đối thoại với kẻ thù hoặc người không cùng chí
hướng mà thơ ông chủ yếu là để mình tự nói với mình và ngoài ra, có chăng
cũng là để gửi gắm đôi chút nỗi niềm với hậu thế”. “Ngư Phong thi tập là
“những vần thơ yên ngựa”, là một tác phẩm trong dòng văn thơ yêu nước nửa
cuối thế kỷ XIX. Thế nhưng Nguyễn Quang Bích đã đóng góp một phong
cách riêng cho dòng văn học này và một điểm quan trọng làm nên phong cách
riêng đó là tính chất “tâm ngữ tâm” của tập thơ.” Đó là khẳng định của tác giả
khi đánh giá về vai trò, đóng góp của Nguyễn Quang Bích trong dòng văn
chương yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
“Núi rừng Tây Bắc trong thơ Nguyễn Quang Bích” là bài viết của Trần
Lê Văn trong công trình “Nguyễn Quang Bích nhà yêu nước, nhà thơ”. Tác
giả khẳng định : “Trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước, không
có nhà thơ nào sánh được với Nguyễn Quang Bích về khối lượng và chất


lượng thơ viết về núi rừng Tây Bắc. Lịch sử đã tạo cho ông một hoàn cảnh
đặc biệt là lấy vùng hiểm địa mà sơn kỳ thủy tú ấy làm đất dụng võ, cũng là
đất dụng văn.” Người viết đã phân tích một số bài thơ của Nguyễn Quang
Bích có hình ảnh núi rừng Tây Bắc. Từ đó cho rằng thơ kỷ sự của Nguyễn
Quang Bích “là những bức tranh phác họa vùng đất Tây Bắc ở những góc độ
khác nhau: phong tục kinh tế, sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần,…”
Cuối cùng là bài nghiên cứu “Chủ thể và khách thể - một phương pháp
tư duy truyền thống” của Trần Nho Thìn. Trong bài viết này, Trần Nho Thìn

trình bày một số suy nghĩ về mối quan hệ chủ thể - khách thể trong thơ ông
nhằm góp phần làm sáng tỏ một khía cạnh của lịch sử tư tưởng Việt Nam giai
đoạn cuối thế kỷ XIX: Tại sao các văn thân Cần Vương biết rằng cuộc chiến
đấu không cân sức chống lại giặc Pháp xâm lăng khó có thể kết thúc thắng lợi
mà vẫn kiên quyết chiến đấu? Qua sự khảo sát sơ bộ thơ Nguyễn Quang Bích
với hai nhóm “tức sự” và “ngôn hoài”, tác giả bài viết cho rằng mối quan hệ
chủ thể - khách thể trong thơ Nguyễn Quang Bích mang đặc trưng của
phương pháp tư duy truyền thống. “Khách thể không phải là đối tượng cảm
nhận, suy ngẫm, phát hiện và hiểu biết và có quan hệ biện chứng với chủ thể,
có thể tác động làm thay đổi chủ thể. Trái lại chủ thể chỉ cần đến khách thể
như một chất xúc tác để bộc lộ bản chất của mình.”
Như vậy, qua việc khảo sát lịch sử vấn đề ở trên, có thể thấy thơ văn
Nguyễn Quang Bích đã ít nhiều được các nhà nghiên cứu chú ý nhưng khảo
sát toàn bộ tập thơ một cách hệ thống để thấy được cái tôi trữ tình của nhà thơ
vẫn là một công việc còn bỏ ngỏ.


3- Phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là toàn bộ tập thơ “Ngư Phong thi
tập” – gồm 97 bài thơ. Văn bản mà chúng tôi lựa chọn là: Thơ văn Nguyễn
Quang Bích, Nxb Văn học, Hà Nội, 1973 (In lần thứ hai, có sửa chữa).
Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi là khảo sát hình tượng cái tôi trữ tình
trong Ngư phong thi tập của Nguyễn Quang Bích.
4- Phương pháp nghiên cứu

Chúng tôi sử dụng phương pháp hệ thống để nghiên cứu toàn bộ tác
phẩm thơ Nguyễn Quang Bích, nhằm đem đến một cái nhìn toàn diện, khái
quát về nội dung tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của ông. Mặt
khác, chúng tôi cũng đặt thơ Nguyễn Quang Bích trong hệ thống thơ ca trung

đại Việt Nam nói chung và thơ ca Việt Nam cuối thế kỉ XIX nói riêng để tìm
ra những nét tương đồng và dị biệt. Đối với từng tác phẩm chúng tôi cũng
xem xét nó như một chỉnh thể nghệ thuật với sự thống nhất giữa các yếu tố
nội tại.
Phương pháp nghiên cứu lịch sử xã hội cũng hết sức cần thiết cho
chúng tôi khi nghiên cứu thơ Nguyễn Quang Bích. Không ai có thể phủ nhận
mối liên hệ chặt chẽ giữa văn học với điều kiện lịch sử, xã hội sản sinh ra nó.
Hơn nữa, thời đại mà ông sống là một thời đại đầy bão táp và tập thơ Ngư
Phong thi tập như lời của chính ông thực sự là một tập nhật kí bằng thơ về
cuộc đời ông cũng như về một giai đoạn bi tráng của lịch sử dân tộc. Vận
dụng phương pháp lịch sử xã hội không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác
phẩm mà qua đó còn thấy được những đóng góp của nhà thơ trong việc ghi lại
hiện thực xã hội đương đời.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp để đi
vào phân tích những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong việc biểu hiện
hình tượng cái tôi trữ tình ở các bài thơ trong “Ngư Phong thi tập” của


Nguyễn Quang Bích, từ đó thấy được cá tính sáng tạo, đóng góp của thơ ông
đối với văn học trung đại Việt Nam.
Các phương pháp trên được sử dụng một cách linh hoạt, kết hợp với
các thao tác: thống kê và so sánh, đối chiếu.
5- Đóng góp của luận văn

Luận văn khảo sát về hình tượng cái tôi trữ tình trong toàn bộ tập thơ
“Ngư Phong thi tập” nhằm giới thiệu chân dung một nhà thơ, một con người
hiện thân của tinh thần chống Pháp của quần chúng và sĩ phu Bắc Bộ trong
bối cảnh cuộc kháng chiến đặc biệt gay go, gian khổ của núi rừng Tây Bắc
vào giai đoạn “khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc” ở nửa cuối thế kỷ XIX. Từ
đó, xác định vị trí thơ văn Nguyễn Quang Bích trong kho tàng văn học Việt

Nam thời trung đại.
6- Cấu trúc luận văn:

Ngoài phần dẫn nhập và phần kết luận, luận văn gồm 3 chương chính
Chương 1- Giới thiệu chung về nhà thơ Nguyễn Quang Bích
Trong chương này, chúng tôi giới thiệu khái quát về thời đại, những
biến cố lịch sử ở cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh đó là trình bày những nét chính
về cuộc đời, sự nghiệp văn học của Nguyễn Quang Bích. Một phần không thể
thiếu trong chương một là khái niệm về hình tượng cái tôi trữ tình – một tiền
đề lí luận để người viết tìm hiểu về cái tôi trữ tình trong “Ngư Phong thi tập”
của Nguyễn Quang Bích.
Chương 2- Nội dung cái tôi trữ tình trong “Ngư Phong thi tập” của Nguyễn
Quang Bích
Ở chương hai, chúng tôi khảo sát nội dung cái tôi trữ tình trong “Ngư
Phong thi tập” , đặt cái tôi trữ tình trong các mối quan hệ khác nhau : Cái tôi
trữ tình trong mối quan hệ với quốc gia, dân tộc; Cái tôi trữ tình trong mối


quan hệ với gia đình, đồng chí, người dân; Cái tôi trữ tình tự đối thoại với
chính mình; Cái tôi trữ tình trong mối quan hệ với thiên nhiên.
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện cái tôi trữ tình trong “Ngư Phong thi tập”
Đến chương ba, chúng tôi khảo sát về nghệ thuật biểu hiện cái tôi trữ
tình trong “Ngư Phong thi tập” ở ba phương diện chính : thể thơ, ngôn ngữ
nghệ thuật, và giọng điệu nghệ thuật.


CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG
BÍCH
1.1- Thời đại
1.1.1- Sự khủng hoảng suy vong của vương triều Nguyễn


Chế độ phong kiến Việt Nam đã khủng hoảng từ cuối thế kỷ XVIII.
Những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa tư bản trong nước đã xuất hiện
ngày càng mâu thuẫn đối kháng với quan hệ kinh tế phong kiến bảo thủ, lạc
hậu bao đời thống trị xã hội Việt Nam. Nền kinh tế tiểu nông đang cần được
phát triển nhưng bị chế độ chiếm hữu và bóc lột phong kiến uy hiếp nghiêm
trọng. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ các cuộc khởi nghĩa nông dân trên một
quy mô rộng lớn trên phạm vi cả nước. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi đã
mở ra nhiều triển vọng cho sự phát triển của lực lượng sản xuất theo hướng tư
bản chủ nghĩa. Nhưng dựa vào thế lực tư bản Pháp, Nguyễn Ánh đã đánh
thắng Tây Sơn.
Ngay sau khi lên ngôi (1802), Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long
và các vua tiếp theo (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) vừa ra sức phục hồi và
củng cố quan hệ sản xuất cũ, vừa cố tình bóp nghẹt lực lượng sản xuất mới đã
manh nha phát triển từ thế kỷ XVIII. Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc
quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn.
Bộ máy chính trị triều Nguyễn ngay từ đầu đã mang nặng tính chất
quan liêu, độc đoán. Từ vua đến quan đều rất tự cao tự đại với mớ học thuyết
Khổng Mạnh lỗi thời, xem trật tự phong kiến là bất di bất dịch, mãi đến lúc
súng giặc nổ ầm bên tai mới bàng hoàng tỉnh giấc. Trong hoàn cảnh đó, đời
sống của người nông dân trong các thôn xã vô cùng cơ cực. Nền kinh tế tư
hữu của nông dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Ruộng đất phần nhiều tập trung
vào tay bọn quan lại, địa chủ. Nông dân không có ruộng cày, đời sống vô


cùng cực khổ. Hiện tượng nông dân không có ruộng đất cày cấy phải bỏ làng
đi tha phương cầu thực là nét phổ biến dưới triều Nguyễn. Cộng thêm vào đó
là tô thuế rất nặng nề. Đó là chưa kể tới tình trạng vỡ đê, lụt lội, mất mùa đói
kém thường xảy ra, hầu như không năm nào không có. Ngay trước khi tư bản

Pháp sắp nổ súng vào Đà Nẵng (1858), một trận đói ghê gớm đã xảy ra làm
cho hàng chục vạn nhân dân các tỉnh Trung Bắc Kì bị chết. Đồng thời, cũng
do sự bất lực của bọn phong kiến thống trị lúc bấy giờ, nạn dịch đã hoành
hành dữ dội, giết hại hàng chục vạn người.
Trong khi nông nghiệp lâm vào tình trạng tiêu điều xơ xác như vậy thì
công nghiệp trong tay bọn phong kiến triều Nguyễn cũng ngày một bế tắc.
Phong kiến nhà Nguyễn nắm trong tay những ngành kinh doanh lớn. Các
công xưởng lớn đúc súng, đóng tàu, đúc tiền; các xưởng nhỏ chuyên chế tạo
đồ dùng riêng cho nhà vua, vàng bạc, gấm vóc; các công trường xây dựng
cung điện, thành quách, lăng tẩm đều do bộ Công của triều đình quản lý. Chế
độ làm việc trong các công xưởng này là chế độ “công tượng” mang nặng tính
chất cưỡng bức lao động. Những người thợ giỏi ở các địa phương bị bắt về
đây được biên chế thành đội ngũ, làm việc tập trung với một số lương rất
thấp, lại chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của quan lại nên rất bất mãn, không
phấn khởi với công việc. Triều đình phong kiến còn giữ độc quyền ngành
khai thác mỏ. Lối sản xuất thủ công cá thể với những hình thức bóc lột phong
kiến mang nặng tính chất nô dịch đã làm năng suất trong các công trường mỏ
thường rất thấp. Nhiều phép tắc vô lý làm hạn chế sự phát triển của ngành
khai thác mỏ như quy định những khu vực cấm khai thác mỏ, giữ độc quyền
thu mua các kim loại khai thác được theo giá quy định.
Các nghề thủ công trong nhân dân không có điều kiện phát triển. Các
mối quan hệ phức tạp giữa chủ và thợ, giữa thợ cả và thợ bạn, giữa các làng
chuyên nghiệp với nhau với rất nhiều luật lệ cấm đoán của triều đình đã làm


cho sáng kiến, tài năng của người thợ ngày càng bị bóp nghẹt. Các nghề thủ
công nhỏ và nghề phụ gia đình ở nông thôn còn bị đình đốn vì nông dân đói
khổ, li tán. Thủ công nghiệp hầu như bị tê liệt.
Thương nghiệp dưới triều Nguyễn sút kém một cách rõ rệt. Chính sách
“trọng nông ức thương” của triều đình đã kìm hãm thương nghiệp. Về nội

thương, một mặt chúng nắm độc quyền buôn bán nguyên liệu công nghiệp vì
sợ nhân dân chế vũ khí chống lại. Mặt khác, chúng đặt ra nhiều luật lệ chặt
chẽ để hạn chế việc chuyên chở trao đổi giữa các vùng trong nước, cấm nhân
dân họp chợ. Việc giao lưu giữa các địa phương vì vậy gặp rất nhiều trở ngại,
thị trường trong nước không tập trung và thống nhất. Ngoại thương cũng bị
triều đình nắm độc quyền. Chính sách bế quan tỏa cảng đã làm cho việc buôn
bán với nước ngoài sa sút rõ rệt.
Nói tóm lại, nền kinh tế tài chính của nước ta trong nửa đầu thế kỷ XIX
đã suy đốn trầm trọng về mọi mặt nông, công thương nghiệp. Do chính sách
phản động của triều Nguyễn, các yếu tố tư bản chủ nghĩa mới nảy sinh trong
các khu vực kinh tế, đang trên đà phát triển tự nhiên và tiến bộ, phù hợp với
yêu cầu phát triển của xã hội lúc bấy giờ đều bị bóp nghẹt. Nền kinh tế hàng
hóa vì vậy đã bị co hẹp lại. Trên cơ sở đó, nền tài chính quốc gia ngày một
kiệt quệ. Đời sống nhân dân ngày càng cực khổ. Mâu thuẫn giữa bọn phong
kiến thống trị với nhân dân mà chủ yếu là nông dân đã trở nên vô cùng gay
gắt và đã bộc lộ ra ngoài một cách sâu sắc với hàng loạt các cuộc khởi nghĩa
nông dân suốt cả mấy đời vua triều Nguyễn.
Để duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi,
phong kiến nhà Nguyễn đã ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách.
Về đối nội, triều Nguyễn ra sức đàn áp khủng bố các phong trào của
quần chúng, huy động những lực lượng quân sự to lớn vào việc dập tắt các
cuộc khởi nghĩa nông dân trong biển máu. Các cuộc hành quân liên miên một


mặt đã làm cho chính lực lượng quân sự của triều đình suy yếu dần, mặt khác
cũng làm hủy hoại khả năng kháng chiến lớn lao của dân tộc, càng tạo thêm
điều kiện thuận lợi cho tư bản Pháp thôn tính nước ta.
Về đối ngoại, triều đình đẩy mạnh thủ đoạn xâm lược đối với các nước
láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia
và tài lực nhân dân bị khánh kiệt. Còn đối với các nước tư bản phương Tây thì

triều Nguyễn ban hành ngày một thêm gắt gao chính sách bế quan tỏa cảng
và cấm đạo, giết đạo. Trước âm mưu xâm lược ngày càng ráo riết của bọn tư
bản nước ngoài – nhất là tư bản Pháp- phong kiến nhà Nguyễn tưởng làm như
vậy là tránh được nạn lớn. Triều đình nhà Nguyễn không thấy được muốn bảo
vệ độc lập dân tộc, muốn giữ gìn đất nước trong điều kiện quốc gia và quốc tế
bấy giờ, biện pháp thích hợp nhất là mở rộng cửa biển giao thương để duy tân
xứ sở, đẩy mạnh phát triển nông công thương trong nước, trên cơ sở đó nhanh
chóng bồi dưỡng sức dân, sức nước để có thể đối phó kịp thời và hiệu quả với
những âm mưu xâm lược ngày càng được đẩy mạnh của tư bản nước ngoài.
Trái lại càng đóng chặt cửa và càng cấm đạo, giết đạo lại càng tạo thêm lý do
cho chúng nổ súng xâm lược sớm hơn.
Rõ ràng là với những chính sách nói trên, nước Việt Nam đã suy yếu
về mọi mặt và trở thành miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương
Tây. Đặc biệt đối với tư bản Pháp từ lâu đã có cơ sở bên trong nước ta nhờ sự
hoạt động ngấm ngầm và liên tục của bọn gián điệp đội lốt con buôn và giáo
sĩ. Lịch sử lúc này đã đi tới một bước ngoặt. Một là triều Nguyễn bị đánh đổ
và thay thế vào đó là một triều đại khác tiến theo hướng mới của tư bản chủ
nghĩa có khả năng duy tân đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hai là
nước Việt Nam bị mất vào tay tư bản Pháp để trở thành một xứ thuộc địa.
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng khi tiếng súng xâm lược của tư bản Pháp
bùng nổ, giai cấp phong kiến Việt Nam đã phân hóa ra hai phái chủ chiến và


chủ hòa, phái chủ hòa gồm phần đông bọn đại phong kiến và quan lại lớn với
Tự Đức đứng đầu sẽ nhanh chóng câu kết với bọn cướp nước để làm tay sai
cho chúng đàn áp và bóc lột nhân dân cả nước.
1.1.2- Sự xâm lược của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân
dân ta

Tiếng súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng ngày 31 tháng 8 năm 1858 mở

màn cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp đồng thời báo hiệu một sự chuyển
biến lớn lao trong lịch sử dân tộc ta. Từ đó đến cuối thế kỷ, theo quan điểm
của bọn thực dân là thời kỳ “chinh phục và bình định”. Đứng về phía ta mà
nói thì đó là thời kỳ nhân dân ta đứng lên với tư cách người dân một nước độc
lập, đương diện đấu tranh gìn giữ Tổ quốc chống bọn xâm lược nhưng rồi thất
bại.
Trong việc chinh phục nước ta, đế quốc Pháp theo chiến lược tằm ăn lá
dâu, đánh chiếm dần từng mảnh: Nam kỳ, Bắc kỳ rồi toàn quốc. Trước sức
tấn công ồ ạt của Pháp, ngay từ đầu, giai cấp phong kiến cầm quyền có trách
nhiệm bảo vệ độc lập dân tộc đã tỏ ra hèn nhát và bất lực, trong nội bộ đã sớm
có sự phân hóa thành hai phái chủ chiến và chủ hòa. Tiếng súng xâm lược của
giặc đã nổ ầm ầm bên tai mà triều đình còn bận bàn cãi, nghị luận lung tung,
kẻ hòa, người đánh, trên dưới không nhất trí, đánh hòa không ngã ngũ. Nhưng
tựu trung, ý kiến được nhiều người tán thành là chủ hòa. Điều đó khẳng định
một thực tế là ngay từ đầu, đại bộ phận hàng ngũ phong kiến cầm quyền đã
mang nặng tư tưởng thất bại và có tư tưởng sợ giặc. Trong thời kỳ đầu, vì
quyền lợi giai cấp bị trực tiếp đụng chạm nên họ có phản ứng lại. Nhưng vì
bất đắc dĩ phải chống cự lại quân thù nên sức chống cự rất hạn chế, để rồi đầu
hàng từng bước trước kẻ thù, cuối cùng dâng toàn vẹn lãnh thổ cho chúng.
Trong lúc đó, nhân dân ta với truyền thống bất khuất của dân tộc, cương


quyết chống lại sự đầu hàng phản bội của triều đình, đứng dậy kháng chiến
anh dũng và bền bỉ.
Sau 5 tháng tấn công ở bán đảo Sơn Trà, thực dân Pháp chuyển hướng
tấn công vào phía Nam nơi mà theo tính toán của họ, do xa xôi cách trở với
triều đình, lại ở chỗ đất rộng người thưa, có thể dễ dàng chiếm giữ. Những
toan tính xảo quyệt của giặc Pháp xem ra không phải không có cơ sở. Khác
với tình hình chiến sự tại mặt trận miền Trung, ở Nam Kì, quân Pháp không
quá khó khăn trong việc phá vỡ thế trận phòng thủ của triều đình. Tuy nhiên,

có một điều chúng không thể ngờ tới là sự phản kháng mãnh liệt của người
dân địa phương. Trong khi các đồn lũy triều đình nhanh chóng bị tan vỡ trước
sức tấn công của đội quân xâm lược thì nhân dân lục tỉnh, dưới sự chỉ huy của
những thủ lĩnh danh tiếng như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Thành
Ý, Phan Trung, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Trung Trực, Đốc binh Kiều... vẫn
kiên cường tiếp tục cuộc kháng chiến. Cuộc chiến tranh du kích do những
người dân Nam kì tiến hành liên tục trong một thời gian dài đã gây nên bao
nỗi kinh hoàng cho đội quân viễn chinh. Quân Pháp lâm vào tình trạng khốn
đốn bởi một mặt, cục diện chiến trường diễn biến theo hướng bất lợi, không
thể thực hiện được ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh; mặt khác, tại châu Âu,
cuộc chiến tranh Pháp - Ý chống lại Áo bùng nổ (4-1859) khiến cho lực lượng
quân sự Pháp bị phân tán. Viễn cảnh về một thế trận sa lầy đã hiện rõ trước
mắt người Pháp; chủ trương ngừng giao tranh để bước vào thương thuyết
được đặt ra.
Trong bối cảnh này, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa ra những quyết
sách rất lạ lùng. Thay vì củng cố lực lượng, tổ chức dân binh thừa cơ giặc
lúng túng mà dấn tới thì vua tôi lại chủ trương hòa nghị với giặc. Đây là lúc
triều Nguyễn bộc lộ sự yếu kém toàn diện của mình trong quản lý và điều
hành đất nước, trong những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh


quốc gia. Những kinh nghiệm triều chính cổ truyền đã không còn giúp ích gì
cho vua tôi lúc này. Họ cũng không còn đủ tỉnh táo để nắm bắt tình hình,
không còn chút niềm tin nào vào khả năng của chính mình. Trước những ý
kiến trái ngược nhau của quần thần, một ông vua vốn thông minh, nhạy cảm
như Tự Đức cũng trở nên rối trí. Triều đình đã không nhận thấy cái hào khí
dân tộc vốn tiềm tàng qua nghìn đời nay vẫn đang trào dâng mãnh liệt trong
mỗi con người Việt Nam. Vua tôi chỉ còn biết thủ hòa và trông chờ sự cứu
giúp từ bên ngoài; cụ thể là mượn uy vũ của thiên triều Mãn Thanh để chống
lại "rợ Tây". Điều trớ trêu là ở chỗ nhà Mãn Thanh - nơi trông cậy cuối cùng

của Tự Đức - cũng chỉ là một miếng mồi đang bị phương Tây xâu xé. Trong
cơn tuyệt vọng vì không còn chỗ trông cậy từ bên ngoài, triều đình quay ra
thỏa hiệp với giặc. Các hiệp ước và hàng ước (vào các năm 1862, 1864, 1867)
liên tiếp được kí kết để thừa nhận quyền cai trị của Pháp tại Nam kì.
Năm 1873, khi đã chiếm cứ được các vùng đất phương Nam, Pháp bắt
đầu đánh rộng ra miền Bắc. Phong trào kháng Pháp của văn thân, quân nghĩa
xứ Đàng Ngoài nổ ra rộng khắp. Lại một lần nữa, cuộc kháng chiến chống
giặc của nhân dân bị triều đình Huế cản trở. Trong khi quân Pháp lao đao vì
tổn thất, chính quyền Pari chủ trương rút lực lượng đồn trú, trao trả cho đối
phương những vùng đất tạm chiếm vì không thể nào chịu nổi những thiệt hại
ở chiến trường mới này thì triều đình Huế lại cũng ra lệnh triệt binh, buộc các
lực lượng chống Pháp ở đây phải giải tán.
Trên thực tế, trước sức ép và uy lực của kẻ thù, triều đình nhà Nguyễn
đã phân rã và tê liệt từ rất sớm. Với thái độ lúng túng và thiếu quyết đoán,
thậm chí là nhu nhược của người cầm đầu, bộ máy chính quyền đã hoàn toàn
bị rối lọan. Trước diễn tiến mau lẹ và phức tạp của thế cuộc, các phe phái với
những luận thuyết và kế sách khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều: có xu
hướng ôn hòa, bất bạo động; có xu hướng quyết liệt, khẳng khái; có cả xu


hướng thân Pháp, đầu hàng. Các phe nhóm ra mặt bài xích, chống đối nhau
ngày càng gay gắt, không thể dung hòa được nữa. Trong bối cảnh đó, những
nỗ lực tuyệt vọng của phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu nhằm
giành lại ưu thế tại kinh đô đã không thu được kết quả; cuộc phản công lớn
với mục đích đánh úp lực lượng Pháp bất thành. Mượn cớ này, quân Pháp
quyết định chấm dứt tình thế giằng co bằng những trận đánh dồn dập vào kinh
thành Huế. Không thể cầm cự lâu hơn, vua Hàm Nghi buộc phải rời bỏ kinh
thành, phát hịch Cần vương (1885), lấy núi rừng Hà Tĩnh làm căn cứ địa
kháng chiến. Phong trào Cần vương do các sĩ phu nhiệt huyết nhóm lên ở
Trung kì đã làm sôi động không khí đấu tranh trong mấy năm trời. Cho đến

1888, khi vua Hàm Nghi bị bắt, sau đó bị đày biệt xứ, các chính quyền thân
Pháp (Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại) liên tục được dựng lên thì chút hào
khí Cần Vương cuối cùng cũng tắt hẳn. Thế cuộc càng lúc càng trở nên ảm
đạm, thê lương. Đây đáng được coi là thời khắc bi tráng nhất của lịch sử dân
tộc.
Có thể nói rằng lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX là lịch sử của
phong trào đấu tranh chống xâm lược, vì độc lập dân tộc - một cuộc kháng
chiến lâu dài và khốc liệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình vận
động cũng như đặc điểm, tính chất của văn học nước nhà. Văn học giai đọan
này phát triển trong sự gắn bó chặt chẽ với các diễn biến của lịch sử, chịu sự
chi phối sâu sắc của đời sống chính trị xã hội. Đây là lúc mà tính thời sự, thế
sự trong văn học trở thành một đặc điểm vượt trội. Nó được thể hiện ở nhiều
khía cạnh: những nội dung chủ yếu trong tác phẩm; mục tiêu, đối tượng
hướng tới của văn học; vị thế của văn học trong sinh họat cộng đồng... Đời
sống văn học giai đọan này trở nên sôi động khác thường; những biến đổi sâu
sắc diễn ra theo nhịp điệu ngày càng nhanh. Vấn đề nóng bỏng nhất, cấp bách
nhất lúc này của cả dân tộc chính là "việc nước", là sự tồn vong của giang sơn


xã tắc. Đây vốn là chuyện quốc gia đại sự, chuyện của triều đình nhưng vào
thời điểm này, nó lại nhanh chóng trở thành vấn đề chủ yếu, thường trực của
văn học. Dấu ấn thời cuộc đã in đậm vào văn chương, chi phối sâu sắc đến
đặc điểm, tính chất của văn chương. Nó được biểu lộ qua những dự cảm,
những thấp thỏm âu lo sự thế, nỗi day dứt về vận nước của các nhà nho tâm
huyết, những chuyện gay cấn, gai góc nơi chính trường; xung đột xung quanh
chuyện chiến hay hòa, duy tân hay thủ cựu... Đây là chuyện của đời sống thực
tế mà cũng là chuyện văn chương, chuyện của văn nhân nho sĩ. Và cũng thật
tự nhiên, quá trình vận động đã tạo ra những xu hướng, những dòng mạch văn
chương rất khác nhau. Lịch sử văn học giai đọan cuối thế kỷ XIX diễn ra hết
sức sinh động, đa dạng, phong phú.

1.2- Cuộc đời

Nguyễn Quang Bích (1832-1889) tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, sinh
ngày 8 tháng 4 năm 1832 ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến
Xương, tỉnh Nam Định ( nay thuộc tỉnh Thái Bình ). Thuở nhỏ rất chăm học
nhưng đỗ muộn. Năm 26 tuổi (1858) ông mới đỗ tú tài. Năm 1861 ông đỗ cử
nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh ( Ninh Bình ). Được hơn
một năm, cụ thân sinh mất, ông xin cáo quan về nhà cư tang mở trường dạy
học. Về quê, tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân địa phương thường bị nạn
ngập lụt, đời sống rất khó khăn, ông đi xem xét địa thế rồi đứng ra quyên tiền
mua của làng Vũ Lăng bên cạnh hơn mười mẫu ruộng đắp bờ dẫn nước, giải
quyết nạn úng thủy trong vùng.
Năm Kỷ Tỵ đời Tự Đức thứ 22 (1869), nhân có ân khoa, ông thi đỗ
Đình nguyên Hoàng giáp tiến sĩ, lúc đó ông 37 tuổi. Vinh quy xong, ông được
bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó ông lần lượt giữ các
chức Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc tử giám tại kinh đô Huế, Án sát Bình
Định…Trong thời gian làm Tế tửu, mùa xuân năm Ất Hợi (1875), ông được


vua giao cho việc duyệt pho sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Hai năm sau, khi triều đình mở doanh điền ở Hưng Hóa, Tự Đức lại cử ông
làm chánh sứ sơn phòng, rồi năm sau (1876) ông kiêm luôn chức tuần phủ
Hưng Hóa. Ông làm quan thanh liêm và có lòng thương dân, được nhân dân
xưng tụng là “Phật sống”. Đó là lòng ái mộ chân thành của nhân dân đối với
một người suốt đời chăm lo đến đời sống của quần chúng. Cuộc đời làm quan
trong sạch ân đức đó đã báo trước những hành động cao đẹp sau này của ông
khi nước nhà bị quân thù xâm lược.
Khi dự kỳ thi khoa Kỷ Tỵ, ông đậu Đình nguyên Hoàng giáp thì ba tỉnh
miền Đông và ba tỉnh miền Tây đã mất vào tay thực dân Pháp. Sáu năm sau,
thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Ngày 25 tháng 4 năm 1882, thành Hà

Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Ngày 19 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức
mất thì triều đình Huế cũng ký hàng ước xác định quyền bảo hộ của Pháp ở
Việt Nam. Tháng 3 năm 1884 hầu hết Bắc kỳ lọt vào tay quân Pháp. Trong số
căn cứ quan yếu chỉ còn Hưng Hóa. Hay tin quân Pháp cử đại binh tiến đánh,
quân Thanh, quân của Hoàng Tá Viêm đều rút lui, chỉ còn một số ít quân của
Lưu Vĩnh Phúc và quân Hưng Hóa của Nguyễn Quang Bích giữ thành, khi thế
sắp nguy, ông định quyên sinh, nhưng tả hữu không cho, giục lên ngựa, phá
vòng vây chạy lên Cẩm Khê. Ở đây có quân của bố chánh Sơn Tây Nguyễn
Văn Giáp đến hiệp lực cùng chống giặc.
Muốn giành thế chủ động, đêm 4 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết
hạ lệnh tấn công vào căn cứ giặc nhưng thất bại. Kinh thành Huế rơi vào tay
Pháp. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Quảng Trị và
hạ chiếu Cần Vương vào ngày 13 tháng 7 năm 1885. Từ đây với danh nghĩa là
Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần
trung do vua Hàm Nghi phong, Nguyễn Quang Bích vừa chịu trách nhiệm về
quân sự ở Bắc Kỳ vừa trở thành nhà chính trị, nhà ngoại giao, đóng góp tích


×