Tải bản đầy đủ (.pdf) (28 trang)

XHH gia đình - bạo lực gia đình hiện nay ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (155.83 KB, 28 trang )

PHẦN MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Xã hội ngày càng phát triển, vị trí của mỗi người trong gia đình cũng thay
đổi và hướng tới sự bình đẳng, bình đẳng giữa vợ - chồng, giữa cha mẹ và con cái.
Xu hướng phát triển này đang được cả xã hội khuyến khích. Song, bên cạnh những
gia đình được xem là tổ ấm thực sự thì tình trạng bạo lực mà nạn nhân chủ yếu là
người phụ nữ - người vợ trong gia đình vẫn xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc đến mức báo
động. Điều này gây ảnh hưởng lớn tới nền tảng gia đình và xã hội.
Ngày nay, bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã trở thành một vấn đề mang tính
toàn cầu, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới và được nhiều tổ chức cũng như các
nhà nghiên cứu quan tâm. Bạo lực gia đình không còn được xem là chuyện nội bộ
của mỗi gia đình, nó đã trở thành một vấn đề xã hội gây nhiều nhức nhối mà người
được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất chính là phụ nữ - những người vợ trong gia
đình.
Bạo lực gia đình là một hiện tượng xã hội xảy ra ở hầu hết mọi nơi, gần như
trên thế giới, không có nước nào mà phụ nữ không phải chịu đựng những mối hiểm
nguy từ những hành vi bạo lực. Theo nghiên cứu tại 10 nước trong năm 2005 của tổ
chức Y tế thế giới (WHO), hơn 50% phụ nữ Bangladesh, Ethiopia, Peru và
Tanzania phải chịu đựng bạo lực về mặt thể xác hoặc bạo lực tình dục bởi những
người thân, đặc biệt với số liệu gây sửng sốt với khoảng 71% phụ nữ ở nông thôn
Ethiopia. Gần đây nhất, kết quả điều tra của WHO năm 2008 cũng cho biết tình
trạng bạo lực đối với phụ nữ trên thế giới gia tăng và để lại hậu quả ngày càng
nghiêm trọng. Theo WHO, trong 6 người vợ thì có 1 người bị chồng đánh đập, và
trong số 3 phụ nữ bị đánh đập thì lại có 1 người bị bạo hành suốt đời. Ngay ở các
nước phương Tây giàu có, phát triển và văn minh thì cũng có không ít phụ nữ vẫn
đang gánh chịu hậu quả từ tình trạng bạo lực này.


Có thể nói bạo lực trong gia đình nhằm chống lại phụ nữ là một vấn đề tồn
tại trong các chế độ xã hội, nó có ở tất cả các nước có trình độ văn minh khác nhau
và Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng này. Theo thống kê của Tòa án


Nhân dân Tối cao, trong 5 năm (2001-2005), các tòa án địa phương đã thụ lý và
giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc về ly hôn và gia đình. Trong số này có 186.954
vụ có hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% các nguyên nhân dẫn đến ly hôn.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê trong những năm gần đây tại Việt Nam cũng cho
thấy tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Trong cả nước ta hiện nay cứ
1- 2 ngày có 1 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình. Trong năm 2005, 14%
số vụ giết người liên quan đến bạo lực gia đình (Võ Hồng Loan, 2007). Phần lớn
các vụ bạo lực này là do người chồng gây ra cho người vợ.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề này, Đảng và Nhà nước ta trong
những năm gần đây đã có những chủ trương, chính sách nhằm phòng chống tình
trạng này mà tiêu biểu là Luật phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa
XII thông qua tại kì họp thứ 2 ngày 21/11/2007. Cũng như nhiều nước trên thế giới,
bạo lực gia đình ở nước ta đã tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên ở Việt Nam, bạo lực gia
đình, đặc biệt là bạo lực giữa chồng với vợ vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm, liên
quan đến những nỗi đau thầm kín. Nó vẫn được coi là "chuyện riêng tư" của
mỗi gia đình và người ta có xu hướng giải quyết theo suy nghĩ không “vạch áo cho
người xem lưng” vì thế mà vấn đề này thường bị che dấu. Chính vì lẽ đó, việc đưa
ra bức tranh tổng thể về các nguyên nhân dẫn đến bạo lực giữa chồng với vợ trong
gia đình là một việc hết sức cần thiết để từ đó có những nhận định cụ thể và đúng
đắn đối với tình trạng này.


2. KHÁI NIỆM CÔNG CỤ
2.1 Gia đình
Gia đình là một khái niệm lỏng, khác nhau ở mỗi quốc gia và mỗi nền văn
hóa. Do vậy, không thể có một khái niệm duy nhất đúng về gia đình mà khái niệm
này có nhiều cách hiểu khác nhau.
Theo định nghĩa của UNESCO, gia đình được hiểu là nơi sinh ra và là nơi trú
ngụ của mỗi con người, là một thiết chế có luật lệ và tôn ti trật tự, có thể không làm
vừa lòng một số người nhưng mang đến cảm giác an toàn cho tất cả. E.David - nhà

dân số học người Mỹ lại đưa ra khái niệm: gia đình là một niệm nhóm người dựa
trên cơ sở dòng dõi, máu thịt do vậy họ có quan hệ họ hàng với nhau.
Xem xét dưới góc độ Xã hội học, các nhà xã hội học đã đưa ra khái niệm gia
đình như sau: ”Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà
các thành viên của nó gắn với nhau bởi mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống
hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đưac với
nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của các thành viên cũng như để thực hiện
tính chất tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.
Tóm lại, để nhận biết gia đình trên thế giới và gia đình ở Việt Nam, chúng ta
đều có thể dựa vào ba căn cứ:
Quan hệ hôn nhân
Quan hệ huyết thống
Quan hệ pháp lý
2.2 Bạo lực gia đình (BLGĐ)
Tại điều 1 Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (BLGĐ) có ghi: “Bạo lực gia
đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn
hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”
Tại khoản 1 Điều 2 chỉ rõ các hành vi bạo lực gia đình:


a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức
khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả
nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông,
bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự
nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài
sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên
gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá
khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng
phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Một định nghĩa khác cũng thường xuyên được sử dụng trong các nghiên cứu
về vấn đề này là định nghĩa của Liên hiệp quốc về vấn đề ngược đãi giới được đưa
ra vào tháng 9/1992. Theo đó, “bất kì hành động bạo lực nào làm tổn thương tới thể
chất, tinh thần, tình dục hoặc tâm lý của phụ nữ, bao gồm cả các hành động đe dọa,
ép buộc hoặc tự ý tước đoạt quyền tự do của họ, bất kể ở nơi công cộng hay trong
cuộc sống riêng tư đều bị coi là bạo lực đối với phụ nữ” (trích báo cáo của Lê Thị
Phương Mai – hội đồng dân số Mỹ).


3. LÝ THUYẾT ÁP DỤNG
3.1 Xã hội hóa
Quá trình xã hội hóa được hiểu là quá trình các cá nhân tiếp thu, học hỏi nền
văn hóa xã hội mà cá nhân đó sinh ra và lớn lên, tức là lĩnh hội những kinh nghiệm
xã hội, học những gì phải làm, những gì không được làm, học các chuẩn mực giá trị
để thích ứng được với xã hội. Quá trình này có vai trò rất quan trọng trong việc
biến một cá nhân từ một thực thể tự nhiên thành con người xã hội, góp phần quan
trọng trong việc hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người.
Khi nghiên cứu về vấn đề BLGĐ, cách tiếp cận xã hội học về xã hội hóa cho
phép chúng ta tìm hiểu những nội dung về chuẩn mực được xã hội quy định cho
nam và nữ, từ đó xem xét hành vi BL của chồng với vợ có chịu ảnh hưởng của
những chuẩn mực, giá trị ấy không và nếu có thì đi phân tích xem hệ giá trị xã hội
đã tác động như thế nào đến hành vi ấy.
3.2 Lý thuyết hành vi

Cơ sở của lý thuyết này dựa trên lý luận về quá trình hình thành phản xạ có
điều kiện. Trong đó, hành vi con người được hiểu là tập hợp của nhiều hành động,
việc làm cụ thể, liên kết với nhau một cách hết sức phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi
2 nhóm yếu tố:
Các yếu tố bên trong: Tích cách, di truyền,...
Các yếu tố bên ngoài: Văn hóa, xã hội, kinh tế,...
Chính vì thế, để lý giải những nguyên nhân dẫn tới một hành vi cụ thể, ta cần
tìm hiểu xem cá nhân đó đã chịu tác động từ các yếu tố nào. Cụ thể trong đề tài
này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu một số nguyên nhân xuất phát từ kinh tế, văn hóa, xã
hội ảnh hưởng đến hành vi bạo lực giữa chồng với vợ trong gia đình.
3.3 Lý thuyết chức năng
Các tác giả của lý thuyết này cho rằng xã hội là một hệ thống gồm nhiều bộ
phận tạo thành, có mối liên hệ với nhau và mỗi bộ phận thực hiện một hay một số


chức năng nhất định để đảm bảo hệ thống xã hội tồn tại phát triển ổn định. Cũng
theo thuyết chức năng, nếu như mỗi bộ phận trong chỉnh thể không hoàn thành tốt
chức năng của mình thì sẽ dẫn tới những hệ quả tiêu cực, không có lợi thậm chí có
hại, gây mất trật tự, phá vỡ trạng thái ổn định, cân bằng. Theo đó, mỗi thành viên
trong gia đình, xã hội,… phải làm đúng vị trí, vai trò của mình.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, nam giới thường được gán cho chức
năng chuyên môn (công cụ, nghề nghiệp) để tạo ra của cải vật chất còn phụ nữ có
chức năng biểu đạt (văn hóa, tình cảm) để tạo ra tinh thần. Việc áp dụng thuyết
chức năng vào nghiên cứu này cho phép chúng ta tìm hiểu chức năng của người
chồng và người vợ ở trong gia đình, việc họ thực hiện vai trò đó như thế nào mà
dẫn tới hành vi bạo lực.
NỘI DUNG
Khi xem xét các yếu tố liên quan đến một vấn đề nào đó thì bao giờ người
nghiên cứu cũng cần phải đặt cái nhìn bao quát về nhiều phía, trên nhiều khía cạnh
để có thể rút ra được những kết luận đầy đủ nhất. Và khi xem xét các yếu tố chủ

yếu liên quan đến BLGĐ, các chuyên gia trong lĩnh vực này thường xem xét ở hai
khía cạnh chính: các yếu tố ngoài xã hội và trong gia đình (TS. Lê Minh Thi – TS.
Nguyễn Thanh Hà). Theo đó, đề tài này phân chia các nguyên nhân dẫn tới bạo lực
giữa chồng với vợ thành hai nhóm: Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ
quan.
I. NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN
Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới bạo lực giữa chồng với vợ trong
gia đình, đó là những vấn đề do xã hội tạo nên, nằm ngoài con người. Tuy nhiên, 2
yếu tố khách quan được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm là: định kiến giới và
sự tham gia của cộng đồng, chính quyền cùng các tổ chức xã hội.


1. Định kiến giới
Lịch sử đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ thống trị của
phong kiến phương Bắc. Trong hoàn cảnh như vậy, hệ tư tưởng Nho giáo với sự
khẳng định vị trí tuyệt đối của người đàn ông trong xã hội và người chồng, người
cha trong gia đình, đã có điều kiện thâm nhập và trở thành tư tưởng chi phối hệ giá
trị, chuẩn mực của xã hội Việt Nam suốt một thời gian dài trong quá khứ và ít
nhiều vẫn để lại tàn dư trong xã hội hiện đại ngày nay.
Tư tưởng ”trọng nam khinh nữ” dường như đã ăn sâu vào trong tiềm thức
của con người. Tư tưởng ấy thể hiện rõ nhất ở định kiến ” Nhất nam viết hữu, thập
nữ viết vô”, có nghĩa là nếu trong gia đình đó mà sinh được mười người con gái thì
vẫn coi như là chưa có con nhưng chỉ cần có một người con trai thì xem như là đã
có con rồi. Nho giáo quan niệm: một người đàn ông chết đi mà không có con trai
thì coi như dòng giống đó ”tuyệt tự”, cho nên không có con trai là tội còn nặng hơn
tội lớn nhất là bất hiếu. Nghiên cứu của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 1997 đã chỉ
ra việc vợ chồng không có con trai cũng có thể là lý do để người chồng gây sự với
vợ. ”Có nhiều người, nhiều gia đình do quan niệm phong kiến lạc hậu, trọng nam
khinh nữ nên suốt ngày đánh đập vợ con tàn nhẫn, bỏ mặc vợ con đói khát không
thương tâm chỉ vì người vợ sinh toàn con gái”. Đó cũng là lý do dẫn đến các hành

vi bạo lực của người chồng để buộc vợ mình chấp nhận ly hôn. Trong năm 1996,
các tòa án địa phương đã xét xử 49.711 vụ ly hôn, trong đó có 18% là do không có
con trai. Do luật pháp Việt Nam thường ủng hộ người vợ trong những trường hợp
này nên những người chồng có ý định ly hôn vợ thường tìm cách gây sự để người
vợ phải đứng nguyên đơn xin ly hôn. Người phụ nữ thường phải chịu đựng sự
ngược đãi trong thời gian dài trước khi ly hôn. Đó là nhận xét trong đề tài ”Nghiên
cứu BLGĐ trên cơ sở giới ở Việt Nam” của các tác giả thuộc Viện nghiên cứu Gia
đình và Giới năm 2005.


Do ảnh hưởng của quan niệm ”xuất giá tòng phu” lấy chồng thì phải theo
chồng cho nên xã hội nhìn chung mong đợi người phụ nữ sống nhẫn nhục, cam
chịu để gia đình bình yên. Vì vậy, khi chồng có hành vi bạo lực với mình, những
người vợ thường chấp nhận và không dám phản kháng. Một phụ nữ nói ”tôi bị đày
đọa hắt hủi bao nhiêu năm nay nhưng tôi nhất sống nhất chết gì cũng phải ở gia
đình nhà chồng, có đánh tôi cũng không đi” (Phụ nữ bị bạo lực, 53 tuổi).
Tư tưởng ”xuất giá tòng phu” cũng là sự mong đợi của gia đình bên chính
người phụ nữ khi họ biết con cái họ bị chồng đánh. ”Một lần tôi bị ổng cầm cây
đòn đánh vào người, mình mẩy bầm tím hết. Tôi đau và giận ổng lắm nên bỏ về nhà
ngoại, ba má tôi cũng thương tôi lắm nhưng vẫn khuyên bảo tôi phải gắng nhịn và
quay trở về nếu không người chịu thiệt nhất chỉ là tôi và sắp nhỏ thôi” (Phụ nữ bị
bạo lực, 37 tuổi). Chính những điều này cũng có thể làm cho mâu thuẫn giữa hai vợ
chồng xấu hơn.
Trên thực tế, ở nhiều nơi, việc chồng đánh vợ được coi là một phương pháp ”giáo
dục” vợ để gia đình tốt đẹp hơn. Bị ảnh hưởng bởi những quan niệm sai lầm trước
đây mà có không ít ông chồng cho rằng: ”Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, họ tự cho
mình cái quyền được ”dạy vợ” khi vợ không nghe lời.
”Tôi khổ quá, lúc nào cũng sống trong cảnh ”chồng chúa vợ tôi”, tôi sống có điều
tiếng gì với mọi ngời đâu mà ổng lại đối xử với tôi như vậy” (Phụ nữ bị bạo lực, 49
tuổi).

” Ông ấy không bao giờ cho là mình có lỗi. Không bao giờ xin lỗi, đã đánh tôi lại
còn buộc tôi phải xin lỗi. Ngay cả việc ông ấy đánh bạc, bỏ bê con cái ông ấy cũng
nói là đó là lỗi tại vợ, vợ không biết chiều chồng” (PVS, Nguyễn Thị T., Hà Nội).
Quan niệm ”chồng chúa vợ tôi” và ”thuyết tam tòng” gán cho người chồng
toàn quyền quyết định mọi công việc lớn trong gia đình. Người vợ là người thừa
hành, có bổn phận phục vụ chồng con. Trong nhiều trường hợp người chồng đã
dùng bạo lực để duy trì quyền này. Sự ngược đãi cua người chồng đối với người vợ


chính là biểu hiện cụ thể của điều này. Người chồng có thể xử tệ với vợ khi nổi cáu,
khi vợ là gì trái ý mình, hoặc thậm chí khi vợ tỏ ra thành đạt có thể đe dọa đến địa
vị cao của người chồng (Vũ Mạnh Lợi và cộng sự, 1999).
Với suy nghĩ ”xấu chàng hổ ai”, không nên ”vạch áo cho người xem lưng”
cho nên những người phụ nữ bị chồng sử dụng bạo lực đều giấu giếm, không kể
với người khác về những gì họ phải chịu đựng. Nhiều phụ nữ không báo cáo các
hành vi bạo lực vì họ cho rằng họ sẽ bị người ngoài nhìn nhận là đã làm điều gì đó
không tốt nên mới bị chồng đánh (Lê Thị Phương Mai và Lucinda Willshire 2000).
Cho dù bị đánh đau thì người phụ nữ vẫn cố gắng không làm to chuyện.
”Em nghĩ có hay ho gì chuyện bị ổng đánh đâu, ổng mà bị chê cười thì em cũng
chẳng dám nhìn mặt ai nữa. Em chỉ biết cầu giời khấn phật để anh ấy tu tỉnh lại để
gia đình lại được vui vẻ hạnh phúc như xưa” (Phụ nữ bị bạo lực, 36 tuổi).
”Cũng có ông chồng biết nghe, biết sợ thì họ sẽ thôi còn nhiều trường hợp lại về
gây lộn với vợ vì tội đã bêu xấu chồng” (Chủ tịch Hội phụ nữ phường Tân Xuân,
thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
Với những kết quả nghiên cứu đó, khi vận dụng thuyết chức năng, chúng ta
đã thấy được phần nào vai trò, vị trí của người vợ trong gia đình. Trong gia đình,
người vợ là người phải chịu đựng và nếu họ làm không đúng với bổn phận, chức
năng của mình thì BLGĐ diễn ra là điều đương nhiên.
Như vậy, định kiến giới vốn vẫn được coi là chuẩn mực đã ăn sâu vào trong
tiềm thức con người. Ngay từ khi sinh ra, xã hội đã gán cho nam giới và nữ giới

những vai trò nhất định. Những giá trị này con người sẽ không thể nhận thức được
khi sinh ra nhưng cùng với quá trình họ lớn lên, phát triển thì cũng dần ý thức
được. Đó chính là tác động của quá trình xã hội hóa đối với mỗi cá nhân trong xã
hội.


2. SỰ THAM GIA CỦA CÁC CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI
Trong những năm qua, các cơ quan chính quyền, tổ chức xã hội, các cộng
đồng dân cư đã có những đóng góp quan trọng góp phần ngăn chặn, hạn chế các
hành vi bạo lực gia đình chống lại phụ nữ. Đó là điều không thể phủ nhận được.
Tuy nhiên, trong quá trình hành động nhằm đấu tranh với hành vi bạo lực gia đình,
các cộng đồng dân cư, chính quyền, tổ chức xã hội vẫn bộc lộ một số hạn chế. Đây
là một trong những yếu tố khiến cho hành vi BL của người chồng với người vợ
chưa được hạn chế một cách tối đa.
2.1 Sự tham gia của cộng đồng, làng xóm
Cộng đồng, làng xóm thường là những người tham gia, giúp các gia đình giải
quyết xung đột. Họ sống gần nhau, hiểu phần nào gia cảnh của nhau nên có thể có
mặt kịp thời khi có hành vi bạo lực xảy ra. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi họ chỉ
can thiệp những vụ ngược đãi phụ nữ nghiêm trọng hay những xung đột gia đình
ảnh hưởng đến trật tự của khu ở còn thì người ta né tránh, coi đó là chuyện của ”vợ
chồng người ta”. ”Thường thì cũng có người khuyên can nhưng họ cũng coi đó là
chuyện gia đình nên rất ngại. Ông ấy thì ai sang can cũng chửi nên họ lại càng
ngại, thế nên họ cũng sang khuyên can một vài lần rồi thôi. Mình là người vợ thì
phải chấp nhận thôi” (Phụ nữ bị bạo lực, 47 tuổi).
Trong cộng đồng dân cư cũng có tư tưởng ”Đèn nhà ai nhà ấy sáng” cho nên
khi các hành vi bạo lực xảy ra, người xung quanh cho rằng đó là chuyện nội bộ gia
đình nên ít can thiệp hòa giải ngay từ bước đầu, chỉ khi xảy ra trầm trọng thì mới
đưa ra tổ hòa giải, đoàn thể xã hội (Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 1997). Những
ngược đãi phụ nữ diễn ra bên trong mỗi gia đình thường không được quan tâm một
cách thích đáng. Một mặt, các thành viên trong gia đình thường muốn giữ kín

những chuyện riêng của gia đình mình, đặc biệt là những chuyện mâu thuẫn, xô xát
giữa vợ và chồng. Mặt khác là sự bàng quan của những người hàng xóm, không
muốn can thiệp vào việc riêng của gia đình người khác (Vũ Tuấn Huy, 1999, Bạo


lực trong gia đình – Nguyên nhân và kết quả, Viện Xã hội học).”Vấn đề này cũng
đã nói rất nhiều. Có vẻ là trong thời đại ngày nay có nhiều người tỏ ra rất bàng
quan, tức là đứng ngoài cuộc. Ví dụ như là họ đứng xem, hay là trong mâu thuẫn
của một cặp vợ chồng thì họ kéo đến xem thôi rồi bình luận sôi nổi, nhưng mà bảo
một người vào can thì họ lại rất ngại” (Cán bộ xã, 50 tuổi).
”Bây giờ họ cũng chẳng dòm ngó nhà ai với nhà ai đâu, nếu mà phải sang can ngăn
thì tình hình là nghiêm trọng rồi” (Một phụ nữ, nghỉ hưu).
2.2 Sự tham gia của chính quyền và các tổ chức xã hội
Kết quả phân tích các số liệu nhìn chung cho thấy sự can thiệp của chính quyền và
các tổ chức xã hội trong việc ngăn chặn và giải quyết các vụ BLGĐ thấp hơn đáng
kể so với sự hy vọng của người dân.
Nghiên cứu về ”Giải pháp phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ” của
tác giả Lê Thị Thu (PCT Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 2000) cho thấy: theo trả
lời của bản thân những người trong gia đình có xảy ra bạo lực thì gia đình hai bên,
bà con hàng xóm là những người can thiệp giúp đỡ nhiều nhất khi xảy ra vụ việc
chồng đánh vợ. Trong khi đó, tỷ lệ những vụ BLGĐ được chính quyền và công an
can thiệp là rất thấp (Bảng 1).
Bảng 1: Tỷ lệ can thiệp giúp đỡ khi chồng đánh vợ (%)
Người can thiệp
Tỷ lệ
Gia đình nhà chồng
49, 5
Ga đình nhà vợ
17,7
Hội phụ nữ

36,3
Bà con lối xóm
62,7
Ban hòa giải
4,5
Đoàn thanh niên
1,6
Chính quyền địa phương
2,9
Công an địa phương

4


Sự can thiệp của các đoàn thể, chính quyền trong việc ngăn chặn và giải
quyết những vụ việc liên quan đến BLGĐ giữ một vai trò rất qua trọng. Tuy nhiên,
điểm yếu của quá trình này là nó thường chỉ bắt đầu khi bạo lực trong gia đình xảy
ra rất nghiêm trọng và thường chỉ can thiệp để chấm dứt ngay lúc có sự ngược đãi
còn về lâu dài thì hiệu quả không cao.
”...những lần đánh nhau to quá thì các con tôi có chạy đi gọi và tôi cũng có đi mời
họ (đoàn thể) đến khuyên giải chồng tôi, sau đó chồng tôi cũng nghe nhưng chỉ
được một thời gian rồi đâu lại vào đấy” (Nạn nhân, trường hợp LS1).
Một vấn đề khac cần phải chú ý trong sự tham gia của chính quyền, đoàn thể là sự
phối hợp hoạt động của chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội không phải bao
giờ cũng kị thời va đồng bộ. Có ý kiến đã nhận xét: ”Khách quan mà nói thì tôi
thấy vai trò của các tổ chức còn hơi chậm chễ. Cụ thể là bên công an có khi cần
người đến thì chưa đến được ngay lúc đó, vì vậy có ảnh hưởng phần nào đến hoạt
động của chị em chúng tôi” (Phó chủ tịch Hội phụ nữ, trường hơp LS10). Có
những chị em phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh nhưng cũng không nhận được
sự can thiệp của chính quyền vì ”ở địa phương nếu có vụ việc nghiêm trọng thì cán

bộ đoàn thể với chính quyền mới đến giải quyết còn bình thường chỉ đấm tát thì họ
không đến đâu, chủ yếu là gia đình người ta đóng cửa bảo nhau thôi” (TLN –
Nam, thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ).
Chính vì vậy, có không ít phụ nữ trở nên nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào các tổ
chức, chính quyền địa phương.
”Chính quyền can thiệp sự việc cũng đã xong, họ đợi khi nào có đổ máu thì họ mới
tới” (Nạn nhân, trường hợp TG3).
”...báo lắm thì cũng chả giải quyết được gì, rồi em chán, em chẳng báo nữa. Bao
nhiêu lần đến nhà rồi cũng thế thôi. Rồi mai ông ấy lại đánh” (Nạn nhân, trường
hợp TB3)


II. NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN
1. Các yếu tố kinh tế, nghèo đói
Các yếu tố kinh tế có xu hướng liên quan đến tất cả các khía cạnh của quan
hệ vợ chồng. Nhiều công trình nghiên cứu về bạo lực gia đình ở Việt Nam đã cho
thấy: kinh tế gia đình khó khăn là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn
đến bạo lực gia đình.
Tất nhiên, chúng ta không thể coi đói nghèo là yếu tố lớn nhất làm nảy sinh hành vi
bạo lực. Bởi lẽ thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng quanh năm bị cái nghèo đeo bám
nhưng vẫn sống với nhau đầm ấm, hòa thuận hoặc có những gia đình khi còn khổ
cực thì hai vợ chồng có một cuộc sống êm đềm, thương yêu nhau nhưng đến khi
kinh tế gia đình khá giả thì lại nảy sinh nhiều vấn đề, không có hạnh phúc. Tuy
nhiên, yếu tố kinh tế và bạo lực gia đình vẫn được coi là hai mặt có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù BLGĐ có thể xảy ra ở mọi
tầng lớp với mức sống và trình độ giáo dục khác nhau nhưng các hành vi bạo lực
trong gia đình vẫn xuất hiện nhiều hơn cả trong các gia đình có đời sống khó khăn.
Lý giải cho điều này, đề tài ”Bạo lực gia đình – Một sự sai lệch giá trị” của tác giả
Lê Thị Quý – Đặng Vũ Cảnh Linh đã chỉ rõ trong nhiều trường hợp, chính sự
nghèo đói đã cắt bỏ phần lớn những cơ sở vật chất cần thiết cho việc duy trì hạnh

phúc gia đình. Không có những cơ sở vật chất cần thiết này, con người khó có thể
giữ được những mối quan hệ tốt đẹp. Những khó khăn trắc trở trong việc kiếm tiền,
sự vất vả mệt nhọc đè nặng lên cuộc sống hàng ngày, sự bực dọc thường xuyên vì
đói kém và những thua thiệt trong làm ăn đã khiến cho các mối quan hệ gia đình
luôn căng thẳng. Đó là miếng đất ươm sẵn những mầm độc của BLGĐ. Nếu sự
nghèo đói làm nảy sinh BLGĐ thì ngược lại, chính BLGĐ đến lượt mình lại làm
tăng thêm sự nghèo đói.
”Vợ chồng có cãi nhau, xô xát nhau cũng là do kinh tế gia đình cả. Chỉ vì túng
thiếu, tiền không đủ tiêu đâm ra nóng nảy, chứ chồng tôi cũng không phải người


tàn ác. Giận quá thì tát vợ vài cái sau đó vài hôm lại tìm cách làm lành. Hoàn cảnh
gia đình khổ quá chứ đầy đủ thì chẳng đến nỗi phải như vậy” (PVS, Chu Thị C.,
Cổ Nhuế, Hà Nội).
Khi được hỏi: ”Những xích mích chủ yếu giữa vợ và chồng thường xảy ra do vấn
đề gì nhiều nhất?”, một phụ nữ đã nghỉ hưu, 41 tuổi, có 2 con, chồng là công nhân,
ngoài giờ làm thêm nghề xe ôm cho biết: ”Nói chung nó cũng lung tung, chủ yếu là
đời sống nó vất vả, kiếm được bữa ăn nó cực qúa nên dẫn đến cãi nhau chứ có cái
gì đâu... Đi làm đã mệt mỏi về lại nghe những cái dằn hắt của chồng về chi tiêu nọ
kia ai mà chẳng tức”.
Nghiên cứu của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (2001: 41) cũng cho thấy
tỷ lệ phụ nữ bị chồng mắng chửi tăng từ 11,1% ở hộ gia đình có mức sống khá lên
16,7% ở nhóm hộ trung bình và tới 30,2% ở nhóm hộ nghèo. Tương tự, tỷ lệ phụ
nữ bị chồng đánh gia tăng nhanh theo tình trạng kinh tế hộ gia đình (1,0%; 3,5% và
7,7%).
Trong nhiều trường hợp, do người vợ phải chịu phụ thuộc về kinh tế vào
người chồng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực. Một phụ nữ bị chồng
sử dụng bạo lực cho biết: ”Do kinh tế gia đình khó khăn, không có tiền bạc, ổng lại
hay nhậu rồi hổng có lý trí dẫn tới đánh vợ đánh con. Nhiều lúc mình cũng cự lại
nhưng ổng đánh chửi mình là không làm ra tiền thì không được nói. Mình muốn đi

làm nhưng không ai lo việc nhà nên thôi” (Phụ nữ bị bạo lực, 34 tuổi).
”Sau khi gây lộn, thường vào buổi sáng ông ấy không thèm đưa tiến ăn cho em mà
bỏ đi luôn, có khi đến 2,3 ngày mới về. Cũng có khi chiến tranh lạnh, không nói
chuyện một thời gian. Thông thường em luôn là người làm lành trước vid nếu
không thì không có tiền đi chợ” (Phụ nữ bị bạo lực, 22 tuổi).
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong những gia đình mà người
phụ nữ thành đạt hơn nam giới, thu nhập của họ cao hơn nam giới, họ có thể còn
phải chịu bạo lực nhiều hơn những gia đình khác vì ”đàn ông sử dụng cách thức


mắng chửi hay đánh đập vợ như là cách thức để duy trì quyền lực và vị trí của bản
thân mình” (Vũ Mạnh Lợi, 1999: 19).
Xét tương quan giữa chênh lệch thu nhập vợ - chồng và mức độ mâu thuẫn trong
gia đình, kết quả thu được là: ở những gia đình vợ có thu nhập cao hơn chồng thì
thường xảy ra mâu thuẫn hơn. Ở mức độ ”thỉnh thoảng”, tỷ lệ có mâu thuẫn ở gia
đình mà vợ thu nhập hơn chồng là 29%, tỷ lệ này ở gia đình mà chồng có thu nhập
cao hơn là 18,5%. Khi hai vợ chồng có thu nhập bằng nhau, tỷ lệ gia đình ”không
bao giờ” có mâu thuẫn chiếm tới 56,1% trong khi đó, ở những hộ mà vợ có thu
nhập cao hơn, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 42%.
Tương tự trường hợp mâu thuẫn gia đình, tỷ lệ xảy ra BLGĐ cũng đi theo chiều
hướng như vậy. Ở những gia đình có tình trạng thu nhập của vợ cao hơn, tỷ lệ xảy
ra BLGĐ cũng cao hơn (chiếm 38,5%), trong khi ở trường hợp chồng có thu nhập
cao hơn thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 28% (Bảng 2).

Bảng 2: So sánh thu nhập vợ chồng – Bạo lực gia đình (%)
Tình trạng bạo lực

So sánh thu nhập của vợ - chồng
Vợ hơn chồng


Bằng nhau

Chồng hơn vợ

Có bạo lực

38,5

35,4

27,9

Không có bạo lực

61,5

64,6

72,1

Điều này chỉ có thể giải thích do xuất phát từ tâm lý cho rằng người có ưu
thế về kinh tế sẽ là người có quyền quyết định mọi việc. Bởi vậy, nếu người vợ có
thu nhập cao hơn chồng thì quyền lực của người chồng trong gia đình có nguy cơ bị
lung lay. BLGĐ chính là cách để họ bảo vệ vị trí của mình trong gia đình, uy quyền
của mình đối với vợ con.


2. Yếu tố nhận thức
2.1 Nhận thức của người dân
Yếu tố nhận thức có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì tình trạng

BLGĐ. Chừng nào nhận thức của người dân về hành vi BLGĐ chưa đầy đủ thì
chừng đó việc dùng bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình còn chưa được lên án
mạnh mẽ.
Có một nghịch lý là một số loại hành vi bạo lực trong gia đình được không ít người
coi là có thể chấp nhận được. Theo khảo sát của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam
(2001), tỷ lệ các ý kiến coi các hành vi bạo lực có thể chấp nhận được trong gia
đình như sau: mắng chửi (45% nữ và 45,1% nam); bỏ lửng (9,9% nữ và 11,7%
nam); tát (7,9% nữ và 8,4% nam); xỉ vả (4,6% nữ và 6,2% nam); cấm đoán quan hệ
với mọi người (3,8% nữ và 4,3% nam). Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp hơn nhưng tỷ lệ
nam nữ chấp nhận đấm đá hay đánh bằng roi, gậy và cưỡng ép quan hệ tình dục
vẫn còn. Cũng trong cuộc khảo sát này, một tỷ lệ khá lớn ý kiến chấp nhận các
hành vi bạo lực của chồng đối với vợ trong cuộc sống gia đình (đánh hoặc mắng
chửi) nếu vợ mắc một số lỗi được đưa ra:
Chồng có thể đánh vợ khi vợ có hành vi: ”quan hệ lăng nhăng” (30,7%); ”cờ
bạc/nghiện hút” (22%); ”hỗn láo” (15%)...
Chồng có thể mắng chửi (không đánh) khi người vợ: ”làm trái ý chồng” (51,3%);
”không chăm sóc chồng con” (50,2%); ”hỗn láo với chồng” (46,0%); ăn tiêu hoang
phí” (44,6%); ”lười biếng” (40,1%); ”không biết làm ăn” (32,8%)...
Chính vì nhận thức chưa đầy đủ mà đã có những người rất ngạc nhiên khi
thấy tòa án xử phạt những người đánh vợ. Tại phiên tòa xét xử T.K, một thanh niên
vì ghen tuông vô cớ mà đánh vợ rất đau, khi tòa tuyên án người chồng 9 tháng tù
thì cách đàn ông tham dự phiên tòa đã nhao nhao lên rằng: ”Vợ mình mà, hư thì
đánh, vậy mà cũng phải ngồi tù chung với bọn trộm cướp sao?”. Như vậy, theo


cách đàn ông kia thì trộm cướp mới là mắc tội còn đánh vợ thì không. (Tòa án nhân
dân thành phố Hồ Chí Minh, 2003).
Đáng lưu ý là không có sự khác biệt đáng kể giữa nam giới và nữ giới về vấn
đề này. Điều ngạc nhiên hơn là tỷ lệ chấp nhận những hình phạt của người phụ nữ
khi họ ”mắc lỗi” theo quan niệm thông thường, ngay cả việc ”từ chối quan hệ tình

dục” lại cao hơn nam giới (Hội LHPN Việt Nam, 2001: 16 - 17). Như vậy, hành vi
bạo lực của người chồng đối với người vợ không chỉ được xã hội nói chung chấp
nhận mà còn được chính bản thân không ít phụ nữ chấp nhận. Một số phụ nữ chỉ
coi hành vi đánh đập là bạo lực nếu nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một
nạn nhân nữ ở Tiền Giang phát biểu: ”
Theo em, nếu vợ chồng nóng nảy này kia mà bạt tai thì chuyện đó cũng bình
thường. Còn án mạng, xảy ra bầm dập thương tích thì chuyện đó mới bỏ qua hổng
được”.
Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm ở nhiều nghiên cứu khác
nhau, một điều thường lặp đi lặp lại là không ít phụ nữ còn đồng ý với ý kiến cho
rằng: ”Nhiều trường hợp vợ bị chồng đánh cũng không có gì là quá đáng, chồng
đang bực mình lại còn cằn nhằn, mắng mỏ con, hoặc có những người vợ đối xử với
gia đình nhà chồng chẳng ra gì. Mình là phụ nữ thì phải biết nín nhịn thì gia đình
mới yên ổn chứ” (Thảo luận nhóm nữ, Bình Phước).
Chính những nhận thức như vậy đã tạo điều kiện để tiếp tục duy trì những
hành vi bạo lực đối với người phụ nữ trong gia đình.
2.2 Nhận thức của các cán bộ chuyên trách
Đây được coi là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phòng
chống bạo lực ở địa bàn dân cư nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, chính họ lại trở thành
một trong những yếu tố khiến cho tình trạng BLGĐ đối với phụ nữ vẫn còn đất
sống bởi chính nhận thức còn chưa chính xác, chưa đầy đủ của mình về vấn đề này.


”Vợ chồng nói qua nói lại, rồi tát hai, ba cái bạt tai, chuyện đó bình thường thôi.
Đó không phải là bạo lực” (Cán bộ tư pháp huyện, Trường hợp TG18).
Thay vì tìm hướng giải quyết theo chức năng của cán bộ thi hành pháp lật, có ý
kiến còn tỏ ra không đồng tình với hành vi báo cáo chính quyền của người vợ khi
bị chồng đánh đập.
Trong gia đình, vợ chồng xô xát thì tự hòa giải là tót hơn. Chỉ có những
người không suy nghĩ đến nơi đến chốn thì họ mới đi báo cáo để giáo dục chồng

mình” (Công an thị trấn, Trường hợp TB13).
Tôi nghĩ đã là vợ chồng thì nhiều cái người phụ nữ phải biết chấp nhận, mà
về tình cảm thì phải biết chiều chồng. Đó là nguyên nhân quan trọng đầu tiên” (Cán
bộ ban tư pháp, Trường hợp LS7).
Ngay cả nhận thức của các cán bộ phụ nữ - những người có trách nhiệm giúp
đỡ nạn nhân bạo lực tại cộng đồng cũng còn nhiều điều đáng ngạc nhiên.
”Theo tôi, vấn đề ngược đãi phải có hậu quả đến mức độ nào mới được coi là
ngược đãi. Còn quan điểm một cái tát cũng là ngược đãi thì không phải” (Cán bộ
phụ nữ xã B).
”Người vợ không được chồng đồng ý cho tham gia vào các hoạt động đoàn thể mà
mình đưa vào ngược đãi thì hơi nặng” (Cán bộ hội nông dân xã A).
Chính quan niệm của người phụ nữ và những người có trách nhiệm giúp đỡ
họ như vậy đã kéo dài tình trạng ”sống chung với bạo lực” của phụ nữ. Ngay cả cán
bộ phụ nữ cấp huyện cũng quan niệm rằng: ”Nếu ông đi ngoại tình về để cho người
vợ phải suy nghĩ ảnh hưởng tinh thần thì lúc đó mới là ngược đãi. Còn nếu người
vợ không biết, không phải suy nghĩ thì không phải là ngược đãi” (Cán bộ phụ nữ
huyện G). (Lê Thị Phương Mai và Lê Ngọc Lân, 2002: 18).
Nghiên cứu của Vũ Mạnh Lợi và cộng sự (1999) cũng cho thấy những nhận
thức hết sức mơ hồ vê fnhwngx điều được quy là hành vi bạo lực. Theo đó, nếu
người đàn ông đối xử tệ với vợ mình một cách có hệ thống, mặc nhiên anh ta đã bị


coi là người đàn ông bạo lực. Còn nếu những hành động chỉ có tính nhất thời, kể
car tát tau, nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ được coi như là hành
động không mong muốn nhưng không nhất thiết là bạo lực. Hành động mang tính
nhất thời nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì đó là hành vi bạo lực. Đặc biệt là nếu
người vợ có lỗi thì hành động bạo lực của người chồng, mặc dù không phải là điều
mong muốn, vẫn được coi là ”có thể biện minh được”.
3. Trình độ học vấn
Trình độ học vấn là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến nhiều

lĩnh vực của đời sống. Trình độ học vấn thấp không chỉ là nguyên nhân của tình
trạng kinh tế khó khăn dẫn đến tăng thêm mâu thuẫn gia đình mà có lẽ còn cản trở
khả năng tiếp nhận thông tin tuyên truyền về pháp luật, về vấn đề bình đẳng giới và
quyền phụ nữ. Hành vi bạo lực còn xảy ra đối với những ông chồng có trình độ văn
hóa thấp khi mà họ không đủ khả năng và hiểu biết cần thiết để giải quyết mâu
thuẫn trong gia đình một cách hòa bình hơn (Hội LHPN Việt Nam, 5 - 2005).
Nghiên cứu của WHO cho biết trình độ học vấn của phụ nữ càng cao thì
nguy cơ bị bạo lực gia đình càng thấp và ngược lại, những người phụ nữ có trình độ
học vấn càng thấp thì nguy cơ bị bạo lực càng cao. Điều này có thể giải thích rằng
những người phụ nữ có trình độ học vấn cao thì họ có nhiều cơ hội lựa chọn khi kết
hôn và có khả năng chủ động kiểm soát mọi vấn đề xảy ra trong gia đình.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra độ chênh lệch về trình độ của vợ và
chồng có thể gây ra xung đột nhiều hơn các cặp vợ chồng có trình độ học vấn
tương đồng. Nhóm người chồng có học vấn thấp có hành vi bạo lực cao hơn nhóm
có học vấn cao hơn (24,1% mắng chửi và 6,2% đánh đập ở nhóm học vấn tiểu học;
10,3% mắng chửi và 2,2% đánh đập ở nhóm học vấn PTTH) (Hội LHPN 2001: 43
– 46; Vũ Mạnh Lợi và cộng sự, 1999).
Một cán bộ phụ nữ huyện khẳng định: ”ngược đãi về thể chất, tức là đánh
đập thường là hai vợ chồng trình độ người ta thấp; còn ngược đãi về tinh thần,


những cái này chỉ nghe thấy ở những người trình độ cao” (cán bộ phụ nữ huyện
G.- Lê Thị Phương Mai, Lê Ngọc Lân, 2002).
Khi xem xét tương quan giữa trình độ học vấn và mức độ mâu thuẫn trong
gia đình, kết quả thu được là: trong tổng số những người được hỏi thì có 23,1% đối
tượng mù chữ khẳng định gia đình hàng ngày có xảy ra mâu thuẫn; chỉ có 1,8% đối
tượng tiểu học; 3% đối tượng THCS và 4,6% đôi tượng PTTH cho rằng gia đình họ
hàng ngày có xảy ra mâu thuẫn. Trong số các đối tượng được phỏng vấn có trình độ
học vấn từ cao đẳng trở lên khẳng định gia đình họ không xảy ra mâu thuẫn ở mức
độ thường xuyên (hàng ngày và tuần một vài lần). Các đối tượng được hỏi khẳng

định gia đình họ mỗi tháng có một vài lần xảy ra mâu thuẫn là tương đối nhiều. Có
đến 71,4% đối tượng học vấn trung cấp/cao đẳng; 40,4% đối tượng học vấn tiểu
học; 38,5% đối tượng học vấn PTTH và 31,6% đối tượng THCS khi được hỏi đều
cho rằng gia đình họ mỗi tháng có một vài lần xảy ra mâu thuẫn. Tỷ lệ này ở nhóm
đối tượng có học vấn đại học trở lên tuy thấp hơn (30%) nhưng cũng là một con số
rất đáng quan tâm. (Bảng 3).

Bảng 3: Tương quan trình độ học vấn và mức độ mâu thuẫn (%)
Mù chữ

Tiểu học THCS

PTTH

TC/CĐ Đại học

Tổng

Hàng ngày

23,1

1,8

3

4,6

0


0

3,1

Tuần một

0

8,8

1,3

0

0

0

3,8

7,7

40,4

31,6

38,5

71,4


30

36,5

38,5

32,5

43,9

46,8

0

60

39,3

vài lần
Tháng một
vài lần
Năm một
vài lần


Không nhớ

30,8

9,2


16,5

7,3

28,6

10

12,6

Khác

0

7,5

3,8

2,8

0

0

4,7

Tổng

100


100

100

100

100

100

100



Mặc dù khó có thể khẳng định một cách chắc chắn mối liên quan giữa trình
độ học vấn và mức độ hòa thuận của mỗi gia đình nhưng trên thực tế, có thể xem
xét vấn đề này trong lĩnh vực kinh tế. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị
trường hiện nay, những đối tượng có trình độ học vấn cao hơn sẽ có nhiều lợi thế
hơn trong việc nắm bắt các cơ hội việc làm. Những đối tượng có học vấn thấp hơn
có xu hướng thực hiện các hoạt động ít mang tính kỹ thuật, chuyên môn hơn và
phải chấp nhận mức thu nhâp thấp hơn. Và một khi thu nhập không đáp ứng được
nhu cầu cuộc sống thì những mâu thuẫn trong gia đình có nguy cơ gia tăng.
4. Các tệ nạn xã hội
Có rất nhiều yếu tố thuộc về các tệ nạn xã hội là một trong số các tác nhân
gây nên hành vi bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình. Tuy nhiên, được nhắc đến
nhiều hơn cả là các nguyên nhân sau đây:
4.1 Lạm dụng rượu, cờ bạc, ma túy
Việc lạm dụng rượu, cờ bạc và nghiện ma túy cũng là một nguyên nhân gây
ra BLGĐ. Những thói quen có hại trên có thể dẫn đến nợ nần, và như vậy, làm tăng

thêm sự bất an về kinh tế trong gia đình, tạo sự căng thẳng trong gia đình và làm
nảy sinh bạo lực. Nhiều người đàn ông sau khi uống rượu say đã đánh đập vợ con
một cách vô lý. Có không ít các trường hợp, người chồng tra tấn vợ con, thậm chí
giết vợ chỉ để lấy một khoản tiền nhỏ đi mua rượu hoặc ma túy.
Khi sử dụng chất kích thích này sẽ làm tăng tính côn đồ trong con người,
người sử dụng có mong muốn giải quyêt các khó khăn của mình bằng hành vi côn
đồ hơn. Mức độ sử dụng các chất kích thích cũng tỷ lệ thuận với mức độ mong


muốn sử dụng hành vi bạo lực, và đôi khi chính bản thân người sử dụng các chất
kích thích cũng không thể kiểm soát được hành vi của mình. Nhiều người sau khi
sử dụng các chất kích thích, từ một con người hiền lành trở thành một con người
khác hẳn, thô lỗ và cục cằn, họ sẵn sàng đánh đập và chửi mắng vợ con nếu như vợ
con có lỗi (dù chỉ là lỗi nhỏ) hoặc có điều gì mà họ không vừa ý. (Nguyễn Thế
Hiếu, CGFED 2001).
Mâu thuẫn giữa vợ và chồng xuất hiện từ nguyên nhân như việc chi tiêu
riêng của người chồng, đăc biệt liên quan đến rượu, cờ bạc, nghiện hút. Trong
những trường hợp như vậy, người chồng thường chửi bới đánh đập vợ vì không
kiềm chế được do rượu và thói đam mê của mình, như nhận xét của một cán bộ văn
hóa xã, nam giới. Trả lời câu hỏi: ”Với tư cách là một người làm văn hóa xã hội,
theo anh tệ nạn xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút có ảnh hưởng như thế nào
đến các gia đình và đặc biệt là nó có ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề bạo lực
đối với phụ nữ?”, anh cho biết:
”Tệ nạn xã hội rất có ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội nói chung và phụ nữ nói
riêng. Các tệ nạn như là nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, cụ thể là những người đã
đam mê nghiện những cái đó rồi thì rất là tốn tiền. Cụ thể là về nghiện hút, thời
gian đầu họ hút thì họ vẫn còn sức khỏe nên còn có thể đi làm, nhưng sang đến thời
gian sau sức khỏe không còn nữa, rồi tiền không còn nữa nên họ bắt đầu ở nhà ăn
cắp vặt của gia đình, của hàng xóm để có tiền đi hút. Những lần đầu tiên xin tiền vợ
thì vợ còn cho, nhưng những lần sau vợ không cho thì anh ta bắt đầu hành hung vợ.

Nói chung về bên rượu chè, cờ bạc cũng như vậy thôi. Trong vài năm gần đây, có
một số người quá sa đà vào rượu chè, bia bọt, uống nhiều lại say xỉn cộng với
những tình hình chung là nạn thất nghiệp diễn ra tương đối phổ biến làm cho người
ta ngày càng bất mãn, không có cách nào giải sầu nên họ phải tìm đến đó. Khi đã
say xỉn thì họ lại gây ra nhiều chuyện rắc rối”.


Nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam (5/2001) đã đưa ra nhận xét: những
ông chồng hay uống rượu bia hoặc đánh bạc có xu hướng hay mắng chửi vợ nhiều
gấp 2 lần và đánh vợ nhiều gấp 3 lần so với những người khác.
Trong các tệ nạn đó, thói quen sử dụng dẫn đến việc nghiện rượu của người
chồng được biết đến như là một trong số các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc
người chồng sử dụng hành vi bạo lực đối với vợ.
”Khi nào uống rượu vào là ổng chửi mắng, xúc phạm tôi và tụi nhỏ. Chẳng ai
khuyên can được. Có khi chẳng có chuyện ổng cũng cứ chửi mắng mấy mẹ con”
(Phụ nữ bị bạo lực, 48 tuổi).
”Tôi thấy buồn và tủi thân lắm vì xung quanh hàng xóm láng giềng ít khi có chuyện
vợ chồng uống rượu, gây chuyện với nhau. Gia đình mình thì chồng cứ say về là
gây chuyện ầm ĩ, con cái cũng không học được. Tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, lo cho
con cái học hành” (Phụ nữ bị bạo lực, 52 tuổi).
”Theo tôi thì nguyên nhân trước tiên là do uống rượu, ngay bản thân tôi nếu uống
rượu vào mà vợ tôi nói này nói kia thì tôi cũng có thể có những suy nghĩ lệch lạc”
(Cán bộ tư pháp xã Thạnh Đức, Gò Dầu, Tây Ninh).
Hầu hết số phụ nữ bị chồng sử dụng bạo lực được phỏng vấn sâu đều khẳng
định chồng họ có thói quen uống rượu, thích nhậu nhẹt với bạn bè. Một phụ nữ cho
biết: ”Hiện giờ chồng tôi thỉnh thoảng cũng có say rượu, về gây chuyện. Đi làm về
thường đi nhậu hoặc có ngày không chịu đi làm, ở nhà bạn bè rủ đi đi nhậu thôi.
Một tuần ít nhất cũng phải ba lần đi nhậu” (Phụ nữ bại bạo lực, 39 tuổi).
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rượu chính là bước đệm rất gần dẫn tới
hành vi bạo lực của người chồng với người vợ trong gia đình. Nhìn chung, cả nam

giới lẫn phụ nữ đều cho rằng việc uống rượu là hoạt động bình thường, nhưng việc
người chồng rượu chè bê tha quá đáng và triền miên lại có mối liên hệ ngược đãi
vợ con, đặc biệt là vợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình.


4.2 Ngoại tình, không chung thủy
Đây cũng là một nguyên nhân không nhỏ gây nên hành vi bạo lực trong gia
đình. Trong nhiều trường hợp, chính vì ngoại tình mà người đàn ông kiếm cớ gây
sự với vợ, đẩy người vợ đến những hành vi không mong muốn để rồi hành hung
vợ, tạo điều kiện để có thể ly dị.
”Ngoài 30 tuổi, anh ta bắt đầu có bồ, tôi phản ứng bằng cách kêu anh ta từ Chơn
Thành (nơi anh ta làm việc) không cho ở đó nữa, vì thế khi anh ta về Chánh Mỹ
anh ta bắt đầu quậy phá. Tôi đã theo dõi và đánh cô bồ của anh ta, thế nên về nhà
anh ta đánh đập tôi rất dã man... có lần ông ấy lấy cây gậy đánh tôi chảy máu me
be bét, mọi người đến nơi thì tôi đã gần chết rồi” (Phụ nữ bị bạo lực, 50 tuổi, đã ly
hôn).
”Trước đây, ổng đi làm mướn ở dưới xưởng hàn, chẳng biết ông ấy gặp nó thấy
rách rưới quá thì dẫn về nhà. Lúc ấy em mới sinh sợ bị ông ấy đánh nên chẳng dám
nói gì. Về sau nó cũng theo trai, lấy chồng rồi bỏ ông ấy luôn. Rồi có người ở chợ,
chồng người ta bị xe đụng chết ông ấy cũng dắt về nhà luôn. Em cũng chẳng dám
nói gì vì con còn nhỏ, một thời gian sau ông ấy bị bệnh nên nó cũng bỏ luôn. Còn
bây giờ ông ấy đang cặp với một con nhỏ nó có con, đang ở giá. Nhà con bé đó
cũng không đồng ý nên ông ấy cũng không dám ra mặt. Con bé nào cũng bị bệnh gì
đó, em thấy sợ lắm. Người thì bảo nó bị viêm gan B, em cũng chẳng biết nữa” (Phụ
nữ bị bạo lực, 44 tuổi).
Cũng có những trường hợp thì lý do là từ phía vợ, vì họ có hành vi ”quan hệ thiếu
đứng đắn”. Chẳng hạn, theo nghiên cứu của Hội LHPN Việt Nam (2001: 37), đây
là lý do trực tiếp mà người vợ bị mắng chửi (11,7%) hoặc bị đánh (13,7%). Nghiên
cứu của Hội đồng dân số Hoa Kỳ (Lê Thị Phương Mai và cộng sự, 2005) cũng cho
thấy 65,1% cán bộ y tế đánh giá yếu tố ”vợ/chồng ngoại tình” là nguyên nhân dẫn

đến nguy cơ cao nhất dẫn đến bạo lực.


5. Trẻ em sống trong gia đình có bạo lực
Gia đình đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá
nhân và toàn xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi con người sinh ra cũng như
lớn lên và đồng thời là nơi thế hệ trẻ chịu những sự tác động rất lớn cả về thể chất,
trí tuệ, đạo đức và nhân cách. Trong số những vấn đề thường nảy sinh trong gia
đình, BLGĐ được coi là một trong những yếu tố tác động không chỉ ảnh hưởng tới
hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của trẻ.
Gần đây báo chí nước ta có nói nhiều đến tội phạm ”nhí” mà hành động của
chúng cũng khủng khiếp không thua kém gì các băng đảng người lớn, cũng dao
găm, mã tấu, cũng đâm chém và giết người. Gặp gỡ các phạm nhân nhỏ tuổi này,
chúng tôi nhận thấy phần lớn các em đều lớn lên từ những gia đình không hòa
thuận và quen phải nhìn thấy những cảnh bạo lực không chỉ trong phim ảnh mà
tong chính gia đình của chúng. (Lê Thị Quý, 1999 - BLGĐ và ảnh hưởng của nó tới
việc hình thành nhân cách trẻ em).
Bạo lực gia đình có thể dẫn đến việc hình thành những đứa trẻ ”bản sao của cha mẹ
chúng trong tương lai”. Nhiều đứa con nó vũ phu như người cha, nó nói là: ”bà còn
bị đánh như thế nữa là tôi” (Hội đồng dân số 2002: 19). Có nghiên cứu đã cho thấy
đa số các đối tượng được hỏi đều có những khẳng định về ảnh hưởng của BLGĐ
đối với sự phát triển của con cái: 50,4% số người được hỏi cho rằng BLGĐ có ảnh
hưởng xấu đến tâm lý con cái; 46,1% cho rằng BLGĐ sẽ dẫn đến việc con cái dễ
dàng sa vào tệ nạn xã hội; 58,7% cho rằng có ảnh hưởng đến việc học hành của con
cái và 35,4% đồng ý với ý kiến cho rằng BLGĐ có ảnh hưởng đến cuộc sống gia
đình của con cái sau này.
Nói về điều này, nhà tâm lý học - giáo dục học Quang Dương nhận xét: ”Bạo
lực trong gia đình ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách trẻ. Tác hại của nó khó có thể
cân đong đo đếm bằng định tính, rất dai dẳng, ngấm sâu, lan tỏa, khó lường hết mà



×