Tải bản đầy đủ (.doc) (15 trang)

Chuong 6 sự CHUYỂN BIẾN của xã hội VIỆT NAM từ CUỐI THẾ kỷ XIX đầu THẾ kỷ XX

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.52 KB, 15 trang )

CHƯƠNG III
SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA XÃ HỘI VIỆT NAM TỪ CUỐI THẾ
KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX
I. CHÍNH SÁCH THỐNG TRỊ VÀ KHAI THÁC THUỘC ĐỊA CỦA
THỰC DÂN PHÁP
1. Chính sách thống trị của thực dân Pháp
Cùng với quá trình xâm lược và bình định Việt Nam, Lào, Campuchia,
thực dân Pháp từng bước thiết lập bộ máy cai trị của chúng ở mỗi nước và chung
đối với ba nước.
Sau Điều ước 1862 và Điều ước 1874, Pháp tổ chức xứ Nam Kỳ thuộc
địa, đặt dưới quyền Bộ Hải quân và Thuộc địa. Sau Điều ước 1884, Pháp tổ
chức xứ Trung Kỳ “bảo hộ” và xứ Bắc Kỳ “nửa bảo hộ”, đặt dưới sự quản lý
của Bộ Ngoại giao. Với Đạo dụ ngày 13-2-1893, Chính phủ Pháp chủ trương
gộp ba xứ của Việt Nam và một xứ của Campuchia thành một khối gọi là Đông
Dương thuộc Pháp hay Đông Pháp. Ngày 3-10-1893, Pháp buộc vua Xiêm (Thái
Lan) thừa nhận quyền thống trị của Pháp ở Lào, biến thành xứ Ai Lao “bảo hộ”.
Đến tháng 4-1899, gộp thêm Lào vào Đông Dương thuộc Pháp. Như vậy, trong
thể thức chính trị quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia bị xoá bỏ để biến thành
năm xứ là Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Cao Miên, Ai Lao.
Từ năm 1894, khi Bộ Thuộc địa chính thức thành lập, việc cai trị của thực
dân Pháp ở Đông Dương hoàn toàn do bộ này phụ trách. Người Pháp đứng đầu
ba cấp: cấp liên bang, cấp kỳ và cấp tỉnh. Người đứng đầu Liên bang Đông
Dương gọi là Toàn quyền, đứng đầu Nam Kỳ là Thống đốc, Bắc Kỳ là Thống
sứ, Trung Kỳ là Khâm sứ, đứng đầu các tỉnh Nam Kỳ là Chủ tỉnh, Trung Kỳ và
Bắc Kỳ là Công sứ.
Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu (ở miền núi). Đứng đầu các cấp chính
quyền này là các tri phủ, tri huyện và tri châu. Dưới phủ, huyện, châu là các tổng
do chánh tổng, phó tổng cai quản. Dưới tổng là xã, thôn - đơn vị nhỏ nhất trong


hệ thống chính quyền của thực dân Pháp ở Việt Nam. Xã, thôn do lý trưởng và


hội đồng kỳ hào cai quản.
Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp là dùng chính sách chia để trị và
dùng người Việt trị người Việt. Chúng giữ nguyên tổ chức chính quyền cấp thôn,
xã của triều Nguyễn nhằm mục đích sử dụng bọn kỳ hào vào việc thu thuế, bắt
phu, bắt lính, kìm kẹp nhân dân. Từ cấp tỉnh trở lên, thực dân Pháp nắm mọi
quyền hành. Bọn quan lại người Việt chỉ là bù nhìn, tay sai cho Pháp.
Pháp tổ chức hệ thống cơ quan giúp việc cho Toàn quyền Đông Dương.
Số lượng quan chức và nhân viên hành chính của Pháp ở Đông Dương vào năm
1911 có tới 5.683 người. Bộ máy nhà nước do thực dân Pháp thiết lập mang
nặng tính chất quân sự. Người bản xứ chỉ phục vụ trong các cơ quan sự vụ,
không liên quan đến chính trị. Thực dân Pháp sử dụng triều đình nhà Nguyễn
làm bù nhìn, do Pháp trả lương và phải chấp hành mọi quyết định của Khâm sứ
Pháp ở Trung kỳ.
Bên cạnh hệ thống chính quyền được thiết lập chặt chẽ, thực dân Pháp tổ
chức lực lượng vũ trang lớn mạnh. Trong đó, ngoài lực lượng lính Âu – Phi là
lực lượng quân người bản xứ dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp.
Năm 1900, Pháp ra sắc lệnh thành lập quân đội thuộc địa do Pháp tổng
chỉ huy. Tháng 11-1904, Pháp ra sắc lệnh bắt thanh niên từ 22 tuổi đến 28 tuổi ở
Bắc kỳ và Trung kỳ nhập ngũ. Ngoài thành lập quân đội chính quy, Pháp còn tổ
chức các đơn vị lính khố xanh. Các phủ, huyện có lính cơ, lính lệ và lực lượng
dân vệ. Lực lượng quân sự Pháp ở khắp nơi để sẵn sàng đàn áp các cuộc nổi
dậy.
Thực dân Pháp còn xây dựng hệ thống pháp luật hà khắc, gồm cảnh sát,
toà án, nhà tù từ trung ương đến cấp huyện, trong đó nhà tù được xây dựng
nhiều hơn trường học. Chúng duy trì hệ thống giáo dục rất hạn chế, chủ yếu để
đào tạo quan
chức tay sai trung thành với chế độ thực dân. Pháp thi hành chính sách ngu dân
về văn hoá, giáo dục để dễ bề cai trị. Khi đó trên 90% dân ta mù chữ. Năm 1913,



cả ba kỳ nước ta chỉ có 10 vạn học sinh trên tổng số 20 triệu dân. Pháp duy trì
những phong tục lạc hậu, tuyên truyền lối sống ăn chơi, hưởng lạc trong các
tầng lớp thanh niên, làm cho họ lãng quên ý thức chính trị. “Pháp không những
đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một
chính sách ngu dân triệt để”.
Bộ máy cai trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai chủ yếu dựa vào
sức mạnh quân sự, dùng vũ lực đàn áp cuộc đấu tranh đòi tự do, giành độc lập
dân tộc của nhân dân ta. Chính sách “chia để trị” được thực dân Pháp thực hiện
triệt để ở Việt Nam. Ngoài việc chia cắt nước ta làm ba xứ với chế độ luật pháp
riêng biệt, chúng còn dùng thủ đoạn chia rẽ dân tộc, chia rẽ lương giáo... nhằm
phá hoại khối đoàn kết chiến đấu của dân tộc và giữa ba dân tộc Đông Dương
trong đấu tranh chống kẻ thù chung.
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ ở châu Âu và nhanh
chóng lan rộng toàn thế giới, lôi cuốn nhiều nước đế quốc và thuộc địa của
chúng tham gia. Chiến tranh đã buộc Pháp phải thay đổi một số chính sách đối
với Việt Nam.
Về chính trị, Pháp mở rộng một phần quyền hạn cho chính phủ Nam triều,
ban bố Luật mới nhằm chấn chỉnh lại chế độ quan trường, cải tiến một số hương
tục ở thôn xã. Trong 4 năm 1914-1918, Pháp đã huy động 92.903 người Đông
Dương (chủ yếu là Việt Nam) vào quân đội. Chúng bắt nhân dân ta phải mua
quốc trái, đóng góp số tiền 450 triệu Phrăng Pháp. Chúng khai thác 336 nghìn
tấn nông lâm sản Việt Nam để đưa về Pháp.
Mục đích cải cách chính trị của thực dân Pháp là nhằm tăng cường bóc lột
thuộc địa, huy động tối đa sức người, sức của, huy động mọi tiềm năng của
thuộc địa để phục vụ cho cuộc chiến tranh. Biện pháp của chúng là xoa dịu, mua
chuộc một số tầng lớp thượng lưu, quan chức bản xứ hòng xây dựng cơ sở xã
hội vững chắc ở các làng xã Việt Nam.
Về đối ngoại, thực dân Pháp nới rộng quyền lực cho Toàn quyền Đông
Dương, tăng cường hoạt động ngoại giao với Trung Quốc và các nước trong khu



vực để đánh phá các tổ chức và săn lùng các cán bộ cách mạng Việt Nam đang
hoạt động ở nước ngoài.
Chính quyền Đông Dương thay đổi một số chính sách về kinh tế nhằm ổn
định sản xuất, hướng nền kinh tế phục vụ chiến tranh ở chính quốc. Thực dân
Pháp duy trì những cơ sở kinh tế công nghiệp sẵn có; nới rộng một phần cho các
hội buôn, công ty tư bản bản xứ, mở mang kinh doanh, phục hồi những ngành
phục vụ trực tiếp chiến tranh. Công nghiệp Việt Nam từ chỗ sa sút đã dần dần đi
vào thế ổn định. Về thương nghiệp, ngoại thương buôn bán Pháp-Việt có chiều
hướng sa sút thì ngành nội thương có chiều hướng phát triển. Tư sản Việt Nam
phần nào thoát khỏi sự kìm hãm của tư bản Pháp vươn lên mở rộng thị trường
nội địa.
Về nông nghiệp Việt Nam, từ chỗ độc canh cây lúa đã bắt đầu xuất hiên
một số cây công nghiệp phục vụ nhu cầu chiến tranh như thầu dầu, lạc, cao su,
cà phê...
Sự thay đổi trong chính sách kinh tế thời chiến của thực dân Pháp đã làm
cho một số ngành kinh tế ở Việt Nam có bước phát triển nhất định, xã hội Việt
Nam phân hoá sâu sắc hơn. Nông dân bị mất ruộng đất, phải đóng thuế cao và bị
bắt đi lính, lực lượng sản xuất ở nông thôn suy giảm. Thời gian này, thực dân
Pháp cần nhiều công nhân phục vụ trong ngành công nghiệp quốc phòng, các
nhà tư sản Việt Nam cũng cần nhiều người làm thuê nên số lượng công nhân
Việt Nam tăng lên rõ rệt. Tầng lớp tiểu tư sản trong thời chiến cũng có điều kiện
phát triển đông hơn. Giới tiểu chủ, tiểu thương có thời cơ phát triển mạnh.
Trong lĩnh vực giáo dục văn hoá- tư tưởng cũng có sự biến đổi đáng kể.
Chính sách của thực dân Pháp trong những năm chiến tranh là nhằm phục
vụ tối đa cho lợi ích của Pháp ở chính quốc. Nhân dân Việt Nam phải chịu cảnh
khốn cùng, nghèo đói nặng nề hơn. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống
thực dân Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, phương pháp
mới.
2. Hai cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam



a. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897-1914)
Năm 1897, P.Đume, nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính Pháp được cử làm
Toàn quyền Đông Dương, với nhiệm vụ hoàn thiện bộ máy cai trị, thực hiện
chính sách kinh tế và văn hoá thực dân, tiến hành khai thác, bóc lột thuộc địa lần
thứ nhất.
Khâu chủ yếu trong chính sách khai thác thuộc địa của Đume là đầu tư
vào một số ngành kinh tế để khẳng định vị trí của chủ nghĩa tư bản Pháp ở Việt
Nam. Mới đầu, với số vốn đầu tư còn hạn chế, tư bản Pháp dành cho khai thác
mỏ ở Hòn Gai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Nam... Chúng cũng bắt đầu
xây dựng một số cở sở công nghiệp nhằm phục vụ cho đời sống của giới thực
dân như điện, nước, bưu điện... Để khai thác thuộc địa được nhiều lợi nhuận,
chúng thi hành chính sách cho vay nặng lãi đối với nhân dân Đông Dương. Phần
lớn số tiền vây đều được chuyển hoá thành các thiết bị máy móc, hàng hoá của
Pháp. Pháp quản lý chỉ một đầu mối phát hành giấy bạc và giữ tiền là Ngân hàng
Đông Dương. Ngân hàng này có cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố, chèn ép các ngân
hàng nước ngoài khác và bắt nông dân vay nợ với lãi suất rất cao. Cho vay nặng
lãi là một trong những chính sách bóc lột tàn bạo của tư bản Pháp ở mọi nơi, kể
cả ở Đông Dương và Việt Nam.
Một trọng tâm nữa trong chương trình khai thác thuộc địa của Pháp là mở
mang giao thông, xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng, vừa nhằm mục đích
kinh tế, vừa nhằm mục đích quân sự. Pháp sử dụng số vốn công trái Đông
Dương vay được vào phát triển giao thông vận tải. Pháp đã cho xây dựng hơn
20.000 km đường bộ, 14.000 km đường dây điện thoại nối giữa các tỉnh. Pháp
cho khai thông vận tải trên các sông lớn như Hậu Giang, sông Hồng, sông Thái
Bình, cho đào thêm kênh Vĩnh Tế, Vĩnh An và phát triển tuyến đường sắt Sài
Gòn – Mỹ Tho, Hà Nội – Lạng Sơn, Hải Phòng – Vân Nam. Pháp mỏ rộng và
nâng cấp con đường bộ số 1, xây dựng nhiều cầu lớn như cầu Long Biên (Hà
Nội), cầu Trường Tiền (Huế), cầu Bình Lợi (Sài Gòn)..., nhiều cảng quan trọng

như cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng, cảng Hải Phòng..., nối liền tiền tuyến đường


biển giữa nước ta với nước Pháp và nhiều nước trên thế giới. Các tuyến đường
đó chủ yếu phục vụ cho vơ vét nguyên liệu và buôn bán với nước ngoài.
Về thương nghiệp và tài chính, thực dân Pháp độc chiếm thị trường Đông
Dương, nắm nguồn thuế, độc quyền thương mại, thuế quan, xuất nhập khẩu.
Thuế khoá là nét đặc trưng cho chính sách thực dân của Pháp ở Đông Dương và
là nguồn thu lợi lớn đối với Pháp, với hai thứ thuế trực thu (chủ yếu là muối,
rượu, thuốc phiện), trong đó thuế thân là một thứ thuế tàn nhẫn nhất, đánh vào
nam giới từ 18 đến 60 tuổi, khi chết cũng không được miễn. Để bảo đảm nguồn
thu này, chính quyền thực dân ấn định số lượng rượu phải tiêu thụ cho mỗi làng,
thuốc phiện được khuyến khích tiêu thụ.
Về công nghiệp, chúng tập trung vào các ngành khai thác mỏ và chế biến
khoáng sản. Các mỏ thiếc Tĩnh Túc, mỏ bạc Ngân Sơn, mỏ sắt Thái Nguyên, mỏ
vàng Bồng Miêu, mỏ than Hòn Gai... đều được đẩy mạnh khai thác.
Về nông nghiệp, thực dân Pháp thực hiện chính sách lớn nhằm cướp đoạt
ruộng đất để lập đồn điền và bóc lột địa tô. Năm 1897, Pháp ép triều đình ký
Điều ước “nhượng” quyền “khai khẩn đất hoang” cho chúng. Chỉ tính riêng ở
Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đến năm 1915, địa chủ người Pháp đã chiếm tới 470.000
hécta lập đồn điền. Quyền sở hữu tối cao về ruộng đất ở Việt Nam chuyển từ tay
vua sang tay “nhà nước bảo hộ” Pháp. Thủ hiến người Pháp ở ba kỳ có quyền ký
giấy cấp cho mỗi người một lần 300 hécta trở xuống, còn Toàn quyền Đông
Dương thì ký từ 300 hécta trở lên. Ngày 1-5-1900, Pháp ra Nghị định xoá bỏ chế
độ ruộng đất phong kiến nhà Nguyễn, cho phép tư bản Pháp và những kẻ giàu
có, những người có công với Pháp được tự do mua bán và lấn chiếm ruộng đất.
Giáo hội Thiên chúa cũng tham gia chiếm ruộng và kinh doanh ruộng đất theo
lối phát canh thu tô. Các đồn điền xuất hiện ở nước ta ngày càng nhiều.
Toàn bộ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt nam
thực tế là chính sách vơ vét bóc lột nhân dân một cách trắng trợn, xấu hơn so với

các thực dân khác. Chính sách đó quán triệt nguyên tắc là không phát triển công


nghiệp nặng, biến nước ta thành thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ
hàng hoá cho chính quốc.
b. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam
(1919-1929)
Tháng 11-1918, chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc. Ngày 18-11919, đại diện của các nước đế quốc thắng trận đã họp ở Vecxây (Pháp) để ký
kết văn bản phân chia lợi lộc sau chiến tranh. Pháp thuộc phe thắng trận, nhưng
đất nước bị tàn phá nặng nề, kinh tế giảm sút nghiêm trọng. Pháp trở thành con
nợ của nhiều nước tư bản khác. Để nhanh chóng hàn gắn hậu quả chiến tranh,
khôi phục địa vị của mình, thực dân Pháp ra sức bóc lột lao động trong nước và
đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa, trong đó Việt nam được coi là trọng điểm.
Ngay sau chiến tranh, nhất là từ năm 1924, thực dân Pháp đã đầu tư vào
Việt nam với tốc độ và quy mô gấp nhiều lần so với trước năm 1924. Chỉ trong
vòng 6 năm (1924-1929), tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam tăng gấp 6 lần số
vốn đầu tư trong 20 năm trước chiến tranh. Lúc đó có 50 công ty nông nghiệp,
46 công ty công nghiệp, 19 công ty mỏ, 31 công ty thương nghiệp đầu tư tổng số
vốn trên 4 tỷ Phrăng vào Việt Nam. Tất cả những công ty này đều chịu sự kiểm
soát và chi phối của ngân hàng Đông Dương.
Trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tư bản Pháp bỏ vốn nhiều
vào ngành mỏ, giao thông vận tải, thương nghiệp và nông nghiệp. Trong cuộc
khai thác lần này, tư bản Pháp không chỉ tăng vốn đầu tư mà còn mở rộng quy
mô, tập trung đầu tư vào nông nghiệp, ngành mỏ, công nghiệp chế biến, giao
thông vận tải... Số lượng và cơ cấu đầu tư trên cho thấy sự tăng cường chính
sách độc quyền và tính chất vụ lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Về nông nghiệp, thực dân Pháp tăng cường đoạt ruộng đất. Mở thêm đồn
điền để tăng thu nông phẩm xuất khẩu. Khi bắt đầu xâm lược đến năm 1912,
thực dân Pháp cướp đoạt 469.729 ha ruộng đất ở Việt Nam. Mười năm sau chiến
tranh thế giới thứ nhất, số ruộng đất bị cướp thêm là 775.700 ha. Tổng số ruộng

đất mà thực dân Pháp cướp đoạt để lập đồn điền là trên 1,2 triệu ha, bằng một


phần tư tổng số diện tích đất canh tác cả nước ta bấy giờ. Việc chiếm ruộng đất,
tách một phần nông dân ra khỏi ruộng đất là chính sách bóc lột thuộc địa tương
đối điển hình của thực dân Pháp ở Việt Nam.
Chiếm được ruộng đất, Pháp đã lập ra những đồn điền rộng lớn. Đến giữa
năm 20 của thế kỷ XX, ở Bắc Kỳ đã có tới 155 đồn điền, ở Trung và Nam Kỳ có
tới hàng nghìn đồn điền của người Pháp. Tại các đồn điền trồng lúa, Pháp vẫn
duy trì lối bóc lột phong kiến, phát ruộng cho gia đình nông dân mà chúng vừa
cướp ruộng để họ sản xuất thủ công, đến vụ thu tô cao. Trên cánh đồng Việt
Nam, chỉ thấy cảnh người tá điền kéo cày mà không thấy máy công nghiệp như
nước khác. Thóc gạo mà thực dân Pháp thu được phần lớn dể xuất khẩu kiếm
lời. Pháp còn mở đồn điền trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè, mía,
dừa, bông gòn, hồ tiêu... và độc quyền chế biến những sản phẩm đó để thu lợi
lớn.
Về công nghiệp, chủ trương của Pháp là chủ yếu xuất nguyên liệu thô và
nhập thành phẩm. Pháp đẩy mạnh công nghiệp khai thác mỏ, không phát triển
công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến được phát triển với điều kiện không
làm ảnh hưởng đến công nghiệp chính quốc. Năm 1930, diện tích các khu vực
thăm dò, tìm kiếm khoáng sản mở rộng bằng 1/4 diện tích toàn Đông Dương.
Năm 1919 gồm 706 dự án, năm 1930 có 17.685 dự án được cấp giấy phép. Các
khoáng sản mà Pháp tập trung khai thác là than, kẽm, chì, thiếc... Tổng giá trị
các loại quặng khai thác được trong năm 1919 là 4,5 triệu đồng, năm 1929 tăng
lên 18,6 triệu đồng (tương đương 213,7 triệu Phrăng). Tất cả các khoáng sản
Pháp khai thác được ở Việt Nam đều phục cụ cho mục đích xuất khẩu thu lợi
nhuận.
Về thương nghiệp, thực dân Pháp thực hiện chính sách độc quyền ngoại
thương ở Việt Nam. Hàng hoá của Pháp vào Việt Nam được bảo hộ, chỉ phải
đóng thuế rất ít hoặc được miễn thuế. Hàng của Pháp bán ở Việt Nam đắt gấp

hai đến ba lần so với bán ở các nước khác. Pháp lập hàng rào thuế quan ngặt
nghèo với hàng hoá nhập từ các nước khác.


Về tài chính, một trong những công cụ bóc lột quan trọng nhất của thực
dân Pháp vẫn là sử dụng ngân hàng Đông Dương. Ngân hàng này là cơ quan chỉ
huy tín dụng đối với tất cả các ngành kinh tế. Nó nắm độc quyền phát hành giấy
bạc và cho vay nặng lãi. Từ năm 1925 đến 1930, ngân hàng này còn tổ chức
thêm 19 ngân hàng nông khố để cho nông dân vay. Ngân hàng Đông Dương còn
có nguồn thu từ các loại thuế, chủ yếu là thuế trực thu và thuế gián thu. Từ năm
1919 đến 1921, thực dân Pháp bắt mọi người dân bản xứ từ 18 đến 60 tuổi đều
phải đóng thuế thân 2,5 đồng, riêng Nam Kỳ, năm 1929 thuế tăng lên 7,5 đồng.
Thuế gián thu (thuế rượu, muối, thuốc phiện), năm 1920, Pháp thu tới 27 triệu,
năm 1929 tăng lên 38 triệu đồng. Mỗi dịp thu thuế, ở thành thị cũng như ở nông
thôn đều xảy ra sự bắt bớ, khám xét rất bất công, gây nên nhiều cảnh thảm
thương...
Về giao thông vận tải, do yêu cầu của công cuộc khai thác, bóc lột và mục
đích quan sự, Pháp cho xây dựng thêm 250 km đường sắt, đoạn Vinh- Đông Hà,
Đồng Đăng- Na Sầm; rải đá 15.000 km đường bộ... Ngoài cảng Sài Gòn và Hải
Phòng, Pháp còn xây dựng thêm cảng mới Hòn Gai, Cẩm Phả, Đà Nẵng. Pháp
huy động hàng vạn dân đinh, phát hành hàng chục triệu đồng công trái để phát
triển mạng lưới giao thông.
Thực dân Pháp thực hiện chính sách phát triển kinh tế thuộc địa Việt Nam
mất cân đối, phụ thuộc vào chính quốc, thi hành chính sách chính trị phản động,
chính sách ngu dân về văn hoá xã hôi. Toàn bộ những tội ác đó đã vạch trần luận
điệu lừa bịp “khai hoá văn minh” của chúng. Tội ác đó đã được lãnh tụ Nguyễn
Ái Quốc trình bày đầy đủ trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất
bản năm 1925 tại Pháp.
II. NHỮNG BIẾN ĐỔI VỀ KINH TẾ – XÃ HỘI VIỆT NAM
1. Những biến đổi về kinh tế

Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp với sự du
nhập (dù hạn chế) phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong quá trình khai
thác đã tác động làm cho cơ cấu kinh tế xa hội của Việt Nam biến đổi sâu sắc


toàn diện. Nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến nhất định theo hướng tư
bản. Tuy nhiên, do mục đích và âm mưu của thực dân Pháp, nền kinh tế Việt
Nam bị lệ thuộc và kìm hãm trong nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu.
Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai với khoản đầu tư ngày càng lớn
và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa du nhập ngày càng sâu, đã tạo ra bước
phát triển mới trong các ngành kinh tế của tư bản Pháp ở Đông Dương, có tác
động tiếp tục làm chuyển biến kinh tế Việt Nam theo hướng tư bản. Chính sự
thâm nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghia dẫn tới sự tan rã dần của
nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc ở nông thôn. Nền kinh tế hàng hoá do đó có
điều kiện phát triển.
Tuy nhiên, do mục đích thực dân không thay đổi của chính sách khai thác
thuộc địa lần thứ hai là không nhằm phát triển công nghệ ở Việt Nam, mà biến
Việt Nam thành thị trường cung ứng nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hoá cho
chính quốc, nên tác động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du
nhập vào cũng chỉ hạn chế.
Mặt khác, trong khi du nhập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thực dân
Pháp vẫn duy trì quan hệ sản xuất phong kiến, tiếp tục sử dụng giai cấp địa chủ
phong kiến cùng với phương thức bóc lột phong kiến trong lĩnh vực kinh tế và
xã hội.
Trong điều kiện như vậy, Việt Nam không còn là nước độc lập và không
thể có nền kinh tế dân tộc phát triển bình thường lên tư bản chủ nghĩa, mà trở
thành nước thuộc địa nửa phong kiến ngày càng hoàn chỉnh của Pháp với nền
kinh tế lệ thuộc, tồn tại phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thái
thực dân, biểu hiện ở sự kết hợp giữa phương thức bóc lột tư bản với phương
thức bóc lột phong kiến.

2. Những biến đổi về xã hội
Chính sách kinh tế, cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp không chỉ
có tác động và ảnh hưởng đến tình hình kinh tế Việt Nam mà còn gây những


biến đổi mạnh mẽ về xã hội ở Việt Nam, làm phân hoá giai cấp xã hội cũ, nảy
sinh những lực lượng xã hội mới.
Sự biến chuyển trong chế độ sở hữu ruộng đất thể hiện rõ nhất ở nông
thôn Việt Nam. Nông dân Việt Nam khoảng 90% dân số lúc đó. Chính sách
chiếm ruộng để phát canh thu tô đã làm cho nông dân phá sản, đi làm thuê trong
các mỏ, đồn điền hoặc đi phu ngày càng đông. Họ bị đế quốc, phong kiến, địa
chủ và tư sản áp bức, bóc lột... nên có nhiều mâu thuẫn sâu sắc với đế quốc và
phong kiến.
Thực dân Pháp vẫn duy trì địa chủ ở nông thôn làm cơ sở cho bóc lột. Do
đó, giai cấp địa chủ phong kiến nay đông đảo hơn và bị phân hoá thành tiểu,
trung và đại địa chủ. Trong đó, bộ phận nhỏ là đại địa chủ, giàu có lên nhờ dựa
vào Pháp, chống lại cách mạng. Bộ phận lớn là trung tiểu địa chủ, bị đế quốc
chèn ép, đụng chạm tới quyền lợi, nên ít nhiều có tinh thần chống đế quốc, tham
gia phong trào yêu nước khi có điều kiện.
Ngoài hai giai cấp trên, từ trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, ra
đời một giai cấp mới – giai cấp công nhân. Đó là những người lao động làm việc
trong các hầm mỏ, đồn điền, công trường, xí nghiệp công nghiệp, các ngành
giao thông. Năm 1906, ở Nam Kỳ có 2.500 công nhân, trung Kỳ có 4.500 công
nhân, ở Bắc Kỳ có 2000 công nhân. Năm 1914 công nhân cả nước có khoảng 10
vạn nhưng tăng lên khá nhanh. Công nhân Việt Nam, vừa bị tư bản Pháp bóc lột
về kinh tế, vừa phải chịu thân phận của người dân mất nước, cho nên sớm có
tinh thần đấu tranh chống đế quốc và phong kiến. Họ sớm có tinh thần đoàn kết,
gắn bó với nông dân. Cùng với qua trình phát triển của lịch sử, họ có đủ điều
kiện để trở thành một giai cấp độc lập. Tuy nhiên, giai cấp công nhân Việt Nam
đầu thế kỷ vẫn còn non trẻ, đang ở trình độ “tự phát”, đấu tranh chử yếu nhằm

mục đích kinh tế. Sự ra đời của giai cấp công nhân trước giai cấp tư sản dân tộc
là một đặc điểm riêng của xã hội Việt Nam. Đặc điểm đó là một yếu tố khách
quan quy định sứ mệnh lịch sử cao cả của giai cấp công nhân Việt Nam sau này.


Việc mở mang khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm cho các đô
thị Việt Nam phát triển nhanh chóng. Một số thành phố sầm uất hơn như Hà
Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Chợ Lớn... Sự phát triển của các đô thị và công
thương nghiệp đã làm xuất hiện tầng lớp tư sản. Vì có quyền lợi kinh tế gắn liền
với Pháp nên họ cùng Pháp bóc lột nhân dân. Tuy nhiên, họ cũng bị Pháp chèn
ép nên chỉ giữ vai trò hạn chế trong kinh doanh.
Một tầng lớp khác cũng xuất hiện cùng với tâng lớp tư sản đo là tiểu tư
sản gồm tiểu thương, viên chức, trí thức, học sinh... giờ đây tăng hơn trước. Đời
sống của họ tuy khá hơn công, nông nhưng thường bị áp bức về chính trị, bấp
bênh về kinh tế, bị chèn ép về chuyên môn. Họ đều hiểu rõ nỗi nhục mất nước,
có tinh thần dân tộc khá cao nên sớm gắn bó với công nông.
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ
đến tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Việt Nam từ một xã hội phong kiến thuần
tuý đã biến thành một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến.
Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, các giai cấp xã hội
cũ (địa chủ phong kiến và nông dân) phân hoá sâu sắc hơn; những tầng lớp xã
hội mới (tư sản, tiểu tư sản) nảy sinh trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất,
phát triển và trở thành giai cấp thực sự; giai cấp công nhân trưởng thành và trở
thành giai cấp tự giác. Trong sự phát triển ngày một cao của cuộc đấu tranh dân
tộc, sự phân hoá, phát triển của mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp trong xã hội với địa
vị và quyền lợi khác nhau cũng ngày một thay đổi rõ rệt.
Giai cấp địa chủ phong kiến tiếp tục phân hoá thành hai bộ phận với hai
thái độ chính trị khác nhau trước kẻ thù và trong cuộc đấu tranh dân tộc.
Giai cấp tư sản ra đời sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Trong
cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, tầng lớp tư sản, phần đông là lớp người làm

trung gian cho tư bản Pháp, khi đã kiếm được số vốn khá, đứng ra kinh doanh
riêng, lập công ty một số ngành công thương, trở thành nhà tư sản. Tuy nhiên,
giai cấp tư sản Việt Nam vừa mới ra đời đã bị ngay tư sản Pháp chèn ép, kìm
hãm, làm lệ thuộc, nên số lượng ít, thế lực kinh tế yếu, nặng về thương nhiệp,


không đương đầu nổi với sự cạnh tranh của tư bản Pháp. Vốn tư bản Việt Nam
chỉ bằng 5% vốn tư bản nước ngoài.
Giai cấp tư sản Việt Nam phát triển đến mức độ nhất định đã phân hoá
thành hai bộ phận. Một bộ phận là tư sản mại bản có quyền lợi gắn với đế quốc,
nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng, chống lại dân tộc. Một bộ phận khác
là tư sản dân tộc có khuynh hướng kinh doanh độc lập, phát triển kinh tế dân
tộc, nên ít nhiều có tinh thần dân tộc, dân chủ chống đế quốc và phong kiến
phản động, nhưng lập trường không kiên định, dễ dàng thoả hiệp, cải lương khi
đế quốc mạnh.
Giai cấp tiểu tư sản cũng bị đế quốc bạc đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh,
gặp khó khăn, dễ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoặc thất nghiệp. Phần đông
trong giai cấp này là những trí thức, sinh viên, học sinh. Trong xã hội họ là bộ
phận có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng, văn hoá tiến bộ bên ngoài,
nên nhạy bén với tình hình chính trị, có tinh thần cách mạng, hăng hái đấu tranh,
và là một lực lượng quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.
Giai cấp nông dân tiếp tục là nạn nhân trực tiếp của chính sách chiếm đoạt
ruộng đất, chính sách sưu thuế, địa tô, phu phen, tạp dịch dưới chế độ thực dân
phong kiến. Họ tiếp tục bị bần cùng hoá và phá sản trên quy mô lớn. Tuy nhiên,
quá trình bần cùng hoá của giai cấp nông dân Việt Nam diễn ra không giống như
nhiều bước tư bản trên thế giới, nghĩa là quá trình đó không đi liền với quá trình
công nhân hoá toàn bộ. Bởi vì, số đô thị và trung tâm công nghiệp mọc ra không
nhiều, trong lúc số nhân công “dư thừa” ở nông thôn luôn đầy ắp. Chỉ có bộ
phận nhỏ rời làng quê tìm được việc làm, được thu nhận vào làm trong các nhà
máy, hầm mỏ, đồn điền, còn bộ phận lớn phải ở lại làng quê sống cuộc đời tá

điền với chủ điền mới ngay trên mảnh ruộng cũ của mình.
Giai cấp nông dân chiếm 90% dân số, vốn giàu lòng yêu nước, có tinh
thần chống đế quốc và phong kiến, là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của
cách mạng.


Giai cấp công nhân ra đời từ trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất
và phát triển nhanh về số lượng và chất lượng trong cuộc khai thác thuộc địa lần
thứ hai của Pháp. Tổng số công nhân ở nước ta từ 10 vạn năm 1914 tăng lên 22
vạn năm 1929, phần lớn tập trung tại các trung tâm kinh tế quan trọng của Pháp
là các vùng mỏ, đồn điền cao su và các thành phố công nghiệp như Hà Nội, Sài
Gòn – Chợ Lớn, Hải Phòng, Nam Định.
Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân quốc tế, giai cấp
công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng. Giai cấp công nhân Việt Nam là
con đẻ của sự du nhập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, chịu ba tầng áp bức
bóc lột của đế quốc, phong kiến, tư sản bản xứ, có quan hệ tự nhiên gắn bó với
giai cấp nông dân, kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng, bất khuất của dân
tộc. Đặc biệt, vừa lớn lên, giai cấp công nhân Việt Nam đã tiếp thu ngay chủ
nghĩa Mác – Lênin và chịu ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga và
phong trào cách mạng thế giới sau chiến tranh.
Giai cấp công nhân Việt Nam với hoàn cảnh ra đời và phát triển, cùng với
những đặc điểm của mình là giai cấp yêu nước, cách mạng, cùng với giai cấp
nông dân làm thành hai động lực chính, sớm trở thành lực lượng chính trị độc
lập, tự giác, thống nhất trong cả nước. Trên cơ sở đó nhanh chóng vươn lên nắm
quyền lãnh đạo cách mạng, đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai.
Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam thay
đổi, từ một xã hội phong kiến độc lập, Việt Nam trở thành một xã hội thuộc địa,
nửa phong kiến. Nhân dân ta bị bần cùng hoá, công nhân, nông dân nghèo đói,
tiểu tư sản phá sản, trí thức thất nghiệp, tư sản dân tộc, địa chủ nhỏ và vừa bị
chén ép. Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Trong xã hội Việt Nam lúc này tồn

tại hai mâu thuẫn cơ bản: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với chủ
nghĩa thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam, chủ yếu là giữa
nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa
toàn thể dân tộc ta với bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Độc lập dân tộc và
người cày có ruộng là hai yêu cầu cơ bản của xã hội Việt Nam thuộc địa nửa


phong kiến, nhưng độc lập dân tộc là yêu cầu chủ yếu trước mắt, phản ánh
nguyện vọng bức thiết của các tầng lớp, giai cấp trong dân tộc. Những thay đổi
đó đã tạo ra những điều kiện bên trong cho một cuộc vận động giải phóng dân
tộc theo hướng mới từ đầu thế kỷ XX.



×