Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Thực hiện quyền tư pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong nhà nước pháp quyền

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (243.91 KB, 11 trang )

Thực hiện quyền tư pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong nhà
nước pháp quyền
Tư tưởng về nhà nước pháp quyền khởi phát từ yêu cầu hạn chế quyền lực
nhà nước nhằm bảo vệ quyền con người. Một trong những phương thức tốt
nhất để hạn chế sự lạm quyền từ phía nhà nước là việc phân chia quyền lực
nhà nước thành ba quyền trong đó có quyền tư pháp do các tòa án thực hiện.
Mục đích của việc thực hiện quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền chính
là thông qua pháp luật thực thi công lý, bảo vệ quyền con người. Chính vì
vậy, trong tiếng Anh và tiếng Pháp một từ “justice” vừa được dùng để chỉ tư
pháp (hoạt động xét xử của tòa án) vừa có nghĩa là công lý.
Mặt khác, thực thi công lý không chỉ là mục đích mà còn là là tiêu chuẩn để đánh
giá hoạt động của tòa án có phải là tòa án trong nhà nước pháp quyền hay không?
Nói cách khác, không thể có nhà nước pháp quyền đích thực khi việc thực hiện
quyền lực tư pháp không đảm bảo công lý; tòa án không phải là người đại diện và
thực thi công lý.
Vấn đề thực thi công lý của tòa án gắn liền với việc đảm bảo quyền tiếp cận công
lý của người dân bởi một lẽ rất tự nhiên: Khi có tranh chấp, không tự hòa giải
được, người ta phải tìm đến tòa án đề phân giải đúng sai, khi có vi phạm pháp luật
tòa án là nơi cuối cùng để xử lý trách nhiệm trên cơ sở công lý. Quá trình yêu cầu
tòa án thực thi công lý chính là quá trình tiếp cận công lý của người dân. Quá trình
đó bắt đầu từ nhu cầu được tiếp cận công lý và kết thúc là phán quyết và thực hiện
phán quyết của tòa án. Để tiếp cận được với công lý người dân cần phải được biết
và có khả năng để biết công lý nằm ở đâu? Đến với công lý bằng con đường nào
và với phương tiện gì?… Khác với nhà nước cực quyền, khi công lý nằm trong tay
kẻ cai trị chuyên quyền và độc đoán, công lý đến với người dân bằng sự ban phát
hoặc xin – cho của nhà nước, trong nhà nước pháp quyền, tiếp cận công lý là


quyền của người dân và nghĩa vụ của nhà nước. Công lý chỉ tồn tại và thực thi
trong nhà nước pháp quyền khi người ta được tự do bởi cơ sở của công lý phải
được đặt trên nền tảng quyền cơ bản của con người.


Chúng ta đang tiến hành cải cách tư pháp – hay còn gọi cách khác là tiến hành cải
cách việc thực thi quyền lực tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp
quyền của dân, do dân, vì dân mà trọng tâm là cải cách hệ thống tòa án. Mục đích
của cải cách tư pháp không nằm ngoài việc đảm bảo cho tòa án thực thi công lý.
Đề đạt được mục đích này thì việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho người dân
là điều hết sức quan trọn.
1. Khái niệm quyền tiếp cận công lý và vai trò của tư pháp với việc đảm bảo
quyên tiếp cận công lý
Khi bàn về quyền tiếp cận công lý không thể không đưa ra khái niệm công lý là
gì? Lịch sử cho thấy những quan niệm khác nhau về công lý. Người phương Tây
quan niệm công lý là một khái niệm triết lý, pháp luật, đạo đức đặt ra trên cơ sở
tôn trọng pháp luật và sự công bằng. Về mặt đạo đức: Công lý là thái độ, cách ứng
xử tôn trọng chân lý và tự do của người khác, thái độ này là có nguồn gốc bẩm
sinh và phổ biến trong ý thức mỗi con người. Dưới góc độ pháp luật, công lý là sự
công bằng bình đẳng. Công lý là nền tảng của cuộc sống xã hội dân sự. John
Rawls viết rằng: Công lý là đức hạnh thứ nhất cho các định chế xã hội cũng như
chân lý là của các hệ thống tư tưởng. Một lý thuyết dù có lộng lẫy đến đâu nhưng
nếu nó sai thì phải bị bác bỏ cũng như luât pháp và định chế có hoàn chỉnh đến
đâu cũng cần phải dẹp bỏ nếu nó là bất công [1].
Trong truyền thống và văn hóa của người châu Phi và châu Á cũng có quan niệm
khác nhau về công lý. Theo quan niệm của người châu Phi, công lý là sự ứng xử
phù hợp với truyền thống của tiền nhân. Ở Ấn Độ, người Hindous coi công lý là
sự tôn trọng và chấp nhận trật tự, đẳng cấp trong xã hội. Còn giáo lý đạo Ki-tô thì


cho rằng công lý là sự công bằng, sự liêm khiết, sự phán quyết công minh phù hợp
với pháp luật và trên hết là phù hợp với lề luật thiên chúa và luật tự nhiên.
Như vậy, các quan niệm trên đều đã phần nào tiếp cận đến một khía cạnh nào đó
của công lý như công bằng, tôn trọng trật tự xã hội và pháp luật Nhưng những
quan niệm này hoặc gắn công lý với thế lực siêu nhiên thần bí, hoặc coi công lý là

những gì tự nhiên có sẵn mà không thấy nguồn gốc hiện thực của công lý. Đó
chính là vấn đề lợi ích. Mỗi nhóm người có lợi ích khác nhau có những tiêu chuẩn
khác nhau về công lý. Lợi ích bao gồm lợi ích chung và lợi ích riêng. Công lý
được xây dựng trên cơ sở lợi ích chung nhưng cũng cần thiết phải tôn trọng và bảo
vệ ở mức hợp lý những lợi ích riêng đặc biệt là lợi ích của những kẻ yếu thế trong
xã hội bởi vì “Công lý bùng nổ để bảo vệ kẻ yếu”- Bộ luật Hamurabi đã viết như
vậy. Tuy nhiên, trong xã hội, cần có quan niệm về công lý chung theo đó mọi
người đều chấp nhận và biết rằng những người khác cũng chấp nhận về quan một
quan niệm công lý chung. Như vậy, công lý là một giá trị xã hội với nội dung là sự
công bằng và lẽ phải, phù hợp với lợi ích chung, với đạo lí, được xã hội và pháp
luật thừa nhận. Những giá trị như công bằng, lẽ phải, phù hợp với pháp luật…phải
được kiến tạo và thừa nhận bởi số đông trong xã hội.
Công lý liên quan mật thiết với pháp luật nhưng không thể đồng nhất công lý là
pháp luật. Chỉ khi nào pháp luật chuyển tải được toàn những giá trị của công lý thì
lúc đó, pháp luật mới là biểu hiện của công lý. Ngược lại, một pháp luật không bảo
vệ cho kẻ yếu chỉ nhằm bảo vệ quyên lợi cho thiểu số kẻ mạnh có quyền lực ấy là
pháp luật bất công. Tóm lại, khi nào luật pháp công bằng, minh bạch và việc phán
xử phù hợp với luật khi đó công lý hiện diện.
Sự thật khách quan là cơ sở của phán quyết đạt đến công lý. Thế nhưng, đòi hỏi
trong bất cứ vụ việc nào tòa án cũng phải tìm cho bằng được sự thật khách quan là
điều không tưởng. Trong một số trường hợp cụ thể người ta phải chấp nhận rằng
đã có công lý khi tòa án đã làm hết khả năng, và tuân thủ mọi quy định của luật


pháp để ra phán quyết. Ví dụ A cho B vay nợ là sự thật, nhưng trước tòa A không
thể chứng minh được sự việc này. Tòa án làm tất cả nhưng không thể chứng minh
được việc này thì việc tòa bác yêu cầu của A được coi là đã đảm bảo công lý.
Công lý còn là mối tương quan giữa công dân và nhà nước thể hiện ở thái độ, đánh
giá của công dân với pháp luật về sự công bằng hay bất công trong cách hành xử
của nhà nước hay hệ thống pháp luật. Ý thức pháp luật lại dựa trên cơ sở sự phát

triển của xã hội. Chính vì vậy, công lý phải phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Trước năm 1985, Bộ luật hình sự của chúng ta có Tội lạm sát gia súc. Những
người phạm tội này trong thời diểm đó, nếu bị xử lý thì thì coi như công lý đã
được thực thi. Còn trong giai đoạn hiện nay, nếu xử lý hành hình vi này thì rõ ràng
là bất công.
Quyền tiếp cận công lý (acces to justice) hay còn gọi là quyền tiếp cận công bằng
là khái niệm hiện còn đang tranh luận. Các luật sư Mỹ cho rằng quyền tiếp cận
công lý là quyền có luật sư về dân sự cho tất cả các cá nhân. Trong khi đó, các luật
sư Nam Phi nhấn mạnh tới hiệu quả của án lệ trong việc bảo vệ các quyền của cá
nhân trong tầng lớp yếu thế hơn trong xã hội. Các chuyên gia của Ủy ban về Đảm
bảo pháp lý cho người nghèo của UNDP thì cho rằng quyền tiếp cận công lý là
một trong bốn trụ cột của quá trình bảo vệ pháp lý cho người nghèo. Ủy ban này
nhận xét: Điều tối quan trọng là phải cải cách thể chế công và dỡ bỏ các rào cản
pháp lý và hành chính vẫn đang ngăn trở dân nghèo dành lấy các quyền lợi của
họ [2]. Ở Việt Nam cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau về quyền tiếp cận công
lý. Có người tiếp cận quyền tiếp cận công lý từ khía cạnh bảo vệ pháp luật, bảo vệ
quyền của cá nhân, tổ chức, công dân bằng con đường tố tụng.[3] PGS.TS Phạm
Hồng Hải thì cho rằng: Quyền tiếp cận công lý là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ
chức được biết về quá trình giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự, hành chính,
lao động và các vụ án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền[4].


Các quan điểm trên, theo chúng tôi chỉ thể hiện một mặt nào đó của quyền tiếp cận
công lý. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc quyền được biết quá trình giải quyết các vụ
việc hoặc vụ án của cơ quan nhà nước thì quyền tiếp cận công lý chỉ là quyền tiếp
cận thông tin trong lĩnh vực tư pháp và chưa cho thấy mục đích của tiếp cận công
lý. Nếu chỉ là sự tiếp cận các quy trình tố tụng thì quyền tiếp cận công lý đồng
nhất với quyền tham gia tố tụng của công dân, cơ quan, tổ chức. Những quyền này
chỉ được thực hiện và đảm bảo thực hiện khi quá trình tố tụng đã được phát động.
Trong khi đó, quyền tiếp cận công lý xuất hiện sớm hơn ở việc người dân có

quyền biết, quyền được trợ giúp pháp lý, được tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ
giúp pháp lý. Điều quan trọng và mang tính chất bao trùm nhất là quyền tiếp cận
công lý với tư cách là quyền con người chỉ có được và được thực hiện, đảm bảo
thực hiện một cách đầy đủ nhất trong một nhà nước pháp quyền – nhà nước mà ở
đó quyền con người được tôn trọng và bảo vệ. Như vậy: Quyền tiếp cận công lý
với tư cách là quyền con người trong nhà nước pháp quyền đó là khả năng của
chủ thể yêu cầu nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sử dụng pháp luật
nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của mình tại cơ quan nhà nước khi có tranh chấp
hoặc xử lý vi phạm pháp luật, thể hiện ở những mặt sau: quyền tiếp cận thông tin
pháp luật; quyền trợ giúp pháp lý, quyền tiếp cận giáo dục đào tạo pháp luật các
quyền này được thực hiện bởi một hệ thống tư pháp công bằng và hiệu quả.
Quyền tiếp cận công lý được thể hiện ở 5 nội dung: Nhà nước pháp quyền, quyền
trợ giúp pháp lý, quyền giáo dục đào tạo pháp luật, quyền được biết thông tin pháp
luật và một hệ thống tư pháp công bằng và hiệu quả.
Nhà nước pháp quyền với những đặc điểm ưu việt của nó như: Hạn chế quyền lực
nhà nước, đề cao pháp luật, một nền tư pháp độc lập và đủ mạnh, thừa nhận sự tồn
tại của xã hội dân sự và kinh tế thị trường, đảm bảo các quyền tự do trong đó có tự
do chính trị, báo chí, hội đoàn, tự do bày tỏ chính kiến…là cơ sở vững chắc cho
quyền tiếp cận công lý được thực hiện. Sở dĩ trong các nhà nước chiếm hữu nô lệ,


nhà nước phong kiến và nhiều nhà nước khác, công lý luôn thuộc về kẻ mạnh,
người dân có chăng chỉ tìm thấy công lý trong từng vụ việc cụ thể kéo theo quyền
tiếp cận công lý không được đảm bảo là bởi trong các nhà nước này quyền lực tập
trung vào một nhóm người, con người không có tự do, quyền con người không
được thừa nhận. Giáo sư John Rawls trong Luận thuyết về Công lý [6] đã nêu luận
điểm nổi tiếng: Chỉ có công lý khi có tự do. Tất cả các quyền tự do của con người
đều đựợc nhà nước bảo vệ bằng một chế độ bầu cử dân chủ, một hệ thống quyền
lực kiểm soát lẫn nhau và đảm bảo sự tham dự thực chất của dân chúng vào quá
trình làm luật và một nền tư pháp độc lập, hiệu năng.

Công lý là sự công bằng. Tuy nhiên, công bằng được hiểu theo chiều dọc và chiều
ngang. Theo chiều ngang, công bằng là đối xử như nhau với những người có điều
kiện giống nhau; theo chiều dọc công bằng là sự đối xử khác nhau với những
người có hoàn cảnh khác nhau. Pháp luật là nơi công lý hiện diện và tòa án là thực
thi công lý. Tuy nhiên, tiếp cận với hệ thống pháp luật, với tòa án không phải ai
cũng có năng lực cá nhân, tài chính và điều kiện sống giống nhau. Những người
nghèo, những người sống ở vùng khó khăn, những người khuyết tật…không thể
tiếp cận công lý, nếu nhà nước không có biện pháp trợ giúp pháp lý cho họ. Chính
vì vậy, quyền tiếp cận công lý bao gồm quyền được trợ giúp pháp lý của những
người yếu thể trong xã hội.
Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật của mọi người và phải phục vụ mọi người,
được biết, được sử dụng pháp luật với mục đích khác nhau trong đó có việc sử
dụng pháp luật để tiếp cận công lý không phải là đặc quyền, đặc lợi của bất cứ ai.
Chính vì vậy, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin pháp luật là một nội dung của
quyền tiếp cận công lý. Quyền tiếp cận pháp luật đòi hỏi sự tham gia của người
dân trong quá trình xây dựng, thông qua luật, quyền tiếp cận các văn bản pháp luạt
và đòi hỏi pháp luật phải công khai, minh bạch, dễ truy cập. Muốn tiếp cận công lý
một cách dễ dàng, dân chúng phải có trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật.


Trình độ này làm tăng khả năng cảm nhận công lý của họ tức là họ phải biết thế
nào là công bằng, là bất công, biết chấp nhận trật tự xã hội, biết công lý nằm ở đâu
và tiếp cận nó như thế nào. Vì vậy, quyền được giáo dục, đào tạo pháp luật là một
yếu tố của quyền tiếp cận công lý.
Công lý chỉ nằm trên giấy, trợ giúp pháp, giáo dục, đào tạo pháp luật…sẽ không
có ý nghĩa nếu không có hệ thống tư pháp độc lập, hiệu quả. Tòa án với tư cách cơ
quan thực hiện quyền tư pháp cũng là nơi công lý được thực thi. Điều đó giải thích
tại sao khi nói đến công lý là người ta nghĩ ngay đến tòa án. Có điều không phải
tranh cãi, ít nhất đến thời điểm này, chỉ tòa án trong nhà nước pháp quyền mới có
khả năng đem lại công lý cho mọi người. Trong nhà nước pháp quyền, tòa án độc

lập, không thiên vị, thủ tục tố tụng thuận tiện, chi phí thấp, thẩm quyền rộng thể
hiện ở việc xét xử mọi tranh chấp trong xã hội …là đảm bảo tốt nhất cho quyền
tiếp cận công lý của dân chúng. Ngược lại, quyền tiếp cận công lý là tiêu chuẩn để
người ta đánh giá mức độ hiệu quả của một hệ thống tư pháp đã đạt chuẩn để đại
diện cho quyền lực tư pháp trong nhà nước pháp quyền hay chưa?.
2. Nhận diện những trở ngại trong quá trình tiếp cận công lý
Tiếp cận công lý có thể coi là một cuộc hành trình của người dân. Hành trình đó
có thể thuận lợi hoặc gian nan tùy thuộc vào những trở ngại mà người dân gặp
phải ít hay nhiều. Những trở ngại này có thể nằm trong quy trình tố tụng, trong tổ
chức, vận hành của bộ máy các cơ quan tư pháp, trong thái độ và ý thức trách
nhiệm của nhân viên công quyền và trong cả ý thức pháp luật của người dân. Nhận
diện và dỡ bỏ những trở ngại này, làm thông thoáng hành trình đi tìm công lý của
người dân là việc không thể không làm nếu chúng tamuốn đảm bảo quyền tiếp cận
công lý với tư cách là quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Chúng tôi xin
chỉ ra năm “chướng ngại vật” cản trở quá trình tiếp cận công lý sau đây:


1. Ở đâu đó, tư pháp chưa thực sự độc lập. Hiến pháp nước ta đã ghi nhận, trong
pháp luật về tổ chức tòa án và pháp luật tố tụng đều tôn trọng quyền độc lập xét xử
của tòa án. Tuy nhiên, trong một số quy định của pháp luật và thực tiễn vẫn có
những yếu tố làm giảm đi tính độc lập xét xử của tòa án. Về mặt tổ chức: Đó là
việc bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ 5 năm chứ không phải là dài hơn hoặc
chế độ thẩm phán suốt đời. Đó là vấn đề chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ thẩm phán
nhân viên tư pháp. Ngoài ra, việc tổ chức tòa án các cấp tương ứng với tổ chức
hành chính cũng là yếu tố bị cho là không đảm bảo tính độc lập của tòa án. Tuy
nhiên, tổ chức tòa án theo khu vực nếu không tính đến đặc thù của từng địa
phương thì nhiều khi lại gây khó khăn cho việc tiếp cận tòa án của người dân. Bởi
một lẽ ở một tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, nếu tập trung tòa án các huyện vào
một khu vực thì hành trình đến với tòa án và công lý sẽ gian gian nan hơn ít nhất
là về chi phí về thời gian và tiền bạc.

Kể từ năm 2002, công việc quản lý các tòa án địa phương do Tòa án tối cao đảm
nhiệm thay cho Bộ Tư pháp. Điều này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về việc
đảm bảo tính độc lập của tòa án bởi quan hệ hành chính với đặc trưng là phục
tùng, trên- dưới, sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ tố tụng lấy sự độc lập làm nền
tảng. Để Bộ Tư pháp đảm nhiệm việc quản lý tòa án về lý thuyết là hợp lý và
nhiều nước dang áp dụng. Sở dĩ, ở nước ta, công tác này chuyển về Tòa án Tối cao
là do sự phối hợp trên thực tế giữa Tòa án và Bộ Tư pháp chưa đồng bộ và hiệu
quả chứ không nằm ở cơ chế.
Trọng tâm của cải cách tư pháp là tòa án; trọng tâm của cải cách tổ chức, hoạt
động của tòa án là đảm bảo tính độc lập xét xử của tòa án và thẩm phán. Còn yếu
tố nào quyết định tính độc lập này thì có lẽ chúng ta phải tiếp tục tìm và giải quyết
cho được nếu muốn cải cách tư pháp đi vào thực chất.
2. Thẩm quyền còn chật hẹp. “Bất khẳng thụ lý” là đòi hỏi của xã hội với cơ
quan nhà nước nói chung và tòa án nói riêng. Nội dung của nguyên tắc này là nhà


nước không được nại ra bất cứ lý do gì để không giải quyết yêu cầu chính đáng
của người dân. Đối với tòa án đó là không nại ra bất cứ lý do gì để từ chối giải
quyết các tranh chấp trong xã hội. Ở một số nước ví dụ như ở Đức, thẩm quyền
của tòa án rất rộng, không chỉ tài phán các tranh chấp, xử lý trách nhiệm mà còn
giải quyết các tranh chấp giữa các đảng phái, các tổ chức chính trị và đặc biệt là tài
phán hiến pháp. Ở nước ta, thẩm quyền của tòa án chưa bao quát hết các tranh
chấp trong xã hội. Đơn cử, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chỉ
mới quy định 13 quyết định hành chính và hành vi hành chính công dân có quyền
khiếu kiện trong khi đó, trong thực tế quản lý nhà nước, những quyết định, hành vi
hành chính trong đó có những quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật gây
thiệt hại cho công dân cần phải được tòa án giải quyết không chỉ bó hẹp như trong
quy định trên của pháp luật. Chính vì vậy, tình trạng tòa án trả lại đơn cho đương
sự vì lý do không thuộc thẩm quyền trong đó có không thuộc thẩm quyền về vụ
việc là rất nhiều. Khi người dân có tranh chấp mà không tìm được nơi phân xử

hoặc phân xử không bằng con đường tư pháp, thì không thể nói quyền tiếp cận
công lý đã được đảm bảo.
3. Thủ tục còn rườm rà. Người dân tiếp cận công lý bằng việc thực hiện các thủ
tục tố tụng. Điều đó nói lên vai trò của luật thủ tục đối với việc tiếp cận công lý.
Nếu chỉ chú trọng luật nội dung mà bỏ qua luật thủ tục thì không khác gì mua xe
mà không làm đường. Trong thời gian qua, các luật về thủ tục ở nước ta đã đươc
quan tâm xây dựng và hoàn thiện. Tuy nhiên, rà soát hệ thống pháp luật tố tụng
vẫn tìm thấy những quy định gây trở ngại cho quyền tiếp cận công lý. Ví dụ trong
Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định người dân khi khởi kiện kèm theo đơn khởi
kiện phải có giấy tờ chứng minh yêu cầu khởi kiện. Quy định này khiến cho thẩm
phán có thể áp dụng tùy tiện làm khó dễ cho người dân bởi giấy tờ chứng minh
quyền khởi kiện không phải bao giờ cũng có thể nộp ngay cho tòa án và không
biết thế nào là đủ. Chính vì vậy, có người cho rằng đang có tồn tại chế độ “thủ tục
trị”.


Các luật sư cũng hay than phiền về thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật
sư và coi đây là thứ “giấy phép con” của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để có
giấy phép luật sự phải có 5 loại giấy tờ trong khi luật quy định chỉ cần có 3 (đơn
yêu cầu được bào chữa, thẻ Luật sư và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật
sư). Chưa kể trong thực tế có những vụ bị can, bị cáo từ chối luật sư“một cách khó
hiểu”. Quyền tiếp cận công lý trong vụ án hình sự bị cản trở bởi thủ tục hành
chính này khi muốn bào chữa cho thân chủ, luật sư phải có tới 3 giấy phép của cơ
quan điều tra, viện kiểm sát, và tòa án.
4. Thiếu người đồng hành và và trợ giúp pháp lý: Không ai có thể biết được hết
các quy định pháp luật cũng như các thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, trong quá trình
tiếp cận công lý, người dân nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội cần có sự
hỗ trợ từ nhiều phía. Tình trạng thiếu hụt các dịch vụ pháp lý ở nước ta vẫn còn
trầm trọng. Hiện nay, cả nước có khoảng 5.800 luật sư trên 86 triệu dân. Chỉ có
10% vụ án có luật sư tham gia và chỉ tập trung ở những vùng kinh tế- xã hội phát

triển. Phát triển đội ngũ luật sư, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, chú trọng
đến sự thiếu hụt pháp lý của những người yếu thế là biện pháp người dân tiếp cận
công lý.
5. Phẩm chất của nhân viên tư pháp: Ở đây bao gồm trình độ chuyên môn
nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm. Một thẩm phán trình độ năng lực yếu thì dễ
“biến một điều luật tốt thành một điều luật chẳng ra gì” (Xixeron) và đương
nhiên người dân sẽ không thể tìm thấy công lý trong những phán quyết của họ.
Bên cạnh đó, sự vô trách nhiệm, tệ hại hơn là tham nhũng, cửa quyền của đội ngũ
nhân viên tư pháp cũng là rào cản rất lớn đối với quá trình tiếp cận công lý của
người dân.
Để quyền tiếp cận công lý dược đảm bảo và thực hiện thì bên cạnh vấn đề xây
dựng nhận thức chung của xã hội với công lý nhất thiết cần phải khai thông lộ
trình di tìm công lý của người dân bằng việc tháo gỡ những trở ngại trên./.


[1] John Rawls- A Theory of Justice , Harvard, HUP 1971
[2] Pháp luật cho tất cả mọi người – Tập 1, Báo cáo của Ủy ban về Đảm bảo
pháp lý cho người nghèo – UNDP 2008
[3]Tổng hợp các quy định về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính về quyền tiếp
cận công bằng- Nguyễn Văn Thảnh– Nguyễn Thị Hạnh, Tạp chí Nghiên cứu lập
pháp số 7 năm 2009.
[4] Phạm Hồng Hải- Quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam, Tham luận tại Đại hội
Luật gia dân chủ thế giới tổ chức tại Việt Nam tháng 9/2009
[5] John Rawls- A Theory of Justice , Harvard, HUP 1971



×