Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

THỰC HÀNH hàn MIG MAG TRÊN THIẾT bị hàn ảo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (743.23 KB, 8 trang )

Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV

THỰC HÀNH HÀN MIG/MAG TRÊN THIẾT BỊ HÀN ẢO
MIG/MAG WELDING PRACTICE ON VIRTUAL WELDING EQUIPMENT
Nguyễn Tiến Dương
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hà Nội, Việt Nam

TÓM TẮT
Thực hành hàn MIG/MAG trên thiết bị hàn ảo cho phép giảm chi phí đào tạo thực hành
hàn mà vẫn nâng cao được chất lượng đào tạo hàn. Thiết bị hàn MIG/MAG ảo gồm có phần
cứng là máy hàn MIG/MAG ảo và phần mềm mô phỏng, điều khiển và đánh giá quá trình
hàn. Máy hàn MIG/MAG ảo cho phép người học rèn luyện được các thao tác, các kỹ năng
như khi hàn thật. Phần mềm hàn MIG/MAG ảo sẽ hiển thị các thông số đánh giá các thao tác
hiện thời của người thực hành hàn để người học có thể hiệu chỉnh tức thời các thao tác cho
phù hợp. Khi kết thúc bài thực hành, phần mềm sẽ đánh giá kết quả bài thực hành qua đó
người học có thể rút kinh nghiệm cho lần thực hành tiếp theo.
Từ khóa: thực hành hàn MIG/MAG, thiết bị hàn ảo, phần mềm hàn ảo, hàn MIG/MAG ảo
ABSTRACT
The MIG/MAG welding practice on virtual welding equipment permits to reduce the
welding practice training cost while the welding training quality is raised. The virtual
MIG/MAG welding equipment includes the hardware that is the virtual MIG/MAG welding
machine and the software to simulate, control and evaluate the welding process. The virtual
MIG/MAG welding machine allows learners to practise the operations and skills as the real
welding. The virtual MIG/MAG welding software will display the evaluation parameters of
practician’s current operations in order that learners can adjust immmediatly their welding
manipulations. At the end of practice lesson, the virtual MIG/MAG welding software will
assess the practice lesson results, so learners can learn from mistakes for the next practices.
Keywords: MIG/MAG welding practice, virtual welding equipment, virtual welding
software, virtual MIG/MAG welding practice
1. MỞ ĐẦU
Hàn hồ quang điện cực nóng chảy trong môi trường khí bảo vệ (Hàn GMAW) được


chia thành hai loại gọi là hàn MIG và hàn MAG tùy theo khí bảo vệ tương ứng là là khí trơ
hay khí hoạt tính. Chi phí cho đào tạo thực hành hàn nói chung và cho hàn hồ quang điện cực
nóng chảy trong môi trường khí bảo vệ (Hàn GMAW) nói riêng thường rất cao. Để giảm chi
phí đào tạo thực hành hàn mà vẫn nâng cao được chất lượng đào tạo hàn, nhiều cơ sở đào tạo
ở các nước cũng như ở Việt Nam đã sử dụng thiết bị hàn ảo phục vụ đào tạo thực hành hàn. Ở
Việt Nam do phải nhập ngoại nên giá của thiết bị hàn ảo cộng thêm chi phí chuyển giao công
nghệ rất cao nên các cơ sở đào tạo cũng chỉ trang bị với số lượng rất hạn chế, thường chỉ có
một bộ, nên hiệu quả mang lại không cao. Mới đây, tác giả cùng những người tham gia đã
thực hiện nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống máy hàn hồ quang ảo bao gồm cả phần
cứng và phần mềm mô phỏng [1]. Trong bài báo này, tác giả đề cập đến các thông số đánh giá
quá trình hàn MIG/MAG ảo và các thao tác, các kỹ năng mà người học được rèn luyện trên
máy hàn MIG/MAG ảo.
2. CÁC THÔNG SỐ ĐÁNH GIÁ QUÁ TRÌNH HÀN MIG/MAG ẢO
Để đánh giá quá trình thực hành hàn MIG/MAG ảo ta dựa vào kỹ thuật hàn MIG/MAG,
gồm các thông số cơ bản sau đây: Mồi hồ quang; Mồi lại hồ quang; Kết thúc hồ quang; Các
23


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
chuyển động khi hàn gồm có vận tốc hàn và dao động ngang của súng hàn; Góc nghiêng của
súng hàn.
2.1 Mồi hồ quang
Khi bắt đầu hàn phải thực hiện thao tác mồi hồ quang. Mồi hồ quang được thực hiện
trong rãnh hàn và cách đầu đường hàn về phía hướng hàn một khoảng 8÷12 mm. Khi hồ
quang đã hình thành thì vòng trở lại đầu đường hàn để bắt đầu hàn. Khi mồi hồ quang thì đầu
điện cực phải chạm nhanh vào vật hàn (trong hàn hồ quang ảo là chạm vào màn hình) và nhấc
lên thì hồ quang xuất hiện.
Nếu vị trí mồi hồ quang mà không nằm trong khoảng cách đầu đường hàn một đoạn
8÷12 mm thì sẽ tính là lỗi mồi hồ quang. Lỗi mồi hồ quang được đánh giá là “Mồi hồ quang
đúng” hay “Mồi hồ quang sai”.

2.2 Mồi lại hồ quang
Khi đang hàn mà chiều dài hồ quang lớn hơn giá trị tối đa cho phép (lớn hơn 5 mm) thì
hồ quang sẽ bị tắt. Khi hồ quang bị tắt thì phải mồi lại hồ quang. Mồi lại hồ quang được thực
hiện trong rãnh hàn và cách chỗ hồ quang bị tắt về phía chưa hàn một khoảng 8÷12 mm. Khi
hồ quang đã hình thành thì vòng trở lại chỗ hồ quang bị tắt và tiếp tục hàn theo hướng hàn.
Khi mồi lại hồ quang thì đầu điện cực phải chạm vào vật hàn (trong hàn hồ quang ảo là chạm
vào màn hình) thì hồ quang mới xuất hiện.
Nếu vị trí mồi lại hồ quang mà không cách chỗ hồ quang bị tắt về phía chưa hàn một
đoạn nằm trong khoảng 8÷12 mm thì sẽ tính là lỗi mồi lại hồ quang. Lỗi mồi lại hồ quang
được đánh giá là số lần “Mồi lại hồ quang sai” trên tổng số lần “Mồi lại hồ quang”.
2.3 Kết thúc hồ quang
Kết thúc hồ quang bằng cách tăng dần chiều dài hồ quang sau khi đã dừng mọi chuyển
động khác của súng hàn. Khi chiều dài hồ quang lớn hơn chiều dài hồ quang lớn nhất cho
phép (lớn hơn 5 mm) thì hồ quang sẽ tắt.
2.4 Các chuyển động khi hàn
Trong hàn có có 3 chuyển động cơ bản (Hình 1):

Hình 1: Các chuyển động khi hàn MIG/MAG ở tư thế hàn 1G
- Chuyển động theo hướng dọc trục dây hàn (V 1 ): Chuyển động này cần thiết để duy trì
chiều dài hồ quang ổn định. Đây chính là tốc độ nóng chảy của dây hàn. Đối với hàn
MIG/MAG thì chuyển động đẩy dây hàn xuống được tự động hóa thông qua bộ phận đẩy dây
nên người thợ hàn không phải thực hiện chuyển động này.
- Chuyển động dọc theo trục mối hàn (V 2 ): Để hàn hết chiều dài mối hàn. Đây là
chuyển động để đảm bảo vận tốc hàn yêu cầu. Đối với hàn MIG/MAG bán tự động, tốc độ
hàn nằm trong khoảng 20÷40 cm/phút [2].
Như vậy để người mới học hàn có thể làm quen với các mức tốc độ hàn khác nhau, ta
đưa ra khuyến cáo với 3 mức tốc độ như sau để người học lựa chọn: Tốc độ thấp: 10
[cm/phút]; Tốc độ trung bình: 20 [cm/phút]; Tốc độ cao: 35 [cm/phút].
24



Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
Ngoài 3 giá trị khuyến cáo như trên, phần mềm còn cho phép người học được lựa chọn
giá trị của tốc độ hàn túy ý sẽ thực hiện.
Tốc độ hàn được tính bằng chiều dài đoạn hàn thực tế chia cho thời gian hàn đoạn đó
(không tính thời gian hồ quang bị tắt). Ứng với mỗi giá trị tốc độ hàn đã lựa chọn cho phép
phạm vi dao động của tốc độ hàn trong khoảng ± 10% giá trị tốc độ hàn đã lựa chọn. Khi tốc
độ hàn thực hiện nằm ngoài khoảng cho phép đó thì sẽ tính là lỗi về vận tốc hàn.
- Dao động ngang (V 3 ): Để đảm bảo chiều rộng mối hàn.
Trong hàn MIG/MAG, khi hàn giáp mối nếu súng hàn chỉ có chuyển động theo chiều
trục mối hàn thì chiều rộng của đường hàn đạt được khoảng (0,4 ÷ 0,8) mm. Với liên kết hàn
giáp mối có vát mép chiều rộng của mối hàn thường yêu cầu từ (12 ÷ 16) mm. Chuyển động
ngang của mỏ hàn càng rộng thì bề rộng của đường hàn càng lớn. Thông thường chiều rộng
của đường hàn không lớn quá (15 ÷ 17) mm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mối hàn vì khí bảo
vệ sẽ không bao chùm được toàn bộ vũng hàn. Chuyển động của súng hàn có thể thực hiện
theo nhiều cách là sự phối hợp của các chuyển động cơ bản trên (chuyển động V 2 , V 3 ). Thông
thường chuyển động của súng hàn được thực hiện theo đường díc dắc trong đó dạng dích dắc
đơn giản nhất còn được gọi là dạng răng cưa được lựa chọn cho người mới học hàn (Hình 2).

Hình 2: Chuyển động dạng răng cưa
Để người học làm quen với dao động ngang (V 3 ) ứng với các phạm vi khác nhau, 3
mức dao động ngang khuyến cáo cho phép người học được lựa chọn như sau: Không có dao
động ngang: V 3 = 0; Dao động ngang với biên độ hẹp: V 3 = 8 mm; Dao động ngang với biên
độ rộng: V 3 = 15 mm.
Ngoài 3 giá trị khuyến cáo như trên, phần mềm còn cho phép người học được lựa chọn
giá trị của biên độ dao động ngang tùy ý.
Ứng với mỗi giá trị biên độ dao động ngang đã lựa chọn thì khoảng cho phép của biên
độ dao động ngang ± 1 mm giá trị biên độ dao động ngang đã lựa chọn. Nếu biên độ dao động
ngang không nằm trong khoảng cho phép đối với giá trị biên độ dao động ngang đã lựa chọn
thì sẽ tính là lỗi bám đường hàn. Lỗi bám đường hàn được đánh giá thông qua thông số: Tỷ lệ

(%) chiều dài đoạn hàn mắc lỗi bám đường hàn trên tổng chiều dài đường hàn vừa thực hiện.
2.5 Các góc nghiêng của súng hàn
Phân loại theo tiêu chuẩn Việt Nam có 4 tư thế hàn: hàn sấp, hàn ngang, hàn đứng và
hàn trần. Do thiết bị hàn ảo sử dụng cho người mới học hàn nên cũng như nhiều hệ thống thiết
bị hàn ảo trên thế giới, thiết bị hàn MIG/MAG ảo được thiết kế cho 3 tư thế hàn phổ biến nhất
đó là hàn sấp, hàn ngang và hàn đứng còn đối với hàn trần vì đây là tư thế rất khó hàn nên chỉ
khi nào người thợ hàn thực hiện thành thạo 3 từ hàn trên thì mới chuyển sang học tư thế hàn
trần. Để đảm bảo chất lượng mối hàn, các góc nghiêng của súng hàn cần phải nằm trong một
phạm vi cho phép ứng với mỗi loại mối hàn và mỗi tư thế hàn.
2.5.1 Mối hàn giáp mối tư thế hàn sấp – Tư thế hàn 1G
Súng hàn nằm trong mặt phẳng vuông góc với vật hàn và đi qua đường hàn (β=90º) và
tạo với hướng hàn một góc α=75÷80º (Hình 1) [3-7]. Để đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho
phép đối với các góc nghiêng của súng hàn như sau: α=75º÷80º; β=90º±2o.
2.5.2 Mối hàn góc tư thế hàn sấp – Tư thế hàn 1F
Súng hàn nằm trong mặt phẳng phân giác của mối hàn góc (β=45º) và tạo với hướng
hàn một góc α=75÷80º (Hình 3) [6]. Để đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho phép đối với các
góc nghiêng của súng hàn như sau: α=75º÷80º; β=45º±2o.
25


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV

Hình 3: Tư thế hàn 1F

Hình 4: Tư thế hàn 2G

Hình 5: Tư thế hàn 2F

2.5.3 Mối hàn giáp mối tư thế hàn ngang – Tư thế hàn 2G
Súng hàn nằm trong mặt phẳng đi qua đường hàn và nghiêng so với tấm trên một góc

β=95º÷100o. Góc nghiêng của súng hàn so với hướng hàn là α=80÷85º (Hình 4) [5-6]. Để
đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho phép đối với các góc nghiêng của súng hàn như sau:
α=80º÷85º; β=95º÷100o.
2.5.4 Mối hàn góc tư thế hàn ngang – Tư thế hàn 2F
Súng hàn nằm trong mặt phẳng phân giác của mối hàn góc (β=45º) và tạo với hướng
hàn một góc α=75º÷80º [6] (Hình 5). Để đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho phép đối với các
góc nghiêng của súng hàn như sau: α=75º÷80º; β=45º±2o.
2.5.5 Mối hàn giáp mối tư thế hàn đứng – Tư thế hàn 3G
Súng hàn nằm trong mặt phẳng đi qua đường hàn và vuông góc mặt phẳng tấm (β=90º)
và tạo với hướng hàn một góc: α=90º÷95º khi hàn từ dưới lên (Hình 6) [4-5]; α=70º÷75º khi
hàn đứng từ trên xuống (Hình 7) [4]. Để đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho phép đối với các
góc nghiêng của súng hàn như sau:
- Đối với hàn từ dưới lên (tư thế hàn 3Gu): α=90º÷95º; β=90º±2o.
- Đối với hàn từ trên xuống (tư thế hàn 3Gd): α=70º÷75º; β=90º±2o.

Hình 6: Tư thế 3Gu

Hình 7: Tư thế 3Gd

Hình 8: Tư thế 3Fu

Hình 9: Tư thế 3Fd

2.5.6 Mối hàn góc tư thế hàn đứng – Tư thế hàn 3F
Súng hàn nằm trong mặt phẳng phân giác của mối hàn góc (β=45º) và tạo với hướng
hàn một góc: α=90º÷95º khi hàn đứng từ dưới lên (Hình 8); α=70º÷75º khi hàn đứng từ trên
xuống (Hình 9). Để đánh giá, ta lựa chọn phạm vi cho phép đối với các góc nghiêng của súng
hàn như sau:
- Đối với hàn từ dưới lên (tư thế hàn 3Fu): α=90º÷95º; β=45º±2o.
- Đối với hàn từ trên xuống (tư thế hàn 3Fd): α=70º÷75º; β=45º±2o.

26


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
* Lỗi góc nghiêng của súng hàn được đánh giá thông qua các góc α và góc β như sau:
- Tỷ lệ (%) chiều dài đoạn hàn mắc lỗi góc nghiêng α của súng hàn trên tổng chiều dài
đường hàn vừa thực hành xong.
- Tỷ lệ (%) chiều dài đoạn hàn mắc lỗi góc nghiêng β của súng hàn trên tổng chiều dài
đường hàn vừa thực hành xong.
3. GIỚI THIỆU MÁY HÀN MIG/MAG ẢO
Các bộ phận cơ bản của máy hàn MIG/MAG ảo (Hình 10) gồm các bộ phận cơ bản sau:

Hình 10: Máy hàn MIG/MAG ảo

Hình 11: Cấu tạo mỏ hàn MIG/MAG ảo

- Khung máy (khung bàn hàn): Để đỡ màn hình và các bộ phận khác của máy hàn hồ
quang ảo. Ngoài ra khung máy còn đóng vai trò là khung bàn thực hành hàn.
- Cơ cấu nâng hạ màn hình: Để điều chỉnh độ cao của màn hình. Ở đây ta sử dụng động
cơ kết hợp với cấu bánh răng – thanh răng để nâng màn hình lên hoặc hạ màn hình xuống.
- Cơ cấu quay màn hình: Đây là cơ cấu để điều chỉnh đưa màn hình về các tư thế khác
nhau cho phép người học thực hiện được các thao tác hàn ở các tư thế hàn khác nhau: Hàn
sấp, hàn ngang và hàn đứng. Ở đây ta sử dụng động cơ kết hợp với cấu vít me – đai ốc để đẩy
màn hình quay quanh trục đỡ khung màn hình.
- Khung màn hình: Để giữ màn hình và gắn hệ thống camera thu tín hiệu.
- Màn hình: Để hiển thị và trao đổi thông tin giữa người học và bộ xử lý thông tin.
- Hệ thống camera: Bộ phận thu thập các thông tin để truyền vào CPU xử lý.
- CPU máy tính: Bộ lưu giữ và xử lý tín hiệu.
- Tủ điều khiển: Chứa bộ phận điều khiển chuyển động của màn hình.
Ngoài các bộ phận trên trong máy hàn MIG/MAG ảo còn một bộ phận không thể thiếu

được đó là súng hàn MIG/MAG ảo (Hình 11) để người thực hành cầm và thực hiện các thao
tác khi hàn. Súng hàn MIG/MAG ảo được thiết kế và chế tạo dựa trên súng hàn MIG/MAG
thật, ta chỉ thay bép tiếp điện, chụp khỉ bằng bộ phận được gọi là đầu mỏ hàn có chiều dài 80
mm và đường kính 6 mm để camera có thể nhận diện chính xác.
4. THỰC HÀNH HÀN MIG/MAG ẢO
Phần mềm hàn MIG/MAG ảo được thiết kế là một mô đun của phần mềm hàn hồ quang
ảo. Trong phần mềm hàn hồ quang ảo có ba mô đun cho ba phương pháp hàn hồ quang đó là:
27


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
hàn hồ quang tay, hàn MIG/MAG và hàn TIG (hàn hồ quang điện cực không nóng chảy trong
môi trường khí bảo vệ). Khi khởi động phần mềm hàn ảo và lựa chọn phương pháp hàn
MIG/MAG, một cửa sổ sẽ hiển thị lên (Hình 12) cho phép nhập thông tin của người học và
thực hiện các lựa chọn sau:
- Lựa chọn loại mối hàn sẽ thực hiện: Có hai loại mối hàn đó là mối hàn giáp mối và
mối hàn góc. Trong mỗi loại mối hàn có ba tư thế hàn để người học lựa chọn là tư thế hàn sấp,
tư thế hàn ngang và tư thế hàn đứng. Riêng với tư thế hàn đứng có hai loại là hàn đứng từ
dưới lên và hàn đứng từ trên xuống.
- Tra cứu các bài thực hành hàn đã thực hiện: Để xem lại kết quả các bài thực hành đã
thực hiện được lưu vào máy, người sử dụng kích vào mục “Tra cứu MIG/MAG”.

Hình 12: Cửa sổ để lựa chọn các thông số
Trong cửa sổ này, cho phép người sử dụng:
- Nhập các thông tin của người thực hành vào mục “Thông tin người thực hành” gồm
bài thực hành hoặc kỳ thi, họ và tên, mã số. Nếu chưa có tên trong danh sách người học phải
vào lựa chọn mục “Khách” và bị hạn chế một số quyền như không lưu được bài thực hành
vào máy.
- Thực hiện các lựa chọn:
+ Loại tư thế hàn: Có tư thế hàn sấp (1G), tư thế hàn ngang (2G), hàn đứng từ dưới lên

(3Gu) và hàn đứng từ trên xuống (3Gd).
+ Loại dao động khi hàn: Có dao động hay không, dao động với biên độ bao nhiêu theo
các giá trị khuyến cáo hoặc có thể lựa chọn một giá trị biên độ nào đó.
+ Vận tốc hàn: Lựa chọn tốc độ hàn sẽ thực hiện ứng với ba mức độ chậm, trung bình
và nhanh như khuyến cáo hoặc có thể lựa chọn một giá trị tốc độ hàn nào đó.
Sau khi đã nhập dữ liệu và thực hiện các lựa chọn bấm vào nút “Tiếp tục” phần mềm sẽ
hiển thị lên cửa sổ cho biết các thông tin đã nhập vào và đã lựa chọn. Nếu cần chỉnh sửa gì thì
bấm vào nút “Quay lại” còn nếu thấy các lựa chọn đã đúng thì bấm vào nút “Bắt đầu” để bắt
đầu bài thực hành, phần mềm sẽ hiển thị lên cửa sổ sẵn sàng cho bài thực hành. Thực hiện bài
28


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
thực hành hàn (Hình 13) với các thao tác hàn như đã được chỉ ra trong phần 2 ở trên. Trong
quá trình thực hành hàn MIG/MAG ảo, các thông số đánh giá luôn được hiển thị trên màn
hình để người thực hành hàn ảo phát hiện tức thì những lỗi của mình để có thể hiệu chỉnh
ngay trong quá trình thực hành để nâng cao kỹ năng thực hành một cách nhanh nhất. Trong
rãnh hàn có hai đường thẳng song song thể hiện phạm vi cho phép của biên độ dao động
ngang. Khi thực hành hàn, người học sẽ thực hiện dao động đầu hàn sao cho hồ quang nằm
trong phạm vi của hai đường thẳng đó. Các thông số hiển thị trên màn hình gồm: Các góc
nghiêng tức thời của súng hàn và tốc độ hàn tức thời.

Hình 13: Hàn MIG/MAG ảo

Hình 14: Kết quả thực hành hàn

Ngoài ra nhìn trên màn hình và đường hàn đang thực hiện, người học còn biết được:
- Đoạn hàn đã thực hiện: Khi hồ quang đi đến đâu phần mềm sẽ hiển thị đường hàn
thông qua lượng kim loại đắp vào. Nhìn vào đây người học và người đánh giá biết được
đường hàn thực hiện có đạt yêu cầu không.

- Hồ quang còn hay bị tắt: Hồ quang được hiển thị là chấm đỏ trên màn hình. Khi có hồ
quang hàn, phần mềm còn phát ra âm thanh của hồ quang cháy để người học quen với cảm
giác hồ quang thật và cũng là để nhận biết là có hồ quang hay không.
Sau khi đã thực hiện xong bài thực hành thì bấm vào nút “Kết thúc”, phần mềm sẽ hiển
thị kết quả bài thực hành hàn (Hình 14). Trong phần kết quả bài thực hành, ở bên phải màn hình
thể hiện đầy đủ các thông tin về người học, loại quá trình hàn, loại mối hàn, tư thế hàn, biên độ
dao động và tốc độ hàn đã lựa chọn và các lỗi mà trong quá trình hàn người học mắc phải. Ở
góc trên bên trái cửa sổ kết quả hiển thị mẫu và đường hàn vừa thực hiện. Ở góc dưới bên trái
màn hình hiển thị đoạn video quay các thao tác người học vừa thực hiện. Để kết thúc bấm vào
nút “Lưu trữ”. Kết quả bài thực hành sẽ được lưu vào máy. Sau này ta có thể vào xem lại kết
quả bài thực hành nhờ mục “Tra cứu MIG/MAG” như đã nói ở trên. Đồng thời phần mềm cũng
cho phép in kết quả bài thực hành ra file hoặc ra máy in nhờ mục “In kết quả”.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở của phạm vi cho phép của bộ thông số điều khiển quá trình hàn [1, 3] đã cho
phép xây dựng được phần mềm đánh giá quá trình hàn MIG/MAG ảo. Với máy hàn
MIG/MAG ảo được chế tạo cho phép người học luyện tập được các thao tác, các kỹ năng cơ
bản của người thợ hàn như thực hiện việc mồi hoặc mồi lại hồ quang, thao tác kết thúc hồ
quang, kỹ thuật dịch chuyển súng hàn theo hướng hàn và dao động ngang súng hàn, duy trì
chiều dài hồ quang ổn định và giữ được góc nghiêng của súng hàn đúng với mỗi loại mối hàn,
mỗi tư thế hàn khác nhau. Người thực hành có thể lựa chọn loại mối hàn thực hiện, loại tư thế
hàn, giá trị biên độ dao động ngang và tốc độ hàn phù hợp với khả năng và trình độ của mình
theo mức độ từ dễ đến khó.
29


Kỷ yếu hội nghị khoa học và công nghệ toàn quốc về cơ khí - Lần thứ IV
Trong quá trình thực hành hàn MIG/MAG ảo, các thông số đánh giá như góc nghiêng
của súng hàn và tốc độ hàn được hiển thị trên màn hình để người thực hành hàn ảo phát hiện
tức thì những lỗi của mình để có thể hiệu chỉnh ngay trong quá trình thực hành để nâng cao kỹ
năng hàn. Quan sát đường hàn đang thực hiện, người học biết được tốc độ hàn có đều hay

không, biên độ dao động ngang có hợp lý không, chiều dài hồ quang có ổn định không, đường
hàn có đều và đẹp không,... để có thể điều chỉnh các thao tác hàn cho phù hợp.
Khi kết thúc bài thực hành, phần mềm hiển thị kết quả bài thực hành và hiển thị các lỗi
để người học cũng như người đánh giá biết để đánh giá, phân tích để rút kinh nghiệm cho
những lần thực hành hàn tiếp theo. Ngoài ra kết quả bài thực hành còn được lưu vào máy để
phục vụ cho việc đánh giá hoặc xem lại sau này.
Súng hàn MIG/MAG được thiết kế và chế tạo dựa trên súng hàn thật đảm bảo cho người
học hàn ảo khi chuyển sang hàn thật không bị bỡ ngỡ, nhanh chóng thích nghi, có thê hàn
ngay được.
Như vậy khi thực hành hàn MIG/MAG ảo ta chỉ cần điện để duy trì chạy CPU máy tính
với công suất rất nhỏ. Ngoài ra không tốn bất cứ loại vật tư, nhiên liệu nào khác do đó chi phí
dành cho đào tạo thực hành giảm đi rất nhiều so với thực hành hàn thật. Nhờ vậy ta có thể
tăng thời gian cho người học thực hành để nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người học hàn, do
đó nâng cao được chất lượng đào tạo thực hành hàn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Tiến Dương, Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị hàn hồ quang ảo,
Đề tài cấp Bộ mã số B2013.01.38, 2013-2015.
[2]. Hoàng Tùng, Ngô Lê Thông, Chu Văn Khang, Cẩm nang hàn, NXB Khoa học và Kỹ
thuật, 1993.
[3]. Đinh Quang Tuế, Nguyễn Tiến Dương, Xác định bộ thông số điều khiển quá trình hàn hồ
MIG/MAG ảo, Tạp chí Cơ khí Việt Nam, Số 9 năm 2014, Trang 88-93.
[4]. Ngô Lê Thông, Công nghệ hàn điện nóng chảy, Tập 1: Cơ sở lý thuyết, Nhà xuất bản
Khoa học Kỹ thuật, 2004.
[5]. Gower A. Kennedy, Welding Technology, Second edition, Glencoe Publishing Company,
California, USA, 1982.
[6]. Jerry Galyen, Garry Sear, Charles A. Tuttle, Welding: Fundamentals and Procedures,
Prentice Hall, Englewood Cliffs, 1985.
[7]. A.C. Davies, The science and practice of welding, Tenth edition, Volume 2: The practice
of welding, Cambridge University Press, 1993.
THÔNG TIN CỦA TÁC GIẢ

Nguyễn Tiến Dương.

Trường Đại học Bách khoa Hà nội.

Email:

Số ĐT: 091 436 2850

30



×