1
LỜI CAM ĐOAN
Thực tập tốt nghiệp là thời gian để người sinh viên có điều kiện rèn luyện
tính tự lực, độc lập trong suy nghĩ, bổ sung những kiến thức mới mẻ từ thực tiễn,
nâng cao trình độ lý luận chuyên môn. Tiếp tục rèn luyện đạo đức tác phong,
quan điểm phục vụ của người cán bộ khoa học kỹ thuật.
Để hoàn thành luận văn này tôi xin cam đoan:
1. Trong quá trình nghiên cứu, bản thân luôn nhiệt tình với công việc.
2. Số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực.
3. Kết quả nghiên cứu của bản thân có được là nhờ sự giúp đỡ tận tình
của thầy hướng dẫn PGS.TS Trần Ngọc Lân.
4. Mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện khóa luận này đã được cảm ơn và
các thông tin trich dẫn trong khóa luận đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Nghi Lộc, ngày tháng năm2011
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Kim
2
LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới PGS. TS.
Trần Ngọc Lân – Trưởng khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học Vinh, đã tận
tình hướng dẫn và dìu dắt tôi trong quá trình hoàn thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Khoa Nông Lâm Ngư –
Trường Đại học Vinh đã giảng dạy và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và
thực hiện luận văn.
Tôi xin bày tỏ biết ơn tới toàn thể cán bộ, giảng viên, kỹ thuật viên Phòng
Thí nghiệm tổ Bảo Vệ Thực Vật - Khoa Nông Lâm – Đại học Vinh đặc biệt là
KS. Hồ Thị Nhung giúp đỡ và chỉ bảo tôi rất tận tình trong suốt thời gian thực
hiện luận văn.
Cuối cùng, tôi xin gửi tới gia đình, bạn bè và đồng nghiệp lòng biết ơn
sâu sắc vì sự quan tâm, động viên và góp ý cho tôi trong suốt quá trình học tập
và hoàn thành luận văn.
Sinh viên
Nguyễn Thị Kim
3
MỞ ĐẦU
Đặt vấn đề
Cây Lạc (Arachis hypogaea. L) là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị
kinh tế cao được dùng làm thực phẩm và xuất khẩu. Hạt lạc chứa nhiều prôtêin,
lipit, nhiều loại vitamin và 8 loại axit amin không thay thế... Cây lạc là cây trồng
có khả năng thích ứng rộng với các điều kiện đất đai và có khả năng cố định
đạm. Do đó cây lạc là loại cây trồng luân canh cải tạo đất rất tốt.
Trong những năm qua trồng lạc cho hiệu quả kinh tế cao và cho thu nhập
ổn định. Do đó cây lạc được nhiều địa phương khuyến khích phát triển. Theo
Tổng cục thống kê (2004), tổng diện tích lạc cả nước đạt 258,7 nghìn ha, năng
suất trung bình 17,4 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 451,1 nghìn tấn. Dự kiến trong giai
đoạn 2005 - 2010 đưa diện tích trồng lạc lên 330 nghìn ha, sản lượng đạt 550-560
nghìn tấn.
Nghệ An được coi là vùng trồng lạc có truyền thống lâu đời. Hiện nay,
Nghệ An là địa phương có diện tích gieo trồng lạc lớn nhất cả nước (24,1 nghìn
ha và sản lượng là 48,5 nghìn tấn) chủ yếu tập trung tại một số huyện ven biển
như Nghi Lộc (4300 ha), Diễn Châu (3800 ha), và chủ yếu sản xuất trong vụ
xuân.
Theo ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư
thâm canh, mở rộng sản xuất lạc để đến năm 2010 sẽ đưa diện tích gieo trồng lạc
của tỉnh lên đến 35 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 20 tạ/ha.
Tuy nhiên, hạt lạc là nơi tiềm ẩn nhiều loài nấm gây bệnh, đặc biệt là các
loài nấm có nguồn gốc trong đất và truyền qua hạt giống như Aspergillus sp.,
Sclerotium rolfsii, Pennicilium, Fusarium v.v… chúng gây thiệt hại về năng suất,
làm chết cây con trên đồng ruộng và là nguyên nhân gây ra các bệnh nguy hiểm
cho con người và vật nuôi. Nhóm nấm sinh độc tố phổ biến nhất là Aspergillus
(A. flavus, A. parasiticus và A. nomius) sản sinh ra Aflatoxin, là độc tố nguy
4
hiểm nhất trong nhóm độc tố mycotoxin và là hợp chất có tiềm năng gây ung thư
cao nhất.
Trong những năm gần đây, sự gia tăng về diện tích trồng và việc áp dụng
các biện pháp kỹ thuật thâm canh làm phát sinh ngày càng nhiều dịch hại nguy
hiểm, đặc biệt là nhóm nấm gây bệnh héo rũ gây ra. Nhóm nấm này phát sinh và
gây hại trong cả chu kỳ sống của cây trên đồng ruộng và trong kho bảo quản, ảnh
hưởng đến chất lượng hạt giống. Đây cũng là một trong những nguyên nhân
chính dẫn đến sự giảm sút về năng suất và phẩm chất lạc nhân, ảnh hưởng đến
sức khoẻ con người. Chính vì vậy, việc chú trọng đến công tác bảo vệ thực vật
trên đồng ruộng và trong kho bảo quản cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao
năng suất và chất lượng lạc trước và sau thu hoạch.
Một trong những tồn tại lớn của sản xuất nông nghiệp đang được quan
tâm hiện nay là việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa
học. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ đi ngược lại mục tiêu xây dựng một nền
nông nghiệp bền vững và an toàn mà chúng ta đang nỗ lực tiến tới. Thực tế sản
xuất cho thấy, do người dân quá lạm dụng việc sử dụng thuốc hoá học để phòng
trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp đã ngày càng làm bộc lộ mặt trái của nó.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, ảnh hưởng
tới sức khoẻ con người và gây thiệt hại kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Một
số thuốc trừ nấm dùng nhiều đã gây ra sự huỷ diệt côn trùng trong đất, tạo nên
tính kháng thuốc ở một số nấm bệnh hại cây trồng. Mặt khác, sự đòi hỏi nông sản
không có dư lượng thuốc hoá học trên thị trường ngày càng tăng. Bởi vậy, xu
hướng mới trong bảo vệ thực vật hiện nay là quản lý dịch hại tổng hợp IPM và
phòng trừ sinh học.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng các biện
pháp sinh học để phòng chống dịch hại, trong đó có chế phẩm sinh học để trừ
bệnh hại cây trồng. Song, cho đến nay mới chỉ có rất ít chế phẩm này được
nghiên cứu và ứng dụng thành công. Hầu hết việc sử dụng chế phẩm sinh học
phòng trừ bệnh còn nhiều hạn chế, chưa được nhiều nông dân chấp nhận, kể cả
5
phòng trừ bệnh trên đồng ruộng cũng như việc xử lý hạt giống trước khi gieo
trồng.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để góp phần vào việc phòng trừ
bệnh hại hạt lạc an toàn, hiệu quả, đồng thời giảm tác hại của bệnh mốc vàng trên
đồng ruộng, nâng cao năng suất và phẩm chất lạc, chúng tôi tiến hành nghiên cứu
đề tài: "Khả năng đối kháng của Trichoderma harzianum Tri.011.NL,
Trichoderma atroviride Tri.020.NC đối với nấm mốc hại lạc Aspergillus
flavus".
1.2 Mục đích và yêu cầu
1.2.1 Mục đích
- Xác định thành phần và mức độ nhiễm bệnh nấm gây hại trên hạt giống
lạc thu thập tại vùng Nghi Lộc - Nghệ An.
- Xác định thành phần và mức độ nhiễm bệnh trên lạc vụ xuân 2011, đánh
giá thành phần mầm bệnh trong đất trồng lạc tại vùng Nghi Lộc và phụ cận.
- Khảo sát hiệu quả phòng trừ của Trichoderma đối với A. flavus hại lạc
trong điều kiện phòng thí nghiệm và chậu vại.
1.2.2 Yêu cầu
- Giám định thành phần nấm gây bệnh gây hại trên các mẫu hạt giống lạc
thu thập tại vùng Nghi Lộc - Nghệ An.
- Điều tra tình hình bệnh hại trên lạc ở huyện Nghi Lộc và vùng phụ
cận vụ xuân 2011.
- Điều tra thành phần các mầm bệnh, đánh giá diễn biến lượng mầm
bệnh A. flavus trong đất trồng lạc vùng Nghi Lộc.
- Tìm hiểu khả năng phòng trừ A. flavus bằng biện pháp sinh học sử dụng
Trichoderma trong điều kiện phòng thí nghiệm và chậu vại.
6
CHƯƠNG I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1
Tình hình nghiên cứu ngoài nước
Trong các nguyên nhân làm giảm năng suất của lạc thì bệnh hại là một
trong những nguyên nhân chính. Bệnh hại lạc là do một lượng lớn các loại nấm,
vi khuẩn, Phytoplasma, hơn 20 loại virút và khoảng 100 loài tuyến trùng, bị
nhiễm bệnh do các nhóm nấm và vi khuẩn gây hại đáng kể nhất.
Theo Allen and Lenne,1998 thì hiện nay có khoảng 40 loại bệnh hại lạc
đáng chú ý đóng vai trò quan trọng trên thế giới và được chia làm các nhóm:
- Nhóm bênh héo rũ gây chết cây
- Nhóm bênh hại trên hạt và trên cây mầm
- Nhóm bệnh gây thối than và rễ
- Nhóm gây bệnh trên lá
- Nhóm bệnh gây thối củ
1.1.1 Nhóm bệnh héo rũ gây chết
Bệnh héo rũ gây chết cây do nhiều nguyên nhân, những cây bị nhiễm bệnh
thì phần lớn là héo và chết, nếu sống sót thì mất khả năng cho năng suất hoặc
năng suất giảm, chất lượng kém. Đã có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước
về nhóm bệnh này, về các loại nấm gây hại.
1.1.1.1.Bệnh héo rũ gốc mốc đen lạc do nấm Aspegillus niger
Hiện nay bệnh mốc đen hại lạc luôn được xem là bệnh hại nguy hiểm cho
vùng trồng lạc và người sử dụng, thiệt hại ước tính từ 1-50% năng suất (KoKalis
– Burelle,1997) [39] Nấm Aspegillus niger gây ra hiện tượng thối hạt, lạc chết
mầm và chết héo cây con trong vòng 30 ngày sau trồng. Trên vết bệnh, sợi nấm
và cành bào tử phân sinh thường được quan sát thấy ở vùng cổ rễ và xuất hiện
nhanh sau khi hạt nẩy mầm. Aspegillus niger tồn tại trong đất, trên hạt giống với
tỷ lệ hạt bị nhiễm bệnh lên tới 90%. Nấm bệnh truyền qua đất và có khả năng
phát triển mạnh trong điều kiện biến động lớn về độ ẩm đất, chất lượng hạt
giống.
7
Bệnh thối gốc mốc đen do nấm A. niger đến nay vẫn là một bệnh quan
trọng được công nhận ở hầu hết các vùng trồng lạc chính trên thế giới. Thiệt hại
về năng suất và sản lượng do bệnh héo rũ gốc mốc đen thay đổi và khó đánh giá,
thiệt hại về sản lượng cá biệt lên tới 50% nhưng thường dao động ở mức trên
dưới 1% [34].
Thiệt hại về năng suất lạc đã được ghi nhận cụ thể ở Malawi, Senegal, Sudan
v.v... Ở Ấn Độ, bệnh héo rũ gốc mốc đen là một trong những nhân tố quan trọng gây
nên năng suất thấp với tỷ lệ nhiễm khoảng từ 5 – 10%. Nếu nhiễm trong khoảng 50
ngày sau gieo sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng và có thể gây chết tới 40% số cây. Ở
Mỹ, bệnh héo rũ gốc mốc đen ngày càng trở nên quan trọng từ đầu những năm 1970
khi việc xử lý hạt bằng thuốc có chứa thuỷ ngân bị cấm và nó đã trở thành một vấn
để ở Florida đầu những năm 1980 [43] .
Theo Allen và Lenne (1998), bệnh héo rũ gốc mốc đen được phát hiện lần
đầu tiên tại Sumatra vào năm 1926, nhưng những mẫu bệnh gây biến dạng mầm
củ và biến màu vỏ lạc, hạt lạc của loại nấm này đã được tìm thấy từ những năm
1920. Theo Kokalis - Burelle (1997) [39], ở Châu Á, bệnh được công nhận đầu
tiên tại Andhara Pradesh năm 1980.
Nấm A. niger gây ra hiện tượng thối hạt, chết mầm và chết héo cây con
trong vòng 30 ngày sau trồng. Trên vết bệnh, sợi nấm và cành bào tử phân sinh
thường được quan sát thấy ở vùng cổ rễ và xuất hiện rất nhanh sau khi hạt nảy
mầm. Sợi nấm xâm nhập trực tiếp vào cổ rễ, đoạn thân ngầm sát mặt đất làm cho
biểu bì, vỏ thân bị nứt rạn, thâm đen, thối mục, làm cho cây bị héo rũ, chết khô.
A. niger tồn tại trong đất, trên hạt giống với tỷ lệ hạt bị nhiễm bệnh lên tới
90%. Nấm bệnh truyền qua đất và có khả năng phát triển mạnh trong điều kiện
biến động lớn của độ ẩm đất, chất lượng hạt giống kém và tỷ lệ sát thương cao.
Độc tố do nấm sản sinh gây ra ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây như rễ quăn
xoắn, biến dạng ngọn, thậm chí cả các axit béo tự do trong hạt cũng chứa độc tố
[36].
8
1.1.1.2. Bệnh héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium rolfsii)
S. rolfsii gây hại phổ biến ở các vùng trồng lạc trên thế giới. Thiệt hại về năng
suất do bệnh gây ra ước tính khoảng 25 - 80% . Ở vùng Georgia của Mỹ, tổn thất do
bệnh gây ra ước tính 43 triệu USD/năm (KoKalis-Burelle, 1997) [39].
Nấm Sclerotium rolfsii là một nấm đa thực, có phổ ký chủ rất rộng, chúng
có khả năng lây nhiễm trên 500 cây ký chủ thuộc nhóm cây một lá mầm và hai lá
mầm, đặc biệt trên những cây thuộc họ đậu đỗ, bầu bí và một số rau trồng luân
canh với cây họ đậu. Chúng có khả năng xâm nhiễm trực tiếp qua biểu bì hoặc
qua vết thương cơ giới.
Sclerotium rolfsii có sợi nấm màu trắng phát triển rất mạnh trên vết bệnh,
từ sợi nấm hình thành nên hạch nấm. Hạch nấm lúc đầu có màu trắng, về sau
chuyển thành màu nâu, có thể hình tròn đường kính 1-2 mm (Purseglove, 1968)
[40]. Hạch nấm có thể tồn tại từ năm này sang năm khác ở tầng đất mặt (Aycook,
1974). Nấm sử dụng chất hữu cơ làm dinh dưỡng, sản sinh ra axit oxalic và
enzyme phân huỷ mô ký chủ. Nấm này thuộc loại háo khí ưa ẩm và nhiệt độ cao
300C (McCarter, 1993). Nấm sản sinh một lượng lớn axit oxalic gây biến mầu
trên hạt lạc và gây ra những điểm chết hoại của lá ở giai đoạn đầu khi bệnh mới
phát triển.
Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ 25-300 C và ẩm độ cao. Bệnh
lan truyền qua đất, qua hạt giống. Sự phát sinh, phát triển của bệnh phụ thuộc vào
nhiều yếu tố. Sự tác động qua lại của các chất khoáng, độ pH đất và kỹ thuật trồng trọt
đều có ảnh hưởng đến sự phát sinh phát triển của bệnh [45].
1.1.1.3 Bệnh héo vàng do nấm Fusarium spp.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nấm Fusarium spp. đã được
công bố và có ý nghĩa lớn trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật Nấm
Fusarium spp. có mặt ở khắp các vùng trồng lạc trên thế giới. Có 17 loài nấm
Fusarium đã được phân lập từ đất trồng lạc, nhưng trong số 17 loại nấm đó chỉ có
6 loài gây bệnh cho cây lạc. (KoKalis – Bureller, 1997) [39].
9
Cây con bị bệnh sẽ bị ức chế sinh trưởng, chóp rễ bị hoá nâu, dẫn đến bị thối
khô do F. solani .Trên thân lạc, nấm Fusarium sp. xâm nhiễm làm cho cây non, rễ
và trụ dưới lá mầm bị biến mầu xám, mọng nước. Khi cây đã trưởng thành F.
oxysporum gây hiện tượng thối rễ làm cho cây héo từ từ hoặc héo rũ, lá cây chuyến
sang màu vàng hoặc xanh xám, đôi khi lá bị rụng trước khi chết, bó mạch và rễ bị
thâm nâu (Kokalis et al., 1997) [39].
Ở Libya, nấm F. solani và nấm F. scirpi đã được xác định là nguyên nhân
chính gây thối quả. Nấm Fusarium sp. gây ra triệu chứng thối quả, làm cho vỏ
quả xù xì, xấu xí, làm mất màu vỏ quả.. Tản nấm Fusarium sp. có màu trắng
kem, sợi nấm đa bào mảnh và xốp, có thể hình thành nhiều bào tử phân sinh khi
có mặt của giọt nước. Biện pháp phòng trừ bệnh héo vàng do nấm Fusarium sp.
chủ yếu là làm ải và luân canh cây trồng cho hiệu quả cao [48].
1.1.1.4. Bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani Kuhn)
Trong những năm gần đây, bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra tương
đối nguy hiểm đối với các vùng trồng lạc trên thế giới. Ở miền Nam nước Mỹ, lở
cổ rễ lạc đã trở thành một vấn đề cấp bách. Hàng năm ở Geogia (Mỹ) thiệt hại do
bệnh gây ra ước tính khoảng hơn 1 tỷ USD.
Rhizoctonia solani sản sinh ra một lượng lớn enzyme cellulilitic,
pectinolitic và các độc tố thực vật. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh thối hạt
làm chết cây con, thối lá mầm, thối rễ, thối tia củ và gây cháy lá lạc khi nấm này
xâm nhập vào cây.
Nấm Rhizoctonia solani cùng với Fusarium sp. gây ra bệnh chết vàng lạc, làm
cho cây con héo vàng từ từ, ở phần gốc thân biến mầu nâu và có thể làm cho lớp vỏ
thân cây hơi bị nứt.
Rhizoctonia solani là loài nấm đất, sản sinh ra nhiều hạch nấm trên mô
cây kí chủ, chúng tồn tại trong đất và nẩy mầm khi được kích thích bởi những
dịch rỉ ra từ cây chủ bị bệnh hoặc việc bổ sung chất hữu cơ vào trong đất. Ngoài
truyền bệnh qua đất và tàn dư cây trồng, R. solani còn có khả năng truyền
qua hạt giống. Theo những nghiên cứu ở Scotland, R. solani có khả năng truyền
10
qua hạt giống lạc với tỷ lệ 11%, còn ở Mỹ tỷ lệ này lên tới 30% (Kokalis N. et
al., 1997) [39]
1.1.2 Nghiên cứu thành phần bệnh trên lá
Trong nhóm bệnh này thì phổ biến nhất là bệnh đốm đen, đốm nâu và gỉ
sắt, v.v... gây hại phổ biến ở khắp các vùng trồng lạc trên thế giới. Khi nhiễm nhẹ
ít ảnh hưởng đến năng suất, tuy nhiên ở một số nơi bệnh nặng thiệt hại về năng
suất lên tới 50%.
1.1.2.1 Bệnh đốm nâu (Cercospora arachidicola Hori)
Bệnh đốm nâu hay còn gọi là bệnh đốm lá sớm, chủ yếu gây hại trên lá,
nếu bệnh nặng có thể lan xuống cuống lá, cành và thân. Vết bệnh có dạng gần
tròn, đường kính 1- 10mm, có màu nâu tối, xung quanh vết bệnh có quầng vàng,
trên bề mặt lá, nơi bào tử được sinh ra nhiều nhất thường có màu nâu sáng ở dưới
[45]
Giai đoạn sinh sản vô tính của nấm Cercospora arachidicola có cành bào
tử phân sinh đâm thẳng, đa bào có 4-14 vách ngăn ngang, không màu. Giai đoạn
sinh sản hữu tính có tên Mycospharella arachidis Deighton tạo quả thể bầu mầu
đen.
Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu trên tàn dư cây bệnh, nằm trong đất, đôi khi
bào tử túi, bào tử hậu và sợi nấm cũng là nguồn xâm nhiễm. Trong quá trình xâm
nhiễm và gây hại, nấm C.arachidicola còn sản sinh ra độc tố Cercosporin ức chế
sự hoạt động của lá và gây hiện tượng rụng lá sớm Bào tử phân sinh có thể lan
truyền nhờ gió, mưa. Nhiệt độ nấm hình thành bào tử là 25-31 oC[48] .
1.1.2.2 Bệnh đốm đen (Cercospora personata Berk & Curtis)
Bệnh xuất hiện muộn và tương đối giống với triệu chứng của bệnh đốm
nâu nên còn được gọi là bệnh đốm lá muộn. Bệnh phổ biến ở tất cả các vùng
trồng lạc trên thế giới, có mức nguy hiểm hơn với bệnh đốm nâu, năng suất thất
thu thường lên tới 50% [36].
Năm 1985, Ellis và Everhad khi kiểm tra mẫu bệnh ở Alabama và Nam
Carolina đã có kết luận rằng nấm bệnh thuộc loại Cercospora sp. và đặt tên là
11
Cercospora personatum. Hiện nay, tên nấm này được đổi thành Cercospora
personata [45].
Ở Ấn độ, bệnh đốm đen đã gây tổn thất về năng suất từ 20 - 70% tuỳ theo
từng vùng và từng thời vụ gieo trồng (Sharief, 1972), ở Thái Lan năng suất giảm
27 - 85% (Schiller, 1978), ở Trung Quốc thiệt hại là 15 - 59% (Ehouliang, 1987)
[48].
Bệnh đốm đen có thể gây hại ở tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây lạc
như thân, cành nhưng lá là bộ phận bị hại nặng nhất. Vết bệnh đốm đen xung
quanh không có quầng vàng, bào tử phân sinh hình thành ở mặt dưới lá. Nấm
cũng sản sinh ra độc tố Cercosporin làm chậm sự hoạt động của lá gây và gây ra
hiện tượng rụng lá sớm.Trong giai đoạn sinh sản hữu tính, nấm cũng tạo quả thể
bầu.Đây cũng chính là dạng bảo tồn qua đông của nấm trong đất và tàn sư cây
bệnh trên đồng ruộng.
Bào tử nấm C. arachidicola giải phóng ra ở nhiệt độ 20-24 oC, độ ẩm
tương đối cao, trên 90%. Khi nhiệt độ trên 19 oC và độ ẩm trung bình đạt 95%
dịch bệnh phát sinh trong thời gian dài. Bào tử nảy mầm hình thành ống mầm đi
vào khí khổng mở hoặc xuyên qua lớp biểu bì lá. Ở điều kiện không thuận lợi vết
bệnh có thể phát triển trong vòng 6-8 ngày. Nấm Cercospora personata sinh vòi
hút dạng chùm nhưng C. arachidocola không sinh vòi hút. Cao điểm của bệnh
đốm đen xuất hiện khi nhiệt độ khoảng 20oC và độ ẩm tương đối trên 93% cho
tới trên 12h. Cây dễ bị nhiễm bệnh ở nhiệt độ 28oC Bệnh đốm lá lạc phát sinh,
phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ tương đối cao, trời ẩm ướt, vào cuối giai
đoạn sinh trưởng của cây lạc.
Nguồn bệnh có thể tồn tại từ mùa này sang mùa khác trên các cây lạc dại
hoặc lạc trồng. Bệnh có thể lan truyền qua tàn dư thực vật đã bị nhiễm hoặc do di
chuyển qua hạt bị nhiễm bào tử.
2.1.2.3 Bệnh gỉ sắt Puccinia arachidis Speg
Bệnh gỉ sắt là một trong những bệnh hại lá nguy hiểm và phổ biến ở nhiều
12
nước trồng lạc trên thế giới. Bệnh do nấm Puccinia arachidis gây ra. Bệnh có thể gây
thiệt hại đến 50% năng suất, khi có sự kết hợp gây hại của bệnh đốm đen thì thiệt hại
về năng suất có thể lên đến 70%, có khi mất trắng (Kokalis N. et al, 1997) [39].
Nấm bệnh gây hại làm giảm chất lượng, kích thước hạt (Anthur, 1929) và
làm giảm hàm lượng dầu trong hạt (Castcellani, 1959). Nấm gây hại trên tất cả
các bộ phận trên mặt đất của cây, trừ hoa. Vết bệnh trên lá là những ổ nổi màu
vàng nâu, màu rỉ sắt, xung quanh có quầng nhạt [33].
Bào tử nảy mầm tốt nhất ở điều kiện nhiệt độ và ẩm độ: 29 - 31 0C, 75 78%. Nấm Puccinia arachidis không qua đông trên tàn dư cây trồng.
Bệnh thường gây chết hoại và làm lá khô đi mà không rụng xuống. Tuy
nhiên, những lá bệnh như vậy cũng coi như bị rụng bởi nó không còn tác dụng
cho cây nữa [33].
2.1.3Những nghiên cứu về biện pháp sinh học phòng trừ nấm gây hại
Biện pháp sinh học là công cụ bảo vệ cây trồng đầy tiềm năng cho hiện tại
và tương lai. Sử dụng các sinh vật đối kháng là một trong những hướng chính
của biện pháp sinh học trừ bệnh hại cây trồng.
Biện pháp sinh học là nhân tố chính của hệ thống các biện pháp trong phòng
trừ tổng hợp dịch hại cây trồng nông nghiệp (IPM). Đây là biện pháp có từ lâu
đời và ngày nay nó được coi là một trong những biện pháp hiệu quả bền vững
trong phòng trừ dịch hại cây trồng.
Trong tự nhiên, hiện tượng đối kháng nhau rất phổ biến ở các vi sinh vật
đất. Vi sinh vật đối kháng là nhóm vi sinh vật quan trọng của hệ vi sinh vật đất.
Chúng là những yếu tố sinh học quyết định hình thành và phát triển của hệ vi
sinh vật ở trong đất vùng rễ cây. Vi sinh vật đối kháng với vi sinh vật gây bệnh
cây gồm nhiều nhóm khác nhau: virus đối kháng, vi khuẩn đối kháng, nấm đối
kháng như Trichoderma sp. Ngoài ra, một số nước trên thế giới hiện nay mới
phát hiện ra phòng trừ bệnh bằng chiết xuất từ thực vật bước đầu đã mang lại
hiệu quả rõ rệt [44].
13
2.1.3.1 Nấm Trichoderma sp
Các loài nấm Trichoderma là những thành viên phổ biến trong hệ sinh vật
đất, phụ thuộc vào từng vùng phân bố, điều kiện khí hậu... Nhóm nấm
Trichoderma sp. được chú ý nghiên cứu rộng rãi ở rất nhiều nước trên thế giới
nhằm sử dụng chúng trong phòng trừ một số nấm gây bệnh hại cây trồng.
Nấm Trichoderma sp. là nấm hoại sinh, nhưng chúng có khả năng ký
sinh trên nấm khác. Rất nhiều nghiên cứu về vi sinh vật đất đã cho thấy nấm
Trichoderma sp. là một trong những nhóm đứng đầu của vi sinh vật trong đất
có tính đối kháng và được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Việc
nghiên cứu tính đối kháng, đặc biệt là tác động chọn lọc của những chất đặc
trưng do nấm Trichoderma sp. tiết ra được nhiều nhà khoa học quan tâm và tiến
hành nghiên cứu nhằm giải thích cơ chế tác động của nhóm nấm này đối với
các sinh vật gây bệnh cho cây và sử dụng chúng trong phòng chống bệnh hại
cây trồng .
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng T. viride là loài nấm hoại sinh trong đất,
trong quá trình sống nó sản sinh ra các chất kháng sinh làm ức chế, kìm hãm và
tiêu diệt một số loài nấm gây bệnh tồn tại trong đất. Bên cạnh đó, T. viride còn
đóng vai trò là phân vi sinh có tác dụng kích thích sự sinh trưởng và phát triển
của cây trồng như: tăng tỷ lệ nẩy mầm, chiều dài thân, diện tích lá, và tăng trọng
lượng chất khô.
Theo Seiketov (1982), những dẫn liệu nghiên cứu đầu tiên về tác động đối
kháng của nấm Trichoderma được R.Falk công bố từ năm 1931. Tác giả nhận thấy
khi cây gỗ được xử lý bằng nấm T. viride thì không bị các nấm Merulius
lachrymars và Coniophora puteana phá hoại.
Kết quả nghiên cứu của Muthamilan, M và Jayarajan (1996) cũng cho
thấy Trichoderma harzianum và Rhizobium carbendazim có khả năng kiểm
soát nấm Sclerotium rolfsii đồng thời còn làm tăng khả năng sinh trưởng của lạc,
không ảnh hưởng tới sự nảy mầm của cây lạc
Kết quả nghiên cứu củaStephen A.Ferreira, Extension Plant Pathologist
14
Stephen A.Ferreira và Rebecca A.Boley, Educational Specialist Rebecca A.
Boley, các loại nấm Trichoderma harzianum,T. viride, Bacillus subtilis,
Penicillium sp. và Gliocladium virens cũng có khả năng kiểm soát các loại nấm
gây bệnh héo rũ ở trên cây lạc. Ngoài ra còn có nhiều các nghiên cứu khác như
Peeples, Curl và Rodriguez – Kabana (1976) cũng cho thấy Trichoderma viride
có khả năng kiểm soát Sclerotium rolfsii .
Theo Dunin (1979), ở Liên Xô sử dụng chế phẩm Trichodermin (từ nấm
Trichoderma lignorum) trên bông làm giảm 15 - 20% bệnh héo do nấm
Verticillium và làm tăng năng suất lên 3 - 9 tạ bông/ha. Sử dụng chế phẩm
Trichodermin làm giảm 2.5 - 3 lần bệnh thối rễ cây con thuốc lá và rau màu. Liên
Xô có 4 chế phẩm T. viride khác nhau do phương pháp nhân nuôi nấm
Trichoderma, chế phẩm Trichodermin ở Liên Bang Nga được sử dụng trên diện
tích 3000 ha (Filippov, 1987) [44]
Nấm Trichoderma có khả năng phòng trừ bệnh nhờ có 4 cơ chế tác động
sau:
* Cơ chế kí sinh (Mycoparasitism)
Hiện tượng ký sinh của nấm Trichoderma trên nhóm gây bệnh cây được
R.Weindling mô tả từ năm 1932. Weindling gọi đó là hiện tượng “Giao thoa sợi
nấm”.
Trước tiên, sợi nấm Trichoderma vây xung quanh sợi nấm gây bệnh cây,
sau đó các sợi nấm Trichoderma thắt chặt lấy các sợi nấm gây bệnh, cuối cùng
mới thấy nấm Trichoderma xuyên qua sợi nấm gây bệnh làm thủng màng ngoài
của nấm gây bệnh, gây nên sự phân huỷ các chất nguyên sinh trong sợi nấm gây
bệnh cây.
Những nghiên cứu chi tiết gần đây bằng kính hiển vi điện tử về vùng
“Giao thoa sợi nấm” cho thấy cơ chế chính của hiện tượng kí sinh ở nấm
Trichoderma trên nấm gây bệnh cây là sự xoắn của sợi nấm Trichoderma
quanh sợi nấm vật chủ, sau đó xảy ra hiện tượng thuỷ phân thành sợi nấm vật
chủ, nhờ đó mà sợi nấm Trichoderma xâm nhập vào bên trong sợi nấm vật chủ.
15
Chúng phát triển mạnh ở bên trong sợi nấm vật chủ, điều này dẫn đến hiện tượng
chất nguyên sinh ở sợi nấm vật chủ bị phá rối từng phần hoặc hoàn toàn, cuối cùng,
nguyên sinh chất bị mất đi và sợi nấm vật chủ phá vỡ, giải phóng các sợi nấm đang
sinh sản của nấm Trichoderma.
Những sợi nấm chính của nấm vật chủ bị đánh thủng thành lỗ ở nhiều chỗ,
đó là hiện tượng tan rã kitin vùng xung quanh nơi xâm nhập của nấm
Trichoderma (Dubey,1995).
* Cơ chế kháng sinh (antibiotic)
Nấm Trichoderma có khả năng sinh ra một số chất kháng sinh, khả năng
sinh ra chất kháng sinh của các loài, chủng, các dạng sinh thái của nấm
Trichoderma không giống nhau.
- Gliotoxin: là chất kháng sinh được Rweindling và O.Emerson mô tả năm
1936 do nấm Trichodermal lignorum tạo thành. Chất Gliotoxin có phổ tác động
rộng lên nhiều vi sinh vật: vi khuẩn (Mycobacterium tuberculosum,
Staphylococcus aureus,,..), nấm (Ascochyta pisi, Rhizoctonia solani).
Chất Gliotoxin gây tác động độc không chỉ với các nấm khác mà còn độc
ngay cả với nấm Trichoderma (nhưng liều lượng gây chết Trichoderma rất cao,
gấp 40 lần so với nấm Rhizoctonia).
- Viridin: Là chất kháng sinh thứ 2 do nấm Trichoderma tạo thành trong
hoạt động sống của chúng, chất kháng sinh này được Brian Hemming phát hiện
vào năm 1945. Viridin độc hơn nhiều so với Gliotoxin và có hoạt tính chống
nấm cao, với lượng 0,003 – 0,006 mg/ml hoàn toàn kìm hãm sự phát triển của
nấm Fusarium, Collectotrichum,….Ngoài ra đã xác định một số chất kháng sinh
khác do nấm Trichoderma sinh ra như: chất kháng sinh U- 21693 được Meyer
phát hiện năm 1996 do chủng UC - 4785 (loài T. viride) sinh ra.
* Cơ chế tác động của men (enzyme)
Nhiều loài Trichoderma có khả năng sản sinh ra men phân giải (như men
Laminarinaza, Chitinaza,…) (Score et al., 1994).
Khi phát triển ở trên thành tế bào nấm vật chủ thì nấm Trichoderma có thể tiết
16
ra những loại men gây suy biến thành tế bào nấm gây bệnh cho cây như men β(1-3)
glucanase và chitinase (Chet et al., 1981; Jones and Watson, 1969).
* Cơ chế cạnh tranh
Nấm Trichoderma có thể biểu hiện tính đối kháng thông qua việc cạnh
tranh với nấm gây bệnh cây về dinh dưỡng, nơi cư trú. Nấm Trichoderma thường
định cư trước so với nấm gây bệnh cây.
Sử dụng nấm đối kháng trong công tác bảo vệ thực vật là một trong những
biện pháp sinh học mang tính khả thi cao.
2.1.3.2 Chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cây từ dịch chiết thực vật
Năm 1957, ở Hà Lan lần đầu tiên người ta phát hiện ra hoạt động đối kháng
của cây cúc vạn thọ đối với tuyến trùng gây tổn thương rễ hại cây trồng.
Ở Nhật Bản, qua nhiều thử nghiệm ứng dụng cây cúc vạn thọ trong phòng
trừ tuyến trùng hại rễ cây trồng đều cho kết quả tốt. Đây được coi như là một
biện pháp phòng trừ tuyến trùng lý tưởng trong sản xuất nông nghiệp bền vững
và được áp dụng như một thói quen ở nhiều vùng sản xuất rau của Nhật Bản
[35].
Một số loại cây khác như yến mạch, cỏ guinea,... cũng được sử dụng để
trừ tuyến trùng gây tổn thương rễ và tuyến trùng nốt sần nhờ tính đối kháng của
chúng.
Nhóm tác giả của trường Đại học Kampus Bukin Jimbaran - Indonesia đã
phát hiện ra rễ gừng và lá đu đủ có tác dụng hạn chế sự phát triển của nấm
Ceratocystis sp. gây thối quả vào năm 2001. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng
sự phát triển của nấm Ceratocystis sp. trên môi trường PDA (Potato dextrose
agar) có bổ sung 5% dịch chiết thô sẽ giảm 92,5% (đối với dịch chiết là rễ gừng),
giảm 73,3% (đối với dịch chiết là lá đu đủ). Sự phát triển của nấm Ceratocystis
sp. cũng bị giảm rõ ràng khi ta cấy dịch chiết trên vào thịt quả trước sự xuất hiện
của nấm. Điều này đã làm tăng thời hạn sử dụng của quả lên rất nhiều kể cả
trong điều kiện tự nhiên và điều kiện nhân tạo (Dewa N.S. et al., 2001) [35].
Năm 2001 – 2002, Viện Nghiên cứu bệnh hại hạt giống ở Đan Mạch đã có một số
17
kết quả nghiên cứu sử dụng tinh dầu thực vật để xử lý hạt giống cho kết quả tốt.
* Chiết xuất từ củ tỏi:
Fitonxit là chất đề kháng do cây trồng sản sinh ra có tác dụng tiêu diệt vi
sinh vật gây bệnh. Các chất fitonxit được nghiên cứu ứng dụng là củ hành, tỏi,
rau ngải. Trước đây đã dùng nước hành, tỏi để xử lý hạt giống ngô, cà chua có
tác dụng diệt nấm, vi khuẩn nên tỷ lệ phát bệnh từ hạt giống giảm đi rất nhiều.
Năm 1858, nhà bác học Pháp Louis Pasteur đã chứng minh được công
dụng diệt vi khuẩn của tỏi.
Trong tép tỏi tươi, các hợp chất sulfur là quan trọng nhất, có tỷ lệ cao nhất
trong các loại rau quả (3,2%). Khi tép tỏi còn nguyên, allin (một hợp chất sulfur)
và men allinase có lượng tương đương nhau. Khi giã nát củ tỏi, một phản ứng
cực mạnh, tức thì giữa alliin và allinase sản sinh ra Allicin là một chất không
bền, khi tiếp xúc với không khí sẽ được chuyển hóa thành diallyl disulfide,
vinydithiin, afoene là những chất có khả năng diệt khuẩn, nấm, v.v...
Năm 1944, nhà hóa học Chester J. Cavallito đã phân tích được hóa chất
chính trong tỏi có công dụng như thuốc kháng sinh. Đó là chất Allicin, chỉ có
trong tỏi chưa nấu hay chế hóa. Kháng sinh này mạnh bằng 1/5 thuốc Penicilin
và 1/10 thuốc Tetracycline, có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn, xua đuổi hoặc
tiêu diệt nhiều sâu bọ, ký sinh trùng, nấm độc và vài loại siêu vi trùng. Theo
nhiều nghiên cứu, Allicin có tác dụng ức chế sinh trưởng vi khuẩn nhiều hơn là
tiêu diệt chúng. Nói một cách khác, chất này không giết vi khuẩn đã có sẵn mà
ngăn chặn sự sinh sôi, tăng trưởng và như vậy có thể ngừa bệnh, nâng cao tính
miễn dịch, làm bệnh mau lành [44].
Nghiên cứu tại Brazil năm 1982 đã chứng minh rằng nước tinh chất của
tỏi có thể chữa được nhiều bệnh nhiễm độc bao tử, do thức ăn có lẫn vi khuẩn,
nhất là loại Salmonella. Các nghiên cứu tại Đại Học California ở Davis cũng đưa
đến kết luận tương tự. Ngoài ra, tỏi cũng được dùng rất công hiệu để trị bệnh sán
lãi, giun kim, các bệnh nấm ngoài da. Một nhà nghiên cứu đã hào hứng tuyên bố
rằng “Tỏi có tác dụng rộng rãi hơn bất cứ loại kháng sinh nào hiện có. Nó có thể
18
diệt vi trùng, nấm độc, siêu vi trùng, ký sinh trùng lại rẻ tiền hơn, an toàn hơn vì
không có tác dụng phụ và không gây ra quen thuốc ở vi trùng”. Giáo sư Arthur
Vitaaen, đoạt giải Nobel, cũng đồng ý như vậy. Do đó ta không lấy làm lạ là
trong thế chiến thứ nhất, các bác sĩ Anh quốc đã dùng tỏi để chữa vết thương
độc. Thực tế ra, tỏi được dùng với những nhiễm độc nhẹ, không nguy hiểm tới
tính mạng chứ nhiễm trùng cấp tính mà lại trầm trọng thì kháng sinh vẫn công
hiệu hơn và tác dụng mau hơn. Tuy vậy, những tác dụng của nó là vô cùng to lớn
[44].
2.2
Tình hình nghiên cứu trong nước
2.2.1 Thành phần bệnh hại hạt giống lạc
Tập đoàn bệnh hại lạc ở Việt Nam khá phong phú với khoảng hơn 30 loại
bệnh với mức độ gây hại khác nhau, trong đó có khoảng 10 bệnh được xác định
là phổ biến như: Bệnh héo xanh vi khuẩn, đốm đen, gỉ sắt, đốm nâu, thối đen, lở
cổ rễ, thối thân trắng, mốc xám, mốc vàng, thối quả (Nguyễn Văn Viết, 2002).
Trong các bệnh đó phải kể đến Bệnh héo rũ gốc mốc trắng do nấm Sclerotium rolfsii
Sacc, bệnh lỡ cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani, bệnh héo gốc mốc đen do nấm
Aspergillus niger là các loại nấm có nguồn gốc trong đất gây ra và gây hại đáng kể
và nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về bệnh hại lạc chủ yếu tập trung bệnh hại
trên đồng ruộng và sự ảnh hưởng của thời tiết, phân bón và chế độ luân canh đến
mức độ gây hại của các nhóm bệnh trên đồng ruộng và đi sâu nghiên cứu các
biện pháp phòng trừ chúng. Nhưng bên cạnh đó, một nguồn bệnh luôn tiềm ẩn
trong hạt giống lạc trong tập đoàn hạt giống lạc thì chưa được nghiên cứu
nhiều.Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng các giống lạc khác nhau có tỷ lệ các
bệnh hại khác nhau khi cùng một điều kiện sống, tùy vào từng loại giống mà sức
đề kháng và chống chịu khác nhau, nhưng bên cạnh đó còn có một nguyên nhân
nữa là bệnh hại từ hạt giống của các giống trong tập đoàn cũng ảnh hưởng không
nhỏ.
Có sự liên quan chặt chẽ giữa nấm bệnh với những hư hại của hạt lạc
19
trong quá trình củ già, phơi khô hoặc cất giữ. Khi phơi khô trong điều kiện tự
nhiên, nếu độ ẩm không khí cao hoặc gặp mưa vào thời gian đó, củ lạc và hạt lạc
bị ẩm trong thời gian dài thuận lợi cho sự phát triển của nấm bệnh. Thường gặp
trên củ và hạt giống là những loại nấm Aspergillus sp. (Aspergillus niger,
Aspergillus
flavus,
Aspergillus
nidulans…),
Macrophomina
phaseoline,
Trichothecium sp., Fusarium sp., Sclerotium sp., Botryodiphodia sp., Rhizopus sp.,
Trichoderma sp, v.v...[48].
Hạt lạc còn nằm trong đất hoặc đang được phơi sấy đều có thể bị nấm xâm
nhiễm vào khoảng giữa 2 lá mầm và gây ra những vết bệnh ở mặt trong lá mầm.
Những loài nấm hại trên hạt nếu gặp điều kiện thuận lợi chúng còn làm giảm axit béo
tự do trong thành phần dầu và gây mất sức nảy mầm của hạt.
Những nghiên cứu về bệnh hại hạt giống và khả năng truyền lan của
chúng ở nước ta hiện nay còn rất ít, một số nghiên cứu đi sâu về bệnh nấm trên
hạt giống lạc nhưng chỉ mới tập trung vào một số loài có khả năng gây nguy
hiểm cả cho người, động vật.
Kết quả nghiên cứu của Lê Cao Nguyên (năm 2000) đã thong báo có 10
bệnh do nấm gây hại trên lạc ở Việt Nam có triệu chứng bệnh héo gồm: Thối gốc
mốc đen (A .niger), thối gốc mốc trắng (S. phaseoli), thối nâu rễ (Fusarium sp.),
thối đen (Pythium spp.), thối rễ (M. phaselina), héo xanh vi khuẩn
(Pseudomonas solanaearum), khô thân (Diplodia), héo cây (Verticicum dahiae),
mốc vàng (A. flavus) và bệnh lở cổ rễ (R. solani). Các bệnh hại này cũng giống
như kết quả của Nguyễn Thị Ly và cộng sự thông báo vào năm 1996 và đây là
các nguyên nhân gây bệnh chết héo cây hại lạc ở một số địa phương trong đó có
Nghệ An.
Theo kết quả nghiên cứu của Lê Như Cương (2004) [3], tại một số vùng
sinh thái ở tỉnh Thừa Thiên Huế có 6 loại bệnh héo rũ lạc là: Lở cổ rễ (R. solani),
Thối gốc mốc đen (A. niger), héo rũ gốc mốc trắng (S. rolfsii), héo rũ vàng
(Fusarium sp.), héo rũ tái xanh (Ralstonia. solanaearum), héo do tuyến trùng
(Meloidogyne sp.). Tại Việt Nam, hiện nay đã tìm thấy 4 loài Fusarium gây bệnh
20
cho lạc là: F. oxysporum, F. solani, F. roseum và F. tricinetum (Nguyễn Kim
Vân và cộng sự, 2001) [28].
Theo Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Thị Xuyến (1991) [10], trong những
năm qua, tại Việt Nam bệnh héo xanh được nghiên cứu một cách có hệ thống
nhưng những nghiên cứu về bệnh héo do A. niger, S. rolfsii gây ra chỉ mới dừng
ở việc thông báo các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, chứ chưa đi vào việc
khảo sát các biện pháp phòng trừ.
Theo kết quả nghiên cứu của Ngô Bích Hảo về bệnh hại lạc cho biết nấm
A. niger lây nhiễm trên nhiều hạt giống như: Đậu đỗ, lạc, ngô, với tỷ lệ hạt bị
nhiễm tới trên 30% [8]. Theo tác giả Nguyễn Thị Ly (1993) [17] đã xác định có
khoảng 30 – 85% số mẫu lạc kiểm tra có khả năng sản sinh độc tố Aflatoxin do
nấm A. flavus gây ra.
Nhiều kết quả nghiên cứu trong nước gần đây cho thấy: Aspegillus flavus
thường tấn công vào lạc từ khi còn trên đồng ruộng. Ngay sau khi thu hoạch đã
có tới hơn 66% mẫu thu thập bị nhiễm bệnh. Trong đó, lạc thu hoạch vụ đông
xuân nhiễm bệnh nặng hơn lạc thu và lạc thu hoạch muộn có tỷ lệ bệnh cao hơn
lạc thu hoạch sớm [3].
Theo Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Thị Xuyến (1991) [10], trong những
năm qua, tại Việt Nam bệnh héo xanh được nghiên cứu một cách có hệ thống
nhưng những nghiên cứu về bệnh héo do A. niger, S. rolfsii gây ra mới chỉ dừng
lại ở việc thông báo triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, chứ chưa đi vào việc
khảo sát các biện pháp phòng trừ.
Nấm A. niger hại lạc gây ra bệnh thối đen cổ rễ, là một trong 3 tác nhân
gây bệnh héo rũ chết cây rất phổ biến và có tác hại nghiêm trọng ở những vùng
trồng lạc (Đỗ Tấn Dũng, 2001) [6].
Nhóm các loài nấm Aspergillus spp. còn là một trong những loài nấm gây
viêm xoang mũi ở người. Trên lạc sau thu hoạch, trong những điều kiện nhất định một
số loài nấm như Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus có khả năng sản sinh độc
tố rất độc cho người và gia súc, gia cầm. Đặc biệt, độ tố aflatoxin do A.flavus sản sinh
21
là một trong những chất gây ung thư ở người. Những độc tố này không tan trong dầu,
chúng nằm lại trong khô dầu. Nếu dùng khô dầu này làm thức ăn cho gia súc thì tuỳ
lượng mà gia súc có thẻ ngộ độc, chậm phát triển, thậm chí có thể chết (Đặng Trần
Phú và cộng sự, 1977) [23].
Theo Lê Lương Tề (1977) ở nước ta bệnh héo rũ chết cây chủ yếu do:
Pseudomonas solanaccarum, Sclerotium rolfsii, Macrophomina phaseolina,
Aspergillus niger. Ngoài ra còn có các hiện tượng thối rũ, thối gốc do
Rhizoctonia solani và Fusarium oxysporum [46].
Kết quả của Ngô Bích Hảo [8] về bệnh hại hạt cho biết trong một số loại hạt
giống như ngô, lạc, đậu đỗ thì tỷ lệ hạt giống lạc nhiễm A.flavus là cao nhất với
30,12%. Trong khi, tác giả Nguyễn Thị Ly (1993) [17] đã xác định có khoảng 33% 85% số mẫu lạc kiểm tra có khả năng sinh độc tố aflatoxin.
Kết quả giám định bệnh hại hạt giống nhập nội sau nhập khẩu có có tới 100%
số mẫu hạt giống kiểm tra nhiễm Aspergillus spp. Sự có mặt của các loài nấm
Aspergillus spp. trên hạt làm giảm chất lượng hạt giống, gây thối hạt khi gieo trồng và
gây bệnh cho cây con. Khi mức nhiễm thấp dưới 5%, tỷ lệ nảy mầm của hạt đạt tới
91,2%. Ngược lại, khi mức nhiễm lớn hơn 20% tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt 69,8%, tỷ lệ hạt
thối, hạt cứng và tỷ lệ mầm bất bình thường tăng, tỷ lệ cây khỏe giảm. Đặc biệt, khi
quan sát trên các mẫu hạt giống trước khi ủ không thấy sự khác nhau giữa hạt giống
khoẻ và hạt giống nhiễm bệnh [8].
Năm 1965, ở hợp tác xã Kiều Thượng - Nam Đàn - Nghệ An và một số
vùng khác, lạc chết héo làm giảm 70% năng suất. Ở vùng trung du Bắc bộ, bệnh
khá phổ biến nhưng tỷ lệ héo và gây chết thường ít hơn khoảng 10% (Lê Lương
Tề, 1967) [46].
Còn S. rolfsii hại phổ biến là nguyên nhân làm giảm năng suất lạc ở Đông
Nam Bộ, tỷ lệ bệnh 8 - 10%. Ở miền Bắc Việt Nam, trên những ruộng cục bộ tỷ
lệ bệnh có thể lên tới 20 - 25% (Nguyễn Thị Ly, 1996) [18].
S. rolfsii gây hại trên lạc vụ thu mạnh hơn lạc vụ xuân do thời tiết thuận lợi
cho nấm phát triển, bệnh xuất hiện vào thời kỳ cây lạc chớm ra hoa đến thời kỳ đâm
22
tia tỷ lệ bệnh cao hơn hẳn so với vụ xuân. Các giống lạc có thời gian sinh trưởng
ngắn, khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh tốt, thế cây đứng, tán gọn, lá nhỏ,
kháng cao với bệnh héo rũ gốc mốc trắng thì tỷ lệ nhiễm bệnh cũng giảm hẳn so với
các giống có thời gian sinh truởng dài [8].
Nghiên cứu của Nguyễn Xuân Hồng và CTV (1998) [10] đã xác nhận nhóm
bệnh hại lá bao gồm đốm đen, đốm nâu, gỉ sắt là nhóm bệnh hại phổ biến ở nước ta.
Thiệt hại do bệnh gây ra lớn hơn 40% năng suất, hầu hết các giống đang trồng ở
miền Bắc đều có khả năng nhiễm bệnh.
2.2.2 Những nghiên cứu về biện pháp phòng trừ bệnh hại lạc ở Việt Nam
Trong những năm gân đây, diễn biến thời tiết thất thường, các giống lạc
nhập nội ngày càng nhiều, đồng thời việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc trừ bệnh
đã làm cho bệnh hại lạc ngày càng gia tăng và đã gây hại rất phổ biến ở nhiều
vùng trong cả nước. Song song với việc nhập nội các giống lạc và để hạn chế tác
hại của bệnh gây ra thì đã có nhiều biện pháp phòng trừ được nghiên cứu và công
bố.
Trong những biện pháp được các nhà khoa học đưa ra thì biện pháp hoá
học vẫn được người dân sử dụng nhiều nhất do chi phí thấp, giá thành rẻ và tiện
lợi hơn trong việc sử dụng cũng như hiệu quả về mặt tức thì.
Đối với bệnh đốm lá, dùng thuốc Anvil 5 - 10EC, Carbenzim 50 WP, Tilsuper 300 ND,… để phun trừ .
Bệnh héo rũ do vi khuẩn chưa có thuốc đặc trị nên biện pháp hạn chế thiệt
hại và tránh lây lan bằng cách phun hoặc rắc 2 - 3 gói Penac P khi làm đất. Dùng
Staner 20 WP hoặc Kasugamycin 5% BTN, Kasuran 5% BTN kịp thời khi bệnh
chớm xuất hiện.
Đối với bệnh thối gốc thân lạc thì lần đầu được ghi nhận và nghiên cứu
trên lạc tại nước ta. Công tác phòng trừ bệnh chết cây thường gặp khó khăn do
nấm gây bệnh xâm nhập vào bộ phận nằm dưới mặt đất như rễ, quả, tia quả,... Xử
lý hạt giống bằng thuốc hoá học là biện pháp rất hiệu quả và kinh tế với nhóm
bệnh chết cây lạc. Các thuốc sử dụng trong nghiên cứu là Rovral 750WG
23
(Iprodione); Vicarben 50WP (Carbendazime); Topsin M 70WP (Thiophanatemetyl) và Viben C 50 WP (Benomyl). Kết quả nghiên cứu đã cho thấy biện pháp
xử lý hạt có tác dụng rõ rệt trong tăng tỷ lệ nẩy mầm, hạn chế sự xuất hiện của
nấm ký sinh trên hạt, đồng thời bảo vệ hạt từ nguồn bệnh bên ngoài, từ đó làm
tăng tỷ lệ mọc trên đồng ruộng và làm giảm tỷ lệ bệnh chết cây con (kết quả rõ
nhất với bệnh thối đen cổ rễ).
Với các bệnh đốm nâu do nấm Cercospora arachidicola gây ra, bệnh đốm
đen do nấm Cercospora personata gây ra thì có thể sử dụng các loại thuốc trừ
nấm như Opus 75 EC, Carbenda 50 SC, Basvitin 50 FL pha 10 - 15ml/bình 8 lít;
Polyram 80 DF, Manozeb 80 WP, dithane xanh M 45 - 80 WP: pha 30 g/bình 8
lít; Sumi Eight 12,5 WP: pha 3 - 5 g/bình 8 lít phun kỹ trên tán và cả phần gốc
khi có triệu chứng bệnh.
Một trong những tồn tại lớn của sản xuất nông nghiệp đang được quan tâm
hiện nay là việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc hóa
học. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ đi ngược lại mục tiêu xây dựng một nền
nông nghiệp bền vững và an toàn mà chúng ta đang nỗ lực tiến tới.
Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học
để phòng chống dịch hại, trong đó có chế phẩm sinh học để trừ bệnh hại cây
trồng. Nhưng ở Việt Nam thì để khắc phục những mặt trái của thuốc hoá học gây
ra và hướng tới một nền nông nghiệp sạch và bền vững thì biện pháp sinh học đã
bắt đầu được các nhà khoa học nghiên cứu. Biện pháp này đòi hỏi cần có sự hiểu
biết về các đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài côn trùng, các loài nấm, vi
sinh vật có ích, các loại cây trồng có khả năng úc chế sự phát triển của sâu bệnh
hại những nghiên cứu về biện pháp sinh học phòng trừ bệnh hại cây trồng ở nước
ta còn ít được quan tâm. Các nghiên cứu bước đầu đã có những hiệu quả nhất
định và được người dân chấp nhận. Hiện nay đã có một số chế phẩm được bán
trên thị trường có khả năng phòng trừ nấm bệnh như: Vi-ĐK, nhóm nấm đối
kháng Trichoderma và một số chế phẩm khác.
Vi-ĐK là chế phẩm sinh học có tác dụng đối kháng với các nấm bệnh có
24
trong đất như: Fusarium sp, Rhizoctonia solani, Sclerotium rolfsii, Phytophthora
palmivora, Pythium sp.
Chế phẩm Vi-ĐK đối kháng với các nấm bệnh bằng cách ký sinh trên nấm
bệnh, cạnh tranh thức ăn, sản sinh ra các chất kháng sinh và enzyme tiêu diệt,
ngăn cản sự xâm nhập của nấm bệnh, bảo vệ tốt bộ rễ, phòng trừ được các bệnh
chết rụi và héo rũ cây.
Cho đến nay, tác nhân sinh học trừ bệnh hại nghiên cứu nhiều hơn cả là
nhóm nấm đối kháng Trichoderma và sử dụng dịch chiết từ thực vật (tỏi, sả
gừng...) là một hướng mới đầy triển vọng [48]
* Chế phẩm từ dịch chiết thực vật
Đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc
thảo mộc trong phòng trừ dịch hại cây trồng. Thành phần của các loại thuốc này
được chiết xuất từ các loài cây có độc tính cao gây ảnh hưởng đến dịch hại.
Thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc thường có thời gian phân giải nhanh, không gây
ô nhiễm môi trường và đặc biệt làm giảm tính kháng thuốc của dịch hại (Trần
Quang Hùng, 1999) [12].
Các loại cây trong tự nhiên đã được sử dụng như: lá cây xoan, lá thanh
táo, hạt na xiêm, lá lim xanh để sản xuất chế phẩm thảo mộc như SHO 2 (lá
xoan), SHO 5 (hạt na), có thể kìm hãm hoạt động của các enzyme: Catalasie
và Peroxidase, đặc biệt có khả năng diệt sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, ốc
bươu vàng ở nồng độ chế phẩm 30- 40 mg/l trong 5 ngày (Nguyễn Quốc
Khang) (2001) [14].
Cây hành và cây tỏi là những cây gia vị giúp kích thích con người ăn ngon
hơn. Đây cũng là những cây thuốc được sử dụng để chữa cảm cúm, chống rét,…
nhờ mùi thơm nhưng hắc, vị cay nhưng hơi ngọt của chúng. Riêng cây sả
(Citronella grass) ngoài sử dụng làm gia vị, tinh dầu sả còn được sử dụng trong
việc chữa bệnh và làm óng mượt tóc [13].
* Nấm Trichoderma
Việc nghiên cứu nấm Trichoderma được bắt đầu từ năm 1988 tại viện Bảo
25
vệ thực vật. Kết quả của một số thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm chậu vại
cho thấy có thể nghiên cứu sản xuất nấm Trichoderma để sử dụng trong phòng
trừ nấm Corticium sasakii gây bệnh khô vằn lúa và nấm S.rolfsii gây bệnh héo
lạc (Lê Minh Thi và CTV, 1989) [25].
Năm 1990, với sự tài trợ của chương trình VNM 8910- 030 (của tổ chức
“Bánh mì thế giới”) Viện BVTV đã triển khai đề tài nghiên cứu sử dụng nấm
Trichoderma để phòng trừ một số nấm gây bệnh hại cây trồng nông nghiệp.
Trần Thị Thuần (1997) [26] đã điều tra thu thập được 10 nguồn nấm
Trichoderma và cũng chính tác giả đã đề xuất qui trình sản xuất và sử dụng chế
phẩm nấm Trichoderma để phòng trừ một số nấm gây bệnh hại cây trồng ở qui
mô thủ công, sử dụng các loại phế liệu như bã mía, cám gạo, bã đậu phụ,…Chế
phẩm sản xuất ra vừa là chế phẩm trừ nấm sinh học, lại vừa là nguồn phân bón
sinh học.
Theo Đỗ Tấn Dũng (2005-2006), nấm đối kháng Trichoderma có thể sử
dụng phòng trừ bệnh héo rũ gốc mốc trắng (Sclerotium solfsii) hại cây trồng cạn,
hiệu quả phòng trừ cao, 86,5 % (trên cây lạc) và 94,4 % (trên cây đậu tương)
trong điều kiện chậu vại. Có thể sử dụng
để phòng trừ bệnh lở cổ rễ
(Rhizoctonia solani) hại cây trồng cạn, hiệu quả phòng trừ cao, đạt 85,9% (trên
cây cà chua) và 77,8 % (trên cây dưa chuột) trong điều kiện chậu vại.
Chế phẩm này thực sự góp phần vào thực tiễn sản xuất, có khả năng
phòng trừ được bệnh nấm khô vằn hại ngô (giảm được từ 51,3%-59,8%), bệnh
chảy gôm trên cam chanh và một số bệnh lan truyền qua đất, giảm bớt lượng
thuốc BVTV hoá học, từng nơi đã giảm được đầu vào của sản xuất, góp phần bảo
vệ sức khoẻ người sản xuất.
Theo Ngô Bích Hảo (2004) [8]: tác giả tiến hành khảo sát hiệu quả ức chế của
hai loài nấm đối kháng Trichoderma harzianum và Trichoderma viride đối với S.
rolfsii. Kết quả cho thấy cả T. viride và T. harzianum đều có khả năng ức chế S.
rolfsii trên môi truờng PGA. Hiệu lực ức chế S. rolfsii của T. viride đạt 75,2% cao
hơn so với T. harzianum đạt 73,4%. Hiệu lực ức chế đạt cao nhất khi T. viride được