TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XH&NV
BỘ MÔN NGỮ VĂN
TĂNG THỊ HỒNG GẤM
6075417
CHẤT TRIẾT LÝ TRONG THƠ NGUYỄN DUY
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ văn
Cán bộ hướng dẫn: Th.s NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH
Cần Thơ, năm 2011
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
So với các ngành nghệ thuật khác, thơ nói riêng, văn học nói chung đòi hỏi phải
có sự khái quát, cao hơn nữa là khái quát hóa bằng triết lý. Chất triết lý vốn rất quen
thuộc trong thơ ca xưa. Thơ Đường, thơ Thiền tông Lý - Trần, thơ Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương... vốn không thiếu triết lý.
Đặc biệt, đến thơ trung đại ta còn có hẳn một nhà thơ triết lý, đó là Nguyễn Bỉnh
Khiêm. Đến thời hiện đại, nếu xem xét kĩ thì hầu hết mọi nhà thơ, không nhiều thì ít
nhất cũng có những câu thơ triết lý. Ta nhận ra rằng, sự hàm xúc, chiều sâu luôn là một
yêu cầu đối với thơ, mà điều đó thường chỉ có thể đạt được bằng cách huy động sức
mạnh của trí tuệ, thông qua suy tưởng, triết lý, khái quát cố nhiên phải là một thứ trí
tuệ của thơ và trong thơ, nghĩa là gắn bó mật thiết với tình cảm, cảm xúc như sức nóng
và ánh sáng của ngọn lửa. Nhà thơ vừa là người tuyên truyền, cổ động, vừa là nhà tư
tưởng suy tư, chiêm nghiệm, vừa là người nghệ sĩ say mê, nhiệt tình gắn bó với đời
sống dân tộc và đất nước. Sự suy nghĩ, triết lý đã từng có vai trò quan trọng trong
nhiều giá trị cổ điển phương Đông và phương Tây, ngày nay lại càng có ý nghĩa quan
trọng trong thời đại mà trí tuệ con người phát triển cực kì mạnh mẽ và đóng vai trò
quyết định trong sự phát triển của nhân loại.
Nằm trong dòng chảy của văn học, thơ sau năm 1975 không chỉ tiếp nối thành
tựu từ nhiều phương diện của thơ ca trước đó, mà còn tìm kiếm, khám phá những nội
dung và hình thức mới để tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, những đột phá mới trong nhận
thức và thể hiện cuộc sống. Trưởng thành trong giai đoạn ấy, Nguyễn Duy xuất hiện
như một hiện tượng thơ độc đáo và gây ấn tượng đối với công chúng vào những năm
đầu thập kỉ 70 thế kỉ XX. "Thơ Nguyễn Duy đã gợi cho ta nắm bắt đươc những nét vô
hình, mong manh trong tiềm thức của mình. Và rồi ngay lập tức và đồng thời, bằng
kinh nghiệm sống từng trải riêng của mỗi người để thiết lập mối liên hệ của nó với các
hiện tượng tinh thần của đời sống xã hội." [36] Khảo sát các công trình nghiên cứu về
thơ Nguyễn Duy, chúng tôi nhận thấy vấn đề tìm hiểu chất triết lý trong thơ Nguyễn
Duy có rất nhiều người quan tâm ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, chưa có một
công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống và công phu. Hơn nữa đây là một khía
cạnh rất được quan tâm.
Với những lí do nêu trên, chúng tôi quyết định chọn vấn đề "Chất triết lý trong
2
thơ Nguyễn Duy" làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Đó cũng là cách mà chúng tôi góp
phần tìm hiểu về chất triết lý trong nền văn học của dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Duy là nhà thơ xuất hiện từ đầu thập kỉ 70 thế kỉ XX khi ông được tuần
báo Văn nghệ trao giải nhất với chùm thơ gồm các bài: Tre Việt Nam, Bầu trời vuông ,
Hơi ấm ổ rơm, Giọt nước mắt và nụ cười, Bài hát người làm gạch, Tiếng chim bạn bè
và nhà xuất bản Nhân dân xuất bản tập thơ Cát trắng (1973). Trải qua hơn 30 năm, đã
có nhiều tác giả nghiên cứu thơ Nguyễn Duy, nhiều bài thơ đã được xuất bản và giới
thiệu trên các tạp chí chuyên ngành của Trung ương và địa phương. Nhìn chung, vấn
đề "Chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy" chưa được khám phá một cách hệ thống, cụ
thể và sâu sắc, có chăng chỉ được đề cập, đan xen trong các công trình nghiên cứu cụ
thể. Bàn về vấn đề này có một số ý kiến nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau.
Trong bài viết "Đi tìm tiềm lực trong thơ Nguyễn Duy" - Nguyễn Quang Sáng
đã đưa ra cái nhìn toàn diện về quá trình sáng tác của Nguyễn Duy và cả con người
của Nguyễn Duy. Ông ví Nguyễn Duy như "con ngựa sung sức, nếu không được
buông vó trên đường dài thì ở trong tàu lúc nào cũng nghe cái gõ lộp cộp của nó, nó
đòi đi. Duy luôn ở tư thế động, đôi chân đi không biết mỏi, thoắt ở mặt trận biên giới
phía Nam, thoắt ở mặt trận biên giới phía Bắc." [48; 88 ]Chính cuộc sống năng động,
đi nhiều nơi như thế đã tạo cho Nguyễn Duy một vốn sống vô cùng phong phú làm
điều kiện thực tế cho những sáng tác của mình, với ông văn học luôn bắt đầu từ cuộc
sống: "Sự giao du trong nhà và ngoài đường đã cho Duy cái vốn quý của thơ. Nếu nói
theo Pau-tốp-xki, nhà văn là người đãi cát tìm vàng, thì có một nắm cát, ta chỉ đãi
được vài hạt lấp lánh. Nguyễn Duy có cả một núi cát của đời sống. Tôi nghĩ, ai cũng
có như vậy, đời sống không dành cho riêng ai, đời sống mênh mông đó, chỉ xin anh
bước ra cửa, tùy anh, và sau đó còn tùy vào khả năng sàng lọc của anh nữa." [48; 88].
Thế có nghĩa, cuộc sống là vốn quý của mỗi con người, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, chính
điều đó sẽ làm điều kiện cho những suy nghĩ, những chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Thế nhưng không phải bất kì nhà văn, nhà thơ nào cũng làm được điều đó, nó đòi hỏi
ở sự quan sát và nhạy cảm riêng của mỗi người, mà ở đó có thể không ai giống ai.
Với bài viết "Thơ Nguyễn Duy và Ánh trăng " - Lê Quang Hưng đã có nhận
xét: “Tập thơ mỏng, xinh, nhưng diện đề tài khá rộng Ánh trăng đã bao được khắp
các vùng của Tổ quốc...” [17; 287] từ đó thấy được sức đi dài và đi rộng của Nguyễn
3
Duy. Sáng tác của Nguyễn Duy bao trùm các đề tài của cuộc sống, từ kí ức tuổi thơ,
câu chuyện riêng tư, phút lắng lòng của những người lính, đồng đội “Nguyễn Duy biết
bồi đắp để phổ quát hóa chúng bằng những cảm xúc, những suy tư của mình... Giờ
đây Nguyễn Duy vẫn nhạy cảm, giàu suy tư như thế và từng trải, sâu sắc hơn, ý nghĩa
phổ quát, sự suy nghĩ trong thơ Nguyễn Duy thường có điểm tựa từ một âm thanh, một
sự vật đậm tính dân tộc.” [17; 289]
Trong quyển "Văn học 1975 -1985: Tác phẩm và dư luận" - Từ Sơn cũng đã đề
cập đến vấn đề chất liệu đời sống trong thơ Nguyễn Duy: “Môt số lượng không nhỏ là
những bài thơ viết về tình yêu và suy nghĩ về lẽ sống ở đời. Hơn 20 năm làm thơ cũng
là lúc Nguyễn Duy lăn lộn trong cuộc sống mở rộng tầm mắt, căng phồng lòng ngực
để đón nhận vào tâm hồn mình những sắc, màu, hương thơm, mật ngọt và cả những
đắng cay của cuộc sống... Thơ anh được viết ra theo đơn đặt hàng của cuộc sống và
chính lòng anh.” [45; 201]
Năm 1972, sau khi đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy được đăng trên báo Văn
nghệ số tết Nhâm Tý 442, Hoài Thanh viết bài Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy
đăng trên báo Văn nghệ ngày 14 tháng 04 năm 1972 với những nhận xét tinh tế và xác
đáng: “Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc: một gốc sim, một bụi tre,
một ổ rơm... Nhưng thế giới ấy trong thơ Nguyễn Duy quen thuộc mà không nhàm
chán... Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc
đời cần cù, gian khổ, không tuổi, không tên... Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh thường
hay xúc cảm, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở
những người thường chỉ là thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu...” [9; 29]
Cũng đề cập đến Chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy, chuyên luận Đặc điểm
thẩm mỹ trong thơ Nguyễn Duy - Lê Thị Thanh Đạm trong phần nghiên cứu về đặc
điểm thẩm mỹ trong hình tượng thơ Nguyễn Duy cũng đã đề cập đến chất triết lý trong
thơ Nguyễn Duy: “Có thể nói, tư duy thơ của Nguyễn Duy thường khởi phát từ một sự
vật, sự việc, hoặc một hình ảnh. Từ đó nhà thơ khởi phát cảm xúc, nghĩ suy, liên tưởng
rồi khái quát mang tính triết lý.” [9; 52]
Nhìn chung, những bài nghiên cứu, phê bình về thơ Nguyễn Duy nêu trên đều
bước đầu tìm hiểu thơ Nguyễn Duy ở một số khía cạnh như: đề tài, tư tưởng thẩm mỹ,
thể loại, giọng điệu, ngôn ngữ, chất trào lộng... chưa có đề tài nào tập trung nghiên cứu
về chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy. Ở đây chúng tôi thực hiện đề tài này với niềm
4
say mê, nghiêm túc, mong muốn góp phần làm rõ và phát hiện thêm những điều mới lạ
góp một phần công sức vào việc nghiên cứu chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy. Và
những bài phê bình, nghiên cứu của các tác giả nêu trên chính là những gợi ý khoa học
giúp chúng tôi hoàn thành đề tài của mình.
3. Mục đích nghiên cứu
Việc lựa chọn và nghiên cứu đề tài Chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy, mục
đích trước tiên là để làm rõ các phương diện nội dung thể hiện chất triết lý trong thơ
Nguyễn Duy, qua đó ta thấy được chiều sâu suy nghĩ và chiêm nghiệm cuộc sống một
cách sâu sắc, độc đáo của nhà thơ Nguyễn Duy. Thêm vào đó, qua đề tài nghiên cứu
này người viết muốn tìm hiểu các phương diện nghệ thuật góp phần đắc lực trong việc
thể hiện chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy. Để từ đó có dịp hiểu sâu hơn một hiện
tượng thơ độc đáo sau 1975 và có cái nhìn trân trọng đối với những cây bút đã in đậm
dấu ấn cá nhân trong mảng thơ hiện đại sau năm 1975.
Nghiên cứu đề tài này còn là điều kiện để chúng tôi nhận thấy sự kế thừa và
cách tân độc đáo trong cách suy nghĩ và chiêm nghiệm về cuộc sống, con người của
các nhà thơ từ thời trung đại, hiện đại và nhất là nền văn học sau 1975.
Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài này chúng tôi còn mong muốn sẽ tìm hiểu, tích
lũy thêm một lượng kiến thức để làm giàu thêm vốn sống, có cái nhìn sâu sắc hơn về
những hiện tượng của cuộc sống. Đồng thời, cũng góp phần phục vụ cho công tác
nghiên cứu văn học sau này.
4. Phạm vi nghiên cứu
Ở phạm vi nghiên cứu hẹp, chúng tôi tiến hành khảo sát ở các tập thơ của
Nguyễn Duy như: Cát trắng, Ánh trăng, Mẹ và em, Quà tặng, V… Rộng hơn nữa,
chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi nghiên cứu Chất triết lý trong thơ Nguyễn Duy trong
mối tương quan với chất triết lý trong tiến trình thơ Việt Nam.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu, để hoàn thành đề tài Chất triết lý trong thơ Nguyễn
Duy, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp khác nhau. Trước hết chúng tôi sử
dụng phương pháp thống kê. Phương pháp này giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quát
hơn về đối tượng nghiên cứu để từ đó khái quát vấn đề một cách có hệ thống. Tiếp
theo, chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu hiện tượng thơ Nguyễn Duy
trong mối tương quan với các tác giả khác nhằm làm nổi bật nội dung nghiên cứu của
5
đề tài. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng thao tác phân tích, bình giảng, bình luận, chứng
minh, giải thích như một phương tiện đắc lực để làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu.
6
NỘI DUNG
CHƯƠNG I: ĐÔI NÉT VỀ NGUYỄN DUY VÀ CHẤT TRIẾT LÝ
TRONG THƠ
1.1. Đôi nét về Nguyễn Duy
1.1.1. Tác giả Nguyễn Duy
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh ngày 07 tháng 12 năm 1948 tại
làng Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Nhưng toàn bộ tuổi thơ ông sống và học ở Đò
Lèn, huyện Hà Trung.
Năm 1965, Nguyễn Duy tham gia kháng chiến, lúc giặc Mỹ leo thang đánh phá
miền Bắc. Nguyễn Duy có mặt hầu hết ở các chiến trường từ Bắc chí Nam, giai đoạn
cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông từng là tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân
trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), một trong những trọng điểm đánh
phá ác liệt của không quân Mỹ. Năm 1966, ông gia nhập quân đội, trở thành lính
đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Khe
Sanh - Đường Chín - Nam Lào. Ra khỏi chiến trường, ông trở về học ngành Ngữ văn
trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1976, ông chuyển khỏi quân đội về làm báo Văn Nghệ giải phóng. Từ năm
1977 đến nay, làm đại diện thường trú của tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn tại các
tỉnh phía Nam. Năm 1985 ông được tặng giải thưởng loại A về thơ của Hội Nhà văn
Việt Nam cho tập Ánh trăng. Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam.
Ngoài viết thơ, “Nguyễn Duy cặm cụi làm thêm nhiều việc khác viết ký, viết
báo, viết tiểu thuyết, viết kịch, làm phim,...” [48; 90]. Thế nhưng thành công lớn nhất
của Nguyễn Duy vẫn là thơ. Ông là một trong số ít các nhà thơ có nhiều tập thơ được
xuất bản và được công chúng đón nhận một cách nhiệt tình. Từ đầu thập niên 70, thơ
ông đăng rải rác trên các báo, đến năm 1973, Nguyễn Duy mới thật sự nổi tiếng với
chùm thơ được giải nhất của cuộc thi tuần báo Văn Nghệ gồm các bài Hơi ấm ổ rơm,
Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Giọt nước mắt và nụ cười, Bài hát người làm gạch,
Tiếng chim bạn bè. Đến giai đoạn này thơ Nguyễn Duy mới thật sự chín. Tập Ánh
trăng, Mẹ và em, Quà tặng là những tập thơ xuất sắc nhất của ông.
Thơ Nguyễn Duy viết nhiều về các đề tài khác nhau: “Ngoài mảng thơ viết về
7
chiến tranh, thơ Nguyễn Duy chủ yếu dành cho các đề tài muôn thuở: tình yêu, con
người, đất nước, quê hương. Thơ Nguyễn Duy hầu hết có mặt ở khắp các miền đất
nước, với cảnh sắc, thần thái riêng.” [45; 208]. Với Nguyễn Duy chất liệu trong sáng
tác của ông bắt nguồn từ những điều giản dị của cuộc sống: “Nguyễn Duy thường nắm
bắt được cái mong manh nhưng lại rất vững chắc trong đời; chút rưng rưng của ánh
trăng; một tiếng tắc kè lạc về giữa thành phố, một dấu chân cua lấm tấm ruộng bùn,
một kỉ niệm chập chờn nguồn cội, một mùi thơm của huệ trắng trong đền; thoảng hư
thực giữa người và tiên Phật... và rồi hồn thơ của Nguyễn Duy đã neo đậu được ở
đó.” [36; 308]
Năm 1997, Nguyễn Duy tuyên bố gác bút để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập
trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Từ
năm 2001, ông in nhiều thơ trên giấy dó. Ông đã biên tập và năm 2005 cho ra mắt tập
thơ thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ Thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc), có
nguyên bản tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh
với ảnh nền và ảnh minh họa của ông.
Năm 2007, Nguyễn Duy được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
1.1.2 Quá trình sáng tác của Nguyễn Duy
Nhìn chung, Nguyễn Duy sáng tác khá đều tay ở cả hai giai đoạn trước 1975 và
sau 1975. Những thập niên 70 thế kỉ XX, khi mới bước chân vào văn đàn cho đến khi
tuyên bố gác bút, thơ Nguyễn Duy luôn gây ấn tượng độc đáo trong lòng người đọc.
Là một nhà thơ chiến sĩ, năm 1965, Nguyễn Duy tham gia kháng chiến lúc Mỹ leo
thang đánh phá miền Bắc. Nguyễn Duy làm thơ khá sớm, bài thơ ông in báo đầu tiên
năm 1957 khi đang học lớp hai ở trường Đò Lèn (Thanh Hóa). Với tác phẩm đầu tay
này đã dự báo một tài năng về thơ của Nguyễn Duy. Cái mộc mạc hồn nhiên của tâm
hồn trẻ thơ được bộc lộ hết sức chân thành, giản dị nhưng không kém phần thâm thúy,
khiến người đọc phải suy ngẫm về những quan sát tinh tế của cậu bé Duy:
Đứa chơi đáo, đứa nhảy vòng
Còn tôi đứng nhìn dòng sông
Tôi không chơi đáo vì không có tiền
Có tiền tôi cũng không chơi !
Vì tôi không muốn bạn tôi mất tiền
Tôi vui tôi ngắm tôi nhìn
8
Con sông có bóng con thuyền thả câu.
(Trên sân trường)
Bài thơ trên bộc lộ một nhân sinh quan, một triết lý sống hết sức cao đẹp, không
chơi đánh đáo không phải không có tiền chơi mà xuất phát từ nguyên nhân không
muốn bạn tôi mất tiền, nghĩa là không muốn làm những việc để bạn bè và cả bản thân
mình phải buồn, để rồi mất tình bạn, cao hơn nữa là tình người. Sự ngây thơ, hồn
nhiên, nhưng cũng đã bộc lộ tâm hồn thơ mộng, tiềm ẩn một khát khao vu vơ, cháy
bỏng. Đây chính là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy và
những tác phẩm thơ ấy tồn tại trong lòng công chúng yêu thơ.
Hòa trong không khí chung của dòng thơ chống Mỹ, thơ Nguyễn Duy trước
năm 1975 tập trung ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi tình quân dân
thấm thiết, đậm đà bản sắc dân tộc. Thơ Nguyễn Duy phản ánh nét đẹp của thời đại
qua những hình ảnh rất bình dị, đời thường: gốc sim, bụi tre, hạt lúa, ổ rơm, hương
cau, cột số bên đường...
Chính những sáng tác bình dị, gần giũ đời thường ấy Nguyễn Duy đã lọt vào
mắt xanh của Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam. Sau khi đọc một số bài thơ của
Nguyễn Duy đăng trên báo Văn Nghệ tết Nhâm Tý 442 (1972), Hoài Thanh viết bài:
“Đọc một số bài thơ của Nguyễn Duy” đăng trên báo Văn Nghệ ngày 14 tháng 04 năm
1972, và đã đưa ra những nhận xét tinh tế, xác đáng. Một đặc điểm dễ nhận thấy trong
thơ Nguyễn Duy trước năm 1975 là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình
đồng chí, đồng đội, tình quân dân thấm thiết... Tất cả những điều ấy xuất phát từ
những con người bình dị đời thường. Đó là bà mẹ nghèo ở vùng quê hẻo lánh, sống
trong căn nhà chật chội nhưng mẹ sẵn sàng giúp đỡ những chiến sĩ bộ đội:
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm :
Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm.
(Hơi ấm ổ rơm)
Nghĩa tình sâu nặng của mẹ gắn liền với tình yêu quê hương đất nước. Mẹ là
người mẹ Việt Nam, người mẹ với phẩm chất “Thật thà, trung hậu, đảm đang”, sẵn
sàng hi sinh tất cả kể cả sự sống của mình để chở che, bảo bọc những người con chiến
9
sĩ cách mạng, giành lại nền hòa bình, độc lập cho dân tộc. Không chỉ riêng bà mẹ quê
ở Thanh Hóa mà tất cả những bà mẹ trên mọi miền đất nước Việt Nam đều như thế.
Bên cạnh cái đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thơ Nguyễn Duy trước
năm 1975 còn đi sâu vào từng khía cạnh của cuộc đời thường giản dị, thân thuộc, cao
hơn nữa đó là tự hào về quê hương và Tổ quốc, quê hương của mỗi người nói riêng,
Tổ quốc nói chung. Ta đã từng nghe lời bọc bạch của người lính trong thơ Chính Hữu:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
(Đồng Chí - Chính Hữu)
Quê hương mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều toát lên niềm tự hào. Quê
hương Nguyễn Duy cũng thế, ở đó không chỉ có con người anh hùng mà cả đến loài
tre cũng có sức sống vô cùng mãnh liệt:
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi ?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu ?
(Tre Việt Nam)
Sức sống bất diệt đó không phải chỉ riêng loài tre mà còn là sức sống của cả dân
tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương đã nâng lên thành lòng tự hào dân tộc. Cái hay của
Nguyễn Duy là đã phát hiện ra những khía cạnh đời thường, giản dị của cuộc sống từ
đó nâng lên tầm khái quát cao, như lời nhận xét của Lê Thị Thanh Đạm: “Tư duy của
cả tập thơ là những sự vật, sự việc, hiện tượng hằng ngày trong cuộc sống của con
người gắn bó với nhau, gắn với rơm rạ, cỏ cây, sông nước, mây trời...” [9; 60]
Sự bình dị đời thường còn được Nguyễn Duy phát hiện một cách tinh tế qua
niềm vui được mùa của người nông dân :
Mảnh sân trăng lúa chất đầy
Vàng tuôn trong tiếng máy quay sập xình
Rơm vàng từng búi rối tinh
Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi.
(Tiếng hát mùa gặt)
10
Xuất thân từ tầng lớp nông dân nghèo, thế nên hơn ai hết Nguyễn Duy thấu hiểu
niềm vui được mùa của người nông dân. Cái hay ở đây là Nguyễn Duy đã phát hiện
một cách tinh tế sự hi sinh thầm lặng của thân rơm để hạt lúa lành. Suy nghĩ của ông
thật sâu sắc, từ thân rơm ông liên tưởng đến con người. Dễ ai làm được điều ấy.
Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Duy trước năm 1975 rất trữ tình. Biển đối với
mỗi người chỉ là đại dương mênh mông nhưng đối với Nguyễn Duy là “người ơn”, là
sự diệu kì, là sứ giả của cái đẹp:
Biển thở hơi xanh mỗi đầu ngọn sóng
Sáng thổi buồm đi, chiều thổi buồm về
Tạ ơn biển khơi cả từ hơi thở
Làm gió đêm đông làm quạt đêm hè.
(Về biển)
Với Nguyễn Duy, hầu như những gì thiên nhiên ban tặng đều hữu ích, gần gũi
với con người. Phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc thì Nguyễn Duy mới có
thể viết được những vần thơ trữ tình đến vậy.
Vẻ đẹp bình dị, đời thường trong thơ Nguyễn Duy còn thể hiên ở phương diện
tình yêu. Đây không phải là đề tài nổi bật nhưng thơ cách mạng vẫn thường nhắc đến.
Nỗi nhớ người yêu là nỗi nhớ thường nhật trong lòng người lính :
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
Hay:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
(Tây tiến - Quang Dũng)
Nỗi nhớ người yêu của người lính trong thơ Nguyễn Duy thường nhật hơn, táo
bạo hơn. Nhà thơ nhớ người yêu đến từng bước đường hành quân:
Nhớ em khi đang leo trèo
Nghe em là gió vờn reo lá rừng
Nhớ em khi đang sang sông
Nghe em là sóng bập bùng đưa chân
Nhớ em khi áp vách hầm
11
Nghe em là tiếng thì thầm đất rung
Nhớ em thế đấy em thương
Em vui trăm vạn nẻo đường trong anh.
(Nhớ)
Hay :
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em
Thức là ngày, ngủ là đêm
Nghiêng nghiêng hai mái - hai miền quê xa.”
(Bầu trời vuông)
Nhớ người yêu, nhớ quê hương, gia đình tất cả như ngưng đọng lại trong lòng
người lính. Và rồi chính nỗi nhớ ấy sẽ làm động lực để giúp người lính vượt qua
những khó khăn, gian lao, tiếp tục hành quân chiến đấu vì quê hương.
Về đặc điểm nghệ thuật, thơ Nguyễn Duy trước năm 1975 nổi bật nhất là ông
đã đưa chất liệu ca dao vào trong thơ. Hình tượng con cò trong ca dao đi vào thơ
Nguyễn Duy hết sức tự nhiên:
Con cò bay lả bay la
Theo câu quan họ bay ra chiến trường.
(Khúc dân ca)
Ông sử dụng cả câu ca dao vào trong thơ nhưng ta vẫn thấy không có sự gượng ép:
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhay cơm búng lưỡi lừa cá xương.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Nguyễn Duy sử dụng hình thức của ca dao để làm công thức cho thơ rất tinh tế:
Bên tê cửa tùng mênh mông cát trắng
Bên ni cửa tùng cát trắng mênh mông
(Cát trắng)
Bên cạnh đó, Nguyễn Duy còn sử dụng một số khẩu ngữ, góp phần làm tăng
hiệu quả thẩm mỹ cho thơ :
12
Em run run giương mắt thỏ nhìn tôi:
Cháu lạy ông, ông đừng ăn thịt cháu !
Em mếu máo là cả tôi mếu máo
Chú đây mà, chú là giải phóng quân
(Em bé lạc mẹ)
Về giọng điệu, thơ Nguyễn Duy trước năm 1975 rất đa dạng, phong phú những vần
thơ viết về chiến tranh thường thể hiện sự lạc quan, tư thế của một người chiến thắng:
Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông.
(Bầu trời vuông)
Nhưng khi viết về tình nghĩa đối với nhân dân, với quê hương đất nước, giọng
thơ của Nguyễn Duy lại trở về sâu lắng, ngọt ngào:
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò.
(Hơi ấm ổ rơm)
Sự đa dạng trong giọng điệu này đã làm cho thơ Nguyễn Duy trước năm 1975
có một âm điệu riêng, khó lẫn lộn. “Thơ Nguyễn Duy trong thời kì chống Mỹ là sản
phẩm của cảm hứng yêu thương, giản dị, mộc mạc, trong sáng đầy nhạc tính. Ngôn
ngữ thơ, câu thơ như lời nói tự nhiên của người dân vẫn nói thường ngày, tạo nên
giọng điệu thơ tự do, mộc mạc, ân tình.” [9; 135]
Năm 1975 đất nước hoàn toàn độc lập, nhân dân được hưởng cuộc sống tự do
không còn chìm trong cảnh nô lệ. Hòa trong niềm vui ấy, các nhà thơ ra sức sáng tạo,
ghi lại niềm vui bất tận của dân tộc. “Thơ sau 1975 không chỉ tiếp nối những thành
tựu từ nhiều phương diện của thơ ca trước đó, mà còn tìm kiếm, khám phá những nội
dung và hình thức mới mẻ, một đột phá mới trong nhận thức và thể hiện cuộc sống.”
[10; 23]. Thơ Nguyễn Duy sau năm 1975 cũng vận động theo xu hướng đó, Nguyễn
Duy ý thức sâu sắc việc đưa thơ về với cảm xúc gần gũi, chân thực với cuộc sống đời
thường.
Là một nhà thơ chiến sĩ, trở về từ chiến trường sau những ngày xông pha chiến
đấu. Nguyễn Duy từng chứng kiến cảnh bạn bè, đồng đội hi sinh trên trận mạc, có
13
người nằm lại khi vừa bước chân tới ngưỡng cửa độc lập. Vì thế với lòng tiếc thương,
biết ơn đồng đội như lời nhận xét của Lê Quang Hưng: “Đúng như Nguyễn Duy tâm
sự, anh luôn cảm thấy mình mắc nợ cuộc sống, mắc nợ đồng đội. Cái cảm giác đáng
quý cũng như cái ý thức trách nhiệm ấy đã thôi thúc anh, nâng giúp anh viết ngày
càng nhiều, ngày một hay hơn về những chiến sĩ.” [17; 289].
Sau giải phóng, sống giữa những dãy nhà san sát chia ô như tủ thuốc bắc,
Nguyễn Duy bỗng giật mình khi nghe âm thanh của con tắc kè lạc về thành phố, kí ức
của năm chiến đấu gian khổ, hi sinh mất mát ở Trường Sơn chợt hiện về:
Tắc kè
Tắc kè... Tôi giật mình
Nghe
Trên cành me
Góc đường Công Lý cũ
Cái âm thanh của rừng lạc về thành phố.
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố)
Từ nghe tiếng tắc kè, những âm thanh của quá khứ bi tráng thời chiến tranh
chống Mỹ mà nhà thơ cùng đồng đội đã trải qua, đau thương xen lẫn hào hùng:
Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
Dưới lá là hầm là tăng là võng
Là cơn sốt rét rừng vàng bủng
Là muỗi vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn...
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố)
Cuộc đời người lính có lẽ đáng sợ nhất, nỗi ám ảnh nhất chính là những cơn sốt
rét rừng. Ta còn nhớ hình ảnh người lính Tây Tiến không mọc tóc cũng chính từ hậu
quả của những cơn sốt rét rừng ấy:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm.
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Những cơn sốt rét rừng đáng sợ thật đấy, nhưng nó sẽ làm kỉ niệm “khó quên”
trong lòng những người lính. Và người lính Nguyễn Duy cũng thế, nhớ về đồng chí,
đồng đội, nhớ về những trận càng quét ác liệt và nhớ cả những cơn sốt rét rừng vàng
bủng. Ra đi chiến đấu bỏ lại người thân, gia đình, mẹ già nơi chốn quê nghèo, tất cả
14
đều có chung một khát vọng là sớm ngày trở về đoàn tụ với gia đình. Hiểu được tâm lí
ấy, giờ đây nghe tiếng tắc kè kêu mà ngỡ như tiếng reo vui Sắp về :
Tất cả họ suốt một thời máu lửa
Điều ước ao thật giản dị
Sắp về!...
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố)
Nhưng ước mơ giản dị ấy có mấy ai thực hiện được. Đồng đội anh ngã xuống
ngay phút đất nước sắp hòa bình. Chiến tranh là thế, có chừa ai bao giờ:
Người bạn tôi không về tới nơi này
Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
Anh nằm lại trước cửa vào thành phố
Giây phút lạnh lùng kết thúc cuộc chiến tranh.
(Nghe tắc kè kêu trong thành phố)
Tuy không về tới thành phố nhưng những người chiến sĩ ấy sẽ sống mãi trong
lòng nhà thơ - người may mắn được về giải phóng thành phố, để rồi nhắc nhở họ
không được quên những năm tháng hào hùng ấy. Nhận xét của Lê Thị Thanh Đạm
giúp ta hiểu sâu hơn về hình tượng trong thơ Nguyễn Duy: “Kí ức về chiến tranh trong
thơ Nguyễn Duy sau những năm đầu khi Tổ quốc độc lập, thống nhất được hiện qua
các hình tượng thơ bắt đầu từ cuộc sống bình thường của không khí hòa bình theo
nguồn mạch truyền thống nhân văn của dân tộc ta... Vẻ đẹp của hình tượng thơ lúc
này sẽ được quyện se giữa cái bình thường trong đời sống, kể cả đời sống chiến đấu
chống kẻ thù xâm lược, kết hợp với cái cao cả, cho nên hình tượng thơ chân thật, sâu
sắc, giàu ý nghĩa nhân sinh.” [9 ; 74]
Trở về cuộc sống đời thường, người lính không khỏi những bất ngờ, bởi nhịp
sống hiện đại vốn phức tạp, đa dạng. Tố Hữu là nhà thơ gắn bó gần gũi với nhân dân
nhưng giờ đây, trở về với cuộc sống thời bình, với biết bao nhiêu sự phức tạp của xã
hội, tâm trạng của Tố Hữu tràn đầy niềm ưu tư, trăn trở, ngậm ngùi:
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn.
(Một tiếng đờn - Tố Hữu)
15
Cuộc sống luôn vận động thay đổi, sớm nắng chiều mưa nên rất khó nắm bắt,
hòa nhập. Trong xu thế đó, thơ Nguyễn Duy viết sau năm 1975 xuất hiện nhiều bài
viết về việc nhìn nhận thực tại xã hội hôm nay: “Thơ tặng ăn mày”, “Tặng anh quét
vôi”, “Đi chùa”, “Bán vàng”, “ Pháo tết”, “Xẳm giọng”, “Cõi về”, “Lăng vua”...
Đặc biệt bộ ba bài thơ: “Nhìn từ xa Tổ quốc”, “Đánh thức tiềm lực”, “Kim, Mộc,
Thủy, Hỏa, Thổ” đã thể hiện được chiều sâu suy tưởng, năng lực khám phá, cái nhìn
sâu rộng của nhà thơ trước những tiềm lực và tương lai của đất nước.
Bên cạnh đó, một đề tài khá nỗi bật trong thơ Nguyễn Duy sau năm 1975 là
xuất hiện khá nhiều hình ảnh của những con người bất hạnh, một bà già bới rác, một
em bé đi bụi... Tất cả hiện lên trong thơ Nguyễn Duy như một thế giới thu nhỏ của
những con người bất hạnh. Những con người ấy đi vào thơ Nguyễn Duy một cách tự
nhiên, chân tình. Một con người đã từng ra chiến trận suốt một thời trai trẻ, nay trở về
với cuộc sống đời thường, Nguyễn Duy cảm thông sâu sắc với số phận của họ. Hơn
nữa, chính bản thân Nguyễn Duy cũng sinh ra trong cảnh nghèo khó nên ông thấu
hiểu, thương cho họ cũng là thương cho bản thân mình:
Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo
Quen cái thói nói về gian khổ
Dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm.
(Đánh thức tiềm lực)
Ông tự nhận mình là một người làm ruộng gã nhà quê, nhưng “chất nông dân,
chất nhà quê trong thơ Nguyễn Duy đã làm nên chất thơ Nguyễn Duy”.
Nguyễn Duy đi nhiều, ở bất cứ nơi nào của Tổ quốc cũng in dấu chân ông.
Chính điều đó đã làm nên sắc thái đa dạng trong thơ Nguyễn Duy, như lời nhận xét
của Nguyễn Quang Sáng: “Duy đi hầu khắp đất nước, đi qua bão, qua lụt, qua đạn,
qua bom, đi “Xẻ dọc Trường Sơn” mà tìm thân nhân. Trong thơ Nguyễn Duy hầu hết
các gương mặt, các miền đất với những cảnh sắc thần thái riêng riêng. Cùng chung
một cái gốc nhân bản và tâm hồn nhân hậu, thế mà ở thơ Nguyễn Duy, mỗi khu vực
địa lí khác nhau đều có hút riêng riêng khác nhau ấy...” [45; 208]. Từ Thanh Hóa,
Quảng Xá, Nghệ An, Huế, Đà Lạt, Cà Mau... nơi nào đối với Nguyễn Duy cũng chứa
chan cái bình dị, chân chất đời thường. Sống trong hoàn cảnh xã hội mới, thơ Nguyễn
Duy sau năm 1975 cũng viết nhiều về tuổi thơ, những mối quan hệ đời thường mẹ con,
bà cháu, vợ chồng, cha con... Nếu tuổi thơ của Giang Nam là những ngày chăn trâu,
16
bắt bướm thì tuổi thơ của Nguyễn Duy chính là những lần chân đất đi xem hội đền
Sòng, những lần níu váy bà đi chợ...
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tay tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
(Đò Lèn)
Kỉ niệm tuổi thơ của Nguyễn Duy gắn liền với hình ảnh người bà thân thương.
Không chỉ thế, những câu thơ Nguyễn Duy viết về người mẹ cũng thật thân xúc động:
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quay thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Người bà, người mẹ xuất hiện trong thơ Nguyễn Duy với sự vất vả, tần tảo, chịu
thương chịu khó hi sinh tất cả vì chồng vì con. Đó là hình ảnh tiêu biểu của người phụ
nữ Việt Nam.
Tuy nhiên, hình ảnh người cha cũng không kém phần kính trọng, thiêng liêng.
Hình ảnh người cha trong thơ ông gắn liền với sự vất vả, cực nhọc suốt đời:
Cha tôi đó suốt đời thồ nặng
Trĩu cả hai vai, việc nước - việc nhà
Bom rồi bão, mấy lần nhà sập
Lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa.
(Cầu Bố)
“Trong bối cảnh đời sống xã hội sau năm 1975, thơ dần trở về với trữ tình cá
nhân và sự đòi hỏi thức tỉnh nhu cầu cá thể, khẳng định cá tính. Nhà thơ có điều kiện
đối diện với chính mình, đánh thức mình. Cũng do vậy mà nội dung trữ tình cá nhân
trong thơ ngày càng được thể hiện đậm nét hơn.” [10; 25]. Thơ sau 1975 cũng viết về
17
ý thức cá nhân và giải bày tâm sự. Ánh trăng vốn là bạn tri âm tri kỉ giờ bị lãng quên
trước ánh đèn thành phố. Một tiếng tắc kè kêu trong thành phố, một ánh trăng im
phăng phắc... tự nhiên gợi lên trong anh bao kỉ niệm, bao suy nghĩ về lẽ sống. Ánh
trăng tình nghĩa kia của Nguyễn Duy làm cho chúng ta đủ giật mình suy nghĩ về
những thời đã qua:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
(Ánh trăng)
“Trân trọng những kỉ niệm hôm qua cũng chính là một lời nhắc nhở để hôm nay phải
sống đẹp hơn.” [45; 199]
Ngoài ra, thơ Nguyễn Duy sau năm 1975 còn có tiếng nói hài hước của anh hề
áo ngắn. Ông mượn yếu tố hài để nghiệm ra quan niệm sống, cách nhìn nhận, suy nghĩ
của mình một cách thấm thía, sâu sắc. Bộc lộ triết lý nhân sinh nhưng không cứng
nhắc mà mềm dẻo, linh hoạt.
Về nghệ thuật, thơ Nguyễn Duy sau năm 1975 vẫn tiếp nối truyền thống của thơ
ca trước đó, ông sử dụng chất liệu dân gian vào trong thơ, sử dụng thể thơ lục bát đậm
đà tính dân tộc, ngôn ngữ thơ đời thường, giọng điệu đa dạng phong phú, thích ứng
với sự thay đổi của thời đại.
Về ngôn ngữ, thơ Nguyễn Duy sau năm 1975 mang tính đời thường, giản dị mà
vẫn giàu sức gợi tả. “Sau năm 1975 trở đi, thơ Nguyễn Duy phần lớn là thơ “thế sự
đời thường”, tư duy thơ phẩm chất thơ đa dạng hơn. Tuy nhiên trong một số bài thơ
hồi tưởng về chiến tranh của ông, cơ bản cũng chứa đựng dáng vẻ thẩm mỹ vừa hiện
thực vừa lãng mạn, cái đẹp phảng phất dấu ấn của cái cao cả. Phương pháp thể hiện,
tư duy thơ vẫn là theo hướng quy nạp. Tuy nhiên có khác ở chổ là mạch thơ dài hơn và
“đăm chiêu” hơn.” [9; 53]
Ngoài ra, Nguyễn Duy còn đưa vào trong thơ ngôn ngữ mang màu sắc hiện đại:
18
Cái lưng em sụm bất ngờ
Tứ chi anh lõng thõng quơ rụng rời...
Việc thiên, việc địa, việc nhà
Một mình anh vãi cả ba linh hồn.
(Vợ ốm)
Về kết cấu, ta thấy Nguyễn Duy vẫn thường lặp lại từ ngữ trong một câu thơ:
Quả là quả của cây cao
(Và lời của quả)
Lắc lư tôi như sóng lắc lư thuyền
(Âm thanh bàn tay)
Cha tôi đó dân làng tôi vậy đó
(Cầu Bố)
Bên cạnh những yếu tố nghệ thuật nêu trên, giọng điệu thơ Nguyễn Duy sau
năm 1975 cũng rất đa dạng, phong phú. Giọng điệu hài hước tinh tế khi phát hiện ra
mâu thuẫn độc đáo của sự mê tín dị đoan, cầu cúng, đồng bóng:
Người về sắm sửa cho ma
Ngựa xe khăn áo lụa là kim ngân
Lăm lăm cái thước phàm trần
Làm sao đo được thánh thần em ơi.
(Hàng mã)
Ngược lại, khi viết về người bà, người mẹ, người bố thì giọng điệu ngọt ngào
tha thiết, pha chút trầm tư triết lý :
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
…
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa...
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Đến những dòng thơ viết về mình thì là giọng tự trào lí thú:
Ta dù lếch thếch lôi thôi
Mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng
Cứ chìm nổi với đám đông
19
Riêng ta xác định ta không là gì.
(Bao cấp thơ)
Tóm lại, thơ Nguyễn Duy trước và sau năm 1975 đã đạt được nhiều thành tựu
đáng kể. Đặc biệt là sau năm 1975, Nguyễn Duy có những kiến giải sâu sắc về xã hội,
thời đại cũng như từng khía cạnh của cuộc sống. Ông có cái nhìn sâu sắc, phát hiện ra
những điều bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa trong cuộc sống. Từ đó nâng lên tầm khái
quát triết lý, bộc lộ quan niệm nhân sinh độc đáo. “Anh không muốn thơ mình là ly
nước ngọt, mà phải chứa chất men như rượu, càng ngắm càng say” [45; 201]. Chính
điều này tạo nên thành công cho thơ Nguyễn Duy, liên tiếp nhiều tập thơ ra đời sau đó
như “Ánh trăng”(1984), “Mẹ và em”(1987), “Đãi cát tìm vàng”(1987), “Đường
xa”(1989), “Quà tặng”(1990), “Về”(1994), “Bụi”(1997). Thơ Nguyễn Duy đã góp
một phần quan trọng làm nên sự phong phú của thơ Việt Nam trước và sau 1975.
1.2. Tác phẩm
1.2.1. Thơ
Cát trắng (1973)
Ánh trăng (1984)
Mẹ và em (1987)
Đãi cát tìm vàng (1987)
Đường xa (1989)
Quà tặng (1990)
Về (1994)
Bụi (1997)
Nguyễn Duy thơ (2010)
1.2.2. Các thể loại khác
Em - Sóng (Kịch thơ, 1983)
Nhìn ra bể rộng trời cao (Bút kí, 1985)
Khoảng cách (Tiểu thuyết, 1986)
2. Chất triết lý trong thơ
2.1. Khái quát về chất triết lý
Để hiểu rõ thêm về triết lý trong thơ ca nói chung và chất triết lý trong thơ
Nguyễn Duy nói riêng, trước tiên chúng ta phải hiểu rõ Triết lý là gì?
Theo từ điển Tiếng Việt định nghĩa “Triết lý là những suy nghĩ, chiêm nghiệm
20
của tác giả về cuộc sống.” Còn theo Lê Văn Hòe trong bài viết Xét lại luân lí Truyện
Kiều thì định nghĩa: “Triết lý là cái quan niệm tổng quát về cuộc đời, hay nói nôm na
là lẽ sống cũng vậy.” [15; 820] và “Triết lý là ý nghĩa nhân sinh. Không phải chỉ nghĩ
ngợi riêng về nhân sinh. Còn phải đem ý nghĩ ấy thực hiện bằng hành động. Nghĩa là
ý nghĩ ấy phải dạy ta biết ở đời.”[15; 821]. Với ông triết lý không phải những gì cao
xa, khó khăn và huyền bí gì cả. Triết lý chính là mối quan hệ giao hòa giữa con người
và thế giới xung quanh. Tuy nhiên triết lý ấy phải phù hợp với xã hội, phù hợp với thời
đại và có ý nghĩa đối với con người. Còn theo Lê Lưu Oanh trong quyển Thơ trữ tình
Việt Nam 1975 - 1990 lại cho rằng “Triết lý là việc đặt câu hỏi cuối cùng về tồn tại:
con người là gì? Ta là ai? Sống là gì? Chết là gì? Hạnh phúc và đau khổ là gì? Con
người tồn tại như thế nào giữa thế giới?... Người nghệ sĩ dựa vào đúc kết kinh nghiệm
của từng số phận và những mối quan hệ cá biệt. Qua một đời người, một hiện tượng
nghệ thuật muốn chiêm nghiệm cả thế giới.” [31; 118]. Tuy nhiên, triết lý không phải
duy nhất cho cả thế giới, tùy từng quốc gia dân tộc mà có triết lý khác nhau… Triết lý
không phải là những điều khô khan, triết lý là sự thăng hoa của cảm xúc trên nền hiện
thực cụ thể mà nhà thơ sống qua. Thơ ca từ xưa đến nay điều vươn lên để thể hiện sự
hài hòa này. “Không phải chỉ câu thơ bài thơ mà cả những gì trong đầu óc nhà thơ đã
bao hàm ẩn tàng một triết lý. Và khi được thể hiện ra lập tức nó làm giàu, nâng cao
hiệu quả thơ. Nhà thơ nào có vốn văn hóa, triết học càng cao và biết vận dụng nó
trong sáng tạo để hình thành kiểu tư duy độc đáo, đậm đặc mang cá tính riêng thì
được xem là nhà thơ trí tuệ, nhà thơ triết lý.” [11; 144] Quan niệm triết lý còn tùy vào
từng giai đoạn lịch sử quy định. Ví như Chế Lan Viên trước cách mạng tháng Tám ông
có cái nhìn bi quan, yếm thế, xem cuộc đời là vô nghĩa:
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.
(Xuân - Chế Lan Viên)
Nhưng sau 1975, hòa mình vào không khí chung của dân tộc, ông cũng có quan
niệm khác về cuộc sống “Từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui.”. Và với
Nguyễn Duy cũng thế, ông là một nhà thơ sáng tác cả hai giai đoạn trước 1975 và sau
1975 thì việc thể hiện chất triết lý trong thơ ông cũng khác. Nếu trước 1975 ông là
người lính xông pha vào chiến trường thì chất triết lý trong thơ ông đó là những mối
quan hệ thân thuộc hằng ngày như đồng đội, đồng chí, hiện thực cuộc sống chiến đấu
21
hằng ngày được ông quan sát, chiêm nghiệm và nâng lên thành triết lý, thành sức sống
vững bền của dân tộc. Đến sau 1975, hòa vào niềm vui hòa bình của dân tộc, thơ ông
cũng gắn bó, gần gũi với cuộc sống đời thường, thế nhưng ông có nhiều suy tư, chiêm
nghiệm, cách nhìn nhận cuộc sống sâu sắc hơn, chủ yếu là nhớ đồng chí đồng đội đã hi
sinh, nghĩ về tiềm lực và tương lai của đất nước, bâng khuâng trước những biến động
của nền kinh tế thị trường, những số phận không được may mắn trong cuộc sống... Tất
cả đã làm nên một hồn thơ Nguyễn Duy như lời nhận xét của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý
mọc lên từ đám đất hoang đó.” [32; 82]
2.2. Chất triết lý trong thơ ca trung đại
2.2.1. Triết lý Thiền tông
Lịch sử nước ta đã trải qua nhiều thời kì với các triều đại khác nhau như: Ngô,
Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Trong đó hai triều đại Lý, Trần là hai triều đại tiêu biểu
hơn cả về mọi mặt. Văn học được viết trong giai đoạn này gọi là văn học Lý - Trần.
Đây là thời đại huy hoàng của dân tộc với những chiến công rực rở và đạt được nhiều
thành tựu quan trọng. Đặc biệt giai đoạn này Phật giáo rất thịnh đã ảnh hưởng sâu rộng
trong quần chúng, chi phối về cả mặt vật chất và tinh thần của con người. Nó đã ảnh
hưởng mạnh mẽ đến nền văn học tạo nên một dòng văn học mới đó là văn học Thiền
tông. Dòng văn học này được viết dưới ảnh hưởng trực tiếp của tư tưởng triết lý Phật
giáo Thiền tông. Ở Việt Nam, nền văn học này bao gồm thơ của các Thiền sư là chủ
yếu, bên cạnh đó có những sáng tác của vua chúa, quan lại, quý tộc, nhà Nho... chịu
ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Phật giáo. Đây là dòng văn học chứa chan mùi Thiền.
Thế nên, mang đậm chất triết lý Phật giáo, như lời nhận xét của Trần Đình Hượu:
“Các Thiền sư Lý - Trần, có lẽ do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống khổ cực
của dân tộc, do bản sắc của dân tộc thích những gì gọn nhẹ, giản dị nên các vị đã tóm
thâu triết lý Thiền môn bằng một vài câu ngắn gọn.” [18; 43]. Chính chịu ảnh hưởng
của triết học Phật giáo đã chi phối toàn bộ quan niệm sống của con người, nhất là các
Thiền sư. Trong mắt họ thế giới chỉ là giả tướng, vạn sự, vạn vật, trong đó có con
người đều là vô thường, tất cả chỉ là hư không chúng hiển hiện nhưng không có thực,
chỉ là ảo ảnh trong đời, chúng tồn tại như hình trong gương, có đó rồi mất đó:
Huyễn thân bản tự không tịch sinh
Do như kính trung xuất hình tượng.
22
Dịch thơ:
Từ nơi không tịnh có thân mình
Mường tượng trong gương có bóng với hình.
(Ngô Tất Tố dịch)
Bóng hình ta thấy trong gương nhưng đó không tồn tại thật. Thế nên ham chi tài
sắc chỉ phiền lụy thân mình. Thiền sư Vạn Hạnh ví đời như ánh chớp, lóe lên rồi tắt
biến, như cảnh tươi héo của cây cỏ chúng mang vẻ đẹp lấp lánh nhưng chóng tàn phai.
Đó chính là quy luật tồn tại vô thường của thế giới khách quan:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khê
Nhậm vận thịnh suy bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch thơ:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
(Ngô Tất Tố dịch)
Tất cả vạn vật trong cuộc sống có đó rồi mất đó, mùa xuân trăm hoa đua nở,
góp chút hương sắc cùng đất trời. Thế nên khi mùa thu đến thì tất cả đều não nùng. Đó
là quy luật tồn tại của thiên nhiên. Nhìn rộng ra cuộc sống của con người cũng chẳng
khác chi loài hoa ấy. Cuộc đời con người trải qua nhiều dâu bể lúc thịnh, lúc suy đó là
lẽ thường của cuộc sống thế nên đừng quá não nùng buồn phiền vì điều ấy. Và điều
cao hơn cả mà triết lý Thiền tông dạy con người ấy là thái độ dửng dưng xem thường
sự sống chết:
Xuân hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu công ứng kỳ
Hoa điệp bản lai công thị huyễn
Mạc tu hoa điệp hướng tâm tri.
Dịch thơ:
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kì
23
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo
Thây hoa mặc bướm để lòng chi.
(Ngô Tất Tố dịch)
Quy luật tuần hoàn của vũ trụ là xuân đến ong bướm đua nhau xuất hiện nhưng
khi xuân qua thì bướm ong cũng bay mất. Thế nên đừng quá bận tâm mà hãy sống thật
xứng đáng với những gì cuộc sống ban tặng.
Ta hẳn chưa quên bài kệ của thiền sư Mãn Giác đọc trước lúc mất:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sư trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch thơ:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa tươi
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.
(Ngô Tất Tố dịch)
Hình ảnh hoa nở khi xuân tới, hoa tàn khi xuân qua là tượng trưng cho quy luật
tuần hoàn của vũ trụ. Đêm qua sân trước một nhành mai, đó chính là sự trường tồn của
cuộc sống vĩnh hằng. Đừng tưởng xuân tàn hoa sẽ rụng hết, trong sự tàn lụi ấy vẫn nảy
sinh sự sống. Chết không có nghĩa là hết mà đó chính là chuyển sang một cuộc sống
khác, một thế giới mới. Bài thơ toát lên tinh thần lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Tuy
nói về triết lý vũ trụ nhân sinh nhưng hàm ý nói lên sức sống mãnh liệt của con người,
trong cái tàn lụi vẫn nảy sinh mầm của sự sống.
Bên cạnh đó, một đặc điểm dễ thấy nhất của văn Lý - Trần này chịu ảnh hưởng
của triết lý Thiền tông khi miêu tả thiên nhiên “Thiên nhiên trong thơ họ sử dụng như
một phương tiện miêu tả, một văn cảnh tượng trưng cho thực tế siêu nhiên, trừu tượng
của triết lý, nhưng phần cảm xúc thường ẩn sau những nhận xét nghiêm trang về tôn
24
giáo.” [18; 102]. Đó là nhận xét của Trần Đình Hượu và các Thiền sư đã mượn thiên
nhiên để truyền tải triết lý của mình. Sự sống của thiên nhiên cũng chính là hiện thân
sự sống của con người:
Trai đình u điểu không đề nguyệt
Mô tháp thùy nhân vị tác minh
Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt
Viện tiền sơn thủy thị nhân hình.
Dịch thơ:
Trăng rọi sân trai chìm khắc khoải
Tháp không bia chữ mộ thờ ơ
Bạn thiền thôi hỡi đừng thương xót
Non nước ngoài am đó dáng xưa.
(Ngô Tất Tố dịch)
Con người sống hòa nhập với thiên nhiên, con người và thiên nhiên là một. Vì
thế văn học Thiền tông cho rằng con người chết đi chỉ là sự hủy diệt của xác thân, còn
bản thể thì vẫn tồn tại hòa hợp với thiên nhiên.
Cũng giống như bất cứ giai đoạn nào của nền văn học, văn học Thiền tông Lý Trần đã phát hiện ở thiên nhiên những nét hài hòa với cuộc sống của con người, có tác
dụng phục vụ con người, đồng thời con người cũng tin vào khả năng chinh phục thiên
nhiên của mình. Thiên nhiên tạo vật gắn liền với cảm xúc của con người:
Vạn lý thiên thanh vạn lý thiên
Nhất thôn tan giá nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tinh lay tuyết mãn thuyền.
Dịch thơ:
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn sương khói một vùng dân đai
Ông chài ngủ tít ai lay
Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền.
(Ngô Tất Tố dịch)
Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, có trời xanh, nước biếc, sương khói, tuyết bay,
thiên nhiên hữu tình như thế hỏi sao không lay động lòng người. Trong cảnh thiên
25