Tải bản đầy đủ (.pdf) (81 trang)

Tính giao thời nét đặc trưng trong thơ tản đà

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (699.42 KB, 81 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM

BỘ MÔN NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ LY A
MSSV: 6075406

TÍNH GIAO THỜI – NÉT ĐẶC TRƯNG
TRONG THƠ TẢN ĐÀ

Luận văn tốt nghiệp Đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: Huỳnh Thị Lan Phương

Cần Thơ, 5-2011


MỤC LỤC
MỤC LỤC ................................................................................................................... 1
PHẦN MỞ ĐẦU ......................................................................................................... 3
1. Lý do chọn đề tài:............................................................................................ 3
2.

Lịch sử vấn đề tài : .......................................................................................... 4

3.

Mục đích và nhiệm vụ của đề tài .................................................................... 6


4.

Phạm vi nghiên cứu......................................................................................... 7

5.

Phương pháp nghiên cứu ................................................................................ 8

PHẦN NỘI DUNG...................................................................................................... 9
CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG............................................................. 9
1.1 Khái niệm về tính giao thời .......................................................................... 9
1.2 Vài nét về Tản Đà ........................................................................................ 14
CHƯƠNG II: BIỂU HIỆN CỦA TÍNH GIAO THỜI TRONG THƠ TẢN ĐÀ . 17
2.1 Sự chuyển hướng trong quan niệm sáng tác .............................................. 18
2.2 Sự kết hợp hai yếu tố cũ và mới trong nội dung sáng tác .......................... 21
2.3 Sự biến đổi về phương thức thể hiện: ......................................................... 43
CHƯƠNG III: CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN TẠO NÊN TÍNH GIAO THỜI
TRONG THƠ TẢN ĐÀ ........................................................................................ 73
3.1

Yếu tố khách quan................................................................................. 73

3.2

Yếu tố chủ quan:.................................................................................... 75

PHẦN KẾT LUẬN ................................................................................................... 79
TÀI LIỆU THAM KHẢO ........................................................................................ 80



PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nghiên cứu văn học gọi giai đoạn văn
học 1900-1930 là giai đoạn văn học giao thời. Xét ở góc độ lịch sử đây là thời
điểm tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng của đất nước ta có nhiều thay
đổi. Xã hội Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX là một bầu trời đen tối, có
sự chuyển biến mạnh mẽ từ ý thức hệ phong kiến sang ý thức hệ tư sản, chính
quyền phong kiến làm ngơ trước thực tại khó khăn, điêu đứng của đất nước
nhưng nhân dân Việt Nam thì không thể nào nhắm mắt khoanh tay trước sự xâm
lược của kẻ thù. Phong trào cách mạng lần lượt nổ ra khắp nơi (phong trào Cần
Vương, phong trào Duy Tân) như những tia sáng bùng lên vào đầu thế kỷ XX
nhưng cũng sớm bị dập tắt. Tuy nhiên nó đã tạo nên tiếng vang lớn cho phong
trào cách mạng Việt Nam .
Về văn học đây là giai đoạn văn học có nhiều biến chuyển phức tạp, là
bước chuyển mình từ văn học trung đại sang hiện đại.Chính vì vậy văn học mang
tính chất giao thời, có sự đan xen giữa phương pháp sáng tác cũ và mới tạo nên
nét biệt thái. Cùng với sự phát triển của thể loại tiểu thuyết với những tên tuổi
tiêu biểu như: Hồ Biểu Chánh (Cha con nghĩa nặng ), Hoàng Ngọc Phách (Tố
Tâm), Đặng Trần Phất (Cành hoa điểm tuyết, Cuộc tan thương )…thơ ca cũng có
sự thay đổi lớn, chịu nhiều ảnh hưởng tính cách cá nhân phương Tây, thơ Tản
Đà, Trần Tuấn Khải…trong giai đoạn này đã mang những giai điệu mới. Có thể
nói sự góp mặt của Tản Đà như sự báo hiệu cho những thay đổi trong thơ ở một
chặng mới, thơ Tản Đà chất chứa nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn của buổi giao thời.
Sống trong hoàn cảnh Tây, Tàu lẫn lộn cũng như bao nhiêu người khác Tản
Đà luôn mang bên mình tâm trạng thoát thoát ly, để quên đi thực tại. Những
giằng xé trong con người nhà thơ giữa quá khứ và hiện thực, hiện thực và tương
lai, giữa sự chuẩn mực và suy đồi, giữa đạo đức và quyền lợi…Tất cả những điều


ấy đã tạo nên tính giao thời trong thơ ông – một nét đặc trưng cơ bản của thơ Tãn

Đà mà không phải nhà thơ nào sống trong thời kỳ này cũng có. Và để hiểu hơn
về Tản Đà cùng với những gì mà nhà thơ đã thể hiện người viết đã chọn đề tài: “
Tính giao thời- Nét đặc trưng trong thơ Tản Đà” để làm luận văn tốt nghiệp
cho mình.
2. Lịch sử vấn đề tài :
Tản Đà là một nhà thơ dân tộc, một tài năng tiêu biểu của văn học
Việt Nam giai đoạn giao thời Á-Âu, giao thời giữa cũ và mới. Lịch sử nghiên
cứu thơ văn Tản Đà là lịch sử của sự tiếp cận, tính chuyển tiếp trong thơ ca ông
những đóng góp và cả dừng lại của ông trong bước chuyển giao thời đại. Vì thế
có rất nhiều bài viết, những công trình nghiên cứu viết về thi sĩ Tản Đà (Được
tuyển chọn và in thành sách ).
Trước hết là cuốn Tản Đà – tác gia và tác phẩm đây là cuộc tuyển
chọn và giới thiệu tư liệu về tác giả, tác phẩm được sưu tầm từ những bài viết
trong thời gian chống Pháp và chống Mỹ. Những bài viết trong những năm gần
đây giúp cho người đọc hiểu hơn về cuộc đời cũng như giá trị thơ văn Tản Đà.
Cuốn sách do Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Đức Mậu tuyển chọn và giới thiệu, nhà
xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2000 trong cuốn sách này có những bài viết
đáng chú ý, có thể kể đến bài viết của các tác giả sau:
Phạm Văn Diệu trong bài “Tản Đà – một nhà văn tài tử và lãng
mạn, một nhà thơ giữa hai thế kỷ” đã có nhận xét cho người đọc thấy được sự
tài hoa của Tản Đà trong việc vận dụng những bài thơ luật cổ xưa nhưng mang
phong cách và dáng dấp của thơ hiện đại: “Phong cách dân tộc đặc sắc ở Tản
Đà còn làm cho nhiều bài thơ luật của ông không phải chỉ là những vần thơ cũ
kỹ, khuôn sáo nhan nhãn trong vườn hoa tạp chí Nam Phong trái lại chúng đều
có một vẻ êm ái tròn trĩnh, một ý vị tươi thắm đậm đà. Điều ấy phản ánh trong
lối nói phóng túng dễ dàng giữa lòng bài thơ cũ” [tr.343]. Và không chỉ dừng lại
ở đấy tác giả đã tiếp tục bài viết của mình bằng những lời khẳng định: “ Quả thật
nhà thơ của chúng ta tuy vẫn tuân thủ những luật lệ của đường thi, song đã khéo
dùng những chữ thật bình dị, những khẩu ngữ thông tục lời văn không hề có tình
trạng đông đặc từng điển tích Hán Việt và các lối ngắt nhịp thường theo sát tình



ý nên đã giảm bớt vẻ hoa lệ, trịnh trọng cố hữu của lối thơ để thay vào đó tính
chất phóng khoáng và nét chữ tự nhiên đặc biệt” [tr 343].
Bên cạnh đó tác giả còn nhận xét về chất “tài tử và lãng mạn” của Tản Đà
như sau: “ Sự hưởng lạc thoát ly của Tản Đà không còn giống như thời Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ …nữa mà đã mang dấu vết của thời đại. Tuy
nhiên có thể nói rằng sự hưởng lạc của nhà thơ “ Non Tản sông Đà” vẫn hãy
còn dáng dấp những cái gì của thời xa xưa, cổ kính chung chung vẫn chưa xa
rời cái khung cảnh điềm nhã, mỹ thuật” [tr 339].
Xuân Diệu trong bài “ Công của thi sĩ Tản Đà” đã nhận xét: “
Tản Đà còn là thi sĩ rất An Nam, có thể nói là hoàn toàn An Nam …thơ Tản Đà
là thơ An Nam …thi sĩ Tản Đà cũng đã biết tiếng An Nam cũng rất tường tận mới
viết được những khúc thơ thuần thục như những lời thơ dân gian” [tr 181].
Cũng bàn về thơ Tản Đà, trong bài: “Tính dân tộc và tính hiện đại , truyền
thống và cách tân, qua nhà thơ Tản Đà” Trần Ngọc Vương đã có những nhận
xét: “ Nhìn tổng quát có thể khẳng định: Tản đà nối tiếp hàng loạt chủ đề, đề tài
truyền thống đồng thời mở rộng ra đưa thêm vào đó những tình huống mới vừa
có sự gần gũi với các tác giả nổi danh trong truyền thống, nhưng cũng phát hiện
nhiều giọng điệu sắc thái dân tộc” [tr 486].
Hay Nguyễn Khắc Xương đã gọi Tản Đà như tiêu đề bài viết của
mình: “Tản Đà ngọn lửa cuối cùng của ý thức hệ phong kiến Việt Nam” đã
viết: “Hình thức thơ Tản Đà cũng bắt đầu đổi hướng: Tản Đà là người đầu tiên
trong văn học Việt Nam áp dụng hình thức thơ mới thích hợp với nội dung mới
của thời đại .Nhưng Tản Đà đã lùi về vị trí giai cấp của mình, nhiệt thành chấn
hưng khổng học, đề cao lễ giáo phong kiến và công kích thơ mới …ngọn đèn
trước khi tắt tất phải bùng lên ánh lửa cuối cùng. Tản Đà chính là ánh lửa cuối
cùng của ý thức hệ phong kiến đã có hàng ngàn năm lịch sử trong xã hội ta được
phản ánh vào văn học” [ tr360].
Hầu hết những công trình về thơ Tản Đà đều thống nhất xem ông là một

thi gia tiêu biểu của văn chương Việt Nam. Trong “Sự chuyển biến của văn
chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại” có viết: “Là một thi sĩ thật sự có tâm
hồn và tài năng thi sĩ tân kỳ say mê các đọc giả Việt Nam suốt mấy mươi năm cả


đến tận ngày nay . Tản Đà là một cột mốc son lớn và đẹp trên con đường hiện
đại hóa thơ ca Việt Nam ( Hiện đại và không thoát ly tinh thần, tình cảm của
phong trào yêu nước, cách mạng đương thời mà là sự thăng hoa nghệ thuật của
sự vận động lịch sử đó) . Tản đà là nhà thơ yêu nước, nhà cách tân nghệ thuật
thơ ca và văn chương của những năm 30 của cà thế kỷ XX” [tr 414].
Và đặc biệt để hoàn thành luận văn này không thể không kể đến cuốn
“Tản Đà- tác phẩm và dư luận” do nhiều tác giả biên soạn và giới thiệu . Đây
xem như là một công trình nghiên cứu về thơ văn Tản Đà cũng như những đóng
góp mà ông đã đem đến cho nền văn học Việt Nam . “Tản Đà- Tác phẩm và dư
luận” được chia làm hai phần: phần thứ nhất: những tác phẩm của Tản Đà (chỉ kể
đến thơ) phần thứ hai: những bài viết của nhiều tác giả về thi sĩ Tản Đà. Tuy
nhiên luận văn này chỉ tham khảo ở phần thơ. Có thể nói “ Tản Đà – Tác phẩm
và dư luận” là một trong những công trình nghiên cứu đem đến cái nhìn khá đầy
đủ về văn chương Tản Đà.
Nhìn chung từ trước đến nay đã có rất nhiều bài viết, nhiều quyển sách
tìm hiểu về thơ Tản Đà, phát hiện cái mới cái hay và sự đóng góp của Tản Đà về
nhiều mặt. Trong đó bàn về nội dung và nghệ thuật thơ văn của Tản Đà nói
chung được đề cặp rất nhiều . Bởi vì Tản Đà là nhà thơ điển hình, tiêu biểu nhất
so với các nhà thơ trong buổi giao thời, trong những sáng tác của ông luôn tồn
tại, đan xen giữa cũ và mới, cổ điển và cách tân .
Vì vậy với đề tài: “Tính giao thời- Nét đặc trưng trong thơ Tản Đà”
cùng với kiến thức hạn hẹp của mình, qua luận văn này, người viết chỉ xem đây
là cơ hội để bày tỏ ý kiến, quan điểm nhằm góp phần tìm hiểu sâu hơn về: “Tính
giao thời – Nét đặc trưng trong thơ Tản Đà”.
3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài

Cũ và mới, Đông và Tây là những lĩnh vực luôn có sự phân biệt rõ ràng,
cái mới ra đời để phủ định cái cũ. Người phương Tây thì muốn đem nền văn hóa
của mình để áp đặt cho người phương Đông. Nói như vậy không có nghĩa là cái
gì đến sau đều không tốt. Bởi vì cái mới ra đời là dựa trên nền tảng cái cũ, còn
người phương Đông cũng có quan điểm, lập trường riêng của dân tộc mình vì
vậy họ không dễ dàng chấp nhận sự áp đặt của người phương Tây. Vấn đề ở đây


là chúng ta phải biết làm sao và làm như thế nào để không bị hòa tan trong vòng
xoáy của xã hội thời bấy giờ và Tản Đà đã thật sự làm được điều đó. Ông là dấu
gạch nối giữa hai nền văn học. Vì thế để có một cái nhìn thật sự đúng đắn về Tản
Đà người viết buộc phải có kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trong
những năm đầu của thế kỷ XX, cũng như những kiến thức chuyên nghành về văn
chương đặc biệt là thơ không phải chỉ riêng về thơ Tản Đà mà còn cả nhiều nhà
thơ khác. Vì có như thế ta mới thấy được nét “giao thời” trong thơ ông.
Việc tìm hiểu và nghiên cứu một nhà văn, nhà thơ nào đó không phải chỉ
đơn thuần là công việc của những nhà phê bình mà nó còn cần thiết đối với
những sinh viên thuộc nghành văn chương. Công việc ấy giúp chúng ta có thể
nắm bắt sâu hơn về tác giả, tác phẩm cũng như những đóng góp mà nhà thơ, nhà
văn đã để lại cho chúng ta. Tuy nhiên để có cái nhìn toàn diện về vấn đề mà mình
nghiên cứu thì trong phạm vi hiểu biết người viết chưa thể khái quát cụ thể và
đầy đủ. Vì thế khi nghiên cứu về Tản Đà người viết chỉ chọn ra một khiá cạnh đó
là: “Tính giao thời- Nét đặc trưng trong thơ Tản Đà” nhằm tạo điều kiện cho
bản thân hiểu hơn về thơ Tản Đà, cũng như nét đặc trưng vốn có được biểu hiện
trong thơ ông.
Hơn nữa Tản Đà là nhà thơ đã từ lâu được giới phê bình nghiên cứu văn
học rất quan tâm. Họ khen không hết lời mà chê cũng không tiếc lời. Vì lẽ đó,
người viết mong muốn qua đề tài này trên cơ sỡ làm nổi bật nét đặc trưng của thơ
Tản Đà trên hai bình diện nội dung và nghệ thuật sẽ góp thêm tiếng nói vào việc
khẳng định thành công tích cực của Tản Đà – một nhà thơ đã làm thi sĩ một cách

đường hoàng, bạo dạng “dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi” [Văn Học
Việt Nam thế kỷ XX- Lý luận phê bình nửa đầu thế kỷ XX Quyển V- Tập V
tr274].
4. Phạm vi nghiên cứu
Như chúng ta đã biết Tản Đà sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng thực tế đã
cho thấy rằng thơ là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên tên tuổi cho Tản Đà.
Và cũng như đã nói từ đầu do chưa có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trong đề
tài này người viết chỉ nghiên cứu về Tản Đà ở lĩnh vực thơ ca. Tuy nhiên người
viết cũng không khảo sát toàn bộ những vấn đề có liên quan đến thơ Tản Đà mà


chỉ gói gọn lại trong một khuôn khổ nhất định là: tìm hiểu về tính giao thời trong
thơ Tản Đà. Để làm được điều đó người viết dựa trên hai phương diện cơ bản
của thơ Tản Đà về nội dung và nghệ thuật nhằm làm sáng tỏ tính giao thời trong
thơ ông.
Nhìn chung như tên gọi của đề tài đã cho ta thấy được phạm vi nghiên
cứu của nó, với phạm vi như thế trong luận văn này, người viết chỉ khảo sát
những sáng tác thơ Tản Đà trong “Tản Đà toàn tập”. Bên cạnh đó người viết
còn tham khảo các bài viết, các công trình được đề cập ở phần lịch sử vấn đề đề
hoàn thành luận này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn này người viết đã tiến hành các
phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
Do yêu cầu của đề tài là tìm hiểu “Tính giao thời- Nét đặt trưng trong thơ
Tàn Đà” nên người viết về cơ bản bám sát những tác phẩm thơ Tản Đà trong
“Tuyển tập Tản Đà” do nhà xuất bản Hội nhà văn giới thiệu. Từ những tác phẩm
cụ thể, người viết đã tìm hiểu, khảo sát từng bài thơ để sát lập thể loại vá các yếu
tố tạo nên “Tính giao thời- Nét đặc trưng trong thơ Tản Đà” trên cả hai bình diện
nội dung và nghệ thuật. Và trong khi nghiên cứu, khảo sát người viết đã kết hợp
các phương pháp như: phân tích, thống kê, tổng hợp, chứng minh, so sánh

…nhằm để làm sáng tỏ các vấn đề được đặt ra trong bài viết này.


PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.1 KHÁI NIỆM VỀ TÍNH GIAO THỜI
1.1.1 Một số quan niệm về tính giao thời trong văn học giai đoạn 19001930:
Tính giao thời là nét đặt trưng của văn học Việt Nam giai đoạn 19001930. Do sự tác động của hoàn cảnh xã hội nền văn học Việt Nam đã có những
bước chuyển mình rõ rệt, các nhà văn trong thời kỳ này đã có những thay đổi về
cảm hứng sáng tác, quan niệm sáng tác ở nội dung tư tưởng và hình thức nghệ
thuật. Tuy nhiên họ đã không rũ bỏ hết tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền
thống của dân tộc. Và chính những yếu tố này đã tạo nên tính giao thời trong văn
học, khi nói đến tính giao thời đã có nhiều quan niệm xoay quanh vấn đề này và
đây là một hiện tượng văn học nổi bật của nền văn học. Việt Nam trong những
năm đầu thế kỷ XX.
Trước tiên chúng ta sẽ giải thích nghĩa của từ “giao thời”. Theo như từ
điển Tiếng Việt do Hoàng Phê biên soạn có ghi rõ: “Giao thời là khoảng thời
gian chuyển tiếp từ thời kỳ này sang thời kỳ khác cái mới cái cũ đan xen lẫn
nhau, thường có mâu thuẫn xung đột chưa ổn định” [Hoàng Phê 1995 tr378].
Bản thân từ “giao thời” cũng như ý nghĩa của nó đã phần nào cho chúng ta hiểu
được những đặc điểm của tính giao thời trong văn học. Đồng tình với quan điểm
đó một số nhà nghiên cứu đã đưa ra quan niệm của mình về hiện tượng giao thời
của văn học giai đoạn 1900-1930.
Theo Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng thì: “Văn học của cả giai đoạn
1900-1930 có tính giao thời. Tính chất giao thời đó được biểu hiện ở sự tồn tại
song song hai nền văn học cũ và mới, hai lực lượng sáng tác, hai công chúng với
hai quan niệm văn học địa bàn khác nhau ở xu thế thắng lợi của nền văn học
mới tiến tới thay thế nền văn học cũ đang suy yếu dần. Ở giai đoạn giao thời này
nền văn học cũ tuy đã ở trên đà đang suy tàn nhưng vẫn còn giữ được một vị trí



đáng kể vẫn còn một tác dụng tích cực trong sự phát triển của văn học dân tộc”
[Trần đình Hượu, Lê Chí Dũng 1988 tr29].
Còn với Trần Nho Thìn thì ông cho rằng: “Nói một cách song phẳng các
định danh giao thời là rất thích hợp cho văn học trên vùng đất Bắc Kỳ lúc đó
nhưng vị tất đã thích hợp cho văn học ở vùng phía Nam của tổ quốc lúc ấy gọi là
Nam Kỳ” [Trần Nho Thìn 2003 tr290].
Hay trong Tạp chí khoa học xã hội số 12(136)-2009 Huỳnh Thị Lan
Phương, Nguyễn Văn Nở trong bài nghiên cứu: “Tính giao thời nét đặc trưng của
văn học giai đoạn 1900-1930 đã viết”: “ Có thể khẳng định: Trong lịch sử văn
học Việt Nam đây là giai đoạn duy nhất tính giao thời được thể hiện rõ nét như
thế. Tính giao thời đã tạo cho văn học giai đoạn này nổi bật vai trò bản lề nối
liền hai thời kỳ văn học trung đại và hiện đại. Có nó dòng chảy liên tục từ thế kỷ
X đến nay không tắt mạch chia dòng”.
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đều cho rằng nét đặc trưng cơ bản của văn
học Việt Nam giai đoạn 1900-1930 đó chính là tính giao thời. Từ đó chúng ta sẽ
đi đến việc nghiên cứu một tác giả tiêu biểu cho thời kỳ này là: Tản Đà- Nguyễn
Khắc Hiếu.
1.1.2 Thế nào là tính giao thời trong thơ Tản Đà?
Là một nhà thơ trưởng thành trong buổi giao thời, Tản Đà chịu không ít
những chi phối của hoàn cảnh xã hội. Vì thế trong thơ ông đã có những biểu hiện
rõ rệt của tính giao thời, trong sáng tác của mình Tản Đà đã thể hiện cùng lúc hai
yếu tố cũ và mới, cổ điển và hiện đại, Đông và Tây. Sự kết hợp nhuần nhuyễn ấy
đã làm nên phong cách Tản Đà mà từ trước đến nay chưa từng có. Tính giao thời
trong thơ Tản Đà thể hiện trên hai phương diện lớn. Đó là nội dung tư tưởng và
hình thức và hình thức nghệ thuật.
Đầu tiên chúng ta sẽ bàn đến vấn đề về nội dung sáng tác trong thơ Tản
Đà Trong đó bao gồm các nhân tố:
Quan niệm sáng tác: Tản Đà đã có những chuyển biến đáng kể trong
quan niệm sáng tác của mình. Nếu như ở thời kỳ trung đại các nhà văn nhà thơ

chỉ đi theo một quan niệm duy nhất đó là quan niệm của nhà Nho chịu ảnh hưởng


nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo thì đến thời kỳ này người sáng tác cụ thể là Tản
Đà đã có những biểu hiện của sự thay đổi. Tản Đà vừa muốn thoát ly khỏi sự tù
túng, ràng buộc lễ nghi của những quy ước cũ để tìm kiếm một định hướng mới,
một chân trời mới. Tản Đà không nhất quán đi theo quan niệm của nhà Nho
nhưng chúng ta vẫn còn thấy đâu đó trong sáng tác của ông những nguyên tắc
quen thuộc của thơ văn trung đại. Tản Đà đã tự chia những sang tác của mình
thành hai bộ phận: “văn vị đời” và “văn chơi”. Trong đó “văn vị đời” là những
bài thơ nhằm để tuyên truyền đạo lý, còn “văn chơi” thì chỉ để mua vui.
Tản Đà còn quan niệm rằng viết văn còn là một nghề để kiếm sống chứ
không phải chỉ viết để phục vụ cho đời. bên cạnh đó để chống lại quan điểm coi
văn chương là của báo dành riêng cho các “tao nhân mặt khách”, các nhà tri thức,
Tản Đà đưa ra quan điểm văn chương phải được quần chúng tham gia ý kiến.
Tản Đà nêu quan điểm: “Văn chương có trọng giá, không phải là một sự chơi
riêng trong ý thú, không phải là một sự đua trong phẩm bình mà phải có bóng
mây hơi nước đến dân, xã” đó là nói văn chương phải có tác động tích cực tới
nhân dân, tới xã hội. Đây là một quan niệm rất mới và mạnh bạo trong thời đó.
Và để hiểu rõ hơn về những điều đã nói người viết sẽ trình bày kỹ hơn ở chương
hai nói về những biểu hiện của tính giao thời trong thơ Tản Đà.
Tuy nhiên: “Có thể nói nhu cầu đổi mới quan niệm sáng tác đang được
người cầm bút thời này đặt ra, nhưng định hình một quan niệm sáng tác mới vẫn
còn là một vấn đề bỏ ngỏ” [Huỳnh Thị Lan Phương, Nguyễn Văn Nở tạp chí
khoa học xã hội số 12.136-2009].
Đề tài sáng tác: Tản Đà là nhà thơ đã được tiếp xúc với nền văn học hiện
đại, cả Tây, cả Tàu và sống ở thành phố, bắt đầu quen với cách sống thị dân.
Nhưng thế giới của Tản Đà nhân vật của Tản Đà thì không phải trực tiếp đi từ
cuộc sống đó. Tản Đà vẫn quen với mộng, vẫn thích cuộc đời của những anh
hùng hào kiệt, những tài tử giai nhân, những du khách phiêu lãng, những kỹ nữ

tài hoa… Tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương đất nước, là những đề tài đã
được Tản Đà kế thừa từ thơ ca truyền thống. Bên cạnh đó Tản Đà còn sáng tác ở
những nội dung mới như: tư tưởng lãng mạn thoát ly, chủ nghĩa cá nhân và cái
tôi bản ngã đã được nhà thơ phản ánh rõ nét qua từng trang viết của mình.


“Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu
Bốn phương mây nước người đôi ngã
Hai chữ tương tư một gánh sầu”
(Tương Tư)
Hay là:
“Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan
Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn trông mấy tháng
Mà tay phan tử lấy ba ngàn
C ũng phường dối nước quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân giống hại đàn
Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí
Lệ ai dàn dụa với gian san”
(Cảm đề)
Nhìn chung Tản Đà vẫn sáng tác theo những đề tài quen thuộc nhưng tình
yêu trong thơ ông chỉ là sự nhớ thương , tương tư khắc khoải chứ không phải là
tình yêu hướng đến hôn nhân. Tản Đà yêu nước, đau xót trước cảnh nước mất
nhà tan nhưng yêu nước với ông không còn là “trung quân, không phải là thái độ
thờ ơ, dửng dưng mà yêu nước là phải đứng về phía người dân biết cảm thông và
chia sẻ với những con người thấp cổ bé họng. Nhà thơ nhìn đời bằng cái nhìn
khách quan vì thế thơ ông phản ánh một cách chân thực hiện thực cuộc sống của
xã hội đương thời. Cùng với cái tôi bản ngã Tản Đà đã tạo nên nét biệt thái giữa
một nhà thơ giao thời với những bậc tiền bối trước ông.

Lãng mạn thoát ly là một khuynh hướng chủ yếu trong thơ văn Tản Đà
cũng giống như Nguyễn Khuyến, Tú Xương do chán ngán trước thời thế các nhà
nho đều ở trong tư thế bi quan, chán nản. Nhưng nếu như Nguyễn Khuyến chọn
cách về quê ở ẩn để quên đi sự đời thì Tản Đà lại lao vào con đường hành lạc để


trốn đời. Tản Đà sống bằng tưởng tượng nhiều hơn là hiện thực, ông bắt đầu bê
tha nhưng chưa đến nỗi phải rơi vào trụy lạc.
Nếu như ở nội dung tư tưởng Tản Đà đã có những biểu hiện của yếu tố giao thời
thì ở phần nghệ thuật cũng không nằm ngoài khả năng đó.
Thứ nhất là vấn đề về hệ thống thể loại trong sáng tác: Ở thời kỳ trước
Tản Đà các nhà nho viết văn theo thể loại văn học phương Đông bao gồm những
thể loại có từ văn học Trung Quốc như: thơ, phú, kinh nghĩa, văn sách luận, tứ
lục…cùng với các thể loại văn Nôm như: ngâm, khúc truyện Nôm, hát nói…Còn
đối văn học phương Tây thì điển hình như thơ, kịch, tiểu thuyết và những tác
phẩm mang nội dung triết học, học thuật viết bằng văn xuôi. Đây là hai hệ thống
hoàn toàn khác nhau. Tản Đà là nhà thơ tiếp thu cả hai hệ thống thể loại nhưng
khi làm thơ Tản Đà vẫn viết theo những gì quen thuộc, sở trường. Ông viết tuồng
nhưng không phải là thứ tuồng cổ mà nó là một thứ ca kịch nào đó có vẻ xa lạ
chưa thành hình. Tản Đà cũng làm thơ cũng thất ngôn, cũng lục bát, song thất
…nhưng bên cạnh đó còn có những bài hát sẩm, bài lý, những khúc ca dân gian,
ca khúc, từ khúc Tản Đà đem chúng xếp ngang hàng với thơ thất ngôn.
Tuy nhiên về căn bản Tản Đà là một nhà nho nên khi thử ngòi bút vào một
thể loại mới thì ông vẫn còn vấn vương với cái chuẩn mực, cổ điển. Tản Đà
không được để chuẩn bị để tiếp tục chuyển hướng sang nền văn học thật sự hiện
đại-văn học Âu hóa. Ông là người đã tìm ra hướng đi mới nhưng những bước đi
của ông có phần khập khểnh, không vững chắc do vậy Tản Đà chưa thật sự là
một nhà thơ mới. Chúng ta chỉ ghi nhận ở ông những đóng góp ban đầu cho sự ra
đời của nền thơ ca hiện đại.
Thứ hai là vấn đề về nghệ thuật ngôn từ: Tản Đà là nhà thơ đặc biệt quan

tâm đến việc lựa chọn từ ngữ và âm điệu khi viết văn. Không chỉ có thơ mà cả
văn xuôi của Tản Đà cũng đầy nhạc tính. Tản Đà có một chủ trương về câu văn:
“Đã gọi là văn, nếu không có khuất khúc, không có sự khởi phục, không có tiêm
tế, không có hàm xúc, thời như câu nói vã, viết vào giấy sao cho là văn” [ Giấc
Mộng Con II]. Tản Đà tự hào về điều đó và xây dựng sự độc đáo của mình trên
quan điểm đó. Nhưng cũng chính điều đó đã làm cho Tản Đà dừng lại trước văn
học hiện đại. Trần Đình Hượu đã từng nhận xét: “Văn học là nghệ thuật về ngôn


ngữ. Phương Đông đã đặc biệt quan tâm chau chuốt lời, tìm nhạc điệu, tìm cách
kết cấu từng câu, từng đoạn. văn học phương tây nhất là văn học cận, hiện đại
không dừng lại ở đó. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc lãnh hội thế giới, đến việc
đặt ra và giải quyết những vấn đề, đến việc tái tạo, truyền đạt cái nhìn lĩnh hội,
suy nghĩ bằng những hình tượng, những câu, những từ ngữ. theo truyền thống
làm văn Phương Đông Tản Đà không tự đặt mình trước một qua trình sáng tạo
như vậy”[ Tản Đà – tác phẩm và Dư luận tr228]
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam thì dân ca và từ khúc là những cái hay, cái
đẹp của văn chương chữ Hán và đã sinh ra nhiều tài năng như: Nguyễn Du,
Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương…Tản Đà không chỉ kế thừa
họ mà còn khai thác nhiều hơn những gì đã có.
Tuy tản Đà chưa đủ mới, chưa bắt được cái thực và cũng chưa thoát khỏi
ràng buộc của chức năng đạo lý của quan niệm văn học cũ. Nhưng thông qua
những sáng tác của Tản Đà thì dường như những quan niệm truyền thống ấy đã
dần bị lung lay. Trong bài nghiên cứu: Tính dân tộc và tính hiện đại, truyền thống
và cách tân qua nhà thơ Tản Đà Trần Ngọc Vương đã viết: “ Sáng tác của Tản
Đà vì vậy, cần được xem xét như một quan điểm giao hội của những vấn đề lý
luận trong văn học sự Việt Nam, trên cơ sỡ nghiên cứu mối quan hệ qua lại biện
chứng của nội dung và nghệ thuật, tính cụ thể lịch sử của thời đại ra đời các tác
phẩm, các tương tác giá trị vừa mang tính đồng đại vừa mang tính lịch sử”. Thật
vậy đồng đại và lịch sử là hai thuộc tính luôn tồn tại song song trên trang viết

của Tản Đà nhưng do không tiếp cận thực với thời đại mới, thời địa tư sản nên
không có nhu cầu nội tại phải thay đổi phương thức thể hiện đó là lý do khiến
Tản Đà lạc hậu so với các thế hệ sau. Tuy nhiên truyền thống hay hiện đại, cái
dân tộc, hay cái tiếp thụ từ bên ngoài đều phải chịu sự thử thách, chịu sự sàn lọc
của đời sống. Trong văn chương dường như điều đó càng nghiệt ngã hơn và tản
Đà là một minh chứng cho điều đã nói.
1.2 Vài nét về Tản Đà
1.2.1Sơ lược về tiểu sử:
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm Thành Thái nguyên niên (năm thứ
nhất) tức là năm Kỷ Sửu ngày 20 tháng 4 dương lịch là 25-5-1889 (không


phải sinh năm Mậu Tý 1888 như nhiều tài liệu ghi chép) tại làng Khê
Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây một làng trung du nhỏ bên sông Đà chỉ
cách núi Tản Viên 10km.
Tản Đà thuộc dòng dõi khoa bảng lâu đời thân sinh của Tản Đà là tri phủ
Xuân Trường Nguyễn Danh Kế - là một nhà nho tài tử, phong lưu ông đã yêu
và lấy cô đào hát phố Hàng Thao-Nam Định Nhữ Thị Nghiêm chính là mẹ
cùa Tản Đà. Năm lên bốn tuổi Tản Đà theo người anh cùng cha khác mẹ là
Nguyễn Tái Tích và được người anh này nuôi dưỡng.
Tản Đà thi trượt ở trường Nam và đau khổ vì người yêu đi lấy chồng Tản
Đà trở nên điên loạn, vào dãy Trường Sơn tìm hổ quỷ, tế Chiêu Quân ở Non
Tiên, nhịn ăn ở ấp Cổ Đằng …Sau đó nhờ người anh rễ Nguyễn Thiện Kế cổ
động cách mạng dân chủ tư sản của các nhà trí thức Trung Quốc, Nguyễn
Khắ Hiếu đã ôm ấp một hoài bão, một lý tưởng mới gạt bỏ hẳn con đường cử
nghiệp.
1915 Tản Đà lập gia đình và bắt đầu nổi tiếng với bút danh Tản Đà ông
mất vào ngày 20-4 Kỷ Mão tức ngày 7-6-1939 tại nhà 71 đường Cầu Mới,
ngã tư sở, Hà Nội (nay là nhà số 47 đường Nguyễn Trãi ) và an táng tại nghĩa
trang Quảng Thiện

1.2.2Các thành tựu thơ Tản Đà
Trong sự nghiệp sáng tác của mình Tản đà đã đạt được rất nhiều
thành tựu về văn chương nói chung và thơ ca nói riêng. Tản Đà là người đã
thổi vào hồn thơ Việt Nam một làn gió mới và cũng có thể nói rằng thơ Tản
Đà “buồn mà không tẻ, vui mà không ồn, thô mà không tục”.
Một số thành tựu tiêu biểu về thơ:
Khối tình con I 1916
Khối tình con II 1918
Còn chơi (Có cả thơ và văn xuôi) 1921
Tản Đà tùng văn (thơ và văn xuôi) 1922
Thơ Tản Đà 1925


Khối tình con III 1932
Dịch thơ Đường trên báo Ngày nay 1938-1939
Tản Đà sáng tác ở nhiều thể loại song có lẽ thơ ca là thể loại đã đem lại
nhiều thành công nhất cho Tản Đà, thực tế đã cho ta thấy hầu hết các công
trình nghiên cứu về Tản Đà phần lớn bàn về thơ là chủ yếu. Người ta nói
nhiều thơ Tản Đà cả về thành công lẫn hạn chế khen và chê đều có. Nhưng
nhìn chung thì các nhà nghiên cứu đều cho rằng Tản Đà đã có công rất lớn
trong việc soi đường dẫn lối cho thế hệ nhà thơ sau này. Tản Đà giống như
một nền tảng vững chắc cho sự thay đổi tất yếu của nền văn học Việt Nam.
1.2.3 Việc tiếp nhận thơ Tản Đà của công chúng đương thời
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với nhiều diễn biến phức tạp, Tây
Tàu lẫn lộn đã tạo nên nhiều mâu thuẫn gay gắt , xung đột giữa các tầng lớp. Các
nước tư bản phương Tây tìm mọi cách để thôn tính Việt Nam bằng nhiều con
đường như: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng …chúng muốn biến Việt nam trở
thành một nước thuộc địa. Sự xuất hiện bất ngờ của nền văn hóa phương Tây đã
gây ảnh hưởng rất nhiều đến tầng lớp tri thức thời bấy giờ, họ không còn sùng
bái, tôn thờ lối viết cầu kỳ, hoa mỹ mà khô khan cứng nhắc nữa. Thay vào đó

những vần thơ nhẹ nhàng, thanh thoát mà chứa chan tình cảm và có thể giãi bày
hết mọi tâm tư. Và chính lúc ấy Tản Đà đã xuất hiện khi Tản Đà lên tiếng thì đọc
giả hầu như chú ý đến ông, họ xem Tản Đà như một dòng nước tươi mát giữa
một xa mạc mênh mông bởi ông đã mạnh dạn cho rằng:
“Đờn là đờn
Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đờn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ”
Chính quan niệm đó đã làm cho Tản Đà trở thành tiêu điểm cho dư
luận của công chúng đương thời. Họ hoan nghênh nhiệt liệt vì đã tìm được sự
mới mẽ trong thơ Tản Đà tuy nhiên không phải là tất cả. Người đầu tiên ta phải
kể đến đó là Phạm Quỳnh ông khen tài làm thơ của Tản Đà nhưng lại cho rằng


nhà thơ đi vào con đường viết để giải trí, Phạm Quỳnh coi việc làm của Tản Đà
chỉ là ngồi “chạm lõng rồi lại chạm tỉa, thiệt là tinh, thiệt là xảo”. Không phải
chỉ riêng có Phạm Quỳnh mà một số tờ báo thời kỳ này như Phong Hóa, Ngày
Nay đều công kích Tản Đà cho Ông là “đại biểu chính thức của nền thơ cũ”
cùng với bức tranh khôi hài của Đông Sơn và bài hát nói của nhà thơ trào phúng
Tú Mỡ (1932).
“Ngôi sao Tản Đà chỉ tỏ sáng quãng 15 năm và nếu xét về mặt sáng tác
sung sức thì chỉ hơn 10 năm” [Trần Đình Hượu, Tản Đà- Tác phẩm và dư
luận tr218]. Trong khoảng thời gian cuối đời người ta dường như quên đi đã
từng có một Tản Đà vì ông trở đã thành đồ cổ, ông hoàn toàn mất công chúng
và cũng không sáng tác được tập thơ nào có giá trị như trước nữa. Sinh ra và
lớn lên trong buổi giao thời- thời buổi mà ranh giới giữa cái cũ và cái mới chỉ
là một ranh giới mơ hồ không xác định có lẽ vì vậy mà khi đối mặt với thực tế
Tản Đà không sao tránh khỏi dư luận đó cũng là điều dễ hiểu.


Sự thất thế của nền văn học cũ do luồng tư tưởng mới của phương Tây
đang ồ ạt thổi vào đó là sự vận động tất yếu của lịch sử văn học. Đối với người
cầm bút và người tiếp nhận thì “ văn học hiện đại là một khu vườn quyến rũ đầy
hoa thơm cỏ lạ”[Huỳnh Thị Lan Phương, Nguyễn Văn Nở Tạp chí khoa học
xã hội số 12(136)-2009]. Chính vì vậy người sáng tác không sao tránh được sự
dè dặt, bỡ ngỡ khi tiếp cận cái mới, sự hạn chế về nhận thức ở nhiều phương diện
đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình sáng tác. Còn với công chúng
đương thời thì họ luôn muốn tìm hiểu và khám phá sự mới lạ nhưng nếu vượt quá
khuôn khổ thì lập tức sẽ bị lên án, phản ứng quyết liệt. Hiểu được điều đó những
nhà văn đương thời muốn được sự hưởng ứng của công chúng thì phải dung hòa
giữa cái truyền thống và cái hiện đại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân
dẫn đến tính giao thời trong thơ Tản Đà, tuy nhiên do không bắt nhịp được với
thời đại Tản Đà đã nhanh chóng bị công chúng đương thời lãng quên phần nào
cũng do trình độ hiểu biết, cơ sỡ lý luận văn học thời kỳ này còn nhiều hạn chế.


CHƯƠNG II: BIỂU HIỆN CỦA TÍNH GIAO THỜI TRONG
THƠ TẢN ĐÀ
2.1 Sự chuyển biến trong quan niệm sáng tác
“Đã từ lâu các nghệ sĩ trong đám nhà nho cảm thấy sự gò bó của văn
chương đạo lý và cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi những cấm kỵ của thứ văn
chương đó” [ Trần Đình Hượu- Tản Đà Tác phẩm và Dư luận]. Câu nói trên
đã cho chúng ta thấy được những bức xúc của giới nghệ sĩ đương thời. Từ lâu họ
đã bị ý thức phong kiến hệ nhà Nho giam cầm trong ngần ấy năm trời giờ đây họ
thật sự muốn được giãi phóng để thoát khỏi sự kìm kẹp ấy. Đối với họ đây là
điều thật sự cần thiết vì lối viết khô khan nghèo nàn và những quy tắc cũ kỹ
không còn thích hợp nữa, cái họ cần “là những tình cảm thiết tha cho tự do cho
cá nhân, cho tình yêu và cho cả những lời chua cay, mỉa mai, khinh bạc trước
thói đời nữa”. Trong khi đó thì Nho học vẫn giữ một giới hạn, một sự cấm kỵ
nghiêm khắc: không viết theo cái tôi bản ngã, không đề cập đến cái tà, cái dâm

đó là điều nghiêm cấm của văn chương thánh hiền.
Trước tình hình chung như thế Tản Đà đã có sự chuyển biến trong quan
niệm sáng tác song sự chuyển biến ấy vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của lễ
giáo phong kiến, Tản Đà viết Khối Tình Con, Giấc Mộng Con với những ham
muốn về một tình yêu say mê, phong phú, những tài tử giai nhân hay hứng thú về
những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, ly kỳ; hay cái “thực” người thực, cảnh thực, xã
hội thực chứ không phải là lối viết cầu kỳ, hoa mỹ của thời trước. Tuy nhiên Tản
Đà đã thể hiện những điều ấy dựa trên nền tảng của thơ cổ.
Với việc cho ra đời Giấc Mộng Con tập II Tản Đà đã khẳng định quan niệm
của mình: người cầm bút phải là người khai minh dân trí tư tưởng, là người có
cái tâm thuần chính. Tức là nhà thơ phải viết sao cho tất cả mọi người đều được
tham gia chứ không phải chỉ dành riêng cho bất kỳ tầng lớp, giai cấp nào trong
khi đó văn chương trung đại chỉ thuộc quyền sở hữu của tầng lớp tri thức quý
tộc. Tản Đà cho rằng phải đưa văn chương về với quần chúng : “Tôi muốn thơ
văn của tôi phải được phổ thông trong đám bình dân. Sách của tôi sẽ được bán
rất rẽ cho những ông hàng xén để những ông này đem bán trong phố hay các chợ
quê như những truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Trê Cóc chẳng


hạn thế thì mới có ích cho đồng bào chứ”[Trích Tản Đà – Tác phẩm và Dư luận
của Nguyễn Khắc Xương tr269]. không giống vói các nhà thơ trong thời kỳ trước
Tản Đà xem quần chúng là đối tượng phục vụ, là người bạn để ông giãy bày hết
mọi tâm tư, tình cảm của bả thân mình. Ông muốn chia sẽ với tất cả mọi người
dù cho đó là những con người rất đỗi bình thường. Đó có thể là “chị hàng cau”,
“cô chài cá”, hay “anh phu xe”…Tất cả đều hiện lên trên trang viết của Tản Đà
với niềm yêu thương, trìu mến. Văn chương mà lấy nhân dân làm đối tượng phục
vụ là một quan niệm hoàn toàn tiến bộ so với thời kỳ trước đó và chỉ khi đếnvới
thơ Tản Đà thì ta mới thấy được điều đó.
Với Tản Đà ngoài việc làm thơ để phục vụ cho đời ông còn quan niệm
rằng viết văn còn là một nghề để sinh nhai, kiếm sống. Tản Đà là người đã từng

tuyên bố “đem văn chương bán phố phường”, bởi vì hiện tại đồng tiền đã thay
đổi vị trí của văn học và cũng thay đổi luôn cả tính chất văn học. “Văn học mất
dần tính chất cao đạo của văn theo quan niệm cổ truyền mà thành văn nghệ và
đồng thời thành hàng hóa trao đổi giữa tác giả và công chúng qua thiết chế
trung gian là xuất bản, tòa báo”.[ Trích Tản Đà – tác phẩm và Dư luận( Trần
Đình Hượu – Về nội dung tính giao thời khi nghiên cứu các sáng tác của Tản
Đà]. Trước sự thay đổi đó Tản Đà là người thuộc thế hệ nhà văn đầu tiên có quan
niệm khác. ông cho rằng: “Văn chương không nhằm vào việc giáo hóa” và “Viết
văn tuy chưa thành một nghề, nhưng từ công việc đó cũng có thể kiếm ra tiền tài
và vinh quang” . Chính vì vậy từ một cậu ấm con quan Tản Đà đã bỏ quê nhà đi
viết tuồng, diễn tuồng và ngông nghênh đem cả văn chương đi “bán phố
phường”.
Mang tư tưởng từ những quan niệm đó và một phần do ảnh hưởng quan
niệm của văn học cũ Tản Đà đã chia những sáng tác của mình thành hai bộ phận:
“văn vị đời” và “văn chơi”. Trong bài “ Hầu trời” nhà thơ trình bày:

“Bẩm con không dám man cửa trời
Những các văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lý


Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười”
Trong thư gửi Chu kiều Oanh, Nguyễn Khắc Hiếu lại viết: “Tình tứ
học lực phần nhiều ở tản văn (loại văn ký triết học ) cả”. Vậy là Tản Đà cũng
giống các nhà Nho xưa coi tiểu thuyết và thơ chỉ là văn chơi. Chỉ những cái viết
về tư tưởng đạo lý có tác dụng giáo huấn như Đài gương, Lên sáu, Lên tám mới

là văn vị đời, có ích. Tản Đà là người sành thơ. Trong mục Thi đàn giản tập (An
Nam tạp chí số 40, tháng 5 năm 1932) ông đánh giá các nhà thơ Nôm ta: “Thơ
hay có nhiều vẻ, cứ như thơ ca của ta từ xưa, theo ý tôi thấy ra, hay về vẻ phong
tình thời nhất thơ Xuân Hương, hay về vẻ hào mại thời thơ cụ Thượng Trứ
(Nguyễn Công Trứ), hay về vẻ thiên nhiên thời thơ ông Tú Xương, hay về vẻ hùng
kỳ thời thơ cụ Huyện Móm (Nguyễn Thiện Kế), hay về vẻ tao nhã thời thơ bà
Thanh Quan. Như truyện Kiều thời hay về tài tình, truyện hoa tiên thời hay về
đài các , một vẻ hay về trầm hùng thời trong làng thơ ta từ xưa khó lấy ai kể nổi,
tôi mới thấy có như hai câu Đường luật đây”.
Hai câu mà Tản Đà nhắc đến là của chính ông:
“Nghiệp nhà thơ như kiếm xưa nay vẫn
Lòng bố thân con đất nước ta”
Trong Hữu thanh số 3 tháng 1 năm 1921, Tản Đà nêu vấn đề “Sự sách đối
với việc học của nước ta từ nay về sau nên làm ra sao?”. Tác giả viết: “Mấy
ngàn năm… không ai biết đến sự dịch sách, thực cũng không có chũ mà dịch.
Các sĩ phu học thức toàn ở về chữ tàu, phổ thong bình dân thì chỉ có những câu
phong dao, tục ngữ. đến sau những người cao hứng về văn chương tiếng nước
nhà thời cũng chỉ có những bài văn làm chơi, có dịch thời cũng chỉ dịch những
văn chơi như những bài Tỳ Bà, Xích Bích, cùng những quyển truyện điệu luật
bát. Trong những quyển đặt điệu lục bát, in ra bằng chữ Nôm đó, soạn ra thời
như quyển Nam sử diễn ca, dịch ra thời như quyển Nhị thập tứ hiếu, còn là tính


chất về giáo dục, còn các quyển khác, dù hay hay không hay, tưởng đều là thuộc
về văn chơi cả”. Coi văn vị đời cao hơn văn chơi đã là chuyện từ trước nhưng từ
năm 1925, quan niệm đó làm chuyển hướng sáng tác của Tản Đà. Trong thư từ
trao đổi giữa Nguyễn Khắc Hiếu và Chu Kiều Oanh. Chu Kiều Oanh viết thư
khuyên người yêu: nhận lấy bốn chữ “trầm nghị cương tĩnh”, theo lấy câu
“đứng mũi chịu sào” sao cho nhân tâm phong tục được thuần chính, dân trí tư
tưởng được khai mình là chức trách của ngòi bút đại văn gia trước phải đối đáp

với xã hội. Để đáp lại người tri kỷ, Nguyễn Khắc Hiếu kể về sáng tác của mình
có loại làm “trước khi mộng” và tất nhiên có loại làm “sau khi mộng”, có loại là
văn chơi, có là văn chơi, có loại như “từ Đài gương cho đến quyển Lên tám thời
đều theo ý cố nhân (Chu kiều Oanh) cả.
Nói tóm lại so với thơ cổ thì Tản Đà đã có những chuyển biến
đáng kể trong quan niệm sáng tác. Sự chuyển biến đó đã làm cho Nguyễn
Khắc Hiếu trở thành “một nguồn cảm hứng ngọt ngào” giữa những gì khô
khan cứng nhắc. Tản Đà là người đã dạo nên những khúc dạo đầu cho thơ
mới, tuy không đặt thành lý thuyết, không đặt thành hệ thống nhưng Tản Đà
đã khơi gợi nên làm thức tỉnh cả một thế hệ nhà thơ đang chìm sâu trong giấc
ngủ dài hàng thế kỷ. Có làm được như thế mới đưa văn học Việt Nam phát
triển đến một tầm cao hơn so với những gì đang có.

2.2 Sự kết hợp hai yếu tố cũ và mới trong nội dung sáng tác
2.2.1 Cái tôi lãng mạn ý thức phong kiến
Điểm nổi bật đầu tiên làm nên “Tính giao thời – Nét đặt trưng trong
thơ Tản Đà” chính là sự xuất hiện công khai, táo bạo của cái “ Tôi” – một cái
tôi vừa lãng mạn, phóng túng nhưng vẫn mang màu sắc phong kiến. Mỗi con
người trong chúng ta, ai cũng có nhu cầu được bộc bạch, đượcthố lộ, được
chia sẽ tâm tư, tình cảm của bản thân với người tri âm, tri kỷ hay ít ra cũng
cần có những giây phút sống cho riêng mình. Trong những khoảng lặng của
tâm hồn người ta có nhu cầu được sống với chính mình và lắng nghe tiếng nói
rất thật từ trong chính trái tim, tâm hồn mình. Đối với nhà thơ, nhà văn –
những người có ý thức cao về cuộc sống – thì nhu cầu ấy càng trở nên bức


súc hơn. Thế nhưng những điều tưởng như tất yếu bình thường ấy hoàn toàn
bị bó buộc trong dòng văn chương trung đại. Trong một thời gian dài cái
“tôi” dường như bị chìm khuất trên văn đàn. Ý thức bản ngã của con người
luôn bị chèn ép dưới sức mạnh của cộng đồng nên phần lớn con người không

có nhu cầu sống riêng cho bản thân mình. Cái “tôi” vẫn tồn tại nhưng chưa
đủ sức, chưa dám phá rào, không dám vượt lên trên tiếng nói của cộng đồng.
Chỉ thi thoảng ta bắt gặp lời tâm tình của Nguyễn Du:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
[Độc Tiểu Thanh Ký – Nguyễn Du]
Hay lời tâm sự chân thành của Hồ Xuận Hương trong lời “mời trầu”:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi”
[Mời Trầu – Hồ Xuân Hương]
Với việc xưng tên như Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương, hay Nguyễn
Công Trứ sau này là tiếng nói khẳng định cái “tôi” mạnh mẽ dứt khoát nhưng
đây chỉ là những hiện tượng cá biệt, xuất hiện lẻ tẻ trong văn chương. Ở đó cái
“tôi” chưa được sống trọn vẹn với chính mình. Mà chỉ đến với Tản Đà – cái
“tôi” mới hoàn toàn được giải phóng . Lần đầu tiên trên thi đàn xuất hiện một cái
“tôi” thường trực và dày đặc trong thơ. Cái tôi ấy đã sống trọn vẹn với tâm hồn
mình. Cái “tôi” ấy say đắm trong tình yêu, thỏa mãn trong những chuyến chu du,
triền miên trong những cơn say...tất cả những giai điệu vui, buồn, u uất , khổ đau
của tâm hồn đa sầu đa cảm đều được Tản Đà phô diễn bằng những lời thơ tâm
tình, chân thành, tha thiết. Có thể nói cái “tôi” trong thơ Tản Đà đã bứt phá mọi
thành trì, quan niệm, quy tắc của văn chương trung đại để sống đầy đủ với tâm
tư, tình cảm của chính mình. Nhưng dù cho Tản Đà có say trong men tình, chìm
đắm trong nỗi buồn, phiêu diêu trong những chuyến lên tiên nhưng Tản Đà chưa
bao giờ ngủ quên trong mộng tưởng. Cái “tôi” của Tản Đà tỉnh táo và luôn
hướng về đạo lý, luân thường của thời phong kiến. Hay nói cách khác cái “tôi”
của Tản Đà là cái “tôi” mang đầy ý thức trách nhiệm.


 Cái tôi đa sầu, đa cảm:
Từ bao đời nay thơ là tiếng nói của trái tim, là khúc nhạc của tâm tình, là

tiếng lòng của người nghệ sĩ. Vì lẽ đó nỗi buồn, cái sầu xuất hiện trong thơ là
điều tất yếu. Chúng ta không ít lần bắt gặp nỗi buồn sâu lắng trong thơ trung đại.
Vẫn còn đó nỗi ưu tư của Nguyễn Trãi – người nặng lòng “ưu dân ái quốc”
nhưng bất lực trước cuộc đời và lẻ loi trước thực tại:
“Rượu đối cầm, đâm thơ một thủ
Ta cùng bóng lẫn nguyệt ba người”
[Tự thuật – bài số 6]
Vẫn còn đây nỗi sầu của con người trước sự thay đổi của thực tại trong thơ
bà Huyện Thanh Quan:
“Gót xưa xe ngựa hồn thu thảo
Lầu cũ lâu đài bóng tịch dương”
[Thăng long hoài cổ]
Hay nỗi đau đời của Nguyễn Khuyến:
“Ngọn gió đông ngoảnh mặt lệ đầm khăn
Tình thương hải, tang điền qua mấy lớp”
[Tiễn môn đệ]
Nhìn chung cái buồn, cái sầu trong thơ Tản đà không phải là hiện tượng mới
lạ nhưng trên cái nền đề tài, chủ đề quen thuộc ấy, thơ Tản Đà vẫn mang một nét
biệt thái riêng. Cái buồn trong thơ Tản Đà- một tâm hồn nhạy cảm tinh tế- bao
giờ cũng mang âm hưởng riêng. Cái buồn ấy không ảo não, thê lương, không
than khóc bi thiết, vật vã như Đông Hồ, Tương Phố mà nó đằm thắm, lan nhẹ,
thắm lạnh vào thơ, làm nên nỗi buồn bàng bạc, man mác , làm nên “Tính giao
thời- nét đặc trưng trong thơ Tản Đà”.
Tản Đà một người đa sầu, đa cảm nên dường như tâm hồn Tản Đà bao giờ cũng
rộng mở đón nhận, lắng nghe những biến đổi của đất trời, thiên nhiên, vũ trụ và
cả lòng mình. Từ sự thay đổi nhỏ là sự giao mùa của đất trời đến những biến
động của thời cuộc non sông, đất nước đều làm hồn thơ Tản Đà xao động. Tâm


hồn ấy như một sợi dây đàn căng lên trước gió mà chỉ cần một làn gió nhẹ cũng

có thể làm lung lay dến những phím đàn:
“Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay ngang”
[Gió Thu]
Đất trời ở độ sang thu, thiên nhiên thay đổi tuần hoàn theo sự vận hành của
vũ trụ. Nhưng dưới cái nhìn của nhà thơ thì cái chuyển mùa ấy mang trong nó
bao mầm mống , dấu hiệu của sự sầu thương, tiếc nuối. Bởi từng chiếc lá rơi
cũng giống như cái sầu đang rơi rung trong tâm hồn thi sĩ. Mà mỗi chiếc lá thu ấy
như lời nhắc nhở, dấu hiệu sự chia ly, phôi pha của đất trời, tạo vật:
“Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly”
[Cảm Thu Tiễn Thu]
Không chỉ ở độ thu về Tản Đà mới thấy buồn mà ngay cả mùa xuân mùa
của tình yêu, tuổi trẻ, mùa của lứa đôi, hạnh phúc, trong thơ Tản Đà cũng mang
nỗi sầu thương:
“Chầm chậm ngày xanh bóng nhạn đưa
Xuân sầu hai độ rối như tơ”
[Sầu Xuân]
Nỗi buồn ấy càng tăng lên khi từng giọt mưa xuân thắm đượm vào cành
cây, ngọn cỏ làm thấm lạnh vào cõi lòng cô đơn của tác giả:
“ Mưa Xuân Hồng Lạc tươi màu
Bức tranh mưa gió riêng sầu lòng ai”
[Xuân Sầu]
Từng lời nhẹ nhàng mà tâm tình vẫn đậm sâu, hồn thơ vẫn trĩu nặng nỗi
buồn mênh mang như những con sóng. Từng đợt, từng đợt sóng của nỗi buồn dội
vào thơ. Cái buồn cái sầu của Tản Đà không chỉ xuất phát từ hồn thơ nhạy cảm,
chịu tác động của ngoại cảnh, mà cái buồn ấy còn xuất phát từ những nguyên


nhân chủ quan. Chúng hợp thành bản giao hưởng trầm lắng, tạo nên nỗi buồn bên

trong thơ Tản Đà làm cho thơ ông vừa quen vừa lạ, vừa gần gũi nhưng cũng vừa
mới mẽ. Nói chính xác hơn đó chính là biểu hiện của “Tính giao thời- Nét đặc
trưng trong thơ Tản Đà”.
Tản Đà là một nhà nho mang nặng tình đời, tình người lúc nào nhà thơ
cũng muốn giúp đời, giúp dân, giúp nước nhưng cái nhiệt tình, hăng hái của Tản
Đà không có điều kiện để phát triển. Con người ấy không thể làm nhiệm vụ
“kinh bang tế thế” nên đành lặng lẽ ngắm nhìn sự thay đổi của quê hương mà xót
xa, uất nghẹn. Làm sao Tản Đaà có thể “nghoảnh mặt quay lưng” khi đất nước
đang sống trong tình trạng:
“Cảnh cũ đòi phen thay chủ mới
Đường xa kinh nỗi suốt đêm thâu”
[Khách Giang Hồ]
Trong “cuộc đời xoay chuyển lung tung” ấy Tản Đà ý thức được trách
nhiệm của mình nhưng ông dường như hoàn toàn bất lực trước thời cuộc. Để rồi
con người ấy chỉ biết thố lộ tâm tình, than thở với cuộc đời, gởi nỗi buồn vào trời
đất:
“Trời đất vô tình lăn lộn mãi
Cuộc đời dâu bể biết bao thời”
[Tân Xuân Cảm]
Thơ Tản Đà hiếm có những vần thơ vui. Có thể nói cái sầu, cái buồn trong
thơ Tản Đà dai dẳng, lê thê. Nó không chỉ xuất phát từ sự tác động của ngoại
cảnh xã hội mà cái sầu ấy còn bắt nguồn từ những bất hạnh riêng của cuộc đời
tác giả, nỗi buồn ấy vút lên từ nỗi lòng, tâm sự thầm kín của bản thân nên nó có
sức lan tỏa, ám ảnh đến lạ kì.
Vốn là người thuộc dòng dõi khoa cử, Tản Đà ấp ôm trong lòng biết bao
nhiêu hoài bão, nhưng con đường cử nghiệp của ông gặp nhiều trắc trở:
“Càng học để thi, thi cứ hỏng
Thi tàn học cũng tàn theo thi”



×