ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------------------------------------HOÀNG THỊ PHƯƠNG LOAN
HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC
CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM QUA
TẠP CHÍ HỌC TẬP (1960 - 1975)
LUẬN VĂN THẠC SỸ
Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Hà Nội-2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------------------------HOÀNG THỊ PHƯƠNG LOAN
HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁCH
MẠNG VIỆT NAM QUA TẠP CHÍ HỌC TẬP
(1960 - 1975)
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 60 22 56
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Phạm Xanh
Hà Nội-2011
2
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 3
1. Lý do chọn đề tài. ........................................................................................................ 3
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.......................................................................................... 4
3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn ...................................................... 6
3.1 Mục đích nghiên cứu ..................................................................................................... 6
3.2 Nhiệm vụ của luận văn.................................................................................................. 7
4. Đóng góp của luận văn ............................................................................................... 7
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu .............................................................. 8
5.1 Nguồn tư liệu ................................................................................................................ 8
5.2 Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................. 8
6. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ............................................................................. 9
6.1 Đối tượng nghiên cứu: .................................................................................................. 9
6.2 Phạm vi nghiên cứu ...................................................................................................... 9
7. Cấu trúc luận văn ....................................................................................................... 9
NỘI DUNG .................................................................................................... 10
Chương 1: Giới thiệu về Tạp chí Học tập ..................................................................... 10
1.1 Các tạp chí lý luận tiền thân .................................................................................... 10
1.1.1 Khái quát về Báo chí cách mạng Việt Nam sau năm 1945 ....................... 10
1.1.2 Các tạp chí lý luận tiền thân ....................................................................... 12
1.1.2.1 Tạp chí Đỏ (1930) ................................................................................... 12
1.1.2.2 Tạp chí Cộng sản (1931) ....................................................................... 13
1.1.2.3 Tạp chí Bônsơvíc (1934) ......................................................................... 13
1.1.2.4 Tạp chí Cộng sản (1941) ......................................................................... 13
1.1.2.5 Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (1947) .............................................................. 14
1.1.2.6 Tạp chí Cộng sản (1950) ........................................................................ 15
1.1.2.7 Tạp chí Nghiên cứu (1951) ...................................................................... 16
1.2 Sự ra đời của Tạp chí Học tập ................................................................................. 16
1.2.1 Sự ra đời của tạp chí Học tập ...................................................................... 16
1.2.2 Một số vấn đề về công tác xuất bản, biên tập của Tạp chí Học tập ............... 20
1
Chương 2: Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc qua Tạp chí Học tập
(1960 - 1975) ....................................................................................................................... 23
2.1 Giai đoạn 1960 – 1965 ............................................................................................... 23
2.2 Giai đoạn 1965 – 1975 ............................................................................................... 38
2.3 Tiểu kết chương 2 ..................................................................................................... 58
Chương 3: Nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam qua Tạp
chí Học tập (1960 - 1975) ................................................................................................... 60
3.1. Giai đoạn 1960 - 1965 .............................................................................................. 60
3.2. Giai đoạn 1965 – 1975 .............................................................................................. 70
3.3 Tiểu kết chương 3 ..................................................................................................... 99
KẾT LUẬN .................................................................................................. 100
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 111
PHỤ LỤC ..................................................................................................... 118
2
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
Công tác lý luận là hoạt động đặc biệt quan trọng, nhất là đối với một tổ chức
chính trị. Công tác đó một mặt phản ánh tư duy, tầm nhìn, năng lực, thế giới quan
của tổ chức chính trị đó, mặt khác có ý nghĩa quyết định đối với những chỉ đạo trên
thực tế. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo những
hoạt động trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước. Do vậy, công tác
lý luận luôn luôn phải được đặt lên hàng đầu.
Hơn 80 năm qua trong toàn bộ lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt nam, Đảng ta
luôn coi trọng công tác lý luận. Ngay buổi mới khai sinh, ngày 3-2-1930, tại Hội
nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh chủ trì, cùng với việc
thông qua các văn kiện quan trọng như Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,
Điều lệ tóm tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các đoàn thể quần chúng, Đảng đã
quyết định “xuất bản một tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng”.
Nghiên cứu lịch sử Đảng nói chung và mảng lý luận của Đảng nói riêng là
một việc làm hết sức cần thiết. Công tác đó phản ánh một chặng đường phát triển về
lý luận của Đảng ta, góp phần nhận thức một cách đúng đắn những bước đi về tư
duy lý luận, về thế giới quan, về trình độ nhận thức đối với các vấn đề chung và
những vấn đề cụ thể của Việt Nam và thế giới trong từng giai đoạn lịch sử của một
chính Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Lịch sử tạp chí Đảng gắn liền với lịch sử Đảng. Nhìn lại lịch sử tạp chí Đảng,
có thể thấy được những nét lớn của đường lối cách mạng Việt Nam, những sự kiện
lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua lịch sử tạp chí Đảng,
cũng có thể thấy được bước phát triển của công tác lý luận của Đảng thấy được quá
trình Đảng ta vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin vào thực tiễn cách mạng của nước
ta. Mặt khác, qua những đóng góp to lớn của các tạp chí vào sự nghiệp cách mạng
càng thấy rõ ý nghĩa cần thiết của việc xuất bản các tạp chí Đảng .
3
Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm cơ sở tư tưởng. Tuyên truyền chủ
nghĩa Mác – Lê nin là công việc thường xuyên của Đảng. Không có tạp chí lý luận
thì không thể làm được công việc đó. Đảng ta vận dụng lý luận Mác – Lê nin vào
điều kiện cụ thể của nước ta để định ra đường lối và chính sách của Đảng. Muốn
giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nắm vững đường lối, chính sách của
Đảng thì cần làm cho họ hiểu rõ Đảng, dựa trên cơ sở nào để định ra đường lối,
chính sách đó. Chỉ có tạp chí lý luận mới làm được công việc ấy. Tạp chí Học tập ra
đời để thực hiện nhiệm vụ to lớn đó.
Tạp chí Cộng sản từ khi ra đời với tên: Tạp chí Đỏ (xuất bản số đầu tiên
ngày 5/8/1930) đã thực hiện chức năng là một “Tạp chí lý luận chung cho toàn
Đảng”. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những tên gọi khác nhau, cuốn tạp chí này
luôn làm nhiệm vụ của một cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng.
Với sức hấp dẫn đặc biệt của những vấn đề lý luận, nhất là đối với những ai
có sự quan tâm đối với công tác lý luận của Đảng cộng sản Việt Nam thì việc
nghiên cứu Tạp chí Học tập – Một giai đoạn phát triển của Tạp chí Cộng sản trong
giai đoạn chống Mỹ cứu nước 1955 -1976 – là một đối tượng nghiên cứu điển hình
phản ánh chặng đường phát triển lý luận của Đảng ta. Tuy nhiên, trong phạm vi
một luận văn thạc sỹ, tôi giới hạn phạm vi đề tài trong việc phản ánh hai vấn đề nổi
cộm của lịch sử được đề cập tới trong tạp chí Học tập, đó là cuộc cách mạng xã hội
chủ nghĩa ở miền Bắc và hoàn thành nhiệm vụ dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực
hiện thống nhất đất nước. Hai nhiệm vụ này được đề ra cụ thể tại Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960). Ngay trong diễn văn khai mạc Đại hội,
chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới hai nhiệm vụ chiến lược được thực hiện ở hai
miền: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu
tranh hòa bình thống nhất nước nhà” [15, tr.88].
Do đó tôi chọn đề tài: “Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam
qua Tạp chí Học tập (1960 - 1975)” làm Luận văn Thạc sỹ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
4
Đã có nhiều công trình nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp về báo chí, nghiên
cứu về lịch sử báo chí nói chung như:
Báo chí Việt nam của tác giả Hồng Chương, Nhà xuất bản Sự thật, 1985.
Trong cuốn sách của mình tác giả đi vào nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam từ khi
có báo (1865), đến thời kỳ báo chí trong cuộc tuyên truyền đấu tranh cách mạng,
báo sau cách mạng Tháng tám và báo chí cách mạng được hoạt động tự do để bảo
vệ chính quyền, phục vụ kháng chiến thắng lợi.
Cuốn Lịch sử Báo chí Việt Nam 1865-1945, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia
Hà Nội do Đỗ Quang Hưng chủ biên. Tác giả trình bày về lược đồ báo chí Việt
Nam 1865-1945. Các dòng báo, các khuynh hướng báo chí. Mối quan hệ của sự
phát triển báo chí với cuộc đấu tranh dân tộc, giai cấp trong giai đoạn 1865 – 1945.
Cuốn Lịch sử báo chí Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh (1865 - 1995) do Nguyễn
Công Khanh chủ biên, Nhà xuất bản. Tp. Hồ Chí Minh năm 2006. Cuốn sách tập
trung tìm hiểu lịch sử Báo chí Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh từ khi thành lập, trải qua
các thời điểm, sự kiện lịch sử trong nước: Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến
nay.
Mới nhất là cuốn Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925 –
2010. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2010 do Đào Duy Quát chủ biên. Công
trình tập trung giới thiệu lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam trải dài trong một giai
đoạn từ năm 1925 - 2010 với nhiều biến động lịch sử, và công lao đóng góp to lớn
của nhiều thế hệ các nhà báo Việt Nam.
Nghiên cứu về tạp chí lý luận của Đảng, trực tiếp là tạp chí Cộng sản hiện
nay mới chỉ có công trình nghiên cứu của tác giả Hồng Chương Lịch sử tạp chí
Đảng lúc đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. Công trình phản ánh vài nét về tạp
chí Đảng từ năm 1930 đến 1955 là thời kỳ tạp chí Đảng phục vụ nhiệm vụ cách
mạng dân tộc dân chủ nhân dân; từ năm 1955 đến 1975 là thời kỳ phục vụ hai
nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải
phóng dân tộc ở miền Nam; từ năm 1976 trở đi, tạp chí Đảng phục vụ 2 nhiệm vụ
chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong cả nước và bảo vệ vững
5
chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong công trình của mình, giai
đoạn tạp chí Cộng sản mang tên tạp chí Học tập (1955 - 1976) được tác giả tập
trung khai thác.
Cuốn Tạp chí Cộng sản những chặng đường phát triển do Nguyễn Trọng
Phú chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia 1995 có tham khảo một phần cuốn
sách Lịch sử tạp chí Đảng của Hồng Chương. Tạp chí Cộng sản những chặng
đường phát triển tập trung giới thiệu tạp chí cộng sản qua các thời kỳ lịch sử, gắn
liền với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghiên cứu về tạp chí lý luận của Đảng nói chung hoặc một mảng đề tài
trong tạp chí đó nói riêng hiện nay chưa được quan tâm nghiên cứu. Những công
trình hiện có mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh quá trình phát triển của báo chí. Cụ
thể đối với tạp chí Học tập – Một chặng đường phát triển của tạp chí Cộng sản – Cơ
quan lý luận và chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam cũng mới chỉ được các tác
giả nghiên cứu ở góc độ lịch sử phát triển của tạp chí. Các công trình chưa đi sâu
vào nghiên cứu góc độ lý luận của tạp chí để qua đó thấy được quá trình phát triển
trong tư duy lý luận chính trị của một chính Đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc
lấy tạp chí làm nguồn sử liệu chính để nghiên cứu hiện nay chưa có công trình nào
3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận văn
3.1 Mục đích nghiên cứu
- Hệ thống hóa những bài viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền
Bắc và cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam trên tạp chí Học tập
– cơ quan lý luận và chính trị của Đảng Lao động Việt Nam.
- Luận văn phản ánh chặng đường phát triển về lý luận của Đảng trong từng
thời điểm cụ thể, trong những bước tiến quan trọng của cách mạng Việt Nam.
- Làm sáng tỏ mục đích tuyên truyền những chủ trương, chính sách lớn của
Đảng; tuyên truyền cho đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc; tuyên truyền cho đường lối cách mạng miền Nam và cho
cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà; nâng cao nhận thức của cán
6
bộ, đảng viên trong một số vấn đề về cách mạng xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội, về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân,…
- Thấy được quan điểm của Đảng trước hai nhiệm vụ chiến lược của cách
mạng Việt Nam trong từng thời điểm cụ thể.
3.2 Nhiệm vụ của luận văn
- Thông qua các bài viết trên tạp chí về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam, làm rõ
nhận thức mới của Đảng ta về hai nhiệm vụ đó trước những thay đổi của thực tiễn
cách mạng Việt Nam và tình hình thế giới. Đồng thời thấy được mối quan hệ của
hai nhiệm vụ ở hai miền trong từng thời điểm cụ thể.
4. Đóng góp của luận văn
Luận văn thạc sỹ với đề tài “Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt
Nam qua tạp chí Học tập (1960 - 1975)” có một số đóng góp sau:
Một là: Luận văn góp phần làm rõ và khẳng định vai trò không thể thiếu của cơ
quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng thông qua việc giới thiệu chủ
trương, đường lối, chính sách của Đảng để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước đi tới thắng lợi cuối cùng trên tạp chí Học tập.
Hai là: Luận văn đưa ra một cách tiếp cận hiệu quả và góp phần làm rõ hơn, phong
phú hơn, cụ thể hơn, phổ biến hơn hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt
Nam trong giai đoạn 1960 – 1975, qua đó làm rõ vai trò, vị trí của mỗi nhiệm vụ,
của từng miền trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, qua từng
giai đoạn cụ thể nói riêng.
Ba là: Thông qua việc hệ thống hóa những bài viết về cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam đăng trên các số
của tạp chí Học tập trong những năm từ 1960 – 1975, luận văn phản ánh chặng
đường phát triển về lý luận của Đảng trong từng thời điểm cụ thể của cách mạng
Việt Nam giai đoạn 1960 – 1975.
Bốn là: Luận văn góp phần làm rõ mục đích tuyên truyền những chủ trương, đường
lối, chính sách của Đảng trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực
7
hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền nhằm nâng cao trình độ lý luận
và chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Năm là: Thông qua việc nghiên cứu, luận văn cũng đã góp phần làm đậm nét thêm
những đóng góp quan trọng của báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam
trong lịch sử báo chí.
Sáu là: Với gần 60 trang thư mục của tạp chí Học tập từ năm 1955 đến năm 1976
có ý nghĩa thiết thực cho những người nghiên cứu và giảng dạy lý luận nói chung và
lịch sử Đảng nói riêng.
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1 Nguồn tư liệu
Với tư cách là công trình nghiên cứu về một cuốn tạp chí, đề tài này lấy
nguồn tư liệu là cuốn Tạp chí Học tập xuất bản trong thời kỳ 1960 – 1975. Đây là
Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng trải qua nhiều thời kỳ cách
mạng cơ quan lý luận này có nhiều tên gọi khác nhau, từ tạp chí Đỏ (1930), tạp chí
Cộng sản (1931), tạp chí Bôn sơ vích (1934), tạp chí Cộng sản (1941), tạp chí Sinh
hoạt nội bộ (1947), tạp chí Cộng sản (1950), tạp chí Nghiên cứu (1951), và đến Hội
nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp tháng 3/1955 đã
quyết định xuất bản tạp chí Học tập làm cơ quan lý luận và chính trị của Trung
ương Đảng. Đây là tạp chí có sức sống lâu bền nhất so với các tạp chí lý luận tiền
thân của nó, tồn tại từ năm 1955 đến 1976, sau đó nó mới đổi tên thành tạp chí
Cộng sản và tồn tại tới ngày nay. Tuy nhiên, luận văn chỉ tập trung khai thác những
bài viết trên tạp chí Học tập trong giai đoạn tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược trên
hai miền, tức là giai đoạn 1960 – 1975.
Ngoài ra còn tham khảo các công trình nghiên cứu chung về lịch sử báo chí,
các luận văn, luận án, các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Tư liệu lưu trữ tại: Trung tâm Thông tin thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội,
Thư viện Quốc gia Việt Nam.
5.2 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp lịch sử là chủ yếu
8
- Phương pháp logic kết hợp với một số phương pháp khác như tổng hợp, so
sánh nhằm tìm ra mối quan hệ nhân quả, mối quan hệ bên trong của sự kiện.
6. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nhiệm vụ cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam được phản ánh trên tạp chí Học tập trong
giai đoạn 1960 - 1975 – Một giai đoạn của Tạp chí Cộng sản.
Phạm vi nghiên cứu
Giới hạn thời gian: Tạp chí Học tập xuất bản từ năm 1960 đến năm 1965
7. Cấu trúc luận văn
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
KẾT LUẬN
9
NỘI DUNG
Chương 1: Giới thiệu về Tạp chí Học tập
1.1 Các tạp chí lý luận tiền thân
1.1.1 Khái quát về Báo chí cách mạng Việt Nam sau năm 1945
Báo chí có vai trò to lớn trong đời sống chính trị - xã hội của mỗi quốc gia,
mỗi dân tộc. Báo chí là công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh cách mạng và xây
dựng chế độ mới. Theo V.I.Lênin, báo chí thực sự là vũ khí chiến đấu của giai cấp,
là cơ quan tuyên truyền, tham gia vào việc tổ chức và phát triển xã hội bằng hoạt
động ngôn luận của mình. Sử dụng có hiệu quả báo chí để phát triển lực lượng cách
mạng, Lênin chỉ rõ: Tác dụng của báo chí không những chỉ hạn chế ở chỗ truyền bá
tư tưởng giáo dục chính trị, và thu hút những người đồng tình về chính trị; báo chí
không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người
tổ chức tập thể.
Là sản phẩm của ý thức xã hội, trong xã hội có giai cấp, báo chí luôn mang
tính chất giai cấp. Các giai cấp, đặc biệt là giai cấp thống trị sử dụng báo chí như
một công cụ trong cuộc đấu tranh giành quyền lực và bảo vệ quyền lực.
Nhận thấy vai trò to lớn của báo chí, Hồ Chí Minh ngay từ khi chuẩn bị
truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước đã sử dụng báo chí là công cụ
tuyên truyền và đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, lật đổ chính quyền bù nhìn tay sai của
Nhật Bản, xóa bỏ ách thống trị của phát xít Nhật trên toàn cõi Việt Nam, xóa bỏ báo
chí thân Nhật đồng thời xóa bỏ báo chí tay sai của đế quốc thực dân. Báo chí cách
mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo từ bí mật chuyển ra công khai, trở thành báo chí
chính thống của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ra công khai đầu tiên là báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận
Việt Minh, tiếp đó là báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung
ương Đảng cộng sản Đông Dương. Sau đó ít lâu báo Lao động, cơ quan của tổ chức
công nhân, báo Hồn nước, cơ quan của Đoàn thanh niên cứu quốc, báo Độc lập, cơ
10
quan của Đảng dân chủ Việt Nam… lần lượt được in và phát hành công khai tại Hà
Nội.
Báo Tiền phong “Cơ quan vận động tân văn hóa” số 1 đã được chuẩn bị
xong xuôi sắp đưa in thì nổ ra cuộc Cách Mạng Tháng Tám, cho nên mãi đến ngày
1/11/1945 nó mới ra mắt bạn đọc giữa thủ đô Hà Nội với danh nghĩa là cơ quan của
Hội Văn hóa cứu quốc.
Ngày 19/8/1945 Tổng khởi nghĩa thắng lợi thì ngày 24/8/1945 báo Cứu
quốc, cơ quan tuyên truyền cổ động của Tổng bộ Việt Minh xuất bản công khai tại
Hà Nội. Số báo đầu tiên xuất bản công khai của báo Cứu quốc là số 31, năm thứ 4.
Ngay sau khi Cách mạng thắng lợi, báo Cờ giải phóng, cơ quan tuyên truyền
cổ động của trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, chuyển về thủ đô Hà Nội. Số
đầu tiên được in ở Hà Nội và phát hành công khai sau Cách mạng Tháng Tám là số
16, ra ngày 12/9/1945.
Sau khi Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Hội nghiên cứu
chủ nghĩa Mác ở Đông Dương tuyên bố thành lập. Tờ báo Sự thật với danh nghĩa là
cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa ở Đông Dương được
xuất bản để thay thế tờ báo Cờ giải phóng. Số 1 của báo Sự thật ra ngày 5/12/1945.
Ngoài các tờ báo ra đời trong thời kỳ hoạt động bí mật sau khi cách mạng
thắng lợi chuyển ra công khai như Cứu quốc, Cờ giải phóng, Lao động, Hồn nước,
Độc lập… trong vòng một năm từ Cách Mạng Tháng Tám (19/8/1945) đến toàn
quốc kháng chiến chống Pháp (19/12/1946) còn có các tờ báo mới được xuất bản
như báo Sự thật, Sao vàng, Tiếng gọi phụ nữ, Đồng Minh, Cải tạo, Dân chủ, Quyết
chiến. Quyết thắng,…
Ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc chống giặc Pháp bùng nổ. Thủ
đô Hà Nội trở thành chiến trường ác liệt giữa quân ta và quân Pháp. Các tòa soạn
các tờ báo xuất bản tại Hà Nội đều phải rút ra khỏi Hà Nội. Vì những khó khăn
trong việc di chuyển tòa soạn và nhà in, nhiều tờ báo phải ngừng xuất bản trong một
thời gian. Theo thống kê, lúc cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bắt đầu, cả
nước có 117 tờ báo. Đến đầu năm 1948 chỉ còn lại 52 tờ báo.
11
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (12/1946 –7/1951) làng báo Việt
Nam có các tờ báo chủ yếu như: Báo Cứu quốc, Sự thật, Nhân dân, Độc lập, Tiến
lên, Tiền phong, Lao động, Văn nghệ, Cứu quốc,…
Các tờ báo từ báo của Trung ương, đến báo của các đoàn thể và địa phương
dù xuất bản công khai hoặc bí mật đã có tác dụng to lớn trong việc tuyên truyền
đường lối chính sách của Đảng, phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu và sản xuất,
đánh giặc và xây dựng đất nước, cổ vũ quân và dân ta quyết tâm kháng chiến lâu
dài, vượt qua mọi khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ, đánh thắng bọn thực dân xâm
lược Pháp để giải phóng tổ quốc. Báo chí của ta không chỉ được phát hành ở vùng
tự do và các khu du kích, mà còn len lỏi sâu vào vùng sau lưng địch, là một nhân tố
quan trọng góp phần đưa đến những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Nhận thấy rõ vai trò của báo chí cách mạng đối với cuộc kháng chiến, Đảng
ta rất chú trọng quan tâm xây dựng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh của
báo chí. Tuy nhiên, trước nhu cầu nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên
và nhân dân, tuyên truyền, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin. Đảng nhận thấy cần
phải xuất bản một tạp chí lý luận và chính trị. Trước yêu cầu đó, cuốn tạp chí đóng
vai trò cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng được xuất bản. Trải qua
nhiều thăng trầm của lịch sử, qua nhiều lần đổi tên, từ tạp chí Đỏ, ngày nay là tạp
chí Cộng sản được xuất bản đều kỳ.
1.1.2 Các tạp chí lý luận tiền thân
1.1.2.1 Tạp chí Đỏ (1930)
Tại Hội nghị thành lập Đảng họp tháng 2/1930 dưới sự chủ trì của đồng chí
Nguyễn Ái Quốc đã quyết định xuất bản một tạp chí lý luận chung cho toàn Đảng
và ba tờ báo tuyên truyền ở ba xứ.
Thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành trung
ương lâm thời của Đảng đã xuất bản tạp chí Đỏ. Tạp chí Đỏ số l ra mắt bạn đọc
ngày 5/8/1930.
Trong năm đầu Đảng vừa mới thành lập, phần đông cán bộ đảng viên còn bỡ
ngỡ trong hoạt động lại chưa hiểu biết gì nhiều về chủ nghĩa Mác-Lênin, tạp chí Đỏ
đã có tác dụng tích cực trong việc hướng dẫn nhận thức, hướng dẫn công tác cho
12
cán bộ, đảng viên. Tuy về nội dung và hình thức còn đơn giản, do phải thích ứng
với điều kiện Đảng mới thành lập và còn hoạt động bí mật, tạp chí Đỏ đã mang tính
chất một tạp chí lý luận của Đảng, ở chỗ nó không làm nhiệm vụ thông tin như các
tờ báo mà chủ yếu nó hướng dẫn nhận thức, nâng cao trình độ hiểu biết trong hoạt
động cách mạng.
1.1.2.2 Tạp chí Cộng sản (1931)
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng đã thông qua
Luận cương chính trị của Đảng và cử ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do đồng
chí Trần Phú làm Tổng Bí thư. Hội nghị cũng đã quyết định đổi tên Đảng là Đảng
Cộng sản Đông Dương. Sau Hội nghị ít lâu, Trung ương Đảng xuất bản Tạp chí
Cộng sản thay cho tạp chí Đỏ. Tạp chí Cộng sản số 1 ra ngày 1/2/1931 có tiêu đề
"Cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương".
1.1.2.3 Tạp chí Bônsơvíc (1934)
Năm 1934, Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng (hồi đó gọi là Ban chỉ huy ở
ngoài của Đảng) được thành lập, với nhiệm vụ thống nhất các tổ chức đảng đã được
gây dựng lại ở trong nước, phục hồi những tổ chức bị địch phá vỡ và xây dựng cơ
sở mới, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị Đại hội Đảng. Tháng 6/1934, Ban
chỉ huy ở ngoài nước của Đảng đã họp cùng với đại biểu các đảng bộ trong nước để
thống nhất hoạt động của Đảng trong phạm vi cả nước.
Ban chỉ huy ở ngoài nước của Đảng cũng quyết định xuất bản tạp chí
Bônsơvíc, với tiêu đề "Cơ quan lý thuyết của Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cộng
sản Đông Dương (phân bộ của Quốc tế cộng sản)". Sau Đại hội lần thứ nhất của
Đảng (3/1935), tiêu đề ấy được đổi thành “Cơ quan lý thuyết của Đảng Cộng sản
Đông Dương”.
Tạp chí Bônsơvíc tồn tại được trên hai năm. Tạp chí đã đóng góp quan trọng
trong việc khôi phục cơ sở và hệ thống tổ chức Đảng chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần
thứ nhất và góp phần quan trọng vào việc thống nhất Đảng về lý luận, tư tưởng,
chính trị và tổ chức để chính trị và tổ chức để chuẩn bị đón cao trào cách mạng mới.
1.1.2.4 Tạp chí Cộng sản (1941)
13
Trong những năm cao trào của Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939),
Trung ương Đảng đă quyết định xuất bản tạp chí lý luận nghị quyết Hội nghị toàn
thể của Trung ương Đảng (ngày 29/30 tháng 3/1938) ghi rõ: “Ban Trung ương cần
ra một tạp chí bí mật để để giải thích những vấn đề mà các sách báo công khai
không thể bàn đến được”. Tuy vậy, do hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ, Đảng không
thể xuất bản được tạp chí như đã ghi trong nghị quyết.
Cuối năm 1940, đầu năm 1941, tình hình quốc tế và trong nước có diễn biến
mới. Tháng 6/1940, nước Pháp bị quân phát xít Hítle chiếm đóng. Phát xít Nhật
nhân cơ hội đó xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp đầu hàng quân Nhật. Nhân
dân Việt Nam bất khuất đã nổi dậy chống cả Nhật lẫn Pháp. Tháng 9/1940, nổ ra
cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Tháng 11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ. Tháng 1/1941, binh
biến ở Đô Lương. Cách mạng Đông Dương đang tiến bước đến thời cơ mới.
Ngày 8/2/1941, đồng chí Nguyễn ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách
mạng Việt Nam.
Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng do đồng chí Nguyễn ái Quốc đại
biểu của Quốc tế cộng sản, triệu tập và chủ trì họp tại Pắc Bó (Hà quảng, Cao
Bằng). Hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt
Minh) và vạch rõ nhiệm vụ trung tâm của Đảng và dân ta lúc đó là chuẩn bị khởi
nghĩa. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức và bầu đồng chí
Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.
Cuối tháng 9/1941, Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung
ương Đảng do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách, ra số 2.
Trong những năm 1945 - 1946, do công cuộc gìn giữ chính quyền, chuẩn bị
kháng chiến quá khẩn trương, Đảng ta không xuất bản tạp chí lý luận. Từ tháng
8/1947 đến tháng 8/1950, Đảng ta lần lượt xuất bản tạp chí Sinh hoạt nội bộ và Tạp
chí Cộng sản.
1.1.2.5 Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (1947)
Giữa năm 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đã
giành được những thắng lợi bước đầu. Chiến tranh du kích phát triển. Lực lượng vũ
14
trang với ba thứ quân hình thành và ngày càng lớn mạnh. Cả nước nhanh chóng
thích ứng với hoàn cảnh vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đội ngũ đảng viên được mở
rộng, từ 5.000 người sau ngày Tổng khởi nghĩa đã lên tới 20.000 người vào cuối
năm 1946; 50.000 người vào cuối năm 1947; 180.000 người vào cuối năm 1948.
Đội ngũ cán bộ ngoài đảng, cán bộ các đoàn thể cũng tăng nhanh. Đảng ngày càng
phát huy được vai trò lãnh đạo của mình về các mặt.
Trước tình hình đó, cùng với việc tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh công
tác giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, Trung ương Đảng quyết định xuất bản tạp chí Sinh
hoạt nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Đảng và tăng cường công tác
lãnh đạo của Đảng.
Tạp chí Sinh hoạt nội bộ ra đời tháng 8/1947, với tư cách là “Cơ quan trung
ương huấn luyện công tác và lý luận”. Nhưng vì hồi bấy giờ Đảng không ra công
khai, cho nên trên bìa số 1 ghi là “của Cứu quốc hội”, từ số 2 đến số 13 ghi là “của
Đoàn thể”, và từ số 14 (ra tháng 2/1949) ghi là “của Đảng”.
Từ khi ra đời (tháng 8/1947) cho đến tháng 3/1950, Sinh hoạt nội bộ đã xuất
bản được 20 số. Từ tháng 3/1950, nó đình bản, và sau đó được thay thế bằng Tạp
chí Cộng sản.
1.1.2.6 Tạp chí Cộng sản (1950)
Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta có bước phát triển
mới. Đội ngũ đảng viên cũng ngày càng đông: cuối năm 1949, Đảng đã có hơn 70
vạn đảng viên. Hầu hết các cơ sở nông thôn, đại đội lực lượng vũ trang và xí nghiệp
nhà nước đều có chi bộ đảng. Mặc dù Đảng chưa ra công khai, nhưng vai trò lãnh
đạo của Đảng đã được khắp nơi thừa nhận.
Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp tại Việt Bắc từ ngày 21/1/1950
đến ngày 3/2/1950, trên cơ sở đánh giá trình độ lý luận và ý thức chính trị của cán
bộ, đảng viên chưa tiến kịp những nhiệm vụ mỗi ngày một nặng, đã quyết định đẩy
mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác-Lê-nin và đấu tranh tư tưởng. Để góp phần tiến
hành tốt nhiệm vụ đó hội nghị đã quyết định “ra một tạp chí lý luận thay cho “Sinh
hoạt nội bộ”. Tạp chí Cộng sản ra số 1 vào tháng 7/1950, mang tiêu đề “Cơ quan
15
Trung ương huấn luyện lý luận và công tác của Đảng”, do đồng chí Trường Chinh,
Tổng bí thư của Đảng làm chủ nhiệm.
Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951), cuộc
kháng chiến càng phát triển mạnh mẽ. Mọi mặt hoạt động của Đảng càng dồn dập,
khẩn trương. Đảng ta tập trung sức vào việc ra tờ Nhân dân, cơ quan Trung ương
của Đảng, nên tạm thời ngừng việc xuất bản tạp chí lý luận.
1.1.2.7 Tạp chí Nghiên cứu (1951)
Đây là tạp chí do Trung ương cục miền Nam của Đảng xuất bản trong những
năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (3/1951), Ban Chấp hành
Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương cục miền Nam gồm các đồng
chí uỷ viên Trung ương Đảng công tác ở Nam Bộ để thay mặt Trung ương Đảng
trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam trong điều kiện giao thông liên lạc
có nhiều khó khăn. Trung ương Cục miền Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức
Thọ, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm; do đồng chí
Lê Duẩn làm bí thư.
Trung ương Cục đã chủ trương xuất bản tạp chí lý luận, lấy tên là tạp chí
Nghiên cứu, với tiêu đề “Cơ quan lý luận của Trung ương cục miền Nam Đảng Lao
động Việt Nam”.
1.2 Sự ra đời của Tạp chí Học tập
1.2.1 Sự ra đời của tạp chí Học tập
Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng nước ta
chuyển sang giai đoạn mới. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, từ căn bản hoàn
thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Miền Nam còn ở dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, phải tiếp tục
cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ chung của cách mạng Việt
Nam trong giai đoạn này là thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân
chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu
mạnh.
16
Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II họp tháng
3/1955 đã nhận định: qua 8-9 năm kháng chiến, Đảng ta đã được rèn luyện và lớn
lên nhiều. Sự lãnh đạo của Đảng về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức đều có
tiến bộ rõ rệt. Tuy vậy, trước tình hình đang thay đổi mạnh mẽ, từ chiến tranh
chuyển sang hòa bình, từ nông thôn chuyển vào thành thị, từ phân tán chuyển đến
tập trung, trong Đảng bộc lộ những biểu hiện hữu khuynh và “tả” khuynh. Công tác
tư tưởng và lý luận chưa đáp ứng đúng mức yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Để
“giúp vào việc nghiên cứu chính sách và giáo dục tư tưởng, bước đầu xây dựng
công tác lý luận của Đảng”, Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng đã ra nghị
quyết xuất bản Tạp chí Học tập. Nghị quyết ghi rõ: “Về mặt tư tưởng, hướng công
tác hiện nay là giữ vững và bồi dưỡng ý chí chiến đấu, nâng cao tinh thần cảnh
giác…. Nâng cao công tác tư tưởng và công tác lý luận lên một bước, kết hợp với
việc giáo dục chính sách mà nâng cao trình độ chính trị và lý luận của cán bộ, củng
cố lập trường, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật của
cán bộ, đảng viên….Đồng thời, tổ chức học tập tại chức, ra tạp chí Học tập của
Trung ương để giúp vào việc nghiên cứu chính sách và giáo dục tư tưởng, bước đầu
xây dựng công tác lý luận của Đảng” [10, tr.8].
Đề án xuất bản được Bộ Chính trị thông qua, đã nêu rõ tính chất nhiệm vụ,
đối tượng và phương châm biên tập của tạp chí.
Tạp chí Học tập là “Cơ quan lý luận và chính trị của Đảng”, do Trung ương
Đảng trực tiếp lãnh đạo.
Nhiệm vụ của tạp chí là “lấy học thuyết Mác - Lê-nin làm cơ sở, kết hợp chặt
chẽ lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng nước ta để tuyên truyền, giáo dục
đường lối, phương châm, chính sách của Đảng một cách sâu sắc. Nội dung tạp chí
sẽ tập trung vào những vấn đề chính sách trong nước, đồng thời dành một phần cần
thiết cho những vấn đề quốc tế quan trọng và cho công tác xây dựng Đảng”
Tạp chí còn có nhiệm vụ “hướng dẫn cán bộ học tập theo chương trình do
Đảng quy định”.
17
Đối tượng phục vụ của tạp chí là : “Cán bộ Đảng từ trung cấp trở lên, những
cán bộ ngoài Đảng và những người trí thức thích nghiên cứu chính trị và có trình
độ đọc hiểu được”.
Phương châm biên tập của tạp chí là “căn cứ vào nhiệm vụ trung tâm và
những công tác lớn của Đảng trong từng thời kỳ mà định trọng tâm biên tập làm
cho nội dung tạp chí gắn chặt với chính sách và sinh hoạt chính trị, sinh hoạt tư
tưởng của Đảng”. Tạp chí “dựa trên cơ sở học thuyết Mác - Lê-nin để giải thích
đường lối, phương châm, chính sách của Đảng, kết hợp với thực tế nước ta mà giáo
dục lý luận. Cụ thể là căn cứ vào những chính sách và công tác lớn của Đảng, trình
bày những vấn đề lý luận chung quanh chính sách và công tác ấy, nhằm vạch rõ cơ
sở lý luận của nó, rồi lại căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam mà phân tích
thêm, kết hợp lý luận Mác - Lê-nin với thực tế nước ta, làm cho cán bộ nắm vững
nội dung, thực chất của các chính sách của Đảng, đồng thời đấu tranh chống
những tư tưởng lạc hậu, sai lầm,trở ngại cho việc thực hiện các chính sách”; Tạp
chí cần “Hướng dẫn cán bộ học tập theo chương trình do Đảng đã quy định, đồng
thời giúp đỡ cán bộ trong việc học tập cá nhân, nhưng hướng dẫn học tập theo
chương trình do Đảng đã quy định là chính. Lấy kế hoạch học tập của Đảng làm
tiêu chuẩn, lấy kinh nghiệm những nơi tiến bộ nhất mà hướng dẫn chung”.
Trong bài “Việc xuất bản Tạp chí Học tập và công tác xây dựng Đảng” đăng
trong số đầu tiên của tạp chí (12/1955), đồng chí Trường Chinh viết : “Nhiệm vụ
của Đảng là phải làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận rõ chính
sách vô cùng thâm độc của Mỹ - Diệm, nhưng không nóng nảy, sốt ruột, mà tin
tưởng sâu sắc ở đường lối đúng đắn của Đảng, góp phần tích cực của mình vào
công cuộc xây dựng và củng cố miền Bắc, kiên trì đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở
miền Nam. Tạp chí Học tập phải góp phần vào sự nghiệp vĩ đại đó…Trong tình
hình hiện nay, một tạp chí như thế rất cần thiết cho việc xây dựng Đảng ta, làm cho
Đảng ta xứng đáng là một đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một đảng của dân
tộc, được củng cố về mọi mặt tư tưởng, chính trị và tổ chức. Một tạp chí như thế
cũng rất cần thiết cho việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp củng
18
cố miền Bắc, giải phóng miền Nam, cũng như trong cuộc đấu tranh để củng cố hòa
bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước….. Tạp
chí Học tập phải đóng một vai trò xứng đáng trong công tác tư tưởng và công tác tổ
chức của Đảng, trong công tác xây dựng, phát triển và củng cố Đảng ... Nó phải
đem lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà soi sáng những chính sách lớn của
Đảng, nâng cao nhận thức của cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng về tư tưởng,
chính sách giúp cho họ tránh được những khuyết điểm, sai lầm trong khi thi hành
những chính sách ấy. Ngược lại, nó phải góp phần làm cho cán bộ qua công tác cụ
thể, chấp hành chính sách mà củng cố được lập trường, nâng cao được trình độ tư
tưởng và lý luận ... Mong rằng với Tạp chí Học tập ra đời, Đảng ta sẽ đẩy mạnh
phê bình, tự phê bình, đẩy mạnh đấu tranh chống mọi khuynh hướng sai lầm trong
khi chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và của Chính phủ, chống mọi sự
xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin và những lệch lạc về tư tưởng đã khá nhiều ở
nước ta hiện nay. Đồng thời, Đảng sẽ làm cho tư tưởng, lý luận của mình tiến trước
và chỉ đường cho công tác thực hành, khắc phục được chủ nghĩa sự vụ, hẹp hòi hiện
đang phổ biến trong cán bộ, đảng viên và cán bộ ngoài Đảng….. Muốn làm cho
Đảng ta trở thành một đảng quần chúng được củng cố về mọi mặt chính trị, tư
tưởng và tổ chức, nhiệm vụ của chúng ta là phải nâng cao công tác lý luận và tư
tưởng của Đảng, chú trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị và công tác tổ chức
của Đảng. Tạp chí Học tập phải đóng một vai trò tích cực trong việc chấp hành
nhiệm vụ đó” [1, tr.8].
Các đồng chí trong ban biên tập ngoài nhiệm vụ chuyên trách còn thường
xuyên viết bài cho tạp chí như đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần
Hồng Chương,…Bài viết của các đồng chí này mang tính lý luận, tính khái quát
lớn. Ngoài ra các đồng chí như Lê Duẩn, Nguyễn Duy Trinh, Văn Tiến Dũng, Phạm
Văn Đồng…mặc dù bận rộn với công việc nhưng vẫn dành thời gian gửi bài đến tạp
chí. Đặc biệt, tạp chí Học tập còn được vinh dự đăng nhiều bài viết của Chủ tịch Hồ
Chí Minh, nhiều bài viết của Người được viết dưới hình thức nói chuyện nhưng có
ý nghĩa lý luận, thực tiễn và tính khái quát cao.
19
Đại hội IV của Đảng, Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng
sản Việt Nam, tạp chí Học tập hoàn thành vai trò của nó, đồng thời đổi tên thành tạp
chí Cộng sản, tạp chí Cộng sản tiếp tục một chặng đường mới của tạp chí lý luận
của Đảng trong một hoàn cảnh mới.
1.2.2
Một số vấn đề về công tác xuất bản, biên tập của Tạp chí Học tập
Thời kỳ từ 1930 đến 1945, Đảng ta phải hoạt động bí mật. Mọi công việc
có quan hệ đến việc xuất bản tạp chí, từ biên tập đến in ấn, phát hành... đều phải
tổ chức hết sức đơn giản, gọn nhẹ cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cực kỳ
khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm lúc bấy giờ. Lúc ấy chưa có Bộ biên tập chuyên
trách, chưa có Tổng biên tập. Người phụ trách tạp chí thường là Tổng bí thư. Một
số đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương cùng một số đồng chí khác kiêm
nhiệm việc biên tập; in ấn và phân phát tạp chí, có các đồng chí khác đảm nhận.
Sau khi Đảng ta lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền chưa bao lâu,
thì lại phải lo kháng chiến chống Pháp xâm lược, cho nên việc xuất bản tạp chí
của Đảng cũng gặp vô vàn khó khăn.
Khổ tạp chí lúc đầu là 17x24cm; từ năm 1960 mở rộng ra 19x27cm; từ số
1-1966, vì điều kiện kỹ thuật, rút lại còn 17x24 cm. Từ số 1-1991 khổ tạp chí mở
ra 19x27 cm.
Số đầu của tạp chí Học tập (12/1955) in 68 trang; sau đó tăng lên trên 70
trang, rồi bình quân 80 đến 90 trang. Đầu năm 1978 tăng lên 108 trang; sang năm
1979 do khan hiếm giấy phải rút lại còn 90 trang từ tháng 8-1980 in 72 trang.
Trong những năm 1982-1986 số trang in của các số tạp chí trong năm xê dịch
giữa 72-90-108. Các số đặc biệt thường in trên 100 trang, có số in tới 184 trang
(số 4/1956 về Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô). Năm 1969, ngoài 12 số
thường lệ, tạp chí ra thêm một số đặc biệt về lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Số lượng phát hành tạp chí tùy theo nhiều nhân tố: sự phát triển của cách
mạng và yêu cầu công tác tư tưởng của Đảng; khả năng cung cấp giấy, khả năng
in và phát hành; quy định của Đảng về đối tượng bạn đọc tạp chí; chất lượng của
20
tạp chí, tình hình giá cả và sức mua của bạn đọc; tình hình tài chính của Đảng để
bù lỗ trong trường hợp giá bán lẻ tạp chí thấp hơn chi phí về xuất bản và phát
hành tạp chí. Số lượng phát hành năm 1955-1956 bình quân mỗi số 16.000 bản;
Năm 1959 số lượng phát hành tạp chí hằng tháng lên khoảng 25.000 bản. Năm
1960 con số đó tăng lên 45.000. Những năm 1961 - 1965 bình quân mỗi số 34.360
bản; những năm 1966 - 1975 tăng lên 43.050 bản. Trong các năm 1971, 1972,
1973 số lượng phát hành hằng tháng của tạp chí sụt xuống và ở mức 30.000 bản.
Từ năm 1974 đến năm 1976 số lượng phát hành trở lại mức cũ là khoảng 45.000
bản mỗi tháng.
Các số đặc biệt, số lượng cao hơn hẳn: Tháng 1/1960 nhân kỷ niệm ngày
thành lập Đảng, tạp chí ra số đặc biệt phát hành 128.200 bản, số 4/1961 phục vụ
cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân phát hành 212.585 bản; số 1/1961 để tuyên
truyền cho các quan điểm của Đảng về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của
Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị thứ 9 của Trung ương Đảng (khóa III),
tạp chí ra số đặc biệt phát hành 107.179 bản, số 9 /1969 về lễ tang Chủ tịch Hồ
Chí Minh: 206.855 bản; tháng 2/1970 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập
Đảng, tạp chí ra số đặc biệt, phát hành 102.000 bản; số 7/1976 về khoá họp đầu
tiên của Quốc hội cả nước: 151.786 bản ...
Những năm trước đây tạp chí được bán ra nhiều nước Âu, Á, Phi, Mỹ
latinh. Theo thống kê năm 1968, 25 nước có bạn đọc đặt mua tạp chí; số lượng
bán ra có năm bình quân mỗi số trên l.400 bản. Những năm sau này số tạp chí bán
ra nước ngoài giảm nhiều, một phần quan trọng là do chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.
Sau khi Ban biên tập tạp chí hình thành thì chi bộ đảng cũng được thành
lập, với số đảng viên ban đầu còn ít. Dần dần số cán bộ, nhân viên, trong đó có
nhiều đảng viên, về nhận công tác ở cơ quan ngày một đông. Đầu những năm
1960, được sự chấp thuận của Đảng uỷ các cơ quan Chính Dân Đảng Trung ương,
chi bộ tạp chí được nâng lên thành đảng bộ. Trực thuộc đảng bộ là các chi bộ nhỏ
21
được tổ chức song song với một hoặc hai đơn vị công tác (tổ, ban) của Bộ biên
tập.
Từ đó, trải qua các chặng đường công tác của tạp chí, ngoài các công việc
thuần tuý đảng vụ, đảng bộ mà đại diện là đảng uỷ, luôn luôn phối hợp chặt chẽ
với Ban biên tập, nhất là trong công tác tư tưởng.
Nhờ đó, ngay cả những lúc ở trong nước hay trên thế giới tình hình diễn
biến rất phức tạp, mọi người trong cơ quan, kể cả người ngoài Đảng, đều kiên
định lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng ta, giữ vững nguyên tắc tổ chức,
không bi quan, dao động; các đảng viên đã phát huy tính tiên phong gương mẫu,
nêu cao vai trò đầu tàu, cùng với toàn thể anh chị em cán bộ, nhân viên trong cơ
quan cố gắng bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của tạp chí.
Trước khi tạp chí Đỏ - tiền thân của tạp chí Học tập ra đời, báo chí cách
mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ bất chấp những thủ đoạn khủng bố của kẻ
thù, dù xuất bản công khai hay bí mật, các tờ báo này đều có vai trò to lớn trong
việc tuyên truyền đường lối, phương châm, chính sách của Đảng, động viên toàn
dân ra sức đánh giặc, phát triển mạnh phong trào cách mạng trong nước, góp phần
quan trọng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam:
cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn
miền Nam, thống nhất đất nước.
Hòa chung với dòng chảy của báo chí cách mạng, tạp chí lý luận của Đảng
ra đời đáp ứng yêu cầu nhằm nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên và
nhân dân trong việc tuyên truyền, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê nin, phương
châm chiến lược của Đảng. Qua nhiều lần đổi tên, cơ quan lý luận của Đảng lần
đầu tiên – tạp chí Học tập - được xuất bản đều kỳ, vượt qua những khó khăn trong
hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, tạp chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ “Lấy học
thuyết Mác - Lê-nin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn
cách mạng nước ta để tuyên truyền, giáo dục đường lối, phương châm, chính sách
của Đảng một cách sâu sắc” được đề ra trong đề án xuất bản tạp chí Học tập.
22
Chương 2: Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
qua Tạp chí Học tập (1960 - 1975)
Đây là một trong hai vấn đề chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số bài viết trên
tạp chí Học tập thời kỳ 1960 -1975, chỉ tính riêng các chuyên mục lớn như xã luận,
điều tra nghiên cứu, các chuyên đề có tới gần 400 bài viết.
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc được phản ánh trên tạp chí
Học tập bao gồm các vấn đề lý luận và các vấn đề thực tiễn. Trong suốt chặng
đường phát triển, tạp chí Học tập luôn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình, đó là
“Lấy học thuyết Mác – Lê nin làm cơ sở, kết hợp chặt chẽ lý luận Mác – Lê nin với
thực tiễn cách mạng nước ta, để tuyên truyền, giáo dục đường lối, phương châm,
chính sách của Đảng một cách sâu sắc. Nội dung tạp chí sẽ tập trung vào những
vấn đề chính sách trong nước, đồng thời dành một phần cần thiết cho những vấn đề
quốc tế quan trọng và cho công tác xây dựng Đảng” [10, tr.9]. Những phương
châm, đường lối, chính sách của Đảng trong vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được tạp chí Học tập phản ánh, tuyên truyền một cách
kịp thời, đúng đắn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
miền Bắc nước ta. Nội dung đó được chia làm hai giai đoạn: 1960 – 1965 và giai
đoạn 1965 – 1975.
Trong giai đoạn từ 1960 – 1965, tạp chí Học tập tập trung tuyên truyền cho
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng và kế hoạch Nhà nước 5 năm lần
thứ nhất.
Trong giai đoạn 1965 – 1975, tạp chí tiếp tục tuyên truyền cho công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong điều kiện có chiến tranh. Phục vụ việc
xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội theo phương châm mới
trong hoàn cảnh mới.
2.1 Giai đoạn 1960 – 1965
Sau khi hoàn thành về cơ bản việc xóa bỏ các giai cấp bóc lột, từ năm 1960,
nhất là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, miền Bắc nước ta bước vào
một thời kỳ mới, thời kỳ lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời
23