Từ quyết tâm đổi mới ngành du lịch của người
Pháp nghĩ về du lịch ở Việt Nam
Cho đến nay, nước Pháp đang dẫn đầu thế giới về du lịch nhờ vị trí địa lí thuận lợi
và tiềm năng rất dồi dào về cảnh quan thiên nhiên cũng như các di sản văn hóa độc
đáo và quí giá của nhân loại. Nhưng nước Pháp không ngủ quên trên vinh quang
của mình, tự nhận còn có những mặt còn bất cập và nếu không kịp đổi mới, sớm
muộn sẽ đánh mất vị trí số 1 của mình trên thế giới.
Ngành du lịch đang ngày càng trở thành một ngành kinh doanh đem lại nguồn
thu nhập lớn. Năm 2005, tại Pháp, ngành du lịch quốc tế đã thu về 34 tỷ Euro,
đứng đầu số dư các tài khoản ngoại, sau đó mới đến công nghiệp ô tô và nông
sản thực phẩm. Bởi lẽ, ngành du lịch cùng tác động đến các ngành vận chuyển,
khách sạn, ẩm thực, văn hóa và di sản, sự phát triển bền vững và cả đến các công
nghệ mới.
Năm 2006, nước Pháp đón nhận 79 triệu khách du lịch và là địa chỉ hấp dẫn
đứng đầu thế giới, trước Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc và Ý. Ngành du lịch đạt
6,5% PIB quốc gia và có tổng doanh số 108,1 tỉ euro vào năm 2005. Các xí
nghiệp du lịch gồm 27.713 khách sạn 12.150 nhà nghỉ, 108.3 nhà hàng ăn uống,
43.909 tiệm cà phê và 4.317 hãng lữ hành (Số liệu lấy năm 2007).
Có lợi thế nằm ở ngã tư các đại lộ Châu Âu, Pháp là trung tâm xuất phát các
chuyến du lịch giữa hai miền Bắc và Nam của lục địa. Về địa hình, Thierry
Baudier, giám đốc “Ngôi nhà nước Pháp”, người tổ chức xúc tiến du lịch thế giới
đến nước Pháp (kể cả vùng hải ngoại) phấn khởi nêu: “Nơi đâu có thể tự hào có
2 biển, 3 đại dương, 22 vùng mang đậm bản sắc tinh tế và độc đáo, có những núi
non hùng vĩ nhất Châu Âu? Chẳng có nơi nào cả, ngoài nước Pháp”. Pháp còn
có ưu thế lớn về sự đa dạng các di sản văn hóa như: bảo tàng Le Louvre, tháp
Eiffel, công viên Disney là những địa chỉ hàng đầu Châu Âu… Để làm vừa lòng
du khách đến tham quan, Pháp có dịch vụ lưu trú và ẩm thực chất lượng cao và
đa dạng với 17.800 khách sạn có hạng và 8.000 bãi cắm trại. Đó là chưa kể đến
các phương tiện vận chuyển siêu hạng, có thể xem là “dây thần kinh của cuộc
đua tranh”. Vậy, chẳng phải là mọi điều đều ngày càng tốt đẹp trong đất nước
đẹp nhất toàn cầu này hay sao? Không hẳn là như thế. Hiện giờ thì tốt đấy,
nhưng mai sau ai biết thế nào? Người Pháp tự biết mình mà công nhận rằng:
“Các thành quả rất đặc biệt của chúng ta thật ra vẫn ẩn giấu những yếu kém
thực sự. Chúng ta đang dẫn đầu nhưng có lẽ sẽ không được lâu dài cho lắm.
Chẳng hạn, tuy đạt kỉ lục về số lượng du khách, nhưng thu nhập do du lịch lại
thua Mỹ và Tây Ban Nha, những đối thủ sát nút của mình”.
Tăng trưởng của khu vực này thực ra còn uể oải. Năm 2005, Pháp chỉ tăng
thêm 1,2% còn Tây Ban Nha đạt đến 6%. Các địa chỉ du lịch mới nổi như Trung
Quốc đang tiến gần lên hàng đầu (với tăng trưởng đạt 12% năm 2005). Đó là
chưa kể đến những địa chỉ du lịch mới có sức hấp dẫn mạnh mẽ như nước Úc đối
với người Nhật, Mỹ la tinh đối với người Tây Ban Nha. Theo cuộc điều tra tháng
giêng 2007 của Viện Ipsos thực hiện đối với 10 nước có nhiều du khách sang
Pháp, người nước ngoài cảm nhận Pháp là một địa chỉ đang bị “đình trệ” chưa
được khai thác tốt, nói thực ra là “chậm tiến”. Một số ý kiến thì cho rằng địa chỉ
Pháp đứng thứ 3 sau Ý và Tây Ban Nha, được đánh giá là trẻ trung và năng động
hơn. Còn các nhà chuyên nghiệp nước ngoài về ngành này thì phê phán Pháp về
việc đón tiếp khách và tỉ lệ chất lượng/giá cả thấp, thiếu tính giản dị và cởi mở.
Hình ảnh người Pháp “càu nhàu” bắt đầu tỏ ra bất lợi nghiêm trọng. Trong giới
du lịch, người ta thích thú dẫn câu nói của J.Cocteau(1): “Người Pháp là những
người Ý cáu kỉnh”, do đó khó mà ganh đua với người Tây Ban Nha có tiếng là
chịu chơi hoặc với người Ý vui tính.
Một nhược điểm khác, nước Pháp được xem là một địa chỉ tốn kém, là hình
ảnh biếm họa về tính xa hoa và nghệ thuật sống. Nói cách khác, đi tham quan
nước Pháp không hợp túi tiền mọi người, nhất là du khách thanh niên.
Điều đáng lo ngại hơn, Pháp thường chỉ là nơi tạm nghỉ để sang Nam châu Âu.
Các du khách thường ít qua đêm ở Pháp. Gần nửa lượt khách có thời gian lưu trú
chỉ từ 3 đêm trở xuống và 1/5 trong số đó chỉ qua 1 đêm ở Pháp. Tệ hơn, năm
2005 có 107 triệu khách tham quan người ngoại quốc đến nước Pháp mà không
qua đêm nên không ghi sổ kế toán.
Có vẻ như nước Pháp đã có lúc thiu ngủ trên vinh quang của mình, nhưng
bỗng ngộ ra rằng du lịch đã trở thành một nền công nghiệp thực sự và đang đối
đầu với cạnh tranh và toàn cầu hóa: “Đã quá lâu chúng ta tưởng rằng chỉ cần
cúi xuống là gặt hái được, các cảnh trí đẹp và di sản của đất nước là đủ để hấp
dẫn khách du lịch nước ngoài. Không phải thế, chúng ta cần phải chuyển du lịch
“hái lượm” sang một nền du lịch công nghiệp. Đã qua rồi thời người chủ trọ
làm kinh doanh du lịch vì nhờ bập bẹ được một ngoại ngữ”. Đấy là lời giải thích
của Dominique Estève, tổng giám đốc Viện Công Thương thành phố Nice, bờ
biển Ngà. Trong khu vực đầy rẫy những cường quốc về du lịch, mà thị trường
Pháp còn rất manh mún, chủ yếu gồm 200.000 PME (xí nghiệp cỡ trung bình và
nhỏ) thường thiếu trình độ chuyên nghiệp và ít có phản ứng nhạy bén. Leson
Bertrand, Bộ trưởng biệt phái sang du lịch, đã phát biểu trong hội nghị năm 2006
của ngành rằng: “Còn hơn cả sự thách thức, đây chính là một tình trạng khẩn
cấp”. Còn Thierry Baudier thì tóm tắt: “Đã đến lúc quên vị trí dẫn đầu đã ru
ngủ chúng ta, mà hãy trở lại thành một người thách đấu”.
Từ đó, Pháp đặt ra mục tiêu cho năm 2010: Giữ vị trí số 1 và chiếm thị phần
nhằm thu được 40 tỷ euro bằng cách tạo ra sự kiện để cho mọi người biết đến
thương hiệu Pháp. Các sản phẩm du lịch được tạo ra theo sở thích từng đối tượng
như sự hâm mộ của toàn cầu đối với tiểu thuyết “Da Vinci Code”, mà phần lớn
cốt truyện xảy ra tại Pháp. Cũng vậy, phim “Marie Antoinette” của Sophia
Coppola đã được sử dụng để quảng cáo cho cung điện Versailles. Hè vừa qua,
cuốn phim nhiều tập “Chuyến đi nghỉ mát của ông Bean”, kể về các chuyện thú
vị gặp tại Pháp của nhà du lịch người Anh, đã được dùng làm hậu thuẫn cho một
chiến dịch quảng cáo rộng lớn. Nhờ một cuộc thoả thuận với Universal, nhân vật
này đã trở thành sứ giả tuyệt vời của Pháp trên 50 quốc gia. Những áp phích cổ
động ca ngợi các nét duyên dáng quyến rũ của nước Pháp thậm chí đã được bày
ra khắp các nơi trang trí trong phim. Trong “Ngôi nhà nước Pháp”, người ta nói
rằng: “Trong mọi trường hợp, phải biết thích nghi với các đối tượng công chúng.
Chúng ta không “bán” cùng một nước Pháp như nhau cho mọi người. Với người
Tây Ban Nha thì “bán” nước Pháp hội hè, với người Đức thì “bán” nước Pháp
sát cạnh với tính giản dị, và đa dạng vùng miền; với người Achentina và Braxin
thì bán cái nét sang trọng, tính sôi nổi, tính cách La tinh, nghệ thuật sống”.
Trong những vị khách mới đến, người Trung Hoa bắt đầu được xếp hạng. Họ
thường tiến hành một chuyến vòng quanh Châu Âu, nhưng bao giờ cũng bắt đầu
qua Paris. Khi các cửa hàng lớn chấp nhận thẻ Ngân hàng Trung Quốc, thì doanh
số sẽ tăng ngay thêm 10 triệu/năm.
Từ đó, mọi người mong muốn người Trung Quốc đến. Đến cả Montargis, thủ
phủ quận Loiret, nổi tiếng với món kẹo hạnh nhân hơn là vì vai trò của nó trong
việc thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trở thành địa chỉ ưu tiên của một
làn sóng du khách đến từ Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, sau này là nhân vật số 1
của Trung Quốc, đã đặt chân đến đây vào năm 1922. Ngày nay, những đoàn du
khách Trung Hoa đang tấp nập trên các đường phố dành cho họ nhờ một “tuyến
vòng Trung Hoa” do chính quyền thành phố quy hoạch… Ngoài ra Pháp còn
nhằm vào người Ấn Độ, người Mỹ La tinh - đối tượng khách hàng đầy hứa hẹn.
Một chuyên gia nói rằng: “Người Braxin là một đối tượng du khách rất có lợi cho
chúng ta. Trong khi người Hoa trong một chuyến du hành có tổ chức chỉ trung
bình nghỉ 2 đêm ở Paris, thì những vị khách này lưu trú đến 15 ngày với quyết tâm
tận hưởng”.
Để làm vừa lòng khách, Pháp phải đưa ra vẻ tươi đẹp khả ái nhất của mình,
làm nổi bật giá trị các vùng nông thôn và duyên hải, phục chế các bảo tàng và lâu
đài cổ, trưng bày các bộ sưu tập từ các kho dự trữ. Nhưng trước hết phải học
cách tươi cười duyên dáng. Ngày 9/7, Paris tổ chức ngày hội lớn để tiếp đón
khách du lịch với các cuộc du hành qua các đường phố thủ đô, tiệc chào mừng
tại một cửa hàng chọn lọc, những cuộc du ngoạn trong khu phố có người Paris
hướng dẫn miễn phí và có ảnh kỉ niệm! Đó là khởi đầu tốt đẹp. Điều quan trọng
là làm sao để tất cả du khách ở lại và sẽ trở lại. Đối mặt với các mối đe doạ mưu
sát, đình công, nổi dậy hay thiên tai, nước Pháp cần phải kiểm soát. Đối mặt với
tính năng động và khả năng đầu tư của các địa chỉ du lịch nước ngoài, người
Pháp cần phải đổi mới. Nói tóm lại, phải xem lại sức cung của mình. Các khách
du lịch say mê nghệ thuật sống kiểu Pháp ư? Thế thì hãy chuẩn bị cho họ một
hỗn hợp theo nhu cầu, với cảnh biển, nhâm nhi rượu vang, thời trang, nghệ thuật
và văn chương Pháp. Tức là lôi kéo họ đến những nơi chưa đến bao giờ, làm cho
họ gắn bó và nhất là làm cho họ phát biểu khen ngợi từ ngoài biên giới. Lời đồn
đại là phương pháp quảng cáo từ xa hiệu quả nhất. Thời kì nắng nóng dội xuống
toàn châu Âu, người Ý đã phát hiện ra bờ biển phía Tây nước Pháp và nhất là
miền Bretagneu là một nơi lý tưởng, ngày nay nơi đó rất nhiều người Ý đến nghỉ
dưỡng!
Ở vùng nông thôn thì nhằm vào bản sắc địa phương và tính đa dạng của di sản.
Tấm gương của thung lũng Val de Loire rất bổ ích. Từ khi được UNESCO xếp
hạng là di sản thế giới (năm 2000), “Con đường các cánh đồng nho” 800km dài
nhất nước Pháp đã phát triển một ngành “du lịch rượu vang” với các cuộc du
hành “nho - rượu vang - du hành”. Mấy ngày trước vụ hái nho, các nhà trồng nho,
các nhà nghiên cứu rượu vang, nhà kể chuyện, diễn viên đến mời các du khách đi
khám phá những cánh đồng nho đẹp nhất, qua các cuộc du hành gia đình…
Claire Duchesne, nữ giám đốc Marketing miền Interloire, người tổ chức cuộc du
hành này giải thích: “Mục đích của chúng ta là khuyến khích du khách ra khỏi
con đường cổ điển của các lâu đài La Loire, nơi từ đó họ không trông thấy được
các cánh đồng nho, mà dẫn họ đến tận di sản ít được biết đến này?” Bà còn nói
thêm: “Làm nổi bật giá trị các cánh đồng nho cho phép khai thác cả toàn vùng
và sau đó thì bán các sản phẩm…”.
Khám phá nước Pháp bằng đi bộ, đi xe đạp, ngồi trên lưng ngựa, lưng lừa hay
trên thuyền, ngày nay, mọi cách đều thuận tiện. Loại hình mới nhất là du lịch trên
sông, lướt sóng trên các xà lan - khách sạn, du lịch sinh thái đang lên như diều gặp
gió. Khắp nơi xuất hiện những đường mòn xanh, các tuyến đường dành cho xe đạp,
cho đi bộ hoặc đi ngựa, dọc theo những ngôi làng, những lâu đài nhỏ cổ kính, những
trang trại chào mời các đặc sản địa phương.
Về miền duyên hải thì chú trọng đến sự phát triển bền vững và phục hồi các
cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng. Tình trạng du lịch quần chúng đã chấm dứt. Tại
“ngôi nhà nước Pháp”, người ta khẳng định rằng 20% bờ biển ở Pháp đã lạc hậu
so với mong đợi của khách. Không nên do dự, hãy kiến thiết lại để phục hồi các
con đường đi dạo ven biển. Du khách ngày nay chuộng tính đích thực và rất kĩ
tính về mặt bảo vệ môi trường. Ở Pháp, nhiều cảnh quan đang được phục hồi và
tổ chức lại để bảo vệ môi trường, đối phó với sự phá hoại vô ý thức của con
người như dẫm đạp và làm hỏng cây cỏ, các hành động vi phạm an ninh trật tự
(đỗ xe ngay trên bãi biển, tắc nghẽn giao thông, phương hại đến cây cỏ và động
vật)…
Vùng ven biển cũng cần phải xem lại cách phục vụ cho khách du lịch còn
chưa độc đáo và còn phụ thuộc vào mùa, tránh tình trạng vắng khách vào mùa
lạnh. Phải chú ý tiến hành những hoạt động tiêu dùng trong suốt cả năm: biển,
tắm bùn, mát xa… Trong một xã hội mà hình thức là một trong những mối quan
tâm hàng đầu, thì sự cân bằng sức khoẻ, sự thoải mái, thư giãn, sự hài hoà giữa
cơ thể và tinh thần, niềm khoái lạc là những giá trị đang lên của mặt “cung” của
ngành du lịch.
Tại các trạm nghỉ trên núi, sự chuyển hướng cũng triệt để như vậy. Trượt tuyết
không còn là duy nhất nữa, 50% du khách nghỉ mát trên núi không còn trượt
tuyết, và mười năm nữa thì 50% du khách nước ngoài sẽ là thanh niên. Món
“vàng trắng” không còn như xưa nữa… Người ta phải đa dạng hoá các hoạt động,
phải tự bảo rằng: núi non nước Pháp không còn là địa chỉ 100% về mùa đông và
100% cho thể thao nữa. Bị o ép với bởi các mùa không có tuyết và đối mặt với
cạnh tranh của Đông Âu, các trạm thấp và độ cao trung bình đã phải thích nghi,
đổi mới, không kể mùa… Khẩu hiệu mới là: sáng tạo ra trạm nghỉ cho tương lai.
Không trượt tuyết thì còn có không khí trong lành và thiên nhiên kì vĩ! Tháng 7
và tháng 8, tại các trạm có lễ hội 5 giác quan với sự khám phá hương vị các cây
hương liệu, những toàn cảnh ngoạn mục, tha hồ thưởng thức với mát xa, spa, đi
chơi, nghe tiếng động vật, nhấm nháp rượu vang miền núi, pho mát và nước suối.
Cả ngành du lịch, tất cả mọi vùng đều được huy động xung quanh cùng một
niềm tin vững chắc: nước Pháp thế kỉ XXI sẽ đa dạng hoá các sản phẩm mới, tất
cả các vận động ấy đều chứng minh cho một ý tưởng duy nhất: không còn là
“cung”, mà chính là “cầu” mới là yếu tố hướng dẫn chính sánh du lịch mới của
đất nước. Nếu một ngày kia, du khách rời bãi biển mà muốn có các bộ sưu tập
thì phải tìm cách mang đến cho họ. Cán cân ngoại thương và nền kinh tế thịnh
vượng mai sau của đất nước liên quan đến việc đó. Toàn cầu hoá, việc chuyển
khu vực sản xuất với các sản phẩm giá thấp của nó đã lấy mất của nước Pháp
những chỗ làm và ngoại tệ thì ngành du lịch có thể trả lại. Tại Pháp có các lâu
đài cổ, các bãi biển, núi non, các bảo tàng với biết bao nhiêu ý tưởng sáng tạo
luôn luôn làm cho chúng ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế.
Nước ta có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và kỳ thú, có nơi vào hàng đầu
thế giới như vịnh Hạ Long, có nền văn hóa dân tộc độc đáo với các di sản
phong phú, hấp dẫn... Nhưng ngành du lịch của chúng ta chỉ mới bắt đầu phát
triển và đang còn ở giai đoạn “hái lượm”, chưa dáng dấp của một nền công
nghiệp. Bên cạnh đó phong cách đón tiếp du khách còn thiếu chuyên nghiệp
nên sức hấp dẫn còn hạn chế. Câu chuyện trên đây của nước Pháp chắc sẽ giúp
Việt Nam nhiều gợi ý trong cho việc phát triển ngành du lịch của mình./.