Cơ cấu tổ chức của Bộ máy hành chính nhà nước theo Hiến pháp 1992 ?
BÀI SOẠN:
A. Chính phủ:
1.Về cơ cấu tổ chức:
+ Chính phủ được thành lập và hoạt động theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm);
Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu và miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của
Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của
Chính phủ do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức, sau đó Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo Nghị
quyết của Quốc hội và Ủy ban Thương vụ Quốc hội;
+ Về cơ cấu tổ chức, Chính phủ gồm có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ
trưởng và các thành viên khác của Chính phủ không nhất thiết phải là đại biểu
Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, UBTV Quốc hội và Chủ
tịch nước. Phó thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ
tướng.
Chính phủ hoạt động theo hai thiết chế quyền lực: tập thể Chính phủ (Điều 112 Hiến pháp 1992, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ) và người
đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Chính phủ (Điều 114 – HP năm 1992 về nhiệm
vụ quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về
ngành, lĩnh vực mính phụ trách trong phạm vi cả nước và chịu trách nhiệm trước
Quốc hội.
Cơ cấu tổ chức Chính phủ bao gồm các bộ, cơ quan ngang Bộ do Quốc hội quyết
định thành lập theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ . Ngoài ra, tổ chức chính phủ
nước ta còn có những cơ quan thuộc Chính phủ do Chính phủ quyết định thành lập.
Về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thuộc Chính
phủ có nhiều điểm khác với Bộ, cơ quan ngang Bộ - là những cơ quan của Chính
phủ.
2.Vị trí của Chính phủ:
Theo Điều 109 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Chính phủ nước CHXHCN Việt
Nam là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất
của nước CHXHCN Việt Nam. Như vậy, vị trí của Chính phủ được xác định vừa
trong quan hệ với Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vừa trong
quan hệ với cả bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính nhà nước.
- Trong quan hệ với Quốc hội, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Chính phủ phải tổ chức thực hiện Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp
lệnh, Nghị quyết của UBTV Quốc hội; chịu sự giám sát của Quốc hội, và báo cáo
hoạt động của mình trước Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
- Trong quan hệ với bộ máy nhà nước và bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ
là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, là cấp cao
nhất toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương; Chính
phủ thống nhất quản lý toàn bộ hoạt động hành chính của bộ máy nhà nước.
Tuy vị trí của Chính phủ được xác định trong hai quan hệ, nhưng xét về nội dung
là thống nhất với nhau: chấp hành của Quốc hội cùng là thực hiện quyền hành
chính nhà nước cao nhất; là một thiết chế chính trị - hành chính.
3.Vai trò của Chinh phủ:
Vai trò của Chính phủ thể hiện thông qua việc thực hiện chức năng nhiệm vụ,
quyền hạn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn
hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước từ TW đến cơ sở; bảo
đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ
của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo đảm ổn định và
nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Vai trò của Chính phủ được thể hiện cụ thể, chủ yếu thông qua việc thực hiện
những nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ do Hiến pháp quy định tại Điều 112,
Hiến pháp năm 1992 (sữ đổi).
B. Bộ - Cơ quan ngang Bộ:
1.Vị trí, chức năng của Bộ - Cơ quan ngang Bộ:
Bộ , cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ do Quốc hội quyết định phê
chuẩn việc thành lập theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức năng
quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực công tác trong phạm vi cả nước; quản lý
nhà nước các địch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực; thực hiện đại diện chủ sở hữu
phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định của
pháp luật (theo Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11, ngày 05/8/2002 của Quốc hội,
cơ cấu tổ chức Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam gồm 20 Bộ, 06 cơ quan
ngang Bộ).
- Cơ quan Chính phủ là cơ quan do Chính phủ quyết định thành lập (không cần
Quốc hội phê chuẩn). Cơ quan thuộc Chính phủ có 2 loại:
+ Cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn quan lý nhà
nước về ngành, lĩnh vực và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về đại
diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước
theo quy định của pháp luật.
+ Cơ quan thuộc Chính phủ hoạt động sự nghiệp để phục vụ quản lý nhà nước của
Chính phủ hoặc thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng
mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể
về đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà
nước theo quy định của pháp luật.
2.Cơ cấu tổ chức của Bộ:
- Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Cục, Tổng cục (không nhất thiết Bộ nào cũng có);
- Các tổ chức sự nghiệp.
Trong đó:
+ Vụ được tổ chức để tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh
vực theo hướng một vụ được giao nhiều việc, một việc không giao cho nhiều vụ.
+ Cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành thuộc
phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cục thành lập phòng và đơn vị trực thuộc. Cục
có con dấu và tài khoản riêng.
+ Tổng cục được tổ chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành
lớn, phức tạp, không phân cấp cho địa phương, do Bộ trực tiếp phụ trách và theo
hệ thống dọc từ TW đến địa phương trong phạm vi toàn quốc. Cơ cấu tổ chức
Tổng cục, bao gồm: cơ quan Tổng cục (gồm văn phòng, ban và đơn vị trực thuộc);
Cục ở cấp tỉnh, chi cục (ở cấp huyện nếu có). Tổng cục có con dấu và tài khoan
riêng.
+ Tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ được thành lập để phục vụ quản lý nhà nước của Bộ
hoặc để thực hiện một số dịch vụ công; tổ chức sự nghiệp của Bộ không có chức
năng quản lý nhà nước.
C. Chính quyền địa phương và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương
của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
1. Vị trí, vai trò chính quyền địa phương và cơ quan hành chính nhà nước ở
địa phương.
Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp
giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp.
Chính quyền địa phương được thành lập đặt dưới sự lãnh đạo và phục tùng tuyệt
đối chính quyền trung ương. Nhiệm vụ, quyên hạn của chính quyên địa phương
dựa trên cơ sở pháp luật được phân cấp để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở
địa phương. Chính quyền địa phương tuyệt đối không phải là một “nhà nước con”
trong nhà nước thống nhất. Nhưng nhà nước ta là một nhà nước dân chủ, nhân dân
làm chủ không phải chỉ trên phạm vi cả nước thông qua Quốc hội mà còn làm chủ
trong phạm vi đơn vị hành chính – lãnh thổ các cấp được pháp luật quy định.
Chính quyền địa phương ở nước ta được tổ chức thành ba cấp (cấp tỉnh, thành phố
trực thuộc TW; cấp huyện, quân, thành phố trực thuộc tỉnh; cấp xã, phương, thị
trấn) ở mỗi cấp đều có hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, trong đó:
- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý
chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra,
chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Căn cứ vào Hiến pháp, Luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, Hội đồng
nhân nhân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật
ở địa phương; về kết hoach phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách; về quốc phòng
an ninh ở địa phương; vế các biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân
dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, làm tròn nghĩa vụ đối với đất
nước..
- Các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương của nước ta bao gồm: UBND ở
ba cấp và các cơ quan chuyên môn của UBND. UBND ở mỗi cấp do HĐND bầu
ra, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương,
chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp
trên và Nghị quyết của HĐND. Như vậy, các cơ quan hành chính nhà nước ở địa
phương của Nhà nước ta được tổ chức vừa tạo thành một hệ thống hành chính
thống nhất thứ bậc, thống nhất từ TW (Chính phủ) đến địa phương, cơ sở (xã ,
phường) ; vừa gắn bó với nhân dân và cơ quan đại biểu của nhân dân (HĐND).
UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo,
quản lý thống nhất của bộ máy hành chính nhà nước từ TW đến cơ sở.
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể
cho UBND từng cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) từ Điều 82 đến Điều 113.
2. Cơ cấu tổ chức của UBND
Về tổ chức, UBND do HĐND cùng cấp bầu ra gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các
ủy viên. Chủ tịch UBND là đại biểu HĐND, còn các thành viên khác không nhất
thiết phải là đại biểu HĐND. Kết quả bầu các thành viên UBND phải được Chủ
tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; kết quả bầu cử các thành viên UBND cấp
tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Số lượng thành viên UBND các
cấp gồm:
- UBND cấp tỉnh có từ 9 đến 11 thành viên (riêng thành phố Hà Nội và TP HCM
có không quá 13 thành viên).
- UBND cấp huyện có từ 7 đến 9 thành viên.
- UBND cấp xã có từ 3 đến 5 thành viên.
UBND các cấp là cơ quan thẩm quyền chung (thẩm quyền trên nhiều lĩnh vực)
được tổ chức thành hai thiết chế thẩm quyền: thiết chế tập thể UBND và thiết chế
người đứng đầu UBND là Chủ tịch UBND.
Các cơ quan chuyên môn của UBND là cơ quan tham mưu, giúp UBND cùng cấp
thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ,
quyền hạn theo sự uỷ quyền của UBND cùng cấp và theo quy định của pháp luật;
góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý của ngành hoặc lĩnh vực công tác từ TW
đến cơ sở.
Cơ quan chuyên môn của UBND chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và
công tác của UBND cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của
cơ quan chuyên môn cấp trên.