I.Mở đầu
Trong khoa học luật hành chính không có quan điểm thống nhất về phạm vi cụ thể
của khái niệm thủ tục hành chính. Nhưng trên thực tế ở nước ta, thủ tục hành chính vẫn
được hiểu là cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản lí hành chính nhà nước được quy
định trong các quy phạm pháp luật hành chính bao gồm trình tự, nội dung, mục đích, cách
thức tiến hành các hoạt động cụ thể trong quá trình giải quyết các công việc của quản lí
hành chính nhà nước. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, em xin chọn đề tài: “Phân tích
các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục hành chính”
II.Nội dung
Thủ tục hành chính là cách thức tổ chức thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà
nước được qui định trong các qui phạm pháp luật hành chính bao gồm trình tự, nội dung,
mục đích, cách thức tiến hành các hoạt động cụ thể trong quá trình giải quyết các công việc
của quản lí hành chính nhà nước. Dưới đây là các nguyên tắc xây dựng và thực hiện thủ tục
hành chính.
1. Nguyên tắc pháp chế.
Nguyên tắc này của thủ tục hành chính có cơ sở là Điều 12 Hiến pháp 1992. Điều này
quy định: “Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế
xã hội chủ nghĩa”.
Nguyên tắc pháp chế thể hiện trước hết là chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền do luật
định mới có quyết định ra thủ tục hành chính. Hiện nay, thẩm quyền quy định thủ tục hành
chính tập trung vào các cơ quan ở trung ương. Đối với một số quy định thủ tục hành chính
thuộc thẩm quyền của bộ, ngành trung ương nhưng cần phải có quy định riêng để phù hợp
với đặc điểm của một số địa phương thì các bộ, ngành có văn bản ủy quyền cho UBND
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Các quy định này phải có sự thống nhất của
bộ, ngành quản lí về lĩnh vực đó và phải được công bố công khai như quy định hành chính
của bộ, ngành. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi có sự thống nhất tương đối giữa các thủ tục
hành chính của những hoạt động quản lí tương tự nhau. Các hoạt động quản lí tương tự nên
có thủ tục tiến hành tương tự nhau. Ví dụ, theo Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm
1995 thì thủ tục giải quyết khiếu nại trong xử phạt vi phạm hành chính có nhiều điểm khác
thủ tục giải quyết khiếu nại nói chung được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo. Chính vì
vậy, khi ban hành Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính năm 2002 ủy ban thường vụ Quốc
hội quy định việc khiếu nại trong xử lí vi phạm hành chính thực hiện theo Luật khiếu nại, tố
cáo.
Thứ hai, chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới có quyền thực hiện thủ tục
hành chính và thực hiện thủ tục hành chính trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy
định. Xét dưới góc độ quyền lực, thực hiện thủ tục hành chính là hoạt động sử dụng quyền
lực nhà nước. Quyền lực nhà nước trong mọi trường hợp chỉ được sử dụng bởi những chủ
thể do pháp luật quy định và nằm trong cơ cấu quyền lực nói chung. Mỗi chủ thể chỉ sử
dụng quyền lực trong một giới hạn nhất định. Tương ứng với giới hạn thẩm quyền pháp
luật trao cho, mỗi chủ thể có những phương tiện và điều kiện nhất định đảm bảo cho việc
thực hiện thẩm quyền (điều kiện vật chất, nhân sự, bộ máy...). Do đó, các thủ tục được thực
hiện không đúng thẩm quyền thì không những việc thực hiện thủ tục đó không hợp pháp
mà hiệu quả quản lí cũng bị ảnh hưởng.
Thứ ba, thủ tục hành chính phải được thực hiện đúng pháp luật; với những phương tiện,
biện pháp và hình thức được pháp luật cho phép. Ví dụ, theo Pháp lệnh xử lí vi phạm hành
chính năm 2002 thì trong số các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không
có các “đội quy tắc” hoặc tổ chức tương tự của cơ quan Đoàn thanh niên mà các địa
phương tổ chức. Vì vậy, việc một số địa phương giao cho đội này xử phạt hành chính là trái
với nguyên tắc pháp chế. Về mặt lí thuyết, tất cả các thủ tục hành chính được pháp luật quy
1
định đều là cần thiết và là quy trình hợp lí nhất để thực hiện các hoạt động quản lí trên thực
tế. Hơn nữa, mỗi thủ tục hành chính được thực hiện nhiều lần ở những thời điểm khác
nhau, bởi các chủ thể khác nhau, sự tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục hành chính tạo nên
tính khoa học, đồng bộ, thống nhất trong quản lí hành chính nhà nước. Một thủ tục hành
chính cụ thể chỉ mất giá trị pháp lí khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ.
2. Nguyên tắc khách quan.
Nguyên tắc này thể hiện trước hết ở việc định ra thủ tục hành chính phải xuất phát từ
nhu cầu khách quan của hoạt động quản lí nhằm đưa ra quy trình hợp lí, thuận tiện nhất,
mang lại kết quả cao nhất cho quản lí. Những hoạt động quản lí phức tạp, có ý nghĩa quan
trọng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, cộng đồng, tổ
chức, cá nhân mà những sai sót nhỏ cũng có thể gây hậu quả bất lợi cho xã hội thì thủ tục
cần chặt chẽ, chi tiết để định ra từng khâu, từng bước, từng giai đoạn cụ thể của hoạt động
đó. Ví dụ, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục xử phạt vi phạm hành
chính, thủ tục giải quyết khiếu nại... Những hoạt động quản lí đơn giản, gián tiếp tác động
đến những lợi ích khác nhau thì các thủ tục hành chính không cần quy định ở mức chi tiết.
Ví dụ, đối với hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật...
Nguyên tắc khách quan còn đòi hỏi khi thực hiện thủ tục hành chính ở tất cả các khâu,
các bước, các giai đoạn đều phải dựa trên những căn cứ khoa học. Những kết luận, quyết
định được đưa ra phải phù hợp với quy luật khách quan về sự tồn tại, vận động của các sự
việc, các hiện tượng, các lĩnh vực xã hội. Thực hiện thủ tục hành chính phải đặt lợi ích của
quản lí lên hàng đầu, không được tuyệt đối hóa lợi ích của chủ thể quản lí cũng như đối
tượng quản lí. Thủ tục hành chính càng không được sử dụng để phục vụ những mục đích
mang tính chủ quan của chủ thể quản lí.
Nguyên tắc khách quan, ở mức độ, phạm vi và bằng phương pháp khác nhau, đã được
cụ thể hóa, được đảm bảo bởi các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phải
thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, về thủ tục lập biên bản và nội dung của nó, về người làm
chứng và người chứng kiến, về quyền của các cơ quan này được yêu cầu người có trách
nhiệm giải trình, cung cấp thêm thông tin, tạo điều kiện cho hoạt động của mình, quyền áp
dụng các biện pháp, kể cả biện pháp cưỡng chế hành chính (niêm phong, kê biên tài sản, tài
liệu...). Đồng thời cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong những trường hợp nhất
định phải tạo điều kiện, không được cản trở, phải cung cấp thông tin, tài liệu... cần thiết để
việc thực hiện thủ tục hành chính được thuận lợi (Ví dụ, Điều 7 Luật khiếu nại, tố cáo
(2/12/1998).
3. Nguyên tắc công khai, minh bạch.
Nguyên tắc này có thể gọi là nguyên tắc chung của thủ tục hành chính hiểu theo nghĩa
rộng. Nghĩa là, từ việc giải quyết các công việc cụ thể như thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp
giấy phép xây dựng, đến cấp thị thực xuất nhập cảnh, cấp giấy phép kinh doanh... thủ tục
ban hành các quyết định quản lí nhà nước quan trọng... đều phải công khai thông báo rộng
rãi, hướng dẫn tỉ mỉ cho đương sự biết.
Nếu thừa nhận thủ tục là cách thức tổ chức hoạt động quản lí thì yêu cầu về sựu công
khai, minh bạch của thủ tục hành chính là tất yếu khách quan. Trong xây dựng thủ tục,
nguyên tắc này thể hiện: Thứ nhất, trong trường hợp cần thiết Nhà nước tạo điều kiện cho
những đối tượng thực hiện thủ tục đóng góp ý kiến. Thứ hai, các thủ tục hành chính phải
được công bố cho người thực hiện thủ tục biết để có thể thực hiện dễ dàng. Công bố thủ tục
hành chính bao gồm công bố các thủ tục mới xây dựng, công bố các thủ tục đã có nhưng
chưa công bố. Việc công bố các thủ tục hành chính không chỉ là cần thiết mà là bắt buộc vì
nó có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu lực của thủ tục.
Trong thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc công khai, minh bạch đòi hỏi công khai
hóa quá trình thực hiện thủ tục. Công khai hóa quá trình thực hiện thủ tục có những lợi ích
2
rõ rệt trong quản lí: Về phía cá nhân, tổ chức, những chủ thể này biết thủ tục hành chính đã
được thực hiện đến giai đoạn nào, theo đó có thể chủ động thực hiện những quyền và nghĩa
vụ pháp luật quy định để thủ tục được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời họ cũng
dễ dàng giám sát hoạt động của Nhà nước, giảm tình trạng cơ quan, cán bộ, công chức vô
trách nhiệm, sách nhiễu người dân. Về phía Nhà nước, công khai hóa quá trình thực hiện
thủ tục cũng tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước thuận
lợi, phân định trách nhiệm rõ ràng.
4. Nguyên tắc đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời.
Nguyên tắc này có quan hệ mật thiết với nguyên tắc khách quan. Các thủ tục hành chính
cần được xây dựng và thực hiện xuất phát từ yêu cầu khách quan của hoạt động quản lí.
Mỗi thủ tục hành chính chỉ bao gồm những khâu, những bước, những giai đoạn với sự tham
gia của những chủ thể thực sự cần thiết để cho việc thực hiện thủ tục không bị lãng phí thời
gian, trí tuệ, công sức vào những hoạt động không thiết thực. Như vậy, thủ tục hành chính
vừa dễ thực hiện vừa góp phần nâng cao hiệu quả quản lí. Không nên tuyệt đối hóa nguyên
tắc đơn giản vì sự đơn giản hóa quá mức các thủ tục hành chính có thể khiến cho thủ tục
thiếu đi những hoạt động cần thiết hay gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát của Nhà
nước.
Hiện nay, điều kiện, hoàn cảnh, môi trường, nhiệm vụ quản lí thường xuyên thay đổi
nên khả năng thích ứng của nền hành chính trước những biến đổi mau lẹ của cuộc sống là
yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả của quản lí.
Trong các thủ tục hành chính có những khoảng thời gian pháp luật quy định cho các
hoạt động tiến hành. Có nhiều khoảng thời gian khác nhau (thời hạn, thời hiệu). Nhưng tựu
trung lại những khoảng thời gian đó thường nhằm ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể
của thủ tục, tạo điều kiện đồng thời bắt buộc các chủ thể giải quyết dứt điểm từng vụ việc
cụ thể. Thủ tục hành chính đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, kịp thời đã trở thành mục tiêu
cải cách thủ tục hành chính.
5. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các bên tham gia thủ tục hành chính.
Nguyên tắc này chủ yếu được áp dụng trong thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền
hoặc các vi phạm pháp luật.
Bất kỳ thủ tục hành chính nào cũng có sự tham gia của chủ thể sử dụng quyền lực Nhà
nước và chủ thể phục tùng quyền lực Nhà nước. Xét dưới góc độ quan hệ pháp luật hành
chính, quan hệ thủ tục hành chính là quan hệ giữa chủ thể bắt buộc – chủ thể sử dụng quyền
lực Nhà nước và chủ thể thường – chủ thể phục tùng quyền lực, trong đó chủ thể bắt buộc
có quyền nhân danh Nhà nước để áp đặt ý chí đối với bên kia. Đó là sự bất bình đẳng về ý
chí giữa hai bên tham gia quan hệ.
Tuy nhiên, cả hai bên tham gia quan hệ đều bình đẳng trước pháp luật. Mỗi bên đều có
thể làm xuất hiện thủ tục hành chính. Việc đưa ra yêu cầu hợp pháp, mỗi bên đều phải đáp
ứng yêu cầu hợp pháp bên kia. Trong quan hệ, mỗi bên đều có những quyền và nghĩa vụ do
pháp luật quy định. Nhà nước tạo điều kiện và đưa ra những bảo đảm như nhau cho các bên
thực hiện quyền và nghĩa vụ. Nếu xảy ra vi phạm pháp luật trong khi thực hiện thủ tục thì
chủ thể vi phạm pháp luật, bất kể là chủ thể nào trong thủ tục đều phải chịu trách nhiệm
pháp lí về hành vi của mình.
III.Kết luận
Thủ tục hành chính cũng như hoạt động quản lí nói chung, được xây dựng và thực
hiện trên cơ sở những nguyên tắc được Hiến pháp quy định trực tiếp hoặc gián tiếp, và
được cụ thể hóa, chi tiết hóa và bổ sung trong các văn bản pháp luật khác về từng lĩnh vực.
Trên đây là những phân tích của em về đề tài.Mặc dù đã cố gắng tìm hiểu nhưng do nhận
thức còn hạn chế nên bài làm có những thiếu sót nhất định, em rất mong các thầy cô chỉ
bảo. Em xin chân thành cảm ơn!
3