QUI CHẾ NỀN KINH TẾ PHI THỊ TRƯỜNG TRONG PHÁP LUẬT CHỐNG
BÁN PHÁ GIÁ CỦA EU VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TRONG CÁC VỤ
KIỆN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA VIỆT NAM
Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới từ năm
2007 và chấp nhận thời hạn 12 năm cho quy chế nền kinh tế phi thị trường kể từ
ngày gia nhập và không muộn hơn 31/12/2018. Hệ quả trực tiếp cam kết này đó là
việc áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường trong điều tra chống bán phá giá
đối với hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên trước đó hàng
hóa của Việt Nam đã phải đối mặt với quy chế nền kinh tế phi thị trường trong quá
trình điều tra chống bán phá của US và EU.
Bài viết này nghiên cứu các quy định của EU về chống bán phá giá đối với các nước có
nền kinh tế thị trường qua việc phân tích các vụ điều tra đã thực hiện đối với hàng hóa
của Việt Nam, cụ thể là chốt cải thép không gỉ (2004), xe đạp (2005) và giày mũ da
(2006). Từ thực tiễn giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam của EU,
bài viết được hy vọng là làm rõ các vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp Việt Nam nên
lưu tâm khi tham gia các vụ kiện chống bán phá giá cũng như khi đưa ra các phản biện
hợp lý và trong một chừng mực nào đó phù hợp với các tiêu chí xem xét của EU.
Quy chế nền kinh tế phi thị trường áp dụng trong điều tra chống bán phá giá được nêu tại
Điều 2(7) Quy định của Hội đồng số 384/96 ngày 22/12/1995 về việc bảo vệ chống lại
hàng nhập khẩu bán phá giá từ các quốc gia không phải là thành viên của Cộng đồng
Châu Âu (sau đây gọi là Quy định số 384/96). Đến Quy định của Hội đồng số 905/98
ngày 27/4/1998 sửa đổi Quy định của Hội đồng số 384/96, các quy chế đối với nền kinh
tế thị trường đã được bổ sung thêm với việc mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp được áp
dụng quy chế điều tra thông thường trong trường hợp đáp ứng các điều kiện nhất định.
Và trong Quy định này, Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có nền kinh tế phi
thị trường đang trong quá trình chuyển đổi. Tiếp theo, ngày 5/11/2002, Quy định của Hội
đồng số 1972/2002 sửa đổi Quy định số 384/96 quy định về nguyên tắc thuế chống bán
phá giá sẽ được áp dụng theo mức phù hợp cho mọi vụ việc, trên cơ sở không phân biệt
đối xử đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác nhau bị kết luận là có bán phá giá
và gây thiệt hại. Tuy nhiên nếu như doanh nghiệp thuộc các quốc giá có nền kinh tế phi
thị trường đáp ứng được các yêu cầu theo quy định thì sẽ được áp mức thuế riêng cho
từng doanh nghiệp (gọi là individual treatment – IT).
Như vậy, cho đến nay, các quy định đặc thù về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập
khẩu từ các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường được quy định tại các Điều 2(7) và
Điều 9(5) trong Quy định số 1225/2009 ngày 30/11/2009 về chống bán phá giá của EU.
Theo đó quy chế gồm có các nội dung cơ bản sau:
- Trường hợp hàng chống bán phá giá có nguồn gốc từ nền kinh tế phi thị trường thì giá
trị thông thường (normal value) sẽ được xác định dựa trên giá của quốc gia thay thế hoặc
giá do cơ quan điều tra xác định trên cơ sở giá của quốc gia thay thế;
- Trường hợp các nhà sản xuất nếu cung cấp đủ các bằng chứng về việc doanh nghiệp
hoạt động theo các quy luật của kinh tế thị thì việc xác định giá thông thường sẽ được áp
dụng như trường hợp của nền kinh tế thị trường (market economy treatment – MET);
- Về cơ bản việc áp thuế chống bán phá giá cho sản phẩm từ mọi doanh nghiệp trong
quốc gia, tuy nhiên doanh nghiệp xuất khẩu từ nước có nền kinh tế phi thị trường có thể
có cơ hội được hưởng mức thuế riêng (individual treatment – IT).
1. Phương pháp tiếp cận quốc gia thay thế trong quy chế áp dụng đối với nền kinh tế phi
thị trường
Điểm quan trọng nhất của quy chế nền kinh tế phi thị trường theo quy định của Luật
chống bán phá của EU đó là phương pháp tiếp cận bằng quốc gia thay thế. Theo đó, giá
trị thông thường của sản phẩm sẽ không được xác định dựa trên giá và chi phí sản xuất
thực tế tại quốc gia xuất khẩu mà sẽ dựa trên giá và chi phí của một quốc gia khác được
cho là tương tự, phù hợp và là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế việc lựa chọn các quốc gia thay thế lại không giống như cách hiểu
từ việc sử dụng thuật ngữ tương tự, phù hợp và là nền kinh tế thị trường. Điều 2(7)(a) quy
định:
Một nước thứ ba có nền kinh tế thị trường phù hợp sẽ được lựa chọn không theo một
cách thức không hợp lý, có xem xét tới bất kỳ thông tin đáng tin cậy nào có được tại thời
điểm lựa chọn.
Có thể thấy ngay trong cách quy định của Luật chống bán phá giá của EU, định nghĩa về
quốc gia thay thế cũng không rõ ràng. Thay vì cách quy định khẳng định việc lựa chọn
dựa trên cách thức hợp lý, EU quy định khẳng định một cách gián tiếp. ‘Lựa chọn không
theo một cách thức không hợp lý’ không hoàn toàn đồng nghĩa với ‘lựa chọn cách thức
hợp lý’. Nếu quy định theo hướng khẳng định trực tiếp thì EU sẽ đưa ra các tiêu chí cụ
thể và sẽ dễ dàng cho bị đơn trong việc đưa ra các lập luận của mình. Tuy nhiên, việc quy
định theo hướng khẳng định gián tiếp này, EU không cần thiết phải có những quy định cụ
thể và hoàn toàn chủ động xem xét và bác bỏ lập luận của bị đơn.
Xem xét các vụ kiện của Việt Nam, các quốc gia đã được lựa chọn bao gồm Đài Loan
(chốt cài thép không gỉ), Mexico (xe đạp) và Brazil (giày mũ da). Một vài quốc gia đã
được đề xuất lựa chọn bao gồm Nhật (ống tuýp thép), Ấn Độ (chốt cài thép không gỉ), Ấn
Độ, Thái Lan (xe đạp) và Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ (giày mũ da). Qua các vụ kiện này
có thể thấy các tiêu chí để lựa chọn quốc gia thay thế được các cơ quan điều tra của EU
áp dụng bao gồm:
Thứ nhất là việc tồn tại thị trường cạnh tranh đối với sản phẩm tương tự đang được điều
tra tại quốc gia thay thế. Qua các vụ kiện của Việt Nam có thể thấy EU đã xem xét tính
cạnh tranh bao gồm việc tồn tại các nhà sản xuất khác nhau, bao gồm cả nội địa và nhập
khẩu; sản phẩm có thể được bán tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Ví dụ như việc
lựa chọn Đài Loan là quốc gia thay thế trong vụ kiện chốt cài thép không gỉ, EU lý giải
Đài Loan là quốc gia sản xuất chốt cài thép không gỉ lớn nhất thế giới. Thị trường Đài
Loan mang tính cạnh tranh bởi tồn tại một số lượng lớn các nhà sản xuất và phân phối
sản phẩm chốt cài thép không gỉ. Tương tự đối với việc lựa chọn Brazil trong vụ kiện
giày mũ da. Trong phán quyết của EU, Brazil được coi là một lựa chọn hợp lý vì sự tồn
tại của các nhà sản xuất trong nước và một loạt các sản phẩm nhập khẩu tạo ra một thị
trường cạnh tranh đối với sản phẩm giày mũ da. Sản phẩm giày mũ da của Brazil cũng
được xuất khẩu đi các thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu Âu.
Thứ hai là tính đại diện của sản phẩm tương tự đang được điều tra. Tiêu chí này liên quan
đến việc xác định giá trị thông thường của sản phẩm (normal value) làm căn cứ để xác
định biên độ chống bán phá giá và thuế chống bán phá giá. Theo đó, sản phẩm được bán
tại thị trường nội địa tại quốc gia thay thế cần phải chiếm ít nhất 5% khối lương sản phẩm
đang bị điều tra bán tại thị trường EU. Ví dụ như Đài Loan được lựa chọn là quốc gia
thay thế trong vụ kiện chốt cài thép không gỉ. Tuy nhiên, trong vụ kiện xe đạp, Đài Loan
lại không được lựa chọn vì phần lớn sản phẩm để xuất khẩu, khối lượng bán sản phẩm tại
thị trường nội địa không đáng kể và không đủ để so sánh. Thái Lan cũng không được EU
chấp nhận là quốc gia thay thế trong vụ kiện chốt cài thép không gỉ vì không có sản phẩm
này bán tại thị trường nội địa.
Thêm vào đó, việc lựa chọn quốc gia thay thế phụ thuộc vào sự hợp tác của các doanh
nghiệp tại các quốc gia được lựa chọn. Sự hợp tác giúp cho các cơ quan điều tra có thể
thu thập được thông tin đáng tin cậy để tính giá thông thướng của sản phẩm. Trong
trường hợp của Việt Nam, một số quốc gia thay thế như Italia, Hàn Quốc và Ấn Độ được
các bị đơn đề xuất nhưng do các doanh nghiệp của các quốc gia này không hợp tác nên
Ủy ban Châu Âu đã từ chối đề xuất các bị đơn.
Thực tế, các doanh nghiệp của Việt Nam đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh các quốc
gia thay thế liên quan đến sự tương tự về điều kiện kinh tế xã hội cũng như quy trình sản
xuất kinh doanh đối với sản phẩm. Tuy vậy, phần lớn các lập luận này đều bị Ủy ban
Châu Âu từ chối. Qua đó có thể hiểu rằng Ủy ban Châu Âu không thực sự quan tâm đến
sự chênh lệch hay phù hợp về mức độ phát triển giữa các quốc gia khi lựa chọn. Ví dụ
như Mexico được lựa chọn là quốc gia thay thế trong vụ kiện xe đạp. Tuy nhiên, năm
2004, tổng sản phẩm GNP của Việt Nam là 2.700 USD, trong khi đó Mexico là 9.640
USD. Hoặc trong trường hợp lựa chọn Nhật Bản, sự khác biệt có thể thấy ngay từ vị thế
của một quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển. Một trong những lý do được hầu
hết các doanh nghiệp Việt Nam viện dẫn đó là chi phí lao động. Nếu như trong quá trình
điều tra, Mỹ thừa nhận những cải cách tích cực của Việt Nam đối với lao động và tiền
lương thì ngược lại EU vẫn không đánh giá cao những cải cách đó. Ủy ban Châu Âu vẫn
cho rằng chi phí lao động của Việt Nam chưa thực sự phản ánh theo đúng điều kiện thị
trường.
Trên cơ sở kết quả lựa chọn, EU sẽ tính toán giá trị thông thường và xác định biên độ
chống bán phá giá theo thông tin của quốc gia thay thế. Hệ quả to lớn đối với các doanh
nghiệp Việt Nam đó là biên độ chống bán phá giá thường được nâng lên cao hơn so với
cách tính toán dựa trên giá trị thực tế của quốc gia xuất khẩu. Ví dụ như trong vụ kiện xe
đạp, đối với doanh nghiệp được hưởng MET thì mức thuế chống bán phá giá là 15,8% so
với mức thuế 34, 5% áp dụng cho các doanh nghiệp bị tính toán theo quy chế phi thị
trường thông qua quốc gia thay thế. Phần tiếp theo sẽ phân tích các tiêu chí để doanh
nghiệp được hưởng MET trong điều tra chống bán phá giá của EU.
2. Các tiêu chí để các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng MET
Quy định về chống bán phá giá của EU không có những định nghĩa cụ thể về một nền
kinh tế thị trường hay nền kinh tế phi thị trường tuy nhiên đưa ra 5 tiêu chí để xác định
nếu như doanh nghiệp có thể thỏa mãn các tiêu chí này thì việc xác định giá thông thường
sẽ được áp dụng như trong nền kinh tế thị trường. Điều 2(7)(c) quy định việc xác định
doanh nghiệp được hưởng MET sẽ được thực hiện sau khi tham vấn Hội đồng tư vấn và
sau khi ngành công nghiệp của EU cho ý kiến về việc hưởng MET này.
Các tiêu chí này về cơ bản được nêu trong các kết luận điều tra chống bán phá giá như
sau:
a) Các quyết định kinh doanh và giá cả được đưa ra dựa theo các tín hiệu của thị trường
và không có sự can thiệp quá nhiều từ phía Chính phủ
Dựa trên quan niệm về nền kinh tế phi thị trường là nền kinh tế mà ở đó giá cả và việc
cung cấp hàng hóa được xác định theo kế hoạch của nhà nước hơn là dựa trên yêu cầu
của thị trường, tiêu chí này đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chủ trong hoạt động và không
chịu bất cứ sự can thiệp hay ảnh hưởng nào của Nhà nước. Liên quan đến tính tự chủ của
doanh nghiệp, Điều 2(7)(c) yêu cầu các doanh nghiệp phải tự chủ trong việc quyết định
giá cả, chí phí, đầu vào (bao gồm nguyên liệu thô) chi phí về công nghệ và lao động, đầu
ra, việc bán hàng và đầu tư.
Tuy vậy, Điều 2(7)(c) lại không quy định rõ thế nào là sự can thiệp của nhà nước. Dựa
trên thực tế xem xét các vụ kiện chống bán phá giá đã áp dụng đối với Việt Nam, các
dạng can thiệp của nhà nước mà cơ quan điều tra của EU không chấp nhận cho doanh
nghiệp được hưởng MET rất khác nhau. Một là, ảnh hưởng của nhà nước được hiểu là
doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hoặc thuộc sở hữu của doanh nghiệp thuộc sở hữu
nhà nước. Trong trường hợp này, rất dễ dàng các doanh nghiệp sẽ không được coi là đáp
ứng tiêu chí thứ nhất để được hưởng MET. Ví dụ trong vụ kiện chống bán phá giá đối với
giày mũi da, trong số 8 doanh nghiệp yêu cầu được hưởng MET thì hai doanh nghiệp bị
cho là thuộc sở hữu nhà nước.
Một dạng khác cũng bị coi là có sự ảnh hưởng của nhà nước được thấy trong các vụ kiện
đó là giới hạn về xuất khẩu, cụ thể là việc quy định tỷ lệ tối thiểu phải xuất khẩu cho các
doanh nghiệp thuộc các Khu công nghiệp, Khu chế xuất. Trong trường hợp đối với xe
đạp của Việt Nam, các cơ quan điều tra cho rằng phần lớn các sản phẩm phải xuất khẩu
đã được quy định như một điều kiện để cấp giấy phép đầu tư. Thực tế rằng, các doanh
nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có nghĩa vụ xuất khẩu ít nhất là
80% sản phẩm của họ. Trường hợp tương tự như vậy cũng được tìm thấy trong trường
hợp đối với giày mũi da của Việt Nam.
Các cơ quan điều tra cũng viện dẫn đến các quyền thuê đất được xác định cụ thể trong
giấy phép đầu tư là một trong những biểu hiện của sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt
động của doanh nghiệp.
b) Hệ thống sổ sách kế toán tuân theo các tiêu chuẩn kế toán quốc tế (IAS), được kiểm
toán độc lập và được áp dụng cho mọi mục đích
IAS được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế bao gồm các nguyên tắc
chung và các nguyên tắc cụ thể trong việc xây dựng và lập báo cáo tài chính của doanh
nghiệp. Một khi báo cáo tài chính được xây dựng phù hợp với IAS, các thông tin báo cáo
được cho là thiết thực, đáng tin cậy và có thể sử dụng để so sánh, đối chiếu thông tin.
Luật chống bán phá giá yêu cầu hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp phải tuân theo
các tiêu chuẩn kế toán quốc tế, được kiểm toán độc lập và áp dụng cho moi mục đích.
Tiêu chí này được đưa ra với mục đích để có thể kiểm tra tính xác thực trong thông tin
của doanh nghiệp.
Trong trường hợp của Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp đều không thực hiện theo
IAS. Cụ thể, trong trường hợp giày mũi da, 7/8 doanh nghiệp không áp dụng IAS. Tương
tự trong vụ kiện xe đạp, 4/5 doanh nghiệp yêu cầu được hưởng MET không áp dụng IAS.
Doanh nghiệp cũng bị tìm thấy là những hóa đơn không minh bạch, không được kiểm
toán. Trong vụ kiện chốt cài thép không gỉ, các doanh nghiệp không áp dụng IAS có phản
đối cho rằng họ áp dụng tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam và đã được sự cho phép của Bộ
Tài chính. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã từ chối lý do này và cũng nêu ra rằng việc trì
hoãn hoặc không thực hiện IAS chỉ bằng một văn bản của Bộ Tài chính cho thấy rõ ràng
rằng IAS đã không được áp dụng trên thực tế một cách thích hợp.
Thực tế rằng, IAS được coi như một công cụ để bảo đảm tính tin cậy trong thông tin cung
cấp của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ IAS thì không những
không được hưởng MET mà ngay cả các thông tin do họ cung cấp liên quan đến các yếu
tố khác như giá xuất khẩu cũng bị coi là không đáng tin cậy và không được sử dụng trong
quá trình điều tra. Điều này có thể thấy rõ trong các trường hợp điều tra đối với chốt cài
thép không gỉ, xe đạp và giày da của Việt Nam. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp
bị điều tra sẽ gặp nhiều bất lợi vì số liệu được sử dụng là các ‘fact available’ và thường là
từ Eurostat hoặc được thu thập, kiểm chứng trên cơ sở các số liệu của ngành công nghiệp
EU.
Trong vụ kiện xe đạp, cơ quan điều tra kết luận:
‘các doanh nghiệp không được hưởng MET gia xuất khẩu được xác định dựa trên fact
avaible bởi vì giá xuất khẩu của một vài doanh nghiệp đưa ra là không đáng tin cậy. Và
do vậy, giá xuất khẩu do các doanh nghiệp đã được nêu ở đoạn 43 [doanh nghiệp không
tuân thủ IAS] sẽ không được xem xét khi xác định giá xuất khảu, và chỉ coi giá xuất khẩu
của các doanh nghiệp mà giá xuất khẩu được coi là đáng tin cậy được sử dụng cho mục
đích này’
c) Không có những biến dạng đáng kể từ hệ thống kinh tế phi thị trường trước đó
Một cách khái quát, Điều 2(7)(c) Luật chống bán phá giá của EU yêu cầu chi phí sản xuất
và tình hình tài chính của doanh nghiệp không bị bóp méo nghiêm trọng bởi hệ thống
kinh tế phi thị trường trước đó. Khác với tiêu chí thứ nhất xem xét giá cả và chi phí của
sản phẩm có bị ảnh hưởng tại trong quá trình sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ, tiêu
chí này xem xét có hay không giá cả và chi phí của sản phẩm bị ảnh hưởng bởi quá trình
chuyển đổi, tức là không phản ánh trung thực bởi những yếu tố của nền kinh tế phi thị
trường. Cụ thể như trong trường hợp các vụ kiện của Việt Nam, một trong những yếu tố
được nhắc đến nhiều đó là ‘biến dạng’ trong giá đất. Nói một cách khác, cơ quan điều tra
chống bán phá giá cho rằng không có thị trường tự do trong lĩnh vực đất đai tại Việt
Nam. Theo đó, giá đất được xác định bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong một vài
trường hợp, các doanh nghiệp chỉ bắt đầu việc sản xuất sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng
hoặc được miễn tiền thuê đất trong một thời gian nhất định. Đây đều bị coi là những biến
dạng ảnh hưởng đến giá cả và chi phí của sản phẩm được mang sang từ nền kinh tế phi
thị trường.
Liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa, các doanh nghiệp
này không được hưởng MET mặc dù đã cố gắng chứng minh hoạt động của mình không
được hưởng bất cứ một ưu đãi nào của nhà nước. Lý do được cơ quan điều tra của EU
nêu ra đó là việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đồng thời,
một vấn đề là các doanh nghiệp không đưa ra được bằng chứng hoặc chứng từ cho việc ai
đã trả cái gì tại thời điểm cổ phần hóa.
Việc cần thiết phải chứng minh không có biến dạng nào liên quan đến giá và chí phi của
sản phẩm được mang sang từ nền kinh tế phi thị trường có mối liên hệ với những cam kết
của các quốc gia khi gia nhập WTO. Tức là nó đòi hỏi các quốc gia khi gia nhập WTO
phải bảo đảm mình đang hoạt động trong một điều kiện kinh tế thị trường nhất định. Nó
lý giải không phải ngẫu nhiên mà EU dành một điều khoản riêng quy định việc cho
hưởng MET chỉ đối với các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường nhưng là thành viên
của WTO.
d) Pháp luật về phá sản và tài sản phải bảo đảm sự ổn định và chắc chắn về mặt pháp lý
cho hoạt động của doanh nghiệp
Nền kinh tế thị trường luôn đòi hỏi sự canh tranh để phát triển. Các doanh nghiệp nào
làm ăn tốt, ‘khỏe mạnh’ thì sẽ tồn tại. Doanh nghiệp nào làm ăn kém hiệu quả, dần dần
không canh tranh được và không thể tồn tại. Luật phá sản doanh nghiệp tạo cơ sở pháp lý
cho doanh nghiệp có thể chết khi nó không thể hoạt động. Sẽ là không hợp lý nếu như
doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp bắt buộc phải
hoạt động, sản xuất kinh doanh dù cho nó không mang lại lợi nhuận để qua đó làm giảm
thiểu thiệt hại. Trường hợp này dễ dẫn đến việc bán phá giá sản phẩm. Tương tự yêu cầu
đối với luật về tài sản, trường hợp doanh nghiệp đang bị điều tra có thể sử dụng tài sản
không thuộc doanh nghiệp mà không phải trả phí, điều này có thể xem xét như một dạng
trợ cấp. Tuy nhiên, nếu nhà nước có quyền sử dunngj tài sản của doanh nghiệp, nó có thể
không cấu thành trợ cấp. Có thể khó khăn khi tranh luận rằng thiếu luật tài sản sẽ ảnh
hưởng đến giá của sản phẩm hoặc làm thế nào để nó dẫn đến việc doanh nghiệp bán phá
giá.
Trong các điều tra chống bán phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan điều tra
chống bán giá không xem xét các tiêu chí này để từ chối cho các doanh nghiệp được
hưởng MET. Trong vụ kiện chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam, các doanh
nghiệp Việt Nam được xem xét là đáp ứng được với tiêu chí này.
đ) Sự chuyển đổi của đồng nội tệ theo tỷ giá của thị trường
Việc chuyển đổi của đồng nội tệ ám chỉ rằng nếu doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ giá phi
thị trường, nghĩa là nhà nước trợ giá cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu và nhập khẩu
(phụ thuộc vào mối quan hệ giữa vấn đề tỷ giá phi thị trường và thi trường). Trường hợp
tỷ giá được xác định ở một mức cố định có thể coi là tỷ giá của thị trường. Trong các vụ
kiện đối với Việt Nam, cơ quan điều tra kết luận về cơ bản các doanh nghiệp Việt Nam
đáp đứng được tiêu chí này.
3. Các tiêu chí để được hưởng IT
Về nguyên tắc, biên độ phá giá sẽ được tính cho tất cả các doanh nghiệp, tuy nhiên nếu
doanh nghiệp được hưởng IT thì sẽ được hưởng hưởng mức thuế riêng áp dụng cho
doanh nghiệp đó. Các tiêu chí để được hưởng IT bao gồm:
- Số lượng hàng, giá xuất khẩu, các điều kiện và nguyên tắc bán hàng được tự do thỏa
thuận.
- Phần lớn cổ phần thuộc sở hữu tư nhân (trong trường hợp nhà nước có đại diện trong
Hội đồng quản trị hoặc chiếm giữ vị trí quản lý thì phải là thiểu số hoặc doanh nghiệp
phải chứng minh được mình vẫn hoạt động độc lập, không chịu sự can thiệp của nhà
nước);
- Tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo giá thị trường;
- Sự can thiệp của nhà nước không ở mức độ làm biến dạng biện pháp chống bán phá giá
khi các nhà sản xuất, xuất khẩu liên quan được áp dụng mức thuế riêng;
- Trường hợp xuất khẩu là công ty liên doanh hoặc có một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư
nước ngoài thì xuất khẩu đó phải được tự do chuyển vốn và lợi nhuận về nước
Các tiêu chí này có những điểm tương đồng nhưng không hoàn toàn là các tiêu chí để
được hưởng MET ở khía cạnh chúng tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến xuất
khẩu, không quan tâm đến giá và chi phí sản xuất trong nước. Doanh nghiệp đề nghị
được hưởng IT phải đưa ra các bằng chứng doanh nghiệp không thuộc sở hữu nhà nước;
hoặc thành viên của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc hoặc thành viên khác có vị trí quyết
định trong doanh nghiệp, nếu là viên chức nhà nước thì không có quyền can thiệp vào
quyết định xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng IT, một biên độ bán
phá giá sẽ được tính dựa trên giá trị xuất khẩu thực tế của doanh nghiệp so sánh với giá
trị thông thường của sản phẩm của quốc gia thay thế. Tuy nhiên, chưa có một doanh
nghiệp nào được hưởng IT trong các vụ điều tra chống bán phá giá của EU. Mặc dù trong
vụ kiện đối với xe đạp, Always Co. Ltd là doanh nghiệp được hưởng MET nhưng lại
không được hưởng IT. Ủy ban Châu Âu cho rằng doanh nghiệp này vẫn chịu ảnh hưởng
của nhà nước liên quan đến khối lượng xuất khẩu. Qua ví dụ này có thể thấy không có
tiêu chí rõ ràng cho việc cho hưởng MET hoặc IT hoặc không được hưởng cả hai.
4. Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam
GATT/WTO cũng như Hiệp định về chống bán phá giá của WTO không quy định các
tiêu chí cho việc xác định nền kinh tế thị trường. Với cam kết của Việt Nam khi gia nhập
WTO, các quốc gia được tự quy định về các tiêu chí của nền kinh tế thị trường trong
pháp luật của quốc gia. Do vậy, Luật chống bán phá giá với sự phân biệt đối xử dành cho
các quốc gia có nền kinh tế phi thị trường không bị xem là vi phạm quy định của WTO.
Với Nghị định thư về việc gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam chấp nhận tính
hợp pháp của quy chế nền kinh tế phi thị trường trong các điều tra chống bán phá giá đối
với hàng hóa xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên các tiêu chí xem xét cho hưởng MET đã tạo
ra một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc không bị phân biệt đối xử
nếu như họ chứng tỏ được đang hoạt động theo điều kiện của nền kinh tế thị trường và
không chịu ảnh hưởng lớn từ nhà nước. Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu cơ hội cho
các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng MET hoặc IT. Phần lớn các doanh nghiệp yêu
cầu được hưởng MET thì gần như trong số đó không chứng minh được họ không chịu
ảnh hưởng của Nhà nước trong quá trình sản xuất kinh doanh. Số liệu thống kê của 3 vụ
kiện chống bán phá giá của Việt Nam cho thấy, chỉ có 1 trong số 16 doanh nghiệp của
Việt Nam được xét đến trong các quyết định của EU là được hưởng MET (Always. Co.
Ltd trong vụ kiện xe đạp). Hội đồng chỉ nêu rằng sau khi tham vấn Hội đồng tư vấn, họ
quyết định trao MET cho Always trên cơ sở doanh nghiệp này đáp ứng được với các tiêu
chí trong Điều 2(7)(c) Luật chống bán phá giá của EU. Như vậy, tính tỷ lệ thực tế, cơ hội
cho các doanh nghiệp Việt Nam chỉ là 6% (1/16). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với 38%
doanh nghiệp (75/200) có thể claim MET trong giai đoạn 2000 đến 2005.
Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam thường không đưa ra được đủ các bằng chứng rằng
họ đang thực hiện theo IAS cũng như là không có sự tồn tại đáng kể các ảnh hưởng của
nền kinh tế phi thị trường và của nhà nước đến quá trình hoạt động, kinh doanh. Việc EU
đánh giá các quy định về thị trường không tham vấn đến các cam kết của Việt Nam trong
quá trình gia nhập IMF và WTO. Các cải cách cần thiết phải tiến hành, bao gồm sự minh
bạch hóa và cải cách trong tỷ giá hối đoái, thương mại, sở hữu nhà nước, tư nhân hóa,
chính giá giá, quyền tài sản, trợ cấp xuất khẩu, chính sách công nghiệp bao gồm cả chính
sách xuất khẩu và cạnh tranh, cơ chế đầu tư.
Sẽ rất khó cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa ra các lập luận cụ thể để chứng
minh cho mình đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường. Cách quy định chung chung
của các tiêu chí, đặc biệt là về việc can thiệp của nhà nước. Không chỉ đặc biệt nhạy cảm
với các trường hợp doanh nghiệp của nhà nước hay các thành viên của Hội đồng quản trị,
Ban giám đốc hoặc các thành viên khác tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp là
các viên chức nhà nước mà EU cũng nhạy cảm đối với các chính sách về khuyến khích,
ưu đãi đầu tư hoặc quy định giá cả của một số mặt hàng. Nếu xem xét một cách cụ thể
các tiêu chí này, thì ngay cả các nước có nền kinh tế thị trường cũng không đáp ứng
được. Minh chứng khác là tiêu chí về việc tuân thủ IAS, thực tế hiện nay có khoảng hơn
100 quốc gia chấp nhận và áp dụng IAS. Ngay cả Brazil, quốc gia đã từng được lựa chọn
là quốc gia thay thế cho Việt Nam trong vụ kiện giày mũ da thì hiện nay cũng đang trong
quá trình triển khai để áp dụng IAS.
Quay trở lại với việc đưa Nga và Ukraina ra khỏi danh sách các quốc gia có nền kinh tế
phi thị trường, bản thân EU cũng không có lý giải cụ thể về mối liên hệ giữa việc đưa các
quốc gia này ra khỏi danh sách áp dụng và việc thỏa mãn như thế nào đối với các tiêu chí
để chứng minh hoạt động dưới điều kiện nền kinh tế thị trường như đã được quy định
trong Luật chống bán phá giá. Với tỷ lệ thấp và không có những quy định cụ thể về các
tiêu chí, việc được hưởng MET là rất khó khăn. Tuy nhiên, đây là vấn đề của cá nhân có
thể nỗ lực trong phạm vi của từng doanh nghiệp. Bên cạnh việc đi tìm các bằng chứng
chứng minh, các doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay các cải cách cần thiết trong hoạt
động của mình để ngày càng tiến gần hơn với việc được hưởng MET trong lúc chờ đợi
thời hạn 12 năm chấm dứt theo cam kết khi gia nhập WTO.