Tải bản đầy đủ (.pdf) (18 trang)

Thomas Edison (1847 - 1931) nhà phát minh số một của Hoa Kỳ và thế giới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (244.53 KB, 18 trang )


Thomas Edison (1847 - 1931) nhà phát minh số một của Hoa
Kỳ và thế giới



Máy hát Máy chiếu bóng Công ty bóng đèn Edison



1/ Thời thơ ấu.

Vào khoảng tháng 12 năm 1837, Đại Úy William L. Mackenzie và các đồng
chí trong đó có ông Samuel Edison, đã tổ chức một cuộc cách mạng, định
đánh chiếm thành phố Toronto thuộc Gia Nã Đại nhưng mưu sự không thành.
Để tránh sự lùng bắt, ông Samuel Edison phải trốn sang Michigan, Hoa Kỳ,
rồi lưu lại Detroit vì thời bấy giờ, chính phủ Gia Nã Đại dự định lưu đầy các
phạm nhân chính trị sang Tasmania, châu Úc.

Sau khi mang được gia đình gồm vợ và hai con sang Hoa Kỳ vào đầu năm
1839, ông Samuel Edison dời nhà tới Milan, thuộc tiểu bang Ohio. Milan là
một thị trấn nhỏ bên giòng sông Huron, cách hồ Erie vài dặm đường. Tại
Milan, công việc buôn bán khá sầm uất. Từ nơi đây người dân chở đi nào ngũ
cốc, rau trái, nào củi gỗ và các nông sản khác. Ông Samuel Edison dựng nên
tại nơi đây một xưởng cưa và công việc làm ăn khá phát đạt. Chính tại nơi cư
ngụ mới này, gia đình Edison đã có thêm một đứa trẻ vào ngày 11/2/1847.
Ông Samuel đặt tên cho đứa bé là Thomas Alva Edison để ghi nhớ Đại Úy
Alva Bradley đã có công giúp đỡ gia đình Samuel sang Hoa Kỳ.

Alva hay Al, tên gọi tắt, là một đứa trẻ có cái đầu to khác thường khiến cho
bác sĩ bảo cậu sẽ bị đau óc nhưng điều tiên đoán này đã trở thành sai lầm và


thực ra, chính bộ óc của Al sau này đã làm tiến triển ngành Kỹ Thuật của
Nhân Loại.

Càng lớn, Al càng tỏ ra hiếu kỳ. Cậu thường đặt các câu hỏi “tại sao, thế nào...
“ và các câu thắc mắc không bao giờ hết của cậu đã khiến cho những người
chung quanh đành phải trả lời “không biết”. Khi lên 5 tuổi, Al thường lang
thang bên bờ sông mà coi người lớn làm việc. Tại nơi này, cậu được nghe
nhiều bài hát và đã thuộc lòng rất nhanh các câu ca bình dân, điều này chứng
tỏ Al có một trí nhớ rất tốt và nhờ trí nhớ này mà về sau, cậu thu thập được
nhiều kiến thức sâu rộng.

Vào năm 1850, đường xe lửa được đặt tại nhiều nơi trên đất Hoa Kỳ. Tại
Milan, các bô lão từ chối không cho phép đường sắt đi qua làng mình vì e ngại
công việc làm trên sông bị tê liệt. Vì thế đường xe lửa chỉ được thiết lập tại
phía bắc tiểu bang Ohio và cũng do vậy, thị trấn Milan trở nên kém sầm uất.
Ông Samuel đành phải đóng xưởng cưa và dọn nhà qua Port Huron, thuộc tiểu
bang Michigan vào năm 1854. Tại Port Huron, ông Samuel buôn bán ngũ cốc,
củi gỗ và cũng trồng rau và trái cây. Năm lên 8 tuổi, Al từng giúp cha, chất
rau trái lên một chiếc xe ngựa và đi bán hàng từng nhà trong thị xã.

Al cũng được cha mẹ cho đi học tại một ngôi trường độc nhất. Trường chỉ có
một lớp với khoảng 40 học sinh, lớn có, nhỏ có, học một ông giáo theo các
trình độ khác nhau. Trong phòng học những chỗ ngồi gần ông thầy chỉ để
dành cho các trẻ em ngu đần. Tại lớp học, Al đặt rất nhiều câu hỏi hắc búa mà
lại không chịu trả lời các câu hỏi của thầy. Al thường đội sổ, khiến cho các
bạn cậu chế riễu cậu là đần độn.

Một hôm, nhân có viên thành tra vào thăm lớp học, thầy giáo đã chỉ vào Al và
nói : “trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Al rất căm hận về
hai chữ “điên khùng” và đem câu chuyện này kể lại với mẹ. Bà Nancy khi

nghe kể xong, liền nổi giận, bà dẫn ngay Al đến trường và bảo ông giáo : “ông
bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông
đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng
sau này nó sẽ ra sao!”.

Từ đó, Alva không đến trường nữa mà học với mẹ tại nhà trong suốt 6 năm
trường. Nhờ mẹ, Al học dần các môn Lịch Sử của Hy Lạp, La Mã và Sử Thế
Giới. Al cũng được làm quen với Thánh Kinh, với các tác phẩm của
Shakespeare và của các văn sĩ, thi sĩ, sử gia danh tiếng khác. Nhưng đặc biệt
nhất, Al ưa thích Khoa Học. Cậu có thể kể lại rành mạch các phát minh, các
thí nghiệm và tiểu sử của các đại bác học như Newton, Galileo. . . Chỉ trong
vòng 6 năm, bà Nancy đã truyền lại cho con tất cả kiến thức của mình, từ môn
Địa Dư với những tên núi sông, tới môn Toán Học chính xác. Bà Nancy
không những dạy con về học vấn mà còn huấn luyện Al về hạnh kiểm. Al
được mẹ nhắc nhở các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, cộng với
lòng ái quốc và tình yêu nhân loại.

Al học hành tiến bộ rất nhanh chóng khiến cho cha rất hài lòng. Ông Samuel
thường cho con các món tiền nhỏ đủ mua dần từng cuốn sách hữu ích, nhờ thế
Al đã say sưa với các tác phẩm như Ivanho của Scott, Robinson Crusoe của
Defoe và Oliver Twist của Dickens. Nhưng tác giả mà Al ưa thích nhất là
Victor Hugo và cậu thường kể lại cho các bạn nghe các câu chuyên đã đọc
qua.

Năm 10 tuổi, Al được cha cho cuốn sách toát yếu về Khoa Học của soạn giả
Parker (School Compendium of Natural and Experimental Philosophy by
Richard Green Paker). Trong cuốn sách toát yếu này, Paker đã giảng giải về
máy hơi nước, máy điện báo, cột thu lôi, pin Volta. . . Cuốn sách đã trả lời Al
rất nhiều điều mà từ trước, Al vẫn thường thắc mắc. Cuốn sách này đã dẫn
đường cho Al tới phạm vi rộng lớn của Khoa Học và khiến cho cậu yêu thích

môn Hóa Học.


2/ Thời kỳ thực tập.

Năm 12 tuổi, Al nói với cha mẹ : “Thưa cha mẹ, con hiện nay cần nhiều tiền,
cha mẹ cho phép con đi xin việc làm”. Hai ông bà Edison đã ngăn cản con vì
lo sợ Al sẽ gặp phải các rủi ro, hơn nữa công việc kiếm ăn sẽ làm trở ngại sự
học nhưng Al đã quyết định rồi, cậu nằng nặc đòi cha mẹ cho phép thử tự lập
và hứa rằng sẽ hết sức thận trọng.

Thời bấy giờ, công ty xe lửa Grand Trunk thiết lập một ga nhỏ tại Port Huron.
Al xin được phép bán báo, tạp chí, sách vở, trái cây và bánh kẹo trên xe lửa
chạy quãng đường Port Huron và Detroit dài 101 cây số. Từ đó cậu bé 12 tuổi
này mỗi tháng thức dậy lúc 6 giờ để đáp chuyến xe lửa 7 giờ và tới Detroit lúc
10 giờ. Thông thường tới Detroit, Al vội vã đến thư viện và nghiền ngẫm
trong nhiều giờ các cuốn sách mà cậu không thể tìm thấy tại nơi mình cư ngụ.
Al tập dần cách đọc nhanh và cậu quyết định bắt đầu đọc các sách của các tác
giả từ vần A cho tới hết 16,000 cuốn của thư viện. Tới 6 giờ chiều, Al lại ra xe
và trở về Port Huron lúc 9 giờ 30 tối. Ít khi Al đi ngủ trước 11 giờ đêm vì cậu
còn phải làm các thí nghiệm hóa học trong hơn một giờ đồng hồ.

Trong thời gian bán báo và kẹo bánh trên xe lửa, Al làm quen được nhiều
người gồm các chuyên viên điện báo, các công nhân và nhân viên nhà ga. Cậu
được các người này giúp đỡ trong nhiều trường hợp khó khăn.

Vào năm 1861, cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ bùng nổ. Các trận đánh càng ác
liệt thì số báo lại càng bán chạy. Al bèn nghĩ tới việc bán báo tại tất cả các nhà
ga phụ. Vào ngày 01 tháng 4 năm 1862, tờ báo Free Press loan tin trận đánh
quyết định tại Shiloh trong tiểu bang Tennessee. Al liền chạy vội tới tòa báo

Free Press là tờ báo lớn nhất tại Detroit và hỏi mua 1,000 tờ trả tiền sau, rồi Al
và hai người bạn vác báo lên tầu. Tại các ga đầu, số báo bán được còn ít ỏi
nhưng càng đi xa hơn, số người hỏi mua báo càng gia tăng khiến cho Al nghĩ
cả đến việc tăng giá báo từ 5 xu tới 10 xu, rồi sau cùng bán tới 25 xu một tờ.
Nội trong ngày hôm đó, Al đã bán hết 1,000 tờ báo trước khi tới Port Huron
và thu được hơn 100 đô la, một số tiền lớn nhất mà cậu kiếm được từ trước tới
nay.



3/ Ông chủ báo nhỏ tuổi và điện tín viên.

Một sáng kiến khác lại nẩy ra trong đầu óc của cậu bé đầy nghị lực này : Al
định ra báo. Cậu liền mua một máy in quay tay và cậu thiết lập thêm trong toa
hành lý “một cơ sở báo chí” nữa. Al đã cho ra đời tờ tuần báo khổ nhỏ có tên
là “The Weekly Herald” (Diễn Đàn Hàng Tuần). Viên chủ nhiệm nhỏ tuổi này
nhận thấy không thể cạnh tranh với các báo chí tại Detroit về các tin tức chiến
sự nên quyết định chỉ phổ biến mọi tin xẩy ra trong vùng dọc theo hai bên con
đường sắt. Cậu thu lượm tin tức nhờ các chuyên viên điện báo địa phương. Al
vừa là chủ nhiệm, quản lý, vừa là ký giả, thợ in và người bán báo. Từ đó tuần
báo The Weekly Herald 2 trang, được in mỗi mặt 3 cột. Ngoài các tin tức địa
phương, Al còn cho phổ biến các tin về hiếu hỉ, các tai nạn, hỏa hoạn. . .

Báo của Al bán được khá chạy. Ngay ở số đầu tiên đã tiêu thụ được chừng
400 tờ trong một tháng. Al còn nhận cả việc quảng cáo trên báo nữa. Tuần báo
The Weekly Herald đã có lần được bán cho nhà phát minh người Anh là ông
Stephenson khi viên kỹ sư này một hôm đi trên chuyến xe lửa qua miền Port
Huron. Ông Stephenson đã ngợi khen các ý tưởng của Al và ông quả quyết
rằng báo của cậu cũng giá trị như các báo của những người lớn gấp đôi tuổi.


Muốn làm gia tăng số độc giả, Al cho thêm vào tuần báo một đề mục chuyện
nói chuyện ngồi lê mách lẻo và ký dưới tên hiệu Paul Pry (Paul, người tọc
mạch). Al đã dùng báo chí của mình để chỉ trích một vài người trong vùng và
cậu đã cẩn thận ghi tên của họ bằng mẫu tự đầu tiên. Nhưng quãng đường 101
cây số rất ngắn ngủi, không thể giúp Al tránh khỏi sự săn đuổi của những nạn
nhân bị chế nhạo. Rồi vào một ngày đẹp trời, khi Al đang đi bộ trên bờ sông
Saint Clair, bỗng có một người vạm vỡ tiến lại gần Al, túm cổ viên chủ nhiệm
nhỏ tuổi, ném xuống sông. Al ngoi lên bờ, quần áo ướt như chuột. Bực mình
vì bị một số độc giả luôn rình rập quấy rầy, Al quyết định ngưng việc làm báo.

Vào một buổi sáng tháng 8 năm 1862, Al đứng nói chuyện với ông
Mackenzie, nhân viên nhà ga kiêm chuyên viên điện báo. Ông Mackenzie có
một đứa con trai 2 tuổi rưỡi, tên là Jimmy, thường hay lân la chơi tại sân ga.
Khi đang trò chuyện, bỗng Al trông thấy Jimmy đang đi dọc theo đường sắt
trong khi đó, một toa xe goòng đang phóng đến. Nhận thấy sự nguy hiểm
trước mắt, Al liền lao mình tới chỗ đứa bé, ôm lấy nó mà lăn ra phía ngoài. Để
đền đáp ơn cứu tử đứa con của mình, ông Mackenzie nhận dạy Al nghề điện
báo và hứa sẽ xin việc cho cậu khi nào Al thành thạo.

Từ đó Al bắt đầu bỏ ra mỗi ngày 18 giờ để học về điện báo và chữ Morse. Chỉ
trong vài tuần lễ, Al đã theo kịp tất cả các tín hiệu do ông Mackenzie đánh đi.
Sau 3 tháng học hỏi, không những Al tiến bộ đến nỗi ông Mackenzie phải gọi
Al là chuyên viên điện báo hạng nhất, và Al còn chế tạo được một máy điện
tín có đầy đủ tính cách toàn hảo cũng như cho phép người xử dụng máy gửi
điện tín đi thật nhanh chóng.

Trong thời kỳ Nội Chiến Nam Bắc Mỹ, hàng trăm điện tín viên bị gọi nhập
ngũ vào các đội truyền tin. Kết quả của sự kiện này là các công ty thương mại
cũng như hỏa xa thiếu chuyên viên. Vì thế xin một chân làm việc về điện tín
là một điều dễ dàng và một người mới học nghề cũng có thể kiếm được việc.

Vào khoảng năm 1864, Al nhận thấy có đủ khả năng nhận một chân điện tín
viên nên từ bỏ nghề bán báo và tới Stradford, Gia Nã Đại, xin làm việc vào
tháng 5. Al trở thành điện tín viên tại ga Stratford này và lãnh lương mỗi
tháng 25 đô la.

Từ năm 1864 tới năm 1868, Al đã làm việc tại nhiều nơi như New Orleans,
Indianapolis, Louisville, Memphis và Cincinnati. . . Chàng thanh niên này
cũng bắt đầu bỏ cách gọi tắt là Al mà dùng tới tên chính là Thomas hay cách
gọi thân mật là Tom.

Thomas Edison bây giờ là một chàng thanh niên khỏe mạnh, nhiều thiện cảm
và vui tính. Sự cởi mở, lòng chân thật đã khiến Tom có nhiều bạn nhưng cách
làm việc đặc biệt của Tom đã khiến cho các bạn bè cho chàng là người kỳ
quặc. Tom ăn mặc giản dị, quần áo cũ kỹ và dính mực, đôi giày của chàng
mòn đế cũng không khiến chàng nghĩ đến việc thay đôi mới. Vào mùa lạnh,
Tom cố chịu rét hơn là bỏ tiền mua một áo choàng bằng nỉ vì chàng đã dồn
tiền vào việc mua sắm các sách vở khoa học và dụng cụ thí nghiệm.

Vào đêm hôm 14/ 4/1865, cuộc Nội Chiến Nam Bắc Mỹ chấm dứt, làm cho
hàng trăm điện tín viên mất việc. Tom Edison trở về Louisville rồi tới cuối
năm 1868, từ biệt cha mẹ đi Boston để nhận chân chuyên viên điện tín. Năm
21 tuổi, Tom thực hiện được phát minh đầu tiên, đó là một máy đầu phiếu.
Tom gửi sáng kiến này tới Phòng Văn Bằng Sáng Chế rồi đưa trình lên Quốc
Hội, nhưng vào thời đó không nghị sĩ nào ưa thích thứ máy móc tân kỳ đó.
Mặc dù thất bại, Tom lại bắt đầu làm nhiều việc khác. Chàng đã chế ra được
một máy điện báo cùng một lúc gửi đi hai điện tín trên một đường dây.


4/ Thời kỳ thành công.


Vào một buổi sáng tháng 6 năm 1869, con tầu khởi hành từ Boston tiến dần
vào hải cảng New York. Edison, chàng thanh niên 22 tuổi, đứng trên boong
tầu, mơ màng nhìn vào thành phố xa lạ, không người quen biết, trong túi
không có một đồng nào bởi vì chàng đang mang nợ 800 đô la. Edison rời
Boston với hai bàn tay trắng vì chàng đã để lại tất cả các dụng cụ thí nghiệm
cùng sách vở cho chủ nợ, hứa sẽ trở lại lấy khi có đủ tiền thanh toán. Nhưng
có nhiều thứ mà không ai có thể lấy bớt được ở chàng, đó là lòng cam đảm, ý
chí theo đuổi mục đích, học vấn và kinh nghiệm kỹ thuật cùng với các đức
tính khác mà chàng đã thu lượm được vào thời niên thiếu.

Ngày đầu tiên tại New York, Tom đi tới tất cả các cơ sở điện báo để tìm kiếm
người quen và đã vay mượn được một đô la. Sống với đồng tiền nhỏ mọn này
cho tới ngày thứ ba, Tom khi đi qua Công Ty Hối Đoái Gold Indicator thì thấy
hàng trăm người đang chen chúc chờ đợi. Tom tiến lại gần thì được biết rằng
chiếc máy ghi giá vàng bị trục trặc và vì thế thị trường vàng hoàn toàn bị trở
ngại. Khi đó viên giám đốc của công ty, Bác Sĩ Laws, đang la ầm lên : “Tôi
trả lương cho hàng tá người mà chẳng ai làm được việc gì ! Ôi, tôi chỉ cần một
người thợ có tài là đủ!”. Nghe thấy vậy, Tom tiến lại gần ông Laws và nói :
“Thưa ông, tôi không phải là thợ của ông nhưng tôi tự xét có thể sửa chữa
được chiếc máy”. Trong vòng hai giờ, chiếc máy do Tom sửa chữa lại chạy
đều như trước. Ngày hôm sau, sau khi khảo sát khả năng, Bác Sĩ Laws đã thuê
Tom làm quản đốc kỹ thuật với lương tháng 300 đô la.

Mặc dù lương bổng cao, Tom Edison luôn chán nản trước hoàn cảnh làm công
cần cù vì trong đầu óc của chàng đang chứa đựng hàng tá sáng kiến sôi động.
Trong khoảng thời gian làm việc tại công ty hối đoái, Edison được gặp
Franklin L. Pope và hai người bàn với nhau hợp tác trong một công cuộc kinh
doanh. Ngày 01/ 10/1869, Edison và Pope lập ra xưởng điện cơ và điện báo
rồi ít lâu sau, lại có J. N. Ashley của tờ báo Telegraph cộng tác. Để sống gần
người bạn cộng sự, Edison dọn nhà tới thị xã Elizabeth, thuộc tiểu bang New

Jersey. Vì muốn tiết kiệm thời giờ dùng cho các công việc cần thiết, Edison tự
luyện tập các giấc ngủ thật ngắn, mỗi ngày ngủ 3 hay 4 lần. Ngoài 5 giờ để
ngủ, thời gian được chàng dùng cho các cải tiến kỹ thuật và công việc chuyên
môn.

Vào thời bấy giờ, điện tín được ghi bằng các chấm và gạch in trên những băng
giấy dài, rồi người ta lại phải chép tay ra các bản điện tín trước khi gửi cho
người nhận. Nếu có cách nào in bằng chữ lên các phiếu điện tín, người ta sẽ
tiết kiệm được rất nhiều thời gian vô giá. Điều này làm Edison suy nghĩ. Vì
Edison nổi tiếng về giỏi Kỹ Thuật, Tướng Marshall Lefferts, giám đốc công ty
Gold and Stock Telegraph liền nhờ Edison biến đổi loại máy thường ra máy
điện tín in chữ. Sau vài tháng tìm tòi, Edison đã thành công và lấy bằng phát
minh vào năm 1869. Máy móc mới này của Edison vừa giản dị hơn, vừa chính
xác hơn loại cũ nên đẵ khiến ông Lefferts đề nghị mua lại bằng sáng chế.

×