Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con qua quan hệ giữa cha mẹ và con

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.22 KB, 13 trang )

MỤC LỤC

1


LỜI MỞ ĐẦU
Pháp luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn và đang
trên đà hoàn thiện để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình về nhân thân và
về tài sản. Một trong những vấn đề quan trọng mà được pháp luật Hôn nhân và gia
đình quan tâm tới đó là những nguyên tắc cơ bản mang tính định hướng, quán triệt
toàn bộ các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình. Một trong những nguyên tắc cơ
bản không thể không kể đến vì tính thời đại của nó là nguyên tắc “không phân biệt
đối xử giữa các con”. Nguyên tắc này xuất hiện đã đem lại những quyền và nghĩa
vụ hợp pháp cho các con trong gia đình một cách bình đẳng không thiên vị và thể
hiện xu hướng tích cực trong vấn đề hoàn thiện pháp luật của Việt Nam. Chính vì
vậy, em xin lựa chọn đề tài: “Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con
qua quan hệ giữa cha mẹ và con”.
NỘI DUNG
1.

Khái niệm:
Phân biệt đối xử được hiểu là hành vi của con người khi họ đối xử với cá nhân
hoặc một nhóm người nào đó trong xã hội một cách không công bằng so với những
người khác. Không phân biệt đối xử tức là không có những hành vi đối xử không
công bằng giữa người với người. Việc không phân biệt đối xử giữa các con được
hiểu là việc cha, mẹ không có những hành vi đối xử không công bằng giữa các con
trong gia đình. Gia đình là nơi con người được sinh ra và lớn lên, cũng chính là nơi
mà con người hình thành và phát triển nhân cách. Về đạo lý, cha, mẹ phải là tấm
gương cho con trong mọi lĩnh vực. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng cho việc
thành công hay thất bại của các con trong cuộc đời. Là cha, mẹ thì phải điều hòa
được các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, có trách nhiệm với các


2


con, làm cho gia đình hòa thuận, thương yêu chăm sóc, không được phân biệt đối
xử, xúc phạm các con… Pháp luật Hôn nhân và Gia đình hiện nay cấm các hành vi
phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình: con nuôi hay con đẻ, con trong giá
thú hay con ngoài giá thú, con trai hay con gái… tất cả đều được hưởng quyền lợi
và nghĩa vụ ngang nhau bởi Hiến pháp Việt Nam 2013 đã quy định :
“1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn
hóa, xã hội.”( Điều 16)
Do đó, hành vi phân biệt đối xử của cha mẹ giữa các con trong gia đình là hành
2.

vi vi phạm pháp luật, cần được pháp luật điều chỉnh.
Lịch sử hình thành nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con qua quan
hệ giữa cha mẹ và con trong pháp luật Hôn nhân và gia đình.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con trong pháp luật hôn nhân và
gia đình bắt nguồn từ những quy định tại đạo luật hôn nhân và gia đình đầu tiên
của nước ta, đó là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959. Mặc dù không được Luật
Hôn nhân và Gia đình năm 1959 ghi nhận như một nguyên tắc cụ thể nhưng những
nội dung của vấn đề này đã phần nào được thể hiện qua các điều luật cụ thể được
quy định tại Luật này tại các Điều 18, 19, 23, 24 Chương IV Quan hệ giữa cha mẹ
và con cái:
Điều 18: “Cha mẹ không được hành hạ con cái, không được đối xử tàn tệ với
con dâu, con nuôi, con riêng”.
Điều 19: “Con trai và con gái có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia
đình”.
Điều 23: “Con ngoài giá thú được cha, mẹ nhân hoặc được Tòa án nhân dân
cho nhận cha, mẹ, có quyền lợi và nghĩa vụ như con chính thức”.

3


Điều 24: “Con nuôi có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ”.
Tuy Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chưa ghi nhận nguyên tắc không
phân biệt đối xử giữa các con nhưng từ nội dung của các điều luật kể trên ta có thể
nhận thấy rõ ràng rằng Luật này đã chú trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của con cái
trong gia đình. Các con trong gia đình không phân biệt là con trai hay con gái, con
ngoài giá thú hay con chính thức, con nuôi hay con đẻ, con chung hay con riêng,
tất cả đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình. Điều này thể hiện
sự tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng của nhà lập pháp về vấn đề bình đẳng giữa các
con trong quyền và nghĩa vụ đối với gia đình bởi thậm chí cho đến thời đại ngày
nay vẫn còn nhiều người bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến lạc hậu : con là do
cha mẹ sinh ra phải có hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy,
không được làm điều gì trái ý cha mẹ nếu không sẽ bị coi là bất hiếu, con cái
không được cãi lời cha mẹ, không được tự mình quyết định điều gì nếu không có
sự đồng ý của cha mẹ … đại ý được hiểu rằng phần lớn con cái chỉ có nghĩa vụ đối
với cha mẹ mà hầu như không có quyền gì; trong gia đình thì con trai luôn được
coi trọng hơn vì được xem là người nối dõi, con trai là con nhà mình, con gái là
con nhà người ta, vì thế mà con gái thường bị xem thường và bị hạn chế quyền lợi
so với con trai… Việc xuất hiện những quy định như trên trong Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 1959 đã đề cao quyền lợi của các con cũng như sự bình đẳng giữa
các con trong gia đình.
Đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, vấn đề “không được phân biệt đối
xử giữa các con” tuy chưa được ghi nhận là một nguyên tắc độc lập nhưng cũng là
một trong những nội dung của nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của cha mẹ và con cái
được quy định trong Luật này. Cũng giống như Luật Hôn nhân và Gia đình năm
1959, nội dung của vấn đề này được thể hiện tại các điều luật cụ thể như Điều 19,
21, 32, 34:
4



Điều 19: “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con”.
Điều 21: “Các con có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong gia đình”.
Điều 32: “Con ngoài giá thú được cha, mẹ nhận hoặc được Tòa án nhân dân
cho nhận cha, mẹ có mọi quyền và nghĩa vụ như con trong giá thú”.
Điều 34: “Giữa người nuôi và con nuôi có những nghĩa vụ và quyền của cha
mẹ và con quy định ở các Điều từ 19 đến 25 của Luật này”.
Liên quan đến vấn đề “không phân biệt đối xử giữa các con”, nếu như Luật
Hôn nhân và Gia đình năm 1959 chỉ thể hiện nội dung này qua các điều luật quy
định về quyền lợi của các con trong gia đình thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm
1986 tiến bộ hơn ở chỗ là đã đưa ra quy định cấm các hành vi phân biệt đối xử
giữa các con. Như vậy, kể từ thời điểm Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có
hiệu lực thì mọi hành vi phân biệt đối xử giữa các con đều được coi là hành vi vi
phạm pháp luật. Cũng chính vì vậy mà quy định này đã phần nào ngăn chặn được
những hành vi phân biệt đối xử với con cái trong gia đình.
Đổi mới so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và Gia
đình năm 2000 đã ghi nhận nguyên tắc “không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa
các con” là một nguyên tắc cơ bản trong hệ thống các nguyên tắc cơ bản của chế
độ hôn nhân và gia đình tại khoản 5 Điều 2 : “Nhà nước và xã hội không thừa
nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con
nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”. Tiến bộ hơn so với Luật Hôn nhân
và Gia đình năm 1959 và Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986, Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 2000 đã ghi nhận nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc cơ
bản, là nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp
luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, điểm hạn chế của luật hôn nhân và gia đình
năm 2000 là ở chỗ: nếu như hành vi phân biệt đối xử giữa các con theo quy định
5



của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 được coi là hành vi vi phạm pháp luật thì
hành vi này theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ được xem
là hành vi mà nhà nước “không thừa nhận” chứ không hề cấm đoán. Quy định này
đã nới lỏng việc ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử giữa các con trong gia
đình, phần nào tạo điều kiện cho việc phân biệt đối xử giữa các con nảy sinh. Điểm
hạn chế tiếp theo đó là mặc dù nguyên tắc được ghi nhận trong Điều 2 Luật hôn
nhân gia đình năm 2000 (Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình)
là “không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con” nhưng khi quy định cụ thể
quyền và nghĩa vụ của cha mẹ tại Điều 34 Luật này thì nhà làm luật lại quy định
“Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con”. Như vậy, đến đây thì hành vi
phân biệt đối xử giữa các con lại được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Rõ ràng,
quy định như vậy là không thống nhất, có thể dẫn đến khó khăn trong hoạt động áp
dụng pháp luật bởi quy định tại điều luật cụ thể lại không thống nhất với nguyên
tắc cơ bản mang tính chỉ đạo quán triệt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật
hôn nhân và gia đình.
Khắc phục mặt hạn chế của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật hôn
nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận nguyên tắc “không phân biệt đối xử giữa
các con” tại khoản 3 Điều 2 là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn
nhân và gia đình, tiến tới củng cố và đề cao quyền và lợi ích hợp pháp của con cái,
xóa bỏ hành vi phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình.
3.

Nội dung nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con qua quan hệ giữa
cha mẹ và con trong pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành.
Kế thừa và phát huy dựa trên nguyên tắc “không thừa nhận sự phân biệt đối xử
giữa các con”, đến Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam 2014 quy định nguyên
tắc: “không phân biệt đối xử giữa các con”. Có thể nói đây là một bước tiến mới
của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 so với các văn bản luật trước đây về vấn đề
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cái trong gia đình bởi vấn đề “không
6



phân biệt đối xử giữa các con” đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản của
chế độ hôn nhân gia đình và theo đó thì hành vi “phân biệt đối xử giữa các con”
không chỉ còn là hành vi không được nhà nước thừa nhận mà đã trở thành hành vi
mà pháp luật ngăn cấm. Quy định như vậy là hoàn toàn đúng đắn và thống nhất với
toàn bộ nội dung mà nguyên tắc này thể hiện trong các điều luật cụ thể. Mọi hành
vi của cha mẹ không thực hiện nghĩa vụ với các con, xâm hại các quyền và lợi ích
hợp pháp của các con đều bị xã hội lên án, bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con được quy định tại khoản 3
Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.Nguyên tắc này đã được thể hiện rõ
nét qua các quy định của luật này về quan hệ giữa cha mẹ và con. Theo các quy
định tại Chương V Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về Quan hệ giữa cha mẹ
và con và các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự 2005 thì các con sinh ra
không phân biệt về thứ tự, giới tính, cùng huyết thống hoặc không cùng huyết
thống, được sinh ra trên cơ sở hôn nhân hoặc không đều được cha mẹ yêu thương
chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục như nhau. Khi được hưởng lợi về tài sản, các con
cũng phải được hưởng như nhau, ví dụ: con cả, con thứ, con trai, con gái, con nuôi,
con đẻ, con trong giá thú và con ngoài giá thú đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất
hưởng di sản thừa kế của người cha hoặc người mẹ chết.
Con trong giá thú là con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật (trước đây
dưới chế độ cũ gọi là con chính thức). Con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không
phải là vợ chồng trước pháp luật, hoặc tuy cha mẹ ăn ở, chung sống với nhau như
vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Bao gồm một số
trường hợp sau:
- Người mẹ không có chồng mà sinh con.
- Người mẹ có chồng nhưng ngoại tình, có con với người khác;
- Hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, trong thời gian
sống chung, giữa hai người có con chung với nhau, nhưng cha mẹ không có
đăng ký kết hôn (kể cả trường hợp hai vợ chồng đã ly hôn, phán quyết ly

7


hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, sau đó lại tái hợp cùng sống chung
với nhau nhưng không đăng ký kết hôn lại theo thủ tục luật định. Nếu người
mẹ sinh con trong thời kỳ này thì con đó là con chung ngoài giá thú).
Nhà nước, xã hội và pháp luật không phân biệt con trong giá thú và con ngoài
giá thú, đều có thái độ tôn trọng và bảo vệ như nhau: con ngoài giá thú vẫn có
quyền được đăng ký khai sinh, được xác định cha, mẹ… Cụ thể hóa nguyên tắc
này, khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 ghi nhận: “Con sinh
ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ
như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và
các luật khác có liên quan”. Tại khoản 3 Điều 13 Luật Nuôi con nuôi, hành vi
phân biệt đối xử giữa con đẻ với con nuôi là hành vi bị nghiêm cấm. Cha mẹ có
nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập giáo dục;
trông nom, nuôi dưỡng chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa
thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng
lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; giám hộ hoặc đại diện theo quy định
của Bộ Luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành
vi dân sự; không được làm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã
thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không
được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, đạo đức xã hội; không được
phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ
(Điều 69 Luật Hôn nhân và Gia đinh nẳm 2014 về Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ).
Ngược lại, con cái có nghĩa vụ yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng
dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình; có quyền được
cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân
và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển
lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, được hưởng quyền về tài sản tương xứng
với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình; con chưa thành niên, con đã thành

8


niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài
sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom,
nuôi dưỡng, chăm sóc; con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp
với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo
dục trẻ em; con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú…và
có nghĩa vụ tham gia vào công việc gia đình, lao động, sản xuất,… khi sống cùng
cha mẹ để tạo thu nhập nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình (Điều 70 Luật
Hôn nhân và Gia đình về Quyền và nghĩa vụ của con). Qua đó, ta có thể nhận thấy
rõ rằng giữa cha mẹ và con có quan hệ quyền và nghĩa vụ ràng buộc và được cụ thể
hóa dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con.
Khoản 4 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định : “không
được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của
cha mẹ”. Theo quan điểm của cá nhân em, không nên quy định một cách hạn hẹp
như vậy bởi có dẫn nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phân biệt đối xử giữa các
con chứ không chỉ giới hạn ở hai nguyên nhân là “tình trạng hôn nhân của cha mẹ”
hay “giới”. Cha mẹ có thể có hành vi phân biệt đối xử giữa con do nhiều nguyên
nhân, ví dụ như: phân biệt giữa con cả với con thứ, con chung với con riêng, con
thông minh lanh lợi với con kém thông minh hơn, con lành lặn với con bị khuyết
tật, … Do đó theo em, chỉ nên quy định rằng “ không được phân biệt đối xử với
con” để đảm bảo rằng mọi hành vi phân biệt đối xử với con cái đều là hành vi vi
phạm pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cái trong gia đình.
4.Ý nghĩa của nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con qua quan hệ
giữa cha mẹ, và con.
Thứ nhất, nguyên tắc này đã đề cao sự bình đẳng giữa các con trong gia đình,
bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con cái. Các con trong gia đình không phân
biệt là con trai hay con gái, con nuôi hay con đẻ, con trong giá thú hay con ngoài
9



giá thú... đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Việc không phân biệt đối xử giữa
các con trong gia đình sẽ tạo điều kiện thuận lợi để con cái phát triển toàn diện kể
cả về thể chất lẫn tinh thần. Như chúng ta đã biết, gia đình là tế bào của xã hội, là
cái nôi nuôi dưỡng con người. Một xã hội mà không có gia đình thì sẽ không thể
tránh khỏi sự thoái hoá và tiêu vong. Xã hội muốn phát triển thì từng gia đình trong
xã hội phải phát triển. Muốn gia đình phát triển thì từng thành viên trong gia đình
bao gồm cả con cái phải hoàn thiện mình theo hướng tích cực. Nguyên tắc không
phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình đã tạo điều kiện cho con cái hoàn
thiện mình hơn thông qua việc củng cố các quyền và lợi ích hợp pháp của con cái
trong gia đình và sự bình đẳng giữa các con với nhau.
Xét về khía cạnh đạo đức thì cha mẹ phải luôn công bằng đối xử mới giữ được
hòa khí gia đình và các con đoàn kết yêu thương nhau. Việc này không khó, nhưng
một số gia đình không làm được, nên các con không đoàn kết.Tình trạng bố mẹ tỏ
vẻ thiên vị không phải là hiếm gặp với nhiều gia đình và điều này tác động đến sự
hình thành nhân cách của trẻ mà người lớn nhiều khi không nhận ra. Sự phân biệt
đối xử của cha mẹ vô hình trung làm cho những đứa trẻ ghét nhau và ghét lây cha
mẹ mình. “Con yêu” nhận thức được “địa vị” của mình trong gia đình, với anh chị
em còn lại, dần dần chúng tỏ rõ quyền hành của mình ức hiếp, bắt nạt anh chị em
trong gia đình. “Con ghét” có khi bị ám ảnh đến suốt cuộc đời rằng mình bị bố mẹ
ghét bỏ, bị anh chị em coi thường, và có khi hậu quả để lại sẽ khôn lường.
Thứ hai, nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các con còn có ý nghĩa trong
việc đặt ra hàng rào pháp lý ngăn chặn những hành vi phân biệt đối xử giữa các
con trong gia đình. Mặc dù đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển, đổi mới,
tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy nhiên thực tế trong xã hội ngày
nay, quan hệ giữa cha mẹ và con vẫn còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng hôn nhân và
gia đình phong kiến, cha mẹ còn có tư tưởng “hơn, kém” giữa các con, thậm chí là
10



trọng nam khinh nữ. Hiện tượng này đã gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các
con, tâm lý mặc cảm, coi thường các anh, chị, em làm cho tình đoàn kết giữa các
thành viên trong một số gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng. Việc quy định như vậy
đã thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của Nhà nước ta kiên quyết loại bỏ những hành
vi đối xử bất bình đẳng đối với các con.
Thứ ba, nguyên tắc này đã cho ta thấy rõ sự đổi mới, tiến bộ trong tư tưởng của
nhà lập pháp nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam nói chung mặc dù đất nước ta
vẫn còn là đất nước đang phát triển và chịu ảnh hưởng khá nặng nề của tư tưởng
phong kiến. Việc ghi nhận nguyên tắc này là một trong những nguyên tắc cơ bản
mang tính định hướng cho các quy định của pháp luật về chế độ hôn nhân và gia
đình cũng phần nào tạo điều kiện đảm bảo cho bình đẳng giới trong xã hội Việt
Nam được coi trọng – đây là vấn đề mà rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang
đấu tranh để bảo vệ, ngay cả những quốc gia giàu có, phát triển.

KẾT LUẬN
Nguyên tắc “không phân biệt đối xử với con” được ghi nhận là mọt trong
những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay.
Nguyên tắc này đã đề cao tính cấp thiết phải bảo vệ quyền lợi của con cái trong gia
đình, bảo đảm cho con cái được đối xử một cách bình đẳng con gai đình. Nguyên
tắc này được thể hiện rõ nét qua các quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình
về quan hệ giữa cha mẹ và con: cha mẹ có quyền và nghĩa vụ đối với con cái,
ngược lại, con cái có quyền và nghĩa vụ đối với cha mẹ một cách bình đẳng và
không bị phân biệt đối xử.

11


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.

Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, trường Đại học Luật Hà

2.
3.
4.
5.
6.
7.

Nội, Nxb Công an nhân dân , 2012.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Luật Nuôi con nuôi 2010.
Những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm
2000, Bùi Minh Hồng, trường Đại học Luật Hà Nội, Luận văn thạc sỹ luật

8.
9.

học.
Hiến pháp Việt Nam 2013.
Ảnh hưởng của đạo đức đối với Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam,

ThS.GVC.Bùi Thị Kim Ngân.
10. />
12




×