Tải bản đầy đủ (.doc) (102 trang)

Nghệ thuật tổ chức xung đột trong bến không chồng của dương hướng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (546.53 KB, 102 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN SỸ SƠN

NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC XUNG ĐỘT TRONG
BẾN KHÔNG CHỒNG CỦA DƯƠNG HƯỚNG

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2015


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN SỸ SƠN

NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC XUNG ĐỘT TRONG
BẾN KHÔNG CHỒNG CỦA DƯƠNG HƯỚNG
Chuyên ngành

: VĂN HỌC VIỆT NAM

Mã số

: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn: PGS.TS ĐINH TRÍ DŨNG



NGHỆ AN - 2015


i

LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.
TS. Đinh Trí Dũng – người đã rất tận tình giúp đỡ, hướng dẫn tôi kể từ khi
nhận đề tài cho đến khi luận văn được hoàn thành.
Tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng khoa học nhà trường, các thầy cô
giáo trong khoa Ngữ Văn và Phòng đào tạo Sau Đại học trường Đại Học Vinh
đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình học tập.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với gia đình, bạn
bè và đồng nghiệp đã luôn động viên giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi
trong quá trình học tập cũng như trong quá trình hoàn thành luận văn.
Nghệ An, tháng 10 năm 2015
Tác giả

Nguyễn Sỹ Sơn


ii

MỤC LỤC
Trang
LỜI CẢM ƠN....................................................................................................i
MỤC LỤC.........................................................................................................ii
MỞ ĐẦU...........................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài...........................................................................................1

2. Lịch sử vấn đề .............................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.................................................................4
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu................................................................4
5. Phương pháp nghiên cứu...............................................................................5
6. Đóng góp của luận văn..................................................................................5
7. Cấu trúc của luận văn....................................................................................5
Chương 1...........................................................................................................7
NHÌN CHUNG VỀ SÁNG TÁC CỦA DƯƠNG HƯỚNG
VÀ VỊ TRÍ CỦA BẾN KHÔNG CHỒNG TRONG TIẾN TRÌNH
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986.........................................................7
1.1. Sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986..........................................7
1.1.1. Bối cảnh lịch sử xã hội ...........................................................................7
1.1.2. Sự đổi mới của tiểu thuyết sau 1986 ...................................................8
1.2. Dương Hướng - cây bút có tên tuổi trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 16
1.2.1. Con người .............................................................................................16
1.2.2. Quá trình sáng tác..................................................................................17
1.3. Nhìn chung về vị trí của Bến không chồng trong bức tranh tiểu thuyết
Việt Nam sau 1986..........................................................................................21
Chương 2.........................................................................................................24
XUNG ĐỘT NGHỆ THUẬT TRONG BẾN KHÔNG CHỒNG NHÌN TỪ
GÓC ĐỘ PHẢN ÁNH XUNG ĐỘT XÃ HỘI................................................24
2.1. Vấn đề xung đột nghệ thuật......................................................................24
2.1.1. Khái niệm xung đột nghệ thuật ............................................................24
2.1.2. Xung đột nghệ thuật là một phạm trù lịch sử .....................................28
2.1.3. Các kiểu xung đột phổ biến trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại ........32
2.2. Các kiểu xung đột trong Bến không chồng .............................................37
2.2.1 Xung đột địch - ta...................................................................................37
2.2.2. Xung đột giai cấp................................................................................45
2.2.3. Xung đột gia đình, dòng họ...................................................................49
2.2.4. Xung đột từ những định kiến cố chấp ..................................................53

2.3. Sự đan xen chồng chéo giữa các xung đột...............................................58
Chương 3.........................................................................................................61


iii

NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC XUNG ĐỘT TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI TỔ
CHỨC TÌNH HUỐNG, NHÂN VẬT, GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ......61
3.1. Nghệ thuật xây dựng tình huống .............................................................61
3.1.1. Khái niệm..............................................................................................61
3.1.2. Tình huống bi hài kịch gắn với xung đột..............................................62
3.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật .................................................................65
3.2.1. Khái niệm nhân vật................................................................................65
3.2.2. Tổ chức các tuyến nhân vật đối lập.......................................................66
3.2.3. Nhân vật với nhiều đấu tranh dằng xé nội tâm......................................68
3.3. Nghệ thuật tổ chức giọng điệu..................................................................74
3.3.1. Khái niệm giọng điệu ...........................................................................74
3.3.2. Sự đan xen của nhiều sắc thái giọng điệu..............................................75
3.4. Ngôn ngữ .................................................................................................82
3.4.1. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi đời sống......................................................83
3.4.2. Ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ .....................................................86
KẾT LUẬN.....................................................................................................90
TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................................94


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1.Văn học Việt Nam sau 1975, có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và

thủ pháp nghệ thuật. Đặc biệt là giai đoạn 1986-1991, được xem là giai đoạn
sôi nổi nhất của đời sống văn nghệ. Các thế hệ nhà văn đã không ngừng tìm
tòi khám phá những đề tài, nội dung cảm hứng mới, sáng tạo những cách
thức, thủ pháp mới nhằm phản ánh đời sống xã hội một cách sâu rộng nhất.
Trong bức tranh chung của văn học Việt Nam giai đoạn này tiểu thuyết là thể
loại chiếm vị trí hết sức quan trọng trong các loại hình văn học, là mảnh đất
lưu giữ bóng hình cuộc đời con người. Chính vì vậy tìm hiểu thể loại tiểu
thuyết sẽ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát, tổng thể về đời sống văn học
cũng như đời sống xã hội Việt Nam thời hậu chiến.
1.2. Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” của nền tiểu thuyết Việt Nam
thời kỳ đổi mới như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu.
Nhưng với Bến không chồng Dương Hướng đã trở thành một cây bút quan
trọng làm nên giai đoạn rực rỡ của nền tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới
(1986-1991). Nghiên cứu tác phẩm Bến không chồng chúng tôi muốn hiểu sâu
sắc hơn vị trí của tác phẩm trong bức tranh chung của tiểu thuyết Việt Nam
sau 1975, cũng như trong sự nghiệp sáng tác của Dương Hướng.
1.3. Bến không chồng của Dương Hướng thành công trên nhiều phương
diện: cách tiếp cận hiện thực, thế giới nhân vật, kết cấu, giọng điệu, ngôn từ...
Tuy nhiên theo chúng tôi, một phương diện cần được đào sâu nghiên cứu kỹ
hơn, đó là nghệ thuật tổ chức xung đột. Chúng tôi muốn từ phương diện này
để lý giải thành công của tác phẩm. Đó cũng chính là lý do để chúng tôi lựa
chọn vấn đề “Nghệ thuật tổ chức xung đột trong Bến không chồng của Dương
Hướng” làm đề tài luận văn của mình.


2

2. Lịch sử vấn đề
Dương Hướng là một cây bút có tên tuổi nhưng chưa có nhiều nghiên
cứu, đánh giá về sự nghiệp sáng tác của ông. Bến không chồng đã trở thành

một tác phẩm quan trọng trong bức tranh tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Nhưng
hiện chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá về tác giả và tác phẩm này. Qua khảo
sát chúng tôi thấy có những công trình sau:
Trong bài viết “Dương Hướng từ tác phẩm Bến không chồng, đến
Dưới chín tầng trời” tác giả Phong Lê khẳng định: Đây là một số ít tiểu
thuyết viết về chiến tranh và nông thôn chạm được vào chiều sâu những vấn
đề khó nói hoặc không thể nói trên cả một chặng dài lịch sử. Không chỉ đến
1975 mà còn lẫn sang cả thập niên 80 của thế kỷ XX. Tác phẩm này lại có
một vẻ đẹp khác trong khuôn hình cổ điển, cốt truyện mộc mạc, chân phương,
ngôn từ giản dị tự nhiên [32].
Tác giả Nguyễn thị Bích Thu trong bài nghiên cứu “Một cách tiếp cận
tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới” cho rằng trong cao trào đổi mới, tiểu
thuyết đã thật sự bộc lộ ưu thế của mình trên con đường dân chủ hóa nội dung
nghệ thuật. Với xu hướng nhìn thẳng vào sự thật, Dương Hướng cùng các nhà
tiểu thuyết Bảo Ninh, Lê Lựu, Ma Văn Kháng...đã dấn thân vào hiện thực của
thời hiện tại đang hình thành chưa ổn định, ở chính “tiêu điểm" đời sống. Ở
một bài viết khác tác giả kết luận: Dương Hướng với Bến không chồng cùng
với những tác giả khác cùng thời đã có ý thức cách tân cảm hứng sáng tạo,
trong thi pháp tiểu thuyết truyền thống và trong quan niệm về con người [64].
Ở một phương diện khác trong bài viết "Bi kịch vọng phu Trong Bến
Không Chồng" Phạm Học nhận định : Bến không chồng của nhà văn Dương
Hướng không chỉ đề cập đến những người lính thời hậu chiến mà còn xây
dựng được hệ thống nhân vật những người phụ nữ cô đơn mòn mỏi đợi chồng


3

những hòn vọng phu chưa hóa đá … Bến không chồng như một chứng nhân
của lịch sử vắt mình qua hai cuộc chiến tranh" [18].
Trong bài nghiên cứu "Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong tiểu

thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới", tác giả Mai Hải Oanh cho rằng: Tác giả
Bến không chồng với vai trò là một trong số các nhà văn có đóng góp trong
bút pháp tả thực với khuynh hướng tiểu thuyết "nhận thức lại" lịc sử, đã đem
lại cho chúng ta niều nhận thức mới về hiện thực lịch sử [47].
Đặng Thị Tuyết có nhận xét tinh tế về tác phẩm: Bến không chồng đã góp
thêm sắc màu mới trong việc khắc họa chân dung người lính. Đó là gam màu
trầm tối, xót xa nhưng chân thực và ám ảnh [60].
Ở phương diện khác qua bài viết "Tản mạn về Dương Hướng với Bến
Không chồng và Dưới chín tầng trời", Nguyễn Duy Liễm khái quát: Bến
không chồng ở thời điểm mở đầu quả đã góp được một cái nhìn mới về bức
tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến, với gánh nặng không phải chỉ là
chiến tranh về phía khách quan mà còn là những lầm lạc của con người trong
một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách mà những ai do lịch sử để
lại, đã không đủ tầm và sức để vượt qua [33].
Tiểu thuyết Bến không chồng đã được Lưu Trọng Văn chuyển thể
thành kịch bản phim "Bến không chồng". Bộ phim thực sự lôi cuốn người
xem và đã đạt giải "Cánh diều bạc". Nhưng dường như chưa thỏa mãn với
thành công đó của mình, năm 2014 đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã dàn dựng lại
thành phim truyền hình sắp sửa ra công chúng. Tác phẩm Bến không chồng
cũng đã được dịch sang tiếng Pháp và Italya. Điều đó cũng khẳng định thêm
giá trị của tác phẩm
Tóm lại, các bài viết, các công trình nghiên cứu về Dương Hướng nói
chung và về tiểu thuyết Bến không chồng nói riêng vẫn còn ít và chưa hệ
thống. Nghệ thuật tiểu thuyết của Dương Hướng tuy có được đề cập nhưng


4

chưa chuyên sâu. Với việc lĩnh hội kết quả của các nhà nghiên cứu đi trước,
chúng tôi mạnh dạn đi vào nghiên cứu “Nghệ thuật tổ chức xung đột trong

Bến không chồng của Dương Hướng”, với mong muốn góp phần nhỏ của
mình trong việc đem lại cái nhìn sâu sắc hơn về một phong cách tiểu thuyết
trên văn đàn Việt Nam. Luận văn cũng góp phần khẳng định giá trị đích thực
của tác phẩm và vị thế của Dương Hướng trong nền văn học thời kỳ đổi mới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là: Nghệ thuật tổ chức xung đột
trong tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu tác phẩm Bến không chồng từ góc độ
tổ chức xung đột nghệ thuật. Các phương diện khác được đề cập khi cần thiết.Văn
bản khảo sát là: Bến không chồng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1999
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Qua việc khảo sát nghệ thuật tổ chức xung đột trong tác phẩm, chúng
tôi muốn lý giải sâu hơn sự thành công, sự hấp dẫn của Bến không chồng.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài này chúng tôi xác định cho mình những nhiệm vụ:
Tìm hiểu về xung đột nghệ thuật và những biểu hiện của nó, đồng thời
khảo sát nghệ thuật tổ chức xung đột trong tác phẩm Bến không chồng của
Dương Hướng nhìn từ góc độ phản ánh xã hội.
Phân tích nghệ truật tổ chức xung đột trong mỗi quan hệ với tổ chức
tình huống, nhân vật giọng điệu, ngôn ngữ trong tác phẩm Bến không chồng


5

Từ những phương diện trên chỉ ra được sự thành công của Bến
không chồng và đóng góp của của Dương Hướng đối với tiểu thuyết Việt
Nam sau 1986.

5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Từ việc trình bày khái quát vấn đề xung đột nghệ thuật trên phương
diện lý thuyết, luận văn đi sâu vào phân tích những nét mới trong những xung
đột nghệ thuật Bến không chồng của Dương Hướng nằm trong tiến trình đổi
mới văn học từ sau 1986.Từ đó đưa ra những kết luận về sự thành công của tác
phẩm cũng như những đóng góp của Dương Hướng đối với thể loại tiểu thuyết.
5.2. Phương pháp so sánh đối chiếu
Cùng với việc phân tích những xung đột nghệ thuật trong tiểu thuyết
của Dương Hướng, tác giả luận văn tiến hành so sánh, đối chiếu với một số
tác phẩm tiểu thuyết trước đó và cùng thời nhằm khẳng định vị trí và giá trị
của tác phẩm.
5.3. Phương pháp phân loại, thống kê
Trong khi phân tích tác phẩm, luận văn sử dụng các phương pháp phân
loại, thống kê để tăng thêm độ tin cậy và sức thuyết phục, giúp cho việc triển
khai các luận điểm, luận cứ được sáng tỏ.
6. Đóng góp của luận văn
Qua đề tài, chúng tôi đi sâu nghiên cứu toàn diện, hệ thống về sự thành
công của Bến không chồng từ phương diện tổ chức xung đột nghệ thuật. Qua
đó có cơ sở để khẳng định đóng góp của Dương Hướng đối với nền tiểu
thuyết hiện đại Việt Nam.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung chính của luận văn gồm có
3 chương sau:


6

Chương 1: Nhìn chung về sáng tác của Dương Hướng và vị trí của Bến
không chồng trong tiến trình tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

Chương 2: Xung đột nghệ thuật trong Bến không chồng nhìn từ góc độ
phản ánh xung đột xã hội
Chương 3: Nghệ thuật tổ chức xung đột trong mối quan hệ với tổ chức
tình huống, nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ.


7

Chương 1
NHÌN CHUNG VỀ SÁNG TÁC CỦA DƯƠNG HƯỚNG
VÀ VỊ TRÍ CỦA BẾN KHÔNG CHỒNG TRONG TIẾN TRÌNH
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986
1.1. Sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986
1.1.1. Bối cảnh lịch sử xã hội
Sau ngày thống nhất, nước ta bước vào công cuộc khôi phục và phát
triển kinh tế. Trải qua 10 năm thực hiện hai kế hoạch năm năm (1976-1980 và
1981-1985), Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trên cả hai
phương diện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên nhìn chung đất nước ta
vẫn ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Đất nước lâm vào tình trạng khủng
hoảng kinh tế xã hội do sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách, do
sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó là sự thay đổi
của tình hình thế giới, tác động của cuộc cách mạng Khoa học kỹ thuật, cuộc
khủng hoảng toàn diện ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng đã
ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của xã hội Việt Nam. Đứng trước tình
hình đó Đảng ta đặt ra vấn đề cấp bách mang tính sống còn đối với đất nước
là phải đổi mới.
Đại hội VI của Đảng (12-1986), đánh dấu một bước ngoặt cơ bản trong
sự nghiệp xây dựng đất nước, với việc đưa ra chính sách đổi mới toàn diện, từ
đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị
và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong đó có văn học, với phương

châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ về sự thật” đã
đáp ứng nhu cầu của nhà văn và “cởi trói” cho người cầm bút.
Sự nghiệp đổi mới đã tạo nên những luồng cảm hứng mới, niềm say mê
mới. Nhìn tổng thể nhận thức của nhà văn về bản chất sáng tạo nghệ thuật


8

được nâng cao hơn, ý thức cầm bút sâu sắc hơn, những tìm tòi đổi mới về
phương thức thể hiện được khuyến khích. Theo đó văn học thời kỳ đổi mới là
một thực thể đa dạng, phong phú, thấm đẫm tính nhân văn hiện đại.
Mặt khác sự giao lưu, tiếp xúc văn hóa nhiều chiều, sự ảnh hưởng của
văn hóa của thế giới cũng có tác động đến ngòi bút nhà văn đến sự phát triển
của văn hóa. Đó là những nguyên nhân (chủ quan và khách quan) đưa đến sự
chuyển đổi của văn xuôi nói chung và tiểu thuyết nói riêng.
1.1.2. Sự đổi mới của tiểu thuyết sau 1986
Nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay đạt được
những thành tựu đáng ghi nhận ở tất cả các thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết.
Trong quá trình vận động chung của nền văn học tiểu thuyết đã có những
cách tân nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại. Công cuộc đổi mới của đất nước
cũng đã thực sự "cởi trói" cho các nhà văn. Người nghệ sỹ đã ý thức sâu sắc
hơn vai trò của mình, dám vượt lên trên những quy định, khuôn khổ truyền
thống đã thành áp lực đối với các ngòi bút từ trước đến nay. Chưa bao giờ
quan niệm mới về văn chương, về nhà văn, về hiện thực và con người, về tư
duy nghệ thuật lại nở rộ như lúc này. Nhiều cây bút tiểu thuyết đó có ý thức
cách tân trong nội dung lẫn nghệ thuật. Có nhiều tác phẩm thành công, có
những tác phẩm mở ra những hướng tìm tòi, thể nghiệm. Điều đó tạo nên sự
chuyển mình mạnh mẽ đáng ghi nhận của thể loại tiểu thuyết.
Quá trình đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 khởi đầu khá
thầm lặng với những tín hiệu có tính dự báo trong Miền cháy (1977), Lửa từ

những ngôi nhà (1977) của Nguyễn Minh Châu, Cha và con và …(1979) của
Nguyễn Khải, Đất trắng (1979) của Nguyễn Trọng Oánh, Năm 75 họ đã sống
như thế (1979) của Nguyễn Trí Huân, Trong cơn lốc (1980) của Khuất Quang
Thụy. Những tác phẩm này đã có ý thức khắc phục cái nhìn một chiều lý
tưởng hóa, các nhà văn đã dự cảm về những biến đổi phức tạp của xã hội và


9

con người của thời hậu chiến. Khuynh hướng sử thi lãng mạn được nhà văn
nhìn nhận lại, hiện thực cuộc sống được phơi bày như những gì vốn có. Tiểu
thuyết được mở rộng đề tài, chất đời tư được gia tăng, nhân vật với mối quan
hệ đa chiều tạo nên nhiều nét mới, Gặp gỡ cuối năm (1982) của Nguyễn Khải,
Đứng trước Biển (1982) của Nguyễn Mạnh Tuấn, Mùa lá rụng trong vườn
(1985) của Ma văn Kháng là cuộc đối thoại của nhiều luồng tư tưởng, nhiều
quan niệm mới về giá trị cuộc sống khẳng định những cách tân của những
người đi trước thời đại. Đó là những tiền đề quan trọng để tạo nên một thời kỳ
rực rỡ của tiểu thuyết Việt Nam sau này.
Giai đoạn 1986-1991 được xem là cao trào của đổi mới nền tiểu thuyết
với đội ngũ người viết ngày càng đông đảo, số lượng tác phẩm dồi dào, nhiều
tác phẩm đạt được giải thưởng các cuộc thi hoặc giải thưởng thường niên của
Hội nhà văn. Có những cuốn không đạt giải thưởng nhưng gây xôn xao dư
luận: Thời xa vắng (Lê Lựu), Bên kia bờ ảo vọng (Dương Thu Hương), Thiên
sứ (Phạm Thị Hoài), Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ
(Ma Văn Kháng), Một cõi nhân gian bé tý (Nguyễn Khải), Ông cố vấn (Hữu
Mai), Sao đổi ngôi (Chu văn), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Ăn mày dĩ
vãng (Chu Lai), Bến không chồng (Dương Hướng), Mảnh đất lắm người
nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Nỗi buồn chiến tranh ( Bảo Ninh)...
Không phải số phận lịch sử mà số phận con người mới là trung tâm chú
ý của văn chương. Chính những câu hỏi về con người là nguồn gặp gỡ của

nhiều cảm hứng, nhiều chủ đề, làm nảy sinh nhiều loại nhân vật, nhiều sắc
thái ngôn ngữ, nhiều cảm thức văn học. Sự phân biệt đề tài chiến tranh, đề tài
tình yêu, đề tài sản xuất …thực ra chỉ có ý nghĩa hình thức, điều cốt lõi là cái
nhìn hiện thực: "Nỗ lực đổi mới chặng đường này chủ yếu dồn vào cách xử lý
chất liệu hiện thực, một hiện thực đa chiều hiện thực vừa có tính tất định, vừa
đáng ngờ, vừa hữu lý vừa phi lý, vừa trật tự vừa hỗn loạn, vừa thuộc về cái


10

rành rõ lý trí vừa như thuộc cõi siêu linh bí ẩn huyền hồ" [4]. Đó là sự mở
rộng đáng kể biên độ hiện thực của tiểu thuyết giai đoạn này so với tiểu
thuyết các giai đoạn trước đây.
Về phương diện nghệ thuật tiểu thuyết giai đoạn này có những biến đổi
đáng kể ở nghệ thuật trần thuật (người kể chuyện, bút pháp, ngôn ngữ, điểm
nhìn di động …). Có thể nói Thiên sứ của Phạm Thị Hoài và Nỗi buồn chiến
tranh của Bảo Ninh được xem là hai tác phẩm có sự đột phá mạnh mẽ nhất về
tư duy nghệ thuật. Tác phẩm gây hứng thú cho người đọc không phải ở
phương diện cốt truyện mà tác giả lái câu chuyện sang các khía cạnh tạo lập
văn bản “hành ngôn”. Hướng đi này được nhiều tác giả lựa chọn và đạt được
nhiều thành công: Người sông mê của Châu Diên, Ngồi của Nguyễn Bình
Phương, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy
Anh. Nhìn tổng thể đến thời điểm hiện tại, tiểu thuyết viết theo mô hình
truyền thống hoặc làm mới trên mô hình này vẫn chiếm đa số và có thành tựu.
Tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Gia đình bé mọn của Dạ Ngân,
Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Tấm ván phóng dao của Mạc Can, Cõi
người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Cuộc đời dài lắm của Chu Lai,
Luật đời và cha con của Nguyễn Bắc Sơn… Có thể nói ở đề tài truyền thống
hay hiện đại đều được đưa vào trường nhìn mới, hướng tới những gấp khúc
trong đời sống và thân phận con người.

Trong khuôn khổ phạm vi đề tài nghiên cứu chúng tôi chỉ xin đề cập đến
sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 trên một số phương diện cụ thể sau:
1.1.2.1. Đổi mới cốt truyện
Nghiên cứu sự vận động của cốt truyện sẽ góp phần lý giải sự cách tân
của tiểu thuyết trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên ở mỗi giai đoạn, mỗi nhà văn
lại có sự cách tân về cốt truyện riêng có những sự thể nghiệm khác nhau. Cốt


11

truyện là sợi dây liên kết các mối quan hệ của nhân vật, tổ chức sắp xếp các
sự việc diễn ra trong tác phẩm qua đó bộc lộ tư tưởng của nhà văn.
Ở giai đoạn 1932-1945, cốt truyện đóng vai trò quan trọng trong tiểu
thuyết có thể thấy điều đó qua Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng
của Nguyễn Công Hoan, Bỉ vỏ của Nguyên Hồng…thể hiện ở những xung đột
căng thẳng, diễn biến hành động theo thời gian tuyến tính.
Ở giai đoạn 1945-1975, cốt truyện của tiểu thuyết Việt Nam thường là
phương tiện thể hiện cuộc sống và tính cách con người. Để phản ánh hiện thực
hai cuộc kháng chiến vĩ đại các tác phẩm thời kỳ này thường xây dựng các tuyến
nhân vật đối lập địch- ta, tốt-xấu, cao cả - thấp hèn, dũng cảm - hèn nhát... ,cốt
truyện chủ yếu dự trên mô típ trần thuật. Tiêu biểu là các sáng tác của: Nguyễn
Huy Tưởng, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Minh Châu...
Văn học sau 1986, do hiện thực cuộc sống đã thay đổi từ thời chiến
sang thời bình. Không phải tiểu thuyết nào cũng đặt nặng vai trò của cốt
truyện. Nhiều tác phẩm đơn giản chỉ là những câu chuyện nhỏ nhặt đời
thường gây cảm giác không có chuyện, lúc này chính nhờ những xung đột nội
tâm đã thúc đẩy hình thành cốt truyện. Tiểu thuyết ở giai đoạn này đa dạng
hơn trong nội dung phản ánh, phong phú tự do trong hình thức diễn đạt và cốt
truyện. Bên cạnh những cốt truyện giàu kịch tính là những cốt truyện giàu tâm
trạng. Bên cạnh những tiểu thuyết có cốt truyện truyền thống xuất hiện những

tiểu thuyết có cốt truyện lỏng lẻo, kết thúc mở. Tất cả những biểu hiện đó
nhằm phân tích lý giải những vấn đề phức tạp của cuộc sống, của tâm hồn con
người thời đại mới.
Cũng cần phải nói thêm rằng tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ này có sự
cách tân đáng kể trong cốt truyện bởi sự ảnh hưởng của tiểu thuyết hiện đại
trên thế giới. Nghệ thuật đồng hiện, đa giọng điệu, kỹ thuật độc thoại nội tâm
dòng ý thức… đã được các cây bút Việt Nam vận dụng một cách linh hoạt


12

trên tinh thần dân tộc, hiện đại. Không ít tác giả tiểu thuyết đã dày công tìm
tòi sáng tạo cho mình hướng đi riêng. Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Bảo
Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Võ Chí Hảo… đã
tạo nên những tác phẩm có cấu trúc lắp ghép, chắp nối những mảnh vụn hiện
thực. Tiểu thuyết vừa là tiếng nói của ý thức, vừa là tiếng nói của tiềm thức,
thể hiện cái hiện tại đang vận động biến chuyển, không khép kín (Thiên sứ
của Phạm Thị Hoài, Cơn giông của Lê Văn Thảo). Xu hướng lắp ghép liên
văn bản là một trong những yếu tố quan trọng của tiểu thuyết hiện đại. Tác
phẩm được hình thành bằng nghệ thuật lắp ghép, tạo dựng các mảnh cốt
truyện tâm trạng không diễn ra theo trình tự thời gian mà ngổn ngang, đảo
ngược theo ý đồ của tác giả. Cùng với sự lắp ghép đó là sự di chuyển các
điểm nhìn, là tư duy nghệ thuật vừa chặt chẽ, vừa co giãn của cấu trúc thể loại
( Nỗi buồn chiến tranh của Bảo ninh, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh). Có
thể xem Ngược dòng nước lũ của Ma Văn Kháng là sáng tạo của nghệ thuật
lắp ghép. Là một nhà văn dồi dào năng lực sáng tạo, ở mỗi một tiểu thuyết,
nhà văn Ma Văn Kháng cố gắng làm mới bút pháp. Với tiểu thuyết gần đây
tác giả Ngược dòng nước lũ - Ma Văn kháng đã bộc bạch: Tôi thực hiện một
bút pháp phóng túng hơn, tạo điều kiện cho ngẫu hứng, cái tự nhiên của đời
thường và thế giới tâm linh, cái thực của tâm trạng con người ùa vào những

trang viết nhìn ngoài tưởng chừng như xô bồ lỏng lẻo [63].
Như vậy cốt truyện trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại không biến mất
mà co giãn theo cấu trúc của từng tác phẩm. Các nhà văn đã sáng tạo tìm tòi
để đưa tiểu thuyết Việt Nam có những bước đột phá, tạo nên những thành
công đáng kể trong giai đoạn đổi mới.
1.1.2.2. Đổi mới về cách thức xây dựng nhân vật
Nhân vật chính là "đứa con tinh thần" của nhà văn thể hiện quan điểm
nghệ thuật của nhà văn về con người. Tiểu thuyết ngoài khả năng tái hiện lại


13

bức tranh hiện thực đời sống còn có khả năng đi sâu khám phá số phận con
người. Quan điểm về con người qua tác phẩm sẽ chi phối các yếu tố nghệ
thuật khác trong toàn bộ tác phẩm đó. Mỗi một giai đoạn văn học do sự chi
phối của hiện thực khách quan mà quan điểm về con người của các nhà văn
cũng có sự thay đổi để phản ánh đúng và sâu sắc hơn về con người trong từng
giai đoạn lịch sử đó.
Giai đoạn 1945 - 1975, do sự chi phối của chiến tranh, yêu cầu của đất
nước thời chiến con người ở thời điểm này là con người của cộng đồng, con
người của lý tưởng cách mạng. Điều đó được thể hiện rõ nét trong cách xây
dựng nhân vật của các nhà văn qua các tác phẩm.
Giai đoạn sau 1975, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, văn học chuyển
từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử sang cảm hứng
thế sự đời tư. Tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh
hiện thực trong giai đoạn mới một cách nhanh nhạy và sắc bén. Trong thế kỷ
XX, khi các tiểu thuyết gia hiện đại phương tây đặc biệt là ở Pháp không chú
trọng đến nhân vật, họ cho rằng tiểu thuyết của các nhân vật đã thuộc về quá
khứ, khi hoàn cảnh xã hội đã đổi khác trong bối cảnh hỗn độn của cuộc sống,
cá nhân không còn giữ được sức mạnh tuyệt đỉnh vì thế tiểu thuyết không

dung nạp loại nhân vật có tính cách. Trong các tác phẩm của họ thay vì nhân
vật là "đồ vật" hay chỉ còn duy nhất là dòng chảy của ngôn từ nhân vật chỉ
còn là những đại từ mơ hồ. Thì trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại con người
với tất cả các mối quan hệ ứng xử, thân phận và cuộc đời của nó là đối tượng,
cũng là đặc trưng cơ bản của thể loại. Chưa bao giờ vấn đề con người lại được
đặt ra một cách mạnh mẽ trong cảm hứng sáng tạo của các cây bút tiểu thuyết
Việt Nam như lúc này. Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới
không phải là con người của cá nhân, của cái tôi cực đoan phủ nhận các giá
trị đã được thiết lập. Các nhà văn đã khéo léo giải quyết thỏa đáng mỗi quan


14

hệ mật thiết giữa cá nhân và cộng đồng xã hội: Cõi người rung chuông tận
thế ( Hồ Anh Thái), Thoạt kỳ thủy ( Nguyễn Bình Phương), Nỗi buồn chiến
tranh ( Bảo Ninh)…
Tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 không chỉ đơn thuần là phản ánh thân
phận con người mà còn đề cập đến khát vọng sống, về tình yêu, về hạnh phúc
cá nhân. Các tác giả đã khai thác con người trước nhu cầu hạnh phúc đời
thường, quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Văn học nói chung và tiểu
thuyết nói riêng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người
dựa trên nền tảng triết học, mà hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng
nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát vừa là đối tượng khám phá chủ
yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học đồng thời là điểm quy chiếu là
thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Con
người được nhìn từ nhiều vị thế, trong mối quan hệ đa chiều con người xã hội,
con người lịch sử, con người gia đình gia tộc, con người với phong tục, với
thiên nhiên. Con người cũng được các nhà văn khám phá, soi chiếu ở nhiều
bình diện và nhiều tầng bậc, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng
tầm thường, điều đó thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của Lê Lựu, Ma Văn

Kháng, Chu Lai, Nguyễn Khắc Trường, Dạ Ngân, Dương Hướng…
Tiểu thuyết thời kỳ đổi mới đã có ý thức đi sâu vào thế giới nội tâm để
khám phá chiều sâu tâm linh. Sự xuất hiện của con người tâm linh biểu hiện
sự đổi mới về con người của văn học. Các nhà tiểu thuyết đã có ý thức thay
đổi hình thức nghệ thuật biểu đạt. Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh,
vô thức của con người khai thác con người ở bên trong con người. Các tác
phẩm Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương),
Ngược dòng nước lũ (Ma Văn Kháng), Thiên sứ ( Phạm Thị Hoài) là những
tiểu thuyết tiêu biểu minh chứng cho điều đó.


15

Nhìn một cách tổng quát tiểu thuyết Việt Nam hiện đại quan niệm con
người cá nhân có nhiều nét mới: nhiều kiểu dáng nhân vật, sự hòa hợp giữa
con người ý thức con người tâm linh con người bản năng, con người vừa đẹp
đẽ, thánh thiện vừa đời thường, luôn khát khao cái đẹp và hướng tới cái thiện.
1.1.2.3. Đổi mới về ngôn ngữ
Ngôn ngữ là yếu tố hết sức quan trọng thuộc về phương thức biểu hiện,
góp phần lớn vào khắc họa tính cách nhân vật tạo nên tính hấp dẫn cho văn
bản văn học. Tiểu thuyết với vị trí là thể loại lớn, thể loại mang tính chất tổng
hợp phong cách nghệ thuật của các thể loại khác và các loại hình lân cận. Nên
tiểu thuyết có phạm vi sử dụng ngôn ngữ rộng, có thể dung nạp ngôn ngữ các
lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Nếu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975, do cảm hứng sử thi chi
phối, tạo áp lực cho các nhà văn cho nên họ đều sử dụng lớp ngôn ngữ đậm
màu sắc chính trị cách mạng, ngôn ngữ chủ yếu là giọng đơn thanh. Thì giờ
đây các nhà tiểu thuyết thời kỳ đổi mới không né tránh những dung tục, trần
trụi chính vì thế ngôn ngữ trở nên gần gũi, suồng sã tạo nên giọng đa thanh.
Nhà văn không còn khoảng cách với các đối tượng nên có thể nghe tất cả thứ

ngôn ngữ từ cửa miệng của tất cả các tầng lớp người trong xã hội.
Trong những năm đầu đổi mới, ngôn ngữ đối thoại đóng vai trò quan
trọng. Thể hiện qua tiểu thuyết của Nguyễn Khải, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian
của người… Từ ngôn ngữ đối thoại đơn giọng chuyển sang ngôn ngữ đối thoại
đa giọng. Có sự hòa trộn giữa ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ trần thuật và giọng
nhân vật. Các tác giả Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… là những
người mạnh dạn đưa cái trần trụi trong đời sống hàng ngày vào tác phẩm
(Chuyện Làng Cuội, Sóng ở đáy sông...). Nhà văn đã để cho các nhân vật tự
bộc lộ tính cách của mình qua ngôn ngữ của các nhân vật đó. Vì thế ngôn ngữ
gắn với đời sống hàng ngày mang tính cá thể của nhân vật. Bên cạnh đối thoại,


16

độc thoại nội tâm cũng đóng vai trò quan trọng trong phương thức trần thuật
tiểu thuyết giai đoạn này. Độc thoại nội tâm trở thành thủ pháp nghệ thuật có
hiệu quả trong quá trình tự ý thức của nhân vật, đi sâu vào thế giới nội tâm đầy
bí ẩn của nhân vật. Cần phải nói thêm, nhiều tiểu thuyết sau những năm đổi
mới, sử dụng mô típ giấc mơ, giấc chiêm bao như một thứ ngôn ngữ độc thoại
đặc biệt để giải mã thế giới vô thức của con người. Thủ pháp này thể hiện rõ
qua các tiểu thuyết: Nối buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu
Lai), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Bến không chồng (Dương Hướng). Sự cách tân
ngôn ngữ cũng thể hiện ở sự xuất hiện của giọng điệu suy tư, tranh biện, giọng
điệu “nửa đùa, nửa thật” làm cho tác phẩm mang tính đa nghĩa, ẩn chứa nhiều
triết lý. Điều này thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp,
Phạm Thị Hoài, Lê Lựu. Có thể nói tiểu thuyết thời kỳ đổi mới không chỉ đổi
mới về mặt nội dung, cảm hứng mà còn mới trong cách thức thể hiện. Qua đó
đánh dấu một hướng phát triển mới của tiểu thuyết Việt Nam khẳng định sự
tiến bộ của các tác giả trong tư duy, nhận thức nghệ thuật.
1.2. Dương Hướng - cây bút có tên tuổi trong văn xuôi Việt Nam

sau 1986
1.2.1. Con người
Dương Hướng sinh ngày 08/07/1949 tại thôn An Lệnh, xã Thụy Liên,
huyện Huy Thái, Tỉnh Thái Bình. Năm 1965, ông tình nguyện gia nhập công
nhân quốc phòng, học trường kỹ thuật tàu thủy. Năm 1971, ông vào bộ đội
công tác và chiến đấu ở chiến trường khu V cho đến năm 1975. Năm 1976,
Dương Hướng chuyển nghành về công tác tại cảng Hải quan Quảng Ninh. Từ
năm 1991 Dương Hướng là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Hiện nay ông
đang làm biên tập báo Hạ Long tại thành phố Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh.
Dương Hướng là một con người giản dị, chất phác. Trước khi bước vào
nghề viết văn, ông là một cán bộ hải quan liêm khiết, tuy hoàn cảnh khó khăn


17

nhưng Dương Hướng luôn giữ được phẩm chất trong sạch trước sự cám dỗ
của danh lợi.
Dương Hướng là một con người nhân ái, chan chứa tình yêu thương.
Ông gắn bó sâu nặng, giàu ân tình với quê hương, với những người nông dân
chân lấm tay bùn, mộc mạc trong sáng, nhưng cũng đầy biến cố đau thương
trong chiến tranh và cả trong thời kỳ đổi mới. Đó cũng là những trăn trở, day
dứt thôi thúc Dương Hướng đến với nghệ thuật.
Dương Hướng là một trong số ít các nhà văn Việt Nam vượt lên được
gánh nặng “cơm áo gạo tiền” để toàn tâm toàn ý dành cho nghệ thuật. Ông
từng xin nghỉ việc không lương sống bám vợ để viết văn. Đến với văn
chương, Dương Hướng quan niệm phẩm chất quan trọng nhất của một nhà
văn là trung thực và nhân ái: “Là người cầm bút với tôi luôn quan niệm một
tác phẩm văn học dứt khoát phải mang hơi thở chân thực của thời đại. Các
nhân vật từ ông tướng đến thằng chăn vịt, người ăn mày đến ông thủ trưởng
đều phải chi phối bởi mọi sự biến động của xã hội, mọi thay đổi của cuộc đời"

[50]. Qua các tác phẩm của mình, Dương Hướng đã thực sự dũng cảm nhìn
thẳng vào những vấn đề nhức nhối của cuộc sống, để cho ra đời những trang
viết phản ánh chân thực hiện thực xã hội đất nước với những mặt trái trong
thời kỳ đổi mới. Tuy phơi bày hiện thực cuộc sống đầy gai góc nhưng ngòi
bút Dương Hướng vẫn thấm đượm giá trị nhân văn sâu sắc. Cuộc đời chiến
đấu, lao động, sáng tạo cần cù không mệt mỏi, cùng với tấm lòng trung thực
nhân ái đã đưa tên tuổi của Dương Hướng trở thành một nhà văn có vị thế
trong nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, được độc giả yêu mến.
1.2.2. Quá trình sáng tác
Dương Hướng được xem là người có số hưởng lộc văn chương và có
duyên nợ tiền định với văn chương. Ở tuổi tứ tuần, Dương Hướng mới bắt
đầu cầm bút nhưng ông sớm trở thành tên tuổi quen thuộc đối với độc giả


18

Việt Nam, và trở thành nhà văn không thể thiếu trong nền văn xuôi nước
nhà thời kỳ đổi mới. Tuy vào nghề văn muộn nhưng Dương Hướng để lại
nhiều tác phẩm xuất sắc. Ông sáng tác chủ yếu ở hai thể loại truyện ngắn
và tiểu thuyết.
1.2.2.1 Tiểu thuyết
Dương Hướng vào nghề viết văn muộn khi đã qua những thăng trầm
của cuộc đời. Trải qua những biến cố lớn của lịch sử đất nước, đã cho Dương
Hướng những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời và con người. Đó là tiền đề để
Dương Hướng thành công ngay ở những tác phẩm đầu tiên ở thể loại tiểu
thuyết. Cùng với Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,
Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng là
một trong ba tác phẩm đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991- một giải
thưởng sáng giá, ghi nhận thành tựu văn học sau năm năm đổi mới. Tiểu
thuyết Bến không chồng đã đưa nhanh tên tuổi Dương Hướng đến với độc

giả. Tác phẩm đã được tái bản 12 lần, được dịch ra tiếng Pháp và Ý, tác phẩm
cũng được chuyển thể thành kịch bản phim. Sau thành công của Bến không
chồng, Dương Hướng tiếp tục cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Trần gian đời
người (1991). Tuy được tác giả và đồng nghiệp tâm đắc nhưng do cái bóng
của Bến không chồng quá lớn nên tác phẩm ít được độc giả quan tâm. Sau
một thời gian dài vắng bóng trên văn đàn, Dương Hướng đã có sự bứt phá
mạnh mẽ với tiểu thuyết Dưới chín tầng trời. Tác phẩm chính là tâm huyết
của nhà văn sau mười lăm năm "thai nghén". Một lần nữa tác phẩm của ông
gây xôn xao dư luận và giới nghiên cứu phê bình văn học. Dưới chín tầng
trời là cuốn tiểu thuyết mang tầm vóc khái quát rộng lớn với ngót một thế kỷ
về hiện thực đất nước: “Một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống
nóng hổi những tư tưởng của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước”
[17]. Tác phẩm cũng đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội


19

nhà văn Việt Nam và một lần nữa cùng với Bến không chồng, Dưới chín tầng
trời được đạo diễn Lưu Trọng Ninh dựng thành phim truyền hình.
Có thể nói tiểu thuyết của Dương Hướng thường khai thác những đề
tài không mới nhưng bằng khả năng bao quát lịch sử, bút lực sung sức dồi
dào và bằng kinh nghiệm và vốn sống, Dương Hướng đã đưa ra những cách
nhìn mới cuộc sống về lịch sử. Ông đặt ra nhiều vấn đề, nhiều kh ía cạnh
nhạy cảm của hiện thực xã hội đất nước như: Cải cách ruộng đất, xây dựng
hợp tác xã nông nghiệp, những mưu mô tội ác của quan chức, bi kịch chiến
tranh… tất cả được tác giả dũng cảm phơi bày trên trang sách, từ đó làm nổi
bật số phận của nhân vật. Qua những trang tiểu thuyết của ông, người đọc lại
thấy được sự trăn trở, tấm lòng nhân ái của tác giả đối với cuộc đời. Đặc biệt
Dương Hướng luôn dành sự quan tâm ưu ái của mình cho người phụ nữ Việt
Nam.

Về nghệ thuật, tiểu thuyết của Dương Hướng không có tính cách tân
đột phá táo bạo. Nhưng khi viết theo mô hình truyền thống, tác giả lại có biệt
tài dẫn chuyện khéo léo, tự nhiên, mộc mạc, giản dị, dễ đi vào lòng người. Có
thể nói Dương Hướng đã bước đi vững chắc, len lỏi giữa nghệ thuật tiểu
thuyết truyền thống và những cách tân trong tiểu thuyết đương đại. Với cái
tâm và cái tài của người nghệ sỹ, Dương Hướng đã nhanh chóng tạo dấu ấn
rất riêng cho tiểu thuyết của mình và trở thành một tác giả quan trọng trong
tiến trình văn học đổi mới sau 1986.
1.2.2.2. Truyện ngắn
Dương Hướng bắt đầu sự nghiệp văn chương với truyện ngắn. Trong
hơn ba mươi năm sáng tác, truyện ngắn của ông luôn song hành với tiểu
thuyết, và ở thể loại này Dương Hướng đã gặt hái được những thành công
đáng được nghi nhận góp phần làm hoàn thiện và sâu sắc hơn sự nghiệp sáng
tác của nhà văn.


20

Năm 1990, Dương Hướng cho ra đời tác phẩm đầu tay Gót son, Nhà
xuất bản Công an nhân dân bao gồm sáu truyện: Người mắc bệnh tâm thần,
Quãng đời còn lại, Đêm trăng, Nỗi sợ, Gót son, Người đàn bà tìm sao.
Truyện Đêm trăng đạt giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1995,
Dương Hướng có tập truyện Người đàn bà trên bãi tắm nhà xuất bản Văn
học, đạt giải A Văn nghệ Hạ Long gồm 11 truyện: Khoảng trời riêng, Hương
hoa gạo, Sinh tồn trên đất người, Người mắc bệnh tâm thần, Đêm trăng,
Người sống và chết, Người đàn bà trên bái tắm, Giếng trong, Quãng đời còn
lại, Thời con gái, Dì Sa. Ngoài ra còn một số truyện ngắn lẻ: Ô cửa mặt trời
mọc, Đàn chim két bay ngang trời, Gốc làng cò, Làm thân đàn bà con gái,
Ngồi đền thiêng, Dưới pháo hoa, Quãng đời còn lại (tặng thưởng truyện ngắn
hay tạp chí Đất Quảng năm 1987), Người mắc bệnh tâm thần (tặng thưởng

truyện ngắn hay tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1989), Bến khách (tặng
thưởng truyện ngắn hay tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2007)…
Đặc điểm nổi bật của truyện ngắn Dương Hướng là nhân vật chính
thường là người phụ nữ. Người phụ nữ trong truyện ngắn của ông đa số được
đặt trong bối cảnh thời hậu chiến. Hòa bình lập lại cũng là lúc con người bước
vào cuộc chiến mới, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đau thương, bất hạnh
còn đáng sợ hơn nhiều. Trong vòng xoáy của cuộc sống cơm áo gạo tiền số
phận của người phụ nữ hiện lên tội nghiệp đáng thương. Bi kịch người phụ nữ
qua truyện ngắn của Dương Hướng muôn hình muôn vẻ, đó là Lâm trong
Quãng đời còn lại với bao mặc cảm cắn rứt, đấu tranh để nuôi dưỡng người
chồng phụ bạc bị kết tội phản bội; là Ngần trong Đàn chim Két bay ngang
trời với bi kịch dằng xé giữa tình yêu đối với Nho và tình thương đối với
người chồng Pháp; là Diên trong Khoảng trời riêng với nỗi đau bị người đời
xa lánh bởi vẻ đẹp mang màu sắc ma quái; là gì Sa trong truyện ngắn cùng tên
với những trăn trở, day dứt về mộ phần của người chồng liệt sỹ… Người phụ


×