Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Đánh giá tính đa dạng của thực vật bậc cao có mạch trên núi đá vôi tại khu vực hương sơn, mỹ đức, thành phố hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (252.42 KB, 19 trang )

ĐÁNH GIÁ TÍNH ĐA DẠNG CỦA THỰC VẬT BẬC THẤP
TRÊN NÚI ĐÁ VÔI KHU VỰC HƯƠNG SƠN, MỸ ĐỨC, HÀ NỘI
ThS. Trương Ngọc Kiểm
Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên
I. MỞ ĐẦU
Cách trung tâm Hà Nội 62km về phía tây nam, Hương Sơn không chỉ nổi tiếng
như là một địa danh lịch sử, văn hóa gắn liền với tín ngưỡng đạo Phật của người dân
Việt Nam mà còn bởi cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú. Không giống bất kỳ nơi nào,
Hương Sơn là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng mà tạo
hóa đã khéo bày đặt núi non sông nước hiền hòa để trở thành một quần thể thắng cảnh
rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và con người . Hàng năm cứ mỗi
độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân
mặc khách bốn phương lại nô nức trẩy hội Chùa Hương, hành trình về một miền đất
phật.
Được thiên nhiên ban tặng cho cảnh “Kỳ sơn tú thuỷ”, theo các nhà nghiên cứu,
dãy núi đá vôi Hương Sơn có cách ngày nay khoảng hơn 200 triệu năm, núi Chùa
Hương không hùng vĩ chất ngất nhưng có vẻ đẹp tự nhiên với những tên gọi mang tính
bí ẩn của thuyết phong thuỷ như: Núi Long - Ly - Quy - Phượng hay mộc mạc dân giã
gắn liền với nhân dân lao động như: núi Con Trăn, núi Mâm Xôi, Núi Con Gà, Núi
Con Voi …. Suối ở Hương Sơn không sâu nhưng quanh co uốn lượn bao quanh
những khu rừng với các kiểu thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú, quý
hiếm, tạo nên môi trường sinh thái độc đáo, có tính đa dạng sinh học cao. Con người
đã có mặt ở Hương Sơn từ rất sớm, và chính sức sáng tạo thông qua các hoạt động lao
động của con người đã làm cho thiên nhiên vùng Hương Sơn trở lên trường cửu. Các
nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở hang Sũng Sàm, Hang Luộn những chứng tích của
người xưa cách ngày nay trên một vạn năm . Khi phật giáo truyền bá và phát triển ở
Việt Nam, các bậc Thiền sư đã về đây dựng thảo am, mở chùa - động thờ phật. Từ
những thảo am sơ khai, Chùa Hương đã trở thành một Sơn môn lớn quy tụ một hệ
thống 18 các đền chùa hang động nằm ở 4 thôn: Yến Vĩ, Hội xá, Đục Khê, Phú Yên.
Các chùa động ở đây phần lớn được xây dựng từ thế kỷ XV đến XIX, đa số dựa lưng
vào sườn núi hoặc nằm dưới thung lũng, những nơi có địa thế đẹp để kiến tạo. Tất cả


những yếu tố thuận lợi đó đã tạo cho Hương Sơn nét đặc trưng “tiểu sơn lâm mà có đại
kỳ quan” và hình thành lên những di tích có giá trị lịch sử văn hoá tín ngưỡng lâu đời
và một lễ hội văn hoá lớn của cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực Hương Sơn đang bị xâm hại một
cách nghiêm trọng. Việc bùng phát các tệ nạn xã hội và suy thoái chất lượng môi
1


trường đang là những vấn đề đang gây nhức nhối và xôn xao dư luận. Bên cạnh đó,
nhiều khu vực rừng bị chặt phá nhường chỗ cho những hoạt động canh tác nông
nghiệp hoặc phát triển du lịch, tăng sinh kế cộng đồng; nhiều loài sinh vật đứng trước
nguy cơ biến mất hoàn toàn tại khu danh thắng này...
Rõ ràng để đánh giá đúng mức giá trị của quần thể di tích Hương Sơn, ngoài giá
trị về tôn giáo và danh thắng thì việc nghiên cứu và đánh giá sâu sắc giá trị của hệ thực
vật và thảm thực vật, nhân tố làm nên vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” của Hương Sơn là
rất cần thiết. Bằng cách đó, chúng ta mới hiểu rõ bản chất và quy luật tự nhiên của quá
trình hình thành và phát triển của quần thể di tích, từ đó đề xuất các giải pháp bảo vệ,
tôn tạo và khai thác đúng mức, hợp lý, đảm bảo tính bền vững và cân bằng của hệ sinh
thái rừng Hương Sơn.
Chính vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Đánh giá tính đa dạng của
thực vật bậc cao có mạch trên núi đá vôi tại khu vực Hương Sơn, Mỹ Đức, thành
phố Hà Nội”.
II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
1. Nội dung nghiên cứu:
Do hạn chế về mặt thời gian, kinh phí nên chúng tôi thực hiện nghiên cứu này
tại khu vực Hương Sơn với nội dung sau:
• Khảo sát thành phần loài, xây dựng bản danh lục của hệ thực vật bậc cao
có mạch tại khu vực Hương Sơn
• Phân loại và mô tả cấu trúc các kiểu thảm thực vật theo hệ sinh thái.
• Phân tích và lập phổ dạng sống, các yếu tố địa lý của hệ thực vật theo

các hệ sinh thái
• Đánh giá tính đa dạng sinh học của hệ thực vật.
• Điều tra và đánh giá tiềm năng tài nguyên thực vật.
• Xác định các loài thực vật có giá trị kinh tế cao, đề xuất các giải pháp
bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo tồn đa dạng thực vật.
2. Phương pháp nghiên cứu:
2.1. Phương pháp kế thừa:
Để có cơ sở đánh giá hiện trạng đa dạng thực vật tại khu vực núi đá vôi Hương
Sơn, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, chúng tôi đã tiến hành khảo sát sơ bộ và tập
hợp các tài liệu và thông tin hiện có từ các công trình nghiên cứu, chương trình, đề tài,
dự án, … đã tiến hành từ trước tới nay và các vấn đề có liên quan để đánh giá bước
đầu về thành phần loài, đặc điểm phân bố và giá trị nguồn tài nguyên thực vật tại khu
vực nghiên cứu phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
2.2. Phương pháp điều tra, nghiên cứu thực địa:
2


Chúng tôi còn tiến hành 02 đợt khảo sát thực địa nhằm thu thập mẫu vật, kiểm
tra, bổ sung cơ sở dữ liệu, xây dựng danh lục thực vật tại khu vực khảo sát.
Thời gian tiến hành nghiên cứu: tháng 12/2010 và 3/2011
Quy trình điều tra nghiên cứu thực địa áp dụng theo phương pháp được Nguyễn
Nghĩa Thìn giới thiệu trong Cẩm nang nghiên cứu Đa dạng sinh vật (1997) và Hệ
sinh thái rừng nhiệt đới (2004):
+ Xác định tuyến nghiên cứu và điểm nghiên cứu: Dựa vào bản đồ địa hình và
bản đồ hiện trạng sử dụng đất của khu vực Hương Sơn, tiến hành vạch tuyến khảo sát
đi qua các hệ sinh thái. Sử dụng la bàn, máy định vị vệ tinh GPS và bản đồ để xác định
vị trí của tuyến thu mẫu, các điểm nghiên cứu ngoài thực địa để từ đó có thể định dạng
chính xác ranh giới các quần xã thực vật trong nghiên cứu thảm thực vật. Các hệ sinh
thái tiêu biểu trong khu vực Hương Sơn
- Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi

- Hệ sinh thái rừng trên núi đất
- Hệ sinh thái trảng cây bụi, tre nứa
- Hệ sinh thái trảng cỏ
- Hệ sinh thái nông nghiệp
- Hệ sinh thái khu dân cư
- Hệ sinh thái thủy vực
- Hệ sinh thái rừng trồng và cây ăn quả lâu năm
Thống kê tất cả các loài gặp được (đã biết tên khoa học) trong phạm vi 10m
mỗi bên của tuyến khảo sát. Với những loài chưa biết tên khoa học, có thể ghi tên gọi
của địa phương (nếu có). Trường hợp hoàn toàn chưa biết thì lấy mẫu để xác định sau.
Cố gắng thu các mẫu có hoa, quả. Cùng với việc thống kê tên loài, cần ghi đặc điểm
dạng sống (cây gỗ, cây bụi, cây thảo). Nếu là cây gỗ thì phải ghi cả chiều cao, đường
kính thân. Nếu là cây ký sinh, phụ sinh hay dây leo thì phải ký hiệu a, b, c để đánh
dấu.
+ Tiến hành nghiên cứu chi tiết tại các quần xã thực vật chính: lập ô tiêu chuẩn
với kích thước 40 x 50 m trên những khu vực điển hình đại diện cho các kiểu quần xã.
Sau đó dùng dây nilon có màu để định vị chu vi của ô. Đối với những sườn dốc thì có
thể nghiên cứu các ô tiêu chuẩn có diện tích nhỏ hơn thường là 10 x 50 m. Các ô tiêu
chuẩn được chọn một cách ngẫu nhiên và mang tính đại diện cho các kiểu thảm thực
vật đặc trưng của khu vực nghiên cứu.
+ Đo đếm ô tiêu chuẩn: Để mô tả ô tiêu chuẩn trước hết phải thu mẫu và xác
định tên cây rồi đo đường kính ngang ngực, đo đường kính tán cây, chiều cao vút ngọn
và chiều cao dưới cành của các cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên trong ô tiêu
chuẩn. Đối với các mẫu thực vật của lớp thảm xanh mặt đất: tiến hành mô tả các loài
3


cây, thu mẫu, xác định số cá thể và độ che phủ của mỗi loài cây của lớp thảm xanh bao
theo các ô kích thước nhỏ hơn (thường là 2 x 2 m ). Từ đó ước lượng độ che phủ của
thảm thực vật trong ô tiêu chuẩn.


Hình 1: Cách đo các thông số của cây khi nghiên cứu Ô tiêu chuẩn
+ Vẽ lát cắt đứng: trong ô tiêu chuẩn chọn 1 diện tích với kích thước 10 x 50 m
để vẽ lát cắt. Để vẽ lát cắt, trong nghiên cứu thực địa, ngoài đo các chỉ số ở trên, chúng
tôi còn đo vị trí của mỗi gốc cây theo 2 trục: trục hoành 50 m và trục tung 10 m, bán
kính tán mỗi cây đo theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau đó, căn cứ trên số liệu đã
thu được, dùng giấy kẻ ly để xây dựng sơ đồ lát cắt đứng.
+ Bản mô tả cho từng ô: Bao gồm vị trí của ô, diện tích, độ dốc, điều kiện đất
đá - thổ nhưỡng, độ ẩm, hướng phơi, thành phần loài, số tầng, các loài trong từng tầng,
số họ / 1ô, số loài / 1ô, số cây gỗ / ha, diện tích gốc cây gỗ /ha,
chỉ số độ tán che: ĐTC / ha, số loài cây con / 1ô, trung bình cây con / 1ô con,
trung bình cây con / m2, số trung bình của các loài cây con trong mỗi m2.
Tính độ che phủ ĐTC = Tổng diện tích của tất cả các cây thuộc tầng cây gỗ /
diện tích của lát cắt (50 x 10 m).
Độ che phủ càng lớn chứng tỏ tính đa dạng càng cao.
Để đánh giá sự khác nhau của từng kiểu thảm thực vật chúng ta có thể so sánh
số loài / ha để thấy rõ tính đa dạng của từng kiểu, số loài ưu thế, tỷ lệ diện tích gốc các
cây gỗ/ ha và tỷ lệ % diện tích của gốc các cây gỗ so với diện tích ô tiêu chuẩn.
+ Phướng pháp thu mẫu và xử lý sơ bộ mẫu ngoài thực địa: các mẫu thu phải
có đủ cả cả bộ phận dinh dưỡng và bộ phận sinh sản và được gắn Etyket để ghi lại các
thông tin sơ bộ ngoài thực địa, các thông tin này sẽ được chép vào sổ thu mẫu. Sau đó
các mẫu nhỏ được bỏ trong túi nilon kín có kẹp miệng còn các mẫu khác được gói
4


trong tời giấy báo xếp thành từng chồng và cho vào túi nilon lớn hơn chứa dung dịch
pha cồn để bảo quản.
+ Chụp ảnh: trong với quá trình thu mẫu, sử dụng máy ảnh để ghi lại hình ảnh
của các loài (ghi lại số hiệu mẫu cùng với số thứ tự ảnh trong sổ tay để tiện cho việc
tra cứu sau này) và các sinh cảnh cùng với những hoạt động của tập thể trong quá trình

nghiên cứu.
2.3. Phương pháp xử lý và phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm :
Các mẫu vật được thu thập bổ sung trong quá trình thực địa được mang về phân
tích và xử lý trong phòng thí nghiệm để phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như
lưu trữ gồm các bước:
- Phân loại sơ bộ: các mẫu vật được phân loại theo các taxon từ ngành tới họ,
thậm trí là tới chi dựa trên các tài liệu hiện có và tham khảo ý kiến của các chuyên gia
về thực vật học.
- So mẫu và xác định tên loài: so sánh với bộ mẫu chuẩn hiện có tại Bảo tàng
Thực vật để có tên khoa học sơ bộ dựa vào các đặc điểm của cành, lá, hoa, quả…đặc
biệt là các đặc điểm của cơ quan sinh sản và có ý nghĩa đặc trưng cho loài.
Để xác định tên khoa học, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp như phân tích
mẫu, tra khoá phân loại, nghiên cứu các tài liệu hiện có, tham khảo ý kiến của các
chuyên gia...để xác định tên khoa học.
- Kiểm tra tên khoa học: Khi đã có đầy đủ tên loài, chúng tôi tiến hành kiểm tra
lại các tên khoa học để đảm bảo tính hệ thống, tránh sự nhầm lẫn và sai sót. Chúng tôi
đã hiệu chỉnh theo hệ thống của Brummitt trong "Vascular Plant Families and Genera"
(1992), điều chỉnh tên loài theo các tài liệu "Cây cỏ Việt Nam" của Phạm Hoàng Hộ
(1999 - 2000), "Tạp chí Sinh học - chuyên đề Thực vật" (1994 - 1995), "Thực vật chí
Việt Nam" (các họ Lamiaceae, Annonaceae, Myrsinaceae, Cyperaceae…) và "Danh
lục các loài thực vật Việt Nam" (2002 - 2005) và chỉnh tên tác giả theo tài liệu
"Authors of Plant Names" của Brummitt R.K. và C. E. Powell (1992).
- Lập bảng danh lục hệ thực vật tại khu vực nghiên cứu: các thông tin thu được
trong quá trình phân tích mẫu được tập hợp trong bảng danh lục hệ thực vật tại khu
vực nghiên cứu theo từng ô tiêu chuẩn cho các đai độ cao khác nhau.
Bảng danh lục thực vật được xây dựng theo hệ thống phân loại của Brummitt
(1992) trong đó các ngành được xếp theo hướng tiến hóa tăng dần; các họ trong một
ngành, các chi trong một họ, các loài trong một chi được xếp theo trật tự chữ cái đầu
từ A đến Z.


5


2.4. Phương pháp phân tích cấu trúc và đánh giá đa dạng thảm thực vật
Chúng tôi dựa theo khung phân loại thảm thực vật của UNESCO (1973) đã
được Phan Kế Lộc áp dụng vào Việt Nam (1985) để gọi tên và mô tả sơ bộ các kiểu
thảm thực vật của khu vực nghiên cứu trên cơ sở những ghi chép thực địa. Việc đánh
giá các kiểu rừng, kiểu thảm dựa theo ô tiêu chuẩn và thang phân loại thảm thực vật
được GS.TSKH Nguyễn Nghĩa Thìn chỉnh sửa năm 1997 trên cơ sở các thang phân
loại trước đó của Thái Văn Trừng (1978), Phan Kế Lộc (1985) kết hợp với việc phân
tích các chỉ số đo đạc được bằng phương pháp ô tiêu chuẩn, phân tích sinh thái của các
ô từ đó xác định được kiểu thảm của các ô tiêu chuẩn đại diện và qua đó khái quát nên
các kiểu tham đặc trưng của khu vực này.
Các chỉ số được sử dụng trong đánh giá thảm thực vật như sau:
%N: Là tỷ lệ % số cá thể của một loài so với tổng số cá thể trong ô tiêu chuẩn.
%BA: Là tỷ lệ % tiết diện ngang ngực của các cây gỗ của một loài có đường
kính ngang ngực (DBH) trên 10 cm so với tổng diện tích ngang ngực của tất cả các cây
gỗ trong ô có DBH trên 10 cm.
F: Là mức độ gặp lại của một loài, tính bằng việc gặp được loài đó trong tổ hợp
tất cả các loài trong tất cả các ô.
CAI: là độ quan trọng, tính bằng tổng của %N, %BA và F. Chỉ số này quyết
định nên vai trò của các loài trong kiểu thảm hoặc ưu hợp mà ô tiêu chuẩn là đại diện
(tổng của tất cả các CAI bằng 300%).
Trong một ô, độ quan trọng tính tương đương với tổng chỉ số của %BA và %N.
Để đạt được những phân tích chính xác về thành phần loài và xác định được các
loài ưu thế trong cấu trúc thảm thực vật thì tất cả các loài được đo đạc trong ô phải
được thu mẫu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu thực địa nếu có thể xác định được chính
xác tên khoa học của của các loài thì có thể không cần thu mẫu, tuy nhiên việc có mẫu
để phân tích vẫn đảm bảo độ tin cậy cao hơn và bổ sung cho nghiên cứu về đa dạng
loài.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Tính đa dạng về thành phần loài thực vật:
Từ kết quả thu được qua khảo sát thực địa và tham khảo tài liệu cho thấy hệ
thực vật bậc cao trên núi đá vôi khu vực Hương Sơn có 822 loài thuộc 540 chi, 182 họ
của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch.
Mặc dù kết quả này chưa phản ánh hết số loài hiện có ở Hương Sơn nhưng hệ
thực vật này đã chiếm 7,9% tổng số loài; 22,3% tổng số chi và 59,6% tổng số họ của
hệ thực vật Việt Nam.
6


Bảng 1: Thành phần loài thực vật bậc cao có mạch của khu vực Hương Sơn
STT
1
2
3
4
5
6

Ngành
Khuyết lá thông
Cỏ tháp bút
Thông đất
Dương xỉ
Hạt trần
Hạt kín
Lớp Một lá mầm
Lớp Hai lá mầm
Tổng số


Số họ
1
1
2
22
5
151

Số chi
1
1
2
28
7
501

Số loài
1
1
4
40
8
768

182

540

822


Như vậy, hệ thực vật Hương Sơn có đầy đủ 6 ngành thực vật bậc cao có mạch,
trong đó đáng chú ý có ngành Khuyết lá thông (còn gọi là ngành Lá thông) là ngành
thực vật rất cổ, hiện trên thế giới cũng chỉ có 1 họ, 2 chi và trên 10 loài còn sót lại.
Ngành Hạt kín chiếm đa số với 151 họ, 501 chi và 768 loài, chiếm 82,9% tổng số họ;
92,7% tổng số chi và 93,4% tổng số loài của hệ thực vật Hương Sơn.
Sự ưu thế về tỉ trọng số loài của ngành Hạt kín trong hệ thực vật Hương Sơn
phù hợpvới kết quả nghiên cứu của một số hệ thực vật ở Việt Nam. Ví dụ, ở hệ thực
vật Lâm Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), tỉ trọng này là 89,5%, ở hệ thực vật
Cúc Phương là 91,5%; ở hệ thực vật Bắc Việt Nam (tính từ vĩ tuyến 17 0 Bắc) là 90,7%
và ở hệ thực vật Việt Nam là 90,9%.
Tỉ trọng số loài giữa lớp Hai lá mầm và lớp Một lá mầm là 4,12 (nghĩa là cứ
4,12 loài thuộc lớp Hai lá mầm mới có 1 loài thuộc lớp Một lá mầm), tỉ trọng này rất
gần với hệ thực vật Lâm Sơn (tỉ lệ là 4:1), tương đối gần với hệ thực vật Cúc Phương
(tỉ lệ là 3,8:1).
2. Tính đa dạng về phổ dạng sống:
Từ kết quả phân tích thu được cho thấy, nhóm cây chồi trên đất có 439 loài
chiếm 53,3% tổng số loài của hệ thực vật. Trong nhóm cây chồi trên đất hầu hết là cây
gỗ, nhưng cũng có tới 67 loài thuộc các dạng sống đặc thù. Đó là 6 loài thuộc dạng
sống ký sinh, 13 loài thuộc dạng sống bì sinh, 32 loài là dây leo thân gỗ và 16 loài là
thân gỗ giả. Đây là những dạng sống đặc trưng của hệ thực vật thuộc các khu vực có
khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Xếp sau nhóm cây chồi trên đất là nhóm cây chồi sát đất với 115 loài chiếm
14,0% tổng số loài của hệ thực vật. Trong 115 loài thuộc nhóm cây chồi sát đất có 29
loài dây leo, nhưng khác với các loài dây leo thuộc nhóm cây chồi trên đất đều là dây
leo thân gỗ, còn ở nhóm cây chồi sát đất, toàn bộ 29 loài dây leo đều là dây leo thân
thảo.
7



Nhóm cây chồi nửa ẩn có 113 loài chiếm 13,7% tổng số loài của hệ thực vật,
trong đó có 6 loài bì sinh và 2 loài dây leo thân thảo.
Chiếm vị trí thứ tư là nhóm cây sống một năm có 94 loài, chiếm 11,4% tổng số
loài của hệ thực vật.
Nhóm cây sống một năm có 5 loài dây leo thân thảo.
Xếp cuối cùng là nhóm cây chồi ẩn có 62 loài chiếm 7,6% tổng số loài của hệ
thực vật, có 12 loài dây leo thân thảo.
Sự ưu thế của nhóm dạng sống cây chồi trên đất phù hợp với kết quả nghiên
cứu một số hệ thực vật vùng nhiệt đới.
Bảng 2: So sánh phổ dạng sống các hệ thực vật Việt Nam, Lâm Sơn và Hương Sơn
Nhóm dạng
sống
Hệ
thực vật
Việt Nam
Lâm Sơn
Hương Sơn

Cây chồi

Cây chồi

Cây chồi

Cây chồi

Cây chồi

trên đất


sát đất

nửa ẩn

ẩn

một năm

54,6
51,3
53,3

10,0
13,7
14,0

21,4
17,9
13,7

10,6
7,2
7,6

5,6
9,9
11,4

3. Tính đa dạng thảm thực vật:
Kết quả khảo sát thực địa cho thấy ở Hương Sơn hiện có các kiểu thảm thực vật

sau:
• Rừng rậm nhiệt đới mưa mùa thường xanh cây lá rộng phát triển ở thung lũng
và chân núi đá vôi
• Rừng nhiệt đới mưa mùa thường xanh cây lá rộng phát triển trên sườn núi đá
vôi
• Rừng thưa, trảng cây bụi và gỗ nhỏ phát triển trên các đỉnh núi đá vôi hoặc ở
sườn vách núi có độ dốc lớn
• Trảng cỏ phát triển trên sườn, vách núi đá vôi
• Rừng thưa, trảng cây bụi trên núi đất
• Rừng trồng
• Thảm thực vật thủy sinh và ngập nước
Quá trình diễn thế của thảm thực vật tại khu di tích Hương Sơn
Quá trình diễn thế của thảm thực vật tại khu vực di tích thắng cảnh Hương Sơn
bao gồm cả 2 dạng: diễn thế tự nhiên và diễn thế thứ sinh nhân tác, trong đó diễn thế
thứ sinh nhân tác chiếm vai trò chủ yếu. Diễn thế tự nhiên diễn ra chủ yếu ở khu vực
thung Lá Và, thung Mây, động Hương Tích. Còn lại, hầu hết khu vực văn hóa lịch sử
8


Hương Sơn đã và đang diễn ra quá trình diễn thế thứ sinh nhân tác. Có thể tóm tắt quá

Rừng rậm nhiệt đới mưa mùa thường xanh cây lá rộng
phát triển ở:
thung lũng và chân núi đá vôi
sườn núi đá vôi
trên núi đất
Diễn thế
tự nhiên

Diễn thế thứ sinh nhân tác

(tác động mạnh)

Diễn thế thứ sinh nhân tác
(tác động nhẹ)

trình diễn thế của thảm thực vật Hương Sơn như sau:

Rừng rậm nhiệt đới
mưa mùa thường
xanh cây lá rộng

Rừng thứ sinh phục
hồi

Trảng cây bụi
Phục hồi

Vận dụng kết quả nghiên cứu của các nhà sinh thái học Việt nam, chúng tôi
phân chia
khu
Trảng
cỏ vực di tích thắng cảnh Hương Sơn gồm các hệ sinh thái sau đây:


Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi



Hệ sinh thái rừng trên núi đất




Hệ sinh thái trảng cây bụi, tre nứa



Hệ sinh thái trảng cỏ



Hệ sinh thái nông nghiệp



Hệ sinh thái khu dân cư



Hệ sinh thái thủy sinh



Hệ sinh thái rừng trồng

Thống kê thành phần loài theo các hệ sinh thái:
Sự phân bố thành phần loài theo các hệ sinh thái rất khác nhau.
Bảng 3. Số lượng loài thực vật phân bố theo hệ sinh thái
STT

Hệ sinh thái

9

Số loài


1
2
3
4
5
6
7
8

Rừng trên núi đá vôi
Rừng trên núi đất
Trảng cây bụi, tre nứa
Trảng cỏ
Nông nghiệp
Khu dân cư
Thủy sinh
Rừng trồng

154
282
165
85
119
199
41

26

Phân tích phổ dạng sống của các hệ sinh thái
Phổ dạng sống của các hệ sinh thái rất khác nhau. Có 5 hệ sinh thái, nhóm dạng
sống cây chồi trên đất chiếm ưu thế, đó là hệ sinh thái rừng trồng (85,8%), hệ sinh thái
rừng trên núi đá vôi (62,79%), hệ sinh thái rừng trên núi đất (58,10%), hệ sinh thái
trảng cây bụi, tre nứa (56,40%) và hệ sinh thái khu dân cư (49,7%).
Hệ sinh thái trảng có có nhóm cây chồi nửa ẩn chiếm ưu thế (38,10%). Hệ sinh
thái thủy sinh có nhóm cây chồi ẩn chiếm ưu thế (56,10%) và nhóm cây sống một năm
chiếm ưu thế trong hệ sinh thái nông nghiệp (46,20%). Phổ dạng sống đã phản ánh
đúng bản chất sinh thái của các hệ sinh thái. Sau đây là phổ dạng sống của các hệ sinh
thái ở hệ thực vật Hương Sơn.
Bảng 4. Phổ dạng sống của các hệ sinh thái
Dạng

Nhóm cây
sống chồi trên đất

Nhóm cây
chồi sát đất

Nhóm cây
chồi nửa ẩn

Nhóm cây
chồi ẩn

Nhóm cây
sống một
năm


Số
loài

Tỉ lệ
(%)

Số
loài

Tỉ lệ
(%)

Số
loài

Tỉ lệ
(%)

Số
loài

Tỉ lệ
(%)

Số
loài

Tỉ lệ
(%)


Rừng trên
núi đá vôi

95

62,79

21

13,7

17

11,1

19

12,4

2

0,01

Rừng trên
núi đất

164

58,1


48

17,1

46

16,3

17

6,1

7

2,4

Trảng cây
bụi, tre nứa

93

56,4

29

17,6

33


20,0

5

3,0

5

3,0

Trảng cỏ

10

12,1

17

21,1

32

38,1

2

0,2

24


28,6

Nông
nghiệp

9

7,6

10

8,4

27

22,6

18

15,2

55

46,2

Khu dân cư

99

49,7


25

12,5

17

8,5

25

12,5

33

16,8

Thủy sinh

7

17,1

-

-

4

9,7


23

56,1

7

17,1

10


Rừng trồng

22

85,8

-

-

2

7,6

1

3,3


1

3,3

4. Tính đa dạng về giá trị nguồn tài nguyên thực vật:
4.1. Đa dạng về giá trị sử dụng:
Để xác định chính xác số loài cây có ích, dựa vào các tài liệu hiện có, chúng tôi
đã thống kê được 519 loài (chiếm 63,1% số loài) là các cây có ích, trong đó phần lớn
là cây thuốc. Đây là nguồn tài nguyên thực vật có giá trị cần được khai thác, sử dụng
hợp lý, một mặt phục vụ cuộc sống của người dân, mặt khác tránh khai thác quá mức
dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng môi trường sống, đặc biệt là ảnh hưởng đến
cảnh quan thiên nhiên của Hương Sơn.
Bảng 5: Đa dạng về giá trị tài nguyên thực vật khu vực Hương Sơn
STT
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Nhóm công dụng
Nhóm cây làm thuốc
Nhóm cây cho gỗ
Nhóm cây làm thức ăn, để uống, để
nhai cho người

Nhóm cây làm cảnh, bóng mát
Nhóm cây làm thức ăn cho gia súc
Nhóm cây cho tinh dầu, nhựa
Nhóm cây làm vật liệu xây dựng, đồ
mỹ nghệ, để gói
Nhóm cây cho tanin, thuốc nhuộm
Nhóm cây cho sợi
Nhóm cây có chất độc

Số loài
263
130
127

Tỷ lệ (%)
32,1
15,8
15,5

119
53
24
14

14,5
6,5
2,9
1,7

9

9
8

1,1
1,1
1,0

Đáng chú ý, trong số các loài có giá trị sử dụng, một số loài không chỉ có một
giá trị sử dụng mà có thể là hai hoặc là ba. Ví dụ cây trúc đào (Nerium oleander) vừa
là cây thuốc, cây cảnh, đồng thời cũng là cây có chất độc. Cây đinh lăng ( Polyscias
fruticosa) vừa làm thức ăn cho người, làm thuốc và làm cây cảnh. Cây trám trắng
(Canarium album) cho quả làm thức ăn cho người, đồng thời cho gỗ và cho nhựa. Cây
trám đen (Canarium tramdenum) cũng như vậy. Cây gai (Boehmeria nivea) vừa làm
thức ăn cho người, vừa làm thuốc và cho sợi...
4.2. Đa dạng các loài quý hiếm:
Căn cứ vào danh lục thực vật của khu vực Hương Sơn, chúng tôi đã thống kê
được 20 loài thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và trong Nghị định 32/CP
của Chính phủ.
Bảng 6. Danh sách các loài thực vật quý hiếm ở Hương Sơn
TT

Tên khoa học

Tên Việt Nam
11

Độ quý hiếm


1

2
3
4
5
6
7
8

Psilotum nudum (L.) Griseb.
Cibotium barometz (L.) J. Smith
D. fortunei (Kunze ex Mett.) J. Sm.
Cycas revoluta Thunb.
C. szechuannesis Sheng S L. K. Fu
Nageia wallichiana (C. Presl.) Kuntze
Podocarpus pilgeri Foxw.
Erythrophleum forrdii Oliv.

Khuyết lá thông
Lông cu li
Tắc kè đá Fortun
Vạn tuế
Thiên tuế
Kim giao núi đất
Thông tre lá ngắn
Lim xanh

9

Pterocarpus macrocarpus Kurz


Giáng hương quả to

10 Dalbergia tonkinensis Prain

Sưa

11 Garcinia fagraeoides A. Chev

Trai lý

12 Chukrasia tabularis A. Juss

Lát hoa

13 Stephania cepharantha Hayata

Bình vôi hoa đầu

Stephania hernandiifolia (Willd.)
Spreng
15 Stephania rotunda Lour.
Burretiodendron brillettii (Gagnep)
16
Kosterm.
14

Dây mối
Bình vôi
Nghiến


17 Anoectochilus setaceus Blume

Lan kim tuyến

18 Nervilia fordii (Hance) Schlecter.
19 Melientha suavis Pierre
20 Smilax glabra Wall. ex Roxb.

Lan một lá
Rau sắng
Thổ phục linh

K
K
T
IIA (NĐ 32/CP)
IIA (NĐ 32/CP)
V
R
IIA (NĐ 32/CP)
K;
IIA (NĐ 32/CP)
V;
IA (NĐ 32/CP)
V; IIA.
NĐ 32/CP
K
V; IIA.
NĐ 32/CP
IIA.

NĐ 32/ CP
IIA (NĐ 32/CP)
V; IIA.
NĐ 32/CP
E; IA.
NĐ 32/ CP
IIA (NĐ 32/CP)
K
V

Chú thích:
E: đang nguy cấp (đang bị đe dọa tuyệt chủng)
T: bị đe dọa
V: sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng)
K: Không biết chính xác
R: hiếm (có thể sẽ nguy cấp)
IA: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại
IIA: hạn chế khai thác sử dụng vì mục đích thương mại
4.3. Một số loài thực vật có giá trị kinh tế cao:
Hệ thực vật khu di tích, danh thắng Hương Sơn có một số loài thực vật quý
hiếm có giá trị kinh tế cao. Có thể nêu ra một số loài sau đây:
4.3.1. Sưa (Dalbergia tonkinensis Prain)
12


Hiện nay, sưa được xem là cây có giá trị kinh tế rất cao. Trong phạm vi khu di
tích thẳng cảnh Hương Sơn, sưa có nhiều ở khu vực đền Trình. Ngoài ra, tại vườn của
Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn cũng có trồng một số cây sưa. Một số cây sưa
ở đền Trình có đường kính khá to (khoảng 40 - 50cm), nhưng do nằm trong khu vực
nhà chùa nên được bảo vệ tốt.

Để tránh nguy cơ tuyệt chủng cần khai thác hợp lý tức là chỉ khai thác những
cây hết khả năng tăng trưởng. Sưa tái sinh tự nhiên bằng hạt hoặc lấy quả gieo trong
vườn ươm tạo cây con rồi đem trồng. Đây là biện pháp bảo tồn sưa có hiệu quả nhất.
4.3.2. Trai lý (Garcinia fagraeoides)
Trai lý cũng là cây gỗ quý hiện được đánh giá cao trên thị trường trong nước và
xuất khẩu. Là cây sống trên núi đá, trai lý tái sinh không dễ dàng. Hiện nay ở khu vực
Hương Sơn số lượng trai lý còn rất ít. Cần hạn chế tối đa việc khai thác trai lý.
Để có thể bảo tồn được trai lý, cần áp dụng thêm việc nhân giống bằng cành
hom. Đây là biện pháp hiện được áp dụng khá phổ biến để bảo tồn các loài quý hiếm ít
có khả năng tái sinh tự nhiên.
4.3.3. Nghiến (Burretiodendron tonkinensis)
Hiện ở Hương Sơn số cá thể nghiến còn rất ít. Nghiến cũng khó tái sinh tự
nhiên, nhất là nguồn cây giống hầu như chỉ còn 2, 3 cá thể. Vì vậy, một mặt phải
nghiêm cấm việc khai thác, mặt khác nên tiến hành ngay việc nhân giống bằng cành
hom. Đây là việc cần làm sớm, bởi vì nếu những cây nghiến còn sót lại bị chặt nốt thì
sẽ không còn nguồn để nhân giống.
4.3.4. Lát hoa (Chukrasia tabularis)
Lát hoa cũng là đối tượng được đánh giá cao vì gỗ tốt, vân đẹp. Hiện lát hoa
được gây trồng ở vườn của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn. Việc trồng lát hoa
đã được thực hiện từ lâu và có nhiều kết quả, không quá khó khăn khi gieo ươm, do
vậy, việc bảo tồn lát hoa bằng gây trồng là hoàn toàn khả thi.
4.3.5. Rau sắng (Melientha suavis)
Rau sắng hiện là cây có giá trị kinh tế cao, nhất là trong thời gian lễ hội. Rau
sắng cũng có khả năng tái sinh tự nhiên. Nhưng để phát triển rau sắng có thể áp dụng
biện pháp nhân giống bằng hom. Tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, rau sắng được nhân
giống bằng hom có kết quả rất tốt.
4.3.6. Thổ phục linh (Smilax glabra)
Thổ phục linh là cây thuốc bổ, đang có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá
mức. Thổ phục linh có khả năng tái sinh bằng củ. Để tránh nguy cơ tuyệt chủng, một
mặt hạn chế khai thác, mặt khác có thể gây trồng bằng củ.

4.3.7. Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus)
13


Hiện loài này đang bị thu mua để xuất sang Trung Quốc. Để bảo tồn cần
nghiêm cấm khai thác. Mặt khác phải bảo vệ môi trường cho lan kim tuyến tồn tại, đó
là sinh cảnh rừng trên núi đá.
4.3.8. Lan một lá (Nervilia fordii)
Cũng là cây thuốc, hiện cũng được thu mua để xuất sang Trung Quốc. Lan một
lá tái sinh bằng củ. Vì vậy, có thể lấy củ để gây trồng.
5. Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững:
Để công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái có
hiệu quả, cần thiết phải thực hiện các giải pháp sau đây:
5.1. Nâng cao đời sống cho nhân dân
Đây là giải pháp hàng đầu cần được quan tâm. Bởi vì nếu người dân hàng ngày
phải đối mặt với việc phải lo kiếm sống thì không có cách nào khác, họ phải tận dụng
mọi điều kiện có thể có để có được củi để đun, gạo để ăn, quần áo để mặc và mọi chi
phí khác.
Nếu các cấp chính quyền tạo được công ăn việc làm, đầu tư cho khoa học kỹ
thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là tận dụng các nguồn thu về dịch
vụ trong dịp lễ hội, thì chắc chắn tác động tiêu cực đến thảm thực vật, đến đa dạng
sinh học, đến các hệ sinh thái sẽ giảm. Điều này đã được thực tế chứng minh vào thập
kỷ 90 của thế kỷ trước, rừng ở Hương Sơn đã phải lên tiếng kêu cứu. Nguy cơ vùng
đất Phật “Nam thiên đệ nhất động” không còn rừng là khó tránh khỏi nếu các cấp
chính quyền không vào cuộc, người dân phải hàng ngày đối mặt với cái đói, cái nghèo.
Rất may, sự đổi mới của đất nước đã mang đến cho Hương Sơn nói riêng nhiều cơ hội
tưởng chừng như không bao giờ có.
Nếu trước đây, việc người dân Hương Sơn hàng ngày phải vào rừng kiếm củi
đun là điều đương nhiên, thì ngày nay hầu như không còn. Nhiều dạng nhiên liệu đã
thay thế củi. Nhưng quan trọng hơn là người dân đã có tiền để có thể mua các loại

nhiên liệu khác, sử dụng vừa thuận lợi, văn minh, vừa khỏi phải vào rừng lấy củi, khó
khăn vất vả, lại ảnh hưởng đến môi trường.
5.2. Nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học cho người dân
Mặc dù rừng là nhân tố hết sức quan trọng, tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn khách du
lịch, nhưng không phải ở mọi nơi, mọi lúc, mọi người dân đều ý thức việc phải bảo vệ
rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái.
Như đã trình bày ở trên, vào thời điểm đất nước khó khăn, tình trạng rừng bị
xâm hại đã diễn ra không chỉ ở Hương Sơn mà ở bất kỳ đâu có rừng. Khi tình trạng
đói nghèo đã bị đẩy lùi, áp lực tiêu cực đến rừng ngày càng giảm, nhưng không có
nghĩa rừng hoàn toàn không còn bị xâm hại. Có thể không còn hiện tượng vào rừng lấy
củi, lấy gỗ, nhưng khả năng người dân khai thác các loại lâm sản khác như cây thuốc,
14


cây cảnh... cũng chưa chấm dứt hoàn toàn. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, giáo dục
bằng nhiều hình thức để người dân nhận rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng
sinh học. Một khi người dân đã nhận thức được rằng bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc
sống của chính mình thì chắc chắn hiệu quả của công tác bảo vệ rừng sẽ cao hơn rất
nhiều.
5.3. Thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ rừng
Cùng với hai giải pháp đã nêu, việc thực thi nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà
nước là rất cần thiết. Rừng ở Hương Sơn có những loại gỗ quý, giá trị kinh tế rất cao,
những loài cây cảnh đẹp, quý hiếm như sưa, lan kim tuyến, lan một lá. Cần phải sử
dụng luật pháp để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe đối với
những kẻ cố tình vi phạm. Tất nhiên, bên cạnh các biện pháp nghiêm khắc, cần quan
tâm công tác giáo dục, phòng ngừa để hạn chế tình trạng do thiếu hiểu biết hoặc do
không cố ý.
5.4. Tuyên truyền, bảo vệ các loài quý hiếm
Ở Hương Sơn hiện có 20 loài thực vật có trong Sách đỏ hoặc Nghị định 32 của
Chính phủ. Tuy nhiên, không phải mọi người dân đều biết đấy là các loài quý hiếm,

đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, cần bảo vệ. Vì vậy, cần phổ biến rộng rãi để
trước hết mọi người dân ở Hương Sơn biết và có ý thức bảo vệ. Sau đó cũng nên giới
thiệu rộng rãi với du khách, giúp họ biết thêm một nguồn tài nguyên quý giá của cả
nước mà Hương Sơn đang sở hữu. Việc làm này một mặt làm tăng thêm tính hấp dẫn
của khu di tích Hương Sơn, mặt khác cũng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ đa dạng
sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm cho mọi người. Kinh nghiệm ở nhiều nơi cho thấy,
việc in các tờ rơi có ảnh của 20 loài thực vật quý hiếm kèm theo một số thông tin như
tên khoa học, tên Việt Nam, mức độ quý hiếm... sau đó phân phát đến tay người dân,
là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả.
Một cách làm khác cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi, đó là làm các biển có ghi
tên khoa học, tên Việt Nam, mức độ quý hiếm, sau đó gắn vào cây cần bảo vệ. Hình
thức này vừa mang tính phổ biến tuyên truyền, giáo dục, nhưng đồng thời cũng là hình
thức mang tính pháp lý nếu ai cố tình vi phạm.
5.5. Xây dựng kế hoạch giám sát thực vật cho khu vực Hương Sơn trong
những năm tiếp theo
Để giám sát thực vật khu vực Hương Sơn trong những năm tới có hiệu quả,
chúng ta nên bắt đầu bằng việc quản lý các hệ sinh thái. Kinh nghiệm ở nhiều nước
trên thế giới cho thấy, vấn đề cần quan tâm khi khai thác và sử dụng các hệ sinh thái,
đó là tính bền vững. Phát triển bền vững là sự phát triển làm tăng chất lượng cuộc sống
của con người trong khả năng có thể cung cấp của các hệ sinh thái, sự phát triển mà
15


không làm suy giảm khả năng phục hồi của tự nhiên. Có một số nguyên tắc được đề
xuất và thực hiện, đó là:
- Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái là trách nhiệm, nghĩa vụ và
quyền lợi của mọi tổ chức, cá nhân.
- Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái được gắn kết chặt chẽ với việc
phát triển kinh tế - xã hội.
ở Hương Sơn có 8 hệ sinh thái. Tuy nhiên trong thời gian tới, nên tập trung

nghiên cứu, theo dõi giám sát thực vật ở 4 hệ sinh thái. Đó là:
• Hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi
• Hệ sinh thái rừng trên núi đất
• Hệ sinh thái trảng cây bụi, tre nứa
• Hệ sinh thái trảng cỏ.
Các hệ sinh thái này đều có các kiểu thảm thực vật nằm trong chuỗi diễn thế tự
nhiên và diễn thế thứ sinh nhân tác. Do đó, việc quan sát thành phần loài, cấu trúc của
thảm thực vật, theo dõi vật hậu học của các loài sẽ thuận lợi. Sau đây chúng tôi đề xuất
kế hoạch giám sát thực vật cho khu di tích Hương Sơn như sau:
• Tại mỗi hệ sinh thái chọn 1 ô nghiên cứu định vị có diện tích 1 ha (mỗi chiều
100m x 100m hoặc 200m x 50m tùy điều kiện địa hình).
• Ô nghiên cứu định vị đặt tại nơi có kiểu thảm thực vật đặc trưng cho mỗi hệ
sinh thái. Ví dụ: đối với hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi chọn kiểu thảm rừng
rậm nhiệt đới mưa mùa thường xanh cây lá rộng. Đối với hệ sinh thái rừng trên
núi đất chọn kiểu rừng thưa cận nhiệt đới mưa mùa thường xanh cây lá rộng.
Với 2 hệ sinh thái còn lại, chọn kiểu trảng cây bụi và trảng cỏ.
• Dùng lưới thép mắt cáo, cọc sắt để rào bảo vệ xung quanh ô định vị.
• Nội dung theo dõi quan sát
+ Thống kê đầy đủ chính xác thành phần loài thực vật trong ô định vị từng năm để
theo dõi biến động về loài.
+ Xác định dạng sống của các loài theo 5 nhóm dạng sống chính và 4 nhóm dạng
sống phụ của Raunkiaer.
+ Mô tả cấu trúc của thảm thực vật, vẽ biểu đồ phẫu diện và chiếu tán của thảm thực
vật.
+ Đo đếm kích thước (chiều cao, đường kính ngang ngực, chiều cao phân cành, diện
tích tán) của các loài cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở lên hàng năm để theo dõi sự
tăng trưởng của cá thể.
+ Theo dõi vật hậu học: thời gian ra hoa, kết quả, thời gian rụng lá và ra lá non.

16



+ Thời gian quan trắc: thực hiện theo 2 mùa: mùa mưa và mùa khô (có thể vào mùa
giữa mùa mưa và gần cuối mùa khô hàng năm).
Tại mỗi ô cần định vị nên có thiết bị đo mưa đơn giản để theo dõi lượng mưa hàng
năm. Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn đã lập các tổ bảo vệ rừng, đang hoạt
động có hiệu quả. Để nâng cao trách nhiệm, có thể nâng cao chế độ đãi ngộ cho tổ bảo
vệ rừng.
5.6. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo tồn tái sinh tự nhiên
và gây trồng đối với một số loài quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam
Tại Hương Sơn, 2 loài thông tre lá ngắn và kim giao núi đất chưa gặp trong tự
nhiên mà được gây trồng ở vườn của Ban Quản lý rừng đặc dụng Hương Sơn, do đó
vấn đề bảo tồn với 2 loài này cần được thực hiện bằng cách tiếp tục nhân giống theo
phương pháp giâm hom. Đây là phương pháp đang được áp dụng rộng rãi ở nước ta,
không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác bảo tồn mà còn mang lại hiệu quả
kinh tế, tiết kiệm thời gian.
Đối với các loài dây mối, bình vôi hoa đầu, bình vôi, tắc kè đá, vấn đề quan
trọng hàng đầu là phải đảm bảo môi trường sống. Nếu rừng bị chặt phá, độ tàn che
giảm, kéo theo là độ ẩm thấp và chất dinh dưỡng nghèo kiệt sẽ làm cho các loài này
không phát triển được. Trừ tắc kè đá có ở núi đá vôi, vừa có ở núi đất, ba loài còn lại
chỉ có ở núi dá vôi. Do đó, để các loài này tồn tại và phát triển được, hơn bao giờ hết
cần phải bảo vệ rừng. Mất rừng, đồng nghĩa với việc mất môi trường sống và hậu quả
các loài kể trên bị loại khỏi danh sách hệ thực vật Hương Sơn là điều khó tránh khỏi.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng, cần giám sát chặt chẽ việc khai thác các loài này
với mục đích thương mại vì đây là những loài cây thuốc đã đợc người dân biết đến từ
lâu. Điều may mắn là các loài dây mối, bình vôi hoa đầu, bình vôi đều có thể gây trồng
bằng củ tương đối dễ.
Cuối cùng giải pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường,
bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm cho người dân. Một khi ý thức của
người dân được nâng cao, chắc chắn công tác bảo tồn các loài quý hiếm sẽ hiệu quả.

IV. KẾT LUẬN
1. Hệ thực vật Hương Sơn theo số liệu điều tra đến thời điểm hiện nay (2011)
có 822 loài thuộc 540 chi, 182 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Như vậy, hệ
thực vật Hương Sơn có đầy đủ số ngành của hệ thực vật Việt Nam, đặc biệt là sự có
mặt của ngành Khuyết lá thông, một ngành thực vật cổ nhất trong các ngành thực vật
hiện đang tồn tại. Trên thế giới, ngành này cũng chỉ có 1 họ, 2 chi với trên 10 loài.
Mặc dù con số 822 loài thực vật bậc cao đã thống kê được của hệ thực vật
Hương Sơn chưa phải là con số cuối cùng về số loài của hệ thực vật này, nhưng nó
cũng đã chiếm tới 7,9% tổng số loài; 22,3% tổng số chi và 59,6% tổng số họ của hệ
17


thực vật Việt Nam. Đây là tỷ lệ mà không phải bất kỳ hệ thực vật nào với diện tích,
điều kiện tự nhiên tương tự như Hương Sơn có được.
2. Hệ thực vật Hương Sơn có 8 hệ sinh thái, trong đó có các hệ sinh thái đặc thù
như hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái thủy sinh (bao gồm cả phần đất ngập nước).
Các hệ sinh thái là một trong ba thành phần quan trọng tạo nên đa dạng sinh học.
3. Hệ thực vật Hương Sơn qua phân tích các yếu tố địa lý cho thấy có 27 loài
đặc hữu Bắc Bộ, chiếm 3,5% tổng số loài đặc hữu Bắc Bộ của hệ thực vật Việt Nam,
có 11 loài đặc hữu Việt Nam, chiếm 3,9% tổng số loài đặc hữu Việt Nam của hệ thực
vật Việt Nam. Đây cũng là một khía cạnh nói lên tính đa dạng sinh học của hệ thực vật
Hương Sơn nếu chúng ta biết rằng, Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia
có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới với 21,7% số loài thực vật là đặc hữu.
4. Hệ thực vật Hương Sơn có 14 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Nếu kế
cả 6 loài được ghi trong Nghị định 32 của Chính phủ thì con số này là 20. Với những
dẫn liệu vừa nêu, Hương Sơn thực sự là một hệ thực vật có nhiều nguồn gen quý hiếm.
5. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, hệ thực vật Hương Sơn có đến 519 loài cây có
ích, chiếm 63,1% tổng số loài của hệ thực vật. Trong 10 nhóm giá trị sử dụng, nhóm
cây làm thuốc nhiều nhất, có 263 loài , chiếm 32,1% tổng số loài của hệ thực vật. Tỷ lệ
này tương đương như tỷ lệ về số loài cây thuốc mà TS. Võ Văn Chi đã công bố (1996)

đối với hệ thực vật Việt Nam.
Trong số các loài cây thuốc, nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thổ phục linh
(Smilax glabra), bổ cốt toái hay còn gọi là tắc kè đá (Drynaria fortunei), cẩu tích hay
lông cu li (Cibotium barometz)...
Nhóm cây gỗ có số loài nhiều thứ hai với 13 loài, chiếm 15,8% tổng số loài của
hệ thực vật. Nhiều loài cây gỗ quý có giá trị kinh tế cao như sưa (Dalbergia
tonkinensis), lát hoa (Chukrasia tabularis), nghiến (Burretiodendron brillettii)... Điều
đáng tiếc là hiện nay số lượng các loài gỗ quý còn rất ít. Vì vậy, hơn bao giờ hết cần
phải quan tâm bảo vệ, tránh nguy cơ các loài này bị tuyệt chủng.
Một loài tuy không phải là cây thuốc, cũng không phải là gỗ quý mà chỉ là cây
làm thực phẩm thông thường, nhưng lại gắn với lễ hội chùa Hương nên được khách
thập phương ưa chuộng, trở nên có giá trị kinh tế cao, đó là cây rau sắng. Theo người
dân địa phương cho biết, mùa lễ hội năm nay rau sắng bán được từ 200.000đ đến
300.000đ/kg. Nếu phát triển tốt, chắc chắn rau sắng cũng đem lại nguồn thu đáng kể
cho người dân địa phương.
Một loài cây nữa cũng là cây lương thực, thực phẩm nhưng ở chùa Hương trở
nên có giá trị là củ mài (Dioscorea persimilis). Bên cạnh việc dùng làm lương thực,
thực phẩm, củ mài cũng được dùng làm thuốc với tên gọi là hoài sơn.
18


Như vậy, hệ thực vật Hương Sơn một mặt có tính đa dạng sinh học cao, mặt
khác còn là nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao.
6. Khu di tích Hương Sơn là tài sản chung của quốc gia, vì vậy, cả nước có
trách nhiệm tôn tạo, bảo vệ, giữ gìn để không chỉ phục vụ cho thế hệ hiện nay mà còn
cho các thế hệ mai sau. Một trong những giải pháp hàng đầu, có hiệu quả trong nhiệm
vụ bảo vệ môi trường là phải bằng mọi cách nâng cao đời sống cộng đồng cư dân. Vì
vậy, các cấp chính quyền cơ sở cố gắng tạo điều kiện để người dân có được cuộc sống
ngày càng tốt hơn. Đã đếnlúc cần phải làm cho người dân biết họ đang sở hữu một
nguồn tài nguyên quý giá, một mặt nâng cao lòng tự hào về quê hương, mặt khác họ sẽ

góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên ấy.
V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (1996), Sách đỏ Việt Nam. Phần thực
vật, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Nguyễn Tiến Bân (1991), Hương Sơn - Cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên
sinh vật, Báo cáo Viện khoa học Việt Nam.
3. Lê Trần Chấn (Chủ biên, 1999), Một số đặc điểm cơ bản của hệ thực vật Việt
Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Lê Trọng Cúc (Chủ biên, 2001 - 2005), Danh lục các loài thực vật Việt Nam,
tập I, II, III, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
5. Phan Kế Lộc và nnk (2005), Thông Việt Nam - nghiên cứu hiện trạng bảo tồn
2004, Nhà xuất bản Lao động xã hội, Hà Nội.
6. Thái Văn Trừng (1978), Thảm thực vật rừng Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học
và Kỹ thuật Hà Nội.
7. Trường Đại học Lâm nghiệp (2003), Báo cáo kết quả nghiên cứu chuyên đề
rừng đặc dụng Hương Sơn - Mỹ Đức - Hà Tây.
8. Viện Điều tra quy hoạch rừng (1999), Bảo vệ và phát triển bền vững rừng và
đa dạng sinh học trên vùng núi đá vôi của Việt Nam, Trung tâm in và đo vẽ bản
đồ Thanh Trì, Hà Nội.
9. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Quy hoạch phát triển khu di tích thắng
cảnh Hương Sơn.
10. Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (2005), Thuyết minh tổng hợp “Quy hoạch
tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Hương Sơn đến
năm 2020”.
11. Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (2005), Thuyết minh tổng hợp “Đánh giá
tác động môi trường đồ án quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá
trị di tích thắng cảnh Hương Sơn”.
19




×