Tải bản đầy đủ (.pdf) (110 trang)

Nghị định thư kyoto và hợp tác quốc tế đối với biến đổi khí hậu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.92 MB, 110 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------------------------------------VŨ QUỲNH GIANG

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO
VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
ĐỐI PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành Quan hệ Quốc tế

Hà Nội - 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------------------------------------VŨ QUỲNH GIANG

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO
VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
ĐỐI PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành Quan hệ Quốc tế
Mã số: 60310206

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Hoàng Khắc Nam

Hà Nội - 2015



LỜI CẢM ƠN

Hoàn thành luận văn này là một thử thách, một bài học quý đối với riêng tôi trong
thời gian qua, làm sao để không thỏa hiệp với bản thân, làm sao bảo đảm được chất
lượng nghiên cứu, làm sao sắp xếp phù hợp những trách nhiệm và kế hoạch khác dưới
áp lực về thời gian.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới PGS. TS. Hoàng Khắc Nam, người thầy tôi luôn
kính trọng và ngưỡng mộ về kiến thức sâu rộng và trái tim nhân hậu từ những tháng
ngày mới bước chân vào giảng đường đại học. Thầy đã tận tình hướng dẫn về nội
dung, góp ý về cách tiếp cận, và không ngừng động viên giúp tôi hoàn thành nghiên
cứu này.
Tôi cũng muốn dành những lời cảm ơn chân thành tới những người bạn và đồng
nghiệp đã hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện nghiên cứu này. Nếu không có sự giúp
đỡ của họ, tôi không biết mình sẽ gặp thêm những khó khăn nào nữa. Đó là chị Trang,
người bạn cùng khóa đã luôn khích lệ, theo sát tiến độ nghiên cứu của tôi. Đó là anh
Thắng, người đã giải đáp cho tôi tất cả các câu hỏi dù là nhỏ nhất về quy chế bất kể
trong hay ngoài giờ làm việc. Đó là Quỳnh Trang, người đã đọc và góp ý tỉ mỉ cho
bản thảo đầu tiên của tôi. Đó là Omar, người đã giúp tôi tiếp cận kho tư liệu phong
phú của thư viện Đại học Amsterdam. Đó là Mai Anh, nguời bạn thân thiết nhất đã
bền bỉ giúp đỡ tôi vô điều kiện trong mọi vấn đề. Đó là Maxim, người đặt niềm tin
trọn vẹn nơi tôi và không ngừng hỗ trợ tôi trong việc thực hiện nghiên cứu.
Cuối cùng, nhưng vô cùng quan trọng, bằng tất cả tình yêu và lòng biết ơn, tôi muốn
bày tỏ sự trân trọng cao nhất đối với những gì bố mẹ đã dành cho tôi, không chỉ trong
thời gian thực hiện nghiên cứu này mà trong suốt những năm tháng qua và mãi về
sau. Đây chính là những điều trân quý nhất mà chúng ta được nhận lấy trong cuộc
đời mình.

Amsterdam, 6/8/2015
Vũ Q. Giang



MỤC LỤC

Mục lục ………………………………………………………………………………i
Danh mục chữ viết tắt ……………………………………………………………...iii
Danh mục bảng biểu…………………………………………………………………v
Mở đầu ……………………………………………………………………………..1
1. Tính cấp thiết của đề tài ...………………………………………………………1
2. Tình hình nghiên cứu ...........................................................................................2
3. Mục tiêu nghiên cứu .............................................................................................4
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................4
5. Phương pháp nghiên cứu .....................................................................................5
6. Kết cấu của luận văn ............................................................................................6
Chương 1: Vấn đề biến đổi khí hậu và sự ra đời của Nghị định thư Kyoto …...7
1.1. Vấn đề biến đổi khí hậu…………………………………………………………7
1.1.1.

Khái niệm và thuật ngữ ………………………………………………..7

1.1.2.

Thực trạng và hậu quả của vấn đề biến đổi khí hậu……………………9

1.1.3.

Nguyên nhân của tình trạng biến đổi khí hậu ………………………..11

1.2. Quá trình hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu trước Nghị định thư Kyoto..13
1.2.1.


Hợp tác liên chính phủ ………………………………………………..14

1.2.2.

Hợp tác phi chính phủ ………………………………………………..18

1.2.3.

Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC)..20

1.3. Sự ra đời của Nghị định thư Kyoto ……………………………………………23
1.3.1.

Hội nghị các bên tham gia lần thứ 3 (COP 3) …………………..……24

1.3.2.

Sự gia nhập của các bên …………………………………,,…………27

1.3.3.

Ý nghĩa của việc ra đời Nghị định thư Kyoto ………………………..29

Tiểu kết ……………………………………………………………………………30
Chương 2: Nghị định thư Kyoto và việc thực hiện …………………………….31
2.1. Nội dung chủ yếu của Nghị định thư Kyoto …………………………………..31

i



2.1.1.

Vấn đề cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính ………………….…...31

2.1.2.

Vấn đề cơ chế giảm phát thải ……………………………..…………35

2.2. Việc thực hiện Nghị định thư Kyoto ………………………………………….40
2.2.1.

Quá trình thực hiện Nghị định thư Kyoto và những kết quả …………40

2.2.2.

Những hạn chế của Nghị định thư Kyoto và nguyên nhân …………..48

2.3. Tác động của Nghị định thư Kyoto tới quan hệ quốc tế ……………………....53
2.3.1.

Tác động tích cực …………………………………………………….53

2.3.2.

Tác động tiêu cực …………………………………………………….56

Tiểu kết ……………………………………………………………………………59
Chương 3: Các nỗ lực hợp tác quốc tế hậu Kyoto …………………………….60
3.1. Các nỗ lực hợp tác quốc tế chủ yếu hậu Kyoto ……………………………….60
3.1.1.


Diễn biến từ hội nghị Bali đến hội nghị Copenhagen ………..………60

3.1.2.

Diễn biến từ hội nghị Durban đến nay ……………………………….64

3.2. Các quan điểm khác nhau về hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi
khí hậu …………..……………………………………………………………66
3.2.1.

Quan điểm của nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển ………….67

3.2.2.

Quan điểm của nhóm các nền kinh tế đang phát triển ……………….72

3.3. Triển vọng hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu ……………...76
3.3.1.

Tương lai về một thỏa thuận quốc tế trong ứng phó với biến đổi
khí hậu ..……………………………………………………………..76

3.3.2.

Vai trò của Việt Nam …………………………………………..…....80

Tiểu kết ………………………………………………………………………........82
Kết luận ……………………………………………………………..……………84
Tài liệu tham khảo ………………………………………………………………….vi

Phụ lục ……………………………………………………………………………..xv

ii


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

AMME

ASEAN Ministerial Meeting on the Environment
Cuộc họp cấp bộ trưởng về môi trường

AOSIS

Allience of Small Island States
Liên minh các quốc đảo nhỏ

ASOEN

ASEAN Senior Officials on the Environment
Các quan chức cấp cao về môi trường

ASEAN

Association of Southeast Asian Nations
Hiệp hội các nước Đông Nam Á

BRIC

Brazil, Russia, India, China

Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (nhóm các nền kinh tế mới nổi)

CER

Certified Emission Reduction
Giảm phát thải được chứng nhận

CDM

Clean Development Mechanism
Cơ chế phát triển sạch

COP

Conference of the Parties
Hội nghị các bên tham gia

EC

European Community
Cộng đồng chung châu Âu

EEC

European Economic Community
Hội đồng kinh tế châu Âu

EIT

Economy In Transition

Nền kinh tế chuyển đổi

EU

European Union
Liên minh châu Âu

GDP

Gross Domestic Product
Tổng thu nhập quốc dân

IPCC

Intergovernmental Panel on Climate Change
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu

iii


JUSSCANZ

Japan, USA, Switzerland, Canada, Norway, New Zealand
Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Canada, Nauy, New Zeland
(nhóm quốc gia)

LULUCF

Land Use, Land Use Change, and Forestry
Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, và lâm nghiệp


MOP

Meeting of the Parties
Cuộc họp các Bên tham gia

NASA

National Aeronautics and Space Administration
Cơ quan hàng không và vũ trụ quốc gia của Hoa Kỳ

NGO

Non-Governmental Organization
Tổ chức phi chính phủ

OECD

Organization for Economic Co-operation and Development
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế

OPEC

Organization of Petroleum Exporting Countries
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ

UN

United Nations
Liên hợp quốc


UNEP

United Nations Environment Programme
Chương trình môi trường Liên hợp quốc

UNFCCC

United Nations Framework Convention on Climate Change
Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc

iv


DANH MỤC BẢNG BIỂU

Biểu đồ 1.1: Sự phát thải các khí nhà kính trên toàn cầu (2007) .…………………11
Hình 1.2: Các bên tham gia UNFCCC trên bản đồ thế giới (2014) ……………….21
Hình 1.3: Các bên tham gia Nghị định thư Kyoto trên bản đồ thế giới (2014) ……27
*****

Bảng 2.1: Lượng phát thải CO2 của một số bên Phụ lục I (1990) …………………31
Bảng 2.2: Cam kết hạn chế hoặc giảm phát thải theo định lượng của các Bên
(phần trăm của năm cơ sở hoặc thời kỳ) (1997) ………………………………..…32
Bảng 2.3: Thỏa thuận mức cắt giảm lượng phát thải nội khối EU 15 (1997) ..……35
Biểu đồ 2.4: CER theo quốc gia (2012) …………………………………...…..….44
Biểu đồ 2.5: Lượng phát thải khí nhà kính thực tế và mục tiêu của các bên Phụ lục I
tham gia Nghị định thư Kyoto (không tính LULUCF) ………………...…..……..46
*****


v


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Biến đổi khí hậu đang và sẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của
cả nhân loại vì ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của nó tới đời sống con người
trên khắp thế giới. Không cần những nghiên cứu khoa học phức tạp, những hiểu biết
sâu sắc mỗi người chúng ta cũng nhận thấy rõ ràng những bằng chứng của biến đổi
khí hậu và hậu quả của nó. Thiên tai và những hiện tượng tự nhiên bất thường xảy ra
với tần suất nhiều hơn và mức độ khủng khiếp hơn. Tất cả các khu vực, mọi quốc gia
đều hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng của những hiện tượng này; và thiệt hại
không chỉ tính về của cải mà còn bao gồm cả mạng sống của con người. Tuy nhiên,
đây lại không phải là vấn đề mà một quốc gia, một khu vực có thể giải quyết đơn lẻ,
riêng rẽ. Nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ trên phạm vi quốc tế để có thể giải quyết
những hậu quả đã xảy ra và giảm thiểu ảnh hưởng trong tương lai.
Nghị định thư Kyoto ra đời đánh dấu một mốc quan trọng, một bước tiến mới
trong quá trình hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc nhiều quốc gia thống nhất
được với nhau những hành động cụ thể để hạn chế các hoạt động tiếp tục gây nguy
hại cho môi trường là điểm cốt lõi của khuôn khổ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ, một cường quốc “đóng góp tích cực” làm ảnh hưởng xấu đến
môi trường qua các hoạt động sản xuất của mình lại từ chối tham gia Nghị định thư
này. Điều này dấy lên một cuộc tranh luận căng thẳng giữa các nhóm quốc gia và các
quốc gia trong nội bộ mỗi nhóm, dựa trên tiêu chí mức thu nhập khác, nền sản xuất.
Những thống nhất và bất đồng đều được phản ánh rõ ràng trong những nỗ lực xây
dựng một văn bản hợp tác quốc tế mới sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào
năm 2015.
Quá trình hợp tác và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn diễn tiến liên tục, đòi
hỏi việc giải quyết mâu thuẫn giữa các chủ thể phải được tiến hành nhanh chóng. Đây


1


là cả một tổng thể những tương tác của các yếu tố khác nhau, các chủ thể khác nhau.
Sự tương tác này cũng không diễn ra theo logic thời gian không gian đơn thuần mà
còn chịu ảnh hưởng từ những quá trình tương tác khác. Đặc biệt trong thời kỳ sau khi
kết thúc giai đoạn I của Nghị định thư Kyoto từ cuối năm 2012, mối quan hệ giữa các
bên tham gia ảnh hưởng trực tiếp kết quả đảm phán và tương lai của việc hợp tác. Tất
cả những yếu tố đó tạo nên sự phức tạp của vấn đề. Mong muốn tiếp cận vấn đề hợp
tác quốc tế này trên góc độ quan hệ quốc tế, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài:
Nghị định thư Kyoto và Hợp tác quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, tác
giả mong muốn có thể đánh giá được chính xác hơn triển vọng của quá trình hợp tác
này trong tương lai.

2. Tình hình nghiên cứu
Như đã đề cập ở trên, vấn đề biến đổi khí hậu nói chung và hợp tác quốc tế
ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng là một trong những vấn đề nóng bỏng trên thế
giới hiện nay, tốn không ít giấy mực của cả các phương tiện thông tin truyền thông
và giới nghiên cứu của nhiều quốc gia. Có hàng trăm đầu sách, hàng nghìn bài nghiên
cứu được xuất bản trong nhiều năm qua bàn luận về đề tài này với những phân tích
đánh giá trên những khóc độ khác nhau. Có thể nói đây là một kho tài liệu vô cùng
phong phú, thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nguồn tư liệu viết về đề tài này, kể cả tài liệu nghiên
cứu và tài liệu dịch, lại tập trung vào khía cạnh khoa học và kinh tế của vấn đề. Một
trong những nguồn tư liệu chính thống với thông tin, số liệu, cùng với các đánh giá
và khuyến nghị có giá trị là Báo cáo thường niên về việc tham gia thực hiện Nghị
định thư Kyoto của Việt Nam. Đây là báo cáo do cơ quan chuyên trách về hoạt động
tham gia của Việt Nam trong Nghị định thư Kyoto chuẩn bị. Cơ quan này trực thuộc
Bộ Tài nguyên và Môi trường và cùng phối hợp với những ban ngành liên quan khác.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đệ trình lên Thủ tướng chính phủ và
được phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (2011). Chiến lược này được

2


coi là nhằm xác định rõ các nguồn lực, và các điểm mạnh-yếu của Việt Nam trong
giai đoạn mới ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, trong các chuyên ngành
khác nhau, nhiều tác giả cũng đã giới thiệu các công trình nghiên cứu tập trung khai
thác một khía cạnh cụ thể trong chủ đề lớn về Nghị định thư Kyoto. Trong lĩnh vực
kinh tế - tập trung nghiên cứu tác động tới kinh tế vĩ mô và hiệu quả của các cơ chế
thực hiện theo mô hình thị trường trong Nghị định thư Kyoto, có thể kể tới chuyên
đề Nghị định thư Kyoto và cơ chế phát triển sạch CDM của PGS.TS. Bùi Xuân Hồi,
hay bài báo khoa học Thị trường carbon và triển vọng tại Việt Nam của nhóm tác giả
Vi Thùy Linh, Nguyễn Thu Hường và Chu Thị Hồng Huyền. Một số nghiên cứu của
Viện khoa học xã hội lại tập trung khai thác khía cạnh sự thích nghi của đời sống
người dân địa phương với hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận môi trường này
Ngoài ra, trong ngành khí tượng, thủy sản, lâm nghiệp, v.v. cũng có nhiều nghiên cứu
khác nhau về những diễn biến và ảnh hưởng đối với ngành cụ thể.
Mặc dù vậy, những tác phẩm tiếp cận vấn đề trên góc độ quan hệ quốc tế chưa
nhiều. Muốn tiếp cận với vấn đề trên khía cạnh này, chúng ta buộc phải tiếp cận thông
qua những nguồn tư liệu của giới học giả nước ngoài, trong giai đoạn khoảng 25 năm
qua. Có thể kể đến cuốn The Kyoto protocol: International climate policy for the 21st
century (Nghị định thư Kyoto: chính sách khí hậu quốc tế cho thế kỷ XXI) của Oberthur và Ott năm 1999 đã ghi lại một cách chi tiết diễn biến của quá trình đàm phán
Nghị định thư Kyoto, là một trong những nguồn tư liệu về lịch sử hợp tác môi trường
thế giới. Có nhiều bài báo khoa học và sách tập trung nghiên cứu một trong số nhiều
bên tham gia vào Nghị định thư Kyoto, phân tích các mối liên hệ về kinh tế, chính trị
và quan hệ quốc tế giữa những bên cụ thể này đối với vấn đề thảo luận của thỏa thuận
quốc tế về môi trường này, The BRIC and climate change (Nhóm BRIC và biến đổi
khí hậu) của R. Leal-Arcas năm 2013, Climate change and Amerian foreign policy

(Biến đổi khí hậu và chính sách đối ngoại Hoa Kỳ) của P. Harris năm 2000,
Globalizing European Union Environmental Policy (Toàn cầu hóa chính sách môi
trường của Liên minh châu Âu) của R.D. Kelemen năm 2009, v.v. Và gần đây bàn
tới quá trình đàm phán trong các thỏa ước quốc tế về biến đổi khí hậu là cuốn The
3


politics of climate change negotiation (Chính trị trong đàm phán biến đổi khí hậu)
của C. Downie năm 2014.
Tóm lại, trong chủ đề Nghị định thư Kyoto nói riêng và biến đổi khí hậu hay
môi trường nói chung, về khía cạnh quan hệ quốc tế giữa các bên tham gia, nguồn tư
liệu của Việt Nam so với phương Tây còn tương đối hạn chế về số lượng. Đây là một
thách thức đối trong việc tiến hành nghiên cứu, nhất là để tránh việc bị chi phối bởi
góc nhìn của các học giả nước ngoài.

3. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu của luận văn là làm rõ ý nghĩa và tác động của Nghị định thư Kyoto
nói riêng và hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung tới các mối quan
hệ quốc tế phổ biến. Với mục tiêu như trên, trong quá trình thực hiện luận văn, một
số nhiệm vụ cụ thể để tập trung làm rõ câu hỏi nghiên cứu của đề tài được đề ra như
sau:
 Thứ nhất: Tại sao nghị định thư Kyoto lại đóng vai trò dấu mốc trong hợp tác
quốc tế về biến đổi khí hậu?
 Thứ hai: Nghị định thư Kyoto nêu ra những nội dung gì? Quá trình thực hiện ra
sao? Có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào trong quan hệ quốc tế?
 Thứ ba: Triển vọng hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu hậu Kyoto sẽ có kịch
bản như thế nào?

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Nghị định thư Kyoto, một văn bản hợp

tác quốc tế được nhiều quốc gia tham gia, nhưng cũng có những cường quốc từ chối
gia nhập mà Hoa Kỳ là điển hình. Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu là một vấn
đề cấp bách và phức tạp, chính vì vậy, luận văn tập trung vào nghiên cứu Nghị định

4


thư Kyoto như là một điển hình của quá trình hợp tác này. Từ đó nêu ra được những
thuận lợi và khó khăn của quá trình hợp tác và có những đề xuất phù hợp.
Phạm vi nghiên cứu cũng được đặt ra rõ ràng như sau:
 Về thời gian: luận văn sẽ tập trung xem xét quá trình hợp tác quốc tế ứng phó với
biến đổi khí hậu từ thời điểm ra đời Nghị định thư Kyoto (năm 1997) cho tới nay.
Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện hơn, luận văn cũng sẽ giới thiệu khái lược về
quá trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này trước thời điểm năm 1997, xem xét
nó như một yếu tố tiền đề cho sự ra đời Nghị định thư Kyoto.
 Về vấn đề: với định hình trong nhóm ngành Quan hệ quốc tế, luận văn không đi
sâu vào phân tích khía cạnh khoa học của vấn đề biến đổi khí hậu, mà xem xét
Nghị định thư Kyoto trong bối cảnh hợp tác quốc tế.

5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sẽ sử dụng một số phương pháp khác nhau trong nghiên cứu Quan
hệ quốc tế để giải quyết từng nhiệm vụ nghiên cứu và đạt được mục tiêu nghiên cứu
chung của đề tài.
 Phương pháp lịch sử sẽ được sử dụng để tái hiện lại lịch sử hợp tác quốc tế trong
vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời làm rõ quá trình hình thành và đi
vào thực tế của Nghị định thư Kyoto.
 Phương pháp phân tích sẽ giải quyết việc bóc tách vấn đề và làm rõ nguyên nhân
của từng động thái mà các chủ thể quan hệ quốc tế thể hiện trong khuôn khổ hợp
tác của Nghị định thư Kyoto này.
 Phương pháp so sánh sẽ hỗ trợ tìm ra sự tương đồng và khác biệt của Nghị định

thư Kyoto với các cơ chế và khuôn khổ hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu toàn
cầu; từ đó chỉ ra ưu điểm và hạn chế của văn bản này.

5


 Phương pháp nghiên cứu trường hợp đi sâu vào trường hợp cụ thể của Nghị định
thư Kyoto, tổng kết và đánh giá những kết quả và hạn chế để đưa ra dự báo cho
tương lai của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
 Phương pháp lý thuyết trò chơi: áp dụng một số lý thuyết trò chơi phổ biến trong
quan hệ quốc tế để đánh giá khả năng của các kịch bản khác nhau của việc hợp
tác quốc tế.

6. Kết cấu của luận văn
Về cơ bản, kết cấu của luận văn này bao gồm ba chương, mỗi chương tập trung
giải quyết một nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể được nêu ra như đã trình bày ở trên. Cụ
thể ba chương của khóa luận này là:
 Chương 1: Vấn đề biến đổi khí hậu và sự ra đời của Nghị định thư Kyoto.
Ở chương này, bối cảnh ra đời của Nghị định thư Kyoto được tập trung làm rõ. Từ
đó, có thể thấy rõ vai trò và ý nghĩa của thỏa ước quốc tế này trong tiến trình hợp tác
quốc tế về biến đổi khí hậu.
 Chương 2: Nghị định thư Kyoto và việc thực hiện.
Nội dung của chương này nêu lên những vấn đề chính trong quá trình thực hiện Nghị
định thư Kyoto trên thực tế, và tác động của những vấn đề này tới tiến trình hợp tác
quốc tế và quan hệ giữa các quốc gia nói chung. Kết quả của Nghị định thư này cũng
được đánh giá trên góc nhìn quan hệ quốc tế.
 Chương 3: Các nỗ lực hợp tác quốc tế hậu Kyoto.
Chương này đánh giá những diễn biến hậu Kyoto cho tới thời điểm hiện tại, đồng
thời nêu lên những kịch bản có thể xảy ra đối với mô hình hợp tác quốc tế này trong
tương lai.


6


Chương 1
1.1.

VẤN ĐỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU &
SỰ RA ĐỜI CỦA NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

Vấn đề biến đổi khí hậu
Như đã nêu trong phần mở đầu, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề

toàn cầu nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều chủ thể: từ chính
quyền địa phương tới Liên Hợp Quốc (United Nations – UN), từ chuyên ngành khí
tượng học tới nhóm ngành kinh tế, từ giới đại chúng phổ thông tới các nhà khoa học.
Tính chất toàn cầu của biến đổi khí hậu thể hiện ở sự ảnh hưởng tới mọi khía cạnh,
mọi đối tượng, mọi quốc gia. Mặc dù phạm vi và mức độ ảnh hưởng của vấn đề biến
đổi khí hậu là không nhỏ tới đời sống, con người hiện tại vẫn chưa có phương thức
nào kiểm soát khí hậu nói chung và các biến đổi khí hậu nói riêng. Cũng chính vì thế,
nhiều khía cạnh của vấn đề toàn cầu này đã và đang được nghiên cứu để kịp thời đề
xuất những phương án ứng phó phù hợp.
Việc tìm hiểu cụ thể về khái niệm, thực trạng và nguyên nhân của vấn đề biến
đổi khí hậu sẽ góp phần làm rõ thêm các khía cạnh của vấn đề toàn cầu này trong các
nghiên cứu nói chung, và trong phạm vi thảo luận của luận văn này nói riêng.
1.1.1. Khái niệm và thuật ngữ
Hiện tượng “biến đổi khí hậu” bắt đầu được quan tâm, nghiên cứu từ sớm và
ngày càng trở thành một trong những đề tài nghiên cứu giữ vị trí trung tâm. Ngành
khí tượng học là một ngành khoa học có lịch sử lâu đời cùng với sự phát triển của xã
hội từ thời cổ đại. Chính vì vậy những ‘thay đổi’, ‘biến động’, ‘sai biệt’ trong tiến

trình khí hậu đã được các nhà khoa học trong ngành phát hiện, ghi nhận, và tiến hành
tìm hiểu, phân tích. Số lượng nghiên cứu tăng lên và các nghiên cứu trở nên tập trung
hơn một cách đáng kể trong những thập niên sau khi Chiến tranh Thế giới Thứ hai
kết thúc. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn gặp khó khăn để thống nhất nhất với nhau
về mặt khái niệm và các tiêu chuẩn của hiện tượng tự nhiên này.

7


Nhiều quan điểm không tương đồng được các nhà khoa học đưa ra dẫn tới sự
phân nhánh trong nghiên cứu. Những khác biệt trong các định nghĩa học thuật liên
quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu do sự khác biệt trong cơ sở khoa học mà các
nhà nghiên cứu áp dụng. Cụ thể hơn, đó là sự khác biệt về nguyên nhân (được cho là)
gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu; mức độ của những thay đổi cũng như ảnh hưởng
của hiện tượng này; và khung thời gian áp dụng để đo đạc những chỉ số vừa nêu1.
Như vậy, chỉ trong phạm vi của riêng ngành khí tượng học đã xuất hiện việc không
thống nhất quan điểm trong việc định nghĩa hiện tượng này, chưa kể tới các lĩnh vực
liên quan khác.
Cân nhắc về sự đa dạng của các định nghĩa, đặc trưng của chuyên ngành Quan
hệ quốc tế, và phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả lựa chọn định nghĩa của Công
ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC) để làm cơ sở cho các phân tích tiếp theo
trong luận văn. Theo đó, biến đổi khí hậu là “sự biến đổi của khí hậu do ảnh hưởng
trực tiếp hoặc gián tiếp từ hoạt động của con người; những hoạt động này thay đổi
cấu tạo của khí quyển trái đất và tác động thêm vào quá trình biến đổi khí hậu tự
nhiên được ghi lại qua chu kỳ thời gian.”2. Bằng định nghĩa này, UNFCCC thay vì
nghiên cứu bao quát tất cả các nguồn gốc của biến đổi khí hậu, tập trung vào hiện
tượng biến đổi khí hậu mà tác nhân là các hoạt động do con người làm chủ thế. Bằng
việc xác định này, UNFCCC cũng gián tiếp vạch ra phương án ứng phó với vấn đề
toàn cầu này, đó là xu hướng hạn chế các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp của con
người có khả năng gây ra biến đổi khí hậu.

Cũng cần lưu ý thêm, rằng định nghĩa về biến đổi khí hậu nêu trên do UNFCCC nêu ra là có chủ đích nhằm nhấn mạnh tính nghiêm trọng và cấp thiết của hiện
tượng ấm lên toàn cầu. Nhiều tổ chức nghiên cứu, điển hình như Cơ quan Hàng không
và Vũ trụ quốc gia của Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration –

1
2

(Landsberg, 1976, p. 52)
(UNFCCC, 1992, p. Article 1)

8


NASA), lựa chọn sử dụng tách biệt hai khái niệm “biến đổi khí hậu” (bao gồm nhiều
biểu hiện khác biến thiên của khí hậu) và “ấm lên toàn cầu”3. Đây chính là điểm đáng
lưu ý khi phân phân tích kế hoạch hành động của UNFCCC trong đó có Nghị định
thư Kyoto.
1.1.2. Thực trạng và hậu quả của vấn đề biến đổi khí hậu
Diễn biến của tình trạng biến đổi khí hậu, hay nhất là sự ấm lên toàn cầu, đang
ngày càng trở nên phức tạp và đáng lo ngại. Trong khoảng một thế kỷ vừa qua, theo
ước tính, trái đất nóng lên khoảng 0.75ºC. Tuy nhiên, việc tăng nhiệt độ của trái đất
diễn ra liên tục với mức độ mạnh nhất trong khoảng ba thập kỷ gần đây nhất (lấy năm
1850 làm mốc nghiên cứu của hiện tượng này).4 Sự tăng nhiệt độ bề mặt trái đất được
ghi nhận từ khoảng thời gian năm 1880. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, dấu mốc
những năm 1970 đánh dấu sự gia tăng nhanh và mạnh nhất. (Xem thêm Phụ lục 1)
Quá trình tăng nhiệt diễn ra ở tất cả các môi trường, bề mặt đất liền, bề mặt đại dương,
không khí gần bề mặt, không khí trên mặt đại dương. Như vậy có thể thấy hiện tượng
tăng nhiệt độ này là đồng nhất.5
Sự tăng nhiệt độ của trái đất cũng có thể coi là là nguyên nhân trực tiếp cho
những diễn biến phức tạp khác của khí hậu. Các nhà nghiên cứu và các tổ chức khoa

học, xã hội đồng ý với nhau về danh sách những chỉ số phổ biến dùng để đo mức độ
ảnh hưởng của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Những chỉ số này hiện tại đều ở mức đáng
quan ngại: (1) Mực nước biển dâng cao. Theo tính toán mực nước của các đại dương
đã dâng cao khoảng 17 cm trong vòng một thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, đáng báo động
hơn khi con số này của riêng thập kỷ trước đã gần gấp đôi so với thế kỷ XX6. (2)
Nhiệt độ khí quyển và bề mặt (đại dương và đất) tăng. (3) Băng tan ở hai cực và các
vùng băng vĩnh cửu cũng như diện tích tuyết bao phủ giảm. (4) Các hiện tượng thời
tiết khắc nghiệt như sa mạc hóa, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sương khói, bão, v.v. xảy
3

(Conway, 2008)
(Stocker et al., (eds.), 2013)
5
(NASAb, 2015)
6
Tài liệu đã dẫn.
4

9


ra ngày một thường xuyên hơn và mức độ nặng nề hơn trên mọi khu vực trên thế giới.
(5) Mưa a-xít và a-xít hóa đại dương. Theo ghi nhận, mức độ a-xít trên bề mặt đại
đương đã tăng 30%7. Việc này được cho là có ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh
thái biển. Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu khác đưa ra thêm các chỉ số khác nhau
phụ thuộc vào mục tiêu nghiên cứu của họ.
Những chỉ số về các yếu tố biến đổi trong tự nhiên vừa nêu là hậu quả trực
tiếp của vấn đề biến đổi khí hậu. Hậu quả gián tiếp thể hiện ở các vấn đề liên quan
đến đời sống kinh tế xã hội. Vấn đề sức khỏe con người với sự phát triển bất thường
của các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh không truyền nhiễm do ảnh hưởng của

tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang được nghiên cứu, dự báo. Nguồn nước, nguồn
lương thực đều bị đe dọa và ở trong tình trạng đáng báo động khi sự nóng lên toàn
cầu vẫn liên tục diễn ra mạnh trên diện rộng ở khắp nơi trên thế giới. Xã hội và các
nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng từ vấn đề này. Ví dụ, theo báo cáo của Ủy ban châu
Âu (European Commission – EC), trong vòng ba thập kỷ, từ năm 1980, lũ lụt ở châu
Âu đã khiến hơn 2.500 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới 5,5 triệu người khác và làm
thiệt hại 90 tỉ Euro cho nền kinh tế châu Âu8. Di cư vì lý do khí hậu vừa là hệ quả của
vấn đề, vừa cùng với các hệ quả kinh tế khác đóng góp vào nguyên nhân gây ra chiến
tranh và xung đột ở một số khu vực trên thế giới. Như vậy, chỉ với những hệ quả kinh
tế xã hội chính nêu trên, chúng ta cũng có thể thấy được thực trạng đáng báo động
của vấn đề.9
Ở Việt Nam, hậu quả về điều kiện tự nhiên và trong đời sống kinh tế xã hội
đều được ghi nhận, đặc biệt trong những thập kỷ gần đây. Mực nước biển dâng cao
20-30cm so với những năm 1960. Biên độ dao động nóng lạnh giữa các mùa diễn ra
thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn. Nhiều diễn biến thiên tai trong những
năm gần đây như bão lớn, tuyết và băng giá đột biến ở vùng núi phía Bắc, lũ lụt, hạn
hán, cháy rừng trên địa bàn cả nước, đã gây ra những hậu quả nặng nề về người và
7

(Allison et al., 2009)
(EC, 2013)
9
(EC, 2014)
8

10


của. Những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của chính phủ ở các vùng sâu vùng xa có nguy
cơ thất bại, và điều này gây tổn hại kinh tế nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia và

các mục tiêu phát triển bền vững khác.10
Chiến lược quốc gia về Biến đổi Khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường đệ
trình và Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2011 cũng đã chỉ rõ kịch bản diễn biến
của tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong những thập kỷ tiếp theo và những
nguy cơ tiếp sau. Trong khi đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng
trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề nhất khi mực nước biển tiếp tục dâng cao, đồng
bằng sông Hồng cũng sẽ bị ngập úng cục bộ. Ước tính tổn thất kinh tế của Việt Nam
trong kịch bản xấu nhất này là khoảng 10% GDP và khoảng 10 tới 12% dân số sẽ bị
ảnh hưởng trực tiếp.11 Như vậy, không chỉ cộng đồng khoa học mà chính phủ và các
cấp quản lý cũng đã nhận thức rõ nguy cơ và những thiệt hại đáng kể mà Việt Nam
phải gánh chịu từ diễn biến của vấn đề biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
1.1.3. Nguyên nhân của tình trạng biến đổi khí hậu
Ghi nhận những diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, cộng đồng
khoa học quốc tế nỗ lực tìm kiếm các phương án ứng phó với vấn đề này. Tìm kiếm
nguyên nhân là một bước quan trọng để tối ưu hóa các giải pháp đề ra. Hầu hết các
nhà khoa học đều thống nhất với quan điểm rằng sự gia tăng “hiệu ứng nhà kính” là
nguyên nhân mấu chốt của vấn đề. Các “khí nhà kính” chính như CO2, N2O, CH4,
CFCs, H2O (hơi nước) và một số khí khác12 đóng vai trò giữ lại nhiệt trong khí quyển
và dẫn tới tình trạng nóng lên toàn cầu. Cũng chính vì vậy, mọi giải pháp hiện tại đều

(P.V. Tân & N.Đ. Thành, 2013)
(Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2011)
12
Trong khi CO2, N2O, CH4, CFCs, và một số khí khác có vai tác động hóa học trong quá
trình hình thành “lưới” giữ nhiệt khí quyển, H2O (hơi nước) đóng vai trò tác động vật lý, khi
một lượng hơi nước lớn (cũng chính là hệ quả trực tiếp của quá trình ấm lên toàn cầu) tạo
thành các đám mây dày hơn và nhiều hơn, góp phần vào cơ chế giữ nhiệt trong khí quyển.
(NASAa, 2015)
10
11


11


đang tập trung vào việc kiểm soát và hạn chế việc phát thải các khí nhà kính vào bầu
khí quyển.13
Biểu đồ 1.1: Sự phát thải các khí nhà kính trên toàn cầu (2007)
(a) Sự phát thải các khí nhà kính trên toàn cầu từ năm 1970 đến 2004
(b) Sự phân bố tỉ lệ phát thải của các khí trong nhóm khí nhà kính tính theo cách tính CO2 tương
đương (CO2-eq)14
(c) Sự phân bố tỉ lệ
Nguồn: Hình SPM3 (IPCC, 2007)
Chú thích
(a) và (b)
Da cam: CO2 từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch
Vàng: CO2 từ phá rừng và phân hủy tự nhiên
Xanh nhạt: CH4 từ nông nghiệp, rác thải và
năng lượng
Tím: N2O từ nông nghiệp và các nguồn khác
Xanh đậm: Các khí F

(c)
Xanh dương: Nguồn cung năng lượng
Vàng: Vận tải
Ghi: Các tòa nhà trong sinh cư và thương mại
Đỏ: Công nghiệp
Xanh lá cây nhạt: Nông nghiệp
Xanh lá cây đậm: Rừng
Trắng: Rác thải và nước thải


13

(Tham khảo C.J. Jepma & Munasinghe, M., 1998, Hardy, 2003, IPCC, 2007, NASAa, 2015)
CO2-eq, hay CO2 tương đương, là sự quy đổi tương đương khi so sán khả năng làm nóng trái
đất của các khí khác với khả năng này của CO2 trong một khoảng thời gian cụ thể.
14

12


Trong nhóm các khí nhà kính, CO2 là khí chiếm tỉ lệ cao nhất do đây là loại
khí dễ dàng hình thành trực tiếp hoặc gián tiếp từ các mọi hoạt động của đời sống con
người: từ sản xuất năng lượng, nông nghiệp, các ngành công nghiệp cho tới việc di
chuyển hàng ngày bằng phương tiện có động cơ chạy bằng nhiên liệu có nguồn gốc
từ năng lượng hóa thạch. (Xem thêm Phụ lục 2)
Theo một kết quả nghiên cứu của NASA, trong lịch sử 650.000 năm gần đây
nhất của trái đất, lượng CO2 chỉ bắt đầu tăng liên tục ở mức kỷ lục và không có tín
hiệu giảm từ điểm mốc vào năm 195015. (Xem thêm phụ lục 3) Đây là mặt trái của sự
phát triển mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất công nghiệp và đời sống hiện đại. Và
vì thế, biện pháp ứng phó khả thi nhất chính là bắt đầu từ việc điều chỉnh hành vi sản
xuất và sinh hoạt của con người để hướng tới việc giảm phát thải của các khí nhà
kính, trong đó chủ yếu là CO2.

1.2.

Quá trình hợp tác quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu trước Nghị định
thư Kyoto
Như đã phân tích ở trên, vấn đề biến đổi khí hậu, hay nhất là sự ấm lên toàn

cầu, được nhìn nhận và phân tích theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Đối với cách

tiếp cận của ngành quan hệ quốc tế, vấn đề này không còn thuần túy là một điểm nóng
về môi trường nữa. Biến đổi khí hậu đã trở thành một đề tài của các thảo luận trong
các chủ đề hợp tác toàn cầu như di cư, an ninh và phát triển, đặc biệt là phát triển bền
vững. Điều này thể hiện rõ ở trong định nghĩa của UNFCCC về biến đổi khí hậu16.
Theo đó, một trong những vấn đề được nhấn mạnh đó là nguồn gốc của việc gia tăng
lượng phát thải khí nhà kính xuất phát từ các nước phát triển trong những thập niên
sau Chiến Tranh Thế giới Thứ hai. Tổ chức này cũng dự đoán tỉ lệ phát thải CO2 sẽ

15
16

(NASA/GISS, 2015)
(Vlassopoulos, 2012)

13


lớn dần từ nhóm các nước đang phát triển trong thời điểm hiện tại “để đạt được những
nhu cầu về phát triển xã hội và kinh tế” của những nước này17.
Năm 2000, “bảo đảm môi trường bền vững” đã trở thành một trong tám mục
tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals - MDGs) do Liên Hợp
Quốc khởi xướng18. Nhưng không phải đợi tới sự ra đời và thực hiện MDGs vấn đề
biến đổi khí hậu mới được quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Đây là một quá trình hợp
tác lâu dài, nhiều thử thách và thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể trong quan hệ
quốc tế, trong đó có các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, và các quốc gia.
Mặc dù nghị định thư Kyoto được coi là dấu mốc quan trọng, quá trình hợp
tác quốc tế trong vấn đề này đã diễn ra từ trước đó, mở rộng dần về quy mô và mức
độ hợp tác giữa các bên. Tìm hiểu khái quát về quá trình hợp tác quốc tế này trước
thời điểm ra đời của Nghị định thư Kyoto sẽ giúp hiểu thêm về bối cảnh và ý nghĩa
của văn bản này.

1.2.1. Hợp tác liên chính phủ
Hợp tác liên chính phủ trong vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí
hậu được ghi nhận diễn ra sớm hơn so với hợp tác của khối phi chính phủ; tuy nhiên
diễn tiến và chương trình hành động trong khuôn khổ những hợp tác này trong thời
gian đầu chưa thực sự tạo được dấu ấn và ảnh hưởng tích cực. Xuất phát điểm đầu
tiên của các hợp tác liên chính phủ bắt đầu từ những năm 1970. Năm 1972, Liên hợp
quốc tổ chức Hội thảo về Con người và Môi trường19. Sự kiện này đồng thời đánh
dấu sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (United Nations
Environment Programme – UNEP). Mặc dù được khởi động từ khá sớm, sau Hội nghị
năm 1972 có quy mô toàn cầu, trong vòng hơn một thập kỷ tiếp theo, các hợp tác liên
chính phủ trong lĩnh vực này chủ yếu diễn ra ở cấp độ khu vực. Đến năm 1987, một
17

(UNFCCC, 1992)
(UN, 2015)
19
Hội thảo về Con người và Môi trường (Conference on the Human Environment) được tổ
chức tại Stockholm Thụy Điển ngày 5-6/6/1972. Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định chọn
ngày 5/6 là Ngày Môi trường Thế giới và tổ chức kỷ niệm sự kiện này hàng năm bắt đầu từ
1972.
18

14


hội nghị quốc tế có quy mô toàn cầu tiếp theo mới được tổ chức tại Montreal và Nghị
định thư Montreal20 được thông qua. Dấu mốc lớn tiếp theo của tiến trình hợp tác liên
chính phủ trong vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là Hội nghị
Thượng đỉnh Trái đất (The Earth Summit) tại Rio de Janeiro và sự ra đời của
UNFCCC năm 1992.

Trở lại thời điểm năm 1988, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu
(Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) ra đời. Đây là kết quả của
những cuộc gặp gỡ của giới khoa học ở Villach, Bellagio và Toronto để thảo luận về
việc tổ chức một cơ chế quốc tế hoạt động nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí
hậu toàn cầu. Ở thời điểm mới thành lập, mục tiêu của Ủy ban này chủ yếu nhằm
cung cấp phổ biến rộng rãi các kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề biến đổi khí
hậu, và tăng cường các mối liên hệ với các hoạt động chính trị của các chính phủ.
Quan trọng hơn, tại thời điểm đó, IPCC đóng vai trò tích cực trong quá trình thảo
luận, xây dựng UNFCCC21.
Sự ra đời của UNFCCC (sẽ được phân tích cụ thể hơn ở phần sau) là một bước
ngoặt đối với quá trình hợp tác trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các
tổ chức phi chính phủ trên phạm vi thế giới. Trong Công ước này có nêu rõ “Bất cứ
cá nhân, hay tổ chức nào, dù ở cấp quốc gia hay quốc tế, chính phủ hoặc phi chính
phủ, đủ điều điện trong các vấn đề nêu trong Công ước… đều được tham dự [các
phiên đàm phán và các cuộc họp] trừ phi ít nhất một phần ba các bên tham gia phản
đối”22. Sau này, nhiều thỏa thuận quốc tế khác về vấn đề môi trường đều kết nối với
các chủ thể phi chính phủ, tuy nhiên UNFCCC là cơ chế quốc tế có tính pháp lý đầu
tiên trong vấn đề này. UNFCCC, mặc dù được hình thành trên thỏa thuận giữa các
chính phủ cấp quốc gia, đã đặt nền tảng cho sự hợp tác quốc tế toàn diện và hiệu quả
Nghị định thư Montreal là một nghị định thư trong khuôn khổ Công ước Viên về Bảo vệ
tầng Ozon (Vienna Convention for the Protection of the Ozone Layer 1985). Nghị định thư này
là một thóa ước quốc tế được 196 quốc gia phê duyệt nhằm bảo vệ tầng Ozon bằng cách loại
bỏ dần việc sản xuất nhiều nhất gây suy giảm tầng Ozon.
21
(UN, 2015, p. 212)
22
(UNFCCC, 1992, p. Article 7)
20

15



hơn trong nỗ lực ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, với sự góp mặt của
các chủ thể phi chính phủ.
Với xuất phát điểm là một nỗ lực hợp tác liên chính phủ, IPCC và nỗ lực đóng
góp cho sự ra đời của UNFCCC đã quay trở lại củng cố, hỗ trợ và thúc đẩy quá trình
hợp tác quốc tế của các chủ thể phi chính phủ. Các tổ chức này cũng hình thành những
nhóm hoạt động chuyên biệt hơn, như Mạng lưới Hành động vì Khí hậu (Climate
Action Network – CAN), tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), hay WorldWatch
Institute, v.v. Những nhóm này có mục tiêu tạo ra một cơ chế hoạt động hiệu quả hơn
và phối hợp chặt chẽ hơn với các chương trình trong khuôn khổ UNFCCC23.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở cấp độ khu vực, các hợp tác liên chính phủ
cũng đã xuất hiện dù tần suất còn chưa nhiều và mức độ hợp tác chưa sâu. Hai ví dụ
về tiến trình hợp tác này ở Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of Sout-East
Asian Nations – ASEAN) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của Liên minh
châu Âu – European Economic Community - EEC) sẽ được giới thiệu để minh họa
cho tiến trình hợp tác quốc tế liên chính phủ này. Cần lưu ý, đây không phải là hai
tiến trình hợp tác duy nhất trên bình diện quốc tế ở thời điểm đó. Tuy nhiên, xem xét
hai tiến trình này, có thể thấy được, quá trình hợp tác giữa các quốc gia phát triển
(EEC) diễn ra mạnh mẽ hơn so với khối đang phát triển (ASEAN).
EEC. Hợp tác liên chính phủ trong vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi
khí hậu trong khu vực EEC biểu hiện chủ yếu trong các chính sách về môi trường ở
cấp khu vực. Việc tập trung hóa quyền lực này cũng từng được nhìn nhận là chưa
thúc đẩy được sự tham gia của chính quyền địa phương ở các quốc gia trong khu vực
trong vấn đề này.24
Thêm nữa, ở thời điểm mục tiêu kinh tế là mối quan tâm hàng đầu trong khuôn
khổ EEC, và vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường, tiền thân của hợp tác ứng phó với
biến đổi khí hậu, được tiếp cận trên góc độ kinh tế. Theo đó, Điều 100 trong Hiệp
23
24


(Giorgetti, 1998, p. 127)
(Haigh, 1986, p. 197)

16


ước EEC là cơ sở về mặt pháp lý để Tòa án Ủy ban châu Âu cho phép Ủy ban của
EEC ban hành những chính sách về môi trường áp dụng cho tất cả các quốc gia trong
khối này. Những chính sách này nhằm mục đích dung hòa những khác biệt trong các
quy định về môi trường ở các quốc gia khác nhau có thể làm ảnh hưởng tới thị trường
chung trong khu vực và vị thế cạnh tranh của các công ty. Năm 1972, Hội nghị thượng
định Paris25 đã đạt được một bước tiến lớn về chính trị và pháp lý, khi các nguyên thủ
quốc gia trong khối thống nhất rằng, phát triển kinh tế cần phải đồng hành cùng với
sự tiến bộ trong chất lượng cuộc sống, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực bảo vệ môi
trường.26
Ngoài ra, sự chuyển đổi vai trò “lãnh đạo” thúc đẩy tiến trình hợp tác quốc tế
trên phạm vi thế giới từ Hoa Kỳ sang EC trong thập niên từ 1970 đến đầu 1990 cũng
là một điểm đáng chú ý. Thay đổi này ngoài việc là biểu hiện của những cải tổ chính
trị trong nội bộ khu vực, còn phản ánh sức ảnh hưởng đáng kể của một nhóm các
quốc gia trong các chương trình hành động, trong đó có chính sách về môi trường và
biến đổi khí hậu.27 Các quốc gia EC tại thời điểm đó và sau này là EU, đã sớm nhận
thức được mối liên hệ trực tiếp giữa thịnh vượng về kinh tế và chất lượng cuộc sống,
trong đó có yếu tố môi trường. Từ đó có những chính sách mạnh mẽ hơn nhằm ứng
phó với những biến đổi tiêu cực của môi trường.
ASEAN. Cũng giống như khối EU (tiền thân là EEC và EC), ASEAN cũng đặt
những quan ngại về vấn đề môi trường lên bàn đàm phán từ khá sớm, năm 1977.
ASEAN thể thức hóa hợp tác này bằng việc ấn định các Cuộc họp cấp Bộ trưởng về
Môi trường (ASEAN Ministerial Meeting on the Environment – AMME) diễn ra ba
năm một lần. Bên cạnh đó là các thảo luận của nhóm Các Quan chức cấp cao về Môi

trường (ASEAN Senior Officials on the Environment – ASEON) họp thường niên.
Trong khi AMME mang tính định hướng thông qua cac quyết định về chính sách,

Vào thời điẻm này, EEC đã phát triển thành Cộng đồng châu Âu (European Community EC)
26
(Jans, 1993, p. 8)
27
(Kelemen, 2009, p. 3)
25

17


×