I – Quan hệ pháp luật dân sự
1. Khái niệm
Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ xã hội được quy phạm pháp
luật điều chỉnh. Quan hệ pháp luật dân sự là một dạng quan hệ pháp luật, vì vậy,
nó mang đầy đủ đặc tính của quan hệ pháp luật về bản chất xã hội, bản chất pháp
lý, tính cưỡng chế nhà nước.
2. Đặc điểm các quan hệ pháp luật dân sự
- Chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự đa dạng bao gồm cá nhân, pháp nhân,
hộ gia đình, tổ hợp tác. Tuy nhiên khi tham gia vào quan hệ dân sự, các chủ thể
độc lập với nhau về tổ chức và tài sản.
- Địa vị pháp lý của các chủ thể dựa trên cơ sở bình đẳng, không bị phụ thuộc
vào các yếu tố xã hội khác. Khí thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ cac
quan hệ pháp luật dán sự, các bên không được áp đặt ý chí của mình để buộc bên
kia thực hiện nghĩa vụ mà tạo điều kiện để họ có thể lựa chọn cách thức thực
hiện các quyền và nghĩa vụ sao cho có lợi nhất cho các bên.
- Lợi ích (trước tiên là lợi ích kinh tế) là tiền đề trong phần lớn các quan hệ dân
sự. Quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá – tiền tệ và được điều chỉnh bằng
các quy phạm pháp luật đã tạo điều kiện cho các chủ thể thông qua các biện pháp
pháp lý để thoả mãn nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Sự đền bù tương
đương là đặc trưng của quan hệ tài sản mang tính chất hàng hoá – tiền tệ do luật
dân sự điều chỉnh. Bởi vậy, bồi thường toàn bộ thiệt hại là đặc trưng của trách
nhiệm dân sự. Quan hệ dân sự chủ yếu là quan hệ tài sản, do vậy, yếu tố tài sản
là cơ sở, là tiền đề phát sinh quan hệ dân sự, cho nên đảm bảo bằng tài sản là đặc
trưng để buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của họ và bên có quyền có thể
thông qua các biện pháp đảm bảo này để thoả mãn các quyền tài sản của mình.
- Các biện pháp cưỡng chế đa dạng không chỉ cho pháp luật quy định mà có thể
tự các bên quy định về các biện pháp cưỡng chế cụ thể về hình thức áp dụng các
biện pháp cưỡng chế đó.
II - Đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự
1. Khái niệm đại diện
Theo quy định khoản 1 Điều 139 Bộ luật dân sự, đại diện là việc một
người (gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (gọi là
người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi thẩm
quyền đại diện.
Đại diện là một quan hệ pháp luật. Chủ thể của quan hệ đại diện bao gồm
người đại diện và người được đại diện. Người đại diện là người nhân danh người
được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba, vì lợi ích của người được đại
diện . Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lý từ quan hệ do
người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện. Người được đại diện
có thể là cá nhân không có năng lực hành vi, chưa đủ năng lực hành vi quy định
của pháp luật phải có người đại diện trong quan hệ pháp luật. Cá nhân có đầy đủ
năng lực hành vi có thể uỷ quyền cho người khác là đại diện theo uỷ quyền của
mình. Các chủ thể khác của quan hệ dân sự là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác
đều hoạt động thông qua hành vi của những người nhất định có thẩm quyền đại
diện cho chủ thể đó. Quan hệ đại diện có thể được xác định theo quy định của
pháp luật, có thể được xác định theo ý chí của cac chủ thể tham gia, thể hiện
bằng một giấy uỷ quyền hoặc một hợp đồng uỷ quyền. Trong phạm vi thẩm
quyền đại diện, người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, đem lại
quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện.
2. Phân loại đại diện
a. Đại diện theo pháp luật
Theo điều 140 Bộ luật dân sự thì đại diện theo pháp luật là đại diện được
xác lập theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
Đại diện được quy định theo pháp luật chung là đại diện mặc nhiên, ổn
định về người đại diện, về thẩm quyền đại diện … Đó là các trường hợp : cha,
mẹ đại diện cho con vị thành niên, người đứng đầu pháp nhân đại diện cho pháp
nhân, người giám hộ đương nhiên đại diện cho người được giám hộ, chủ hộ gia
đình đối với hộ gia đình, tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác … Đại diện theo
“quyết định của cơ quan nhà nước” là đại diện theo quyết định của cơ quan hành
chính trong những trường hợp riêng biệt. Đó là các trường hợp : người giám hộ
cử đối với người được giám hộ, người được toà án chỉ định đối với người bị hạn
chế năng lực hành vi dân sự. Trong một số trường hợp nhất định, người đứng
đầu pháp nhân có thể được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền.
b. Đại diện theo uỷ quyền
Có nhiều lý do khác nhau để cá nhân, người đứng đầu pháp nhân, chủ hộ
gia đình, người đứng đầu pháp nhân … không thực trực tiếp xác lập, thực hiện
giao dịch dân sự. Pháp luật cho phép họ có thể uỷ quyền cho người khác thay
mặt mình tham gia giao dịch.
Khoản 1 Điều 142 Bộ luật dân sự quy định : “Đại diện theo uỷ quyền là
đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại
diện”.
Khác với đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cá
nhân có thẩm quyền quyết định, đại diện theo uỷ quyền là trường hợp quan hệ
đại diện được xác lập theo ý chí của hai bên : bên đại diện và bên được đại diện,
biểu hiện thông qua một hợp đồng uỷ quyền hoặc một giấy uỷ quyền. Nội dung
uỷ quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện và trách nhiệm của người đại diện theo
uỷ quyền được xác định thông qua sự thoả thuận của người đại diện và người
được đại diện.
Uỷ quyền là phương tiện pháp lý cần thiết tạo điều kiện cho cá nhân, pháp
nhân và các chủ thể khác của quan hệ dân sự, bằng nhiều hình thức khác nhau có
thể tham gia vào giao dịch dân sự một cách thuận lợi nhất, bảo đảm thoả mãn
nhanh chóng các lợi ích vật chất , tinh thần mà chủ thể quan tâm.
Ngoại lệ, có một số trường hợp pháp luật không cho phép xác lập giao
dịch thông qua người đại diện (bất kể đại diện theo pháp luật hay theo uỷ quyền)
như lập di chúc …
Người đại diện (cả người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ
quyền) là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ngoại lệ, riêng đối với đại
diện theo uỷ quyền thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người
đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phạm vi thẩm quyền đại diện
Người đại diện thực hiện hành vi nhân danh người được đại diện. Bởi vậy,
cần phải có một giới hạn nhất định cho hành vi đó. Giới hạn này là phạm vi thẩm
quyền đại diện. Việc xác định phạm vi thẩm quyền đại diện có ý nghĩa quan
trọng : người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đó làm
phát sinh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người được đại diện. Trường hợp
không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện, thì
về nguyên tắc người đại diện phải tự chịu trách nhiệm.
Phạm vi thẩm quyền đại diện là giới hạn quyền, nghĩa vụ theo đó người
đại diện nhân danh người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với
người thứ ba.
Tuỳ thuộc vào quan hệ đại diện là đại diện theo pháp luật hay đại diện
theo uỷ quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện được xác lập khác nhau (khoản 1, 2
Điều 144 Bộ luật hình sự).
Đối với đại diện theo pháp luật thì thẩm quyền đại diện được pháp luật
quy định hoặc thể hiện trong quyết định cử người đại diện của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền. Việc xác lập quan hệ đại diện này thường không phụ thuộc vào ý
chí của người được đại diện. Người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác
lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường
hợp pháp luật quy định khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết
định khác. Trường hợp đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì
có một số nét đặc biệt riêng. Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn trực
tiếp tham gia giao kết hợp đồng nhưng với sự chấp thuận của người đại diện.
Người đại diện chỉ đóng vai trò giám sát, đồng ý hay không đồng ý cho xác lập
giao dịch. Nếu giao dịch đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích của chính người
đại diện, của những người thân thích trong gia đình của người bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự thì người đại diện cho phép người bị hạn chế năng lực hành vi
dân sự xác lập, thực hiện giao dịch.
Đối với người đại diện theo uỷ quyền thì phạm vi thẩm quyền được xác
định trong chính văn bản uỷ quyền. Người đại diện theo uỷ quyền chỉ được thực
hiện hành vi pháp lý trong khuôn khổ văn bản uỷ quyền quy định. Việc xác lập
văn bản uỷ quyền và giải quyết các tranh chấp phát sinh phải tuân thủ theo các
quy định của pháp luật về hợp đồng uỷ quyền.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người thứ ba, là người xác lập giao dịch
dân sự với người đại diện, pháp luật quy định nghĩa vụ của người đại diện phải
thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi thẩm quyền đại diện của mình
(khoản 4 Điều 144 Bộ luật dân sự). Người đại diện cũng không được thực hiện
giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là đại diện
của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 5 Điều 144 Bộ
luật dân sự). Quy định này nhằm ngăn ngừa và loại trừ những giao dịch dân sự
được xác lập, thực hiện có thể đem lại hậu quả bất lợi cho người được đại diện.
4. Chấm dứt đại diện
a. Đối với cá nhân
Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau :
- Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được
khôi phục. Trong trường hợp này, người được đại diện đã đầy đủ năng lực
hành vi dân sự để tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ và tự chiụ trách
nhiệm trước pháp luật, quan hệ đại diện không cần phải tiếp tục tồn tại.
- Người đại diện hoặc người được đại diện chết làm chấm dứt tư cách chủ
thể mọi quan hệ pháp luật của họ, trong đó có quan hệ đại diện.
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Đại diện theo uỷ quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau :
- Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành.
- Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối
việc uỷ quyền. Trong trường hợp này quan hệ uỷ quyền chấm dứt theo ý
chí của các chủ thể khi xuất hiện điều kiện để họ huỷ bỏ hoặc từ chối việc
uỷ quyền.
- Ngưòi uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị toà án tuyên bố mất
năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị toà án
tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết.
b. Đối với pháp nhân
Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt (khoản
1 Điều 148 Bộ luật dân sự). Đó là các trường hợp : hợp nhất pháp nhân, sáp nhập
pháp nhân, chia pháp nhân, giải thể pháp nhân, pháp nhân bị tuyên bố phá sản
theo quy định của pháp luật về phá sản. Pháp nhân chấm dứt đồng thời làm chấm
dứt đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp : khi hết
thời hạn uỷ quyền hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành, khi người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền, khi pháp nhân chấm
dứt hoặc người được uỷ quyền chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân
sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị mất tích hoặc là đã chết.
III – Các ví dụ cụ thể về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự.
1. Đại diện theo pháp luật
Pháp luật quy định rằng các trường hợp sau đây là mặc nhiên được coi là
đại diện theo pháp luật :
- Trường hợp thứ nhất : Con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) thì cha mẹ là
người đại diện theo pháp luật. Ví dụ như A 12 tuổi có cha là X thì X sẽ là
người đại diện theo pháp luật của A.
- Trường hợp thứ hai : Đối với người được giám hộ thì người giám hộ là đại
diện theo pháp luật. Ví dụ A có X là người giám hộ thì X là người đại diện
theo pháp luật của A.
- Trường hợp thứ ba : Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì
người được toà án chỉ định là người đại diện theo pháp luật. Toà án chỉ
định X là người đại diện theo pháp luật của A thì X là người đại diện theo
pháp luật của A.
- Trường hợp thú tư : Đối với hộ gia đình thì chủ hộ là người đại diện theo
pháp luật. A là chủ của hộ gia đình thì A chính là người đại diện theo
pháp luật của hộ gia đình.
- Trường hợp thứ năm : Đối với pháp nhân thì người đứng đầu pháp nhân là
người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Pháp nhân X có A là người đứng đầu thì A là người đại diện theo pháp
luật của X.
- Trường hợp thứ sáu : Đối với tổ hợp tác thì tổ trưởng tổ hợp tác là người
đại diện theo pháp luật. X là tổ trưởng tổ hợp tác thì X là người đại diện
theo pháp luật của tổ hợp tác.
Người đại diện về mặt quyền hạn thì thực hiện các giao dịch dân sự với tư cách
là đại diện cho người được đại diện. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng như trong
quá trình tố tụng dân sự, đã có một số sai lầm trong việc nhận định vai trò và
quyền hạn của người đại diện. Sau đây là một số ví dụ điển hình.
Ví dụ 1: vụ án tranh chấp về bảo hiểm xã hội có nội dung như sau:
Bà Nguyễn Thị S và ông Nguyễn Văn C có một con chung là cháu Nguyễn Thị
D sinh năm 1988. Năm 1990 ông C và bà S ly hôn.
Tháng 3/1995 ông C chết. Bảo hiểm tỉnh B đã giải quyết tiền mai táng phí cho
anh Nguyễn Thế A (con riêng ông C và là người trực tiếp lo mai táng cho ông C)
với số tiền bằng 8 tháng lương của ông C là 960.000đ và lập sổ trợ cấp tuất hàng
tháng cho cháu Nguyễn Thị D nhưng do anh A đứng tên trong sổ và lãnh tiền.
Bà S khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh B, yêu cầu được nhận số tiến tuất hàng
tháng của ông C mà cháu D được hưởng.
Với vụ án trên, người được hưởng quyền lợi là cháu D con bà S và ông C. Bà S
là người đại diện cho D kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh B để đòi quyền lợi, do đó
trong bản án phải xác định cháu D là nguyên đơn do bà S - mẹ của cháu D là
người đại diện. Song bản án sơ thẩm số 01/2004/LĐ-ST ngày 09/12/2004 của
Toà án nhân dân tỉnh YB lại xác định: nguyên đơn là bà S, bị đơn là Bảo hiểm xã
hội tỉnh B.
Do xác định sai tư cách đương sự (nguyên đơn) nên bản án đã quyết định: buộc
Bảo hiểm xã hội tỉnh B trả cho bà S số tiền tuất hàng tháng mà cháu D được
hưởng.
Quyết định như trên là không chính xác, vì quyết định như trên bà S sẽ là người
được sở hữu số tiền mà cháu D được hưởng. Trường hợp này cần phải quyết
định: buộc Bảo hiểm tỉnh B trả cho cháu D tiền tuất hàng tháng của ông C mà
cháu D được hưởng đến khi 18 tuổi. Vì theo Điều 32 Điều lệ bảo hiểm xã hội
ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính Phủ thì
“Con chưa đủ 15 tuổi (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú
được pháp luật công nhận, con đẻ mà khi ngưồi chồng chết người vợ mang thai)
nếu còn đi học thì được hưởng tiền tuất hàng tháng đến khi 18 tuổi”.
Những người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự (bao gồm người chưa đủ
sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự), người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ
mười lăm tuổi tham gia tố tụng dân sự phải thông qua hành vi của người đại diện
theo pháp luật. Đại diện theo pháp luật có toàn quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích
cho người được đại diện. Trường hợp người đại diện theo pháp luật vì lợi ích của
người được đại diện để khởi kiện, thì trong bản án phải xác định người được đại
diện là nguyên đơn chứ không phải người đại diện là nguyên đơn. Trong trường
hợp trên thì nguyên đơn phải là D có người đại diện là bà S.
Ví dụ 2: Vụ án tranh chấp về kỷ luật sa thải, có nội dung như sau:
Bà Đinh Thị T là trạm trưởng trạm chế biến sản xuất dịch vụ lâm sản thuộc công
ty Lâm sản BT, đã có hành vi như tạm ứng tiền cá nhân chưa hoàn trả là
77.000.000đ và làm mất khả năng thanh toán là 300.000.000đ vì vậy bị giám đốc
công ty Lâm sản BT ra quyết định sa thải.
Bà T cho rằng quyết định sa thải của công ty đối với bà T là trái pháp luật, nên
khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ quyết định sa thải, nhận bà trở lại làm việc, bồi
thường những ngày không được làm việc.
Trong vụ án trên bà T là người lao động của công ty Lâm sản BT. Công ty Lâm
sản BT là người sử dụng lao động do ông Đinh Khắc H giám đốc công ty là
người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, trong vụ án này, bản án phải xác định bị
đơn là công ty Lâm sản BT nhưng bản án sơ thẩm số 01/LĐST ngày 13/12/2002
của TAND huyện ĐH lại xác định:
Nguyên đơn: bà Đinh Thị T
Bị đơn: ông Đinh Khắc H, giám đốc công ty Lâm sản BT
Việc xác định bị đơn như trên là không đúng. Do xác định không đúng tư cách
đương sự (bị đơn) nên dẫn đến quyết định cũng không chính xác:
-
Huỷ quyết định số 48 ngày 12/07/2002 về việc kỷ luật sa thải đối với bà
Đinh Thị T của giám đốc công ty Lâm sản BT
-
Buộc công ty Lâm sản BT nhận bà Đinh Thị T trở lại công ty Lâm sản BT,
bố trí công tác và khôi phục mọi quyền lợi vật chất cho bà T từ tháng 08/1999
đến nay
Đúng ra trong quyết định của bản án phải viết: Huỷ quyết định sa thải số 48 ngày
12/07/2002 của Công ty Lâm sản BT đối với bà T. Vì công ty là người sử dụng
lao động mới có quyền ra quyết định sa thải. Còn giám đốc chỉ là người đại diện
thực hiện quyền của công ty. Công ty Lâm sản mới là chủ thể (bị đơn) của vụ án,
giám đốc chỉ là người đại diện tố tụng theo pháp luật.
Quyết định như bản án sơ thẩm trên sẽ dẫn đến trường hợp giám đốc công ty
chuyển công tác khác, thì ai thực hiện quyết định đó. Hơn nữa, do xác định
không chính xác tư cách đương sự (bị đơn) nên trong quyết định của bản án
không có sự thống nhất tuyên huỷ quyết định của gáim đốc công ty, nhưng lại
buộc công ty nhận người lao động, mà không buộc giám đốc nhận người lao
động trở lại làm việc.
2. Đại diện theo uỷ quyền
Theo khoản 3 Điều 73 BLTTDS: “người đại diện theo uỷ quyền trong BLDS là
người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn đương sự
không được uỷ quyền cho người khác thay mình tham gia tố tụng”.
Điều 142 BLDS 2005 quy định:
Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người
được đại diện và người đại diện.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy khác với đại diện theo pháp luật, người đại diện
theo pháp luật có quyền thực hiện mọi giao dịch dân sự và thực hiện mọi hành vi
tố tụng (kể cả khởi kiện) vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp
luật có quy định khác. Còn người đại diện theo uỷ quyền chỉ có quyền giao dịch
và thực hiện các hành vi tố tụng trong phạm vi được uỷ quyền. Việc khởi kiện
phải do người uỷ quyền quyết định, người đại diện theo uỷ quyền chỉ đại diện
cho người uỷ quyền tham gia tố tụng khi đã có đơn khởi kiện của người uỷ
quyền. Vì vậy, nếu cá nhân khởi kiện phải ký tên trong đơn khởi kiện. Nếu tổ
chức khởi kiện, người đại diện theo pháp luật của tổ chức phải ký tên đóng dấu.
Người đại diện theo uỷ quyền có thể thay người uỷ quyền viết đơn khởi kiện
nhưng không được thay người uỷ quyền ký đơn khởi kiện.
Người đại diện theo uỷ quyền cho cá nhân hay cho tổ chức không bao giờ là
nguyên đơn, bị đơn trong vụ án.
Văn phòng, chi nhánh của pháp nhân tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, lao
động một cách độc lập theo điều lệ hoặc được uỷ quyền trực tiếp, nhưng nếu xảy
ra tranh chấp thì văn phòng, chi nhánh của pháp nhân không phải là đương sự,
mà pháp nhân mới là đương sự và người đại diện hợp pháp của pháp nhân mới là
người đại diện theo pháp luật, còn người đứng đầu văn phòng, chi nhánh của
pháp nhân, nếu tham gia tố tụng chỉ là người đại diện theo uỷ quyền.
Thực tế không ít bản án, trên cơ sở đơn khởi kiện của đương sự để xác định tư
cách đương sự và tư cách người đại diện mà không làm rõ tổ chức bị kiện đó có
tư cách đương sự hay không, từ đó để xác định tư cách người đại diện theo pháp
luật hay người đại diện theo uỷ quyền.
Ví dụ: Công ty kim khí vật tư tổng hợp miền trung (gọi tắt là bên B) do ông
Huỳnh Trung Q chức vụ giám đốc làm đại diện đã ký hợp đồng kinh tế số 31/HĐ
mua bán thép với Công ty xây lắp vật tư thiết bị sông Đà 16 Quy Nhơn thuộc
Tổng công ty xây dựng sông Đà (gọi tắt là bên A) do ông Đặng Văn H chức vụ
giám đốc làm đại diện.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, 2 bên phát sinh tranh chấp, bên B kiện bên
A ra toà.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định:
Nguyên đơn: Công ty kim khí vật tư tổng hợp miền trung do ông Huỳnh Trung
Q – giám đốc đại diện
Bị đơn: Công ty thiết bị sông Đà 16 do ông Đặng Văn H - giám đốc đại diện
Trong vụ án trên, mặc dù Công ty kim khí vật tư tổng hợp miền trung khởi kiện
Công ty thiết bị sông Đà 16 là người trực tiếp giao kết hợp đồng kinh tế, nhưng
công ty này là đơn vị trực thuộc của Tổng công ty xây dựng sông Đà vì vậy, phải
xác định Tổng công ty xây dựng sông Đà là bị đơn mới đúng. Giám đốc Công ty
thiết bị sông Đà 16 tham gia tố tụng chỉ với tư cách là người đại diện theo uỷ
quyền, đòi hỏi phải có giấy uỷ quyền của Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng
sông Đà.
Qua các ví dụ trên, ta có thể thấy được rằng mặc dù với tư cách là đại diện trong
quan hệ pháp luật dân sự, tuy nhiên khi tham gia tố tụng dân sự thì người đại
diện lại không thể đứng tên làm nguyên đơn hoặc bị đơn được. Đây cũng là một
điểm đáng lưu ý vì thực tiễn cho thấy còn rất nhiều sự lầm lẫn này.
Tài liệu tham khảo :
1. Giáo trình luật dân sự NXB CAND 2009
2. Các ví dụ được lấy trên Internet
3. Bộ luật dân sự 2009