Tải bản đầy đủ (.pdf) (23 trang)

Tiểu luận giải quyết việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích đình duyên yết và chùa phúc duyên thôn duyên yết, xã hồng thái, huyện phú xuyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (573.21 KB, 23 trang )

Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG - TP HÀ NỘI
LỚP BỒI DƯỠNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN K2A-2015

TIỂU LUẬN TỐT NGHIỆP
TÊN ĐỀ TÀI: XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
GIẢI QUYẾT VIỆC ĐIỀU CHỈNH KHOANH VÙNG BẢO VỆ DI
TÍCH ĐÌNH DUYÊN YẾT VÀ CHÙA PHÚC DUYÊN, THÔN DUYÊN
YẾT, XÃ HỒNG THÁI, HUYỆN PHÚ XUYÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Họ và tên học viên: Vũ Minh Châu
Chức vụ: Chuyên viên Phòng Văn hoá và Thông tin
Đơn vị công tác: UBND huyện Phú Xuyên, Tp. Hà Nội

Hà Nội, tháng 11/2015
0


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

MỤC LỤC
PHẦN 1. LỜI NÓI ĐẦU

PHẦN 2. NỘI DUNG
2.1. Mô tả tình huống
2.2. Xác định mục tiêu xử lý tình huống
2.2.1. Xử lý tình huống giải quyết vấn đề tình huống đặt ra
2.2.2. Việc giải quyết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường
pháp chế XHCN
2.2.3. Việc giải quyết bảo vệ lợi ích Nhà nước với lợi ích của nhân dân


2.2.4. Việc giải quyết hài hoà giữa tính pháp lý, lợi ích kinh tế và lợi
ích xã hội
2.3. Phân tích nguyên nhân, hậu quả
2.3.1. Nguyên nhân
2.3.2. Hậu quả
2.4. Xây dựng phương án và lựa chọn phương án giải quyết
2.4.1. Phương án 1
2.4.2. Phương án 2
2.4.3. Phương án 3
2.5. Lập kế hoạch tổ chức thực hiện phương án lựa chọn.
PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
3.2. Kiến nghị

1


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

PHẦN 1. LỜI NÓI ĐẦU
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về
xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
và thực hiện Luật Di sản văn hóa, trong những năm qua công tác bảo tồn, tôn tạo
và phát huy các di tích lịch sử được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền
quan tâm nhằm ổn định xã hội, tăng cường tinh thần đoàn kết của nhân dân cũng
như giữ gìn an ninh, trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nếp
sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Trong thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực di sản văn hóa
không thể tránh khỏi việc nảy sinh các vấn đề cần phải giải quyết nhằm bảo vệ,
sử dụng và phát huy tốt nhất giá trị văn hoá, khoa học, thẩm mỹ và lịch sử của

các di tích. Căn cứ để giải quyết các vấn đề liên quan tới lĩnh vực di sản văn hoá
là Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH10 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một
số điều của Luật Di sản văn hoá cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác có
liên quan.
Vận dụng những kiến thức đã được các thầy cô giáo của Trường
Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tận tình hướng dẫn tại lớp bồi dưỡng
ngạch chuyên viên K2A – 2015, đồng thời trên nhiệm vụ được giao quản
lý về di sản văn hoá trên địa bàn huyện Phú Xuyên và thực tiễn có tham
gia giải quyết đến việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích đình – chùa
thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên nơi đang công tác. Tình
huống mà tôi đưa ra dưới đây nhằm làm rõ những vấn đề mang tính lý
luận thực tiễn, cụ thể là tình huống về thực hiện công tác: “Giải quyết việc
điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích đình Duyên Yết và chùa Phúc
Duyên thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên”.
2


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

Từ tình huống nêu trên bài tiểu luận này được trình bày thành 03 phần với
sự phân tích, tổng hợp, đánh giá, thực địa điền dã tại các di tích, thảo luận, dự
các cuộc họp có liên quan.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề mang tính lý luận gắn với thực tiễn, do thời
gian có hạn và bản thân mới được tiếp cận với lĩnh vực quản lý nhà nước về di
sản văn hoá nên bài viết sẽ còn nhiều thiếu sót cần bổ sung. Kính mong nhận
được sự quan tâm và sự chỉnh lý của thầy giáo, cô giáo để đề tài được hoàn thiện
hơn giúp cho bản thân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn
và trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao. Tôi xin chân thành cảm ơn
Quý nhà trường, Quý thầy cô giáo đã nhiệt tình giảng dạy, hướng dẫn và giúp đỡ
trong quá trình học tập tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong – TP. Hà Nội.


3


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

PHẦN 2. NỘI DUNG
2.1. Mô tả tình huống:
Đình thôn Duyên Yết xã Hồng Thái là công trình văn hoá được xếp hạng
di tích lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 0569/QĐ-BVHTT ngày
12/02/1999 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).
Đâylà một ngôi đình đẹp có nhiều giá trị văn hóa, thẩm mỹ, khoa học, đặc biệt là
có lễ hội Chạy Lợn nổi tiếng liên quan tới việc mổ lợn khao quân của vua Quang
Trung – Nguyễn Huệ trong lịch sử Việt Nam.
Ngay cạnh di tích Đình là Chùa Phúc Duyên - công trình văn hoá tín
ngưỡng của địa phương chưa được xếp hạng hiện nay thuộc thẩm quyền quản lý
của UBND xã Hồng Thái theo phân cấp quản lý nhà nước. Tuy nhiên, khi Bộ
Văn hoá Thông tin ra Quyết định xếp hạng di tích Đình Duyên Yết thì trong hồ
sơ pháp lý bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I đình Duyên Yết còn bao gồm
cả công trình chùa Phúc Duyên.
Hiện nay Hội người cao tuổi thôn Duyên Yết tổ chức san lấp cát để sửa
chữa tôn tạo Chùa. Trong quá trình san lấp cát khu vực ao đã có đơn thư của ông
Phạm Hoàng Dậu (người trước đây cư trú ở địa phương nhưng hiện nay đã
chuyển nơi khác sinh sống) gửi các cơ quan chức năng của xã, huyện và Thành
phố đề nghị xem xét sai phạm của Hội người Cao tuổi thôn Duyên Yết trong
việc san lấp cát khu vực ao chùa Phúc Duyên khi chưa có ý kiến hoặc văn bản
đồng ý của các cơ quan chức năng quản lý. Ông Nguyễn Hoàng Dậu cũng nhiều
lần gọi điện trực tiếp tới lãnh đạo, cán bộ của Ban quản lý Di tích Danh thắng
Hà Nội để báo cáo sự việc. Đồng thời, ông Dậu cũng kích động một số anh em
họ hàng ở địa phương gây sự với các công nhân đang san lấp cát tại khu vực ao

đình gây mất trật tự an ninh tại địa phương để tranh chấp cho anh em họ hàng
được nhận công trình san lấp cát.

4


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

Khi có đơn thư khiếu nại và có sự việc xảy ra như trên, UBND xã Hồng
Thái đã có báo cáo sự việc liên quan tới việc san lấp ao khu vực đình - chùa
Duyên Yết gửi UBND huyện xem xét giải quyết.
Theo điều 32 Luật Di sản Văn hoá, khu vực bảo vệ I của di tích được xác
định trên bản đồ địa chính và phải được bảo vệ nguyên trạng. Việc sửa chữa, tu
bổ, tôn tạo di tích phải đúng theo trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Di
sản văn hoá và Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hoá và
một số quy định liên quan như: Nghị định 70/NĐ/2012/CP Quy định thẩm
quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục
hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư 18/2012/TTBVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về việc quy
định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Đình Duyên
Yết là di tích lịch sử văn hoá cấp Bộ (cấp Quốc gia) nên việc sửa chữa, tu bổ di
tích cần phải được sự đồng ý và thoả thuận của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Chùa Phúc Duyên là công trình văn hoá tín ngưỡng chưa được Nhà nước
xếp hạng nên việc quản lý thuộc thẩm quyền của UBND xã Hồng Thái. Các hoạt
động tín ngưỡng tôn giáo diễn ra dưới sự quản lý của Ban Tôn giáo huyện. Tuy
nhiên trong Quyết định xếp hạng di tích đình Duyên Yết thì chùa Phúc Duyên
lại nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của Đình. Việc tự ý sửa chữa tôn tạo
Chùa trong khuôn viên Đình di tích là chưa đúng quy định của pháp luật. Vì vậy
cán bộ và nhân dân thôn Duyên Yết xã Hồng Thái có nguyện vọng tách riêng
ranh giới Chùa với khuôn viên Đình để thuận tiện cho việc quản lý, sửa chữa và
tổ chức các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.

Sau khi xem xét báo cáo của UBND xã Hồng Thái UBND huyện Phú
Xuyên đã tổ chức hội nghị làm việc với UBND xã Hồng Thái liên quan tới việc
san lấp ao khu vực đình - chùa Duyên Yết. Thành phần hội nghị bao gồm: Các
đồng chí PCT. UBND huyện, Lãnh đạo: Phòng Văn hoá và Thông tin, MTTQ
5


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

huyện, Công an, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nội vụ.; Lãnh đạo,
cán bộ của UBND xã Hồng Thái, thôn Duyên Yết. Kết luận tại hội nghị, Đ/c
PCT. UBND huyện đã thống nhất với phương án điều chỉnh lại khu vực khoanh
vùng bảo vệ của hai di tích để thuận tiện cho việc quản lý, sử dụng của hai di
tích, giao nhiệm vụ cho UBND xã Hồng Thái và các ngành chức năng của
huỵên: UBND xã Hồng Thái thông báo tới Hội Người Cao tuổi thôn Duyên Yết
dừng việc thi công san lấp nền. Giải thích, động viên nhân dân thực hiện đúng
các quy định của nhà nước, giữ gìn trật tự an ninh xã hội tại địa phương. Thực
hiện các thủ tục trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, xác định ranh
giới hai khu vực đình – chùa để thuận tiện cho việc quản lý và tổ chức các hoạt
động tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Giao phòng Văn hoá và Thông tin
huyện Phú Xuyên hướng dẫn trình tự, thủ tục và hoàn thiện hồ sơ báo cáo Sở
VHTTDL và UBND Thành phố xin ý kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
ra Quyết định.
Với chức năng nhiệm vụ tham mưu UBND huyện công tác quản lý nhà
nước về lĩnh vực Di sản văn hoá trên địa bàn, phòng VHTT đã có văn bản xin ý
kiến của các cơ quan liên quan như: Phòng Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường,
Ban Tôn giáo huyện, Ban Dân vận Huyện uỷ. Căn cứ đơn đề nghị xin tách diện
tích Chùa riêng khuôn viên Đình của thôn Duyên Yết, Phòng VHTT đã hướng
dẫn thôn Duyên Yết, UBND xã Hồng Thái các thủ tục và trình tự để giải quyết.
2.2. Xác định mục tiêu xử lý tình huống:

Tiến hành phân tích tình huống nhằm mục tiêu làm sáng tỏ tình huống,
hiểu rõ tình huống, xem xét cụ thể trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành
có liên quan, thuộc quy định ở văn bản pháp luật nào, mối liên hệ của các tình
tiết như thế nào, trách nhiệm của các bên liên quan trong tình huống như thế
nào, có gì vi phạm, … Phân tích tìm ra phương án và giải pháp để giải quyết
nhằm thực hiện nhiệm vụ chức năng quản lý hành chính nhà nước, là cơ sở giải
6


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

quyết tình huống một cách khách quan, hợp tình hợp lý, đúng quy định của pháp
luật.
2.2.1. Xử lý tình huống nhằm giải quyết các vấn đề do tình huống đặt
ra:
a. Xác minh hiện trạng sử dụng các thửa đất thuộc khu vực bảo vệ
của di tích đình Duyên Yết và chùa Phúc Duyên:
Việc đầu tiên ta phải xác định hiện trạng sử dụng các thửa đất thuộc khu
vực bảo vệ của di tích thuộc thửa số bao nhiêu? Diện tích tổng thể và cụ thể bao
nhiêu? Quá trình sử dụng đất của di tích như thế nào?
UBND huyện Phú Xuyên sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Hồng
Thái đã có buổi làm việc và kiểm tra thực tế tại di tích, đã giao UBND xã Hồng
Thái báo cáo lịch sử hiện trạng sử dụng các thửa đất thuộc khu vực bảo vệ di
tích đình Duyên Yết như sau: Đình Duyên Yết có lịch sử hàng trăm năm trước,
các thửa đất thuộc khu vực bảo vệ đình Duyên Yết là đất công đã được quy
hoạch vào khu vực đình gồm các thửa đất số: 05, diện tích 7261 m2 là đất nội tự
đình và chùa Phúc Duyên; thửa đất số 06, diện tích 7261 m2 ; thửa số 07, diện
tích 5850 m2; thửa đất số 04 có diện tích 11590 m2 là đất ao. Tổng diện tích
trong bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích là 28.901 m2. (Có bản đồ trích lục kèm
theo do công chức Địa chính xã lập)

Căn cứ thực tế kiểm tra tại di tích và hồ sơ xếp hạng di tích có bản đồ
khoanh vùng bảo vệ di tích được lập năm 1988, ta thấy hai công trình đình và
chùa sát cạnh nhau cùng trên một thửa đất, hai phía là ao bao quanh và một phía
giáp đê sông Hồng. Từ khi được xếp hạng di tích đến nay thì đất sử dụng cho
mục đích thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Mục đích của việc xác định rõ diện tích, vị trí cũng như quá trình sử dụng
đất của di tích để làm căn cứ điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích, xác định
ranh giới để có phương án điều chỉnh phù hợp. Phân định rõ ranh giới các khu

7


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

vực bảo vệ di tích với khu vực tiếp giáp trên thực địa theo biên bản và bản đồ
khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ xếp hạng di tích.
b. Xác minh, giải quyết đơn thư khiếu nại của ông Phạm Hoàng Dậu:
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên chuyển đơn của ông Phạm Hoàng Dậu
đến cơ quan chuyên môn (Thanh tra huyện Phú Xuyên) để xác minh, kiểm tra và
có báo cáo để giải quyết vụ việc.
Sau khi nhận được văn bản giao vụ việc của chủ tịch UBND huyện, chánh
thanh tra huyện phải ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra. Nội dung quyết
định thành lập Đoàn thanh tra cần nêu rõ: Căn cứ pháp lý để thanh tra giải quyết
đơn thư; Thời hạn tiến hành thanh tra; đối tượng, phạm vi, nhiệm vụ của đoàn
thanh tra; trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra.
Thông thường quyết định thành lập đoàn thanh tra được gửi đến UBND huyện
để báo cáo, lãnh đạo thanh tra huyện, các thành viên của đoàn thanh tra và các
đối tượng thanh tra.
Sau khi xem xét, xác minh vụ việc, từng thành viên của Đoàn thanh tra có
báo cáo phân nhiệm vụ của mình do trưởng đoàn thanh tra giao và đề xuất biện

pháp xử lý; Trưởng đoàn thanh tra tổng hợp hồ sơ vụ việc hoàn thành báo cáo
kết quả thanh tra, kiểm tra trình lãnh đạo thanh tra huyện (người ra quyết định
thanh tra) để lãnh đạo thanh tra huyện trình UBND huyện ra quyết định giải
quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Thanh tra huyện Phú Xuyên phối hợp Công an làm rõ, đây là đối tượng có
quê quán ở địa phương song hiện nay đã chuyển nơi cư trú. Sự việc san lấp cát
khu vực ao đình – chùa mà ông Dậu có đơn thư phản ánh là đúng. Tuy nhiên,
việc ông Dậu kích động một số anh em họ hàng ở địa phương gây mất trật tự và
đoàn kết ở địa phương là chưa đúng.
Đồng thời, khi UBND huyện Phú Xuyên và Ban Quản lý di tích Danh
thắng – Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội về làm việc, đã gọi điện mời
ông Dậu ra UBND xã Hồng Thái để trực tiếp trao đổi nhưng ông đã từ chối. Qua
8


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

trao đổi của lãnh đạo Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã giải thích cho
ông Dậu hiểu và không kích động an hem họ hang ở địa phương gây rối trật tự
an ninh và đoàn kết của nhân dân.
c. Hướng dẫn các thủ tục hành chính để thực hiện việc điều chỉnh
khoanh vùng bảo vệ di tích:
Điều 32, Luật Di sản văn hoá quy định:
“- Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
+ Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu
thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng;
+ Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có
thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng
không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh
thái của di tích.

Trong trường hợp không xác định được khu vực bảo vệ II thì việc xác
định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích cấp tỉnh do Chủ tịch ủy ban Nhân
dân cấp tỉnh quyết định, đối với di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin quyết định, đối với di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ
quyết định.
- Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II quy định tại điểm b
khoản 1 Điều này đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự
đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, đối với di tích cấp
tỉnh phải có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

9


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

- Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này được xác định trên
bản đồ địa chính, kèm theo biên bản khoanh vùng bảo vệ và phải được các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong hồ sơ di tích”.
Căn cứ Luật Di sản văn hoá và Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của
Luật Di sản văn hoá số 28/2001/QH10 ngày , Luật Đất đai năm được Quốc hội
nước CHXHCNVN khoá XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/7/2014, căn cứ vào hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia
đình Duyên Yết năm 1999. Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Xuyên đã
có báo cáo với cơ quan chuyên môn cấp trên là Ban Quản lý Di tích và Danh
thắng để xin ý kiến và phương án giải quyết cũng như hướng dẫn về chuyên
môn.
Với chức năng nhiệm vụ tham mưu UBND huyện công tác quản lý nhà
nước về lĩnh vực Di sản văn hoá trên địa bàn, phòng VHTT là cơ quan chuyên
môn hướng dẫn UBND xã Hồng Thái tiến hành lập hồ sơ và trình tự giải quyết
đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích đình Duyên Yết và chùa Phúc
Duyên như sau:

* Bước 1: UBND xã lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di
tích bao gồm:
- Đơn đề nghị của trưởng thôn Duyên Yết; Trích Nghị quyết họp Chi bộ
thôn; Nghị quyết thành lập ban quy hoạch các khu di tích để chuẩn bị làm sổ đỏ
Đình và Chùa; Trích Nghị quyết họp Hội người cao tuổi; Trích Nghị quyết hội
nghị liên tịch thôn.
- Tờ trình của UBND xã Hồng Thái kèm trích lục bản đồ xác định diện
tích xin điều chỉnh Đình và Chùa.
- Báo cáo lịch sử hiện trạng sử dụng các thửa đất thuộc khu vực bảo vệ di
tích đình Duyên Yết. Trong báo cáo nêu rõ phương án đề nghị điều chỉnh, diện
tích cụ thể và giáp ranh, vị trí của đình và chùa Duyên Yết.
10


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

* Bước 2: UBND huyện Phú Xuyên căn cứ vào hồ sơ và kiểm tra thực tế
tại di tích, có văn bản gửi Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, UBND Thành phố
Hà Nội để trình Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đề nghị thoả thuận chủ trương
điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích.
* Bước 3: Sau khi Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch có Quyết định thoả
thuận về chủ trương điều chỉnh, giao UBND Thành phố Hà Nôi, Sở Văn hoá
Thể thao và Du lịch Hà Nội tiến hành đạc lại bản đồ, xác định vị trí chính xác
của hai di tích.
* Bước 4: Thông qua hồ sơ điều chỉnh, tổ chức lấy ý kiến, thống nhất bản
đồ pháp lý của hai di tích tại địa phương.
* Bước 5: Hoàn thiện hồ sơ, công bố rộng rãi bản đồ khoanh vùng bảo vệ
của di tích.
2.2.2. Việc giải quyết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tăng cường
pháp chế XHCN:

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu về văn hóa
ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa;
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân
trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Từ thực tế vấn đề
nảy sinh trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực di sản văn hoá, cụ thể là vấn
đề quản lý giữa di tích đã được xếp hạng và chưa được xếp hạng. Di tích lịch sử
văn hoá đã được xếp hạng trong hồ sơ quy định rõ: Di tích đã được nhà nước
bảo vệ về mặt pháp lý, mọi hành vi xâm chiếm đến di tích là vi phạm pháp luật.
Việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích giúp cho phân định rõ ranh giới giữa
2 di tích, thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước cũng như sinh hoạt tín
ngưỡng của nhân dân. Các quy định của pháp luật được tuân thủ như Luật Di
sản văn hoá, Luật đất đai và các quy định khác của Nhà nước có liên quan.
11


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

2.2.3. Việc giải quyết phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước với lợi ích của
di tích và của nhân dân địa phương:
Căn cứ vào quy định của pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị của di
tích, các di tích lịch sử khi đã được xếp hạng cấp nào thì cấp đó khi tiến hành tu
sửa phải có sự thỏa thuận, đồng ý bằng văn bản và thẩm định các thiết kế, giữ
nguyên tối đa các yếu tố nguyên gốc của di tích. Đình Duyên Yết là di tích cấp
Bộ (Quốc gia) vì vậy mọi hoạt động thay đổi, sủa chữa phải được sự đồng ý của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chùa Phúc Duyên là di tích chưa được xếp
hạng nhưng lại nằm trong khuôn viên khoanh vùng bảo vệ của di tích đình đã
được xếp hạng. Hoạt động san lấp cát khu vực ao và các hoạt động sửa chữa, tu
bổ tôn tạo chùa khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan quản lý có
thẩm quyền là chưa đúng quy định của pháp luật.

2.2.4. Việc giải quyết phải hài hòa giữa tính pháp lý, lợi ích kinh tế và
lợi ích xã hội:
Di tích đình Duyên Yết khi được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử
văn hóa cấp Quốc gia, đã được Nhà nước bảo vệ về mặt pháp lý và được công
nhận về giá trị văn hóa, lịch sử.
Di tích chùa Duyên Yết chưa được xếp hạng, thuộc thẩm quyền quản lý
của địa phương, là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân.
Hiện nay công trình chùa xây dựng từ lâu nhỏ hẹp nên không đáp ứng đủ cho
hoạt động tín ngưỡng của đông đảo Phật tử. Hoạt động sửa chữa, mở rộng và
xây dựng thêm các hạng mục chùa nhằm phục vụ tốt hơn cho việc thờ tự và các
công việc tín ngưỡng khác.
Sự khác biệt trong quản lý nhà nước giữa di tích đã được xếp hạng có sự
khác nhau với di tích chưa được xếp hạng về các thủ tục khi sửa chữa, xây dựng
cũng như chủ thể quản lý. Vì vậy, việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích,
xác định rõ ranh giới riêng biệt cụ thể cho hai di tích là điều cần thiết để Nhà
nước tổ chức quản lý có hiệu quả, đồng thời các di tích sẽ phát huy giá trị phục
vụ tín ngưỡng của nhân dân theo đúng quy định của pháp luật.
12


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

2.3. Phân tích nguyên nhân và hậu quả:
2.3.1. Nguyên nhân
* Do thiếu sót trong tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước ở các cấp
Khi tiến hành lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đình Duyên Yết, do thiếu
sót trong quá trình lập hồ sơ nên việc lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ cả diện
tích chùa trong khuôn viên đình. Nguyên nhân có sự sai phạm trên là do các cơ
quan khi tiến hành khảo sát thực tế tại di tích để lập hồ sơ xếp hạng đã không
lưu ý tới việc đình và chùa nằm sát cạnh nhau trên cùng một thửa đất. Khi cơ

quan chức năng về khảo sát di tích để lập hồ sơ xếp hạng, công tác phối hợp xác
định vị trí ranh giới đất trong khoanh vùng bảo vệ chưa được chặt chẽ. Khi tổ
chức thông qua hồ sơ pháp lý ở thời điểm xếp hạng, địa phương cũng không có
ý kiến gì trong hồ sơ dẫn tới diện tích chùa và đình không có sự phân định cụ
thể.
* Sự bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan
đến vụ việc:
Luật Di sản văn hoá và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhiều địa phương chưa kịp thời ban
hành đủ các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá thuộc thẩm quyền của cấp
mình để triển khai; nhiều địa phương vẫn chưa nắm chắc những đổi mới, những
quy định mới của pháp luật về di tích nên vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã
bị huỷ bỏ hoặc thay thế, nhiều trường hợp áp dụng sai quy định. Những bất cập
này đã tạo nên những vụ việc khiếu kiện về đất đai trong di tích.
Luật đất đai 2003 không có quy định cụ thể việc giải quyết một số quan hệ
về đất đai, đặc biệt là các quy định trong các cơ sở tôn giáo, thờ tự hoặc quá chung
chung dẫn tới một số vụ việc cần giải quyết và gây ra sự vận dụng khác nhau giữa
các địa phương khi giải quyết những vấn đề giống nhau.
* Do sự kém hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân, những
người liên quan tới vụ việc
13


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

Sự thiếu hiểu biết pháp luật của Hội người cao tuổi thôn cũng là một yếu
tố gây ra tình huống sự việc trên trong việc tự ý tiến hành san lấp cát khu vực ao
trong khuôn viên đình di tích đã được xếp hạng mà không có báo cáo cũng như
đề nghị các cơ quan thẩm quyền đồng ý.
Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc quản lý khi để sự

việc san lấp ao cát diễn ra mà ngay từ đầu không có biện pháp thích hợp cũng
như báo cáo ngay với các cơ quan chức năng. Chỉ đến khi có đơn thư và xảy ra
những mâu thuẫn, gây gổ gây mất trật tự an ninh xã hội mới có báo cáo sự việc.
* Sự mất đoàn kết nội bộ và mâu thuẫn trong nhân dân:
Khi tiến hành xác minh đơn thư của ông Dậu, Thanh tra huyện Phú Xuyên
và Công an huyện đã làm rõ đây là một đối tượng chuyên kiện cáo thuê, bản
thân ông ta cũng có những hiểu biết pháp luật nhất định song sự hiểu biết ấy
được sử dụng vào mục đích cá nhân, vì lợi ích của cá nhân. Khi phát hiện sai
phạm tại địa phương, lẽ ra ông chỉ báo cáo lên các cơ quan chức năng sự việc.
Song ông cũng kích động anh em họ hàng gây rối trật tự an ninh tại địa
phương để tranh chấp cho anh em họ hàng được nhận công trình san lấp cát là
chưa đúng.
2.3.2 Hậu quả:
* Sự mất uy tín của một số cán bộ công chức và sự giảm sút lòng tin
của nhân dân gây bất bình trong nhân dân
Ngay từ ban đầu, khi xếp hạng di tích, các cán bộ trong việc khảo sát và
lập hồ sơ đã có vấn đề không phù hợp là: Chỉ xếp hạng đình mà không xếp hạng
chùa nhưng lại khoanh vùng bảo vệ cả chùa trong khuôn viên đình. Giả sử nếu
không có sai sót trong việc lập hồ sơ xếp hạng thì khi xảy ra sự việc san lấp ao
cát của chùa Phúc Duyên, chính quyền thôn Duyên Yết báo cáo UBND xã Hồng
Thái thì thẩm quyền giải quyết thuộc UBND xã Hồng Thái.

14


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

* Quan hệ xấu về mặt xã hội:
Sự việc khiếu nại tố cáo liên quan vi phạm đất đai, đặc biệt là đất đai
trong các cơ sở thờ tự, tôn giáo gây mất ổn định tư tưởng xã hội. Trật tự an ninh

xã hội bị ảnh hưởng, gây mất đoàn kết trong nhân dân.
* Giảm sút về pháp chế XHCN:
Sự việc xảy ra nếu không có các phương án giải quyết kịp thời sẽ làm cho
các quy định của Nhà nước không được thực thi, nhất là các di tích lịch sử văn
hóa bị xâm phạm, làm thay đổi các yếu tố nguyên gốc của di tích.
2.4. Xây dựng, phân tích và lựa chọn phương án giải quyết tình huống:
2.4.1. Phương án 1: Tiến hành đề nghị xếp hạng cả hai di tích thành cụm
di tích lịch sử văn hóa đình – chùa Duyên Yết:
Phương án đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ra Quyết định xếp
hạng cả hai di tích trở thành cụm di tích lịch sử văn hóa đình – chùa.
a. Ưu điểm: Việc tiến hành đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp
hạng hai di tích trên một thửa đất trở thành cụm di tích lịch sử văn hóa nếu được
sẽ thuận lợi cho việc quản lý thống nhất cả hai di tích. Đồng thời cũng tôn vinh
và ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cho di tích, phát huy và bảo vệ
được các di sản văn hóa.
b. Nhược điểm: Để làm được điều này rất khó do công trình đình đã
được xếp hạng từ rất lâu. Nếu bổ sung công trình chùa trong Quyết định xếp
hạng chưa chắc đã thành hiện thực vì chùa xét dưới góc độ giá trị sẽ chưa đủ
điều kiện để xếp hạng cấp Quốc gia như đình Duyên Yết đã được công nhận.

2.4.2. Phương án 2: Giữ nguyên hiện trạng di tích đình và chùa cũ,
tiến hành xây dựng chùa mới ra khu vực khác
UBND huyện sẽ chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã làm các thủ tục để xã và
thôn tiến hành xây dựng chùa mới ra khu vực đất ở vị trí khác.
15


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

a. Ưu điểm: Phương án này giúp cho thôn có thể xây dựng được ngôi

chùa mới bên ngoài khu vực vị trí đất mới không làm ảnh hưởng đến khu vực
bảo vệ của di tích đình. Ưu điểm này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhân
dân vì ngôi chùa cũ nhỏ hẹp, không đủ diện tích cho sinh hoạt tín ngưỡng của
nhân dân vì dân số ngày một đông.
b. Nhược điểm: Thực tế cho thấy, ngôi chùa cổ thờ Phật của nhân dân
thôn Duyên Yết đã tồn tại từ rất lâu đời trên mảnh đất hiện tại. Nếu chuyển sang
xây dựng ở một khu đất mới trong khi quỹ đất của địa phương còn hạn hẹp là
điều khó khăn. Đồng thời, việc xây dựng ngôi chùa mới là một kế hoạch lâu dài,
cần có nguồn kinh phí lớn.
2.4.3. Phương án 3: Đề nghị điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích
đình Duyên Yết và chùa Phúc Duyên, xác định lại vị trí trong bản đồ ranh
giới rõ ràng cho hai di tích riêng biệt
UBND huyện hướng dẫn UBND xã và thôn tiến hành lập hồ sơ đề nghị
điều chỉnh lại khoanh vùng bảo vệ cho hai di tích. Xác định trong bản đồ địa
chính và bản đồ pháp lý các điểm mốc ranh giới, diện tích và vị trí cụ thể của
đình và chùa.
a. Ưu điểm: Phương án này là phương án tối ưu vừa giải quyết dứt điểm,
đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh trước pháp luật, đảm bảo quyền lợi
và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, đảm bảo tính toàn diện, kịp thời, xây dựng
lòng tin của người dân đối với chính quyền.
b. Nhược điểm: Thực hiện phương án này đòi hỏi chính quyền địa
phương phải kết hợp nhuần nhuyễn cả tính pháp lý và đạo lý và có sự đồng
thuận nhất trí cao trong nhân dân.
* Trong các phương án nêu trên thì phương án 3 là phương án tối ưu
nhất để giải quyết vấn đề vì:

16


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015


- Đáp ứng được nhiều mục tiêu hơn cả: Giải quyết được các vấn đề do
tình huống đặt ra là nếu vẫn chung một thửa đất trong bản đồ bảo vệ sẽ nảy sinh
các vấn đề phức tạp do có sự khác biệt trong việc quản lý bảo vệ giữa di tích đã
được xếp hạng và di tích chưa được xếp hạng. Khi đã điều chỉnh tách riêng hai
di tích thì các di tích phát huy hết được giá trị để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn
hóa tín ngưỡng của nhân dân được thuận tiện và đầy đủ. Đồng thời Nhà nước và
các cấp chính quyền cũng dễ áp dụng các văn bản luật và có chính sách bảo vệ
phù hợp với từng di tích, tăng cường công tác quản lý các di sản văn hóa trên địa
bàn.
- Có tính khả thi: Diện tích khoanh vùng bảo vệ của hai di tích rất lớn,
hơn 9000 m2, vì vậy, việc điều chỉnh lại di tích cũng có nhiều thuận lợi, không
làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của di tích. Bên cạnh chùa cũ, sau
này khi có điều kiện về kinh phí thì nhân dân tiến hành mở rộng và xây dựng
thêm các công trình phụ trợ khác để đáp ứng ngày một đông sinh hoạt tín
ngưỡng của các Phật tử. Như vậy phương án 3 cũng là phương án giải quyết hài
hòa giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
2.5. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện phương án đã lựa chọn
(phương án 3):
Nội dung của kế hoạch thực hiện cần nêu: Nội dung, yêu cầu công việc;
có sự phân công chức năng, nhiệm vụ cho chủ thể giải quyết, thời gian thực hiện
và cơ chế phối hợp hoạt động; công cụ, phương tiện cần chuẩn bị; những tình
huống có thể xảy ra và biện pháp giải quyết; các thuận lợi và khó khăn để kịp
thời giải quyết.

17


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015


Thời gian
STT

Nội dung công việc

Thực
hiện

Thời
gian kết
thúc

Chủ thể

Các điều
kiện để
thực hiện

Xác minh hiện trạng sử 01/5/2015
dụng các thửa đất
thuộc khu vực bảo vệ
của di tích đình Duyên
Yết và chùa Phúc
Duyên

07/5/2015 UBND xã - Hồ sơ
Hồng Thái xếp hạng
di tích

2


Tổ chức buổi làm việc
với UBND xã Hồng
Thái liên quan tới việc
san lấp ao tại di tích

08/5/2015

08/5/2015 UBND
huyện,
UBND xã
Hồng Thái,
chính
quyền thôn

3

Xác minh, giải quyết 08/5/2015
đơn thư khiếu nại của
ông Phạm Hoàng Dậu

4

Tổ chức kiểm tra thực 15/5/2015
tế tại di tích, xin ý kiến
chỉ đạo về chuyên môn
của Ban Quản lý di
tích danh thắng. Thống
nhất phương án điều
chỉnh tách diện tích

đình và chùa.

30/5/2015 UBND
huyện,
Thanh tra,
Công
an
huyện
15/5/2015 Ban
QLDTDT

Nội,
UBND
huyện,
UBND xã,
thôn và đại
diện di tích

5

Hướng dẫn UBND xã Tháng
lập hồ sơ đề nghị điều 6/2015
chỉnh khoanh vùng bảo
vệ

1

Tháng
6/2015


Phòng
VHTT
huyện

- Bản đồ
địa chính

- Báo cáo
sự việc của
UBND xã.

Giải quyết
theo luật
khiếu nại,
tố cáo
Hồ sơ xếp
hạng
di
tích

thực địa tại
di tích để
có phương
án
điều
chỉnh phù
hợp
Hồ sơ xếp
hạng
di

tích

thực địa tại
di tích để
18


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

6

Văn bản đề nghị Sở 07/7/2015
VHTTDL,
UBND
Thành phố HN trình
Bộ VHTTDL thỏa
thuận chủ trương đề
nghị
điều
chỉnh
khoanh vùng bảo vệ 2
di tích.

07/7/2015 UBND
huyện,
phòng
VHTT
tham mưu

7


Văn bản của Sở Tháng
VHTTDL và UBND 8/2015
Thành phố trình Bộ
VHTTDL

Tháng
8/2015

8

9

10

(Do có phát sinh cần
bổ sung một số nội
dung trong hồ sơ nên
Sở VHTTDL có văn
bản đề nghị bổ sung)
Quyết định điều chỉnh
khoanh vùng bảo vệ di
tích đinh và chùa của
Bộ VHTTDL
Tiến hành đo vẽ, đạc
bản đồ, xác định trong
bản đồ vị trí, diện tích
cụ thể của 2 di tích

Hoàn thiện bản đồ, tổ

chức lấy ý kiến của
nhân dân và các cấp
chính quyền thông qua
và nhất trí. Công bố

Đang chờ
Quyết
định của
Thành phố

xác định vị
trí,
diện
tích điều
chỉnh phù
hợp
Hồ sơ đề
nghị thỏa
thuận chủ
trương
điều chỉnh
khoanh
vùng bảo
vệ 2 di
tích.

Sở
VHTTDL,
UBND
Thành phố


Bộ
VHTTDL

Sở
VHTTDL,
Ban Quản
lý di tích
danh thắng

Kinh phí
UBND
Thành phố
từ nguồn
xếp hạng
di tích.
Sở
Hồ sơ điều
VHTTDL, chỉnh
Ban Quản khoanh
lý di tích vùng bảo
danh thắng, vệ di tích
19


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

rộng rãi bản đồ điều
chỉnh khoanh vùng bảo
vệ 2 di tích.


phối hợp
UBND
huyện, xã,
và thôn

đã
được
các
cấp
thông qua

phê
duyệt theo
quy định

PHẦN 3.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1 Kết luận:
Thực tế đang đặt ra cho công tác quản lý bảo vệ, chống xuống cấp và tôn
tạo di tích ở địa phương nảy sinh những vấn đề bức bách đòi hỏi một tinh thần
trách nhiệm cao từ các ngành chức năng, sự hỗ trợ đắc lực của mọi người, mọi
cấp theo chiến lược bền vững của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hoá.
3.2 Kiến nghị
Bảo vệ di tích là trách nhiệm của mỗi người dân nhưng quản lý di tích
phải được thực hiện thông qua các cấp chính quyền. Trên cơ sở các danh mục di
tích theo quyết định phân cấp của UBND tỉnh, ngành văn hoá thông tin phối hợp
với chính quyền các địa phương tiến hành tiếp tục các thủ tục phân cấp đến tận
các phường, xã, thống nhất quy chế phân cấp cụ thể là trách nhiệm của từng cấp
trong công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, sử dụng và khai thác di tích. Đẩy mạnh

công tác điều tra, kiểm kê, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học, pháp lý công nhận
di tích, nhất là hồ sơ công nhận cấp quốc gia.
Việc tôn tạo di tích phải được quy hoạch, nhất là quy hoạch về đất đai theo
một chiến lược lâu dài, không chỉ đối với các di tích có quy mô giá trị lớn mà kể
cả những di tích có giá trị vừa và nhỏ. Ngoài di tích thuộc chương trình đầu tư
của Chính phủ thì việc đầu tư, trùng tu, tôn tạo với các di tích còn lại phải xây
20


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

dựng thành một chương trình cụ thể hàng năm để huy động nguồn vốn địa
phương. Ngoài ra, việc động viên các tổ chức, cá nhân đóng góp tu bổ, tôn tạo
và tham gia quản lý di tích theo chủ trương xã hội hóa bảo tồn di tích là rất cần
thiết. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hướng dẫn chuyên môn đối với
hoạt động tu bổ, tôn tạo, di tích của nhân dân tại các địa phương.

Di tích phải được nhận thức như là một tiềm năng đóng góp tích cực vào
việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, phải có sự phối hợp
đồng bộ giữa các ngành liên quan, nhất là hoạt động dịch vụ. Các cấp quản lý,
kể cả các cá nhân, tập thể tham gia trong công tác quản lý di tích có quyền sử
dụng, khai thác những lợi ích có được từ di tích. Có như vậy, công tác bảo vệ,
đầu tư, trùng tu, tôn tạo di tích sẽ dược khuyến khích và mang lại hiệu quả.
Việc bảo vệ, đầu tư, trùng tu, tôn tạo và sử dụng, khai thác di tích phải
dược thực hiện trên cơ sở Luật Di sản văn hóa và nghị định của chính phủ cùng
các thông tư hướng dẫn, qui định của Bộ Văn hóa. Các cấp các ngành phải
thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện và xử lý
các vi phạm tại các di tích. Đồng thời với công tác này, phải tiến hành tuyên
truyền Luật Di sản văn hóa trong nhân dân để mọi người ý thức được trách
nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo tồn di tích.

UBND các cấp cần có biện pháp răn đe xử phạt nghiêm minh, mở rộng
công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người
dân nói chung và trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng nói riêng. Việc làm này cần
huy động toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc như: Mặt trận tổ quốc, hội
phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… Đồng thời có kế hoạch đưa vào những
nội dung sinh hoạt nhà văn hoá khu dân cư, các bưu điện văn hoá xã, tủ sách
pháp luật của xã… Phát huy vai trò thực sự là nơi sinh hoạt tinh thần của nhân
dân, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận và nâng cao trình độ hiểu biết pháp
21


Tiểu luận tốt nghiệp lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên K2A - 2015

luật. Đây là điều kiện cần thiết để mọi người dân sống và làm việc theo pháp
luật. Làm được như vậy, các vụ việc phát sinh sẽ nhanh chóng được giải quyết
từ cơ sở, các công dân có điều kiện hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của minh
nên việc khiếu nại, tố cáo cũng chính xác, phù hợp với quy định của pháp luật,
hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo sai do không hiểu chính sách pháp luật, khi
được các cơ quan nhà nước giải quyết thì các công dân lại tiếp tục khiếu kiện do

tâm lý hơn thua làm sự việc ngày càng trở nên phức tạp. Tóm lại, việc tuyên
truyền và nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng
cần được chính quyền cơ sở quan tâm. Mục đích chính là hạn chế vi phạm pháp
luật, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của địa phương.
Trên đây là một tình huống phải giải quyết trong lĩnh vực quản lý Nhà
nước thực tế thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Qua tình huống này, tôi
muốn trình bày những cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục và những yêu cầu về nội
dung văn bản áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý. Ý nghĩa trước hết là giúp
cho bản thân hiểu sâu hơn về những kiến thức đã được bồi dưỡng trong khoá
học, đồng thời góp phần giúp áp dụng xử lý những tình huống tương tự sẽ gặp

trong rất nhiều trong công tác quản lý hiện nay./.

22



×