Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Bạo lực trẻ em trong gia đình và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (168.28 KB, 17 trang )

I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ bao đời nay gia đình luôn luôn được gắn với những hình ảnh đẹp và thiêng
liêng nhất. Bởi đó không chỉ là nơi mà ta sinh sống mà còn chứa trong đó bao nhiêu
sự yêu thương, chăm sóc nâng niu dìu dắt của những con người đã nâng bước ta
ngày hôm nay. Thế nhưng một điều đáng buồn hiện nay là những hình ảnh đẹp của
gia đình, những giá trị thiêng liêng trong mỗi gia đình đang có nguy cơ bị đổ vỡ, có
những đứa trẻ không còn kể về gia đình chúng với biết bao tình cảm yêu thương mà
thay vào đó là những nỗi sợ sệt, những vết thương thể xác hay cao hơn là những vết
thương về tinh thần để chúng lớn lên mà không được biết tới thế nào là mái ấm gia
đình thật sự, bởi vì một lẽ những đứa trẻ đó đang hoặc đã từng là nạn nhân của nạn
bạo lực trong gia đình hiện nay.
Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Công ước Quốc tế về
Quyền trẻ em, nhưng tình trạng trẻ em bị bạo hành trong gia đình vẫn còn xảy ra ở
mức độ khá nghiêm trọng. Các vụ việc bạo hành của một số bậc cha mẹ và người
thân gây ra cho trẻ em đã được phát hiện và đưa lên báo chí, khiến dư luận xã hội
rất căm phẫn, đồng thời xã hội cũng lo ngại về sự xuống cấp chuẩn mực đạo đức.
Một câu hỏi được đặt ra, vậy Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em đã thực sự được quan tâm
đúng mực hay chưa? Nhà nước đã làm gì để các quyền của trẻ em thực sự được đảm
bảo thực hiện trên thực tế? Và chúng ta cần làm gì để nâng cao hiệu quả của công
tác bảo vệ quyền trẻ em?...
Những vấn đề này sẽ được đưa ra trao đổi và thảo luận trong bài tiểu luận của
nhóm 7: “Bạo lực trẻ em trong gia đình và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em”.

1


B.NỘI DUNG
I. BẠO LỰC TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH
1. Đánh giá chung:
Theo nhiều nguồn thống kê số liệu thì tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình
hiện nay đang gia tăng tới mức báo động. Theo báo cáo của Bộ LĐ TB&XH về việc


thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta
cho thấy, số lượng vụ xâm hại trẻ em bị cơ quan chức năng phát hiện hàng năm càng
ngày càng tăng với những con số giật mình. Năm 2009 là 3.000 vụ đến năm 2011 đã
tăng lên hơn 7.000 vụ. Mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 – 8.000 vụ bạo hành và
xâm hại tình dục trẻ em. Đây là theo con số thống kê các vụ việc bị phát hiện, được
đưa ra ánh sáng, bị xử lý, còn con số thực sự có thể lớn hơn rất nhiều. ngoài ra còn
có vô vàn những vụ bạo lực trẻ em mà chưa thống kê, điều tra hết, trong nhưng con
số thống kê đó thì có một phần không nhỏ là các vụ bạo lực trẻ em mà người bạo lực
các em chính là những người trong gia đình các em, bố, mẹ, anh, chị, ông, bà, những
người đáng lẽ phải là những người bảo vệ các em. Hơn thế nữa, những vụ bạo lực
gia đình đối với trẻ em còn để lại nhiều hệ lụy khác, mà được thể hiện thông qua
nhưng con số biết nói sau đây: Theo báo cáo sơ bộ của Viện kiểm soát thành phố Hồ
Chí Minh, trong năm 2008 trong thành phố có 18 học sinh bị kết án bởi những tội
nghiêm trọng, hoặc đặc biệt nghiêm trọng như: Giết người, hiếp dâm, cướp tài sản,
phá hoại tài sản nhà nước….Còn theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì 71%
trẻ vị thành niên phạm tội đều do không được gia đình quan tâm đứng mức. Một
nghiên cứu của Bộ công an cũng chỉ ra nguyên nhân của các trẻ vị thành niên phạm
tội xuất phát từ 8% trẻ phạm tội có bố mẹ li hôn, 49% phàn nàn về cách cư xử, chăm
sóc của bố mẹ. Còn trong các trường giáo dưỡng có 2209 học viên thì 49,81% trong
số này sống trong cảnh đối xử hà khắc, độc ác của bố mẹ, số trẻ em bị bố đánh
chiếm 23%, số trẻ em bị gì ghẻ bố dượng đánh chiếm 20,3%.
Không những vậy môi trường sống trong gia đình còn ảnh hưởng tới suy nghĩ
khả năng tư duy của trẻ, theo một cuộc thử nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh trong
200 học sinh được hỏi thì 34% nhóm học sinh có cha mẹ thường xuyên cãi lộn, đánh
nhau, bố hoặc mẹ hay uống rượu chiếm 9,4%, cha mẹ li thân, li hôn, hoặc chết
chiếm 11%, cha mẹ thường xuyên đi xa ít quan tâm tới con chiếm 9,1%.

2



2. Thực trạng bạo lực trẻ em trong gia đình
Bạo lực trẻ em thể hiện ở nhiều dạng, nhưng chủ yếu là 3 dạng sau: Bạo lực về
thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục ở trẻ em.
2.1. Bạo lực về thể xác
Theo Liên Hiệp Quốc: “Bạo lực thể xác là bất cứ hành vi gây thương tích bất kì
thể chất hoặc bất kì chỗ nào trên thân thể mà không kể mức độ “- Theo tài liệu của
Viện Khoa học xã hội: “Bạo lực thể chất là hành vi cưỡng bức thân thể, đánh đập
nhằm gây thương tích cho nạn nhân hoặc hạn chế nhu cầu thiết yếu như: ăn, uống,
ngủ…”
Trên thực tế, bạo hành trẻ em về thể xác trong thời gian qua đã gia tăng, không
những gia tăng về số vụ, mà còn gia tăng về mức độ thương tích. Những người trong
gia đình đánh đập bạo lực con cái về thể xác ngày càng sử dụng những hung khí có
tính chất nguy hiểm như dao, kìm, búa, với tính chất nguy hiểm của hành vi ngày
càng cao. Điển hình là các vụ cháu bé Châu Văn Phúc Thiên, 13 tuổi đang sinh
sống tại tỉnh Ninh Thuận bị chính cha mẹ ruột của mình dùng dây xích trói, buộc
vào cửa và bạo hành dã man vào đúng ngày 1/6 ngày Quốc tế Thiếu nhi mới đây
đang khiến dư luận hết sức bất bình. Nhìn những thương tật trên khắp cơ thể cháu
Thiên, người ta không khỏi bàng hoàng về hành vi thú tính của những bậc làm cha,
làm mẹ với chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Chuyện đau lòng đó cũng xảy ra với
bé Diễm Quỳnh, 10 tuổi ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Bé đã phải nhập viện cấp
cứu sau khi bị chính bố đẻ của mình là Đặng Quốc Hùng đánh đập tàn nhẫn. Trước
đó, ngày 16/11/2011, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo
Vũ Văn Quang (31 tuổi, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống) 20 năm tù về tội Giết
người. Quang là kẻ tàn nhẫn khi tẩm xăng thiêu sống bé Linh - đứa con trai bé bỏng
mới 3 tuổi của mình vào tháng 4/2011 khiến không ít người vô cùng phẫn uất.
Những đứa trẻ bị bạo lực thể xác thường để lại nhiều di chứng trên thân thể
thậm chí nhiều đứa trẻ con mang dị tật suốt đời .
Nỗi đau xác thịt trên cơ thể có thể liền da, phai mờ theo năm tháng nhưng những
“vết sẹo” tâm hồn thì không dễ dàng phai mờ. Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Ngọc Bích
nhận định: “Không phải trực tiếp bị đánh đập, chửi mắng, mà các em nhỏ chỉ cần

thường xuyên phải chứng kiến cảnh đó cũng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những em
đó thường có biểu hiện lầm lì, trầm cảm hoặc quá hiếu động, không nghe lời người
lớn. Thậm chí các bé còn dám đánh luôn cả người lớn. Việc chữa trị thể xác, phục
hồi tâm lý cho các em bị bạo hành gia đình thường phức tạp và mất thời gian. Quan
3


trọng là các em phải được sống trong môi trường thương yêu, giáo dục đúng đắn,
nhất là không tái diễn bạo hành.” Đáng buồn hơn những đứa trẻ bị bạo lực thể xác
thường có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống ,
điều này làm nguy cơ có thể dẫn trẻ em đến những con đường tội lỗi quá sớm.
Chúng ta không đánh đồng nhưng phải chăng chúng ta cũng cần có những suy nghĩ
gì đó khi mà hiện nay khi mà các vụ bạo lực thể xác ở trẻ em càng tăng tỉ lệ thuận
với các vụ bạo lực học đường hiện nay đang dần dần gia tăng. Theo báo cáo của Bộ
Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra
khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà
trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi
học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 học sinh.
2.2. Bạo lực về tinh thần
Khó để có một khái niệm chính xác về dạng bạo lực trẻ em này vì mỗi người lại
có những cấp độ bạo lực khác nhau. Tuy nhiên, phần đông chúng ta tán thành rằng :
“Bạo lực tinh thần là những hành vi như chửi bới, mắng nhiếc, hoặc có thể là im
lặng , hoặc nhiều hành vi khác nhằm đe dọa , hoặc làm cho người bị ảnh hưởng tới
tinh thần”.
Trong một cuộc điều tra xã hội học ở Việt Nam, có tới 12% người được hỏi có ý
kiến đã xếp việc mắng chửi là bạo lực tinh thần. Và ở nước ta hiện nay, có tới 255
số gia đình đang thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Có lẽ trên thực tế
không chỉ nằm ở những con số ấy mà con vươn xa hơn rất nhiều. Đó là ví các vụ
bạo hành trẻ em trong gia đình, nhất là đối với trẻ em trong gia đình không dễ gì có
thể được công khai. Và cũng chẳng ai có thể thống kê hay tính toán được các em đã

phải chịu bao nhiêu nỗi đau tinh thần, bao nhiêu tỉ lệ thương tích. Thực tế hiện nay
rất nhiều trẻ em đã là đối tượng để các bậc phụ huynh đem ra chì chiết, mắng mỏ là
nơi để họ trút bỏ những bực dọc, căng thẳng trong cuộc sống cũng như trong công
việc. Việc thường xuyên mắng mỏ, thậm chí là hét vào mặt con mình : Mày là đồ vô
tích sự, vì mày mà tao phải thế này thế kia, hay thật sự thất vọng về mày.., có thể bắt
gặp hằng ngày trong cuộc sống. Nhiều cha mẹ biến con cái của mình thành trọng tài
của những cuộc cãi vã. Cuối cùng, ngay cả họ cũng không hiểu vì sao mà những đứa
con của mình bỗng nhiên nổi cáu thất thường, đua đòi hay dần dần tự kỉ. Các em,
khi gặp phải những vấn đề trên hầu như phải tự giải quyết và phải nhờ tới tư vấn và
hỗ trợ trẻ em.

4


2.3. Bạo lực tình dục ở trẻ em
Lạm dụng tình dục ở trẻ em là hành vi lạm dụng một đứa trẻ thông qua bất cứ
hành động nào để kích dục đứa trẻ hoặc sử dụng một đứa trẻ để kích dục một người
khác.
Xâm hại tình dục trẻ em được coi là hình thức lạm dụng cao nhất và phức tạp
nhất trong các hình thức xâm hại trẻ em. Tình trạng trẻ em đang bị bạo hành, đặc
biệt là tình trạng lạm dụng tình dục ở trẻ em ở nước ta thời gian qua đã trở thành
mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Lạm dụng, xâm hại tình dục trẻ em ở n ước ta
hiện nay đang ở mức báo động và ngày càng trở nên phức tạp. Tình trạng xâm hại
tình dục không chỉ xảy ra đối với những bé gái mà còn xảy ra đối với cả những bé
trai. Nguy hại hơn nữa, có tới 70% nạn nhân bị xâm hại bởi người quen, thậm chí
chính là người thân, máu mủ ruột rà. Mặc dù việc loạn luân chiếm tỉ lệ rất thấp
nhưng nó gây ảnh hưởng rất lớn tới truyền thống đạo đức gia đình và an toàn xã hội.
Nó đã gióng lên hồi chuông báo động về sự suy đồi đạo đức. Có những vụ việc đã
trở thành nỗi kinh hoàng và gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội như: Bố đẻ
hiếp dâm con gái nhiều lần dẫn tới mang thai; bác ruột hiếp dâm cháu gái; mẹ đẻ giữ

chân con gái ruột để bố dượng thực hiện hành vi hiếp dâm (An Giang); Ông ngoại
hiếp dâm cháu gái (Cà Mau) hay gần đây là vụ bác họ hiếp dâm cháu gái 14 tuổi
khiến nạn nhân chết ngay trong nhà nghỉ (Hà Nội)...
Chỉ tính riêng trong sáu tháng đầu năm 2010, toàn quốc phát hiện 255 vụ trẻ em
bị hiếp dâm, 146 vụ giao cấu với trẻ em. Số trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là là
bị hiếp dâm (chiếm 65,9%). Đáng lo ngại nhất là tỉ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục có
độ tuổi ngày càng thấp, cụ thể: Trẻ dưới 6 tuổi chiếm 13,5%; trẻ từ 6 -13 tuổi chiếm
37,2%; số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm 28,2% và số trẻ em bỏ học,
sống lang thang bị xâm hại tình dục chiếm 11% (theo cuộc khảo sát của Bộ Lao
động Thương binh và xã hội).
Trẻ em bị xâm hại tình dục bị tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần,
đôi khi những di chứng này không biểu hiện rõ rệt ngay mà kéo dài âm ỉ nhiều năm
sau đó.
Những hậu quả về mặt cơ thể có thể thấy được ngay trên cơ thể trẻ em như các
tổn thương của bộ phận sinh dục, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Với trẻ lớn hơn, nguy cơ có thai được phát hiện không phải là hiếm gặp.Với những
trường hợp này, sức khỏe và tương lai của bà mẹ lẫn thai nhi thường trong tình trạng
rất mong manh.

5


Trẻ em bị lạm dụng tình dục có thể biểu hiện những rối loạn về hành vi cũng
như tâm thần từ nhẹ đến nặng, ngắn hạn cũng như dài hạn. Tùy thuộc vào mức độ
của lạm dụng tình dục mà trẻ có thể có những biểu hiện sợ hãi và lo lắng trước
người khác giới hay trước những vấn đề có liên quan đến tình dục. Việc bị lạm dụng
tình dục khiến trẻ trở nên không tin cậy ai, tách biệt, tự ti, trầm cảm, cô lập bản thân
với thế giới xung quanh.
Những biểu hiện ban đầu thường xuất hiện trong khoảng hai năm đầu tiên.
Những biểu hiện này tùy thuộc vào mức độ, hoàn cảnh cũng như tuổi của trẻ lúc bị

lạm dụng tình dục. Tuy nhiên, những biểu hiện thường gặp bao gồm những biểu
hiện thơ ấu hóa ( ví dụ: trẻ có thể mút tay hoặc đái dầm mặc dù đã lớn), rối loạn giấc
ngủ, chán ăn, xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, có những cơn hốt hoảng, rối loạn ở một số
tình huống đặc trưng nào đó. Lớn lên, họ có thể mắc vào con đường tội lỗi như
nghiện rượu, nghiện ma-túy, trở thành gái mại dâm,..và rất nhiều người gặp khó
khăn trong đời sống tình dục sau này.
3. Hệ quả, nguyên nhân, biện pháp phòng chống bạo lực trẻ em trong gia
đình
3.1. Hệ quả từ những vụ bạo lực trẻ em trong gia đình
Bạo lực gia đình đối với trẻ em là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, danh
dự và nhân phẩm của mỗi cá nhân. Nó làm xói mòn đạo đức, mất tính dân chủ xã
hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thế hệ tương lai.
Trước hết bạo lực gia đình đối với trẻ em sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối
với các em về mặt thể xác, những đau đớn về thân thể do bị hành hạ, đánh đập. Sau
nữa đặc biệt nghiêm trọng là sự phát triển không tốt trong nhân cách và tâm lí của
trẻ. Nếu không được giáo dục và uốn nắn trẻ sẽ có tính xã bạo lực về sau. Theo các
nhà tâm lí phần lớn những người có tính bạo lực đều xuất thân trong một gia đình có
bạo lực gia đình, không hạnh phúc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực gia đình
khiến trẻ em khủng hoảng, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng, rối nhiễu tâm lý,
trầm cảm... Bạo lực gia đình cũng ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập, kỹ năng sống,
sự hòa nhập xã hội, năng lực giải quyết vấn đề... của trẻ em.
Bạo lực gia đình ở Việt Nam cũng làm gia tăng số trẻ em vi phạm pháp luật. Số
liệu thống kê của Viện KSND tối cao 2008 cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm
pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức. Nguyên nhân phạm tội của trẻ
vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn
6


về cách đối xử của bố mẹ. Theo số liệu điều tra 2.209 học viên các trường giáo
dưỡng, có tới 49,81% trong số này sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo, độc

ác của bố mẹ. Số em bị bố đánh chiếm 23% (gấp 6 lần mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố
dượng đánh chiếm 20,3%.
3.2. Nguyên nhân
Tình trạng bạo lực gia đình với trẻ em đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng và
phổ biến, gây hậu quả xấu về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ
của trẻ, khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và bức xúc. Hình ảnh những đứa trẻ
bị tra tấn đánh đập dã man ngay trong chính ngôi nhà của mình bởi những bậc làm
cha làm mẹ khiến ai có lương tâm không thể không phẫn nộ. Vậy đâu là nguyên
nhân của nạn bạo lực gia đình đối với trẻ em?
Văn hóa “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” bấy lâu nay đã khiến
cho người ta coi chuyện đánh con là bình thường, là quyền của cha mẹ, dạy dỗ cho
con nên người, do thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về quyền trẻ
em nói riêng, về kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cộng đồng, gia
đình và chính bản thân các em đã dẫn tới mọi người vẫn cho rằng cha mẹ có quyền
dạy con bằng đòn roi, bằng sự xỉ nhục, hành hạ.
Pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe những người có hành vi bạo lực, như
Điều 110 Luật Hình sự có quy định ″Người nào đối xử tàn ác với đối tượng là trẻ
em lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm″.
Mức án như vậy là quá nhẹ.
Pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống: Chưa có quy định cụ thể về
bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng; chưa có quy định đặc biệt trong trường hợp
nhận tố giác từ trẻ em.
Đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực hiện chưa nghiêm túc.
Tiếng nói và cách xử lý của chính quyền với các vụ cha, mẹ bạo hành với con cái
còn yếu. Cùng với thái độ thờ ơ, vô cảm của cộng đồng đã dẫn tới nhiều trẻ em bị
bạo lực nhiều lần, gây hậu quả khá nghiêm trọng mà vẫn không bị xử lý trong khi
Nghị định 114/2006/NĐ - CP đã quy định mức phạt rất cụ thể.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo lực trẻ em như: Cha
mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, nghiện hút, cờ bạc, rượu chè; cha mẹ mâu thuẫn hoặc
ly hôn, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm với con cái. Sự lan truyền của văn hoá bạo

lực, đồi truỵ qua nhiều kênh, đặc biệt là qua Internet … dẫn đến các hành vi, hành

7


xử tiêu cực, bạo lực mà nạn nhân thường là trẻ em và lẽ tất nhiên sẽ tác động tới tư
tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách của trẻ em.
Gia đình nghèo, kinh tế khó khăn cũng là nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình vì
kinh tế khó khăn sẽ gây ra nhiều áp lực, căng thẳng, bế tắc dẫn đến mâu thuẫn trong
gia đình, hậu quả trẻ em phải hứng chịu.
Yêu đương sớm, quan hệ tình dục bừa bãi có thai ngoài ý muốn cũng là một
nguyên nhân dẫn tới tội ác (giết chết, chối bỏ, hành hạ trẻ sơ sinh). Có người nói
tình trạng này đang ở mức ″Báo động đỏ″, nó cảnh báo một vấn đề xã hội nghiêm
trọng, hệ quả của suy thoái đạo đức và lối sống của giới trẻ.
Bất bình đẳng giới cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự loại bỏ thai nhi khi
biết là gái, vứt bỏ trẻ sơ sinh là gái và bạo lực với trẻ em gái.
Như vậy ta có thể thấy rằng, hậu quả của nạn bạo lực để lại đối với trẻ em là vô
cùng nghiêm trọng.
3.3. Biện pháp phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình
Để giảm nạn bạo hành này đầu tiên chúng ta cần can thiệp để trẻ em được
hưởng đầy đủ các quyền cơ bản như Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã quy định.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật để người dân biết việc
đánh đập trẻ em là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên để thay đổi thói quen “Thương cho
roi cho vọt” không dễ làm được trong một sớm một chiều mà cần một quá trình lâu
dài.
Trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn bộc lộ những lỗ hổng lớn cần
được khắc phục. Chúng ta thiếu hẳn một cơ chế phát hiện kịp thời nạn bạo hành trẻ
em để xử lý. Điều này có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là do hành
vi bạo hành trẻ em có độ “ẩn” tương đối cao, khó phát hiện, dễ lẫn với những hành
vi mang tính giáo dục thông thường khác. Trong khi đó, nạn nhân là trẻ em nên khả

năng hạn chế, không phân biệt được đâu là giới hạn cho phép, đâu là bạo hành để tố
cáo. Nhà quản lý cần có biện pháp sửa đổi, tạo ra một cơ chế phát hiện vi phạm
nhanh hơn, hiệu quả hơn. Không giải quyết tốt việc phát hiện vi phạm thì pháp luật
có nghiêm đến mấy cũng bị vô hiệu hóa, không thể giáo dục riêng, phòng ngừa
chung. Về lâu dài, cần nghiên cứu thêm các giải pháp tác động căn cơ khác để điều
chỉnh hành vi này, trong đó tiếng nói của các nhà tâm lý, giáo dục, văn hóa, xã hội
học phải được đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, nạn bạo hành trẻ em còn liên quan đến vấn đề bất bình đẳng về giới,
người chồng, người cha trong gia đình là người có quyền hành nhất. Quan niệm con
8


cái phải trả hiếu cho cha mẹ, con gái không được đi học nhiều và phải làm việc nhà
phụ giúp cha mẹ..., nếu không hoàn thành sẽ bị đánh đập, mạt sát... Chính vì vậy
cũng cần có những biện pháp giáo dục phù hợp để thay đổi nhận thức của nam giới
về quyền trẻ em.
Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước. Muốn cho đất nước ta ngày
càng phát triển, có thể “Sánh vai cùng các cường quốc năm châu” theo lời Bác Hồ
đã căn dặn chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo
vệ trẻ em. Trách nhiệm này không chỉ của xã hội, của nhà trường mà trên hết là của
gia đình.
II. VẤN ĐỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM
1.Sự cần thiết đề cao vấn đề bảo vệ quyền trẻ em
Từ những vấn đề nổi cộm về tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình nói riêng
và bạo lực trẻ em nói chung đòi hỏi chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề
bảo vệ quyền trẻ em, để những em nhỏ không còn phải gánh chịu những nỗi đau cả
về thể xác lẫn tinh thần. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người
đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Không một người nào phải chịu
cực hình, tra tấn, hay bất kỳ hình thức đối xử, hoặc trừng phạt bất nhân, hay có tính
cách lăng nhục… Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận tư cách

con người của mình trước pháp luật.” Trẻ em cũng là con người, nên cũng được
hưởng tất cả những quyền cơ bản của một con người, quyền sống, quyền tự do,
quyền được mưu cầu hạnh phúc…Hơn thế nữa Theo Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục
trẻ em Việt Nam thì trẻ em là những người dưới 16 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện
cả về thể chất lẫn tinh thần, cần sự bảo vệ chăm sóc giáo dục của người lớn . Trẻ em
được hưởng quyền ở tất cả các giai đoạn trong cuộc đời như: quyền được sống, được
phát triển và được bảo vệ…
Các quyền của trẻ em là những quyền cơ bản, chính đáng, là một phần trong số
các nhu cầu, thiết yếu với tất cả mọi người. Mọi trẻ em đều có các quyền như nhau.
Đòi hỏi và được công nhận. Qui định nghĩa vụ rõ ràng. Bao gồm: Nhóm quyền sống
còn, nhóm quyền bảo vệ, nhóm quyền phát triển, nhóm quyền tham gia. Những
quyền này cần được công nhận và được đảm bảo trên thực tế ở Việt Nam nói riêng
và ở bất kì quốc gia nào trên thế giới.

9


2. Liên hệ thực tế công tác bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam
- Hoạt động nổi bật:
Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn công
ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc (năm 1990) và chưa đầy 1 năm sau đã ban
hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Năm 1991) và trong hơn 20 năm
qua nước ta đã đề ra và thực hiện hai Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em
giai đoạn 1991 – 2000 và giai đoạn 2001 – 2010 cũng nhiều chính sách, văn bản
hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chương trình mục tiêu, các dự án xây dựng tổ
chức bộ máy, bố trí đào tạo cán bộ quản lý, xây dựng và phát triển các tổ chức, cung
cấp dịch vụ liên quan nhằm mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp của thời kì đổi mới, đánh dấu một mốc
quan trọng trong việc xác định một cách rõ ràng, toàn diện các quyền cơ bản của
công dân, thừa nhận vấn đề quyền con người, trong đó có quyền trẻ em. Bản Hiến

pháp 1992 đã thể hiện có tính nguyên tắc sự cam kết của Nhà nước Việt Nam trong
thực thi Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, là cơ sở quan trọng để hình
thành hệ thống pháp luật trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Cụ thể như:
Quyền được sống, tồn tại, được chăm sóc, nuôi dưỡng (Điều 40, 63); quyền được
giáo dục (Điều 35); Trẻ em thiệt thòi, tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa
cũng được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện giúp đỡ (Điều 59, Điều 67).
Thêm vào đó, Bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, luật Hôn nhân
và gia đình….đều có những nội dung liên quan đến các quyền của trẻ em… Ngoài ra
còn có Luật người khuyết tật, Luật nuôi con nuôi….
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như đảm bảo những quyền
của trẻ em trong những năm vừa qua đã có những chuyển biến tích cực. Sự chăm lo
cho trẻ em của các cấp, các ngành và của toàn xã hội ngày càng phát triển rộng
khắp, đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ em. Nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo
dục, bảo vệ trẻ em được tổ chức trong cả nước như: Vào dịp tháng 6 hàng năm Việt
Nam đều phát động “Tháng hành động vì trẻ em” với chủ đề “Tạo cơ hội bình đẳng
cho mọi trẻ em”, tạo điều kiện tổ chức ngày 1/6, rằm Trung thu tại nhiều cơ sở và
Ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường; đặc biệt là Diễn đàn trẻ em tham gia đóng
góp ý kiến vào Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em (2011 – 2020) với trên
100 em nhỏ đại diện cho trẻ em của 10 tỉnh, thành phố… Đây là hoạt động với mục
đích tạo thành phong trào trong toàn xã hội tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục
trẻ em nói chung và trẻ em nghèo nói riêng; nâng cao trách nhiệm của gia đình và
cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tạo điều kiện giúp
10


trẻ em nghèo vượt qua khó khăn có thêm điều kiện để học tập và phát triển; tiếp tục
duy trì và đẩy mạnh hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ em trong kì nghỉ hè; vận
động xã hội xây dựng các công trình và có những sáng kiến vì trẻ em.
Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc
bảo vệ quyền trẻ em: Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi giảm mạnh; tiêm

chủng mở rộng đạt mức cao giúp nước ta thanh toán bệnh uốn ván bà mẹ và trẻ sơ
sinh vào năm 2005 và bại liệt vào năm 2009. Trẻ em được thực hiện quyền học tập
của mình, đa số trẻ em trong độ tuổi được đi học và hưởng nền giáo dục tốt hơn.
Cách tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được chú trọng. Việt
Nam cũng quan tâm một cách sâu sắc đến việc xây dựng môi trường sống an toàn,
lành mạnh cho trẻ em và tích cực trong các hoạt động ngăn ngừa các nguy cơ xâm
hại trẻ em.
-Những hạn chế còn tồn đọng trong công tác bảo vệ quyền trẻ em:
Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục, thực hiện quyền trẻ em, nhưng trên thực tế, việc thực hiện quyền trẻ em
chưa được tốt, chúng ta vẫn còn những bất cập, hạn chế và thách thức nhất định liên
quan đến việc hiện thực hóa đầy đủ và nâng cao không ngừng khả năng thụ hưởng
các quyền con người của trẻ em. Một trong những tồn tại và hạn chế lớn nhất trong
việc bảo vệ quyền trẻ em là do điều kiện kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều hạn
chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ở nông thôn đã
ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trẻ em. Về cơ sở vật chất có thể thấy hệ
thống dịch vụ y tế ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu
chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Công tác y tế học đường mặc dù có chỉ đạo nhưng
chưa thực hiện được nhiều. Phần lớn các trường học còn thiếu các công trình cấp
nước sạch và công trình vệ sinh có nhưng không đáp ứng được nhu cầu của trẻ em.
Hệ thống giáo dục và chất lượng giáo dục, đào tạo còn chưa đồng bộ, chưa hoàn
thiện và chưa thực sự tạo ra cơ hội tiếp cận bình đẳng trong thực hiện quyền được
học tập của trẻ em. Bên cạnh đó, hệ thống cung cấp dịch vụ phúc lợi xã hội cho trẻ
em còn hạn chế, đặc biệt là ở một số vùng khó khăn…
Trên thực tế, một số quyền của trẻ em chưa được thực hiện tốt, một số chỉ
tiêu đến năm 2010 về bảo vệ trẻ em của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em
Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng
trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc,
trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 có khả năng không đạt, đặc
biệt là chỉ tiêu giảm số lượng trẻ em bị xâm phạm tình dục, bị lạm dụng sức lao

11


động, bị mua bán, bị bạo lực, bị tai nạn, thương tích, nhiễm HIV, phạm các tội đặc
biệt nghiêm trọng. Nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, xâm hại tình
dục, bạo lực và mua bán trẻ em đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng với quá trình toàn cầu hoá và hội
nhập quốc tế đã làm gia tăng hiện tượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt sống
trong điều kiện khó khăn, có nguy cơ bị lạm dụng sức lao động, bị bóc lột, bị xâm
hại tình dục, bị buôn bán, trẻ em lang thang, trẻ em sử dụng ma tuý, trẻ em bị lạm
dụng và xâm hại, trẻ em bị buôn bán, trẻ em bị nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi
HIV/AIDS, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em làm trái pháp luật… ngày càng có
những diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó nhận thức và năng lực hoạt động về vấn đề bảo vệ trẻ em của cán
bộ và người dân còn nhiều hạn chế; nhận thức của gia đình, xã hội, các cấp, các
ngành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đôi lúc còn
chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ, năng lực và nhận thức của một bộ phận
cán bộ trong việc hoạch định chính sách, pháp luật, thực thi pháp luật và làm công
tác thực tiễn về vấn đề quyền trẻ em, cũng như nhận thức của một bộ phận nhân dân,
xã hội và các bậc phụ huynh về pháp luật và quyền trẻ em còn hạn chế, nhất là ở
vùng sâu, vùng xa. Hệ thống bảo vệ trẻ em chưa được xây dựng và kiện toàn mang
tính chuyên nghiệp, hệ thống; công tác giám sát và thanh tra về bảo vệ trẻ em còn
nhiều bất cập, phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trẻ em chưa được thực hiện
rộng rãi, sự tham gia của trẻ em chưa thực sự được phát huy. Một số chuyên gia
nhận định: Hệ thống luật pháp, chính sách và khung pháp lý để bảo vệ, chăm sóc trẻ
em chưa đầy đủ, đồng bộ. Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quyền trẻ em chưa đủ
mạnh. Một số nhóm đối tượng trẻ em đặc biệt chưa được đưa vào Luật Bảo vệ và
chăm sóc trẻ em, như trẻ em bị lạm dụng, bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ
em bị ảnh hưởng từ các vụ ly hôn, con nuôi, trẻ em di cư, bị buôn bán, trẻ em sống
trong các hộ nghèo... Thiếu các số liệu đáng tin cậy liên quan đến trẻ em cần được

bảo vệ đặc biệt. Thiếu các quy trình tư pháp thân thiện với trẻ em. Công tác truyền
thông, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa sâu rộng, chưa thường
xuyên liên tục và hiệu quả tác động thay đổi hành vi về công tác bảo vệ, chăm sóc
trẻ em còn hạn chế; phương pháp tiếp cận dựa trên quyền trẻ em chưa được thực
hiện rộng rãi, sự tham gia của trẻ em chưa thực sự được phát huy. Ý thức chấp hành
pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một bộ phận cán bộ, cha mẹ, giáo viên và
công dân chưa tốt; kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình và

12


kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em chưa đầy đủ và cập nhật. Nguồn lực đầu tư còn hạn
chế và phân tán.
Đây là thách thức cho việc thực hiện các mục tiêu Bảo vệ trẻ em và thực hiện
quyền trẻ em, đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các chủ thể nghĩa vụ
trong việc bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền cho trẻ em.
-Liên hệ công tác bảo vệ quyền trẻ em ở một số nước trên thế giới: Ở Australia
quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong việc phát
hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay sao nhãng và được phép áp dụng các biện pháp
can thiệp. Ví dụ một trẻ em ở độ tuổi quá nhỏ (dưới 8 tuổi) bị bỏ một mình ở sân
chơi cho trẻ em hay ở hành lang của khu dân cư không có người đi kèm, nhân viên
công tác xã hội phải tìm cách đưa cháu bé về nhà hoặc cơ sở chăm sóc tạm thời và
phải tìm hiểu vì sao trong trường hợp này, trẻ không có người quản lý. Nhân viên
công tác xã hội cũng sẽ thu xếp các chuyến vãng gia thăm cha mẹ, người chăm sóc
trẻ để tìm hiểu vấn đề và tư vấn, nếu cách ứng xử hay hành vi của bố mẹ, người
chăm sóc tỏ ra không quan tâm đến con cái có thể bị kết tội sao nhãng trẻ em, sẽ bị
phạt tiền, thậm chí bị tước quyền chăm sóc trẻ một thời gian tuỳ theo mức độ sao
nhãng. Luật này cũng quy định rất cụ thể trách nhiệm của giáo viên, khi phát hiện
trên cơ thể trẻ có dấu hiệu bị bạo lực phải tìm hiểu nguyên nhân và thông báo cho
nhân viên công tác xã hội và có biện pháp can thiệp kịp thời. Hay tại Cộng hoà liên


bang Nga cũng là một trong số những quốc gia phát triển mạnh mẽ mạng lưới tổ
chức bảo vệ trẻ em…
Việt Nam cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu trong công tác bảo vệ quyền trẻ
em trên thực tế, song cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém, cần quan tâm
nhiều hơn đến vấn đề này và học hỏi các nước tiến bộ trên thế giới trong việc nâng
cao hiệu quả bảo vệ quyền trẻ em.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ quyền trẻ em:
Để bảo vệ trẻ em nói chung, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị bạo
lực, xâm hại nói riêng, chúng ta cần phải đưa ra các giải pháp tối ưu và vạch ra
hướng đi cụ thể với sự góp sức của toàn xã hội.
Có lẽ rằng giải pháp trước tiên nhất vẫn là phải nâng cao nhận thức của người
dân về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Bởi thực tế, điều này đang rất thiếu hụt ở Việt
Nam. Hạn chế lớn nhất như nhiều diễn đàn đã từng đề cập đến là chúng ta chưa có
kiến thức về nuôi dưỡng, chăm sóc con một cách bài bản. Đi mua một đồ vật thì
nghiên cứu rất kỹ, nhưng sinh con ra thì gần như là bản năng, nuôi dưỡng theo thói
13


quen chứ không có một chương trình hỗ trợ, chương trình huấn luyện hay chương
trình trợ giúp nào cho các bậc làm cha, làm mẹ. Điều này rất khác các nước phát
triển là họ có chương trình đào tạo, tập huấn làm cha làm mẹ trước khi kết hôn. Họ
cũng dạy cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Đây là thiếu hụt đầu tiên trong nhận
thức của người dân.
Về mặt luật pháp thì chúng ta cũng không có kiến thức đầy đủ về quyền trẻ em,
ứng xử với trẻ em nên coi việc vi phạm với trẻ em là chuyện rất sức bình thường. Ví
dụ, việc không cho con đi học, đánh trẻ em, không cho trẻ em chơi, bắt làm theo ý
của người lớn… là vi phạm quyền trẻ em nhưng người ta cũng coi là quyền của cha
mẹ. Chúng ta cũng thấy trách nhiệm của gia đình đối với xã hội hiện nay còn nhiều
hạn chế. Người ta muốn xã hội quan tâm tới con người cụ thể nhưng gia đình làm gì

để đóng góp cho xã hội lành mạnh hơn, làm cho xã hội bớt xảy ra những hiện tượng
như trên thì rất nhiều điều phải bàn.
Người đứng đầu ở các địa phương, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp ủy, chính
quyền cũng thực sự chưa thực hiện tròn trách nhiệm của mình trong công tác này.
Chính vì vậy, khi xảy ra các vụ bạo hành nghiêm trọng rồi chính quyền mới biết. Đó
rõ ràng là trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền.
Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng cần phải nêu ra đó là Nâng cao
hơn nữa hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các cơ quan truyền
thông, thông tấn báo chí phải bám sát nội dung, yêu cầu của công tác tuyên truyền,
chuyển tải nhiều nội dung liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như phổ
biến chính sách, pháp luật; quan điểm, định hướng và nội dung cơ bản của công tác
bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; những định hướng kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; phòng chống lao động trẻ em, bảo vệ trẻ
em trước nạn bạo hành, xâm hại tình dục; giới thiệu các mô hình, điển hình tốt trong
công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ
em; tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động của gia đình, nhà trường
và xã hội... Báo chí cũng cần tích cực hơn nữa trong công tác chất vấn, phản biện
trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc phòng ngừa,
can thiệp bảo vệ trẻ em; tăng cường mở các diễn đàn, các mục hỏi đáp tư vấn giữa
những người thực hiện chính sách, của gia đình và bản thân các em với các cơ quan
quản lý và các chuyên chuyên gia về lĩnh vực này…

14


C.KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Bạo lực trẻ em, đặc biệt bạo lực trẻ em trong gia đình vốn không phải là vấn
đề mới mẻ, nhưng rõ ràng, nó vẫn luôn là vấn đề nóng gây bức xúc cho dư luận xã
hội. Vấn đề bạo lực trẻ em trong gia đình đổ vỡ cần phải được xét ở nhiều góc độ
bởi đó không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của quá trình tích tụ mâu thuẫn gia

đình. Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, những sự việc, hành vi bạo hành
với trẻ em có tính chất lệch chuẩn xã hội, là biến thể của gia đình méo mó.
Giải thích việc những người bố đẻ, hay mẹ kế hành hạ, bóc lột con cái ngày
càng dã man, ông Bình cho rằng: “Mặc dù 2 vợ chồng không cùng huyết thống
nhưng khi gá nghĩa với nhau thì đã được huyết thống hóa thông qua những đứa con.
Khi xung đột đến đỉnh điểm thì người ta muốn cắt rời những thứ đó. Chính vì vậy,
đứa con là nơi giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa 2 người. Từ đó mới dẫn tới cách
xử sự ác độc hơn người ngoài”.
Từ những vụ bạo lực với trẻ em trước đây như vụ bé Hào Anh (Cà Mau) bị
vợ chồng chủ trại tôm giống hành hạ như thời trung cổ, vụ bảo mẫu Quản Thị Kim
Hoa (Biên Hòa, Đồng Nai) đánh đập trẻ mầm non... tới các vụ vừa kể trên cho thấy
bạo lực trẻ em chuyển đổi từ những quan hệ không cùng huyết thống sang những tổ
ấm vốn là nơi bình yên, an toàn nhất.
Trong lời nói đầu của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã khẳng định:
“Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng của con người, là môi trường
quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt…”.
Hơn ai hết, trẻ em là những người còn chưa phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn
tinh thần, chúng cần được gia đình che chở, yêu thương chứ không phải chịu những
vụ đòn roi hay chứng kiến những vụ cãi vã của bố mẹ. Các em có quyền được
hưởng những sự chăm lo, giáo dục từ gia đình và xã hội, có quyền được mơ ước,
được hưởng một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy. Phòng chống bạo lực trẻ em trong gia
đình và nâng cao công tác bảo vệ quyền trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng
ai mà cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, để các em được hưởng một cuộc
sống hạnh phúc mà các em đáng được nhận.

15


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).
2. Công ước Quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc.
3.Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

16


MỤC LỤC

17



×