Tải bản đầy đủ (.pdf) (178 trang)

Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.57 MB, 178 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
-----------*---------

Đặng Hoài Giang

BIẾN ĐỔI KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ
Ở BUÔN MA THUỘT TỪ SAU 1975 ĐẾN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Hà Nội - 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM
-----------*---------

Đặng Hoài Giang

BIẾN ĐỔI KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ
Ở BUÔN MA THUỘT TỪ SAU 1975 ĐẾN NAY

Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số: 62 31 06 40



LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu
TS. Phan Phƣơng Anh

Hà Nội - 2016


1

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án Tiến sĩ Biến đổi không gian văn hóa
buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay là công trình
nghiên cứu của riêng tôi; các tư liệu được sử dụng trong luận án là trung
thực; kết quả nghiên cứu của luận án chưa được công bố trong bất kì
công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 25 tháng 1 năm 2016
Tác giả luận án

Đặng Hoài Giang


2

MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ......................................................................................................1
MỤC LỤC ..................................................................................................................2
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT ................................................................................3
DANH MỤC BẢN ĐỒ VÀ CÁC BẢNG .................................................................4

MỞ ĐẦU ....................................................................................................................5
Chƣơng 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KHÔNG GIAN
VĂN HÓA BUÔN LÀNG .......................................................................................22

1.1. Không gian văn hóa .............................................................................. 22
1.2. Không gian văn hóa buôn làng ............................................................. 26
1.4. Khái quát về các buôn được lựa chọn nghiên cứu................................ 46
Chƣơng 2. SỰ VẬN ĐỘNG CỦA CÁC THÀNH TỐ CẤU THÀNH
KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ .................................................51

2.1. Bối cảnh tác động đến không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở
Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay .......................................................... 51
2.2. Biến đổi không gian sản xuất ............................................................... 56
2.3. Biến đổi không gian cư trú ................................................................... 74
2.4. Biến đổi không gian sinh hoạt cộng đồng ............................................ 85
2.5. Biến đổi không gian sinh hoạt tín ngưỡng............................................ 93
Chƣơng 3. XU HƢỚNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ QUÁ TRÌNH
BIẾN ĐỔI KHÔNG GIAN VĂN HÓA BUÔN LÀNG Ê ĐÊ ...........................108

3.1. Các xu hướng biến đổi không gian văn hóa buôn làng ...................... 108
3.2. Những vấn đề đặt ra từ sự biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê .. 124
3.3. Một số đề xuất nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa
buôn làng Ê Đê theo hướng bền vững ....................................................... 131
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ...........................................139
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................140
PHỤ LỤC ...............................................................................................................150


3


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

Cb

: Chủ biên

CTQG

: Chính trị Quốc gia

GS

: Giáo sư

KH&KT

: Khoa học và Kỹ thuật

KHXH

: Khoa học xã hội

NN&PTNT

: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Nxb

: Nhà xuất bản


Tp

: Thành phố

Tr

: Trang

TS

: Tiến sĩ

UBND

: Ủy ban nhân dân
: The United Nations Educational,
Scientific and Cultural Organization (Tổ

UNESCO

chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa
của Liên hiệp quốc)


4

DANH MỤC BẢN ĐỒ VÀ CÁC BẢNG
Bản đồ 1. Vị trí của các buôn được nghiên cứu ........................................................49
Bảng 2.1. Diễn biến diện tích một số cây công nghiệp ở Tây Nguyên.....................52
Bảng 2.3. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp ở các điểm điều tra .........................60

Bảng 2.4. Vai trò của cây cà phê ở các điểm điều tra ...............................................63
Bảng 2.5. Thách thức trong sản xuất nông nghiệp ở các điểm điều tra ....................64
Bảng 2.6. Cơ cấu thu nhập của buôn Alê A ..............................................................65
Bảng 2.5. Tỷ lệ hộ nghèo ở các điểm nghiên cứu .....................................................67
Bảng 2.6. Tiện nghi gia đình ở các điểm nghiên cứu ...............................................67
Bảng 2.7. Cơ cấu nhà ở của Buôn Alê A ..................................................................76
Bảng 2.8. Cơ cấu nhà ở buôn Ea Bông .....................................................................77
Bảng 2.9. Cơ cấu nhà ở của buôn Ako Dhông ..........................................................77
Bảng 2.10. Cơ cấu dân tộc ở buôn Alê A .................................................................78
Bảng 2.11. Cơ cấu dân tộc ở buôn Ako Dhông ........................................................79
Bảng 2.12. Cơ cấu dân tộc ở buôn Ea Bông .............................................................80
Bảng 2.13. Những nét mới của người Ê Đê khi cộng cư với người Kinh ................83
Bảng 2.14. Những hạn chế của giới trẻ ở các điểm nghiên cứu ...............................92
Bảng 2.15. Nhóm Thiên Chúa giáo ở các điểm nghiên cứu .....................................95
Bảng 2.16. Nhóm Tin Lành ở các điểm điều tra .......................................................98
Bảng 3.1. Thực trạng sinh hoạt văn hóa truyền thống ở buôn Alê A .....................110
Bảng 3.2. Vai trò của nhà sàn trong đời sống hiện tại ............................................117
Bảng 3.3. Vai trò của bến nước và rừng cộng đồng................................................118
Bảng 3.4. Thực trạng sinh hoạt văn hóa truyền thống ở Ea Bông, Ako Dhông .....119
Bảng 3.5. Số lượng nghệ nhân dân gian ở Ea Bông và Ako Dhông .......................121


5

MỞ ĐẦU
1. Lí do lựa chọn đề tài
1.1. Để tồn tại và phát triển, bất cứ cộng đồng xã hội nào cũng cần đến một
không gian sinh tồn. Trong không gian ấy, con người tồn tại với tư cách là một chủ
thể văn hóa: tương tác với tự nhiên và xã hội; lựa chọn các mô hình sản xuất; định
hình các khuôn mẫu ứng xử; tiếp nhận, sáng tạo và trao truyền các giá trị nhằm đảm

bảo tính liên tục văn hóa cho cá nhân và cộng đồng. Bởi lẽ văn hóa ra đời trên nền
tảng của không gian sinh tồn, cho nên, đối với một cộng đồng, không gian sinh tồn
cũng đồng thời là không gian văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Clyde Kluckhohn
- nhà văn hóa học nổi tiếng người Mỹ cho rằng: văn hóa của một cộng đồng được
phản chiếu qua không gian sống của họ [102]. Còn theo Francoise P. Lévy và
Marion Segaud thì “tất cả mọi xã hội, đều có mối quan hệ với không gian của họ;...
chúng đều được thể hiện bởi tổ chức không gian của chính mình” [52, tr.140-141].
1.2. Trong các loại hình không gian văn hóa mà con người đã sáng tạo nên, có
lẽ, làng là loại hình không gian lâu đời và phổ biến hơn cả. Dường như ở đâu có nông
thôn, nông nghiệp, nông dân thì ở đó có làng và không gian làng. Với một đất nước
có truyền thống “trọng nông” như Việt Nam, dấu ấn của làng trong đời sống xã hội
càng đậm nét. Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các học giả trong và ngoài nước, dù
đứng từ góc độ tiếp cận nào, đều có chung một nhận định: làng là không gian văn hóa
cơ bản và đặc trưng nhất của quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Thật vậy, tuy khác nhau
về nguồn gốc, ngôn ngữ, địa bàn cư trú và lối sống, nhưng giá trị văn hóa của từng
nhóm tộc người trên lãnh thổ Việt Nam đều được phản chiếu trong không gian làng
của họ. Vì thế, theo cách diễn đạt của nhà dân tộc học Từ Chi, nghiên cứu không gian
văn hóa làng cho phép chúng ta tìm hiểu người Việt nói riêng và các tộc người ở Việt
Nam nói chung “trong sức năng động lịch sử của nó, trong ứng xử cộng đồng và tâm
lý tập thể của nó, trong các biểu hiện văn hóa của nó, cả trong những phản ứng của nó
trước tình huống mà lịch sử đương đại đặt nó vào”[8, tr.226].
1.3. Tây Nguyên là một vùng đất độc đáo trong hệ thống lãnh thổ sinh thái nhân văn của Việt Nam. Sau 1975, dưới tác động của hàng loạt nhân tố mới, Tây
Nguyên đã trở thành một vùng đất hoàn toàn khác về điều kiện tự nhiên, kinh tế,
dân số, cơ cấu dân tộc, cơ cấu tôn giáo so với trước 1975... Sự chuyển động của


6

vùng đã tác động sâu sắc lên không gian buôn làng của các dân tộc tại chỗ, dẫn đến
nhiều hệ quả phức tạp: sự xáo trộn không gian sinh tồn của nhóm dân tộc tại chỗ;

nạn “chảy máu cồng chiêng” và suy thoái vốn văn hóa tộc người; đặc biệt, cải đạo
đã trở thành một hiện tượng mang tính khu vực, thu hút đông đảo người Thượng
tham gia (Thiên Chúa giáo, Tin Lành)... Những gì vừa nêu cho thấy rằng, để nhận
thức thấu đáo hơn về thực tiễn Tây Nguyên nói chung và thực tiễn phát triển của
nhóm dân tộc tại chỗ nói riêng, không thể tách các vấn đề văn hóa - xã hội của
nhóm dân tộc tại chỗ ra khỏi bối cảnh biến đổi không gian buôn làng. Tuy nhiên,
cho đến nay, các nghiên cứu được thực hiện theo hướng này vẫn còn hạn chế cả về
số lượng lẫn chất lượng. Mặt khác, theo Lưu Hùng, từ trước đến nay “phần đông
các tác giả thường đi vào một vài khía cạnh của xã hội buôn làng nói chung hoặc ở
một tộc người nào đó, hay đề cập dưới dạng bao quát về buôn làng trong toàn khu
vực Tây Nguyên”, cho nên, “đã đến lúc phải chú trọng nghiên cứu từng làng ở các
tộc người, các vùng khác nhau”[31, tr.128].
1.4. Buôn Ma Thuột (hay Ban Mê Thuột) là thành phố tỉnh lị của tỉnh Đắk
Lắk. Tên gọi Buôn Ma Thuột có nguồn gốc từ tiếng Ê Đê: Buôn Ama Y Thuột (gọi
tắt là Buôn Ma Thuột) - có nghĩa là làng của cha Thuột, vị tù trưởng có công lập ra
buôn làng đầu tiên bên bờ suối Êa Tam (nằm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột
bây giờ). Trong bốn thập niên qua, vùng đất này đã tiến những bước dài trên lộ trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm của
vùng Tây Nguyên và dự kiến sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm
2020. Có thể nói, trong kỷ nguyên thống nhất và đổi mới đất nước, nếu Tây Nguyên
được xem là một trong những vùng biến đổi nhanh nhất của Việt Nam thì Buôn Ma
Thuột là đại diện tiêu biểu nhất của một Tây Nguyên chuyển đổi. Đáng lưu ý là trong
bối cảnh hiện nay, Buôn Ma Thuột cũng đối diện với những vấn đề chung của vùng
Tây Nguyên, trong đó có các vấn đề văn hóa liên quan đến cộng đồng dân tộc tại chỗ.
1.5. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung là quê hương lâu đời
của người Ê Đê. Theo số liệu của Ủy ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2014,
dân số Ê Đê ở Đắk Lắk vào khoảng hơn 300.000 người, chiếm tỷ lệ vượt trội trong
các dân tộc sở tại và đứng thứ hai trong nhóm tại chỗ của vùng Tây Nguyên (chỉ
xếp sau dân tộc Ja Rai). Ở Đắk Lắk, người Ê Đê quần cư thành các nhóm địa
phương: nhóm Kpă ở Buôn Ma Thuột, nhóm Adham ở phía Tây Bắc, nhóm Ktul



7

phía Đông, nhóm Dliê và Ruê ở phía Đông Nam. Trong các nhóm này, nhóm Kpă
không chỉ là nhóm “thuần chủng” nhất mà còn là nhóm tiếp xúc sớm và liên tục
nhất với các chủ thể văn hóa bên ngoài. Bởi vậy, trong xu thế chuyển động chung
của vùng Tây Nguyên từ sau 1975, sự biến đổi không gian buôn làng của cộng đồng
Ê Đê ở Buôn Ma Thuột mang ý nghĩa điển hình, là đối tượng lí tưởng cho các
nghiên cứu theo hướng Văn hóa học. Trên bình diện lý thuyết, việc nghiên cứu đối
tượng này cho phép chúng ta nhận ra mối liên hệ giữa biến đổi không gian buôn
làng với biến đổi văn hóa tộc người, các xu hướng biến đổi khác nhau giữa các cộng
đồng, cũng như các vấn đề đặt ra từ quá trình biến đổi ấy. Trên bình diện thực tiễn,
quá trình khảo sát, phân tích đối tượng nghiên cứu có thể gợi ra một số ý tưởng thiết
thực nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng ở Buôn Ma Thuột nói
riêng và ở Tây Nguyên nói chung theo hướng bền vững.
Vì các lí do lí thuyết và thực tiễn như vậy, nghiên cứu sinh quyết định chọn
Biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến
nay làm đề tài nghiên cứu của luận án tiến sỹ.
2. Tình hình nghiên cứu
Với nội dung trọng tâm là quá trình biến đổi không gian buôn làng của người
Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau 1975 đến nay, luận án có mối liên hệ gần gũi với các
công trình nghiên cứu sự chuyển đổi của cộng đồng làng nói chung, đặc biệt là làng
của các tộc người vùng cao trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Do đó,
trong phần tổng quan vấn đề, đối với các nghiên cứu quốc tế, nghiên cứu sinh sẽ
dành ưu tiên cho các công trình nghiên cứu sự biến đổi của các cộng đồng vùng cao
ở Đông Nam Á. Đối với các nghiên cứu trong nước, nghiên cứu sinh sẽ điểm qua
các công trình nghiên cứu làng ở đồng bằng và làng vùng cao nói chung, trước khi
tập trung giới thiệu các công trình nghiên cứu buôn làng của các dân tộc tại chỗ Tây
Nguyên và người Ê Đê, đặc biệt trong vòng 4 thập niên trở lại đây.

2.1. Các nghiên cứu về sự chuyển đổi của các cộng đồng vùng cao ở Đông
Nam Á
Sau thế chiến II, các nghiên cứu theo hướng sinh thái học văn hóa hay nhân
học sinh thái tập trung sự chú ý vào một vấn đề rất cơ bản: không gian sinh thái nhân văn của các cộng đồng thiểu số sẽ đi về đâu trước tác động của các chương


8

trình phát triển nội địa và xu hướng toàn cầu hóa? Đi ngược truyền thống xem không
gian sinh thái - nhân văn của các tộc người thiểu số vùng cao như là những đơn vị
biệt lập với thế giới bên ngoài, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang phân tích ảnh
hưởng của những dòng di cư, công nghệ, thông tin và các loại quyền lực trong thế
giới hiện đại lên các cộng đồng địa phương [109]. Ở Đông Nam Á, sau thế chiến II,
trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đã giành được độc lập dân tộc và tiến hành
hiện đại hóa, vấn đề được nhiều học giả quan tâm là các chương trình phát triển kinh
tế - xã hội của nhà nước, các chương trình viện trợ từ bên ngoài và xu hướng toàn cầu
hóa tác động ra sao tới các cộng đồng vùng cao trong khu vực. Trong một nghiên cứu
mang tính tổng quan về “các tộc người thiểu số và các tộc người bản xứ ở Đông Nam
Á”, dựa trên kết quả nghiên cứu ở một số nước Đông Nam Á lục địa (Thái Lan,
Myanmar) và Đông Nam Á hải đảo (Indonesia, Malaysia, Philippin), Gerard Clarke
cho rằng, bối cảnh chuyển đổi ở từng quốc gia và của khu vực đã phá vỡ không gian
sinh tồn của rất nhiều tộc người thiểu số vùng cao. Chính sách định cư
(sedentarisation) ở Thái Lan vào thập niên 1970 nhằm đưa các cộng đồng dân tộc
vùng cao phía Bắc xuống tập trung thành các làng lớn ở đồng bằng đã đẩy các cộng
đồng này vào thế lưỡng nan về kinh tế, về lối sống và họ đã tìm cách phản kháng lại
các chương trình của chính phủ dưới nhiều hình thức khác nhau. Cũng theo tác giả,
chính sách khai thác tài nguyên và tôn giáo ở Thái Lan, Myanma, Philippin,
Indonesia đã làm thay đổi mô hình sinh kế truyền thống của các cộng đồng vùng cao
khi họ buộc phải chuyển từ nền canh tác hưu canh luân khoảnh truyền thống sang
thâm canh cây công nghiệp và tiếp nhận các tôn giáo mới từ bên ngoài và do đó, đi

đến từ bỏ nhiều thực hành tín ngưỡng truyền thống [100, tr.413-436].
Sự thay đổi mô hình sinh kế của các cộng đồng vùng cao cũng là một chủ đề
được nhiều tác giả quan tâm. Các nghiên cứu của Rob Cramb ở Sarawak (Malaysia)
và của Gregory M.Thailer ở Borneo (Indonesia) cho thấy, việc từ bỏ kiểu canh tác
hưu canh luân khoảnh truyền thống sang phát triển các loại cây trồng vì mục đích
thương mại, ngoài khía cạnh kinh tế, đã tạo nên những biến đổi to lớn trong cảnh
quan, lối sống, quan hệ xã hội của các cộng đồng liên đới. Rob Cram đã khái quát
hóa những biến đổi ấy trong cụm từ cảnh quan hậu nương rẫy luân canh (postswidden landscape) [101, tr.770-793], [105].


9

Tóm lại, các nghiên cứu quốc tế giúp nghiên cứu sinh có được cái nhìn so
sánh (comparative vision) trong nghiên cứu không gian văn hóa buôn làng giữa các
khu vực trên thế giới, tiếp nhận các lý thuyết và các phương pháp nghiên cứu hiện
đại để phục vụ cho đề tài nghiên cứu.
2.2. Các nghiên cứu về sự chuyển đổi của làng đồng bằng và làng vùng
cao ở Việt Nam
Trong bản đồ tộc người của Việt Nam, người Việt là tộc người chủ thể, quần
cư ở vùng đồng bằng trung tâm. Trong các thập niên qua, không gian làng xã của
người Việt đã trải qua một quá trình biến đổi sâu sắc. Vì thế, đề tài “làng Việt trong
chuyển đổi” được nhiều chuyên ngành khoa học quan tâm và đạt nhiều thành tựu
quan trọng. Ở đây, chúng tôi cố gắng lược qua các công trình có ảnh hưởng hoặc có
mối liên hệ trực tiếp với đề tài của luận án.
Công trình Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ do Philippe
Papin và Olivier Tessier đồng chủ biên, với sự tham gia của nhiều học giả trong
nước và quốc tế, “nghiên cứu những chuyển động, biến đổi và bất ổn” trong không
gian làng xã Bắc Bộ đương đại: tổ chức không gian, quan hệ gia đình - dòng họ, tôn
giáo, cơ cấu xã hội, đời sống kinh tế, di dân... [52].
Công trình Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam của Nguyễn

Chí Bền tập hợp các tiểu luận nghiên cứu văn hóa dân gian của các vùng văn hóa ở
Việt Nam (trong đó có vùng Bắc Tây Nguyên) trình bày nhiều vấn đề lý luận cơ bản
trong nghiên cứu văn hóa cổ truyền nói chung và trong nghiên cứu văn hóa dân gian
của các tộc người nói riêng [2].
Theo hướng tiếp cận của nhân học văn hóa, qua nghiên cứu trường hợp 3
làng Đồng Kỵ, Trang Liệt, Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh), công trình Biến đổi văn
hóa ở các làng quê hiện nay của Nguyễn Thị Phương Châm phân tích sự biến đổi
văn hóa của làng xã trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn [7].
Sự chuyển đổi của các cộng đồng vùng cao Việt Nam, đặc biệt ở khu vực
miền núi phía Bắc cũng được nhiều tác giả nghiên cứu. Công trình Vùng núi phía Bắc
Việt Nam: một số vấn đề về môi trường và kinh tế - xã hội của Trung Tâm nghiên cứu
tài nguyên và môi trường (CRES) thuộc Đại học quốc gia Hà Nội mô tả tình trạng
phát triển của các cộng đồng thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc, qua đó chỉ ra mối
quan hệ giữa phát triển kinh tế và những thay đổi về mặt xã hội, môi trường [79].


10

Công trình Những xu hướng biến đổi văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc
Việt Nam của Nguyễn Thị Huế trình bày các giá trị tiêu biểu trong văn hóa vật chất
và văn hóa tinh thần (nhà cửa, trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, phong tục tập quán,
nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, văn học dân gian) cũng như xu hướng biến đổi văn
hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc như Thái, Mường, H’Mông, Dao, Tày,
Nùng, Hà Nhì, Pu Péo, Lô Lô [28].
Công trình Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở
vùng Đông Bắc do Vương Xuân Tình chủ biên đề cập đến thực trạng văn hóa truyền
thống của một số dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc và đề xuất các quan điểm, giải
pháp nhằm phát triển bền vững các giá trị văn hóa tộc người trong bối cảnh hội
nhập, toàn cầu hóa [77].
Tóm lại, các nghiên cứu trong nhóm này gợi mở cho nghiên cứu sinh các

cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu không gian làng và có được cái nhìn tổng
thể về bức tranh chuyển đổi của các cộng đồng vùng cao ở Việt Nam mà người Ê
Đê ở Buôn Ma Thuột là một bộ phận trong số đó.
2.3. Các nghiên cứu về không gian buôn làng Tây Nguyên
Quá trình tìm kiếm và khai thác thuộc địa đã khiến người Pháp trở thành
những người đầu tiên nghiên cứu vùng đất Tây Nguyên. Sau sự mở đường của các
nhà truyền giáo, lần lượt có mặt ở Tây Nguyên các phái bộ khảo sát và các nhà cai
trị. Nhờ được đào tạo bài bản về nhân học, ngôn ngữ học và địa chất học, họ đã tổ
chức điền dã khắp Tây Nguyên, nghiên cứu hoặc trên chiều cạnh tổng thể đặc điểm
tự nhiên và con người của toàn vùng, hoặc trên chiều cạnh cụ thể của từng tộc
người hay từng vùng riêng biệt. Đáng chú ý là những học giả bán chuyên: Henri
Maitre, Antomarchi, Bernard Y. Jouin… Trong đó, công trình của Henri Maitre Rừng người Thượng (Les jungles Mois), cho đến nay vẫn được xem là công trình
nghiên cứu cơ bản nhất về Tây Nguyên.
Những người Pháp tiếp theo đến Tây Nguyên là thế hệ các nhà khoa học
chuyên nghiệp: G.Condominas, Anna De Hautecloque-howe, Boulbet, Maurice, J.
Dournes. Họ đã đến, tiến hành điền dã lâu dài và hoàn thành nhiều tác phẩm quan
trọng về các tộc người Tây Nguyên. Công trình Chúng tôi ăn rừng của Condominas
là một bút ký dân tộc học mô tả toàn bộ đời sống của làng Sar Luk thuộc bộ lạc
M’Nông Gar trong chu kỳ một năm nông nghiệp - từ lúc hạ cây, đốt rẫy cho đến khi


11

thu hoạch: tìm đất làm rẫy, thử đất, đám cưới, đám tang, các lễ hội... Đây là một
nghiên cứu mẫu mực về một “không gian xã hội” điển hình của vùng Tây Nguyên
vào thời điểm mà ngọn lửa chiến tranh Đông Dương chuẩn bị loang đến và tàn phá
không gian sống của người dân Sar Luk [10].
Trong các nghiên cứu của người Pháp về Tây Nguyên, chuyên khảo Người Ê
Đê – một xã hội mẫu quyền của Anne De Hautecloque-howe có mối liên hệ rất gần
gũi với luận án của nghiên cứu sinh. Chuyên khảo này là kết quả của hơn 1 năm

điền dã của tác giả (1961 - 1962) ở 26 buôn Ê Đê thuộc Đắk Lắk. Trong quãng thời
gian đó, bà đã lựa chọn một phương pháp được chính bà đặt tên là “dân tộc học - lối
sống”, tức là tiến hành việc điều tra bằng ngôn ngữ của những người chủ tiếp đón
bà và chia sẻ cuộc sống thường nhật của họ, sống trong một ngôi nhà dài và tham
gia lao động cùng họ, kể cả lao động nương rẫy. Nhờ vậy, công trình của bà đã đề
cập đến những vấn đề vừa cơ bản vừa đặc trưng của một đời sống mẫu quyền diễn
ra trong khuôn khổ các làng Ê Đê giai đoạn trước 1975 [23]. Vì vậy, nó trở thành
một cơ sở đối chứng rất quý giá mà nghiên cứu sinh có thể dựa vào để làm sáng rõ
quá trình biến đổi không gian buôn làng Ê Đê từ 1975 đến nay.
Sau 1975, nhằm phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở
Tây Nguyên, nhà nước bắt đầu tổ chức các chương trình nghiên cứu vùng đất này
(chương trình Tây Nguyên I và Tây Nguyên II). Kể từ đó, các thế hệ học giả miền
Bắc bắt đầu có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu Tây Nguyên. Các chương trình này,
ban đầu tập trung vào những vấn đề chung của vùng, sau đó, đi vào các vấn đề cụ
thể của các nhóm tộc người và các tỉnh địa phương. Tuy nhiên, có hai vấn đề được
nhiều thế hệ học giả quan tâm là vấn đề sở hữu đất đai và vấn đề làng cổ truyền ở
Tây Nguyên. Thực chất, đây là hai vấn đề có mối quan hệ khăng khít: đất và rừng
Tây Nguyên mênh mông từng thuộc quyền sở hữu của các làng, là nền tảng tạo nên
không gian sinh tồn của các làng, là nguồn cội của đời sống văn hóa vật chất và tinh
thần của họ. Khi chế độ sở hữu đất và rừng thay đổi, không gian buôn làng tất yếu
chịu tác động, dẫn đến nhiều hệ quả mới. Trong các chuyến điền dã Tây Nguyên
cùng cán bộ viện Đông Nam Á và Ủy ban Khoa học xã hội vào cuối thập niên 1970,
Từ Chi đã phác họa những nét đặc trưng của nếp sống Tây Nguyên cổ truyền và
sớm nhận ra “những mặt tiêu cực lộ ra qua nếp sống văn hóa ở Tây Nguyên” sau


12

một quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội và cảnh báo một số hệ quả sẽ phát sinh khi
không gian buôn làng của các tộc người Tây Nguyên bị xáo trộn [8, tr.542-562].

Sang thập niên 1980, công trình Tây Nguyên trên đường phát triển - tập hợp các kết
quả nghiên cứu về kinh tế - xã hội thuộc Chương trình Tây Nguyên II đã phân tích
tường tận các vấn đề nổi cộm của thực tiễn Tây Nguyên tính đến thời điểm đó, đặc
biệt nhấn mạnh một số hạn chế trong công tác quy hoạch, sử dụng đất đai ở Tây
Nguyên mà hệ quả lớn nhất, như Đặng Nghiêm Vạn đã phân tích, là không đảm bảo
quyền khai thác tài nguyên cho người dân tộc tại chỗ, trong khi tài nguyên đất rừng
ở Tây Nguyên thì bị tàn phá nghiêm trọng [85, tr.92-98]. Đến thập niên 1990, Lưu
Hùng xuất bản công trình Buôn làng cổ truyền xứ Thượng, xác định buôn làng như
một cộng đồng sở hữu, cộng đồng sản xuất, cộng đồng xã hội và cộng đồng văn hóa
[29]. Cuối thập niên 1990, qua công trình Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây
Nguyên, nhóm tác giả Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng thuộc Viện Dân
tộc học Việt Nam đã phân tích toàn diện và chi tiết quá trình chuyển đổi chế độ sở
hữu và sử dụng đất đai ở các làng Tây Nguyên từ trong chiều dài lịch sử đến thời
điểm nghiên cứu [38].
Sang thập niên 2000, công trình Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội
buôn làng các dân tộc Tây Nguyên tập hợp nhiều bài viết phân tích các phương diện
kinh tế - văn hóa - xã hội cơ bản của các buôn làng Tây Nguyên từ sau 1975 đến
nay [80]. Trong công trình này, Đặng Nghiêm Vạn tiếp tục trở lại vấn đề đất đai của
các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất nhiều luận điểm quan trọng. Theo tác giả, dựa trên
nguyên tắc đảm bảo quyền làm chủ của người dân, cần tôn trọng quyền làm chủ
tập thể của buôn, coi buôn như một đơn vị xã hội, lại là đơn vị xã hội cơ sở và cơ
bản nhất. Đồng thời, luật đất đai của nhà nước cần công nhận quyền chiếm hữu
hay quyền sử dụng tập thể của buôn như một đơn vị tổ chức kinh tế hay xã hội
[80, tr.345-350]. Ngô Đức Thịnh xem buôn làng cổ truyền Tây Nguyên như một
cấu trúc hoàn chỉnh với 4 đặc điểm nổi bật: (i) Buôn làng là một cộng đồng cư trú;
(ii) Buôn làng là một cộng đồng sở hữu và lợi ích; (iii) Buôn làng là một cộng
đồng tâm linh và (iv) Buôn làng là một cộng đồng văn hóa [80, tr.60]. Trong khi
đó, từ góc nhìn dân tộc học, Lưu Hùng phân tích những biến đổi của các làng
Thượng qua 3 phương diện căn bản: (i) sự thay đổi về tổ chức hành chính; (ii) sự



13

thay đổi của các thiết chế quản lý - xã hội; và (iii) sự thay đổi chế độ sở hữu. Theo
tác giả, mặc dù đã có nhiều xáo trộn sau nhiều thập kỉ phát triển, đối với đồng bào
Thượng, làng vẫn là khung xã hội cơ bản, “vừa là không gian sinh tồn, vừa là môi
trường văn hóa và xã hội trực tiếp, thường xuyên, một nhu cầu tự nhiên và rất sâu
sắc ... Làng đối với nông dân người Kinh rất quan trọng, nhưng đối với người
Thượng còn quan trọng hơn” [80, tr.98-126]. Cũng trong công trình, Vương Xuân
Tình đề xuất giải pháp tái lập hình thức quản lý cộng đồng về đất đai - một hình
thức được tác giả gọi là “mô hình cũ trong khung cảnh mới” [80, tr.390].
Tiếp theo Một số vấn đề phát triển kinh tế - xã hội buôn làng các dân tộc Tây
Nguyên, có thể kể đến một công trình tập thể quan trọng khác là Văn hóa các dân
tộc Tây Nguyên: thực trạng và những vấn đề đặt ra do Trần Văn Bính chủ biên đã
đề cập những vấn đề thách thức của văn hóa các dân tộc Tây Nguyên và đề xuất các
giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện đại
hóa, công nghiệp hóa của Tây Nguyên và của cả nước [6].
Trong 5 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu thực trạng
biến đổi văn hóa ở Tây Nguyên. Đáng chú ý là cụm công trình do Viện Khoa học xã
hội vùng Tây Nguyên, Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội
Việt Nam) và Viện Tư vấn phát triển (CODE) chủ trì. Trên cơ sở xem buôn làng như
một chỉnh thể không gian gồm 4 chiều (không gian sinh tồn kinh tế, không gian sinh
tồn xã hội, không gian sinh tồn văn hóa, không gian sinh tồn tự nhiên), trong công
trình Tổ chức và hoạt động buôn làng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên,
Bùi Minh Đạo đã phân tích sự biến đổi của từng bộ phận trong chỉnh thể đó [17].
Công trình Văn hóa cổ truyền ở Tây Nguyên trong phát triển bền vững của Đỗ Hồng
Kỳ phân tích những vấn đề cơ bản của văn hóa Tây Nguyên và đề xuất các quan
điểm, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội
Tây Nguyên hiện đại [34]. Công trình Vai trò của văn hóa và lối sống trong phát
triển bền vững Tây nguyên của Viện Nghiên cứu văn hóa, dựa trên một cơ sở lý luận

vững chắc, các hướng tiếp cận phù hợp và các phương pháp nghiên cứu hiện đại, đã
phân tích quá trình biến đổi văn hóa và lối sống của các tộc người ở Tây Nguyên,
cũng như xem xét các hệ quả của sự biến đổi đối với đời sống kinh tế, văn hóa và xã
hội của các tộc người này từ quan điểm phát triển bền vững [91]. Công trình Hướng


14

tới phát triển bền vững Tây Nguyên của Viện Tư vấn phát triển phân tích hiện trạng
vốn văn hóa của cộng đồng dân tộc tại chỗ trong toàn cảnh chuyển động của Tây
Nguyên từ sau 1975 đến nay để làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng
các chính sách đặc thù đối với các dân tộc Tây Nguyên [95].
Ngoài ra, còn có thể kể đến một số công trình khác đề cập đến tình trạng biến
đổi kiến trúc, tín ngưỡng và hệ giá trị của cộng đồng dân tộc tại chỗ Tây Nguyên
trong bối cảnh đô thị hóa, toàn cầu hóa:
- Nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Hòa, Lê Quý Đức, Nguyễn Duy Bắc phân tích
sự biến đổi những giá trị xã hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở
Tây Nguyên hiện nay trong công trình cùng tên [26].
- Luận án Tiến sỹ Triết học của tác giả Lê Hồng Phong phân tích ảnh hưởng
của đạo Tin Lành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên hiện nay [53].
- Luận án Tiến sỹ kiến trúc của tác giả Nguyễn Hồng Hà tập trung vào vấn
đề bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng truyền thống trong quá trình phát triển các
đô thị ở Tây Nguyên [21]...
Như vậy, khi nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, hầu hết các tác giả cùng
chung quan điểm rằng buôn làng là một không gian phức hợp. Cách nhìn này cần
được tiếp tục thúc đẩy bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi cụ thể hơn: nếu xem
buôn làng là một không gian chỉnh thể, thì khi không gian ấy mất đi tính nhất thể
vốn có, văn hóa tộc người đã biến đổi ra sao? Các cộng đồng đã làm gì để thích
nghi với quá trình biến đổi ấy?... Tóm lại, các nghiên cứu văn hóa tộc người ở Tây

Nguyên đã cung cấp cho nghiên cứu sinh một vốn tri thức phong phú về Tây
Nguyên nói chung và những gợi ý mang tính phương pháp luận trong nghiên cứu
văn hóa Tây Nguyên đương đại.
2.4. Các nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Ê Đê
Trên bức khảm văn hóa tộc người ở Tây Nguyên, người Ê Đê là một cộng
đồng lớn, có truyền thống lâu đời và độc đáo. Chính Georges Condominas đã từng
thừa nhận sức ám ảnh đặc biệt của tộc người này khi ông mới đặt chân lên cao
nguyên vào thập niên 1950 [23, tr.8]. Tiếp nối các công trình của người Pháp
(Antomarchi, Bernard Y. Jouin, Anne De Hautecloque-howe), sau 1975, văn hóa cổ


15

truyền của người Ê Đê tiếp tục được giới học giả Việt Nam nghiên cứu. Trước hết
là công trình Đại cương các dân tộc Ê Đê, M’Nông ở Đắk Lắk do Viện Dân tộc học
Việt Nam chủ trì. Đây là khảo cứu đầu tiên, giới thiệu sơ lược bức tranh tộc người
của hai dân tộc Ê đê và M’Nông qua các khía cạnh: nhân chủng, tổ chức xã hội, sản
xuất kinh tế, hôn nhân - gia đình [19]. Tiếp đến, công trình Văn hóa dân gian Ê Đê
do Ngô Đức Thịnh chủ biên giới thiệu các nghi thức liên quan đến chu kỳ đời sống
của con người, hôn nhân, gia đình… [71]. Cuối thập niên 1990, luận án Tiến sỹ Dân
tộc học của Nguyễn Thị Hòa Nhà ở và sinh hoạt trong nhà của người Ê Đê ở Việt
Nam tập trung mô tả kiến trúc nhà sàn và đời sống gia đình trong khung cảnh nhà
sàn của người Ê Đê [24].
Từ sau năm 2000, các công trình nghiên cứu văn hóa Ê Đê ngày càng phong
phú về chủ đề và số lượng. Luận án Tiến sỹ Người phụ nữ Ê Đê trong đời sống xã
hội tộc người của Thu Nhung Mlô là một công trình rất đáng chú ý vì đây là tiếng
nói của một người trong cuộc. Có thể nói, tác giả đã rất thành công khi phân tích sự
biến đổi vai trò của người phụ nữ trong đời sống buôn làng, cũng như những biến
đổi đang diễn ra trong lòng xã hội Ê Đê trong bước chuyển từ cổ truyền sang hiện
đại. Điều lí thú là buôn Alê A cũng là một trong những điểm được Thu Nhung Mlô

lựa chọn điều tra, nghiên cứu. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này đã giúp nghiên cứu sinh
kế thừa được nhiều thông tin và tư liệu quý giá khi phân tích quá trình chuyển đổi
không gian buôn làng ở Alê A [49]. Sau Thu Nhung Mlô Duôn Du, luận án Tiến sỹ
Văn hóa Ê Đê - truyền thống và biến đổi của Nguyễn Ngọc Hòa trình bày quá trình
biến đổi văn hóa Ê Đê từ truyền thống đến hiện đại và đề xuất các giải pháp nhằm
bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị của văn hóa Ê Đê trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa [25]. Cũng theo hướng tiếp cận tương tự, luận án Tiến sỹ Văn hóa
người Bih ở Tây Nguyên và vấn đề giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của
Lương Thanh Sơn phân tích các giá trị văn hóa nổi bật của người Bih ở Đắk Lắk
(một nhánh của dân tộc Ê Đê), từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm duy trì bản sắc văn
hóa của cộng đồng này [59].
Gần đây, bắt đầu xuất hiện các nghiên cứu chuyên sâu vào từng thành tố cụ
thể của văn hóa Ê Đê. Công trình Văn hóa ẩm thực của người Ê Đê do Tuyết
Nhung Buôn Krông chủ biên miêu tả các món ăn truyền thống cũng như các ứng xử


16

quen thuộc mà người Ê Đê vẫn thể hiện trong ăn uống. Đáng chú ý, trong phần tổng
quan về người Ê Đê ở Đắk Lắk, tác giả lập luận rằng, xã hội truyền thống hay buôn
làng truyền thống của người Ê Đê tồn tại dựa trên 5 thành tố: làng (khu cư trú), bến
nước, rừng đầu nguồn, khu mộ địa và đất sản xuất. “Các thành tố gắn kết không thể
tách rời, tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh và hoạt động với hệ thống pháp luật
dưới hình thức luật tục truyền thống”. Tác giả cũng lưu ý rằng, cấu trúc ấy tuy đã
từng tồn tại lâu dài trong lịch sử nhưng cũng rất mong manh, dễ bị phá vỡ nếu
chúng ta không hiểu rõ, hiểu sâu để có hướng đi phù hợp cho phát triển cộng đồng
tại địa phương [50, tr.24-26]. Công trình Nghi lễ - lễ hội Ê Đê của tác giả Trương Bi
giới thiệu những nội dung cơ bản của hai hệ thống nghi lễ - lễ hội trong xã hội Ê Đê
cổ truyền: nghi lễ - lễ hội vòng đời người và nghi lễ - lễ hội nông nghiệp. Đồng
thời, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn

hóa trong nghi lễ - lễ hội của người Ê Đê [4].
Công trình Chính sách đất đai và văn hóa tộc người của Mai Thanh Sơn phân
tích những tác động của chính sách đất đai đối với đời sống của các cộng đồng Ê Đê
ở Đắk Lắk. Tác giả cho rằng, mỗi cộng đồng tộc người, thông qua đơn vị cơ bản nhất
của nó là thôn làng, luôn dựa trên 3 điểm tựa để tồn tại: nguồn lực tự nhiên, cộng
đồng thôn làng và nỗi ám ảnh. Chính sách đất đai ở Đắk Lắk từ sau 1975 đã trực tiếp
hay gián tiếp phá vỡ các điểm tựa cố hữu của người Ê Đê, dẫn đến những kết quả
ngoài mong đợi trong đời sống cộng đồng: thay đổi sinh kế, đổ vỡ văn hóa truyền
thống, phân hóa xã hội và bất mãn tâm lý [60]. Các điểm tựa mà Mai Thanh Sơn nói
đến, trong một chừng mực nào đó, chính là các nhân tố hình thành nên không gian
văn hóa của mỗi cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa rằng, để đảm bảo cho người dân
thực hiện tốt nhất quyền bảo tồn văn hóa truyền thống của tộc người mình, nhà nước
cần củng cố bổ sung các cơ sở điểm tựa [60, tr.64].
Trong luận án Tiến sỹ Đời sống của đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn
tỉnh Đắk Lắk - những phân tích và so sánh xã hội học, dựa trên các quan điểm lý
thuyết của xã hội học, tác giả Nguyễn Minh Tuấn đã mô tả thực trạng đời sống của
người Ê Đê ở Đắk Lắk trên hai phương diện: kinh tế (cơ sở hạ tầng, điều kiện nhà
ở, tiện nghi sinh hoạt và thu nhập của hộ gia đình) và phi kinh tế (giáo dục, y tế,


17

giải trí, sinh hoạt cộng đồng và bình đẳng giới). Đồng thời, luận án cũng phân tích
các nhân tố tác động đến sự biến đổi đời sống của cộng đồng Ê Đê hiện nay [83].
Như vậy, ngoại trừ công trình của Mai Thanh Sơn, đa phần các nghiên cứu
về người Ê Đê đều có khuynh hướng đi vào các thành tố văn hóa cụ thể, ít quan tâm
đến khía cạnh không gian buôn làng, đặc biệt là diễn tiến thay đổi của không gian
buôn làng từ sau 1975 đến nay cùng những hệ quả của nó. Thực tế này đã mở ra
một dư địa nghiên cứu cho những người đi sau. Luận án của nghiên cứu sinh là một
nỗ lực nhằm khai thác khoảng trống mà dư địa đó để lại.

3. Mục đích nghiên cứu
3.1. Mục đích tổng quát
Áp dụng các lý thuyết, khái niệm nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu phù hợp
để đánh giá tác động của sự biến đổi không gian buôn làng (vốn là không gian thực
hành và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa tộc người) đối với quá trình biến đổi văn hóa
tộc người của dân tộc Ê Đê nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Từ đó,
luận án cung cấp những luận cứ khoa học và những đề xuất khả thi nhằm góp phần qui
hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng Tây Nguyên theo hướng bền vững.
3.2. Mục đích cụ thể
- Nhận diện quá trình biến đổi không gian văn hóa buôn làng của cộng đồng Ê
Đê vùng Buôn Ma Thuột từ 1975 đến nay và các hệ quả văn hóa của sự thay đổi này.
- Nhận diện các yếu tố tác động và các xu hướng biến đổi không gian văn
hóa buôn làng của cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ 1975 đến nay.
- Đề xuất các giải pháp nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn
làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột theo hướng bền vững.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là không gian văn hóa buôn làng của cộng
đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Không gian buôn làng của người Ê Đê là một chỉnh
thể thống nhất, hữu cơ, được cấu thành bởi 4 yếu tố: không gian sản xuất, không
gian cư trú, không gian sinh hoạt cộng đồng và không gian sinh hoạt tín ngưỡng. Vì
vậy, trong luận án này, nghiên cứu sinh sẽ lần lượt phân tích quá trình thay đổi của
từng yếu tố cũng như mối quan hệ giữa các yếu tố trong tổng thể không gian ấy.


18

4.2. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt không gian, luận án nghiên cứu các buôn Ê Đê ở thành phố Buôn Ma
Thuột - thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, cũng là đô thị lớn nhất vùng Tây Nguyên. Trong

số 33 thôn/buôn thuộc địa bàn thành phố, luận án tập trung nghiên cứu 3 buôn: buôn
Alê A (phường Ea Tam), buôn Ea Bông (xã Cư Êbur) và buôn Ako Dhông (phường
Tân Lợi). Căn cứ vào các tiêu chí chọn mẫu, giữa 3 buôn này có những khác biệt
nhất định đến mức có thể xem như những kiểu buôn khác nhau, do đó, có thể đại
diện cho cộng đồng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột. Cụ thể:
- Về vị trí địa lý, buôn Alê A ở vùng trung tâm; buôn Ako Dhông ở vùng cận trung
tâm; trong khi buôn Ea Bông thuộc vùng phụ cận/ngoại ô của thành phố Buôn Ma Thuột;
- Về cơ cấu nghề nghiệp, buôn Alê A do thiếu đất nông nghiệp nên người
dân lựa chọn 2 nguồn sinh kế chính là làm công chức nhà nước và làm thuê công
nhật; buôn Ea Bông thuần túy dựa vào nghề nông (thâm canh cây cà phê, trồng lúa
nước và chăn nuôi); còn buôn Ako Dhông kết hợp giữa thâm canh cây cà phê và
cung cấp dịch vụ (cho thuê đất, phòng trọ, du lịch cộng đồng);
- Về mức sống, theo phân loại của chính quyền phường/xã sở tại, buôn Alê A
thuộc buôn trung bình; buôn Ea Bông được xếp hạng trung bình khá; trong khi buôn
Ako Dhông là buôn khá;
- Về cơ cấu tín ngưỡng - tôn giáo, nhóm Thiên Chúa giáo và Tin Lành ở
buôn Alê A (60,66%) chiếm tỷ lệ áp đảo so với nhóm tín ngưỡng truyền thống
(39,34%); ngược lại, ở Ea Bông, nhóm tín ngưỡng truyền thống là nhóm vượt trội
(63,47%) so với các nhóm tôn giáo (36,53%); trong khi Ako Dhông là một buôn
thuần túy Thiên Chúa giáo (100%).
Về mặt thời gian, luận án nghiên cứu quá trình biến đổi không gian văn hóa
buôn làng trong giai đoạn từ 1975 đến nay. Đây là giai đoạn mà đô thị Buôn Ma
Thuột trải qua quá trình biến đổi mạnh mẽ nhất, kéo theo sự biến đổi không gian
văn hóa buôn làng của cộng đồng Ê Đê trong khu vực.
5. Phƣơng pháp tiếp cận và nghiên cứu
5.1. Các phương pháp tiếp cận
Áp dụng nguyên tắc nghiên cứu liên ngành của Văn hóa học, trong luận án
này, nghiên cứu sinh kết hợp các phương pháp tiếp cận của nhiều ngành khoa học.
Về cơ bản, có 3 phương pháp tiếp cận đã được sử dụng:



19

- Phương pháp tiếp cận của Sử học: tiếp cận đối tượng nghiên cứu theo chiều
lịch đại để đánh giá, phân tích sự vận động của chủ thể qua các giai đoạn lịch sử
quan trọng và những hệ quả mà quá trình đó tạo ra đối với cuộc sống đương đại của
con người.
- Phương pháp tiếp cận của Xã hội học: nghiên cứu các khuôn mẫu xã hội
trong hoạt động sản xuất, trong sinh hoạt gia đình, trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong
sự tổ chức đời sống tập thể để xác định “trạng thái xã hội hiện thực” của cộng đồng
trong bối cảnh hiện tại.
- Phương pháp tiếp cận của Nhân học văn hóa: thông qua các trải nghiệm thực
địa, thâm nhập vào đời sống của cộng đồng và diễn giải ý nghĩa của các khuôn mẫu, các
lựa chọn, các thực hành văn hóa theo quan điểm của người dân địa phương.
Trong 3 phương pháp nói trên, luận án lấy phương pháp tiếp cận của nhân
học văn hóa làm phương pháp chủ đạo.
5.2. Các phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Nghiên cứu sinh tiếp cận, phân tích, sử
dụng các nhóm tài liệu sau: (i) nhóm tài liệu trình bày các khái niệm không gian văn
hóa, vùng văn hóa, không gian xã hội và các quan điểm lý thuyết về biến đổi văn hóa,
sinh thái học văn hóa, chức năng luận; (ii) các nghiên cứu quốc tế và trong nước đề
cập đến sự chuyển đổi của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng cao trên thế giới và
Đông Nam Á, các nghiên cứu đề cập đến sự chuyển đổi của làng Việt đồng bằng và
làng vùng cao ở Việt Nam, đặc biệt chú trọng các nghiên cứu về không gian buôn
làng Tây Nguyên nói chung và Ê Đê nói riêng; (iii) các báo cáo kinh tế - xã hội hàng
năm của địa phương (cấp tỉnh, thành phố, xã/phường) và các chính sách phát triển
kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc của nhà nước trung ương, địa phương.
- Phương pháp nghiên cứu định tính: Tiến hành điền dã dân tộc học nhiều
đợt ở các địa bàn nghiên cứu, sử dụng các phương pháp phỏng vấn sâu, quan sát
tham dự, thảo luận nhóm để thu thập thông tin. Đối tượng để tiến hành nghiên cứu

định tính khá đa dạng: cán bộ quản lý, giới khoa học và người dân địa phương. Đối
với cán bộ quản lý (cấp tỉnh, thành phố và cấp phường/xã), thông qua các cuộc
phỏng vấn sâu, nghiên cứu sinh tìm hiểu thực trạng sinh hoạt văn hóa truyền thống
ở địa phương, thực trạng quản lý và định hướng chính sách của chính quyền địa


20

phương đối với việc bảo tồn di sản truyền thống và quan điểm của họ về các giải
pháp nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian buôn làng. Đối với giới khoa học địa
phương (Đại học Tây Nguyên, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên), nghiên
cứu sinh tham vấn quan điểm của họ về những hệ quả của sự thay đổi không gian
buôn làng đối với đời sống văn hóa của cộng đồng, cũng như các giải pháp cần kíp
để cân bằng giữa phát triển không gian đô thị với bảo tồn không gian văn hóa buôn
làng. Đối với người dân địa phương, nghiên cứu sinh dành nhiều thời gian làm việc
với nhóm nòng cốt - gồm những người hiểu biết nhất về lịch sử và hiện trạng của
cộng đồng (già làng, các nghệ nhân, tổ hòa giải), nhóm phụ nữ và nhóm thanh niên.
Mục đích của nghiên cứu định tính là tìm hiểu sâu hơn về quá trình phát triển của
mỗi cộng đồng, các lựa chọn của cộng đồng ở các thời điểm mang tính bước ngoặt,
các quan điểm của người dân về những vấn đề mà họ đã và đang đối diện, các
khuôn mẫu đang chi phối hành vi của người dân địa phương. Việc lựa chọn các đối
tượng phỏng vấn được tiến hành theo phương pháp “quả bóng tuyết” (snowball) tức những người phỏng vấn trước sẽ giới thiệu các đối tượng mà nghiên cứu sinh
nên tiếp cận trong các cuộc phỏng vấn kế tiếp. Mỗi cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận
nhóm thường kéo dài từ 45 đến 90 phút, được ghi âm với sự cho phép của những
người tham gia phỏng vấn. Các băng ghi âm sau đó được gỡ và chọn lọc thông tin
để phục vụ cho việc xây dựng bản thảo luận án. Tên của thông tín viên được sử
dụng theo “tên gọi ở nhà” - tức là tên mà người trong nhà và trong buôn vẫn thường
dùng để gọi người đó. Khi người được phỏng vấn đã “lên” một chức mới trong chu
kì vòng đời (làm bố/mẹ hay làm ông/bà) thì “tên gọi ở nhà” thậm chí còn quan trọng
hơn và được sử dụng phổ biến hơn tên “khai sinh”. Ví dụ, sau khi sinh con gái đầu

lòng là H’Nguôn Buôn Yă, hai vợ chồng H’Riêt Buôn Yă và Ylơ Arul được người
trong buôn gọi là Amĩ Nguôn (mẹ của Nguôn) và Ama Nguôn (bố của Nguôn).
- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Nghiên cứu sinh sử dụng phiếu điều
tra xã hội học để phỏng vấn người dân ở các điểm nghiên cứu. Mục đích của phiếu
điều tra là thông qua các câu hỏi cho trước để thu thập các thông tin phản ánh sự
thay đổi trong quan niệm, trong lối sống của người dân ở 3 làng được nghiên cứu
trong bối cảnh chuyển đổi cấu trúc không gian buôn làng từ sau 1975 đến nay. Tổng
số phiếu điều tra ở 3 làng là 360 phiếu, sau khi làm sạch còn 324 phiếu với cơ cấu
giới tính là 144 nam/180 nữ.


21

6. Đóng góp khoa học và thực tiễn của luận án
- Thứ nhất, luận án không lặp lại lối tiếp cận quen thuộc là nghiên cứu từng
thành tố cụ thể trong kho tàng văn hóa tộc người mà lấy không gian văn hóa buôn
làng làm đối tượng nghiên cứu, từ đó phân tích mối quan hệ mang tính hữu cơ, đa
chiều giữa biến đổi không gian buôn làng với quá trình biến đổi văn hóa tộc người
trong bối cảnh Tây Nguyên đương đại.
- Thứ hai, làm sáng rõ khái niệm không gian văn hóa buôn làng và biến khái
niệm này thành một công cụ hữu dụng để phân tích mối quan hệ đa chiều giữa biến
đổi cấu trúc không gian buôn làng và biến đổi văn hóa tộc người;
- Thứ ba, cung cấp cho giới hoạch định chính sách và giới quản lý văn hóa
địa phương những bằng chứng thực tiễn, những luận điểm khoa học, những đề xuất
thiết thực nhằm qui hoạch, bảo tồn không gian văn hóa buôn làng Tây Nguyên theo
hướng bền vững, phù hợp với bối cảnh phát triển hiện tại.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu (17 trang), kết luận (3 trang), tài liệu tham khảo (10
trang), phụ lục (25 trang), nội dung của luận án được trình bày trong 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn về không gian văn hóa buôn làng (29

trang): Giới thiệu các khái niệm (không gian văn hóa, không gian văn hóa buôn
làng) và các lý thuyết nghiên cứu (biến đổi văn hóa, sinh thái học văn hóa và chức
năng) được áp dụng trong luận án.
- Chương 2: Sự vận động của các thành tố cấu thành không gian văn hóa
buôn làng Ê Đê (56 trang): Phân tích quá trình biến đổi của các thành tố trong
không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau Giải phóng đến nay và
các hệ quả của nó xét trên phương diện văn hóa.
- Chương 3: Xu hướng và vấn đề đặt ra từ quá trình biến đổi không gian văn
hóa buôn làng Ê Đê (27 trang): Phân tích các nhân tố tác động và các xu hướng
biến đổi không gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở Buôn Ma Thuột từ sau Giải phóng
đến nay. Đồng thời, đưa ra một số đề xuất cơ bản nhằm qui hoạch, bảo tồn không
gian văn hóa buôn làng Ê Đê ở khu vực Buôn Ma Thuột theo hướng bền vững.


22

Chƣơng 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ KHÔNG GIAN
VĂN HÓA BUÔN LÀNG
1.1. Không gian văn hóa
Những năm gần đây, khái niệm không gian văn hóa xuất hiện khá phổ biến
trên các diễn đàn học thuật, cũng như trong các công trình nghiên cứu của giới khoa
học xã hội Việt Nam. Xu hướng này hẳn ít nhiều liên quan đến một thực tế hiển
nhiên: chúng ta luôn đối diện và tồn tại trong các kiểu không gian văn hóa khác
nhau. Vậy, không gian văn hóa là gì?
Theo Martin và Nakayama, cũng như tính trừu tượng, đa nghĩa của bản thân
khái niệm “không gian”, không gian văn hóa là một khái niệm khá phức tạp. Khái
niệm không gian văn hóa có thể biểu đạt một không gian vật lý, chẳng hạn, một
ngôi nhà - nơi mỗi người sinh ra và lớn lên, hoặc là một không gian mang tính ẩn dụ
(metaphorical) như thế giới Internet. Không gian văn hóa còn bao gồm các mối

quan hệ láng giềng, các hoạt động tôn giáo, đời sống sinh hoạt, các mạng lưới tổ
chức/thiết chế xã hội như trường học, bệnh viện... Các nhân tố vừa nêu kết hợp với
nhau để hình thành nên các ranh giới văn hóa vô hình (invisible boundaries) khuôn
định nên bản sắc (identity) của từng cá nhân tồn tại trong đó. Khi một cá nhân di
chuyển ra khỏi khí quyển này để chuyển sang một không gian khác thì anh ta có thể
đối diện với những cú sốc văn hóa (cultural shock) và phải tìm cách thích nghi với
văn hóa mới. Như vậy, theo quan niệm này, không gian văn hóa được nhận thức
như là môi trường xác định bản sắc văn hóa của mỗi cá nhân [103].
Quan điểm của giới học giả Việt Nam về khái niệm không gian văn hóa có
nhiều điểm khác so với các học giả phương Tây.
Theo Ngô Đức Thịnh, có thể hiểu không gian văn hóa trên 2 cấp độ: cụ thể
và trừu tượng. Trong ý nghĩa cụ thể, không gian văn hóa là một không gian địa lý
xác định, mà ở đó một hiện tượng hay một tổ hợp hiện tượng văn hóa nảy sinh, tồn
tại, biến đổi và liên kết với nhau như một hệ thống. Trong ý nghĩa trừu tượng,
không gian văn hóa là một “trường” (mượn khái niệm trường của vật lý) bao chứa
một hiện tượng hay tổ hợp các hiện tượng (một nền văn hóa tộc người, quốc gia hay


23

khu vực) có khả năng tiếp nhận và lan tỏa (ảnh hưởng), tạo cho nền văn hóa đó một
không gian rộng hay hẹp khác nhau [73, tr.39].
Trong công trình Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên trong phát triển bền vững,
khi bàn về không gian văn hóa Tây Nguyên, Đỗ Hồng Kỳ cũng gián tiếp đưa ra một
quan niệm về không gian văn hóa. Tác giả cho rằng, khái niệm không gian văn hóa
hàm chỉ một không gian trong đó tồn tại các hình thức văn hóa, về cơ bản là thống
nhất, tương đồng [34, tr.9-10]...
Như vậy, tuy cách diễn đạt khác nhau, nhưng các định nghĩa về không gian
văn hóa ở Việt Nam vẫn có một số điểm chung. Về đại thể, khái niệm không gian
văn hóa chứa đựng các ý nghĩa sau đây:

- Một không gian địa lý/lãnh thổ xác định. Phạm vi của không gian có thể
rộng, hẹp khác nhau tùy vào bối cảnh cụ thể.
- Trên không gian địa lý ấy, tồn tại một hay nhiều cộng đồng dân cư có
chung nguồn gốc hay có mối liên hệ mật thiết với nhau qua quá trình khai phá đất
đai, qua hợp tác sản xuất và bảo vệ các quyền lợi chung, qua hôn nhân, qua các sự
kiện mang tính cộng đồng, qua việc xác tín các chuẩn mực chung của đời sống tập
thể (biểu hiện trong luật tục hay hương ước).
- Điều quan trọng hơn cả là cộng đồng dân cư trên địa bàn lãnh thổ đã sáng
tạo nên một lối sống, một nếp sống chung, trong đó có thể nổi lên một kiểu loại văn
hóa tiêu biểu, đặc sắc, làm nên “cái hồn” cho không gian văn hóa. Ở Việt Nam, các
không gian văn hóa tiêu biểu đều gắn liền với một kiểu loại văn hóa cụ thể. Chẳng
hạn: dân ca quan họ là linh hồn của không gian văn hóa Kinh Bắc, dân ca ví dặm là
linh hồn của không gian văn hóa xứ Nghệ, nghệ thuật cồng chiêng hay nghệ thuật
diễn xướng sử thi là linh hồn của không gian văn hóa Tây Nguyên...
Một không gian văn hóa được kiến tạo bởi nhiều nhân tố khác nhau. Trước
hết, bất kì không gian văn hóa nào cũng gắn liền với một môi trường tự nhiên và
một tập quán sản xuất nhất định. Không thể phủ nhận rằng điều kiện tự nhiên của
vùng đồng bằng, miền núi, cao nguyên, duyên hải và các hoạt động sản xuất tương
ứng đã ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy, nhận thức và nếp sống của cư dân trong
vùng. Chẳng hạn, môi trường tự nhiên cao nguyên với thảm thực vật, động vật trù
phú và chế độ canh tác nương rẫy hưu canh luân khoảnh chính là nền tảng tự nhiên


×