Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Bàn về hiệu ứng đọc lý thuyết phê bình nước ngoài trường hợp bản dịch độ không của lối viết

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (145.26 KB, 12 trang )

Bàn về hiệu ứng đọc lý thuyết phê bình nước ngoài trường hợp
bản dịch Độ không của lối viết”
Phùng Ngọc Kiên
Một trong những yếu tố tác động mạnh tới sự chuyển giao các hệ hình
tư duy của văn học Việt Nam những năm chín mươi thế kỷ XX là sự
xuất hiện của những phương thức tư duy khác biệt đến từ phương Tây
dưới hình thức các bản dịch. Thế mà bản dịch, với tư cách “một cách
đọc” và cách “viết lại”, luôn “khác” so với chính bản gốc. Sự khác biệt
tất nhiên này, như một sự xâm phạm không thể tránh khỏi đối với
những chuẩn mực đã có, trở thành một động lực cho sự thay đổi. Bởi
bản dịch luôn phải vừa trả lời những câu hỏi hiển ngôn của bối cảnh xã
hội, lịch sử - văn hóa, vừa trả lời những câu hỏi ngầm ẩn thuộc về
phương thức tư duy dưới hình thức thể hiện của chủ thể phát ngôn.
Một trong số những văn bản lý thuyết phương Tây xuất hiện sớm ở
Việt Nam giai đoạn này là bản dịch Độ không của lối viết của Roland
Barthes do Nguyên Ngọc thực hiện (1). Bài viết xuất phát từ những phân
tích đối chiếu văn bản, giữa bản tiếng Pháp và bản tiếng Việt, nhằm
nêu ra một giả thiết về hiệu ứng cách đọc mà văn bản lý thuyết của
Barthes tác động lên mô hình lý luận văn học Việt Nam giai đoạn
những năm chín mươi của thế kỷ trước. Nó cho thấy phần nào cách
thức phản ứng của người đọc Việt Nam trước những yếu tố mới mẻ
cần thiết cho sự cách tân, đổi mới.
Xuất hiện năm 1953 ở nhà xuất bản Seuil, trong tuyển tập “Pierres
vives”, Le Degré zéro de l’écriture là cuốn tiểu luận đầu tiên của
Barthes với tham vọng viết lại lịch sử văn chương như một lịch sử
“các hình thức lối viết”. Cuốn sách thực sự được coi là tiểu luận quan
trọng đầu tiên của sự nghiệp phê bình và lý thuyết của Barthes, bên
cạnh một tiểu luận khác về Jules Michelet, nhà sử học mà Barthes
thường xuyên nhắc đến trong tiểu luận như một sự đối chiếu với một
nhà văn cùng thời là Horoné de Balzac khi bàn đến cách thức “phản
ánh” lịch sử trong tự sự. Cuốn tiểu luận, theo E.Marty, là một sự đan


xen nhiều ảnh hưởng, hoặc đúng hơn là những sự giao hội tư duy
đương thời: Jean-Paul Sartre với Thế nào là văn học (1948), và đặc
biệt là Maurice Blanchot với Không gian văn chương (1955) và Cuốn
sách sắp tới (1959) mà ở đó vấn đề “Trung tính” (Neutre) trong văn
chương được xem xét. Hẳn nhiên dấu vết của Sartre dường như không
rõ nét như là ảnh hưởng đích thực, nhưng không thể không nhắc đến
nhà triết học hiện sinh này, người từng có tham vọng tổng hợp tất cả
trong cuốn tiểu luận của mình: công chúng là độc giả, nhà văn là


người hoạt động, đạo đức là dấn thân, văn học là cả chính trị, lịch sử
và văn chương. Câu nói nổi tiếng của ông trong Thế nào là văn học:
“Nếu ngôn từ bị bệnh, thì chính chúng ta phải chữa” nhấn mạnh trách
nhiệm của nhà văn đối với xã hội qua thái độ nhập cuộc. Bởi một
trong những câu hỏi ám ảnh Barthes, như nhiều tác giả cánh tả đương
thời, là trách nhiệm của nhà văn trước xã hội do chính Sartre từng đặt
ra. Nói cách khác, Sartre và cuốn sách của ông là một thành phần tham
gia vào cuộc đối thoại ngầm với suy tư của Barthes trên khía cạnh xã
hội học. Nhưng “trách nhiệm nhà văn” như của Sartre trong tư duy lý
thuyết của Barthes lại trở thành một điểm xuất phát chứ không còn là
đích đến nữa. Barthes vẫn quan tâm đến “trách nhiệm xã hội” của văn
học, nhưng mang tính “hình thức”, tức là quan tâm đến cách thức thể
hiện đối tượng, chứ không còn ở nội dung phát ngôn hay ở hành vi
nhà văn.
Theo E.Marty, chính sự lựa chọn này khiến tác giả đặt cho tiểu luận
của mình một cái tên không theo lối diễn đạt thông thường của giới
triết gia Pháp. Độ không là một khái niệm được diễn đạt theo lối rất
“tây” ngay với người Pháp, và hoàn toàn xa lạ với độc giả lý thuyết
văn chương Pháp đương thời vì nó được ông mượn từ khái niệm của
nhà ngôn ngữ học Đan Mạch Viggo Brondal (1887-1942) (2). Thế là

khái niệm này mang tính ngoại lai hoàn toàn ở hai khía cạnh: ngoài
nước Pháp về hệ tư tưởng và ngoài bầu khí quyển văn chương. Nó trở
thành một thứ biệt ngữ (jargon) rất đặc trưng cho phong cách của
Barthes, vốn luôn muốn khiêu khích giới phê bình. Bằng cách này,
thực tế Barthes đã cố gắng thoát khỏi những “hàm nghĩa, nghĩa liên
tưởng” dễ xuất hiện khi người ta dùng lại những từ ngữ quen thuộc
theo kiểu bình cũ rượu mới, mà ông ý thức rất rõ khi viết trong tiểu
luận của mình. Nói cách khác, đó là một nỗ lực rũ bỏ, đoạn tuyệt với
cái cũ, với cách tư duy cũ. Tư duy đoạn tuyệt này sẽ được thể hiện
ngay trong chính lập luận của Barthes khi ông bàn đến độ tồn dư của
lối viết.
Vậy thế nào là lối viết ở độ không trong cách hiểu của Barthes? Đó là
nơi mà sự “im lặng” xuất hiện: “Cách viết ở độ không thực chất là một
cách viết theo thức trình bày, hay nếu muốn là phi mô thức, có lẽ đúng
hơn là đó là cách viết báo chí”(3). Câu văn có chứa một từ khóa quan
trọng liên quan đến đặc trưng ngữ pháp của tiếng
Pháp: indicative (thức trình bày). Suy ngẫm này được rút ra từ việc
đọc tác phẩm của Albert Camus, vốn được coi như là không dấu vết
của tác giả - nhà văn. Giọng văn trở nên “trong suốt” vì khi đó “tư
tưởng thế là giữ trách nhiệm của mình, chứ không hề viện đến một sự
can dự phụ của hình thức vào trong một Lịch sử vốn không thuộc về


nó”. Thế là Barthes, tác giả cánh tả, người công nhận sự tiến bộ của xã
hội, muốn từ bỏ một “huyền thoại” của cánh tả kế thừa từ thời lãng
mạn: sự tiến bộ của văn chương. Chỉ có sự tương hợp giữa cách thức
thể hiện của tác giả với thời đại chứ không có sự tiến bộ. Chính mối
ràng buộc “tương hợp” là một biểu hiện của sự “dấn thân” nơi nhà
văn. Nói là sự từ bỏ vì ngay sau đó, dựa trên những lập luận về khái
niệm “lối viết”, Barthes khẳng định rằng không thể có kiệt tác bởi bất

cứ văn bản nào cũng phụ thuộc vào thời đại như một giới hạn bất khả.
Có thể coi như đó là một sự khởi đầu cho việc giải huyền thoại mà ông
sẽ thực hiện sau này.
Chương đầu “Thế nào là lối viết?” nhằm soi sáng một khái niệm theo
ông là căn bản nằm giữa hai khái niệm thường được sử
dụng : langue (ngôn ngữ) có tính tập thể và style (phong cách) có tính
cá nhân. Với Barthes, nhà văn chỉ thực sự có lựa chọn thông qua cái
mà ông gọi là lối viết (écriture). Khái niệm này tạo nên một thứ “đạo
đức của hình thức”, và không chỉ được áp dụng cho các văn bản hư
cấu mà cho tất cả các văn bản khác, như văn bản chính trị chẳng hạn:
“Trần thuật, như là hình thức mở rộng vừa với Tiểu thuyết vừa với
Lịch sử, do vậy nói chung là sự lựa chọn hay diễn đạt của một thời
điểm lịch sử”. Như vậy,écriture của Barthes có mối quan hệ chặt chẽ
với langage của Ferdinand de Saussure. Ở đây, tần suất xuất hiện của
thuật ngữlangage (hơn 200 lần) đòi hỏi chúng ta phải xem xét tầm
quan trọng của nó. Việc phân biệt langage với langue một cách rạch
ròi là bắt đầu từ de Saussure, dù theo chính ông, đôi khi không dễ tìm
được sự phân biệt tương đương trong các ngôn ngữ khác nhau (như
tiếng Đức chẳng hạn). Ở bản dịch tiếng Việt cuốn Giáo trình ngôn
ngữ học đại cương, thuật ngữ này được dịch là “hoạt động ngôn ngữ”.
Saussure hiểu langage như là khả năng diễn đạt nhờ vào các ký hiệu.
Nó là một hệ thống đóng, và có thể được xem xét ở cả hai chiều kích
đồng đại và lịch đại(4). Khái niệm này phân biệt với langue được hiểu
như một tổng thể các ký hiệu được một cộng đồng sử dụng để trao đổi.
Ngoài sự phân biệt này, de Saussure còn đề xuất phân
biệt langage với parole. Yếu tố thứ hai này là việc sử dụng cụ thể các
yếu tố ngôn ngữ trong những hoàn cảnh cụ thể, mang tính cá nhân.
Chính ở đây, hoạt động của parole (trong quan niệm của de Saussure)
gần với cái mà Barthes gọi là écriture trong văn học. Đặc biệt cần chú
ý rằnglangage phải luôn được xem xét trong hoạt động tương tác

(mang tính cá nhân) chứ không phải là một thể tĩnh. Do thế, có thể nói
nó hoạt động như một discours theo cách E.Benveniste sau này sẽ
miêu tả từ góc độ ngữ dụng học (5). Như vậy, rõ ràng làlangage của


Barthes nhắm tới chức năng của quá trình giao tiếp của văn chương
chứ không chỉ là một hành vi ngôn ngữ đơn thuần.
Quay trở lại với khái niệm “lối viết” của Barthes. Lối viết mà ông gọi
là “độ không” gắn với “lối viết trắng”, sự “trong suốt” (transparence),
“sự im lặng”, sự “khách quan”, “trung tính”, “không dấu vết” đặc
trưng cho đặc điểm và yêu cầu của tư duy thời hiện đại vốn chỉ bắt đầu
từ những năm 50 của thế kỷ XIX với sự lên ngôi của ý thức hệ tư sản:
“[…] cần biết rằng một vài nhà ngôn ngữ học thiết lập giữa hai khái
niệm thuộc về hai cực khác nhau (số nhiều/ số ít, quá khứ/ hiện tại) sự
tồn tại của một khái niệm thứ ba, khái niệm trung tính hay ở độ không:
như thế là giữa các thức chủ quan và thức mệnh lệnh, thức trình bày
[indicatif] với họ xuất hiện tựa một hình thức phi dạng thức”. Nó một
mặt nhằm lọc bỏ mọi dấu vết tâm lý của kẻ phát ngôn, mọi dấu vết của
“hàm nghĩa” do ngôn từ để lại nhằm cho phép ánh sáng chiếu qua câu
chữ và do đó nỗ lực nhìn và thể hiện đối tượng một cách trung thành
nhất. Tức là một phát ngôn phi “phong cách”. Nhưng mặt khác, sự
trong sáng, “độ không” mang tính báo chí này lại trở thành một
khoảng mờ đục bởi nó cho phép người đọc tham gia vào chính quá
trình diễn giải theo vô vàn mức độ. Tác phẩm của Camus, mà Barthes
đã viết phê bình trong một bài trước đó, được coi như là tiêu biểu cho
lối viết này ở khu vực hư cấu bởi đã bứt ra khỏi mọi “hàm ý” lồng
trong ngôn ngữ, mọi sự ràng buộc của những liên tưởng do Truyền
thống để lại: “Lời lẽ trong suốt này, được bắt đầu bằng Người xa
lạ của Camus, đã hoàn tất một phong cách về sự vắng mặt vốn hầu
như là một sự vắng mặt lý tưởng của phong cách; lối viết thế là quy

giản về một dạng thức phủ định ở đó các đặc tính xã hội và huyền
thoại của một hoạt động ngôn ngữ bị phá hủy để dành cho một trạng
thái trung tính và bất động của hình thức”. Khái niệm này gắn với một
thế giới lý tưởng (utopie) mà Barthes hiểu rằng nó vừa là đích đến,
vừa là sự kết thúc của văn chương bởi vì chính những gì được sáng tạo
sẽ ngay lập trở thành khuôn sáo: “Thật không may là không gì bất
trung hơn một lối viết trắng; những cơ chế tự động tiến triển ngay ở
chỗ có một sự tự do, một mạng lưới các hình thức trở nên khô cứng
càng ngày càng ôm xiết lấy sự tươi mới ban đầu của câu chữ, một lối
viết tái sinh ở chỗ của một hoạt động ngôn ngữ bất định”.
Rõ ràng là có những sự khác biệt mà người đọc Nguyên Ngọc, với tư
cách một nhà văn, đã tạm đặt sang một bên trong bản dịch tiếng Việt
đầu tiên này. Nhưng điều mà chúng tôi muốn đặc biệt lưu ý ở đây là
hiệu ứng của việc dịch được thể hiện qua sự tương tác giữa hai thao tác
đọc và viết lại. Trước hết có thể quan sát một sự giao hội mạnh của các
quan điểm ở Barthes đã khúc xạ trong bản dịch. Nếu Sartre và Marx


cung cấp cho nhà phê bình Pháp một sự sáng rõ trong thái độ phê bình,
thì ngôn ngữ học mang đến cho ông điểm tựa về mặt phương pháp
mang tính triết học. Cho nên những điều đó làm nên một Barthes vừa
gần gũi vừa khác lạ trong tư duy đối với người đọc - Nguyên Ngọc
những năm chín mươi ở Việt Nam vào thời điểm đổi mới. Cảm giác
gần gũi mà người đọc Nguyên Ngọc bắt gặp ban đầu trong văn bản của
Barthes hẳn là gắn với những phân tích đậm chất xã hội học mà
Barthes muốn đối thoại ngầm với Sartre. Chẳng hạn Lời giới thiệu của
Nguyên Ngọc cho thấy rõ điều này khi ông dẫn Barthes để gián tiếp
chỉ trích “phê bình xã hội học” ở Việt Nam và đề cập đến sức mạnh
của vấn đề “Hình thức” trong văn chương (6). Nhưng các vấn đề ngôn
ngữ là nền tảng tư duy cho Barthes, lại đặt ra vấn đề khá lớn cho người

đọc như Nguyên Ngọc. Trước hết chúng ta cần phải xem xét sự xuất
hiện của chúng trong bản tiếng Việt. Hoạt động ngôn ngữ (langage)
của dịch giả Nguyên Ngọc cho thấy những giới hạn và tiềm năng của
việc diễn đạt bằng tiếng Việt đương thời đối với những vấn đề tư biện
lý thuyết. Điều đó được thể hiện qua một tập hợp những ngôn từ hoàn
toàn mới lạ so với các cuốn lý luận tiếng Việt trước đó: “lối viết”,
“hành ngôn”,… Trong số những khái niệm chìa khóa, ngoại trừ một
khái niệm (écriture) do chính Barthes định nghĩa một cách khá mơ hồ,
nhiều khái niệm khác vốn là thuật ngữ ngôn ngữ học hoặc là những lối
diễn đạt theo phương thức tư duy dựa trên thành tựu ngôn ngữ. Việc sử
dụng khái niệm “hành ngôn” của Nguyên Ngọc thay cho khái niệm
“hoạt động ngôn ngữ” của giới ngôn ngữ học Việt Nam đã làm biến
đổi diện mạo văn bản Barthes. Sự gọn gàng trong cách nói Hán Việt
của thuật ngữ sáng tạo mới mang đến một cảm quan khác hẳn cho
người đọc. Đó là một sự xa lạ, mới mẻ, thậm chí bí ẩn, huyền hoặc.
Kết quả là, vô tình hay hữu ý, Nguyên Ngọc đã dứt văn bản dịch của
Barthes, vốn được coi là có khởi đầu gắn với xã hội học khỏi quán tính
ngôn ngữ. Đấy cũng chính là điều mà tác giả bản tiếng Pháp đã làm với
tiêu đề cuốn tiểu luận của mình và đã đề cập khi bàn đến quán tính của
ngôn từ(7). Nó yêu cầu, trực tiếp và cả gián tiếp, người đọc bản tiếng
Việt rời khỏi những quy chiếu xã hội học quen thuộc của lý luận
marxiste vẫn được sử dụng mạnh khi đó. Hành động này đã cho thấy
chính vấn đề mà Barthes đề cập: hoạt động ngôn ngữ luôn có một quán
tính tác động ngược trở lại người viết, dù muốn hay không. Sự dị biệt
của ngôn từ Barthes thế là đã buộc người dịch Nguyên Ngọc, trong tư
cách người diễn giải viết lại, sáng tạo nên một hệ thống thuật ngữ khác
biệt.
Tương tự như thế với khái niệm écriture, cách dịch của Nguyên Ngọc
là “lối viết” đã biến nó thành một khái niệm mới hoàn toàn so với



những cách định nghĩa trong từ điển, nơi lưu giữ quán tính của ngôn
ngữ và của thời đại. Ông ý thức điều này khi nêu trong lời mở đầu:
“người dịch cố gắng tìm cách dịch các thuật ngữ ấy theo như mình
quan niệm là chuẩn xác hơn cả” (8). Sự khác biệt của hệ thống ngôn từ,
thuật ngữ đã buộc người đọc và người dịch Nguyên Ngọc phải tìm
kiếm và tạo nên một cách diễn đạt khác biệt so với thói quen và quán
tính. Đó là rời bỏ cách thức diễn đạt vốn luôn dựa trên những luận
điểm phản ánh mang tính xã hội trong các bộ lý luận quen thuộc, rất
gần với nghiên cứu mang tính xã hội học (thô thiển). Và dù có ý thức
về sự bất khả, thì hẳn ông cũng không tính đến hiệu ứng ngôn từ xa lạ
trong một vấn đề tưởng như quen thuộc.
Một ví dụ đối chiếu cho thấy sức mạnh của hệ thuật ngữ khác biệt đòi
hỏi một sự đoạn tuyệt ngôn ngữ để có một hiệu quả truyền thông là bản
dịch sang tiếng Việt từ rất sớm công trình của Mikhail
Bakhtine: Những vấn đề thi pháp Dostoievsky (9) (cũng xin nói thêm,
những năm 80, Vương Trí Nhàn đã giới thiệu Bakhtine trên Tạp chí
Văn học nhưng không nhận được nhiều sự quan tâm(10)). Được xuất bản
năm 1993 và do những người rất có kinh nghiệm dịch thuật lý luận
thực hiện, thuật ngữ cực kỳ quan trọng của Bakhtine, lời gián tiếp/ nửa
trực tiếp, mà giáo trình lý luận hiểu như một thứ kỹ thuật nhằm trích
dẫn lời nhân vật, được các dịch giả tái sử dụng. Nhưng nó được
Bakhtine dùng theo ý nghĩa về một sự tương tác của giao tiếp, tức là có
tính đối thoại. Trong một bài báo, Bakhtine đã triển khai ý về sự không
trùng khớp giữa lời nhân vật và lời tác giả, từ đó có một sự tương tác
giữa hai tiếng nói trong văn bản cho nên không bao giờ có sự trung
tính trong lời kể được coi là của tác giả vì ông ta bắt buộc, dù muốn
hay không, phải tham gia “bình luận” lời kẻ khác: “Tương tự thế, con
người không bao giờ trùng khít hoàn toàn với tình trạng cụ thể của
mình, thế giới chẳng bao trùng khít với lời lẽ miêu tả về nó; mọi phong

cách tồn tại đều bị hạn chế và người ta chỉ có thể dùng nó một cách
thận trọng”(11). Luận điểm này, nói một cách cặn kẽ, đã từng được
chính Bakhtine trình bày trongChủ nghĩa Marx và triết học về ngôn
ngữ(12) xuất bản cách đó nửa thế kỷ nhằm đối thoại lại với quan điểm
của de Saussure (mà ông gọi là chủ nghĩa khách quan trừu tượng)
trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương khi nhà ngôn ngữ học muốn
xem xét vấn đề một cách cô lập theo lối thực nghiệm của khoa học tự
nhiên. Trong tiểu luận nổi tiếng này, Bakhtine muốn đề cập tới quan hệ
giữa “hoạt động ngôn ngữ” (langage) và hoạt động xã hội dưới góc
nhìn biện chứng của chủ nghĩa Marx. Nói cách khác ông muốn khẳng
định bản chất xã hội của phát ngôn (énoncé) và của hành vi phát ngôn
(énonciation). Do vậy, mọi phát ngôn đều ít nhiều bao gồm phát ngôn


của kẻ khác (discours d’autrui). Nói cách khác, tính giao tiếp được
quan tâm vừa theo nghĩa kỹ thuật và vừa mang tính triết học bao hàm
tính đối thoại và tính diễn trình trong hành động phát ngôn. Như vậy,
hình thức quen thuộc của khái niệm “lời gián tiếp” theo chúng tôi
không đánh thức được ở người đọc một sự tò mò đọc lại. Nó không trở
thành một điểm nhấn cho văn bản của Bakhtine khi mới xuất hiện ở
Việt Nam. Ngược lại, tính “đa thanh” trong tiểu thuyết, lấy cảm hứng
từ một thuật ngữ âm nhạc và hoàn toàn mới lạ đối với người đọc tiểu
thuyết Việt Nam đương thời, lại được sử dụng với một tần suất lớn
trong phê bình và nghiên cứu những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ
XXI với một sự cực kỳ đa dạng về cách diễn giải.
Nếu những sai sót trong một bản dịch lý thuyết đương nhiên có thể xảy
ra, vốn không phải là mối quan tâm chính của chúng tôi ở đây, khi mà
ngay hệ thống thuật ngữ đã có sự khác biệt như đã nói trên, có thể nói
rằng bản thân lối viết trong bản dịch của Nguyên Ngọc đã mang đến
những khoảng tối khó xác định cho độc giả văn bản của ông. Khoảng

tối bí hiểm đó trước hết là do chính cách viết không dễ đọc của Barthes
buộc người đọc Nguyên Ngọc phải đối diện với những khoảng trống
mơ hồ, đầy bất trắc. Chắc chắn những trang viết về lối viết tiểu thuyết
được Nguyên Ngọc chờ đợi nhất khi giới thiệu với độc giả Việt Nam.
Thế nhưng có lẽ chính những trang phân tích này về ngôi thứ ba và về
quá khứ đơn của tự sự tiếng Pháp lại trở thành một thứ mật ngữ đối với
người đọc Việt Nam: “Maurice Blanchot đã chỉ ra rằng việc xây dựng
truyện kể phi nhân cách (nhân từ ngữ này nên chú ý là “ngôi thứ ba”
luôn được coi như một mức độ phủ định nhân cách) là một hành vi
trung thành với bản chất của hành ngôn, bởi vì hành ngôn đương nhiên
có xu hướng tự hủy diệt” (tr.72; nguyên văn: “Maurice Blanchot a
indiqué à propos de Kafka que l'élaboration du récit impersonnel (on
remarquera à propos de ce terme que la “troisième personne” est
toujours donnée comme un degré négatif de la personne) était un acte
de fidélité à l'essence du langage, puisque celui-ci tend naturellement
vers sa propre destruction”). Cách diễn đạt “phi nhân cách”
(impersonnel) ở bản dịch của Nguyên Ngọc có thể gây bối rối cho
người đọc vì không có mối liên hệ nào với “ngôi thứ ba” được nhắc
ngay sau đó. Nếu hiểu là “vô nhân xưng”, tính chất phủ định “ngôi
nhân xưng” do hoạt động của ngôi thứ ba sẽ liên quan đến tính khách
quan của truyện kể, vốn được coi đặc trưng bởi tính “khách quan” của
khoa học thực chứng đương thời, và cho thấy tính tự hủy diệt của hoạt
động ngôn ngữ văn chương như một xu thế tiến tới độ không của lối
viết. Hơn nữa, tính chất vô nhân xưng này tương ứng với những gì mà
Benveniste sẽ khái quát lại từ góc độ ngôn ngữ học vài năm sau trong


việc phân biệt discours và récit, như một thành phần cấu tạo nên loại
hình tự sự trong tiếng Pháp. Sự phân biệt này có ý nghĩa trong chừng
mực Barthes xem xét vấn đề tự sự và lịch sử từ hai tác giả quan

trọng của thế kỷ XIX: Michelet và de Balzac. Một người quan tâm tới
quá khứ, một người chú tâm vào hiện tại, nhưng có điểm chung là cùng
“xây dựng một thế giới khép kín, tự tạo ra những kích cỡ và giới hạn
của mình, và tự sắp đặt ở đấy Thời gian, Không gian, dân cư, bộ sưu
tập các đồ vật và các huyền thoại của mình”. Một ví dụ khác tương tự:
“Giữa ngôi thứ ba của Balzac và của Flaubert, là cả một thế giới (thế
giới năm 1848); một bên là một Lịch sử trông thật khốc liệt, nhưng gắn
bó và vững chắc, thắng lợi của một trật tự; một bên là một nghệ thuật,
vì muốn thoát khỏi niềm ân hận vò xé mình, chất đầy nhiệm vụ lên cái
quy ước hay nóng nảy muốn phá hủy nó” (tr.73; nguyên văn: “Entre la
troisième personne de Balzac et celle de Flaubert, il y a tout un monde
(celui de 1848): là une Histoire âpre dans son spectacle, mais cohérente
et sûre, le triomphe d'un ordre; ici un art, qui, pour échapper à sa
mauvaise conscience, charge la convention ou tente de la détruire avec
emportement”). Ở đây, người dịch Nguyên Ngọc đã diễn đạt lại hai
tính từ “cohérente et sure” bằng “gắn bó và vững chắc” hàm ý bổ nghĩa
cho Lịch sử với tư cách một đối tượng vật chất. Trong khi đó với một
lựa chọn những từ gần nghĩa khác là “nhất quán và chắc chắn”, “Lịch
sử” của câu văn sẽ được hiểu như một diễn ngôn.
Thêm vào đó, có thể kể đến những cách diễn đạt rất thơ mà Nguyên
Ngọc đã thể hiện được trong bản dịch: “cần nhớ lại rằng cấu trúc là cặn
lắng của một độ kéo dài” (tr.46), “Cả thế kỷ mười chín đã chứng kiến
hiện tượng cô đặc đầy kịch tính ấy. Ở Chateaubriand, mới chỉ là một
chút cặn lắng, trọng lượng nhẹ nhàng vương lại từ một tình trạng sảng
khoái của hành ngôn, một lối tự ngắm mình” (tr.38), Tương tự như thế,
có thể tìm thấy không hiếm những cách diễn đạt khác đầy bí hiểm:
“Mọi dấu vết của cái viết ra đổ dồn đến như một nguyên tố hóa học
thoạt đầu còn trong suốt, vô tư và trung tính, rồi sự kéo dài ra dần dần
làm hiện lên trong đó cả một quá khứ còn treo lửng, cả một mật mã
càng lúc càng đậm đặc” (tr.52), “Rút ra khỏi tiếng Pháp nói…”

(tr.63), “Tiểu thuyết là một sự Chết” (tr.74). Và đôi khi những câu văn
giàu ẩn dụ kiểu thi ca lại có thể hấp dẫn người đọc, tức là đề xuất nhiều
cách hiểu đa dạng: “Văn chương tựa như chất phốt-pho: nó sáng rực
lên khi nó toan chết đi” (tr.73). Đôi chỗ có thể thấy những cách diễn
đạt đặc thù: “trong lời nói mọi sự đều được bày ra, nhằm để sử dụng
ngay tức thì, và từ ngữ, sự im lặng cùng vận động của chúng đổ dồn về
một hướng được san bằng: đó là một cuộc chuyển tải không để lại vết
mòn và không chậm trễ” (tr.46). Ở đây, trong khi muốn so


sánh écriture với parole trong cặp langue/ parole nổi tiếng của de
Saussure, Barthes hẳn muốn tạo ra một sự tương đương langage/
écriture(13). Do thế, ông nói tới nguyên tắc tuyến tính của lời (parole)
mà sự tồn tại của nó rất ngắn ngủi, không dấu vết. Đến nỗi dường như
ý nghĩa của nó cũng dễ dàng biến mất (sens aboli) sau khi được phát
ngôn. Cách diễn đạt của người đọc Nguyên Ngọc mang đến cho văn
bản tiếng Việt một ý nghĩa huyền bí hơn rất nhiều như chính dịch giả
Nguyên Ngọc nhấn mạnh về sự khó hiểu trong cách viết của Barthes ở
phần giới thiệu... Chúng mang lại cho văn bản tiếng Việt của Barthes
quyền lực của sự bí ẩn ngôn từ. Để hiểu được tình trạng này, có thể dẫn
ngay một suy tư thú vị của chính Barthes khi nói tới sự lựa chọn “tự
do” của người viết cũng như sự ràng buộc của quá khứ và cộng đồng
với người viết. Bởi vì “...từ ngữ có một ý nghĩa thứ hai kéo dài một
cách huyền bí giữa những ý nghĩa mới” (tr.52). Những quan điểm này
gần với những gì được Bakhtine nhận xét trong Chủ nghĩa Marx và
triết học về ngôn ngữ và sau này sẽ được Julia Kristeva phát triển trong
lý thuyết về liên văn bản. Đó là sự giao hội (croisement) các giọng
khác nhau và từ đó trở thành động lực cho sự diễn giải và tái diễn giải
một văn bản nước ngoài trong bối cảnh văn hóa đích.
Sự thay đổi hệ thống ngôn từ của Barthes không chỉ gắn với sự thay

đổi phương thức tư duy mà còn đi liền với giọng điệu tranh luận.
Trong bản tiếng Pháp, đó là sự tranh luận ngang hàng không dựa trên
sự phân biệt giá trị đối lập trắng đen, đúng sai với những tiền đề đương
nhiên đúng(15). (Trong khi ở Việt Nam, tình hình không hẳn vậy, chẳng
hạn có thể thấy sự phân biệt này trong một bản dịch của một tác giả
khoa học xã hội phương Tây duy nhất được lựa chọn là cuốn sách của
de Saussure. Nhóm dịch đã cẩn thận rào trước đón sau (qua lời trích
dẫn Lenin) rằng đó là một chủ nghĩa duy tâm thông minh chứ không
phải là chủ nghĩa duy vật ngu ngốc (14)). Nói như Antoine Compagnon,
các tiểu luận của Barthes mang rõ hơi thở của đời sống tranh luận lý
thuyết Pháp của thế kỷ XX, và chính nhờ thế nó có ý nghĩa (15). Bản
thân đời sống tranh luận đã để lại tiếng vọng rất rõ trong mạch lập luận
của Barthes do tính đối thoại. Tính chất ngang hàng này phần nào còn
liên quan đến phương thức giao tiếp khác gắn với thể loại văn bản của
Barthes. Cuốn sách không phải là một nghiên cứu với những trích dẫn
cụ thể để đạt đến một kết luận, mà là một “tiểu luận” (essai). Điều đó
dẫn đến sự khác biệt trong phương thức giao tiếp. Bài viết của Barthes
là một hoạt động tư duy tư biện mang dấu ấn cá nhân đậm đặc, được
thể hiện ngay từ hệ thống ngôn từ mà chúng tôi vừa nêu lên. Nó không
nhắm tới việc nêu ra các định lý hay định luật “đúng” để trích dẫn. Đó
cũng không phải là một nghiên cứu có sử dụng các trích dẫn. Dựa trên


tính chất đối thoại, chứ không độc thoại nhằm phát biểu chân lý, nó
nhắm đến sự kích thích tư duy và trao đổi lại những vấn đề lý thuyết.
Thể loại này, đã được Montaigne thử nghiệm và thành công, trở thành
một lựa chọn khi một tác giả nào đó muốn đề cập tới những vấn đề mới
mẻ vượt khung khổ tư duy đương thời. Bởi đối tượng được xem xét
của nó chính là một đối tượng luôn biến động và đa diện. Mối quan
tâm của nó không phải là vạch ra hình dáng cụ thể của đối tượng mà là

tập hợp các mối quan hệ được xem xét, một cách có ý thức, hoàn toàn
từ góc nhìn cá nhân và rất chủ quan của người viết. Do thế, tiểu luận
luôn chứa đựng điều tưởng như nghịch lý, mâu thuẫn xuất hiện khi
người viết bàn đến tính hai mặt của vấn đề tới mức thật khó mà xác
quyết kết luận cuối cùng. Chính người đọc phải là người quyết định
chứ không phải tác giả tiểu luận. “Tiểu luận không phải là một tự
truyện hay một nhật ký. Nó không đi theo một dàn ý chính xác hay một
trật tự niên biểu. Nó tuân theo sự ngẫu nhiên” (16). Sự ngẫu nhiên không
nằm ở ý thích thất thường của tác giả, mà gắn với logic quan sát và lập
luận của người viết. Đoạn văn điển hình cho lối tư duy chứa đầy những
mâu thuẫn là khi Barthes bàn về lối viết và sự im lặng. Một mặt
Barthes nói đến sự cần thiết phải có đích đến là lối viết “trắng” đã từng
được những người như Flaubert, Proust, Gide thử nghiệm và thành
công gần nhất là Camus. Mặt khác, ông lại nói tới sự “phản phúc” của
lối viết trung tính bởi khi đó nhà văn trở thành tù nhân của chính lối
viết của mình. Một ví dụ khác liên quan đến tính luận chiến trong tư
duy của Barthes chính là sự vận động và tiến triển liên tục trong quan
niệm của ông nếu ta mở rộng diện xem xét. Như sau này, quan niệm về
sự đối lập lối viết trong veo và mờ đục sẽ chuyển thành tính ghi xám
(matité) khi ông đọc thơ haiku của Nhật Bản trong cuốn Đế chế ký
hiệu. Nói một cách khác, tính luận chiến của Barthes thể hiện qua một
thái độ phủ nhận và tự phủ nhận liên tục để cố gắng tiệm cận điều mà
ông gọi là chân trời của thực tại cho lối viết. Thế là, ta có thể nghĩ tới
một mô thức chuyển dịch trong nghiên cứu văn hóa nói chung về sự
hóa thạch ngoại biên(17), và trong dịch thuật nói riêng, rằng trong khi
bản gốc “đương thời có thể tiếp tục phát triển các quy thức và model
mới” thì bản dịch “tôn trọng triệt để các quy thức đã bị chối bỏ mới đó
hay từ lâu trước đó bởi trung tâm (mới) hình thành. Nó không còn duy
trì những tương liên với các trứ tác gốc”(18).
Trường hợp bản dịch của Barthes cho thấy rõ hiệu ứng khúc xạ đặc thù

của quá trình truyền nhập và biến dạng lý thuyết do sự khác biệt về
môi trường, sự không đồng nhất về mã giao tiếp, sự bất đối xứng giữa
văn bản nguồn và văn bản đích. Nếu như sự mới lạ về ngôn từ và diễn
đạt tạo điều kiện kích thích sự bứt phá về mặt tư duy tư biện ở người


đọc Việt Nam đương thời để tìm đến cái mới, thì nó đồng thời cho thấy
hạn chế của chính văn bản dịch bởi thiếu một sự tương đồng thuật ngữ
cho cách hiểu và diễn đạt những gì là tư biện. Nếu cuốn tiểu luận của
Barthes trong chừng mực nào đó vẫn được đọc ở Việt Nam như một
kim chỉ nam cho lý luận, sự xuất hiện của nó cũng buộc người đọc
nghĩ tới về vai trò của lý thuyết, về những gì nằm ngoài đường chân
trời vốn vẫn quen thuộc với độc giả lý thuyết đương thời. Bản dịch như
một dấu mốc cho quá trình chuyển biến từ lý luận sang lý thuyết đã bắt
đầu ở Việt Nam, dù rằng cho đến hiện tại nó vẫn nằm ở tình trạng phôi
thai.
__________________
1 Roland Barthes: Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, Nxb. Hội Nhà
văn, H., 1997
2 Cùng với Louis Hjemslev, ông là một trong những gương mặt chính của giới
ngôn ngữ học và triết học Đan Mạch, có quan hệ chặt chẽ với nhóm Praha và
đặt mối quan tâm chính tới quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy.
3 Để thuận tiện cho việc phân tích lý thuyết của Barthes, chúng tôi dịch lại
những trích đoạn công trình này từ bản tiếng Pháp; chỉ trong trường hợp phân
tích bản dịch của Nguyên Ngọc, chúng tôi mới sử dụng văn bản dịch của ông,
có đánh kèm theo số trang được trích dẫn và nguyên văn tiếng Pháp.
4 Xin xem Ferdinand de Saussure: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Tổ
Ngôn ngữ học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tổ chức dịch,
Nxb. KHXH, H.,1973, tr.30-38 và 138.
5 Xem thêm E.Benveniste: Các vấn đề ngôn ngữ đại cương, Gallimard, 1964.

6 Roland Barthes: Độ không của lối viết, Sđd, tr.9.
7 Bản thân de Saussure, từ góc độ ngôn ngữ học đã miêu tả “sự kháng cự của
quán tính tập thể” đối với mọi sự cách tân ngôn ngữ: “Trong tất cả các thiết chế
xã hội, ngôn ngữ là thiết chế ít chịu tác dụng của các sáng kiến hơn cả. Nó ăn
sâu vào sinh hoạt xã hội, mà xã hội lại vốn có quán tính tự bản chất, cho nên
trước hết, nó đóng vai trò của một nhân tố bảo thủ” (Ferdinand de
Saussure: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Sđd, tr.132-133)
8 Roland Barthes: Độ không của lối viết, Sđd, tr.32
9 Mikhail Bakhtin: Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại
Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, Nxb. Giáo dục, H., 1993. Thực ra Vương
Trí Nhàn đã giới thiệu Bakhtine trên Tạp chí Văn học từ những năm tám mươi
nhưng nhận được rất ít sự quan tâm.
10 M.M. Bakhtin: “Một số khía cạnh phương pháp luận cần lưu ý khi nghiên
cứu văn học quá khứ”, Vương Trí Nhàn dịch, Tạp chí Văn học, số 4/1980,
tr.139-144
11
M.Bakhtine: L’énoncé dans le roman, Pensée, No12 (1968), tr.129.
12 “Tương tự thế, con người không bao giờ trùng khít hoàn toàn với tính huống
cụ thể của mình, tương tự như thế giới không bao giờ trùng hoàn toàn với lời lẽ
miêu tả nó; mọi phong cách tồn tại đều bị giới hạn và người ta chỉ có thể dùng
nó một cách chừng mực” (Bakhtine: Le Marxisme et la philosophie du langage,
Minuit, 1977). Trong Những vấn đề thi pháp Dostoievsky, Bakhtine nhắc lại


lưu ý này: “Phong cách học không chỉ cần dựa vào ngôn ngữ học […] mà dựa
vào siêu ngôn ngữ học, là ngành nghiên cứu lời phát ngôn không phải trong hệ
thống ngôn ngữ, cũng không phải trong một “văn bản” đã tách rời khỏi giao
tiếp đối thoại, mà là trong phạm vi giao tiếp đối thoại, tức là trong phạm vi của
đời sống đích thực của lời nói” (Mikhail Bakhtin: Những vấn đề thi pháp
Đôxtôiepxki, Sđd, tr.199).

13 Trong khi đó, bản tiếng Việt đã dịch discours là “lời nói”.
14 Ferdinand de Saussure: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Sđd.
15 Antoine Compagnon: Bản mệnh của lý thuyết, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh
Đào dịch, Nxb ĐHSP, H., 2006.
16 E.Auerbach: Mimesis [Thân phận con người], Gallimard, 1996.
17 Xem thêm Ngô Đức Thịnh: Lý thuyết “trung tâm và ngoại vi” trong nghiên
cứu không gian văn hóa, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Khu vực học: cơ
sở lý thuyết, thực tiến và phương pháp nghiên cứu”, Đại học Quốc gia Hà Nội
và Đại học Quốc gia Tokyo (2006)
18 Itamar Even-Zohar: Lý thuyết đa hệ thống trong nghiên cứu văn hóa văn
chương, Trần Hải Yến và Nguyễn Đào Nguyên dịch, Nxb. Thế giới, H., 2014,
tr.153.



×