Tải bản đầy đủ (.pdf) (190 trang)

Cơ sở tri nhận của hiện tượng chuyển nghĩa trong tiếng việt (trên cứ liệu nhóm từ định hướng và nhóm từ vị trí, có liên hệ với tiếng nga)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.54 MB, 190 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

_______________

LÊ THỊ THANH TÂM

CƠ SỞ TRI NHẬN CỦA HIỆN TƯỢNG
CHUYỂN NGHĨA TRONG TIẾNG VIỆT
(trên cứ liệu nhóm từ định hướng và nhóm từ
vị trí, có liên hệ với tiếng Nga)
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh- đối chiếu
Mã số:62.22.01.10

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Thành phố Hồ Chí Minh - Năm 2011


ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

_______________

LÊ THỊ THANH TÂM

CƠ SỞ TRI NHẬN CỦA HIỆN TƯỢNG
CHUYỂN NGHĨA TRONG TIẾNG VIỆT
(trên cứ liệu nhóm từ định hướng và nhóm từ
vị trí, có liên hệ với tiếng Nga)


LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học so sánh- đối chiếu
Mã số:62.22.01.10

Người hướng dẫn khoa học: GS.TSKH. LÝ TOÀN THẮNG

Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2011


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận án này là công trình nghiên cứu riêng của tôi dưới sự
hướng dẫn khoa học của GS.TSKH Lý Toàn Thắng. Tất cả các số liệu, kết quả có
nêu trong luận án là hoàn toàn trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.
Thành phố Hồ Chí Minh 09 tháng 06 năm 2010

TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Lê Thị Thanh Tâm


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ở châu Âu, Humboldt, từ thế kỉ XVII đã đưa ra luận điểm “con người bị vây
kín trong cái vòng tròn ngôn ngữ huyền bí của tiếng mẹ đẻ của họ mà vốn tự nó đã
có một thế giới đặc thù ràng buộc tất cả những ai sử dụng nó” [dt.66, tr.24]. Ở
Châu Mĩ, Boas, Sapir và Whorf cũng quan niệm:“nghiên cứu ngôn ngữ là một bộ
phận không thể tách rời của việc nghiên cứu tâm lí các dân tộc trên thế giới…ngôn

ngữ là một địa hạt thuận lợi nhất để nghiên cứu các biểu tượng đạo lí” [dt.66,
tr.24]. Như vậy, giữa ngôn ngữ, tư duy (rộng hơn là: tri nhận) và văn hóa luôn có
mối quan hệ hết sức chặt chẽ và từ lâu đã được giới nghiên cứu khoa học rất quan tâm.
Trong ngôn ngữ, mối quan hệ “bộ ba” này được biểu hiện ở nhiều đơn vị,
nhiều cấp độ khác nhau, trong đó “từ” và “ý nghĩa của từ” là nơi thể hiện rõ nhất;
bởi vì theo lý thuyết phản ánh của Lênin, “từ” được hiểu là “kết quả phản ánh hiện
thực, nhưng là sự phản ánh đặc biệt qua ý thức của con người với tư cách là đại
diện cho một cộng đồng văn hóa – ngôn ngữ nhất định” [dt.76, tr. 24].
Qua ý nghĩa của từ nói chung cũng như qua hiện tượng chuyển nghĩa của từ
nói riêng, chúng ta có thể thấy rằng: mỗi cộng đồng ngôn ngữ bên cạnh cái “phổ
quát”, cái “chung”, còn có cái “đặc thù”, cái “riêng” trong cách chia cắt và phạm trù
hoá hiện thực khách quan, trong cách tri giác về hiện thực khách quan đó.
Trong số các điạ hạt mà ở đó chúng ta thấy rõ nhất mối quan giữa ngôn ngữ
và tri nhận – đó là không gian. Khái niệm không gian bao hàm trong nó nhiều vấn
đề và khía cạnh khác nhau như: hình dáng, kích thước, chiều kích không gian, quan
hệ không gian, v.v...Theo định hướng này, chúng tôi lựa chọn cho luận án của mình
một trong những vấn đề đó là nghiên cứu mối quan giữa ngôn ngữ và tri nhận ở
hiện tượng chuyển nghĩa của các từ đa nghĩa, đi sâu vào nhóm các từ chỉ hướng
không gian bao gồm hai nhóm: các từ chỉ sự chuyển động có hướng và phương
hướng trong không gian (ra - vào, lên - xuống, qua - lại) và nhóm các từ chỉ sự
định hướng và phương vị trong không gian (trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài).


2

Đó là những nhóm từ mang tính phổ quát, tồn tại tất yếu trong nhiều ngôn ngữ,
trong đó có tiếng Nga – là ngôn ngữ mà chúng tôi đối chiếu.
Luận án đặc biệt chú ý tới cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri nhận về hiện
tượng đa nghĩa và chuyển nghĩa, cũng như tới cách tiếp cận của ngôn ngữ học tri
nhận về ẩn dụ (một trong hai phương thức của hiện tượng chuyển nghĩa) vốn được

khởi xướng từ năm 1980, khi tác phẩm Metaphor we live by (Chúng ta sống nhờ ẩn
dụ) của G. Lakoff và M. Johnson [100] ra đời. Ẩn dụ do đó không thể chỉ được xem
xét ở riêng phạm vi ngôn từ mà cả ở các phạm vi tư duy và hành động; trong đời
sống thường nhật chúng ta không chỉ dùng các ẩn dụ được qui ước hóa và trừu
tượng hóa mà còn dùng cả những ẩn dụ ý niệm (conceptual metaphor). Hiện tượng
chuyển nghĩa theo phép ẩn dụ, vì thế, được hiểu không phải và không phải chỉ là
vấn đề “mở rộng ý nghĩa” từ một phạm trù này sang một phạm trù ở một trường
khác và cốt lõi cũng không phải là vấn đề “ý nghĩa”, mà là vấn đề mở rộng “ý
niệm” tương ứng vốn là cái chứa đựng sự hiểu biết đời thường hay tri thức khoa học
của con người về thế giới.
Đồng thời thông qua việc đối chiếu hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng của
nhóm từ chỉ không gian trong tiếng Việt và có liên hệ với tiếng Nga chúng tôi muốn
góp phần làm rõ thêm lối tư duy, dấu ấn văn hóa của hai dân tộc.
Vì những lý do nêu trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài: Cơ sở tri nhận của
hiện tượng chuyển nghĩa tiếng Việt (trên cứ liệu của nhóm từ định hướng và
nhóm từ vị trí, có liên hệ với tiếng Nga) cho luận án này của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Nghiên cứu hiện tượng chuyển nghĩa trên thế giới từ trước tới nay có thể tạm
chia làm ba khuynh hướng chính:
Thứ nhất là khuynh hướng nghiên cứu theo logic học mà Paul là người khởi
xướng. Những quan niệm của ông được thể hiện qua bảng phân loại logich học các
hiện tượng chuyển nghĩa, trong đó chú ý so sánh nội dung khái niệm trước và sau
khi biến đổi, đồng thời nêu lên mối quan hệ logich giữa chúng.


3

Thứ hai là khuynh hướng nghiên cứu theo tâm lý học mà đại diện là Wundt.
Khuynh hướng này giải thích hiện tượng chuyển nghĩa căn cứ vào đặc trưng tâm lý
với phương châm “việc nghiên cứu sự chuyển nghĩa cuối cùng phải vĩnh viễn quy

thành nghiên cứu tâm lý”[dt.2, tr. 4].
Thứ ba là khuynh hướng nghiên cứu theo lịch sử do Wellander đứng đầu.
Những người theo khuynh hướng này quan niệm: “sự chuyển hóa ý nghĩa là một
quá trình lịch sử, chỉ khi nào nó được chứng thực trong quá trình thực tế trưởng
thành của nó, quá trình này mới được trưởng thành một cách vừa ý”[dt.1, tr.50].
Với phương châm này, các nhà nghiên cứu chú trọng đi tìm sự trả lời cho câu hỏi là
ý nghĩa mới của từ nảy sinh như thế nào trong lịch sử. Họ cho rằng kết quả của quá
trình chuyển nghĩa được bảo lưu trong ý nghĩa mới của từ.
Ngoài ba xu hướng này, còn có những tác giả khác đi theo một quan niệm về
hiện tượng chuyển nghĩa có phần mang tính chiết trung hơn giữa ba nguyên tắc trên
và xác định từ giác độ của ngôn ngữ học. Chẳng hạn, như các nhà nghiên cứu từ
vựng – ngữ nghĩa học nổi tiếng ở Việt Nam: Nguyễn Văn Tu (1960, 1968, 1976),
Đỗ Hữu Châu (1962, 1981, 1986), Nguyễn Thiện Giáp (1975, 1985), ….
Ngoài ra, còn có một số luận văn, luận án đã đề cập đến hiện tượng chuyển
nghĩa từ vựng nói chung, chẳng hạn, Nguyễn Nhã Bản (1973) viết về “ Tìm hiểu
hiện tượng chuyển nghĩa trong tiếng Việt”[2]. Nguyễn Đức Tồn trong “Tìm hiểu
đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt (trong sự so sánh với
các dân tộc khác)”[79] đã nghiên cứu đặc điểm của quá trình chuyển nghĩa của từ
vựng chỉ động vật, thực vật, bộ phận cơ thể người (có so sánh giữa tiếng Việt và
tiếng Nga). Tác giả đã thống kê số lượng chuyển nghĩa, các phương thức chuyển
nghĩa và có những kết luận nhất định về hiện tượng này. Tiếp tục hướng nghiên cứu
đó, là những công trình nghiên cứu về từ vựng và trường từ vựng ngữ nghĩa như:
“Đặc điểm trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi động vật” của Nguyễn Thúy Khanh
[34], “Tâm lý văn hóa người Việt phản ánh trong sự chuyển nghĩa của từ” của Kỳ
Quảng Mưu [43].
Trong phạm vi nghiên cứu các từ chỉ không gian, Nguyễn Đức Dân (1992)


4


viết về “Triết lý tiếng Việt: không gian – điểm nhìn và sự chuyển nghĩa của
từ”[13], đi vào nghiên cứu những quan hệ không gian của nhóm từ chỉ hướng
không gian. Dư Ngọc Ngân [49] trong “Từ chỉ không gian thời gian khái quát trong
tiếng Việt (từ thế kỉ XV đến nay)” đã khảo sát, hệ thống hóa lớp từ chỉ không gian,
thời gian tiếng Việt. Đặc biệt là Nguyễn Lai trong cuốn sách “Nhóm từ chỉ hướng
vận động tiếng Việt hiện đại”[37] đã đi sâu nghiên cứu sự phát triển nghĩa của
nhóm từ này đồng thời với sự phát triển nhận thức, tư duy của người Việt. Tác giả
Lý Toàn Thắng [66] cũng có nhiều nghiên cứu về hiện tượng chuyển nghĩa, ông đã
so sánh hiện tượng chuyển nghĩa của một số từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng
Việt sang các từ chỉ bộ phận đồ vật và định vị không gian với các từ tương ứng
trong tiếng Anh, thông qua nó để thấy được cách nhận thức về hiện thực của từng
dân tộc.
Những công trình này của các tác giả đi trước đã gợi ý cho chúng tôi rất
nhiều trong việc nghiên cứu mối quan giữa ngôn ngữ và tri nhận ở hiện tượng
chuyển nghĩa của các từ đa nghĩa, đi sâu vào nhóm các từ chỉ hướng không gian, so
sánh hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng trong tiếng Nga và tiếng Việt.
Gần 20 năm qua, với sự ra đời và phát triển của ngôn ngữ học tri nhận đã
xuất hiện những nghiên cứu mới về đa nghĩa và chuyển nghĩa. Điểm nổi bật của các
nhà ngôn ngữ học tri nhận là đã tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và nghiên
cứu hiện tượng chuyển nghĩa nói riêng trên cơ sở vốn kinh nghiệm và sự tri giác của
con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri giác, ý
niệm hóa và phạm trù hoá các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó. Các nhà
ngôn ngữ học tri nhận chỉ ra rằng:
a. Ngôn ngữ không phải là một khả năng tri nhận tự trị, cơ chế ngôn ngữ chỉ
là một phần của cơ chế tri nhận phổ quát.
b. Ngữ nghĩa là sự ý niệm hóa. Nguyên lí này nói lên cách tiếp cận của ngôn
ngữ học tri nhận tới các phương diện của cấu trúc ý niệm như cấu trúc phạm trù,
tổ chức của các tri thức, cũng như quá trình ý niệm hóa ở các hiện tượng ngữ
nghĩa từ vựng, như đa nghĩa, ẩn dụ và một số quan hệ từ vựng ngữ nghĩa khác.



5

c. Tri thức ngôn ngữ nảy sinh ra từ sự sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ học tri
nhận định hướng vào sự sử dụng và người sử dụng ngôn ngữ, bao quát các bình
diện chức năng, dụng học, tương tác và xã hội - văn hóa của ngôn ngữ trong sử dụng.
Vào những năm 90, khi mà ngôn ngữ học tri nhận trên thế giới đang phát
triển mạnh, thì ở Việt Nam đã xuất hiện một số bài viết nghiên cứu về tiếng Việt
theo phương pháp tiếp cận đó của tác giả Lý Toàn Thắng, đầu tiên năm 1994 với
bài “Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian” mở ra một cái nhìn mới về một số vấn đề
ngữ nghĩa của các từ chỉ không gian. Tác giả đã đưa ra một phương hướng nghiên
cứu phạm trù không gian trong tiếng Việt rất mới như: định hướng không gian, các
bản đồ tri nhận không gian,…từ đó, khái quát về mô hình không gian và cách tri
nhận không gian của người Việt Nam. Năm 2001, Lý Toàn Thắng lại cho đăng bài
“Sự hình dung không gian trong ngôn ngữ của loại từ và danh từ chỉ đơn vị”, nêu
lên cách thức mà người Việt dùng các loại từ để mô tả các thuộc tính không gian
của vật thể và từ đó xếp loại chúng. Trên cơ sở đó có thể suy đoán về một cách thức
riêng của tiếng Việt trong việc ý niệm hóa, phân loại và mô tả thế giới khách quan,
một vấn đề đang rất được chú ý dưới ảnh hưởng của trào lưu ngôn ngữ học tri nhận.
Đặc biệt là công trình “Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn
tiếng Việt” (2005) của tác giả Lý Toàn Thắng [70] đã có những đóng góp không
nhỏ trong việc nhận diện và trình bày một cái nhìn bao quát về sự tri nhận không
gian nói chung và cách thức tri không gian của người Việt nói riêng, trong so sánh
với các dân tộc khác.
Cùng với Lý Toàn Thắng còn có tác giả Trần Văn Cơ viết về những vấn đề
chung của ngôn ngữ học tri nhận:“Ngôn ngữ học tri nhận: Ghi chép và suy ngẫm”
(2007) [5], đặc biệt là ông đi sâu vào ẩn dụ ý niệm (mà ông gọi là: ẩn dụ tri nhận)
trong cuốn “Khảo luận - Ẩn dụ tri nhận” (2009) [6].
Bên cạnh những cuốn sách có nhiều đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn nói
trên, còn có khá nhiều bài báo, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ quan tâm đến những

vấn đề của ngôn ngữ học tri nhận như:“Từ chỉ quan hệ thân tộc trong tri nhận của
người Anh và người Việt” của Dương Thị Nụ [47], “Tìm hiểu ẩn dụ tiếng Việt từ


6

góc độ ngôn ngữ học tri nhận” của Võ Thị Dung [16], “Thành ngữ tiếng Anh và
thành ngữ tiếng Việt có yếu tố chỉ bộ phận cơ thể người dưới góc nhìn của ngôn
ngữ học tri nhận” của Nguyễn Ngọc Vũ [85], “Ẩn dụ dưới góc độ ngôn ngữ học tri
nhận (Qua các cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt)” của Phan Thế Hưng [31],…
Song cho đến nay vẫn chưa có luận văn, luận án nào nghiên cứu chuyên sâu
và toàn diện về hiện tượng chuyển nghĩa nói chung và phép ẩn dụ nói riêng theo
quan niệm ngôn ngữ học tri nhận như một công trình độc lập, chi tiết; nhất là có
liên hệ đối chiếu với tiếng Nga.
Do đó mà như đã nói ở trên, luận án đã lựa chọn để triển khai nghiên cứu đề
tài về “Cơ sở tri nhận của hiện tượng chuyển nghĩa tiếng Việt (trên cứ liệu của
nhóm từ định hướng và nhóm từ vị trí, có liên hệ với tiếng Nga)”. Luận án sẽ, một
mặt, xem xét lại những vấn đề về chuyển nghĩa theo truyền thống của ngôn ngữ học và
mặt khác, đặt ra những vấn đề mới chưa được nói đến, dựa theo quan điểm của ngôn
ngữ học tri nhận như là vấn đề về mối tương quan giữa ngữ nghĩa và thực tại khách
quan, vấn đề không gian ngoài ngôn ngữ được “phóng chiếu” vào trong ngữ nghĩa của
các ngôn ngữ tự nhiên và “bức tranh thế giới” (hay “thế giới được phóng chiếu”) về
không gian được thể hiện trong ngôn ngữ là khác biệt với không gian trong thế giới thực
v.v…Bởi vì trong các cấu trúc và quá trình tri nhận - mà trong đó ngôn ngữ chỉ là
một trong số đó, đều có phản ánh một “lối nghĩ riêng” của cộng đồng bản ngữ về
các sự vật và sự tình của thế giới hiện thực vốn cho ta thấy có những giới hạn và
ràng buộc của văn hóa đối với lối nghĩ ấy. Đây chính là tư tưởng chủ đạo mà luận
án dựa vào để từ đó trình bày về những cơ sở tri nhận trong sự chuyển nghĩa của
nhóm từ chỉ hướng không gian trên ngữ liệu của nhóm từ chỉ hướng không gian tiếng
Việt có liên hệ với tiếng Nga.

3. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu chính của luận án là tìm hiểu hiện tượng chuyển nghĩa từ
vựng của các từ chỉ sự chuyển động có hướng và phương hướng trong không gian
(ra - vào, lên - xuống, qua - lại) và của các từ chỉ sự định hướng(orientation) và
phương vị trong không gian (trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài), trên cơ sở mối


7

quan hệ giữa ngôn ngữ và tri nhận, và có đối chiếu với tiếng Nga.
Mục tiêu cụ thể của luận án:
1 - Tìm hiểu những quan điểm ngôn ngữ học truyền thống và quan điểm
ngôn ngữ học tri nhận về đa nghĩa, chuyển nghĩa, các quy luật phát triển nghĩa, khả
năng chuyển nghĩa của nhóm từ chỉ hướng không gian.
2 - Khảo sát nghĩa, sự chuyển nghĩa và các kết hợp của các từ chỉ sự chuyển
động có hướng và phương hướng trong không gian (ra - vào, lên - xuống, qua - lại)
và của các từ chỉ sự định hướng và phương vị trong không gian (trên - dưới, trước sau, trong - ngoài ).
3 - Tìm hiểu cơ sở và những đặc trưng tri nhận trong sự chuyển nghĩa và
cách dùng của nhóm từ chỉ hướng không gian trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng
Nga). Tìm ra được những điểm giống nhau và khác nhau trong cơ chế, cách thức tri
nhận không gian của người Nga và người Việt qua mối quan hệ giữa tư duy, ý thức
và ngôn ngữ.
4. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là: những cơ sở tri nhận qua hiện tượng chuyển
nghĩa từ vựng của nhóm từ chỉ hướng không gian trong tiếng Việt bao gồm hai nhóm
nhỏ: các từ chỉ sự chuyển động có hướng và phương hướng trong không gian (ra vào, lên - xuống, qua - lại), nhóm từ chỉ sự định hướng và phương vị trong không
gian (trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài) có liên hệ, đối chiếu với tiếng Nga.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
Luận án được tiến hành trên cơ sở áp dụng các phương pháp phổ biến trong

nghiên cứu ngôn ngữ như: phương pháp miêu tả, phương pháp thống kê, phương
pháp đối chiếu, phương pháp phân tích ngữ nghĩa. Luận án thực hiện bằng cách kết
hợp giữa phân tích miêu tả định tính lẫn định lượng. Phương pháp miêu tả giúp luận
án nêu lên được các nghĩa khác nhau của từ không chỉ trong từ điển mà còn trong
các văn bản nghệ thuật, sách, báo,… từ thực tiễn. Phương pháp miêu tả còn là cách


8

thức nêu ra cụ thể các nghĩa gốc, nghĩa phái sinh, nghĩa chuyển của từ. Phương
pháp đối chiếu là cách thức giúp luận án tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt
giữa tiếng Việt và tiếng Nga của nhóm từ đang xét. Phương pháp phân tích ngữ
nghĩa được sử dụng để phân tích nghĩa của các từ trong nhóm đối tượng khảo sát.
Qua khảo sát nhóm từ chỉ hướng không gian tiếng Việt và tiếng Nga chúng tôi có
xem xét thống kê tỉ lệ sử dụng ở hai phạm vi chức năng động từ và chức năng ngoài
động từ của nhóm từ này.
5.2. Nguồn ngữ liệu
Nguồn ngữ liệu được lấy từ các tác phẩm văn học đương đại, các báo, tạp chí
và các sách chuyên luận, sách tham khảo, các từ điển tường giải tiếng Việt, từ điển
tường giải tiếng Nga, từ điển Việt - Nga, từ điển Nga - Việt, …
Từ định hướng nghiên cứu đặt ra, chúng tôi thu thập các cứ liệu trong từ
điển, sách, báo, để phân tích các nét nghĩa, các mối liên hệ ngữ nghĩa của chúng
thông qua hiện tượng đa nghĩa, so sánh từng cặp các từ chỉ hướng, chỉ vị trí, xem
xét các hiện tượng mở rộng nghĩa, chuyển nghĩa, các mối tương quan trong các cấu
trúc so sánh của nhóm từ được mang ra khảo sát. Sau đó tiến hành so sánh với
những dạng thức tương đương trong tiếng Nga, tìm ra những điểm tương đồng dị
biệt giữa tiếng Việt và tiếng Nga.
6. Ý nghĩa khoa học và đóng góp của luận án
Giải quyết thấu đáo những nhiệm vụ đề ra, luận án có những ý nghĩa nhất
định đối với lí luận và thực tiễn của ngôn ngữ học:

6.1. Ý nghĩa khoa học
Về lí luận
Kết quả của luận án sẽ góp thêm vào công việc nghiên cứu về hiện tượng
chuyển nghĩa trong ngôn ngữ học hiện thời, cung cấp thêm khía cạnh lý luận mới về
hiện tượng chuyển nghĩa của các từ chỉ sự chuyển động có hướng và phương hướng
trong không gian và của các từ chỉ sự định hướng và phương vị trong không gian.
Kết quả đạt được của luận án cũng sẽ góp phần thẩm định thêm đối với giả


9

thuyết Sapir – Whorf về mối quan hệ hữu cơ giữa tri nhận, văn hóa, và ngôn ngữ.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng góp phần thẩm định lý thuyết về hiện tượng đa
nghĩa, đồng âm và chuyển nghĩa từ vựng của các nhà ngữ nghĩa học từ vựng.
Ngoài ra, hiện nay do nhu cầu học tập và giao lưu văn hóa với các nước nói
tiếng Nga ở Việt Nam, ngành ngôn ngữ học đối chiếu đang thu hút sự quan tâm
ngày càng nhiều trong giới nghiên cứu. Việc bắt buộc giảng dạy bộ môn ngôn ngữ
học so sánh đối chiếu cho tất cả sinh viên chuyên ngữ ở các trường đại học từ năm
2007 cho thấy vai trò quan trọng của ngành học này trong tình hình mới. Bên cạnh
đó, bộ môn ngôn ngữ học tri nhận cũng đang được đưa vào giảng dạy cho sinh viên
Ngữ văn của các trường đại học. Tuy nhiên, các Giáo trình phục vụ cho việc học
tập, nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận của sinh viên Việt Nam hiện nay còn rất
thiếu, vẫn chủ yếu chỉ là nguồn từ tiếng Anh, tiếng Nga hoặc tài liệu dịch. Như vậy,
về mặt khoa học, luận án hy vọng sẽ làm phong phú thêm kho tàng lí luận ngôn ngữ
học so sánh đối chiếu và cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận ở Việt Nam.
Về thực tiễn
Việc giải quyết các vấn đề được đặt ra trong luận án đề xuất những ứng dụng
cơ bản cho việc dạy tiếng Nga cho người Việt, dạy tiếng Việt cho người Nga, đặc
biệt là về hiện tượng chuyển nghĩa của các từ ngữ chỉ không gian. Những kết quả
nghiên cứu của luận án cũng có thể được sử dụng khi biên soạn từ điển Nga – Việt,

Việt – Nga, thậm chí là cả từ điển giải thích tiếng Nga hay tiếng Việt. Ngoài ra,
công việc dịch thuật giữa hai ngôn ngữ Nga, Việt cũng có thể vận dụng những kết
quả nghiên cứu này để chuyển ngữ một cách sinh động và chính xác, phù hợp với
văn hóa của ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn.
6.2. Đóng góp của luận án
Thực hiện được những nhiệm vụ đã đề ra, luận án sẽ có đóng góp nhất định
vào việc phân tích các đặc điểm chuyển nghĩa từ vựng của nhóm từ chỉ hướng
không gian trên cơ sở mối quan hệ giữa ngữ nghĩa và tri nhận, cung cấp thêm những
nhận xét, những dữ liệu về hiện tượng chuyển nghĩa này trên cơ sở lý luận mới của
ngôn ngữ học tri nhận và trên ngữ liệu của các từ chỉ sự chuyển động có hướng và


10

phương hướng trong không gian và của các từ chỉ sự định hướng và phương vị
trong không gian. Luận án có thể góp phần làm phong phú thêm các lý thuyết về
ngôn ngữ học đối chiếu và bổ sung thêm tư liệu cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học
tri nhận.
Về thực tiễn, với cách tiếp cận chuyên sâu vào hiện tượng chuyển nghĩa của
những từ chỉ hướng không gian và có sự liên hệ so sánh đối chiếu hai ngôn ngữ Việt
– Nga, việc phân tích cặn kẽ các nét nghĩa của một nhóm từ cụ thể cũng sẽ giúp cho
người dạy và người học tiếng có cái nhìn cụ thể hơn khi sử dụng nhóm từ này trong
ngôn cảnh, sử dụng chúng tốt hơn, đa dạng hơn, tinh tế hơn, đạt hiệu quả giao tiếp
cao. Mặt khác, các kết quả so sánh đối chiếu hai ngôn ngữ Việt – Nga sẽ giúp làm
sáng tỏ hơn những đặc thù về tri nhận, về văn hóa của người sử dụng hai ngôn ngữ này.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phần phụ lục, danh mục sách tham khảo
và nguồn tư liệu trích dẫn, luận án gồm ba chương sau đây:
Chương 1: Cơ sở lý thuyết
Chương này chúng tôi trình bày một số vấn đề lí luận cơ bản liên quan đến đề

tài: Hiện tượng chuyển nghĩa của từ tiếng Việt, các phương thức chuyển nghĩa,…
xét trong mối quan hệ bộ ba “ngôn ngữ - tri nhận - văn hóa”, sự chuyển nghĩa nhìn
từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, và những cơ sở tri nhận của cách dùng các từ chỉ
không gian như: ý niệm hóa và quá trình ý niệm hóa không gian, nguyên lí: “dĩ nhân
vi trung”, định hướng không gian và bản đồ tri nhận không gian v.v.
Chương 2: Hiện tượng chuyển nghĩa trong tiếng Việt (trên ngữ liệu
nhóm từ chỉ hướng không gian và có liên hệ với tiếng Nga)
Chương này chúng tôi tập trung khảo sát miêu tả sự chuyển nghĩa và cách
dùng của nhóm từ định hướng (ra - vào, lên - xuống, qua - lại, đi - về,… và nhóm
từ vị trí không gian: (trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài) trong tiếng Việt, song
song với việc khảo sát ngữ nghĩa đó chúng tôi tiến hành đối chiếu nhằm chỉ ra sự
tương đồng và khác biệt trong khả năng chuyển nghĩa của nhóm từ chỉ hướng


11

không gian tiếng Việt và tiếng Nga, qua đó tìm hiểu sự tri nhận không gian của
người Nga và người Việt.
Chương 3: Những cơ sở tri nhận của phép ẩn dụ trong tiếng Việt (trên
ngữ liệu của nhóm từ chỉ hướng không gian và có liên hệ với tiếng Nga)
Trong chương này chúng tôi sẽ đi sâu vào những cơ sở tri nhận ẩn chứa
trong hiện tượng chuyển nghĩa theo phép ẩn dụ của nhóm từ chỉ hướng không gian
trong tiếng Việt và có liên hệ với nhóm từ tương đương của tiếng Nga. Cụ thể là
những cơ sở tri nhận trong phép ẩn dụ theo quan điểm ngôn ngữ học truyền thống
và theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận hiện đại - tức là các ẩn dụ ý niệm. Từ đó
tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau trong cơ chế, cách thức tri nhận không
gian của người Nga và người Việt.


12


CHƯƠNG I
CƠ SỞ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ
Chuyển nghĩa từ vựng là một hiện tượng ngôn ngữ phổ quát trong các ngôn
ngữ. Chuyển nghĩa theo Từ điển tiếng Việt [89, tr.188] là “Chuyển sang một nghĩa
mới, ít nhiều vẫn còn mối liên hệ với nghĩa trước” và “Chuyển biến ý nghĩa là một
phương thức để tạo thêm từ mới bên cạnh các phương thức ghép hoặc láy” [7, tr.27].
Sự chuyển nghĩa từ vựng có thể làm cho ý nghĩa của từ mở rộng ra hoặc thu
hẹp lại. Nói nghĩa của từ “mở rộng” tức là nói tính khái quát của nó tăng lên, các nét
nghĩa cụ thể, quy định phạm vi biểu vật bị loại bỏ hay mờ nhạt đi. Nói cách khác, sự
mở rộng ý nghĩa là hậu quả của hiện tượng tăng thêm các ý nghĩa biểu vật của từ.
Và sự thu hẹp ý nghĩa của từ đi kèm với sự cụ thể hóa ý nghĩa, đi kèm với việc tăng
thêm những nét nghĩa cụ thể, quy định phạm vi biểu vật của từ.
Mở rộng ý nghĩa là một quá trình phát triển ý nghĩa từ cái riêng đến cái
chung, từ cái cụ thể đến cái trừu tượng. Ví dụ: từ ra nghĩa ban đầu “biểu thị sự dời
chỗ có hướng” dùng ở lĩnh vực chỉ mối quan hệ không gian, nhưng về sau ra đã
được dùng rộng rãi ở nhiều phạm vi và nhiều lĩnh vực khác, thí dụ như chỉ kết quả
quá trình thay đổi về hình thức: thon ra, đẹp ra, béo ra,…hay đánh giá theo thang
độ như: trắng ra, đỏ ra, dài ra, to ra v.v…
Trong sự chuyển biến ý nghĩa, bình thường nghĩa biểu vật “ít nhiều vẫn còn
mối liên hệ với nghĩa trước” [89, tr.188], nhưng cũng có khi nghĩa biểu vật đầu tiên
không còn nữa, chúng ta đã quên đi, như nghĩa “bên phải bên trái” của từ đăm
chiêu; nghĩa “cái búa để điều khiển voi” của từ vố; nghĩa “không tiền, không tài
sản” của từ ngặt; nghĩa “ở tình thế nguy hiểm, quẫn bách, có thể nguy hiểm” của từ
nghèo.
Hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng trong đó việc mở rộng và thu hẹp ý nghĩa
không nhất thiết làm cho ý nghĩa cũ mất đi mà có khi cả hai nghĩa - nghĩa đầu tiên và
các nghĩa mới - cùng tồn tại, tạo nên tính đa nghĩa của một từ. Những người bản ngữ



13

bình thường nhiều khi khó nhận biết hay khó khẳng định nghĩa nào là nghĩa đầu tiên
của từ.
Hiện tượng mở rộng nghĩa và thu hẹp ý nghĩa có khi xảy ra đối với cùng một
từ và đôi khi lại là kết quả của một quá trình khái quát hóa, trừu tượng hóa. Quá
trình chuyển nghĩa thứ hai diễn ra theo qui luật ẩn dụ và hoán dụ. Sự hình thành các
từ mới dựa trên những từ vốn có được thể hiện bằng các phương thức chuyển nghĩa này.
1.1.1. Nguyên nhân chuyển nghĩa
Sự chuyển biến ý nghĩa của từ xảy ra do nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián
tiếp, bên trong và bên ngoài khác nhau như: sự phát triển không ngừng của thực tế
khách quan, nhận thức của con người thay đổi, hiện tựơng kiêng cữ, sự phát triển và
biến đổi của hệ thống ngôn ngữ,...
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn cả là nhu cầu giao tiếp của con
người. Những nhu cầu về mặt trí tuệ và những nhu cầu về mặt tu từ buộc ngôn ngữ
phải luôn thay đổi và sáng tạo để biểu thị những sự vật, hiện tượng cùng những
nhận thức mới, để thay thế cách diễn đạt, những tên gọi cũ đã mòn, không còn khả
năng gợi tả, bộc lộ cảm xúc và gây ấn tượng sâu sắc ở người nghe nữa. Thay đổi ý
nghĩa của từ có sẵn, thổi vào chúng một luồng sinh khí mới là một biện pháp tiết
kiệm, sống động, giàu tính dân tộc, dễ dàng được sự chấp nhận của nhân dân, đáp
ứng được kịp thời nhu cầu của giao tiếp.
Nguyên nhân tiếp theo là sự biến đổi không ngừng của đời sống xã hội. Qua
quá trình đấu tranh lâu dài với thiên nhiên và xã hội, con người đã làm cho xã hội
ngày càng văn minh, đời sống ngày càng trở nên phong phú, tế nhị. Những cái mới
nảy sinh trong thiên nhiên, xã hội và con người đòi hỏi phải được biểu hiện. Trong
khi đó người ta không thể tăng vốn từ của mình lên mãi. Điều này tất yếu sẽ dẫn tới
phải phát triển thêm các nghĩa mới của từ thể hiện phương thức diễn đạt.
Đồng thời với sự phát triển của xã hội, nhận thức của con người cũng ngày
một nâng cao. Vẫn những sự vật, hiện tượng hay quan hệ ấy nhưng càng ngày

người ta càng nhận thức sâu sắc hơn. Nhiều thuộc tính của sự vật trước đây bị che


14

mờ thì bây giờ được phát hiện. Do đó, ý nghĩa không thể không thay đổi với sự phát
triển của nhận thức, suy nghĩ về sự vật.
Sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ cũng ảnh hưởng tới kết cấu ý nghĩa của
từ, với tư cách là nhân tố bên trong. Với thời gian, ngôn ngữ đã được bổ sung thêm
nhiều yếu tố mới, đồng thời yếu tố cũ bị đào thải. Do đó, mối quan hệ giữa các từ
trong ngôn ngữ cùng với kết cấu chung của nó cũng bị thay đổi. Điều này cũng có
thể làm cho từ có thêm nghĩa mới.
Những nguyên nhân trên là động lực làm cho các từ phát triển thêm nghĩa
mới, còn bản thân quá trình phát triển thêm ý nghĩa mới của từ lại gắn liền với hiện
tượng chuyển nghĩa.
1.1.2. Các dạng chuyển nghĩa
Hiện tượng chuyển nghĩa từ vựng có thể xảy ra dưới những dạng khác nhau:
a. Dạng “móc xích”
Giữa nghĩa đầu tiên với các nghĩa mới có thể diễn ra sự biến đổi theo kiểu
“móc xích”, nghĩa đầu tiên chuyển sang nghĩa S1, từ S1 chuyển sang S2, từ S2
chuyển sang nghĩa S3, v.v…
b. Dạng “toả” ra
Các trường hợp của từ chuyển biến theo lối “tỏa” ra nghĩa là các nghĩa mới
đều dựa vào nghĩa đầu tiên mà xuất hiện. Mối liên hệ giữa nghĩa đầu tiên với những
nghĩa xuất hiện sau có khi còn thấy rõ nhờ nét nghĩa cơ sở. Song có khi mối liên hệ
này đã bị đứt quãng, lúc này, từ vốn là một, nhưng đã tách ra thành hai từ đồng âm.
Như thế, lúc này sự chuyển biến ý nghĩa cũng là một phương thức để tạo thêm từ
mới bên cạnh các phương thức ghép hoặc láy.
c. Mối quan hệ giữa các ý nghĩa
Các từ có ý nghĩa biểu vật cùng thuộc một phạm vi hoặc có ý nghĩa biểu

niệm cùng một cấu trúc thì chuyển biến ý nghĩa theo cùng một hướng giống nhau.
Ví dụ: từ mũi là từ chỉ bộ phận cơ thể, được chuyển sang phạm vi đồ vật, vật thể địa
lý, chỉ bộ phận của các đối tượng này. Những từ khác cũng chỉ bộ phận cơ thể như:
cổ, chân, sườn, mặt, lòng…đều có khả năng chuyển sang phạm vi đồ vật, vật thể địa


15

lý… chỉ bộ phận của chúng. Ta có: mũi dao, mũi đất, thì cũng có cổ áo, cổ chai;
chân giường, chân tủ; sườn núi, sườn đồi; mặt bàn, mặt biển; lòng sông, lòng hồ v.v…
Sự chuyển nghĩa có thể dẫn tới kết quả là ý nghĩa sau khác hẳn với nghĩa
trước. Thậm chí ngay cùng một từ, sự chuyển nghĩa có thể khiến cho nó trở thành
đồng nghĩa với cái từ trái nghĩa trước kia của nó.
Khi các nghĩa chuyển còn liên hệ với nhau, sự chuyển nghĩa có thể làm cho ý
nghĩa của từ mở rộng ra hoặc thu hẹp lại. Tác giả Đỗ Hữu Châu nhận định: “từ (đơn
hoặc phức) lúc mới xuất hiện đều có một nghĩa biểu vật. Sau một thời gian được sử
dụng, nó có thể có thêm nhiều nghĩa biểu vật mới. Các nghĩa biểu vật mới xuất hiện
ngày càng nhiều thì nghĩa biểu niệm của nó càng có khả năng biến đổi” [7, tr.146].
Chẳng hạn mối quan hệ giữa các ý nghĩa biểu vật của từ đi. Phân tích cách nói đi
học? đi làm? ta thấy đi học, đi làm có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là chỉ những hành
động cụ thể dời chỗ hằng ngày để đến chỗ học hoặc làm việc, thứ hai là nghĩa miêu
tả sự bắt đầu tham gia một hoạt động có tính chất nghề nghiệp trong xã hội. Với nét
nghĩa “dời chỗ không cách thức, theo hướng xa rời vị trí gốc”. Ở nghĩa này, nét
nghĩa thứ nhất vẫn là nét nghĩa chi phối. Trong các phát ngôn: “Tuổi lên bảy là tuổi
đi học”, “Sau ba tháng nghỉ cô ấy mới đi làm hôm qua” là đều hàm ý rời bỏ tình
trạng gốc “tuổi ấu thơ vô tư lự”, hay “tình trạng nghỉ ngơi”, hoặc “tình trạng chưa
có việc làm”…Hay trong các cách diễn đạt chúng ta vẫn thường dùng hàng ngày
như: “gầy đi”, “xấu đi”, “đen đi” (chứ không nói “béo đi”,“đẹp đi”), chúng ta nói
như vậy là vì trong cách nói đó vẫn hàm ý “rời bỏ trạng thái gốc” vốn là trạng thái
được xem là tích cực (béo hoặc khỏe mạnh, đẹp hoặc trắng trẻo…). Cái nghĩa hàm

ý một sự mất mát, không còn như lúc ban đầu cũng hiện hữu trong cách dùng “Ông
cụ đã đi hôm qua”.
1.1.3. Các phương thức chuyển nghĩa
Xem xét đến hiện tượng chuyển nghĩa của từ không chỉ là việc tiến hành
phân tích các hiện tượng liên quan như: đồng âm, đa nghĩa, đồng nghĩa, v.v. mà còn
là việc xem xét các quy luật phát triển nghĩa của từ trong quá trình sử dụng. Sự phát
triển nghĩa này của từ dựa vào hai quy luật:


16

1. Quy luật logic, gồm mở rộng và thu hẹp nghĩa.
2. Quy luật liên tưởng, gồm ẩn dụ và hoán dụ.
Liên quan đến đề tài luận án, chúng tôi sẽ xem xét kỹ những vấn đề sau:
a. Mở rộng nghĩa: Đối với các từ chỉ hướng không gian, đây là con đường
chuyển nghĩa chính theo logic. Chẳng hạn, hồ có nghĩa đầu tiên là: “bột quấy đặc để
ăn”, nhưng giờ đây từ này được dùng phổ biến với nghĩa là “bột quấy đặc để dán”.
Việc thu hẹp – mở rộng nghĩa còn được xem xét ở phạm vi các nghĩa trong từ nhiều
nghĩa. Ví dụ: chân trong cách dùng chân bàn, chân đồi… dường như ta đã loại bỏ
nét nghĩa “chi dưới của động vật hoặc người”.
b. Ẩn dụ: Đối với các từ chỉ hướng không gian, đây là con đường chuyển
nghĩa chính theo liên tưởng. Ẩn dụ là cách gọi tên một sự vật, hiện tượng khác dựa
trên sự giống nhau giữa các sự vật, hiện tượng được so sánh với nhau. Thực chất
của ẩn dụ cũng như hoán dụ là sự chuyển biến từ ý nghĩa sở thị này sang ý nghĩa sở
thị khác, từ ý nghĩa sở biểu này sang ý nghĩa sở biểu khác. Nếu là chuyển biến
nghĩa sở thị thì giữa các nghĩa sở thị vẫn có sự đồng nhất với nhau ở các nét nghĩa
trong cấu trúc nghĩa sở biểu của chúng. Ví dụ: trong tiếng Nga, từ гнездо có nghĩa
là: “tổ chim”, “nhóm (người)”, “cụm (nấm)”, “ổ (gián điệp)”, “ụ (súng máy)”,
v.v…Những đối tượng mà гнездо biểu thị rất khác nhau nhưng giữa chúng đều có
một điểm chung là “chỗ chứa”.

Ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa dựa trên mối liên tưởng tương đồng. Có
thể diễn giải định nghĩa này như sau: Giả sử ta có từ T là tên gọi của đối tượng Đ1
(và lẽ đương nhiên T có nghĩa S1). Khi cần gọi tên cho một đối tượng Đ2 nào đó, mà
người ta thấy giữa Đ1 và Đ2 có những nét, những mặt nào đó giống nhau, người ta
có thể dùng T để gọi tên cho cả Đ2. Lúc này, một nghĩa S2 tương ứng được xác lập
trong T. Chúng ta nói rằng ở đây đã diễn ra một phép ẩn dụ. Hoặc có thể nêu khái
niệm ẩn dụ từ vựng như sau: Cho A là một hình thức ngữ âm, x và y là những nghĩa
biểu vật. A vốn là tên gọi của x (x là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn
dụ là phương thức lấy tên gọi A của x để gọi tên y (biểu thị y) thông qua sự giống
nhau giữa x và y.


17

Tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong “Từ vựng học tiếng Việt” [21] đã phân
chia ẩn dụ từ vựng trên tính chất của sự giống nhau. Kết quả là có những loại ẩn dụ
dựa trên những sự tương đồng về:
- Hình thức: (lá- lá phổi);
- Màu sắc: (lá cây- màu xanh lá cây);
- Chức năng (huyết mạch- con đường huyết mạch);
- Thuộc tính, tính chất (khô – tình cảm khô khan, tình cảm ướt át);
- Đặc điểm, vẻ ngoài nào đó (Hoạn Thư – máu Hoạn Thư);
- Ẩn dụ cụ thể trừu tượng (nắm tay – nắm công thức);
- Chuyển tên các con vật thành cách gọi con người (cún con, chó con – cún
con của mẹ);
- Chuyển tính chất của sinh vật sang sự vật hoặc hiện tượng khác (con tàu
chạy, thời gian đi).
Dựa trên nhiều tiêu chí, Đỗ Hữu Châu [9] phân chia thành các kiểu ẩn dụ từ
vựng khác nhau:
Thứ nhất, tùy theo x và y là các sự vật cụ thể (có thể cảm nhận bằng giác

quan) hay trừu tượng mà ẩn dụ được chia thành ẩn dụ cụ thể - cụ thể (miệng người
– miệng chén), ẩn dụ cụ thể - trừu tượng (con đường – con đường tiến lên chủ
nghĩa xã hội).
Thứ hai, quan trọng hơn là phân biệt cơ chế ẩn dụ theo nét nghĩa phạm trù
dựa vào đó mà xuất hiện ẩn dụ. Theo đó có các kiểu ẩn dụ sau:
+ Ẩn dụ hình thức, tức là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về cách thức,
ví dụ: mắt - mắt nai;
+ Ẩn dụ vị trí, tức là những ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về vị trí giữa các sự
vật xét trong chỉnh thể sự vật, ví dụ đầu – đầu làng, đầu giường,…;
+ Ẩn dụ cách thức, tức là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về cách thức
thực hiện giữa hai hoạt động, hiện tượng như cắt hộ khẩu, nắm vấn đề;


18

+ Ẩn dụ chức năng, tức là dựa vào sự giống nhau về chức năng giữa các sự
vật, chẳng hạn gốc cây – gốc của vấn đề;
+ Ẩn dụ kết quả, tức là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về tác động của
các sự vật đối với con người, ví dụ ẩn dụ ấn tượng nặng nề. Trong ẩn dụ kết quả có
một loại ẩn dụ đặc biệt, đó là những ẩn dụ dùng tên gọi của những cảm giác thuộc
giác quan này để gọi tên những cảm giác thuộc giác quan khác hay những “cảm
giác” của trí tuệ, tình cảm như chua, ngọt, mặn, cay, chát…là những cảm giác thuộc
vị giác được dùng để gọi những cảm giác thính giác như: giọng nói chua loét, lời
nói ngọt ngào, bị nói cay quá… (có thể gọi là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác).
Các hiện tượng chuyển nghĩa không phải tất cả đều có thể giải thích bằng
phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ, vì từ vựng là một hệ thống chịu chi
phối bởi những quy luật ngôn ngữ khác nhau. Một trong những quy luật chi phối sự
biến đổi nghĩa của từ vựng tiếng Việt là phương thức dùng từ đồng nghĩa. Tác giả
Đỗ Hữu Châu cho rằng: “…theo quy luật này, một sự vật, hiện tượng, hoạt động,
tính chất … khi trở thành ý nghĩa của từ, thì thường được phân hóa thành một số ý

nghĩa biểu vật, tuy có cấu trúc biểu niệm giống nhau nhưng có chứa một vài nét
nghĩa nào đó khác nhau, tức trở thành những đồng nghĩa khác nhau về sắc thái
biểu hiện.” [7, tr.168].
1.1.4. Đa nghĩa
Chuyển nghĩa là hiện tượng gắn liền với hiện tượng đa nghĩa (полисемия)
được xem là một trong những quy luật có tính phổ quát của các ngôn ngữ.
Đa nghĩa thường chỉ hiểu hẹp là nhiều nghĩa từ vựng của từ. Đỗ Hữu Châu
[7] phân biệt rõ hiện tượng nhiều nghĩa biểu vật và hiện tượng nhiều nghĩa biểu
niệm, hiện tượng nhiều nghĩa ngôn ngữ (các nghĩa cố định) và hiện tượng nhiều
nghĩa lời nói (nghĩa chưa cố định). Ngoài ra, để nói về hệ thống các nghĩa khác
nhau của một từ ông nhận xét “các nghĩa biểu vật trong một từ nhiều nghĩa chia
thành từng nhóm, mỗi nhóm thường xoay quanh một cấu trúc biểu niệm nào đó” [7,
tr.140]. Tác giả Nguyễn Thiện Giáp [21] lại cho rằng hiện tượng đa nghĩa từ vựng
của tiếng Việt chỉ có hai kiểu sau đây:


19

1. Hiện tượng đa nghĩa của các từ độc lập về nghĩa hoạt động tự do;
2. Hiện tượng đa nghĩa của các từ độc lập về nghĩa hoạt động hạn chế.
Ở Việt Nam trong những nghiên cứu ngữ nghĩa học - từ vựng tiền tri nhận, các
nhà nghiên cứu đều cho ra rằng: hiện tượng “đa nghĩa” (hay: “nhiều nghĩa”) là kết
quả của sự “chuyển biến” ý nghĩa của từ. Trong đa nghĩa có sự phân biệt giữa
“nghĩa chính” (nghĩa cơ bản/ cơ sở), “nghĩa gốc”, “nghĩa đen” - từ đó mà “móc
xích” ra hay “tỏa” ra các nghĩa mới, xuất hiện sau, tức các “nghĩa phụ”, “nghĩa
chuyển”, “nghĩa bóng”.
Ở nước ngoài nhà ngữ nghĩa học nổi tiếng S. Ullman từ lâu đã nhận định:
“Đa nghĩa là một phổ quát ngữ nghĩa, có cội nguồn sâu xa trong cấu trúc cơ bản
của ngôn ngữ. Nếu không như thế thì khó mà hình dung ra được là chúng ta sẽ phải
lưu giữ trong óc chúng ta một khối lượng vốn từ kinh khủng gắn với các tên gọi cho

từng hiện tượng mà chúng ta cần phải nói đến” (1970, tr.167) [dt70]. Các tác giả
khác gần đây như M. A. Cтеpнина cho rằng: “Hiện tượng đa nghĩa là do tác động
của quy luật về tính nhị phân của tín hiệu ngôn ngữ: cái biểu đạt và cái được biểu
đạt đều cố gắng ra khỏi những “khuôn khổ” bị quy định của mình, cái biểu đạt cố
gắng có chức năng mới khác với chức năng đã có; cái được biểu đạt cố gắng có
được phương tiện biểu đạt khác với tín hiệu đã có của mình” [138, tr.6]
So với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, hiện tượng đa nghĩa trong tiếng
Việt có những đặc điểm riêng. Để biểu thị những sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm
mới ra đời, tiếng Việt có thiên hướng cấu tạo các đơn vị từ vựng mới theo kiểu kết
hợp mới các đơn vị đã có sẵn hơn là phát triển nghĩa của các đơn vị từ vựng đã có
từ trước. Số đơn vị có nhiều nghĩa, cũng như số nghĩa trong những từ đa nghĩa của
tiếng Việt đều thấp so với nhiều ngôn ngữ khác (cụ thể như với tiếng Nga). “Trong
khi đó, số lượng các đơn vị từ vựng mới tăng lên rất nhanh, đặc biệt là những đơn
vị 2 âm tiết. Hiện tượng đa nghĩa của tiếng Việt chủ yếu xảy ra ở các từ. Các ngữ
(các đơn vị từ vựng đa âm tiết) cũng có hiện tượng nhiều nghĩa, song tỉ lệ rất
thấp”[9].
Đáng chú ý là trong một công trình gần đây “Hiện tượng nhiều nghĩa trong


20

ngôn ngữ và các cách thức trình diễn chúng” (Многознaчность в языке и
cпocoбы ee прeдcтaвлeния) của mình, tác giả người Nga Анна А. Зализняк [131]
đã chỉ ra là: trong ngôn ngữ học truyền thống Nga có ba thuật ngữ là: nhiều nghĩa
(многознaчность), không đơn nghĩa (неoднознaчность) và đa nghĩa
(пoлиceмия). Sự khác nhau của chúng là:
+ Nhiều nghĩa (многознaчность), chỉ ra sự tồn tại ở một đơn vị nào đó (là
từ, câu) nhiều hơn một ý nghĩa.
+ Không đơn nghĩa (неoднознaчность) chỉ sự tồn tại đồng thời ở một biểu
đạt ngôn ngữ hay một tác phẩm ngôn từ (như văn bản) của một số nghĩa (cмыcли)

khác nhau.
+ Đa nghĩa (полисемия) thường chỉ hiểu hẹp là nhiều nghĩa từ vựng của từ.
Về nguyên tắc, bất kỳ từ nào cũng là (hay có thể dùng làm) cầu nhảy (трамплин),
làm điểm gốc (точка отсчета) để mở rộng ngữ nghĩa, bởi vì ở bất kỳ từ nào cũng
có thể xuất hiện nghĩa phái sinh. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu đa nghĩa, thú
vị nhất là một phạm vi không lớn các đối tượng và tình huống “đời thường”, “căn
bản”, nền tảng đối với các hành động của con người vốn bị qui định bởi những nhu
cầu tự nhiên và xã hội (trong phạm vi nền văn hóa đó). Đây là một tập hợp có tính
điển dạng của các dạng (вид) hành động cơ bản. Các hành động cơ bản này (cũng như
các trạng thái, sự kiện, quan hệ căn bản) thường được mô tả bằng các “từ căn” (корня)
tương ứng với:
+ Các kiểu tư thế căn bản trong không gian (đứng, ngồi, nằm), các kiểu vận
động căn bản (đi, chạy); các phương thức căn bản di chuyển đối tượng (lấy,
để, đặt, mang, ném, kéo);
+ Các phương thức căn bản tái tạo đối tượng và tác động vào đối tượng (cắt,
xé, bẻ, đập) và các tình huống căn bản khác của đời sống: sinh học (ăn, uống,
ngủ), sở hữu (cho, lấy, có), tri giác (thấy, nghe), nói năng v.v.
Để hiểu rộng hơn và sâu hơn về đa nghĩa, chúng ta cần chú ý đến những ý
kiến phủ định. Về mặt này rất đáng chú ý là những nghiên cứu gần đây của tác giả


21

người Nga Г. И. Куcтова. Đa nghĩa, theo Куcтова, được xem như là một hiện
tượng khiên cưỡng [132, tr.14-15]. Theo bà, có hai lí do như sau:
Thứ nhất là vì người ta dường như không đặc biệt quan tâm đến việc gia tăng
số lượng ý nghĩa của từ.
Thứ hai, đa nghĩa là hậu quả của sự sử dụng “thứ cấp”, nhiều lần cùng một
từ, kết quả là tín hiệu gốc được áp dụng cho hiện tượng mới mà hiện tượng này từ
đầu vốn không được nhắm tới.

Trong đời thường (tức là phạm vi ngoài ngôn ngữ) điều này giống như khi ta
sử dụng một vật không theo đúng chức năng nhiệm vụ của nó, ngay cả trong các
chức năng không tiêu biểu của nó. Ví dụ như khi người ta dùng cái áo dạ ca-pốt
(vốn để làm trang phục cho quân đội) để đắp (thay cho chăn), để gối dưới đầu (thay
cho gối), để treo trên cửa sổ (thay cho màn), để che khe hở. Thậm chí người ta còn
mặc nó (như là dấu hiệu thuộc về quân đội), nhưng cả khi đó họ vẫn không phải là
người lính v.v… Trong cuộc sống bình thường, con người hành xử khác: người ta
chế ra các vật chuyên dụng với các chức năng riêng. Còn trong ngôn ngữ thì hình
như nếu theo logic ta phải có cho mỗi hiện tượng một biểu đạt từ ngữ chuyên dụng,
hay nói một cách hình tượng thì phải may cái chăn thay vì dùng áo ca-pốt để đắp.
Mặt khác, do sử dụng nhiều lần và áp dụng cho các biểu vật mới như thế, các từ mất
đi một phần đáng kể cái ngữ nghĩa gốc của chúng do bị phân nhánh ra, bị thành ngữ
hóa hay ngữ pháp hóa - nghĩa là dần dần biến thành các đơn vị hình thức, không có
nghĩa. Cho nên không chỉ nhiều nhà thơ mà nhiều nhà ngôn ngữ cũng coi đa nghĩa
như sự “hư hỏng”, như “cái chết” của từ. Nếu tiếp cận hiện tượng đa nghĩa từ các
chỗ đứng như vừa nói, thì nó đối lập lại hoàn toàn với đồng nghĩa: đồng nghĩa thì
con người quan tâm, còn đa nghĩa thì họ buộc phải hòa hoãn với nó [132, tr.15].
Cũng theo tác giả Куcтова, đa nghĩa thường được coi là cái cửa trước của
đồng âm, mà theo các phương thức mô tả nó trong các công trình ngôn ngữ học và
theo các cách thức trình diễn trong các từ điển thì nó đôi khi đơn giản chẳng khác gì
đồng âm cả.
Khó mà hình dung ra có một nhà ngôn ngữ nào đó dám khẳng định rằng đa


22

nghĩa không tồn tại.
Tuy nhiên có khá nhiều nhà ngôn ngữ (trong đó có những vị nổi tiếng trong
lịch sử ngôn ngữ học) khẳng định rằng (với các mức độ quyết đoán khác nhau): đa
nghĩa (như hiện tượng đồng đại) không tồn tại. Một trong những đại biểu của quan

niệm này là А.А. Потебня [136] cho rằng đa nghĩa là chuyện lịch đại, là sự kiện
lịch sử ngôn ngữ: hình thái bên trong (thuộc tính của ý nghĩa gốc trong ý nghĩa mới)
dần dần bị “tắt đi” và cùng với cái đó cũng tắt đi mối liên hệ giữa các ý nghĩa của từ
và ý nghĩa phái sinh tách ra khỏi ý nghĩa gốc và xảy ra sự tan rã của từ thành các từ
đồng âm.
Mặc dù các nhà biên soạn từ điển không khi nào phủ nhận đa nghĩa, nhưng
trong các từ điển có thể phát hiện ra vô số các minh họa cho thấy rằng các ý nghĩa
của từ đa nghĩa không liên quan với nhau. Vậy thì tiêu chuẩn chủ yếu của đa nghĩa
là gì? Người ta thường công nhận rằng: đa nghĩa có chỗ đứng đến khi nào mối liên
hệ ngữ nghĩa giữa các ý nghĩa còn theo dõi được, nếu liên hệ này mất đi thì biến
thành từ đồng âm, là hai từ khác nhau. Nhưng liên hệ này phải được biểu hiện trong
cái gì?
Trước hết, chắc chắn là có một điều rằng: giữa các ý nghĩa phải có các thành
tố nghĩa chung, có một bộ phận chung, như nhận xét của nhiều tác giả:
Аничков(1997) [120, tr.349]; Апресян (1995) [124, tr.86]; Васильев (1990) [129,
tr.142-151], Weinreich (Вейнрейх) (1981); Кузнецова (1989), Kurilovich
(Курилович) (1955), Новиков (1982); Новиков и др (1987) v.v.
Tuy nhiên, theo Куcтова, cái tiêu chí “thành tố nghĩa” chung này không phải
bao giờ cũng là “cần” và “đủ”. Nói về điều này, Потебня [136] đã viết: “Trong thực
tế đòi hỏi này quá yếu, và đơn giản là sự có mặt của những thành tố nghĩa chung là
hoàn toàn không đủ: vì có các thành tố chung thì cả đồng nghĩa lẫn đồng âm, và cả
các từ của một lớp ngữ nghĩa (thậm chí các lớp ngữ nghĩa khác nhau nữa!” [136,
tr.126].
Theo Куcтова, chúng ta không thể nói gì về đồng nghĩa nếu chúng không có
những thành tố chung, bởi vì các từ đồng nghĩa nhất thiết phải có thành tố nghĩa


×