ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
LÊ QUANG TRƯỜNG
GIA ĐỊNH TAM GIA THI
TRONG TIẾN TRÌNH
VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 2012
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
LÊ QUANG TRƯỜNG
GIA ĐỊNH TAM GIA THI
TRONG TIẾN TRÌNH
VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ
CHUYÊN NGÀNH VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ: 62.22.34.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. TS. ĐOÀN ÁNH LOAN
2. PGS.TS. LÊ GIANG
PHẢN BIỆN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ
2. PGS.TS. HỒ SĨ HIỆP
3. PGS.TS. LÊ THU YẾN
PHẢN BIỆN ĐỘC LẬP:
1. PGS.TS. TRẦN HỮU TÁ
2. PGS.TS. LẠI VĂN HÙNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 2012
1
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, cũng
như các kết quả nghiên cứu trong luận án là
trung thực và chưa từng được ai công bố trong
bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận án
2
MỤC LỤC
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài .............................................................................................5
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ...............................................................................7
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..................................................................13
4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................15
5. Đóng góp của luận án.....................................................................................15
6. Bố cục luận án ............................................................................................... 16
CHƯƠNG 1
GIA ĐỊNH TAM GIA, TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM ...........................................17
1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN CUỐI THẾ
KỶ 19 .................................................................................................................17
1.1.1. Bối cảnh thời đại ......................................................................................17
1.1.2. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Nam Bộ ...................................................20
1.2. CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA ............................... 25
1.2.1. Cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức..............................................26
1.2.2. Cuộc đời và sự nghiệp của Ngô Nhân Tĩnh ..............................................35
1.2.3. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quang Định ..............................................40
1.3. VĂN BẢN TÁC PHẨM THƠ CỦA GIA ĐỊNH TAM GIA .............................. 44
1.3.1. Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức........................................................44
1.3.2. Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh .......................................................47
1.3.3. Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định .................................................49
1.4. VẤN ĐỀ PHIÊN DỊCH, GIỚI THIỆU THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ...................50
1.5. QUAN NIỆM VỀ VĂN CHƯƠNG .................................................................61
TIỂU KẾT..........................................................................................................73
CHƯƠNG 2
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA .......................75
2.1. TÌNH CẢM TRUNG QUÂN ÁI QUỐC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC .....................75
2.2. PHONG THÁI NHÀN DẬT VÀ HƯỞNG LẠC ..............................................92
3
2.3. TRỊNH HOÀI ĐỨC, NGƯỜI NẶNG TÌNH VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ CON NGƯỜI
NAM BỘ ...................................................................................................103
2.4. NGÔ NHÂN TĨNH, TÍNH CÁCH ĐẠM BẠC CAO THƯỢNG VÀ TÂM SỰ
MỘT NHO THẦN ......................................................................................113
2.5. LÊ QUANG ĐỊNH, CON NGƯỜI TÀI HOA VÀ NHỮNG SUY TƯ VỀ CUỘC
ĐỜI ...........................................................................................................123
TIỂU KẾT........................................................................................................131
NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NỘI DUNG CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ............... 131
CHƯƠNG 3
ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA ...............134
3.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI ........................134
3.1.1. Thể loại..................................................................................................134
3.1.2. Ngôn ngữ ............................................................................................... 146
3.1.2.1. Ngôn ngữ thơ chữ Hán ........................................................................146
3.1.2.2. Ngôn ngữ thơ chữ Nôm....................................................................... 162
3.1.2.3. Thủ pháp sử dụng điển cố....................................................................165
3.1.2.4. Hình ảnh.............................................................................................. 174
3.2. GIỌNG ĐIỆU VÀ PHONG CÁCH ............................................................... 182
3.2.1. Trịnh Hoài Đức – trang nhã và hào sảng ................................................ 184
3.2.2. Ngô Nhân Tĩnh – thâm trầm và chiêm nghiệm ....................................... 188
3.2.3. Lê Quang Định – khoan thai và đôn hậu.................................................192
TIỂU KẾT........................................................................................................197
NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ NGHỆ THUẬT CỦA THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA.......... 197
KẾT LUẬN ........................................................................................................201
DANH MỤC BÀI VIẾT ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ......... 207
THƯ MỤC THAM KHẢO................................................................................ 208
PHỤ LỤC ......................................................................................................... 221
PHỤ LỤC 1: NIÊN BIỂU GIA ĐỊNH TAM GIA ................................................ 221
PHỤ LỤC 2: CÁC BÀI TỰ BẠT TRONG THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA.................232
PHỤ LỤC 3: TRÍCH DỊCH THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA......................................255
PHỤ LỤC 4: HÌNH ẢNH TƯ LIỆU ...................................................................389
4
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
1. ĐH: Đại học
2. Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia
Định tam gia
3. H. : Hà Nội
4. Hợp tuyển: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam
5. KHXH: Khoa học Xã hội
6. KHXH&NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn
7. Liệt truyện: Đại Nam chính biên liệt truyện
8. Nxb.: Nhà xuất bản
9. q. : quyển
10. S.: Sài Gòn
11. Sđd: Sách đã dẫn
12. Tam gia: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định
13. TP.: Thành phố
14. TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh
15. Thực lục: Đại Nam thực lục chính biên
16. Tổng tập: Tổng tập văn học Việt Nam
17. tr.: trang
18. [2]: tài liệu số 2 trong Thư mục tham khảo
19. [2, tr.45, 50-51]: tài liệu số 2 trong Thư mục tham khảo, các trang 45, 50 đến
51.
5
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Gia Định tam gia là danh xưng đương thời gọi ba nhà thơ nổi tiếng đất
Gia Định: Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định. Cả ba là học trò của
Xử sĩ Sùng Đức Võ Trường Toản, đều phong nhã, hay thơ và cùng làm quan cao
trong triều, đồng thời từng là những sứ thần đầu tiên của triều Nguyễn Gia Long.
Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh (Ngô Nhơn Tịnh) còn là những người lập ra thi
xã Bình Dương (theo Liệt truyện), hay Gia Định Sơn Hội (theo lời của Trịnh Hoài
Đức trong bài Tự tự (tự đề tựa) cho tập thơ Cấn Trai thi tập).
Không nói đến những trước tác địa chí, văn hoá, thơ của Tam gia để lại quả
thật không đồ sộ, nhưng danh tiếng của ba tác giả này khiến chúng tôi chú ý. Hơn
nữa, vị trí của Tam gia trong văn học sử nước nhà, đến nay vẫn chưa có vị trí xứng
đáng. Những công trình nghiên cứu về thơ Tam gia còn ít và rời rạc, đến nay vẫn
mang nhiều hạn chế. Trước hết là hạn chế ở công tác phiên dịch và giới thiệu thơ
Gia Định tam gia.
Năm 1903, Lê Quang Chiểu sưu tầm được 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài
Đức sáng tác trên đường đi sứ và công bố trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển;
năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý chủ biên công trình nhiều tập Hợp tuyển thơ văn Việt
Nam, lần đầu tiên tuyển dịch giới thiệu thơ của Tam gia trong dòng chảy văn học
trung đại Việt Nam. Một thời gian dài, mãi đến năm 2005, Hoài Anh cho ra mắt độc
giả cuốn Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định - Gia Định tam gia, giới
thiệu được khá nhiều sáng tác thơ của Tam gia.
Những nghiên cứu về thơ ca miền Nam, trong đó có Gia Định tam gia, cũng
được chú ý từ trước năm 1975 với Đông Hồ, Nguyễn Văn Sâm… Sau năm 1975,
những bài viết công phu hơn về văn học Đàng Trong, văn học Hán Nôm ở Gia Định
của Cao Tự Thanh gây được sự chú ý của giới nghiên cứu văn học.
Điều đó cho thấy sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu trong việc sưu tầm, nghiên
cứu, giới thiệu những sáng tác văn chương của Tam gia. Tuy nhiên, mới chỉ dừng
lại ở những bài viết có tính chất nghiên cứu tổng quát của một giai đoạn, một thời
kỳ văn học.
6
1.2. Văn học Hán Nôm Nam Bộ là một bộ phận trong di sản văn học Hán
Nôm cả nước. Do vậy, tìm hiểu văn học Hán Nôm Nam Bộ được xác định như một
bước quan trọng trong công tác nghiên cứu nền văn học Hán Nôm cả nước.
Lịch sử hình thành và phát triển văn học không thể tách rời khỏi lịch sử phát
triển kinh tế, xã hội của nó. Do đó, cùng với việc xác định ranh giới Đàng Trong và
Đàng Ngoài vào những năm đầu thế kỷ 17, văn học Đàng Trong cũng hình thành
khá muộn so với văn học Đàng Ngoài. Những công trình nghiên cứu về tác giả tác
phẩm ở từng vùng miền vì thế cũng có sự chênh lệch khá lớn. Những tác giả Đàng
Ngoài được chú ý khai thác nghiên cứu sớm hơn và nhiều hơn những tác giả Đàng
Trong.
Diện mạo văn học Hán Nôm ở Đàng Trong sẽ không hoàn chỉnh nếu không kể
đến sự đóng góp của những người Hoa Nam di dân đến Đàng Trong và trở thành
những con dân của Nam triều. Sự đóng góp của họ về mặt kinh tế, chính trị hẳn
nhiên là không thể phủ nhận, bên cạnh đó, những đóng góp về mặt nghệ thuật cũng
đáng được ghi nhận. Sự xuất hiện đầu tiên của nhóm thơ Chiêu Anh Các ở Hà Tiên
đã làm nên tiếng vang trong lịch sử văn học nước nhà, sau đó là nhóm thơ Sơn Hội
do Trịnh Hoài Đức cùng những người bạn ông thành lập ở Bình Dương, Gia Định.
Đáng tiếc là, với tình hình tư liệu hiện nay chưa cho phép chúng ta nghiên cứu cụ
thể hơn về thơ của nhóm Sơn Hội. Ngay cả trong Tam gia, nếu không có nhân
duyên gặp gỡ những người con của Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định tại kinh
thành vào năm Canh Thìn (1820) để Trịnh Hoài Đức khắc in lưu hành thơ của Tam
gia vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), chúng ta hẳn cũng khó có thể đọc được
những sáng tác thơ của hai người họ.
Nhận thức được tình hình chung, nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực nghiên cứu
các tác giả tác phẩm Đàng Trong, đặc biệt là ở vùng đất Gia Định, Nam Bộ. Những
công trình nghiên cứu tác giả tác phẩm Hán Nôm Nam Bộ như Nguyễn Đình Chiểu
(1822-1888), Nguyễn Thông (1827-1884), Nguyễn Hữu Huân (1816-1875), Trần
Thiện Chánh (1822-1874), Phạm Phú Thứ (1821-1882), Phan Thanh Giản (17961867)… đã lần lượt xuất hiện.
1.3. Thơ của Gia Định tam gia, đến nay mặc dù đã được nhiều người quan tâm
tìm hiểu, nhưng tình hình nghiên cứu dịch thuật thơ Tam gia vẫn đang trong tình
trạng đòi hỏi những nỗ lực từ phía các nhà nghiên cứu.
7
Việc sưu tầm, chỉnh lý và dịch thuật tư liệu thơ Tam gia một cách có hệ thống
và hoàn chỉnh để chuẩn bị xuất bản công trình thơ Gia Định tam gia là việc làm có ý
nghĩa thiết thực, nhằm cung cấp tư liệu khả tín cho những ai muốn tìm hiểu về ba
nhà thơ này từ nhiều phương diện khác nhau.
Trước tình hình đó, chúng tôi đã mạnh dạn bắt tay vào nghiên cứu tìm hiểu thơ
Gia Định tam gia. Một mặt, luận án đi vào tìm hiểu những giá trị về nội dung, nghệ
thuật thơ Tam gia trong giai đoạn hậu kỳ trung đại, đặc biệt là văn học Hán Nôm ở
vùng Nam Bộ. Mặt khác, công trình này còn dịch thuật chú giải thơ của Tam gia
góp thêm nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Trước năm 1975, do nhiều nguyên nhân, thơ Gia Định tam gia chưa
được chú ý khai thác giới thiệu. Năm 1903, Lê Quang Chiểu, một nhà thơ thời cận
đại, bắt đầu công bố 18 bài thơ Nôm liên hoàn được cho là của Trịnh Hoài Đức làm
trong thời gian đi sứ trong công trình Quốc âm thi hiệp tuyển [10, tr.12-18]. Tuy
nhiên, theo Cao Tự Thanh, 18 bài thơ này chỉ mới có liên nhưng chưa hoàn. Trong
đợt điền dã ở Long An, tình cờ ông có được bản chép tay chùm thơ liên hoàn này
gồm 20 bài [36, tr.80]. Sau đó, trên báo Tân văn, số 8-1935, có giới thiệu một bài
thơ Nôm Từ giã mẹ đi sứ của Trịnh Hoài Đức [113, tr.90].
Trong công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, có nhắc
đến Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh là những nhà thơ, danh
thần triều Lê Mạt - Nguyễn Sơ với thông tin sơ giản [38, tr.345].
Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa, xuất bản năm 1957, có nhận xét về
Gia Định tam gia là “những bậc công thần có công xây dựng cõi Nam, đua nhau
nâng cao nền văn hiến Việt Nam” [98, tr.34].
Sách Võ Trường Toản, phụ Gia Định tam gia của Nam Xuân Thọ, Tân Việt
xuất bản ở Sài Gòn năm 1957 cũng có giới thiệu đôi nét về Gia Định tam gia [118].
Việt Nam đại quan của Lý Văn Hùng xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn, bằng
tiếng Hoa, có giới thiệu về tiểu sử hành trạng của Trịnh Hoài Đức theo dạng niên
biểu [163, tr.56].
Tác giả Huỳnh Minh trong sách Gia Định xưa, cũng dành một phần giới thiệu
về Gia Định tam gia, Gia Định Sơn Hội, đồng thời trích dẫn vài bài thơ Nôm của
Trịnh Hoài Đức [74, tr.119-124, 311]…
8
Trong những công trình này, chủ yếu vẫn bước đầu giới thiệu khái quát về tác
giả và tác phẩm thơ của Gia Định tam gia. Hẳn nhiên với tình hình như vậy, chúng
ta chưa thể tiến hành nghiên cứu thơ của các ông bởi các tư liệu vẫn chưa được
công bố giới thiệu và chuyển dịch sang chữ quốc ngữ một cách đầy đủ.
Năm 1963, giáo sư Huỳnh Lý (chủ biên) biên soạn công trình Hợp tuyển thơ
văn Việt Nam nhằm mang lại cho người đọc cái nhìn toàn cảnh văn học Việt Nam.
Công trình này được Nxb. Văn học tái bản lần đầu vào năm 1978. Trong Hợp tuyển
thơ văn Việt Nam, tập 3, Gia Định tam gia được xem như một đại biểu trong dòng
thơ chữ Hán ở Nam Bộ với lời nhận xét:
“Với triều Nguyễn, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, và
sau một ít, Lý Văn Phức không có tư tưởng phản kháng thực tại; trái lại họ
thừa nhận đạo đức phong kiến một cách êm thấm, nhiều khi họ biểu dương
cuộc sống trước mắt…. Giá trị tác phẩm của họ là ở chỗ khác: có người có ý
thức phát huy cảnh giàu đẹp của đất nước, tài hay của đồng bào, tóm lại biểu
dương dân tộc; có người ghi chép sự việc lịch sử một cách sinh động với tất cả
lòng thiết tha của mình;…” [72, tr.29-30].
Văn đàn bảo giám (trọn bộ 4 tập) do Trần Trung Viên sưu tập, Hư Chu hiệu
chú, Mặc Lâm xuất bản năm 1968 có dẫn hai bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức ở
tập 4: Qua đèo Hải Vân, Tạ mẹ đi sứ. [140, q.4, tr. 36, 37]
Năm 1970, khi nghiên cứu đến văn học miền Nam, văn học Hà Tiên, nhà
nghiên cứu Đông Hồ trong công trình Văn học miền Nam, Văn học Hà Tiên cũng có
nhắc đến Trịnh Hoài Đức nhưng trên cơ sở làm cứ liệu để nghiên cứu về nhóm thơ
Tao đàn Chiêu Anh Các [45].
Khi biên soạn lược sử về Biên Hoà, Lương Văn Lựu cũng dành một phần nói
về tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức trong Biên Hoà sử lược toàn biên.
Đồng thời ông cũng thêm phần nhận xét về giá trị văn học và sử học các tác phẩm
của Trịnh Hoài Đức [67].
Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà có nhận xét về Trịnh Hoài Đức như
sau: “… đối với triều Nguyễn là bậc danh thần hạng nhất, về phần lập ngôn với
những sáng tác kể trên, thì lại là một người của thiên hạ hậu thế vậy” [97]. Cũng
trong công trình này, ông dành nhiều trang viết về Trịnh Hoài Đức, trong đó còn
bình luận và giới thiệu được 13 bài thơ chữ Hán trong Thoái thực truy biên và phiên
9
âm 18 bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức, nhưng vẫn chưa thể giới thiệu thơ của Ngô
Nhân Tĩnh và Lê Quang Định.
2.2. Sau năm 1975, những công trình nghiên cứu có liên quan đến Gia Định
tam gia đã xuất hiện nhiều hơn. Đã có những công trình giới thiệu và nghiên cứu về
thơ của Gia Định tam gia riêng biệt, bên cạnh những công trình, bài viết mang tính
chất tổng quan.
Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Khuê, Trần Khuê với mục đích tái hiện Sài
Gòn – Gia Định xưa thông qua thơ văn, trong công trình Sài Gòn – Gia Định qua
thơ văn xưa, xuất bản năm 1987, giới thiệu 07 bài thơ của Trịnh Hoài Đức ở phần
Thơ văn chữ Hán, phần hai của tập sách [149, tr.87-104].
Công trình nghiên cứu Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, do Giáo sư
Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên với sự tham gia của các nhà nghiên cứu
uy tín, xuất bản từ năm 1987-1990, là một công trình nghiên cứu toàn diện về lịch
sử, xã hội, tư tưởng, tôn giáo, văn học nghệ thuật… ở Gia Định. Trong tập II, có bài
“Văn học Hán Nôm ở Gia Định” của Cao Tự Thanh [36, tr.55-129], tác giả đã khái
quát diện mạo văn học Hán Nôm trong tiến trình văn hóa ở Gia Định, đồng thời
trích dẫn thơ của Tam gia Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định.
Năm 1990, Những danh sĩ miền Nam của Hồ Sĩ Hiệp và Hoài Anh cũng dành
nhiều trang viết về tác giả và điểm qua tác phẩm của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang
Định và Ngô Nhân Tĩnh với những nhận xét xác đáng [43, tr.43-53, 54-60, 61-68].
Nhưng trong công trình này, chủ yếu giới thiệu thân thế sự nghiệp các tác giả, vẫn
chưa giới thiệu gì thêm thơ của Tam gia.
Nguyễn Q. Thắng trong Tiến trình văn nghệ miền Nam xuất bản năm 1990
[113] cũng có giới thiệu về tác giả, tác phẩm Gia Định tam gia với ý nghĩa dựng lại
chân dung của nhà văn nhà thơ ở Gia Định.
Năm 1993, Đỗ Văn Hỷ cho xuất bản tập sách Người xưa bàn về văn chương
[47] như một sự tiếp nối công việc mà các tác giả đã làm trong cuốn sách Từ trong
di sản xuất bản năm 1981 trước đó [105]. Với tinh thần sưu tầm giới thiệu những
phát biểu bàn luận văn chương của người xưa, tác giả có trích dịch bài tựa của Bùi
Dương Lịch viết cho tập thơ Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh, với tựa “Tựa
Ngô Hiệp Trấn Tĩnh Viễn hầu thi tập” rút từ Tồn Trai ốc lậu thoại thi văn của Bùi
Dương Lịch (ký hiệu VHv.89) [47, tr.32.33], và bài bạt của Ngô Thì Vị viết cho tập
10
thơ Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức với tên “Bài bạt Cấn Trai thi tập” [47,
tr.108-111].
Năm 1997, công trình Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16, cũng có giới thiệu
tiểu sử tác giả, tác phẩm của Tam gia [99, 15-34]. Số bài thơ của Tam gia trong
Tổng tập này trích lại từ Hợp tuyển thơ văn Việt Nam nói trên. Mặc dù công trình là
tổng tập văn học Việt Nam, nhưng số lượng thơ của Tam gia được trích dịch in
trong này lại quá ít so với số lượng sáng tác thơ của Tam gia. Điều đó cho thấy việc
biên dịch các tác phẩm văn học Hán Nôm, đặc biệt Hán Nôm ở Nam Bộ vẫn còn
hạn chế. Vả lại còn cho thấy, vị trí của Tam gia trong văn học sử Việt Nam là chưa
được đánh giá thoả đáng.
Biên Hoà-Đồng Nai, 300 năm hình thành và phát triển, Lâm Hiếu Trung chủ
biên, Nxb. Đồng Nai, 1998, trong bài phát biểu của Nguyễn Văn Linh “Biên Hoà
Đồng Nai, vùng đất giàu truyền thống và tiềm năng” [125, tr.6c-6f], và bài “Phát
huy truyền thống 300 năm, Biên Hoà bước vào thế kỷ 21” của Nguyễn Thị Minh
Hoàng, [125, tr.6g-6n], đều có nhắc đến Trịnh Hoài Đức như một nhà văn hoá, văn
học lớn tiêu biểu của vùng Nam Bộ. Cũng trong công trình này, các tác giả dành
một phần biên khảo tiểu sử của Trịnh Hoài Đức [125, tr.413-415].
Năm 2004, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia cho ra đời bộ
sách Tinh tuyển văn học Việt Nam (gồm 8 tập, 11 quyển), trong đó, tập 6 do PGS.
Hoàng Hữu Yên chủ biên có tuyển thơ của Gia Định tam gia, tuy nhiên một số tư
liệu về Tam gia trong tập sách này vẫn sử dụng lại tư liệu trong Hợp tuyển thơ văn
Việt Nam, thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX nên cũng không có gì mới. [131, tr.7699].
Cũng trong năm này, Từ điển văn học (bộ mới) do nhóm Đỗ Đức Hiểu,
Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên xuất bản năm 2004, có
mục từ về Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức với những nhận xét
về sự nghiệp và thơ ca của các ông khá thoả đáng [44, tr.829-830, 1072-1073, 1823].
Năm 2005, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Gia Định tam
gia của tác giả Hoài Anh [8], xuất bản nhân dịp trùng tu và tôn tạo di tích lịch sử
văn hóa văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai, cũng đóng góp đáng kể vào công việc
nghiên cứu thơ của ba nhà Trịnh, Ngô, Lê. Có thể nói, đây là công trình biên khảo
về thơ Gia Định tam gia nhiều nhất từ trước đến nay.
11
Năm 2007, Nguyễn Q. Thắng tiếp tục công trình Tiến trình văn nghệ miền
Nam xuất bản trước đây biên soạn bộ Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới. Trong
tập 1 của công trình này, ông lại giới thiệu và bổ sung thêm tư liệu về tác giả tác
phẩm của Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh và Lê Quang Định [114].
Trong 10 thế kỷ bàn luận về văn chương (từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XX) 3
tập, Nxb. Giáo dục xuất bản năm 2007, nhóm tác giả Phan Trọng Thưởng lại sưu
tập tuyển chọn những tác phẩm bàn luận về văn chương của cha ông trong mười thế
kỷ qua, trong đó trích lại bài Bài bạt Cấn Trai thi tập của Ngô Thì Vị, đồng thời dẫn
thêm bài tựa của Quỳ Giang Nguyễn Địch Cát viết cho tập thơ Thập Anh đường thi
tập của Ngô Nhân Tĩnh [121, tr.152-154, 226].
Cũng trong năm 2007, công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX, những vấn
đề lý luận và lịch sử, có bài viết “Văn học Đàng Trong” của Cao Tự Thanh, thêm
một lần nữa đề cập đến Gia Định tam gia trong dòng chảy văn học Đàng Trong. Bài
viết đi sâu phân tích tình hình lịch sử, tình hình văn học Hán Nôm từ phương diện
nội dung, đồng thời phác hoạ những nét nghệ thuật của văn học Hán Nôm Đàng
Trong [148, tr.270-346].
2.3. Những bài viết đăng trên các báo và tạp chí liên quan đến việc nghiên cứu
tác giả tác phẩm Gia Định tam gia cũng chưa nhiều.
Trên báo Tân văn tuần báo năm 1935 có giới thiệu bài thơ Từ giã mẹ đi sứ của
Trịnh Hoài Đức, báo Đại Việt tập chí năm 1941 đã bắt đầu trích đăng giới thiệu thơ
của Trịnh Hoài Đức. Nguyễn Triệu với bài “Công thần triều Nguyễn: Ngô Nhân
Tĩnh” đăng trên tuần báo Tri Tân, số 6, ngày 8-7-1941, trong bài viết này chủ yếu là
ông phát hiện nơi toạ lạc phần mộ của Ngô Nhân Tĩnh [124].
Biểu Chánh Hồ Văn Trung trong bài viết Gia Long khai quốc văn thần, đăng
trên Đại Việt tập chí, số 47, năm 1944, khảo về lược sử của các văn thần triều
Nguyễn Gia Long trong đó có Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh
[12, tr.19-27, tr.28-31, tr. 32-35].
Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên tập san
Lửa Thiêng, số 2, tháng 2 năm 1975, được in lại trong Ba mươi năm cầm bút, giới
thiệu về tiểu sử, hành trạng của Trịnh Hoài Đức và tập thơ Cấn Trai thi tập một
cách tỉ mỉ và công phu [53, tr.332-354].
12
Nguyễn Khuê với bài “Mai Sơn tự và Mai Khâu tự” đăng trên Tập văn số 20,
Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1991, trong
bài viết tác giả đề cập đến vấn đề vị trí của hai ngôi chùa, đồng thời giới thiệu một
số bài thơ về chùa gò Cây Mai của Trịnh Hoài Đức để làm cứ liệu cho nhận định
của mình [53, tr.9-17].
Cao Tự Thanh với bài “Về bài thơ của Trịnh Hoài Đức tặng hoà thượng Viên
Quang” đăng trên Tập văn Phật đản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, số 23, tháng 41992 [107] trong bài viết đã giới thiệu lại và dịch toàn bộ bài thơ này của Trịnh
Hoài Đức thấy chép trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên
Phong [82].
Trên Tạp chí Văn, số 20, năm 1992 có bài viết “Bình Dương thi xã” của Vân
Đằng Trần Văn Rạng với nội dung giới thiệu về Bình Dương thi xã và những thành
viên trong nhóm thơ này, trong đó có Gia Định tam gia [96]. Sau đó, Cao Tự Thanh
với bài viết “Mấy ý kiến trao đổi lại về bài Bình Dương thi xã” đăng trên Tạp chí
Văn, số 21, 8-1992, đã đính chính những lầm lẫn của tác giả Vân Đằng, đồng thời
đưa ra những tư liệu về nhóm Sơn Hội của Trịnh Hoài Đức là xác đáng, thuyết phục
[106].
Nguyễn Đăng Na trong bài viết “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa
Nguyên thi thảo” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 03 (397), 2005, với mục
đích giới thiệu về những lời bình của Nguyễn Du về thơ của Lê Quang Định, để từ
đó cho rằng Nguyễn Du không những là nhà thơ lớn của dân tộc mà còn là nhà phê
bình thơ ca, đồng thời có đưa ra vài nhận xét về bản khắc in tập thơ này [75].
Mấy năm sau, Nguyễn Đình Phức có bài “Về bài viết Lời bình của thi hào
Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, đăng trên
Tạp chí Hán Nôm số 1 (86), 2008, đã đính chính những sai lầm mà Nguyễn Đăng
Na đã nêu trong bài viết của ông, đồng thời tác giả bài viết đã đưa ra những khảo sát
của mình về văn bản khắc in Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định một cách xác
đáng [93].
Nối tiếp những người nghiên cứu trước, chúng tôi cũng có viết hai bài về Ngô
Nhân Tĩnh và Trịnh Hoài Đức: “Bước đầu tìm hiểu thơ đi sứ của Trịnh Hoài Đức”
đăng trên Thông báo Hán Nôm học năm 2007 và bài “Ngô Nhân Tĩnh và tâm sự
một nho thần” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2009. Trong hai bài viết
13
này, một là chúng tôi tìm hiểu một vài nội dung chính trong dòng thơ đi sứ của
Trịnh Hoài Đức, một là tìm hiểu vài khía cạnh tâm sự của Ngô Nhân Tĩnh thông
qua thơ của các ông. Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn công bố một vài tư
liệu có liên quan đến thơ Gia Định tam gia trong các kỷ yếu hội thảo, các tạp chí
chuyên ngành…
Việc tìm hiểu thơ Trịnh Hoài Đức cũng được sinh viên đại học và học viên
cao học quan tâm. Tiêu biểu có Tìm hiểu Cấn Trai thi tập của Đoàn Khắc Kiên
Cường, luận văn tốt nghiệp đại học [18], và gần đây là luận văn thạc sĩ Tìm hiểu sự
nghiệp văn học của Trịnh Hoài Đức của Nguyễn Thị Thu Thuỷ trình tại trường ĐH
KHXH&NV TP.HCM [120]. Các tác giả luận văn đã phác hoạ được sự nghiệp văn
học của Trịnh Hoài Đức, từ Gia Định thành thông chí đến Cấn Trai thi tập. Riêng
về phần Cấn Trai thi tập tác giả luận văn đã bước đầu khảo sát nội dung ở phương
diện con người, tình yêu quê hương, và một vài đặc điểm nghệ thuật về phương
diện ngôn ngữ, thể loại…
Từ tình hình đó cho thấy thơ Gia Định tam gia vẫn là đề tài còn mới, chưa có
nhiều thành tựu nghiên cứu. Những bài viết cùng những công trình nói trên, hoặc là
do tính chất của công trình, hoặc là do giới hạn khuôn khổ của đề tài, chỉ mới dừng
ở mức độ khái quát chưa đi sâu vào nghiên cứu tác giả tác phẩm một cách toàn diện
và cụ thể. Tuy nhiên, những bước khai phá đầu tiên của các bậc nghiên cứu tiền bối
đã khai mở cho chúng tôi những con đường tiếp cận nghiên cứu về Gia Định tam
gia thi, đặc biệt là những người làm công tác văn bản, văn học Hán Nôm ở Gia Định
nói chung và Tam gia nói riêng như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Khuê, Cao Tự
Thanh, Hoài Anh…
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Sự nghiệp sáng tác của Tam gia hẳn nhiên không chỉ có mỗi thơ, mà các
ông còn viết văn và địa chí. Như tên của đề tài luận án, chúng tôi xác định, đối
tượng nghiên cứu chính là thơ Gia Định tam gia qua ba tập Cấn Trai thi tập của
Trịnh Hoài Đức, Thập Anh đường thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi
thảo của Lê Quang Định. Do đó, chúng tôi không đi vào các thể loại biên khảo về
địa chí, bài văn, bài minh của Tam gia trong công trình này. Ngoài ra, riêng với
Trịnh Hoài Đức, ông còn sáng tác thơ bằng chữ Nôm, mặc dù không thấy khắc in
trong các thi tập của ông, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm hiểu thông qua các bản
14
phiên âm do Lê Quang Chiểu, Nguyễn Văn Sâm, Cao Tự Thanh, Hoài Anh công bố
trong công trình của họ.
Không giống các tác giả khác như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn
Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Nguyễn
Thông, Phan Thanh Giản,… vấn đề công bố văn bản tác phẩm hầu như đã hoàn
chỉnh; ngược lại, tác phẩm thơ của Gia Định tam gia vẫn chưa được các nhà nghiên
cứu văn học Hán Nôm công bố hoàn chỉnh, như chúng tôi đã trình bày ở phần lịch
sử vấn đề trên đây. Thành thử với ba tập thơ của Tam gia (hơn 580 bài thơ), chúng
tôi đã tiến hành công việc chỉnh lý tư liệu, đến công tác dịch thuật thơ của Tam gia.
Do đó, đây là công việc khó khăn nhất và tốn nhiều thời gian nhất mà chúng tôi
đảm đương khi bước vào nghiên cứu thơ Gia Định tam gia.
3.2. Song song với việc nghiên cứu thơ Tam gia ở phương diện nội dung tư
tưởng và nội dung nghệ thuật, chúng tôi còn phải đặt thơ của Tam gia trong bối
cảnh văn học Hán Nôm ở Nam Bộ trong giai đoạn này để thấy được những đặc
điểm chung và riêng của chúng. Từ đó có thể xác định giá trị cũng như những đóng
góp của Tam gia đối với nền văn học Hán Nôm ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói
chung.
Do đó, ngoài những kết quả mà chúng tôi có được từ sự khảo sát riêng, chúng
tôi vẫn có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu trong các công trình của những nhà
nghiên cứu đi trước về văn học Hán Nôm Nam Bộ, đặc biệt là những công trình
nghiên cứu về văn học Hán Nôm ở Gia Định và ở Đàng Trong của Cao Tự Thanh.
3.3. Văn học Hán Nôm Nam Bộ, chính là nói nền văn học viết bằng chữ Hán
Nôm thuộc khu vực từ Biên Hoà Đồng Nai trở vào Nam, mà trung tâm chính của nó
là Sài Gòn – Gia Định. Bởi Nam Bộ là vùng đất mới so với các vùng khác trong
nước ta, do đó nền văn học Hán Nôm tại đây vừa mang tính chất kế thừa những
thành tựu cũ của nền văn học Hán Nôm cả nước nhưng cũng vừa mang tính chất
mới mẻ non trẻ do những tác động từ lịch sử kinh tế xã hội tại địa bàn. Xem xét thơ
Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm Gia Định để thấy sự giao thoa thơ
của các ông với thơ đương thời cũng như những giai đoạn sau và trước đó, để đi đến
việc xác lập những đóng góp của Gia Định tam gia trong nền văn học Hán Nôm
Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
15
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Công tác văn bản học: Tiếp nhận thành quả của những công trình nghiên
cứu trước đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát, chỉnh lý văn bản thơ Tam gia hiện đang
lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.
Đối với tác phẩm Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh và Hoa Nguyên thi
thảo của Lê Quang Định vì chỉ có một truyền bản duy nhất nên công tác xử lý văn
bản không có gì đáng nói; nhưng với Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức bởi có
nhiều bản khác nhau, do đó chúng tôi dựa vào bản khắc in có ký hiệu A.780 làm
bản trục, đồng thời tham chiếu với bản khắc in mang ký hiệu A.1392 để bổ sung,
sắp xếp và tái hiện lại diện mạo của thi tập Gia Định tam gia thi của ba tác giả, bản
khắc in năm 1822. Trong quá trình xử lý tư liệu, chúng tôi còn tham khảo thêm bản
in Cấn Trai thi tập do Trần Kinh Hoà cho in vào năm 1963 tại Hong Kong. Đồng
thời, chúng tôi vận dụng phương pháp phiên dịch tiến hành dịch thuật thơ Gia Định
tam gia và công bố văn bản trong phần Phụ lục của luận án để làm tư liệu trích dẫn,
nghiên cứu trong luận án.
4.2. Xuất phát từ yêu cầu mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài,
chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp tiểu sử, phương pháp thực chứng lịch sử, phương pháp giải thích
học: cùng được vận dụng để tìm hiểu tác phẩm thông qua tiểu sử tác giả và ngược
lại, đồng thời muốn hiểu đúng tác phẩm không thể không bắt đầu từ những sự kiện
lịch sử, cũng như việc nắm rõ ngữ nghĩa ngôn ngữ bởi thơ Gia Định tam gia được
viết bằng chữ Hán. Bên cạnh đó, để tránh cứng nhắc giáo điều chúng tôi còn vận
dụng phương pháp trực giác để có những đánh giá sinh động về đối tượng.
Ngoài ra chúng tôi còn vận dụng các phương pháp và thao tác khác như
phương pháp phân tích, so sánh, thống kê, hệ thống để đưa ra những nhận định có
giá trị và ý nghĩa khi nghiên cứu về Gia Định tam gia trong toàn cảnh nền văn học
Hán Nôm Nam Bộ.
5. Đóng góp của luận án
5.1. Về mặt tư liệu: Chúng tôi đã xử lý và phiên dịch hầu như hoàn chỉnh tư
liệu thơ Gia Định tam gia một cách có hệ thống từ nguồn tư liệu gốc Hán Nôm.
Những bài tự, bạt trong các tập thơ Tam gia, đến cả những lời bình của Ngô Thì Vị
và Nguyễn Du bình thơ Lê Quang Định cũng được dịch đầy đủ, góp thêm một
16
nguồn tư liệu quý cho mảng thơ, lý luận phê bình văn học trung đại của nước nhà.
Thông qua những tư liệu này, người đọc có thể hình dung về nội dung, nghệ thuật
thơ, cùng với quan niệm thơ của Gia Định tam gia.
Đồng thời, thơ của Lê Quang Định và của Ngô Nhân Tĩnh được giới thiệu gần
như trọn vẹn (tập Thập Anh thi tập mà chúng tôi có từ thư viện Hán Nôm bị mất tờ
nên có một số bài chưa thể khảo được). Riêng với thơ Trịnh Hoài Đức, chúng tôi đã
dịch trọn vẹn hai tập thơ chính, phản ánh nội dung và nghệ thuật thơ của ông là
Thoái thực truy biên và Quan quang tập, cùng một số bài trong Khả dĩ tập để làm
tư liệu trong khi viết luận án.
5.2. Từ công tác xử lý văn bản thơ, chúng tôi tiến hành làm rõ và xác định lại
năm sinh năm mất của các tác giả Gia Định tam gia, thông qua nhiều nguồn tư liệu,
khắc phục được những thiếu sót, những băn khoăn về năm sinh năm mất của Tam
gia trong các công trình cũng như các bài viết trước đây. Từ đó, chúng tôi biên soạn
niên biểu Gia Định tam gia làm cơ sở cho những nghiên cứu khác về sau.
5.3. Luận án nghiên cứu chuyên biệt về thơ Gia Định tam gia ở phương diện
nội dung và nghệ thuật, đồng thời đặt nó trong bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ
đương thời để thấy những giá trị về nội dung và nghệ thuật thơ của các tác giả.
5.4. Từ những kết quả thu được khi nghiên cứu thơ Gia Định tam gia trong
công trình này, chúng tôi xác định trong tương lai gần sẽ sửa chữa hoàn chỉnh và
giới thiệu toàn bộ thơ Gia Định tam gia nhằm cung cấp cho giới nghiên cứu và
người đọc nói chung những tư liệu cần thiết và khả tín.
6. Bố cục luận án
Không kể phần Dẫn nhập, Kết luận, luận án được chia thành 3 chương:
Chương 1: Gia Định tam gia, tác giả và tác phẩm
Chương 2: Đặc điểm nội dung trong thơ Gia Định tam gia
Chương 3: Đặc điểm nghệ thuật trong thơ Gia Định tam gia
Ngoài ra, phần Phụ lục gồm:
-
Niên biểu Gia Định tam gia
-
Các bài tự bạt trong ba tập thơ của Gia Định tam gia
-
Trích dịch thơ Gia Định tam gia
-
Hình ảnh tư liệu có liên quan đến Gia Định tam gia
17
CHƯƠNG 1
GIA ĐỊNH TAM GIA
TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1.1. BỐI CẢNH VĂN HỌC HÁN NÔM NAM BỘ TỪ THẾ KỶ 18 ĐẾN
CUỐI THẾ KỶ 19
Tình hình văn học Hán Nôm Nam Bộ mà trung tâm chính là khu vực Sài Gòn
– Gia Định đã giải quyết một cách thấu đáo trong chuyên khảo Văn học Hán Nôm ở
Gia Định của Cao Tự Thanh, công bố trong Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí
Minh, tập 2, Văn học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1988.
Tuy nhiên, việc trình bày khái quát bối cảnh văn học Hán Nôm Nam Bộ để từ đó soi
chiếu sáng tác của Gia Định tam gia nhằm xác lập vị trí của Gia Định tam gia trong
văn học sử Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung là việc cần thiết, vì vậy trong
mức độ cho phép, chúng tôi trình bày ngắn gọn bối cảnh thời đại và văn học Hán
Nôm Nam Bộ trong giai đoạn này.
1.1.1. Bối cảnh thời đại
Năm 1658, đời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, vua Cao Miên là Nặc Ong Chân
xâm phạm biên giới, chúa bèn sai người tiến đánh đến Mô Xoài và Đồng Nai. Sau
cuộc chiến này, những lưu dân người Việt càng có điều kiện di cư vào vùng đất này
để làm ăn mở mang đất đai. Theo Trịnh Hoài Đức, bấy giờ “địa đầu của Gia Định là
Mô Xoài và Đồng Nai, tại hai xứ ấy đã có dân của nước ta đến cùng với dân Cao
Miên khai khẩn ruộng đất” [29, tr.109].
Sau đó, cuộc di dân với quy mô lớn của người Hoa Nam Trung Quốc như
Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào
Nam ở Nông Nại và Mỹ Tho nhằm giúp chúa Nguyễn khai phá vùng đất mới mà
triều đình chưa kinh lý được. Tại đây, nhưng lưu dân Hoa Nam cùng với những
người dân Việt đã vỡ đất phá rừng, lập phố chợ, từ đó các thương thuyền các nước
Trung Hoa, Nhật Bản, cả các châu Âu, Java qua lại buôn bán tấp nập [51, tr.314316].
Năm Mậu Dần, 1698, đời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, Thống suất Chưởng
cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) kinh lược đất Cao Miên lấy đất
18
Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng
dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Côn (Sài Gòn) làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên
Trấn [29, tr.111-112], thì bấy giờ “ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ
lưu dân từ châu Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa
giới, ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng dinh điền bạ tịch. Con cháu người Hoa nếu
ở Trấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiên Trấn thì lập thành xã
Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch” [29, tr.112].
Sau đó, vào cuối thế kỷ 17, cuộc di dân của Mạc Cửu từ Hoa Nam đã đi thẳng
xuống vùng cực nam vịnh Thái Lan, quy tụ nhân dân, khẩn hoang, lập ấp, mở hải
khẩu, chiêu thương, mậu dịch, đến cuối thế kỷ 18 thì họ chiếm lĩnh gần hết dải
duyên hải miền tây nam, thành lập một tiểu quốc. Năm 1708, họ Mạc đem tất cả đất
đai mà mình đã khai mở quy thuận triều đình chúa Nguyễn để làm thế ỷ dốc, bảo hộ
về mặt ngoại giao, còn về văn hoá, xã hội, kinh tế họ Mạc đều tự chủ lấy. Triều đình
cho Mạc Cửu làm Thống binh Hà Tiên, sau đó phân chia đất này lập châu Định
Viễn và dinh Long Hồ (1732). Đất Hà Tiên bấy giờ ngày càng đông đúc trở thành
nơi phồn thịnh, nhiều thương thuyền Trung Quốc, Chân Lạp, Xiêm, Java đến buôn
bán…
Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn nổ ra, quy tụ được một
lực lượng tham gia khởi nghĩa khá đông đảo. Bấy giờ, lực lượng của chúa Nguyễn
bị suy yếu do sự chia cắt ranh giới bởi một bên là quân khởi nghĩa Tây Sơn, và một
bên là chúa Trịnh. Nắm lấy thời cơ này, chúa Trịnh đem quân tiến đánh nhà Nguyễn,
buộc chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) phải bỏ Phú Xuân, cùng cháu là
Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Nam vào năm 1775. Hai năm sau, trong đợt tấn công
của Tây Sơn vào Gia Định, chúa Nguyễn Phúc Thuần bị Nguyễn Huệ giết ở Long
Xuyên (An Giang) năm 1777. Nguyễn Ánh thoát chết trong trận này, lui quân về
vùng đất miền Tây Nam Bộ, sau đó chống trả với Tây Sơn bằng việc đánh chiếm lại
Vĩnh Long và tiến đánh Sài Gòn xây dựng thành căn cứ để chống trả với Tây Sơn.
Cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh kéo dài từ năm 1777 đến đầu năm
1802, trong khoảng thời gian 25 năm trên vùng đất Nam Bộ mà chủ yếu ở vùng Gia
Định.
Năm 1802, Nguyễn Ánh khôi phục lại sự thống trị của dòng họ sau khi đánh
bại nhà Tây Sơn, lãnh thổ cũng được mở rộng đến cả Bắc Hà. Tình hình chính trị
19
của triều Nguyễn tạm bình ổn trong thời gian đầu, mặc dù nhiều cuộc khởi nghĩa nổ
ra khắp cả nước.
Năm 1820, vua Minh Mệnh lên ngôi, tiếp tục thực hiện công cuộc thống nhất
đất nước về mặt hành chính, trong đó có việc bãi bỏ cơ chế quản lý Bắc Thành (năm
1831) và Gia Định Thành (năm 1832) dưới đời Gia Long, chia định lại các tỉnh.
Việc phân định lại các tỉnh kéo theo việc đặt lại các quan chức cho mỗi tỉnh gồm
tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát và lãnh binh. Nam Bộ bấy giờ chia thành sáu
tỉnh: Biên Hoà, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Sau đó tỉnh
Phiên An được đổi lại thành tỉnh Gia Định (năm 1833).
Sau cái chết của Lê Văn Duyệt, những quân binh dưới trướng của Lê Văn
Duyệt đã ra mặt chống đối triều đình nhà Nguyễn. Ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ
(1833), Lê Văn Khôi khởi nghĩa ở thành Phiên An chống lại triều đình Nguyễn, thu
hút được một số tầng lớp thương nhân người Hoa. Cuộc khởi binh này lúc đầu địa
bàn rộng cả sáu tỉnh nhưng sau thu dần ở Gia Định và cuối cùng bị bao vây trong
thành Bát quái. Tuy nhiên cuộc khởi nghĩa này chỉ mang tính chất một cuộc binh
biến chứ chưa phải là cuộc khởi nghĩa mang tính nhân dân như ở các địa phương
khác. Cuộc binh biến do Lê Văn Khôi cầm đầu tại thành Gia Định nổ ra và kéo dài
hai năm (1833-1835), khiến cho triều đình phải tốn nhiều công sức trong việc bình
loạn.
Năm 1841, Thiệu Trị lên ngôi, nhưng chỉ ở ngôi được 6 năm, đến năm 1847
thì mất. Tự Đức kế vị thực hiện nhiều chính sách khá bảo thủ, lạc hậu làm kìm hãm
sự phát triển của đất nước. Với những chính sách trọng nông ức thương, bế quan toả
cảng của triều đình Nguyễn đã khiến cho xã hội ở Nam Bộ vốn linh hoạt đã nảy
sinh mâu thuẫn giữa tầng lớp thương nhân và địa chủ với triều đình. Tuy nhiên
những mâu thuẫn này vẫn được điều hoà chưa thể phát triển thành những cuộc khởi
nghĩa do các nhà nho lãnh đạo như cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở miền Bắc do Cao
Bá Quát cầm đầu. Trong khi đó, các cuộc khởi nghĩa nông dân vẫn nổ ra ở các vùng
Bắc Trung Bộ khiến triều đình Nguyễn nhiều phen đưa quân đi dẹp loạn. Ở Nam Bộ
tình hình này có vẻ lắng dịu hơn. Nhưng sau khi Tự Đức lên ngôi, với chính sách
cấm đạo Thiên Chúa, chính sách ngăn sông cấm chợ bởi sự yếu kém về kiến thức
khoa học xã hội đã dần tạo tiền đề cho sự xâm lược của nước ngoài, đặc biệt nước
Pháp.
20
Từ thời vua Minh Mệnh đến Thiệu Trị, các nước Anh, Pháp đã ngấp nghé
muốn đặt chân vào nước ta nhưng vẫn chưa có dịp. Nay nhân việc cấm đạo của Tự
Đức càng gắt gao hơn, đồng thời lấy cớ việc vua Tự Đức không tiếp quốc thư của
Pháp vào năm 1856, lính Pháp đã nổ súng bắn phá đồn luỹ ở khu vực Sơn Trà – Đà
Nẵng và đổ bộ lên bờ. Năm 1857, vua Pháp là Napoleon III đã thông qua quyết định
dùng vũ trang can thiệp và xâm lược Việt Nam. Đến tháng 9 năm 1858, thực dân
Pháp chính thức đưa quân vào cửa biển Đà Nẵng, đến ngày 17-2-1859 quân Pháp
đánh chiếm thành Gia Định. Sự chống trả yếu ớt và từng bước nhượng bộ những
đòi hỏi của thực dân Pháp từ triều đình Nguyễn đã khiến nhiều tầng lớp nhân dân
bất bình đứng lên khởi nghĩa.
Hoà ước Nhâm Tuất 1862 cắt nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Biên
Hoà, Gia Định, Định Tường và năm 1867, quân Pháp tiến đánh ba tỉnh miền Tây,
bấy giờ Phan Thanh Giản đang làm Kinh lược sứ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ thấy
tình hình lực lượng của hai bên đã ra lệnh dâng ba thành còn lại là Vĩnh Long, An
Giang và Hà Tiên, sau đó ông uống thuốc độc tự tử. Từ đây, các cuộc khởi nghĩa
chống Pháp của nhân dân cả nước đặc biệt là khu vực Nam Bộ lắng dần bởi mất đi
địa bàn hậu cứ. Tình hình này tác động đến tư tưởng của các nhà nho Nam Bộ khiến
cho những sáng tác văn học Hán Nôm ở Nam Bộ bấy giờ có nội dung yêu nước với
âm hưởng bi hùng, khác với nội dung yêu nước được thể hiện trong thơ Gia Định
tam gia ở giai đoạn trước.
1.1.2. Diện mạo văn học Hán Nôm ở Nam Bộ
Ở Đàng Trong cũng như ở Gia Định nói riêng, các chúa Nguyễn tuy không mở
trường học, nhưng trong dân gian có nhiều trường học kiểu tư thục của những nhà
nho. Những người thầy thường là những nhà nho ở miền Bắc miền Trung vào, được
các bậc cha anh mời dạy. Mục đích của việc học là để con em biết chữ làm người
chứ không phải học tập theo kiểu khoa cử. Chính vì vậy mà cái học ở Nam Bộ có
tính thực dụng và phóng khoáng hơn so với các vùng miền khác, điều này sẽ ảnh
hưởng đến học phong của cả vùng đất Nam Bộ về sau.
Ở Bình Dương, phủ Gia Định, bên cạnh trường học của Võ Trường Toản (mất
năm 1792), còn có trường học của Đặng Đức Thuật (mất năm 1796). Chính các ông
là người đào tạo trực tiếp ra các nhân tài tham gia trực tiếp vào chính quyền Nguyễn
Ánh sau này.
21
Với tư liệu thiếu thốn hiện nay, chưa cho phép chúng ta tìm hiểu kỹ về việc
học hành thi cử ở Nam Bộ trong giai đoạn này. Tuy nhiên có thể thông qua những
ghi chép của Trịnh Hoài Đức ít nhiều cho thấy tình hình học hành ở vùng đất mới
Nam Bộ như sau:
慈幃攜余再往藩安鎮流寓于新隆縣,全賴和丸斷織,嚴督從師。然而村
學童生坐欠春風,止知背讀講義而已 “Từ vi huề dư tái vãng Phiên An trấn lưu
ngụ vu Tân Long huyện, toàn lại hoà hoàn đoạn chức, nghiêm đốc tòng sư. Nhiên
nhi thôn học đồng sinh toạ khiếm xuân phong, chỉ tri bối độc, giảng nghĩa nhi dĩ.”
(Mẹ tôi dắt tôi trở lại trấn Phiên An, lưu ngụ ở huyện Tân Long, toàn nhờ cậy vào
sự dạy dỗ của mẹ, mà kính cẩn dốc lòng theo thầy học tập. Nhưng đám trẻ đi học
trong làng lúc ấy thiếu thầy giỏi, chỉ biết đọc thuộc lòng, giảng nghĩa chữ mà thôi.)
(Cấn Trai thi tập, Tự tự).
Trong bài thơ viết khi ông ở làng Long Tịch, cảnh sinh hoạt học tập của trẻ
con, cảnh làm ăn sinh sống của người dân được ông ghi lại vừa khái quát vừa sinh
động:
學童霜履虹橋去
Học đồng sương lý hồng kiều khứ,
釣叟煙凌水滸歌
Điếu tẩu yên lăng thuỷ hử ca.
邨落生涯勤少婦
Thôn lạc sinh nhai cần thiếu phụ,
簷前邀月揀棉花
Diêm tiền yêu nguyệt giản miên hoa.
(Trịnh Hoài Đức, Long Tịch thôn cư tạp vịnh)1
(Học trò nhỏ đi trên chiếc cầu cong cong trong màn sương,
Ông già câu cá hát vang bên bờ nước mờ khói.
Trong xóm thôn, người thiếu phụ cần cù làm việc kiếm sống,
Trước mái nhà, chờ trăng lên để nhặt hoa gòn.)2
Cảnh sinh hoạt bàn luận thơ ca thời bấy giờ trên vùng đất Nam Bộ mà đặc biệt
ở Gia Định cũng khá sôi nổi:
自是時名先輩,樂與交遊,許以忘年拉登論文鏖筆之壇範,我馳驅從容
取勝,而安靜之名已並播於文人之口矣“Tự thị thời danh tiên bối, lạc dữ giao du,
hứa dĩ vong niên lạp đăng luận văn ao bút chi đàn phạm. Ngã trì khu thung dung thủ
1
Các bản trích dẫn thơ của Trịnh Hoài Đức đều được trích từ Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.780, Thư viện Viện
Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ.
2
Tất cả những bản dịch thơ Gia Định tam gia được sử dụng trong đây đều là của chúng tôi, các bản dịch của
người khác chúng tôi đều có ghi chú.
22
thắng, nhi An Tĩnh chi danh dĩ tịnh bá ư văn nhân chi khẩu hĩ” (Từ đó, các bậc tiên
bối nổi danh thời bấy giờ, vui vẻ cùng kết giao, xem là bạn vong niên, cho tham dự
các cuộc bàn văn luận bút, chúng tôi nhanh chóng thong dong giành thắng, nên cái
tên An (Trịnh Hoài Đức), Tĩnh (Ngô Nhân Tĩnh) đều được truyền rộng qua miệng
các văn nhân vậy.)
Chi tiết này cho thấy đội ngũ trí thức trên vùng Nam Bộ, khoảng nửa cuối thế
kỷ 18, đặc biệt là ở Gia Định đã khá phát triển. Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê
Quang Định, Ngô Tòng Châu, Nguyễn Hương… là những học trò của Võ Trường
Toản và Đặng Đức Thuật. Đặc biệt là từ khi gặp Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức,
Ngô Nhân Tĩnh đã tập hợp các bạn yêu thơ và thành lập thi xã có tên là Sơn Hội,
tập trung nhiều nhà thơ gốc người Minh Hương như Hối Sơn Huỳnh Ngọc Uẩn, Kỳ
Sơn Diệp Minh Phụng, Phục Sơn Vương Kế Sinh, Nhân Sơn là em họ của Trịnh
Hoài Đức…
Những chính sách trong thời chiến của Gia Long đã thúc đẩy Gia Định trở
thành trung tâm kinh tế-văn hoá của cả vùng Nam Bộ. Đồng thời, để đủ lực lượng
chống lại Tây Sơn, Gia Long cần có một đội ngũ quan lại trí thức làm việc cho
mình, bằng việc tổ chức các kỳ thi tuyển chọn nhân tài.
Năm 1788, có đợt ứng thí ra làm quan, trong đợt này, Trịnh Hoài Đức, Lê
Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh… đều ra ứng
thí. Trong Thực lục cho biết, năm 1791, mở khoa thi, lấy trúng cách 12 người (phép
thi, kỳ đệ nhất, chế nghĩa thì kinh truyện đều một đạo, thơ thì dùng sử dùng cảnh
đều một bài; kỳ đệ nhị, chiếu chế biểu dùng sử dùng cảnh đều ba đạo), vua thấy số
thi hỏng nhiều, lại sai khảo hạch lại [92, tr.274]. Tháng chạp năm 1795, ra quy chế
về thi cử, thi hội vào tháng 3, theo đúng quy định tiền triều [92, tr.331]. Tháng 3
năm 1796, mở khoa thi lấy đỗ 273 người, trong đó trúng tam trường 14 người, trúng
nhị trường 54 người, trúng nhất trường 205 người [92, tr.334].
Sau khi giành lại chính quyền từ Tây Sơn, việc tổ chức học hành thi cử có quy
củ hơn khiến cho con số những người học hành đỗ đạt ở khu vực Nam Bộ tăng lên
đáng kể. Năm 1802, số người thi lấy đỗ giảm xuống mà số người đỗ cao tăng lên:
41 người tam trường, 46 người nhị trường, 92 người nhất trường. Từ 1813 đến 1864
triều Nguyễn đã tổ chức 20 khoa thi hương ở trường Gia Định lấy đỗ 269 người Cử
23
nhân, Hương cống. Cảnh học hành nhộn nhịp này được ghi lại trong bài Cổ Gia
Định phong cảnh vịnh:
Chốn thí trường lẩy lẩy nho sinh,
Đều nhắm cánh hộc hồng, một thuở bảng vàng lăm chiếm.
Nhà quốc học dẫy đầy sĩ tử,
Gắng gia công đăng hoả, mười năm đèn sách đợi mây [37, tr.246]
Với tình hình học hành thi cử như vậy, những người trong đội ngũ trí thức đó
sẽ đứng vào hàng ngũ của lực lượng sáng tác văn học Hán Nôm ở Nam Bộ và hoà
nhập với đội ngũ sáng tác của cả nước.
Các tác giả tác phẩm tiêu biểu của văn học Hán Nôm Nam Bộ trong thời kỳ
này, trước tiên có thể kể đến tác phẩm của nhóm thơ Chiêu Anh Các ở Hà Tiên do
Mạc Thiên Tích làm chủ soái (thành lập vào năm 1736), như Hà Tiên thập cảnh
vịnh, Minh bột di ngư thi thảo, Hà Tiên quốc âm thập cảnh ngâm khúc… Trong đó,
Hà Tiên thập cảnh vịnh ngoài việc được các nhân sĩ Trung Quốc hoạ vần, những
nhà thơ ở Nam Bộ như Trịnh Liên San cũng có vịnh hoạ…
Võ Trường Toản với Hoài cổ phú, Đặng Đức Thuật với bài sớ Thập sách và
Quy sơn thập vịnh (tác phẩm này hiện chưa tìm thấy, nhưng theo Trịnh Hoài Đức
trong bài thơ Khốc Đặng Cửu Tư tiên sinh phần chú thích có chép tên hai tác phẩm
này). Ngoài Võ Trường Toản và Đặng Đức Thuật, còn có Lâm Tấn và Trần Nam
Lai. Lâm Tấn với bài Đề Lễ công từ chép trong Gia Định thành thông chí của Trịnh
Hoài Đức và trong Đại Nam nhất thống chí… Trần Nam Lai người xứ Hà Tiên sau
về ngụ ở Trấn Biên cũng là một nhà thơ có tiếng thời bấy giờ, tuy nhiên tác phẩm
của ông cho đến nay vẫn chưa tìm thấy. Trong bài Khốc Trần Nam Lai của Trịnh
Hoài Đức viết năm 1786 khi Trần Nam Lai mất cho thấy tài thơ và tài viết chữ của
ông qua hai câu thơ:
嘉定至今師字法
Gia Định chí kim sư tự pháp,
河僊自昔祖詩才
Hà Tiên tự tích tổ thi tài.
(Trịnh Hoài Đức, Khốc Trần Nam Lai)
(Đến nay ở đất Gia Định, ông vẫn là bậc thầy viết chữ,
Thuở trước ở Hà Tiên, ông là bậc tổ về tài thơ.)
Tiếp theo là Gia Định tam gia: Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân
Tĩnh với số lượng sáng tác khá nhiều mà chúng tôi sẽ nói ở sau.