ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------
TRẦN BÁCH HIẾU
QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA CỤC DIỆN
CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á TỪ 1991 ĐẾN 2011
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Hà Nội - 2015
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
---------------------------
TRẦN BÁCH HIẾU
QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG CỦA CỤC DIỆN
CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á TỪ 1991 ĐẾN 2011
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại
Mã số: 62.22.50.05
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS Phạm Quang Minh
Hà Nội - 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu trong luận án là trung thực. Các số liệu và tài liệu tham
khảo trong luận án đều được ghi rõ nguồn. Những kết luận khoa học
của luận án chưa được ai công bố trong bất kì công trình nào khác.
Tác giả luận án
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình hoàn thành luận án, tôi đã nhận được sự giúp đỡ và sự
đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo trong khoa Lịch sử và bộ môn Lịch sử
thế giới; sự giúp đỡ của Khoa Khoa học Chính trị, Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội…
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy hướng dẫn khoa học là
PGS.TS. Phạm Quang Minh đã hết sức tận tình, dành nhiều thời gian và tâm
huyết giúp đỡ, trao đổi và chỉ ra những định hướng nghiên cứu để tôi hoàn
thành luận án.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy chủ nhiệm bộ môn
Lịch sử thế giới PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã luôn quan tâm giúp đỡ để tôi
hoàn thành khóa học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án của mình. Đặc
biệt, tôi xin gửi lời cám chân thành tới GS.NGND. Vũ Dương Ninh - người
thầy lớn đã truyền thêm động lực, chỉ bảo nhiều điều giúp tôi sáng tỏ nhiều
vấn đề khoa học để hoàn thành bản luận án này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả sự quan tâm và giúp đỡ đó!
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
APEC
Asia Pacific Economic Cooperation
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
ARF
ASEAN Regional Forum
Diễn đàn khu vực ASEAN
ASEAN
The Association of Southeast Asian Nations
Hiệp hội các nước Đông Nam Á
BRICS
Brazil Russia India China South Africa
Nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung
Quốc, Nam Phi
CHDCND Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
CHND
Cộng hòa nhân dân
EU
European Union
Liên minh châu Âu
EAS
East Asian Summit
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á
GDP
Gross Domestic Product
Tổng sản phẩm quốc nội
FTA
Free Trade Area
Khu vực tự do thương mại
IAEA
International Atomic Energy Agency
Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế
KHCN
Khoa học Công nghệ
NATO
North Atlantic Treaty Organization
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
NGO
Non-governmental Organization
Tổ chức phi chính phủ
NICs
New Industrial Countries
Các nước công nghiệp mới
OPEC
Organization of Petroleum Exporting Countries
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
QHQT
Quan hệ quốc tế
SCO
Shanghai Cooperation Organization
Tổ chức hợp tác Thượng Hải
SEV
Совет экономической взаимопомощи Sovyet Ekonomičeskoy
Vzaimopomošči, SEV (СЭВ, SEW) (tiếng Nga)
Council of Mutual Economic Assistance (COMECON) hoặc
CMEA (tiếng Anh)
Hội đồng tương trợ kinh tế
SNG
Tiếng Nga: Содружество Независимых Государств, viết tắt:
СНГ, chuyển tự sang tiếng La Tinh thành Sodruzhestvo
Nezavisimykh Gosudarstv
Tiếng Anh: Commonwealth of Independent States (CIS)
Cộng đồng các quốc gia độc lập
TBCN
Tư bản chủ nghĩa
TNC
Transnational Corporation
Công ty xuyên quốc gia
USD
US Dollar
WTO
World Trade Organization
Tổ chức thương mại thế giới
XHCN
Xã hội chủ nghĩa
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU .................................................................................................. 1
Chƣơng 1. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI........ 8
1.1. Những công trình nghiên cứu trong nƣớc .......................................... 8
1.2. Những công trình nghiên cứu ngoài nƣớc ........................................ 17
1.3. Một số đánh giá ................................................................................... 27
Chƣơng 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CỤC DIỆN
CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á SAU CHIẾN TRANH LẠNH ............................... 29
2.1. Cơ sở lý luận ........................................................................................ 29
2.1.1. Khái niệm cục diện ......................................................................... 29
2.1.2. Khái niệm cục diện chính trị khu vực ............................................ 32
2.1.3. Các yếu tố tác động làm thay đổi cục diện chính trị khu vực ........ 33
2.2. Cơ sở thực tiễn .................................................................................... 36
2.2.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực Đông Á giai đoạn 1991 - 2001 ........ 36
2.2.2. Bối cảnh quốc tế và khu vực Đông Á giai đoạn 2001 - 2011 ........ 41
Tiểu kết chƣơng 2 ...................................................................................... 47
Chƣơng 3. CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á TỪ 1991 ĐẾN 2011 ........ 49
3.1. Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991 - 2001 ............................ 49
3.1.1. Vị trí, vai trò của các cường quốc khu vực .................................... 49
3.1.2. Vị trí, vai trò của các nước vừa và nhỏ thông qua các cơ chế
hợp tác đa phương .................................................................................... 59
3.1.3. Vị trí, vai trò của các cường quốc ngoài khu vực .......................... 66
3.2. Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 2001 - 2011 ............................ 74
3.2.1. Vị trí, vai trò của các cường quốc khu vực .................................... 74
3.2.2. Vị trí, vai trò của các nước vừa và nhỏ thông qua các cơ chế
hợp tác đa phương .................................................................................... 81
3.2.3. Vị trí, vai trò của các cường quốc ngoài khu vực .......................... 93
Tiểu kết chƣơng 3 .................................................................................... 104
Chƣơng 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á
TỪ 1991 ĐẾN 2011 VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM ................. 106
4.1. Một số nhận xét về các cƣờng quốc khu vực Đông Á.................... 107
4.1.1. Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ .................................... 107
4.1.2. Nhật Bản vận dụng công cụ ngoại giao kinh tế ngày càng linh
hoạt, hiệu quả ......................................................................................... 112
4.2. Một số nhận xét về cơ chế hợp tác đa phƣơng của ASEAN ......... 114
4.3. Một số nhận xét về các cƣờng quốc ngoài khu vực Đông Á ......... 116
4.3.1. Hoa Kỳ áp đặt vị trí siêu cường của mình tại khu vực Đông Á ... 116
4.3.2. Nga phục hồi ngày càng mạnh mẽ sau khi Liên Xô sụp đổ ......... 123
4.4. Mối quan hệ giữa cục diện kinh tế với cục diện chính trị Đông Á .. 126
4.5. Một số nhận định về cục diện chính trị Đông Á giai đoạn sau 2011.. 128
4.5.1. Sự tiếp tục vai trò chủ đạo của Mỹ .............................................. 128
4.5.2. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những thách thức đối với Mỹ .... 132
4.5.3. ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cục diện chính trị khu vực .. 135
4.5.4. Cục diện khu vực vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn ............................ 137
4.6. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam ............................................ 140
Tiểu kết chƣơng 4 .................................................................................... 144
KẾT LUẬN .................................................................................................. 146
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .............................................................................. 150
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................... 151
LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thế kỷ XX qua đi đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại trong quan hệ quốc
tế, mà một trong những sự kiện đó là sự ra đời và tan rã của Liên bang Cộng
hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô) vào năm 1991. Sự sụp đổ
của Liên Xô đã tác động không nhỏ đến tương quan lực lượng trên thế giới,
đồng thời tạo nên những chuyển biến nhanh chóng trong đời sống quan hệ
quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Trật tự thế giới hai cực đối đầu tồn tại gần nửa thế kỷ kết thúc, cục diện
thế giới và cơ cấu quyền lực quốc tế đã và đang được sắp xếp lại. Quan hệ
giữa các quốc gia dân tộc không còn bị chi phối nặng nề bởi ý thức hệ, thay
vào đó là lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu trong quan hệ quốc tế. So sánh
lực lượng trên bình diện toàn cầu từ chỗ cân bằng giữa hai hệ thống chính trị xã hội đối lập đã và đang chuyển sang hướng có lợi cho Mỹ và phương Tây.
Trong bối cảnh nhiều biến động ấy, Đông Á hiện hữu trên bàn cờ chính
trị quốc tế với nhiều bình diện khác nhau. Hiện nay, Đông Á được các chuyên
gia đánh giá là một khu vực kinh tế năng động nhất trên thế giới trong suốt ba
thập kỷ qua với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn tốc độ trung bình của
các khu vực khác trong nền kinh tế thế giới. Đông Á cũng là khu vực có lãnh
thổ rộng lớn, dân số đông và tài nguyên giàu có. Các quốc gia trong khu vực
này đang ở trong những giai đoạn khác nhau của sự phát triển kinh tế cùng
với những nét đa dạng trong hệ thống chính trị, các đặc trưng dân tộc và
truyền thống văn hóa.
Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Hay đã khẳng
định: “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện
tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai” [82]. Quả thật, đúng như khẳng
định của John Hay, ngày nay, khu vực Đông Á đã trở thành lực lượng có sức
mạnh vũ bão trên thế giới.
1
Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, các chủ thể quốc gia và phi quốc gia
trong khu vực đều có những điều chỉnh trong chiến lược và chính sách phát
triển của mình và chính những sự điều chỉnh này đã tác động trở lại đến toàn
bộ cục diện khu vực và thế giới. Ở Đông Á, những nước như Nhật Bản, Trung
Quốc, Hàn Quốc, tổ chức khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(The Association of Southeast Asian Nations - ASEAN), và các cơ chế do
ASEAN dẫn dắt là những nước và tổ chức khu vực được coi là có tác động
trực tiếp đến việc hình thành cục diện khu vực hiện nay và trong tương lai.
Đồng thời, Đông Á cũng là khu vực đan xen lợi ích và có quan hệ phức tạp
giữa các nước lớn. Chính những yếu tố trên đã tác động đến việc hình thành
các đặc điểm riêng biệt của khu vực này. Bối cảnh quốc tế với nhiều sự kiện
trọng đại và phức tạp, cùng với những tác động đa chiều của nó đã ảnh hưởng
đến cục diện chính trị và quan hệ quốc tế ở Đông Á.
Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, một
bộ phận quan trọng của khu vực Đông Á. Do vậy, tình hình phát triển của khu
vực này có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng Cộng sản Việt
Nam đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nhận định về tình hình
khu vực Đông Á nói riêng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, đặc
biệt là về tình hình chính trị, bởi vì có ổn định chính trị thì mới đảm bảo an
ninh khu vực, từ đó mới có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hoá,
xã hội trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Đảng và Nhà nước
Việt Nam cũng đã đề ra mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành
một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vậy Quá trình vận động của cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến
2011 có những đặc điểm gì nổi bật? Cục diện chính trị khu vực này hiện nay
và trong tương lai sẽ diễn biến ra sao?; Tương quan, cơ cấu quyền lực và luật
chơi giữa các chủ thể tại khu vực này là như thế nào? Những tác động của cục
2
diện chính trị đó đối với Việt Nam ra sao? là những câu hỏi cần được giải
đáp. Chính vì lẽ đó, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài Quá trình vận động
của cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011 làm luận án tiến sĩ chuyên
ngành lịch sử thế giới cận đại và hiện đại của mình để cố gắng góp phần làm
sáng tỏ những vấn đề trên.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích chính của luận án là phân tích quá trình vận động của cục
diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011 từ góc độ lịch sử kết hợp với chính
trị quốc tế, từ đó rút ra được những đặc điểm của cục diện chính trị Đông Á,
đánh giá tác động của cục diện đối với khu vực và đưa ra một số khuyến nghị
cho Việt Nam trước sự vận động của cục diện chính trị Đông Á.
Để hoàn thành mục tiêu trên, luận án sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ
chủ yếu sau đây:
- Đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
của các tác giả trong và ngoài nước.
- Luận giải khái niệm cục diện, cục diện chính trị khu vực, các yếu tố
tác động làm thay đổi cục diện chính trị khu vực.
- Phân tích vị trí, vai trò của các chủ thể chủ yếu trong quá trình phát
triển của cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011 với hai giai đoạn từ
1991 đến 2001 và từ 2001 đến 2011.
- Nhận xét cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011, từ đó, đưa ra
một số khuyến nghị cho Việt Nam trước quá trình vận động của cục diện
chính trị khu vực Đông Á.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Quá trình vận động của cục diện chính trị khu
vực Đông Á, chủ yếu bàn về khía cạnh chính trị - an ninh của cục diện chính
trị Đông Á.
3
Phạm vi nghiên cứu:
Phạm vi không gian: Khu vực Đông Á, bao gồm những quốc gia Đông
Bắc Á và Đông Nam Á.
Cho đến nay, đã có rất nhiều ý kiến về cách xác định khuôn khổ Đông
Á xét từ các tiêu chí khu vực địa - văn hóa, địa - lịch sử. Có ý kiến cho rằng
Đông Á bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á, hoặc coi Đông Á chính là
Đông Bắc Á. Ngoài ra, còn có cách gọi Đông Á bao gồm cả Nam Á nhưng
không phổ biến. Hay có cách hiểu khác, Đông Á là vùng bờ phía Tây của
Thái Bình Dương, trải dài từ vùng Trucottca của Nga ở phía Bắc tới
Singapore ở phía Nam. Theo định nghĩa trong Từ điển Bách khoa thư thì
“Đông Á là một phần của vành đai núi lửa quanh Thái Bình Dương và của
máng te-tít cũ chạy từ sơn nguyên Tiểu Á đến quần đảo Mã Lai”, theo đó,
Đông Á là một phần lục địa châu Á, giáp Thái Bình Dương, thuộc ôn đới, cận
nhiệt đới và nhiệt đới (từ 20 độ đến 60 độ vĩ bắc), phần đất liền chủ yếu thuộc
nền Trung Hoa và khu uốn nếp Trung Sinh, ngoài đất liền còn quần đảo Kuril,
Sakhalin, Nhật Bản, Đài Loan. Các nước ở Đông Á gồm miền Viễn Đông của
Nga, Trung Quốc, Nhật Bản,Triều Tiên, Hàn Quốc.
Rõ ràng, khái niệm khu vực Đông Á còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Chính vì những nhận thức khác nhau về khu vực Đông Á như trên nên quan
niệm về Đông Á của các nhà nghiên cứu cũng rất khác nhau. Trong khuôn
khổ luận án này, quan điểm của tác giả khi nói đến Đông Á là nói đến cả hai
khu vực là: Đông Bắc Á gồm các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,
CHDCND Triều Tiên; Đông Nam Á với toàn bộ 11 quốc gia nằm trong đó, cụ
thể là Brunei, Campuchia, Đông Timo, Indonesia, Lào, Malaysia, Mianma,
Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tuy không nằm trong phạm vi
địa lí tự nhiên trong khu vực Đông Á nhưng với vị trí, sự can dự và liên hệ
của mình với khu vực Đông Á, Hoa Kỳ, Nga cũng được đề cập như những
chủ thể có vai trò bậc nhất trong quá trình tạo nên cục diện chính trị Đông Á
4
bên cạnh các cường quốc, tổ chức ngoài khu vực như Ấn Độ, Úc, New
Zealand, EU...
Về giới hạn thời gian: Từ 1991 đến 2011.
Năm 1991 được chọn là mốc mở đầu cho phạm vi thời gian nghiên cứu
của luận án bởi lẽ năm này đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử thế
giới và lịch sử khu vực với sự kiện chấm dứt Chiến tranh lạnh, trật tự hai cực
sụp đổ và sự tan rã của Liên Xô. Sự sụp đổ và tan rã đó đã tạo ra những thay
đổi lớn trên bàn cờ chính trị thế giới và khu vực.
Trong nội dung của luận án, năm 2001 được chọn là năm chuyển tiếp
giữa hai giai đoạn 1991 – 2001 và 2001 – 2011 bởi ý nghĩa của sự kiện khủng
bố 11/9 tại Mỹ. Sự kiện 11/9/2001 đã dẫn tới những thay đổi lớn lao trong đời
sống chính trị thế giới nói chung và khu vực Đông Á nói riêng, khiến cục diện
chính trị Đông Á có những vận động sâu sắc về tương quan lực lượng, cơ cấu
quyền lực cũng như luật chơi giữa các chủ thể trên bàn cờ chính trị khu vực
và thế giới những năm đầu thế kỷ XXI.
Năm 2011 được chọn là mốc kết thúc trong nghiên cứu của luận án về
mặt thời gian bởi năm này được đánh dấu bằng sự điều chỉnh chiến lược của
Hoa Kỳ và các cường quốc trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn
Quốc và ASEAN.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận án, phương pháp nghiên cứu chủ yếu mà nghiên
cứu sinh đã sử dụng là phương pháp lịch sử. Ngoài ra, luận án được thực hiện
trên cơ sở vận dụng một cách tổng hợp các phương pháp nghiên cứu giữa
phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic, phương pháp tổng hợp,
thống kê, so sánh… Đồng thời, luận án cũng sử dụng các phương pháp nghiên
cứu quốc tế như phân tích quyền lực chính trị, phân tích trường hợp điển hình
(case study).
5
5. Đóng góp của luận án
Dựa vào nguồn tài liệu chính thống trong nước và các nghiên cứu quốc
tế, luận án góp phần luận giải và làm sáng tỏ thêm Quá trình vận động của
cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011. Qua đó, có thể thấy được
nguyên nhân, diễn biến, thay đổi trong cục diện chính trị Đông Á và tác động
của nó đối với khu vực và thế giới qua những trung tâm quyền lực của trật tự
thế giới mới. Bên cạnh đó, luận án cũng góp phần luận giải và làm sáng tỏ
khái niệm cục diện chính trị nói chung, cục diện chính trị Đông Á nói riêng
qua hai giai đoạn 1991 – 2001 và 2001 – 2011. Đồng thời, luận án cũng góp
phần mô hình hóa cục diện chính trị khu vực Đông Á để thấy được thứ bậc
quyền lực của các chủ thể quan hệ chính trị quốc tế quan trọng của khu vực,
để thấy được bố cục và diện mạo, cũng như đặc trưng của cục diện chính trị
khu vực Đông Á qua từng giai đoạn. Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham
khảo trong việc học tập của sinh viên, học viên chuyên ngành lịch sử thế giới,
quan hệ quốc tế, chính trị học, đông phương học… và cho những người quan
tâm đến các vấn đề lịch sử quan hệ quốc tế, tìm hiểu tình hình khu vực Đông
Á, cục diện chính trị Đông Á.
6. Kết cấu luận án
Xuất phát từ mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu nói trên, ngoài phần mở
đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án có kết cấu bốn chương,
cụ thể là:
Chƣơng 1. TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Trong chương này, nghiên cứu sinh đã đánh giá tổng quan các công
trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến đề tài của các tác giả trong và
ngoài nước, chỉ ra những kết quả nghiên cứu quan trọng, đồng thời đánh giá
những hạn chế của các công trình này. Trên cơ sở đó, luận án cố gắng bổ
sung, làm rõ những vấn đề mà các công trình đi trước còn chưa đề cập hoặc
đề cập chưa đầy đủ.
6
Chƣơng 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CỤC DIỆN
CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á SAU CHIẾN TRANH LẠNH
Nội dung chương 2 của luận án luận giải khái niệm cục diện, cục diện
chính trị khu vực, đặc biệt là so sánh khái niệm “cục diện” với khái niệm “trật
tự” – hai khái niệm đang được sử dụng phổ biến hiện nay khi phân tích về
khía cạnh chính trị của một quốc gia, khu vực, hay thế giới. Đồng thời,
chương 2 của luận án cũng trình bày các cơ sở thực tiễn cho nội dung nghiên
cứu của luận án bằng việc trình bày bối cảnh quốc tế và khu vực Đông Á qua
hai giai đoạn từ 1991 đến 2001 và từ 2001 đến 2011 để thấy được khung cảnh
chung của sự vận động của chính trị Đông Á qua từng giai đoạn, coi đó là nội
dung tiền đề quan trọng chuyển tiếp tới nội dung nghiên cứu quan trọng nhất
của luận án: Cục diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011.
Chƣơng 3. CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ ĐÔNG Á TỪ 1991 ĐẾN 2011
Trong chương này, nghiên cứu sinh trình bày, phân tích sự vận động
của cục diện chính trị Đông Á qua hai giai đoạn từ 1991 đến 2001 và từ 2001
đến 2011 bằng cách phân tích vị trí, vai trò của các chủ thể quan hệ quốc tế
chủ yếu trong khu vực, với ba nhóm chủ thể quyền lực tương tác trong cục
diện chính trị khu vực: một là vị trí, vai trò của các cường quốc khu vực như
Trung Quốc, Nhật Bản; hai là vị trí, vai trò của các nước vừa và nhỏ thông
qua các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, ARF, APEC; và ba là vị trí,
vai trò của các chủ thể ngoài khu vực mà cụ thể trong khuôn khổ giới hạn của
luận án tập trung nghiên cứu chủ yếu là Hoa Kỳ và Nga.
Chƣơng 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CỤC DIỆN CHÍNH TRỊ
ĐÔNG Á TỪ 1991 ĐẾN 2011 VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO VIỆT NAM
Chương cuối cùng của luận án tập trung vào đánh giá, nhận xét về cục
diện chính trị Đông Á từ 1991 đến 2011, đồng thời đưa ra một số nhận định
về triển vọng và đề xuất một số khuyến nghị cho Việt Nam trước sự vận động
của cục diện chính trị khu vực Đông Á trong tương lai.
7
Chƣơng 1
TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Quá trình vận động của cục diện chính trị khu vực Đông Á từ 1991 đến
2011 là đề tài còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Từ khi Đảng và Nhà nước ta từng
bước thực hiện đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng chính sách đối ngoại rộng
mở, tích cực, độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế với
mục tiêu hàng đầu là tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp phát
triển đất nước, chúng ta đã ngày càng chú trọng tới cục diện chính trị khu vực.
Sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước tới vấn đề chính trị khu vực
và quan hệ chính trị giữa các quốc gia từ đó cũng ngày càng gia tăng.
1.1. Những công trình nghiên cứu trong nƣớc
Ở trong nước, đã có khá nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên
các tạp chí có uy tín về cục diện thế giới nói chung, cục diện khu vực Đông Á
nói riêng như: Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Nghiên cứu Trung Quốc, Nghiên
cứu Đông Bắc Á, Nghiên cứu Đông Nam Á, Châu Mỹ ngày nay,... Nhìn chung,
những công trình đó được chia thành 3 nhóm nghiên cứu chủ yếu như sau:
Thứ nhất là nhóm các công trình nghiên cứu về cục diện, trật tự khu
vực Đông Á
Trong công trình nghiên cứu “Trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh:
Phân tích và dự báo” (tập 2), do Lại Văn Toàn chủ biên, xuất bản năm 2001,
tại Phần III: Vị thế của Đông Á trong trật tự thế giới mới, các tác giả đều đi
tới nhận định chung rằng các quốc gia ở Đông Á sẽ vượt qua được những
khác biệt, mâu thuẫn để hướng tới hợp tác đa phương và toàn diện, đó là xu
hướng hướng tâm, liên kết nội khối. Các bài viết đều nhấn mạnh vai trò của
các cơ chế đa phương, nhất là trong lĩnh vực an ninh và hợp tác kinh tế. Tuy
nhiên, cục diện Đông Á không được các tác giả đề cập tới.
Cuốn sách “Cục diện châu Á – Thái Bình Dương” của tác giả Dương
Phú Hiệp và Vũ Văn Hà, xuất bản năm 2006, đã phác hoạt một bức tranh tổng
8
thể về cục diện của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong 20 năm đầu thế
kỉ XXI mà trọng tâm là Đông Bắc Á và Đông Nam Á; cung cấp những thông
tin, luận cứ khoa học, dự báo tình hình và các xu hướng phát triển cũng như
sự kiện liên kết khu vực nhằm xác định những tác động của chúng đối với
Việt Nam. Cuốn sách này gồm 4 chương: Chương I xác định cục diện kinh tế
khu vực châu Á – Thái Bình Dương, làm rõ các xu hướng biến đổi chủ yếu về
lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, qua đó thể hiện những thay đổi về thế
và lực của các nền kinh tế, các chủ thể kinh tế trong khu vực. Chương II trình
bày cục diện chính trị, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đưa ra
một cách khái quát nhất thực trạng chính trị, an ninh, các quan hệ quốc tế, so
sánh lực lượng chính trị - kinh tế, cơ chế và cách thức giải quyết các vấn đề
của khu vực từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, đồng thời đưa ra một số điểm
thuận lợi, thách thức và xu hướng phát triển đến năm 2020. Chương III: Cục
diện văn hoá, xã hội bàn về vấn đề văn hoá, dân tộc, tôn giáo, dân số, việc
làm, phân tầng xã hội và phúc lợi xã hội. Tiếp theo, Chương IV đề cập đến sự
tác động của cục diện châu Á – Thái Bình Dương đối với Việt Nam. Qua đó,
có thể thấy, Đông Á không chỉ là môi trường trực tiếp của Việt Nam, nơi
chứa đựng những lợi ích cơ bản mà còn là khu vực có vị trí quan trọng trong
hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam và là đầu cầu đi ra thế giới.
Cuốn sách “Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh lạnh” do
tác giả Trần Anh Phương chủ biên, xuất bản năm 2007, đã trình bày có hệ
thống, toàn diện và sâu sắc quan hệ chính trị ở Đông Bắc Á. Ở đây, tác giả tập
trung phân tích trên hai chiều cạnh cơ bản là: cạnh tranh (xung đột lợi ích và
quyền lực biểu hiện thông qua các cuộc tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn
giữa các quốc gia) và hợp tác (liên kết khu vực) ở khu vực Đông Bắc Á. Theo
tác giả, trục tam giác Mỹ - Nhật - Trung đóng vai trò quan trọng đối với chính
trị khu vực. Sự cọ xát chiến lược giữa ba chủ thể này là nguyên nhân cơ bản
của những biến động chính trị khu vực. Tác giả cũng đưa ra nhận định về
9
tương lai khu vực đến năm 2015 với xu hướng chủ đạo là liên kết và hợp tác,
dân chủ, tự do hoá trong đời sống kinh tế - chính trị khu vực. Đồng thời, các
tác giả cho rằng Việt Nam nên tranh thủ thời cơ hội nhập này để có thể tiếp
cận được với khu vực Đông Bắc Á nhằm tìm kiếm được những lợi ích về kinh
tế, khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, cục diện chính trị khu vực dưới góc nhìn
của tác giả vẫn tập trung vào các chủ thể quốc gia mà đánh giá thấp vai trò
của các chủ thể phi quốc gia.
Tập kỷ yếu “An ninh châu Á - Thái Bình Dương những năm đầu thế kỷ
XXI” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh biên tập năm 2008, đã phác hoạ bức tranh tổng quan
về tình hình an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương trên ba phương diện an
ninh chung, chính sách an ninh của các nước lớn ở châu Á – Thái Bình
Dương, cơ chế an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cục
diện chính trị khu vực chưa được các tác giả khắc hoạ rõ nét.
Cuốn sách “Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á giai đoạn 2011 – 2020” do
hai tác giả là Nguyễn Xuân Thắng, Đặng Xuân Thanh chủ biên, nhà xuất bản
Khoa học Xã hội ấn hành năm 2013 đã phân tích rõ luận điểm rằng thập niên
2001-2010 đánh dấu sự nổi lên của khu vực Đông Bắc Á như một trong
những tâm điểm quan trọng nhất của thế giới về kinh tế và chính trị. Đông
Bắc Á nói chung, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực nói riêng, có
vai trò và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với an ninh và phát triển
của Việt Nam. Trên cơ sở tập trung phân tích, đánh giá cục diện khu vực, kiến
trúc an ninh, tiến trình hội nhập kinh tế ở Đông Bắc Á, các điểm nóng, vấn đề
nổi bật, xu hướng biến chuyển của khu vực, cuốn sách đưa ra dự báo về xu
hướng kinh tế, chính trị nổi bật trong thập niên 2011-2020 và tầm nhìn đến
năm 2030.
Bản báo cáo tổng hợp “Sự biến động địa chính trị Đông Á hai thập
niên đầu thế kỷ XXI: Những vấn đề đặt ra và đối sách của Việt Nam” do
10
PGS.TSKH. Trần Khánh (Chủ nhiệm) cùng các đồng nghiệp chấp bút, in năm
2010, đã làm rõ bức tranh địa chính trị và đời sống chính trị khu vực từ thập
niên 90 của thế XX đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Có thể nói,
đây là công trình khoa học rất công phu và có giá trị học thuật lớn của tập thể
các nhà nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế hàng đầu Việt Nam hiện nay. Bản
báo cáo tổng hợp gồm 3 phần chính, chia thành 9 chương. Trong Phần thứ
nhất: Bức tranh địa chính trị và trật tự Đông Á thập niên 90 của thế kỷ XX,
bên cạnh việc làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của sự hình thành khu vực địa
chính trị Đông Á, các tác giả tập trung vào việc đánh giá và nêu ra những đặc
điểm trong bức tranh địa chính trị Đông Á trong những năm cuối của thế kỷ
XX. Phần thứ hai: Những biến đổi mới của thế giới và khu vực thập niên đầu
thế kỷ XXI và tác động của chúng đến tương quan ảnh hưởng và trật tự quyền
lực ở Đông Á hiện nay và trong thập niên tới, nội dung này của bản báo cáo
đã luận giải những chiều cạnh của cục diện, trật tự địa chính trị Đông Á
những năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, có sự phân tích khái quát và sâu sắc
mối tương quan giữa các chủ thể cấu thành nên cục diện khu vực, từ quốc gia
tới phi quốc gia; sự nổi lên của các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền
thống, các vấn đề khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài
chính,... có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của các quốc gia và phương
thức giải quyết giữa các quốc gia đối với các vấn đề đó. Trong phần này, các
thể chế khu vực cũng được nhắc tới như một chủ thể đang ngày càng đóng vai
trò quan trọng trong cục diện khu vực, mà thiếu nó Đông Á sẽ trở thành một
khu vực hỗn loạn và xung đột. Đó là sự gia tăng các mối cố kết khu vực cả về
kinh tế lẫn chính trị như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ
chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hợp tác Đông Á theo các cơ chế
ASEAN+1 và ASEAN+3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hợp tác
Đông Bắc Á, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF),... Cuối phần này, cục diện
chính trị khu vực hiện nay và trong tương lai được phác hoạ khá rõ nét với sự
phân bậc vị thế các quốc gia cũng như sự thay đổi vị thế và so sánh ảnh
11
hưởng quyền lực giữa các cường quốc chủ đạo trong khu vực. Bên cạnh đó,
còn là sự tái khẳng định và nổi lên mạnh mẽ của Nga, Ấn Độ, ASEAN và các
nhân tố khác như Hàn Quốc, EU, các chủ thế khác sẽ là những yếu tố không
nhỏ định hình nên cục diện chính chị trị Đông Á trong tương lai. Tại Phần thứ
ba: Tác động của biến động địa chính trị, trật tự Đông Á và phản ứng chính
sách của Việt Nam, các tác giả bàn luận về những hệ quả mà những biến động
địa chính trị tạo nên ở Đông Á. Các phân tích trong phần này chủ yếu nhằm
vào ASEAN và Việt Nam để tìm ra những phương thức ứng xử quốc tế phù
hợp với sức mạnh và lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á, mà quan trọng
nhất là Việt Nam. Tuy vậy, đề tài này chưa đề cập đến sự tác động của các
nền văn hoá – văn minh đối với cục diện chính trị khu vực. Đông Nam Á là
nơi giao thoa và gặp gỡ của rất nhiều các nền văn hoá khác nhau nên việc
phân tích khu vực từ góc độ văn hoá – văn minh cũng là điều không thể thiếu.
Cuốn sách “Cục diện thế giới đến 2020” do Phạm Bình Minh chủ biên,
xuất bản năm 2010 đã tập trung phân tích về cục diện thế giới, những nhân tố
tác động tới xu hướng phát triển của nó đến năm 2020. Các tác giả cũng đã
phân tích về cục diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đưa ra dự báo về
quan hệ giữa các nước lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) đến năm
2020. Trong cuốn sách này, các tác giả đã đưa những luận chứng về một số
vấn đề lớn và phức tạp như quan hệ giữa các nước lớn, chiến lược đối ngoại
của Mỹ, Trung Quốc, quan hệ và chính sách của Trung Quốc đối với các
nước trong khu vực Đông Nam Á… Qua đó, phần nào cũng cho chúng ta thấy
được sự vận động của cục diện chính trị Đông Á và xu hướng của sự vận
động này đến năm 2020.
Thứ hai là nhóm các công trình nghiên cứu quan hệ quốc tế nói chung,
quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực Đông Á nói riêng
Hai tác giả Hoàng Văn Hiển và Nguyễn Viết Thảo trong cuốn “Quan
hệ quốc tế từ 1945 đến 1995” xuất bản năm 1998, Nhà xuất bản Chính trị
Quốc gia ấn hành đã phản ánh nội dung trật tự chính trị thế giới nhưng đồng
12
thời cũng mang tới một cái nhìn tổng thể về cục diện chính trị Đông Á những
năm trước và sau Chiến tranh lạnh (1995) khá rõ nét. Tuy nhiên, đúng như
tiêu đề của nó, cuốn sách chỉ đề cập đến giai đoạn 1945 – 1995, là giai đoạn
mà khu vực đang trong giai đoạn tái định hình cục diện chính trị mới về hình
thức. Thêm vào đó, các tác giả còn đưa ra được sự sắp xếp mang tính thứ bậc
trong hệ thống quan hệ quốc tế ở Đông Á thời kỳ này lần lượt là Hoa Kỳ,
Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga và Tây Âu.
Trong cuốn sách “Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực châu Á
– Thái Bình Dương”, tác giả Vũ Dương Huân đã khái quát tình hình thế giới
khi bước vào thiên niên kỉ mới với những chuyển biến lớn lao. Cục diện chính
trị quốc tế biến đổi to lớn. Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất
còn lại trên thế giới với ưu thế vượt trội cả về kinh tế, quân sự, chính trị. Tuy
vậy, Mỹ không thể hoàn toàn đơn phương áp đặt ý chí của mình trong các vấn
đề quốc tế. Sự trỗi dậy của nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn
Độ, và tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu là những thách thức mới đối
với xu hướng bá quyền của Mỹ. Cục diện thế giới đã chuyển dần từ hai cực
sang đa cực, đặc biệt rõ nét ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuốn sách
này là công trình nghiên cứu công phu về mối quan hệ giữa Mỹ, siêu cường
duy nhất, với các cường quốc khác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có ý
nghĩa to lớn đối với các nhà nghiên cứu, hoạt động đối ngoại trong thời kỳ
hiện nay, khi Đảng và Nhà nước Việt Nam tích cực triển khai đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại.
Cuốn sách “Quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản trong bối cảnh
mới và tác động của nó tới Việt Nam” do tác giả Vũ Văn Hà chủ biên, xuất
bản năm 2007, tập trung phân tích ba cặp quan hệ Trung Quốc – ASEAN,
Nhật Bản - ASEAN và Trung Quốc - Nhật Bản trên các phương diện kinh tế,
an ninh, chính trị, văn hoá. Trong các cặp quan hệ này, quan hệ Trung – Nhật
có vai trò quan trọng hơn cả, tuy nhiên giữa Trung - Nhật luôn tồn tại những
13
bất đồng từ lịch sử cho tới ngày nay. Sự thiếu niềm tin chiến lược lẫn nhau,
các vấn đề trong lịch sử và hiện tại đang gây ra không ít khó khăn trong việc
hợp tác. Mặc dù nhìn nhận quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN và Nhật
Bản một cách tương đối hiện thực, nhưng tác giả lại có quan điểm lý tưởng về
tương lai của mối quan hệ tay ba này khi cho rằng toàn cầu hoá và sự phụ
thuộc lẫn nhau sẽ giúp các chủ thể xích lại gần nhau hơn thông qua các cơ chế
đa phương. Tuy nhiên, tác giả mới chỉ dừng lại ở mức độ các mối quan hệ
giữa các chủ thể đó với nhau, do vậy không làm rõ được vai trò và vị thế của
cả Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN trong cục diện chính trị Đông Á.
Cuốn sách “Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ở Đông Nam
Á ba thập niên đầu sau Chiến tranh Lạnh” do PGS.TSKH. Trần Khánh chủ
biên, nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2014 đã chỉ rõ Đông Nam Á là khu
vực địa chiến lược, từ lâu đã trở thành đối tượng tiếp cận và tranh giành ảnh
hưởng giữa các nước lớn. Trên thực tế, nhân tố các nước lớn, ít nhất trong lịch
sử cận, hiện đại đã chi phối hầu hết các xu hướng phát triển của Đông Nam Á,
từ việc lựa chọn mô hình phát triển kinh tế-xã hội, chế độ chính trị đến bùng
nổ thương mại, đầu tư, đổi mới công nghệ và dân chủ. Trong nhiều thập niên
trở lại đây, những chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực như nỗ lực xây dựng
Cộng đồng ASEAN, hình thành các thể chế hợp tác đa phương tại Đông
Á/Châu Á-Thái Bình Dương do ASEAN đóng vai trò trung tâm cũng như sự
nổi lên của các vấn đề an ninh đang làm gia tăng lợi ích chiến lược, lôi kéo sự
can dự nhiều hơn của các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, sự
trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong bối cảnh suy giảm tương đối vị
thế của Mỹ và Nhật Bản tại Đông Nam Á cũng kéo theo sự điều chỉnh chiến
lược, chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực. Xu hướng trên đã và
đang tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động chiến lược của tất cả các
nước, các thực thể khác nhau, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Việt
Nam. Việt Nam là thành viên của ASEAN, nằm ở vị trí kết nối giữa Đông
14
Bắc Á và Đông Nam Á cả đất liền và biển, nơi đan xen lợi ích chiến lược của
nhiều nước lớn, trước hết là của Trung Quốc và Mỹ. Mặt khác, Việt Nam
đang chứa đựng trong mình cả những cơ hội và thách thức của thời đại. Cho
nên, sự tác động của hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đến Việt
Nam là rất lớn. Vì vậy, nhu cầu nhận diện cục diện và xu hướng tiến triển của
quá trình trên để từ đó đưa ra dự báo, đề xuất chính sách, giải pháp nhằm
thích ứng với tình hình mới là một nhu cầu cấp bách. Các tác giả cuốn sách
không chỉ lý giải một vấn đề, xu hướng cụ thể trong quan hệ quốc tế ở Đông
Nam Á cũng như cặp quan hệ Mỹ - Trung trong lịch sử đương đại (cặp quan
hệ đang tác động sâu sắc, mạnh nhất đến xu hướng hợp tác và phát triển ở
Đông Nam Á nói riêng, trật tự thế giới nói chung trong ba thập niên đầu thế
kỷ XXI), mà còn góp phần vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và
tư vấn chính sách liên quan đến các vấn đề chính trị quốc tế, nhất là về địa
chính trị và quan hệ quốc tế cho những ai quan tâm đến thời cuộc, sự phát
triển của đất nước hiện nay và trong tương lai.
Thứ ba là nhóm các công trình nghiên cứu chính sách đối ngoại của
các quốc gia trong khu vực Đông Á
Tác giả Trần Quang Minh trong cuốn sách “Quan điểm của Nhật Bản về
liên kết Đông Á trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế” xuất
bản năm 2007 đã hệ thống hoá và phân tích một cách có chọn lọc các quan
điểm chính sách chủ yếu của chính phủ và giới học thuật Nhật Bản về liên kết
Đông Á trong bối cảnh quốc tế mới kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến
nay. Từ đó, đề xuất một số kiến nghị về đối sách của Việt Nam trong quan hệ
với Nhật Bản nói riêng và với các nước trong khu vực nói chung nhằm tranh
thủ thời cơ và đối phó với những thách thức của tiến trình liên kết Đông Á.
Đồng thời, để hiểu về vấn đề một cách có hệ thống, cuốn sách cũng đề cập đến
những nét chung nhất về cơ sở liên kết của Đông Á cũng như các quan điểm
chính sách của Nhật Bản về liên kết Đông Á trước những năm 1990.
15
Tác giả Ngô Xuân Bình trong cuốn sách “Châu Á – Thái Bình Dương
trong chính sách đối ngoại của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc”, xuất bản năm
2008, từ việc đánh giá bối cảnh khu vực, tác giả đã luận giải, đánh giá vị thế
và quyền lực của ba cường quốc có ảnh hưởng nhất khu vực là Mỹ, Trung
Quốc và Nhật Bản tại châu Á - Thái Bình Dương. Tác giả còn nhấn mạnh tới
các yếu tố thực lực quốc gia để xác định chính sách đối ngoại và các mối quan
tâm chủ yếu của ba cường quốc trên đối với châu Á – Thái Bình Dương. Đặc
biệt, nội dung quan hệ Mỹ - Trung cũng được phân tích sâu hơn thông qua
một nhân tố cân bằng là ASEAN. Song tác giả mới chỉ đề cập từ góc độ đánh
giá chính sách đối ngoại nên chưa làm rõ cục diện chính trị khu vực và cũng
như bỏ qua vai trò quan trọng của các chủ thể khác ở Đông Á.
Cuốn “Chiến lược, chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở
Đông Bắc Á về một số vấn đề nổi bật của khu vực giai đoạn 2011-2020” do
tác giả Nguyễn Xuân Thắng và Trần Quang Minh chủ biên, nhà xuất bản
Khoa học Xã hội ấn hành năm 2013 đã phân tích, làm rõ những chiến lược và
chính sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á về một
số vấn đề nổi bật của khu vực giai đoạn 2011 – 2020, trên cơ sở đó đánh giá
những tác động có thể có đối với Việt Nam và đề xuất các giải pháp chính
sách nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức trong quá trình thực
hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đến năm 2020.
Cuốn sách “Cạnh tranh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á giữa một số
nước lớn hiện nay”, do Nguyễn Hoàng Giáp làm chủ biên, xuất bản năm 2013
chủ yếu phân tích chính sách của một số nước lớn đối với Đông Nam Á, mối
quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa họ ở khu vực Đông Nam Á. Trong cục
diện cạnh tranh này, cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn là cặp cạnh tranh nổi bật,
quyết liệt nhất so với các cặp còn lại, và có thể đạt được sự cân bằng chiến
lược khá ổn định vì lợi ích của hai nước. Tác giả cũng cho rằng cục diện
chính trị đặc biệt ở Đông Á sau Chiến tranh lạnh với sức mạnh tuyệt đối của
16
Mỹ đã hình thành nên trật tự khu vực Đông Á với nhiều tầng nấc, nhiều cấp
độ quan hệ, trong đó Mỹ vẫn là vai diễn số một. Song, tác giả coi Đông Á
trong thập niên 90 của thế kỷ XX là một hệ thống khu vực có trật tự mà
không nhận ra cục diện chính trị ở đây đang thay đổi mạnh mẽ.
Cuốn sách “Đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn
mới”, do Phạm Bình Minh chủ biên, xuất bản năm 2011 đã tập hợp các công
trình của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đối ngoại nhằm luận giải nội hàm
và các chủ trương, định hướng quan trọng của đường lối, chính sách đối ngoại
thời kỳ Đổi mới, đặc biệt là những phát triển mới trong tư duy về đối ngoại
của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua những văn kiện của Đại hội XI; ngoài ra
các tác giả còn đưa ra những cách tiếp cận và phương pháp triển khai mới để
đạt được các mục tiêu quốc gia về phát triển, an ninh và nâng cao vị thế Việt
Nam; các tác giả cũng đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm
nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần thực hiện thành công Nghị
quyết Đại hội XI của Đảng.
1.2. Những công trình nghiên cứu ngoài nƣớc
Có thể nói chủ đề về cục diện chính trị Đông Á đã, đang và vẫn là chủ
đề thảo luận sôi nổi trên diễn đàn nghiên cứu khoa học khu vực và thế giới.
Bởi lẽ đây là khu vực có những sự biến đổi liên tục, và những sự thay đổi này
cũng dẫn đến sự biến đổi của cán cân quyền lực trên thế giới. Các công trình
nghiên cứu có liên quan tới chủ đề cục diện chính trị Đông Á từ giới học giả
nghiên cứu ngoài Việt Nam có thể tập trung vào một số phương diện như sau:
Thứ nhất, về các công trình nghiên cứu lý thuyết quan hệ quốc tế:
Để nghiên cứu cục diện chính trị khu vực Đông Á, trước hết phải kể
đến những nghiên cứu về lý thuyết trong quan hệ quốc tế. Trong nghiên cứu
lịch sử quan hệ chính trị quốc tế, khu vực này có thể áp dụng rất nhiều lý
thuyết khác nhau, từ sức mạnh mềm, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do,
chủ nghĩa kiến tạo… Các tuyến lý thuyết này được nhiều học giả tìm hiểu và
17