Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Một số vấn đề kinh tế cửa khẩu Việt Nam trong quá trình hội nhập

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (285.48 KB, 14 trang )

VNH3.TB5.94

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ CỬA KHẨU VIỆT NAM
TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

Nguyễn Minh Hiếu
Nhà xuất bản Giáo dục tại Tp. HCM

Đặt vấn đề
Sau hơn 20 năm “Đổi mới” nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết
sức to lớn, trong đó không thể không đề cập đến sự đóng góp quan trọng của kinh tế cửa
khẩu (KTCK) - một nhân tố quan trọng trong không gian kinh tế mở của nước ta thời hội
nhập.
Ở Việt Nam, kinh tế cửa khẩu là một hoạt động có từ lâu, được hình thành trong
quá khứ với các nước lân bang, nhưng quy mô và tầm ảnh hưởng to lớn của nó chỉ mới
thể hiện rõ nét trong thời gian gần đây, nhất là khi nước ta hội nhập kinh tế khu vực và
thế giới. Một điều dễ thấy là muốn phát triển kinh tế, khơi dậy các tiềm năng (nhân lực,
vị trí địa lí, tài nguyên, thông tin,…) phong phú của các tỉnh biên giới, thu hút các nguồn
lực (vốn, kĩ thuật công nghệ, kinh nghiệm quản trị,…) trong và ngoài nước, nâng cao
chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên giới, rút ngắn khoảng cách phát triển của
các vùng miền trong nước,… con đường hiệu quả và cần làm lúc này là đẩy mạnh giao
lưu cửa khẩu ở cả ba miền có chung đường biên giới trên đất liền với Việt Nam là Trung
Quốc, Lào và Campuchia.
Những thành quả đạt được của KTCK trong thời gian vừa qua là biểu hiện thành
công của chủ trương đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc
phòng của Đảng và Nhà nước, vừa khẳng định sức bật kinh tế ở các địa phương vùng
biên, nhưng đồng thời cũng là hậu quả của sự phát triển chủ quan, cân nhắc chưa đầy đủ,
bằng chứng là một thời gian dài chúng ta chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng biên
giới. Do vậy, bên cạnh các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) hoạt động hiệu quả, cũng còn
không ít các nguồn lực tại các cửa khẩu sử dụng chưa hợp lí nếu không nói là kém hiệu
quả, đời sống của người dân địa phương và bộ mặt các KKTCK chưa có sự thay đổi


xứng tầm với vai trò vốn có của nó.
1


Trong bài viết này, mục tiêu chính chúng tôi muốn hướng tới là đi sâu vào nghiên
cứu cơ sở lí luận (khái niệm, các yếu tố cấu thành, vai trò và các mô hình, động thái hoạt
động,…) cho đến thực trạng phát triển (kết quả đạt được, những vấn đề phát sinh, mức
độ tác động trên nhiều phương diện,…). Trên cơ sở đó, đề suất các giải pháp khắc phục
để những thành tựu đạt được từ phát triển KTCK phát huy tác dụng ngày càng to lớn
hơn.
Nội dung nghiên cứu
1. Cơ sở lí luận của kinh tế cửa khẩu
1.1. Khái niệm khu kinh tế cửa khẩu
Cho đến nay, nhiều cơ sở lí thuyết liên quan đến kinh tế cửa khẩu được đề cập,
đúc kết thế nhưng khái niệm khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa có sự thống nhất cao từ các
nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vì tùy thuộc vào điều kiện hình thành và phát triển
đặc thù của nước mình.
KKTCK là một không gian kinh tế xác định, gắn với cửa khẩu có dân cư sinh
sống và được áp dụng những cơ chế, chính sách phát triển đặc thù, phù hợp với đặc
điểm từng địa phương sở tại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất dựa trên
việc quy hoạch, khai thác, sử dụng, phát triển bền vững các nguồn lực, do Chính phủ
hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các KKTCK
Về đại thể, có rất nhiều nhân tố và nhóm nhân tố ảnh hưởng đến quá trình hình
thành và phát triển các KKTCK bởi lẽ đây là mô hình kinh tế được hình thành và phát
triển từ lâu (dưới các hình thức và quy mô khác nhau nhưng tính chất và đặc điểm vẫn
giữ nguyên bản chất vốn có của nó), chịu nhiều yếu tố ảnh hưởng và chi phối dưới nhiều
chiều, hướng tác động. Trong đó, nổi lên các nhóm nhân tố chính yếu sau :
- Thứ nhất, các yếu tố tự nhiên (vị trí địa lí, khí hậu, địa hình, môi trường,…).
Việc lựa chọn xây dựng các KKTCK trước hết phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, đó

phải là nơi có những thuận lợi về vị trí địa lí “đắc địa”, phù hợp với giao lưu kinh tế thương mại biên giới, là cầu nối kinh tế trong và ngoài nước, bởi đây là đầu mối phát
triển không gian kinh tế mở nước ta. Ngoài ra, các nước láng giềng thường có sự bổ sung
cho nhau về các nhóm hàng (nông nghiệp, chế biến, nguồn tài nguyên, sản vật địa
phương,…) vốn được khai thác trên cơ sở tận dụng các yếu tố tự nhiên đặc thù của nước
mình, tạo nên những lợi thế cạnh tranh động trên nền tự nhiên tĩnh.

2


- Thứ hai, yếu tố lịch sử. Quan hệ giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước láng
giềng có lịch sử từ lâu đời, xuất phát từ các chuyến cống phẩm bang giao giữa các nước
cũng như hình thành từ các phiên chợ biên giới trao đổi các vật phẩm địa phương phục
vụ nhu cầu hằng ngày và sản xuất tại chỗ. Cứ như thế, các tuyến đường mòn biên giới
hình thành là cơ sở phát triển các tuyến, các hành lang kinh tế - giao thông sau này ; các
phiên chợ ba hay bảy ngày ngày xưa giờ nâng lên thành chợ thường nhật, chợ biên giới1,
chợ cửa khẩu2 được tổ chức quy mô với cơ sở hạ tầng khang trang, rộng rãi hiện nay.
- Thứ ba, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, các vấn đề giáo dục,
y tế, phong tục tập quán,… cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển KTCK. Kinh tế càng
phát triển, lượng hàng hóa luân chuyển trên thị trường càng tăng cao nhằm đáp ứng nhu
cầu cơ bản và ngày càng cao của người tiêu dùng. Muốn thế, các dòng vật chất đầu vào,
sản phẩm đầu ra phải đủ lớn để đáp ứng nhu cầu đó. Kinh tế trong nội địa phát triển, các
dòng hàng hóa, dịch vụ được vận chuyển nhanh với quy mô ngày càng lớn ra các vùng
biên, thông qua cửa khẩu đến thị trường các nước. Bán kính tiêu thụ càng mở rộng với
những hạt nhân là các trung tâm thương mại có tiềm lực về kinh tế sẽ phát triển càng
nhanh, từ đó hình thành nên các cực, tuyến điểm trong giao thương các nước. Đồng thời,
trình độ phát triển kinh tế còn chi phối cả cơ cấu hàng xuất nhập khẩu, kim ngạch trao
đổi song phương, đa phương lẫn quy mô và bán kính lan tỏa hàng hóa (thị trường ngày
càng mở rộng).
- Thứ tư, chính sách đối ngoại và quan hệ kinh tế - chính trị. Bầu không khí chính
trị của các nước trong khu vực mà trực tiếp là quan hệ giữa các nước láng giềng có

chung đường biên ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển KTCK nước ta
không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Lịch sử nước ta đã chứng kiến
nhiều thời kì, khi quan hệ hai nước lắng xuống, khu vực biên giới trở thành điểm nóng
về an ninh chính trị, phải đóng cửa hàng loạt các cửa khẩu biên giới và khi đó trao đổi
thương mại hầu như không diễn ra. Chính vì thế, nhóm nhân tố này không chỉ ảnh hưởng
mà còn chi phối đến các nhân tố khác, điều này thể hiện qua sự uyển chuyển, linh hoạt
trong phân tích, xử lí và ban hành các chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là khi
nước ta hội nhập kinh tế khu vực và thế giới với mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt
hơn.
1.3. Những đặc trưng cơ bản của KKTCK
- Các KKTCK cách xa trung tâm kinh tế chính trị nước mình ;

1

Chợ biên giới là chợ được thành lập trong khu vực biên giới trên đất liền.
Chợ cửa khẩu là chợ được thành lập ra trong khu vực biên giới trên đất liền gắn với các cửa khẩu xuất khẩu,
nhập khẩu hàng hóa nhưng không thuộc KKTCK.
2

3


- Dân cư tại các khu kinh tế ở các nước láng giềng có sự tương đồng về văn hóa,
truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo ;
- Có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và chất lượng
cuộc sống ;
- Hợp tác và cạnh tranh là đặc trưng chủ yếu ;
- Hợp tác và giao lưu kinh tế dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau,
bình đẳng cùng có lợi.
1.4. Vai trò của các KKTCK

Kinh tế cửa khẩu từ lâu đã đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế đất nước, nó tác
động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội cả nước nói chung và các tỉnh biên
giới nói riêng. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ xét đến những vai trò được
thể hiện rõ nét và mang tính phổ quát nhất, bao gồm:
- Tạo điều kiện phát huy tiềm năng, ưu thế các địa phương biên giới ;
- Góp phần mở rộng giao lưu buôn bán, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản
phẩm, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh trước mắt và lâu dài cho
các sản phẩm, ngành hàng chủ lực ;
- Xây dựng các hệ thống, mạng lưới phân phối, cung cấp các dịch vụ đi kèm ;
- Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương và các khu vực lân
cận ;
- Hạ tầng cơ sơ vật chất kĩ thuật được cải thiện đáng kể, góp phần thúc đẩy phát
triển kinh tế địa phương.
1.5. Một số mô hình và động thái vận hành của các KKTCK
Tại các KKTCK, do đặc điểm đặc trưng của nó, đặt lên hàng đầu là các hoạt động
thương mại, dịch vụ, gắn với các cửa khẩu và chịu tác động mạnh của các khu vực kinh
tế, các vùng kinh tế cũng như chính sách biên mậu trong và ngoài nước. Nguồn hàng
hóa, dịch vụ,… tại chỗ hay từ nơi khác đến đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo hoạt
động và vận hành có hiệu quả. Đồng thời, trong quá trình hoạt động của mình, các chính
sách quản lí điều hành liên quan rất nhiều đến các thông lệ quy luật chung của quốc tế,
vấn đề chủ quyền và an ninh biên giới, các hiệp định thỏa thuận chung giữa các nước có
chung đường biên thông qua thực tế tại các cửa khẩu, các tuyến lực,… Vì vậy, tùy vào
điều kiện từng nơi, trình độ tổ chức, quy mô phát triển (cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa
4


khẩu phụ,…) sẽ hình thành các mô hình kinh tế cửa khẩu khác nhau. Mỗi mô hình ứng
với một giai đoạn phát triển riêng biệt theo xu hướng phát triển từ đối ứng sang đối
trọng, từ thế bị động sang chủ động sao cho phát huy hết những lợi thế cạnh tranh tĩnh và
động của quốc gia trong quá trình hội nhập và phát triển.

1.5.1. Mô hình không gian
Mô hình đường thẳng
Mô hình đường thẳng được hình thành dựa trên cơ sở các tuyến giao thông đường
bộ hoặc đường sông, kèm theo đó là phát triển các khu công nghiệp, đô thị, cảng biển,
kho quan ngoại,… ở mỗi bên với một cự li hợp lí. Do đó, mô hình này thường hình
thành và phát triển dựa trên các tuyến đường mòn biên giới, các chợ phiên hay chợ vùng
ven tại chỗ với phạm vi không gian hẹp. Mô hình này có ưu điểm là giảm sự tập trung
cao về biên giới, phát huy thế mạnh mạng lưới giao thông để vận hành hàng hóa xuất
nhập khẩu. Đây là mô hình cơ sở hình thành các mô hình khác, có thể thấy ở hầu hết các
cửa khẩu có quy mô nhỏ, mới thành lập ở nước ta (các cửa khẩu phụ, địa phương).
Mô hình quạt giao nhau ở cán
Là mô hình dựa trên cơ sở hai bên đã có hàng loạt các đô thị, các khu công
nghiệp, các vùng sản xuất nông nghiệp, hệ thống các kho quan ngoại, chợ,… có khoảng
cách tương đối gần với đường biên, khoảng cách này được hình thành một cách tự nhiên
hay do quy ước của hai nước láng giềng. Mọi việc giao lưu – vận chuyển hàng hóa được
vận chuyển theo đường giao thông gần nhất. Kết quả là mô hình có tính tập trung cao về
thương mại, có thể gọi khu thương mại tự do Lao Bảo là một ví dụ điển hình cho mô
hình này.
Mô hình quạt giao nhau ở rìa cánh
Ngược với mô hình trên, mô hình quạt giao nhau ở rìa cánh được hình thành trên
cơ sở tập trung cao độ các phân khu chức năng (đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch
vụ,…), mức độ tập trung hàng hóa cao, phân tán ở nhiều cặp chợ biên giới gần nhau, địa
hình phân bố thuận lợi, điều kiện thương mại, dịch vụ cơ bản hoàn thiện, đông dân cư
sinh sống và sản xuất,… Mô hình này xuất hiện nhiều ở các nước phát triển với mức độ
tập trung cao, tạo thành dải các đô thị, các trung tâm công nghiệp lớn với kim ngạch trao
đổi thương mại song phương chiếm từ 20 đến 40% tổng thu nhập quốc nội.
Mô hình lan tỏa
Mô hình này được xây dựng trên cơ sở tập quán sinh hoạt của dân cư, thích hợp
với các cặp chợ, thị trấn ven đường biên giới. Ưu thế của mô hình này chính là tận dụng
5



được các điều kiện tự nhiên, hạ tầng cơ sở kĩ thuật sẵn có và thường có sự hợp tác giữa
các bên cùng xây dựng chung một hay nhiều KKTCK và cùng nhau quản lí tạo nên sức
mạnh tổng hợp trên diện rộng.
1.5.2. Mô hình thể chế
Vì các KKTCK có vị trí đặc biệt và nhạy cảm nên được cho phép thí điểm một số
cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội toàn diện, được
phân cấp trong quản lí từng bên cũng như chịu sự tác động của cơ chế, chính sách kinh
tế biên mậu mà nước bạn áp dụng. Kết quả là hình thành nên sự giao thoa về cơ chế
chính sách giữa Trung ương (TW) và địa phương trong nước cũng như tại nước bạn
được thể hiện dưới dạng mô hình sau :

Chính sách
quốc gia

Chính
sách
nước
láng
giềng

1
2
1

1

Quy định
địa phương


Trong đó:
1: Chính sách hỗ trợ KKTCK.
2: Thể chế kinh tế cửa khẩu.
1.5.3. Mô hình chiến lược phát triển các KKTCK biên giới từ đối ứng sang đối
trọng
Một trong những nét đặc thù của KTCK là tính đối ứng, hay nói một cách khác
hơn là sự phản hồi từ một phía bằng chính sách đối ứng. Chính sách này thường bị hạn
chế bởi tính bị động (thụ đông) trong mọi hoạt động kinh tế cửa khẩu, nhất là khi chính
sách đối ứng bộc lộ nhiều thiếu xót, hạn chế. Xu hướng phát triển tất yếu của các
KKTCK chuyển từ động thái bị động sang chủ động, tương ứng với xu thế phát triển
khách quan từ đối ứng sang đối trọng.

6


Xu thế trên có thể tóm tắt qua mô hình quá độ đối ứng sang đối trọng với quy mô,
khối lượng hàng hóa, vốn, … phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn cả về hai phía, với giả
thiết do sức mạnh kinh tế và chính sách A thông thoáng hơn A’, lúc đó lợi thế nghiêng
về A.

A

A’

Hình 2. Cán cân hai bên cửa khẩu A – A’
Đặc trưng của giai đoạn này là chính sách đối ứng. Theo thời gian, A’ mạnh dần
lên, tác động ngược lại A nhưng tất nhiên mức độ, phạm vi ảnh hưởng cũng hạn chế hơn,
tuy nhiên khoảng cách chênh lệch đã rút ngắn lại.


A

A’

Hình 3. Sơ đồ thể hiện bán kính tương tác các dòng hàng hóa, vật chất A – A’
Cho đến khi phạm vi lan tỏa các dòng vật chất, năng lượng, thông tin, vốn, nhân lực,…
giữa hai cửa khẩu đạt đến một trạng thái cân bằng động tương đối và tạo ra một vùng
trao đổi ổn định (thị trường) vừa có lợi cho cả hai bên, vừa tạo được sự phát triển nội tại
gắn kết với thị trường nội địa, được thể hiện thông qua hình vẽ sau đây :

7


Vùng chồng lấn ảnh hưởng
Phạm vi ảnh hưởng của A

A

Phạm vi ảnh hưởng của A’

A’

Phạm vi ảnh hưởng của nước A’
Phạm vi ảnh hưởng của nước A

Hình 4. Sơ đồ cân bằng động tương đối giữa A – A’

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, mối quan hệ (thế đứng) giữa các khu KTCK
với nền kinh tế một nước thường là thế tam giác cân bằng, các tuyến lực tạo nên các
trục, cực phát triển. Và nước ta cũng đang dần hình thành các thế đứng như vậy ở các

khu vực Bắc – Trung - Nam.
Động thái từ đối ứng (bị động) sang đối trọng (chủ động) là xu thế chung trong
tiến trình hình thành và phát triển KTCK thời hội nhập, khi mà các nước đang tiến dần
đến những giai đoạn hội nhập sâu hơn, động thái kinh tế của khu vực tùy thuộc vào
chính sách phát triển linh hoạt của bản thân mỗi nước, trong đó có chính sách quản lí
vùng cửa khẩu theo xu thế đối ứng sang đối trọng của Việt Nam.
2. Một số vấn đề đặt ra hiện nay trong quá trình hội nhập
2.1. Tổng quan về các KKTCK Việt Nam
Theo quyết định 52/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch các khu
kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày
25 tháng 4 năm 2008, đến năm 2020, cả nước sẽ có 30 KKTCK, trong đó hình thành
thêm 7 KKTCK mới trên các khu vực biên giới1. Trong đó, KKTCK được thành lập sớm
nhất với mục đích thí điểm là KKTCK Móng Cái (huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh).
Từ đó đến nay, nhiều KKTCK được thành lập dọc đường biên giới với nhiều mục đích
khác nhau và bước đầu phát huy hiệu quả về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội.
2.2. Một số vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển KTCK thời kì hội nhập

1

Hiện nay, cả nước có hơn 4512 km đường biên giới giáp với ba nước láng giềng (Trung Quốc, Lào và
Campuchia).

8


Trong quá trình hình thành và phát triển, các KKTCK đã nẩy sinh các vấn đề cần
phải giải quyết vì mức độ tác động của nó trong hiện tại và tương lai.
2.2.1. Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KKTCK
Hiện nay, môi trường tự nhiên trong vùng cửa khẩu tọa lạc và các vùng phụ cận
đang có những chuyển biến rõ nét. Tình trạng ô nhiễm đang có nguy cơ gia tăng nhanh

chóng, kèm theo đó là sự quản lí khá lỏng lẻo của các cấp chính quyền địa phương. Bên
cạnh đó, hạ tầng kĩ thuật tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và thống nhất với hệ
thống hiện có,… Hệ quả là, trong tương lai không xa, tình trạng môi trường tự nhiên
thay đổi theo chiều hướng xấu và ô nhiễm môi trường sẽ trầm trọng hơn rất nhiều.
Nguồn ô nhiễm thể hiện dưới các dạng chủ yếu (rắn, lỏng, khí,… và các biến thể
của chúng) với tốc độ gia tăng rất nhanh thông qua quá trình sản xuất, sinh hoạt tại chỗ
và nhập khẩu rác, vật liệu tái sinh từ phía bên kia biên giới.
Nhu cầu càng tăng, kéo theo đó là lượng vật liệu phế thải ngày càng nhiều nhưng
tỉ lệ thu gom rác cũng như xử lí tại chỗ đạt tỉ lệ rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 đến 20% tổng
lượng rác thải ra hằng ngày. Hơn nữa, khâu xử lí rác thải cũng chưa được chú trọng về
chất lượng xử lí mà chỉ đơn thuần là vận chuyển ra khỏi khu vực cửa khẩu, tập kết tại
các khu đất bỏ hoang và tiến hành đốt bỏ hoặc chôn lắp không đúng quy trình kĩ thuật.
Điều này chẳng khác nào mang ô nhiễm đi xa hơn, len lõi vào các vùng nông thôn vốn
không là nơi phát sinh nguồn chất thải độc hại này. Với phương thức xử lí “đơn giản và
thô sơ” đến mức khó chấp nhận như vậy, các chất thải độc hại có nguy cơ lan trên diện
rộng và sâu, ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên dự trữ khác của địa phương.
Một vấn đề nổi lên về phát triển bền vững tại các KKTCK hiện nay là tình trạng
nhập rác thải, vật liệu tái sinh từ phía bên kia biên giới vào lãnh thổ Việt Nam thông qua
các cửa khẩu của một bộ phận đầu nậu kinh doanh phế liệu. Chỉ tính trên địa bàn tỉnh An
Giang, mỗi cửa khẩu trung bình tiếp nhận khoảng 10 đến 20 tấn phế liệu các loại / ngày.
Trong dòng phế liệu đó, có không ít các loại phế liệu dưới dạng rác thải công nghiệp,
phế liệu độc hại (chì ác quy, hóa chất trong quá trình vận hành và vệ sinh công nghiệp,
vỏ nhựa cứng từ các thiết bị điện tử,…) nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào nước
ta. Vì lợi nhuận trước mắt, các đầu nậu phế liệu bất chấp nhập khẩu các loại phế liệu này
vào lãnh thổ, vô hình chung đã biến các khu vực biên giới thành các bãi rác “công
nghiệp”, các “bãi phế liệu quốc tế” của những nước trong khu vực và thế giới. Sau khi
quá cảnh ở đây, các loại phế liệu này lại được vận chuyển về các nơi tái chế (các khu
công nghiệp địa phương, các cơ sở tái chế gia đình,…), điều này cũng có nghĩa là nguồn
ô nhiễm đã thâm nhập sâu hơn vào các vùng ven đô, nơi dân cư tập trung đông hơn, và
do đó, mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng lớn hơn rất nhiều.

9


2.2.2. Trình độ kĩ thuật đầu tư
Chưa có số liệu chính thức về trình độ công nghệ của các nhà máy, phân xưởng
công nghiệp đã, đang và sẽ xây dựng nhưng theo kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, đa
phần trình độ của các thiết bị, dây chuyền máy móc ở các khu công nghiệp, khu sản xuất
tại các cửa khẩu thường ở trình độ trung bình và lạc hậu. Kết quả là, một khi các dây
chuyền này đi vào sản xuất thì quy mô và lượng khí thải sẽ rất lớn, đến lượt mình, lượng
khí thải lại gây tác hại đến môi trường tự nhiên và sức khỏe người dân địa phương.
Thêm vào đó, trình độ kĩ thuật đầu tư lại quyết định tính chất và mức độ cạnh
tranh của các sản phẩm công nghiệp làm ra. Các cửa khẩu chính là nơi sự cạnh tranh thể
hiện rõ nhất vì đây là khu vực giải quyết vấn đề đầu ra trong quy trình sản xuất – phân
phối – tiêu thụ. Mức độ cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt hơn trên phạm vi nhóm,
ngành sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, nhất là trong thời kì hội nhập hiện nay, sự
chuyển giao công nghệ manh tính chất quốc tế đang bùng nổ tại các nước trong khu vực.
Trên phạm vi quốc gia, sự chuyển giao công nghệ này cũng thể hiện khá rõ nét.
Một thực tế đang diễn ra hiện nay tại các cửa khẩu là sự tiếp nhận công nghệ được
chuyển giao từ nội địa ra. Trong quá trình tổ chức không gian công nghiệp tại các đô thị
đang tiến hành trên diện rộng, một bộ phận không nhỏ các nhà máy phải di dời ra các
khu vực khác vì sự ô nhiễm (tiếng ồn, chất thải,…), hiệu quả thấp, và các khu công
nghiệp mới hình thành tại các cửa khẩu chính là nơi tiếp nhận các công nghệ này.
2.2.3. Cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật
Trong thời gian gần đây, tuy bộ mặt các KKTCK có nhiều thay đổi nhưng vẫn
chưa tương xứng với yêu cầu phát triển. Dù được áp dụng các chính sách, cơ chế ưu đãi
của Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng1, thế nhưng, về cơ bản, cơ sở hạ tầng – vật
chất kĩ thuật vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về quy mô, chất lượng các công trình, hạ
tầng kĩ thuật. Mạng lưới đường còn thưa, nhiều tuyến chỉ có duy nhất một tuyến “độc
đạo’, chất lượng mặt đường chưa đạt yêu cầu, các tiêu chuẩn biển báo, đèn tín hiệu thiếu
không theo quy định ; hệ thống đường thủy kém phát triển, các phương tiện đường thủy

lớn không lưu thông được do bồi lắng. Thêm vào đó, các tuyến đường độc đạo này luôn
phải đối diện với nguy cơ “tắt nghẽn” bất cứ lúc nào do hệ thống cầu chưa được “bê tông
hóa’, lũ lụt luôn đe dọa sạt lỡ ngăn cản quá trình luân chuyển hàng hóa và hành khách.
Chính vì sự thiếu và yếu đó đã gây ra nhiều thiệt hại về người và của ; lợi ích kinh tế
thiệt đã đành, giờ đây là ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp với
các đối tác.
1

Theo Nghị định 53/2001 –TTg, các địa phương có cửa khẩu được giữ lại 50% ngân sách trên địa bàn để tái đầu
tư vào cơ sở hạ tầng.

10


2.2.4. Dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu (hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ, dịch
vụ bảo hiểm hàng xuất nhập khẩu, dịch vụ đóng góp, dịch vụ hành chính công,…)
Không chỉ tại các cửa khẩu có quy mô nhỏ mà ngay cả các cửa khẩu quốc tế, các
dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp than phiền
rằng họ gặp rất nhiều khó khăn tại các cửa khẩu vì không có đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ
xuất nhập khẩu mà đáng lí ra đã có từ lâu. Hiện nay, chúng ta chưa có hệ thống ngân
hàng đứng ra bảo chứng, bảo lãnh cho các doanh nghiệp xuất nhập hàng qua đường
chính ngạch nên một số doanh nghiệp đành chọn con đường tiểu ngạch vừa mất thời
gian vừa chi phí cao, điều này đã hạn chế sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với
các nước trong khu vực.
2.2.5. Chính sách thuế quan
Theo nhận định từ phía các doanh nghiệp, chính sách thuế quan còn nhiều bất
cập. Biểu thuế, các dòng sản phẩm, khung thuế,… vẫn chưa thống nhất và đồng bộ theo
hướng khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu. Khung thuế nhập khẩu nguyên vật liệu
nhiều mặt hàng còn cao dẫn đến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh khi bán ra thị trường
quốc tế. Đồng thời, biểu thuế, khung thuế còn cứng nhắc, chưa linh hoạt cũng như theo

kịp thực tế gây ra nhiều thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình khai báo
thuế. Thủ tục khai báo thuế tại các cửa khẩu còn khá phức tạp, qua nhiều khâu kiểm tra
cả hai phía khi xuất hoặc nhập khẩu.
2.2.6. Tổ chức quản lí
Trong hoạt động kinh tế cửa khẩu, các cấp lãnh đạo chưa thống nhất được với
nhau, giữa TW và địa phương còn chồng chéo nhau trong việc ra các văn bản hướng
dẫn. Ngay cả cơ quan chủ quản cấp cao nhất là Bộ Thương mại vẫn đang còn nợ các văn
bản hướng dẫn hoạt động về chợ biên giới, chợ trong cửa khẩu,…
Một áp lực không nhỏ trong công tác tổ chức quản lí các hoạt động kinh tế tại cửa
khẩu là sự lạc điệu trong quản lí điều hành giữa các cơ quan chức năng hai nước. Chính
sự bất cập đó đã tạo điều kiện cho các mặt hàng, ngành hàng siêu lợi nhuận theo chân
cửu vạn tràn ngập thị trường trong nước. Nhiều kho hàng đầy ắp bên kia biên giới ngày
đêm chờ sự thiếu cảnh giác của các cơ quan chức năng sẽ thẩm lậu vào Việt Nam qua
các đường mòn biên giới, sau đó được lưu chuyển, phân phối trên khắp đất nước.
2.2.7. Nguồn nhân lực
Có thể nói, nguồn nhân lực là khâu rất quan trọng nếu không nói là nhân tố quyết
định nhất trong quá trình phát triển kinh tế cửa khẩu, thế nhưng đây lại là khâu cần phải
11


khắc phục nhất hiện nay. Nguồn nhân lực tại các cửa khẩu nước ta không chỉ yếu về
chuyên môn nghiệp vụ mà còn thiếu về số lượng chuyên trách.
2.3. Các giải pháp đề suất
Để phát triển hơn nữa các KKTCK của Việt Nam, ngay từ bây giờ và trong thời
gian sắp đến, nhất là trong thời kì hội nhập, mức độ cạnh tranh sẽ là yếu tố sống còn,
chúng ta nên thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp chủ yếu dưới góc độ các đối tượng
tác động sau :
- Kí kết và triển khai thực hiện các hiệp định kinh tế thương mại, phát triển bền
vững song phương và đa phương giữa các bên liên quan.
- Xây dựng và phát triển đồng bộ cơ chế, chính sách đối với các KKTCK quốc tế,

quốc gia và địa phương về thuế, kinh tế – thương mại, dịch vụ – du lịch, xuất nhập cảnh,
tài chính – tiền tệ,…
- Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng cơ sở theo hướng
có trọng tâm, trọng điểm và thống nhất, đồng bộ về hệ thống kết nối.
- Cần chú trọng đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo hướng trước
mắt và lâu dài có tính đến tận dụng nguồn nhân lực hiện có tại địa phương.
- Thống nhất trong điều hành, quản lí và thực thi quyền quản lí nhà nước của các
cấp (từ TW đến từng địa phương) theo cơ chế phân quyền và chịu trách nhiệm cụ thể ở
từng cấp quản lí.
Ngoài các nhóm giải pháp trên, các cấp quản lí cần đặt sự quan tâm đặc biệt đến
vấn đề môi trường (cụ thể là bảo vệ chất lượng nước, không khí, đất ; đa dạng sinh vật ;
môi trường đô thị trong các KKTCK và vùng phụ cận,…). Lựa chọn công nghệ sạch,
tăng cường chức năng quản lí bằng các công cụ pháp luật, tuyên truyền giáo dục cộng
đồng về bảo vệ môi trường, tiến hành đầu tư các cơ sở xử lí chất thải,… cũng là các giải
pháp đáng quan tâm.
Kết luận
Cùng với quá trình phát triển không gian kinh tế biển ở phía Đông, việc ưu tiên
phát triển không gian kinh tế cửa khẩu phía Tây cũng là chiến lược phát triển kinh tế xã
hội mang tính đột phá và cũng hợp với quy luật phát triển tất yếu của thực thể kinh tế
Việt Nam. Tổ chức lãnh thổ kinh tế xã hội của đất nước tất yếu phải tính đến không gian
kinh tế cửa khẩu vì đây là một trong các cửa ngõ thông thương ra bên ngoài. Điều này
càng phù hợp hơn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
12


Tuy nhiên, trong quá trình hình thành và phát triển đã nẩy sinh các vấn đề cần sự
quan tâm hơn nữa, bởi lẽ các vấn đề đó đã, đang và sẽ tác động đến không chỉ ở vùng
biên giới mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh trên toàn lãnh thổ Việt Nam,
nhất là trong thời kì hội nhập, thời cơ và khó khăn chỉ cách nhau bởi các chiến lược phát
triển khôn khéo và quá trình quản lí linh hoạt hiệu quả.

Cửa khẩu là mặt nổi của tảng băng chìm bao gồm toàn bộ nền kinh tế hậu phương
phía sau, kinh tế nội địa phát triển mạnh sẽ tạo đà tiến cho KTCK. Đồng thời, đến lượt
mình, KTCK tạo bước phát triển đột phá quan trọng cho các luồng hàng hóa, dịch vụ,
vốn, thông tin,… từ nội địa ra bên ngoài, chiếm lĩnh các thị trường lân cận. Tất nhiên, sự
phát triển đó phải dựa trên sự nghiệp hoà bình và thịnh vượng của các nước láng giềng
với Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Tất Đạt và nnk, Tác động kinh tế xã hội của mở cửa biên giới (Nghiên cứu
trường hợp thị xã Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng), Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002.
2. Nguyễn Tiến Hiệp, Chủ nhiệm đề tài cấp Bộ, Đánh giá tác động của việc hình thành
khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc tới phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh ven
biển biên giới Việt - Trung và dải ven biển Móng Cái -– Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, H.2004.
3. Nguyễn Minh Hiếu, Bước đầu tìm hiểu kinh tế cửa khẩu Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo
khoa học, trong Địa lý học - Những vấn đề kinh tế - xã hội và môi trường trong quá trình
Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá”, tr. 121-131, ĐHSP. TP. HCM, TP. HCM 2004.
4. Phạm Văn Linh, Các khu kinh tế cửa khẩu biên giới Việt -– Trung và tác động của nó
tới sự phát triển kinh tế hàng hoá ở Việt Nam (sách tham khảo), Nxb Chính trị Quốc gia,
TP. HCM 2001.
5. Lương Đăng Ninh, Đổi mới quản lí Nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa
bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Nxb Khoa học Xã hội, H.2004.
6. Quyết định số 53/2001/QĐ-TTg ngày 19/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách đối với các khu kinh tế cửa khẩu biên giới.

13


7. Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc

phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm
2020”.
8. Vũ Như Vân, Môi trường kinh tế - xã hội vùng cửa khẩu biên giới Việt -– Trung:
Quan điểm, hiện trạng và dự báo phát triển, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Mã số:
B 96-03-05), Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Thái Nguyên 1998.

14



×