Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Bài tập điều kiện chuyên đề thi pháp học K25

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.68 KB, 10 trang )

BÀI TẬP ĐIỀU KIỆN CHUYÊN ĐỀ THI PHÁP HỌC
ĐỀ BÀI: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT LÀ PHƯƠNG DIỆN CHỦ YẾU CỦA
THỂ LOẠI TỰ SỰ, KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT LÀ PHƯƠNG DIỆN CHỦ YẾU CỦA
THỂ LOẠI TRỮ TÌNH
BÀI LÀM:
MỞ ĐẦU
Thời gian và không gian là những khái niệm quen thuộc với con người, giúp con người nhận
thức về thế giới khách quan. Đi vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra không
gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật để thể hiện những quan niệm nghệ thuật của tác giả về thế
giới và con người. Không gian và thời gian nghệ thuật gióp phần tạo nên chỉnh thể của tác phẩm
đồng thời cũng gắn liền với những đặc trưng thể loại của tác phẩm văn học. Trong bài viết này,
chúng tôi xin phép được trình bày vấn đề: không gian nghệ thuật là phương diện chủ yếu của thể
loại trữ tình, thời gian nghệ thuật là phương diện chủ yếu của thể loại tự sự.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Khái niệm cơ bản
Mỗi tác phẩm văn học đều có không gian và thời gian nghệ thuật riêng. Không gian và thời
gian nghệ thuật tiêu biểu cho khả năng chiếm lĩnh đời sống và thể hiện tư tưởng của nhà văn.
1. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh
thể của nó. Sự miêu tả, trần thuật trog nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra
trong trường nhìn nhất định. Qua đó, thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính
của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao thấp, xa, gần, rộng, dài, tạo
thành viễn cảnh nghệ thuật. “Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian, mang tính chủ
quan. Ngoài không gian vật thể, có không gian tâm tưởng” (1, 160). Do vậy không gian nghệ thuật
có tính độc lập tương đối, không bị qui định vào không gian địa lý. Không gian nghệ thuật trong
văn chương có đặc trưng cơ bản như: xuất hiện lần lượt tuần tự theo sự trình bày của tác giả, không
gian mang tính quan niệm và không bị hạn chế nào.
2. Thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học chính là phương thức tồn tại, vận động, triển
khai của hình tượng, thể hiện tính quá trình của hình tượng. “Khác với thời gian khách quan được
1




đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt
tới tương lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát thành vô tận” (1,322).
Thời gian nghệ thuật thể hiện được nhịp điệu tồn tại của chủ thể con người. Qua thời gian nghệ
thuật, con người thể hiện quan niệm của mình về thế giới, đồng thời con người hiểu được giới hạn
tồn tại của mình, những giới hạn khả năng của chính con người.
II. Không gian nghệ thuật là phương diện chủ yếu của thể loại trữ tình
1. Xét về phương thức phản ánh thế giới và đời sống, thơ trữ tình là thể loại mang tính chủ
quan. Tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ ... được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ
yếu của tác phẩm. Vấn đề đặt ra đó là: những tình cảm, tâm trạng đó được khơi nguồn chủ yếu từ
đâu và được biểu hiện qua phương diện nghệ thuật nào của tác phẩm ? Đối với thể loại trữ tình thì
chủ yếu là qua không gian nghệ thuật. Điều này có được là bởi một số lí do sau đây:
a. Trước hết, Không gian thiên nhiên, không gian xã hội, gia đình,… vừa là nơi khơi nguồn
vừa là môi trường để nhân vật trữ tình bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của mình. Không gian
sông nước rộng lớn mênh mông, ảm đạm của dòng sông Hồng lúc chiều tàn đã khơi nguồn cảm
hứng cho Huy Cận sáng tác bài thơ “Tràng giang”. Không gian sông nước mênh mang ấy cũng là
môi trường để nhà thơ gửi gắm tâm trạng cô đơn, rợn ngợp của mình trước thiên nhiên, vũ trụ, đồng
thời kín đáo thể hiện tấm lòng yêu nước qua nỗi “nhớ nhà” ở cuối bài thơ. Hãy đọc lại khổ thơ đầu
của thi phẩm để cảm nhận về không gian của “Tràng giang”:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Trước khung cảnh sông nước rộng lớn mênh mang, nhìn cảnh vật trong sự rời rạc, mỗi thứ
một nơi bơ vơ, lạc lõng (thuyền – nước song song chứ không giao hòa, gặp gỡ, củi - một cành – khô
– lạc), nhà thơ không giấu nổi nỗi buồn bã, cô đơn đến nao lòng. Nỗi sầu trong tâm hồn nhà thơ
dường như cũng tuôn ra theo sóng nước và mở ra đến vô cùng vô tận. Không gian trong “Tràng
giang” còn mở ra theo các cặp phạm trù đối lập: cao – thấp, xa – gần, rộng – hẹp, … Sự đối lập của
không gian luôn xác định được chiều kích tâm hồn của chủ thể trữ tình. Qua đó, dòng cảm xúc được

khơi dậy. Thiên nhiên trong “Tràng giang” gợi tới tâm trạng chung của nhiều thanh niên trí thức
thời bấy giờ, khi dân tộc chìm trong bóng đêm nô lệ mà họ chưa tìm thấy con đường đi.
b. Thứ hai, tình cảm, tâm trạng, cảm xúc,… vốn là thứ vô hình, trừu tượng. Không ai có thể
sờ nắm được nó, cảm nhận nó vuông tròn thế nào. Đặc biệt tình cảm thẩm mĩ thì lại thường xuất
hiện bất ngờ, trong khoảnh khắc thăng hoa cao độ của người nghệ sĩ do cọ xát với thực tại khách
2


quan. Thể loại trữ tình muốn tái hiện lại và lưu giữ những khoảnh khắc cảm xúc đó thì nó phải tìm
cách hữu hình hóa cảm xúc, hình tượng hóa tâm trạng cảm xúc đó. Và không gì hiệu quả hơn là
“đóng khung” nó thành những bức tranh tâm trạng. Nghĩa là “hữu hình hóa” cảm xúc bằng những
hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh,… để tình cảm, cảm xúc được hiện hình trên trang giấy.
Nhờ đó, người đọc mới có thể cảm nhận, rung động cùng nhà thơ. Chỉ bằng vài nét chấm phá mà
chủ tích Hồ Chí Minh đã khắc họa thành công bức tranh “Cảnh khuya” tĩnh lặng nhưng nồng ấm
tình người, thấm đẫm tâm sự lo nước thương dân của Người:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Nếu dùng thời gian – một yếu tố khá trừu tượng (người ta chỉ có thể đo được nó bằng đồng
hồ chứ khó có thể cảm nhận trực tiếp được nó) để biểu lộ tình cảm, cảm xúc thì rất khó để tình cảm,
tâm trạng hiện hình một cách cụ thể. Chúng ta biết rằng tính hình tượng là đặc trưng sống còn của
văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung. Còn trừu tượng thì đó là đặc trưng của các ngành
khoa học. Ngay cả khi thể hiện diễn biến tâm trạng theo dòng thời gian, thơ trữ tình cũng phải tìm
cách “không gian hóa thời gian”, để giúp người đọc cảm nhận được tâm trạng, tình cảm đó có “hình
khối” như thế nào, có sức ám ảnh ra sao.
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Rõ ràng nỗi sầu ở đây cũng có hình có khối, có thể cân đong đo đếm được. Nỗi sầu vừa trải

dài ra theo thời gian năm tháng (ba thu) vừa như dồn lại trong khoành khắc. Nỗi sầu buồn vận động
theo qui luật của tâm lí con người. “Càng lắc càng đầy” khiến người đọc dễ dàng hình dung về nỗi
sầu cứ ngày một tăng lên, dầy thêm, sâu sắc hơn theo thời gian, cho dù nhân vật trữ tình có tìm mọi
cách làm cho nó vơi bớt đi.
Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng nhớ nhung, sầu
muộn của người vợ có chồng đi lính. Tâm trạng ấy được thể hiện trong một khoảng thời gian dài
đằng đẵng, kéo dài tới 476 câu thơ. Để diễn tả những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ nhung, sầu
muộn ấy, tác giả không thể chỉ tự tình, giãi bày theo dòng thời gian đơn thuần. Làm thế tác phẩm sẽ
rơi vào nhàm chán và nặng nề, trừu tượng. Người đọc sẽ không thể tưởng tượng, hình dung được cụ
thể những cung bậc trạng thái cảm xúc, tâm trạng của chinh phụ trong các thời điểm khác nhau như

3


thế nào. Do đó, tác phẩm cần phải không gian hóa thời gian, dùng không gian để làm môi trường
cho cảm xúc bộ lộ. Ta có thể kể ra nhiều câu thơ hay được viết theo cách thức đó như:
- Khắc chờ đằng đẵng như niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
- Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong
Cảnh buồn người tha thiết lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun…
2. Một trong những đặc trưng của tác phẩm trữ tình là tính cô đọng, hàm súc ngắn gọn. “ý
tại ngôn ngoại”. Tác phẩm trữ tình thường chỉ bộc lộ những trạng thái cảm xúc thăng hoa, đạt đến
đỉnh điểm và tất nhiên thường chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Cho nên, ở tác phẩm trữ tình, chiều
thời gian thường bị co lại, chiều không gian được “mở rộng” ra để hình tượng nghệ thuật chuyển tải

được những tư tưởng tình cảm của chủ thể trữ tình. “Mở rộng” ở đây nên hiểu là xuất hiện nhiều
loại không gian, có thể là không gian rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ, có thể không gian nhỏ, hẹp
của đời sống sinh hoạt hằng ngày. Điều quan trọng là không gian nghệ thuật đó phải truyền tải một
cách cô đọng và hiệu quả nhất những cung bậc tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ,… của chủ thể trữ tình.
Qua chất liệu ngôn từ, thể loại trữ tình luôn đầy ắp những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng không
gian tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Không gian thiên nhiên là một nơi ẩn mình lý tưởng của nhiều bậc trí thức thời trung đại.
Chốn quan trường lao xao, nhiều tranh chấp, không thích hợp cho những bậc quân tử nên họ thường
tìm về thiên nhiên, sống cuộc sống dân dã, vui thú điền viên để giữ tinh thần luôn được thanh tịnh.
Không gian thiên nhiên lúc này không còn mang cái vẻ bao la, huyền bí nữa mà nó đã trở thành
người bạn thân thiết, tri âm tri kỷ của thi sĩ:
Cây rợp, tán che am mát,
Hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn
Cò nằm, hạc lặn nên bầy bạn
Ap ủ cùng ta làm cái con
(Nguyễn Trãi)
hay:

Trăng trong gió mát là tương thức
4


nước biếc non xanh ấy cố tri
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tình cảm của người thi sĩ đối với người bạn thiên nhiên thật ấm áp, chân thật. Và thiên
nhiên dường như cũng giao hòa, san sẻ những nỗi buồn vui của con người.
Các thi sĩ xưa cũng tạo ra sự đối lập giữa không gian ẩn dật thanh cao, trong sạch, xa lánh
lợi danh với không gian xô bồ, chen chúc, đầy mưu toan của người đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng
tạo sẹ đối lập này trong bài “Nhàn”: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ - Người khôn, người đến chốn lao
xao”. “Nơi vắng vẻ” và “Chốn lao xao” là những không gian có tình biểu tượng như vậy.

Đến thơ hiện đại, những biểu tượng không gian cũng được các nhà thơ sử dụng. Không gian
Tây Bắc trong bài “Tiếng hát con tàu” ngoài ý nghĩa chỉ một địa danh xa xôi của Tổ quốc, còn là
một biểu tượng cho cuộc sống lớn của nhân dân và đất nước, là cội nguồn của cảm hứng sáng tạo
nghệ thuật. Trong “Đất nước”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Không gian “cánh đồng quê”, “dây thép gai đam nát trời chiều” đã khắc họa được thực
taijddau thương của đất nước bị thực dân Pháp giày xéo, xâm lược. Câu thơ là tiếng kêu xé lòng của
nhà thơ nhưng cũng là tiếng lòng của nhân dân cả nước.
Như vậy, xem xét các đặc trưng cơ bản của thể loại trữ tình, chúng ta nhận thấy thể loại này
thiên về biểu hiện không gian. Đồng thời, không gian nghệ thuật là một phương diện chủ yếu để thể
loại trữ tình bộc lộ những đặc trưng riêng của nó.
III. Thời gian nghệ thuật là phương diện chủ yếu của thể loại tự sự
1. Xét về phương thức phản ánh thế giới, thể loại tự sự là loại tác phẩm phản ánh đời sống
trong tính khách quan. Muốn tái hiện bức tranh đời sống khách quan giàu tính khái quát trong tác
phẩm tự sự, lời văn phải thông qua các yếu tố cơ bản: sự kiện, cốt truyện, nhân vật, nghệ thuật trần
thuật,…. Các yếu tố này đều mang tính chất thời gian và được xây dựng chủ yếu trên phương diện
thời gian nghệ thuật.
a.Trước hết là sự kiện. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất của thể loại tự sự. Các sự kiện đều
tồn tại trong một không gian nhất định nhưng luôn tiếp nối nhau nên còn mang đậm tính thời gian.
Thông qua hệ thống sự kiện, “chuỗi sự kiện” mà người đọc hình dung ra được đường đời, số phận
của các nhân vật. Sự phát triển tính cách nhân vật ra sao, cốt truyện diễn ra như thế nào. Không gian
cho dù được miêu tả kĩ lưỡng thế nào cũng chỉ là nền cảnh để nhân vật bộc lộ suy nghĩ, hành động,
tâm trạng,… trong một khoảnh khắc thời gian nào đó chứ chưa thể tạo nên dòng đời nhân vật,
không thể cho thấy sự vận động của cốt truyện, tính cách, số phận nhân vật. Do đó, trần thuật sự
5


kiện theo thời gian là yếu tố sống còn với thể loại tự sự, giúp nó tái hiện được bức tranh đời sống
khách quan đa dạng, phong phú và biến đổi liên tục.

b.Nói đến sự kiện là phải nhắc tới cốt truyện và nhân vật của thể loại tự sự. Cốt truyện là hệ
thống sự kiện có tính liên tục và tính quá trình để tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh với các tính
cách và những mâu thuẫn xung đột trong đời sống. Sự phát triển của cốt truyện thường trải qua các
diễn biến chính sau: thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút. Do tính liên tục và tính quá trình của cốt
truyện nên nó luôn được xây dựng trong một diễn biến thời gian nhất định: dài hay ngắn, nhanh hay
chậm, một ngày hay một năm, một đời người hay trải qua nhiều thế hệ,… Các sự kiện được sắp xếp
theo mối quan hệ nhân quả liên tục và theo cuộc đời nhân vật. Cốt truyện gắn liền với sự phát triển,
những đổi thay của số phận, tính cách các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính, nhân vật trung tâm.
Qua số phận, tính cách nhân vật mà nhà văn khái quát được hiện thực và gửi gắm tư tưởng nghệ
thuật tới bạn đọc một cách thấm thía, sâu sắc nhất.
Có thể thấy rõ điều này qua cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” – V.Huy-gô. Cốt
truyện kể cuộc đời của một người tù khổ sai tên là Giăng Van- giăng được thả ra sau 19 năm bị
giam cầm vì tội ăn cắp một ổ bánh mì và vì các âm mưu vượt ngục. Nhờ ngưỡng mộ lòng tốt thánh
thiện của cha Mi-ri-en mà Van-giăng hối cải, nguyện làm một người sống trên đời “chỉ để yêu
thương”. Nhờ vận may mà Van-giăng trở nên giàu có, trở thành thị trưởng của thị xã Mông-tơ-rây
và lấy tên khác là Ma-đơ-len. Ông mở nhà máy và giúp đỡ công ăn việc làm cho nhiều người. Tại
đây, ông đã gặp gỡ và giúp đỡ Phăng-tin, một người đàn bà khốn khổ bị một tên bạc tình lừa dối và
có con với hắn. Để có tiền nuôi con gái là Cô-det, Phăng-tin đã bán đi tất cả những gì quý giá trên
người cô, kể cả mái tóc và hàm răng đẹp đẽ của mình. Trong giây phút Phăng-tin hấp hối, Vangiăng đã nhận lời cưu mang bé Cô-dét suốt đời với nỗi xót xa thương cảm với Phăng-tin. Vì không
muốn Xăng-ma-chi-ơ chịu tội thay cho mình nên Van-giăng đã nhận tội với thanh tra Gia-ve.
Nhưng sau đó, ông đã trốn thoát khỏi bàn tay tên thanh tra mật thám tàn bạo, cứu thoát bé Cô-dét
khỏi bàn tay vợ chồng Tê-nác-đi-ê. Ông đã đưa Cô-dét về ẩn náu ở Pa-ri. Ông coi Cô-dét là con gái
và đã chăm sóc cho cô đến khi Cô-dét trưởng thành. Tại khu vườn Lúc-xăm-bua, Cô-dét đã gặp và
đem lòng yêu Ma-ri-uýt, một sinh viên bị gia đình xa lánh vì tư tưởng tự do của mình. Thế rồi cách
mạng nổ ra, cuộc chiến đấu giữa những người tự do và quân đội chính phủ nổ ra. Giăng Van-giăng
cũng tham gia quân nổi dậy vì muốn bảo vệ Cô-dét và Ma-ri-uýt. Trong cuộc chiến, họ bắt được
Gia-ve và giao cho Van-giăng toàn quyền xử lý hắn. Ông đã thả tên thanh tra. Sau đó, Ma-ri-uýt bị
thương. Van-giăng đã cõng chàng chạy trốn theo những đường cống ngầm ở dưới lòng Pa-ri. Khi ra
đến miệng cống, ông gặp lại Gia-ve. Ông cố thuyết phục viên thanh tra để mình cứu sống Ma-ri-uýt
rồi sẽ nộp mình cho hắn. Gia-ve đồng ý nhưng rơi vào mâu thuẫn giữa một bên là lòng tin vào pháp

6


luật và một bên là niềm tin vào lòng tốt của con người. Không chịu nổi tình trạng khó xử đó, Gia-ve
đã nhảy xuống dòng sông Xen tự vẫn. Ma-ri-uýt và Cô-dét cưới nhau. Còn Van-giăng thì lặng lẽ rời
xa họ, đến lánh mình trong một thánh đường. Đến khi đôi trẻ hiểu ra lòng tốt và tình thương của
ông dành cho họ thì cũng là lúc Van-giăng đang hấp hối. Trước lúc ra đi, ông đã dặn họ: “trên đời
này chỉ có một điểu thôi. Đó là thương yêu nhau”. Như vậy, cốt truyện được tạo nên bởi hàng ngàn
các sự kiện lớn nhỏ, xâu chuỗi với nhau và được kể theo trình tự thời gian nhất định. Ở đó thời gian
tiền sử là cả cuộc đời Giăng Van-giăng. Thời gian cốt truyện là khoảng thời gian 40 năm, kể từ khi
nhân vật vào tù, trở thành tù khổ sai cho đến khi chút hơi thở cuối cùng. Qua cuộc đời của con
người khốn khổ Giăng Van-giăng, người đọc thấy được một tâm hồn thánh thiện, lòng nhân ái bao
la, sẵn sàng hi sinh vì hạnh phúc của người khác. Tất cả làm sáng tỏ triết lí tình thương, lẽ sống tình
thương mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Có một thứ sức mạnh và quyền lực của tình
thương. Nó có thể xóa bỏ hận thù, nâng đỡ con người bất hạnh, chiến thắng cường quyền, khiến
“con người gần người hơn”.
c. Chính vì đặc điểm của sự kiện, cốt truyện và nhân vật như trên, cho nên trần thuật trong
thể loại tự sự chủ yếu là trần thuật theo thời gian. Tùy vào tương quan giữa các sự kiện và cách thức
xây dựng cốt truyện, các kiểu nhân vật mà thời gian nghệ thuật có hình thức tổ chức khác nhau.
Tác phẩm tự sự có thời gian khép kín là thời gian của cốt truyện vận động theo các dữ kiện
đã có cho tới khi kết thúc. Các nguyên nhân đều biến thành kết quả hoàn toàn. Kết thúc truyện Tấm
Cám, cô Tấm trở lại làm hoàng hậu, sống hạnh phúc bên nhà vua nhờ hiếu thảo, chăm chỉ, nết na,
lương thiện. Còn mẹ con Cám thì bị trừng trị đích đáng vì tính ích kỷ, độc ác của mình. Thời gian
mở là thời gian của tiến trình sự kiện, trong đó xuất hiện những khả năng mới, bước ngoặt mới mà
không hề do ai hay do việc gì định trước. Do đó, tác phẩm không kết thúc theo các dữ kiện ban đầu
mà theo dữ kiện mới, có viễn cảnh mới. Trong “Chí Phèo”, kết thúc là cái chết bi thảm của Chí
cùng với cảnh thị Nở nhìn nhanh xuống bụng và nghĩ đến cái lò gạch cũ. Truyện kết thúc nhưng bi
kịch của Chí Phèo chưa chấm dứt. Tác phẩm như dự báo về tương lai u ám, bi quan với số phận của
những người nông dân như Chí Phèo sẽ còn tiếp diễn.
Do yêu cầu tái hiện các sự kiện đời sống đa dạng, phức tạp mà tác phẩm tự sự có sự sắp xếp

thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật khác nhau. Điểm mở đầu và kết thúc của thời gian
trần thuật có thể trùng khít hoặc so le với thời gian sự kiện. Truyện “Những đứa con trong gia đình”
– Nguyễn Thi bắt đầu kể từ thời điểm Việt bị thương nằm lại trên chiến trường. Trong những lần cứ
ngất đi và tỉnh lại, Việt lại hồi tưởng về gia đình mình với ba má, chú Năm và chị Chiến với biết
bao kỉ niệm vui buồn từ nhỏ đến khi trưởng thành đi lực lượng. Đây là kiểu thời gian trần thuật bắt
đầu từ giữa thời gian sự kiện. Các sự kiện trong thời gian trần thuật có thể sắp xếp theo nhiều tương
7


quan như liên tục nhau; gối đầu nhau, sự kiện này chưa xong, sự kiện khác đã tới; đảo ngược thời
gian, đòi hỏi hồi tưởng, hồi thuật; trần thuật dồn nén, tỉnh lược,… Điều này tạo nên tốc độ, nhịp
điệu trần thuật nhanh hay chậm. Thời gian trong tác phẩm khi thì bị dồn lại, khi thì bị kéo căng ra.
Thời gian trần thuật và thời gian sự kiện trong tác phẩm “mảnh trăng cuối rừng” - Nguyễn Minh
Châu có đọ so le nhau. Truyện được kể bắt đầu từ hiện tại (câu chuyện kể trong đêm của cánh lái xe
với nhau), sau đó ngược về quá khứ rồi lại về bối cảnh hiện tại của người kể chuyện – một anh lính
lái xe đường Trường Sơn. Diễn biến cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Lãm và Nguyệt trên cùng một
chuyến xe tuy ngắn ngủi nhưng được tác giả kéo giãn ra nhằm lắng nghe những rung động tình cảm
sâu sắc trong tâm hồn Lãm suốt chặng đường đi. Để rồi trái tim anh hướng về Nguyệt tự lúc nào
không hay.
2. Tác phẩm tự sự có khả năng phản ánh hiện thực một cách rộng lớn, bao quát. Tác phẩm
tự sự miêu tả cuộc sống qua các sự kiện, hệ thống sự kiện mà sự kiện là sản phẩm của mối quan hệ
giữa con người với con người, con người và môi trường xung quanh. Do đó, tác phẩm tự sự mở ra
một phạm vi hết sức rộng lớn trong việc miêu tả hiện thực khách quan, được thể hiện trong nhiều
mối quan hệ. Để tăng khả năng mở rộng qui mô phản ánh hiện thực khách quan, thể loại tự sự chủ
yếu lựa chọn phương thức tự sự theo thời gian chứ ít khi lựa chọn tự sự theo không gian. Câu
chuyện có khi chỉ diễn ra trong không gian một ngôi làng nhưng trải qua thời gian với những biến
cố to lớn vẫn có sức khái quát hiện thực rộng lớn cho toàn xã hội. Đó là câu chuyện về cuộc đời kéo
dài khoảng 40 năm của Chí Phèo ở làng Vũ Đại có tính điển hình cho số phận của biết bao người
nông dân Việt Nam bị tha hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Đó là câu chuyện về
cuộc sống của Thứ, San, Đích, Oanh trong ngôi trường tư thục nhỏ bé ở Hà Nội nhưng có giá trị

tiêu biểu cho bao kiếp “sống mòn”, chết mòn của người trí thức nghèo trước năm 1945. Không gian
của “Sống mòn” rất chật hẹp, không có gì để viết nhiều nhưng tác phẩm vẫn có qui mô của một tiểu
thuyết, vẫn có giá trị phản ánh hiện thực rộng lớn, sâu sắc. Đó là nhờ tác giả trần thuật theo dòng
chảy nội tâm, suy nghĩ của nhân vật. Theo dòng chảy của thời gian, Thứ nhận ra đời mình càng lúc
càng “mốc lên, gỉ ra” và hắn càng lúc càng hỏng, “hỏng hẳn rồi”. Nhận thức về kiếp sống mòn của
bản thân mình và những con người xung quanh càng lúc càng rõ ràng thì cũng là lúc bi kịch cuộc
đời, sự bế tắc càng lên đến đỉnh điểm. Đó là những tác phẩm bám vào sự kiện bên trong của nhận
thức, nội tâm con người để trần thuật. Ở tác phẩm đi trần thuật theo sự kiện bên ngoài, nhất là sự
kiện lịch sử như “Tam quốc diễn nghĩa” thì dung lượng tác phẩm được mở rộng tương ứng với
chiều dài thời gian nghệ thuật. Hiện thực xã hội Trung Quốc thời Tam quốc khá đầy đủ chi tiết với
ngổn ngang các trận đánh, phân tranh, cát cứ,… của các tập đoàn phong kiến, tiêu biểu là ba nhà
Ngụy – Thục – Ngô. Cuối cùng, Tư Mã Viêm đã thống nhất thiên hạ và lập ra nhà Tấn, chấm dứt
8


thời kỳ tam quốc phân tranh. Sự thống nhất của đất nước Trung Quốc đã phải đổi bằng biết bao
xương máu của nhân dân qua hằng trăm năm chìm trong chiến tranh binh lửa.
Như vậy, thời gian nghệ thuật đã trở thành một phương diện quan trọng của thể loại tự sự,
tham gia vào việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, trần thuật sự kiện,... nhằm phản ánh hiện thực đời
sống một cách khách quan, với phạm vi rộng lớn, bao quát.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Không gian và thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của thế giới khách quan. Không có sự
vật hiện tượng nào tồn tại bên ngoài không gian và thời gian. Là phạm trù của hình thức nghệ thuật,
không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thể hiện sức sáng tạo của người nghệ sĩ, bộc lộ cái
nhìn của họ về đời sống và con người. Kết cấu không gian và thời gian góp phần quan trọng trong
việc tổ chức hình tượng nghệ thuật, tạo giá trị thẩm mĩ cho hình tượng, khái quát tư tưởng của nhà
văn. Trong đó, không gian nghệ thuật tham gia chủ yếu vào việc tái hiện đời sống của thể loại trữ
tình, trở thành phương diện chủ yếu của thể loại này. Còn thời gian nghệ thuật lại tham gia chủ yếu
vào việc tái hiện thế giới khách quan, trở thành phương diện chủ yếu của thể loại tự sự.


9


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học,
2006, Nxb Giáo dục
2. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, 1999, Nxb Giáo dục
3. Trần Đình Sử, Tự sự học, một số vấn đề về lý luận và lịch sử, tập 1 , 2004, Nxb Đại học
Sư phạm
4. Trần Đình Sử, Lý luận văn học (3 tập), 2007, Nxb Đại học Sư phạm
5. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức, Thơ ca Việt Nam, hình thức và thể loại, 1984, NXB
KHXH, Hà Nội
6. Nguyễn Thái Hòa, Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục

10



×