1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nhân vật là yếu tố cơ bản của tác phẩm văn học. Văn
học không thể thiếu nhân vật, bởi đó là tiêu điểm để nhà văn thể
hiện những khái quát về hiện thực đời sống, bộc lộ tư tưởng, quan
niệm nghệ thuật cũng như lý tưởng thẩm mỹ của mình về cuộc đời,
con người. Nghiên cứu tác phẩm văn học không thể không tiếp cận
nhân vật văn học. Việc nghiên cứu nhân vật giúp người nghiên cứu
nhận diện những diễn biến tư tưởng, cảm quan đời sống và thi pháp
nghệ thuật của nhà văn, từ đó có cơ sở để khẳng định những đóng
góp riêng của nhà văn vào tiến trình văn học dân tộc.
1.2. Văn học Việt Nam từ sau đổi mới ghi nhận những đóng
góp quan trọng của các nhà văn nữ, đặc biệt trong thể loại truyện
ngắn và tiểu thuyết. Điểm nổi bật trong sáng tác của các cây bút nữ
là sự xuất hiện đặc biệt đông đảo và chiếm ưu thế của các nhân vật
nữ. Có thể nói, các nhà văn nữ, với những nỗ lực sáng tạo nhiều mặt
đã khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn. Thông qua việc
tìm hiểu nhân vật nữ trong các sáng tác của nhà văn nữ, người
nghiên cứu có cơ sở khám phá sâu sắc và nhiều chiều hơn thế giới
tâm hồn, những “ẩn mật bản ngã” của “một nửa nhân loại”. Nghiên
cứu đặc tính cấu trúc nhân vật nữ còn giúp người nghiên cứu tìm
hiểu sâu hơn các vấn đề văn hóa đương đại đang đặt ra như vấn đề
giới, ý thức nữ tính, cái nhìn của chủ thể nhà văn nữ.
1.3. Trong số các nhà văn nữ đương đại, Y Ban là một cây
bút có một vị trí nổi bật. Từ hơn mười năm trở lại đây, bà đã xuất
bản hàng chục tập truyện ngắn và nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang.
Với sự tự tin và bản lĩnh của một ngòi bút tài năng, đam mê sáng tạo
cùng sự tri nhận sắc sảo về cuộc sống, Y Ban đã tạo dựng được một
bản sắc văn xuôi độc đáo. Phân tích đặc điểm cấu trúc nhân vật nữ
trong tiểu thuyết của bà có thể nhận ra phần lớn đặc điểm này.
Đọc tiểu thuyết Y Ban, có thể nhận ra, mảng đề tài được đề
cập nhiều nhất và cũng là một thế mạnh trong sáng tác của bà là tình
yêu và phụ nữ. Bản thân tác giả, khi nói về ý đồ và quan điểm sáng
tác của mình cũng nhấn mạnh: “Có thể nói, một mảng “ đặc sản”
trong nghiệp văn của tôi là viết về đàn bà. Mảng đề tài này là thuận
2
tay, là niềm trăn trở, là món nợ nhất đối với tôi. Trong một xã hội
đang đánh mất quá nhiều giá trị như hiện nay thì người hứng chịu
nhiều nhất không ai khác chính là những người đàn bà. Họ buộc
phải tự vươn lên để tìm cách giải tỏa, để đối kháng, để sống. Trong
tiểu thuyết của mình, tôi muốn những người đàn bà ấy phải sống
cho mình, sống theo cách của mình, dù cho họ phá cách”.
Với tất cả những lí do lí thuyết – lịch sử nêu trên, chúng tôi
quyết định nghiên cứu đề tài “Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban”.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Y Ban là một cây bút văn xuôi độc đáo. Cho đến thời điểm
hiện nay, đã có nhiều bài nghiên cứu, phê bình phân tích sáng tác
của bà trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tiêu biểu trong số đó là các
bài: Một giọng nữ trầm trong văn chương của nhà phê bình Bùi Việt
Thắng, Y Ban và những thân phận đàn bà của nhà văn Xuân Cang,
Đọc truyện ngắn Y Ban của Lê Hương Thủy, Trò chơi hủy diệt cảm
xúc - Nhịp điệu của văn xuôi của nhà phê bình Hoài Nam, Y Ban
viết về nỗi đau rất đàn bà của tác giả Dương Cầm.
Trên các trang báo điện tử, các bài viết về tác phẩm của Y
Ban trên mạng khá phong phú. Điều này cũng cho thấy các cách đọc
và cảm nhận khác nhau của độc giả về truyện ngắn và tiểu thuyết
của bà. Có thể kể đến các bài như: Buồn ơi! Y Ban chào mi của
Xuân Anh; Nhà văn Y Ban – văn chương vẫn cần trời cho; Y Ban:
Bốp chát & nữ tính của Hòa Bình; Y Ban không thấy nhục cảm là
phi đạo đức của Tú Cầu; Đối thoại Y Ban – Nguyễn Khắc Phục của
Lê Hà; Nhà văn Y Ban bị sốc khi “I am đàn bà” bị thu hồi của
Nguyễn Hằng; Nhà văn Y Ban: “Chúng ta đang quay cuồng trong
bức xúc” của Hoàng Hường; “Lát cắt” Y Ban của Cao Minh, Trần
Thanh Hà trong Xuân Từ Chiều - chua xót vì nỗi con người,…
Có thể thấy, các bài viết, công trình nghiên cứu về sáng tác
của Y Ban trên các báo và tạp chí khá phong phú về số lượng. Tuy
nhiên, tác giả của các bài viết đó mới chỉ dừng lại tìm hiểu một số
khía cạnh hoặc giới thiệu, nhận định chung về tác giả mà chưa đi
sâu nghiên cứu vấn đề nhân vật nữ trong các tiểu thuyết của bà.
Trên cơ sở kế thừa ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước,
luận văn của chúng tôi tập trung nghiên cứu đề tài “Thế giới nhân
vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban”. Chúng tôi xem đây là con đường
3
hợp lí nhất để đánh giá những nét độc đáo trong tiểu thuyết Y Ban,
ngõ hầu ghi nhận kịp thời những đóng góp của bà vào tiến trình tiểu
thuyết Việt Nam đương đại.
3. Mục đích nghiên cứu
- Phân tích đặc tính của nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban
nhằm chỉ ra một phương diện độc đáo trong thế giới nghệ thuật của
nhà văn.
- Khẳng định những đóng góp quan trọng về tư tưởng và thi
pháp nghệ thuật của tác giả vào tiến trình tiểu thuyết Việt Nam
đương đại.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Loại hình hóa thế giới nhân vật nữ và phân tích đặc điểm
nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban.
- Các thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong tiểu
thuyết Y Ban.
- Đối sánh loại hình với một số cây bút đương đại ( đặc biệt
là các cây bút nữ) để thấy những nét độc đáo trong cảm quan đời
sống và thi pháp nghệ thuật của Y Ban.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu:
Thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban với những biểu
hiện cụ thể của nó ( đặc điểm loại hình, nghệ thuật biểu hiện).
5.2. Phạm vi nghiên cứu:
Các tiểu thuyết đã công bố của Y Ban:
- Đàn bà xấu thì không có quà, Nxb. Hội nhà văn (2004);
- Xuân Từ Chiều, Nxb. Phụ nữ (2008);
- Trò chơi hủy diệt cảm xúc, Nxb. Trẻ ( 2012).
6. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp hệ thống, Phương pháp phân tích - tổng hợp,
Phương pháp so sánh, so sánh hệ thống và so sánh loại hình.
7. Đóng góp mới của luận văn
7.1. Luận văn là công trình nghiên cứu chuyên sâu về đặc
tính cấu trúc nhân vật nữ trong tiểu thuyết của một nhà văn nữ nổi
tiếng. Thực hiện đề tài này giúp người nghiên cứu có thể phát hiện
và loại hình hóa các kiểu loại nhân vật nữ tiêu biểu trong tiểu thuyết
4
Y Ban, đồng thời chỉ ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây
dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của bà.
7.2. Khẳng định những đóng góp riêng của Y Ban vào tiến
trình tiểu thuyết Việt Nam đương đại (cả về cảm quan đời sống lẫn
thi pháp nghệ thuật).
7.3. Góp phần khẳng định ý nghĩa của hướng phân tích lí
thuyết - lịch sử trong nghiên cứu văn học nói chung, trong nghiên
cứu cấu trúc nhân vật nói riêng.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phụ lục, tài liệu tham
khảo, nội dung luận văn của chúng tôi gồm có ba chương:
Chương 1. Khái quát về hình tượng nhân vật nữ và một số
đặc điểm của nhân vật nữ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
Chương 2. Thế giới nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban.
Chương 3. Một số thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ
trong tiểu thuyết Y Ban.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI QUÁT VỀ HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ
VÀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÂN VẬT NỮ
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
1.1. Khái quát về hình tượng nhân vật nữ trong văn học
1.1.1. Khái niệm về nhân vật và nhân vật nữ
1.1.1.1. Về khái niệm nhân vật văn học, giới nghiên cứu, phê
bình đã đưa ra khá nhiều quan điểm khác nhau.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học, nhà nghiên cứu Lại
Nguyên Ân quan niệm: “Nhân vật văn học là một trong những khái
niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh
hướng, trường phái hoặc dòng phong cách. Nhân vật văn học là hình
tượng nghệ thuật về con người. Một trong những dấu hiệu về sự tồn
tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con
người, nhân vật văn học có khi là các con vật, các loài cây, các sinh
thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống con người”.
5
Các tác giả trong Từ điển văn học lại nhìn nhận nhân vật ở
khía cạnh vai trò, chức năng của nó đối với nội dung và hình thức
của tác phẩm:
“Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, tiêu
điểm để bộc lộ chủ đề, tư tưởng chủ đề và đến lượt mình nó lại được
các yếu tố có tính chất hình thức của tác phẩm tập trung khắc hoạ.
Nhân vật do đó là nơi tập trung giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác
phẩm văn học”.
Trong giáo trình Lý luận văn học của Trường Đại học Sư
phạm Hà Nội, các nhà nghiên cứu nhận xét:
“Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu
tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những
nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh, Thuý Kiều,… Đó là
những nhân vật không có tên thằng bán tơ, một mụ nào trong
Truyện Kiều, những kẻ đưa tin, lính hầu, chạy hiệu thường thấy
trong kịch. Đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại,
thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật
mang nội dung và ý nghĩa con người. Nhân vật có thể được thể hiện
bằng những hình thức khác nhau nhất. Đó có thể là những con
người được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính cách,
tiểu sử như thường thấy trong tác phẩm tự sự, kịch. Đó có thể là
những người thiếu hẳn những nét đó, nhưng lại có tiếng nói, giọng
điệu, cái nhìn như nhân vật người trần thuật, hoặc chỉ có cảm xúc,
nỗi niềm, ý nghĩ, cảm nhận như nhân vật trữ tình trong thơ trữ tình.
(…) Khái niệm nhân vật có khi được sử dụng một cách ẩn dụ,
không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật
trong tác phẩm. (…) nhưng chủ yếu vẫn là con người trong tác
phẩm. (…) nhân vật văn học là một hiện tượng ước lệ, có những dấu
hiệu để ta nhận ra”
Có thể xem đây là một quan niệm cụ thể, chi tiết về nhân vật
văn học. Trong giáo trình Lí luận văn học của Trường Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cho
rằng:
“Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính
ước lệ, đó không phải là sự sao chụp mọi chi tiết biểu hiện của con
người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển
6
hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách, … Và cần chú ý thêm một
điều: thực ra khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một
phạm vi rộng hơn nhiều, đó không chỉ là con người, những con
người có tên hoặc không tên, được khắc hoạ sâu đậm hoặc chỉ xuất
hiện thoáng qua trong tác phẩm mà còn có thể là những sự vật, loài
vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người… Cũng có
khi đó không phải là những con người hoặc có liên quan tới con
người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm”.
Các quan niệm về nhân vật trên đây mặc dầu có khác nhau
về tiểu tiết song cơ bản vẫn có sự gặp gỡ trên một số tiêu điểm nhất
định: nhân vật là đối tượng mà văn học miêu tả, được xây dựng
bằng những phương tiện nghệ thuật nhằm phản ánh đời sống hiện
thực; là yếu tố cơ bản nhất của tác phẩm, mang tính ước lệ và thể
hiện sự sáng tạo của nhà văn. Với vị trí quan trọng như vậy, nhân
vật trở thành yếu tố không thể bỏ qua khi tìm hiểu, nghiên cứu về
một nhà văn nào đó.
1.1.1.2. Nhân vật nữ là một loại hình cụ thể của nhân vật văn
học. Có thể nói khái quát: Nhân vật nữ chính là hình ảnh, hình
tượng người phụ nữ được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học
bằng các phương tiện văn học.
Nghiên cứu nhân vật nữ là nghiên cứu một kiểu cấu trúc
nhân vật văn học đặc thù.
1.1.2. Nhân vật nữ trong văn học truyền thống Việt Nam
Phụ nữ là một nửa của nhân loại, là biểu tượng của cái đẹp,
hiện thân của sự sinh tồn và luân chuyển sự sống. Trong dòng chảy
văn học từ cổ chí kim, hình tượng người phụ nữ luôn là một trong
những đề tài quen thuộc nhất và là nguồn cảm hứng vô tận. Tuy
mức độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi thời kỳ, song hình tượng người
phụ nữ luôn được xem là một tâm điểm trong văn học truyền thống
Việt Nam. Qua hình tượng này, người đọc các thế hệ sau thấy được
đặc điểm số phận của người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại và cả
tầm mức nhân văn trong cái nhìn đối với phụ nữ.
Trong văn học dân gian, nhân vật nữ đại diện cho lý tưởng
thẩm mỹ của nhân dân. Tuy nhiên, những chuẩn mực thẩm mỹ buổi
ban đầu chưa thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng, đầy đủ diện mạo của
người phụ nữ. Theo thời gian, bức chân dung này ngày càng được
7
hình dung một cách rõ nét hơn. Người phụ nữ hiện lên trong văn
xuôi dân gian chủ yếu qua các câu chuyện cổ tích. Họ luôn toả sáng
những nét đẹp: hiền lành, chăm chỉ, giàu đức hy sinh, giàu lòng
nhân ái.
Trong văn học trung đại, hình tượng người phụ nữ hiện lên
ngày càng đa dạng, nhiều chiều. Người phụ nữ, một mặt vẫn kế thừa
tư tưởng của văn học dân gian; mặt khác, lại bổ sung thêm những
quan niệm mới, trong đó, “hồng nhan bạc mệnh”. Điểm qua gương
mặt nhân vật nữ thời kỳ này ta thấy một điểm chung ở họ là có cuộc
đời đầy sóng gió, bẽ bàng, không mấy ai có được hạnh phúc thật sự.
Tuy nhiên, văn học trung đại bước đầu đã phản ánh được quan niệm
về con người cá nhân trong xã hội. Nhiều nhân vật nữ đã thể hiện sự
phản kháng, tố cáo xã hội, nêu lên suy nghĩ, quan điểm riêng của
mình, bộc bạch trực tiếp những nỗi khổ đau, những niềm riêng tư
(sự tự ý thức về mình). Có thể nói, văn học thời kỳ này đã thực hiện
những khám phá đời sống nội tâm nhiều cung bậc của con người,
đặc biệt là người phụ nữ.
Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 tiếp tục khai thác
đề tài về người phụ nữ. Sáng tác của Tự lực văn đoàn đã xây dựng
hình ảnh những người phụ nữ mới, là những con người dám đấu
tranh cho tự do cá nhân, cho hạnh phúc con người, phê phán cái xấu,
cái cũ, đòi quyền sống, tự do yêu đương và lựa chọn hạnh phúc cho
bản thân. Song hành và đối ứng với Tự lực văn đoàn, văn học hiện
thực phê phán giai đoạn này đi sâu khám phá những bi kịch khác
nhau trong cuộc đời người phụ nữ. Người phụ nữ hiện lên như một
biểu tượng trong văn học về nỗi khổ đau, bất hạnh chồng chất của
kiếp người và cuộc đời họ bao giờ cũng kết thúc trong sự tuyệt
vọng, bế tắc. Những nhân vật nữ này đã phản ánh phần nào tình
trạng bế tắc trong xã hội Việt Nam trước cách mạng trong hoàn
cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến.
Trong văn học giai đoạn 1945 - 1975, trong không khí hào
hùng của một thời đại lịch sử, nhân vật người phụ nữ đã có một diện
mạo mới bên cạnh những nét đẹp truyền thống bao đời của người
phụ nữ Việt Nam: nhân hậu, thủy chung, chịu thương chịu khó, giàu
đức hi sinh… Người phụ nữ được đặt trong mối quan hệ với những
vấn đề chung của thời đại. Người phụ nữ bước vào cuộc chiến đấu
8
thần thánh của đất nước, làm nên những tượng đài bất tử về vẻ đẹp
của người phụ nữ Việt Nam trong lòng dân tộc, thời đại. Có thể
thấy, người phụ nữ trong giai đoạn này là con người của cộng đồng,
của xã hội gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, được soi rọi dưới
cái nhìn lý tưởng hoá mang tính sử thi.
1.2. Một số đặc điểm của nhân vật nữ trong tiểu thuyết Việt
Nam đương đại
Sau năm 1975, văn học có xu hướng trở về với cái đời
thường muôn mặt, cảm hứng sử thi nhạt dần, thay thế vào đó là cảm
hứng về thế sự - đời tư. Nhân vật người phụ nữ hiện lên với tư cách
con người cá nhân, những mảnh đời riêng lẻ. Văn xuôi thời kỳ đổi
mới xem phụ nữ như một khách thể thẩm mĩ độc lập, một thế giới
riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn cần được khám phá và lý giải.
Chưa bao giờ người phụ nữ lại nhận được sự quan tâm lớn
của đông đảo người cầm bút như hôm nay, kể cả người cùng giới và
khác giới. Sự xuất hiện đa dạng, phong phú của nhân vật nữ cho
thấy mỗi nhà văn đã tìm cho mình một hướng đi riêng khi khai thác
đề tài này. Nhân vật nữ trong các sáng tác của nhà văn nữ hiện ra
như một sự khám phá và thể hiện chính bản thân mình. Thế giới phụ
nữ qua cái nhìn phụ nữ của các nhà văn đương đại đa dạng và đa sự.
Bằng kinh nghiệm bản thân, các nhà văn đã phô bày đời sống của
người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học những
trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ.
Tóm lại, người phụ nữ là hình tượng xuyên xuốt và nổi bật
trong văn học Việt Nam, gắn liền với sự vận động trong quan niệm
nghệ thuật về con người qua các giai đoạn lịch sử văn học. Mặc dù
ở mỗi giai đoạn khác nhau, cái nhìn về người phụ nữ luôn có những
thay đổi nhất định song dù ở thời đại nào thì người phụ nữ vẫn sáng
ngời vẻ đẹp truyền thống của mình trong văn hóa dân tộc và luôn là
hình ảnh tích cực được nhà văn gửi gắm nhiều tình cảm thương yêu
trân trọng.
1.3. Vấn đề nhân vật nữ của các nhà văn nữ
Văn học Việt Nam những năm gần đây xuất hiện một đội
ngũ khá đông đảo các nhà văn nữ viết về người phụ nữ. Tiêu biểu
trong số đó là các tác giả: Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị
Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban… Sự xuất hiện của
9
các cây bút nữ đã đem đến cho văn học đương đại Việt Nam một
luồng gió mới và tạo thế cân bằng trong sáng tác văn học giữa hai
giới.
Người phụ nữ viết văn sở hữu những thuận lợi thiên bẩm mà
các cây bút nam khó có được. Họ có thể dễ dàng viết về những vấn
đề của giới mình và có khả năng đi sâu vào thế giới tâm hồn đầy bí
ẩn của người phụ nữ. Với cái nhìn mẫn cảm bản năng, các nhà văn
nữ thường thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và
quyền sống của giới mình.
Theo suy nghĩ và cảm nhận của các nhà văn nữ, người phụ
nữ vẫn còn mang nhiều nỗi khổ cực đắng cay cần được chia sẻ. Văn
học là một phương tiện để người phụ nữ giãi bày tâm tư, nghiền
ngẫm nỗi niềm nhân tâm thế sự, thẳng thắn đối thoại với những
quan niệm cũ, thức tỉnh ý thức cá nhân, khát vọng bản thể, khẳng
định giá trị sống của chính mình.
Mảng hiện thực lớn trong các sáng tác của cây bút nữ là
“những cái tôi đàn bà phong phú, phức tạp và sâu sắc”. Người phụ
nữ được khai thác ở nhiều sắc thái cảm xúc, tâm trạng và cảm giác
một cách tinh tế và khéo léo. Cùng với khát vọng yêu đương, niềm
thương cảm với những thân phận đàn bà được bộc lộ một cách đầy
suy tư, trắc ẩn. Không những vậy, người phụ nữ được đưa về với
thiên tính nữ đặc trưng.
Mỗi tác giả với một lối viết riêng, một cách tiếp cận riêng,
song đằng sau từng trang viết là những niềm thương yêu, sự trân
trọng và cảm thông với số phận của người phụ nữ. Các nhà văn nữ
đã phát huy được những ưu thế giới tính của mình khi xây dựng
nhân vật nữ với đời sống nội tâm phong phú, phức tạp, thể hiện sự
quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của người
giới mình trong đời sống hôm nay.
10
CHƯƠNG 2
THẾ GIỚI NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y BAN
2.1. Quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết
Y Ban
2.1.1. Khái quát về quan niệm nghệ thuật về con người
Đối tượng thẩm mỹ của văn học là con người. Do vậy, tất cả
những gì liên quan đến con người, thuộc về con người đều nằm
trong phạm vi biểu hiện của văn học. Khái niệm nghệ thuật về con
người được nghiên cứu ở nhiều phương diện với những cách hiểu
phong phú. Về cơ bản có thể xác định:
“Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa,
sự cảm thấy con người đã được hoá thân thành các nguyên tắc,
phương tiện, biện pháp hình thức thể hiện con người trong văn học,
tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật
trong đó”
Quan niệm nghệ thuật về con người tồn tại trong thế giới
quan của mỗi người nghệ sĩ, gắn liền với cá tính sáng tạo của nhà
văn.
Quan niệm nghệ thuật về con người là tiêu chuẩn quan trọng
để đánh giá giá trị nhân văn vốn có của một hiện tượng văn học.
Người nghệ sĩ đích thực là người luôn suy nghĩ về con người, vì con
người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu con người. Khám phá
quan niệm nghệ thuật về con người là đi sâu vào thực chất sáng tạo
của người nghệ sĩ để đánh giá đúng về họ.
Quan niệm nghệ thuật về con người có sự thay đổi qua mỗi
thời kỳ văn học. Trước 1975, con người được nhìn theo lối sử thi
hoá, luôn được đặt trong mối quan hệ với cộng đồng, với dân tộc.
Bởi thế cái nhìn giản đơn, phiến diện về con người là không tránh
khỏi.
Sau 1975, con người đã được nhìn nhận như “một cá thể
bình thường trong những môi trường sống bình thường”. Sự hỗn tạp
trong tâm hồn, bản năng tự nhiên, đời sống tâm linh là những miền
sáng tác bất tận của người nghệ sĩ. Sự soi chiếu con người từ nhiều
chiều kích, góc độ nhằm “tìm ra con người bên trong con người”,
đem lại cái nhìn toàn diện về con người cho văn học.
11
2.1.2. Một số biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về người
phụ nữ trong tiểu thuyết Y Ban
Như đã khẳng định ở trên, đối tượng thẩm mĩ đặc thù trong
các sáng tác của Y Ban là những kiếp phận đàn bà. Do đó, hình ảnh
và thân phận đàn bà hiện ra trong tác phẩm của nhà văn được xem là
“đàn bà nhất trong mọi đàn bà này” thật phong phú: những cô gái
thôn quê, những người đàn bà thành thị, người phụ nữ ít học hay có
học vị và địa vị xã hội cao, những người phụ nữ bình thường hay
khuyết tật, lỡ dở… Mỗi người một cảnh đời, một số phận. Nhưng
cho dù họ là ai thì với Y Ban đều có điểm chung muôn thủa: kiếp
đàn bà là kiếp đời bi kịch, khổ đau, bất hạnh. Y Ban đã hướng ngòi
bút vào những mảnh đời, những thân phận đàn bà với những nỗi đau
cũng rất đỗi đàn bà trong cuộc sống hiện đại.
Người phụ nữ trong sáng tác của Y Ban còn là những con
người bản năng yêu và khát vọng sống mãnh liệt. Trong tiểu thuyết
của mình, Y Ban đã để những người đàn bà ấy phải sống cho mình,
sống theo cách của mình, dù cho họ phá cách. Trong mỗi tác phẩm
của bà luôn xuất hiện hình ảnh người đàn bà khao khát một tình yêu
hoàn hảo và tuyệt mĩ. Họ mong muốn được cảm nhận hết những
cung bậc và sắc thái muôn màu của tình yêu. Họ cũng cần một người
đàn ông lí tưởng để đem lại cho họ những cảm giác thăng hoa trong
tình yêu và những rung động hạnh phúc. Với Y Ban, hạnh phúc của
người phụ nữ thật giản đơn. Hạnh phúc là được có một gia đình với
một người chồng và những đứa con để chăm lo; là được giao cảm với
mọi người, đem hạnh phúc đến cho mọi người; là sự đồng điệu của
những tâm hồn biết chia sẻ, cảm thông lẫn nhau. Cùng với khát khao
hạnh phúc, người phụ nữ theo quan niệm của bà còn là những con
người có những khát khao rất bản năng, rất con người. Cuộc sống
càng văn minh, con người ngày càng có những đòi hỏi cao hơn cho
mình. Mong muốn được giải phóng cho cái phần bản năng sâu thẳm
nhất, hoang dại nhất, sơ khai nhất để cảm nhận những điều tốt đẹp
mà tạo hóa đã ban tặng. Đó cũng là xu hướng trở về với con người tự
nhiên bản thể, sống chân thực với chính mình. Cho nên trong tiểu
thuyết của mình, Y Ban muốn những người đàn bà ấy phải sống cho
mình, sống theo cách của mình, cho dù họ có phá cách. Và vì thế,
những người đàn bà trong tác phẩm của bà, cho dù khổ đau, mặc cho
12
vẻ bề ngoài khô cứng, có lúc cô đơn đến tận cùng thì bên trong vẫn là
trái tim ấm nóng, muốn quan tâm người và muốn được người khác
quan tâm. Họ khao khát được sống, được yêu, được là bản thân mình.
Tóm lại, người phụ nữ trong tiểu thuyết của Y Ban là những
con người được chú ý khai thác trên nhiều bình diện, nhiều khía
cạnh, ở cả những khuất khúc trong tâm hồn tình cảm và chiều sâu
thân phận. Người đọc nhận thấy người thấy người phụ nữ trong tiểu
thuyết của bà là những con người bất hạnh, con người khát khao, con
người bản năng – đó là phần bí ẩn trong người phụ nữ mà nhà văn
muốn khám phá và tìm hiểu. Được xem là “người đàn bà nhất trong
mọi đàn bà”, lại là nhà văn tiêu biểu cho tinh thần nữ quyền, Y Ban
đã giúp người đọc hình dung về một thế giới đàn bà thật bí ẩn, chênh
vênh mà cũng đầy yêu thương và đức hi sinh cho nhân loại.
2.2. Các kiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban
Nghiên cứu nhân vật chính là nghiên cứu cách nhà văn nhìn
nhận, cắt nghĩa về con người như thế nào và bằng cách nào trong
văn chương của mình. Khảo sát hệ thống nhân vật của Y Ban, cách
tiếp cận của chúng tôi là đi vào những kiểu dạng nhân vật nổi bật,
những thủ pháp nghệ thuật đặc thù, tìm hiểu những đặc trưng của
nhân vật, qua đó hiểu được cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về con
người và cuộc đời. Căn cứ vào sự lặp lại mang tính qui luật của các
mô hình nhân vật, chúng tôi khu biệt thành những kiểu nhân vật nữ
cơ bản sau đây:
2.2.1. Nhân vật bi kịch
Bi kịch hầu như không xuất hiện trong văn học chính thống
Việt Nam 1945 -1975. Luồng gió đổi mới đã đưa văn học về với
quỹ đạo phổ quát của nó: nghiền ngẫm nỗi đau thân phận con người.
Cùng với sự đổi mới mạnh mẽ quan niệm nghệ thuật về con người
và hiện thực, các nhà văn không ngần ngại đi sâu vào những sắc thái
muôn vẻ của nỗi buồn nhân thế, thể hiện cảm nhận sâu sắc về những
mất mát của con người. Y Ban cũng không là ngoại lệ.
Nhân vật bi kịch là kiểu nhân vật phổ biến và chủ chốt trong
cả ba tiểu thuyết của Y Ban. Các kiểu bi kịch qua các nhân vật nữ
trong các sáng tác của bà:
13
2.2.1.1. Bi kịch của những mảnh đời tật nguyền, lỡ dại, kém
may mắn
Y Ban đặc biệt quan tâm đến số phận của những con người
không may mắn mang nỗi mặc cảm về hình thức không hoàn thiện,
những con người phải gánh chịu nỗi đau khi sinh ra là kẻ tật
nguyền, lỡ dại.
Viết về số phận của những mảnh đời bất hạnh này, ẩn đằng
sau mỗi câu chữ là cả một nỗi xót xa, cảm thông. Y Ban đã gắng tìm
cho họ một giải pháp, một điểm tựa để họ hy vọng.
Trong những mảnh đời tật nguyền, lỡ dại, kém may mắn tội
nghiệp ấy, Y Ban luôn tìm thấy những khát khao mãnh liệt mà đau
thương của họ. Hạnh phúc nhỏ nhoi, bình thường không dành cho
họ, chỉ có nỗi xót thương vô hạn của nhà văn trong mỗi lời kể về
cuộc đời họ. Viết về số phận của họ, bà đã tìm thấy trong chiều sâu
tâm hồn đó một khát khao được sống như những người bình thường.
Câu chuyện dù kết thúc nhưng những chua xót cuộc đời của họ
dường như còn mở ra bất tận. Các nhân vật như Nấm trong Đàn bà
xấu thì không có quà, người đàn bà điên trong Xuân Từ Chiều,
người chị song sinh của nhân vật “ả” trong Trò choi huỷ diệt cảm
xúc là những ví dụ tiêu biểu.
2.2.1.2. Bi kịch trong tình yêu
Đề tài về tình yêu và hạnh phúc gia đình là mảng hiện thực
khá sinh động không chỉ trong truyện ngắn mà cả tiểu thuyết của Y
Ban. Y Ban đã nhìn nhận và lý giải nó theo những sắc thái khác
nhau. Nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Y Ban được nếm trải hầu
như tất cả những dư vị khác nhau của tình yêu. Ngọt ngào có, đắng
cay xót xa có. Họ hiện lên trong tình yêu với nhiều cung bậc khác
nhau từ nhẹ dạ đến mạnh mẽ, chủ động, già dặn và từng trải. Đáng
chú ý là, người phụ nữ trong sáng tác của Y Ban luôn chủ động,
quyết liệt đấu tranh để giành giữ tình yêu, luôn sống thật với chính
mình và dám đi đến tận cùng của bản thể. Có thể xem đây là biểu
hiện rõ nét nhất của bản sắc nữ trong sáng tác của bà.
Phân tích các tiểu thuyết của Y Ban, có thể nhận thấy, nhân
vật nữ của bà càng khao khát yêu thương chia sẻ bao nhiêu thì càng
dễ gặp phải những khổ đau bất hạnh bấy nhiêu (Nấm – Đàn bà xấu
thì không có quà). Đó là lý do vì sao nhân vật chính khổ đau trong
14
mảng đề tài này của Y Ban thường là những người phụ nữ, những bi
kịch, đổ vỡ trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi được biểu hiện rõ
nhất cũng thông qua người phụ nữ.
Thế giới nhân vật nữ của Y Ban có sự góp mặt của nhiều
tầng lớp: từ những người lao động bình thường cho đến có học vị
cao, ở nông thôn hoặc thành thị, ít học hay nhiều chữ, đang phải lần
hồi để kiếm cái ăn hoặc dư thừa tiền bạc. Không phải chỉ có những
con người bình thường lành lặn mà cả những người sinh ra đã là tật
nguyền. Tất cả họ đều có chung một khát vọng thiết tha cháy bỏng
về tình yêu và hạnh phúc. Với bà, trong cuộc sống và trên hành trình
đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ không phải lúc nào cũng toại
nguyện. Càng khát khao, lí tưởng hóa tình yêu người phụ nữ càng lẻ
loi, cô độc, bất hạnh.
Thể hiện nỗi đau của người phụ nữ trong hành trình tìm
kiếm tình yêu, nhà văn cảm nhận sâu sắc về thân phận người phụ
nữ. Thông qua nhân vật, bà đã thông cảm, sẻ chia với những bất
hạnh mà người phụ nữ phải gánh chịu trong tình yêu và muốn nhắn
nhủ một thông điệp rằng hạnh phúc trong tình yêu của người phụ nữ
mong manh và khó nắm bắt, hãy biết trân trọng, đón nhận và giữ gìn
nó.
2.2.1.3. Bi kịch trong hôn nhân và gia đình
Y Ban đã đề cập trực diện đến những vấn đề phức tạp, bức
bối trong đời sống gia đình người Việt hiện đại. Người phụ nữ vì
luôn cam chịu, nhẫn nhục, hi sinh mà họ luôn phải chịu những khổ
đau trong cuộc sống. Thông qua các sáng tác, bà gửi gắm thông
điệp: phụ nữ cũng cần thay đổi quan niệm về sự hi sinh, cần có cân
bằng giữa cho và nhận, đồng thời phải biết làm chủ cuộc đời mình.
Bà cũng đã diễn tả rất hay, rất khéo cái dở dang của đời người để
độc giả nhận thấy những thân phận đàn bà cùng những phẩm chất,
tính cách tốt đẹp của họ trong gia đình.
Y Ban đã để nhân vật của mình trong nhiều tình huống trớ
trêu của cuộc đời để khắc sâu thêm những điều đem lại ý nghĩa lớn
lao đối với người phụ nữ. Từ những câu chuyện tâm thức gia đình,
Y Ban đã đẩy lên thành những câu chuyện tâm thức mang ý nghĩa
xã hội. Với bà, “cuộc đời đang dần thiếu đi những cổ tích tình yêu”.
Trong hành trình bất tận kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, người đàn
15
bà trong sáng tác của Y Ban gặp không ít những khổ đau, dang dở,
hụt hẫng. Từ những câu chuyện tâm thức gia đình, Y Ban đã chuyển
dẫn tự nhiên thành những câu chuyện tâm thức mang ý nghĩa xã hội.
Các nhân vật Xuân, Từ , Chiều trong Xuân Từ Chiều, “ả” trong Trò
chơi huỷ diệt cảm xúc… đều là những hiện dạng tiêu biểu của kiểu
bi kịch này.
Nói về bi kịch trong hôn nhân và gia đình, Y Ban muốn nói
đến thông điệp muôn đời của phái tính mình: đàn bà chúng tôi sẽ
bớt bất hạnh hơn nếu gặp được những người đàn ông tốt, khoan
dung và biết sẻ chia. Đó cũng chính là khát vọng nhân bản chính
đáng và muôn đời của một nửa thế giới này.
2.2.1.4. Bi kịch từ chính cuộc sống hiện đại
Công cuộc đổi mới cùng chính sách mở cửa đã có tác động
to lớn đối với sự phát triển đất nước. Nhưng những mặt trái do chính
nó đẻ ra cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội và cá
nhân con người. Người phụ nữ trước sau vẫn là những kẻ phải hứng
chịu nhiều nhất những tệ nạn mà cuộc sống hiện đại gây ra. Là một
người làm nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là một người làm báo,
Y Ban đã tỏ ra rất nhạy bén và sắc nhọn trong việc tìm hiểu và phản
ánh kịp thời những ung nhọt trong xã hội. Theo đó, lối sống thực
dụng, sự đổ vỡ những thang bảng giá trị của đời sống… đều được bà
thẳng thắn mổ xẻ, phanh phui.
Từ câu chuyện về sự bần cùng hoá, tha hoá, lưu manh hoá
gắn với số phận đàn bà trong xã hội hiện đại đã trở thành một tâm
điểm trong sáng tác của Y Ban.
Phụ nữ thời hiện đại dường như vẫn chưa thoát khỏi những
vướng mắc, giằng xé, những cuộc chiến nội tâm đau đớn dai dẳng,
cả những hụt hẫng, chới với, chênh vênh giữa các lằn ranh mong
manh của cuộc đời. Là nhà văn của phụ nữ, Y Ban thích mổ xẻ đến
tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Bà không né tránh hiện
thực. Từ Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà đến Trò chơi hủy diệt
cảm xúc, Y Ban luôn dũng cảm chạm tới vào những vấn đề nóng hổi
của thời đại với tư duy: “giải phóng phụ nữ là giải phóng cả thế
giới”.
Viết về thân phận bi kịch mà người phụ nữ Việt đương đại
đang từng ngày phải nếm trải. Đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi cảnh
16
đời, mỗi số phận con người, người ta nhận thấy sự thấu hiểu và cảm
thông sâu sắc của một nhà văn giàu tình yêu thương và nhạy cảm
với nỗi đau của con người. Bằng cảm quan tinh tế của người phụ nữ,
qua những trang viết, Y Ban cũng trăn trở cùng nhân vật của mình
để tìm ra lối thoát cho cuộc đời họ sau những bi kịch.
2.2.2. Nhân vật tự ý thức
Nhân vật tự nhận thức là kiểu nhân vật chủ đạo trong văn
xuôi sau 1975. Từ nhận thức thế giới bên ngoài đến nhận thức thế
giới tâm hồn mình là bước phát triển mới của tư duy nghệ thuật về
con người, gắn với sự thức tỉnh ngày càng cao của nhà văn về giá trị
con người cá nhân. Việc xây dựng nhân vật tự ý thức là một cách
nhà văn tự nhận thức và lí giải vấn đề theo quan niệm riêng của
mình. Nhân vật tự ý thức là sản phẩm của cảm hứng nghiên cứu, của
tinh thần đi sâu nghiền ngẫm, khám phá các vấn đề đặt ra trong đời
sống hiện thực và đời sống cá nhân con người. Kiểu nhân vật này
“tự phán xét hành động của mình, tự đối thoại, lục vấn và cảnh tỉnh
chính mình với những biến động của nội tâm trước sự dồn đẩy âm
thầm mà quyết liệt của lương tâm, của bổn phận làm người”.
Màu sắc nữ quyền không chỉ dừng lại ở sự quyết liệt, mạnh
bạo giành giữ tình yêu, ở việc khai thác các vấn đề nhạy cảm hay ca
ngợi vẻ đẹp nữ tính mà còn thể hiện ở nhiều phương diện khác.
Trong tiểu thuyết Y Ban, lời tụng ca không chỉ dành cho
những con người nhân hậu vị tha với những khát vọng bình dị, cho
những tấm gương về nghị lực đáng nể phục mà còn dành cho những
người phụ nữ yếu đuối, nhưng ẩn tàng trong họ là cả một khát vọng
mãnh liệt về quyền được sống, được yêu, được nắm bắt cơ hội hạnh
phúc. Nhân vật nữ của Y Ban, rất nhiều khi tự cảm thấy tình cảnh bi
kịch của chính mình. Nhiều người trong số họ, ý thức được việc
mình làm, ý thức rằng mình đang tha hoá mà vẫn không tránh được.
(Từ trong Xuân Từ Chiều, “ả” trong Trò chơi huỷ diệt cảm xúc).
Viết về phương diện này, Y Ban là một trong những cây bút cực kỳ
mạnh mẽ và sâu sắc. Để tạo được những biến đổi trong nhận thức
của các nhân vật, Y Ban đã đặt nhân vật vào trong những tình
huống, những biến cố để nhân vật không còn suy nghĩ theo lối mòn
nữa và bắt đầu chiêm nghiệm, phân tích lại bản thân, nhận ra những
chân lý cuộc đời.
17
Để biểu hiện sự tự ý thức của nhân vật, Y Ban chú ý đến xây
dựng tình huống và miêu tả những biến động tinh vi trong thế giới
nội cảm của nhân vật, khám phá nhân vật ở chiều sâu các tầng vỉa
tâm thức. Khám phá sâu đời sống tâm hồn, chia sẻ, đồng cảm với
những khắc khoải, trăn trở cùng nhân vật trên con đường tìm kiếm
hạnh phúc, Y Ban đã thể hiện sự tinh tế và trái tim rất mực nhân hậu
của mình.
Mỗi con người đều có một thân phận, một tính cách riêng,
một cuộc đời biệt lập, chịu sự tác động khác nhau của môi trường,
hoàn cảnh nhưng tự ý thức vẫn luôn là điều cần thiết để giảm thiểu
những lỡ lầm trong cuộc đời để mỗi con người sống tốt đẹp hơn, an
nhiên tự tại hơn trong đời sống vốn sinh động và đầy thách thức.
2.2.3. Nhân vật cô đơn
Trong văn học 1945 - 1975, con người trong văn học được
xem là con người của tập thể, con người cá nhân với nỗi cô đơn vẫn
được xem là một vùng cấm kị. Từ sau 1975, cùng với sự chuyển
dịch trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn và với
nhu cầu tự ý thức trước sự đổi thay của đời sống xã hội, con người
cô đơn đã trở thành một kiểu nhân vật đặc thù. Các nhà văn đương
đại quan tâm đến nhu cầu tự ý thức, đến sự thức tỉnh của cá nhân,
đến trạng thái tâm lý cô đơn của con người. “Cô đơn trở thành chủ
đề thu hút sự chú ý của nhiều cây bút văn xuôi, bởi bản chất của tâm
trạng cô đơn là khao khát cái đẹp, cái thiên lương của con người. Cô
đơn là vấn đề của mỗi bản thể, cá nhân nhưng nó không hẳn là vấn
đề riêng tư, nhỏ bé. Có thể nói, từng cuộc đời riêng của mỗi cá nhân
gộp lại thành vấn đề của cộng đồng, của xã hội, một khía cạnh của
chủ nghĩa nhân đạo hôm nay. Trong không khí dân chủ hóa của nền
văn học, các nhà văn đã có dịp đi sâu khám phá các phương diện và
sắc thái khác nhau về trạng thái cô đơn của con người”. Chính vì
vậy, không ít nhà văn đã đi vào khám phá những sắc diện khác nhau
của trạng thái này trong con người.
Y Ban cũng nằm trong số các cây bút nhạy cảm đó. Bằng
khả năng lắng nghe tinh tế những rạn vỡ thầm thì của cuộc đời, Y
Ban đã nhận ra cô đơn như một trạng thái tinh thần thường trực của
con người. Với các nhân vật nữ, điều này càng được hiện thể một
cách sâu sắc.
18
Để khắc họa nỗi cô đơn của nhân vật, mỗi nhà văn có một
cách riêng. Y Ban quan tâm đến việc đào xới tâm trạng, cảm giác,
suy nghĩ của nhân vật để làm nổi bật sự cô đơn.
Con người cô đơn được biểu hiện bởi sự lạc lõng giữa cuộc
đời. Con người cô đơn không chỉ tồn tại đơn thân, một mình một
bóng mà còn ngay trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người
thân yêu của mình. Con người cô đơn còn được thể hiện trong
khoảng khắc của cuộc đời, cũng có thể là triền miên.
Với khả năng tri nhận đời sống sắc sảo và khám phá tinh tế
chiều sâu tâm hồn con người, Y Ban đã cho thấy một thực trạng tinh
thần của con người trong cuộc sống hiện đại. Qua thế giới nhân vật
của mình, bà còn bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc đối với những khát
khao, ước vọng được hòa đồng, được hạnh phúc của người phụ nữ.
Đây cũng chính là nét nhân văn trong các tiểu thuyết của bà.
2.2.4. Nhân vật tha hóa
Văn học hiện đại khám phá sâu sắc đời sống vật chất và đời
sống tinh thần của từng cá nhân cụ thể, đi sâu vào khám phá thế giới
nội tâm bí ẩn của từng số phận con người. Y Ban là một trong
những nhà văn có ý thức và có khả năng phản ánh chân xác về hiện
thực và con người, nhìn nhận vấn đề theo tất cả các chiều kích khác
nhau. Nhịp sống hiện đại với những mặt trái của nó đã có những ảnh
hưởng không nhỏ đến cuộc sống và số phận của những người đàn
bà.
Y Ban không chỉ thể hiện nỗi đau của người đàn bà trong xã
hội hiện đại mà còn bộc lộ nỗi đau của mình trước sự tha hóa của
mỗi cá nhân. Với Y Ban, thế giới con người thật muôn màu muôn
vẻ. Đời sống nhân vật trong sáng tác của bà cũng vì thế mà bị ảnh
hưởng và chi phối từ nhiều phía. Có khi là những áp lực từ hoàn
cảnh sống từng ngày từng giờ vật lộn với cơm áo gạo tiền, từ hệ quả
của quá trình hiện đại hóa nông thôn quá nhanh, từ chính những thị
phi nơi công sở, hay từ chính sự cảm nhận, suy nghĩ về cuộc sống
của những trí thức…
Tìm hiểu nhân vật tha hóa trong các sáng tác của bà tức là
tìm hiểu nhân vật theo chiều hướng phát triển và biến đổi của nó,
mà ở đây là chiều hướng biến đổi theo chiều hướng ngày một trở
19
nên xấu đi. Hay nói cách khác, nhân vật chịu sự chi phối của môi
trường và dẫn đến tha hóa.
Trong các trang viết của mình, Y Ban đã biểu thị thái độ đầy
lo ngại và bi quan trước một thực trạng nhiều bất ổn, bất công. Trên
cái phông nền ấy, phụ nữ phải trực tiếp gánh chịu hậu quả nhiều
nhất và khốc liệt nhất. Tính chất “tha hoá” hiện thể qua phần lớn các
nhân vật nữ trong các sáng tác của bà.
Có thể nhận ra, các nhân vật tha hóa trong tiểu thuyết của Y
Ban đều là những con người chịu sự chi phối của hoàn cảnh sống và
bản thân con người cũng bất lực trước hoàn cảnh sống. Tuy nhiên,
không phải ai cũng buông xuôi theo số phận mà họ đã cố gắng vật
lộn với cuộc sống từng ngày, từng giờ. Y Ban đã đặt nhân vật luôn
trong trạng thái đối diện với chính mình, với thực tại. Chính vì vậy
mà nhân vật của bà luôn có sự đấu tranh, giằng co tư tưởng quyết
liệt để vươn lên có cuộc sống xứng đáng.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG
NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA Y BAN
Sức sống, sức hấp dẫn của một tiểu thuyết không chỉ phụ
thuộc vào mức độ sâu sắc và giá trị nhân văn của hình tượng mà còn
phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề lối viết, vào nghệ thuật thiết dựng
nhân vật của nhà văn. Trước các hiện tượng khác nhau của đời sống,
mỗi nhà văn lại có những cách thức khai thác nghệ thuật, phương
thức biểu hiện riêng. Chính điều này làm cơ sở hình thành phong
cách nghệ thuật cá nhân của mỗi nghệ sĩ. Y Ban cũng thuộc về số
đó. Có thể nói, tài năng tiểu thuyết của Y Ban là sự thống hợp giữa
cái nhìn nhân văn, sự cảm nhận sâu sắc thân phận con người với
một khả năng thiết tạ thế giới nghệ thuật độc đáo, có bản sắc.
Phân tích thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của bà không
thể không nói đến những đặc sắc về thi pháp nghệ thuật xây dựng
một kiểu nhân vật đặc thù. Sau đây là một số thủ pháp nghệ thuật
nổi trội.
20
3.1. Độc thoại nội tâm
Độc thoại nội tâm là thủ pháp miêu tả tâm lí và đời sống bên
trong nhân vật. Nó cho phép nhà văn đi sâu khám phá và miêu tả
những trạng thái tình cảm, những bí ẩn riêng tư trong suy nghĩ, tâm
tưởng của con người. Độc thoại nội tâm là phương tiện nghệ thuật
đóng vai trò quan trọng trong văn xuôi tự sự.
Khảo sát tiểu thuyết của Y Ban, chúng tôi nhận thấy sự xuất
hiện nhiều của yếu tố độc thoại nội tâm. Khi xây dựng nhân vật nữ,
Y Ban chú trọng đi sâu vào thể hiện nội tâm hơn là miêu tả vẻ bề
ngoài của họ. Bà đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm
với những dạng thức khác nhau trong nhiều trạng huống khác nhau
để lột tả bản chất bên trong cũng như những suy nghĩ rất đời thường
của nhân vật.
Trong tiểu thuyết của mình, bên cạnh những dòng độc thoại
nội tâm trực tiếp, Y Ban còn sử dụng hình thức độc thoại nội tâm
nửa trực tiếp. Y Ban còn để nhân vật của mình bộc lộ thế giới nội
cảm qua những lá thư online. Dòng ý thức cũng đã được tác giả
quan tâm đến.
Sử dụng độc thoại nội tâm, bên cạnh việc sử dụng các hình
thức thể hiện truyền thống, Y Ban đã có những sáng tạo riêng trong
cách thể hiện của mình. Đây chính là sự sáng tạo của nhà văn trong
đổi mới hình thức ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật.
Với việc sử dụng độc thoại nội tâm, Y Ban đã tái hiện đầy
đủ thế giới đa chiều phức tạp của người phụ nữ hiện đại. Tài năng
nắm bắt chính xác những biểu hiện tâm lí sinh động của nhân vật đã
tạo nên sức sống nội tại mãnh liệt và góp phần vào thành công của
tác phẩm. Đây cũng chính là những đóng góp đáng ghi nhận vào
quá trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam.
3.2. Ngôn ngữ thông tục, đời thường
“Khác với sự “mĩ hóa” thế giới trong văn xuôi giai đoạn
1945-1975, văn xuôi sau 1975 có xu hướng diễn tả thực tại trong
những trạng thái tục tằn thô nhám nhất của nó. Thể loại ngôn từ văn
học, theo đây cũng có những biến đổi căn rễ. Xu hướng thông tục
hóa phi thẩm mĩ ngôn từ trong văn xuôi sau 1975 trước hết gắn liền
với thái độ giải thiêng của nhà văn: giải thiêng đấng bậc và giải
thiêng chính văn học, và tiếp theo, đây còn là vấn đề quan niệm của
21
nhà văn với ngôn từ. Như một qui luật, khi tiếng hát trở thành tiếng
nói, tiếng nói trở thành tiếng nói tục, ngôn ngữ văn xuôi được bình
dân hóa, trở về gần với đời thường, cơ bản không còn sự trang
trọng, ước lệ, véo von”
Khảo sát ba tiểu thuyết của Y Ban, có thể nhận thấy, bà sử
dụng nhiều ngôn ngữ thông tục, đời thường: đó là sự dung nạp của
nhiều khẩu ngữ, ngôn ngữ thô nhám, suồng sã, bỗ bã của lời ăn
tiếng nói hàng ngày, kể cả những từ ngữ thông tục, từ tục, cách nói
tục và xuất hiện cả ngôn ngữ chợ búa, ngoa ngoắt.
Tính chất thông tục hóa ngôn từ không chỉ thể hiện qua lời
nói của những người phụ nữ lam lũ, ít học, hàng ngày phải đối mặt
với cơm áo, gạo tiền mà còn thể hiện ngay trong lời nói của những
người phụ nữ có học vị và địa vị xã hội. Nó không chỉ thể hiện qua
lời của nhân vật mà còn ở ngôn ngữ nhân vật người trần thuật của
nhà văn.
Có thể nhận thấy, trong các tiểu thuyết của mình, Y Ban đã
chứng tỏ là một nhà văn rất giàu ngôn ngữ xã hội và mang chúng
vào các bản văn tiểu thuyết một cách rất tự nhiên. Qua việc sử dụng
ngôn ngữ thông tục, đời thường, giới nhân vật nữ của Y Ban hiện
lên thật sống động, gần gũi. Họ thực sự là những con người của
cuộc sống thường nhật.
Có thể xem, việc sử dụng nhiều từ ngữ thông tục là một đặc
điểm phong cách của Y Ban. Vượt qua hiểm địa từ ngữ thông tục, Y
Ban thực sự đã tạo dựng cho mình một bản sắc văn xuôi độc đáo.
Chính kiểu ngôn ngữ thông tục, suồng sã, vỉa hè, cả “ngồi lê đôi
mách”, như bà nói, đã góp phần quan trọng vào việc tạo dựng bức
chân dung tinh thần đa sắc vẻ của người phụ nữ.
3.3. Hình tượng hoá “cái tôi” nhà văn
Một trong những thủ pháp nghệ thuật có thể xem là ưu thế
của nữ văn sĩ là họ thường đem cuộc đời mình ra làm câu chuyện.
Những rung động sâu kín của tâm tư, cuộc sống vợ chồng, các quan
hệ gia đình, đặc tính nghề nghiệp… tất cả đều trở thành sở trường
của họ. Là một nhà văn nữ, Y Ban cũng không là ngoại lệ.
Đọc tiểu thuyết Y Ban, có thể nhận ra, hầu hết các tình
huống nhân vật của bà nếm trải đều bắt nguồn một phần lớn từ
chính những trải nghiệm nhà văn. Lợi thế viết văn khiến Y Ban dễ
22
diễn tả tâm trạng và hành trình sáng tác của Nấm trong Đàn bà xấu
thì không có quà. Không phải ngẫu nhiên, trong Xuân Từ Chiều, Y
Ban kể rất sinh động về cảnh sống của vợ chồng Từ, về cuộc sống
vỉa hè của Từ, đến việc bà sử dụng dày đặc trường ngôn ngữ y khoa
để diễn tả nội tâm, ham muốn, cảm xúc của nhân vật nữ. Các đặc
tính gắn với nghề báo cũng giúp Y Ban tiếp cận nhanh nhạy với các
vấn đề phức tạp, bức xúc trong xã hội đương đại.
Có thể nói, bằng cái nhìn và tài năng nghệ thuật độc đáo, đặc
biệt là khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, điêu luyện, Y Ban đã
cắm một dấu ấn nổi bật của mình vào tiến trình tiểu thuyết Việt
Nam đương đại. Những thành công về thi pháp nghệ thuật của Y
Ban trong xây dựng hệ thống nhân vật nữ thực sự làm nên sức sống,
sức hấp dẫn cho các sáng tác nhà văn.
KẾT LUẬN
1. “Tất cả mọi sự bí ẩn của thế giới này đều không thể sánh
nổi với sự bí ẩn của người phụ nữ” (Vladimir Lobanok). Người phụ nữ
- một nửa của nhân loại, là biểu tượng cho đạo đức và vẻ đẹp bền vững
của nghệ thuật và cuộc sống. Tìm hiểu về người phụ nữ chính là khám
phá vẻ đẹp của nghệ thuật và sự sống của nhân loại. Từ xưa đến nay,
nhiều nhà thơ, nhà văn đã viết về người phụ nữ với tất cả tấm lòng yêu
thương rộng mở và người phụ nữ được xem như là thước đo của những
giá trị mĩ học nhân văn. Họ đi từ cuộc sống vào văn học, trở thành một
kiểu hình tượng quan trọng trong văn học Việt Nam. Theo dòng chảy
đó, văn học ngày nay viết về người phụ nữ là sự tiếp nối truyền thống
văn học dân tộc, góp phần hoàn thiện hơn chân dung người phụ nữ
Việt Nam, cũng là sự thể hiện sâu sắc hơn nhận thức về người phụ nữ
nói chung. Nghiên cứu đặc tính cấu trúc nhân vật nữ còn giúp người
nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn các vấn đề văn hóa đương đại đang đặt
ra như vấn đề giới, ý thức nữ tính, cái nhìn của chủ thể nhà văn nữ.
2. Trong số các nhà văn nữ đương đại, Y Ban là một cây bút
có vị trí nổi bật. Được xem là một trong những nhà văn nữ chuyên
sâu khai thác về chủ đề người phụ nữ, Y Ban đã khẳng định vị trí,
tên tuổi của mình trong văn xuôi Việt Nam đương đại nói chung và
trong dòng văn học nữ nói riêng. Những gì Y Ban thể hiện trong tác
23
phẩm là minh chứng cho những cố gắng, tìm tòi, sáng tạo và đóng
góp của bà trong việc thể hiện những quan niệm mới về người phụ
nữ hiện đại. Có thể nói, nhân vật là một trong những phương diện
đánh dấu sự thành công của bà. Trên cơ sở tìm hiểu về nhân vật nữ
trong văn xuôi truyền thống và tiểu thuyết Việt Nam đương đại, tác
giả luận văn tập trung nghiên cứu vấn đề nhân vật nữ trong tiểu
thuyết của Y Ban nhằm chỉ ra những độc đáo, mới mẻ trong một số
biểu hiện quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ, về thế giới nhân
vật và các thủ pháp xây dựng nhân vật nữ của nhà văn. Từ đó góp
phần khẳng định những đóng góp và vị trí của nhà văn vào tiến trình
tiểu thuyết Việt Nam đương đại.
3. Qua việc nghiên cứu nhân vật nữ trong tiểu thuyết Y Ban,
chúng tôi đã nhận thấy những điểm độc đáo, nổi bật sau đây:
Thứ nhất, về một số biểu hiện của quan niệm nghệ thuật về
người phụ nữ: Xuất phát từ cái phông nền là cuộc sống đương đại
với những lo toan, hỗn độn và phức tạp, Y Ban đã nhìn nhận người
phụ nữ hiện đại với sự tổng hợp của: con người bất hạnh, con người
khát khao, con người bản năng – đó là phần bí ẩn trong người phụ
nữ mà nhà văn muốn khám phá và tìm hiểu. Người phụ nữ đã được
bà chú ý khai thác trên nhiều bình diện, nhiều khía cạnh, ở cả những
khuất khúc trong tâm hồn tình cảm và chiều sâu thân phận. Khai
thác người phụ nữ ở những khía cạnh: bi kịch, khát khao và bản
năng, Y Ban đã cho người đọc thấy quan niệm nghệ thuật về người
phụ nữ hiện đại, tuy không thật mới mẻ nhưng mang những nét
riêng biệt. Chính vì vậy mà thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của
bà hiện lên chân thực, sinh động, phong phú và phức tạp. Người đọc
hình dung được một thế giới đàn bà đầy bí ẩn, chênh vênh mà cũng
đầy yêu thương và giàu đức hi sinh cho nhân loại.
Về các kiểu nhân vật: tiểu thuyết của Y Ban đã tập trung
khắc họa một số loại nhân vật tiêu biểu: nhân vật bi kịch, nhân vật
cô đơn, nhân vật tha hóa và nhân vật tự ý thức. Mỗi loại nhân vật
đều có những nét độc đáo riêng mang những cảm quan riêng của
nhà văn. Tuy nhiên, nhân vật bi kịch là kiểu nhân vật chủ yếu trong
tiểu thuyết của bà. Với Y Ban, kiếp đàn bà là khổ đau. Họ là hiện
thân của những bi kịch trong muôn mặt của cuộc sống đương đại.
Tuy nhiên, cho dù khổ đau, bất hạnh nhưng những người phụ nữ
24
trong sáng tác của bà vẫn luôn có trái tim ấm nóng với những phẩm
chất, đức tính tốt đẹp vốn có, khát khao được sống, được yêu, được
là chính bản thân mình, dám sống thật với những khát khao của
mình. Thông qua nhân vật nữ, Y Ban đã nêu lên nhiều vấn đề sâu
sắc, những vấn đề mang ý nghĩa thời đại. Một trong những vấn đề
xuyên suốt trong cả ba tiểu thuyết mà tác giả đặt ra khi xây dựng
nhân vật là vấn đề thân phận người phụ nữ cũng như những cố gắng
trong việc tìm kiếm giá trị đích thực cho họ. Đây chính là ý nghĩa
nhân văn thấm sâu trong mỗi trang viết của bà.
Về những thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ: Để xây
dựng thành công nhân vật nữ trong sáng tác của mình, Y Ban đã kết
hợp sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, trong đó tập trung ở độc
thoại nội tâm, ngôn ngữ thông tục, đời thường và hình tượng hóa
“cái tôi” nhà văn. Với việc sử dụng đầy sáng tạo các thủ pháp nghệ
thuật này đã cho thấy cách nhìn con người và thế giới đa chiều của
bà. Bà đã tạo dựng bức chân dung tinh thần đa sắc vẻ của người phụ
nữ hiện đại trong hiện thực cuộc sống thô nhám, trắc trở, gấp khúc.
Đây cũng chính là những đóng góp đáng ghi nhận của nhà văn vào
quá trình cách tân tiểu thuyết Việt Nam.
Qua việc nghiên cứu, tìm hiểu nhân vật nữ trong tiểu thuyết
của Y Ban, chúng tôi nhận thấy Y Ban thực sự là nhà văn có trách
nhiệm với nghề, luôn có ý thức tìm tòi, thể nghiệm và đổi mới cảm
hứng sáng tạo cũng như bút pháp thể hiện. Y Ban thực sự đã tạo
dựng cho mình một bản sắc văn xuôi độc đáo. Với lối viết riêng, Y
Ban đã góp một tiếng nói làm phong phú hơn bức tranh văn xuôi nữ
nói riêng và nền văn xuôi đương đại Việt Nam nói chung.