BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
……………………………………………
NGUYỄN THỊ NGỌC DIỆU
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
ĐẾN THU NHẬP CỦA ĐỒNG BÀO
DÂN TỘC KHMER HUYỆN TRÀ CÚ
TỈNH TRÀ VINH
Chuyên ngành
: Kinh tế học
Mã ngành
: 60 03 01 01
LUẬN VĂN THẠC SỸ KINH TẾ HỌC
Người hướng dẫn khoa học
TS. Vũ Việt Hằng
Tp. Hồ Chí Minh, Năm 2015
TÓM TẮT
Luận văn “Các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer
huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh” nhằm phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ
gia đình nông thôn dân tộc Khmer và dân tộc Kinh, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng
cao thu nhập cho hộ gia đình Khmer nói riêng và thu nhập của hộ gia đình nông thôn ở
huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an
ninh quốc phòng cho địa phương.
Nghiên cứu được thực hiện qua hai giai đoạn: Nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu chính
thức. Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện thông qua phương pháp định tính. Kỹ thuật thảo
luận nhóm được sử dụng trong nghiên cứu này nhằm giúp phát hiện các vấn đề liên quan
đến đề tài nghiên cứu, là căn cứ quan trọng để đưa ra mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu
chính thức được thực hiện bằng phương pháp định lượng: Phỏng vấn trực tiếp các hộ gia
đình trên địa bàn nghiên cứu bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước mẫu
hợp lệ là 300, dữ liệu thu thập được tiến hành phân tích thống kê mô tả và phân tích hồi qui
tuyến tính đa biến.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy mức sống của người dân tại các xã của huyện Trà Cú
tỉnh Trà Vinh ngày càng được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình có mức thu nhập
khá thấp. Nguồn thu nhập chính của phần lớn hộ gia đình phụ thuộc vào nghề nông vì thế
mức thu nhập tương đối thấp và bấp bênh. Bên cạnh đó, phân tích hồi qui với sự trợ giúp
của phần mềm Stata 13, kết quả còn cho thấy, thu nhập bình quân của hộ gia đình đồng bào
dân tộc Khmer và dân tộc Kinh chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố sau: Nghề nghiệp của chủ
hộ, trình độ học vấn của chủ hộ, số nhân khẩu, giới tính của chủ hộ, tỷ lệ phụ thuộc, số hoạt
động tạo thu nhập, kinh nghiệm của chủ hộ, diện tích đất sản xuất. Riêng đối với đồng bào
dân tộc Khmer thì ngoài các nhân tố trên thì yếu tố tham gia Lễ hội có tác động mạnh mẽ
đến thu nhập bình quân của hộ. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Kinh còn có thêm các yếu tố
vay vốn, tham gia đoàn thể, tiếp cận chính sách cũng tác động đến thu nhập của hộ.
Qua kết quả nghiên cứu, luận văn đã đưa ra một số kiến nghị cho hộ gia đình, chính
quyền địa phương tham khảo để có những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm nâng cao thu
nhập cho hộ gia đình ở huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, góp phần xây dựng và phát triển kinh
tế.
iii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ..................................................................................................................... i
LỜI CẢM ƠN .......................................................................................................................... ii
TÓM TẮT ............................................................................................................................... iii
MỤC LỤC .............................................................................................................................. iv
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU ........................................................................................... ix
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT .................................................................................................. x
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU ................................................................................................... 1
1.1. Đặt vấn đề ..................................................................................................................... 1
1.2. Mục tiêu nghiên cứu ..................................................................................................... 2
1.3. Câu hỏi nghiên cứu ....................................................................................................... 2
1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 2
1.4.1. Đối tượng nghiên cứu ........................................................................................... 2
1.4.2. Phạm vi nghiên cứu ............................................................................................... 3
1.5. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................. 3
1.6. Ý nghĩa thực tiễn .......................................................................................................... 3
1.7. Kết cấu luận văn ........................................................................................................... 3
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT ..................................................................................... 5
2.1. Các khái niệm ............................................................................................................... 5
2.1.1. Khái niệm hộ gia đình ........................................................................................... 5
2.1.2. Khái niệm về hộ nông dân ...................................................................................... 6
2.1.3. Khái niệm về thu nhập ............................................................................................ 6
2.1.4. Thu nhập hộ gia đình ............................................................................................ 7
2.1.5. Đặc trưng của kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer ............................... 8
2.2. Các nghiên cứu trước có liên quan đến thu nhập hộ gia đình .................................... 11
2.2.1. Các nghiên cứu ngoài nước ................................................................................ 11
2.2.2. Các nghiên cứu trong nước ................................................................................. 12
2.3. Mô hình nghiên cứu đề nghị ....................................................................................... 14
2.3.1. Tổng hợp các nghiên cứu trước .......................................................................... 14
2.3.2. Mô hình nghiên cứu đề nghị................................................................................ 15
2.3.3. Điểm khác biệt của mô hình nghiên cứu so với các nghiên cứu trước ............... 16
2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình ................................................ 17
2.4.1. Nghề nghiệp của chủ hộ ...................................................................................... 18
2.4.2. Trình độ học vấn của chủ hộ ............................................................................... 18
2.4.3. Số nhân khẩu trong hộ ........................................................................................ 19
2.4.4. Giới tính của chủ hộ ............................................................................................ 19
2.4.5. Tỷ lệ phụ thuộc .................................................................................................... 20
2.4.6. Số hoạt động tạo thu nhập .................................................................................. 20
2.4.7. Kinh nghiệm của chủ hộ ...................................................................................... 20
2.4.8. Vay vốn ................................................................................................................ 21
iv
2.4.9. Qui mô diện tích đất sản xuất ............................................................................. 21
2.4.10. Tham gia đoàn thể ............................................................................................. 22
2.4.11. Tiếp cận chính sách ........................................................................................... 22
2.4.12. Tín ngưỡng tôn giáo .......................................................................................... 22
2.4.13. Tham gia Lễ hội ................................................................................................ 23
2.4.14. Thành phần dân tộc ........................................................................................... 23
Tóm tắt chương 2 ................................................................................................................... 23
CHƯƠNG 3: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH KINH TẾ ...................................................... 24
3.1. Tổng quan tỉnh Trà Vinh ............................................................................................ 24
3.2. Kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh (từ 2008 đến 2013) .................................................... 26
3.3. Lịch sử hình thành huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh ....................................................... 30
3.4. Thực trạng Kinh tế, Văn hoá - Xã hội, Y tế, Giáo dục huyện Trà Cú........................ 31
Tóm tắt chương 3 ................................................................................................................... 31
CHƯƠNG 4: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................................................... 33
4.1. Qui trình nghiên cứu ................................................................................................... 33
4.2. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................ 35
4.3. Đo lường các biến và giả thuyết nghiên cứu .............................................................. 37
4.3.1. Đo lường biến phụ thuộc .................................................................................... 37
4.3.2. Đo lường các biến độc lập .................................................................................. 37
4.4. Dữ liệu nghiên cứu ..................................................................................................... 42
4.4.1. Nguồn dữ liệu thu thập ........................................................................................ 42
4.4.2. Phương pháp chọn mẫu và xác định kích thước mẫu ......................................... 43
4.5. Mẫu nghiên cứu .......................................................................................................... 43
4.6. Qui trình sàng lọc và xử lý dữ liệu ............................................................................. 44
4.7. Phân tích dữ liệu ......................................................................................................... 44
4.7.1. Mã hóa dữ liệu .................................................................................................... 44
4.7.2. Phân tích thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu...................................................... 45
4.7.3. Phân tích hồi qui ................................................................................................. 45
4.7.4. Các kiểm định trong mô hình nghiên cứu ........................................................... 45
Tóm tắt chương 4 ................................................................................................................... 47
CHƯƠNG 5: PHÂN TÍCH KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ................................................... 48
5.1. Kết quả nghiên cứu sơ bộ ........................................................................................... 48
5.2. Kết quả nghiên cứu định lượng .................................................................................. 49
5.2.1. Thống kê mô tả .................................................................................................... 49
5.2.2. Phân tích tương quan và kiểm định đa cộng tuyến của mô hình ........................ 67
5.2.3. Phân tích kết quả hồi qui .................................................................................... 68
5.2.4. Sự khác biệt giữa thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Kinh ....... 73
5.2.5. Phân tích mức độ phù hợp của mô hình ............................................................. 74
5.2.6. Giải thích các biến có ý nghĩa trong 3 mô hình .................................................. 75
5.2.7. Giải thích các biến không có ý nghĩa trong 3 mô hình ....................................... 81
v
Tóm tắt chương 5 ................................................................................................................... 86
CHƯƠNG 6: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ..................................................................... 87
6.1. Kết luận....................................................................................................................... 87
6.2. Đóng góp của luận văn ............................................................................................... 87
6.3. Kiến nghị .................................................................................................................... 88
6.4. Hạn chế và đề nghị hướng nghiên cứu tiếp theo ........................................................ 91
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................................................................... 92
PHỤ LỤC 1: Dàn bài thảo luận nhóm ................................................................................... 97
PHỤ LỤC 2: Danh sách thảo luận nhóm đợt 1 ..................................................................... 98
PHỤ LỤC 3: Danh sách thảo luận nhóm đợt 2 ..................................................................... 98
PHỤ LỤC 4: Bảng câu hỏi khảo sát ...................................................................................... 99
PHỤ LỤC 5: Kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến mô hình 1 .............................................. 103
PHỤ LỤC 6: Kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến mô hình 2 .............................................. 104
PHỤ LỤC 7: Kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến mô hình 3 .............................................. 105
PHỤ LỤC 8: Kết quả hồi qui mô hình 1 ............................................................................. 106
PHỤ LỤC 9: Kiểm tra phương sai sai số thay đổi mô hình 1 ............................................. 107
PHỤ LỤC 10: Kết quả hồi qui mô hình 2 ........................................................................... 108
PHỤ LỤC 11: Kiểm tra phương sai sai số thay đổi của mô hình 2 ..................................... 109
PHỤ LỤC 12: Kết quả hồi qui mô hình 2 với sai số chuẩn mạnh hơn (robust) .................. 110
PHỤ LỤC 13: Kết quả hồi qui mô hình 3 ........................................................................... 111
PHỤ LỤC 14: Kiểm tra phương sai sai số thay đổi của mô hình 3 ..................................... 112
PHỤ LỤC 15: Kết quả hồi qui mô hình 3 với sai số chuẩn mạnh hơn (robust) .................. 113
PHỤ LỤC 16: Kết quả kiểm định T-test ............................................................................. 114
PHỤ LỤC 17: Mô tả dữ liệu theo nghề nghiệp của chủ hộ ................................................. 115
PHỤ LỤC 18: Thu nhập với trình độ học vấn của chủ hộ .................................................. 116
PHỤ LỤC 19: Thu nhập với số nhân khẩu trong hộ ........................................................... 117
PHỤ LỤC 20: Thu nhập với giới tính của chủ hộ ............................................................... 118
PHỤ LỤC 21: Thu nhập với tỷ lệ phụ thuộc ....................................................................... 119
PHỤ LỤC 22: Thu nhập với số hoạt động tạo thu nhập ...................................................... 120
PHỤ LỤC 23: Thu nhập với kinh nghiệm của chủ hộ ........................................................ 121
PHỤ LỤC 24: Thu nhập với qui mô diện tích đất ............................................................... 122
PHỤ LỤC 25: Thu nhập với vay vốn từ các định chế chính thức ....................................... 123
PHỤ LỤC 26: Thu nhập với tham gia đoàn thể .................................................................. 124
PHỤ LỤC 27: Thu nhập với tiếp cận chính sách ................................................................ 125
PHỤ LỤC 28: Thu nhập với số lần tham gia Lễ hội của chủ hộ ......................................... 126
PHỤ LỤC 29: Kiểm định phân phối chuẩn phần dư của mô hình 3 bằng PP đồ thị........... 126
PHỤ LỤC 30: Kiểm định phân phối chuẩn phần dư của mô hình 3 bằng PP số học ......... 127
PHỤ LỤC 31: Thống kê mô tả các biến trong mô hình 1 (Dân tộc Khmer) ....................... 127
PHỤ LỤC 32: Thống kê mô tả các biến trong mô hình 2 (Dân tộc Kinh) .......................... 127
PHỤ LỤC 33: Thống kê mô tả các biến trong mô hình 3 (Kinh+Khmer) .......................... 127
vi
PHỤ LỤC 34: Ma trận tương quan ...................................................................................... 129
vii
DANH MỤC HÌNH VÀ ĐỒ THỊ
Trang
Hình 2.1. Mô hình nghiên cứu đề nghị ................................................................................ 16
Hình 3.1: Bản đồ hành chính tỉnh Trà Vinh ........................................................................ 24
Đồ thị 3.1: Mô tả tốc độ tăng trưởng của GDP và các ngành .............................................. 27
Đồ thị 3.2: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành .................................................................... 28
Đồ thị 3.3: Chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập của lao động ................................... 29
Đồ thị 3.4: Đóng góp vào 1% tăng trưởng GDP của các ngành .......................................... 30
Hình 4.1: Qui trình nghiên cứu ............................................................................................ 35
Đồ thị 5.1: Thu nhập của hộ gia đình .................................................................................. 52
Đồ thị 5.2: Thu nhập với nghề nghiệp của chủ hộ .............................................................. 54
Đồ thị 5.3: Thu nhập với trình độ học vấn của chủ hộ ....................................................... 55
Đồ thị 5.4: Thu nhập với số nhân khẩu trong hộ ................................................................ 56
Đồ thị 5.5: Thu nhập với giới tính của chủ hộ .................................................................... 57
Đồ thị 5.6: Thu nhập với tỷ lệ phụ thuộc ............................................................................ 58
Đồ thị 5.7: Thu nhập với số hoạt động tạo thu nhập .......................................................... 59
Đồ thị 5.8: Thu nhập với kinh nghiệm làm việc của chủ hộ ............................................... 60
Đồ thị 5.9: Thu nhập với việc vay vốn từ các định chế chính thức .................................... 61
Đồ thị 5.10: Thu nhập với qui mô diện tích đất sản xuất ................................................... 62
Đồ thị 5.11: Thu nhập với tham gia đoàn thể ..................................................................... 63
Đồ thị 5.12: Thu nhập với việc tiếp cận chính sách ........................................................... 64
Đồ thị 5.13: Thu nhập với số lần tham gia Lễ hội .............................................................. 65
viii
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Trang
Bảng 2.1: Bảng tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình ........................ 14
Bảng 3.1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Trà Vinh .......................................... 26
Bảng 3.2: Cơ cấu kinh tế tỉnh Trà Vinh qua các năm .......................................................... 27
Bảng 4.1: Tóm tắt các biến độc lập trong mô hình và kỳ vọng dấu .................................... 41
Bảng 4.2: Mẫu nghiên cứu tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh ................................................ 44
Bảng 5.1: Thống kê mô tả tổng hợp các biến trong mô hình 1 (Dân tộc Khmer) .............. 50
Bảng 5.2: Thống kê mô tả tổng hợp các biến trong mô hình 2 (Dân tộc Kinh) ................. 51
Bảng 5.3: Thống kê mô tả tổng hợp các biến trong mô hình nghiên cứu ........................... 52
Bảng 5.4: Thu nhập của hộ gia đình ................................................................................... 53
Bảng 5.5: Thống kê số hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Trà Cú ...................................... 54
Bảng 5.6: Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011- 2015 .................. 55
Bảng 5.7: Thu nhập với tín ngưỡng tôn giáo của chủ hộ .................................................... 67
Bảng 5.8: Bảng hệ số VIF của 3 mô hình ........................................................................... 68
Bảng 5.9: Bảng kết quả hồi qui của mô hình 1 ................................................................... 70
Bảng 5.10: Bảng kết quả hồi qui sau khắc phục phương sai sai số thay đổi của MH 2 ...... 71
Bảng 5.11: Bảng kết quả hồi qui sau khắc phục phương sai sai số thay đổi của MH3 ...... 73
Bảng 5.12: Bảng tổng hợp kết quả hồi qui của 3 mô hình ................................................. 74
Bảng 5.13: Kiểm định thu nhập trung bình của 2 dân tộc Khmer và Kinh (T-test) ............ 75
ix
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
ĐBSCL
: Đồng bằng Sông Cửu Long
Tp. HCM : Thành phố Hồ Chí Minh
CSXH
: Chính sách xã hội
DTTS
: Dân tộc thiểu số
ĐVT
: Đơn vị tính
GDP
: Gross Domestic Product (Tổng sản phẩm quốc nội)
Ha
: Héc-ta
HTX
: Hợp tác xã
OLS
: Ordinary Least Squares (Phương pháp bình phương bé nhất)
THCS
: Trung học cơ sở
THPT
: Trung học phổ thông
UBND
: Ủy ban nhân dân
VHLSS
: Vietnam Household Living Standards Survey
(Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam)
VIF
: Variance Inflation Factor (Hệ số phóng đại phương sai)
WTO
: World Trade Organization (Tổ chức thương mại thế giới)
x
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
Nội dung chương 1 giới thiệu tổng quan lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu, câu
hỏi nghiên cứu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và ý nghĩa thực
tiễn của đề tài nghiên cứu, đồng thời kết cấu luận văn sẽ được trình bày ở phần cuối
chương.
1.1. Đặt vấn đề
Trà Cú là huyện nghèo của tỉnh Trà Vinh, huyện có 46.133 hộ dân; số hộ là người
Khmer là 28.756 hộ, chiếm 62,3% số hộ dân toàn huyện. Tổng số hộ nghèo của huyện là
9.757 hộ, trong đó 7.170 hộ nghèo là người Khmer, chiếm 73,5% hộ nghèo toàn huyện và
2,7% so với toàn tỉnh là 13,96% (theo Quyết định Số 116/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 01
năm 2014).
Những năm qua, Đảng bộ huyện Trà Cú xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo
thực hiện Nghị quyết Trung Ương VII (phần 2) khóa IX về công tác dân tộc, Nghị quyết 06
của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer… đã làm chuyển biến
đáng kể về kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân
4,28%/năm; thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách cử tuyển, miễn giảm học phí, đào
tạo nghề, giải quyết việc làm...; tỷ lệ đào tạo, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ là người Khmer
không ngừng nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; các Lễ hội truyền
thống, bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy…
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, đời sống bà con
Khmer ở huyện Trà Cú đã được nâng cao về mọi mặt, số hộ Khmer nghèo giảm bình quân
hàng năm từ 3 - 4%. Đời sống của đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện, không còn
hộ đói, hộ nghèo được giảm dần, nhiều hộ mua được tư liệu sản xuất cơ giới, phương tiện
sinh hoạt gia đình và xây cất được nhà ở khang trang; bộ mặt nông thôn vùng đồng bào
Khmer không ngừng đổi mới.
Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan lẫn chủ quan nên đời sống kinh tế - xã hội
của dân tộc đồng bào Khmer thường không ổn định. Những năm qua, mặc dù lãnh đạo tỉnh
Trà Vinh đã có nhiều cố gắng để thực hiện các chính sách nhằm ổn định và nâng cao đời
sống cho đồng bào dân tộc Khmer, nhưng do những hạn chế về trình độ văn hóa, nguồn lực
1
tài chính và một số nguyên nhân khách quan nên nhiều gia đình đồng bào dân tộc Khmer
còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Xuất phát từ thực tế trên, đề tài “Các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng
bào dân tộc Khmer huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh” là rất cần thiết nhằm phản ánh rõ hơn
thực trạng thu nhập và các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập, ổn định đời sống của đồng bào
dân tộc Khmer huyện Trà Cú. Từ đó, có sở đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao thu
nhập và là căn cứ khoa học cho các cơ quan ban ngành hữu quan trong việc hoạch định các
chính sách có liên quan đến an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer huyện Trà Cú nói
riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung.
1.2. Mục tiêu nghiên cứu
Đề tài tập trung vào các mục tiêu sau đây:
- Tìm ra những nhân tố nào ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer tại
huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
- Tìm ra những nhân tố nào ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Kinh tại
huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
- Tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào
dân tộc Khmer và dân tộc Kinh tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
1.3. Câu hỏi nghiên cứu
Đề tài tập trung trả lời 03 câu hỏi sau đây để đạt mục tiêu đề ra:
1. Các nhân tố nào ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện
Trà Cú, tỉnh Trà Vinh?
2. Các nhân tố nào ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Kinh tại huyện Trà
Cú, tỉnh Trà Vinh?
3. Mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này như thế nào?
1.4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.4.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu là đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Kinh tại huyện Trà
Cú, tỉnh Trà vinh.
2
- Đối tượng phỏng vấn là chủ hộ.
1.4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: đề tài được tiến hành nghiên cứu tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, về
một số nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Kinh, được
tập trung chủ yếu tại 4 xã: Đôn Châu, Đôn Xuân, Đại An và Hàm Giang.
- Về thời gian: thời gian dự kiến thực hiện đến hoàn chỉnh đề tài từ 01/06/2014 đến
30/11/2014.
1.5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp hộ gia đình dân tộc Khmer và dân tộc
Kinh bằng hệ thống bảng câu hỏi, thông qua việc kế thừa các nghiên cứu trước, từ đó tiến
hành tổng hợp, phân tích trên nền tảng thống kê mô tả, mô hình hồi qui đa biến để tiến hành
nghiên cứu.
1.6. Ý nghĩa thực tiễn
Đề tài chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer
và dân tộc Kinh tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, từ đó mang lại một số ý nghĩa về lý thuyết
và thực tiễn cho các cơ quan quản lý và các hộ dân tại địa phương. Kết quả nghiên cứu của
đề tài sẽ là cơ sở khoa học thiết thực giúp chính quyền địa phương, các hộ gia đình tham
khảo để có những giải pháp cụ thể và khả thi nhằm nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc
Khmer nói riêng và các hộ gia đình nông thôn tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh nói chung.
1.7. Kết cấu luận văn
Luận văn được chia thành 6 chương cụ thể như sau:
Chương 1: Giới thiệu
Chương này giới thiệu tổng quan lý do chọn đề tài; mục tiêu nghiên cứu; câu hỏi
nghiên cứu; đối tượng, phạm vi nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu và ý nghĩa thực tiễn
của đề tài nghiên cứu.
3
Chương 2: Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu có liên quan
Chương này sẽ trình bày những cơ sở lý thuyết liên quan đến thu nhập. Nêu lại tổng
quan các nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài. Từ đó, xác định các nhân tố ảnh hưởng
đến thu nhập của hộ gia đình và đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất.
Chương 3: Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của địa bàn nghiên cứu
Chương này sẽ trình bày tổng quan về đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh
Trà Vinh và huyện Trà Cú.
Chương 4: Phương pháp nghiên cứu
Chương này giới thiệu đối tượng nghiên cứu, trình bày các vấn đề liên quan đến
phương pháp nghiên cứu, cách thu thập số liệu, xác định cỡ mẫu, mô hình nghiên cứu chính
thức và qui trình nghiên cứu.
Chương 5: Phân tích kết quả nghiên cứu
Trình bày kết quả nghiên cứu sơ bộ, phân tích thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu,
phân tích kết quả của mô hình kinh tế lượng, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập
của đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Kinh tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh.
Chương 6: Kết luận và kiến nghị
Tổng kết toàn bộ kết quả nghiên cứu, từ đó đưa ra một số giải pháp có tính chất gợi ý
nhằm nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer và dân tộc Kinh tại huyện Trà Cú tỉnh
Trà Vinh. Đồng thời cuối chương này cũng nêu ra những hạn chế của nghiên cứu cũng như
đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.
4
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ
NHỮNG NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN
Chương 2 sẽ trình bày tóm lược các khái niệm về hộ gia đình, khái niệm về thu nhập,
thu nhập hộ gia đình, đặc điểm kinh tế hộ của đồng bào dân tộc Khmer. Nêu lại tổng quan
các nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài, trên cơ sở đó xác định các nhân tố tác động
đến thu nhập của hộ gia đình nông thôn và đưa ra mô hình nghiên cứu đề xuất.
2.1. Các khái niệm
2.1.1. Khái niệm hộ gia đình
Cục Thống kê Tp HCM định nghĩa “Hộ gia đình bao gồm một hay một nhóm người ở
chung và ăn chung. Những người này có thể có hoặc không có quỹ thu, chi chung, có thể có
hoặc không có mối quan hệ ruột thịt”.
Haviland (2003), hộ gia đình hay còn gọi đơn giản là hộ, là một đơn vị xã hội bao
gồm một hay một nhóm người ở chung (cùng chung hộ khẩu) và ăn chung (nhân khẩu). Đối
với những hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu
chi chung hoặc thu nhập chung. Hộ gia đình không đồng nhất với khái niệm gia đình, những
người trong hộ gia đình có thể có hoặc không có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc hôn
nhân hoặc cả hai.
Phạm Anh Ngọc (2008) cho rằng: hộ là một tập hợp chủ yếu và phổ biến của những
thành viên có chung huyết thống. Tuy vậy, cũng có cá biệt trường hợp thành viên của hộ
không phải cùng chung huyết thống (con nuôi, người tình nguyện và được sự đồng ý của các
thành viên trong hộ công nhận cùng chung hoạt động kinh tế lâu dài…). Hộ nhất thiết là một
đơn vị kinh tế (chủ thể kinh tế), có nguồn lao động và phân công lao động chung, có vốn và
chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh chung, là đơn vị vừa sản xuất vừa tiêu dùng, có
ngân quỹ chung và được phân phối lợi ích theo thỏa thuận có tính chất gia đình. Hộ không
phải là một thành phần kinh tế thống nhất, mà hộ có thể là một thành phần kinh tế cá thể, tư
nhân, tập thể, nhà nước…
5
Tóm lại, hộ là tập hợp những người có cùng chung mối quan hệ với nhau, sống trong
cùng một gia đình và được pháp luật công nhận, cùng sinh sống và phát triển kinh tế theo sự
phân công đã được thiết lập từ trước.
2.1.2. Khái niệm về hộ nông dân
Theo Viên Ngọc Long (2012), hộ nông dân có thể định nghĩa, đó là hộ gia đình cùng
sinh sống và phát triển kinh tế ở nông thôn, họ sống nhờ vào sức lao động trong nông nghiệp
và phi nông nghiệp với nền sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp.
Trần Xuân Long (2009) thì hộ nông dân là những hộ chủ yếu hoạt động nông nghiệp,
theo nghĩa rộng bao gồm cả nghề rừng, nghề cá và hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn. Hộ
nông dân còn là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa học nông nghiệp và phát triển nông
thôn. Vì tất cả các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu được thực
hiện qua sự hoạt động của họ. Bên cạnh đó, Phạm Anh Ngọc (2008) cũng định nghĩa: Hộ nông
dân là những hộ sống ở nông thôn, có ngành nghề sản xuất chính là nông nghiệp, nguồn thu
nhập và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Ngoài hoạt động nông nghiệp, hộ còn tham gia các
hoạt động phi nông nghiệp.
2.1.3. Khái niệm về thu nhập
Theo Nguyễn Hữu Thảo (2001), Adam Smith, nhà kinh tế học nổi tiếng đại diện cho
trường phái kinh tế cổ điển đã viết trong tác phẩm “Wealth of nations” (Sự giàu có của các
quốc gia): “Tiền lương, lợi nhuận, địa tô là ba nguồn gốc đầu tiên của mọi thu nhập”. Như
vậy có thể hiểu theo Adam Smith thì thu nhập trong nền kinh tế bao gồm ba bộ phận đó là
tiền lương, lợi nhuận và địa tô mà những người thuê đất phải nộp. (M.Keynes, 1992).
Theo K.Marx, trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh của Gôta” (1875) xác định sản
phẩm được sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định gồm hai phần cơ bản: Phần bù đắp những
hao phí về tư liệu sản xuất trong quá trình sản xuất. Đây là phần khôi phục, hay tái sản xuất
ra những tư liệu sản xuất cần thiết. Kế đến là phần của cải mới được sáng tạo ra. Phần của
cải mới sản xuất ra này chính là thu nhập. Vậy thu nhập với tính cách là phạm trù kinh tế, là
phần của cải mới được sản xuất do các ngành, các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế dùng
để khôi phục lại sức lao động, tái sản xuất ra đời sống của người sản xuất và tích lũy tăng thêm
vốn vật chất cho sản xuất, hay thực hiện tái sản xuất mở rộng. Theo kinh tế học, thu nhập là
luồng tiền lương, trả lãi, cổ tức và các nguồn thu khác mà một cá nhân hay một quốc gia nhận
6
được trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). (Paul A Samueson và
William D. Nordhalls, 2001).
Tổng cục Thống kê (2011) định nghĩa như sau:
- Thu nhập là tổng số tiền mà một người hay một gia đình kiếm được trong 1 ngày, 1
tuần hay 1 tháng, hay nói cụ thể hơn là tất cả những gì mà người ta thu được khi bỏ sức lao
động một cách chính đáng được gọi là thu nhập.
- Thu nhập bình quân đầu người 1 tháng được tính bằng cách chia tổng thu nhập trong
năm của hộ gia đình cho số nhân khẩu của hộ và chia cho 12 tháng.
Tóm lại, thu nhập của người lao động là tất cả các khoản tiền lương mà doanh nghiệp
đã trả cho người lao động theo số lượng và chất lượng lao động của họ và các khoản phụ
cấp mang tính chất thường xuyên được tính vào quỹ lương. Người lao động trong doanh
nghiệp có thể nhận được thu nhập từ lương, đây là khoản thu nhập mà người lao động được
hưởng từ kết quả lao động của họ trong kỳ; thu nhập từ các khoản phụ cấp có tính chất như
lương như phụ cấp ca 3, phụ cấp đắt đỏ, phụ cấp đi lại, ăn giữa ca, trợ cấp thuê nhà và các
khoản phụ cấp thường xuyên, không thường xuyên khác cho người lao động, bao gồm các
hình thức trả bằng tiền, bằng hiện vật như thực phẩm, đồ uống, nhiên liệu, quần áo và các
thu nhập nhận từ quỹ bảo hiểm xã hội trả thay lương do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp . . .
2.1.4. Thu nhập hộ gia đình
Singh và cộng sự (1986) cho rằng: Thu nhập của hộ gia đình gồm thu nhập từ nông
nghiệp và thu nhập từ phi nông nghiệp.
Nguyễn Hải (1995) cho rằng thu nhập bao gồm các khoản thu được do lao động như
tiền lương, tiền công, thù lao lao động, thu nhập bằng tiền và hiện vật trong kinh tế hộ gia
đình. Các khoản thu nhập nhận được ngoài lao động bao gồm các khoản phụ cấp hưu trí,
thương tật, ốm đau, thai sản, an dưỡng, học bổng, các khoản chuyển nhượng, trúng xổ số,
lãi tiết kiệm…
Theo Nguyễn Thị Hưởng (2011) cho rằng thu nhập của hộ gia đình bao gồm 04
nguồn thu nhập: Thu nhập từ tiền công tiền lương, từ trồng trọt và chăn nuôi, từ sản xuất
ngành nghề phi nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nguồn thu nhập khác.
7
Trong nghiên cứu này thì nguồn thu nhập của hộ gia đình là bao gồm thu nhập từ
trồng trọt, chăn nuôi (sau khi đã trừ đi chi phí); từ sản xuất ngành nghề phi nông nghiệp,
lâm nghiệp, thủy sản (sau khi đã trừ đi chi phí); từ tiền công, tiền lương; các khoản thu khác
(thu từ hái lượm, quà tặng, lãi tiết kiệm, tiền cho thuê nhà, lương hưu, trợ cấp,…).
2.1.5. Đặc trưng của kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer
Bên cạnh những đặc trưng vốn có của kinh tế hộ gia đình nói chung, do điểm xuất
phát cũng như phong tục tập quán, kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer còn có
những đặc thù riêng. Trong đó, phải kể đến những đặc trưng cơ bản sau:
1) Chủ hộ và các thành viên trong hộ là người Khmer
Với đặc trưng này, đồng bào dân tộc Khmer vốn có lịch sử hình thành, kỹ thuật sản
xuất, phong tục tập quán, bản sắc văn hoá riêng. Hầu hết họ đều sử dụng tiếng Việt như là
ngôn ngữ thứ hai. Đa phần chủ hộ cũng như các thành viên lớn tuổi thường không biết tiếng
Việt, họ giao tiếp với nhau bằng tiếng dân tộc. Đây cũng là khó khăn của họ khi hòa nhập
vào cuộc sống cũng như phát triển kinh tế gia đình.
Mỗi hộ trung bình có từ 4 đến 5 thành viên, trong đó có từ 2 đến 3 lao động. Người
Khmer vốn rất cần cù, chịu đựng tốt gian khó, nhưng trình độ mọi mặt còn thấp.
Đặc điểm của đồng bào Khmer ở ĐBSCL là trên 90% dân số sống ở nông thôn, cư
trú thành những cụm dân cư gọi là Phum, Sóc tương đối biệt lập với cộng đồng các dân tộc
khác, cũng có một bộ phận đồng bào sống xen kẽ với người Kinh, còn một số hộ sinh sống
rải rác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và ở ven các kênh rạch (Tổng cục thống kê,
2009).
Do ảnh hưởng sâu sắc bởi Phật giáo Tiểu thừa, nên trong triết lý sống của người
Khmer thường thiên về các giá trị tinh thần hơn vật chất. Người Khmer sẵn sàng đóng góp
tiền của, công sức để xây dựng những ngôi chùa khang trang, lộng lẫy, trong khi họ chấp
nhận cuộc sống nghèo túng trong những căn nhà lụp sụp. Họ cũng sẵn sàng vay nợ để tổ
chức các lễ hội truyền thống, ma chay, tiệc cưới long trọng, hoặc đóng tiền để con em họ
được vào chùa tu v.v.. Chính triết lý sống như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và
đời sống của người Khmer.
2) Kinh tế hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer còn mang nặng tính tự cung, tự cấp
8
Hộ Khmer tồn tại lâu đời với phương thức canh tác truyền thống trên những vùng đất
đồi núi chia cắt, ruộng đất manh mún, chênh lệch về độ dốc lớn. Phần lớn sản xuất của họ
phụ thuộc vào thiên nhiên. Những năm mưa thuận, gió hòa thì được mùa, những năm thời
tiết không thuận lợi thì đời sống bà con gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, kinh tế hộ gia
đình đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã chủ động học tập,
mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi và phát triển các
ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, gốm…do đó, bộ mặt kinh tế hộ gia đình
phát triển đáng kể, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer có bước khởi
sắc. Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, trình
độ hạn chế, cộng với “sức ỳ” của tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nên hoạt động sản xuất kinh
doanh của một bộ phận bà con còn mang tính tự phát. Họ sản xuất ra trước hết là để thỏa
mãn nhu cầu bản thân, còn lại mới đem bán để mua về các sản phẩm khác. Mặc dù sản xuất
hàng hóa vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn một bộ phận
bà con chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất khép kín tự cung, tự cấp.
3) Cơ cấu sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng, trong đó nông nghiệp là nền tảng
Sản xuất nông nghiệp chiếm một địa vị quan trọng trong đời sống kinh tế và có ảnh
hưởng to lớn trong các mặt sinh hoạt văn hoá, xã hội, tôn giáo,… của người Khmer: “Nghề
nghiệp chính của bà con là trồng lúa khoảng 53,54%, trồng trọt hoa màu chiếm 9,16%, chăn
nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ hải sản khoảng 18,32%, buôn bán 2,5% và một bộ phận đồng
bào đi làm thuê, làm mướn, chiếm khoảng 16,45% dân số dân tộc Khmer”.
Trong sản xuất nông nghiệp, người Khmer có truyền thống sản xuất và kỹ thuật canh
tác khá phong phú. Đó chính là kết quả của người nông dân Khmer trong quá trình chinh
phục thiên nhiên vùng ĐBSCL và sự giao lưu văn hoá với các dân tộc anh em Việt, Hoa,
Chăm cùng định cư trong vùng. Tuy nhiên, sản xuất còn mang tính độc canh cây lúa, chưa
sử dụng hết tiềm năng đất đai và nguồn lao động dồi dào ở vùng nông thôn.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, người Khmer ở ĐBSCL còn có một số hoạt động kinh
tế khác. Tùy từng vùng, từng thời điểm nhất định mà các hoạt động như tiểu thủ công
nghiệp, dịch vụ được người nông dân Khmer tranh thủ làm thêm, vừa tận dụng thời gian
nhàn rỗi, vừa tăng thu nhập.
9
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của người Khmer chủ yếu là cung cấp những vật dụng
trong sinh hoạt gia đình. Nghề thủ công được người Khmer thực hiện trong những lúc rảnh
rỗi công việc đồng áng và gắn với những sinh hoạt gia đình. Một số sản phẩm thủ công cổ
truyền được tiêu thụ trên thị trường như dệt thổ cẩm (Trà Vinh, An Giang), chiếu Vĩnh
Châu (Sóc Trăng), gốm Tri Tôn (An Giang), đan mây tre (Sóc Trăng), v.v..
Trong lĩnh vực thương nghiệp, số lượng người Khmer sống bằng nghề buôn bán rất
ít, chỉ có một số sống ở tỉnh lỵ có quan hệ hôn nhân với người Hoa, Kinh. Trong lĩnh vực
này, người Khmer chủ yếu là buôn bán nhỏ với các cửa hiệu tạp hóa, dịch vụ ăn uống, v.v..
vừa ít vốn lại ít hàng. Một số vừa bán hàng vừa sản xuất nông nghiệp hoặc làm dịch vụ nhỏ
như sửa xe, làm nhân công các xưởng sửa chữa, nhân công xí nghiệp, nhà máy.
Như vậy, đặc trưng nổi bật nhất của kinh tế hộ đồng bào dân tộc Khmer là kinh tế
nông nghiệp đóng vai trò nền tảng, chi phối. Các hoạt động khác tuy có bước phát triển,
nhưng còn mang tính chất nhỏ lẻ, chưa phổ biến và hiệu quả chưa cao.
4) Quy mô sản xuất nhỏ bé
Đặc trưng nổi bật của các hộ dân tộc Khmer hiện nay là quy mô canh tác rất nhỏ bé,
biểu hiện rõ tính chất tiểu nông. Theo đó số liệu điều tra của Ban dân vận Trung ương năm
1998: “Quy mô đất đai bình quân là 2,821 ha/hộ, trong đó có 2,384 ha đất nông nghiệp,
riêng đất trồng cây ngắn ngày có 2,149 ha”.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, ở ĐBSCL “Diện tích đất sản xuất vùng
đồng bào Khmer bình quân là 0,44 ha/người”. Trong đó, số hộ không đất và thiếu đất sản
xuất ngày càng gia tăng.
Bên cạnh diện tích đất bình quân thấp, khả năng tích tụ và tập trung vốn của đồng
bào dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế. Do vậy, hộ dân tộc Khmer thường xuyên hoạt động
trong tình trạng thiếu vốn. Mặc dù hệ thống ngân hàng có cố gắng, nhưng mới chỉ đáp ứng
một phần nhu cầu vốn của bà con, còn lại họ phải đi vay của tư nhân với lãi suất cao. Hệ
quả là nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải cầm cố tài sản, sang bán đất đai để trả
nợ.
Do quy mô sản xuất nhỏ nên khả năng đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hạn chế.
Việc đầu tư thâm canh, tăng vụ, phát triển ngành nghề cũng gặp khó khăn. Vì vậy, năng
10
suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, tích lũy không cao, hạn chế khả năng
tái sản xuất mở rộng của hộ.
Có thể nói, với điều kiện đất đai hạn hẹp, nguồn lao động dồi dào nhưng thiếu vốn,
công cụ thủ công nên quy mô sản xuất kinh doanh hay quy mô thu nhập của đại bộ phận bà
con dân tộc rất nhỏ. Tuy một số hộ dân tộc có quy mô sản xuất khá lớn, nhưng số lượng
chưa nhiều.
5) Thu nhập và mức sống còn nhiều khó khăn
Là những cư dân nông nghiệp nên thu nhập chính của người Khmer chủ yếu do hoạt
động trồng trọt, chăn nuôi mang lại. Các hộ có thu nhập từ hoạt động tiểu thủ công nghiệp,
dịch vụ hoặc làm thuê chiếm tỷ trọng thấp.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thu nhập của đại bộ
phận bà con dân tộc đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với các dân tộc anh em khác,
thu nhập của người Khmer cơ bản vẫn còn khá thấp. Có một thực tế gần như ít thay đổi là
tỷ lệ nghèo đói của người Khmer luôn cao hơn so với các dân tộc khác trong vùng. Hiện
tại, số hộ Khmer nghèo ở ĐBSCL còn chiếm khoảng 40%, trong đó nhiều hộ có hoàn cảnh
rất khó khăn.
Thu nhập thấp, ý thức tiết kiệm chưa cao, do vậy đa phần thu nhập của bà con
thường chỉ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình, ít chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất
kinh doanh hay cho con em ăn học. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc Khmer còn kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người
Khmer thường thấp hơn so với các dân tộc anh em khác.
2.2. Các nghiên cứu trước có liên quan đến thu nhập hộ gia đình
2.2.1. Các nghiên cứu ngoài nước
Shrestha và Eiumnoh (2000) nghiên cứu về các yếu tố quyết định đến thu nhập của
nông hộ tại Thái Lan. Với cỡ mẫu là 192 hộ gia đình nông thôn, kết quả hồi qui đa biến cho
thấy những nhân tố ảnh hưởng đến tổng thu nhập của nông hộ bao gồm nguồn thu từ nông
nghiệp, phi nông nghiệp, trình độ học vấn, diện tích đất sản xuất và số thành viên trong độ
tuổi lao động.
Honest Zhou (2002) trong bài nghiên cứu “Các yếu tố quyết định đến thu nhập của
thanh niên, trường hợp của Harare” đã chỉ ra vốn con người là yếu tố quyết định quan trọng
11
đến thu nhập của thanh niên, chúng bao gồm số năm đi học, trình độ học vấn cao nhất đạt
được. Nghiên cứu cho thấy người đi học đại học có thu nhập cao hơn người không có bằng
đại học là 46%. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này thì biến kinh nghiệm làm việc và biến nhân
khẩu học, kinh tế xã hội lại không có ý nghĩa thống kê.
Schware (2004), với nghiên cứu các yếu tố quyết định hoạt động tạo thu nhập của hộ
gia đình nông thôn trong vùng lân cận vườn quốc gia Lore-Lindu ở Sulawesi, Indonesia. Số
liệu nghiên cứu được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo sát từ 301 hộ gia đình nông thôn
tại 12 ngôi làng xung quanh vườn quốc gia Lore-Lindu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu
nhiên. Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp hồi qui tuyến tính đa biến cho thấy diện tích
đất thuộc quyền sở hữu, giá trị của các tài sản khác và số lượng gia súc sở hữu có ảnh hưởng
tích cực đến tổng thu nhập của hộ gia đình. Tỷ lệ phụ thuộc có ảnh hưởng đến tổng thu nhập
của hộ gia đình.
Aikaeli (2010), nghiên cứu về các yếu tố quyết định đến thu nhập nông thôn ở
Tanzania. Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp hồi qui tuyến tính đa biến với cỡ mẫu hợp
lệ là 1.610 hộ gia đình nông thôn cho thấy trình độ học vấn của chủ hộ, qui mô hộ gia đình,
diện tích đất sản xuất là các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến thu nhập của các hộ gia đình
nông thôn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các hộ có chủ hộ là nữ giới thì có
thu nhập thấp hơn so với thu nhập của các hộ có chủ hộ là nam giới.
2.2.2. Các nghiên cứu trong nước
Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2011) với nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến
thu nhập của hộ gia đình ở khu vực nông thôn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Số liệu của
nghiên cứu được phỏng vấn trực tiếp từ 182 hộ gia đình ở khu vực nông thôn huyện Trà Ôn.
Các phương pháp phân tích được sử dụng là thống kê mô tả và hồi qui tuyến tính đa biến:
kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy mức sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng
được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình có mức thu nhập khá thấp. Nguồn thu nhập
chính của phần lớn hộ gia đình phụ thuộc vào nghề nông. Vì thế, mức thu nhập tương đối
thấp và bấp bênh. Kết quả cũng cho thấy rằng số nhân khẩu của hộ, kinh nghiệm làm việc
của chủ hộ, trình độ học vấn của chủ hộ và số hoạt động tạo ra thu nhập có ảnh hưởng đến
thu nhập bình quân/người của hộ gia đình ở khu vực nông thôn.
Nguyễn Quốc Nghi và Bùi Văn Trịnh (2011) nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến
thu nhập của người dân tộc thiểu số ở ĐBSCL. Số liệu điều tra trực tiếp từ 150 hộ Khmer ở
12
tỉnh Trà Vinh, 90 hộ Chăm ở tỉnh An Giang và áp dụng mô hình phân tích hồi qui tuyến tính
cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập bình quân/người của hộ dân tộc thiểu số ở
ĐBSCL là: Trình độ học vấn của chủ hộ, trình độ học vấn của lao động trong hộ, số nhân
khẩu trong hộ, số hoạt động tạo thu nhập của hộ, độ tuổi của lao động trong hộ và tiếp cận
với các chính sách hỗ trợ. Trong đó, nhân tố số nhân khẩu và độ tuổi của lao động trong hộ
tỷ lệ nghịch với thu nhập bình quân/người của hộ dân tộc, nhân tố số hoạt động tạo ra thu
nhập của hộ có ảnh hưởng mạnh nhất đến thu nhập bình quân/người của hộ dân tộc thiểu số
ở ĐBSCL.
Huỳnh Thanh Phượng (2011) nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập
của các hộ dân làm nghề phi nông nghiệp tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Qua việc
nghiên cứu 250 mẫu quan sát và vận dụng phương pháp hồi qui để nghiên cứu. Kết quả cho
thấy học vấn trung bình của chủ hộ, số người làm việc trong hộ, qui mô hộ gia đình, được
vay vốn tín dụng, số năm đi học của chủ hộ có ảnh hưởng đến thu nhập của người dân làm
nghề phi nông nghiệp.
Viên Ngọc Long (2012) trong nghiên cứu “Những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập
của hộ nông dân huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang”, với số mẫu điều tra là 300 hộ, kết quả
tìm được cho thấy có 07 nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nông dân là trình độ văn
hóa, số lao động trong hộ, diện tích đất canh tác, số lần tham dự khuyến nông, tiếp cận
đường giao thông, tổng vốn, tiếp cận nguồn nước.
Trương Châu (2013) đã nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ ở các xã
biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, kết quả nghiên cứu xác định được các nhân tố ảnh
hưởng đến thu nhập của hộ gia đình là nghề nghiệp của chủ hộ, kinh nghiệm làm việc của
chủ hộ, trình độ học vấn của chủ hộ, qui mô hộ, tỷ lệ phụ thuộc, qui mô diện tích đất, số
hoạt động tạo thu nhập và khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức.
Tóm lại, các nghiên cứu trên đều vận dụng phương pháp hồi qui trong nghiên cứu
của mình và tập trung nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong
lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đồng thời qua khung phân tích trên, đã tổng hợp
được các nhân tố chính ảnh hưởng đến thu nhập của chủ hộ đó là: Nghề nghiệp, giới tính,
kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, qui mô hộ, tỷ lệ phụ thuộc, qui mô diện tích đất, số
hoạt động tạo thu nhập, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiếp cận với chính sách hỗ
trợ.
13
2.3. Mô hình nghiên cứu đề nghị
2.3.1. Tổng hợp các nghiên cứu trước
Đã có rất nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình,
mỗi nghiên cứu thực hiện tại những địa điểm khác nhau và do đặc thù của từng địa phương
nên các biến có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, mỗi nghiên cứu
quan tâm đến những khía cạnh thu nhập, đối tượng nghiên cứu, phạm vi và cách chọn mẫu
cũng khác nhau nên các biến đưa vào mô hình nghiên cứu có chọn lọc, điều chỉnh theo tình
hình thực tế tại địa bàn nghiên cứu. Các biến quan sát trong các nghiên cứu trước được tổng
hợp như sau:
Bảng 2.1: Bảng tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình
Yếu tố
Tác giả
Nghề nghiệp của Shrestha và Eiumnoh (2000), Nguyễn Sinh Công (2004), Lê Thị
chủ hộ
Trình độ học vấn
của chủ hộ
Kim Ngân (2013), Trương Châu (2013).
Shrestha và Eiumnoh (2000), Nguyễn Đức Thắng (2002), Okurut
và cộng sự (2002), Nguyễn Xuân Thành (2006), Bùi Quang Bình
(2008), Karttunen (2009), Aikaeli (2010), Trương Châu (2013).
Mai Văn Nam (2009), Vũ Ánh Tuyết (2007), Bùi Quang Bình
Số nhân khẩu trong (2008), Shrestha và Eiumnoh (2000), Okurut và cộng sự (2002),
hộ
Nguyễn Sinh Công (2004), Đinh Phi Hổ (2006), Aikaeli (2010),
Trương Châu (2013).
Giới tính của chủ
hộ
Tỷ lệ phụ thuộc
Nguyễn Thị Nguyệt và cộng sự (2002), Bùi Quang Bình (2008),
Nguyễn Trọng Hoài (2010), Karttunen (2009), Aikaeli (2010),
Trương Châu (2013), Lê Thị Kim Ngân (2013).
Nguyễn Sinh Công (2004), Schware (2004), Nguyễn Trọng Hoài
(2010), Karttunen (2009), Trương Châu (2013).
Số hoạt động tạo Vũ Ánh Tuyết (2007), Đinh Phi Hổ và Hoàng Thị Thu Huyền
thu nhập
(2010), Micevska và Rahut (2007), Huỳnh Thị Đan Xuân và Mai
14
Văn Nam (2011), Trương Châu (2013).
Bùi Quang Bình (2008), Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2011),
Kinh nghiệm của Nguyễn Xuân Thành (2006), Trương Châu (2013), Huỳnh Trường
chủ hộ
Huy và Ông Thế Vinh (2009), Shrestha và Eiumnoh (2000), Trương
Châu (2013).
Âu Đức Vi (2008), Mai Văn Nam (2009), Mwanza (2011), Huỳnh
Vay vốn
Thị Đan Xuân và Mai Văn Nam (2011), Huỳnh Thanh Phương
(2011), Trương Châu (2013).
Shrestha và Eiumnoh (2000), Nguyễn Sinh Công (2004), Mwanza
Diện tích đất sản (2011), Schwarze (2004), Lê Thanh Sơn (2008), Aikaeli (2010),
xuất
Huỳnh Thị Đan Xuân và Mai Văn Nam (2011), Trương Châu
(2013).
Tham gia đoàn thể
Tiếp
cận
Nguyễn Quốc Nghi (2010), Nguyễn Quốc Nghi và Bùi Văn Trịnh
(2011).
chính Lương Thanh Phong (2010), Nguyễn Quốc Nghi (2010).
sách
Tôn giáo
Phạm Anh Ngọc (2008), Trần Xuân Long (2009).
Thành phần dân Phạm Anh Ngọc (2008), Trần Xuân Long (2009).
tộc
2.3.2. Mô hình nghiên cứu đề nghị
Dựa vào cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu trước đã được trình bày như trên và qua tìm
hiểu tình hình thực tế tại địa bàn nghiên cứu, mô hình nghiên cứu đề nghị đề tài: “Các nhân
tố ảnh hưởng đến thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà
Vinh” như sau:
15
Hình 2.1: Mô hình nghiên cứu đề nghị
Nghề nghiệp của chủ hộ
Trình độ học vấn của chủ hộ
Số nhân khẩu trong hộ
Giới tính của chủ hộ
Thu
nhập
của
đồng
bào
dân
tộc
Khmer
Tỷ lệ phụ thuộc
Số hoạt động tạo thu nhập
Kinh nghiệm của chủ hộ
Vay vốn
Qui mô diện tích đất sản xuất
Tham gia đoàn thể
Tiếp cận chính sách
Tín ngưỡng tôn giáo
Tham gia Lễ hội
Thành phần dân tộc
2.3.3. Điểm khác biệt của mô hình nghiên cứu so với các nghiên cứu trước
Mô hình nghiên cứu đề nghị cho đề tài nghiên cứu: “Các nhân tố ảnh hưởng đến
thu nhập của đồng bào dân tộc Khmer tại huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh” có một vài
điểm khác biệt so với các nghiên cứu trước như sau:
16