Tải bản đầy đủ (.pdf) (169 trang)

Tiểu luận vai trò vốn con người cho vấn đề giảm nghèo bền vững ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.18 MB, 169 trang )

1

MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi hoạt động kinh tế xã hội.
Con người vừa là đối tượng vừa là chủ thể của quá trình tăng trưởng và giảm nghèo.
Vốn con người có vai trò định hướng, khai thác, kết hợp, sử dụng các tài sản sinh kế
khác như vốn tài chính, vốn xã hội, vốn tự nhiên, vốn vật chất để tạo ra kết quả sinh
kế, tăng trưởng và phát triển.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định vốn con người tác động tích cực và là một
trong những yếu tố quyết định năng suất lao động, cải thiện tình trạng việc làm,
tăng thu nhập.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người có trình độ giáo dục, chuyên môn kỹ
thuật cao hơn vẫn có thu nhập thấp hơn, vẫn nghèo hơn; nhiều người nghèo được
tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục nhưng thu nhập vẫn không được cải thiện,
vẫn không thoát nghèo; nhiều người được đào tạo nghề vẫn tái nghèo hay thu nhập
bị giảm; tình trạng rơi vào nghèo vẫn có thể xảy ra đối với những người có bằng cấp
chuyên môn kỹ thuật,...
Chương trình giảm nghèo ở nước ta sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện
trong những năm tiếp theo với những yêu cầu mới về tính bền vững – thể hiện rất rõ
trong Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương
trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và được tái
khẳng định trong Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2010 của Chính
phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Hỗ trợ người nghèo
về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong khuôn khổ chương trình giảm nghèo không chỉ
là hỗ trợ giảm chi tiêu mà có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vốn con người
cho người nghèo để giảm nghèo. Hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã được
nhìn nhận là “đột phá” trong giảm nghèo ở nông thôn – thể hiện rất rõ trong Quyết
định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của TTCP phê duyệt đề án đào
tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Quyết định số 630/QĐ-TTg
ngày 29/5/2012 phê duyệt chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011-2020.


Câu hỏi đặt ra trong thực tiễn triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo ở
Việt Nam là: Hỗ trợ về giáo dục, dạy nghề có thể nâng trình độ giáo dục, bằng cấp
chuyên môn kỹ thuật, cải thiện vốn con người của người nghèo, nhưng mức độ tác


2

động của vốn con người đến giảm nghèo bền vững như thế nào? Cần phải làm gì
hay làm như thế nào để nâng cao vai trò của vốn con người của người nghèo để
giảm nghèo bền vững?
Mặc dù những câu hỏi trên vừa là câu hỏi đối với quản lý, thực hiện
chương trình giảm nghèo vừa là những câu hỏi có tính khoa học, nhưng chưa có
đề tài nghiên cứu khoa học nào giải quyết. Đó chính là lý do NCS lựa chọn và đề
xuất nghiên cứu đề tài “Vai trò c a v˨n con ngɵ i trong giʱm nghèo b˒n v ng
Vi˞t Nam”.

2. Các câu hỏi nghiên cứu
1) Vốn con người là gì, bao gồm những nội dung gì? và những yếu tố tác
động đến vốn con người?
2) Nghèo, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là gì? những yếu tố phản ánh
giảm nghèo bền vững? và yếu tố tác động đến giảm nghèo bền vững?
3) Vốn con người có vai trò như thế nào trong giảm nghèo bền vững?
4) Thực trạng vai trò của vốn con người trong giảm nghèo ở Việt Nam như
thế nào?
5) Làm thế nào để phát huy vai trò của vốn con người trong giảm nghèo
bền vững?

3. Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu tổng quát: Đánh giá thực trạng vai trò của vốn con người trong
giảm nghèo và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò vốn con người để giảm nghèo

bền vững.
Mục tiêu cụ thể:
- Nghiên cứu, xây dựng phương pháp luận về vai trò của vốn con người trong
giảm nghèo bền vững ở Việt Nam; phát triển mô hình phân tích định lượng về tác
động của trình độ giáo dục đến khả năng thoát nghèo ở Việt Nam;


3

- Phân tích thực trạng vai trò của vốn con người, cụ thể là phân tích tác động
của trình độ giáo dục phổ thông, chuyên môn kỹ thuật và một số kiến thức, kỹ năng
cụ thể đối với giảm nghèo bền vững;
- Hình thành các quan điểm và đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của vốn
con người trong giảm nghèo để giảm nghèo bền vững ở Việt Nam.

4. Tổng quan các công trình nghiên cứu vai trò của vốn con người đối với
tăng trưởng, thu nhập và giảm nghèo
Trước những năm 50 của thế kỷ XX, những phân tích lý thuyết về đầu tư vào
giáo dục và đào tạo như là vốn của Adam Smith, Alfred Marshall và Milton
Freeman đã không được đưa vào các cuộc thảo luận về năng suất lao động. Khái
niệm ban đầu về vốn con người không được thuyết phục bởi lẽ đã coi con người
như máy móc. Nhìn nhận việc đến trường theo hướng đầu tư hơn là văn hóa bị coi
là “tàn nhẫn” và hạn hẹp [63]. Trong khoảng thời gian 1980-1990, vai trò của vốn
con người đối với tăng trưởng, thu nhập được thảo luận nhiều hơn và có nhiều
nghiên cứu về mối quan hệ giữa vốn con người với thu nhập, tăng trưởng được công
bố; và vốn con người được thừa nhận là một “yếu tố” quan trọng của sản xuất.

4.1. Vai trò của vốn con người đối với tăng trưởng và thu nhập
Schultz trong “Investment in Human Capital” [76, tr.1-17], giáo dục được
xem là một khoản đầu tư vào con người và nó cũng có vai trò như một loại vốn –

“vốn con người”. Denison, Edward F. (1962) trong “Nguồn gốc của tăng trưởng
kinh tế Mỹ” và Schultz (1963) trong “Giá trị kinh tế của giáo dục” khẳng định:
Đầu tư vào vốn con người là yếu tố đóng góp quan trọng và cơ bản cho tăng trưởng
kinh tế. Từ đó khuyến khích loại bỏ các rào cản đối với đầu tư vào vốn con người
nhất là đầu tư cho giáo dục để tạo ra các lợi ích cho xã hội và đầu tư vào vốn con
người là lời giải cơ bản cho sự chênh lệch giữa tăng trưởng đầu ra và tăng trưởng
các đầu vào vốn vật chất và lao động.
Waines trong “The Role of Education in the Development of Developed
Countries” [77, tr.437-445] đã nhận thấy tốc độ tăng trưởng không hoàn toàn phụ
thuộc vào mức vốn vật chất hay tài chính mà phụ thuộc vào cả yếu tố vốn con
người – chính yếu tố vốn con người sẽ quyết định việc sử dụng hiệu quả hay không
vốn vật chất và tài chính. Việc thay đổi quan điểm về vai trò của vốn con người sẽ
giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng ở các nước đang phát triển.


4

Lucas trong “On the Mechanics of Economic Development” [68, tr.3-42] đã
khẳng định vốn con người đóng góp vào tăng trưởng kinh tế theo hai phương thức.
Trước hết, vốn con người tồn tại trong mỗi cá thể sẽ làm tăng năng suất cá nhân,
dẫn đến tăng năng suất chung và tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, vốn con người bao
hàm trong mỗi cá thế cũng ảnh hưởng tới năng suất của các nhân tố sản xuất khác.
Hai phương thức tác động này được gọi là các hiệu ứng “nội sinh” và “ngoại sinh”
của vốn con người; khẳng định tăng trưởng bền vững là kết quả của quá trình tích
lũy vốn con người theo thời gian.
Lau, Jamison, Liu và Rivkin nghiên cứu về các bang của Brazil [66, tr.45-70]
cho thấy: trình độ học vấn của lực lượng lao động có ảnh hưởng lớn, tích cực và có
ý nghĩa thống kê đối với sản lượng. Tăng thêm 1 năm đi học bình quân đầu người
sẽ làm tăng sản lượng thực tế khoảng 20%. Trong bốn nguồn tăng trưởng cơ bản,
vốn con người giải thích được 25% tăng trưởng sản lượng ở Brazil trong những

năm 1970.
“Labor Market in Asia: Promoting full, productive and decent employment”
[55, tr.76-77] đã chỉ ra 3 "cái bẫy" tăng trưởng kinh tế liên quan đến vốn con người
thấp đối với các nước đang phát triển. Thứ nhất cố gắng khai thác lợi thế so sánh
của mình dựa trên chi phí lao động thấp (tiền lương thấp) và rơi vào vòng luẩn quẩn:
Năng suất lao động thấp - ít đào tạo - thiếu những công việc yêu cầu kỹ năng cao năng lực cạnh tranh thấp đối với những thị trường sản phẩm yêu cầu nhiều kỹ năng.
Tình huống này được gọi là bẫy "kỹ năng thấp, công việc tồi" gắn với tiền lương
thấp và ít cơ hội để tích luỹ vốn con người. Thứ hai, xuất phát từ sự kết hợp giữa
vốn và lao động, gọi là "kỹ năng thấp, công nghệ thấp". Công nhân không có đủ kỹ
năng để vận hành những máy móc hiện đại, sẽ không có động lực để đầu tư vào
công nghệ mới. Điều này tiếp tục làm giảm năng suất lao động của công nhân. Thứ
ba "kỹ năng thấp, không có sáng kiến". Ý tưởng mới và sáng kiến là cơ sở để phát
triển những năng lực công nghệ nhưng điều này đòi hỏi nhân viên cần được đào tạo
tốt hơn. Một nền kinh tế có thể rơi vào vòng luẩn quẩn, không có sáng kiến do lực
lượng lao động kỹ năng thấp và công nhân không có động cơ để đầu tư vào giáo
dục - đào tạo vì không có nhu cầu cho những kiến thức, kỹ năng này. Việc tồn tại
khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng mà thị trường yêu cầu và vốn con người thực
tế có thể tạo nên vòng luẩn quẩn: Thiếu kỹ năng - Thất nghiệp và thiếu việc làm Nghèo đói. Những phát hiện này khá thống nhất với quan điểm Ljungqvist [67,
tr.219-239] trong “The case of a missing market of humal capital” khi chứng minh


5

sự kém trong tăng trưởng và phát triển về kinh tế là do thị trường vốn con người
không hoàn hảo.
Ở Việt Nam, “Tác động của vốn con người đối với tăng trưởng kinh tế các
tỉnh, thành phố Việt Nam” [37] đã sử dụng mô hình hồi quy với các thước đo vốn
con người là số năm đi học bình quân của lực lượng lao động, chi phí giáo dục hay
thu nhập của lao động; mặc dù sau đó, nghiên cứu nhận định sử dụng các thước đo
vốn con người dựa trên chi phí và thu nhập chưa phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: tỉnh nào có mức vốn con người cao hơn thì sẽ có
mức GDP cao hơn trong các điều kiện yếu tố khác không thay đổi. Tuy nhiên hiệu
ứng của vốn con người thay đổi theo vùng. Trong nghiên cứu này, các tác giả đồng
nhất khái niệm vai trò với tác động hay ảnh hưởng.
Những nghiên cứu của các tác giả nêu trên, tuy có cách nhìn nhận và đánh
giá khác nhau nhưng đều cho thấy tác động rất rõ ràng và quan trọng của vốn con
người đối với tăng trưởng kinh tế.
“The Economic Way of Look at Life” [64] đã nhận định: Mọi người có thu
nhập khác nhau cơ bản là do vốn con người khác nhau. Trong nhiều nghiên cứu
khác Becker [62] [63, tr.9-49] [65] cũng đã đưa ra nhiều bằng chứng về mối tương
quan giữa vốn con người và thu nhập: học vấn càng cao, thu nhập càng cao, đồng
thời chỉ ra nhiều cách thức đầu tư nâng cao vốn con người; tỷ lệ hoàn trả đầu tư
giáo dục có thể khác đối với các nhóm khác nhau (nam, nữ, da mầu, da trắng);
khẳng định vai trò ngày càng cao của vốn con người trong tăng trưởng và giảm
nghèo cả ở cấp cá nhân, doanh nghiệp hay cấp quốc gia; trong “Human Capital”,
Becker khẳng định [62]: Không có đầu tư nào mang lại lợi nhuận lớn hơn như đầu
tư vào con người, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, ông cũng
cho rằng điều đó cũng có tính tương đối vì định lượng trình độ giáo dục của một
người không chỉ đơn giản là xem bao nhiêu bằng cấp mà người đó có được. Becker
cũng chứng minh do khác nhau về giới tính, đặc điểm dân tộc, nên dù có cùng trình
độ thì thu nhập trung bình của những người lao động khác nhau cũng khác nhau.
Nhờ các phát hiện của Becker qua phân tích về vốn con người đã giải thích nhiều cơ
chế hay nguyên tắc trong thị trường lao động và kinh tế quy mô lớn, hình thành nền
tảng để phát triển lý thuyết vốn con người.
Mincer trong “Schooling, Experience and Earnings” [69] đã phát triển một
hàm hồi quy phân tích mối quan hệ giữa thu nhập và số năm đi học với quan điểm
cho rằng thời gian tiêu tốn cho việc đi học tại trường lớp hay đào tạo nghề sẽ làm


6


chậm lại tiến trình tạo ra thu nhập và làm giảm thời gian làm việc trong đời nếu tuổi
nghỉ hưu được xem là cố định. Để tính toán hiệu quả của đầu tư vào việc đi học và
tính toán khoảng thời gian làm việc, Mincer giả định rằng mỗi năm đầu tư vào việc
học sẽ làm giảm đúng bằng một năm làm việc và chi phí thời gian cộng với số tiền
chi trực tiếp trong thời gian này cho việc đi học được xem là tổng chi phí đầu tư. Vì
những chi phí này, việc đầu tư sẽ không diễn ra nếu như không có khả năng đem lại
những khoản thu nhập lớn hơn trong tương lai được biểu thị thông qua tỉ suất thu
hồi nội bộ. Mô hình phân tích của Mincer sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau với
tư cách là một mô hình phân tích.
Cai trong “Internal and External Effects of Education on the Growth of
National Product” [57] đã tổng hợp các kênh hiệu ứng nội sinh của giáo dục bao
gồm: gia tăng năng suất lao động cá nhân trong sản xuất các loại hàng hóa và dịch
vụ; gia tăng năng suất cá nhân trong việc sản xuất thêm vốn con người; giảm thời
gian làm việc tại nhà của phụ nữ và tăng chất lượng sản phẩm; thay đổi giá trị của
thời gian nghỉ ngơi thông qua tác động của nó vào mức tiền lương. Các hiệu ứng
ngoại sinh của giáo dục bao gồm: trình độ của con cái; năng suất lao động trong gia
đình; sức khỏe cá nhân; sức khỏe các thành viên trong gia đình; giảm tỷ lệ sinh;
hiệu quả lựa chọn tiêu dùng; hiệu quả tìm kiếm thị trường lao động; hiệu quả lựa
chọn hôn nhân; tỷ lệ tiết kiệm; giảm tội phạm; liên kết xã hội; thay đổi công nghệ.
Schultz trong “Education Investment and Returns” [75] cho thấy mối quan
hệ giữa thu nhập và vốn con người là mối quan hệ nhân - quả; đầu tư vào giáo dục
có nghĩa là làm tăng vốn con người và sẽ làm tăng năng suất của mỗi cá nhân trong
tương lai; việc tăng thu nhập liên quan đến cải thiện giáo dục ở những nước nghèo
cao hơn gấp hai lần ở những nước giàu. Như vậy có thể hiểu ảnh hưởng của giáo
dục đến năng suất lao động, thu nhập chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có
môi trường kinh tế vĩ mô (sự khác biệt giữa nước giàu và nước nghèo). Mặt khác
tác động của giáo dục đến thu nhập không phải là “tức thì” mà cần có thời gian hay
còn gọi là “độ trễ”.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD, 2001) trong “The well-being of

nations, the role of Human and Social capital, education and skills” [73] trích dẫn
kết quả nghiên cứu của Krueger và Lindahl (1999) cho thấy nếu trình độ học vấn
cao hơn một cấp thì thu nhập trung bình một năm tăng từ 5 - 15%; và OECD (2007)
trong “Lifelong Learning and Human Capital” [74] đã đưa ra kết quả nghiên cứu
cụ thể tại New Zealand và Ðan Mạch rằng thu nhập của những người có bằng cấp


7

đại học cao hơn 15% so với thu nhập của những người chỉ tốt nghiệp phổ thông
trong suốt quãng đời làm việc của họ.
Coulombe và Tremblay [59, tr.154-180] nghiên cứu về các tỉnh ở Canada
giải thích một phần tăng trưởng đáng kể của thu nhập bình quân đầu người của các
tỉnh là do các chỉ số vốn con người – Vốn con người (mà chủ yếu là chỉ số về giáo
dục) giải thích được gần 50% tăng trưởng tương đối của thu nhập bình quân đầu
người ở các tỉnh của Canada kể từ năm 1951 và giải thích được trên 80% mức thu
nhập tương đối. Các ước lượng về tỷ trọng của vốn con người trong thu nhập quốc
dân xấp xỉ 0,5.
Kết quả nghiên cứu của các tác giả nêu trên cho thấy rất nhiều các yếu tố
thuộc về vốn con người tác động đến thu nhập và khẳng định vai trò tích cực của
vốn con người đối với thu nhập và cải thiện thu nhập.

4.2. Vai trò của vốn con người đối với giảm nghèo
Một số nghiên cứu đã đề cập đến vai trò của vốn con người đối với giảm
nghèo, nhưng chủ yếu là đề cập đến khía cạnh thu nhập, nổi bất là “Rural Poverty
in Development Countries: An Empirical Analysis” của Dao [60, tr.80-154] đã
chứng minh vai trò của vốn con người thông qua đào tạo cũng giống như tăng
cường vốn vật chất đối với cải thiện năng suất lao động của nông dân và giảm
nghèo ở khu vực nông thôn các nước đang phát triển. Và đặc biệt trong “Human
Capital, Poverty and Income Distribution in Development Countries” [61, tr.294303], Dao cũng đã chỉ ra rằng tăng cường cơ hội giáo dục cơ sở sẽ làm giảm bất

bình đẳng về thu nhập ở các nước đang phát triển.
Một số nghiên cứu đã sử dụng lý thuyết sinh kế để phân tích nghèo đói ở
Việt Nam [21 & 22 & 23] đã phát hiện mối liên hệ giữa vốn con người và tình trạng
nghèo của hộ gia đình – về cơ bản người nghèo luôn có vốn nhân lực cụ thể là trình
độ giáo dục, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp hơn người không nghèo. Sinh kế đã
được đề cập trong một số nghiên cứu [27] của R. Chambers những năm 1980, sau
đó là các nghiên cứu của F. Ellis (1998), Barrett, Reardon, Morisson, Batterbury
(2001); Conway (1992); Carney (1998); Bernstein (1992); Francis (2000, 2002);
Radoki (2002); Andrew Dorward và Nigel Poole (2003);... Sinh kế có thể được tiếp
cận và định nghĩa khác nhau. Nhưng có sự thống nhất căn bản, các hoạt động sinh
kế là do cá nhân hay hộ gia đình tự quyết định trên cơ sở năng lực và khả năng của
chính họ được gọi là các tài sản hay vốn sinh kế, bao gồm vốn con người, vốn tài


8

chính, vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn xã hội. Đồng thời sinh kế chịu ảnh hưởng của
các yếu tố bên ngoài như các thể chế, chính sách và những quan hệ xã hội mà chính
các cá nhân hay hộ gia đình đã thiết lập. Thu nhập thấp hay nghèo đói được xem là
kết quả sinh kế tồi.
Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á [56] [30] nhận định
rằng dù Việt Nam là một ví dụ điển hình về phát triển kinh tế và xóa đói giảm
nghèo, có nhiều chứng cứ cho thấy sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, trong khi
đó thì rất ít nghiên cứu xem xét về vấn đề vốn con người. Vốn con người được hiểu
là trình độ giáo dục và sức khỏe của mỗi cá nhân, hai yếu tố được thừa nhận một
cách rộng rãi là loại tài sản sản xuất của người nghèo và là kết quả của một quá
trình đầu tư dài hạn. Bất bình đẳng về thu nhập có thể được giải quyết trong một
thời gian ngắn, nhưng bất bình đẳng về vốn con người có thể để lại các hệ quả
nghiêm trọng cho nhiều thế hệ. Đầu tư vào vốn con người vì thế rất quan trọng
trong việc phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo mà các tác giả của báo cáo này cho

rằng: người nghèo nghèo vì họ thiếu vốn con người, người nghèo thiếu vốn con
người vì họ nghèo.
Phân tích thực trạng ở Việt Nam, một số nhà nghiên cứu như Moock [70],
Nguyễn Nguyệt Nga [72], Nguyễn Đức Thành [71], Nguyễn Xuân Thành [31] đã sử
dụng mô hình hàm thu nhập của Mincer trong phân tích mối quan hệ giữa trình độ
giáo dục với thu nhập. Khá nổi bật trong số đó và có tính lý thuyết cao là nghiên
cứu “Trends of the education sector from 1993-1998” của Nguyễn Nguyệt Nga,
nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu VHLSS 92-93 và 97-98 để phân tích, kết quả
cho thấy nâng cao trình độ giáo dục lên cấp trung học cơ sở sẽ tạo ra các cơ hội cải
thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người nghèo. Tuy nhiên nghiên cứu
cũng nhận định rằng ảnh hưởng của dạy nghề không có ý nghĩa thống kê đối với thu
nhập trong khu vực tư nhân. “Ước lượng suất sinh lời của giáo dục ở Việt Nam”
của Vũ Trọng Anh đã sử dụng biến số năm đi học hay bằng cấp cao nhất của lao
động trong VHLSS để tính toán tỷ suất sinh lời của giáo dục ở Việt Nam năm 2004.
Một số công trình nghiên cứu khác có phạm vi nghiên cứu hẹp hơn; như
“Mô hình giảm nghèo vùng Tây Bắc” [2], “Vốn con người và thu nhập của hộ sản
xuất cà phê ở Tây Nguyên” [5] hay “Việt Nam: Giáo dục đại học và kỹ năng cho
tăng trưởng” [20] cũng đã sử dụng các mô hình kinh tế lượng để phân tích ảnh
hưởng của trình độ (trình độ kỹ năng, số năm đi học, kinh nghiệm,…) đến thu nhập,
năng suất lao động, tỷ lệ thu hồi. “Việt Nam: Giáo dục đại học và kỹ năng cho tăng
trưởng” đã chỉ ra rằng: đầu tư thêm một năm đi học hay đào tạo sẽ làm tăng từ


9

1,2% đến 2,4% năng suất lao động và tăng 1% số lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại
học sẽ tăng được từ 0,44% đến 0,67% năng suất lao động. “Vốn con người và thu
nhập của hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên” [5] cho thấy: Thu nhập của hộ sản xuất
phụ thuộc vào trình độ giáo dục và kinh nghiệm của chủ hộ với hệ số tương quan
lần lượt là 0,0246 và 0,0577.

Đóng góp rất có ý nghĩa của các nghiên cứu này là đã ứng dụng thành công
các mô hình kinh tế lượng, đặc biệt là mô hình hàm thu nhập của Mincer và chỉ ra
mối tương quan giữa các biến về giáo dục, đào tạo, kiến thức với năng suất lao động,
thu nhập đối với một số vùng, một số nhóm đối tượng trong một khoảng thời gian
cụ thể ở Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế rõ ràng của các công trình này là phạm vi bị
giới hạn ở một số vùng cụ thể, ví dụ như ở vùng Tây Bắc đối với “Mô hình giảm
nghèo vùng Tây Bắc” hay chỉ xem xét chủ yếu ảnh hưởng ở trình độ giáo dục cao
(trình độ đại học) đối với “Việt Nam: Giáo dục đại học và kỹ năng cho tăng
trưởng” hay “sản xuất cà phê ở Tây Nguyên” đối với “Vốn con người và thu nhập
của hộ sản xuất cà phê ở Tây Nguyên”,…
Ngoài ra, một số nghiên cứu không dựa trên mô hình hàm thu nhập của
Mincer mà tiếp cận dựa vào hàm Cobb–Douglas hay một mô hình khác để giải thích
quan hệ vốn con người với thu nhập - như Đinh Phi Hổ [14] áp dụng hàm Cobb –
Douglas để nghiên cứu ảnh hưởng của kiến thức nông nghiệp tới thu nhập của nông
dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, kết quả cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa
mức độ kiến thức và thu nhập với hệ số tương quan là 0,272; Nguyễn Chí Thiện
trong “Chi tiêu và thu nhập của người dân nông thôn miền núi ở tỉnh Thái Nguyên”
[28] chỉ ra ảnh hưởng của cách tiếp cận thị trường của nông dân tới thu nhập, với hệ
số tương quan là 0,09 hay trong “Mô hình giảm nghèo vùng Tây Bắc” chỉ ra hệ số
tương quan về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật với tăng thu nhập là 0,016
(năm 2002) và 0,158 (năm 2004)....
Indu, Erik, Thắng và Hữu (2001) trong “Vốn nhân lực của người nghèo ở
Việt Nam tình hình và các lựa chọn về chính sách” [24] đã sử dụng các thước đo tỷ
lệ biết chữ, tỷ lệ đi học, tỷ lệ đạt điểm khá giỏi, số năm đi học, chi tiêu cho giáo dục
để phản ánh vốn con người trong khía cạnh giáo dục. Mặc dù không sử dụng các
mô hình kinh tế lượng nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng: giáo dục là chìa khóa để
nâng cao vốn nhân lực và ảnh hưởng của các yếu tố cộng đồng, môi trường, đặc
điểm của hộ gia đình (thu nhập, chi tiêu, kiến thức, sở thích) lên hành vi nâng cao
vốn con người của hộ gia đình. Bản thân vốn nhân lực lại có tác động trở lại thu
nhập, chi tiêu, kiến thức và sở thích của hộ gia đình.



10

Lê Bạch Dương và các đồng tác giả trong “Bảo trợ xã hội cho những nhóm
thiệt thòi ở Việt Nam” [25, tr.94-95] khẳng định trình độ giáo dục, cụ thể là lớp học
và cấp học là biến số quan trọng lý giải tình trạng nghèo và khả năng rủi ro của hộ
gia đình. Thu nhập của các hộ có trình độ trung học hoặc cao hơn của bất kỳ thành
viên nào sẽ cao hơn 30-70% thu nhập của các hộ có trình độ học vấn tiểu học hoặc
thấp hơn. Việc tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao trình độ ở các xã nghiên cứu
cũng làm cho thu nhập của các hộ tăng lên 14%. Xác suất rủi ro kinh tế của những
hộ có trình độ học vấn cao thấp hơn 26% so với hộ chỉ có học vấn tiểu học.
ADB và Bộ LĐTBXH/ILSSA trong nghiên cứu “Markets for the Poor” [21]
[23] sử dụng mô hình sinh kế trên cơ sở mô hình sinh kế của Andrew Dorward và
Nigel Poole (2003) trong nghiên cứu về các cơ hội thị trường đối với người nghèo,
nhận định: Mối quan hệ giữa vốn con người và mục tiêu tăng thu nhập, giảm nghèo
ở Việt Nam trong thời gian qua đã không được nhìn nhận và giải quyết một cách tốt
nhất. Vốn con người có thể là một trong những tài sản duy nhất và tốt nhất của
người nghèo. Nó có thể tăng trưởng và hỗ trợ để gia tăng các nguồn tài sản khác của
chính hộ nghèo. Mặc dù không đưa ra những kết luận có tính định lượng nhưng đây
có thể là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng mô hình sinh kế, tài sản sinh
kế để lý giải sự “chuyển đổi” các vốn sinh kế của người nghèo ở Việt Nam và định
hướng giảm nghèo thông qua nâng cao vốn con người cho người nghèo.
Action Aid và Oxfam trong báo cáo “Tác động của giá cả đến đời sống và
sinh kế của người nghèo” [32] cho thấy: Ngay trong một địa bàn tỷ lệ nghèo của
nhóm dân tộc thiểu số cũng cao hơn nhóm người Kinh do có sự khác nhau về vốn
con người, vốn xã hội, hiệu quả sử dụng vốn, khả năng sử dụng ngôn ngữ. Như vậy
vốn con người là yếu tố quan trong đối với tình trạng nghèo, nhưng bản thân vốn
con người không tác động một cách độc lập đến tình trạng nghèo đói mà còn có mối
quan hệ với nhiều yếu tố khác như vốn xã hội,…

Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy, mặc dù vai trò của
vốn con người có thể được xem xét theo 3 nhóm vấn đề lớn - vốn con người với
tăng trưởng, vốn con người với thu nhập và vốn con người với nghèo và giảm
nghèo. Trong đó vai trò của vốn con người với giảm nghèo là một nội dung chưa
được nhiều nghiên cứu đề cập, giải quyết một cách độc lập mà thường được đề cập
kết hợp trong các nghiên cứu về thu nhập hay tăng trưởng.


11

Các nghiên cứu đã cho thấy: Vốn con người là khái niệm mở. Vai trò của
vốn con người đối với thu nhập, tăng trưởng và giảm nghèo được xem xét chủ yếu
thông qua tác động chủ yếu của trình độ giáo dục, đào tạo, kiến thức, kinh nghiệm
thu nhập và tăng trưởng ở cả cấp quốc gia cũng như cá nhân. Tăng cường giáo dục
và đào tạo là những phương thức quan trọng và cơ bản để nâng cao vốn con người.
Tuy nhiên không phải khi nào tăng cường giáo dục và đào tạo cũng tác động tức
thời hay mạnh mẽ đến tăng trưởng, cải thiện thu nhập hay giảm nghèo vì ngoài giáo
dục, đào tạo còn có các yếu tố có tính tiết chế khác như: vùng, vốn xã hội, đặc điểm
hộ hay cá nhân... Tính đến năm 2010, chưa có những nghiên cứu riêng về tác động
của vốn con người đối với giảm nghèo bền vững ở Việt Nam. Mặt khác, một số
phát hiện về tác động của trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với thu nhập, giảm
nghèo còn một vài điểm chưa thống nhất, chưa rõ nét cần phải nghiên sâu cứu thêm.

5. Đóng góp của Luận án
Những đóng góp mới về lý luận và phương pháp
1) Kết hợp các lý thuyết về vốn con người với khái niệm vốn con người là tài
sản sinh kế trong quá trình nghiên cứu lý luận về vốn con người; khẳng định vốn
con người có vai trò quyết định đối với các tài sản sinh kế khác;
2) Phát triển khái niệm giảm nghèo bền vững trên cơ sở khái niệm nghèo,
giảm nghèo và “bền vững“ được xem là một tiêu chuẩn; giảm nghèo bền vững được

khái niệm là tình trạng dân cư đạt được mức độ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản hay
mức thu nhập cao hơn chuẩn (nghèo) và duy trì được mức độ thỏa mãn những nhu
cầu cơ bản hay mức thu nhập trên mức chuẩn đó ngay cả khi gặp phải các cú sốc
hay rủi ro. Giảm nghèo bền vững là một kết quả sinh kế; có thể được phản ánh
thông qua thu nhập, hay mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, hay thoát nghèo và
không tái nghèo;
3) Phát triển lý thuyết về vai trò của vốn con người trong giảm nghèo bền
vững ở Việt Nam trên cơ sở lý thuyết sinh kế. Vốn con người có vai trò quyết định
chiến lược sinh kế, các hoạt động sinh kế, điều phối các tài sản sinh kế khác trong
các hoạt động sinh kế, điều chỉnh để thích ứng với tác động từ bên ngoài nhằm tạo
ra và duy trì các kết quả sinh kế;
4) Ứng dụng mô hình Mincer trong phân tích mối quan hệ giữa trình độ
CMKT với thu nhập của lao động trong khu vực tự làm nông nghiệp và tự làm phi
nông nghiệp;


12

5) Xây dựng và ứng dụng mô hình đánh giá tác động của trình độ giáo dục
đến khả năng thoát nghèo trên cơ sở mô hình Probit;
Một số phát hiện mới
6) Bằng cấp CMKT không tác động tích cực đối với thu nhập của lao động
tự làm nông nghiệp, lĩnh vực việc làm chủ yếu của người nghèo; tình trạng bằng cấp
CMKT tăng nhưng thu nhập của lao động tự làm nông nghiệp không cải thiện diễn
ra trong nhiều năm. Điều này khẳng định không phải khi nào nâng cao bằng cấp
CMKT cũng có thể cải thiện được thu nhập, thoát nghèo;
7) Trình độ giáo dục tác động tích cực đến khả năng thoát nghèo của hộ,
nhưng mức độ tác động của nó trong khu vực sản xuất nông nghiệp là thấp nhất;
điều này cho thấy đầu tư nâng cao trình độ giáo dục để giảm nghèo trong khu vực
sản xuất nông nghiệp hiệu quả sẽ không cao.

8) So với trình độ giáo dục chính quy, trình độ hiểu biết và kỹ năng cụ thể
tích lũy từ cuộc sống và làm việc như cách làm ăn, chi tiêu, ứng phó rủi ro có tác
động mạnh mẽ hơn đến khả năng thoát nghèo của người nghèo ở nông thôn;
9) Vốn con người chỉ phát huy tốt vai trò trong điều kiện phù hợp với các tài
sản sinh kế khác và trong môi trường thuận lợi;
Những đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu
10) Vốn con người sẽ phát huy mạnh mẽ hơn vai trò trong giảm nghèo bền
vững khi thay đổi cách tiếp cận nghèo từ thu nhập sang đa chiều; nâng cao được
vốn con người của người nghèo và tạo lập được các điều kiện, môi trường thuận lợi;
11) Nâng cao vốn con người cho người nghèo phải là trách nhiệm trước hết
của chính người nghèo; phải chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng cụ thể; và đảm
bảo sự phù hợp giữa vốn con người với điều kiện thực tiễn đời sống và sản xuất của
người nghèo.


13

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ VÀ VAI TRÒ CỦA
VỐN CON NGƯỜI TRONG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
1.1. Vốn con người
1.1.1. Khái niệm vốn con người
“Vốn con người” (tiếng Anh là Human capital) còn được gọi hay dịch trong
nhiều tài liệu là vốn nhân lực [39, tr.13-14] hay là tư bản con người [40]; thực tế có
nhiều khái niệm về vốn con người: Theo K.Marx [17, tr.41 và tr.156], sức lao động
với toàn bộ năng lực thể lực, trí lực (capacity to work), ở khía cạnh nào đó cũng có
thể được hiểu là vốn con người; theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)1,
vốn con người là kiến thức, kỹ năng, năng lực và những thuộc tính tiềm tàng trong
mỗi cá nhân; theo Becker [64] vốn con người là sự kết hợp không thể tách rời kiến
thức, kỹ năng, sức khoẻ của một cá thể, là một của cải tư, mang đến lợi tức cho
người có cái vốn đó; theo Indu, Erik, Thắng và Hữu [24] là toàn bộ hiểu biết của

con người về phương thức tiến hành các hoạt động sản xuất, là tiềm năng và khả
năng phát huy tiềm năng về sức khỏe và kiến thức của các cá nhân; theo D. Guellec
và P. Ralle2, vốn con người cũng được định nghĩa là kho tri thức có thể tính thành
giá trị về kinh tế mà một người có thể tích lũy; theo Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân
lực của trường Đại học Kinh tế quốc dân [38, tr.102] [39, tr.7] “vốn con người là
tập hợp các kiến thức, khả năng, kỹ năng mà con người tích lũy được”, vốn con
người chính là giá trị của sức lao động; theo Mc.Connell, Brue và Macpherson3, vốn
con người là sự tích luỹ đầu tư trước đó vào giáo dục, đào tạo, sức khoẻ và những
nhân tố khác để làm tăng năng suất lao động; theo Trần Thọ Đạt và Đỗ Tuyết
Nhung [37, tr.17], vốn con người là kết quả của quá trình đầu tư vào các hoạt động
nhằm nâng cao năng suất lao động cá nhân như giáo dục, y tế, đào tạo tại chỗ.
Được gọi là “vốn” vì khi con người được nhìn nhận là một yếu tố đầu vào
sản xuất và đầu tư vào con người được chứng minh là mang lại hiệu quả kinh tế, xã
hội cao hơn so với đầu tư khác. “Vốn con người” là vô hình nhưng cũng giống như
vốn hữu hình là chúng tăng trưởng nhờ đầu tư và bị hao mòn do lạc hậu so với sự
tiến bộ khoa học kỹ thuật.
1

Trích theo Trần Lê Hữu Nghĩa, Đôi điều về lý thuyết vốn con người trong mối quan hệ với giáo dục và vốn
xã hội; Bản tin NCKH, ĐHQG Hà Nội, số 213, 2008
2
D. Guellec và P. Ralle, Les nouvelles théories de la croissance, La Découverte, coll. Repères, 1995, tr. 52,
trích dẫn bởi Christian Laval, L’Ecole n’est pas une entreprise, La Découverte, 2003, tr. 44.
3
Trích theo Mc.Connell, Brue, Macpherson – Comtenporary Labor Economics (sixth edition), Mc.Graw –
Hill 2003, p.603.


14


Vốn con người có mối quan hệ biện chứng với nguồn nhân lực. Nguồn nhân
lực là nguồn lực con người [38, tr.45], được hiểu là tổng thể nguồn lực của từng cá
nhân con người [39, tr.12] và là tập hợp kiến thức, khả năng, kỹ năng mà con người
tích luỹ được [39, tr.14] qua đó, càng khẳng định vốn nhân lực là một các gọi khác
của vốn con người. Do vậy, về nội hàm chất lượng, cơ bản là không có sự khác biệt
giữa nguồn nhân lực, nguồn lực con người, vốn nhân lực hay vốn con người.
Vốn con người có 3 nguồn gốc hình thành [6], thứ nhất là năng lực ban đầu –
gắn liền với yếu tố năng khiếu, bẩm sinh; thứ hai là tích luỹ từ quá trình giáo dục,
đào tạo chính quy; và thứ ba là tích luỹ từ quá trình sống và làm việc. Ngoài yếu tố
bẩm sinh, vốn con người cơ bản được xem là kết quả của quá trình đầu tư, tích lũy
thể hiện qua bằng cấp, chứng chỉ về trình độ; cũng có thể được xem là chi phí hay
đầu tư như chi phí thời gian, kinh phí cho giáo dục,...
Luận án sử dụng khái niệm vốn con người trong Giáo trình Kinh tế Nguồn
nhân lực của Trường Đại học Kinh tế quốc dân “là tập hợp các kiến thức, khả
năng, kỹ năng mà con người tích lũy được” [38, tr.102] [39, tr.7] làm khái niệm
cơ sở của nghiên cứu.

VỐN CON NGƯỜI

Kiến thức
Cách thức vận

dụng kiến thức vào
thực tế

Hiểu biết, đo bằng
trình độ

Kỹ năng
Khả năng


Hình 1.1: Các yếu tố cấu thành vốn con người
Ngu˪n: NCS xây d ng trên cɳ s khái ni˞m v˨n con ngɵ i

Điều kiện chủ quan
hoặc tự nhiên để
thực hiện


15

Kiến thức
“Kiến thức” được định nghĩa là những hiểu biết do tìm hiểu, học tập. Kiến
thức còn được dùng đồng nghĩa với tri thức – với nghĩa là những hiểu biết có hệ
thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội [47].
Kiến thức là một khái niệm chung, có phạm vi rất rộng, có thể phân loại
thành các nhóm: kiến thức phổ thông, kiến thức nghề nghiệp, kiến thức tự nhiên,
kiến thức khoa học, kiến thức xã hội, kiến thức chung, kiến thức cụ thể…
Kỹ năng
“Kỹ năng“ là cách thức, năng lực vận dụng những tri thức/kiến thức một lĩnh
vực nào đó vào thực tế. Thực chất là sự thực hiện được, làm được một hành động,
hoạt động, việc làm nào đó ở mức độ chủ động, độc lập [47].
Kỹ năng được hình thành trên cơ sở kiến thức và qua quá trình luyện tập.
Căn cứ vào các yếu tố hợp thành kỹ năng và tính chất phức tạp của hoạt động để
phân loại thành: kỹ năng đơn giản và kỹ năng phức tạp; cũng có thể căn cứ vào
dạng hoạt động để phân loại kỹ năng: kỹ năng đọc và kỹ năng viết; kỹ năng nói; kỹ
năng phân tích, kỹ năng tổng hợp; cũng có thể căn cứ vào tính phổ biến của kỹ năng
trong hoạt động để phân loại thành: kỹ năng chung và kỹ năng riêng/kỹ năng cụ
thể... như vậy có rất nhiều loại kỹ năng.
Khả năng

“Khả năng“ hay “năng lực” được hiểu là điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn
có để thực hiện một hoạt động nào đó [47]. Khả năng hay năng lực luôn gắn với hoạt
động cụ thể và có thể được hiểu là gồm cả yếu tố thể lực, tâm lý trong hoạt động.
Như vậy về nội hàm, khái niệm vốn con người sử dụng trong luận án này có
sự thống nhất cao với quan điểm của học giả lớn như Becker, Mc.Connell, Brue và
Macpherson và các tổ chức như OECD,…

1.1.2. Các đặc trưng cơ bản của vốn con người
Vốn con người được hiểu là tập hợp các kiến thức, khả năng, kỹ năng mà
con người tích lũy được, vì vậy vốn con người có một số đặc trưng cơ bản:


16

Thứ nhất, vốn con người bao hàm nhiều yếu tố khó có tách biệt bao gồm
kiến thức, kỹ năng, khả năng (sức khoẻ, tâm lý...). Vốn con người trước hết thuộc
về mỗi cá nhân con người; có yếu tố mang tính bẩm sinh (năng khiếu, di truyền,…)
có yếu tố hình thành, biến đổi trong quá trình học tập, rèn luyện (chính quy và
không chính quy) hay hình thành và phát triển trong quá trình sinh trưởng, hoạt
động của con người…
Thứ hai, mặc dù vốn con người thuộc về cá nhân con người, nhưng không
phải lúc nào cá nhân con người cũng có thể kiểm soát được quá trình tích lũy và các
cách thức để tích lũy và sử dụng nó [37, tr.17-18]. Trong những năm đầu cuộc đời,
các quyết định liên quan đến vốn con người không do chủ nhân của nó mà do cha
mẹ, thầy cô giáo, chính phủ và xã hội quyết định thông qua các thể chế giáo dục và
xã hội. Đến khi con người trưởng thành, có thể tự chủ và độc lập trong cuộc sống,
thì họ có quyền quyết định quá trình đầu tư vào vốn con người của mình, những ảnh
hưởng từ xã hội và các khuôn khổ thể chế được thực thi tại nơi họ sinh sống sẽ tiếp
tục tác động đến quá trình hình thành vốn con người của mỗi cá nhân.
Thứ ba, vốn con người có cả mặt lượng và mặt chất. Mặc dù chúng ta dễ

dàng định lượng được số năm đi học của mỗi cá nhân, nhưng đầu tư vào vốn con
người lại không đồng nhất về chất. Ví dụ, những người có bằng đại học Harvard có
thể có mức vốn con người cao hơn những người tốt nghiệp ở các trường đại học ít
tên tuổi hơn.
Thứ tư, vốn con người vừa có tính cá nhân, vừa có tính cộng đồng. Kiến thức
có thể mang tính cộng đồng nếu con người sử dụng chúng trong nhiều hoạt động và
nếu chúng được truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng mà không
làm giảm nhiều giá trị. Ngược lại, vốn con người mang tính cá biệt nếu người ta chỉ
sử dụng nó trong một số ít hoạt động, ví dụ như người lao động không thể đem kinh
nghiệm, kỹ năng học hỏi được từ doanh nghiệp này sang ứng dụng tại một doanh
nghiệp khác do đặc thù chuyên môn mỗi nơi khác nhau, do đó vốn con người mà
anh ta tích lũy được trở nên mất giá trị.
Thứ năm, vốn con người chứa đựng những hiệu ứng ngoại sinh. Khi nói đến
hiệu ứng lan tỏa (một loại hiệu ứng ngoại sinh) của vốn con người, có thể hiểu theo
hai nghĩa. Một là, cá nhân này có thể tác động tới năng suất lao động của một cá
nhân khác và tác động tới hiệu quả của vốn vật chất. Hai là, với khả năng nhất định,
mỗi cá nhân có thể làm việc năng suất hơn trong một môi trường có mức vốn con
người cao. Đặc trưng này của vốn con người giải thích cho nguyên nhân hình thành


17

cũng như vai trò quyết định của những trung tâm tập trung vốn con người cao, như
các trường đại học, các thành phố, trung tâm nghiên cứu hay tổ hợp các hãng công
nghệ cao. Những “trung tâm” này có tác động rất mạnh mẽ đối với sự phát triển và
tiến bộ của kiến thức, công nghệ và tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, vốn con người mang tính “bản địa”. Vì vốn con người là kiến thức,
kỹ năng, khả năng nên nó được hình thành và phát triển trong những điều kiện địa
lý, kinh tế, văn hóa, xã hội cụ thể. Vì vậy, vốn con người mang tính bản địa và cũng
vì thế mà vốn con người có thể phù hợp và phát huy được ở điều kiện này mà không

phù hợp hay không phát huy được ở môi trường khác.

1.1.3. Các yếu tố tác động đến vốn con người
Vốn con người là các yếu tố thuộc về cá nhân con người như kiến thức, kỹ
năng, khả năng. Vốn con người vừa có tính bẩm sinh vừa là kết quả của quá trình
tích lũy, đầu tư; vừa có tính cá nhân, vừa có tính cộng đồng nên vốn con người chịu
ảnh hưởng của nhiều yếu tố.
Khi xem xét vốn con người ở khía cạnh “kỹ năng”, các yếu tố ảnh hưởng
được đề cập đến là quá trình học tập, luyện tập, thực hành, đầu tư phát triển kỹ năng,
yếu tố bẩm sinh liên quan đến kỹ năng, môi trường thực hành kỹ năng.
Khi xem xét vốn con người ở khía cạnh “kiến thức” các yếu tố ảnh hưởng
được đề cập chủ yếu là quá trình tích lũy, thời gian đi học, môi trường giáo dục, hệ
thống giáo dục, khả năng tiếp cận giáo dục, chi phí hay đầu tư cho giáo dục của cá
nhân, gia đình, xã hội,…
Khi xem xét vốn con người ở khía cạnh khả năng (như sức khỏe) các yếu tố
ảnh hưởng thường được đề cập là di truyền, môi trường cư trú, hệ thống chăm sóc
sức khỏe, chế độ dinh dưỡng;...
Tổng quát lại, có thể phân chia theo một số nhóm yếu tố tác động cơ bản
như sau:
- Các yếu tố liên quan đến đặc điểm nhân khẩu học như di truyền, những yếu
tố này tác động rất mạnh mẽ đến khía cạnh sức khỏe thể chất. Ví dụ, sự khác biệt về
các số đo phản ánh sức khỏe thông qua các chỉ số cơ thể bình quân (như chiều cao,
sức bền cơ bắp) giữa nam và nữ, giữa người da đen và da trắng…


18

- Các yếu tố có tính văn hóa - xã hội cụ thể là các thiết chế văn hóa-xã hội,
quan hệ cộng đồng, tôn giáo tác động hình thành và duy trì các tập quán, thói quen,
giá trị đạo đức, tiêu chuẩn hành vi, trạng thái tâm lý tình cảm khác nhau ảnh hưởng

đến năng lực, kỹ năng của mỗi con người và của cả cộng đồng;
- Các yếu tố về vật chất, cơ sở hạ tầng như các công trình và phương tiện
giao thông, cơ sở và thiết bị y tế, giáo dục, hạ tầng và phương tiện thông tin, nhà ở
liên quan trực tiếp đến các điều kiện để các cá nhân tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo
dục đảm bảo sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng;
- Các yếu tố có tính môi trường tự nhiên như điều kiện địa lý, khu vực cư trú
liên quan trực tiếp đến môi trường khí hậu (hàn đới hay nhiệt đới, vùng núi cao hay
đồng bằng), môi trường sống (thành thị-nông thôn, cộng đồng làng xã hay tách
biệt,…) ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức tổ chức sản xuất, phương thức tổ chức
dân cư qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe, hình thành và phát triển các kỹ năng khác
nhau của con người;
- Các yếu tố kinh tế, chính trị, chính sách, thể chế là nhóm yếu tố ảnh hưởng
trực tiếp đến cách thức tổ chức nhà nước, tổ chức và quản lý xã hội, quy định các
tiêu chuẩn hành vi, định hướng phát triển vốn nhân lực/vốn con người, đảm bảo các
điều kiện đầu tư phát triển vốn con người thông qua các chiến lược, chính sách
khám chữa bệnh, phát triển giáo dục, đào tạo kỹ năng, thay đổi các thiết chế văn
hóa, kinh tế, xã hội khi cẩn thiết;
- Các yếu tố liên quan đến thời gian như thời điểm, độ dài của thời gian đầu
tư nâng cao vốn con người, tính phù hợp với xu hướng (hay cơ hội) của mỗi cá nhân
trong việc nâng cao vốn con người. Vốn con người được tích luỹ thông qua quá
trình đầu tư theo thời gian, tuy nhiên lượng vốn này cao hay thấp còn phụ thuộc cả
vào thời điểm đầu tư vào giáo dục của mỗi người. Nếu ai đó đi học đúng tuổi và
nhận được giáo dục, đào tạo nghề nghiệp khi còn trẻ thì chính là đầu tư đúng thời
điểm và việc tích luỹ vốn sẽ tốt hơn;
- Các yếu tố liên quan gia đình hay cá nhân như điều kiện tài chính, cơ hội
đầu tư, môi trường hình thành và phát triển của mỗi cá nhân, khả năng tiếp thu của
mỗi cá nhân, thực tế cho thấy người (cha mẹ) có trình độ học vấn cao đầu tư nhiều
hơn cho việc giáo dục con cái, gia đình khá giả đầu tư cho giáo dục, đào tạo nhiều
hơn gia đình nghèo;



19

- Các yếu tố liên quan đến giáo dục – đào tạo: Giáo dục, đào tạo có vai trò
đặc biệt quan trọng đối với phát triển vốn con người. Giáo dục – đào tạo cung cấp
cho con người kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ, hoàn thiện phẩm chất một
cách toàn diện cho con người trong toàn bộ quá trình sinh sống, làm việc. Mặc dù
vốn con người là tổng hòa các yếu tố thuộc về cá nhân con người như kiến thức, kỹ
năng, khả năng (sức khỏe, tâm lý,…). Nhưng thực tế những yếu tố này đều có thể
hình thành, phát triển, bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp thông qua quá trình giáo
dục - đào tạo. Ví dụ giáo dục kiến thức phổ thông, giáo dục kiến thức và kỹ năng
nghề nghiệp, giáo dục dinh dưỡng, giáo dục sức khỏe, giáo dục tâm sinh lý… Chính
vì lẽ đó, giáo dục – đào tạo được xác định là con đường quyết định tạo nên vốn
nhân lực hay vốn con người [39, tr.102].

1.1.4. Các tiêu chí phản ánh và đo lường vốn con người
Vốn con người bao gồm nhiều yếu tố và có thể tiếp cận thông qua nhiều khía
cạnh. Các học giả đã xem xét vốn con người thông qua nhiều tiêu chí khác nhau.
Adam Smith4 xem xét vốn con người thông qua chỉ tiêu đầu tư giáo dục và đào tạo;
T.W. Schultz [76] xem xét thông qua “đầu tư nói chung” vào vốn con người;
Becker [64] xem xét thông qua chi phí giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế, kiến thức,
sức khoẻ, khoảng cách giới, kiến thức và “kỹ năng hữu ích”; Mincer [69] xem xét
thông qua số năm đi học, số năm sau khi thôi học (hay kinh nghiệm); theo Tổ chức
hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) [73] vốn con người được phản ánh thông qua
khả năng giao tiếp, khả năng số học, kỹ năng logic; khả năng tự thấu hiểu, khả năng
tự học, tự điều tiết bản thân, khả năng đánh giá sự việc, khả năng thấu hiểu người
khác, khả năng làm việc theo nhóm, khả năng lãnh đạo; theo Trần Xuân Cầu [39,
tr.64], vốn con người được xem xét thông qua kiến thức tiềm ẩn, khả năng giải
quyết vấn đề, khả năng làm việc chân tay, thao tác tốt đối với các thiết bị công nghệ
thông tin, hay thông qua sức khoẻ: thể lực và trí lực, trình độ học vấn, trình độ

chuyên môn, trình độ lành nghề và các năng lực, phẩm chất cá nhân như: ý thức kỷ
luật, tính hợp tác, trách nhiệm, sự chuyên tâm....; theo Barro và Lee (1993) vốn con
người được phản án thông qua chỉ tiêu tuổi thọ, tỷ lệ người lớn biết chữ, tỷ lệ nhập
học ở các cấp, tỷ lệ học sinh – giáo viên, tỷ trọng chi tiêu cho giáo dục trong GDP,
số năm đi học bình quân của lực lượng lao động;…

4

Adam Smith (1976), The wealth of the nations


20

Trong luận án này, vốn con người được xem xét ở cấp cá nhân, thông qua
trình độ giáo dục phổ thông, chuyên môn và một số kiến thức, kỹ năng khác. Cụ thể
là tập trung vào trình độ giáo dục phổ thông, trình độ CMKT, trình độ hiểu biết và
kỹ năng cần thiết đối với người nghèo ở nông thôn như kiến thức và kỹ năng sản
xuất nông nghiệp, chi tiêu, ứng phó rủi ro thiên tai.
Trình độ học vấn của một người được hiểu thống nhất với khái niệm của Tổ
chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) là lớp học cao
nhất đã hoàn tất trong hệ thống giáo dục quốc dân mà người đó đã theo học5. Hệ
thống giáo dục quốc dân của Việt Nam bao gồm: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ
thông; Giáo dục nghề nghiệp; Giáo dục đại học và sau đại học [26].
Giáo dục phổ thông được phân thành cấp học và lớp học như sau: tiểu học,
từ lớp 1 đến lớp 5; trung học cơ sở, từ lớp 6-lớp 9; trung học phổ thông từ lớp 10lớp 12 [26].
Giáo dục nghề nghiệp bao gồm: (i) Trung cấp chuyên nghiệp được thực
hiện từ 3-4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, từ 1-2 năm
học đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; và (ii) Dạy nghề được
thực hiện dưới 1 năm đối với đào tạo nghề trình độ sơ cấp, từ 1-3 năm đối với đào
tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng [26].

Giáo dục đại học bao gồm 4 nhóm trình độ: (i) Đào tạo trình độ cao đẳng
được thực hiện từ 2-3 năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng
tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ 1,5-2 năm học
đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; (ii) Đào tạo trình độ
đại học được thực hiện 4-6 năm học tùy theo ngành nghề đào tạo đối với người có
bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp; từ 2,5-4 năm
học đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng chuyên ngành; từ 1,5-2 năm
học đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng cùng chuyên ngành; (iii) Đào tạo
trình độ thạc sĩ được thực hiện từ 1-2 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại
học; và (iv) Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện trong 4 năm học đối với người
có bằng tốt nghiệp đại học, từ 2-3 năm học đối với người có bằng thạc sĩ [26].

5 TCTK, Kho dữ liệu lao động việc làm: Khái niệm, định nghĩa, cách tính . Việt
Nam/khodulieuldvl/MetaData.aspx?Mct=15&NameBar=SI%C3%8AU%20D%E1%BB%AE%20LI%E1%BB%86U%20%3E%20Kh%C3%A1i%20ni%E1%BB%87m,
%20%C4%91%E1%BB%8Bnh%20ngh%C4%A9a,%20c%C3%A1ch%20t%C3%ADnh


21

1.2. Nghèo, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững
1.2.1. Khái niệm nghèo, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững
1.2.1.1. Nghèo
Có nhiều quan niệm, khái niệm về nghèo - theo Waltts (1968), nghèo được
hiểu là thiếu khả năng thỏa mãn đối với các loại hàng hóa thông thường; theo Sen
(1987), nghèo là thiếu khả năng hoạt động và kém phát triển, nghèo đói là vấn đề đa
chiều; theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu á và Thái bình dương (ESCAP)6,
nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thoả mãn những nhu cầu
cơ bản của con người mà những nhu cầu ấy phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh
tế xã hội, phong tục tập quán của từng vùng và những phong tục ấy được xã hội
thừa nhận; theo Ngân hàng phát triển châu á (ADB, 1999), nghèo là tình trạng thiếu

những tài sản cơ bản và cơ hội mà mỗi người có quyền được hưởng; theo Ngân
hàng thế giới (WB, 2000), nghèo là mất đi tình trạng no ấm; theo Abapia Sen,
nghèo là một mức thu nhập thấp, là sự thiếu cơ hội lựa chọn tham gia vào quá
trình phát triển của cộng đồng; theo Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực [39,
tr.457-458] [38] nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư chỉ có thể thoả mãn một
phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống và mức sống thấp hơn mức sống
trung bình của cộng đồng.
Trong nhiều tài liệu, cụm từ “nghèo khổ“ hay “nghèo đói” cũng hay được sử
dụng với nghĩa là nghèo. Mặc dù “đói“ là tình trạng không đủ nhu cầu về lương
thực và thực phẩm hay còn gọi là "thiếu đói"7 hay là tình trạng một bộ phận dân cư
có mức sống tối thiểu và thu nhập không đủ đảm bảo nhu cầu vật chất để duy trì
cuộc sống; hay là tình trạng một người được cung cấp mức tiêu dùng năng lượng
thấp hơn mức tối thiểu [39, tr.457].
Nghèo có thể được xem xét với nghĩa là nghèo tuyệt đối hay tương đối.
Nghèo tuyệt đối là tình trạng một bộ phận dân cư không có khả năng thỏa mãn những
nhu cầu cơ bản rất tối thiểu để duy trì cuộc sống như ăn, mặc, ở, nước sạch, vệ sinh
môi trường và chăm sóc y tế, giáo dục, đi lại [39, tr.457]. Nghèo tương đối, hay
nghèo so sánh là sự nghèo khổ thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ phân phối của
cải xã hội giữa các nhóm xã hội, các tầng lớp dân cư và vùng địa lý [39, tr.457].
6

Báo cáo hội nghị nghèo khổ ESCAP năm 1993, trích theo Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực, Đại học
KTQD, Nxb ĐHKTQD, 2008, Hà Nội
7
Chính phủ, Nghị định số 67/2008/NĐ-CP


22

Nghèo cũng có thể xem xét đơn chiều, như thu nhập, chi tiêu hay đa chiều.

Nghèo đa chiều là nghèo được xem xét đồng thời thông qua nhiều khía cạnh không
chỉ là thu nhập bao gồm các khía cạnh liên quan đến dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo
dục, khả năng dễ bị tổn thương, không có quyền phát ngôn và không có quyền lực
(WB, 2000); khả năng để đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ các phúc lợi, về mức độ an
ninh kinh tế, xã hội và con người, quyền dân sự và chính trị [58, tr.4]; sức khoẻ,
giáo dục và thu nhập ở cấp hộ gia đình [41]; giáo dục, dinh dưỡng, y tế, nhà ở, nước
và vệ sinh, lao động trẻ em, giải trí, tham gia và bảo trợ xã hội [44].
Luận án sử dụng khái niệm nghèo trong Giáo trình Kinh tế Nguồn nhân lực
của Trường Đại học Kinh tế quốc dân - “là tình trạng một bộ phận dân cư chỉ có thể
thoả mãn một phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống và mức sống thấp hơn
mức sống trung bình của cộng đồng xét trên mọi phương diện” [39, tr.457] làm khái
niệm cơ sở của luận án. Tuy nhiên, khái niệm này đồng thời vừa phản ảnh nghèo
tuyết đối: “chỉ có thể thoả mãn một phần nhu cầu tối thiểu cơ bản của cuộc sống”,
vừa phản ánh nghèo tương đối: “mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng
đồng”. Do vậy, luận án chỉ tập trung vào khía cạnh tuyệt đối của nghèo đói là “chỉ
có thể thoả mãn một phần cơ bản của cuộc sống” để vừa đảm bảo được nội hàm
“nhu cầu tối thiểu cơ bản”, vừa thống nhất với khái niệm nghèo của ESCAP mà
khái niệm này của ESCAP đã được sử dụng làm cơ sở tiếp cận và xây dựng chuẩn
nghèo ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặt khác, “nhu cầu tối thiểu” thực chất là
những nhu cầu cơ bản nhất, không thể thiếu, ví dụ như ăn, mặc, ở. Do vậy, luận án
điều chỉnh khái niệm nghèo (theo nghĩa tuyệt đối) cụ thể như sau:
Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư chỉ có thể thoả mãn một phần
nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Để đo lường nghèo hay xác định được người nghèo, về lý thuyết, phải đo
lường được tất cả các khía cạnh thiếu hụt hay sự không thỏa mãn tất cả các nhu cầu
cơ bản. Ví dụ, thiếu hụt về nhu cầu ăn (dinh dưỡng, lương thực, thực phẩm,…), nhu
cầu về mặc (đẹp, ấm,…), nhu cầu về ở (diện tích, chất lượng nhà ở),..
Trên thực tế, do có sự tương quan khá chặt chẽ giữa mức thu nhập với mức
độ tiêu dùng hay thỏa mãn những nhu cầu của con người; với xu hướng chung là
mức thu nhập càng cao thì mức tiêu dùng càng cao và mức tiêu dùng này được hiểu

là mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản càng cao; Chính vì vậy, chuẩn nghèo (tuyệt
đối) thường được xác định trên cơ sở một mức thu nhập hay chi tiêu, mà với mức
thu nhập hay chi tiêu đó có thể đảm bảo thoả mãn được những nhu cầu cơ bản phù


23

hợp trình độ phát triển kinh tế xã hội. Đây là cách xác định chuẩn nghèo phổ biến ở
các nước trên thế giới trong những năm gần đây. Năm 1995, Hội nghị thượng đỉnh
thế giới về phát triển xã hội tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch đã đưa ra một định
nghĩa rất cụ thể về người nghèo theo nghĩa tuyệt đối: "người nghèo là tất cả những
ai mà thu nhập thấp hơn dưới 1 đô la (USD PPP) mỗi ngày cho mỗi người, số tiền
được coi như đủ để mua những sản phẩm thiết yếu để tồn tại"8. Chuẩn nghèo còn có
thể được gọi là “đường nghèo”, “ngưỡng nghèo”, “tiêu chuẩn nghèo”.
Tất cả các chuẩn nghèo ở Việt Nam là chuẩn nghèo tuyệt đối. Chuẩn nghèo
được ban hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chuẩn nghèo quốc gia là chuẩn nghèo do Chính phủ ban hành, quy định và
áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Chuẩn nghèo này được dùng để xác
định đối tượng nghèo để thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo của
Chính phủ.
Bảng 1.1: Chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2000-2015
Giai đoạn
Chuẩn nghèo/đói và khu vực áp dụng
2001 – 2005

2006 – 2010

2011-2015








Nông thôn miền núi, hải đảo: 80.000 đồng/người/tháng.
Nông thôn đồng bằng: 100.000 đồng/người/tháng.
Thành thị: 150.000 đồng/người/tháng.
Thành thị: 260.000 đồng/người/tháng.
Nông thôn (cho cả miền núi và đồng bằng): 200.000
đồng/người/tháng
– Thành thị: 500.000 đồng/người/tháng.
– Nông thôn: 400.000 đồng/người/tháng

Nguồn: Quyết định 1143/2000/QĐ-LĐTBXH, Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg, Chỉ thị số
1752/CT-TTg; Quyːt đˢnh s˨ 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 ban hành chuʷn h nghèo, h cʻn
nghèo áp d ng trong giai đoʭn 2011-2015

Chuẩn nghèo lương thực thực phẩm của TCTK được xác định bằng mức
chi tiêu bình quân đầu người 1 năm tính theo thời giá đủ chi một lượng lương thực
thực phẩm (LTTP) thiết yếu bảo đảm khẩu phần ăn duy trì tối thiểu lượng calo tiêu
dùng một người trong một ngày là 2100 Kcal. Chuẩn nghèo này được dùng chủ yếu
trong khảo sát mức sống dân cư Việt Nam.

8

Hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội ở Copenhagen - Đan Mạch năm 1995


24


Chuẩn nghèo chung của TCTK được xác định bằng mức chi tiêu bình quân
đầu người 1 năm tính theo thời giá đủ chi một lượng LTTP thiết yếu bảo đảm khẩu
phần ăn duy trì tối thiểu lượng calo tiêu dùng một người trong một ngày là 2100
Kcal cộng thêm một lượng tiêu dùng tối thiểu chi các mặt hàng phi LTTP như nhà ở,
đồ dùng gia đình, học tập, y tế, văn hóa, giải trí, đi lại, thông tin liên lạc,.. Chuẩn
nghèo này được dùng chủ yếu trong khảo sát mức sống dân cư Việt Nam.
Bảng 1.2: Chuẩn nghèo của Tổng cục Thống kê
Đơn vị tính: 1000 đồng/người/năm
Chuẩn nghèo
Năm 2002 Năm 2004 Năm 2006 Năm 2008
Chuẩn nghèo LTTP

1.382

1.500

1.915

2.607

Chuẩn nghèo chung

1.916

2.077

2.560

3.358


Ngu˪n: B KHĐT, TCTK, Báo cáo MDG 2010

Như vậy, ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác, người nghèo, hộ nghèo
trên thực tế được xác định là cá nhân, hộ gia đình có mức thu nhập (bình quân đầu
người) thấp hơn hoặc bằng chuẩn nghèo.

1.2.1.2. Giảm nghèo và giảm nghèo bền vững
1) Giảm nghèo
Thực tế không có nhiều tài liệu thảo luận về khái niệm “giảm nghèo” - có thể là do
mục đích của “giảm nghèo” đã rất rõ ràng là giảm tình trạng nghèo trên cơ sở khái
niệm và các tiêu chuẩn về nghèo đói. Trong một số tài liệu, giảm nghèo được giải
thích là làm giảm tỷ lệ hộ nghèo [49] hay là làm giảm số hộ nghèo trên một địa bàn
[48], là giảm mức độ nghèo của một cộng đồng9, làm giảm khoảng cách nghèo [18]
cũng có thể được hiểu là làm tăng thu nhập bằng các biện pháp hỗ trợ hộ gia đình
đạt được mức thu nhập bình quân cao hơn chuẩn nghèo [50]. Theo Bộ LĐTBXH [4],
các chương trình giảm nghèo được hiểu là tập hợp các chính sách, biện pháp và dự án
nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận của người nghèo đến dịch vụ xã hội, như vậy giảm
nghèo lại có nghĩa là tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội; hay giảm nghèo được hiểu
là kết quả từ những nỗ lực của nhà nước, cộng đồng và người dân làm cho người dân
đạt được mức sống (mức thu nhập) vượt trên mức sống tối thiểu [8].

9

Viện nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (2008), Xác đˢnh nh ng nhân t˨
hˮ tr và cʱn tr h nghèo tiːp cʻn các ngu˪n sinh kː đ˔ giʱm nghèo b˒n v ng, Báo cáo nghiên cứu, Hà Nội


25


Trên cơ sở khái niệm nghèo, khái ni˞m giʱm nghèo đɵ c xác đˢnh trong
luʻn án này là giʱm tình trạng dân cư chỉ có thể thoả mãn một phần nhu cầu cơ
bản của cuộc sống. Ở cấp độ cộng đồng, giảm nghèo này được hiểu là giảm số
lượng hay tỷ lệ người hay hộ không thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Ở cấp hộ gia
đình, giảm nghèo được hiểu là nâng cao mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của
hộ gia đình; hay còn gọi là thu hẹp khoảng cách nghèo [18].
Trên thực tế, chuẩn nghèo được thể hiện bằng một mức thu nhập cụ thể. Do
vậy, giảm nghèo cũng có thể được hiểu là nâng cao thu nhập (để nâng cao mức độ
thỏa mãn các nhu cầu cơ bản).
Bản chất của giảm nghèo là cải thiện hay nâng cao mức độ thỏa mãn các nhu
cầu cơ bản. Nhưng mục tiêu của giảm nghèo là phải thoát nghèo (vượt chuẩn
nghèo). Do vây các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo nếu chỉ đặt mục tiêu là cải thiện
mức độ thỏa mãn các nhu cầu cơ bản là chưa đủ, mà cần phải xác định mục tiêu là
thoát nghèo, có nghĩa là thỏa mãn các nhu cầu cơ bản ở mức độ cao (so với chuẩn).
Ở cấp độ cộng đồng, giảm nghèo được xem trong một tổng thể, bao gồm
biến động tình trạng nghèo của nhiều hộ gia đình với các trạng thái khác nhau, như
tái nghèo, nghèo kinh niên, thoát nghèo, cận nghèo,... Một số trạng thái nghèo liên
quan này được khái niệm như sau:
Tái nghèo: Là tình trạng một hộ gia đình hay người đã thoát nghèo nhưng lại
rơi vào nghèo sau một thời gian nhất định, thường là dưới 3 năm [52]; hay những hộ
đã thoát nghèo trong quá trình phát triển nhưng sau do nhiều lý do khách quan hay
chủ quan lại rơi vào tình trạng nghèo [38, tr.416].
Nghèo mới: Là tình trạng hộ hay người được xác định là nghèo lần đầu
hoặc không phải là lần đầu nhưng đã có thời gian thoát nghèo trước đó từ 3 năm
trở lên [52].
Nghèo kinh niên: Là tình trạng người hay hộ được xác định là nghèo liên
tục trong nhiều năm, thường là từ 3 năm trở lên [52] - hay là hộ được xác định là
nghèo cả trong 3 kỳ điều tra VHLSS, hay là hộ có trong danh sách hộ nghèo liên
tiếp trong 4 năm (2007-2010)10


10

Oxfarm – ActionAid, Theo dõi nghèo đói theo phɵɳng pháp cùng tham gia tʭi m t s˨ c ng đ˪ng dân cɵ
nông thôn Vi˞t Nam, Báo cáo tổng hợp 5 năm, 5/2012, tr. 34


×