Tải bản đầy đủ (.pdf) (285 trang)

Tiểu luận hoàn thiện kế toán công cụ tài chính tại các doanh nghiệp phi tài chính ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.62 MB, 285 trang )

1

CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU KẾ TOÁN CÔNG CỤ TÀI
CHÍNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP PHI TÀI CHÍNH
TẠI VIỆT NAM
1.1 Sự cần thiết đề tài nghiên cứu
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế
giới biểu hiện qua dòng chảy mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật và hàng hóa. Có nhiều doanh
nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và lập Báo cáo tài chính cho tập đoàn theo
thông lệ quốc tế. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu và
thiết lập các hoạt động ở nước ngoài và do đó, họ sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn
và phải lập Báo cáo tài chính theo thông lệ quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu của người sử
dụng thông tin, kế toán phải liên tục đổi mới. Với vai trò là một công cụ quản lý, kế
toán cũng đang chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá
trình hội nhập. Đổi mới kế toán theo hướng hội nhập không chỉ đem đến cho doanh
nghiệp một công cụ quản lý hữu ích mà còn tạo khả năng cung cấp dịch vụ kế toán,
kiểm toán chất lượng cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trước yêu cầu của
quản lý doanh nghiệp, thực trạng nghề nghiệp đòi hỏi phải phát triển khoa học kế toán
tương thích với thực trạng hoạt động kinh doanh và yêu cầu quốc tế.
Hiện nay theo thông lệ quốc tế, kế toán công cụ tài chính phải tuân thủ theo
các chuẩn mực: IAS32 “Trình bày công cụ tài chính”; IAS 39 “Ghi nhận và đo
lường công cụ tài chính”; IFRS7 “Công bố thông tin về công cụ tài chính”
Về phía Việt Nam, hiện nay chưa có chuẩn mực riêng về kế toán công cụ tài
chính: Kế toán công cụ tài chính đã được quy định rải rác trong các chuẩn mực
VAS01, VAS10, VAS16... thực tế đó dẫn đến nhiều khó khăn cho việc quản lý, chuẩn
hóa thông tin cũng như việc thực hiện công tác kế toán trong các doanh nghiệp. Công
cụ tài chính chiếm một tỷ trọng khá lớn trong các khoản mục trên Bảng cân đối kế
toán: Đối với nhà đầu tư- công cụ tài chính nằm trong khoản mục tiền, phải thu, đầu
tư ; Đối với người phát hành- công cụ tài chính nằm trong khoản mục vay, trái phiếu



2

phát hành, phải trả, vốn cổ phần. Sự thay đổi giá trị của khoản mục này ảnh hưởng
lớn đến các chỉ tiêu về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với
thực trạng kế toán công cụ tài chính hiện nay dẫn đến số liệu trên Báo cáo tài chính
không đáp ứng được yêu cầu hữu ích và có thể so sánh được của thông tin kế toán.
Đặc biệt hiện nay trong nền kinh tế có nhiều nghiệp vụ về công cụ tài chính phái
sinh như: Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng tương lai, Hợp đồng hoán đổi, Hợp đồng quyền
chọn. Trong khi đó Chế độ Kế toán doanh nghiệp phi tài chính chưa đề cập đến đã gây
lúng túng, thiếu nhất quán trong việc phản ánh, báo cáo tình hình tài chính, ảnh hưởng
đến độ tin cậy và tính so sánh của các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính.
Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính đã có văn bản: Quyết định
29/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ban hành chế độ kế toán nghiệp vụ phái
sinh tiền tệ áp dụng cho các tổ chức tín dụng; Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN của
Thống đốc NHNN quy định chế độ Báo cáo tài chính về việc công bố thông tin về
công cụ tài chính phái sinh. Tuy nhiên các doanh nghiệp phi tài chính khi ký các hợp
đồng phái sinh với ngân hàng, tổ chức tài chính thì kế toán theo các cách khác nhau vì
chưa có văn bản hướng dẫn kế toán từ Bộ Tài chính. Do đó cần khảo sát thực trạng kế
toán công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính để giúp cho việc
xây dựng, ban hành chế độ, hướng dẫn khuôn mẫu kế toán cho doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn của doanh nghiệp, yêu cầu cung cấp thông tin hữu ích
của nhà đầu tư, từ thực tế hội nhập nghề kế toán, sau một thời gian nghiên cứu tác
giả lựa chọn đề tài “ Hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp
phi tài chính tại Việt Nam ” để làm luận án tiến sĩ của mình.

1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.2.1 Tình hình nghiên cứu kế toán công cụ tài chính trên thế giới
1.2.1.1. Về nhận diện công cụ tài chính
Có nhiều công trình nghiên cứu về bản chất, đặc điểm cũng như các quy định

kế toán của từng loại công cụ tài chính nhưng hiếm khi đưa ra định nghĩa chung :
Theo Lanny G. Chasteen, Richard E. Flaherty, Melvin C.O'Connor(1998):


3

Intermediate accounting, 6th ed, thì công cụ tài chính bao gồm: Tiền mặt, bằng
chứng về lợi ích của chủ sở hữu trong tổ chức, hợp đồng mà theo thỏa thuận một
bên có trách nhiệm chuyển giao tiền mặt hoặc công cụ tài chính khác [27, tr608].
Với P.T. Lopes, L.L. Rodrigues(2007), công cụ tài chính bao gồm cả quyền và nghĩa
vụ theo hợp đồng giúp trao đổi trực tiếp hay gián tiếp các công cụ thanh toán [53].
Theo H.S Houthakker và P.J Williamsen, người sở hữu công cụ tài chính có quyền
theo thỏa thuận đối với lãi và gốc khi nắm giữ trái phiếu, quyền đối với cổ tức có
thể được hoàn trả trong tương lai [45].
Như vậy hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất với các đặc điểm của công
cụ tài chính: là một hợp đồng giữa các bên; công cụ tài chính bao gồm cả quyền (tài
sản) hoặc nghĩa vụ (nợ phải trả) theo hợp đồng; theo hợp đồng này có thể trao đổi
trực tiếp hoặc gián tiếp các công cụ thanh toán.

1.2.1.2. Về đo lường công cụ tài chính
Các tác giả M.E Barth, W.H. Beaver, W. Landman trong bài viết “The Relevance
of the Value Relevance Literature for Financial Accounting Standard Setting:
Another View” trên báo Jounal of Accounting and Economics, năm 2001 đã chỉ rõ
cần phải có sự phù hợp trong việc kế toán công cụ tài chính đặc biệt phải sử dụng
kế toán theo giá trị hợp lý[18].
Tác giả Karen K. Nelson trong bài viết “ Fair Value Accounting for
Commercial Bank: An Empirical Analysis of SFAS No.107”, đăng trên The
Accounting Review (1996) đã chỉ rõ việc cần phải kế toán theo giá trị hợp lý và các
nguyên tắc trong việc kế toán theo giá trị hợp lý tại các ngân hàng thương mại, từ
đó làm cơ sở cho các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế [58].

Các nghiên cứu về cơ sở đo lường công cụ tài chính theo giá trị hợp lý của
tác giả Morris và Selon(1991)[57]; Nelson(1996)[58]; Burkhardt(2006)[15];
Aslanertik (2009)[13]. Mặc dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các tác giả trên
đều ủng hộ đo lường công cụ tài chính theo giá trị hợp lý đồng thời chỉ ra điểm yếu
của cơ sở đo lường này là độ tin cậy của dữ liệu sử dụng trong các ước tính giá trị
hợp lý trên thực tiễn.


4

Theo Bradbury(2003) có 3 vấn đề liên quan đến sử dụng giá trị hợp lý: các
thuộc tính để đo lường giá trị, ý nghĩa của giá trị hợp lý, phương pháp kế toán các
chi phí giao dịch mua tài sản[14].
Hague(2004) và Bradbury(2003) cho rằng đo lường công cụ tài chính theo
giá trị hợp lý là thích hợp nhất, đặc biệt với công cụ tài chính phái sinh. Hague và
Bradbury lý giải, công cụ tài chính phái sinh có giá gốc rất nhỏ hoặc không có
nhưng lợi ích và tổn thất chúng gây ra cũng như giá trị thanh toán các công cụ này
phụ thuộc vào giá trị hợp lý của chúng. Do vậy, không đo lường giá trị hợp lý của
công cụ tài chính này đồng nghĩa với việc không trình bày chúng trên Bảng cân đối
kế toán trong khi chúng có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng tài chính của tổ chức.
Ngoài ra, thông tin về giá trị hợp lý của công cụ phái sinh giúp cho người sử dụng
báo cáo tài chính hiểu được bản chất rủi ro và cách thức doanh nghiệp quản trị rủi
ro có thể phát sinh từ công cụ này[42].
Giá trị hợp lý là cơ sở phù hợp nhất của việc ghi nhận các công cụ tài chính
phái sinh. Theo kết luận của nhóm nghiên cứu các vấn đề về kế toán công cụ tài
chính phái sinh (JWG, 2000), giá trị hợp lý là cơ sở ghi nhận và đo lường các tài sản
và khoản nợ tài chính, bao gồm các công cụ tài chính phái sinh. Lý do của sự lựa
chọn này là do giá trị hợp lý đem lại sự đánh giá trung thực, khách quan về các công
cụ tài chính trên cơ sở các yếu tố thị trường và không bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ
quan của tổ chức áp đặt lên cách tính toán giá trị tài sản.

Theo Jemarkowicz và Gornik Tomaszewski(2006) một vấn đề liên quan đến
phương pháp giá trị hợp lý là tính thiếu ổn định trong nguyên tắc của kế toán. Trong
khi các công cụ tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý, các tài sản tài chính
được ghi theo giá vốn. Mặt khác, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi trình bày
thông tin do IAS32, IAS 39 yêu cầu cập nhật thường xuyên sự thay đổi về giá trị
hợp lý trên Báo cáo tài chính. Phương pháp giá trị hợp lý cũng khó áp dụng trong
thực tiễn do thiếu các mô hình đánh giá rủi ro và phương pháp xác định giá trị đối
với những công cụ tài chính khó xác định giá thị trường[40]. Đồng thời có ý kiến
cho rằng giá trị hợp lý là một phần nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính


5

suy thoái kinh tế cuối thập niên 2000 là cuộc suy thoái kinh tế và suy giảm tốc độ
tăng trưởng kinh tế diễn ra đồng thời ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới[12],
[39], [56]. Tại Hoa Kỳ, suy thoái kinh tế vào cuối thập niên 2000 và khủng hoảng
tài chính 2007-2010, nhiều ngành kinh tế của Hoa Kỳ thu hẹp sản xuất. Và thực tế
này đã khiến cho các nhà hoạch định thị trường tín dụng, thị truờng chứng khoán
cũng như các nhà quản lí đặt ra câu hỏi “Hệ thống tài chính Mỹ đổ vỡ có phải do lỗi
của kế toán giá trị hợp lý?”
Một trong các vấn đề trung tâm của kế toán công cụ tài chính đó là cơ sở đo
lường và áp dụng kế toán giá trị hợp lý. Trong quá trình cải tổ hệ thống kế toán tại
Trung Quốc, vấn đề được tranh cãi nhiều nhất là áp dụng kế toán giá trị hợp lý.
WenJing Li, Xiaoyan Lu, Minghai Wei(2007) đã đánh giá quá trình cải tổ kế toán
của Trung Quốc thông qua nghiên cứu việc áp dụng kế toán giá trị hợp lý qua ¼ thế
kỷ và đưa đến kết luận: Mô hình này được chấp nhận và từng bước áp dụng vào Hệ
thống kế toán Trung Quốc [52].
Trong số ít các nghiên cứu tại các quốc gia đang chuyển đổi phải kể đến
nghiên cứu của Songlan Peng (2005) về hài hòa của chuẩn mực kế toán Trung
Quốc với IAS/ IFRS[58]; Công trình của Zeghal và Mhedbi (2006) về các nhân

tố tác động đến áp dụng IAS/ IFRS tại các quốc gia có nền kinh tế đang chuyển
đổi[71]. Dựa vào quan điểm của Tay & Parker (1990), thành công của quá trình
hài hòa kế toán được đánh giá ở cả hai khía cạnh là hài hòa về chuẩn mực và hài
hòa trong thực hành kế toán tại các DN, Songlan Peng đã tổng kết các nghiên
cứu về hài hòa giữa chuẩn mực kế toán Trung quốc (CAS) với IAS/ IFRS và đi
đến kết luận: sự hài hòa về chuẩn mực của CAS với IAS/ IFRS là cao nhưng
việc thi hành các chuẩn mực này trên thực tế còn nhiều vấn đề, đặc biệt là việc
áp dụng cơ sở đo lường giá trị hợp lý trên thực tiễn. Nếu những thay đổi trên
không chỉ nhằm mục đích đánh bóng hình ảnh kế toán Trung Quốc để thu hút
đầu tư nước ngoài, thì đây sẽ là một mốc đánh dấu một sự chuyển dịch toàn diện
của các doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nền kinh tế cũng như Chính phủ
Trung Quốc nói chung.


6

Như vậy hầu hết giới khoa học nhấn mạnh ưu điểm của phương pháp kế toán
giá trị hợp lý- điều này còn là mới mẻ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, đặc biệt là
trong kế toán công cụ tài chính. Chính vì vậy tác giả luận án muốn nghiên cứu kế
toán giá trị hợp lý nhằm tìm ra giải pháp để hoàn thiện kế toán công cụ tài chính
trong các doanh nghệp phi tài chính tại Việt Nam.

1.2.1.3. Về ghi nhận công cụ tài chính
Ghi nhận công cụ tài chính phụ thuộc vào việc phân nhóm công cụ tài chính
Công cụ tài chính không chỉ giúp doanh nghiệp tạo lập vốn, sử dụng vốn, đem
lại cơ hội kinh doanh mà còn tiềm ẩn nhiều loại rủi ro, từ rủi ro tín dụng, rủi ro
thanh khoản đến rủi ro thị trường. Vai trò của công cụ tài chính phái sinh trong
phòng ngừa rủi ro là rất cần thiết, bên cạnh đó còn có mục tiêu đầu cơ của doanh
nghiệp nhằm tìm kiếm lợi nhuận. L.EC.Wilson & Bryan(1997) cho rằng cần thiết
xây dựng các quy định kế toán cho công cụ tài chính phái sinh theo mục đích sử

dụng thay vì theo từng loại để có thể vận dụng các công cụ phái sinh mới để đảm
bảo nguyên tắc tính hữu ích của thông tin đồng thời giảm thiểu chi phí xây dựng
nguyên tắc cho công cụ tài chính phái sinh mới[69].
Chính vì vậy kế toán công cụ tài chính phái sinh theo US.GAAP và IAS/ IFRS
đều xây dựng trên cơ sở mục đích sử dụng các công cụ này bao gồm:
Nguyên tắc kế toán công cụ tài chính phái sinh sử dụng cho mục đích kinh doanh
Nguyên tắc kế toán công cụ tài chính phái sinh sử dụng cho mục đích phòng
ngừa rủi ro.
Các nghiên cứu về kế toán phòng ngừa rủi ro và công cụ tài chính phái sinh
của Wilson và Bryan (1997); Heranandez (2003): các nhà nghiên cứu cho rằng kế
toán phòng ngừa rủi ro và công cụ tài chính phái sinh là cần thiết, nhưng điều kiện
áp dụng trên thực tế không dễ dàng vì có những lựa chọn khác nhau dẫn đến kết quả
xử lý khác nhau của cùng một loại công cụ phái sinh[44].

1.2.1.3. Về trình bày công cụ tài chính
Các công cụ tài chính ngày càng phức tạp bởi sự kết hợp của nhiều công cụ
tài chính khác nhau, điển hình như: trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi (vừa có


7

đặc điểm của nợ phải trả vừa có đặc điểm của vốn chủ sở hữu); công cụ tài chính
phái sinh mới (kết hợp từ các giao dịch phái sinh khác nhau), công cụ phức hợp có
công cụ phái sinh đi kèm... Vì vậy, việc nhận biết và trình bày công cụ tài chính
ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Young (1996), cổ phiếu ưu đãi thường được trình bày thiếu rõ ràng giữa
nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Và Young(1996) đã chỉ ra khó khăn trong việc phân
biệt các công cụ tài chính mới khi chúng kết hợp giữa giao dịch quyền chọn với
giao dịch tương lai, hay kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và nợ tài chính[70].
IAS 32 yêu cầu khi trình bày công cụ tài chính, do chính tổ chức phát hành

kế toán cần tuân thủ nguyên tắc tôn trọng nội dung hơn hình thức; Cổ phiếu quỹ do
doanh nghiệp mua vào phải ghi giảm trực tiếp vốn chủ sở hữu; Tài sản tài chính
hoặc nợ phải trả tài chính chỉ được bù trừ cho nhau và ghi giá trị ròng trên báo cáo
khi và chỉ khi doanh nghiệp có quyền pháp lý bù trừ hoặc có ý định thanh toán trên
cơ sở ròng do tài sản và nợ phải trả được thanh toán cùng lúc.

1.2.1.4. Về công bố thông tin về công cụ tài chính
Công cụ tài chính ngày càng đa dạng và phức tạp do vậy đối tượng sử dụng
thông tin yêu cầu ngày càng khắt khe hơn việc công bố thông tin về công cụ tài
chính. Theo Caedo và Tirado (2004) thông tin về rủi ro mà doanh nghiệp đang gánh
chịu có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai nên cần công bố cho người
sử dụng báo cáo tài chính. Đồng thời Caedo và Tirado (2004) cho rằng các thông tin
về rủi ro tác động đến DN, việc đo lường các rủi ro này sẽ cải thiện tính hữu ích của
báo cáo tài chính đối với người sử dụng[22]
IFRS 7 yêu cầu công bố đủ thông tin về công cụ tài chính để người sử dụng
báo cáo tài chính đánh giá được:
Tầm quan trọng của công cụ tài chính đối với tình hình tài chính và kết quả
kinh doanh của doanh nghiệp
Bản chất, quy mô rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính tác động đến doanh
nghiệp trong kỳ kinh doanh và vào ngày lập báo cáo cùng với cách thức quản trị rủi
ro của doanh nghiệp.


8

Các nghiên cứu về mức độ trình bày và công bố thông tin liên quan đến các
công cụ tài chính phái sinh được tiến hành bởi các học giả người Úc như Hassan,
Percy and Goodwin-Stewart(2006-2007), Chalmers và Godfrey(2000 and 2004) và
Chalmers(2001). Tuy nhiên, phần lớn chỉ đánh giá được mức độ trình bày và công
bố thông tin (DQ) trong quá trình công bố tự nguyện. Chalmers and Godfrey(2000)

đã chỉ ra sự khác biệt giữa kế toán kế toán các công cụ phái sinh (theo tiêu chuẩn
AASB 1033: Trình bày và công bố về công cụ tài chính phát hành năm 1996) và
thực tại công tác kế toán tại các DN dựa vào BCTC ngày 30/6/1998 của 500 DN lớn
nhất nước Úc. Nghiên cứu của Chalmers and Godfrey(2000) đã cho thấy mức độ
trình bày và công bố thông tin không như mong đợi[24,27,41].
Riêng Hassan, Percy and Goodwin-Stewart (2006-2007) lại tập trung vào tính
minh bạch của các công bố về công cụ tài chính phái sinh giữa các DN trong ngành
công nghiệp khai khoáng trước khi áp dụng Các chuẩn mực kế toán quốc tế tại Úc.
Ông đánh giá tính minh bạch dựa vào Bộ tiêu chuẩn AASB 1033. Các DN lớn và có
tỷ lệ giá trên lợi nhuận cao và tỷ lệ Tổng nợ trên vốn CSH sẽ công bố rõ ràng hơn
về các công cụ tài chính phái sinh.
Một nghiên cứu gần đây về công cụ tài chính của Lopes và Rodrigues(2007)
cũng tập trung xác định các tiêu chuẩn công bố tự nguyện về công cụ tài chính ở các
DN Bồ Đào Nha, Bảng Hạng mục Công bố được phát triển dựa vào các quy định ở
IAS 32: Công bố và trình bày và IAS 39: Ghi nhận và Đo lường. Quy mô của DN,
lĩnh vực kinh doanh và DN kiểm toán có quan hệ mật thiết với mức độ trình bày và
công bố thông tin về công cụ tài chính[53]
Ở Malaysia, Norkhairul Hafiz(2003) đã chứng minh được sự liên kết giữa các
công bố tự nguyện về công cụ tài chính phái sinh với 2 đặc điểm của DN là quy mô
và mức độ hoạt động ở nước ngoài. MASB ED 24 Các công cụ tài chính: Công bố
và trình bày được sử dụng để kiểm tra chất lượng của việc công bố tự nguyện[60].
K. Ahmed và D. Nicholls (1994) trong tạp chí The International Journal
Accounting số 29 (1), đã chỉ ra ảnh hưởng những đặc tính riêng lên mức độ công bố


9

thông tin của doanh nghiệp phi tài chính tại các nước đang phát triển, trường hợp tại
Bangladesh[10].
Việc nghiên cứu về mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính

trong các DN niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM trước và sau khi áp
dụng Thông tư 210/2009/TT-BTC là rất quan trọng bởi nó cung cấp những bằng
chứng xác thực về DQ của các DN niêm yết từ đó giúp cho nhà quản lý, nhà soạn
thảo tiêu chuẩn kế toán trong việc ban hành chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính
tại Việt Nam. Do đó trong luận án này tác giả muốn đo lường chất lượng thông tin về
công cụ tài chính được công bố trên Báo cáo tài chính năm được kiểm toán của các
doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.

1.2.2. Tình hình nghiên cứu kế toán công cụ tài chính trong các doanh
nghiệp phi tài chính tại Việt Nam
Các công trình nghiên cứu khoa học về kế toán công cụ tài chính đã công bố
tại Việt Nam:
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền, Đại học Kinh tế thành phố HCM trong luận án
tiến sỹ “Hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong NHTM tại Việt Nam” (2010) đã
đề cập đến những nguyên tắc, phương pháp kế toán cơ bản nhằm phản ánh các
nghiệp vụ về công cụ tài chính trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên
hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính có những
điểm khác biệt so với Ngân hàng thương mại vẫn chưa được xem xét, nghiên cứu [1].
Tác giả Đinh Thanh Lan, Đại học Hoa Sen với luận văn thạc sỹ “Vận dụng
chuẩn mực kế toán quốc tế về công cụ tài chính để hoàn thiện chế độ kế toán Việt
Nam”. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là IAS32, IAS39, IFRS 7 mà không đề
cập đến IFRS 9 [4].
Đề tài cấp bộ của Phạm Thị Thu Thủy, mã số B2006-07-09, lĩnh vực: Kế
toán, kiểm toán, tên đề tài: Hoàn thiện kế toán công cụ tài chính tại các doanh
nghiệp Viêt Nam hiện nay. Năm bảo vệ đề tài: 2006. Đề tài tập trung khảo sát việc
kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp và tìm các giải pháp nhằm hoàn


10


thiện việc kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phục vụ nhu cầu cung
cấp thông tin cho nhà đầu tư, trên quan điểm hoàn thiện phải phù hợp với thông lệ
kế toán quốc tế [5].
ThS. Hà Thị Tường Vy trong đề tài cấp ủy ban chứng khoán NN “Kế toán
công cụ tài chính của thị trường chứng khoán Việt Nam”(năm 2008) đã trình bày
khá đầy đủ các nguyên tắc, quy định về định giá, ghi nhận và trình bày công cụ tài
chính theo thông lệ quốc tế IAS30, IAS32, IFRS7. Đồng thời tác giả đã đưa ra các
giải pháp để hoàn thiện kế toán công cụ tài chính cho thị trường chứng khoán Việt
Nam. Tuy nhiên tác giả chỉ nghiên cứu kế toán các công cụ tài chính phục vụ cho
thị trường chứng khoán, bỏ qua các công cụ tài chính khác trong doanh nghiệp[6].
Tác giả Đào Y (2003; 2005) đã có những giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán
công cụ tài chính trong các ngân hàng thương mại Việt Nam phù hợp với bối cảnh
thực trạng phát triển của các ngân hàng thương mại hiện nay, đồng thời chú trọng
đến việc hài hòa với chuẩn mực kế toán quốc tế [8], [9].
Như vậy, đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu khoa học tại Việt Nam
tập trung khai thác việc vận dụng thông lệ kế toán quốc tế về kế toán công cụ tài
chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên
chưa có công trình nghiên cứu riêng cho các doanh nghiệp phi tài chính, chưa có
công trình nào nghiên cứu các nguyên tắc chung của kế toán công cụ tài chính một
cách hoàn chỉnh từ: nhận diện, đo lường, ghi nhận, trình bày, công bố thông tin về
công cụ tài chính. Đặc biệt, chưa có công trình nào đánh giá mức độ trình bày và
công bố thông tinvề công cụ tài chính trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp và
tìm ra mối liên hệ giữa mức độ trình bày và công bố thông tinvới các đặc điểm riêng
của doanh nghiệp.

1.3 Mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu chung của luận án là hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu chung đó, luận án đề
ra các mục tiêu cụ thể sau:



11

Hoàn thiện việc nhận diện, phân loại công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài
chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.
Hoàn thiện đo lường công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài chính phái sinh
trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.
Hoàn thiện việc ghi nhận công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài chính phái sinh
trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.
Hoàn thiện việc trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính cơ sở,
công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.
Xác định mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính của các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam (lấy số liệu khảo sát là các doanh nghiệp
niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) giai đoạn 2010-2012.
Kiểm định mối quan hệ giữa mức độ trình bày và công bố thông tin về công
cụ tài chính với các đặc điểm riêng của doanh nghiệp bằng việc xây dựng mô hình
với 6 biến số, lấy số liệu 2010, 2011, 2012.

1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là kế toán công cụ tài chính, bao gồm công cụ tài
chính cơ sở và công cụ tài chính phái sinh.
Khi nghiên cứu công cụ tài chính cơ sở và công cụ tài chính phái sinh, đối
tượng nghiên cứu là các vấn đề cơ bản của kế toán kế toán: Nhận diện, đo lường,
ghi nhận, trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính.
Phạm vi nghiên cứu là các doanh nghiệp phi tài chính. Nếu xét trên một góc
độ cung cầu vốn trong nền kinh tế thì doanh nghiệp được chia thành: Doanh nghiệp
tài chính kinh doanh tiền tệ và Doanh nghiệp phi tài chính kinh doanh hàng hoá
dịch vụ thông thường. Doanh nghiệp tài chính là: Ngân hàng thương mại, Công ty
tài chính, Công ty bảo hiểm... không thuộc đối tượng nghiên cứu của luận án. Luận
án nghiên cứu kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính (các

doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và lấy các hoạt động này làm
hoạt động kinh doanh chính của mình).


12

Phạm vi nghiên cứu về mặt thời gian là năm 2010, 2011, 2012
Về không gian nghiên cứu là 82 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên Sở
giao dịch chứng khoán TP HCM.

1.5 Câu hỏi nghiên cứu
Trên cơ sở đã xác lập mục tiêu nghiên cứu trên, luận án tập trung trả lời các
câu hỏi nghiên cứu sau:
Câu hỏi 1: Những giải pháp nào để hoàn thiện việc nhận diện, phân loại công
cụ tài chính cơ sở, công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính
tại Việt Nam ?
Câu hỏi 2: Hoàn thiện việc đo lường công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài
chính trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam như thế nào?
Câu hỏi 3: Những giải pháp gì để hoàn thiện việc ghi nhận công cụ tài chính cơ
sở, công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam?
Câu hỏi 4: Hoàn thiện việc trình bày và công bố thông tin về công cụ tài
chính cơ sở , công cụ tài chính phái sinh trong các doanh nghiệp phi tài chính tại
Việt Nam ?
Câu hỏi 5: Xác định mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài
chính trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2010-2012, các
yếu tố nào ảnh hưởng đến mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài
chính trên Báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam ?

1.6 Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu đề ra, trên cơ sở phương pháp luận duy vật biệt chứng và

duy vật lịch sử, luận án đã vận dụng các phương pháp điều tra, khảo sát, phân nhóm,
lấy ý kiến chuyên gia... Từ đó luận án đã tổng hợp, phân tích, đánh giá những thành
công và tồn tại trong thực trạng kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi
tài chính tại Việt Nam và đề ra các giải pháp cùng với các điều kiện thực hiện giải pháp
hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.
Các phương pháp nghiên cứu được cụ thể thành các bước công việc như sau:
Bước 1: Gửi Phiếu điều tra doanh nghiệp.


13

Tác giả gửi Phiếu điều tra đến 266 doanh nghiệp phi tài chính niêm yết trên
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (theo danh sách của Sở Giao dịch tại ngày
31/12/2011). Số Phiếu điều tra nhận về là 82 phiếu.
Bước 2: Gửi Phiếu điều tra, phỏng vấn sâu cá nhân.
Tác giả gửi Phiếu điều tra, phỏng vấn sâu xin ý kiến đánh giá của các đối
tượng: kế toán viên, nhà đầu tư, chuyên gia, kiểm toán viên, nhà quản lý, nhà quản
trị doanh nghiệp về kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính
tại Việt Nam. Số Phiếu điều tra, phỏng vấn sâu nhận về là 10 phiếu.
Bước 3: Thu thập Báo cáo tài chính
Tác giả tiến hành thu thập Báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012 đã được
kiểm toán của 82 công ty mà tác giả có được Phiếu điều tra (ở Bước 1)
Bước 4: Xử lý kết quả điều tra, khảo sát
Sử dụng phần mềm thống kê SPSS Statitics 17 để phân tích, đánh giá về thực
trạng kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam
trên các góc độ: Nhận diện, Phân loại ; Đo lường; Ghi nhận; Trình bày và công bố
thông tin về công cụ tài chính cơ sở và công cụ tài chính phái sinh. Số liệu lấy từ 82
Phiếu điều tra doanh nghiệp và 10 phiếu điều tra, phỏng vấn sâu cá nhân.
Xác định mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính của các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2010-2012. Lấy dữ liệu 3 năm

2010-2012 của 82 doanh nghiệp niêm yết đã có Phiếu điều tra.
Kiểm định 3 giả thuyết về mối quan hệ giữa mức độ trình bày và công bố
thông tin về công cụ tài chính với các đặc điểm riêng của doanh nghiệp.
Bước 5: Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam
Căn cứ vào kết quả khảo sát thực trạng kế toán công cụ tài chính tại các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam, ý kiến của chuyên gia, người sử dụng
thông tin kế toán đã được phỏng vấn sâu... cùng với kinh nghiệm của một số quốc
gia trên thế giới, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện kế toán công cụ tài
chính trong các doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.


14

1.7 Ý nghĩa của luận án
Về mặt học thuật, lý luận
Hoàn thiện khung lý thuyết về kế toán công cụ tài chính trong các doanh
nghiệp phi tài chính tại Việt Nam bao gồm các công việc:
Hoàn thiện việc nhận diện, đo lường công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài
chính phái sinh.
Hoàn thiện việc đo lường công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài chính phái sinh
Hoàn thiện việc ghi nhận công cụ tài chính cơ sở, công cụ tài chính phái sinh
Hoàn thiện việc trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính cơ sở,
công cụ tài chính phái sinh.
Về mặt thực tiễn
Xác định mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính của các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2010-2012 (chỉ số DQ). Thông
qua chỉ số DQ nhà hoạch định chính sách đánh giá được độ ảnh hưởng của Thông
tư 210/2009/TT-BTC (quy định trình bày và công bố thông tin về công cụ tài chính)
đến chất lượng Báo cáo tài chính được công bố.

Tìm ra mối liên hệ giữa mức độ trình bày và công bố thông tin về công cụ tài
chính với quy mô của doanh nghiệp, kết quả hoạt động kinh doanh và quy mô
doanh nghiệp kiểm toán, từ đó giúp người sử dụng thông tin kế toán chủ động hơn
trong việc sử dụng Báo cáo tài chính, đưa ra quyết định đầu tư.

1.8 Kết cấu của luận án
Luận án có kết cấu 4 chương như sau:
Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu kế toán công cụ tài chính trong các doanh
nghiệp phi tài chính tại Việt Nam
Chương 2: Lý luận kế toán công cụ tài chính trong các doanh nghiệp phi tài chính.
Chương 3: Phân tích thực trạng kế toán công cụ tài chính trong các doanh
nghiệp phi tài chính tại Việt Nam
Chương 4: Các giải pháp hoàn thiện kế toán công cụ tài chính trong các
doanh nghiệp phi tài chính tại Việt Nam.


15

CHƯƠNG 2
LÝ LUẬN KẾ TOÁN CÔNG CỤ TÀI CHÍNH
TRONG DOANH NGHIỆP PHI TÀI CHÍNH
2.1 Nhận diện, phân loại công cụ tài chính
2.1.1 Nhận diện công cụ tài chính
2.1.1.1 Nhận diện công cụ tài chính cơ sở
Theo quan điểm tài chính, công cụ tài chính là một phạm trù tài chính cụ thể
được con người sử dụng để đạt đến một mục tiêu nào đó. Điều đó có nghĩa công cụ
tài chính là các công cụ được sử dụng để khai thác, tập trung, phân bổ các nguồn tài
chính. Đây là quan điểm rộng về công cụ tài chính và nó gắn liền với việc Nhà nước
sử dụng hệ thống các công cụ tài chính nhằm khai thác, động viên và sử dụng các
nguồn tài chính một cách có hiệu quả nhất. Hệ thống các công cụ tài chính của nhà

nước bao gồm: công cụ thuế, chi ngân sách nhà nước, vay nợ, công cụ lãi suất, tỷ
giá hối đoái...Trên đây là quan điểm vĩ mô về công cụ tài chính, còn dưới quan điểm
vi mô công cụ tài chính được định nghĩa như sau:
Theo định nghĩa của từ điển kinh tế (Business dictionary): Công cụ tài chính
là một tài liệu (séc, hối phiếu, trái phiếu, cổ phiếu, hợp đồng tương lai hoặc hợp
đồng quyền chọn...) có giá trị bằng tiền hoặc thể hiện một thỏa thuận có hiệu lực
pháp lý giữa hai hay nhiều bên về quyền được thanh toán tiền.
Như vậy theo định nghĩa của từ điển kinh tế, công cụ tài chính là tiền hoặc sự
minh chứng bằng giấy tờ về quyền được nhận tiền (đó là các khoản phải thu). Đây
chính là cách nhìn công cụ tài chính trên giác độ nhà đầu tư.
Theo từ điển đầu tư (Investopedia Financial Dictionary): Một tài liệu thật hay
ảo đại diện cho một thỏa thuận pháp lý liên quan đến một số loại giá trị tiền tệ.
Trong thị trường tài chính hiện nay, các công cụ tài chính có thể được phân loại
thành công cụ vốn chủ sở hữu- đại diện cho quyền được nhận tài sản trong doanh


16

nghiệp, hoặc được phân loại thành nợ- đại diện cho một khoản nhà đầu tư cho vay
tiền hoặc tài sản.
Từ định nghĩa trên ta có thể thấy công cụ tài chính có thể là công cụ vốn chủ
sở hữu hoặc nợ phải trả tài chính đứng trên góc độ người phát hành công cụ tài
chính. Đồng thời công cụ tài chính có thể không có kết cấu vật chất, đó chỉ là tài
liệu ảo hoặc bút toán ghi sổ.
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 32, CCTC được định nghĩa: Công cụ
tài chính là bất kì một hợp đồng nào mang lại tài sản tài chính cho một doanh
nghiệp và nợ tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu cho một doanh nghiệp khác.
Theo Điều 3, Thông tư 210/2009/TT – BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày
6/11/2009 ban hành thì: “CCTC là hợp đồng làm tăng tài sản tài chính của đơn vị và
nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác.”

Như vậy, dấu hiệu để nhận biết công cụ tài chính đó là một hợp đồng giữa 2
bên, theo đó hợp đồng mang lại tài sản tài chính cho 1 bên, đồng thời mang đến cho
bên kia 1 khoản nợ phải trả tài chính hoặc công cụ vốn chủ sở hữu.
Tài sản tài chính là tiền, công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác hoặc quyền
theo hợp đồng được nhận tiền, tài sản tài chính khác hoặc có thể trao đổi tài sản tài
chính, nợ phải trả tài chính trong điều kiện có lợi cho đơn vị mình.
Tài sản tài chính là những chứng chỉ bằng giấy hoặc có thể chỉ là những dữ
liệu trong máy tính, sổ sách. Tài sản tài chính có đặc điểm không tham gia trực tiếp
vào quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ nhưng tài sản tài chính thể hiện quyền đối
với thu nhập tạo ra từ tài sản thực. Giá trị của tài sản tài chính phụ thuộc vào khả
năng sinh lời của tài sản thực. Điều đó cũng có nghĩa là giá trị tài sản tài chính
không dựa vào nội dung vật chất mà dựa vào các quan hệ trên thị trường, chính vì
vậy cần sử dụng giá trị hợp lý để đo lường tài sản tài chính.
Nợ phải trả tài chính là nghĩa vụ theo hợp đồng phải trả tiền, tài sản tài chính
hoặc trao đổi tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính trong điều kiện bất lợi cho đơn
vị mình.


17

Công cụ vốn chủ sở hữu là bất kỳ hợp đồng nào thể hiện quyền được nhận
số tài sản còn lại của một doanh nghiệp sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ của
doanh nghiệp đó. Công cụ vốn chủ sở hữu phải có hai đặc điểm sau:
- Công cụ vốn chủ sở hữu không bao gồm nghĩa vụ theo hợp đồng phải trả
tiền, chuyển giao tài sản tài chính cho đơn vị khác hoặc phải trao đổi tài sản tài
chính( hoặc nợ phải trả tài chính) cho đơn vị khác trong điều kiện bất lợi.
- Công cụ tài chính này sẽ hoặc có thể được thanh toán bởi công cụ vốn chủ
sở hữu của đơn vị phát hành nếu: Là một công cụ tài chính phi phái sinh (không bao
gồm nghĩa vụ theo hợp đồng yêu cầu cung cấp số lượng thay đổi công cụ vốn chủ
sở hữu của đơn vị phát hành); hoặc Là công cụ tài chính phái sinh chỉ được thanh

toán số tiền (hoặc tài sản tài chính) cố định, cho số lượng cố định công cụ vốn chủ
sở hữu của đơn vị phát hành.
Như vậy, công cụ tài chính bao gồm: Tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính
và công cụ vốn chủ sở hữu. Công cụ tài chính phái sinh là một trường hợp đặc biệt
của công cụ tài chính, nó có thể là khoản phải thu (tài sản tài chính) hoặc có thể là
khoản phải trả (nợ phải trả tài chính). Việc nhận diện công cụ tài chính phái sinh
như sau.

2.1.1.2 Nhận diện công cụ tài chính phái sinh
Theo IAS 39, công cụ tài chính phái sinh là công cụ tài chính mà:
- Giá của nó thay đổi theo sự thay đổi giá của một tài sản cơ bản khác (giá
chứng khoán, tỷ giá ngoại tệ, giá hàng hóa, hạn mức hoặc tỷ lệ tín dụng...)
- Không phát sinh các chi phí đầu tư ban đầu hoặc phát sinh một lượng chi
phí nhỏ
- Được thanh toán vào một ngày xác định trong tương lai


18

Theo thông tư 210/2009/TT-BTC ngày 6 tháng 11 năm 2009 của Bộ Trưởng
Bộ Tài chính: Công cụ tài chính phái sinh là một công cụ tài chính hoặc một hợp
đồng có đồng thời ba đặc điểm sau:
(a) Có giá trị thay đổi theo sự thay đổi của lãi suất, giá công cụ tài chính, giá
hàng hóa, tỷ giá hối đoái, chỉ số giá cả hoặc lãi suất, xếp hạng tín dụng hoặc chỉ số
tín dụng, hoặc các chỉ số khác với điều kiện trong trường hợp các chỉ số khác này là
các biến số phi tài chính thì biến số đó không liên quan đến các bên tham gia hợp
đồng (còn được gọi là các biến số cơ sở);
(b) Không yêu cầu đầu tư thuần ban đầu hoặc yêu cầu đầu tư thuần ban đầu
thấp hơn so với các loại hợp đồng khác có các phản ứng tương tự đối với sự thay
đổi của các yếu tố thị trường;

(c) Được thanh toán vào một ngày trong tương lai.
Như vậy công cụ tài chính phái sinh gắn liền với một khoản phải thu (tài sản
tài chính) hoặc nợ phải trả tài chính trong tương lai, do đó cần được ghi nhận trên
Bảng cân đối kế toán.
Tóm lại, công cụ tài chính bao gồm: Tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính,
công cụ vốn chủ sở hữu. Việc nhận diện công cụ tài chính rất quan trọng để có thể
phân loại công cụ tài chính, từ đó ảnh hưởng đến công việc kế toán căn bản như: ghi
nhận, đo lường và trình bày các công cụ tài chính.

2.1.2 Phân loại công cụ tài chính
2.1.2.1 Phân loại công cụ tài chính theo khoản mục trên Bảng cân đối kế toán
Theo Khuôn mẫu lý thuyết về việc lập và trình bày báo cáo tài chính thì công
cụ tài chính được ghi nhận vào một trong 3 mục sau: Tài sản (tài sản tài chính), nợ
phải trả (nợ phải trả tài chính) hoặc công cụ vốn chủ sở hữu. Đây là cách phân loại
cơ bản giúp cho việc nhận diện các công cụ tài chính khi trình bày chúng trên
Bảng cân đối kế toán. Từng loại công cụ tài chính được miêu tả cụ thể trong Bảng
2.1 sau:


19

Bảng 2.1: Các loại công cụ tài chính trên Bảng cân đối kế toán
Công cụ tài chính
1. Tài sản tài chính

Nhóm

Loại

1. Tiền


Tiền mặt, tiền gửi

2. Công cụ vốn chủ sở hữu của đơn vị khác

Cổ phiếu đầu tư

3. Các quyền theo hợp đồng nhận tiền hay

Trái phiếu đầu tư, phải

một tài sản tài chính khác, hoặc trao đổi tài

thu thương mại,

sản tài chính hay nợ phải trả tài chính với
đơn vị khác trong điều kiện thuận lợi
4. Một số hợp đồng được thanh toán bằng

Phải thu về cổ phần hóa

vốn chủ sở hữu của đơn vị
II. Nợ phải trả tài 1. Các nghĩa vụ theo hợp đồng phải giao tiền
chính

Trái phiếu phát hành,

hay tài sản tài chính, hoặc trao đổi tài sản

phải trả thương mại,


tài chính, nợ tài chính với đơn vị khác

vay theo khế ước

trong điều kiện bất lợi
2. Một số hợp đồng được thanh toán bằng

Trái phiếu chuyển đổi

vốn chủ sở hữu của chính đơn vị
III. Công cụ Vốn 1. Hợp đồng cho phép hưởng lợi ích còn lại
chủ sở hữu

Cổ phiếu phổ thông,

trong các tài sản của một đơn vị sau khi trừ

cổ phiếu ưu đãi, cổ

hết nợ phải trả của đơn vị đó

phiếu quỹ

(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ [20], [50])

2.1.2.2 Phân loại công cụ tài chính theo yêu cầu đo lường và công bố thông tin
Trong IAS39 và IFRS9, việc phân loại các tài sản tài chính và nợ tài chính sẽ
ảnh hưởng đến nguyên tắc đo lường và ghi nhận đối với từng loại. Theo IFRS7 yêu
cầu phân loại công cụ tài chính cho mục đích thuyết minh thông tin chi tiết về từng

loại công cụ tài chính, cụ thể như sau (Bảng 2.2).


20

Bảng 2.2: Phân loại công cụ tài chính theo yêu cầu đo lường
Công cụ tài chính

Đo lường

Chi tiết

I. Tài sản tài chính luôn được đo lường FVTPL
1. Tài sản tài chính kinh
theo giá trị hợp lý với chênh lệch do (Fail value through doanh
thay đổi giá trị hợp lý được ghi nhận profit or loss)
2. Tài sản tài chính được lựa
vào Báo cáo kết quả kinh doanh
chọn ghi theo FVPL ngay từ
ghi nhận ban đầu
II. Tài sản tài chính được đo lường sau AC
ghi nhận ban đầu theo giá trị phân bổ (Amortised cost)
III. Tài sản tài chính được đo lường
theo giá trị hợp lý với chênh lệch giá
trị hợp lý được ghi nhận vào thu nhập
hoãn lại

1. Đầu tư giữ đến ngày đáo
hạn
2. Khoản cho vay và phải thu


FVOCI
1. tài sản tài chính khác
(Fair value through
other comprehensive
income)

IV. Nợ tài chính luôn được đo lường FVTPL
theo giá trị hợp lý với chênh lệch giá
trị hợp lý được ghi nhận vào Báo cáo
kết quả kinh doanh

1. Nợ tài chính để kinh doanh
2. Nợ tài chính được lựa chọn
ghi theo FVPL ngay từ ghi
nhận ban đầu

V. Nợ tài chính được đo lường sau ghi AC
nhận ban đầu theo giá trị phân bổ
(Amortised cost)

1. Các khoản nợ khác

VI. Các công cụ tài chính thuộc kế toán FVOCI
phòng ngừa rủi ro

Hợp đồng kỳ hạn, Hợp đồng
tương lai, Hợp đồng quyền
chọn, Hợp đồng hoán đổi
dùng cho mục đích phòng

ngừa rủi ro

(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ [53])
Cách phân loại trên dựa vào bản chất các luồng tiền của công cụ tài chính và
mục tiêu quản trị công cụ tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy các công cụ tài
chính trong cùng một nhóm không chỉ có cùng bản chất kinh tế ban đầu mà còn
được doanh nghiệp đầu tư hay phát hành với cùng mục đích. Cách phân loại này là
cơ sở quan trọng để xây dựng nguyên tắc ghi nhận, đo lường, trình bày và công bố
thông tin cho từng loại công cụ tài chính.


21

2.1.2.3 Phân loại công cụ tài chính theo nguồn gốc
Căn cứ vào nguồn gốc, công cụ tài chính bao gồm công cụ tài chính cơ sở và
công cụ tài chính phái sinh. Công cụ tài chính cơ sở bao gồm: tài sản tài chính, nợ
phải trả tài chính, công cụ vốn chủ sở hữu. Công cụ tài chính phái sinh là công cụ
tài chính có luồng tiền bắt nguồn từ các đại lượng cơ sở như tỷ giá, lãi suất, chỉ số
chứng khoán, giá chứng khoán.
Cách phân loại trên giúp cho việc nhận rõ được bản chất kinh tế, luồng tiền
trong tương lai của các công cụ tài chính, từ đó lựa chọn cơ sở đo lường phù hợp
đối với từng loại công cụ tài chính.
a. Phân loại công cụ tài chính cơ sở
Công cụ tài chính cơ sở được phân thành: tài sản tài chính, nợ phải trả tài
chính và công cụ vốn chủ sở hữu với việc phân loại như sau:
Phân loại tài sản tài chính
Tài sản tài chính bao gồm 4 loại: Tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp
lý thông qua lãi lỗ, Khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, Khoản cho vay hoặc phải
thu, Tài sản tài chính khác.
Nhóm 1: Tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ là

những tài sản nắm giữ để kinh doanh hoặc được doanh nghiệp xác nhận ghi vào
nhóm này.
Tài sản tài chính để kinh doanh là những tài sản: Mua với mục đích sẽ bán
lại trong thời gian ngắn hoặc được quản lý trong 1 nhóm công cụ tài chính với mục
đích tìm kiếm lợi nhuận hoặc là công cụ tài chính phái sinh.
Khi một đối tượng kế toán được phân loại vào nhóm tài sản tài chính ghi
nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ thì không được phép phân loại lại vào
nhóm khác. Nếu không có giá thị trường (giá niêm yết trên thị trường hoạt động) và
giá trị hợp lý không thể xác định được thì cổ phiếu không được phân loại vào nhóm
tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/lỗ.
Nhóm 2: Khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn
Nhóm này có đặc tính như sau: Không phải là công cụ tài chính phái sinh và


22

Chúng có thời gian đáo hạn cố định, xác định rõ số tiền thanh toán đồng thời Công
ty có chủ ý và khả năng tích cực giữ đến ngày đáo hạn. Trái phiếu có thể được phân
loại vào nhóm này nếu công ty xác định rõ sẽ giữ nó đến ngày đáo hạn.
Nhóm tài sản Giữ đến ngày đáo hạn được ghi nhận theo giá trị phân bổ nên
việc phân loại lại sẽ tạo ra rất nhiều sự thay đổi về thu/ chi trong Báo cáo kết quả
kinh doanh. Sử dụng phương pháp giá trị phân bổ chỉ phù hợp nếu khoản đầu tư
được giữ đến ngày đáo hạn và lấy được tiền theo đúng hợp đồng.
Nhóm 3: Khoản cho vay hoặc phải thu
Cho vay hoặc phải thu có những tính chất sau: Không phải là công cụ tài
chính phái sinh, chúng có số tiền thanh toán xác định đồng thời tài sản này không
được niêm yết trên thị trường hoạt động.
Thuộc nhóm 3 bao gồm: khoản cho vay không xác định giữ đến ngày đáo
hạn, đầu tư trái phiếu., phải thu khách hàng, ứng trước cho người bán, phải thu nội
bộ, phải thu khác, ký cược ký quỹ.

Nhóm 4: Tài sản tài chính khác
Tài sản tài chính khác là những công cụ tài chính còn lại không thuộc 3
nhóm trên (Tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ; Khoản
đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; Cho vay và phải thu). Tài sản tài chính thuộc nhóm
này bao gồm: ngoại tệ, vàng bạc dùng trong thanh toán của doanh nghiệp phi tài
chính; khoản đầu tư dài hạn; khoản đầu tư ngắn hạn nhưng không có giá niêm yết
hoặc không thể xác định được giá trị hợp lý.
Việc phân loại tài sản tài chính rất quan trọng vì nó sẽ quyết định tài sản tài
chính hoặc nợ phải trả tài chính sẽ đo lường theo phương pháp nào, lãi/ lỗ sẽ ghi
nhận vào đâu.
Phân loại nợ phải trả tài chính
Nợ phải trả tài chính được chia thành 2 loại: Nợ phải trả tài chính được ghi
nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/lỗ và Nợ phải trả tài chính khác.
Nhóm 1: Nợ phải trả tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ
Nợ phải trả tài chính ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ bao gồm:


23

Nợ phải trả để kinh doanh và Nợ phải trả tài chính được doanh nghiệp phân loại vào
nhóm này. Trong đó nợ phải trả để kinh doanh có các đặc điểm sau:
+ Được mua chủ yếu với mục đích bán lại trong thời gian ngắn.
+ Một phần của danh mục công cụ tài chính được quản lý với mục tiêu tìm
kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong giai đoạn vừa qua
+ Là một công cụ tài chính phái sinh
Nhóm 2: Nợ phải trả tài chính khác
Nợ phải trả tài chính khác là các khoản nợ phải trả tài chính không thuộc
nhóm trên (Nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý thông qua lãi/ lỗ).
Phân loại công cụ vốn chủ sở hữu
Công cụ vốn chủ sở hữu bao gồm cổ phiếu phổ thông (cố phiếu thường), cổ

phiếu quỹ, cổ phiếu ưu đãi.
Nhóm 1: Cổ phiếu phổ thông
Cổ phiếu phổ thông là giấy chứng nhận xác nhận quyền sở hữu của cổ đông
đối với doanh nghiệp và xác nhận việc cho phép cổ đông được trực tiếp thụ hưởng
kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người sở hữu cổ phiếu phổ thông
được tham gia họp Đại hội đồng cổ đông và được bỏ phiếu quyết định những vấn
đề quan trọng nhất, được quyền bầu cử và ứng cử vào Hội đồng Quản trị của
doanh nghiệp.
Cổ phiếu là giấy chứng nhận góp vốn do đó không có kỳ hạn và không hoàn vốn.
Khi giải thể doanh nghiệp, cổ đông được chia phần giá trị tài sản còn lại sau khi doanh
nghiệp đã thanh toán hết các khoản nợ và thanh toán cho các cổ đông ưu đãi.
Cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông được hưởng lợi tức khi doanh nghiệp có
lãi và Đại hội đồng cổ đông quyết định chia cổ tức.
Nhóm 2: Cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi là một loại chứng khoán lai tạp có những đặc điểm vừa
giống cổ phiếu thường, vừa giống trái phiếu. Đó là giấy chứng nhận cổ đông được
ưu tiên so với cổ đông thường về mặt tài chính nhưng bị hạn chế về quyền hạn đối
với doanh nghiệp. Việc xác định cổ phiếu ưu đãi là một công cụ nợ phải trả hay


24

công cụ vốn chủ sở hữu phải đánh giá theo các quyền kèm theo cổ phiếu đó. Cổ
phiếu ưu đãi thường bao gồm các loại sau:
Cổ phiếu ưu đãi biểu quyết: là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so
với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi do Điều lệ
doanh nghiệp quy định.
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với
mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc ở mức ổn định hàng năm. Cổ tức được chia
hàng năm gồm cổ tức cố định và cổ thức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc

vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (kể cả khi doanh nghiệp thua lỗ), do đó cổ
phiếu này có tính chất như một khoản nợ phải trả.
Cổ phiếu ưu đãi hoàn lại là cổ phần sẽ được doanh nghiệp hoàn lại vốn góp bất
cứ khi nào theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo điều kiện ghi trên cổ phiếu ưu đãi.
Với tính chất này cổ phiếu ưu đãi hoàn lại được ghi nhận vào nợ phải trả tài chính,
khoản cổ tức chi trả sẽ được kế toán vào chi phí trên Báo cáo kết quả kinh doanh.
Nhóm 1: Cổ phiếu quỹ
Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu phát hành bởi doanh nghiệp và được mua lại bởi
chính doanh nghiệp đó hoặc các doanh nghiệp liên kết, doanh nghiệp con, nhưng cổ
phiếu này không bị hủy bỏ và sẽ được tái phát hành trở lại trong khoảng thời gian
theo quy định của pháp luật chứng khoán. Cổ phiếu quỹ không được nhận cổ tức,
không có quyền bầu cử hay tham gia chia phần khi giải thể doanh nghiệp.
b. Phân loại công cụ tài chính phái sinh
Về công cụ tài chính phái sinh, theo Ingersoll (1987): Theory of financial
dicision making [47] Một hợp đồng tài chính được gọi là một công cụ tài chính phái
sinh nếu giá trị của hợp đồng đó ở thời điểm đáo hạn T có thể được xác định hoàn
toàn bởi giá trị thị trường của tài sản cơ bản. Theo cách này ta hiểu tại thời điểm
đáo hạn của hợp đồng phái sinh thì giá trị của tài sản phái sinh được xác định hoàn
toàn bởi giá trị của các tài sản cơ bản, sau thời hạn này hợp đồng phái sinh không
còn tồn tại nữa. Công cụ tài chính phái sinh được chia thành 4 loại cơ bản: Hợp
đồng kỳ hạn, Hợp đồng tương lai; Hợp đồng quyền chọn; Hợp đồng hoán đổi.


25

Nhóm 1: Hợp đồng kỳ hạn
Hợp đồng kỳ hạn là một thoả thuận ràng buộc mang tính pháp lý giữa hai bên
để mua hoặc bán một số tài sản, nghĩa vụ phải trả hoặc công cụ tài chính nhất định
vào một thời điểm xác định trong tương lai với mức giá thoả thuận giữa các bên tại
ngày giao dịch. Khi một thực thể trở thành một bên của hợp đồng kỳ hạn, giá trị hợp

lí của các quyền và nghĩa vụ thường bằng nhau, do đó giá trị thuần bằng không.
Nếu giá trị thuần giữa quyền và nghĩa vụ khác không, hợp đồng được công nhận là
tài sản hay trách nhiệm. Hợp đồng kỳ hạn có các đặc điểm như sau:
Là thoả thuận ràng buộc mang tính pháp lý giữa hai bên.
Các bên trong hợp đồng không phải mở tài khoản ký quỹ hay trả bất cứ loại phí nào
tại thời điểm khởi đầu hợp đồng, theo đó tài sản cơ sở, thời gian đáo hạn, hình thức thanh
toán... phụ thuộc hoàn toàn vào thoả thuận cụ thể giữa hai bên tham gia hợp đồng;
Ngày giao hàng và ngày kí kết là khác nhau;
Không được tất toán trước thời điểm đáo hạn hợp đồng, các bên trong hợp
đồng kỳ hạn chỉ phải thanh toán một lần vào ngày đáo hạn hợp đồng;
Việc thanh toán hợp đồng kỳ hạn là thanh toán song phương, có thể được thực
hiện bằng cách chuyển giao tài sản cơ sở hoặc thanh toán số tiền chênh lệch giữa
giá tại ngày đáo hạn hợp đồng và ngày ký hợp đồng;
Vì chỉ có hai bên tham gia vào hợp đồng, cho nên mỗi bên đều phụ thuộc
duy nhất vào bên kia trong việc thực hiện hợp đồng. Khi có thay đổi giá cả trên thị
trường giao ngay, rủi ro thanh toán sẽ tăng lên khi một trong hai bên không thực
hiện hợp đồng. Ngoài ra, vì mức giá đặt ra mang tính cá nhân và chủ quan nên rất
có thể không chính xác.
Nhóm 2: Hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai là một hợp đồng được tiêu chuẩn hóa, được giao dịch trên
sàn (trung tâm môi giới) để mua hay bán một số loại hàng hóa chuẩn vào một ngày
trong tương lai. Giá được xác định ngay tại thời điểm ký hợp đồng. Hàng hóa chuẩn
trong giao dịch mua bán có thể là hàng hóa thông thường hoặc sản phẩm tài chính.
Tại ngày bắt đầu hợp đồng, cả người mua và người bán đều phải đặt cọc một khoản


×