BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH
QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN
NGUYỄN THỊ THUÝ MAI
NGHỆ THUẬT VIẾT TIỂU PHẨM
CỦA NHÀ BÁO HỒ CHÍ MINH
Chuyên ngành
: Báo chí học
Mã số
: 60 32 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
Người hướng dẫn khoa học: PGS,TS HOÀNG ANH
Hà Nội - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình khoa học do
tôi tự nghiên cứu. Các số liệu được sử dụng trong Luận
văn là rõ ràng và trung thực. Các kết quả nghiên cứu trong
luận văn chưa được công bố trong các công trình khác.
Tác giả
Nguyễn Thị Thuý Mai
MỤC LỤC
Trang
1
MỞ ĐẦU
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TIỂU PHẨM BÁO CHÍ
HỒ CHÍ MINH
1.1. Một số đặc điểm của tiểu phẩm báo chí
1.2. Vai trò của tiểu phẩm trong việc hình thành phong cách nhà
báo Hồ Chí Minh
7
7
14
Chương 2: NHỮNG NÉT ĐẶC SẮC TRONG TIỂU PHẨM BÁO CHÍ
HỒ CHÍ MINH
2.1. Về nội dung
2.2. Về hình thức
22
22
35
Chương 3: TIỂU PHẨM TRÊN BÁO CHÍ HIỆN NAY VÀ NHỮNG GIẢI
PHÁP VẬN DỤNG KINH NGHIỆM CỦA HỒ CHÍ MINH
TRONG VIỆC VIẾT TIỂU PHẨM BÁO CHÍ
3.1. Tiểu phẩm trên báo chí hiện nay
3.2. Những giải pháp vận dụng kinh nghiệm của Hồ Chí Minh vào
việc viết tiểu phẩm báo chí
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
67
67
73
82
85
CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN
CQ
:
Báo Cứu Quốc
GS
:
Giáo sư
Nxb
:
Nhà xuất bản
PGS
:
Phó giáo sư
TN
:
Báo Thanh niên
TS
:
Tiến sỹ
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc
lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, đồng thời Người
còn có những đóng góp không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung cho sự tiến bộ
và hòa bình của các dân tộc trên thế giới. Không chỉ là nhà cách mạng kiệt
xuất, Hồ Chí Minh còn là một nghệ sĩ lớn, một nhà báo tiêu biểu của nền báo
chí cách mạng Việt Nam.
Trong sự nghiệp cách mạng phong phú, đa dạng của Người, hoạt động
báo chí chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Báo chí được Người sử dụng như
một vũ khí tinh thần sắc bén để giác ngộ, động viên và tổ chức quần chúng
thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, đấu tranh chống
lại các thế lực thực dân đế quốc, đào tạo những con người mới có đạo đức
trong sáng, biết hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ đi liền với việc chống lại
cái giả dối, cái xấu xa, lạc hậu vì một xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Với khoảng 2.000 bài báo và hơn 50 bút danh, nhà báo Nguyễn Ái
Quốc- Hồ Chí Minh đã đề cập tới toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách
mạng, những vấn đề bức xúc nhất của đời sống xã hội đương thời. Những
con số biết nói này một lần nữa đã khẳng định: di sản báo chí mà vị lãnh tụ
kính yêu đã để lại cho chúng ta thật vô cùng quý báu. Các tác phẩm báo chí
kinh điển của Người với nội dung sâu sắc và hình thức thể hiện mẫu mực
đã góp phần quan trọng để tạo nên một phong cách độc đáo của nhà báo lão
luyện Hồ Chí Minh.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp:
Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược, nhà lãnh đạo đồng thời là nhà
văn hóa, nhà báo. Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là người luôn chiến
đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với một văn phong đa dạng nhiều
2
sắc thái mà nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và biểu đạt
dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những
tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ
giản dị giầu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng những dòng chữ
nhỏ… [4].
Có lẽ sẽ không thể có một nhận xét nào chính xác và đầy đủ hơn về
phong cách báo chí của Hồ Chủ tịch như vậy.
Không chỉ là một ký giả với những thành công to lớn ở tất cả các thể
loại báo chí mà Người đặc biệt tài hoa và xứng đáng là bậc thầy về thể loại
tiểu phẩm. Nét đặc sắc trong tiểu phẩm của Người không chỉ ở nội dung
phê phán đối với kẻ thù, ở cái nhìn sâu sắc tinh tế đối với xã hội mà còn thể
hiện ở một nghệ thuật viết tiểu phẩm rất đặc sắc, độc đáo. Với nhiều thủ
pháp nghệ thuật điêu luyện mà giản dị, tiểu phẩm Hồ Chí Minh làm nổi bật
tính chiến đấu, những tiếng cười ý nhị sâu cay trước những vấn đề mang
tính thời sự nóng bỏng và đã đạt được hiệu ứng xã hội to lớn. Đặt những
tác phẩm đó trong thời kỳ cách mạng Việt Nam đang còn trứng nước phôi
thai, cách đây gần trọn một thế kỷ, chúng ta sẽ càng thấy rõ được những
đóng góp vô giá của thể loại. Những bài học rút ra từ việc nghiên cứu tiểu
phẩm của Người mãi mãi là những bài học quý báu đối với những người
học báo và làm báo.
Vì thế chúng tôi đã chọn: “Nghệ thuật viết tiểu phẩm của nhà báo Hồ
Chí Minh” làm đề tài luận văn tốt nghiệp cao học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Theo chúng tôi được biết, cho đến nay, vẫn chưa có một đề tài cụ thể
nào trực tiếp nghiên cứu về nghệ thuật viết tiểu phẩm của Hồ Chí Minh. Tuy
nhiên, lại đã có khá nhiều công trình liên quan đến đề tài nghiên cứu của
chúng tôi. Đặc biệt là những công trình nghiên cứu về văn phong hay sự
nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh. Chẳng hạn:
3
- Học tập Phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Ngôn ngữ
học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 1980. Đây là tác phẩm đã tập hợp nhiều
bài viết của các tác giả về những nét đặc sắc trong phong cách ngôn ngữ của
Hồ Chí Minh ở nhiều khía cạnh như: Phong cách của Bác qua các bản thảo;
cách sử dụng thành ngữ, tục ngữ, từ vựng; phong cách thơ, văn; đặc điểm
ngôn ngữ báo chí chính luận; cách đặt tên các bài báo của Người… Qua đó
giúp góp phẩn vào việc tìm hiểu và học tập, trau dồi phong cách ngôn ngữ của
Người - Một di sản quý báu Bác đã để lại cho chúng ta.
- Báo chí Hồ Chí Minh: Chuyên luận và tuyển chọn, Hà Minh Đức,
Nxb Chính trị Quốc gia, H.2005. Tác phẩm được phân chia thành hai phần:
chuyên luận và tuyển chọn. Trong đó, nhà nghiên cứu đã rất công phu khi
phân tích một cách sâu sắc những nội dung cơ bản và phong cách nghệ thuật
báo chí Hồ Chí Minh. Đồng thời, tác giả cũng tuyển chọn những tác phẩm
báo chí tiêu biểu của Hồ Chí Minh từ bộ sách Hồ Chí Minh - Toàn tập.
- Hồ Chí Minh - Tác giả, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Tuyển chọn:
Nguyễn Như Ý, Nguyên An, Chu Huy, Nxb giáo dục, 1997. Cuốn sách đi sâu
tìm hiểu các thời kỳ hoạt động báo chí của Người đồng thời nghiên cứu một
cách có hệ thống và sâu sắc sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ
khi bắt đầu viết báo cho đến bài báo cuối cùng trước khi Người đi xa; qua đó,
giúp các nhà báo, nhà nghiên cứu và độc giả trong việc tìm hiểu cuộc đời và
sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác.
- Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn, Học Viện Chính trị
Quốc gia Hồ Chí Minh, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, Xưởng in số 2
Phạm Ngũ Lão, Hà Nội 1995. Ở đây, tác giả đã tổng hợp các bài viết, bài phát
biểu của Hồ Chủ tịch trong đó đi sâu vào phân tích, lý giải những quan niệm
của Người về nghề báo và phương pháp sáng tạo báo chí.
- Sự nghiệp báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành, Nxb
Khoa học xã hội, H.1998. Công trình tập trung tìm hiểu đánh giá sự nghiệp
4
báo chí Hồ Chí Minh dưới góc độ tư liệu lịch sử thông qua mối quan hệ giữa
Nguyễn Ái Quốc với các tờ báo quốc tế ở các thời kỳ khác nhau (báo chí công
nhân Pháp, báo chí Le Paria, báo chí Xô Viết, báo chí các nước anh em và các
Đảng cộng sản ở các nước tư bản, báo chí cách mạng Việt Nam…). Qua đó,
tác giả đề cập đến quan điểm và phong cách báo chí của Người.
- Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh, Tạ Ngọc Tấn, Nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin, Hà Nội 2009. Công trình nghiên cứu một thể loại cụ thể
trong phong cách báo chí của Hồ Chí Minh - tiểu phẩm báo chí. Đây chính
là cơ sở để cho đề tài luận văn đi sâu nghiên cứu về nghệ thuật viết tiểu
phẩm của Bác.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà báo và phương pháp sáng tạo báo chí,
Đỗ Chí Nghĩa - Luận văn thạc sỹ KHXHNV, chuyên ngành báo chí, H. 2002.
Luận văn đánh giá đầy đủ và có tính hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh
về nhà báo và phương pháp sáng tạo báo chí. Trên cơ sở đó vận dụng tư
tưởng của Người vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn hoạt động báo
chí hiện nay.
Trên đây là một số công trình nghiên cứu có liên quan tới đề tài, tuy
nhiên chưa có công trình nào đề cập đến nghệ thuật viết tiểu phẩm của nhà
báo Hồ Chí Minh một cách toàn diện và có hệ thống. Vì vậy, công trình của
chúng tôi không trùng lắp với bất cứ công trình nào trước đó.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.1. Mục đích
Trên cơ sở làm rõ những nét đặc sắc trong nghệ thuật viết tiểu phẩm
báo chí của nhà báo Hồ Chí Minh, luận văn đề ra những giải pháp để việc vận
dụng kinh nghiệm làm báo của Bác đạt hiệu quả tối ưu, nhằm nâng cao hơn
nữa chất lượng của các tiểu phẩm báo chí hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ sau:
5
- Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tiểu phẩm nói chung và
tiểu phẩm báo chí của Hồ Chí Minh nói riêng.
- Chỉ rõ những nét đặc sắc về nghệ thuật viết tiểu phẩm báo chí của Hồ
Chí Minh, trên cả hai bình diện: nội dung và hình thức.
- Đề xuất một số giải pháp vận dụng kinh nghiệm của Hồ Chí Minh
trong việc viết tiểu phẩm đối với các nhà báo hôm nay.
3.3. Đối tượng nghiên cứu
Nghệ thuật viết tiểu phẩm của nhà báo Hồ Chí Minh.
3.4. Phạm vi nghiên cứu
- Toàn bộ tiểu phẩm của Người (từ năm 1922 - 1968) được tuyển tập
trong cuốn Tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh của tác giả Tạ Ngọc Tấn.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Luận văn dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
- Luận văn sử dụng các phương pháp cụ thể: lịch sử - lôgic, phân tích tổng hợp, thống kê, phỏng vấn chuyên gia.
5. Đóng góp khoa học của luận văn
- Luận văn góp phần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về tiểu
phẩm và những đặc sắc trong nghệ thuật sáng tạo tiểu phẩm của Hồ Chí Minh.
- Rút ra những bài học kinh nghiệm về kỹ năng viết tiểu phẩm hiệu quả
đối với đội ngũ những người hoạt động và sáng tạo báo chí.
6. Ý nghĩa thực tiễn của đề tài
- Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tài liệu tham khảo cho
các nhà hoạt động truyền thông cũng như nhà báo nói riêng trong việc nghiên
cứu về phong cách viết tiểu phẩm của Bác, từ đó học hỏi và nâng cao kỹ năng
viết tiểu phẩm báo chí.
- Luận văn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các
nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên trong các trường, các trung tâm đào tạo về
truyền thông, báo chí.
6
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 03 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về tiểu phẩm và tiểu phẩm trong sự
nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh.
Chương 2: Những nét đặc sắc trong tiểu phẩm báo chí Hồ Chí Minh.
Chương 3: Những giải pháp vận dụng kinh nghiệm của Hồ Chí Minh
trong việc viết tiểu phẩm báo chí.
7
Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TIỂU PHẨM BÁO CHÍ
VÀ TIỂU PHẨM TRONG SỰ NGHIỆP BÁO CHÍ
CỦA HỒ CHÍ MINH
1.1. Một số đặc điểm của tiểu phẩm báo chí
1.1.1. Một số quan niệm về tiểu phẩm
Dù đã có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời (xuất hiện trên thế
giới cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, tại Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20), nhưng
cho đến nay vẫn còn khá ít nghiên cứu lý luận chuyên sâu về vấn đề này. Hơn
nữa, do tiểu phẩm nằm trong miền giao thoa của nhiều thể loại cả văn học và
báo chí, cho nên những các quan niệm về thể loại này vẫn còn nhiều vấn đề
chưa thống nhất.
Trong văn học, tiểu phẩm được dùng để chỉ những tác phẩm có dung
lượng ngắn gọn, phản ánh những hiện thực của đời sống với bút pháp châm
biếm, đả kích và có tính chiến đấu cao.
Tác giả Nguyễn Xuân Nam xếp tiểu phẩm là một dạng của tạp văn:
Trong cuốn Từ điển văn học, ông định nghĩa tạp văn là “những bài văn nghị
luận có tính chất nghệ thuật. Phạm vi của tạp văn rất rộng, bao gồm tạp cảm,
tùy cảm, tiểu phẩm, bình luận ngắn… đặc điểm nổi bật là ngắn gọn”[17].
Ngoài ra trong Từ điển thuật ngữ văn học (Nguyễn Bá Hán, Trần Đình
Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), Nxb Giáo dục, H.2007) thì tiểu phẩm
được coi là thể loại tản văn ngắn gọn, giàu chất trữ tình. Phong cách chung
của văn tiểu phẩm là ở tính hình tượng, cô đọng, tính ngụ ý, ngữ điệu trò
chuyện, bộc lộ trực tiếp nhân cách cá tính tác giả, để lại ấn tượng nhẹ nhàng,
khoáng đạt.
Như vậy, ở đây tiểu phẩm được xếp vào thể loại văn học giàu chất trữ
tình, mang tính chất châm biếm.
8
Xét ở một góc cạnh khác, nhiều nhà nghiên cứu đặc biệt là những
người làm báo lại coi tiểu phẩm là một thể loại báo chí.
Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa - Thông tin,
H.1999) có đưa ra một định nghĩa ngắn gọn: tiểu phẩm là bài báo ngắn nói về
đề tài thời sự có tính chất châm biếm và là một vở kịch ngắn mang tính chất
châm biếm, hài hước.
Nhà báo Bùi Đình Khôi đưa ra khái niệm: “Tiểu phẩm là một thể loại
báo chí ngắn gọn, mang tính văn học, được diễn đạt bằng một ngôn ngữ
châm biếm hoặc hài hước về một sự việc có thực, cụ thể hoặc khái quát, mà
thông qua đó tác giả biểu hiện quan điểm của mình trước những sự việc hoặc
hiện tượng đó”[14].
Nhà nghiên cứu Đức Dũng, trong cuốn sách 100 câu hỏi về cách viết
báo thì coi tiểu phẩm là thể loại văn học nhưng lại tồn tại và phát huy năng
lực chủ yếu trong môi trường báo chí. Với hình thức ngắn gọn, nó phản ánh
hiện thực thông qua các hình tượng nghệ thuật, nhằm tạo ra tiếng cười đả
kích, châm biếm.
Nhà báo Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự) trong bài Tiểu phẩm không phải
là bài nhỏ (Tạp chí Người làm báo số 6/2007) cho rằng tiểu phẩm là thể
loại báo chí “gốc văn”, tiểu phẩm phải ngắn gọn, phải “châm”. Mỗi thể loại
có “chiêu thức” khác nhau và tác dụng cũng khác nhau. Tác dụng lớn nhất
là người đọc tìm đọc và đồng tình, từ đó lay động đến vấn đề, đối tượng
được phản ánh trong bài tiểu phẩm. Do vậy động lực chính của tiểu phẩm
là “tính chiến đấu”.
Có thể thấy, khi đưa ra các quan niệm, định nghĩa trên, các tác giả
thường chỉ dựa trên một góc độ, hoặc một đặc tính nào đó của tiểu phẩm. Ở
mỗi giai đoạn phát triển của nó thì một số tác giả lại phát hiện tiểu phẩm thiên
về báo chí, hoặc có tiểu phẩm thiên về văn học. Do vậy, trong giới nghiên cứu
có sự phân biệt giữa tiểu phẩm báo chí và tiểu phẩm văn học.
9
Tuy nhiên, đứng trên một góc độ hoàn toàn khác, nhà nghiên cứu Tạ
Ngọc Tấn cho rằng: “…, rõ ràng không có lý do tồn tại ranh giới giữa “ tiểu
phẩm báo chí” và “tiểu phẩm văn học”, mà chỉ có một thể loại được gọi với
những tên khác nhau như: “tiểu phẩm”, “tiểu phẩm báo chí” hay “tiểu phẩm
văn học” và tính chất, mức độ, khả năng biểu hiện khác nhau của mỗi tiểu
phẩm”[29, tr.36]. Nói như quan điểm này của tác giả không có nghĩa là tiểu
phẩm là thể loại đứng giữa văn học và báo chí mà tiểu phẩm có một chỗ đứng
chính thức cả trong văn học và báo chí, chỉ có điều việc xét chúng là thể loại
báo chí hay thể loại văn học thì phải xem xét ở ở một góc độ cụ thể của tiểu
phẩm đó mà thôi.
Như chúng ta thấy, văn học và báo chí đều phản ánh hiện thực nhưng
văn học phản ánh một cách gián tiếp, sử dụng phương pháp hư cấu để xây
dựng hình tượng nghệ thuật mang tính điển hình, còn báo chí phản ánh hiện
thực một cách trực tiếp thông qua những hiện tượng, sự vật cụ thể có thật và
mang tính thời sự.
Trong thực tế, tiểu phẩm vừa có tính thẩm mỹ, tính hình tượng nghệ
thuật; vừa có tính thời sự, cụ thể xác thực; vừa thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ
thuật của văn học, vừa bằng ngôn ngữ sinh động, đa dạng của báo chí. Tính
chất văn học và báo chí hòa trộn vào nhau tạo nên nét đặc thù của tiểu phẩm.
Sự tích hợp những ưu thế của hai loại hình văn chương và báo chí đã tạo nên
sức mạnh và hấp lực đặc biệt cho thể loại. Do đó, khó có thể tách bạch cái này
là tiểu phẩm văn học, cái kia là tiểu phẩm báo chí được.
Tuy nhiên, tiểu phẩm ra đời và phát triển trong môi trường báo chí.
Tiểu phẩm phản ánh trực diện, cụ thể, chân thực các sự kiện một cách khách
quan, không thông qua hư cấu như văn học nghệ thuật. Vai trò quyết định của
tiểu phẩm báo chí là nội dung chính trị tư tưởng và tính thời sự nóng hổi. Thời
gian sáng tạo của nhà báo được tính bằng giờ, bằng phút chứ không tính bằng
năm, tháng như các nhà văn. Hơn nữa các nhà văn hay nhà báo khi viết tiểu
10
phẩm đều theo yêu cầu của báo chí, con đường đến với công chúng của tiểu
phẩm là trên mặt báo. Do vậy, luận văn của chúng tôi cũng chủ yếu xem xét
tiểu phẩm dưới góc độ báo chí nên thống nhất dùng khái niệm “tiểu phẩm báo
chí” để chỉ loại tiểu phẩm nói chung.
Từ ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước, luận văn xin được đưa ra
khái niệm tiểu phẩm báo chí như sau: Tiểu phẩm báo chí là những tác phẩm
thuộc nhóm chính luận nghệ thuật, nó là sự kết hợp giữa những phương pháp
thể hiện của báo chí và thủ pháp nghệ thuật của văn học. Với đặc tính ngắn
gọn, tiểu phẩm thể hiện một cách hài hước, châm biếm, đả kích sâu cay về
một sự việc thời sự có thực, qua đó thể hiện quan điểm của tác giả trước sự
kiện, hiện tượng hoặc vấn đề của xã hội.
1.1.2. Đặc trưng của tiểu phẩm báo chí
1.1.2.1. Về dung lượng tiểu phẩm
Tính ngắn gọn: Đó là đặc điểm dễ nhận thấy đối với thể loại tiểu phẩm.
Bởi cụm từ “tiểu phẩm” đã bao hàm ý nghĩa ngắn gọn (tiểu là nhỏ, ít…). Tiểu
phẩm càng ngắn gọn, súc tích bao nhiêu thì sự thu hút đối với công chúng
càng lớn bấy nhiêu. Nếu viết dài sẽ lan man, dễ lạc đề.
Dung lượng của tiểu phẩm thường dao động trong khoảng 300 - 500
chữ. Với tính chất ngắn gọn, tiểu phẩm thường chỉ tập trung giải quyết một
vấn đề đặt ra. Cũng chính sự ngắn gọn ấy là một nét đặc trưng tạo nên tính
hấp dẫn của tiểu phẩm. Ngắn gọn ở đây không phải là cộc lốc, khô khan mà
theo nguyên tắc “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, các tác giả khi viết tiểu phẩm
thường giản lược câu chữ và sử dụng các bút pháp nghệ thuật ngôn từ để làm
sao người đọc dễ tiếp nhận. Chính vì thế nội dung của tiểu phẩm không chỉ
nằm vẻn vẹn trong bấy nhiêu câu chữ mà là ngôn tại ý ngoại, nó khiến người
đọc phải ngẫm nghĩ, đào sâu hơn những thông điệp ẩn ý bên trong câu chữ ấy.
1.1.2.2. Về cảm hứng sáng tạo
Tính châm biếm đả kích: Châm biếm- đả kích là một dạng đặc biệt
trong sáng tác văn học, báo chí, là dùng lời lẽ thâm thuý, vạch trần bản chất
11
của đối tượng, hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Châm biếm gắn liền với lẽ
phải, yêu cầu của châm biếm cũng cao hơn hài hước ở mức độ gay gắt của sự
phê phán và ý nghĩa sâu sắc của hình tượng nghệ thuật. Về phương diện xã
hội, phần lớn các tác phẩm châm biếm thường chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của
dân tộc, những kẻ đi ngược dòng lịch sử, những kẻ phản bội...
Các nhà văn, nhà thơ trào phúng thường có các tác phẩm có giá trị đả
kích bọn thống trị tàn bạo hà khắc, bọn xâm lược và bè lũ phản bội, bán nước
cầu vinh, phê phán, bài trừ những thói hư tật xấu, những tư tưởng không
chính thống, không lành mạnh trong xã hội.
Châm biếm với những đề tài nội bộ thực hiện vai trò tích cực của mình
bằng việc, khi tố cáo cái xấu, cái khuyết điểm, tác động tới sự vận động đi lên
của xã hội.
Trong văn châm biếm thường chứa đựng các ẩn ý khiến kẻ có “tật” phải
“giật mình”, còn người đọc thì thích thú khi phát hiện ra khía cạnh mà tác giả có
ngụ ý nói đến. Đó là hai ý tưởng gặp nhau, tạo nên một ấn tượng khó quên.
Đối với người dân, châm biếm hài hước nhiều khi có tác dụng giáo dục
một cách nhẹ nhàng, sâu xa mà không kém phần hiệu quả. Những đoạn thơ,
đoạn văn được sử dụng một cách đắc địa vừa góp phần bài trừ các tệ nạn xã
hội, vừa có tính xây dựng. Tính bài trừ này thể hiện rõ ở dụng ý phê phán,
thông qua cái hài hước biểu hiện ngay ở nội dung tác phẩm.
Do vậy, khi viết tiểu phẩm, các tác giả thường sử dụng các thủ thuật: so
sánh, ẩn dụ, ví von để tạo tiếng cười sảng khoái, sâu sắc và mang lại hiệu
quả cao.
Tính trào phúng: Theo Từ điển tiếng Việt thì “trào phúng nghĩa là có
tác dụng gây cười để châm biếm, phê phán” [47, tr.1311].
Trào phúng không chỉ là nét đặc biệt của sáng tác văn học, báo chí mà
còn là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật trong đó các yếu tố của tiếng cười
mỉa mai, châm biếm, phóng đại, khoa trương, hài hước... được sử dụng để chế
12
nhạo, chỉ trích, tố cáo, phản kháng... những cái tiêu cực, xấu xa, lỗi thời, độc
ác trong xã hội.
Trào phúng có nghĩa là dùng lời nói bóng bẩy, kín đáo để mỉa mai kẻ
khác. Trong tiểu phẩm báo chí, trào phúng gắn liền với phạm trù mỹ học. Văn
trào phúng bao gồm một lĩnh vực rộng lớn với những cung bậc và âm hưởng
khác nhau, từ những mẩu chuyện tiếu lâm, các vở hài kịch đến thơ trào
phúng, thậm chí cả Tiểu thuyết (như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng chẳng hạn).
Đó là sự bao trùm của tiếng cười trong lĩnh vực văn học và báo chí.
Trào phúng là sự hài hước, diễu cợt, vạch ra cái lố bịch, kỳ khôi để răn
đời nên tính hài hước của nó được biểu hiện bằng tiếng cười trào lộng. Đối
tượng của tiếng cười là các hành vi, bản chất xấu xa của một cá nhân, một
tầng lớp, thậm chí một giai cấp nào đó trong cộng đồng khiến độc giả bật cười
- đó cũng chính là đặc điểm nổi bật của trào phúng. Tính gây cười đặc biệt
này chính là công cụ quan trọng để đả kích cái xấu còn tồn tại trong xã hội.
Đồng thời nó cũng là thang thuốc bổ giúp mọi người quên đi bao lo toan, khó
nhọc trong cuộc sống và cố gắng vươn lên để hoàn thiện bản thân mình.
Tính đả kích: Tiểu phẩm báo chí còn được sử dụng để đả kích, phê
phán và lên án gay gắt những hành vi xấu xa, bỉ ổi cũng như những hành
động thù địch của kẻ thù. Đối tượng bị đả kích có thể có tên tuổi, địa chỉ rõ
ràng. Đả kích có tác dụng rõ rệt là đánh gục đối phương về mặt tinh thần.
Trong tiểu phẩm báo chí, tính đả kích, hài hước được thể hiện bằng cái
cười nghiêm khắc đối với cái xấu xa bị bóc trần khỏi vỏ bọc ngoài đẹp đẽ, giúp
cho người đọc có thái độ đúng đắn với tiêu cực, cái xấu và dễ dàng nhận diện
được nó trong những cái tưởng như rất nhỏ bé, bình thường trong cuộc sống.
1.1.2.3. Về đối tượng phản ánh
Đối tượng phản ánh của tiểu phẩm báo chí là các vấn đề, sự việc tiêu
cực, không hợp thời, có tính thời sự, được xã hội quan tâm
Đối tượng phản ánh của báo chí nói chung đều là hiện thực xã hội. Đối
tượng phản ánh của tiểu phẩm cũng là hiện thực của đời sống xã hội nhưng lại
13
tiếp cận từ mặt trái, từ những khoảng tối. Đó là bản chất phản động, dối trá vô
nhân đạo của kẻ thù; những mặt tiêu cực, đi ngược lại lợi ích dân tộc; hay
những thói hư, tật xấu, lố lăng, kệch cỡm, những hủ tục lạc hậu còn tồn tại
trong đời sống xã hội.
Điều đặc sắc và hấp dẫn của tiểu phẩm ở chỗ, thường thì đối tượng
phản ánh của tiểu phẩm không được nêu ra, phơi bày một cách trực tiếp, trực
diện, mà chúng được biểu hiện thông qua những hình ảnh ví von, ẩn dụ, so
sánh đối chiếu. Từ đó, tiểu phẩm luôn tạo được sự bất ngờ, thú vị, tạo được
tiếng cười cho người đọc. Vì vậy, nhiệm vụ của tiểu phẩm là phát hiện ra cái
xấu, lôi cái xấu ra để chế diễu, phê phán.
Tuy nhiên, cái cười ở đây không chỉ là tiếng cười đơn thuần, mà theo
Tác giả Tạ Ngọc Tấn: tiểu phẩm “lôi” cái xấu ra cười là để nhằm xoá bỏ cái
xấu, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Với tư liệu là hiện thực cuộc sống, tiểu phẩm phản ánh cuộc sống
bằng các sự kiện, sự việc có thực. Và sự việc đó có tính thời sự được xã hội
quan tâm.
Hiện thực trong tiểu phẩm không phải tạo nên do hư cấu như trong văn
học mà chúng là sự việc, hiện thực có thật qua đó tác giả nêu ra, lên án, vạch
trần cái xấu cái ác nhằm hướng tới những điều tốt đẹp.
Như vậy, là một thể loại báo chí có tính chiến đấu cao, tiểu phẩm bao
giờ cũng phản ánh những hiện tượng, sự kiện, sự việc có thực nhưng phải
mang tính thời sự, đó không phải là những cái đã qua, những sự việc đã quá
cũ kĩ ít được ai nhắc tới nữa mà đó là những sự việc đang hiện diện, đang
được xã hội quan tâm còn những cái cũ xuất hiện hiện trong tiểu phẩm chỉ
góp phần làm bối cảnh cho sự kiện đang định đề cập tới mà thôi. Thêm vào
đó, những vấn đề tiểu phẩm phản ánh, mặc dù là nhỏ nhặt, thậm chí vặt vãnh,
nhưng bao giờ cũng chứa đựng những vấn đề được xã hội quan tâm và mang
ý nghĩa xã hội rộng lớn.
14
1.1.2.4. Về mục đích sáng tạo
Mục đích tiểu phẩm là nêu ra cái xấu để phê bình lên án cái xấu: Báo
chí nói chung phản ánh hiện thực khách quan thông qua các sự kiện, sự việc
cụ thể nhằm nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là biểu dương cái tốt, một
điển hình tiên tiến, có khi là phổ biến kinh nghiệm, hoặc đôi khi chỉ là thông
tin một sự kiện, một vấn đề thời sự, cũng có khi là sự phê bình đấu tranh với
những hiện tượng tiêu cực. Một tác phẩm báo chí có thể có nhiều mục đích:
vừa thông tin, vừa biểu dương, vừa phổ biến kinh nghiệm, vừa trao đổi kinh
nghiệm về đấu tranh chống tiêu cực… Riêng tiểu phẩm được các nhà báo
khái quát cuộc sống thì cái cuối cùng mọi tiểu phẩm hướng đến là phê phán
cái xấu, cái tiêu cực.
1.2. Vai trò của tiểu phẩm trong việc hình thành phong cách nhà
báo Hồ Chí Minh
1.2.1. Vài nét khái quát về sự nghiệp báo chí của Hồ Chí Minh
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó hết
sức mật thiết với hoạt động báo chí. Năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu
nước. Trong quá trình lao động, học hỏi và giác ngộ cách mạng, Bác bắt đầu
quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí.
Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, tuy vốn ngôn ngữ chưa đủ để viết báo nhưng
với tinh thần quyết tâm cao, Bác tự học tiếng và học làm báo.
Ngày 28/6/1919, Hội nghị các nước thắng trận và bại trận trong Chiến
tranh Thế giới lần thứ nhất khai mạc tại Véc-xay. Đại diện cho nhóm người
yêu nước tại Pari và các tỉnh khác ở Pháp, Bác viết và gửi đến Hội nghị bản
yêu sách 8 điểm đòi quyền lợi cho nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bài viết
nổi tiếng đầu tiên của Bác được cơ quan ngôn luận Đảng Xã hội Pháp đăng
dưới nhan đề "Quyền các dân tộc". Trong bài này, Bác đã mạnh bạo đưa ra 8
yêu sách thiết thực đấu tranh đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền
độc lập tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, trong đó có
cả quyền tự do tư tưởng và tự do báo chí...
15
Năm 1921, Bác (với tên Nguyễn Ái Quốc) cùng một số người khác
thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và năm 1922 lập ra tờ Le Paria (Người
cùng khổ) là cơ quan ngôn luận của Hội. Le Paria thể hiện tinh thần đoàn kết
và giải phóng con người, số đầu xuất bản ngày 1/4/1922. Nguyễn Ái Quốc trở
thành nòng cốt của tờ báo: vừa là biên tập viên chính, vừa là phóng viên,
nhiếp ảnh viên kiêm việc tổ chức, quản lý, phát hành và Bác đã viết tới 38 bài
cho báo này.
Tháng 11/1924, Bác được Quốc tế Cộng sản phân công về Quảng Châu
(Trung Quốc), tổ chức huấn luyện cán bộ cách mạng, thành lập Việt Nam
Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội với báo Thanh niên là cơ quan ngôn
luận. Tháng 12/1926, Bác lập ra báo Công nông cho giai cấp công nhân và
nông dân nước ta. Tháng 1/1927, báo Lính kách mệnh (tiền thân của báo
Quân đội nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng
được Bác sáng lập. Các báo này đều xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt và
còn có cả một số tin, bài bằng tiếng Hán, Pháp, Anh..., với hình thức mới mẻ
mà gần gũi, nội dung phong phú nhưng luôn bám sát các chủ trương, mục
tiêu cách mạng.
Tháng 1/1941 Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 thành lập
Mặt trận Việt Minh, cho ra tờ báo Việt Nam độc lập từ năm 1941 và báo Cứu
quốc từ năm 1942. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951,
Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng. Ngoài
sáng lập, tổ chức hoạt động, Bác còn còn là cộng tác viên nhiệt tình của
nhiều tờ báo lớn. Chỉ riêng với báo Nhân dân, từ số 1 ngày 11/3/1951 đến
số 5526 ngày 1/6/1969, Bác đã gửi tới và được đăng 1205 bài viết với 23
bút danh khác nhau.
Bác đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt
Nam và việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm báo. Ngày 17/8/1952, trong buổi nói
chuyện tại trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng núi Việt Bắc, Bác nêu rõ 4
16
vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: "Viết cho ai? Viết để làm gì ? Viết
cái gì ? Viết như thế nào?" và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn
đề đó. Bác luôn khẳng định giá trị to lớn của báo chí: "Báo chí là công cụ
tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...", "Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh
nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...".
Suốt hơn nửa thế kỷ gắn bó với báo chí, Bác để lại một sự nghiệp báo
chí đồ sộ. Trên 2.000 bài viết với 53 bút danh khác nhau, đó thực sự là một
con số đáng nể phục đối với bất kỳ người cầm bút nào. Báo chí của Người
được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga,
Anh... với chủ đề đa dạng, sinh động; văn phong vừa độc đáo vừa gần gũi,
dễ hiểu. Toàn bộ những bài viết của Người đều nhất quán trong tôn chỉ,
mục đích, quan điểm chính trị; đa dạng về thể loại và phương thức thể hiện.
Những điều đó góp phần tạo nên sự đa dạng về phong cách viết báo của Hồ
Chí Minh.
Bác là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ, phát triển nền
báo chí cách mạng Việt Nam. Bác còn đưa ra các tư tưởng, phương pháp báo
chí mới mẻ, tiến bộ phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện
đại trên thế giới. Bác không những là một lãnh tụ chính trị kiệt xuất, một danh
nhân văn hoá đáng khâm phục, mà còn thực sự là một nhà báo vĩ đại.
Đến với nghiệp báo trong quá trình hoạt động cách mạng, đó không
phải là sự tình cờ mà là sự lựa chọn đúng đắn và có tính mục đích của Người.
Tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, đặc biệt với sự tự do báo chí ở đó,
Người đã sớm nhận thấy rõ vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền cổ vũ
tập thể, một thứ vũ khí lợi hại trong công tác tư tưởng. Hơn nữa, nghề báo là
nghề đi nhiều, tiếp xúc nhiều với mọi mặt đời sống xã hội, nhờ đó người làm
báo có cái nhìn bao quát và nhiều chiều về cuộc sống con người của mọi tầng
lớp xã hội. Đó là tiêu chí cần thiết với một nhà cách mạng chân chính trong
quá trình tìm con đường giải phóng con người.
17
Trong quá trình vào nghề, Người luôn miệt mài, khổ luyện từng bước
học hỏi phấn đấu không ngừng nghỉ. Nghề báo vốn là nghề nghiệt ngã nhưng
với Người, khó khăn ấy là khó khăn kép bởi Bác phải mở đầu sự nghiệp báo
chí bằng thứ ngôn ngữ xa lạ trên một đất nước xa lạ. Từ những tin vắn chỉ 3-5
dòng, dần dần quen tay viết dài thêm 15 - 20 dòng rồi cả một cột, bài dài. Số
bài báo cũng tăng dần lên theo từng năm tháng (năm 1919: 4 bài, đến năm
1922: 27 bài, năm 1924: 60 bài). Như vậy, ta có thể thấy được phần nào quá
trình phấn đấu gian nan không ngừng nghỉ của Người. GS Hà Minh Đức có
nhận xét: “ Như thế các bài tăng dần vào những năm sau. Một năm viết 60
bài báo bằng tiếng nước ngoài, lại triển khai trên nhiều đề tài khác nhau
càng chứng minh sức nghĩ, sức viết của một ngòi bút tài năng” [5, tr.39].
Tài năng của Hồ Chí Minh còn thẻ hiện ở chỗ: hiếm có một vị lãnh tụ
hoặc nhà báo nào làm báo bằng nhiều thứ tiếng như Bác. Ngoài tiếng Pháp
Hồ Chí Minh còn viết báo cho tờ Tiếng còi, và tờ Quốc tế cộng sản bằng
tiếng Nga, tờ Cứu vong nhật báo bằng tiếng Trung Quốc… Người còn tham
gia thành lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) tại Pháp.
Hồ Chí Minh còn là người thầy vĩ đại, người sáng lập, tổ chức và bồi
dưỡng nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những tờ báo do Bác thành lập
như: Thanh Niên, Việt Nam độc lập đã trở thành tiếng nói, cơ quan ngôn
luận cho nhân dân cũng như nơi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Hiểu rõ
được vai trò to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, nên không chỉ
phấn đấu để trở thành một nhà báo kiệt xuất, Người còn luôn có ý thức
truyền lại cho các đồng nghiệp lớp sau những kinh nghiệm và kỹ năng quý
quý báu mình đã khổ công tích lũy được. Bác đặc biệt quan tâm tới việc
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí: mở lớp học, gửi thư thăm hỏi, khuyên
bảo, trao đổi kinh nghiệm hữu ích…
Với một tư duy sắc sảo, một ngòi bút tài hoa và năng động, một tấm
lòng trung thực và bản lĩnh vững vàng, một vốn tri thức giàu có và lòng yêu
18
nghề sâu sắc, tất cả đã tạo nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh - một phong
cách độc đáo. Sự nghiệp báo chí Hồ Chí Minh là di sản to lớn tạo nền tảng
quan trọng cho sự phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
1.2.2. Tiểu phẩm báo chí trong sự nghiệp sáng tạo của nhà báo Hồ
Chí Minh
Ngay từ đầu những năm 20 ở nước ngoài, Hồ Chí Minh dưới bút danh là
Nguyễn Ái Quốc đã viết một loạt tiểu phẩm bằng tiếng Pháp, đăng tải trên tờ
Người cùng khổ (Le Paria) và tờ Nhân đạo (L’Humanité). Đó là các tác phẩm:
Thù ghét chủng tộc (Le Paria, số 4, 1/7/1922), Sở thích đặc biệt (Le Paria, số 5,
1/8/1922), Chế độ nô lệ “hiện đại hóa” (L’Humanité, 26/10/1922), Sự chăm sóc
ân cần (L’Humanité, 2/11/1922 ), … Sau những năm 1936 - 1939 tiểu phẩm
tiếp tục phát triển và được đăng tải trên các báo chí cách mạng: Người Cùng
Khổ từ năm 1922 đến 1925, Cứu Vong Nhật Báo (Trung Quốc) 1940, Cứu
Quốc, Sự Thật, Nhân Dân, từ 1941 đến 1968. Trong đó, từ năm 1950 đến năm
1967, Bác đã viết 19 tiểu phẩm lên án sự can thiệp chính trị và vũ trang của
Mỹ vào Đông Dương và Việt Nam; vạch trần âm mưu thâm độc trong chiến
tranh "xâm lược văn hoá" của chúng đối với Việt Nam và nhiều quốc gia trên
thế giới. Và cứ thế, hàng trăm tiểu phẩm mẫu mực của Người, dưới nhiều bút
danh, được đăng tải trên các báo chủ yếu là báo Nhân dân từ thời kỳ chống
thực dân Pháp đến khi Người qua đời.
Người được coi là một bậc thầy về thể loại này bởi nghệ thuật viết tiểu
phẩm rất đặc sắc. Theo Từ điển tiếng Việt nghệ thuật được hiểu là “phương
pháp, phương thức giàu tính sáng tạo”[47, tr.871]. Ở đây, tiểu phẩm báo chí
Hồ Chí Minh có nhiều nét sáng tạo đặc sắc, đạt hiệu quả thẩm mỹ và giá trị
tinh thần cao, tạo nên một phong cách riêng không thể trộn lẫn. Những nét
đặc sắc ấy chính là nghệ thuật viết tiểu phẩm của Người.
Trả lời một nhà báo nước ngoài về sự nghiệp báo chí của mình, Người
xác nhận: “Tôi là cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là nhà tuyên
19
truyền - tôi cũng không tranh cãi; nhà cách mạng chuyên nghiệp - là đúng
nhất” [42].
Đúng vậy, Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng chuyên nghiệp tài ba,
một nhà báo, một cây bút tiểu phẩm xuất chúng. Trong vai trò là một nhà báo
cách mạng, đối với từng thể loại báo chí, Người đều khai thác và nắm bắt
được những ưu thế vượt trội của chúng để đạt được mục đích tuyên truyền.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người sử dụng báo chí để tố cáo tội ác
của kẻ thù xâm lược, phê phán những mặt xấu của xã hội và tuyên truyền cho
người dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Trong đó, tiểu phẩm
báo chí cũng là thể loại được Người ưa dùng. Tiểu phẩm của Người phong
phú và độc đáo về phong cách thể hiện cũng như nghệ thuật ngôn từ, đã tạo
nên một nét rất riêng biệt trong phong cách tiểu phẩm Hồ Chí Minh.
Nội dung tiểu phẩm Hồ Chí Minh rất phong phú, phản ánh nhiều chiều,
nhiều khía cạnh về bản chất xấu xa, vô nhân đạo của kẻ thù - những kẻ dưới
vỏ bọc là “nước mẹ” đi “khai hóa văn minh” cho các nước khác, được thể
hiện thông qua mối quan hệ nhân dân ta và kẻ thù, các quan hệ giữa nội bộ
chúng, giữa chúng với nhân dân lao động thế giới và phe xã hội chủ nghĩa…
Trong những mối quan hệ đó, tiểu phẩm Hồ Chí Minh lại đề cập nhiều mặt
như kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội… để từ đó lên án bản chất
phản động của kẻ thù, cổ vũ, động viên nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh
giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Những sự kiện, sự việc được miêu tả trong tiểu phẩm Hồ Chí Minh
luôn nóng hổi, tươi mới, phản ánh đúng bản chất, đối tượng, phục vụ kịp thời
nhiệm vụ chính trị. Những sự việc tưởng như đơn giản của quân xâm lược
nhưng dưới nhãn quan của một nhà chính trị từng trải, người luôn nhạy bén
tinh tường phát hiện ra bản chất, điểm huyệt những sự xấu xa tàn bạo đằng
sau bộ mặt đạo đức giả của kẻ thù. “Nước mẹ” Pháp, hay đế quốc Mỹ thường
rêu rao với thế giới với người dân là mang “văn minh” cho các nước thuộc địa
20
như xây trường học, gửi sách vở,… nhưng kỳ thực thì: trường học hết sức
thiếu thốn. Chúng “ban” cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện
và ty rượu, còn những sách vở tiến bộ đều bị cấm, thay vào đó là sách tuyên
truyền chiến tranh, tâng bốc phản động, ca tụng phát-xít… Tất cả những hành
động dối trá, độc ác ấy đều được phơi bày dưới ngòi bút tinh tường, sắc bén
của Hồ Chí Minh.
Tiểu phẩm Hồ Chí Minh thể hiện rõ phong cách ngôn ngữ của Người:
vừa ngắn gọn, dễ hiểu, vừa giản dị lại đậm chất thuần Việt phù hợp với đối
tượng người đọc. Các tiểu phẩm có dung lượng chỉ trên dưới 200 chữ, nhưng
với dẫn chứng rõ ràng mạch lạc, lập luận khúc chiết, đem lại hàm lượng thông
tin cao.
Bên cạnh đó, chúng còn mang lại tiếng cười sâu cay, nhằm lên án vạch
mặt kẻ thù. Người khéo léo lợi dụng những mâu thuẫn, lục đục ngay chính
bên trong nội bộ kẻ thù để vạch trần bộ mặt xảo trá và giả dối của chúng.
Dưới ngòi bút thiên biến vạn hóa của Hồ Chí Minh, kẻ thù tự lộ bản chất của
mình thông qua những hành động, lời nói, tin tức báo chí của chúng. Chính sự
thú nhận đó làm cho thông tin trở nên khách quan, độ tin cậy cao hơn, chân
thật hơn, thuyết phục hơn.
Với sự đa dạng về phong cách thể hiện cũng như phong cách dùng từ
đặt câu ngắn gọn, lối lập luận đơn giản, khúc chiết, tiểu phẩm Hồ Chí Minh
có tính tư tưởng sâu sắc, tính chiến đấu cao, tạo nên cái cười sâu cay mà vẫn ý
nhị khách quan, mang tính thời sự, đã tạo nên một phong cách báo chí rất
riêng có của nhà báo Hồ Chí Minh.
Tiểu kết chương 1
Xuất phát từ nhu cầu xã hội và nhiệm vụ của báo chí, tiểu phẩm báo chí
tuy ra đời muộn nhưng nó chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống báo
chí và xã hội. Với đặc trưng ngắn gọn, xúc tích cùng với tính châm biếm và
chất hài, tiểu phẩm bám sát được những vấn đề xã hội quan tâm.
21
Hồ Chí Minh, một bậc thầy về thể loại tiểu phẩm, bên cạnh những thể
loại báo chí khác, Người đã chọn thể loại tiểu phẩm để lên tiếng đấu tranh
chống lại kẻ thù, giành lại hòa bình, ấm no cho đất nước. Tiểu phẩm báo chí
của Người trở thành một bộ phận quan trọng, không thể tách rời trong di sản
báo chí Hồ Chí Minh. Thông qua tiểu phẩm của Người, chúng ta thấy được
tài năng của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh đồng thời thấy được cốt cách
của một người thầy vĩ đại trong làng báo Việt Nam.