Tải bản đầy đủ (.pdf) (214 trang)

Hôn nhân của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.36 MB, 214 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

CHU QUANG CƯỜNG

HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI DAO HỌ
Ở HUYỆN BẢO THẮNG TỈNH LÀO CAI

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

HÀ NỘI - 2016


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

CHU QUANG CƯỜNG

HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI DAO HỌ
Ở HUYỆN BẢO THẮNG TỈNH LÀO CAI
Chuyên ngành: Nhân học
Mã số: 62310302

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. TS. LÝ HÀNH SƠN
2. TS. VI VĂN AN


HÀ NỘI - 2016


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan rằng, bản luận án tiến sĩ:
HÔN NHÂN CỦA NGƯỜI DAO HỌ
Ở HUYỆN BẢO THẮNG, TỈNH LÀO CAI

là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả được nêu
trong luận án là trung thực, các trích dẫn trong công trình đầy đủ, chính xác.
Số liệu và kết quả của luận án chưa từng được ai công bố trên bất cứ công
trình nào. Nếu có gì sai phạm tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Tác giả

Chu Quang Cường


LỜI CÁM ƠN

Để hoàn thành bản luận án Tiến sĩ với đề tài “Hôn nhân của người
Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai”, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi
đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, quý báu của tập thể giáo viên hướng dẫn, TS.
Lý Hành Sơn, TS. Vi Văn An. Nhân dịp này, cho phép tôi được bày tỏ lòng
biết ơn chân thành đến hai thầy.
Tôi xin gửi lời cám ơn tới tập thể các Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên bộ
môn Dân tộc học của Học viện Khoa học Xã hội thuộc viện Hàn lâm Khoa
học Xã hội Việt nam đã giúp đỡ tôi về chuyên môn, cả trong học tập và nghiên
cứu khoa học trong suốt quá trình học tập.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn các Giáo Sư, Tiến sĩ, Cán bộ Bảo tàng Dân
tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học; các anh chị em, bạn bè đồng nghiệp, và
gia đình tôi - những người đã tận tình động viên, khuyến khích, góp ý, giúp tôi
hoàn thành luận án này.
Tôi xin gửi tới lãnh đạo Sở Văn hoá tỉnh Lào Cai, phòng Văn hoá
Thông tin huyện Bảo Thắng, Uỷ ban Nhân dân các xã thuộc huyện Bảo
Thắng tỉnh Lào Cai và một số nơi khác, cùng cộng đồng người Dao Họ, người
Dao Tuyển, người Dao Đỏ,… sinh sống tại tỉnh Lào Cai nơi tác giả đến
nghiên cứu điền dã, đã nhiệt tình giúp đỡ và cung cấp thông tin và tư liệu dân
tộc học cho tôi với lòng biết ơn sâu sắc.
Hà Nội, tháng 3 – 2016

Tác giả luận án


BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
1.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

BTDTHVN

2.

Chủ tịch

CT

3.


Dân tộc học

DTH

4.

Giáo sư

GS

5.

Hà Nội

HN

6.

Hội người cao tuổi

HNCT

7.

Mặt trận

MT

8.


Nhà xuất bản

Nxb

9.

Phó giáo sư

PGS

10. Phụ lục

PL

11. Tạp chí

Tc

12. Tiến sĩ

TS

13. Trang

Tr

14. Văn hoá dân tộc

VHDT


15. Văn hoá thông tin

VHTT

16. Văn hoá dân gian

VHDG

17. Uỷ ban Nhân dân

UBND


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 1
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT VÀ KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI DAO HỌ Ở HUYỆN BẢO
THẮNG, TỈNH LÀO CAI ................................................................................... 9
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu.................................................................. 9
1.2. Cơ sở lý thuyết .............................................................................................16
1.3. Khái quát về người Dao ở Việt Nam và người Dao Họ ở huyện Bảo
Thắng, tỉnh Lào Cai ...........................................................................................24
Tiểu kết chương 1 ...............................................................................................39
Chương 2. HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI DAO HỌ .........41
2.1. Quan niệm về hôn nhân ..............................................................................41
2.2. Nguyên tắc hôn nhân ..................................................................................45
2.3. Tính chất và hình thức hôn nhân ..............................................................52
2.4. Nghi lễ hôn nhân..........................................................................................54
2.5. Các trường hợp hôn nhân đặc biệt ............................................................80
2.6. Luật tục xử phạt của dòng họ, làng bản ...................................................82

Tiểu kết chương 2 ...............................................................................................85
Chương 3. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA HÔN NHÂN........................................87
3.1. Tiền đề và mốc thời gian của sự biến đổi ..................................................87
3.2. Các yếu tố biến đổi ......................................................................................89
3.3. Nguyên nhân của sự biến đổi ...................................................................111
Tiểu kết chương 3 .............................................................................................122
Chương 4. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN ..........................................................124
4.1. Kết quả .......................................................................................................124
4.2. Bàn luận .....................................................................................................130
Tiểu kết chương 4 .............................................................................................141
KẾT LUẬN .......................................................................................................143


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Người Dao Họ còn có tên gọi Dao Quần Trắng, là một trong bảy nhóm địa
phương của dân tộc Dao sống trên đất nước Việt Nam. Theo kết quả Tổng điều
tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Dao có 751.067 nhân khẩu, phân bố cư trú
chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên
Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Hòa
Bình... Gần đây còn có một bộ phận người Dao từ các tỉnh phía Bắc di chuyển
vào sinh sống tại một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đến năm
2009, riêng tỉnh Lào Cai đã có tới 88.379 người Dao, chiếm 14,4% dân số toàn
tỉnh và 11,8% tổng số người Dao ở Việt Nam.
Qua nhiều công trình đã công bố cho thấy, dân tộc Dao ở nước ta vốn có
nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc di cư đến Việt Nam từ thế kỷ thứ XIII đến
những năm đầu thế kỷ XX, bao gồm các nhóm địa phương như: Dao Đỏ, Dao
Tuyển (Dao Áo Dài), Dao Tiền, Dao Quần Trắng, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh
Y, Dao Lô Gang (Dao Thanh Phán).

Đến nay có không ít ấn phẩm nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam và đã
tập trung vào hầu hết các lĩnh vực liên quan đến nguồn gốc lịch sử tộc người, đời
sống kinh tế, văn hóa vật chất, tôn giáo tín ngưỡng, nghi lễ đời người... Tuy
nhiên, phần lớn những nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở một vài nhóm Dao
như Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Tuyển, Dao Lô Gang, Dao Quần Chẹt... Vì vậy,
trong bối cảnh đổi mới hiện nay, vẫn còn thiếu vắng những chuyên khảo Dân
tộc học/Nhân học về gia đình và hôn nhân của tộc người Dao nói chung, nhất
là về hôn nhân của người Dao Họ nói riêng. Trong khi đó, hôn nhân là một
trong những biểu hiện sắc thái độc đáo của văn hóa dân tộc cũng như quá

1


trình tộc người, là một hướng tiếp cận, một nội dung nghiên cứu quan trọng
của ngành Dân tộc học/Nhân học.
Qua khảo sát cho thấy, hôn nhân truyền thống của người Dao Họ luôn gắn
liền với tập quán, nơi cư trú, hay nói cách khác là gắn liền với ngôi nhà. Hiện
nay, ngôi nhà nửa sàn nửa đất cổ truyền của người Dao Họ đang được trưng bày
tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN). Tuy nhiên, dạng nhà này hiện
đã không còn tồn tại ở vùng người Dao Họ nữa. Trong khi đó, tại các địa bàn
người Dao ở nước ta nói chung và người Dao Họ nói riêng, dưới sự tác động của
sự nghiệp đổi mới đất nước và giao lưu hội nhập, nhất là các chính sách đầu tư
phát triển của Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng làm thay đổi diện mạo vùng
người Dao Họ sinh sống.
Theo đó, đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa và cả tập quán hôn nhân ở tộc
người Dao đã và đang có nhiều biến đổi. Cụ thể là, tình trạng hôn nhân hỗn hợp
dân tộc đã xuất hiện và đang ngày càng gia tăng, nhiều tập quán tốt đẹp liên quan
đến hôn nhân truyền thống đang dần mai một, không ít yếu tố mới mang tính
hiện đại đã và đang xuất hiện trong các nghi lễ liên quan đến hôn nhân ở người
Dao Họ, và đây cũng là xu hướng chung ở nhiều nhóm Dao. Bởi vậy, những tư

liệu thu thập được về hôn nhân của người Dao Họ ở nước ta hiện nay chắc chắn
góp phần bổ sung thêm nguồn vốn tư liệu về hôn nhân và lối sống của dân tộc
Dao nói chung cũng như của người Dao Họ nói riêng.
Trong hơn mười năm qua, tôi đã và đang công tác tại BTDTHVN, được
giao đảm trách về ngôi nhà nửa sàn nửa đất của người Dao Họ trong khuôn viên
Bảo tàng. Vì thế, nghiên cứu về văn hóa hôn nhân của người Dao Họ một cách
chi tiết và có hệ thống sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về tập quán trong chu kỳ
đời người từ lúc sinh ra cho tới khi về với tổ tiên cũng như bao nghi lễ khác gắn
với ngôi nhà truyền thống. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu này còn trợ giúp
chúng tôi có thêm những kiến thức mới về các đặc điểm phong tục, tập quán

2


truyền thống của người Dao liên quan đến ngôi nhà nửa sàn nửa đất khi thuyết
minh cho khách đến tham quan BTDTHVN.
Với những lý do vừa đề cập ở trên, tôi quyết định chọn đề tài: Hôn nhân
của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai làm luận án tiến sĩ Nhân
học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Giới thiệu có hệ thống những đặc điểm và nghi lễ trong hôn nhân truyền
thống và biến đổi của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
- Chỉ rõ những yếu tố tác động đến sự biến đổi trong hôn nhân của người
Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, bước đầu đề xuất một số kiến nghị nhằm
bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong hôn nhân của người Dao Họ ở huyện
Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là người Dao Họ sinh sống trên địa

bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Trong đó, luận án đi sâu nghiên cứu hôn
nhân truyền thống và những biến đổi kể từ Đổi mới năm 1986 đến nay. Ngoài ra,
một số tộc người sinh sống đan xen với người Dao Họ có quan hệ hôn nhân với
người Dao Họ cũng được xem xét nghiên cứu.
Về phạm vi, đề tài luận án tập trung nêu rõ những quan niệm, các hình
thức, tập quán và nghi lễ trong hôn nhân truyền thống và biến đổi hiện nay của
người Dao Họ trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Theo đó, mốc thời
gian nghiên cứu về biến đổi trong hôn nhân được tính từ Đổi mới đất nước năm
1986 đến nay, nhất là thời gian gần đây.

3


3.2. Địa bàn nghiên cứu
Địa bàn khảo sát, nghiên cứu của luận án tập trung chủ yếu tại huyện Bảo
Thắng, tỉnh Lào Cai.
Do đặc điểm sinh sống của người Dao Họ tập trung, quây quần trong các
làng bản, nên chúng tôi lựa chọn điểm nghiên cứu chính gồm các sau; xã Sơn
Hà, xã Phú Nhuận, xã Sơn Hải, xã Lu của huyện Bảo Thắng - nơi có nhiều người
Dao Họ sinh sống để nghiên cứu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu
những thôn bản có người Dao Họ sinh sống tại một số xã thuộc huyện Bảo
Thắng như các xã Thái Niên, Trì Quang... để có cái nhìn toàn diện hơn về hôn
nhân của nhóm Dao này.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Trước hết, luận án dựa trên quan điểm triết học của chủ nghĩa duy vật biện
chứng, duy vật lịch sử để nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong hôn nhân. Từ khi
tiến hành nghiên cứu, tác giả không xem xét và nhìn nhận hôn nhân như là một
thành tố tồn tại độc lập mà đặt nó trong bối cảnh văn hóa ứng xử về hôn nhân
của cộng đồng người Dao Họ, đồng thời đặt hôn nhân trong quan hệ với các

thành tố văn hóa khác. Vì thế, khi nghiên cứu về hôn nhân, tác giả không dừng
lại ở việc nghiên cứu về hôn nhân mà còn nghiên cứu các hiện tượng văn hóa
khác của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng để xâu chuỗi các sự vật, hiện tượng
nhằm tìm ra những giá trị văn hóa xã hội của hôn nhân, lý giải về bản chất hôn
nhân. Luận án cũng đặt người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng trong mối quan hệ
giữa nhiều nhóm Dao và với các tộc người láng giềng, từ đó làm rõ đặc trưng
riêng về hôn nhân người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng.
Dựa vào lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử, khi nghiên cứu về hôn nhân,
nhất là các nghi lễ hôn nhân, tác giả coi đây là một thành tố khả biến, tức phải

4


đặt trong bối cảnh lịch sử, có hình thành, phát triển và biến đổi, để từ đó làm cơ
sở để giải thích về những biến đổi trong hôn nhân của người Dao Họ ở huyện
Bảo Thắng trong giai đoạn hiện nay dưới tác động từ các yếu tố.
Luận án còn dựa trên những tác phẩm của các nhà kinh điển Chủ nghĩa
Mác - Lênin về hôn nhân, tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm của Đảng
ta về chính sách dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã dân tộc học
Đây là phương pháp nghiên cứu chủ đạo của luận án. Từ năm 2001 tôi đã
điền dã nhiều đợt vào các thời điểm khác nhau, nhưng từ khi có quyết định làm
nghiên cứu sinh của Học viện Khoa học xã hội, tôi mới chú trọng và dành nhiều
thời gian vào đề tài đã chọn. Từ đó, tôi đã tham dự 5 đám cưới hỏi của các đôi
vợ chồng trẻ người Dao Họ, trực tiếp chứng kiến từ các nghi lễ ăn hỏi đến kết
thúc đám cưới, thu thập được nhiều tư liệu quý cho việc hoàn thành luận án.
Trong quá trình điền dã dân tộc học, tôi sử dụng chủ yếu các công cụ: quan sát
trực tiếp, quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm...
Tại địa bàn nghiên cứu, chúng tôi áp dụng công cụ quan sát trực tiếp và

quan sát tham dự để có được những đánh giá bước đầu về điều kiện tự nhiên,
hoạt động sản xuất và cách thức tổ chức nghi lễ tín ngưỡng... của người Dao Họ.
Chúng tôi luôn tiếp cận với người dân Dao Họ ở nhiều lứa tuổi và giới tính khác
nhau, để tạo mối quan hệ thân thiện nhằm cùng chia sẻ thông tin và niềm tin.
Khi tiến hành phỏng vấn sâu, chúng tôi đã chọn các đối tượng đa dạng để
thu nhập thông tin đa chiều, nhất là có thể kiểm tra chéo những kết quả phỏng
vấn. Đó là những người làm công tác Đảng và chính quyền các cấp nhất là cấp
xã, những người làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, những người trực
tiếp tham gia các đám cưới như bố mẹ hai bên gia đình, đại diện hai dòng họ

5


thông gia, cô dâu, chú rể, thầy cúng, ông bà mối... Khi hỏi những vấn đề cụ thể,
lý giải các sự việc và ý nghĩa các hiện tượng trong hôn nhân, chúng tôi lại tìm
đến những người già am hiểu, trưởng dòng họ, lãnh đạo xã, những ông bà mối,
thầy cúng là người Dao Họ...
Nội dung phỏng vấn được chuẩn bị trước với hệ thống câu hỏi mở để người
trả lời có thể có nhiều lựa chọn khi đưa ra ý kiến của mình. Với mỗi cuộc thảo
luận nhóm thường chọn từ 6 đến 7 người. Đối tượng thảo luận mỗi nhóm là
những người cùng giới, dân tộc hoặc nhóm hỗn hợp có nhiều lứa tuổi, cũng có
khi là nhóm chỉ bao gồm cán bộ địa phương... Hướng thảo luận tập trung vào
những vấn đề như đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục, phong tục tập quán trong hôn
nhân từ truyền thống tới hiện tại, nhất là những yếu tố mới trong hôn nhân, những
mong muốn kiến nghị của chính quyền và người dân để bảo tồn các đặc điểm văn
hóa tộc người, xây dựng nếp sống hóa mới...
- Phương pháp chuyên gia
Chúng tôi rất quan tâm trao đổi với các nhà khoa học, chuyên gia có kinh
nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực hôn nhân, có kiến thức về văn hóa người
Dao... để thu thập ý kiến đánh giá chuyên sâu và những kinh nghiệm của họ đối

với vấn đề nghiên cứu.
- Phương pháp phân tích, so sánh và tổng hợp...
Dựa trên cơ sở thu thập những tài liệu dưới dạng số liệu, ghi chép, hình vẽ,
ảnh, các báo cáo, các văn bản, các quy định... và các nguồn tài liệu ở trung ương
và địa phương, chúng tôi đã đi sâu phân tích để làm cơ sở nghiên cứu về hôn
nhân của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng. Đồng thời, tiến hành so sánh các tư
liệu, các kết quả nghiên cứu để thấy được độ tin cậy, sự biến đổi... Sau đó áp
dụng phương pháp tổng hợp để có những nhận định, đánh giá và luận điểm phù
hợp với những kết quả nghiên cứu đã đạt được.

6


5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án là công trình chuyên khảo nhân học đầu tiên về lĩnh vực hôn nhân
của người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nói riêng cũng như ở Việt
Nam nói chung từ truyền thống đến hiện tại.
Luận án cung cấp một cách có hệ thống các tư liệu về một số khía cạnh
văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, tập quán xã hội và tín ngưỡng diễn ra
hoặc có liên quan đến các hình thức hôn nhân của người Dao Họ ở huyện Bảo
Thắng, tỉnh Lào Cai.
Luận án còn đóng góp thêm những tư liệu mới nhằm chỉ ra các yếu tố nội
sinh cũng như kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa trong lĩnh vực hôn nhân
của bộ phận người Dao Họ ở trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, cả về
lịch đại và đồng đại.
Trên cơ sở đó, luận án góp phần nhận diện về tính thống nhất và đa dạng
trong văn hóa của tộc người Dao nói chung, văn hóa hôn nhân của các nhóm
người Dao ở nước ta nói riêng.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Trong bối cảnh đổi mới đất nước và toàn cầu hóa hiện nay, thực hiện đề tài luận

án này có đóng góp thêm những vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn cho việc bảo
tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao ở nước ta nói
chung, của bộ phận người Dao Họ ở tỉnh Lào Cai nói riêng.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của luận án còn là nguồn tư liệu có giá trị khoa
học đối với nhiều ngành Nhân học, góp phần làm sáng tỏ các nguyên tắc hôn nhân
truyền thống và những biến đổi hiện nay ở bộ phận người Dao Họ; đặc biệt là đã
khẳng định thêm vị trí vai trò của gia đình người Dao trong việc gìn giữ các đặc điểm
văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa hôn nhân.

7


Về thực tiễn, thực hiện đề tài luận án có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây
dựng nếp sống gia đình văn hóa ở địa phương người Dao Họ nói riêng, tộc người
Dao nói chung theo tinh thần của Nghị quyết lần thứ 5 (Khóa VIII) và Nghị quyết
lần thứ 9 (Khóa XI) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của luận án là luận cứ khoa học cho việc hoạch định
các chính sách phù hợp hơn nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của
người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nói riêng cũng như của dân tộc
Dao và các dân tộc thiểu số khác ở trên đất nước Việt Nam nói chung.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung
chính của luận án được cơ cấu làm 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và khái quát về
người Dao Họ ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai
Chương 2: Hôn nhân truyền thống của người Dao Họ
Chương 3: Những biến đổi của hôn nhân
Chương 4: Kết quả và bàn luận

8



Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI DAO HỌ
Ở HUYỆN BẢO THẮNG, TỈNH LÀO CAI

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu của học giả nước ngoài về người Dao ở Việt Nam
Từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX, nghiên cứu về người Dao đã được
đăng rải rác trên các tạp chí như “Dân tộc học Đông Dương”, “Tạp chí Đông
Dương”, “Tạp chí Viện Viễn Đông Bác Cổ” (BEFEO)... Tiêu biểu là Bonifacy.A
với các bài viết về người Dao như “Một cuộc công cán ở vùng người Mán từ
tháng 10 năm 1901 đến cuối tháng giêng năm 1902”[7], “Giản chí về người
Mán Quần Cộc”, “Giản chí về Mán Quần Trắng” đăng trên Tạp chí Đông
Dương năm 1904 - 1905 [8], “Mán Chàm hoặc Lam Diên”,1906, “Mán Tiểu
Bản hay Đeo Tiền”, 1907, “Mán Đại Bản hoặc Sừng”, 1908, “Giản chí về người
Mán Cao Lan” đăng trên tạp chí BEFEO [9]... Có thể thấy, Bonifacy.A đã đề
cập đến nhóm Dao Quần Trắng và Dao Họ, nhưng chủ yếu miêu tả về nhà cửa,
trang phục, kinh tế, tổ chức xã hội... còn hôn nhân của nhóm Dao này không đề
cập đến. Bonifacy. A đọc được các loại sách ghi chép bằng chữ Nôm của người
Dao nên những công trình nghiên cứu của ông về tôn giáo tín ngưỡng và văn học
dân gian rất phong phú về tư liệu đến nay vẫn còn có giá trị tham khảo.
Bên cạnh A.Bonifacy, một số học giả người Pháp cũng quan tâm viết về
người Dao ở Việt Nam, trong đó có Maurice Abadie với công trình “Les Mans
du Haut - Tonkin” được công bố vào năm 1922. Song, công trình này chỉ mô tả
khái quát về đặc điểm văn hóa của người Dao, rất ít tư liệu về hôn nhân và cưới
xin của người Dao Quần Trắng và Dao Họ.

9



Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ VII về người Dao được tổ chức ở Thái
Nguyên vào năm 1995, có hai bài liên quan đến người Dao ở Việt Nam. Báo cáo
của học giả Trung Quốc Trương Hữu Tuấn “Mấy vấn đề người Dao di cư vào
Việt Nam” [89, tr.376 - 385] và của người Pháp Jacques Lemoine “Khái quát về
di sản văn hoá Dao và hiện đại hoá ở Việt Nam” [49, tr.391-399]. Trong bài viết
của mình, J. Lemoine đã nhận định: “Sự đa dạng của các nhóm cùng bản sắc
riêng của mỗi nhóm là đặc điểm chính của người Dao ở Việt Nam. Ngày nay, khi
xem xét những nét đặc trưng của người Dao chúng ta có thể thấy rằng, ngoài
ngôn ngữ và tên gọi họ đặt cho mình và những nhóm khác còn có thể chú ý đến
những đặc điểm về nhà ở, trang phục, tập quán và tôn giáo riêng”. Tuy nhiên,
các nghiên cứu này đều không đề cập đến hôn nhân của người Dao ở Việt Nam
nói chung và nhất là của người Dao Họ nói riêng.
1.1.2. Nghiên cứu của một số học giả trong nước về người Dao ở Việt
Nam và hôn nhân của tộc người này
- Những nghiên cứu trước Đổi mới năm 1986
Trước năm 1986 có khá nhiều nghiên cứu về người người Dao ở nước ta,
song, dưới đây chỉ đề cập đến một số công trình.
Năm 1778, Hoàng Bình Chính viết cuốn “Hưng Hóa phong thổ lục” [12],
đã nhắc đến nhóm người Mán (danh từ chung chỉ các dân tộc ít người), và nói
đến người Dao thời ấy đã có mặt ở Châu Thủy Vĩ (Lào Cai) và Văn Bàn. Năm
1856, Phạm Thận Duật viết tác phẩm “Hưng Hóa ký lược” và tập trung đề cập
nhiều đến các dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, trong đó có người Dao. Trong mục
“Phong tục tập quán”, Phạm Thận Duật nhắc đến đôi nét về người Mán Sừng
(Dao Đỏ), người Mán Đạn Tiên (Dao Làn Tiẻn), người Sơn Tạng [23, tr.183185]. Tuy nhiên, những bài viết này cũng đã tập trung vào tên gọi, đặc điểm
trang phục và một số tập quán trong hoạt động kinh tế, lối sống. Các vấn đề hôn
nhân, gia đình, dòng họ... vẫn còn bỏ ngỏ.

10



Như vậy, dưới thời phong kiến, ở nước ta đã có nghiên cứu về người Dao.
Nhưng do nguồn tư liệu hạn chế nên hầu hết các tác phẩm kể trên đều rất sơ
lược. Tuy nhiên, các tác phẩm này là nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu về
thời gian, địa bàn người Dao di cư đến Việt Nam.
Từ khi miền Bắc được giải phóng năm 1954, để phục vụ cho việc hoạch
định và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nên từ cuối thập kỷ
50 đến đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, các nhà khoa học nước ta đã tiến hành
nghiên cứu cơ bản về các dân tộc, trong đó có người Dao, nhằm xác định thành
phần các dân tộc ở ở nước ta. Năm 1959, Mạc Đường có bài viết “Dân tộc Mán”
trong cuốn “Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” [34, tr.119 -138] giới thiệu một
cách sơ lược về người Dao từ nguồn gốc lịch sử, dân số, các nhóm Dao, kinh tế xã hội... trong công trình này tác giả cho biết, hôn nhân ở người Dao Lô Gang là
do cha mẹ quyết định, nặng về thách cưới, các gia đình Dao đều thích lấy rể,
nhận con nuôi... [31, tr.130]. Đây là tư liệu quý để chúng tôi kế thừa.
Đặc biệt, năm 1971 các tác giả Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông
Trung và Nguyễn Nam Tiến công bố chuyên khảo “Người Dao ở Việt Nam”
[30]. Công trình này đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống người Dao với
nguồn tư liệu điền dã phong phú, chính xác, cụ thể. Lần đầu tiên các tác giả cho
người đọc biết một số nguyên tắc hôn nhân như hôn nhân ngoài dòng họ, hôn
nhân nội tộc người, không có hôn nhân con cô con cậu... và cách thực hiện các
bước hôn nhân, đặc điểm lễ cưới ở từng nhóm Dao. Song, hôn nhân của người
Dao Họ cũng chưa được đề cập đến, đây cũng là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, công
trình này cũng như các công trình vừa đề cập ở trên đã công bố từ 40 năm trước,
chủ yếu mô tả dân tộc học, do đó cần được được cập nhật về những biến đổi
trong thời gian gần đây.
Năm 1972, hai tác giả Hà Văn Viễn và Hà Văn Phụng công bố công trình
“Các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang” [106], do Ban Dân tộc Tuyên Quang xuất

11



bản. Nội dung công trình này tập trung giới thiệu sơ lược về các dân tộc ở tỉnh
Tuyên Quang, trong đó có người Dao trên các lĩnh vực như tộc danh, nguồn gốc
lịch sử, dân số, đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa... Bước đầu, đề cập khái quát
đến đặc điểm hôn nhân của một số nhóm Dao ở Tuyên Quang như Dao Quần
Trắng, Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Thanh Y...
Có thể nói, cuốn “Người Dao ở Việt Nam” về tư liệu và phương pháp
nghiên cứu vẫn còn nguyên giá trị, hơn hẳn nhiều cuốn “Dân tộc chí” viết về
người Dao ở Việt Nam hay các xuất bản về người Dao ở các địa phương vào thời
điểm đó. Bởi một số công trình tư liệu thiếu cụ thể, nhất là nguồn gốc lịch sử,
hoặc “mô tả văn hóa tộc người như thể chúng không có thời gian, giống như các
hiện vật ở bảo tàng, và nhìn văn hóa của người Dao luôn ở trạng thái tĩnh tại
không biến động” [14, tr.47-67].
Nhìn chung, các nghiên cứu về người Dao của các học giả trong nước ở
giai đoạn trước năm 1986 đều viết dưới dạng mô tả dân tộc học, do đó rất cần
được tiếp tục bổ sung tư liệu cập nhật với tình hình hiện nay, nhất là những biến
đổi đang diễn ra trong đời sống của người Dao.
- Những nghiên cứu từ Đổi mới năm 1986 đến nay
Sau năm 1986, nghiên cứu về người Dao ở nước ta vẫn được nhiều nhà
khoa học quan tâm trên cơ sở kế thừa các kết quả của các nhà khoa học đi trước.
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của người Dao nói chung và các nhóm Dao
nói riêng đã có không ít bài viết, sách được công bố.
Trước hết, phải kể đến cuốn “Dân ca Dao” của Triệu Hữu Lý, [63], trong
đó đã đề cập đến một số bài ca khuyên dạy trai, gái người Dao khi chọn người
kết hôn phải không cùng dòng họ, người đàn ông không được tham nhiều vợ...
Đặc biệt, sau Hội thảo Quốc tế “Dao học” lần thứ 7 (1995) tổ chức tại Thái
Nguyên đã có nhiều nghiên cứu về người Dao được công bố. Ngoài cuốn kỷ yếu

12



của Hội thảo “Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương
lai”, còn xuất hiện các chuyên luận, công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian
của người Dao: “Tục ngữ, câu đố dân tộc Dao” của Trần Hữu Sơn (1998), [80].
Các tác phẩm ấy góp phần dựng lại diện mạo văn học dân gian người Dao, trong
đó có nói đến hôn nhân và cưới xin của tộc người này.
Từ năm 1995 đến nay có khá nhiều ấn phẩm được xuất bản với chủ đề về
phong tục tập quán, trong đó có hôn nhân và lễ cưới của người Dao ở nước ta.
Có thể kể đến một số công trình như: “Văn hóa truyền thống của người Dao ở
Hà Giang” do Phạm Quang Hoan - Hùng Đình Quý (Chủ biên) [44]; “Một số
vấn đề người Dao Quảng Ninh” của Nguyễn Quang Vinh, [111]; “Phong tục tập
quán người Dao Thanh Hóa” của Đào Thị Vinh, [110]; “Tập tục chu kỳ đời
người của các tộc người ngôn ngữ Mông - Dao ở Việt Nam” của Đỗ Đức Lợi,
[59]; “Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể,
Bắc Kạn” của Lý Hành Sơn, [78]; “Người Dao ở Lạng Sơn” của Lý Dương
Liễu, [57]; “Người Dao ở Việt Nam - The Yao people in Vietnam” (sách ảnh)
[67]; “Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng
Đông Bắc” do Vương Xuân Tình và Trần Hồng Hạnh đồng Chủ biên) [88];
“Người Dao Quần Chẹt ở miền núi và trung du Bắc Bộ” do Nguyễn Ngọc
Thanh làm chủ biên [84]; “Phát triển nông thôn miền núi và dân tộc trong thời
kỳ chuyển đổi kinh tế (từ thực tiễn một xã vùng cao Tây Bắc)” do Trần Văn Hà
làm chủ biên [40], trong đó có bài dài 60 trang do Vũ Tuyết Lan viết về biến đổi
trong hôn nhân và gia đình của hai nhóm Dao Tiền và Dao Quần Chẹt xã Tu Lý,
còn Nguyễn Anh Cường viết về trang phục trong lễ cưới của hai nhóm Dao này.
Từ sau 1986, có khá nhiều bài viết về hôn nhân, cưới xin của người Dao, kể
cả sự biến đổi văn hóa hôn nhân. Đó là các công trình: “Phong tục cưới xin của
người Dao Quảng Ninh”, của Vũ Đình Lợi [60]; “Lễ cưới của người Dao Tiền ở
Ba Bể, Bắc Kạn” của Lý Hành Sơn [76]; “Lễ cưới người Dao Tuyển” của Trần


13


Hữu Sơn (Chủ biên) [81]; “Lễ cưới của người Dao Lô Gang (xóm Ba Nhất, xã
Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên)” của Nguyễn Thị Quế Loan
[58]; “Tìm hiểu hôn nhân và gia đình của người Dao ở xã Yên Lạc, huyện
Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” của Vũ Thị Hồng và tập thể tác giả [45]; “Hôn
nhân và gia đình của người Dao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao
Bằng” của Đào Quang Vinh [109]; “Hôn nhân và gia đình truyền thống của
người Dao Quần Trắng ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang”,
của Nguyễn Thị Thanh Hải [42]; “Tục đặt cau của người Dao Thanh Phán” của
Thu Hương [48]; “Các nghi lễ hôn nhân của người Dao Quần Chẹt (Trường hợp
xã Yên Đơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ)” của Vũ Tuyết Lan [51]; “Lễ cưới
cổ truyền ở người Dao Quần Trắng bản Khâu Lình” của Đàm Thị Uyên Nguyễn Văn Luyện [102]; “Quan niệm truyền thống về hôn nhân của người Dao
Quần Chẹt” của Vũ Tuyết Lan [52]; “Hôn nhân và gia đình của người Dao
Quần Chẹt - truyền thống và biến đổi (Nghiên cứu trường hợp xóm Mạ, xã Tu
Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)” của Vũ Tuyết Lan [53]; “Đám cưới người
Dao”, của Mộng Đắc [29]; “Một số biến đổi trong hôn nhân của người Dao
Quần Chẹt ở xóm Mạ, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình”, của Vũ Tuyết
Lan [54]; “Nghi lễ trong việc cưới - việc tang của người Dao Khâu (ở Sìn Hồ,
Lai Châu)” của Tẩn Kim Phu [70]; “Khảo sát dân ca Qua lang (Ày quai jẳng
jùng) của dân tộc Dao Tuyển ở Lào Cai” của Lê Ngọc Quỳnh [73]; “Lễ cưới
người Dao Tuyển” của Trần Hữu Sơn (Chủ biên) [81]; “Lễ cưới người Dao Nga
Hoàng” của Nguyễn Mạnh Hùng [46]; “Thơ ca hôn lễ người Dao Đỏ ở Lào
Cai” của Chảo Văn Lâm [55]; “Nghi lễ hôn nhân của người Dao di cư thôn Hợp
Thành, xã Ea Mdroh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk” của Lê Thị Thỏa [86];
“Hôn nhân hỗn hợp của người Dao Thanh Y ở xã Thượng Yên Công, thành phố
Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh” của Cao Thị Thường [87]; “Nghi lễ hôn nhân của
người Dao Đỏ ở xã Bản Phùng, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” của Nguyễn Thị
Kim Hoa [43]...


14


Hầu hết các công trình trên đều đề cập đến tập quán hôn nhân và đặc điểm
lễ cưới của từng nhóm Dao ở các địa phương được nghiên cứu. Tuy nhiên, chưa
có bài viết nào về hôn nhân người Dao Họ. Trong các công trình ấy, đáng chú ý
là tác phẩm “Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người của nhóm Dao Tiền ở
Ba Bể, Bắc Kạn” của Lý Hành Sơn, bởi tác giả đã miêu tả khá sinh động các
nghi lễ sinh đẻ, cưới xin, cấp sắc, tang ma và cả quá trình biến đổi các nghi lễ ở
nhóm Dao Tiền huyện Ba Bể, để từ đó có những nhận xét về vai trò, chức năng,
giá trị của các nghi lễ này cũng như các đặc điểm tộc người được phản ánh qua
từng nghi lễ. Riêng tác phẩm “Lễ cưới người Dao Tuyển” của Trần Hữu Sơn
(2001) lại có cách tiếp cận mới về hôn nhân của người Dao, bởi tác giả không
chỉ miêu tả trình tự lễ cưới mà còn đề cập đến nghệ thuật âm nhạc, ngôn từ, trang
trí... Về trình tự, tác giả đã trình bày các bước trong đám cưới của người Dao
Tuyển ở Lào Cai: vượt cửa ải tức gặp tốp nam nữ nhà gái mời rượu dọc đường
và phải hát đối, vượt Thành Hoàng làng, trình Hồng thư, dâng vật cưới cho tam
đại nhà gái, xin mệnh cô dâu, làm lễ hợp duyên, chú rể trình tam đại nhà gái, cô
dâu chú rể cùng bái tam đại nhà gái. Đến nhà trai lại có các lễ: trình tam đại nhà
trai, hát tạ ơn đoàn nhà gái, tiễn đoàn nhà gái ra về. Bên cạnh đó, hầu hết các ấn
phẩm trên đều đề cập tới lễ cưới và các bước tiến hành nghi lễ này của một số
nhóm Dao, đặc biệt là các nhóm DaoTiền, Dao Đỏ, Dao Quần Chẹt, Dao Áo Dài
(Dao Tuyển)... Đây là những tư liệu quý để luận án so sánh và kế thừa.
Rõ ràng, qua tổng quan những công trình tiêu biểu của các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước viết về người Dao ở Việt Nam, cho thấy, các công trình này
đã đề cập đến nhiều vấn đề từ nguồn gốc, lịch sử, tên gọi, cơ sở phân chia các
nhóm địa phương người Dao... cho đến các đặc điểm trong sinh kế, tổ chức xã
hội, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần. Trong đó, những nghiên cứu về
người Dao Tiền, Dao Tuyển, Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Lô

Gang đều đề cập đến hôn nhân dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, hôn nhân
người Dao Họ ở hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái hầu như chưa có công trình nào đề

15


cập. Mặt khác, khi viết về hôn nhân của một số nhóm Dao, các công trình trên
đều chưa quan tâm đến sự biến đổi đang diễn ra trong đời sống ở các nhóm Dao
này. Tuy nhiên, đây là nguồn tư liệu quý để chúng tôi so sánh với chủ đề nghiên
cứu của luận án này.
Như vậy, việc thực hiện đề tài luận án hôn nhân của người Dao Họ ở huyện
Bảo Thắng là cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhằm bổ sung tư
liệu cho khoảng trống mà các nghiên cứu trước chưa có điều kiện thực hiện, làm
cho hiểu biết về người Dao ở Việt Nam được đầy đủ hơn.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Một số khái niệm
Hôn nhân là mối quan tâm của nhiều ngành khoa học: Xã hội học, Sử học,
Triết học, Luật học... trong đó có Nhân học. Để có cơ sở lý luận và định hướng
tiếp cận, nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến đề tài một cách phù
hợp, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu một số khái niệm: hôn nhân, phong tục, tập quán,
kiêng kỵ, nghi lễ... Từ đó, có được những nhận thức và cái nhìn bao quát về các
nghi lễ gắn với hôn nhân của người Dao Họ. Trong khuôn khổ luận án, các khái
niệm trên được tìm hiểu từ góc độ Nhân học và đó cũng chính là cơ sở lý luận để
nhận định và giải quyết vấn đề cần nghiên cứu.
- Hôn nhân
Hôn nhân được hiểu là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn (Luật
Hôn nhân và Gia đình năm 2000), [61]. Hôn nhân là một dạng liên kết khác giới
thuộc loại đặc biệt được tập quán cùng luật pháp công nhận và bảo vệ, có giá trị
lâu dài. Khái niệm hôn nhân không thể được rút gọn về một tiêu chuẩn riêng, như
tính hợp pháp hay khả năng tái sinh sinh học và xã hội... Dù có sự khác biệt về

văn hóa và mức độ chịu trách nhiệm, thì hôn nhân, ở bất cứ đâu, vẫn được công
nhận là thể chế xã hội để bảo đảm sự kế tục hợp pháp, được xã hội bảo vệ và ở

16


mức độ nhiều hay ít, chịu sự điều tiết của xã hội, lý giải sự tiếp tục thừa kế và
đòi hỏi sự tương trợ, hợp tác của cả đôi bên [37 tr.222]. Còn theo Từ điển Nhân
học, hôn nhân là mối quan hệ gắn bó được thừa nhận về mặt xã hội giữa một
người đàn ông và một người đàn bà, nhằm duy trì nòi giống một cách hợp pháp,
tạo lập gia đình hạt nhân mới... [94, tr.519].
Có thể nói, hôn nhân là hiện tượng xã hội, là một trong những đặc trưng cơ
bản của văn hóa tộc người. Ở mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, hôn nhân đều
trải qua những hình thức và tính chất khác nhau.
Còn Emily A.Schult, Robert H.Lavenda (2001), [35] thì đưa ra định nghĩa:
“Hôn nhân là một quá trình xã hội mà mô hình của nó là sự kết hợp giữa một
người đàn ông với một người đàn bà, là một sự kiện làm biến đổi những thành
viên của nó, làm thay đổi quan hệ giữa những người thân thuộc của mỗi bên và
duy trì những khuôn mẫu xã hội thông qua việc sinh đẻ cùng với một số quyền
lợi và nghĩa vụ đi kèm” [35, tr.342]. Hai tác giả cho rằng “hôn nhân bao hàm
một sự thay đổi trong vị trí xã hội của hai người và ảnh hưởng đến vị trí xã hội
của con cháu. Một hôn nhân đòi hỏi phải có một người nam và một người nữ và
quy định mức độ quan hệ tính giao các thành viên trong hôn nhân có thể có với
nhau, xếp từ quan hệ độc quyền đến quan hệ ưu tiên. Hôn nhân cũng tạo nên tính
hợp pháp của con cái do người vợ sinh ra và thiết lập các mối quan hệ giữa họ
hàng bên vợ và họ hàng bên chồng” [35, tr.343]. Theo lý giải của các tác giả,
nhiều xã hội được tổ chức trên cơ sở thân tộc, có nghĩa là trên những mối quan
hệ bắt nguồn từ kinh nghiệm chung của con người về hành vi tính giao và sinh
đẻ. Trong đó, những quan hệ bắt nguồn từ hành vi tính giao được gọi là hôn
nhân, những mối quan hệ dựa trên sinh đẻ được gọi là quan hệ dòng họ [35,

tr.266-267].
Về mặt xã hội, hôn nhân có các đặc điểm: Hôn nhân làm thay đổi địa vị của
các mối liên hệ; Hôn nhân thay đổi các quan hệ họ tộc của mỗi bên; Hôn nhân

17


duy trì xã hội và các mô hình xã hội thông qua sinh con cái; Về mặt biểu tượng,
hôn nhân thể hiện qua lễ cưới trang trọng, đánh dấu sự biến đổi của hai cá nhân
trở thành vợ chồng.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng tìm hiểu và áp dụng trong luận
án một số khái niệm khác có liên quan tới hôn nhân như sau: (i) Về nội hôn, theo
Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda (2001), “Nội hôn là khi người ta chỉ được
phép lấy người thuộc cùng một nhóm xã hội với mình” [35, tr.308]; (ii) Ngoại
hôn là khi người ta kết hôn với người thuộc ngoài nhóm xã hội với mình; (iii)
Nội tộc hôn là sự lựa chọn người đối ngẫu để kết hôn trong cùng một nhóm thân
tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán đã định rõ; (iv) Ngoại tộc hôn là quy tắc
kết hôn ngoài nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hay tập quán đã định rõ; (v)
Hôn nhân hỗn hợp dân tộc là khái niệm dùng để chỉ sự kết hôn giữa hai người
không cùng dân tộc; (vi) Chế độ một vợ một chồng là hình thức hôn nhân giữa
một người chồng và một người vợ vào mọi thời điểm nhất định [50, tr.310]; (vii)
Chế độ đa thê là chế độ mà một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ cùng một
lúc [50, tr.310]; (viii) Chế độ đa phu là khái niệm để chỉ một người phụ nữ có
thể lấy từ hai người chồng trở lên, có ba hình thái chính là đa phu huynh đệ, đa
phu kết hợp và hôn nhân phụ.
Qua các khái niệm về hôn nhân, luận án sử dụng khái niệm theo Từ điển
Nhân học về hôn nhân và các quan điểm về mặt xã hội trong hôn nhân của Emily
A.Schult, Robert H.Lavenda (2001), [35].
- Phong tục
Theo Từ điển tiếng Việt, phong tục là thói quen có từ lâu đời, đã ăn sâu vào

đời sống xã hội, đã được mọi người công nhận và tuân theo [95, tr.1216]. Nếu
theo Từ điển Văn hóa, Tín ngưỡng, Phong tục thì, phong tục sinh ra do nhu cầu cuộc
sống, phát triển và định hình theo sự định hình của xã hội, tạo nên truyền thống.
Phong tục có sức sống bền vững, một phần quan trọng là nhờ sự hình thành hệ

18


thống. Chẳng hạn hệ thống vòng đời (từ lúc sinh ra đến khi chết đi); hệ thống
vòng cây trồng (từ gieo hạt đến thu hoạch); hệ thống vòng thời tiết (theo mùa).
Ba hệ thống này tạo thành nếp sống truyền thống. Dấu ấn lịch sử cũng tất yếu in
vào các hệ thống đó (qua các giai đoạn xã hội nguyên thủy đến xã hội văn minh).
Sinh hoạt phong tục cho thấy rõ rệt tâm thức folklore và ứng xử folklore của quần
chúng qua sự bền vững và biến đổi của nó [96, tr.779]. Qua đây, nội dung luận
án đã sử dụng linh hoạt cả hai khái niệm này.
- Tập quán
Luận án sử dụng khái niệm Tập quán trong Từ điển tiếng Việt như: “Tập
quán là thói quen hình thành từ lâu và đã trở thành nếp trong đời sống xã hội của
một cộng đồng dân cư, được mọi người công nhận và tuân theo” [95, tr.1393].
Có nghĩa, tập quán là toàn bộ những hoạt động sống của con người được hình
thành trong lịch sử, được cộng đồng thừa nhận, truyền qua nhiều thế hệ và ai
cũng tuân theo ở một địa phương nhất định. Tập quán của cộng đồng chi phối
mỗi thành viên sống trong cộng đồng đó.
Tuy nhiên, tập quán không mang tính bắt buộc, cố định như nghi lễ hoặc nghi
thức được trình bày dưới đây, nhưng cũng không tùy tiện theo hoạt động sống
thường ngày. Nó trở thành một tập quán xã hội tương đối bền vững nhưng cũng
vận động và biến đổi theo thời gian và sự biến đổi của xã hội.
- Kiêng kỵ
Qua một số tài liệu được biết rằng, kiêng kỵ là sự cấm đoán được chấp
nhận mang tính lễ nghi để ngăn chặn việc tiếp xúc với một đồ vật, một người hay

một hoạt động nào đó. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Polynesia, nơi những cấm
kỵ đóng vai trò quan trọng về văn hóa. Những cấm kỵ thông thường gồm những
điều ngăn cấm như ăn một số thức ăn nhất định, chạm vào người tối cao (vua)
hoặc người bị xã hội ruồng bỏ, đụng vào xác chết...

19


×