Tải bản đầy đủ (.pdf) (203 trang)

Định vị thời gian trong tiếng việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận (so sánh với tiếng anh)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.51 MB, 203 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NGUYỄN VĂN HÁN

ĐỊNH VỊ THỜI GIAN TRONG TIẾNG VIỆT
DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN
(SO SÁNH VỚI TIẾNG ANH)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC SO SÁNH – ĐỐI CHIẾU
MÃ SỐ: 62 .22 .01 .10
Người hướng dẫn khoa học :
TS. NGUYỄN NGỌC THANH
TS. NGUYỄN KIÊN TRƯỜNG

Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011


1

DẪN NHẬP
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
1.1. Lý do chọn đề tài
Trong các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, quan hệ giữa con người
với thời gian có một ý nghĩa đặc biệt. Có thể nói, quá trình phát triển của nhân loại
gắn liền với thời gian lịch sử. Con người nhận thức thời gian và sự nhận thức này
được phản ánh theo những hình thức biểu hiện riêng biệt của từng ngôn ngữ. Và
như vậy, ngôn ngữ là một trong những công cụ tri nhận về thời gian của loài người.
Trong ngôn ngữ học, vấn đề thời gian, định vị thời gian trong các câu phát
ngôn của một số ngôn ngữ đã được nhiều nhà ngôn ngữ học quan tâm và nghiên


cứu từ lâu.
Đối với tiếng Việt, có thể nói rằng từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, vấn đề
này chưa thật sự trở thành một đối tượng nghiên cứu có tính chất hệ thống. Chỉ bắt
đầu từ năm 1883 - năm cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (Grammaire de la language
Anammite) của Trương Vĩnh Ký ra đời - trở về sau, mới có khá nhiều công trình
ngôn ngữ học đề cập đến vấn đề tìm hiểu về sự định vị, nhận diện thời gian trong
tiếng Việt, về phạm trù thời gian trong tiếng Việt, xét từ nhiều góc độ khác nhau
(ngữ pháp truyền thống, ngữ nghĩa, logic, ngữ dụng, tri nhận, v.v…).
Tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thời gian, định vị thời
gian trong tiếng Việt. Nhiều tác giả (trong nước và ngoài nước), khi viết về tiếng
Việt, đều nhất trí cho rằng tiếng Việt cũng có phạm trù thì hiểu như một phạm trù
ngữ pháp (một hiện tượng ngữ pháp hóa như các ngôn ngữ biến hình ở châu Âu) và
cho rằng các từ như: đã chỉ thời quá khứ, đang chỉ thì hiện tại và sẽ chỉ thời tương
lai (Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Thành…).
Bên cạnh đó, còn có nhiều ý kiến khác. Có nhiều tác giả cho rằng tiếng Việt
không có phạm trù thì, bởi vì, qua nghiên cứu những đặc trưng riêng của tiếng Việt,
một số các nhà nghiên cứu ngôn ngữ chỉ ra rằng tiếng Việt không có một lớp từ
riêng biệt chuyên thể hiện thời gian như một phạm trù ngữ pháp (Nguyễn Đức Dân,
Cao Xuân Hạo…). Lại có một số tác giả cho rằng trong một số trường hợp cụ thể,
thời gian có thể được nhận diện thông qua các suy luận logic chứ không căn cứ một
cách trực tiếp vào các yếu tố ngôn ngữ; những cơ chế ngôn ngữ tạo thành ý nghĩa
thời gian logic có thể bị khác đi do chịu sự tác động của một số hiện tượng ngôn
ngữ khác như các từ tình thái chẳng hạn (Nguyễn Đức Dân…). Cũng có các tác giả
cho rằng khi định vị thời gian nên xét dưới góc độ tri nhận, qua đó, có thể đáp ứng
được hướng đi tìm cái bản sắc, cái đặc thù riêng của ngôn ngữ dân tộc (Lý Toàn
Thắng, Trần Văn Cơ …) v.v…
Với sự ra đời của ngành ngôn ngữ học tri nhận, ngày càng có nhiều công
trình đóng góp vào việc nghiên cứu ngôn ngữ về mặt tri nhận, trong đó có vấn đề tri



2

nhận về thời gian. Ngoài ra, như đã biết, ngôn ngữ không chỉ là công cụ tư duy,
công cụ giao tiếp mà nó còn là một “sản phẩm” tinh thần của con người, mang
những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Bên cạnh việc xác lập bức tranh chung về
thời gian trong tiếng Việt trước đây theo lý thuyết ngôn ngữ truyền thống, việc xác
lập bức tranh thời gian trong tiếng Việt dưới góc độ ngôn ngữ học tri nhận cũng là
điều cần thiết.
Cho đến nay, đề tài nghiên cứu về thời gian, về vấn đề định vị thời gian trong
tiếng Việt theo góc độ tri nhận vẫn còn là đề tài hấp dẫn, thú vị, có sức mời gọi
người nghiên cứu.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề thời gian trong tiếng Việt. Chính sự
khác biệt trong quan điểm và phương pháp nghiên cứu khác nhau của các tác giả đã
dẫn đến sự nhận thức khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Có lẽ nên có thêm nhiều
sự đóng góp nữa về vấn đề thời gian, định vị thời gian, cũng như xác lập bức tranh
ngôn ngữ thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận; để từ
đó, có thể tổng hợp lại các công trình nghiên cứu và đi đến một sự thống nhất về
quan điểm, về phương pháp nghiên cứu, đồng thời triển khai, xây dựng và thống
nhất vấn đề một cách có hệ thống.
Trong lĩnh vực ý nghĩa của ngôn ngữ và tương ứng với nó là lĩnh vực khái
niệm, ý niệm việc xác lập một số phạm trù ngữ nghĩa cơ bản dưới góc nhìn của
ngôn ngữ học tri nhận là một điều hết sức cần thiết để có thể xây dựng được một hệ
thống ngữ nghĩa có tính chất đầy đủ và khoa học. Cũng như các phạm trù khác
chẳng hạn như “không gian”, “tư duy”, “vật chất” v.v…, phạm trù thời gian trong
tiếng Việt cần được ngữ nghĩa hoá một cách có hệ thống dựa trên cơ sở phân tích ý
nghĩa và phân loại các thành tố ngôn ngữ nằm trong phạm trù này. Bên cạnh việc
xác lập ngữ nghĩa thời gian, việc nghiên cứu thời gian và ngôn ngữ thời gian trong
tiếng Việt có thể được xem xét từ nhiều góc độ (ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng, tri
nhận, văn hóa,v.v…) , từ nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng xét cho cùng, cần dựa

vào đặc trưng riêng của bản ngữ trong sự miêu tả, sự nhận diện thời gian chứ
không nên dựa vào một định kiến có sẵn, một sự áp đặt khiên cưỡng nào. Và nếu có
được như thế thì mới có thể thấy được cái tâm hồn, cái văn hóa dân tộc ẩn chứa
trong cách biểu hiện thời gian của người Việt bằng chính ngôn ngữ dân tộc.
2. NHIỆM VỤ, ĐỐI TƯỢNG, GIỚI HẠN ĐỀ TÀI
2.1. Với những lí do và mục đích đã trình bày ở trên, nhiệm vụ cơ bản của luận án
là mô tả và trình bày có tính chất hệ thống về vấn đề thời gian trong tiếng Việt ở
góc độ ngôn ngữ học tri nhận. Tất nhiên, sự mô tả này chỉ có tính chất bước đầu
trong mối liên hệ với những đặc trưng của tiếng Việt.
Để thực hiện được điều này, luận án có nhiệm vụ tìm hiểu về những vấn đề
cơ bản về lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận có liên quan đến luận án như vấn đề
tri nhận và quá trình tri nhận, vấn đề ý niệm, điển dạng, các mô hình tri nhận, vấn
đề ẩn dụ ý niệm, hoán dụ ý niệm và vấn đề thời gian thông qua ẩn dụ và hoán dụ, sự


3

hoà trộn ý niệm trong lĩnh vực không gian và thời gian; tìm hiểu mối quan hệ nghĩa
giữa không gian và thời gian, tìm hiểu về ngữ nghĩa thời gian, liệt kê và miêu tả
việc định vị thời gian cũng như sự biểu hiện thời gian bằng ngôn ngữ dưới góc nhìn
của ngôn ngữ học tri nhận và theo sự tri nhận của người Việt; tìm hiểu ẩn dụ thời
gian trong văn chương trong so sánh đối chiếu giữa tiếng Việt và tiếng Anh, từ đó,
định hình phần nào về bức tranh thời gian có tính chất qui ước xã hội, có tính chất
văn hóa, có tính chất mô-típ của cộng đồng người Việt.
2.2. Đối tượng khảo sát là ngôn ngữ tự nhiên trong mối quan hệ với con người
theo nguyên lý “dĩ nhân vi trung”. Trong giới hạn của luận án, đối tượng khảo sát ở
đây không phải là tất cả các phương tiện ngôn ngữ biểu thị thời gian, các cách thức
định vị thời gian mà chỉ là một số yếu tố ngôn ngữ biểu thị thời gian, một số cách
thức định vị thời gian có tính chất phổ biến và có giá trị tiêu biểu theo hướng tiếp
cận lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận. Những yếu tố ngôn ngữ được miêu tả trong

luận án chủ yếu là trích từ các văn bản nghệ thuật, văn bản chính luận của các nhà
văn, nhà thơ Việt Nam và nước ngoài, các tình huống giao tiếp trong đời thường.
2.3. Lĩnh vực và phạm vi nghiên cứu của luận án này là tìm hiểu ý niệm thời gian
trên cơ sở lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, để từ đó, tìm hiểu về sự định vị thời gian
sự kiện trong câu phát ngôn tiếng Việt. Đồng thời, cũng từ đây, luận án bước đầu đi
vào nghiên cứu vấn đề ẩn dụ ý niệm thời gian trong tác phẩm văn chương Việt Nam
trong sự đối chiếu với văn thơ nước ngoài.
3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
3.1. Đã có khá nhiều công trình ngôn ngữ học ít nhiều đề cập đến vấn đề định vị,
nhận diện thời gian trong tiếng Việt với nhiều góc độ khác nhau theo quan điểm
truyền thống hoặc theo quan điểm tri nhận. Một số các nhà ngôn ngữ học Việt Nam
(và người nước ngoài) theo khuynh hướng truyền thống cho rằng sự định vị thời
gian trong tiếng Việt có liên quan đến thì của một số loại hình ngôn ngữ ở một số
các nước Ấn Âu.Và vì vậy, họ cho rằng tiếng Việt có phạm trù thì hiểu như một
phạm trù ngữ pháp. Lại có một số nhà ngôn ngữ học khác phủ nhận về một phạm
trù thì trong tiếng Việt. Với sự ra đời của ngành ngôn ngữ học tri nhận, việc định vị,
nhận diện thời gian trong tiếng Việt được nghiên cứu theo hướng đi mới. Điều cần
thấy là, bên cạnh các ý kiến tương đối đối lập nhau, phần lớn các tác giả đều có một
hướng đi chung: tìm ra những đặc điểm riêng về ý niệm thời gian, về sự định vị thời
gian ở tiếng Việt trong sự so sánh đối chiếu với một hay nhiều ngôn ngữ khác.
3.2. Dựa trên quan điểm truyền thống và quan điểm tri nhận, phần lịch sử vấn đề
trong luận án này sẽ được trình bày có tính chất tổng thuật theo hai nhóm ý kiến:
3.2.1. Theo quan điểm truyền thống:
3.2.1.1. Đại biểu các nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Việt có phạm trù thời gian
hiểu như một phạm trù ngữ pháp kiểu châu Âu:
a) Có lẽ Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng
Việt. Tuy chịu ảnh hưởng nhiều của ngữ pháp các tiếng châu Âu trong quá trình


4


soạn thảo ngữ pháp tiếng Việt nhưng tác giả có chú ý đến những điểm riêng biệt của
tiếng Việt trong việc định vị thời gian. Ông nhấn mạnh đến vai trò của hư từ và các
phụ tố trong việc định vị thời gian; đồng thời trong việc lấy cách nói thường ngày
của người Việt (trong sự so sánh đối chiếu giữa các câu tiếng Việt và câu tiếng
Pháp), chẳng hạn như các câu sau:
(1)

Hôm qua trời mưa.

(2)

Bây giờ trời nắng.

(3)

Đến mai tôi đi Biên Hòa.

Cũng theo ông, tiếng Việt có ba thời: thời hiện tại, thời quá khứ và thời
tương lai. Và được chia làm hai loại:
-Thời nguyên khai: Dựa vào các từ đang, đã (đà), sẽ để phân định thời hiện tại,
quá khứ, tương lai.
-Thời phái sinh: Dựa vào những từ, ngữ như khi ấy, lúc đó, có + danh từ biểu thị
thời gian, vừa khi, đoạn thì đã, thì sẽ v.v… để phân định thời hiện tại, thời quá khứ
hoặc thời tương lai.
b) Ba tác giả Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm cho rằng động từ tiếng
Việt cũng như các từ loại khác là không biến đổi hình thái. Bởi vậy, “khi dùng một
mình thì chỉ biểu diễn cái ý nói về cái dụng mà thôi…”; “muốn nói rõ cái dụng thi
hành ra lúc nào đối với lúc người ta nói thì người ta đặt thêm một tiếng trạng từ chỉ
thời gian để làm trường hợp túc từ.”, ví dụ:

(1)

Bây giờ tôi viết.

(2)

Hôm qua nó đến nhà anh.

(3)

Mai nó về quê anh.

Các tác giả “Việt Nam văn phạm” nhấn mạnh vai trò của trạng từ chỉ thời
gian trong việc định vị thời gian của sự tình trong câu tiếng Việt: “Khi người ta
muốn biểu diễn một việc đang làm trong thời hiện tại, quá khứ hay tương lai thì
người ta dùng tiếng trạng từ…”.Theo các ông, trạng từ chỉ thời gian được chia làm
ba loại:
- Trạng từ chỉ thời hiện tại: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như nay, rày, bây
giờ, hôm nay, v.v…
- Trạng từ chỉ thời quá khứ: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như khi nãy,
lúc nãy, hôm qua, hôm trước, hôm kia, năm ngoái, năm trước v.v…
- Trạng từ chỉ thời tương lai: thể hiện bằng các từ ngữ chỉ thời gian như lát nữa,
chốc nữa, ngày mai, năm sau, từ nay về sau, v.v…
Bên cạnh trạng từ chỉ thời gian, còn có trạng từ chỉ cục diện. Trạng từ này
dùng để “chỉ về sự việc xảy ra của mọi việc hoặc có rồi hoặc đang có, hoặc sắp có”
và được thể hiện bằng các từ, ngữ như đang, hãy còn, rồi, mới, vừa, vừa mới, sẽ,


5


sắp v.v… [42, tr. 111-114]
c) Lê Văn Lý cho rằng để diễn đạt các ý nghĩa về thời gian trong tiếng Việt, người
ta dùng các ngữ vị chỉ thì. Các ngữ vị chỉ thì này được thể hiện bằng các từ chứng
như đã, đang, sẽ v.v… và được chia làm ba loại:
- Ngữ vị chỉ kỳ gian: bao gồm những ngữ vị như đang (chỉ kỳ gian trong quá
khứ cũng như trong tương lai), vẫn (chỉ kỳ gian trong hiện tại, quá khứ, tương lai),
vốn (chỉ kỳ gian trong quá khứ).
- Ngữ vị chỉ thì quá khứ: bao gồm các từ ngữ như đã, rồi, đoạn, vừa mới (những
ngữ vị chỉ thì này có thể đứng trước hoặc sau động từ).
- Ngữ vị chỉ thì tương lai: bao gồm các từ ngữ như sẽ, sắp, gần.
Tiếng Việt không có ngữ vị riêng để chỉ thì hiện tại. [53, tr.72-77]
d) Phan Khôi, tác giả của “Việt ngữ nghiên cứu”, khi so sánh đối chiếu giữa yếu tố
không gian và thời gian, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thời gian trong ngôn
ngữ của loài người nói chung và trong tiếng Việt nói riêng: “bất luận tiếng nói nước
nào, thời gian được coi là quan trọng hơn không gian bội phần”, “tiếng ta cũng
vậy, cũng coi trọng thời gian hơn không gian.”.
Tác giả cho rằng động từ tiếng Việt cũng chia thì: “ … phải nói rằng tiếng
Việt chia thì của động từ” nhưng “bằng một cách khác với mấy thứ tiếng Âu châu”.
Tiếng Việt chia thì của động từ “bằng cách dùng một số phó từ chỉ thời gian và phó
từ đặc biệt chẳng hạn như: bây giờ, hôm qua, mai…, đà, đã, đã rồi, đang, hiện
đang, đang còn, sẽ, rồi sẽ, từng, vốn, vẫn, vừa, vừa mới, bưa vừa, sắp, rắp, chưa,
còn chưa, để rồi, v.v….” .Và theo ông thì “Những chữ như đã, đang, sẽ mới thật là
biểu diễn cái hồn của thì” [41, tr.114].
Tuy nhiên, bằng trực giác bản ngữ, tác giả cũng đã thấy được tính tương đối
trong việc định thì của các từ đang, đã, sẽ. Một phó từ (trong nhóm phó từ đặc biệt
này) có thể khi thì biểu thị thời hiện tại, khi thì biểu thị thời quá khứ, khi thì biểu thị
thời tương lai, ví dụ:
(1) Tôi đang đọc sách.
(thực hữu của hiện tại)
(2) Năm ngoái tôi đang ốm thì được tin em tôi hi sinh ở mặt trận.

(thực hữu của quá khứ)
(3) Rày về sau, khi tôi đang đọc sách thì các anh đừng hỏi gì tôi.
(thực hữu của vị lai)
Ngoài ra, tác giả còn dành một số trang viết để phản bác những quan điểm
mâu thuẩn của Trần Trọng Kim khi ông này trình bày về vấn đề thời gian trong
tiếng Việt. [41, tr.109-117]
e) Hai tác giả Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê phân chia từ loại tiếng Việt


6

bằng cách dựa vào tác dụng của chúng. Mỗi từ loại khi sử dụng trong câu đều có hai
tác dụng: ý nghĩa và cú pháp. Dựa vào tác dụng ý nghĩa, ta có loại từ tính (bao gồm:
thể từ, trạng từ và trợ từ); dựa vào chức năng cú pháp, ta có loại từ vụ. Trên cơ sở
phân định từ loại như trên và quan niệm của mình về thời gian, hai ông đã đưa ra
những khái niệm về thời tuyệt đối - tương đối, thời điểm - thời hạn, thời gian hữu
định - thời gian phỏng chừng. Qua việc khảo sát những tiếng có ý nghĩa thời gian,
hai ông đã chia chúng thành ba loại: Bổ từ thời gian: năm, tháng, ngày, giờ, thời,
mùa, lúc, chốc, lát, v.v…, Phó từ thời gian: bao gồm: đang, đã, sẽ, mới và một số
từ khác như rồi, chưa, vừa, mới, bèn, liền, hãy và bắt đầu, sắp, gần, còn, vẫn, cứ,
càng v.v.. Phó từ thời gian và bổ từ có thể được sử dụng trong cùng một câu. Phó từ
cho động từ, tính từ cũng có thể làm phó từ cho danh từ, ví dụ: “ Mai đã Chủ nhật
rồi.”, Hình dung từ bao gồm: trạng từ (luôn, thường hay, chậm, lâu, mãi, bất thình
lình, bỗng, vụt, …), thể từ (lần, lượt…). [11, tr.237-393]
f) Laurence C. Thompson [149] đã nghiên cứu thời gian trong tiếng Việt với hai
phạm trù khác nhau: phạm trù ngữ pháp và phạm trù từ vựng.
Xét về mặt phạm trù ngữ pháp, khi xác định các chỉ tố về thì trong tiếng
Việt, cần phải dựa vào “thời gian cơ bản”. Đó là thời gian được xác định trong một
ngữ cảnh cụ thể. Thời gian cơ bản là cái mốc và như thế chỉ tố đã xác định một
hành động diễn ra trước thời gian cơ bản, còn chỉ tố sẽ xác định một hành động xảy

ra sau thời gian cơ bản.
Hành động xảy ra trước
x
(đã)

TGCB
X

Hành động xảy ra sau
x
(sẽ)

Trong những câu phức, việc xác định thời gian của mệnh đề phụ luôn phải
được đặt trong mối tương quan với thời gian trong mệnh đề chính. Nói cách khác,
thì trong mệnh đề phụ phải được đặt trong mối tương quan với thì của mệnh đề
chính. [149, tr.209-220]
g) Trần Ngọc Ninh, tác giả của “Cơ cấu Việt ngữ”, thông qua việc so sánh đối chiếu
với hệ thống các phạm trù thời gian Ấn-Âu, trên cơ sở phân tích “dạng vị”, đã cố
tìm ra những đặc trưng riêng biệt trong cách thể hiện phạm trù thời gian của tiếng
Việt. Theo ông, thời gian ở tiếng Việt được phân định theo phép lưỡng nguyên
(khác với đặc trưng tam phân: hiện tại, quá khứ và tương lai của các ngôn ngữ Ấn
Âu). Trần Ngọc Ninh dựa trên bốn từ: đang, đã, sắp, sẽ để định ra phép lưỡng
phân. Phép lưỡng phân cho ta hai dạng vị: quá khứ và hiện tại hợp nhất, tương lai.
Dạng vị quá khứ và hiện tại hợp nhất (/đ-/ : đã và đang) chỉ rằng sự diễn tiến của sự
trạng là một thực tế vì sự trạng ấy xảy ra ở một thời đã tới. Còn dạng vị tương lai
(/s-/: sắp và sẽ) thì chỉ ra rằng sự trạng chỉ mới tồn tại trong quan niệm chứ chưa
được tồn tại trong hiện thực. Phép lưỡng phân đưa đến những cặp phạm trù thời
gian đối lập: cặp thực hiện / chưa thực hiện tương ứng với cặp không vị lai / vị lai.
[57, tr.115-123]



7

3.2.1.2. Đại biểu các nhà ngôn ngữ học cho rằng tiếng Việt không có phạm trù
thời gian hiểu như một phạm trù ngữ pháp kiểu châu Âu. Phạm trù thời gian trong
tiếng Việt được nhận thức theo cách riêng, chủ yếu là trên phương diện từ vựng,
ngữ cảnh, ngữ dụng.
a) Bùi Đức Tịnh cho rằng động từ tiếng Việt không có những hình thức nhất định
để chỉ các thời: hiện tại, quá khứ hoặc tương lai. Người phát ngôn khi nào cần thể
hiện thời gian của sự kiện thì mới sử dụng trạng từ chỉ thời gian. Ông đưa các từ
như đang, đã, sẽ, còn, vừa, vừa mới, v.v… vào lớp trạng từ đặc biệt. Ông cho rằng
tiếng Việt có ba thời: thời hiện tại, thời quá khứ, thời vị lai.
- Thời hiện tại: thể hiện bằng các từ ngữ như đang, còn, hãy còn.
- Thời quá khứ: thể hiện bằng các từ ngữ như đã, vừa, mới, có, rồi, xong, xong
rồi.
- Thời vị lai: thể hiện bằng các từ ngữ như sắp, sẽ.
Và theo ông, các thời trên chỉ có tính chất tương đối. Cũng từ đó lại có thêm
những khái niệm như: “hiện tại trong dĩ vãng”, “dĩ vãng trong tương lai” v.v…
Trong bài viết của mình, Bùi Đức Tịnh cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngữ
cảnh trong việc định vị thời gian ở tiếng Việt. [88, tr.53]
b) Nguyễn Kim Thản, trong “Động từ trong tiếng Việt”, đã đưa ra một số nhận xét
khá quan trọng về vấn đề thời, đánh dấu một bước tiến mới về quan điểm thời gian
trong tiếng Việt, về vấn đề có thì hay không có thì trong tiếng Việt giữa quan điểm
cũ và quan điểm mới. Tác giả có nhận xét như sau:
- Việc nghiên cứu và xác định phạm trù thời đã có một lịch sử lâu dài: Arixtôt
cho rằng động từ phải có đặc điểm là có “thời gian”; nhà ngôn ngữ học A.Mâyê cho
rằng:“sự tiến bộ của nền văn minh nêu bật phạm trù thời và hướng về chỗ xoá bỏ
những phạm trù có giá trị cụ thể và gợi cảm và dành cho những phạm trù trừu tượng
một tầm quan trọng ngày càng to lớn….”.
- Không nên đồng nhất phạm trù ngữ pháp với phạm trù logic mặc dù trong thực

tế phạm trù ngữ pháp phản ánh phạm trù logic.
- Sự tồn tại hay không tồn tại của một phạm trù ngữ pháp là một vấn đề của ngôn
ngữ học chứ không phải là một vấn đề logic học.
- Đối với động từ tiếng Việt, phạm trù thời không phải là một phạm trù ngữ pháp
theo cách hiểu của châu Âu mà nên coi phạm trù này là phạm trù của vị ngữ.
- Không nên coi những phó từ như đã, đang, sẽ, vừa, vừa mới, v.v… là công cụ
ngữ pháp biểu thị phạm trù thời của động từ tiếng Việt.
- Trường hợp nhất định phải sử dụng và trường hợp không thể sử dụng phó từ
chỉ thể - thời.
Tác giả đã đi đến kết luận: “phạm trù thời không phải là phạm trù ngữ pháp
đặc biệt của động từ tiếng Việt. Đã, đang, sẽ, vừa, mới… là những từ chỉ thể - thời


8

tức là chỉ sự tiến hành hay hoàn thành trong thời gian và việc sử dụng những phó từ
biểu thị thể - thời ở bộ phận vị ngữ thuộc về phạm vi cấu trúc của câu.” [75, tr.187 ]
Nguyễn Kim Thản cũng đã phản bác quan niệm của Trương Vĩnh Ký khi
ông Trương Vĩnh Ký cho rằng: “khi thời đã được biểu thị bằng một phó từ (chỉ thời
gian) hay bằng một mệnh đề phụ thuộc thì không cần dùng đến tiểu từ chỉ thời
nữa.”. Ông đã đưa ra các ví dụ sau [75 ,tr. 193] để minh họa cho điều phản bác nói
trên:
(1) Bây giờ phải đem con đi bán, u đã chết từng khúc ruột rồi đấy, con ạ.
(Ngô Tất Tố)
(2) Cuộc sống như cuộc sống của chúng ta đang sống bây giờ đã thật có gì
đáng cho ta thấy vui chưa? ( Nam Cao)
(3) Bây giờ tôi sẽ dẫn đồng chí đến khách sạn. (Trần Dân Tiên- những mẩu
chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Hà Nội, 1955)
Tác giả đã đề cập về việc sử dụng phó từ có tính bắt buộc trong câu giả
thiết:“Khi có vế câu giả thiết về một sự việc trong quá khứ, thì vế chỉ kết quả phải

được phó từ chỉ hoàn thành - quá khứ xác định.”
Ông cũng là người đầu tiên đã thống kê tần số sử dụng của những phó từ
thể- thời này trong các phong cách ngôn ngữ và các văn bản khác nhau. [75, tr.183193]
c) Nguyễn Tài Cẩn, trong phần trình bày động ngữ [6, tr.246-302], đã khảo sát và
phân tích một số các từ như từng, đã, vừa, mới, đang, sẽ,…, hãy, đừng, chớ nằm ở
phần đầu của động ngữ, đồng thời so sánh chúng với những thành tố phụ khác của
động ngữ để từ đó có những nhận xét (về mặt ngữ nghĩa và về mặt ngữ pháp) như
sau:
- Nhóm từng, đã, vừa, mới, đang, sẽ…với ý nghĩa khái quát là chỉ thời gian của
hành động.[6, tr.266]
- Nhóm hãy, đừng, chớ là một nhóm có ý nghĩa thiên về ngữ pháp: ý nghĩa mệnh
lệnh. Ý nghĩa mệnh lệnh, ngoài ý nghĩa chỉ liên quan đến hành động, là ý nghĩa liên
quan đến tương lai.[6, tr.273]
- Đã, đang, sẽ…là những từ có thể đi kèm với bất kỳ từ loại nào (danh từ, danh
ngữ cũng như động từ, động ngữ, tính từ, tính ngữ,), ví dụ:
(1) Mai đã chủ nhật rồi.
(đã xuất hiện trước vị tố “chủ nhật”)
(2) Đã ba năm nay nó không về quê.
(đã xuất hiện trước trạng tố “ba năm nay”)


9

(3) Cái cụ già đã 80 tuổi đó, hiện vẫn còn rất khỏe mạnh.
(đã xuất hiện trước định tố “80 tuổi”) [6, tr.263-264]
d) Đào Thản, trong phần “Các từ biểu thị quan hệ không gian-thời gian” [71, tr.3948], thông qua việc so sánh đối chiếu một số từ có cùng ý nghĩa không gian và thời
gian chẳng hạn như các giới từ: từ, trong, ngoài , trước, đầu, giữa, cuối; một số tính
từ: dài - ngắn, gần - xa, thiếu - đủ …tròn - méo, đầy - vơi… ; các đại từ: đây, kia…
; các động từ chuyển động như: vào - ra, qua, sang…; các phó từ: ngay, liền, mãi,
kịp,… ; các danh từ: bình minh, sáng, trưa, chiều, đêm, tối,… Tác giả của “Từ ngôn

ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật” đã đưa ra một số nhận xét như sau:
- Ngôn ngữ tự nhiên của con người cũng có những đặc trưng về mặt biểu hiện
không gian và thời gian của nó.
- Các đơn vị từ vựng biểu thị thời gian, phần nhiều, đều có thể tìm thấy sự tương
ứng hoặc mối quan hệ chặt chẽ với những đơn vị từ vựng biểu thị không gian. Sự
mở rộng từ nghĩa không gian đến nghĩa thời gian thường diễn ra một chiều và
không bao giờ có chiều ngược lại.
- Mối quan hệ giữa nghĩa không gian và thời gian là một đặc trưng có tính chất
phổ quát của nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Cứ liệu về mối
quan hệ giữa không gian và thời gian trong tiếng Việt cũng đặc biệt phong phú và
đa dạng.
- Không gian và thời gian là thống nhất cả trong nhận thức và trong quan niệm
của người Việt Nam.
- Từ hiện tượng thống nhất này có thể rút ra một hệ quả có ý nghĩa thực tiễn đối
với công việc biên soạn tự điển. [71, tr.39-47]
f) Hai tác giả F.E Huffman và Trần Trọng Hai [119] nhấn mạnh vai trò của ngữ
cảnh trong việc xác định thì của một phát ngôn. Trong tiếng Việt, thì (hoặc thời gian
tương đối) của vị từ phần lớn do ngữ cảnh quy định. Do ngữ cảnh mà một câu có
cùng một ý nghĩa mà có thể được viết ở nhiều thì khác nhau.Ví dụ trong câu “Tôi
làm điều đó”, tùy theo ngữ cảnh mà có thể được viết như sau:
I do that. (thì hiện tại).

I’m doing that. (thì hiện tại diễn tiến)

(Tôi làm điều đó.)

(Tôi đang làm điều đó.)

I did that (thì quá khứ).


I’ve done that (thì hiện tại hoàn thành)

(Tôi đã làm điều đó.)

(Tôi đã làm điều đó.)

I’ll do that (thì tương lai)
(Tôi sẽ làm điều đó.)
Tuy nhiên ở tiếng Việt, khi ngữ cảnh không có khả năng xác định thời gian
hoặc khi nhấn mạnh vào mối quan hệ thời gian của các sự kiện thì cần sử dụng các
chỉ tố thì như đang, đã, sẽ….Những chỉ tố này không có tính chất thuần túy ngữ


10

pháp như trong ngôn ngữ Ấn Âu mà trong một số trường hợp chúng kiêm nhiệm
thêm một số chức năng ngữ nghĩa.[119, tr.261]
g) Hồ Lê, khi đề cập đến phạm trù thời trong tiếng Việt, cho rằng ngoài phương tiện
từ vựng để biểu thị thời gian (chẳng hạn như hôm qua, hôm nay, ngày mai,v.v…,
đang, đã, sẽ,v.v…), tiếng Việt còn có những kiểu liên hội để biểu hiện phạm trù
thời.
Theo tác giả, phạm trù liên hội là một trong hai nội dung tạo thành phạm trù
ngữ nghĩa - cú pháp siêu tuyến (phạm trù còn lại là phạm trù tình thái). Phạm trù
này không được đánh dấu bằng hình thức trong câu mà thông qua sự liên hội, có
nghĩa là phải thông qua việc so sánh nhiều đơn vị ngôn ngữ mới rút ra được phạm
trù hiện thực này. Phạm trù thời ở đây không phải là phạm trù ngữ pháp như trong
các ngôn ngữ biến hình mà là phạm trù hiện thực và việc biểu đạt cũng như việc
nhận diện nó phải thông qua phép liên hội cho nên gọi là “phạm trù liên hội hiện
thực”. Có nhiều kiểu liên hội:
- Trật tự trước sau của các từ ngữ có ý nghĩa thời gian: tùy theo vị trí của đại từ

nghi vấn: bao giờ / lúc nào mà câu có ý nghĩa quá khứ hay tương lai.
- Những trợ từ như cho mà xem, cho (mà) biết, cho biết tay… luôn đi với hành
động ở tương lai.
- “Từ chỉ cách thức + mà + động từ ”: biểu thị hành động xảy ra trong tương lai.
- Những câu nêu lên một nhận định, câu nói lên một cảm giác: thường gắn với sự
kiện xảy ra ở thời gian quá khứ hoặc hiện tại.[47], [48], [49]
h) Nguyễn Văn Thành, căn cứ vào phạm trù ngữ pháp của các cấu trúc thời - thể
của động từ tiếng Việt, trên cơ sở sự phân chia từ loại dựa trên chức năng ngữ pháp
của từ, cho rằng các từ phụ trợ (các hư từ chẳng hạn như đã, đang, sẽ, xong, hết,
được, nổi, cạn tiệt, nhẵn, sạch… ) đóng một vai trò quan trọng tạo nên những cấu
trúc đối lập về thời gian của một hành động: đang tiếp diễn hay đã hoặc sẽ hoàn
thành. Loại từ này (hư từ) khi kết hợp với động từ sẽ diễn đạt các ý nghĩa ngữ pháp
cố định về thời - thể của động từ, từ đó có thể xác định một phạm trù ngữ pháp của
các cấu trúc thời - thể của động từ với hai hệ hình đối lập nhau ở cả ba bình diện
thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. [77, tr.52-57]
i) Nguyễn Đức Dân, trong chương “Lôgích thời gian”, đã đưa ra những nhận xét
như sau:
- Xét về mặt ngữ pháp, thời gian là một phạm trù ngữ pháp được biểu hiện qua
động từ; xét về mặt ngữ nghĩa, thời gian biểu hiện trong các tình huống cụ thể của
các trạng thái, sự kiện, hành động, phát ngôn….Thời gian là một phạm trù phổ quát
trong ngôn ngữ. Hầu hết các ngôn ngữ đều có các phương thức thể hiện và nhận
diện thời gian, trong đó có tiếng Việt.
- Trong tiếng Việt, không có một lớp từ riêng biệt chuyên thể hiện thời gian như
một phạm trù ngữ pháp. Nói cách khác, tiếng Việt không có phạm trù thì (tense).


11

- Các cấu trúc câu thể hiện ý nghĩa tuyệt đối gắn liền với hành động đã xảy ra
hoặc chưa từng xảy ra. Cấu trúc bị động gắn liền với sự kiện xảy ra ở quá khứ. Các

kiểu câu ghép (nguyên nhân - kết quả: chỉ sự kiện đã xảy ra, điều kiện - kết quả: chỉ
sự kiện chưa xảy ra v.v…). Thứ tự (vị trí) của các đại từ nghi vấn: hoặc là chỉ sự
kiện đã xảy ra hoặc chưa xảy ra (chẳng hạn như: Anh về bao giờ?: chỉ hành động đã
xảy ra. Bao giờ anh về?: chỉ hành động chưa xảy ra).
- Trong một số trường hợp, thời gian có thể được nhận diện thông qua sự suy
luận logic chứ không căn cứ trực tiếp vào các yếu tố ngôn ngữ. Ngoài ra, những cơ
chế ngôn ngữ tạo thành ý nghĩa thời gian logic có thể bị khác đi do chịu sự tác động
của một số hiện tượng ngôn ngữ khác chẳng hạn như các từ tính thái (các từ có ý
nghĩa phỏng đoán, các từ có ý nghĩa khả năng v.v…)
- Trong bài viết, tác giả còn lưu ý đến những trường hợp bắt buộc, tùy ý, và
không thể sử dụng các từ đã, đang, sẽ trong câu. Đồng thời, còn có những lưu ý
đến việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. [17, tr.115-132]
k) Cao Xuân Hạo có thể được xem là một trong những người có những phát hiện
mới mẻ góp phần quan trọng trong việc định hướng cho việc nghiên cứu vấn đề
định vị thời gian trong tiếng Việt. Trong công trình nghiên cứu về thời gian trong
ngôn ngữ, tác giả đã đi sâu vào việc tìm hiểu về cách diễn đạt ý nghĩa “thời gian”
trong tiếng Việt.
-Về mặt quan điểm nghiên cứu, tác giả cho rằng bất kỳ một sự nhận định hoặc miêu
tả nào về tiếng (ở đây là tiếng Việt) đều cũng phải dựa vào bản ngữ (ở đây là tiếng
Việt) làm gốc, không thể áp đặt máy móc từ một định kiến nào khi nhận định hoặc
miêu tả nó. Ông phủ nhận cái gọi là thì trong tiếng Việt mà trước đây một số các
nhà ngôn ngữ học đã từng gọi nó, nghiên cứu nó, coi nó như là một phạm trù ngữ
pháp.Và ông chỉ rõ rằng nếu như tất cả các ngôn ngữ đều có nhiều cách định vị các
sự tình được nói đến trong thời gian thì không phải ngôn ngữ nào cũng ngữ pháp
hóa cách định vị đó như cách làm của một số thứ tiếng châu Âu.
- Tác giả nhấn mạnh đến vai trò của các từ ngữ chỉ thời gian trong việc xác định ý
nghĩa thời gian của phát ngôn khi mà ngôn cảnh không cho biết gì về sự định vị
thời gian đó. Nói cách khác, yếu tố từ vựng cũng là một trong những yếu tố xác
định ý nghĩa thời gian trong câu. Nói về quá khứ, ông cho rằng: “Trong những
trường hợp nhất thiết phải định vị sự tình trong thời gian quá khứ mà ngôn cảnh

không cho biết gì về sự định vị đó, thì tiếng Việt bao giờ cũng dùng phương tiện từ
vựng, tức là dùng một khung đề thời gian quá khứ như trước kia, trước đây, thuở
trước,v.v... ” [34, tr.547]
l) Trần Ngọc Thêm, trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, cho rằng “Ngữ pháp phương
Tây là ngữ pháp hình thức, còn ngữ pháp Việt Nam là ngữ pháp ngữ nghĩa” [86,
tr.164]. Ông chỉ ra rằng “ Trong khi ngữ pháp của các ngôn ngữ châu Âu là một thứ
ngữ pháp chặt chẽ tới mức máy móc thì ngữ pháp tiếng Việt tổ chức theo lối dùng
các từ hư để biểu hiện các ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp” [86, tr.164]. Ông cũng cho
rằng “tiếng Việt có khả năng khái quát rất cao, có thể nói một câu không thời,


12

không thể, không ngôi ” [86, tr.165] .
3.2.2. Theo quan điểm tri nhận:
a) Lý Toàn Thắng, qua bài viết “Ngôn ngữ và sự tri nhận không gian” cũng như
trong quyển Ngôn ngữ học tri nhận - từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt,
đã đưa ra một số phương hướng nghiên cứu chung cho cả vấn đề không gian và thời
gian trong ngôn ngữ. Vận dụng những nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, các ngành
dân tộc học và tri nhận học, tác giả đã đi sâu vào việc việc phác thảo ngành Ngôn
ngữ học tri nhận, vào việc nghiên cứu bức tranh ngôn ngữ về thế giới để từ đó, khảo
sát mặt ngữ nghĩa các từ chỉ không gian trong tiếng Việt, và cho rằng đi theo huớng
này chắc hẳn sẽ có những đóng góp không nhỏ đối với các ngành ngôn ngữ học tri
nhận, dân tộc ngôn ngữ học, tâm lý ngôn ngữ học và đặc biệt là loại hình học ngữ
nghĩa, để từ đó có cơ sở tìm đến cái “đặc thù tâm linh” của ngôn ngữ. Khi đề cập
đến vấn đề ý niệm, ông cho rằng tri thức ngôn ngữ (tức là tri thức ý nghĩa và hình
thức) về cơ bản là cấu trúc ý niệm và biểu hiện ngữ nghĩa về cơ bản là biểu hiện ý
niệm … các biểu hiện về cú pháp, từ pháp và âm vị học về cơ bản cũng mang tính ý
niệm - một tiền đề quan trọng của ngôn ngữ học [78],[80].
b) Trần Văn Cơ, trong Ngôn ngữ học tri nhận (ghi chép và suy nghĩ), đã đưa ra

nhiều vấn đề, chẳng hạn như tìm hiểu về sự hình thành của ngành khoa học mới:
khoa học tri nhận, các vấn đề tri nhận và hoạt động tri nhận của con người, ý niệm
và ý niệm hóa thế giới (bức tranh ngôn ngữ về thế giới), phạm trù và phạm trù hóa
thế giới, ẩn dụ và ẩn dụ tri nhận ... .Ngôn ngữ học tri nhận đặc biệt lưu ý đến hai
thuộc tính của thời gian – đó là tính tuyến tính và tính không thể quay ngược trở lại
[13, tr.64]. Khi trình bày những ý niệm về thời gian, ông đã đưa ra hai mô hình thời
gian: mô hình thời gian hình tròn và mô hình thời gian tuyến tính. Ông cũng đề cập
đến vấn đề “cảm nhận thời gian” và hai loại thời gian: thời gian chủ quan và thời
gian khách quan [13, tr.153-158].
c) Nguyễn Đức Tồn, trong “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư
duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” [89], thừa nhận ẩn dụ
không chỉ xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ mà còn được coi là phương thức tư duy
của con người. Và ông đưa ra khái niệm ẩn dụ ý niệm (ẩn dụ tri nhận). Ông phân
loại ẩn dụ ra thành ẩn dụ sự vật, ẩn dụ hoạt động, ẩn dụ tính chất và ẩn dụ sự tình
[89].
e) George Lakoff và Mark Johnson trong quyển Metaphor we live by [126] đã đưa
ra lý thuyết ẩn dụ ý niệm theo phương pháp nghiên cứu của Ngôn ngữ học tri nhận
(Cognitive linguistics). Theo các ông, ẩn dụ được xem là công cụ tạo nghĩa cho
những phạm vi khái niệm mới gần với trải nghiệm sống trực tiếp của con người.
Nghiên cứu ẩn dụ luôn phải dựa trên nền tảng trải nghiệm, không chỉ được xem xét
ở riêng phạm vi ngôn ngữ mà ở cả phạm vi tư duy và hành động. Trong quyển
Philosophy in the flesh [131], hai tác giả này đã nhấn mạnh đến vấn đề ý niệm, tính
nghiệm thân (embodiment) trong ẩn dụ, hoán dụ, đặc biệt là đề cập đến vấn đề thời
gian dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận. Hai ông cho rằng ý niệm về thời gian


13

xuất phát từ ý niệm không gian. Cũng trong Philosophy in the flesh, hai ông cho
rằng ngữ nghĩa trong lý thuyết tri nhận trên cơ sở thần kinh chỉ có thể nảy sinh

thông qua cơ thể và trí óc và trải nghiệm của con người khi được mã hóa trong bộ
não [131, tr.256]. Trong More than cool reason [129], hai tác giả này đã nhấn mạnh
đến vấn đề ẩn dụ trong thơ ca – một vấn đề then chốt trong học thuyết tri nhận,
trong đó có ẩn dụ thời gian dưới góc độ ý niệm.
f) Z.Kövecses, trong quyển Metaphor: A practical introduction [122], đề cập tập
trung về vấn đề ẩn dụ ý niệm, trong đó có ẩn dụ ý niệm thời gian, phân loại ẩn dụ
cũng như vai trò của ẩn dụ, hoán dụ trong thơ ca. Trong quyển Metaphor and
Emotion [121], Kövecses nhấn mạnh đến những ẩn dụ ý niệm thuộc về cảm xúc có
sự tham gia của yếu tố con người và yếu tố văn hóa. Những cảm xúc này xuất phát
từ những trải nghiệm nghiệm thân (embodied experiences) của con người, cũng như
sự tương tác của cơ thể người đối với thế giới bên ngoài. Trong Metaphor in culture
Universality and Variation (2005), ông bàn đến tính phổ niệm và sự biến đổi ẩn dụ
trong văn hóa. Khi nói về thời gian, xét dưới góc độ văn hóa, ông cho rằng ẩn dụ
THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG được dựa vào sự nhận thức về sự chuyển
động theo trục ngang (mang lại ẩn dụ TIME IS HORIZONTAL) nhưng thời gian
cũng được nhận thức như là sự chuyển động theo chiều thẳng đứng (mang lại ẩn dụ
TIME IS VERTICAL) trong một số ngôn ngữ, và theo ông, dạng thức của ẩn dụ
được dựa vào sự chuyển động theo trục ngang dường như thông thường hơn trong
ngôn ngữ thế giới. [123, tr.50].
g) Reddy, M.J , trong bài viết “The Conduit Metaphor” [138], giải thích rằng ngôn
ngữ hoạt động giống như một đường dẫn (conduit). Khi chúng ta truyền ý nghĩ hay
tình cảm vào từ ngữ và “từ ngữ chúng ta sử dụng hoàn tất quá trình dịch chuyển
bằng cách lưu giữ ý nghĩ và tình cảm rồi chuyển chúng cho người khác. Trong khi
chúng ta nghe người khác nói, chúng ta chiết xuất ý nghĩ, tình cảm từ từ ngữ của
người nói.”. Ông cho rằng kiểu ẩn dụ này có ảnh hưởng và tác động vào quá trình
tư duy của chúng ta.
h) Trần Đình Sử, trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, chỉ ra
rằng có hai loại thời gian trong thơ ca. Đó là thời gian vũ trụ bất biến và thời gian
con người. Ông cho rằng: “cảm nhận thời gian con người ngắn ngủi, chóng tàn với
thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến là hai chủ đề thời gian tiêu biểu trong thơ ca Trung

quốc” và cũng là chủ đề thường gặp trong thơ ca trung đại Việt Nam. Đặc biệt trong
thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến, tác giả nhấn mạnh tính chất vô thời gian trong thơ
thiền Việt Nam. Ngoài ra, trong thơ, còn có “thời gian lịch sử, thời gian siêu nhiên,
tiên cảnh, thời gian sinh hoạt ”. Do còn chịu sự quy định của quy luật cảm thụ toàn
vẹn, thơ ca trung đại Việt Nam thường“ nhìn mọi sự với toàn bộ quá trình: hình
thức tuần hoàn của thời gian thiên nhiên như ngày đêm, bốn mùa, sống chết; ý
niệm lý tưởng hoá thời cổ xưa, một thời hoàn kim trong quá khứ; sự chuyển hoá
qua lại của cảm nhận không gian và thời gian v.v… ” [68, tr.228].
i) Trong quyển Tâm lý học (bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Văn Hiếu), ở phần phân
loại các tri giác, Ruđích P.A đã đề cập đến ba loại tri giác: tri giác không gian, tri


14

giác thời gian và tri giác vận động: “Cơ sở để phân loại tri giác là các hình thức tồn
tại của vật chất - không gian, thời gian và vận động. Tương ứng với các hình thức
đó, người ta phân biệt các tri giác không gian, thời gian, vận động.”[62, tr.162].
Ông đưa ra khái niệm tri giác thời gian như sau: “Tri giác thời gian - đó là sự phản
ánh độ dài thời gian khách quan, tốc độ và tuần tự của các hiện tượng thực tế.”[62,
tr.167] và ở phần “Tri giác tính liên tục của các hiện tượng”, ông cho rằng: “Tri giác
tính liên tục của các hiện tượng là có liên quan đến các biểu tượng về hiện tại, quá
khứ và tương lai.” [62, tr.169]. Ông cũng chỉ ra rằng: “Khi tri giác thời gian người
ta thường gặp phải những sai lầm về đánh giá thời gian, hoặc là ảo tưởng thời gian
thể hiện là thời gian có dài hơn hoặc có ngắn hơn.” [62, tr.169]
Tóm lại , có nhiều quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về vấn đề thời gian
trong tiếng Việt. Tiêu biểu cho quan niệm tiếng Việt có thì (một phạm trù ngữ pháp
liên quan đến khái niệm “ngữ pháp hóa” của châu Âu) có thể kể đến là Trương Vĩnh
Ký, Trần Trọng Kim, Lê Văn Lý, Nguyễn Văn Thành, …, tiêu biểu cho quan niệm
tiếng Việt không có thì có thể kể ra ở đây là Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Đức Dân,
Cao Xuân Hạo, … . Và nếu xem ngôn ngữ học tri nhận là một sự tăng cường phân

tích vai trò của nhận thức đối với các đơn vị ngôn ngữ (nhất là ở phạm vi ngữ
nghĩa), thì ở Việt Nam có nhiều tác giả quan tâm đến lĩnh vực này như Lí Toàn
Thắng, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Đức Tồn, Trần Văn Cơ, v.v... . Nhiều vấn đề
theo hướng nghiên cứu này sẽ đưa lại những phát hiện mới mà trong những nghiên
cứu truyền thống trước đây chưa được làm sáng tỏ.
Cần thấy rằng nhận xét này xuất phát từ một cái nhìn có tính chất tổng quát,
chứ còn trên thực tế, từng tác giả cụ thể cũng chưa phân xuất thành những ranh giới
rạch ròi. Tuy nhiên, từ nhiều quan điểm, phương pháp và nội dung nghiên cứu khác
nhau, các tác giả nêu trên thật sự đã có những đóng góp quan trọng về vấn đề tìm
hiểu về thời gian cũng như việc định vị thời gian trong tiếng Việt; từ đấy tạo tiền đề
cơ bản cho những công trình nghiên cứu sau này có hệ thống, khoa học hơn.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Phương pháp làm việc chính ở đây là phương pháp so sánh - đối chiếu theo
quan điểm đồng đại để tìm những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ
(tiếng Việt và tiếng Anh) khi nghiên cứu về vấn đề thời gian và định vị thời gian
trong phạm vi của đề tài. Trong từng chương cụ thể, chúng tôi dùng phương pháp
miêu tả, phân tích, phương pháp quy nạp, thống kê, phương pháp tổng hợp dưới
dạng mô hình, biểu đồ trên cơ sở phân tích các cứ liệu rút ra từ các văn bản nghệ
thuật, nghị luận, những câu phát ngôn của ngôn ngữ đời thường để từ đó, khái quát
những vấn đề mà đề tài đặt ra.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Phạm trù thời gian (time category), sự định vị thời gian (location of time)
trong tiếng Việt là những vấn đề phức tạp, đụng chạm đến nhiều vấn đề lí luận ngôn
ngữ học. Luận án này không có tham vọng giải quyết những vấn đề phức tạp ấy. Ở
đây với sự nỗ lực của cá nhân, luận án sẽ có những đóng góp sau đây:


15

5.1.Về mặt lý thuyết

- Qua việc vận dụng lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận, luận án góp phần tìm hiểu
về ý niệm, ẩn dụ ý niệm, đặc biệt là ẩn dụ ý niệm thời gian trong ngôn ngữ đời
thường và văn chương, xác lập bức tranh ngữ nghĩa về thời gian trong tâm thức
người Việt, cũng như góp phần tìm hiểu việc định vị thời gian trong tiếng Việt dưới
góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận.
- Góp phần về mặt phương pháp nghiên cứu vấn đề thời gian trong tiếng Việt, cụ
thể như ngoài việc nghiên cứu về cấu trúc ngôn ngữ, luận án còn nghiên cứu các
yếu tố phi ngôn ngữ, bao gồm: con người nhận thức, ngữ cảnh, tâm lý, văn hóa,
logic, v.v… dưới góc độ tri nhận để từ đó, có thể nhận thức đầy đủ hơn, khoa học
hơn về vấn đề này.
- Góp phần tìm hiểu về các cách thức tri nhận thời gian của cộng đồng bản ngữ
dựa trên ngữ liệu tiếng Việt để từ đó nhận thức rõ hơn về “bức tranh thời gian” có
tính chất qui ước xã hội, có tính chất văn hóa, có tính chất mô - típ của cộng đồng
người Việt.
5.2.Về mặt thực tiễn:
- Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Con người với tư cách là chủ thể nhận thức thế giới
xung quanh sẽ phản ánh tư duy của mình về thế giới đó qua ngôn ngữ. Dưới góc độ
ngôn ngữ học tri nhận, nghiên cứu việc định vị thời gian trong tiếng Việt giúp ta
phần nào nhận diện được tư duy của dân tộc.
- Góp phần tìm hiểu vấn đề tri nhận thời gian trong tiếng Việt trên cơ sở lý
thuyết tri nhận, đồng thời góp phần tìm hiểu qui luật sử dụng ngôn ngữ trong việc
diễn đạt các ý nghĩa thời gian của người Việt.
- Ngày nay, nhu cầu giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các nước là một xu thế
mang tính toàn cầu. Trong công cuộc giao lưu này, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc
biệt là dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài, đóng một vai trò quan trọng.Việc
nắm bắt được ý nghĩa thời gian trong tiếng Việt sẽ là cơ sở giúp cho người nước
ngoài sử dụng chính xác tiếng Việt, nhất là những thứ tiếng mà phạm trù thời gian
được ngữ pháp hóa và ngược lại.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần dẫn nhập và phần kết luận, nội dung chính của luận án bao gồm

ba chương:
Chương một: Cơ sở lí luận
Chương một nhằm khái quát một số vấn đề chung về lý thuyết ngôn ngữ học
tri nhận như vấn đề tri nhận và quá trình tri nhận, một số quan điểm và nguyên lý cơ
bản về sự tri nhận thế giới bằng ngôn ngữ; vấn đề ý niệm – đơn vị trung tâm của lý
thuyết ngôn ngữ học tri nhận, cấu trúc ý niệm, các loại ý niệm và những yếu tố xoay
quanh vấn đề ý niệm như khung ý niệm, tính điển dạng, những mô hình tri nhận lý
tưởng, mô hình tri nhận cụm, mối quan hệ giữa mô hình tri nhận và mô hình văn


16

hóa. Cũng ở chương này, luận án tập trung tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm, sự hòa trộn ý
niệm - những vấn đề nghiên cứu trọng tâm mà ngành ngôn ngữ học tri nhận đặt ra,
cụ thể là tìm hiểu khái niệm ẩn dụ ý niệm, sơ đồ hình ảnh, vai trò của ẩn dụ, phân
loại ẩn dụ ý niệm với bốn loại ẩn dụ mà các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận
đề xướng: ẩn dụ cấu trúc, ẩn dụ bản thể, ẩn dụ định hướng và ẩn dụ kênh liên lạc,
tìm hiểu mối quan hệ giữa hoán dụ ý niệm và ẩn dụ ý niệm; đồng thời tìm hiểu thêm
về không gian tâm thức, về sự hòa trộn ý niệm về hai lĩnh vực: không gian và thời
gian. Trong chừng mực nhất định, ở chương này luận án vận dụng các vấn đề có
tính lý thuyết trên để tìm hiểu về vấn đề thời gian – đề tài mà luận án đặt ra.
Chương hai: Định vị thời gian trong tiếng việt
Ở chương này, trên cơ sở lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận về vấn đề định
vị thời gian, luận án bước đầu tìm hiểu về mối quan hệ nghĩa giữa không gian và
thời gian trên cơ sở ý niệm, xác lập bức tranh ngữ nghĩa thời gian với các loại thời
gian cụ thể, khái niệm về thuật ngữ “định vị thời gian”; từ đó, tìm hiểu và xác định
những cách thức định vị thời gian trong tiếng Việt, bao gồm: 1) Định vị thời gian
theo mức độ chuyển dịch gần – xa với ẩn dụ THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN
ĐỘNG và ẩn dụ NGƯỜI QUAN SÁT ĐANG DI CHUYỂN. 2) Định vị trước – sau
/ tới - lúc này trong thời gian với ẩn dụ THỜI GIAN ĐANG CHUYỂN ĐỘNG. 3)

Định vị thời gian trong chuỗi sự kiện không có chủ thể (người quan sát) tham gia.
4) Định vị thời gian TRÊN –DƯỚI theo chiều đứng của chủ thể. 5) Định vị thời
gian qua từ vựng có ý nghĩa thời gian.
Chương ba: Ẩn dụ thời gian trong thơ văn
Tư duy ẩn dụ thời gian trong văn chương là một thứ tư duy có tính chất phổ
quát cho nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Do ẩn dụ là công cụ để hiểu được
thế giới của chúng ta và chính bản thân mỗi người cho nên nó cũng gắn kết với
những ẩn dụ thơ ca tạo thành cách thức quan trọng mà qua đó chúng ta hiểu được ý
nghĩa cuộc sống của con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa thời gian với con
người. Trong chương này, luận án tìm hiểu về ẩn dụ hình ảnh, ẩn dụ mở rộng những vấn đề có liên quan với việc tìm hiểu ẩn dụ trong văn chương và tập trung
tìm hiểu về ẩn dụ ý niệm THỜI GIAN LÀ CON NGƯỜI trên cơ sở những ẩn dụ cơ
sở như ẩn dụ THỜI GIAN LÀ KẺ CẮP, THỜI GIAN LÀ KẺ RƯỢT ĐUỔI, THỜI
GIAN LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH, THỜI GIAN LÀ KẺ HỦY DIỆT v.v... ; phân tích
những ẩn dụ này trong sự đối chiếu ở thơ ca tiếng Việt và thơ ca tiếng Anh.


17

Chương một
CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. SƠ LƯỢC VỀ NGÔN NGỮ HỌC TRI NHẬN
Khoa học tri nhận bước đầu hình thành và phát triển ở Mỹ từ những năm 60
của thế kỷ XX. Lúc này ở Mỹ, lý thuyết tạo sinh – cải biến do Noam Chomsky khởi
xướng tạo ra một hướng đi mới trong việc nghiên cứu ngôn ngữ. Thành quả của nó
là vô cùng lớn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành tâm lý học tri nhận,
ngành ngôn ngữ học tri nhận được hình thành mà tiền đề của nó là các công trình
nghiên cứu của các học giả tên tuổi như Noam Chomsky với “Các cấu trúc ngữ
pháp”, Ronald W. Langacker với “Ngữ pháp tri nhận”, Charles J. Fillmore với
“Ngữ nghĩa học khung”, R. Jackendoff với “Ngữ nghĩa học ý niệm”, “Không gian
tâm thức”, Gilles Fauconnier với “Sự ánh xạ trong tư duy và ngôn ngữ”. Ngôn ngữ

học tri nhận thực sự phát triển mạnh với các các công trình nghiên cứu của George
Lakoff với “Phạm trù ẩn dụ”, Mark Johnson với “Sơ đồ hình ảnh”, Leonard Talmy
với “Tâm lý học Gestalt” và đặc biệt là khái niệm về “hình” và “nền”, Dirk
Geeraerts với “Ngữ nghĩa học điển dạng lịch đại”, R.W. Langacker phát triển lý
thuyết hình bóng ý niệm mà sau này trở thành vấn đề trung tâm của ngôn ngữ học
tri nhận. Vào năm 1989, Hội nghị quốc tế về ngôn ngữ học tri nhận được tổ chức ở
Duisburg, nước Đức. Ở hội nghị này, Hiệp hội ngôn ngữ học tri nhận (International
Cognitive Linguistics Association, gọi tắt là ICLA) được sáng lập và tờ báo ngôn
ngữ học tri nhận (do Dirk Geeraerts làm chủ biên vào năm 1990) cũng ra đời từ đó.
Đến nay có nhiều hiệp hội ngôn ngữ học tri nhận được hình thành ở các quốc gia
khác nhau trên toàn thế giới.
Con đường tìm hiểu về ngôn ngữ của lý thuyết ngôn ngữ tạo sinh – cải biến
và của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận có hướng đi khác nhau. Trong khi các đại
biểu của lý thuyết ngôn ngữ tạo sinh – cải biến quan tâm đến sự hiểu biết về ngôn
ngữ thì các đại biểu của lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận quan tâm đến sự hiểu biết
của chúng ta về thế giới và nghiên cứu vấn đề ngôn ngữ tự nhiên đã đóng góp như
thế nào đối với sự hiểu biết đó. Nếu như các đại biểu của học thuyết ngôn ngữ cải
biến – tạo sinh chủ trương đi vào tìm hiểu chiều sâu của cấu trúc ngôn ngữ trên cơ
sở những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được và cố gắng mô hình hóa
chúng như những công thức toán học cụ thể thì các đại biểu của học thuyết ngôn
ngữ học tri nhận chủ trương nghiên cứu ngôn ngữ thường nhật của con người trên
cơ sở những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được và cả những dữ kiện
không quan sát được như ý niệm, tâm lý, cảm xúc, đặc thù văn hóa dân tộc,v.v... .
Tuy nhiên, các đại biểu của hai trường phái ngôn ngữ này có một hướng đi chung là
cả hai đều quan tâm về những cấu trúc tinh thần cấu thành kiến thức và mục đích
cuối cùng của họ là đi đến sự nhận thức về bản chất ngôn ngữ của loài người. Dirk
Geeraerts và Hubert Cuyckens cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là sự nghiên cứu


18


ngôn ngữ trong chức năng tri nhận của nó nơi mà sự tri nhận đề cập tới vai trò
quan trọng của cấu trúc thông tin trung gian trong sự tiếp xúc của chúng ta với thế
giới. Ngôn ngữ học tri nhận là sự tri nhận trong cùng một cách mà Tâm lý học tri
nhận khi cho rằng sự tương tác của chúng ta với thế giới được suy nghiệm thông
qua những cấu trúc thông tin trong bộ não. Tuy nhiên, nó đặc biệt hơn Tâm lý học
tri nhận bằng cách tập trung vào ngôn ngữ tự nhiên như là một phương tiện trong
việc tổ chức, xử lý, chuyển tải thông tin đó. Vì thế ngôn ngữ được xem như là nơi
lưu giữ của sự hiểu biết thế giới, một bộ sưu tập có tính cấu trúc của các phạm trù
có ý nghĩa mà qua đó giúp chúng ta bàn tới những kinh nghiệm mới và lưu trữ
những thông tin về những kinh nghiệm và thông tin cũ; đồng thời cũng theo ông,
ngôn ngữ học tri nhận không chỉ nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ mà còn mở rộng
nghiên cứu ở lĩnh vực khác như những mô hình tri nhận của con người, giao tiếp,
và văn hóa. [111, tr.4-5]. Trong bài viết Nhân học và Ngôn ngữ học (Anthropology
and Linguistics), Roger M. Keesing cho rằng ngôn ngữ học tri nhận là một cuộc
cách mạng mới trong ngôn ngữ theo hướng trải nghiệm: “một yếu tố quan trọng
trong ngôn ngữ học mới này là sự quan trọng của tính trải nghiệm, đặc biệt là sự
trải nghiệm của cơ thể trong việc hình thành ngôn ngữ. Trước sau như một, thông
qua ngôn ngữ, chúng ta thấy một loại chủ quan có tính nghiệm thân mà trong đó
những miền nguồn giàu chất trải nghiệm được sử dụng trong việc đặc điểm hóa
những miền đích có tính chất trừu tượng hơn” [111, tr.1209].
Có thể nói rằng ngôn ngữ học tri nhận là “một trường phái mới của ngôn ngữ
học hiện đại, tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở vốn kinh nghiệm về sự cảm
thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người tri
giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó.” (Lý Toàn
Thắng [80, tr.16])
2. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA NGÔN NGỮ
HỌC TRI NHẬN VỀ SỰ TRI NHẬN THẾ GIỚI BẰNG NGÔN NGỮ
Đối với ngôn ngữ học tri nhận, nhìn chung, có một số quan điểm và nguyên
lý cơ bản về sự tri nhận thế giới bằng ngôn ngữ như sau:

2.1. Trước nhất, các nhà ngôn ngữ học tri nhận đều bác bỏ tư tưởng cho rằng ngôn
ngữ là một cơ chế tự trị, và khẳng định rằng không thể miêu tả ngôn ngữ nếu không
dựa vào quá trình tri nhận. Nguyên lý này đối lập với giả thuyết của ngữ pháp tạo
sinh khi cho rằng ngôn ngữ là một khả năng tri nhận tự trị. Thứ hai, ngữ nghĩa, ngữ
pháp là sự ý niệm hóa. Nguyên lý này cũng đối lập với ngữ nghĩa điều kiện chân ngụy. Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng không thể quy cấu trúc ý niệm vào sự tương
ứng đơn giản về điều kiện chân - ngụy với thế giới. Phương diện chủ yếu của khả
năng tri nhận của con người là sự ý niệm hóa kinh nghiệm để giao tiếp và sự ý niệm
hóa các tri thức ngôn ngữ mà chúng ta có được. Thứ ba, đối với ngôn ngữ học tri
nhận, tri thức ngôn ngữ nảy sinh từ sự sử dụng ngôn ngữ. Nguyên lý này cho rằng
các phạm trù và các cấu trúc trong ngữ nghĩa, ngữ pháp, từ pháp và âm vị đều được
xây dựng trên cơ sở sự tri nhận của chúng ta về các phát ngôn riêng biệt trong khi
sử dụng chúng.


19

2.2. Có ba xu hướng tiếp cận khi nghiên cứu ngôn ngữ dưới góc độ ngôn ngữ học
tri nhận:
2.2.1. Sự tiếp cận có tính chất kinh nghiệm (experiential): theo hướng nghiên cứu
này, người ta nhận thấy rằng những thuộc tính của sự vật khách quan được con
người miêu tả dường như có phản ánh cái cách thức mà con người tri nhận về thế
giới và tương tác với thế giới ấy, những kinh nghiệm tích lũy được của chúng ta về
thế giới cũng được tàng trữ trong ngôn ngữ hàng ngày và do vậy những kinh
nghiệm ấy có thể có thể thu lượm được từ cái cách thức mà chúng ta diễn đạt các tư
tưởng. Với cách tiếp cận này, những vấn đề như các phạm trù tri nhận, các sơ đồ
hình ảnh, các mô hình điển dạng khi phạm trù hóa sự vật, ẩn dụ và hoán dụ ý niệm
(nội dung, cấu trúc,…) được đặt ra trong quá trình nghiên cứu ngôn ngữ.
2.2.2. Sự tiếp cận có tính chất chọn lựa – tức tính nổi trội (prominence): theo
hướng nghiên cứu này, người ta nghiên cứu về việc các thông tin được lựa chọn và
sắp xếp trong câu như thế nào hay nói khác đi là sự lựa chọn về hình (figure) và nền

(ground), ví dụ như trong câu “Chiếc xe đâm vào cột điện ven đường.” thì trong
trường hợp này chiếc xe là hình và cột điện là nền bởi vì chiếc xe là yếu tố nổi trội
so với cột điện. Và vì vậy chiếc xe được chọn làm chủ thể đứng đầu câu.
2.2.3. Sự tiếp cận có tính chất thu hút sự chú ý (attentional) của các yếu tố và các
bình diện khác nhau của một sự tình: theo hướng nghiên cứu này, nhà ngôn ngữ học
tri nhận tập trung khảo sát khái niệm khung - tức là một tập hợp tri thức mà người
nói có được về một sự tình nào đó, khảo sát việc người nói lựa chọn và nhấn mạnh
những phương diện của các khung này và ứng với nó là những biểu đạt khác nhau
trong một ngôn ngữ. Ví dụ như trong câu “Chiếc xe đâm vào cột điện ven đường.”
thì trong trường hợp này, người nói chỉ tập trung miêu tả giai đoạn của của sự tình
hiện tại còn những sự tình trước khi xảy ra tai nạn thì không được nói tới.
2.3. Nguyên lý “dĩ nhân vi trung” là cơ sở phương pháp luận của ngành ngôn ngữ
học tri nhận khi nghiên cứu ngôn ngữ loài người nói chung và ngôn ngữ của mỗi
dân tộc nói riêng. Cần thấy là cụm từ “dĩ nhân” trong nguyên lý này nhấn mạnh đến
vai trò của con người bản ngữ, nói cách khác, là con người của một dân tộc nhất
định.
2.4. Các ngôn ngữ tự nhiên đều có những cách thức riêng trong việc tổ chức các tài
liệu ngữ nghĩa. Đồng thời, trong ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ đều có phản ánh một
cách hình dung về thực tại khách quan của cộng đồng văn hóa - bản ngữ đó, thường
được gọi là “bức tranh thế giới”. Mỗi “bức tranh thế giới” như thế, ngoài cái chung,
cái phổ quát, có cái riêng, cái đặc thù, ứng với từng ngôn ngữ và phản ánh một cách
tri giác, một cách nhận thức về thế giới của dân tộc ấy, được gọi là “cách nhìn thế
giới”.
Cần nên phân biệt “bức tranh ý niệm về thế giới” và “bức tranh ngôn ngữ về
thế giới”. “Bức tranh ý niệm về thế giới” là hình ảnh hay biểu tượng về thế giới hay
một bộ phận của nó, tồn tại trong ý thức con người, ý niệm luôn gắn liền với văn
hóa dân tộc; nó là cơ sở của “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”. Còn bức tranh ngôn


20


ngữ về thế giới là hiện thân trong ngữ nghĩa (từ vựng và ngữ pháp) của bức tranh ý
niệm về thế giới (dẫn theo Trần Văn Cơ, Lý Toàn Thắng [13],[80]). Như vậy, trong
ngữ nghĩa của mỗi ngôn ngữ, cách nhìn thế giới của người bản ngữ được thể hiện
tập trung một hệ quan điểm có hệ thống và có thể mô tả chúng dựa vào ý nghĩa từ
vựng và ý nghĩa ngữ pháp.
2.5. Ngôn ngữ là sự phản ánh hoạt động tri nhận của con người. Theo Lý Toàn
Thắng, “Ngôn ngữ vừa là sản phẩm của hoạt động tri nhận vừa là công cụ của hoạt
động tri nhận của con người. Cấu trúc và chức năng của ngôn ngữ có thể coi là kết
quả và sự phản ánh của hoạt động tri nhận của con người.” [80, tr. 20]
Các luận điểm trên nhấn mạnh rằng “bức tranh thế giới” là hạt nhân của thế
giới quan của con người, “bức tranh ngôn ngữ về thế giới ” là hiện thân trong ngữ
nghĩa (từ vựng và ngữ pháp) của “bức tranh ý niệm về thế giới”; rằng trong các
ngôn ngữ, mỗi “bức tranh thế giới” có sự biến đổi do vì bức tranh ấy liên quan đến
“cách nhìn thế giới” của mỗi một dân tộc hay nói cách khác, liên quan đến sự tri
giác và nhận thức về thế giới của người bản ngữ nói chung và, trong đó, liên quan
đến sự tri giác và nhận thức về thời gian của người bản ngữ nói riêng. Do vậy,
thông qua “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”, trong đó có “bức tranh thời gian”, mà
chúng ta có thể nhận ra được những con đường khác nhau trong cách nhìn về thế
giới bằng ngôn ngữ của chính họ.
Trong phạm vi giới hạn, luận án không thể giới thiệu, trình bày tất cả những
vấn đề có tính lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận mà chỉ lựa chọn một số vấn đề có
giá trị lý thuyết và ứng dụng phù hợp với đề tài mà luận án đặt ra.
3. TRI NHẬN VÀ QUÁ TRÌNH TRI NHẬN
Theo ngữ nghĩa học tri nhận, quá trình tri nhận (còn gọi là hoạt động tri
nhận) là một quá trình xác lập giá trị nghĩa của biểu thức ngôn ngữ. Quá trình tri
nhận tạo ra cho con người khả năng đi đến một quyết định và sự hiểu biết nhất định.
Nói cách khác, đó là quá trình hoạt động của tư duy dẫn đến chỗ thông hiểu hay
thuyết giải một vấn đề gì đó của thế giới khách quan. Kết quả của quá trình tri nhận
là việc tạo ra một hệ thống những ý niệm giúp con người hiểu biết, giả định, suy

nghĩ, hoặc tưởng tượng về các đối tượng của thế giới. Do chỗ quá trình tri nhận của
con người có quan hệ trực tiếp đến môi trường sống của một cộng đồng văn hóa
nhất định cho nên quá trình tri nhận mang nét đặc thù văn hóa - dân tộc. Có thể
hiểu về tri nhận như sau: tri nhận là tất cả những quá trình trong đó những dữ liệu
cảm tính được cải biến khi truyền vào trong não dưới dạng những biểu tượng tinh
thần (hình ảnh, mệnh đề, khung, cảnh, v.v …) để có thể lưu lại trong trí nhớ con
người (dẫn theo Trần Văn Cơ [13, tr.102]). Điều này cho thấy quá trình tri nhận
khác với quá trình nhận thức ở chỗ: nếu như quá trình nhận thức cho ra thành phẩm
cuối cùng là khái niệm mang tính phổ quát thì quá trình tri nhận cho ra thành phẩm
là ý niệm vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc thù văn hóa dân tộc.
Cần thấy là tham gia vào hoạt động tri nhận có những hệ thống xử lý thông
tin khác nhau vì thế những cấu trúc ý thức được tạo ra không đồng nhất và phụ


21

thuộc vào những kênh theo đó thông tin được truyền đến cho con người.
4. Ý NIỆM
4.1. Khái niệm về ý niệm
Trong quyển từ điển “Longman dictionary of Language teaching and applied
linguistics”(xuất bản năm 1992, trang 74), có sự định nghĩa về ý niệm như sau: ý
niệm là ý tưởng hay ý nghĩa liên kết với một từ hay biểu tượng trong bộ não của con
người. Ý niệm là những ý nghĩa trừu tượng mà những từ và những đơn vị ngôn ngữ
khác biểu trưng. Sự hình thành ý niệm có quan hệ chặt chẽ với việc hành xử ngôn
ngữ và việc sử dụng ý niệm để hình thành những định đề là điều cơ bản đối với tư
duy và sự giao tiếp của con người.
Ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ý niệm là đơn vị tinh thần hoặc tâm lý của ý
thức chúng ta, là đơn vị nội dung của bộ nhớ động, của từ vựng tinh thần và của bộ
não, của toàn bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lý con người.
Đặc điểm của ý niệm có thể tóm lược trong mấy ý chính sau:

- Ý niệm không bất biến mà có sự biến đổi do hoạt động tri nhận của con người
biến đổi theo điều kiện lịch sử xã hội. Ví dụ ý niệm về “cái đẹp” thay đổi theo thời
gian.
- Ý niệm không tồn tại riêng lẻ mà chúng liên kết với nhau tạo thành một hệ
thống ý niệm. Mỗi một hệ thống ý niệm có những ý niệm cơ sở (ý niệm xuất phát)
và ý niệm thứ cấp (ý niệm phái sinh)
- Các ý niệm trong hệ thống ý niệm không có ranh giới rõ rệt, tức có hiện tượng
ranh giới mờ, thậm chí một số ý niệm trong hệ thống ý niệm này lại nằm trong hệ
thống ý niệm khác.
Cần phân biệt giữa ý niệm và khái niệm. Từ “concept” ban đầu có ý nghĩa là
khái niệm, về sau các nhà tri nhận luận, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tri nhận
dùng từ này với nghĩa khác rộng hơn khái niệm, đó là ý niệm. Khái niệm về ý niệm
đã có từ rất lâu, theo Abelard Pierre (1079-1142), ý niệm là “một tập hợp những
khái niệm nằm sâu kín trong tâm hồn và sẵn sàng được biểu hiện thành lời, nó liên
kết các phát ngôn thành cách nhìn sự vật này khác với vai trò của trí tuệ, nó biến
phát ngôn thành tư tưởng gắn liền với thượng đế.” (dẫn theo Trần Văn Cơ [13,
tr.126]). Trong khi đó, khái niệm gắn liền với tư tưởng phản ánh dưới dạng khái
quát một hiện thực khách quan bằng cách cố định những thuộc tính và quan hệ của
chúng. Như vậy có thể nói sự khác biệt giữa ý niệm và khái niệm là ở chỗ: ý niệm là
sự kiện của lời nói, đó là lời nói được phát ngôn ra, thường mang tính chủ quan và
do vậy nó không đồng nhất với khái niệm. Một số các học giả tri nhận cho rằng ý
niệm mang dấu ấn văn hóa riêng của mỗi một dân tộc, trong khi đó khái niệm thì
mang tính phổ quát; ví dụ như khi nói về từ “nhà” (ngôi nhà) chẳng hạn, theo từ
điển tiếng Anh, “nhà” là công trình xây dựng cho người ở, thường cho một gia đình,
hoặc một gia đình và những người ở thuê (khái niệm mang tính phổ quát); ở tiếng
Việt, nhà, theo Tự điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1998), là công trình xây dựng có


22


tường vách để ở hay để dùng vào một việc nào đó, ngoài ý nghĩa trên, nó còn là cái
chứa đựng sự che chở, đùm bọc, niềm tin, niềm hi vọng, sự đợi chờ (dấu ấn văn hóa
riêng của dân tộc Việt); do vậy, người Việt thường gọi chồng mình hay vợ mình là
nhà tôi, trong khi đó tiếng Anh chỉ dùng những từ ngữ như “my darling”, “my
husband”,“my wife”, “my sweetness”, “my honey” để gọi chồng mình hay vợ mình.
Nhà còn là một vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt như
“nhà tổ”, “ngôi nhà tình thương”, “quê nhà” (ca dao: Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ
canh rau muống nhớ cà dầm tương), không thể thiếu trong đời sống vật chất của
một con người như “Sống vô gia cư, chết vô địa táng (sống không có nhà để ở, chết
không có đất để chôn), “Sống có nhà, chết có mồ”,v.v… . Cũng vậy, thử tìm hiểu về
ý niệm “cái đẹp” của người Việt khi nói về con người qua bài ca dao cổ sau:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ áo đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Chín thương cô ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai.
Đây là bài ca dao nói về tình yêu nam nữ: một “chàng trai” đang chọn “mẫu”
người yêu lý tưởng của mình. Theo “chàng trai”, người yêu lý tưởng đó phải là
người có vẻ đẹp bên ngoài (ở đây là y phục và cách trang điểm cổ truyền của dân
tộc: tóc bỏ đuôi gà, răng nhánh hạt huyền, cổ áo đeo bùa, nón thượng quai tua) kết
hợp với cái đẹp thuộc về đạo đức, tính tình (ăn nói mặn mà có duyên, nết ở khôn
ngoan, đặc biệt phải là người có tình cảm với mình: con mắt có tình với ai). Như
vậy, trong cái đẹp mang tính lí tưởng thẩm mĩ của “chàng trai” (mà cũng là của
người Việt), quan điểm đạo đức chiếm một vị trí quan trọng; tất nhiên ý niệm về
“cái đẹp” có sự biến đổi theo thời gian, theo từng thời đại, chẳng hạn như trong giai

đoạn toàn dân kháng chiến chống Pháp, “cái đẹp” còn gắn liền với tinh thần chiến
đấu:
“ Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều,
Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo.
Núi không đè nổi vai vươn tới,
Lá ngụy trang reo với gió đèo.”
(Tố Hữu)


23

Ngoài ra còn có những định nghĩa khác về ý niệm như ý niệm là đơn vị của
tư duy, là yếu tố của ý thức, v.v...
Trần Trương Mỹ Dung đề xuất sự khác biệt giữa ý niệm và khái niệm như
sau:
- Ý niệm là sự kiện của lời nói, đó là lời nói được phát ngôn ra. Do đó nó khác
với khái niệm.
- Ý niệm gắn chặt với người nói và luôn định hướng đến người nghe. Người nói
và người nghe là hai bộ phận cấu thành ý niệm.
- Ý niệm mang tính chủ quan với nghĩa nó là một mảng của “bức tranh thế giới”,
nó phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính của ý thức dân tộc. Do đó, ý niệm
mang tính dân tộc sâu sắc.
- Ý niệm là đơn vị của tư duy (ý thức) của con người. Hai thuộc tính không thể
tách rời nhau là trí nhớ và trí tưởng tượng. Ý niệm là một hành động đa chiều: nếu
là hành động của trí nhớ thì nó hướng về quá khứ, nếu là hành động của trí tưởng
tượng thì nó hướng tới tương lai, còn nếu là hành động phán đoán thì nó hướng đến
hiện tại (dẫn theo Trần Văn Cơ [13, tr.137])
Giữa ý niệm và các đơn vị ngôn ngữ có mối quan hệ đặc biệt, R.W.
Langacker [132] cho rằng mỗi ý niệm là một miền ngữ nghĩa; nói cách khác, nghĩa
của từ liên quan đến một miền nhất định. Ông cũng cho rằng cho rằng các đơn vị

ngôn ngữ (từ, ngữ, kết cấu) đều biểu đạt những ý niệm và những ý niệm này đều
tương ứng với các ý nghĩa của những đơn vị ngôn ngữ đó. Theo một số học giả
khác, những ý niệm đơn giản nhất được biểu hiện bằng một từ và những ý niệm
phức tạp hơn được biểu hiện trong các cụm từ hoặc các câu. Anna Wierzbicka [152]
chỉ ra rằng việc phân tích các hệ thống từ vựng của các ngôn ngữ có thể giúp phát
hiện một số lượng không lớn những “phần tử sơ đẳng” kiểu ai đó, cái gì đó, vật, chỗ
v.v… , nếu đem tập họp chúng lại thì có thể miêu tả toàn bộ từ vựng của ngôn ngữ.
4.2. Cấu trúc của ý niệm
Ý niệm có cấu trúc trường - chức năng được tổ chức theo cấu tạo hai thành
phần: phần hạt nhân và phần ngoại vi. Hạt nhân của ý niệm là khái niệm, nằm ở
trung tâm của trường - chức năng. Nó có tính phổ quát. Ngoại vi của ý niệm là
những nét đặc thù văn hóa dân tộc bao gồm văn hóa dân tộc, văn hóa các tộc người,
văn hóa địa phương, văn hóa theo nhóm xã hội và văn hóa cá nhân. Như vậy, ý
niệm luôn gắn liền với một nền văn hóa dân tộc nhất định.
Cấu trúc ý niệm thường bao gồm hai thành tố: hình bóng ý niệm và hình nền
ý niệm. Hình bóng ý niệm là ý niệm được biểu đạt bởi từ đã cho. Hình nền ý niệm
được hiểu là tri thức hay cấu trúc ý niệm được tiền giả định bởi hình bóng ý niệm,
hình bóng ý niệm sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có hình nền ý niệm.Ví dụ, với một
ý niệm như weekend (hình bóng ý niệm), chúng ta sẽ không thể hiểu được nếu


24

không có tri thức nền (hình nền ý niệm) về dương lịch (ở lịch phương Tây, một tuần
chia ra làm bảy ngày) và những quy ước văn hóa xã hội của phương Tây (một tuần
chia ra: ngày làm việc – workday và ngày nghỉ - weekend).
Chủ nhật

Thứ hai


Thứ ba

Thứ tư

Thứ năm

Thứ sáu

Thứ bảy

Sunday

Monday

Tuesday

Wednesday

Thursday

Friday

Saturday

weekend

weekend

(ngày cuối
tuần)


(ngày
cuối tuần)

Do vậy, ý nghĩa của đơn vị ngôn ngữ phải được xác định có tính đến cả hình
bóng lẫn hình nền ý niệm.
Điều cần thấy là trong ngôn ngữ, có những ý niệm dường như là cùng biểu
đạt một sự vật của thế giới khách quan nhưng thực ra là chúng thuộc “khung” khác
nhau (“khung”: frame – cách gọi của Charles J. Fillmore thay cho hình nền ý niệm.
Lý thuyết “khung” do Fillmore đề xướng trong bài viết “Ngữ nghĩa học khung Frame semantics – xuất bản năm 1982” và “Lịch sử riêng về khái niệm khung -A
private history of the concept ‘Frame’- xuất bản năm 1987”, được dùng trong nhiều
lĩnh vực không chỉ trong ngôn ngữ học mà còn ở cả tâm lý học và ngành học Trí tuệ
nhân tạo), chẳng hạn như trường hợp của flesh và meat. Tuy cả hai đều có nghĩa là
“thịt” nhưng “flesh” được phóng chiếu trên khung cơ thể học hoặc giải phẫu học,
còn “meat” được phóng chiếu trên khung thực phẩm.
David Lee [135, tr.58-59] cũng đưa ra hai trường hợp khung khác nhau của
từ “strong”: i) a strong man, a strong horse (một người đàn ông khỏe, một con ngựa
khỏe), ii) a strong cup of tea (một tách trà đậm). Strong trong “strong man, strong
horse” đuợc phóng chiếu trên khung vật lý học (physics), còn strong trong “a strong
cup of tea” đuợc phóng chiếu trên khung nếm (taste).
Và như vậy, mỗi đơn vị ngôn ngữ, khi xét về nghĩa, thường liên quan đến
những thông tin trong “khung” hơn là trong cấu trúc nội tại của hình bóng ý niệm.
Tóm lại, ý niệm là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ học tri nhận. Nó có một cấu
tạo đa chiều. Nó không những bao hàm khái niệm mà nó còn bao quát toàn bộ nội
dung của từ. Ý niệm luôn gắn với một nền văn hóa nhất định.
4.3. Các loại ý niệm
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ có nhiều ý kiến khác nhau về việc phân loại ý
niệm, tựu trung có thể chia làm ba nhóm:
- Nhóm ý niệm thuộc phạm vi cá nhân lịch sử, những sự kiện xã hội, các tổ chức
quốc gia.

- Nhóm ý niệm thuộc về địa danh.
- Nhóm ý niệm thuộc về đời sống tinh thần và cảm xúc của con người.


×