Tải bản đầy đủ (.doc) (22 trang)

Sưu tầm tác phẩm ghi nhanh bài tập cuối khóa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (196.91 KB, 22 trang )

Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Khoa Phát thanh –Truyền hình

BÀI TẬP LỚN MÔN: GHI NHANH

Họ và tên: Lê Thị Hải Yến
Lớp: Phát thanh K29
Giảng viên hướng dẫn: Th.s Phạm Thị Thanh Tịnh

Hà Nội, ngày 15/ 05/ 2012

1


2


Phần I: Sưu tầm tác phẩm ghi nhanh
Ghi nhanh: Ngày hội hiến máu nhân đạo
Phát sóng trong: chương trình thời sự 11h30', ngày 7/4/2012.
Đài PT - TH Tuyên Quang
Tác giả: Trần Ngọc
Thời lượng: 7'00
*****

Ngày hội hiến máu nhân đạo
Qúy vị và các bạn vừa nghe phần tin, tiếp sau đây là ghi nhanh của
phóng viên Trần Ngọc.
Thưa quý vị và các bạn, 15 vị trí giành cho người hiến máu không còn
chỗ trống. Dòng máu nóng từ trái tim của những người thanh niên tình
nguyện lần lượt nhuộm sợi dây truyền máu, dâng hiến cho người bệnh.


Hàng trăm thanh niên trên tay cầm những tấm phiếu hồng đăng kí hiến máu
tình nguyện, vẫn kiên nhẫn xếp hàng bên các dãy bàn chờ, làm thủ tục hiến
máu. Tất cả đều toát lên sức trẻ, sự nhiệt tình và hòa chung trong bầu
không khí vui vẻ, nhân ái, yêu thương mình vì mọi người. Đó là những ấn
tượng khó quên mà phóng viên chúng tôi ghi nhận được trong ngày hội
hiến máu tình nguyện được tổ chức vào sáng ngày 6/4, tại Trung tâm Văn
hóa Thể thao Thanh - thiếu nhi Tỉnh.
Với thông điệp: Hiến máu cứu người, nghĩa cử cao đẹp, buổi lễ phát
động phong trào hiến máu 2012, do ban chỉ đạo vận động hiến máu tình
nguyện tỉnh tổ chức đã thu hút hàng ngàn đoàn viên, thanh niên của thành
phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương tham gia hưởng ứng.
Mục đích của hoạt động này nhằm tạo một chiến dịch truyền thông mạnh
mẽ, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hiến máu tình
3


nguyện, thu hút đông đảo lực lượng tham gia hiến máu và vận động người
khác cùng hiến máu, củng cố niềm tin với phong trào hiến máu ở địa
phương.
Ngay sau lễ phát động, với tinh thần tuổi trẻ Tuyên Quang xung kích, đi
đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện, những cánh tay đầy nhiệt
huyết và sức trẻ đã không một chút ngần ngại hay do dự, sẵn sàng hiến
máu. Trong số những thanh niên đầu tiên hiến máu có 3 bạn trẻ thuộc lực
lượng công an: Nguyễn Quốc Huy, Hoàng Thanh Hải và Nguyễn Thanh
Liêm. Vóc dáng to cao, gương mặt đôn hậu, Nguyễn Quốc Huy, công an
huyện Sơn Dương cho biết: đây là lần thứ 10 anh tham gia hiến máu tình
nguyện. Còn với Nguyễn Thanh Liêm, công an tỉnh Tuyên Quang cũng đã
có 4 lần hiến máu cứu người. Các anh đều có chung suy nghĩ: những giọt
máu của mình sẽ góp phần nhân lên cơ hội sống cho như người cần máu.
Anh Nguyễn Thanh Liêm, Đoàn thanh niên công an tỉnh Tuyên Quang nói:

Băng: "Phong trào đoàn thanh niên trong công an là một phong trào rất
mạnh, nên là việc đăng kí đi hiến máu tình nguyện nhưn thế này trong công
an tỉnh Tuyên Quang là diễn ra rất sôi nổi. Đến với này hội hiến máu này
thì mình vì mọi người rồi mọi người vì mình. Ai cũng có tấm lòng, có thể
những giọt máu của mình cứu sống được cho một mạng người".
Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp của con người đối với mọi
người, là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. Những
năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo đã thu hút được đông đảo nhân
dân trên địa bàn tỉnh tham gia, nhất là đoàn viên, thanh niên. Là học sinh
lớp 12, mặc dù đang trong thời gian tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt
nghiệp sắp tới, nhưng Lâm Thị Nga vẫn có mặt trong đoàn học sinh Trung
học phổ thông Nguyễn Văn Huyên tham dự lễ phát động hiến máu tình
nguyện. Với em dành ra một chút thời gian và một phần sức khỏe của mình
để đóng góp vào hoạt động nhân đạo của nhà trường cũng là một việc làm
có ý nghĩa thiết thực giúp em thêm tự tin và nghị lực để ôn thi đạt kết quả
4


cao hơn. Em Lâm Thị Nga, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên nói:
Băng: "Cũng là vì xuất phát từ trái tim, một người vì mọi người, nhà
trường phát động với huyện phát động phong trào hiến máu thì bọn em là
thanh niên và đoàn viên của trường nên em cũng tự nguyện tham gia, hăng
hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người".
Có mặt trong ngày hội hiến máu tình nguyện cô giáo Đỗ Thị Thu Nga,
trường THPT Tháng Mười huyện Yên Sơn, một trong những bênh nhân
đang phải điều trị theo phương pháp chạy thận nhân tạo, tại bện viện đa
khoa Tuyên Quang không dấu được niềm xúc động. Hơn ai hết chị hiểu rõ
giá trị của từng giọt máu hồng mà các bạn trẻ dâng hiến hôm nay có ý
nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mình. Bản thân chị và
những người đang hàng ngày, hàng giờ cần được tiếp máu để vượt qua căn

bệnh hiểm nghèo. Với chị những tình nguyện viên hôm nay sẽ mang đến
niềm tin, hy vọng sống cho những người bệnh như chị và đó sẽ là những
giọt máu ân tình.Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, trường THPT Tháng Mười
huyện Yên Sơn nói:
Băng: " Hôm nay thì tôi rất vinh dự và vô cùng xúc động được thay mặt
hàng triệu bệnh nhân nói lên tâm trạng của mình. Trước sự quan tâm chia
sẻ của cộng đồng, từ những giọt máu tình nghĩa đã mang lại niềm vui,
cuộc sống cho những người bệnh chúng tôi và những người không may
mắn mang trong mình căn bệnh về máu hoặc cần bỏ sung các sản phẩm về
máu. Không có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng thì chắc chúng tôi
không có được cuộc sống như ngày hôm nay. Chúng ta hãy nhìn những
cháu bé bị thiếu máu, những cụ già bị suy tủy, những bạn thanh niên bị tai
nạn giao thông, những sản phụ đang băng huyết, những người đàn ông bị
xuất huyết tiêu hóa, những người thường xuyên chạy thận nhân tạo, cuộc
sống của họ sẽ ra sao nếu như không có máu hay các chế phẩm máu để
truyền. Một đơn vị máu có thể đổi lại một sự sống cho một con người,
những đơn vị máu nhỏ của cộng đồng sẽ chắp cánh cho những ước mơ lớn
5


của những người bệnh nhân để họ được sống và cống hiến cho xã hội.
Chúng tôi rất mong sự giúp đỡ của các nhân, gia đình và các tổ chức đoàn
thể trongcông tác hiến máu và tuyên truyền hiến máu nhân đạo để cộng
đồng có nhiều người sẽ may mắn như chúng tôi".
Cách đây 61 năm, ngày 7/4/1948, Tổ chức Y tế thế giới được thành lập
theo hiến chương Liên hợp quốc với mục đích hoạt động là mang lại cho
mọi dân tộc một trình độ y tế ở mức cao. Vai trò của Tổ chức Y tế thế giới
ngày càng quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng thuốc men, phát triển
các cơ sở y tế ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó quan tâm nhiều tới
việc phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan toàn cầu,

như phòng chống lao, đại dịch cúm gia cầm H5N1, HIV AIDS. Ngày 7/4/
hàng năm được coi là ngày sức khỏe thế giới, còn ở Việt Nam ngày 7/4/
hàng năm đã trở thành ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Năm 1994, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được phát động,
mở đầu là ngày hiến máu tình nguyện của sinh viên Đại học Y Hà Nội. Kể
từ đó phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta ngày càng phát triển. Số
lượng máu thu gom và số lượng người hiến máu tình nguyện ngày càng
tăng lên.

6


Phần II: Nhận xét tác phẩm ghi nhanh
1. Khái quát chung
Ghi nhanh xuất hiện và gắn bó với báo chí nước ta sau Cách mạng.
Nhiều tài liệu cho rằng ghi nhanh xuất hiện vào những năm 1945, 1946 và
phát triển mạnh hơn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cũng như
giai đoạn sau này.
Ghi nhanh là một thể ký báo chí rất nhạy bén, kịp thời trong việc phản
ánh, tái hiện thời điểm ban đầu của sự kiện, sự việc vừa mới xảy ra dưới
dạng một phác thảo đa diện với các chi tiết tiêu biểu, gây ấn tượng nhất từ
sự chứng kiến trực tiếp của nhân chứng. Nếu như tin tức thường thông tin
ngắn gọn, khô khan, phản ánh cô đúc, khách quan về các sự kiện, sự việc,
các “mẩu vụn” của đời sống thì ghi nhanh lại phản ánh sâu vào từng trọng
điểm, miêu tả các biến cố tỉ mỉ, đồng thời có thể trình bày suy nghĩ, quan
điểm của tác giả. Điểu này vừa đem lại yếu tố thông tin, vừa đem lại yếu tố
cảm xúc, tạo sự truyền cảm cho tác phẩm.
Thông tin nhanh là một yêu cầu sống còn đối với một đài phát thanh
hiện đại. So với các loại hình báo chí, truyền thông đại chúng khác, sự vượt
trội của phát thanh trước hết là khả năng cung cấp cho bạn nghe đài những

thông tin mới, nóng hổi nhất, vừa mới xảy ra, đang xảy ra, hoặc sẽ xảy ra
mà chưa ai biết. Bên cạnh đó, phát thanh đòi hỏi khắt khe sự truyền cảm,
tái hiện bằng âm thanh, giọng nói tối đa để người nghe dễ hình dung, tưởng
tượng và cảm nhận…Bởi thế, ghi nhanh đã phần nào đáp ứng được nhu cầu
phản ánh, thông tin nhanh nhạy của phát thanh và nhu cầu tiếp nhận
thông tin nhanh chóng, kịp thời của công chúng. Trong những năm chiến
tranh, ghi nhanh là thể loại chủ lực của các báo đài, ngày nay, thể loại
này vẫn được sử dụng khá rộng rãi, từ đài Tiếng nói Việt Nam đến các
đài tỉnh, đài huyện,….
Tác phẩm ghi nhanh: “Ngày hội hiến máu nhân đạo” của tác giả Trần
7


Ngọc, đài Phát thanh –Truyền hình tỉnh Tuyên Quang, phát ngày 7/4/2012
là một ví dụ gần nhất cho việc sử dụng thể loại ghi nhanh trong phát thanh.
Bài ghi nhanh chỉ dài 7 phút nhưng đã cho người nghe hình dung cơ bản về
bầu không khí nhân ái, yêu thương, “mình vì mọi người” của những tình
nguyện viên trong thời điểm đầu của buổi phát động ngày hội hiến máu
tình nguyện, tổ chức sáng 6/4, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh –
Thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang.
“Ngày hội hiến máu nhân đạo” mang hầu hết đặc điểm của thể loại
ghi nhanh và thể hiện khá thành công bức phác thảo đa diện về ngày hội
qua sự chứng kiến, miêu tả của tác giả, lời nhân chứng tham gia và lời của
người bệnh đang cần sự hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng...
Từ lý thuyết, những đặc điểm của thể loại ghi nhanh, em xin đánh giá
các ưu điểm, khuyết điểm của bài “Ngày hội hiến máu nhân đạo” để hiểu
rõ hơn thể lại này và rút kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình thực
hiện tác phẩm ghi nhanh phát thanh để có thể có những bài viết chất
lượng hơn.
2. Ưu điểm của tác phẩm

Tác phẩm mang các đặc điểm của ghi nhanh phát thanh; vận dụng có
hiệu quả các đặc điểm đó; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thể loại như: Ghi
nhanh về sự kiện nổi bật, tái hiện ở thời điểm ban đầu của sự kiện, tái hiện
sự kiện dưới dạng bức phác thảo đa diện thông qua lời nhân chứng, có vai
trò của nhân vật trần thuật, ngôn ngữ, bút pháp đa dạng, linh hoạt.
2.1. Thông tin nhanh, sống động, chân thực
Đứng trước một sự kiện vừa mới xảy ra, cùng với tin tức, ghi nhanh
bao giờ cũng là thể loại xuất hiện nhanh nhất, sớm nhất. Ghi nhanh giúp
công chúng hình dung về sự kiện đó một cách sống động, trong đó, những
ý kiến khác nhau của các nhân chứng có giá trị như những bằng chứng
khách quan.
Ngày hội hiến máu là sự kiện Y tế -Xã hội lớn, đầy tính nhân văn tại
8


Tuyên Quang. Trong thời điểm hè, lượng máu dự trữ cực kỳ khan hiếm,
điều này gây nguy hiểm cho những bệnh nhân mắc những bệnh phải
truyền, lọc hay thay máu… Bởi vậy, Viện Huyết học và Truyền máu Trung
ương luôn kết hợp với các bệnh viện tuyến cơ sở, các trường đại học, cao
đẳng… trên cả nước để tuyên truyền, giúp mọi người hiểu về ý nghĩa của
máu và việc hiến máu nhằm cứu giúp các bệnh nhân. Và chương trình
“Ngày hội hiến máu” cũng là một trong những đợt vận động, kêu gọi và
truyền thông quan trọng ấy. Sự kiện diễn ra ngày 6/4, ngay trước ngày
“Sức khỏe thế giới” và ngày “toàn dân hiến máu tình nguyện” ở Việt Nam,
ngày 7/4. Bởi vậy sự kiện mang tính thời sự, nóng hổi, tính nhân văn và tạo
hiệu quả truyền thông sâu rộng tại các địa phương nói riêng và trên cả nước
nói chung. Và bài ghi nhanh phát thanh phát đúng vào ngày 7/4 đã mang lại
thông tin rất kịp thời, thời sự, phù hợp về sự kiện ấy.
Tác giả Trần Ngọc đã có mặt sớm trong ngày hội hiến máu, trực tiếp
tham gia lễ phát động phong trào hiến máu 2012, do ban chỉ đạo vận động

hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức. Sự có mặt của tác giả như sự đại diện
cho công chúng, đôi mắt, đôi tai của công chúng.
Ở bài viết, tác giả đã giúp công chúng hình dung về sự kiện bằng cách
miêu tả, biểu cảm, làm cho sự kiện như hiện ngay trước mắt công chúng;
những cuộc phỏng vấn dành cho người tham gia hiến máu và người được
nhận máu có giá trị như những bằng chứng khách quan, chân thật nhất về
không khí buổi lễ, tính xung kích, tương thân, tương ái của các thanh niên
tỉnh Tuyên Quang.
Ví dụ như: “15 vị trí giành cho người hiến máu không còn chỗ trống,
dòng máu nóng từ trái tim của những người thanh niên tình nguyện lần
lượt nhuộm sợi dây truyền máu, dâng hiến cho người bệnh. Hàng trăm
thanh niên trên tay cầm những tấm phiếu hồng đăng kí hiến máu tình
nguyện, vẫn kiên nhẫn xếp hàng bên các dãy bàn chờ, làm thủ tục hiến
máu. Tất cả đều toát lên sức trẻ, sự nhiệt tình và hòa chung trong bầu
9


không khí vui vẻ, nhân ái, yêu thương, mình vì mọi người.”
Tiếp sau đó, để chứng minh, diễn tả cho người nghe về “bầu không khí
vui vẻ, nhân ái, yêu thương, mình vì mọi người ấy”, tác giả đã phỏng vấn
các nhân vật tiêu biểu, thu nhận được những ý kiến tiêu biểu, có chất lượng
của các bạn trẻ thuộc lực lượng công an, em học sinh –đại diện cho thế hệ
trẻ, tinh thần xung kích và cô giáo mắc bệnh hiểm nghèo –đại diện cho
những người mắc bệnh hiểm nghèo. “Những cánh tay đầy nhiệt huyết và
sức trẻ đã không một chút ngần ngại hay do dự, sẵn sàng hiến máu.” Đây
không phải là lần đầu tiên các anh chiến sĩ này hiến máu nhưng tấm lòng,
sự nhiệt huyết, yêu thương của các anh vẫn cháy sáng và truyền lửa cho
cộng đồng. Câu trả lời của anh Nguyễn Thanh Liêm, Đoàn thanh niên công
an tỉnh Tuyên Quang ngắn gọn nhưng đã giúp ta hiểu về phong trào hiến
máu tình nguyện trong lực lượng công an và tinh thần tương thân, tương ái

vì cộng đồng: "Phong trào đoàn thanh niên trong công an là một phong
trào rất mạnh, nên là việc đăng kí đi hiến máu tình nguyện nhưn thế này
trong công an tỉnh Tuyên Quang là diễn ra rất sôi nổi. Đến với này hội
hiến máu này thì mình vì mọi người rồi mọi người vì mình. Ai cũng có tấm
lòng, có thể những giọt máu của mình cứu sống được cho một mạng
người". Đại diện cho thế hệ trẻ, một trong số những học sinh của trường
THPT Nguyễn Văn Huyên cũng đã trả lời gãy gọn, có ý nghĩa, thể hiện sự
phối kết hợp của nhà trường, sự thiện nguyện của các em: "Cũng là vì xuất
phát từ trái tim, một người vì mọi người, nhà trường phát động với huyện
phát động phong trào hiến máu thì bọn em là thanh niên và đoàn viên của
trường nên em cũng tự nguyện tham gia, hăng hái hưởng ứng phong trào
hiến máu cứu người". Cuối cùng, đại diện cho những người bệnh, cô giáo
Đỗ Thị Thu Nga, trường THPT Tháng Mười huyện Yên Sơn đã chia sẻ sự
xúc động, vui mừng khi nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của cộng đồng và
cô cũng trực tiếp người kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng để những
người bệnh cần máu có được sự sống như bao người bình thường khác…
10


Những lời nói của các nhân chứng có địa chỉ rõ ràng, giọng điệu chân
thực khiến người nghe như được trực tiếp nghe họ giãi bày, chia sẻ. Qua
đó, người nghe được hòa vào không khí, diễn biến sự kiện. Có thể nói, lời
nhân chứng của bài ghi nhanh này rất có chọn lọc và chất lượng nội dung,
tư tưởng, tình cảm. Nó góp phần đáng kể làm nên thành công của tác phẩm
ghi nhanh.
2.2. Bức phác thảo đa diện thời điểm ban đầu của sự kiện, bút pháp
linh hoạt, thông tin đa dạng, tin cậy.
Bằng việc dựng lên một phác thảo đa diện về cái thời điểm ban đầu của
sự kiện, với sự xuất hiện của nhân vật trần thuật, của kết cấu, bút pháp linh
hoạt, tác phẩm ghi nhanh về căn bản khắc phục được nhược điểm vốn có

của tin tức là sự cô đúc, ngắn gọn đến mức khô khan. Những thông tin có
giá trị, những lời phỏng vấn đem lại hơi thở nóng bỏng của sự kiện, vấn
đề.
Tác giả là họa sĩ của bức phác thảo đa diện bằng ngôn từ, âm thanh, cầu
nối giữa người nghe với sự kiện, người thu lại những hình ảnh đẹp, đặc sắc
của chương trình để người nghe cảm nhận bằng âm thanh, trí tưởng tượng,
lòng trắc ẩn…
Ngay ở phần dẫn vào bài ghi nhanh, chính tác giả bài viết cũng khẳng
định sức trẻ, sự nhiệt tình và hòa chung trong bầu không khí vui vẻ, nhân
ái, yêu thương mình vì mọi người là những ấn tượng khó quên của mình.
Điều đó tạo hình dung ban đầu về bức phác họa yêu thương, nhân ái của
lòng nhiệt huyết, sức trẻ.
“Buổi lễ phát động phong trào hiến máu 2012, do ban chỉ đạo vận
động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức đã thu hút hàng ngàn đoàn viên,
thanh niên của thành phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương
tham gia hưởng ứng” cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng và tiếp nhận phong
trào rất mạnh mẽ, sôi nổi tại nơi đây.
Bài ghi nhanh tạm dừng ở cuộc phỏng vấn người hiến máu và được
11


hiến máu sau lễ phát động “Ngày hội hiến máu”, không đi đến tận cùng
của sự kiện. Chỉ ghi nhanh quá trình đầu tiên nổi bật, mở màn cho sự kiện
nhưng đã gây ấn tượng cho người đọc, rõ tính chất của “ngày hội” bởi các
chi tiết có chọn lọc, cách triển khai vấn đề thông minh.
Ngoài khả năng thông tin xác thực, tác phẩm ghi nhanh còn mang tính
thẩm mỹ. Tuy nhiên, do phải thông tin nhanh nên những chi tiết mà ghi
nhanh đem đến cho công chúng không thể đầy đủ, tường tận về sự kiện như
tường thuật, không thể cắt nghĩa nguyên nhân, diễn biến để rút ra những
kết luận như phóng sự. Giới thiệu cái toàn diện thông qua những chi tiết

nổi bật, điển hình nhất, tác phẩm ghi nhanh đem đến cho công chúng phác
thảo, tạo cái nhìn ban đầu tương đối bao quát về sự kiện. Cũng chính đặc
điểm này quy định bút pháp và kết cấu của thể loại.
Về bút pháp, như đã trình bày ở trên, bài có sử dụng bút pháp miêu tả,
biểu cảm, kết hợp các cuộc phỏng vấn ngắn, viện dẫn các chi tiết để làm
sáng tỏ sự kiện…
Tác giả đã rất khéo léo giới thiệu về nhân vật được phỏng vấn bằng
cách miêu tả như: “Vóc dáng to cao, gương mặt đôn hậu, Nguyễn Quốc
Huy, công an huyện Sơn Dương cho biết: đây là lần thứ 10 anh tham gia
hiến máu tình nguyện.” Sự miêu tả ngắn gọn ấy cho thấy sức trẻ của người
thanh niên, gây thiện cảm cho người nghe về sự đôn hậu của nhân vật.
Những ngôn ngữ giàu hình ảnh, gây ấn tượng được sử dụng cũng thể
hiện sự nắm rõ về đặc điểm của ghi nhanh của tác giả, đó là: ghi nhanh có
sự giao thoa , chuyển hóa với các thể loại. Đôi lúc, người nghe cảm nhận
bài viết như tác phẩm văn học với các câu văn miêu tả, trần thuật như:
“Dòng máu nóng từ trái tim của những người thanh niên tình nguyện lần
lượt nhuộm sợi dây truyền máu, dâng hiến cho người bệnh” hay
như:“Hàng trăm thanh niên trên tay cầm những tấm phiếu hồng đăng kí
hiến máu tình nguyện, vẫn kiên nhẫn xếp hàng bên các dãy bàn chờ, làm
thủ tục hiến máu.”… Nhưng có đoạn, người nghe lại cảm nhận được rõ tính
12


nghị luận.
Ở đoạn cuối tác phẩm, tác giả Trần Ngọc đã cung cấp cho người nghe
những thông tin đa dạng về ngày “Sức khỏe thế giới” và ngày “Toàn dân
hiến máu tình nguyện”, mùng 7/4 để nhấn mạnh ý nghĩa của ngày 7/4, ý
nghĩa của sự kiện “Ngày hội hiến máu” đang được tổ chức hôm nay. Điều
đó cho thấy sự cần thiết, kịp thời, thời sự của hoạt động, sự kiện đang diễn
ra, tạo sự tin tưởng cho người nghe về quy mô, tính chất của sự kiện.

Tiếp đến, tác giả trình bày về sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động hiến
máu tình nguyện tại Việt Nam, bắt đầu từ hoạt động của sinh viên Đại học
Y Hà Nội; để đến cuối cùng, tác giả nói về việc tuyên truyền, hiến máu tại
địa phương, tỉnh Tuyên Quang. Kết cấu chặt chẽ của thông tin nhằm nhấn
mạnh sự cần thiết của việc phát triển hoạt động hiến máu cứu người tại
Tuyên Quang. Trong khi cả thế giới tôn vinh, hướng đến mục đích cao cả:
hiến máu cứu người; cả nước đã phát triển phong trào này thì tỉnh nhà cũng
cần tham gia tích cực, hiệu quả. Và chính hoạt động “Ngày hội hiến máu”
là minh chứng ý nghĩa đầy thuyết phục cho lòng nhân ái, sự đóng góp của
tỉnh Tuyên Quang trong hành động chung của thế giới nói chung và cả
nước nói riêng. Chính những thông tin tác giả cung cấp đã đề cao tầm quan
trọng của sự kiện, giúp người nghe chú ý, hiểu sâu sắc hơn về sự kiện; đề
cao tầm quan trọng của bức phác thảo đa diện này.
Điều này cũng cho thấy tác giả đã lựa chọn thể loại ghi nhanh một cách
đúng đắn, khôn khéo bởi ghi nhanh phản ánh các sự kiện lớn, tiêu biểu, có
ý nghĩa ở các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
2.3. Cái tôi sáng tạo
Trong bài ghi nhanh của mình, tác giả Trần Ngọc không sử dụng đại từ
nhân xưng như: “Tôi”, “chúng ta”… nhưng người nghe vẫn có thể cảm
nhận được sự xuất hiện xuyên suốt của tác giả trong tác phẩm thông qua
các chi tiết tả, trần thuật, những lời phỏng vấn… Đó là cái tôi vừa logic, lý
trí, giàu lý lẽ, vừa tình cảm, nồng hậu…
13


Chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu rõ về sự kiện, tả sinh động, cụ
thể về không khí buổi lễ và sự tham gia nhiệt tình, hào hứng đầy trách
nhiệm của các bạn trẻ; mới có thể thu nhận được những lời nhân chứng phù
hợp với bài viết. Cái tôi trong tác phẩm là cái tôi của tác giả chứ không
phải của thủ pháp nghệ thuật như trong truyện ngắn hay tiểu thuyết. Tác giả

kể lại rõ ràng rành mạch những sự kiện đang, đã xảy ra với tư cách là người
trực tiếp chứng kiến và trình bày sự kiện. Điều đó ấn định kênh giao tiếp
giữa tác giả và người đọc. Công chúng luôn luôn có cảm giác có mặt trong
từng chi tiết dù là nhỏ nhất và tác giả kể lại cho họ những điều mình mắt
thấy tai nghe.
Cảm nhận trực tiếp của tác giả được khẳng định duy nhất qua lời dẫn,
đó là: “Tất cả đều toát lên sức trẻ, sự nhiệt tình và hòa chung trong bầu
không khí vui vẻ, nhân ái, yêu thương mình vì mọi người. Đó là những ấn
tượng khó quên mà phóng viên chúng tôi ghi nhận được trong ngày hội
hiến máu tình nguyện được tổ chức vào sáng ngày 6/4, tại Trung tâm Văn
hóa Thể thao Thanh - thiếu nhi Tỉnh.” Tuy nhiên, giọng điêu, lời văn của
tác giả cũng toát lên sự tập trung theo dõi, tri thức, sáng tạo của tác giả và
gián tiếp bộc lộ cảm xúc của tác giả về sự kiện. Ví dụ: “Có mặt tại buổi lễ
phát động phong trào hiến máu tình nguyện, chứng kiến những hành động
nhân ái, mình vì mọi người của tuổi trẻ Tuyên Quang hôm nay…”
Tác giả đã theo dõi sự kiện từ những giờ phút đầu tiên, khi những
người đầu tiên vào hiến máu; quan sát để chọn góc độ khai thác cho bài
viết; nhìn nhận, suy nghĩ để chọn nhân vật để phỏng vấn; đưa ra những
nhận xét, đánh giá về sự kiện…
Tác giả đưa người đọc đến với không khí sự kiện, ở hiện tại rồi lại
lấy thông tin ở quá khứ để tôn lên thực tại. Một con đường thông minh,
giúp người nghe nhẹ nhàng tiếp nhận sự kiện và mở rộng hiểu biết của
mình về sự kiện.
Tác giả đưa ra quan điểm, nhận định của mình về sự kiện một cách sắc
14


sảo, khái quát: “Ngày hội hiến máu tình nguyện không chỉ mang ý nghĩa
nhân văn cao cả mà qua đó còn góp phần khơi dậy trong lòng lớp trẻ hôm
nay tình thương và trách nhiệm, tinh thần xung kích vì cộng đồng. Đây

cũng chính là kết quả của sự vận động, tổ chức, phối hợp
chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác nhân đạo
từ thiện. Thể hiện trách nhiệm, tấm lòng, nghĩa cử cao
đẹp của mỗi người đối với xã hội, vì sức khỏe của cộng
đồng và của chính mình, chung tay vì một thế giới không
có bệnh tật.”
Có thể nói, ở tác phẩm này, tác giả bài viết đã thể hiện khá tốt vai trò
của mình.
2.4. Kết cấu, bố cục hợp lý
Việc lựa chọn kết cấu, bố cục cho tác phẩm phần nào thể hiện cái tài
của tác giả. Phát thanh đòi hỏi thông tin phải phù hợp nhiều đối tượng,
dễ nghe, dễ cảm, súc tích, ngắn gọn. Làm thế nào để vừa thông tin đúng,
thông tin sâu nhưng khiến nhiều người hiểu, dễ tiếp nhận là điều không
hề đơn giản.
Ở bài ghi nhanh của mình, tác giả Trần Ngọc đã lựa chọn kết cấu tương
đối hợp lý. Nó làm nổi bật ý nghĩa, mục đích, tư tưởng của tác phẩm, đó là
khẳng định, tuyên truyền việc tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình
nguyện tại Tuyên Quang, tuyên dương những tấm lòng cao cả, sẵn sàng
hiến máu cứu người...
Thành phần kết cấu của ghi nhanh thường có 3 phần: Mở đầu, nội dung
và kết thúc. Đôi khi cũng có thể thêm phần đầu đề giới thiệu trước khi vào
bài nhằm nêu rõ lý do, xuất xứ của sự kiện, hoàn cảnh lịch sử, hoặc nhân
vật đặc biệt của bài. Đối với những bài có tầm quan trọng nhất định cũng
có thể đem chúng vào phần cuối để nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó với
công chúng. Ở đây, tác giả đã chọn cách thứ hai.
Phần đầu tác phẩm, qua lời dẫn, tác giả đã nêu lên những liên tưởng,
15


nhớ lại của mình về sự kiện, đó là hình ảnh các bạn trẻ nhiệt tình tham gia

hiến máu, xếp hàng để được hiến máu, dòng máu nóng được truyền từ cơ
thể tình nguyện viên hiến máu tới túi đựng máu cho người bệnh…gợi cho
công chúng nguồn cảm thụ sâu sắc, nhẹ nhàng, hứng thú. Cách khái quát
bằng hình ảnh này nếu bật tầm vóc, ý nghĩa của hành động hiến máu cứu
người, tinh thần nhân ái.
Tiếp đó, tác giả nêu thông điệp, mục đích của “Ngày hội hiến máu” là
“Nhằm tạo một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của
các tầng lớp nhân dân về hiến máu tình nguyện, thu hút đông đảo lực
lượng tham gia hiến máu và vận động người khác cùng hiến máu, củng cố
niềm tin với phong trào hiến máu ở địa phương.” Đây cũng là mục đích
chính của bài viết.
Phần nội dung, tác giả đi sâu vào các chi tiết để thể hiện mục đích của
bài viết. Sau khi nêu thông điệp, mục đích của sự kiện, tác giả tập trung tái
hiện cho người nghe không khí của ngày hội. Đó là sự tình nguyện, trách
nhiệm, hết mình vì cộng đồng, vì những người cần máu… Tác giả miêu tả
kỹ, tái hiện kỹ các hành động, thái độ của họ, đặc biệt, để họ tự nói nên suy
nghĩ về nghĩa cử cao đẹp này. Đó là hệ thống những chi tiết chính, phụ, kết
hợp đan xen, sinh động, sáng tạo; làm sáng rõ phẩm chất, tinh thần của
người hiến máu –đối tượng chính của ngày hội và tinh thần của sự kiện.
Cái toi trần thuật –tác giả -nhân chứng khách quan làm nhiệm vụ khâu nối
các dữ kiện, còn chủ đề xuyên suốt nội dung tác phẩm. Những con số, sự
kiện, con người có thật là nguyên liệu tạo nên tác phẩm; là những tiểu
chuẩn như tính điển hình, thời sự, độc đáo, hấp dẫn, nhằm đạt hiệu quả
thông tin cao nhất.
Phần kết tác phẩm, sau lời chia sẻ xúc động, kêu gọi cộng đồng giúp
đỡ, sẻ chia của bệnh nhân cần máu, tác giả đã đưa ra những viện dẫn về
ngày “Sức khỏe thế giới” và ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện” để
nâng cao tầm quan trọng của việc hiến máu tình nguyện, nâng cao chru đề
16



bài viết, khiến người nghe tiếp tục suy ngẫm về con người, hành động của
họ trong sự kiện. Chính tác giả cũng đã chốt lại bài viết bằng nhận định, sự
kêu gọi của mình. Điều này tạo hiệu quả thông tin, tuyên truyền cho tác
phẩm.
Bố cục của bài viết khá chặt chẽ. Đầu tiên, tác giả dẫn người đọc vào
câu chuyện của mình theo trình tự thời gian để khát quát về không khí, sau
đó, tác giả đưa ra dẫn chứng, lấy lời nhân chứng minh họa và làm sáng tỏ
không khí đó. Cuối cùng tác giả đưa ra những thông bên ngoài, của thế giới
và địa phương khác để chốt lại vấn đề, khẳng định kết quả của sự kiện tại
địa phương mình. Những thông tin có vẻ “ngoài lề”, không quan trọng ấy
lại góp phần tôn lên ý nghĩa, mục đích của sự kiện, hoạt động. Điều đó là
khá cần thiết để tạo nên thành công của bài viết.
3. Hạn chế của tác phẩm
Nhìn chung, tác phẩm tương đối thành công. Tuy nhiên, không khó để
nhận ra những hạt sạn; nhận ra những hạn chế của tác phẩm cũng giúp tác
giả hiểu rõ hơn về ghi nhanh, vận dụng có hiệu quả hơn các đặc điểm của
ghi nhanh phát thanh trong quá trình tác nghiệp.
3.1. Thiếu âm thanh tiếng động
Điểm quan trọng nhất làm nên sự lôi cuốn, thành công của phát thanh
chính là phát thanh. Qua âm thanh, giọng điệu, ngôn ngữ, tác giả sẽ cảm
nhận tác phẩm dễ dàng, sâu sắc hơn.
Bài ghi nhanh phát thanh “Ngày hội hiến máu” đã làm khá tốt việc thu
lại lời nhân chứng, tuy nhiên âm thanh, tiếng động hiện trường trong quá
trình tái hiện lại không khí ngày hội lại không có. Phần mở đầu tác phẩm,
lời văn của tác giả được trau chuốt khá kỹ, tuy nhiên, nếu có thêm âm
thanh tiếng động tại nơi các tình nguyện viên hiến máu thì bài sẽ sinh động
hơn, giúp người nghe dễ hình dung về quy mô, không khí sự kiện.
3.2. Một số chi tiết dài, không rõ ý
Phần cuối bài ghi nhanh, khi nói về ngày “Sức khỏe thế giới” và ngày

17


“Toàn dân hiến máu tình nguyện”, sự phát triển của hoạt động hiến máu
tình nguyện tại Hà Nội, tác giả trình bày vấn đề dài, dung lượng chiếm hơn
1/3 tác phẩm. Điều này làm loãng tác phẩm, làm mờ đi phần ghi nhanh ở
trên, ảnh hưởng đến sự tiếp nhận, cảm thụ của công chúng mặc dù ý nghĩa
nhấn mạnh của tác giả rất rõ ràng và tích cực.
Cũng trong phần này, câu văn của tác giả dài dòng và không rõ ý, Ví
dụ: “Có mặt tại buổi lễ phát động phong trào hiến máu tình nguyện, chứng
kiến những hành động nhân ái, mình vì mọi người của tuổi trẻ Tuyên
Quang hôm nay, ngày hội hiến máu tình nguyện không chỉ mang ý nghĩa
nhân văn cao cả mà qua đó còn góp phần khơi dậy trong lòng lớp trẻ
hôm nay tình thương và trách nhiệm, tinh thần xung kích vì cộng đồng.”
Câu văn trên có thể tách nhỏ để làm rõ ý, thể hiện được cái tôi cá nhân
của tác giả.
Lời nhân chứng thứ 3, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, trường THPT Tháng
Mười huyện Yên Sơn quá dài, hơn một phút, gấp 3,4 lần lời của hai nhân
chứng còn lại. Tác giả hoàn toàn có thể xử lý âm thanh ngắn gọn hơn
nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa.
Những chi tiết dài và thừa khiến bài viết dài 7 phút, không có âm thanh
tiếng động lôi cuôn, dễ gây nhàm chán. Hoàn toàn có thể rút ngắn bài viết
để người nghe dễ dàng tiếp nhận.
3.3. Lời nhân chứng
Bài viết phỏng vấn hai đối tượng tham gia hiến máu và một đối tượng
được hiến máu. Tuy nhiên, đối tượng học sinh lớp 12, chuẩn bị tham gia thi
Đại học có thể thay thế vì trên 18 tuổi, đạt cân nặng, các điều kiện chuẩn
đầy đủ thì các em mới được tham gia hiến máu. Đối tượng này có thể thay
thế bằng lời của Ban tổ chức hoặc cán bộ y tế chuyên trách, đi sâu vào việc
tổ chức sự kiện, mở rộng quy mô sự kiện, tuyên truyền như thế nào để hiệu

quả… để làm sâu vấn đề, mục đích của sự kiện, bài viết.
3.4. Giọng đọc
18


Giọng đọc của tác giả chưa thực sự thành công trong việc truyền cảm
cho tác phẩm. Đôi chỗ, vẫn bị giật cục, khô cứng, không phù hợp với sự
miêu tả, biểu cảm của bài viết. Bài viết nên có giọng đọc trẻ, biểu cảm và
phấn trấn hơn.
4.

Phương pháp nâng cao chất lượng tác phẩm
Thiết thực nhất để nâng cao chất lượng tác phẩm chính là khắc phục

những hạn chế, phát huy những ưu thế.
Trước tiên là việc đưa âm thanh tiếng động hiện trường vào tác phẩm.
Cần đưa nhiều âm thanh tiếng động vào tác phẩm phát thanh để người nghe
dễ dàng cảm nhận, liên tưởng, tạo sự lôi cuốn, chân thật cho tác phẩm.
Phần mở đầu, tác giả có thể cho người nghe âm thanh tiếng động hiện
trường để gây ấn tượng, thu hút người nghe, tái hiện được không khí của
ngày hội.
Tác giả có thể bổ sung lời nhân chứng như đã nhận xét ở phần hạn chế
của tác phẩm. Có thể lấy lời phát biểu của ban tổ chức khi khi mạc ngày
hội hoặc các cán bộ y tế chuyên trách,… để làm bài viết thêm sâu, nhấn
mạnh được ý nghĩa của sự kiện, việc hiến máu cứu người.
Tác giả có thể biên tập lại bài viết để ngắn gọn hơn, giúp người nghe dễ
dàng tiếp nhận; rút ngắn các câu văn, tránh những câu dài để làm rõ ý cho
bài viết, dễ hiểu, dễ cảm.
Nên cung cấp thêm nhiều chi tiết về sự chuẩn bị của ngày hội hiến máu.
Ngoài ra, tác giả nên miêu tả nhiều hơn về không khí, hiện trường, các

nhân vật tham gia, các hoạt động diễn ra trong ngày hội để người nghe hiểu
hơn sự kiện này, dễ dàng đồng tình, hưởng ứng hoạt động hiến máu cứu
người.
Như đã nhận xét, tác giả không sử dụng đại từ nhân xưng, cái tôi hiện
nên dưới vai trò quan sát, miêu tả, đánh giá, chưa tham gia trực tiếp vào sự
kiện. Mặc dù người nghe có thể hiểu là tác giả đang nói nhưng nếu tác giả
xưng “tôi”, “chúng ta” thì sẽ tạo sự gần gũi, khẳng định được rõ hơn sự
19


xuất hiện của bản thân.

Phần III: Kết luận
Nhìn chung, tác phẩm ghi nhanh “Ngày hội hiến máu nhân đạo” của tác
giả Trần Ngọc đã đáp ứng được những tiêu chí cơ bản của thể loại ghi
nhanh. Thông tin nhanh chóng, thời sự; phác thảo đa diện, tái hiện được
không khí, thời điểm ban đầu đặc sắc của sự kiện; bút pháp linh hoạt, giọng
điệu nhẹ nhàng, xuất hiện cái tôi trần thuật, theo suốt quá trình ghi nhanh…
Qua tác phẩm, người nghe có thể cảm nhận được phần nào không khí
ngày hội hiến máu tình nguyện; trách nhiệm, mục đích và ý nghĩa của việc
hiến máu tình nguyện đối với cộng đồng.
Bài viết có khá nhiều ưu điểm. Người viết đã nắm khá vững lý thuyết
của thể loại ghi nhanh và vận dụng tương đối hiệu quả. Tuy vẫn còn những
hạn chế như đã nêu nhưng người viết hoàn toàn có thể khắc phục, sửa chữa
để hoàn thiện, làm cho tác phẩm hay hơn.
“Trăm hay không bằng tay quen”, để có những kết quả tốt, cần có quá
trình học tập, rèn luyện chăm chỉ. Với ghi nhanh phát thanh, việc lắng nghe
các tác phẩm ghi nhanh; biết cách nhận xét; thẳng thắn đón nhận những
nhận xét về hạn chế, phát huy những thế mạnh để sửa chữa, bổ sung, rèn
luyện là vô cùng cần thiết.

Qua việc sưu tầm, phân tích tác phẩm ghi nhanh phát thanh, em cũng đã
củng cố được kiến thức về thể loại này, cách triển khai vấn đề, cách viết,
diễn đạt… Từ đó, có thể rút kinh nghiệm cho bản thân để có thể sáng tạo
những tác phẩm ghi nhanh phát thanh có chất lượng.
Bài phân tích còn nhiều thiếu sót, mong nhận được sự đóng góp của
thầy cô. Những đóng góp, sửa chữa sẽ giúp cho việc tác nghiệp, làm báo
của em sau này. Em xin chân thành cảm ơn.

20


21


MỤC LỤC

22



×