Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Bài tập môn kỹ năng áp dụng pháp luật lớp luật sư

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (184.67 KB, 11 trang )

TÌNH HUỐNG HÌNH SỰ
Nguyễn Văn Thành sinh năm : 1998 tại Bình Phước, ngụ tại Thôn 7 Xã 8
Huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước thực hiện hành vi phạm tội hai lần :
Lần thứ nhất : trộm chiếc xe đạp của bà Huỳnh Thị Dậu ngụ tại Xã 10 Huyện
Bù Đăng tỉnh Bình Phước vào ngày 16/08/2013
Lần thứ hai : trộm một máy phát điện, một xe gắn máy của bà Trần Thị Mai
ngụ tại Xã 12 Huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước vào ngày 26/06/2014
Sau khi bị mất trộm thì bà Huỳnh Thị Dậu và bà Trần Thị Mai đều trình báo
với cơ quan Công an nhưng cơ quan Công an không bắt được thủ phạm.
Đến ngày 01/08/2014 Nguyễn Văn Thành đến cơ quan Công an đầu thú, ăn
năn hối cải, thật thà khai báo những hành vi phạm tội của mình và đã khai nơi tiêu
thụ tài sản trộm cắp và công an đã thu hồi được chiếc máy phát điện và chiếc xe gắn
máy của bà Trần Thị Mai.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn
Thành các tội danh sau: Trộm cắp tài sản (chiếc xe đạp, máy phát điện, một xe gắn
máy).
Là Luật sư được phân công bào chữa chỉ định cho Nguyễn Văn Thành, các anh
chị hãy
1-Tra cứu và nêu các điều luật quy định trong BLHS và văn bản pháp luật điều
chỉnh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Thành.Trong trường hợp này phải áp dụng
BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 hay phải áp dụng BLHS.2014.
2- Hãy nhận định Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với
Nguyễn Văn Thành các tội danh trộm cắp tài sản: chiếc xe đạp, máy phát điện, một
xe gắn máy là đúng và đầy đủ theo các quy định pháp luật hay chưa ?
3-Nêu sự khác nhau về tình tiết giảm nhẹ của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung
2009 hay phải áp dụng BLHS.2014. Nhân xét?
4- Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành ? nêu các tình tiết giảm
nhẹ và các cơ sở pháp lý cho Nguyễn Văn Thành ?
BÀI LÀM
1-Tra cứu và nêu các điều luật quy định trong BLHS và văn bản pháp luật điều
chỉnh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Thành.


Trả lời: Các điều luật điều chỉnh hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Thành gồm:
Khoản 2 điều 12 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về Tuổi chịu
trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Khoản 4 điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCABTP-BLĐTBXH.
Trong trường hợp này phải áp dụng BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009, bởi vì
BLHS năm 2014 bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016 và vụ án này được khởi tố

1


trong năm 2014, do đó, trường hợp này áp dụng dụng BLHS 1999 sửa đổi bổ sung
2009.
2- Hãy nhận định Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với
Nguyễn Văn Thành các tội danh trộm cắp tài sản: chiếc xe đạp, máy phát điện,
một xe gắn máy là đúng và đầy đủ theo các quy định pháp luật hay chưa ?
Trả lời: Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn
Thành các tội danh trộm cắp tài sản: chiếc xe đạp, máy phát điện, một xe gắn máy là
không đúng với quy định pháp luật, bởi vì:
Tại thời điểm gây án (ngày 16/08/2013 và 26/06/2014) thì Nguyễn Văn Thành
chưa đủ 16 tuổi, do đề bài không đề cập đến ngày tháng năm sinh của Thành nên căn
cứ Khoản 4 điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCABTP-BLĐTBXH thì “Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác
định được ngày tháng sinh của bị can thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày
sinh của bị can”.
- Thành bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự 1999,
sửa đổi bổ sung năm 2009, mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù đến 3 năm,
theo khoản 3 điều 8 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì hình phạt
đến 3 năm tù là tội phạm ít nghiêm trọng.
Theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về

tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi
phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng”.
Cho nên, Thành không phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi trên và
việc quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thành các tội danh trộm cắp tài
sản: chiếc xe đạp, máy phát điện, một xe gắn máy là không đúng.
3-Nêu sự khác nhau về tình tiết giảm nhẹ của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009
và BLHS 2014. Nhân xét?
Trả lời:
BLHS năm 2014 bỏ quy định về: Phạm tội trong trường hợp bị kích động về
tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra. Chỉ quy định về trường hợp
phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn
nhân gây ra.
BLHS năm 2014 thay quy định “Người phạm tội là người già” thành quy định
“Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên”, do đó, BLHS năm 2014 đã có quy định
cụ thể hơn về trường hợp người phạm tội là người già ở đây là người đủ 70 tuổi trở
lên.
BLHS năm 2014 bổ sung thêm các trường hợp về tình tiết giảm nhẹ như sau:
+
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
(điểm đ khoản 1 điều 51).

2


+
Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do
lỗi của mình gây ra
(điểm l khoản 1 điều 51).
+

Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng (điểm l
khoản 1 điều 51).
+
Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách
mạng (điểm x khoản 1 điều 51).
Đồng thời tại khoản 2 điều 51 BLHS 2014 cũng quy định về trường hợp khi
quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ, trong khi đó
BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009 không có quy định về trường hợp người phạm tội
đầu thú là tình tiết giảm nhẹ.
4- Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành ? Nêu các tình tiết giảm nhẹ
và các cơ sở pháp lý cho Nguyễn Văn Thành?
Trả lời:
Tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo quy
định tại điểm h khoản 1 điều 46 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Do Thành bị
khởi tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ
sung năm 2009, mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù đến 3 năm, theo khoản
3 điều 8 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì hình phạt đến 3 năm tù
là tội phạm ít nghiêm trọng và việc trộm cắp tài sản trên của Thành cũng gây thiệt hại
lớn cho xã hội.
Tình tiết Thành ăn năn hối cải, thật thà khai báo những hành vi phạm tội của
mình thuộc trường hợp quy định tại điểm p khoản 1 điều 46 BLHS 1999 sửa đổi bổ
sung 2009 “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Tình tiết Thành đến cơ quan Công an đầu thú mặc dù bà Huỳnh Thị Dậu và bà
Trần Thị Mai đều trình báo với cơ quan Công an nhưng cơ quan Công an không bắt
được thủ phạm, trong trường hợp này theo quy định tại tiểu mục 7 Mục 1 Công văn
số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao thì “Nếu người
phạm tội tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai
phát hiện được mình phạm tội thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự thú" quy định tại
khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội”. Do đó, Thành
được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là “người phạm tội tự thú” được quy định tại điểm o

khoản 1 điều 46 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

TÌNH HUỐNG LAO ĐỘNG (1)
Bà Nguyễn Thị Hồng - sinh năm 1959 làm việc tại Công ty TNHH Mặt Trời Đỏ từ năm
2001 với loại hợp đồng không xác định thời hạn - chức vụ : Phó trưởng phòng Kinh
doanh xuất nhập khẩu - Mức lương đang nhận hàng tháng là 15.000.000 đồng.
Đầu năm 2014 Hội đồng thành viên Công ty quyết định cho bà Nguyễn Thị Hồng nghĩ
hưu do đến tuổi hưu.
Chế độ của bà Nguyễn Thị Hồng được công ty tính toán như sau :

3


+ Thời gian từ năm 2001-2008 : mỗi năm làm việc 1/2 tháng lương = 04 tháng
lương, mức lương bình quân tính trả trợ cấp thôi việc là : 9.000.000 đồng.
+ Thời gian từ năm 2009-2014 : tính toán theo các quy định của Bảo hiểm xã
hội và bảo hiểm thất nghiệp.
+ Số ngày phép của bà Hồng chưa nghỉ trong năm 2014 chưa nghỉ ngày nào
được Công ty tính trả tiền phép là 12 ngày với cách tính mỗi ngày phép là 01 ngày
lương (15.000.000 đồng/26 ngày).
Ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng : Không đồng ý vì cho rằng mình chưa đủ thời gian
đóng bảo hiểm xã hội 20 năm theo khoản 4 điều 36 BLLĐ 2012
Phòng Tổ chức hành chính công ty trao đổi với Luật sư pháp chế công ty về đường
lối xử lý cho nghỉ hưu và cách tính chế độ cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Là Luật sư pháp chế của Công ty hãy :
1-Việc xem xét giải quyết chế độ chính sách của bà Nguyễn Thị Hồng sẽ được căn cứ
vào các Luật nào ?
2-Tra cứu các điều luật điều chỉnh về chế độ chính sách cho bà Nguyễn Thị Hồng.
3- Công ty cho bà Nguyễn Thị Hồng nghĩ hưu có đúng theo các quy định của pháp
luật lao động hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?

4-Cách tính chế độ trả trợ cấp thôi việc có đúng với các quy định của pháp luật lao
động,pháp luật bảo hiểm xã hội hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?
5-Cách tính để trả tiền phép cho bà Nguyễn Thị Hồng có đúng với các quy định của
pháp luật lao động hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?
BÀI LÀM
1-Việc xem xét giải quyết chế độ chính sách của bà Nguyễn Thị Hồng sẽ được căn
cứ vào các Luật nào ?
Trả lời: Việc xem xét chế độ chính sách của bà Nguyễn Thị Hồng sẽ được căn cứ vào
các Luật:
Bộ luật lao động năm 2012.
Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.
2-Tra cứu các điều luật điều chỉnh về chế độ chính sách cho bà Nguyễn Thị Hồng.
Trả lời:
Khoản 4 điều 36 Bộ luật lao động năm 2012.
Khoản 2 điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Điều 5 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

4


Khoản 1 điều 187 Bộ luật lao động năm 2012.
Điều 166 và điều 167 Bộ luật lao động năm 2012.
Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2006
Điểm a khoản 1 điều 55 Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.
Các điều 55, điều 56, điều 57, điều 58, điều 59, điều 60 Luật bảo hiểm xã hội
năm 2006.
3- Công ty cho bà Nguyễn Thị Hồng nghĩ hưu có đúng theo các quy định của pháp
luật lao động hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?
Trả lời: Công ty cho bà Nguyễn Thị Hồng nghỉ hưu là đúng theo quy định pháp luật vì
theo quy định tại khoản 2 điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động

với người lao động cao tuổi thì “Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc
người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp
đồng lao động”, trường hợp này Công ty TNHH Mặt Trời Đỏ (người sử dụng lao
động) không có nhu cầu sử dụng lao động với bà Hồng nữa nên chấm dứt hợp đồng
theo khoản 2 điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
4-Cách tính chế độ trả trợ cấp thôi việc có đúng với các quy định của pháp luật lao
động, pháp luật bảo hiểm xã hội hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?
Trả lời:
*
Cách tính chế độ trả trợ cấp thôi việc trong thời gian từ năm 2001-2008 là
không đúng với quy định của pháp luật lao động, bởi vì:
Theo quy định theo quy định tại khoản 3 điều 48 Bộ luật lao động năm 2012
thì “Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao
động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc” theo đó, mức lương
trước khi nghỉ việc của bà Nguyễn Thị Hồng là 15.000.000 đồng, tuy nhiên khi hưởng
mức trợ cấp thôi công ty tính mức lương bình quân tính trả trợ cấp thôi việc là :
9.000.000 đồng là không phù hợp với quy định của Luật lao động.
*
Cách tính chế độ trợ cấp thôi việc thời gian từ năm 2009-2014 là phù hợp với
quy định của pháp luật lao động, pháp luật bảo hiểm xã hội theo quy định tại
Chương V Bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 11, 12,
20 và 21 Nghị định 127/2008/NĐ-CP.
5-Cách tính để trả tiền phép cho bà Nguyễn Thị Hồng có đúng với các quy định của
pháp luật lao động hay không ? nêu căn cứ pháp lý ?

5


Trả lời: Cách tính để trả tiền phép cho bà Nguyễn Thị Hồng là không đúng với quy
định pháp luật lao động, bởi vì: Về số ngày được nghỉ phép năm của bà Nguyễn Thị

Hồng: do bà Hồng làm việc tại Công ty Mặt Trời Đỏ từ đầu năm 2001 đến 2014 nên
tổng thời gian bà làm cho công ty này là 14 năm. Theo quy định tại điều 112 BLLĐ
2012 thì bà Hồng được hưởng ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm
việc, cụ thể cứ 5 năm được tăng thêm tương ứng 1 ngày, vậy bà Hồng sẽ được tăng
thêm 2 ngày nghỉ phép là 14 ngày thay vì 12 ngày nghỉ phép như chế độ của công ty
Mặt Trời Đỏ đưa ra.

TÌNH HUỐNG LAO ĐỘNG (2)
Ông Trần Thanh Hùng - sinh năm 1976 làm việc tại Công ty TNHH Thiên Thanh từ
năm 2000 với loại hợp đồng vô thời hạn - chức vụ :chuyên viên phòng Kế hoạch Kinh
doanh- Mức lương đang nhận hàng tháng là 8.000.000 đồng. Trong quá trình làm
việc Ông Trần Thanh Hùng luôn chấp hành tốt Nội quy lao động. Nhưng trong hai
năm gần đây ông chểnh mãng công việc hay đi trễ về sớm, Công ty đã nhắc nhở và
có lập biên bản nhắc nhở hành vi vi phạm và có thư khiển trách. Tháng 06 năm 2014
khi nghỉ phép Ông Trần Thanh Hùng đã vi phạm thời gian trả phép lố 04 ngày mà
không có lý do chính đáng, khi công ty yêu cầu giải trình thì Ông Trần Thanh Hùng
không giải trình và trả lời với Công ty là " không có gì cần phải giải trình, số ngày
nghỉ lố đó công ty muốn trừ lương thì trừ lương, muốn trừ phép thì trừ phép."
Tiếp theo đó Ông Trần Thanh Hùng lại có hành vi "rình một cô nhân viên nữ trong cơ
quan tắm và bị bắt quả tang". Cơ quan yêu cầu giải trình và Ông không hợp tác
không giải trình nội dung này và trả lời "không có cố ý rình xem chỉ vô tình thấy
được nên không có gì phải giải trình."
Hội đồng Khen thưởng kỷ luật Công ty đã tổ chức cuộc họp có mời ông tham dự
nhưng không cho ông mời Luật sư tham gia cuộc họp của Hội đồng xét kỷ luật với lý
do là cuộc họp nội bộ và thông báo với ông Hùng rằng Luật sư chỉ tham gia với ông
tại phiên Tòa.
Kết quả cuộc họp Hội đồng : Kỷ luật Sa thải Ông Trần Thanh Hùng với các lý do sau :
+ Vi phạm đạo đức nhân viên :"rình nhân viên nữ trong cùng cơ quan tắm" và bị
người cùng cơ quan bắt quả tang nhưng không thành khẩn nhận sai trái.
+ Vi phạm ngày giờ công của đơn vị ( Luôn đi trễ về sớm nên liên tục không hoàn

nhiệm vụ của đơn vị giao)
+ Tự ý nghỉ việc 04 ngày mà không có lý do chính đáng.
+ Không chấp hành mệnh lệnh của người sử dụng lao động làm tường trình việc trả
phép chậm 04 ngày.
+ Có thái độ không cầu thị nhận sai sót, chống đối tổ chức
+ Cắt hết tất cả các quyền lợi, trợ cấp thôi việc, tiền phép của những ngày chưa nghĩ

6


Trước khi ban hành quyết định kỷ luật sa thải Phòng Tổ chức hành chính công ty
trao đổi với Luật sư pháp chế công ty về đường lối xử lý .
Là Luật sư pháp chế của Công ty hãy :
1- Tra cứu các điều luật và nêu các điều luật nào trong Bộ luật lao động để làm căn
cứ thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật lao động Ông Trần Thanh Hùng?
2-Đối với các hành vi vi phạm nêu trên của Ông Trần Thanh Hùng Công ty có thể xử
lý kỷ luật sai thải được không ?Vì sao ?
3-Hãy phân tích chi tiết từng hành vi vi phạm và nêu mức xử lý tương ứng đối với
từng hành vi vi phạm của Ông Trần Thanh Hùng?
4-Trong trường hợp này Công ty cắt hết tất cả các quyền lợi, trợ cấp thôi việc, tiền
phép của những ngày chưa nghĩ có được không ? nêu căn cứ pháp lý ?
BÀI LÀM
1- Tra cứu các điều luật và nêu các điều luật nào trong Bộ luật lao động để làm căn
cứ thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật lao động Ông Trần Thanh Hùng?
Trả lời: Điều 38, điều 123, điều 125, điều 126, điều 128 BLLĐ 2012.
2-Đối với các hành vi vi phạm nêu trên của Ông Trần Thanh Hùng Công ty có thể xử
lý kỷ luật sa thải được không ?Vì sao ?
Trả lời: Đối với các hành vi vi phạm nêu trên của Ông Trần Thanh Hùng Công ty
không thể xử lý kỷ luật sa thải, bởi vì căn cứ quy định tại điều 126 BLLĐ 2012 thì các
hành vi trên của ông Hùng không vi phạm các quy định tại điều 126 BLLĐ 2012, cụ

thể:
Ông Hùng không có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích,
sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công
nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây
thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi
ích của Công ty TNHH Thiên Thanh (không vi phạm khoản 1 điều 126 BLLĐ 2012).
Ông Hùng chưa bị kỷ luật lao động với hình thức là kéo dài thời hạn nâng
lương hay bị xử lý kỷ luật cách chức, do đó ông Hùng không vi phạm khoản 2 điều
126 BLLĐ 2012.
Ông Hùng đã có hành vi tự ý nghỉ việc 04 ngày mà không có lý do chính đáng,
tại khoản 3 điều 126 BLLĐ 2012 quy định trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 05
ngày cộng dồn trong 01 tháng thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải. Cho nên,
trong trường hợp này ông Hùng cũng không vi phạm khoản 3 điều 126 BLLĐ 2012.
Từ những lập luận trên, Công ty TNHH Thiên Thanh không thể áp dụng hình
thức kỷ luật là sa thải đối với ông Trần Thanh Hùng.
3-Hãy phân tích chi tiết từng hành vi vi phạm và nêu mức xử lý tương ứng đối với
từng hành vi vi phạm của Ông Trần Thanh Hùng?
Trả lời:

7


-

Đối với hành vi nghỉ phép lố quá 04 ngày của ông Trần Thanh Hùng việc ông

Hùng trả lời với công ty là “không có gì cần phải giải trình, số ngày nghỉ lố đó công ty
muốn trừ lương thì trừ lương, muốn trừ phép thì trừ phép” có thể coi như ông Hùng
không giải trình lý do nghỉ lố và Công ty có thể áp dụng trường hợp nghỉ không
hưởng lương theo quy định tại khoản 3 điều 116 BLLĐ 2012 và có thể xử lý kỷ luật

lao động đối với ông Hùng theo quy định tại khoản 1 điều 27 BLLD 2012 về thời giờ
làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cụ thể là nghỉ lố ngày phép năm và không giải trình với
công ty. Đối với hành vi này, Công ty có thể áp dụng hình thức kỷ luật với ông Hùng
là khiển trách theo quy định tại khoản 1 điều 125 BLLĐ 2012 (lần gửi thư khiển trách
ông Hùng do chểnh mãng công việc hay đi trễ về sớm không được coi là hình thức kỷ
luật khiển trách, bởi vì không thỏa các quy định về trình tự xử lý kỷ luật tại khoản 1
điều 123 BLLĐ 2012).
-

Đối với hành vi rình nhân viên nữ trong cùng cơ quan tắm của ông Trần Thanh

Hùng đã vi phạm về quy định trật tự tại nơi làm việc theo quy định điểm b khoản 2
điều 119 BLLĐ 2012, cụ thể vi phạm về văn hóa ứng xử tại nơi làm việc được hướng
dẫn tại khoản 2 điều 27 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Đối với hành vi này Công ty có
thể áp dụng mức kỷ luật là kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng theo
quy định tại khoản 1 điều 125 BLLĐ 2012.
4-Trong trường hợp này Công ty cắt hết tất cả các quyền lợi, trợ cấp thôi việc, tiền
phép của những ngày chưa nghĩ có được không ? nêu căn cứ pháp lý ?
Trả lời:
-

Đối với trường hợp quyền lợi về trợ cấp thôi việc, công ty có thể cắt khoản trợ

cấp này đối với ông Hùng, bởi vì: công ty kỷ luật ông Hùng với hình thức kỷ luật là sai
thải và chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 8 điều 36 BLLĐ 2012, đối với quy
định về chấm dứt hợp đồng người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải sẽ không được chi
trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 48 BLLĐ 2012.
-

Công ty không được cắt tiền phép những ngày chưa nghỉ của ông Hùng, bởi vì


theo quy định tại khoản 1 điều 114 BLLĐ 2012 thì “Người lao động do thôi việc, bị
mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số
ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ”, cho nên
trong trường hợp này ông Hùng vẫn nhận được tiền những ngày ông chưa nghỉ
phép.

8


TÌNH HUỐNG THƯƠNG MẠI
Công ty may 89 (gọi tắt là bên A) ký kết hợp đồng mua quần áo may sẳn với Công ty
TNHH Mây Trắng (gọi tắt là bên B) theo hợp đồng số 18/HĐMB/2014 ngày
01/05/2014 với số lượng 1.000 bộ quần tây áo sơ mi với tổng trị giá hợp đồng là
5.000.000.000 đồng (năm tỷ),
Thời gian giao hàng: bắt đầu từ ngày 01/07/2014 cho đến hết ngày 31/07/2014,
Thời gian thanh toán :
Đợt 1: Bên B phải thanh toán cho bên A = 20% tổng trị giá hợp đồng trong
vòng 03 ngày sau khi ký kết hợp đồng
Đợt 2: Bên B phải thanh toán cho bên A = 30% tổng trị giá hợp đồng trong
vòng 03 ngày sau khi bên A đã giao được cho bên B 500 bộ quần áo.
Đợt 3: Bên B phải thanh toán cho bên A = 50% tổng trị giá hợp đồng còn lại
trong vòng 03 ngày sau khi bên A đã giao đủ cho bên 500 bộ quần áo còn lại.
Tình huống (1)
Quá thời hạn sau khi hai bên ký kết hợp đồng 03 ngày, Bên B không thanh
toán cho bên A 20 % tổng trị giá hợp đồng như cam kết mà đến ngày 30/06/2014
bên B mới thanh toán cho bên A 20 % tổng trị giá hợp đồng.
Bên A yêu cầu bên B phải thanh toán bổ sung cho bên A số tiền lãi phát sinh
do chậm thanh toán bằng lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố
cho khoản thời gian từ ngày 04/05/2014 đến ngày 30/06/2014 thì bên A mới tiến

hành giao hàng.
Là Luật sư của bên B, bạn hãy :
(i) Tìm và nêu điều luật điều chỉnh nội dung phát sinh về lãi nêu trên.
(ii) Cho bên B biết yêu cầu của bên A có đúng luật hay không ? nêu cơ sở pháp
lý ?
(iii) Nêu ý kiến tư vấn cho bên B đối với tình huống trên có nên chấp nhận
không ? Tại sao ?
Tình huống (2)
Đến hết ngày 31/07/2014, bên A chỉ giao được cho bên B 500 bộ quần áo
ngày 01/08/2014, Bên B có văn bản thông báo cho bên A biết đã vi phạm hợp đồng,
tuyên bố chấm dứt hợp đồng. Yêu cầu bên A phải chịu phạt vi phạm hợp đồng là
12% trên tổng giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại phát sinh do bên B phải mua
quần áo tại một cơ sở khác là 400.000.000 đồng.
Là Luật sư của bên A, bạn hãy :
(i) Tìm và nêu điều luật điều chỉnh nội dung phát sinh về hành vi vi phạm hợp
đồng, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại nêu trên.
(ii) Cho bên A biết yêu cầu của bên B có đúng luật hay không ?
(iii) Nêu ý kiến tư vấn cho bên A đối với tình huống trên ?

9


BÀI LÀM
Tình huống (1)
(i) Tìm và nêu điều luật điều chỉnh nội dung phát sinh về lãi nêu trên.
Trả lời :
Điều 306 Luật thương mại 2005.
Khoản 2 điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005.
(ii) Cho bên B biết yêu cầu của bên A có đúng luật hay không ? nêu cơ sở pháp lý ?
Trả lời : Yêu cầu của bên A là đúng luật, bởi vì hợp đồng giữa bên A và bên B là hợp

đồng mua bán hàng hóa, các bên thỏa thuận Bên B phải thanh toán đợt 1 cho bên A
= 20% tổng trị giá hợp đồng trong vòng 03 ngày sau khi ký kết hợp đồng từ là thanh
toán vào ngày 04/5/2015 nhưng đến ngày 30/6/2015 bên B mới thanh toán cho bên
A số tiền trên, trong trường hợp này bên B đã vi phạm hợp đồng, theo quy định tại
điều 206 Luật thương mại 2005 thì trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh
toán tiền hàng thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền
chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh
toán tương ứng với thời gian chậm trả. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 điều
305 Bộ luật dân sự 2005 quy định trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền
thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng
Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Cho
nên, Bên A yêu cầu bên B phải thanh toán bổ sung cho bên A số tiền lãi phát sinh do
chậm thanh toán bằng lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố
cho khoản thời gian từ ngày 04/05/2014 đến ngày 30/06/2014 là đúng với quy định
pháp luật.
(iii) Nêu ý kiến tư vấn cho bên B đối với tình huống trên có nên chấp nhận không ?
Tại sao ?
Trả lời : Đối với tình huống trên bên B không nên chấp nhận, bởi vì bên B có thể lập
luận như sau : theo quy định tại khoản 1 điều 305 Bộ luật dân sự 2005 thì trường
hợp quá thời hạn thực mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của
bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ. Trong tình huống này,
mặc dù đã quá thời hạn thanh toán đợt 1 nhưng bên B cũng không yêu cầu bên A
thực hiện việc thanh toán cho nên bên B cho rằng bên A vẫn cho bên B một thời gian
thực hiện nghĩa vụ nên bên B sẽ không trả lãi suất cho thời gian chậm trả.
Tình huống (2)
(i) Tìm và nêu điều luật điều chỉnh nội dung phát sinh về hành vi vi phạm hợp
đồng, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại nêu trên.
Trả lời :

10



Điều 34, điều 297, điều 300, điều 301, điểu 302, điều 303, điều 307 Luật
thương mại 2005.
(ii) Cho bên A biết yêu cầu của bên B có đúng luật hay không ?nêu cơ sở pháp lý ?
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh do bên B phải mua quần áo tại một
cơ sở khác là 400.000.000 đồng của bên B là không đúng luật bởi vì theo quy định tại
khoản 3 điều 297 Luật thương mại 2005 thì trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng
thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng của người khác để thay thế theo đúng loại
hàng hoá ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các
chi phí liên quan nếu có. Do đó, trong trường hợp này bên A chỉ phải trả cho bên B
khoản tiền mà bên B mua quần áo tại cơ sở khác mà không phải là bồi thường thiệt
hại cho bên B.
Về yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng là 12% trên tổng giá trị hợp đồng của bên
B là không đúng với quy định pháp luật bởi vì theo quy định tại điều 301 Luật
thương mại thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt
đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8%
giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
(iii) Nêu ý kiến tư vấn cho bên A đối với tình huống trên ?
Trả lời:
Trường hợp này tại hợp đồng các bên không có thỏa thuận về điều khoản
phạt hợp đồng nên bên A không phải chịu mức phạt vi phạm hợp đồng, cụ thể theo
quy định tại khoản 1 điều 307 Luật thương mại 2005 thì trường hợp các bên không
có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt
hại. Do đó, bên A không phải chịu mức phạt vi phạm hợp đồng mà bên B đưa ra.
Về yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên B cũng không đúng với quy định tại
khoản 3 điều 297 Luật thương mại 2005 cho nên bên A có thể thỏa thuận với bên B
trả khoản tiền mà bên B đã mua 500 bộ quần áo tại cơ sở sản xuất khác và các chi
phí có liên quan đến việc mua 500 bộ quần áo này như tiền nhân công bốc vác, chi
phí vận chuyển,…


11



×