Tải bản đầy đủ (.pdf) (22 trang)

Yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (170.54 KB, 22 trang )

LỜI NÓI ĐẦU
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định quan trọng trong luật dân sự
được ra đời từ rất sớm ở mỗi quốc gia. Trải qua từng thời kỳ khác nhau việc quy định về
người phải bồi thường, cách thức bồi thường, thiệt hại phải bồi thường cũng như mức độ
phải bồi thường… có sự khác biệt. Vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm giai cấp, điều
kiện kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia. Do sự phát triển của xã hội, các chế định pháp luật
cũng dần thay đổi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại không còn được coi là hình phạt mà
là nghĩa vụ bổn phận của người gây thiệt hại nhằm phục hồi tình trạng tài sản của người
bị thiệt hại. Trong lịch sử pháp luật của nước ta nói riêng, dù dưới hình thức nào thì cũng
có thể nhận định chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xuất hiện từ rất sớm.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường dân sự nói
chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. Xuất phát từ ý nghĩa
quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong lý luận cũng như trong
thực tiễn nên em chọn đề tài về “Yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

1


CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT
HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung được quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân
sự 2005 như sau:
“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường về vật chất,
trách nhiệm bồi thường bù đắp về tổn thất tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật
chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, boa gồm tổn thất về tài sản, chi
phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị
giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức


khỏe, danh dự nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm,
xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh
thần cho người bị thiệt hại”.
Trong Điều luật không nêu khái niệm thế nào là trách nhiệm bồi thường thiệt hại
nhưng có thể hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là trách nhiệm dân sự
phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên, do đó bên có hành vi vi phạm nghĩa
vụ trong hợp đồng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại mà mình đã gây ra cho
phía bên kia tương ứng với mức độ lỗi của mình1.
Nguyên tắc của việc bồi thường đầy đủ về các thiệt hại như được quy định là nền tảng
trong Bộ luật Dân sự. Trừ những trường hợp được miễn trừ trách nhiệm, ví dụ như trường
hợp bất khả kháng, hoặc trường hợp miễn trừ trách nhiệm, thì trên nguyên tắc bên không
thực hiện hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Quyền đòi bồi thường thiệt hại
cũng phát sinh khi một bên không thực hiện bất kỳ một nghĩa vụ nào trong hợp đồng. Vì
vậy cũng không cần phải nhất thiết phải phân biệt đó là nghĩa vụ chính hay nghĩa vụ phụ.
Bên bị vi phạm có thể hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại, hoặc kết hợp với những
biện pháp xử lý khác. Do vậy, khi hợp đồng bị chấm dứt, các bên có thể yêu cầu đòi bồi
1 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khoa Luật Dân sự, Tập bài giảng Pháp luật về hợp đồng và bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tr. 294.
2


thường thiệt hại đối với những thiệt hại phát sinh do việc chấm dứt hợp đồng hoặc là khi
được tòa án ra quyết định buộc bên kia phải thực hiện một công việc nhất định, có thể đòi
bồi thường việc chậm trễ thực hiện nghĩa vụ và những chi phí phát sinh. Bồi thường thiệt
hại có thể đi kèm theo những biện pháp xử lý khác (ví dụ như xin lỗi, cải chính công khai
trên báo chí, hoặc công nhận sai lầm,…).
Quyền bồi thường thiệt hại có thể nảy sinh không chỉ trong việc không thực hiện hợp
đồng mà còn nảy sinh trong giai đoạn khác, tuy nhiên lúc đó sẽ xét thêm phương diện bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có các đặc điểm sau:

Giữa bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có quan hệ hợp đồng hợp pháp;
Nội dung của trách nhiệm phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên;
Trách nhiệm bồi thường trong hợp đồng chỉ giới hạn trong phạm vi những thiệt hại
thực tế và những thiệt hại có thể tiên liệu được vào thời điểm ký hợp đồng.
Lỗi là một trong những điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong
hợp đồng, nhưng không phân biệt hình thức lỗi là cố ý hay vô ý vì mức trách nhiệm bồi
thường không phân hóa theo hình thức lỗi như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng.
Thực hiện xong trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng không đương nhiên
làm chấm dứt hợp đồng giữa các bên.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
2.1. Khái niệm
Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài
sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Như vậy, một người gây thiệt hại cho người khác thì giữa người gây thiệt hại và
người bị thiệt hại phát sinh một quan hệ pháp luật; trong đó người bị thiệt hại có quyền
yêu cầu bên gây thiệt hại phải bồi thường, còn bên gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi
thường những thiệt hại đã gây ra. Quan hệ pháp luật đó gọi là nghĩa vụ phát sinh do gây
thiệt hại hay còn gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Từ đó có thể suy
ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh giữa
các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc tuy có quan hệ hợp đồng

3


nhưng hành vi của người gây thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ thi hành hợp đồng đã ký
kết1.
2.2. Phân biệt trách nhiệm ngoài hợp đồng với trách nhiệm trong hợp đồng và trách

nhiệm hình sự
Giữa trách nhiệm trong hợp đồng và trách nhiệm ngoài hợp đồng có mối quan hệ đan xen
với nhau, tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau nhất định.
Trách nhiệm trong hợp đồng là trách nhiệm về việc vi phạm một nghĩa vụ mà các
bên đã cam kết thực hiện. Còn trách nhiệm ngoài hợp đồng là trách nhiệm phát sinh dưới
tác động trực tiếp của các quy phạm pháp luật. Khi có hành vi vi phạm pháp luật gây ra
thiệt hại thì phát sinh nghĩa vụ bồi thường. Nói cách khác thì hai loại trách nhiệm phát
sinh từ hai nguồn gốc khác nhau: một từ hợp đồng và một thì từ hành vi vi phạm pháp
luật. Vậy chỉ có trách nhiệm hợp đồng nếu như có một hợp đồng hợp pháp. Mọi trách
nhiệm không xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp đều là trách nhiệm ngoài hợp đồng.
Ngoài ra nội dung của trách nhiệm trong hợp đồng bị chi phối một phần bởi hợp đồng tức
là sự thỏa thuận của các bên; còn nội dung của trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
thì hoàn toàn do luật định.
Trách nhiệm ngoài hợp đồng đưa đến một hệ quả là người gây thiệt hại phải bồi
thường toàn bộ thiệt hại (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) cho người bị thiệt hại, ngược lại thì
người gây ra thiệt hại trong hợp đồng chỉ phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp và
những thiệt hại có thể tiên liệu được khi ký kết hợp đồng.
Những người gây thiệt hại ngoài hợp đồng đương nhiên phải chịu trách nhiệm liên
đới. Nhưng trong hợp đồng thì chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có thỏa thuận trước.
Ngoài những sự khác biệt căn bản trên giữa hai loại trách nhiệm này còn khác biệt về
yếu tố lỗi, về căn cứ xử lý và thẩm quyền xử lý,…
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng khác với trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng với mọi pháp nhân, cá
nhân và các chủ thể khác nhưng trách hiệm hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân.
Chế tài trong hình sự được áp dụng nhằm tác động vào nhân thân người phạm tội.
Chế tài này có thể nặng hay nhẹ tùy thuộc vào mức độ phạm pháp của cá nhân. Hành vi
càng có lỗi bao nhiêu thì sự trừng phạt càng phải gia tăng. Tuy nhiên, Tòa án không thể
tuyên phạt một ai về một hành vi mà luật hình sự không cấm đoán. Ngược lại, trách
1 Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khoa Luật Dân sự, Tập bài giảng Pháp luật về hợp đồng và bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tr. 333.

4


nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng lại dựa trên cơ sở thiệt hại. Lỗi chỉ là cơ sở
của trách nhiệm chứ không phải là thước đo trách nhiệm. Việc xem xét đến mức độ lỗi
chỉ được đặt ra trong trường hợp thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế lâu dài
của người gây thiệt hại. Mặt khác lỗi cũng là yếu tố cấu thành trách nhiệm dân sự nhưng
ngoại trừ trường hợp cố ý còn tất cả các trường hợp khác chỉ cần người gây thiệt hại nhận
thức được hành vi của họ là trái với quy tắc xử sự chung, có thể bị mọi người lên án là
trái đạo đức thì bị coi là lỗi.
3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải dựa vào một cơ sở pháp lý
nhất định, đó là sự thống nhất của bốn điều kiện bao gồm: phải có thiệt hại xảy ra; hành
vi gây thiệt hại phải là hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi
trái pháp luật gây ra thiệt hại và thiệt hại xảy ra; phải có lỗi của người gây thiệt hại. Nếu
thiếu một trong bốn điều kiện kể trên thì thông thường chưa đủ cơ sở pháp lý để buộc
người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên bốn điều kiện đó mới chỉ là
những điều kiện nói chung của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức là những trường
hợp thông thường, còn có những trường hợp đặc biệt khác hoặc là không cần bốn điều
kiện đó (trách nhiệm về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không cần điều kiện
có lỗi).
3.1. Có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại xảy ra là điều kiện bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trong trách nhiệm dân sự dù thiệt hại không nghiêm trọng cũng phải bồi thường. Nếu
không có thiệt hại thì không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại. Thiệt hại là những tổn thất
thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Từ Điều 608 đến Điều 611 Bộ luật Dân sự
2005 quy định về các loại thiệt hại, trong đó:
Thiệt hại về tài sản, đó là việc tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng, những chi phí để
ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công

dụng của tài sản.
Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí
cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị
giảm sút do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm hại.
Thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 307
Bộ luật Dân sự 2005 nhưng thiệt hại về tinh thần vẫn chưa được quy định cụ thể. Khoản
5


3 Điều 307 quy định: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến
tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt
hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù
đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”. Ngoài ra, Nghị quyết 03/2006/NQHĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp
dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại
điểm 1.1 khoản 1 thì: “thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng
bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn
phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu
nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu” và
“thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp
nhân (gọi chung là tổ chức) là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút
hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một
khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu”. Mặc dù Bộ luật Dân sự đã ghi nhận
việc bồi thường thiệt hại về tinh thần nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại những quan
điểm khác nhau chưa thống nhất. Pháp luật dân sự của các nước cũng có những quy định
khác nhau về vấn đề này. Có những quan đểm chấp nhận bồi thường và những quan điểm
không chấp nhận. Những người theo quan điểm không chấp nhận cho rằng thiệt hại về
tinh thần chỉ là khái niệm xã hội, không thể dùng tiền để chuộc lại hay mua được.
3.2. Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Hành vi tráí pháp luật trong trách nhiệm dân sự là hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà

nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và do đó xâm phạm
đến những quy định của pháp luật bảo vệ lợi ích đó.
Vi phạm những quy định của pháp luật bao gồm việc không làm những điều pháp
luật bắt phải làm hoặc làm một việc mà pháp luật cấm không được làm và vi phạm pháp
luật trong trách nhiệm dân sự là vi phạm bất cứ luật nào chứ không riêng luật dân sự.
Theo Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
Nhân dân Tối cao thì: “hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được
thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với pháp luật”.
Hành vi trái pháp luật trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không những vi
phạm đến pháp luật nói chung mà còn phải xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân hay tổ chức được pháp luật bảo vệ. Thiếu điều kiện ấy thì hành vi trái pháp luật
6


trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chưa có mặc dù rất có thể sẽ là
một hành vi trái pháp luật hình sự hoặc hành chính.
Tuy nhiên một số hành vi gây ra thiệt hại không bị coi là trái pháp luật. Đó là hành vi
của người thừa hành nhiệm vụ công tác trong trường hợp cần thiết do pháp luật quy định
mà gây thiệt hại; những hành vi gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết hay phòng vệ
chính đáng cũng không bị coi là trái pháp luật. Nhưng nếu hành vi gây ra thiệt hại trong
trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hay vượt quá phạm vi của phòng vệ
chính đáng thì lại trở thành hành vi trái pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường.
3.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại và
thiệt hại đã xảy ra
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại và thiệt hại đã xảy
ra được hiểu là hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó
và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại
sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi với những điều kiện cụ thể
khi đã xảy ra đã chứa đựng một khả năng hiện thực khách quan làm phát sinh ra nó.
Tuy nhiên có trường hợp cá biệt hành vi trái pháp luật tuy không phải nguyên nhân

trực tiếp gây ra thiệt hại nhưng trong điều kiện hoàn cảnh nhất định lại là nguyên nhân có
ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại thì cũng được coi là có mối quan hệ nhân quả với
thiệt hại.
3.4. Người thiệt hại có lỗi
Người thiệt hại có lỗi tức là người đó thấy hoặc phải thấy trước được hành vi của
mình có thể gây thiệt hại, nhận thức được hoặc đáng lẽ phải nhận thức được hành vi của
mình tất nhiên phải dẫn đến việc gây thiệt hại cho người khác và hành vi đó trái pháp
luật.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì dù người gây thiệt hại có
lỗi vô ý hay cố ý cũng phải bồi thường vì người gây ra thiệt hại trước khi tiến hành một
công việc nào đấy phải thấy trước những tác hại có thể xảy ra và phải áp dụng những biện
pháp đề phòng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xây dựng trên cơ sở lỗi có nghĩa
là: không có lỗi, không phải bồi thường.

7


CHƯƠNG 2
LỖI TRONG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Khái niệm lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình
và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.
Lỗi là một yếu tố chủ quan nói lên thái độ tâm lý của con người đối với hành vi của mình
và hậu quả của hành vi đó. Lỗi được chia thành lỗi cố ý và lỗi vô ý. Cố ý gây thiệt hại là
trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà
vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả
năng gây thiệt hại mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại xảy ra hoặc có thể thấy
trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy
ra hoặc có thể ngăn chặn được. Hành vi có lỗi được quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự

2005 như sau: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì
phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi vô ý hoặc cố ý, trừ trường hợp có thỏa thuận
khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Xung quanh vấn đề lỗi thường có một câu hỏi được đặt ra là: Mọi trường hợp trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đều tiên niệm có sự thiệt hại, nhưng có phải
mọi sự thiệt hại đều phát sinh trách nhiệm không? Hay sự thiệt hại đó còn cần phải do
một lỗi gây ra? Về vấn đề này có hai quan điểm: một quan điểm cổ điển cho rằng phải có
lỗi mới có trách nhiệm, một quan điểm khác lại chủ trương trách nhiệm khách quan
không cần điều kiện lỗi.
Khuynh hướng cổ điển đặt căn bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng trên ý niệm lỗi của người gây ra thiệt hại cho người khác. Theo đó, lỗi là một trong
bốn điều kiện gây phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chỉ khi nào
một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp
của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là
họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại.
Đây cũng là quan điểm của Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005: “Người nào do lỗi cố ý
hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản,

8


quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp
nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Giá trị của khuynh hướng cổ điển khi đặt trách nhiệm trên nền tảng lỗi là đã xác định
phạm vi của tự do cá nhân: mọi người trong xã hội đều được tự do hoạt động, sự tự do ấy
chỉ bị giới hạn bởi quyền lợi của người khác; vậy chỉ khi nào một người do lỗi của mình
mà xâm phạm đến quyền, lợi ích của người khác thì mới phải bồi thường. Song trong tình
hình kinh tế - xã hội ngày nay, khuynh hướng cổ điển nhiều khi tỏ ra chật hẹp và không
che chở được một cách có hiệu quả quyền lợi cho nạn nhân trong khi việc bồi thường
thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng. Trong trường hợp

thiệt hại xảy ra mà không ai chứng kiến, hoặc xảy ra mà không do lỗi của ai cả, nếu buộc
nạn nhân phải dẫn chứng lỗi, tức là gián tiếp bác bỏ quyền đòi thường của người bị thiệt
hại. Ngoài ra, khuynh hướng cổ điển cũng không giải thích được trách nhiệm của người
chưa thành niên và người mất năng lực hành vi về các thiệt hại mà họ gây ra.
Khuyh hướng thứ hai là khuyh hướng trách nhiệm khách quan, không cần điều kiện
lỗi. Khuynh hướng này đặt ra trách nhiệm khách quan cho người gây ra thiệt hại, do đó,
trong mọi trường hợp, người này đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khuynh
hướng này cũng không thỏa đáng vì bảo đảm sự bồi thường cho người bị thiệt hại trong
mọi trường hợp không hẳn là một giải pháp lợi ích cho xã hội. Trên lập trường lợi ích
công cộng còn phải quan tâm đến quyền tự do hoạt động của cá nhân, nếu thừa nhận sự
bồi thường mà không đòi hỏi lỗi, mọi sự hoạt động của cá nhân sẽ bị tê liệt vì tâm lý e sợ
gây thiệt hại phải bồi thường dù không có lỗi.
Từ những lập luận trên, cùng với thực tế cho thấy các tai nạn mang tính khách quan
nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người ngày càng gia tăng cùng với
sự phát triển của công nghiệp hóa, cơ giới hóa, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức
khỏe, tài sản của con người, để đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ người bị thiệt hại, Bộ
luật Dân sự xây dựng trên cơ sở dung hòa hai khuynh hướng trên. Bên cạnh những điều
khoản quy định yếu tố lỗi là điều kiện bắt buộc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng, Bộ luật cũng áp dụng chế độ trách nhiệm khách quan đối với các thiệt
hại do tác động của các phương tiện cơ giới, súc vật,… Theo đó, trách nhiệm bồi thường
thiệt hại trong một số trường hợp có thể phát sinh mà không cần điều kiện lỗi. Ví dụ, tại
khoản 3 Điều 627 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu
giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi
không có lỗi”. Hoặc Điều 624 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Cá nhân, pháp nhân và
9


các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định
của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm không có lỗi”.
Khi xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần phải phân biệt với

những hành vi gây thiệt hại khác không thuộc hành vi do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý gây ra. Đó
là hành vi gây thiệt hại được xác định là sự kiện bất khả kháng. Sự kiện bất khả kháng
được hiểu là một thuật ngữ pháp lý được quy định trong pháp luật dân sự nói chung, để
chỉ những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng khắc phục của con người. Khi sự
kiện bất khả kháng xảy ra thì bên có dấu hiệu có lỗi được hưởng quyền miễn trừ trách
nhiệm dân sự.
Ngoài ra, vì lỗi liên quan đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình,
nên Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
của cá nhân tại Điều 611 trên cơ sở năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Theo đó, đối với
người tâm thần, người chưa thành niên dưới 15 tuổi hoặc bị người khác cố ý dùng chất
kích thích làm cho mất khả năng nhận thức, không điều khiển được hành vi của mình, khi
họ có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại thì không bị coi là có lỗi, từ đó họ không
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, lỗi được xem xét là lỗi
của người quản lý người gây thiệt hại hoặc là lỗi của người đã có ý dùng chất kích thích
làm cho người khác mất năng lực hành vi dẫn tới thiệt hại.
2. Hình thức lỗi
Lỗi được chia làm hai hình thức là lỗi cố ý và lỗi vô ý được quy định tại khoản 2
Điều 308 Bộ luật Dân sự 2005 như sau:
“Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây
thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho
thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có
khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc
thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ
không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”.
2.1. Lỗi cố ý
Về mặt khách quan, quy định tại khoản 2 Điều 308 đã dự liệu trường hợp người gây
thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện,
cho dù người đó mong muốn hoặc không mong muốn nhưng đã có thái độ để mặc cho
thiệt hại xảy ra thì người đó phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi có lỗi cố ý của mình.

10


Về mặt chủ quan, người gây thiệt hại khi thực hiện hành vi gây thiệt hại luôn nhằm
mục đích có xảy ra thiệt hại cho người khác và được thể hiện dưới hai mức độ: mong
muốn có thiệt hại xảy ra hoặc không mong muốn có thiệt hại nhưng để mặc cho thiệt hại
xảy ra.
Mức độ thể hiện ý chí – hành vi của người cố ý gây thiệt hại trong trường hợp người
đó nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện, thì
phải chịu trách nhiệm dân sự do lỗi cố ý là nguyên nhân của thiệt hại.
2.2. Lỗi vô ý
Lỗi vô ý thể hiện ở việc người gây thiệt hại không thấy trước hành vi của mình có
khả năng gây thiệt hại mặc dù phải thấy trước mà vẫn thực hiện hành vi ấy vì cho rằng
hậu quả đó không thể xảy ra.
Đối với lỗi vô ý, tùy theo mức độ trầm trọng của nó, cũng có thể phân chia thành lỗi
nặng, lỗi nhẹ, lỗi rất nhẹ như trong trường hợp trách nhiệm hợp đồng, nhưng đối với
trách nhiệm ngoài hợp đồng, sự phân biệt này không có lợi ích gì trên thực tế, vì trên
nguyên tắc một lỗi rất nhẹ cũng đủ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng.
Lỗi cố ý hay lỗi vô ý cần được xem xét trên các căn cứ như thời gian, địa điểm, điều
kiện, diễn biến của sự việc, căn cứ vào sự hiểu biết xã hội, nghiệp vụ chuyên môn của
người có hành vi gây thiệt hại, từ đó kết luận người gây thiệt hại có nhận thức được hành
vi của mình hay không. Khác với cách giải quyết trong trách nhiệm hình sự dù đối với lỗi
cố ý hay lỗi vô ý thì người gây thiệt hại vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự. Trong trách
nhiệm hình sự lỗi vô ý gây thiệt hại nhỏ thì không phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn
trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì không vì sự cố ý hay vô ý của
người gây thiệt hại mà xét họ có phải bồi thường hay không hoặc là xét ở mức độ tăng
hay giảm mà ở đây chỉ xem xét mức độ giảm bồi thường được quy định ở khoản 2 Điều
605 Bộ luật Dân sự 2005.
Về ý nghĩa của việc phân biệt hai hình thức lỗi ta nhận thấy rằng, mặc dù Điều 308

chia lỗi thành hai hình thức – lỗi vô ý và lỗi cố ý nhưng ý nghĩa về sự phân chia này
không được thể hiện trong các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ Điều
615 có nhắc đến lỗi cố ý của người dùng rượu hoặc các chất kích thích khác làm cho
người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình
mà gây thiệt hại là căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Tuy nhiên đối với mọi trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ
11


thể tại Bộ luật Dân sự, việc phân định cụ thể lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý ảnh hưởng đến mức độ
bồi thường được quy định tại khoản 2 Điều 605, trong đó coi yếu tố lỗi vô ý là căn cứ
giảm mức bồi thường khi người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại quá lớn so với khả
năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. Như vậy, trừ trường hợp quy định tại Điều
615, việc phân biệt lỗi cố ý và lỗi vô ý không có y nghĩa trong việc xác định hoặc loại trừ
trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại.
3. Lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Khi xác định và phân tích yếu tố lỗi trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cần
thiết phải đặt yếu tố đó trong mối liên hệ với những sự kiện pháp lý khác, mà rõ nét hơn
cả là sự biến pháp lý tuyệt đối và sự biến pháp lý tương đối là những căn cứ làm phát
sinh, thay đổi và chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự. Sự biến pháp tương đối là một sự
kiện pháp lý mà sự khởi phát của nó do hành vi của con người tác động dưới hình thức
lỗi vô ý, do vậy người có hành vi tạo ra sự kiện đó phải bồi thường thiệt hại theo nguyên
tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong khoa học pháp lý các nhà luật học đều thừa nhận
sự biến pháp lý tương đối là sự biến do con người tác động, còn sự thay đổi và chấm dứt
của nó con người không kiểm soát được. Như vậy, hành vi tạo ra sự biến pháp lý tương
đối là hành vi có lỗi và là hành vi trái pháp luật. Theo khoản 2 Điều 309 Bộ luật Dân sự
2005, lỗi vô ý được xác định là: “trường hợp một người không thấy trước hành vi của
mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy
ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại
sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”. Người gây thiệt hại đã không mong muốn,

không để mặc cho thiệt hại xảy ra mà là do không kiểm soát được diễn biến của sự kiện
do hành vi vô ý của mình tạo ra thì người có hành vi đó phải bồi thường.
Khi xác định, phân tích sự biến pháp lý cần làm rõ sự biến pháp lý tuyệt đối không chứa
đựng yếu tố lỗi dưới bất kỳ hình thức nào. Bởi vì theo nhận thức của các nhà nghiên cứu
luật học về mặt lý luận, thì sự biến pháp lý tuyệt đối là sự biến của một sự kiện phát sinh,
thay đổi, chấm dứt không phụ thuộc vào ý thức của con người – ý thức của con người
không kiểm soát được sự kiện đó. Sự biến pháp lý tuyệt đối có ý nghĩa pháp lý đặc thù,
bởi vì sự biến đó được đặt trong mối liên hệ về không gia và thời gian cụ thể, theo đó
trách nhiệm dân sự không phát sinh đối với một hoặc hai bên chủ thể của quan hệ đó.

CHƯƠNG 3
12


THỰC TIỄN VIỆC ÁP DỤNG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ
LỖI TRONG BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

1. Một số vụ việc thực tế áp dụng quy định của pháp luật về việc xác định lỗi trong
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1.1 Vụ việc thứ nhất
A, N, P và T là công nhân của công ty X có mâu thuẫn sâu sắc với B. Một buổi tối,
A, N, P và T đến nhà riêng của B để đánh. Khi gặp B và H (bạn Bình) đi chơi về, bọn A,
N, P và T chặn đường gây sự. H can ngăn nhưng bọn chúng không nghe, T rút dao đâm
H một nhát, sau đó cả bốn tên xông vào đấm đá B. B bị đánh bất ngờ, ngã xuống đất và
kêu la, sau đó B cố gượng dậy, tay trái xách dép vừa chạy vừa kêu cứu. A và đồng bọn
tiếp tục đuổi theo. B chạy được khoảng 50 mét nữa thì bị vấp ngã. A, N, và P xông vào
đấm đá B. T dùng dao mang theo chém nhiều nhát vào đầu và người B không chống đỡ
nổi bị ngất xỉu tại chỗ. Bà con xung quanh chạy vào can và giải tán đám ẩu đả và đưa B
đến bệnh viện cấp cứu.
Hậu quả của vụ án được xác định như sau: Biên bản giám định pháp y số 80/GĐPYTT ngày 03/10/1997 kết luận B bị thương với tỷ lệ thương tật là 9,86%. T đánh H bị

thương, theo biên bảo giảm định pháp y thương tật số 95/GĐPY-TT kết luận H tỉ lệ
thương tích là 6%.
Căn cứ vào Điều 604 và Điều 609 Bộ luật Dân sự 2005:
Tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi
thường: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự,
nhận phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự,
uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Theo đó, tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định bồi thường thiệt hại trong
trường hợp sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị
mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
13


Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại,nếu thu nhập thực tế
của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu
nhập trung bình của lao động cùng loại;
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt
hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có
người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc
người bị thiệt hại;
2.Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định
tại khoản 1 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh
chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thoả thuận, nếu không
thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do nhà nước
quy định.”
Tòa án đã quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: buộc
các bị cáo A, N, P và T phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về sức khỏe
cho B. Trong đó, căn cứ vào mức độ lỗi của từng người mà tòa án quy định quy định cụ

thể: A phải bồi thường số tiền là 710.000đ; N phải bồi thường 880.000đ; P phải bồi
thường 790.000đ; T phải bồi thường 960.000đ. Ngoài ra, Tòa án cũng yêu cầu T phải bồi
thường cho H số tiền là 780.000đ.
Từ những tình tiết của vụ án, có thể nhận thấy hành vi đánh B của A, N, P và T là
những hành vi gây thiệt hại hoàn toàn với lỗi cố ý của những người này. Tức là những
người này nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác
nhưng do thù hận cá nhân mà vẫn thực hiện thực hiện hành vi và mong muốn cho hậu
quả xảy ra. Vì vậy xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của A, N, P và T là
hoàn toàn hợp lý; việc tòa án phân chia từng phần nghĩa vụ mà mỗi người này phải thực
hiện không làm mất đi bản chất liên đới giữa những người này.
Tuy nhiên, qua vụ án trên ta cũng nhận thấy việc xác định lỗi để xác định mức bồi
thường cho từng bị cáo là rất phức tạp. Việc xác định mức bồi thường về dân sự như bản
án đã tuyên chỉ là suy đoán về lỗi để xác định mức bồi thường mà chưa có những căn cứ
và cơ sở pháp lý chặt chẽ để xác định mức bồi thường. Ta thấy tại sao A, N, P và T đều
dùng tay, chân để đánh B, cùng tham gia từ đầu đến cuối, cùng gây ra thương tích cho B
nhưng mức bồi thường xác định cho mỗi bị cáo lại khác nhau? Đây là một câu hỏi cần
14


được giải đáp và cần những văn bản dưới luật hướng dẫn đường lỗi xét xử một cách chặt
chẽ hơn.
1.2 Vụ việc thứ hai
N là lái xe làm hợp đồng cho công ty du lich X. N là lái xe du lịch và đã lái xe 20
năm. Một lần khi đang xuống đèo, thấy một ô tô xuất hiện ở chiều ngược lại, theo quán
tính, N giảm ga, “rà phanh” để giảm tốc độ, nhưng không ngờ xe bị mất phanh. N giật
phanh tay, khoá máy, cuối cùng là về số để giảm tốc độ nhưng mới về đến số 3 thì xe đã
rời khỏi mép đường và lao xuống vực. N cho biết, chiếc xe bị tai nạn hiệu Isuzu còn mới,
trước khi khởi hành N đã kiểm tra kỹ chiếc xe và trong hành trình trước khi bị tai nạn xe
không có trục trặc kỹ thuật. Tai nạn làm chết 10 người, nhiều người bị thương, xe ô tô
hỏng toàn bộ.

Trong tình huống này, thiệt hại do tự bản thân hoạt động của chiếc xe gây ra. N
không có lỗi trong việc điều khiển vì tình huống quá bất ngờ, nằm ngoài sự kiểm soát của
N. Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 xe ô tô là phương tiện giao thông vận tải cơ giới –
là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong trường hợp này, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra.
Theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết Hội đồng thẩm phán tòa án nhân
dân tối cao số 03/2006/ NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 Hướng dẫn áp dụng một số quy định
của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chủ sở hữu nguồn nguy
hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu
đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường
hợp có thoả thuận khác. Trong trường hợp trên, N là người đang trực tiếp chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ do Công ty X giao cho. Công ty X vẫn đang
nắm giữ, quản lý, khai thác, hưởng công dụng, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ, vì vậy,
không phải N là người được chuyển giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để
khai thác, hưởng lợi. Vì vậy, Công ty X là chủ sở hữu chiếc xe phải chịu trách nhiệm bồi
thường thiệt hại.
Những trường hợp nào chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra?

15


Trường hợp chủ sở hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu,
sử dụng, khai thác, như cho thuê, cho mượn, bán trả góp nhưng trong thời gian người
mua chưa trả hết tiền…;
Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại như người bị thiệt hại cố
ý lao vào xe để tự tử…
Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết;
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp
luật mà chủ sở hữu không có lỗi khi nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái

pháp luật.
Như vậy, trong tình huống này, N không phải bồi thường thiệt hại, N là người đang
trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ do Công ty X giao
cho. Công ty X vẫn đang nắm giữ, quản lý, khai thác, hưởng công dụng, lợi tức từ nguồn
nguy hiểm cao độ, vì vậy, không phải N là người được chuyển giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ để khai thác, hưởng lợi. Vì vậy, Công ty X là chủ sở hữu chiếc
xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
1.3 Vụ việc thứ ba
Chiều 1 – 4 - 2009, ông Trần văn Toàn, 48 tuổi (trú tại Láng Thượng, Đống Đa, Hà
Nội), đến Siêu thị điện máy Trần Anh để bảo hành máy tính. Sau đó, từ tầng bốn ông
Toàn đi thang máy xuống tầng một của siêu thị ra về. Khi cửa thang máy ở tầng bốn vừa
mở, ông Toàn bước vào và… rơi thẳng xuống nóc ca-bin thang máy đang nằm ở tầng trệt!
Lập tức, ông được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng vỡ xương chậu,
gãy hai ngón tay ở bàn tay phải. Sau đó, ông Toàn phải lần lượt điều trị bệnh ở bệnh viện
Trung ương quân đội 108 Viện Chấn thương chỉnh hình quân đội.
Sau sự cố này, ông Toàn đã gửi đơn yêu cầu Siêu thị điện máy Trần Anh phải bồi
thường các thiệt hại phát sinh liên quan đến sức khỏe của mình. Theo ông Toàn, thang
máy trên thuộc loại bán tự động, dễ gây tai nạn cho người sử dụng nhưng Siêu thị điện
máy Trần Anh đã không có sự cảnh báo cần thiết (như dán bảng nội quy ngay tại cửa
thang máy…). Ngoài tầng trệt có người ngồi trực, các tầng còn lại trống trơn, ai muốn đi
sao cũng được.
16


Ngày 12-8, trong cuộc họp hòa giải tại Công an phường Láng thượng, quận Đống
Đa, Hà Nội. Phía ông Toàn đòi công Ty Trần Anh bồi thường 70 triệu đồng. Thế nhưng
phía công ty Trần Anh chỉ đồng ý hỗ trợ và thanh toán cho ông Toàn những chi phí điều
trị ngoài chế độ bảo hiểm y tế.
Ngày 17-10, tại buổi hòa giải lần hai ở Công an quận Đống Đa, phía ông Toàn đã
nâng mức bồi thường lên hơn 100 triệu đồng, bao gồm các khoản mất thu nhập, thuê

người chăm sóc, tinh thần giảm sút… Lần này, phía Công Ty Trần Anh tiếp tục giữ
nguyên cách hỗ trợ đã nêu ở trên. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó giám đốc Công Ty Trần
Anh đưa ra lý do đó là: “Công Ty Trần Anh không thể đáp ứng những yêu cầu trên của
gia đình ông Toàn vì tai nạn xảy ra ngoài mong muốn của đôi bên”. Do không thương
lượng được nên phía ông Toàn đang chuẩn bị nộp đơn khởi kiện công ty Trần Anh.
Trong trường hợp trên, lý do mà công ty Trần Anh đưa ra đó là “tai nạn nằm ngoài
mong muốn của đôi bên” để từ đó không chấp nhận bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức
khỏe cho ông Toàn là không hợp lý. Bởi lẽ, căn cứ vào Điều 627 BLDS: “Chủ sở hữu,
người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi
thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây
thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị
thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng” .
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ được loại trừ trong
trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả
kháng. Trong trường hợp này, phía công ty Trần Anh hoàn toàn có lỗi trong việc gây ra
thiệt hại đến sức khỏe cho ông Toàn. Lỗi ở đây được suy đoán là lỗi vô ý do công ty Trần
Anh trong quá trình chiếm hữu, sử dụng quản lý thang máy dù biết thang máy có thể gây
ra nguy hiểm cho người sử dụng nhưng đã không có những biện pháp đảm bảo an toàn
cần thiết như dán bảng nội quy ngay tại cửa thang máy, cử nhân viên trực ở các cửa thang
máy…vì cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra.
Thiệt hại về sức khỏe đối với ông Toàn là hậu quả tất yếu do hành vi không áp dụng
các biện pháp an toàn cần thiết trong việc quản lý thang máy. Do vậy, đã có đẩy đủ điều
kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Căn cứ vào Điều 604,
Điều 609 và Điều 627 BLDS thì công ty Trần Anh phải bồi thường cho ông Toàn toàn bộ
thiệt hại.

17


2. Nhận xét về những quy định hiện hành của pháp luật về lỗi trong trách nhiệm bồi

thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Thứ nhất, theo nguyên tắc chung thì lỗi là điều kiện cần thiết để áp dụng trách nhiệm
do vi phạm nghĩa vụ dân sự. Chính vì vậy mà quy phạm về trách nhiệm do có lỗi được
đưa vào Bộ Luật dân sự. Khoản 1 Điều 308 Bộ Luật Dân sự quy định rằng, người không
thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự
khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy
định khác. Mặc dù pháp luật dân sự coi lỗi là điều kiện tiên quyết để áp dụng trách nhiệm
dân sự nhưng lại không đưa ra định nghĩa rõ ràng về lỗi. Điều này đã gây ra một số bất
cập trong việc xác định trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng nói riêng. Ngoài ra, trong khoa học pháp luật Dân sự hiện nay, còn tồn tại
những quan điểm trái chiều nhất định trong việc định nghĩa lỗi. Vì vậy, có thể thấy rằng
cần thiết phải có một định nghĩa chung, thống nhất và đúng đắn về lỗi trong các quy định
của pháp luật Dân sự.
Thứ hai, đoạn cuối Điều 617 Bộ luật Dân sự qui định trách nhiệm hỗn hợp nhưng
trách nhiệm hỗn hợp được loại trừ "nếu thiệt hại xảy ra hoàn tòan do lỗi của người bị
thiệt hại, thì người gây thiệt hại không phải bồi thường". Theo qui định trên, hình thức lỗi
của người bị thiệt hại không cần phải xác định, mà lỗi hiểu theo nghĩa "hoàn toàn" thuộc
về người bị thiệt hại. Áp dụng qui định này trong việc giải quyết việc bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh luật định.
Thứ ba, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, thì người gây thiệt hại
không phải bồi thường. Lỗi của người bị thiệt hại có thể do vố ý hoặc cố ý nhưng phải
xác định được lỗi đó hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại, theo đó người gây thiệt hại
phải là người hoàn toàn không có lỗi thuộc hình thức này hay hình thức khác, ở mức độ
này hay ở mức độ khác thì người đó không phải bồi thường. Người gây thiệt phải chứng
minh được là mình hoàn toàn không có lỗi, mà lỗi hoàn toàn thuộc về phía người bị gây
thiệt hại. Mối quan hệ nhân qủa giữa hành vi gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra luôn luôn
xác định được trong một thiệt hại cụ thể. Nhưng trách nhiệm pháp lý có phát sinh ở người
có hành vi gây thiệt hại hay không còn tùy thuộc vào sự kiện xảy ra hoàn tòan hay không
hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại để có cơ sở quy trách nhiệm dân sự cho người có
hành vi gây thiệt hại. Nếu người gây thiệt hại, thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm dân sự

tương ứng với mức độ lỗi của mình.

18


Thứ tư, trong Bộ luật Dân sự năm 2005 không có điều luật nào qui định về mức độ
lỗi, mà chỉ qui định tại Điều 308 về hai hình thức lỗi cố ý và lỗi vô ý. Việc áp dụng Điều
617 Bộ luật Dân sự trong việc giải quyết trách nhiệm dân sự hỗn hợp được dựa trên mức
độ lỗi như thế nào? Lỗi không tự nó có vị trí độc lập với các yếu tố khác trong việc xác
định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Hình thức lỗi cũng không phải là không thể xác
định.
Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, thì hình thức lỗi nếu
xét về người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại không ảnh hưởng tới mức độ và trách
nhiệm bồi thường của người đó. Người gây thiệt hại dù có lỗi cố ý hay có lỗi vô ý khi gây
thiệt hại cho người khác thì người đó cũng phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi
có lỗi của mình gây ra. Không vì người gây thiệt hại có lỗi vô ý hoặc cố ý trong khi gây
thiệt hại mà mức bồi thường tăng hay giảm tương ứng. Tuy nhiên, trong những trường
hợp cá biệt có điều kiện luật định, thì người gây thiệt hại ngoài hợp đồng có thể được
miễn giảm mức bồi thường.
Thứ năm, ở Điều 630 Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi
của người tiêu dùng quy định như sau: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh
doanh không bảo đảm chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải
bồi thường”. Tức là điều khoản này không quy định lỗi của người tiêu dùng là căn cứ để
miễn trừ trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, điều này là hợp lý. Tuy nhiên, để
phù hợp với xu hướng điều chỉnh các quy định pháp luật dân sự nước ta là tăng cường
bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong điều kiện phát triển mạnh mẽ về kinh tế hàng
hóa, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh bằng cách coi việc đưa ra thị
trường tiêu dùng các hàng hóa kém phẩm chất, gây thiệt hại cho người tiêu dùng là hành
vi vi phạm pháp luật, là căn cứ để ràng buộc trách nhiệm bồi thương thiệt hại đối với họ.
Do vậy, nên chăng Điều 630 Bộ luật Dân sự cũng cần được xây dựng tương tự Điều 624

ở việc xác định: khi có thiệt hại xảy ra do hàng hóa không đảm bảo chất lượng, người sản
xuất kinh doanh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong mọi trường hợp, kể cả
trường hợp người này không có lỗi.
Khi nhận thức về lỗi, có nhiều quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng lỗi trong
trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng phải do pháp luât qui định về hình thức và mức độ.
Nhưng cũng có quan điểm lại cho rằng; lỗi trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng còn
do suy đoán. Tuy nhiên, hai quan điểm khác nhau trong việc nhận thức về lỗi vẫn tồn tại,

19


vì vậy cần thiết phải làm rõ vấn đề này để có sự thống nhất trong việc nhận thức về lỗi và
do pháp luật qui định trước hay do suy đoán mà có?
Điều 308 Bộ luật Dân sự xác định rất rõ về lỗi và hình thức lỗi trong trách nhiệm dân
sự. Khoản 1 Điều 308 qui định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng
nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qui định khác”.
Như vậy, trong trách nhiệm dân sự nói chung, điều kiện lỗi không thể thiếu được
trong việc xác định trách nhiệm dân sự. Hơn nữa, tại khoản 2 điều 308 Bộ luật Dân sự đã
qui định rất rõ về hình thức lỗi, nó vừa có ý nghĩa làm rõ khoản 1, đồng thời nội dung của
nó cũng giải thích làm rõ lỗi là gì, cơ sở để xác định lỗi, hình thức lỗi, đều do pháp luật
qui định trước, mà không thể do suy đoán. Bởi vì, lỗi “cố ý gây thiệt hại là trường hợp
một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vấn thực
hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra”. Và lỗi
“vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả
năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể trước hành vi của mình có khả năng gây
thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”.
Như vậy, đã quá rõ ràng rằng lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài
hợp đồng do pháp luật qui định cả về cơ sở xác định lỗi, cả về hình thức lỗi. Từ những cơ
sở pháp lý trên, có thể nhận định lỗi trong trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài

hợp đồng không phải là do suy đoán, mà do pháp luật qui định trước. Khi xác định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần phải xác định yếu tố lỗi để có căn cứ qui
trách nhiệm cho người có hành vi trái pháp luật - người có hành vi có lỗi phải bồi thường
thiệt hại. Bên cạnh đó, cũng cần phải phân biệt những trách nhiệm dân sự liên quan đến
những quan hệ dân sự và những chủ thể nhất định của quan hệ dân sự đó và trách nhiệm
dân sự của chủ thể, Như vậy, không cần thiết phải đưa ra quan điểm trong việc nhận thức
về lỗi trong trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng là do suy đoán. Nhận thức như trên
không chuẩn xác về mặt khoa học, bởi vì lỗi, hình thức lỗi đã được qui định rất rõ và đầy
đủ tại Điều 308 Bộ luật Dân sự. Những suy diễn ngoài nội dung Điều 308 Bộ luật Dân
sự, do vậy không cần thiết và cũng không đúng.
KẾT LUẬN

20


Như vậy yếu tố lỗi - là một điều kiện xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng
là cần thiết. Vì đối với ngành Toà án khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến trách
nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, cần thiết phải hiểu rõ cơ sở lý luận về lỗi để áp dụng chuẩn
xác các qui phạm pháp luật về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, qua đó đưa ra những
nhận định và quyết định chuẩn xác, đúng pháp luật.
Thông qua việc nhận thức về lỗi, nhằm giúp các luật sư hiểu một cách chính xác,
đúng và toàn diện về bản chất của yếu tố lỗi trong việc xác định trách nhiệm dân sự ngoài
hợp đồng, để bảo vệ tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Văn bản quy phạm pháp luật
1. Bộ luật Dân sự 2005.
2. Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân
dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng.

Sách, báo, tạp chí
1. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khoa Luật Dân sự, Tập bài giảng Pháp luật về
hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
2. TS. Phùng Trung Tập, “Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Tạp
chí tòa án, số 10/2004.
3. TS. Phùng Trung Tập, “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và
tính mạng”, Nxb Hà Nội, 2009.

21


22



×