Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

VAI TRÒ của đại học NGHIÊN cứu TRONG đào tạo GIẢNG VIÊN đại học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (435.6 KB, 9 trang )

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

VAI TRÒ CỦA ĐẠI HỌC NGHIÊN CỨU
TRONG ĐÀO TẠO GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC
GS.TSKH. Dương Ngọc Hải
Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam
Tóm tắt: Trong các cuộc trao đổi về giáo dục đại học thời gian gần đây, cùng
với các mô hình giáo dục đại học, một thuật ngữ cũng hay được nhắc đến đó là "đại
học nghiên cứu". Trong báo cáo sẽ đề cập đến vấn đề đại học nghiên cứu là gì, vai trò
của nó như thế nào và quan trọng hơn, để trở thành đại học nghiên cứu cần những điều
kiện gì, vai trò của những đại học như vậy trong đào tạo nói chung và trong đào tạo
giảng viên đại học. Chắc chắn sẽ có nhiều cách nhìn và quan điểm khác nhau. Báo cáo
cũng chỉ mong muốn nêu lên và trao đổi một số khía cạnh của vấn đề với các đồng
nghiệp, các nhà nghiên cứu để cùng thảo luận.
Từ khóa: Đại học nghiên cứu, đào tạo, giảng viên.
1. Đại học nghiên cứu là gì?
Những trường đại học cổ xưa nhất của thế giới đã có cách đây cả gần thiên niên
kỷ, nhưng chức năng nghiên cứu chỉ mới được những người Đức gắn cho các tổ chức
này cách đây hơn hai thế kỷ. Kể từ đó đến nay, ý tưởng gắn nhiệm vụ nghiên cứu vào
các trường đại học đã “xuất khẩu” ra khắp các châu lục trên thế giới. Ngày nay, ở mọi
nước phát triển đều có ít nhất một số trường đại học nghiên cứu. Rất nhiều nước đang
phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đều có tham vọng xây dựng những đại học
nghiên cứu tầm cỡ quốc tế. Vậy, đâu là lý do dẫn tới sự phát triển và tạo nên tính hấp
dẫn của các đại học nghiên cứu?
Câu trả lời cho câu hỏi này phần nào nằm ở vai trò ngày càng to lớn của tri thức
và sáng tạo trong việc đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế. Với đặc thù kết
nối giảng dạy với nghiên cứu, các trường đại học nghiên cứu có nhiều ưu thế hơn so
với những mô hình khác cũng tạo ra tri thức mới như các viện nghiên cứu hay phòng
thí nghiệm của các công ty, tập đoàn.
Lịch sử đã chứng minh mối liên hệ giữa đại học nghiên cứu và sự phát triển của
nền kinh tế trong trường hợp của nước Đức nửa cuối thế kỷ 19. Đại học nghiên cứu


đầu tiên của nước này được thành lập năm 1810, và cho đến cuối thế kỷ 19, những
thành quả nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học của các trường đại học nghiên cứu ở Đức
đã khiến cho nước Đức dẫn đầu toàn thế giới về các công nghiệp có liên quan đến hóa

135


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

học. Đây cũng là tiền đề để nước Đức vươn lên chiếm vị thế số 1 trong các nền kinh tế
Châu Âu trong suốt những năm cuối thế kỷ 19. Công ty chuyên về dược phẩm và hóa
chất Bayer nổi tiếng của Đức đã được thành lập trong giai đoạn này và không ngừng
lớn mạnh cho tới ngày nay chính là nhờ những thành quả nghiên cứu về hóa học từ các
trường đại học nghiên cứu này.
Ở Hoa Kỳ hiện nay, những công ty công nghệ cao về Công nghệ Sinh học hay
Khoa học Máy tính ở những thành phố như Boston hay vùng thung lũng Silicon cũng
đang được hưởng lợi từ những đại học nghiên cứu hàng đầu như Harvard, MIT, Đại
học California hay Stanford.
Quyết tâm của các nước đang phát triển
Do nhận thấy tầm quan trọng của đại học nghiên cứu đối phát triển và tăng
trưởng kinh tế trong thời đại kinh tế tri thức; rất nhiều quốc gia trong đó điển hình phải
kể đến là Trung Quốc và Ấn Độ đã đầu tư nguồn lực cũng như đưa ra các chính sách
để thu hút nhân tài nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu cũng như các đại học
nghiên cứu tầm cỡ thế giới.
Một bài báo gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Giao thông Thượng
Hải cho biết, chiến lược đầu tư vào các đại học nghiên cứu ở Trung Quốc đã được bắt
đầu từ những năm 1995 của thế kỷ trước. Chính quyền các cấp của nước này đã rót
tổng cộng khoảng 5,44 tỉ USD nhằm vực dậy hệ thống giáo dục đại học. Các dự án

được chia ra làm nhiều giai đoạn nhằm xây dựng hàng trăm đại học hoa tiêu góp phần
đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế, xã hội cũng như đảm bảo khả năng cạnh
tranh của nền kinh tế Trung Quốc trên phạm vi quốc tế. Trong các dự án, dự án 985
với tổng nguồn đầu tư lên tới hơn 4,86 tỉ USD nhắm tới giúp đỡ 39 trường đại học của
Trung Quốc trở thành các đại học nghiên cứu hàng đầu và 9 trong số đó được kỳ vọng
trở thành những đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.
Theo cuốn sách “Thách thức của việc thành lập các đại học đẳng cấp thế giới”
của giáo sư Salmi từ Ngân hàng thế giới, chi phí để xây dựng được một đại học đẳng
cấp quốc tế vào khoảng từ 400 đến 500 triệu USD. Với nguồn đầu tư như trên, Trung
Quốc rất có thể sẽ thành công trong việc tạo ra một số lượng đáng kể các đại học
nghiên cứu tầm cỡ thế giới trong tương lai không xa.
2. Điều kiện để trở thành một ĐH nghiên cứu
Như Salmi đã nêu rõ, ba nhân tố chủ yếu có vai trò quyết định thành công trong
việc xây dựng trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế là tập trung tài năng

136


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

(concentration of talent), tài chính dồi dào (abundant resources), và cơ chế quản trị
thuận lợi (favorable governance). Nói rộng hơn, ba nhân tố nguồn lực con người,
nguồn lực tài chính, cơ chế hoạt động này có tương tác lẫn nhau, bù đắp hoặc triệt tiêu
lẫn nhau, và là không thể thiếu trong việc quyết định thành công của bất cứ trường đại
học nào. Hợp tác quốc tế có thể đóng vai trò như thế nào đối với mỗi nhân tố ấy?
Về nguồn lực tài chính
Việc xây dựng những trường đại học đỉnh cao ở các nước đang phát triển trong
mấy thập niên qua chủ yếu dựa vào nguồn lực tài chính của bản thân các nước, hoặc dựa
vào vốn vay. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. 400 triệu USD xây dựng 4 trường đại
học được kỳ vọng đạt chuẩn quốc tế là khoản vay của Ngân hàng Phát triển Á Châu

ADB. Tuy hợp tác giữa các quốc gia về trao đổi văn hóa giáo dục có ý nghĩa rất quan
trọng, song có lẽ không nên mong đợi sự “cho không” nào cả nếu muốn bảo vệ tính
chính trực của nền học thuật quốc gia nhằm phục vụ lợi ích lâu dài của đất nước.
Tuy nhiên, cần có một cái nhìn “động” về vấn đề nguồn lực tài chính. Tuy nguồn
vốn ban đầu nhằm xây dựng cơ sở vật chất và tạo lập bộ máy nhân sự là rất quan
trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là khả năng tạo ra nguồn lực tài chính bảo đảm cho
các hoạt động của nhà trường trong trung hạn và dài hạn. Đại học nghiên cứu là thứ rất
đắt đỏ và cần được sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước nhưng nó cũng được mong đợi là
sẽ kiến tạo ra những tri thức khoa học và công nghệ mang lại nguồn tài chính cho nhà
trường và cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đây là nơi hợp tác quốc tế bắt
đầu có vai trò quan trọng. Chính hợp tác quốc tế sẽ nâng cao năng lực đào tạo và
nghiên cứu của nhà trường, và năng lực ấy sẽ mang lại một nguồn tài chính to lớn
thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Thêm nữa, trong công thức thành công của một trường đại học, gồm ba nhân tố:
Nguồn lực con người, Nguồn lực tài chính, Cơ chế quản trị thì các tham tố này không
độc lập mà có tương tác lẫn nhau, tức có thể bù đắp hoặc triệt tiêu lẫn nhau. Con số
tuyệt đối về nguồn lực tài chính có thể không đổi nhưng hiệu quả của việc sử dụng
nguồn lực tài chính này thì phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất của con người và tính
chính đáng (legitimacy) của cơ chế quản trị. Theo nghĩa ấy, thì các quan hệ hợp tác
quốc tế nếu tác động tích cực lên nguồn lực con người và cơ chế quản trị thì cũng sẽ
tạo ra hiệu quả tích cực của việc sử dụng nguồn lực tài chính.
Về nguồn lực con người
Hiển nhiên là hợp tác quốc tế có một vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng
nguồn lực con người cho các trường đại học đỉnh cao này trong bước đầu thành lập. Ở

137


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

đây bài học Trung Quốc (TQ) có một ý nghĩa rất thú vị. Để nhanh chóng rút ngắn
khoảng cách với những trường đại học hàng đầu thế giới, TQ biết rằng con người có
một vai trò to lớn và họ đã đầu tư những khoản tiền rất lớn để mua chất xám. Chính
sách của họ là tuyển dụng nhân sự trên phạm vi toàn cầu và tăng cường quốc tế hóa:
họ không có đủ sức mạnh tài chính để lôi cuốn được những giáo sư đẳng cấp quốc tế
với số lượng đủ lớn để đảm bảo cho hoạt động của một trường, thay vào đó, họ có chủ
trương rất rõ ràng nhằm thu hút những trí thức Hoa kiều và những người TQ được đào
tạo từ các nước phương Tây. Họ đã đạt được những thành công rất đáng kể: trong
khoảng từ năm 2000 đến 2005, số lượng công bố khoa học của các trường đại học
nghiên cứu hàng đầu trong danh mục SCI đã tăng gấp đôi. Đại học Thanh Hoa đã có
khoảng 2700 bài báo được liệt kê trong danh mục SCI năm 2003, gần bằng con số của
các trường hàng đầu thuộc top 50 của thế giới. Số giảng viên có bằng tiến sĩ đã đạt đến
50% ở các trường đại học nghiên cứu hàng đầu của TQ tính đến năm 2005 và được hy
vọng sẽ đạt đến 75% trước năm 2010. Những trường này cam kết nâng cao số giảng
viên có bằng tiến sĩ từ các trường ĐHĐCQT. Các nhà quản lý của Đại học Bắc Kinh
ước lượng khoảng 40% cán bộ giảng dạy của họ được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là
ở Mỹ.
Có hai điểm đáng chú ý ở đây: Một là, TQ rất chú ý đến việc lôi cuốn những
người từ các trường đại học danh tiếng của phương Tây về làm việc cho họ, và phương
thức chủ yếu là bằng mức lương hấp dẫn hơn là bằng các quan hệ hợp tác trao đổi học
giả. Có lẽ là vì các chương trình trao đổi học giả không thể đáp ứng đủ số lượng các
giảng viên được đào tạo ở phương Tây mà người TQ cần để làm thay đổi chất lượng
đào tạo và nghiên cứu của họ. Hai là, theo nhận định của các học giả phương Tây và
các học giả Trung Quốc, các nhà khoa học phương Tây hoặc được đào tạo ở phương
Tây không dễ thích ứng với hệ thống học thuật vốn còn hạn chế về tự do diễn đạt ý
tưởng của TQ. Yang, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Phúc Đán, cảnh báo rằng
nếu không xây dựng được một bầu không khí đúng đắn, những bộ óc vĩ đại ở nước
ngoài có thể sẽ chỉ đến TQ một hay hai năm là tìm đường rút vì không thể thích ứng.

Bài học rút ra ở đây là nguồn lực con người dù có xuất sắc đến đâu đi nữa cũng sẽ
không phát huy được tác dụng nếu thiếu một cơ chế vận hành hợp lý. Vậy thì, liệu hợp
tác quốc tế sẽ có vai trò như thế nào trong việc xây dựng một cơ chế vận hành hợp lý
cho trường đại học?

138


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

Về cơ chế quản trị
Trong ba nhân tố quyết định thành công của một trường đại học, thì cơ chế
quản trị là nhân tố cốt yếu nhất và khó khăn nhất đối với Việt Nam. Cốt yếu nhất vì nó
đóng vai trò liên kết nguồn lực con người và nguồn lực tài chính, nó có thể nhân lên
hoặc triệt tiêu sức mạnh của cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực tài chính. Khó khăn
nhất vì nó liên quan đến nền tảng văn hóa, hệ thống chính trị, sự chi phối của các
nhóm lợi ích. Vì vậy, hơn bất cứ nơi nào khác, đây là chỗ cần quyết tâm của chính
phủ, bởi nếu không thay đổi nhân tố trọng yếu này thì mọi nỗ lực khác đều sẽ không
dẫn đến kết quả mong đợi.
Đối với các trường đang hiện hữu, hợp tác quốc tế không trực tiếp tác động lên
cơ chế quản trị của các trường, nhưng thông qua trao đổi học giả, giao lưu văn hóa,
hợp tác nghiên cứu, có thể tăng cường nhận thức của giới quản lý đại học và giảng
viên, tạo ra nhu cầu và điều kiện cho những cải cách có thể thực hiện.
Đối với những trường được thành lập mới, hợp tác quốc tế với những trường
đại học nước ngoài đã có uy tín và kinh nghiệm lâu đời có thể giúp xây dựng ngay từ
đầu một thiết chế vận hành với cơ chế quản trị, chương trình đào tạo và hệ thống nhân
sự nhằm bảo đảm chất lượng và duy trì năng lực cạnh tranh, như đã được thực hiện
trong trường hợp Đại học Quốc tế Bremen (Đức): nhà nước Đức đầu tư 300 triệu USD
với sự hợp tác toàn diện mọi mặt của Đại học Rice (Hoa Kỳ) trong giai đoạn thành lập
để xây dựng Đại học Quốc tế Bremen và chỉ sau 5 năm thành lập trường này đã có tên

trên danh sách 500 trường hàng đầu thế giới của cả hai bảng xếp hạng SJTU và THES.
Một ví dụ thành công tương tự trong việc hợp tác xây dựng thiết chế vận hành ngay từ
đầu là sự hợp tác của Massachussettes Institute of Technology (MIT- Hoa Kỳ) và Viện
Khoa học Công nghệ Kanpur của Ấn Độ. Sự hợp tác của MIT trong trường hợp này là
do kêu gọi của Tổng thống Kenedy nhằm đáp ứng đề nghị hỗ trợ đào tạo kỹ thuật của
Thủ tướng Ấn Nehru năm 1959. Viện Khoa học Công nghệ Kanpur sau này trở thành
một trong những trường uy tín nhất của Ấn Độ. Thành công này có được trước hết là
nhờ quyết tâm rất cao của nhà nước Ấn, thể hiện qua việc ủng hộ sự chủ động của nhà
trường bằng cách đem lại cho họ một phạm vi quyền hạn rất rộng so với những quy
định và chính sách đương thời. Hai là nhờ sự hợp tác đã đi đúng hướng: thay vì đem
nguyên cả mô hình quản trị và bộ máy nhân sự Hoa Kỳ đặt lên mảnh đất Ấn Độ,
chương trình hợp tác này đã đặt trọng tâm vào việc xây dựng năng lực nội tại cho
trường đối tác. Họ cùng làm việc một cách gắn bó trong quá trình xây dựng chương
trình và tuyển dụng nhân sự. Hai bên đều hiểu rằng đây phải là một trường đại học Ấn

139


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Độ chứ không phải một chi nhánh của các trường nước ngoài tại Ấn. Như người sáng
lập Viện Khoa học Công nghệ Kanpur đã nói: “Điều phân biệt một trường hàng đầu
với những trường khác chính là cái môi trường làm việc của nó. Có những thứ không
thể mang vào từ bên ngoài mà phải được xây dựng và duy trì bằng chính nỗ lực và sự
tự ý thức của nhà trường” .
Các hình thức hợp tác quốc tế
Từ khi có chính sách mở cửa, và đặc biệt trong mấy năm gần đây, các hình thức
hợp tác quốc tế trong giáo dục ðại học ở Việt Nam ðang ngày càng nở rộ, trong đó có

cả những nhân tố tích cực và tiêu cực cần được nhận thức đầy đủ.
Hiện đang có hai xu hướng nhìn nhận về giáo dục đại học: một xu hướng truyền
thống xem đại học là hàng hóa công vì phục vụ lợi ích công, do vậy lợi nhuận không
phải là mục tiêu. Một xu hướng khác ngày càng rõ nét, là xem giáo dục đại học như một
hàng hóa khả mại cần hoạt động theo những luật lệ thương mại như Hiệp định GATS và
trong khuôn khổ WTO. Xu hướng thứ hai biểu hiện rất rõ trong hoạt động đào tạo xuyên
biên giới. Vì vậy cần thấy rằng có nhiều hình thức hợp tác quốc tế khác nhau trong đào
tạo đại học nhằm phục vụ những mục đích khác nhau. Có thể kể:
* Hợp tác quốc tế trong đào tạo đại học nhằm cung ứng dịch vụ giáo dục:
Dưới hình thức “du học tại chỗ”, những chương trình liên kết 2+2, 3+1, những
khóa đào tạo ngắn hạn với giảng viên người nước ngoài của các trường đại học Việt
Nam với các đối tác quốc tế đang mang lại cho người học thêm nhiều cơ hội để học
tập những tri thức, kỹ năng mới và một bằng cấp “quốc tế” với chi phí chấp nhận
được. Một hình thức khác là 100% chương trình nước ngoài và bằng cấp nước ngoài,
dạy tại Việt Nam, với kỳ vọng “chi phí nội, chất lượng ngoại”. Những hình thức hợp
tác này, tuy có mang lại ít nhiều lợi ích cho người học, đa dạng hóa cơ hội học tập và
giúp họ tiếp cận những tri thức hiện đại, bù đắp lỗ hổng về chất lượng đào tạo của các
trường đại học trong nước, nhưng chủ yếu là những hoạt động vì lợi nhuận của các nhà
cung cấp dịch vụ giáo dục và các đối tác của họ. Vì vậy, nội dung đào tạo chỉ là những
ngành đang “ăn khách” như quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Những hình thức này không góp phần cải thiện hoạt động của nhà trường theo những
chuẩn mực quốc tế, không giúp phát triển năng lực nội tại của các trường, cũng không
đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của quốc gia. Bởi vì việc phát triển quốc gia không
chỉ cần những ngành nghề thời thượng mà cần một lực lượng nghiên cứu các ngành
mũi nhọn, cần những trí thức tài năng và có trách nhiệm với xã hội, những thứ không
phải là mối quan tâm của các nhà cung ứng dịch vụ giáo dục “mì ăn liền”.

140



HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

* Trao đổi học giả/sinh viên và giao lưu văn hóa, khoa học, hợp tác nghiên cứu:
Những hình thức hợp tác quốc tế này đã diễn ra từ lâu trong lịch sử, nhưng với
mức độ khác nhau tùy từng thời kỳ. Cần khuyến khích việc tiếp nhận sinh viên nước
ngoài đến học theo kiểu “học kỳ mùa hè” và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tham
gia những hoạt động tương tự, vì đó là cơ hội để thực sự gia tăng hiểu biết về những nền
văn hóa khác, thúc đẩy tinh thần chung sống hòa bình giữa các quốc gia. Hợp tác nghiên
cứu là cách để chia sẻ và cập nhật tri thức của các nhà khoa học, cũng là cơ hội nâng cao
năng lực nghiên cứu và tăng cường sức mạnh nội tại của nhà trường. Các chuyến đi
tham quan thực tế dành cho giới quản lý đại học cũng trở thành khá phổ biến trong mấy
năm gần đây, nhưng một khi cơ cấu tập quyền chưa thay đổi, thì các nhà quản lý đại học
cũng rất khó thực hiện được đổi mới gì đáng kể ở cấp trường.
* Hợp tác cấp nhà nước nhằm xây dựng những trường hoàn toàn mới:
Hình thức này chưa trở thành phổ biến tuy đã có một trường hợp điển hình là
Trường Đại học Việt Đức. Theo một thỏa thuận giữa hai nhà nước, Đại học Việt Đức
đã được hình thành trong một thời gian rất ngắn với kỳ vọng trở thành một trong bốn
trường đại học Việt Nam “đạt chuẩn quốc tế” trong tương lai. Với quy chế hoạt động
cho phép một mức độ tự chủ và cơ chế quản trị thuận lợi, cùng với một nguồn vốn đầu
tư ban đầu đáng kể, ĐH Việt Đức, ĐH Việt Pháp hay ĐH Việt Nhật đã được tạo nhiều
điều kiện ưu ái để hoạt động. Còn một chặng đường dài trước mặt để Việt Đức tạo ra
được những thành tích trong nghiên cứu và đào tạo được công nhận trên phạm vi quốc
tế, cũng như tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đối với hệ thống học thuật trong nước,
nhưng rõ ràng sự hình thành các ĐH quốc tế nêu trên đã mở ra một hướng hợp tác
trong tương lai.
3. Vai trò của ĐH nghiên cứu trong đào tạo Giảng viên
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ở nước ta trong khoa học, hoạt động nghiên
cứu về cơ bản là tách biệt với hoạt động giảng dạy và đào tạo. Truyền thống này được
hình thành từ thời Pháp và được định hình trong những năm tiếp thu của nền khoa học
Xô viết. Theo truyền thống này, mẫu hình nhà giáo giỏi không nhất thiết phải có sách

chuyên khảo, bài đăng trên tạp chí và nhà nghiên cứu chuyên nghiệp không nhất thiết
phải dạy hay, đã gần như được khẳng định. Điều này cũng có những mặt tích cực của
nó. Nhưng hiện nay, theo xu hướng được thực hiện phổ biến ở bậc đại học thế giới,
giảng viên đại học gần như “buộc phải” tham gia nghiên cứu, phải có tác phẩm khoa
học và thực hiện các đề tài khoa học…lại có những điều nảy sinh.

141


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Việc đào tạo gắn kết với nghiên cứu khoa học là một xu thế, một biện pháp tích
cực của nền giáo dục năng động và sáng tạo. Thực tiễn đã loại trừ quan điểm lỗi thời
cho rằng trường đại học nói chung, đại học Sư phạm nói riêng chỉ là nơi đào tạo đơn
thuần. Giờ đây, trường đại học có hai chức năng song hành là đào tạo và nghiên cứu
khoa học, hai chức năng này luôn hỗ trợ, bổ sung cho nhau để nâng cao chất lượng đào
tạo và nghiên cứu. Kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, nhằm trang bị cho
người học một lượng kiến thức cơ bản cần thiết, phương pháp luận để sau khi tốt
nghiệp người học có thể tiếp tục học tập, có khả năng giải quyết những vấn đề do thực
tế đề ra. Đào tạo qua nghiên cứu là nguyên tắc quán triệt xuyên suốt toàn bộ quá trình
học tập.
Thực trạng nghiên cứu ở các trường đại học đến nay đã được nâng lên nhiều. Tuy
nhiên, công tác kết hợp nghiên cứu với đào tạo cũng đã bộc lộ những mặt yếu kém nhất
định thể hiện trên các mặt: nhân lực khoa học-công nghệ, kinh phí chi cho nghiên cứu
khoa học, khả năng ứng dụng trong thực tế các nghiên cứu do các trường đại học tiến
hành… Nghiên cứu không nhằm mục đích phát kiến, phát minh mà chỉ để hoàn thành
chức năng của người thầy thì rất khó trở thành động lực thực sự cho sáng tạo.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học là một trong các tiêu chí của

khoa học. Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học trong giáo dục và đào tạo là con
đường ngắn nhất của quá trình chuyển giao kết quả khoa học từ khu vực nghiên cứu
sang khu vực ứng dụng. Trình độ, năng lực của giảng viên là một trong những yếu tố
quyết định chất lượng của giáo dục và đào tạo. Trình độ, năng lực của giảng viên có
thể tích luỹ qua kinh nghiệm giảng dạy, nhưng đối với đào tạo đại học thì có yêu cầu
rất cao về nghiên cứu khoa học. Quá trình nghiên cứu khoa học đóng góp phần không
nhỏ đối với việc nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên. Bởi vậy, kể cả trong
trường hợp không thể chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học ra ngoài khu vực
nghiên cứu và đào tạo, thì nghiên cứu khoa học cũng có tác động không nhỏ đến chất
lượng đào tạo.
4. Kết luận và kiến nghị
- Nhận thức tầm quan trọng của NCKH trong đào tạo giảng viên trong các khối
trường ĐH SP là chưa đầy đủ. Nguyên nhân một phần là do kinh phí cho nghiên cứu
quá ít và thiếu thầy làm NCKH. Nếu là trường ĐH nghiên cứu thì cả 2 vấn đề này sẽ
được giải quyết.

142


HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA

- Chiến lược phát triển ngành Sư phạm trong mạng lưới các trường ĐH cần phải
thay đổi để phù hợp với xu hướng chung trên Thế giới của ĐH nghiên cứu: Nghiên
cứu gắn với Giảng dạy-ĐT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phạm Thị Ly (2009). “Ấn Độ, từ bán lẻ tri thức tiến lên ĐHĐCQT”, Niên giám
khoa học 2009, Viện Nghiên cứu Giáo dục.
Phạm Thị Ly (2009). “Con đường xây dựng ĐHĐCQT của Trung Quốc”. Bộ
KHCN, Tạp chí Tia Sáng 17-3-2009.
Vũ Thị Phương Anh, Phạm Thị Ly (2009). “ĐHĐCQT ở Malaysia: từ khát

vọng đến thực tiễn”. Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ, Đại học Quốc gia
TPHCM số tháng 7-2009.
Salmi (2008). “Những thách thức trong việc xây dựng trường đại học đẳng cấp
quốc tế”. Phạm Thị Ly dịch. Bản tin Thông tin Giáo dục Quốc tế số 3-2009.

143



×