Tải bản đầy đủ (.pdf) (159 trang)

Không gian văn hóa côn sơn kiếp bạc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (8.12 MB, 159 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
VIỆN VIỆT NAM HỌC VÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN
------------------------------------------------------------

MẠC THỊ NHUNG

KHÔNG GIAN VĂN HÓA
CÔN SƠN – KIẾP BẠC
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Ngành: Việt Nam học

Hà Nội, 2015


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
VIỆN VIỆT NAM HỌC VÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN
------------------------------------------------------------

MẠC THỊ NHUNG

KHÔNG GIAN VĂN HÓA
CÔN SƠN – KIẾP BẠC
Luận văn Thạc sĩ ngành Việt Nam học
Mã số: 60.22.01.13

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học:
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc

Hà Nội, 2015



LỜI CẢM ƠN
Luận văn “Không gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc” là một công trình
nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, và là kết quả của quá trình học tập tại Viện
Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội của tác giả dưới
sự hướng của các thầy cô bộ môn; sự giúp đỡ của các thầy cô trong ban lãnh đạo
và các phòng ban chức năng của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Tôi
xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến sự giúp đỡ quý báu đó!
Đặc biệt, tôi xin gửi lời biết ơn chân thành đến GS.TS.NGND Nguyễn
Quang Ngọc là giáo viên trực tiếp hướng dẫn luận văn cho tôi, người đã luôn tận
tình hướng dẫn, dành nhiều thời gian quý báu để trao đổi và định hướng nghiên
cứu cho tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài luận văn này.
Tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ UBND thị xã Chí Linh, BQLDT thị xã Chí
Linh – tỉnh Hải Dương, BQLDT Côn Sơn – Kiếp Bạc và người dân ở các thôn
trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc đã nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình điều
tra khảo sát, điền dã thực tế thực hiện đề tài.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn bè đã
luôn động viên và là chỗ dựa tinh thần để tôi học tập và thực hiện thành công đề
tài luận văn này!
Tôi xin trân trọng gửi lời tri ân đến tất cả!
Học viên cao học khoá 6
Mạc Thị Nhung


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn: “Không gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc”
là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả được đưa ra trong
luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nào
khác. Mọi tham khảo trong luận văn đều được trích dẫn rõ nguồn, đảm bảo tính
khách quan của tư liệu và bản quyền tác giả.
Học viên

Mạc Thị Nhung


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .................................................................................................................... 3
1. Lí do chọn đề tài ......................................................................................................3
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ......................................................................................4
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..........................................................7
4. Đóng góp của luận văn ............................................................................................9
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu ............................................................9
6. Bố cục luận văn .....................................................................................................10
NỘI DUNG .............................................................................................................. 11
Chƣơng 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, QUÁ TRÌNH HÌNH
THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƢ KHU VỰC CÔN SƠN –KIẾP BẠC ............ 11
1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc .....................11
1.1.1. Vị trí địa lý ......................................................................................................11
1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên ...................................................................................14
1.2. Quá trình hình thành cộng đồng dân cƣ khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc .....18
1.2.1. Từ những cư dân đầu tiên cho đến thế kỷ X ....................................................18
1.2.2. Cộng đồng cư dân Côn Sơn – Kiếp Bạc từ thế kỷ X đến nay ..........................22
Chƣơng 2: DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TIÊU BIỂU, PHONG TỤC, TẬP
QUÁN, TÍN NGƢỠNG, LỄ HỘI Ở KHU VỰC CÔN SƠN – KIẾP BẠC ........ 27
2.1. Vài nét về các di tích lịch sử văn hóa ..............................................................27
2.1.1. Cụm di tích Côn Sơn .......................................................................................27
2.1.2. Cụm di tích Kiếp Bạc ......................................................................................36
2.1.3. Cụm di tích Phượng Hoàng ............................................................................44
2.1.4. Di tích lịch sử đền Sinh, đền Hóa ...................................................................53
2.2. Phong tục, tập quán, tín ngƣỡng, lễ hội của nhân dân trong khu vực Côn
Sơn – Kiếp Bạc ........................................................................................................56
2.2.1. Tổ chức xã hội “làng” trong khu vực .............................................................56

2.2.2. Những biểu hiện cụ thể của phong tục, tập quán trong khu vực Côn Sơn –
Kiếp Bạc ....................................................................................................................58
2.2.3. Lễ hội trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc. ....................................................78
1


Chƣơng 3: ĐẶC TRƢNG KHÔNG GIAN VĂN HÓA CÔN SƠN – KIẾP BẠC...... 85
3.1. Không gian hội tụ địa linh, nhân kiệt .............................................................85
3.2. Không gian lịch sử điển hình...........................................................................91
3.3. Không gian văn hóa tâm linh sâu sắc ...........................................................101
3.3.1. Chùa Côn Sơn - một trung tâm Phật giáo của xứ Đông ...............................101
3.3.2. Đền Kiếp Bạc – một trung tâm tín ngưỡng của người Việt ..........................103
3.3.3. Đền thờ Chu Văn An – nơi tôn vinh Nho học và giáo dục ............................107
3.4. Bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc ........111
KẾT LUẬN ............................................................................................................ 117
TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 119

2


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
- Khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của
các danh nhân văn hoá nổi tiếng của đất nước như 3 vị Tổ của Thiền phái Phật giáo
Trúc Lâm; anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, Vạn thế sư biểu Chu Văn An, anh
hùng dân tộc danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi, nữ tiến sĩ Nguyễn Thị
Duệ… Nơi đây không chỉ là một trong những trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà
còn là địa điểm quân sự chốt giữ phía Đông của kinh đô Thăng Long. Khu vực Côn
Sơn - Kiếp Bạc gắn với các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc ở nhiều
thời kỳ lịch sử đặc biệt là cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông ở thế kỷ

XIII... nơi đây còn là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi rừng hùng vĩ,
sông ngòi đất đai trù phú giầu sản vật; con người đông đúc trọng hiền tài, hiếu học
cần cù lao động. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển trong nhiều thời kỳ lịch sử
Côn Sơn - Kiếp Bạc còn lưu giữ hệ thống di sản văn hoá có nhiều giá trị và bản sắc
của vùng đất xứ Đông góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc.
- Hiện nay đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, trong đó nhiệm vụ chấn hưng nền văn hoá của dân tộc, hướng về cội
nguồn, phát huy truyền thống yêu nước thì việc nghiên cứu bảo tồn di sản văn hoá, làm
sáng tỏ hệ thống di tích lịch sử cùng cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của các anh hùng dân
tộc, tìm hiểu truyền thống và kinh nghiệm của cha ông để tiếp thêm sức mạnh cho tiến
trình hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay là việc làm có ý nghĩa thiết thực và
cực kỳ quan trọng. Việc nghiên cứu hệ thống di tích lịch sử, phân tích những tác động
của nó đối với đời sống xã hội hiện tại, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn
phát huy tác dụng của nó trong nền kinh tế trí thức hôm nay là một việc làm cần thiết
và cấp bách.
- Khu vực Côn Sơn - Kiếp ngoài giá trị về văn hoá nói chung, còn là một trong
những trung tâm văn hoá tâm linh bảo tồn nhiều giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo của
khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Chính vì thế việc nghiên cứu tìm hiểu không gian văn hóa
Côn Sơn - Kiếp Bạc từ xưa đã được nhiều học giả, các nhà khoa học quan tâm tìm hiểu
nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào mang
3


tính toàn diện; đặc biệt là việc đặt chúng trong mối tương quan so sánh trong một thời
gian, không gian, địa lý cảnh quan môi trường; so sánh sự ra đời, phát triển và tính chất
thờ tự để nghiên cứu, thấy được tính đặc thù của Côn Sơn - Kiếp Bạc về văn hoá vật thể
và phi vật thể. Qua đó góp phần hoạch định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá
trị văn hoá của khu di tích phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của
địa phương và khu vực ở giai đoạn hiện tại và tương lai. Đề tài khoa học này sẽ thoả mãn
nhiệm vụ và yêu cầu nêu trên.

- Vùng đất Chí Linh có hệ thống di tích lịch sử văn hoá dầy đặc (trên 300 di
tích) trong đó khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc là một trong những trung tâm tôn giáo tín
ngưỡng lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây hệ thống giao thông thuỷ bộ về kinh
đô Thăng Long, ra biển, lên biên giới phía Bắc (Lạng Sơn), vào nội địa đều thuận lợi.
Nơi giao thương buôn bán về kinh tế, hội nhập văn hoá của các vùng miền, là một
trong những trung tâm văn hoá quan trọng ở phía Đông của kinh đô Thăng Long. Việc
nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật
thể của khu di tích. Từ đó vạch ra nhiệm vụ bảo tồn phát huy giá trị di tích góp phần
phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Tỉnh và khu vực.
Từ ý nghĩa khoa học và tính cấp thiết trên, chúng tôi chọn đề tài: “Không
gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc” làm nội dung luận văn thạc sĩ chuyên ngành
Việt Nam học của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được
nhiều người nghiên cứu, tìm hiểu dưới các góc độ khác nhau.
* Nghiên cứu về di tích và danh nhân
Năm 1999 Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương xuất bản cuốn Hải Dương di tích
và danh thắng có giới thiệu các di tích trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc là: Chùa
Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Sinh, đền thờ nhà giáo Chu Văn An.
Năm 2000, trong Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm Khảo sát văn
bia chùa Côn Sơn trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, của
Nguyễn Văn Nguyên, tác giả đã phiên âm, dịch nghĩa toàn bộ hệ thống văn bia chùa
Côn Sơn.
4


Năm 2000, Trần Quốc Vượng trong bài viết Đôi điều cảm nhận về khu di
tích Kiếp Bạc trên tạp chí Xưa và Nay đã bước đầu chỉ đặc trưng và mối quan hệ
văn hóa, tín ngưỡng giữa khu di tích Kiếp Bạc, khu di tích Côn Sơn và khu di tích
Phượng Hoàng.

Năm 2002, Nguyễn Thị Phương Chi trong cuốn Thái ấp điền trang thời Trần
(thế kỷ XIII - XIV) do Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản đã nghiên cứu khá chi
tiết về thái ấp Vạn Kiếp thế kỷ XIII.
Năm 2006, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn Di sản Hán Nôm
Côn Sơn - Kiếp Bạc - Phượng Sơn của Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cuốn
sách là tập hợp các tài liệu thư tịch Hán Nôm viết về khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc,
Phượng Hoàng như văn bia, hoành phi, câu đối, ngọc phả...
Năm 2006, tác giả Đặng Việt Cường trong bài Vị thế của Côn Sơn – Kiếp
Bạc trong hệ thống di tích tỉnh Đông trên Tạp chí Di sản Văn hóa đã khát quát về
những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo của khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Năm 2006, Tăng Bá Hoành trong nghiên cứu Côn Sơn – Kiếp Bạc quá trình
hình thành và phát triển trên Tạp chí Di sản Văn hóa đã nghiên cứu, giới thiệu lịch
sử hình thành, địa văn hóa, quân sự khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Năm 2008, UBND thị xã Chí Linh và Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật
Hải Dương tổ chức hội thảo Chí Linh bát cổ, hội thảo đã nhận được các tham luận
nghiên cứu về các di tích “Huyền Thiên cổ tự”, “Tiều ẩn cổ bích”.
Năm 2009, Hoàng Thị Hương trong Luận văn Thạc sỹ Văn hóa học Tìm hiểu
danh nhân Chu Văn An từ góc nhìn văn hóa học đã nghiên cứu danh nhân Chu Văn
An với các hình thức tôn vinh trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Năm 2010, Nguyễn Khắc Minh bảo vệ thành công Luận án Tiến si ̃ khoa học
Lịch sử Khu di tích lịch sử, văn hoá Côn Sơn, Kiếp Bạc - những giá trị lịch sử, văn
hoá. Với nguồn tư liệu phong phú, luận án cung cấp nhiều thông tin có giá trị về
vùng đất Chí Linh và khu di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Năm 2010, Tống Thị Thanh Hải trong Luận văn thạc sỹ khoa Lịch sử, trường
Đại học Sư phạm hà Nội: Tìm hiểu các nhân vật lịch sử tiêu biểu từ thế kỷ XIII - XV
trong đời sống tâm linh của nhân dân huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương đã giới
5


thiệu các di tích, danh nhân, lễ hội trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc như đền Kiếp

Bạc, chùa Côn Sơn, đền Chu Văn An.
Tất cả những tư liệu trên hoặc là đi vào nghiên cứu chi tiết, hoặc là mới dừng
lại ở mức độ khái quát về các di tích và giá trị trong không gian văn hóa Côn Sơn –
Kiếp Bạc. Bên cạnh đó nghiên cứu về danh nhân các danh nhân cũng được một vài
tác giả quan tâm đề cập.
*Nghiên cứu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội
Năm 2009, Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và
Du lịch Hải Dương, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Hội
thảo khoa học Bảo tồn và phát huy di sản Đệ tam tổ thiền phái Trúc Lâm Huyền
Quang và Lễ hội chùa Côn Sơn. Hội thảo đã nhận được 21 bài tham luận của các tác
giả, trong đó có 4 bài nghiên cứu về lễ hội chùa Côn Sơn.
Năm 2009, Nguyễn Khắc Minh trong bài viết Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc
những kết quả sau 4 năm thực hiện đề án đăng trên tạp chí Thế giới Di sản, số 7
(34) đã đánh giá những kết quả tích cực của Đề án Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai
đoạn năm 2006 - 2010 và đề xuất phương án tổ chức cho những năm tiếp theo.
Năm 2009, Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc nghiên cứu đề tài khoa
học cấp tỉnh Điều tra, nghiên cứu thực trạng và đề xuất biện pháp bảo tồn, phát huy
các giá trị văn hóa của một số lễ hội tiêu biểu thuộc dòng thiền Trúc Lâm ở tỉnh
Hải Dương. Đề tài nghiên cứu, giới thiệu một số nghi lễ, trò chơi dân gian diễn ra
trong lễ hội chùa Côn Sơn hiện nay, đồng thời đề xuất các biện pháp để bảo tồn,
phát huy giá trị văn hóa của lễ hội chùa Côn Sơn trong tương lai.
Năm 2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương xuất bản cuốn Lễ hội
dân gian tỉnh Hải Dương trong đó có giới thiệu các lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội đền
Kiếp Bạc, lễ hội đền Chu Văn An.
Năm 2012, Nguyễn Thị Ngọc Xuân đã giới thiệu về các trò chơi dân gian
tiêu biểu trong lễ hội chùa Côn Sơn qua bài nghiên cứu Trò chơi dân gian trong lễ
hội chùa Côn Sơn đăng trên tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch số 5 (92). Qua bài
viết, tác giả cũng đề xuất những biện pháp nhằm duy trì, bảo tồn các trò chơi dân
gian có nguy cơ thất truyền.
6



Năm 2012, Ngô Thị Lượng trong bài viết Đàn Mông Sơn Thí thực trong lễ
hội chùa Côn Sơn đăng trên tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch số 5 (92), đã bước
đầu nghiên cứu về nội dung và ý nghĩa của đàn Mông Sơn Thí Thực trong lễ hội
chùa Côn Sơn.
Năm 2012, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương đã lập Hồ sơ khoa
học Lễ hội Chùa Côn Sơn đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể
quốc gia. Nội dung hồ sơ đã nêu khái quát nguồn gốc hình thành, diễn trình lễ hội
trước năm 1945 và hiện nay, giá trị tiêu biểu và đề xuất các biện pháp bảo tồn lễ hội
chùa Côn Sơn.
Năm 2012, Nguyễn Thị Thùy Liên bảo vệ luận văn Thạc sỹ Văn hóa học
trường Đại học Văn hóa Hà Nội Lễ hội đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, thị xã Chí
Linh, tỉnh Hải Dương) đã nghiên cứu về lịch sử hình thành, các nghi lễ diễn xướng
và giá trị trị tiêu biểu của lễ hội Kiếp Bạc.
Năm 2014, Lê Thị Bé trong luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Văn hóa học
của Học viện Khoa học xã hội Lễ hội chùa Côn Sơn xưa và nay đã nghiên cứu
nguồn gốc hình thành, các nghhi lễ diễn xướng tiêu biểu trong lễ hội Côn Sơn trước
năm 1945 đến ngày nay.
Các nghiên cứu trên đây đã giới thiệu khái quát về phong tục tập quán, tín
ngưỡng, lễ hội truyền thống ở khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc hiện nay; bước đầu xác
định các giá trị tiêu biểu và đề xuất các biện pháp bảo tồn các nghi lễ, trò chơi có
nguy cơ thất truyền.
Nhìn chung, các nghiên cứu trên đây chỉ đi vào một vài khía cạnh cụ thể về
văn hóa vật thể và phi vật thể, việc nghiên cứu không gian văn hóa khu vực Côn
Sơn – Kiếp Bạc để từ đó chỉ ra đặc trưng của không gian văn hóa khu vực này vẫn
là đề tài mới mẻ cho các nhà nghiên cứu.
3. Mục đích, đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi mong muốn làm sáng rõ được những nét nổi

đặc trưng văn hóa khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc trên cơ sở nghiên cứu những di
tích, danh thắng, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cư dân nơi đây. Yếu tố di tích,
7


yếu tố con người, yếu tố lịch sử, yếu tố văn hóa,… tất cả sẽ được nhìn một cách bao
quát trong một không gian văn hóa cụ thể nhằm làm nổi bật giá trị vật chất và tinh
thần của vùng đất này. Góp phần vào quá trình xây dựng hồ sơ khu di tích Côn Sơn
– Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Đề tài mong muốn
được góp phần quảng bá hình ảnh khu vực văn hóa độc đáo này tới đông đảo nhân
dân cả nước.
3.2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Không gian văn hóa là một khái niệm mở, nó không đồng nghĩa với không
gian di tích. Qua quá trình điền dã, tìm hiểu ở địa phương, chúng ta thấy rằng diện
tích của khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc không lớn, nhưng ảnh
hưởng văn hóa của nó thì rất lớn, không chỉ trong quy mô thị xã Chí Linh, quy mô
tỉnh Hải Dương mà còn toàn miền Đông Bắc tổ quốc. Và đặc biệt, Côn Sơn – Kiếp
Bạc có mối quan hệ mật thiết với quần thể di tích ở Phượng Sơn (núi Phượng
Hoàng) cả về lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Vì thế nghiên cứu không gian văn hóa
Côn Sơn – Kiếp Bạc nên đặt Côn Sơn – Kiếp Bạc trong tương quan với Phượng
Sơn sẽ thấy hết được cái hay, cái ý nghĩa lớn lao của bản thân từng di tích và quần
thể di tích, không gian văn hóa khu vực này. Côn Sơn – Kiếp Bạc – Phượng Sơn
thực chất là không tách rời và đã tạo nên một không gian văn hóa vô cùng đặc biệt.
Vì thế, dù tên đề tài nghiên cứu là “Không gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc”
nhưng đối tượng nghiên cứu của nó không chỉ là không gian Côn Sơn – Kiếp Bạc
mà nó sẽ bao gồm cả không gian Phượng Sơn.
Như ở trên đã nói, đối với người Việt ở Bắc Bộ, ảnh hưởng của Côn Sơn –
Kiếp Bạc là rất lớn về nhiều mặt, đặc biệt là văn hóa, lịch sử. Văn hóa Côn Sơn –
Kiếp Bạc có sức lan tỏa lớn. Bằng chứng là cái ý thức “Tháng Tám giỗ cha…” đã
tồn tại sâu và rộng trong lòng mỗi cư dân Việt qua nhiều thế kỷ. Hiện nay, Côn Sơn

– Kiếp Bạc đang được xem xét để được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới càng
chứng tỏ được cái tầm của khu vực này. Nhưng do điều kiện có hạn nên chúng tôi
chỉ xin phép đi sâu vào tìm hiểu không gian mà ở đó ảnh hưởng của Côn Sơn –
Kiếp Bạc – Phượng Sơn tới đời sống nhân dân là sâu đậm nhất.

8


Đối tượng nghiên cứu là khu di tích Côn Sơn, khu di tích Kiếp Bạc, khu di
tích Phượng Hoàng thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hệ thống các di tích ở
vùng đệm có liên quan trực tiếp như Đền Sinh, Đền Hóa, Chùa Huyền Thiên, Đền
thờ bà chúa Sao Sa. Các làng, xã có các di tích tọa lạc như làng Vạn Yên, Dược Sơn
(xã Hưng Đạo), Chi Ngãi (phường Cộng Hòa), Kiệt Đặc (phường Văn An), An Mô
(xã Lê Lợi)...
Phạm vi không gian nghiên cứu của luận án là khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc
nằm trong các xã, phường Cộng Hòa, Văn An, Hưng Đạo, Lê Lợi thuộc thị xã Chí
Linh, tỉnh Hải Dương.
Phạm vi vấn đề nghiên cứu: Nghiên cứu di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử
văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật...). Di sản văn hóa phi vật thể (phong tục
tập quán, lễ hội, diễn xướng dân gian...) điển hình còn tồn tại đến ngày nay.
4. Đóng góp của luận văn
Luận văn là chuyên khảo đầu tiên về không gian văn hóa Côn Sơn - Kiếp
Bạc. Luận văn tập hợp, hệ thống hoá, phân tích đầy đủ nhất các nguồn tài liệu
nghiên cứu về khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Luận văn đi sâu phân tích xác định lịch sử hình thành, quá trình tồn tại và
phát triển của các làng xã trong khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đánh giá những giá
trị lịch sử, văn hoá đặc trưng của không gian văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện về khu vực Côn Sơn Kiếp Bạc luận văn đóng góp vào việc hoạch định cho việc quản lý, giữ gìn tu bổ,
phát huy tác dụng của các di tích trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Luận văn góp phần hệ thống hoá tư liệu lịch sử của địa phương, đóng góp cho

việc nghiên cứu, học tập, tham quan du lịch trên địa bàn thị xã Chí Linh nói riêng và
khu vực Đông Bắc đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
5. Nguồn tài liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
Luận văn sử dụng các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên
và sử thần triều Lê), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều
Nguyễn) Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, Đại Việt thông sử của Lê Quý
9


Đôn. Tài liệu địa lý học lịch sử như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Lịch triều
hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán
triều Nguyễn), Hải Dương phong vật chí (Trần Huy Phác), Chí Linh phong vật chí...
Các nguồn tư liệu thành văn lưu trong các di tích như các văn bia, ngọc phả
chuông, sắc phong…
Tài liệu thần tích, thần sắc, hương ước về các làng xã trong thị xã Chí Linh
hiện còn lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội.
Các nguồn tài liệu điền dã thu thập được qua quá trình khảo sát tại xã Hưng
Đạo, xã Lê Lợi, phường Cộng Hòa, phường Văn An (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên
cứu sau:
Phương pháp nghiên cứu khu vực học: Đây là phương pháp được sử dụng
trước tiên khi thực hiện đề tài này. Đó là khoanh vùng cụ thể dựa trên những tiêu
chí riêng để tiến hành điều tra, điền dã, thực tế, trực tiếp đi khảo sát các di tích, các
khu dân cư trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc nhằm thu thập tài liệu.
Sử dụng phương pháp tổng hợp và phân tích đối với các văn bản, tài liệu đã
được người đi trước nghiên cứu, sử dụng.
Sử dụng phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, phương pháp so sánh,
phương pháp đa ngành, liên ngành để tìm hiểu và rút ra những luận điểm khoa học.

6. Bố cục luận văn
Luận văn gồm hai phần chính: chính văn và phụ lục
Phần chính văn ngoài phần mở đầu, kết luận có ba chương nội dung chính:
Chương 1: Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, quá trình hình thành cộng đồng dân cư
khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Chương 2: Di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội ở khu
vực Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Chương 3: Đặc trưng không gian văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Phần phụ lục bao gồm phụ lục hình ảnh và phụ lục văn bản.

10


NỘI DUNG

Chƣơng 1: VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, QUÁ TRÌNH
HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƢ KHU VỰC CÔN SƠN –KIẾP BẠC
1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc
1.1.1. Vị trí địa lý
Côn Sơn - Kiếp Bạc nằm ở phía Đông bắc tỉnh Hải Dương, thuộc thị xã Chí
Linh, cách thành phố Hải Dương 35km, cách Hà Nội 75 km. Thị xã Chí Linh phía
Bắc giáp huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; phía Nam giáp huyện Nam Sách; phía
Đông giáp huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và huyện Kinh Môn, tỉnh Hải
Dương; phía Tây giáp huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, huyện Quế Võ, huyện Gia
Bình, tỉnh Bắc Ninh. Diện tích tự nhiên của thị xã Chí Linh là 281,898km2, dân số
là 148.337 người, trong đó 98% là dân tộc Kinh, còn lại 2% là các dân tộc Hoa, Sán
Dìu, Tày (số liệu năm 2005). Thời Trần, thị xã Chí Linh có tên là Bàng Châu, thời
thuộc Minh, Bàng Châu thuộc phủ Lạng Giang và phủ Tân An. Thời Lê sơ (đầu thế
kỷ XV) đổi tên gọi Bàng Châu thành Chí Linh [60, tr.362].
Địa hình thị xã Chí Linh nằm trong khu vực cánh cung Đông Triều, có hệ

thống đồi núi chạy theo hướng từ Đông bắc sang Tây nam, cao từ 50 - 300m, độ
dốc trung bình 25 - 30m. Địa hình nơi đây đa dạng phong phú xen lẫn giữa núi đồi,
ruộng đồng là những xóm làng đất đai phì nhiêu trù phú. Xét về địa lý, phong thuỷ,
hình sông thế núi của đất Chí Linh, người xưa có câu ca:
" Đông hướng Sài Sơn thiên lĩnh hội;
Tây lai vụ thuỷ Lục Long chầu"
Tạm dịch là: ở hướng Đông của đất Chí Linh dãy Sài Sơn (núi Yên Tử vòng cung Đông Triều) hàng nghìn ngọn núi chầu về; ở phía Tây của Chí Linh, nơi
tụ thuỷ - 6 con rồng chầu lại (Lục Đầu Giang).
Về địa thế, mạch núi Đông Bắc từ Tổ sơn Yên Tử, muôn ngọn đổ về Chí
Linh quần tụ, tạo thành các huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt
mạch này gắn với 4 linh vật (vùng đất Tứ linh): Long (núi Rồng - Vạn Yên), Ly
(núi Kỳ Lân - Côn Sơn), Quy (núi Quy - Vạn Yên), Phượng (núi Phượng Hoàng Kiệt Đặc). Về hình thế sông, 6 con sông hội tụ ở phía tây đất Chí Linh gồm: sông

11


Lục Nam người xưa gọi là sông Minh Đức (Đức sáng); sông Thương gọi là sông
Nhật Đức (Đức của mặt trời - dương); sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (Đức của
mặt trăng - âm); sông Đuống gọi là sông Thiên Đức (Đức của trời); sông Thái Bình
còn gọi là sông Phú Lương (thái bình và thịnh vượng) và sông Kinh Thầy là đường
kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần. Như thế, đất Chí Linh không chỉ là nơi
núi sông hoà hợp, sơn thuỷ hữu tình mà còn là nơi tụ đức của trời đất, tụ nhân,
mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì thế, người xưa, đặc biệt là những danh
nhân, những vương hầu, quý tộc của các triều đại đã chọn đất này làm nơi quy tụ,
ký thác sự nghiệp và cuộc đời.
Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo Vương được xây dựng ở đầu rồng, tựa núi Trán
Rồng, nhìn ra sông Lục Đầu, long mạch quan trọng nhất của đất Chí Linh, được coi
là nơi tối linh. Chùa Côn Sơn thờ Tam tổ Trúc Lâm đặt ở miệng con Kỳ Lân (Ly);
đền Phượng Hoàng thờ Chu Văn An đặt ở đầu con chim Phượng... Những di tích đã
được các triều đại phong kiến xếp là những "Đại Già Lam cổ tích". Chí Linh còn có

nhiều danh lam cổ tích nổi tiếng như "Chí Linh Bát Cổ". Khu di tích đền Cao thờ
Vua Lê Đại Hành và 5 vị tướng họ Vương có công chống Tống ở thế kỷ thứ X;
chùa Thanh Mai, nơi tu hành và viên tịch của đệ nhị tổ Trúc lâm Pháp Loa Tôn Giả;
núi Bái Vọng nơi đặt mộ của quan Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của
Nguyễn Trãi; chùa Ngũ Đài Sơn; đền Gốm thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư…
Chí Linh có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi có thể đi ngược về xuôi, ra
biển, lên kinh thành Thăng Long đều thuận lợi, vì vậy Chí Linh là chốt giữ trọng yếu
phía Đông Bắc của kinh thành Thăng Long. Theo thần tích Đình Chí Linh, xã Nhân
Huệ, thời Thục Phán An Dương Vương, tướng Cao Lỗ đã xây dựng phòng tuyến
quân sự tại Lục Đầu Giang để chống giặc phương bắc. Thế kỷ thứ X, Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn xây dựng phòng tuyến chống Tống ở vùng An Lạc. Thế kỷ XI, Lý
Thường Kiệt xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt và căn cứ Vạn Xuân chống
Tống ở Lục Đầu Giang. Thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương xây dựng căn cứ quân sự
Vạn Kiếp chống đế quốc Nguyên Mông ở Lục Đầu Giang. Thế kỷ XV, triều đình Lê
- Mạc cho củng cố và mở rộng thành Phao Sơn để khống chế khu vực Lục Đầu
Giang. Từ thế kỷ XVII đến XVIII, triều Lê đặt tỉnh lị Hải Dương tại thành Vạn (Chí
12


Linh)... Hình sông thế núi của Chí Linh không chỉ linh thiêng mà còn hiểm yếu, vì
vậy nơi đây thời bình là vùng đất văn vật, các đền miếu quy tụ các bậc vua chúa, văn
nhân và nhân dân, phật tử bốn phương hành hương lễ bái; khi đất nước bị họa ngoại
xâm, Chí Linh trở thành căn cứ quân sự quan trọng của triều đình.
Đất Chí Linh còn lưu giữ biết bao truyền thuyết thần kỳ, nơi đây Phật hiển
hiện, Tiên dạo chơi, Huyền Thiên giáng lâm, Phi Bồng tái thế, Nam Tào xuất hiện,
Bắc Đẩu về trời... Bởi vậy, ở núi Phật Tích có chùa Thanh Mai, trên núi Côn Sơn có
Bàn Cờ Tiên, núi Phượng Hoàng có động Huyền Thiên, chân núi Ngũ Nhạc có tảng
đá thờ Phi Bồng nguyên soái; đền Kiếp Bạc tả hữu có đền thờ quan Nam Tào, Bắc
Đẩu... Sách Chí Linh huyện sự tích chép: "Kẻ sĩ chuyên cần học tập, nhà nông chăm
chỉ cấy cầy, người làm các nghề thợ, nghề buôn cũng có nhưng không nhiều. Ăn

mặc, quần áo, đồ dùng thường tiết kiệm. Việc cưới xin ma chay giỗ tết giữ đúng lễ...
dân các nơi nói chung đều thuần hậu chất phác..." [14, tr.41]. Sách Chí Linh phong
vật chí viết " (thời Lý, Trần) đến thế kỷ XIX ở Chí Linh số người đậu Tiến sĩ có 55
người, còn đậu hương cống, võ quan, tam trường thì không kể xiết" [16, tr.3].
Côn Sơn - Kiếp Bạc hình thành khá sớm ở đất Chí Linh, vào thời Trần đã
trở thành một địa danh nổi tiếng, được Nhà nước xếp vào hạng "Đại Già Lam".
Được xây dựng trên một vùng đất địa linh nhân kiệt, vừa có núi cao, sông sâu vừa
có người tài. Nơi đây rồng chầu hổ phục, long phượng trình tường, sơn thanh thuỷ
tú, nhiều cao nhân đại sĩ các thời đại quy ẩn. Tam tổ Trúc Lâm dựng chùa cầu
phúc; Thánh võ Hưng Đạo Vương dựng phủ đệ Vạn Kiếp dưỡng nhàn; Thánh văn
Chu Văn An lấy Phượng Hoàng làm nơi dậy học; Quan Đại Tư Đồ Trần Nguyên
Đán mở Động Thanh Hư ở Côn Sơn; Nguyễn Trãi ẩn tàng ở Côn Sơn Tự. Non
thiêng vẫn còn đấy di tích không phai mờ, biết bao anh hùng hào kiệt đã nghiêng
mình trước Côn Sơn hùng vĩ, Kiếp Bạc uy linh, Phượng Sơn kỳ bí. Thấm đậm
những huyền thoại và lịch sử, trải qua thời gian biết bao những di tích tôn giáo,
đền miếu được xây dựng để tưởng nhớ những con người ưu tú, hình thành nên tín
ngưỡng dân tộc, bồi đắp cho nền văn hoá Việt Nam qua những năm tháng và còn
lại cho đến ngày nay. Trong kho tàng di sản văn hoá đó, Côn Sơn - Kiếp Bạc được

13


coi là những trung tâm tín ngưỡng, tôn giáo lớn có giá trị đặc biệt quan trọng của
toàn vùng châu thổ sông Hồng và của cả nước.
1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên
1.1.2.1.Địa hình và cảnh quan
Thị xã Chí Linh là địa bàn có địa hình, cảnh quan đa dạng đặc trưng của
vùng đất chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi. Chí Linh có đồi núi, sông suối,
hồ, đầm, đồng bằng, thung lũng, có cảnh quan núi đá, cảnh quan đồng bằng, có
rừng tự nhiên, có rừng trồng… Tạo hình Chí Linh như bức tranh thủy mặc đẹp đẽ

đa sắc đa diện của đất Hải Dương. Không những vậy, đa dạng địa hình, cảnh quan
tạo sự đa dạng về khí hậu, thủy văn cũng như chi phối sâu sắc những hoạt động
của con người ở đây.
Địa hình Chí Linh chia thành 4 bậc địa hình cảnh quan chính: Đồi núi cao
(>300m) ở phía Bắc, đồi núi cao trung bình (100 -290m) ở phía Tây Bắc, đồi núi
thấp (10 -90m) chủ yếu ở trung tâm và đồng bằng ở phía Nam. Khu vực Côn Sơn
– Kiếp Bạc thuộc vùng đồi núi cao trung bình với các núi tiêu biểu như Ngũ Nhạc,
Côn Sơn, Phượng Hoàng… Theo như các nhà nghiên cứu địa chất, địa hình khu
vực Côn Sơn – Kiếp Bạc được hình thành từ chu kỳ trầm tích Pleistocen thượng
tầng trên có niên đại kéo dài từ 20.000 năm đến nay. “Vào đầu Pleistocen, đồng
bằng sông Hồng trong đó có địa phận tỉnh Hải Dương phát triển các tướng cát,
sạn aluvi… Dạng địa hình này phân bố ở huyện Chí Linh như khu đền Kiếp Bạc
có chiều dài 1km, chiều rộng 0.5 km, dọc phía Nam Phao Sơn có chiều dài 3.5 km,
rộng 0.3 km, dọc thung lũng hồ Côn Sơn dài 5.5 km, rộng 0.6 km, … rìa đồi thấp
vùng Trúc Thôn, Trúc Cương ( Cộng Hòa – Chí Linh),… liên quan địa hình này có
sét chịu lửa Trúc Thôn, sỏi, cuội Trúc Cương…) [69, tr.117 -118]. Như vậy địa hình
khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc được hình thành ở chu kỳ muộn, đồi núi ở khu vực
này chủ yếu là đồi núi trẻ.
Nhìn chung địa hình ở đây không chia cắt mạnh nhưng có mật độ chia cắt
lớn. Trong một khu vực đường kính khoảng 6km mà có núi Phượng Hoàng với 72
ngọn, núi Ngũ Nhạc với 5 đỉnh, núi Trán Rồng với 2 núi tay ngai Nam Tào, Bắc
Đẩu, núi Kỳ Lân, núi Rùa,… xen kẽ là những thung lũng như cánh đồng Vạn Yên,
14


những cánh đồng ở xã Lê Lợi, Văn An,… những dòng sông như sông Lục Đầu,
sông Vang,… hồ lớn như hồ Côn Sơn (42,8 ha), hồ Mật Sơn (62,5ha), hồ Phượng
Hoàng… tất cả đã tạo nên một không gian với cảnh quan ngoạn mục.
Sự đa dạng của các loại địa hình làm nên sự đa dạng của các loại cảnh quan
cho khu vực. Ở đây có cảnh quan đồng bằng thung lũng với các loài động thực vật

của đồng bằng như những cánh đồng lúa nước ở thung lũng Trán Rồng, cảnh quan
rừng nhiệt đới ở những đồi núi thấp hoặc chân núi cao với các loại cây lá rộng như
keo, sơn, bạch đàn…, cảnh quan rừng ôn đới với những rừng thông bát ngát, mát
mẻ trên núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, cảnh quan sông hồ lắm tôm nhiều cá…
Địa hình cảnh quan của miền bán sơn địa đã khiến cho Côn Sơn – Kiếp Bạc
có vẻ đẹp đẽ, thơ mộng, có nét hùng vĩ, uy nghiêm, có vẻ trầm mặc bí ẩn cuốn hút
biết bao tao nhân mặc khách. Nhiều danh nhân tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử của
dân tộc đã gắn bó với nơi đây như: Nhà quân sự kiệt xuất Hưng Đạo Đại vương
Trần Quốc Tuấn; Anh hùng dân tộc - Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi; Nhà
giáo Chu Văn An; nữ tiến sĩ nho học Việt Nam đầu tiên Nguyễn Thị Duệ,... Những
di sản văn hoá còn lưu giữ đến ngày nay trên đất Chí Linh đều in đậm dấu ấn lịch sử
và trở thành tài sản quý báu của dân tộc.
1.1.2.2. Khí hậu
Sách Đồng Khánh địa dư chí có viết về khí hậu Chí Linh như sau “Mùa xuân
mưa nhiều. Mùa hè nắng nhiều. Mùa thu, mùa đông ít mưa, nhiều ngày trời quang
mây tạnh. Các xã ven núi rét nhiều hơn nơi khác. Đến cuối xuân tiết trời vẫn còn
rét. Núi Côn Sơn ở xã Chi Ngại, khi trời nóng gắt nhất vào tiết tháng 6, tháng 7 nếu
thấy trên đỉnh núi có vệt khí đen bốc lên mờ mờ thì sau đó có mưa. Người quanh
vùng xem hiện tượng ấy để đoán thời tiết có mưa hay không (tục gọi là vệt Cây
Đước) [58, tr.108]. Nhìn chung khí hậu khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc là khí hậu
nhiệt đới gió mùa ẩm, một năm phân 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt, hay một mùa
khô và một mùa mưa. Mùa mưa ở đây thường đến sớm hơn khu vực khác, bắt đầu
từ tháng 4 với cường độ mưa lớn. Lượng mưa trung bình khoảng 1600 mm. Độ ẩm
trung bình 85 %. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,4 độ. Vào mùa đông lạnh,
nhiệt độ khu vực xuống thấp, thường có sương muối, sương giá. Các hiện tượng
15


thời tiết như giông bão, xói mòn, hạn hán… cũng xảy ra ở đây. Theo người dân địa
phương, những năm trước đây vào mùa khô hạn, ở Côn Sơn – Kiếp Bạc hay xảy ra

nạn cháy rừng, đặc biệt ở rừng thông. Gần đây, do ý thức người dân cũng như
khách tham quan du lịch, ý thức phòng hộ của cơ quan chức năng được nâng cao
nên nạn cháy rừng không xảy ra nữa. Cảnh quan môi trường khu vực được đảm bảo
hơn. Nhìn chung, do có vùng núi cao Tây Bắc Chí Linh và Bắc Giang che chắn nên
khí hậu ở khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc tương đối ổn định, thuận lợi cho cây trồng
vật nuôi phát triển cũng như sự định cư của con người.
1.1.2.3. Nguồn nước
Là khu vực có phần lớn diện tích là đồi núi, nhưng nguồn nước ở đây khá dồi
dào, bao gồm cả tài nguyên nước trên mặt và tài nguyên nước dưới đất.
Tài nguyên nước trên mặt trong khu vực chủ yếu ở các con sông như sông
Lục Đầu, sông Vang… các hồ như hồ Mật Sơn (62,5 ha), hồ Côn Sơn (42,80 ha),
hồ Trại Sen (6,48ha), hồ Phượng Hoàng (1,55 ha), hồ Lê Lợi… và các con suối ở
các núi Côn Sơn, Phượng Hoàng… vào mùa mưa. Trong đó dòng sông Lục Đầu
“quanh co, mênh mang không rõ đâu là bờ bến” không chỉ đóng vai trò quan trọng
trong giao thông đường sông mà còn là nguồn cung cấp nước chính phục vụ đời
sống nhân dân nơi đây. Dòng sông Vang không lớn, nhưng là dòng sông sâu và duy
nhất dẫn nước từ sông Thương vào thung lũng, cung cấp nước cho khu vực thung
lũng miền núi xa bờ sông Thương. Khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc có khá nhiều hồ là
nơi tiêu nước vào mùa mưa và dự trữ nước vào mùa khô. Đối với một miền trung du
đa số là đồi núi thì việc các hồ tồn tại rải rác trong khu vực đã giảm tải nỗi lo cho
người dân về vấn đề nguồn nước, đặc biệt vào mùa khô.
Tài nguyên nước dưới đất ở khu vực phổ biến là nước ngầm thuộc tầng chứa
nước lỗ hổng, áp lực trong trầm tích Pleistocen (kí hiệu là tầng chứa nước qp). Tầng
chứa nước qp có mặt ở hầu hết các nơi trên địa bàn Hải Dương. Nước trong tầng từ
nhạt, lợ, đến mặn. Khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc nằm trong diện phân bố của nước
nhạt – là nguồn nước ngầm có chất lượng tốt. “Trong những vùng nước nhạt của
tầng chứa nước qp, nước không bị nhiễm bẩn bởi hàm lượng Niterat, niterit, NH4-,
BOD, COD, PO4-, các nguyên tố vi lượng độc hại, dư lượng thuốc trừ sâu, phóng
16



xạ đều nằm trong giới hạn cho phép, nước đạt tiêu chuẩn cho ăn uống và sinh hoạt,
riêng hàm lượng sắt phải xử lý trước khi đưa vào sử dụng” [69, tr179-180]. Điều
này lí giải tại sao trong chùa Côn Sơn có giếng Ngọc, đền Kiếp Bạc có giếng Măt
Rồng nước quanh năm trong mát, du khách xa gần đến thăm quan, lễ bái đều muốn
uống những ngụm nước trong những giếng này, một phần vì tâm linh, nhưng một
phần cũng do chất nước trong sạch, mát lành. Cư dân trong khu vực hiện nay vẫn
tận dụng khai thác nguồn nước quà tặng của thiên nhiên này.
Như vậy có thể thấy nguồn nước trong khu vực không phong phú và đa dạng
như ở khu vực đồng bằng phía Nam tỉnh Hải Dương, nhưng nhìn chung lượng nước
và chất nước đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt của cư dân nơi đây.
1.1.2.4. Động thực vật
Là miền trung du nên động thực vật ở Côn Sơn – Kiếp Bạc khá phong phú và
đa dạng. Trong đó có nhiều loại quý hiếm và được nhà nước xếp vào hàng những
động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn.
Theo kết quả điều tra năm 2011 và 2012 của Sở Khoa học và Công nghệ
phối hợp với Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và
Công nghệ Việt Nam) ở 8 xã, phường thuộc thị xã Chí Linh là Hoàng Hoa Thám,
Bắc An, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, An Lạc, Cộng Hòa, Văn An và Lê Lợi thì có
khoảng gần 1.200 loài sinh vật, trong đó có nhiều loài sinh vật có giá trị về bảo tồn
nguồn gien và giá trị kinh tế. Cụ thể là 645 loài thực vật; 44 loài thú; 147 loài
chim;66 loài bò sát, ếch nhái; 208 loài côn trùng; 53 loài thực vật nổi; 36 loài động
vật nổi; 53 loài động vật đáy; 53 loài cá. Trong số các loài sinh vật điều tra, có 302
loài thực vật có giá trị dùng làm thuốc, 102 loài làm thực phẩm, 112 loài gỗ, 85 loài
dùng làm cảnh, 65 loài dùng chế biến sợi. Bên cạnh đó, nhiều loài sinh vật có giá trị
bảo tồn nguồn gen, được ghi trong Sách đỏ 2007, Danh lục đỏ IUCN 2010 và NĐ
32/2006, bao gồm: 18 loài thực vật, 2 loài thú, 13 loài chim, 10 loài bò sát, 2 loài
côn trùng,... Đặc biệt, đề tài đã phát hiện ra 2 loài tôm mới cho khoa học, trong đó
có một loài tôm giống Macrobrachium Bate đã được công bố trên tạp chí khoa học
của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.


17


1.1.2.5. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản trong khu vực chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản phi kim. Bao
gồm nhiều loại có trữ lượng lớn và chất lượng tốt như sét chịu lửa, cuội kết thạch
anh, cuội sỏi…
Sét chịu lửa phân bố dải rác ở vùng ruộng và gò đồi khắp thị xã Chí Linh,
nhưng có ý nghĩa nhất và giá trị nhất là mỏ sét chịu lửa ở Trúc Thôn (thuộc phường
Cộng Hòa). Mỏ có quy mô lớn với chiều dài ~ 3000 m, bề dày 15 m, sét có nguồn
gốc trầm tích, trữ lượng cung cấp đạt 8478 nghìn tấn. Hiện nay mỏ đang được khai
thác phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất gốm, sứ như gốm Chu Đậu, gốm sứ
Bát Tràng, sứ Hải Dương…
Cuội kết thạch anh: các lớp cuội kết thạch anh nằm ở nhân nếp lõm của hệ
tầng Hòn Gai, được phân thành hai dải: dải thứ nhất từ Bến Tắm đến Bắc Đẩu, dài
khoảng 7km, có đỉnh núi Ngũ Nhạc cao 238m, rộng khoảng 2km; dải thứ hai từ Mật
Sơn đến Phả Lại, dài khoảng 7km, rộng khoảng 3,5 km, có đỉnh núi Phượng Hoàng
cao 227m. Trữ lượng dự báo khoảng trăm triệu mét khối, được khai thác sử dụng
cho công nghệ xây dựng, đá xẻ, trang trí khu vườn hoa, công viên, khu du lịch…
Cuội sỏi: có hai mỏ Trúc Cương và Làng Sui thuộc phường Cộng Hòa. Chất
lượng cuội sỏi tốt. Trữ lượng hai mỏ đạt 2 triệu mét khối. Hiện nay nhân dân địa
phương đang khai thác làm vật liệu xây dựng và sản xuất thủy tinh.
Ngoài những khoáng sản phi kim điển hình trên, trong khu vực còn có một
số loại khác như cao lanh, cát thủy tinh… tuy nhiên trữ lượng không đáng kể.
1.2. Quá trình hình thành cộng đồng dân cƣ khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc
1.2.1. Từ những cư dân đầu tiên cho đến thế kỷ X

Hải Dương là một tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ - cái nôi của nền
văn minh sông Hồng. Các công trình khảo cổ học trên đất Hải Dương đã chứng

minh được rằng con người có mặt trên đất Hải Dương từ rất sớm. Hang Thánh Hóa
và hang Tối ( núi Nhẫm Dương - xã Duy Tân – huyện Kinh Môn) là di tích khảo cổ
học quan trọng của cả nước. Tại đây, đã tìm được di cốt hóa thạch của 27 loài động
vật như voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím... và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng
Pôngô (đười ươi) (có niên đại cách đây 5 -7 vạn năm). Ở Kinh Môn và Chí Linh,
18


nhân dân đã phát hiện rải rác những rìu đá nhỏ dạng Phùng Nguyên. Ngoài ra, ở hầu
hết các huyện trên địa bàn Hải Dương đều tìm thấy những dụng cụ sản xuất, sinh
hoạt, những ngôi mộ cổ thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt, đặc biệt là những ngôi mộ
thuộc văn hóa Đông Sơn có quan tài hình thuyền kèm theo những đồ tùy táng ở La
Đôi (Nam Sách), Vũ Thượng (Kim Thành), Đông Quan (Gia Lộc), Kiệt Thượng
(Chí Linh)… Điều đó chứng tỏ con người đã đến đất Hải Dương ngay từ những
ngày sơ khai và góp phần tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ. Ở khu vực Côn
Sơn – Kiếp Bạc chưa có một công trình nghiên cứu nào cụ thể về việc hình thành và
phát triển của cộng đồng cư dân nơi đây, nhưng dựa theo những gia phả, những câu
chuyện truyền miệng của nhân dân,… có thể khẳng định con người đã đến và định
cư ở đây từ 2000 năm về trước. Lịch sử đảng bộ địa phương các xã, phường trong
khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc đã viết về những cư dân đầu tiên xuất hiện trên mảnh
đất của họ như sau: “Đất Cộng Hòa thời xa xưa chỉ có cỏ dại, lau sậy mọc um tùm,
chim muông thú rừng sinh sống. Theo những câu chuyện truyền thuyết thì nơi đây
ngay từ những năm đầu Công nguyên đã có người sinh sống. Còn theo thư tịch,
sách viết về chùa Côn Sơn và gia phả của một số dòng họ thì từ thời Đinh (thế kỉ
10) cách đây 1000 năm, những người về đây sinh sống lập trại ấp với nhiều dòng
họ và tên gọi khác nhau.” [1, tr 9-10]. Hay “thời nhà Ngô (939 – 948) có ông
Nguyễn Duy Khoản và con trai là Nguyễn Duy Nghiễm đã chiêu binh đánh tan giặc
Tầu. Giặc tan, bố con ông và một số binh sĩ đã về mảnh đất này khai hoang lập ấp
làm ăn sinh sống. Từ đó cư dân ở nơi khác cũng đến đây lập nghiệp” [3, tr.12].
“Hưng Đạo là một trong những điểm dân cư hình thành sớm ở Việt Nam” [5, tr.11],

“đất thơm cò đậu, do những tiềm năng to lớn về kinh tế nên từ rất sớm, Hưng Đạo
đã thu hút dân cư từ các nơi về đây lập nghiệp, dần dần các trại ấp, làng xóm ra
đời” [5, tr.11]. Từ năm 1972 đến nay, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ
học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bảo tàng Hải Dương cùng các chuyên gia trong và
ngoài nước đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến
hành nhiều đợt điều tra, thám sát khảo cổ trong khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc và đã
thu được những kết quả mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Với hàng chục nghìn di
vật, hiện vật và sự đa dạng về các loại hình như kiến trúc, Mộ tháp, Kho tàng, Lò
19


gốm, Cư trú… phong phú về chất liệu như đồ gốm, sành, sứ, đá, kim loại,… có ý
nghĩa quan trọng trong việc bổ sung, cung cấp trữ liệu thông tin, mang lại giá trị
toàn diện và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nó không chỉ cung cấp nguồn tư liệu gốc
về lịch sử danh nhân, lịch sử khu di tích, vai trò vị thế của khu di tích ở các thời đại
mà nó còn góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành phát triển các khu vực di tích
Côn Sơn – Kiếp Bạc và khu vực cư trú cổ của cư dân địa phương. Ở núi Phượng
Hoàng, nhân dân đã phát hiện những rìu đá mà theo các nhà nghiên cứu là thuộc
văn hóa Phùng Nguyên. Tháng 7 – 2000, Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp với
Ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc tiến hành khai quật ở khu di tích Kiếp Bạc
đã phát hiện ra “dấu tích mộ Hán” ở khu vực Từ Cũ, [7, tr.11], “vò gốm thuộc thời
Hán” ở Viên Lăng [7, tr.15] … Tiến sĩ Lê Duy Mạnh (Phó Ban quản lý di tích Côn
Sơn – Kiếp Bạc) trong quá trình nghiên cứu, điền dã, nghiên cứu ở hai làng Vạn
Yên và Dược Sơn (xã Hưng Đạo) đã cho rằng “từ thế kỉ I – II đã có quá trình khai
phá vùng đất này”, “làng Vạn Yên được hình thành từ rất sớm thuộc về lớp văn hóa
Hùng Vương, những cư dân cổ xưa làm nghề đánh cá trồng lúa nước” [25, tr. 290];
“vào những năm 60 của thế kỉ trước đã phát hiện một bộ sưu tập đồ đồng Đông
Sơn, gồm chậu đồng, nhạc đồng ở chân núi Dược Sơn, chứng tỏ vào những thế kỉ
trước Công nguyên mảnh đất này đã có người đến cư trú. Như vậy cũng giống như
làng Vạn Yên, làng Bạc (Dược Sơn) thuộc về lớp văn hóa Hùng Vương” [25,

tr.294]. Tính chất cổ xưa của các làng xã ở đây còn được phản ánh qua hệ thống thờ
Thần, Thành hoàng làng. Dựa trên những thần tích – sắc phong, những phong tục
thờ cúng còn tồn tại đến ngày nay, thì đa số các làng đều thờ Đức Cao Sơn và Đức
Quý Minh đại vương – hai vị tướng thời Hùng Vương:
Hương ước làng Kinh Trung (Văn An – Chí Linh) điều 86 mục Tế tự có ghi
“làng có 1 đình thờ Đức Cao San, 2 cái chùa, 1 cái chùa đá, 1 cái chùa dê, 3 cái
nghè, nghè Đông, nghè Tây và nghè Bơi” [32, tr.1].
Thần tích – Thần sắc làng Vạn Yên: “ I. Làng chúng tôi là làng Vạn Yên, tên
nôm là Kiếp, thuộc tổng Trạm Điền, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
II. Làng chúng tôi thờ hai vị thần Thành Hoàng là:
1. Hiệu thường gọi là Đức Cao Sơn.
20


2. Hiệu thường gọi là Đức Bản Cảnh” [68, tr.1].
Vị Cao Sơn nhiều làng cùng thờ. Chúng tôi biết đich trong tổng chúng tôi có làng
Trung Quê, Trạm Điền, nhưng không có giao hiếu và cũng không kiêng kỵ giai gái
lấy nhau gì cả” [67, tr.2].
Thần tích – thần sắc làng Đại Bát – tổng Chi Ngãi :“ II. Làng chúng tôi thờ 4
vị thần Thành hoàng:
1. Đức Linh Ứng Hiển Liệt
2. Đức Cao Sơn Quý Minh
3. Điện Pháp Địa Kỳ Đại Vương.
4.Tam Lang Tràng Cây Sai Đại Vương” [66, tr.1]
Thần tích – Thần sắc làng Tường Thôn – tổng Kiệt Đặc: “II. Làng chúng tôi
thờ 3 vị thần Thành hoàng:
1.Vị Quốc Phụ Thượng Tể Thần.
2.Vị Cao Sơn Quý Minh Thần.
3.Vị Chinh Khiết Công Chúa…Thần” [65, tr.1].
Thần tích – Thần sắc làng Mật Sơn – Tổng Kiệt Đặc: “Làng chúng tôi thờ 4

vị thần Thành hoàng: 1.Vị Cao Sơn Quý Minh Tôn Thần…” [67, tr.1].
Trong quá trình điền dã, tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy rằng thời
kỳ Bắc thuộc và đầu phong kiến tự chủ, Côn Sơn – Kiếp Bạc ít được nhắc đến trong
sử sách. Dấu ấn lịch sử, văn hóa của khu vực trong giai đoạn này được biết đến chủ
yếu là một số ít kết quả của khảo cổ học. Một số nhà khoa học cho rằng thời kỳ đầu
công nguyên, khu vực Côn Sơn – Kiếp Bạc có thể là vùng chiến trường Lãng Bạc
của Hai Bà Trưng, thời Đường chính là Lãng Châu: “Chúng tôi dựa theo sách An
Nam tức sự của Trần Phu (sứ thần nhà Nguyên) chép Vạn Kiếp đời Đường là lãng
châu và tiến hành khảo sát khu vực Vạn Kiếp và các vùng lân cận để tìm kiếm mối
quan hệ giữa Lãng Châu và Lãng Bạc. Khu vực phía trong Vạn Kiếp (tức phía
trong Lãng Châu) nay thuộc huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, nơi có gò đất cai nổi
lên giưa khu đồng trũng nước ngập (đúng như mô tả của Thủy kinh chú và Hậu
Hán thư về vùng Lãng Bạc). Đây chính là đầu mối hội tụ của các luồng đường giao
thông thủy bộ quan trọng nhất nối thông vùng Đông Bắc với trung tâm Mê Linh –
21


×