Tải bản đầy đủ (.pdf) (23 trang)

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH VÀ CÁC KỸ THUẬT SỬ DỤNG TRONG KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (625.79 KB, 23 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG SẴN SÀNG ĐI HỌC
CHO TRẺ MẦM NON

MODULE 4

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH
VÀ CÁC KỸ THUẬT SỬ DỤNG TRONG KIỂM ĐỊNH
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
(Dành cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non)

TÀI LIỆU BỔ TRỢ
1


MỤC LỤC
A. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN ............................................................................ 3
B. MỤC TIÊU ....................................................................................................... 4
C. TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................ 4
D. CÁC HOẠT ĐỘNG ......................................................................................... 5
Hoạt động 1. Nghiên cứu định tính ............................................................... 5
Hoạt động 2. Kỹ thuật phỏng vấn ................................................................. 9
Hoạt động 3. Kỹ thuật quan sát ................................................................... 16
Hoạt động 4. Kỹ thuật thảo luận nhóm ....................................................... 19

2


A. GIỚI THIỆU TỔNG QUAN
Trong các hoạt động đánh giá nói chung, hoạt động kiểm định chất lượng
giáo dục nói riêng, phương pháp nghiên cứu định tính thường được sử dụng để


đánh giá các tiêu chí, chỉ số trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, đặc
biệt là những tiêu chí mang tính chất định tính.Vì vậy, nghiên cứu định tính là
những phương pháp rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả kiểm định
chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để giúp cán bộ quản lý và giáo viên hiểu về ba phương pháp nghiên cứu
định tính cơ bản phải sử dụng trong hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài
trường mầm non, Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non
cung cấp tài liệu này để các cấp quản lý và các nhà trường tham khảo.
Nội dung của module:
1. Giới thiệu về phương pháp nghiên cứu định tính, phân biệt được các
phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính, cách chọn mẫu
trong nghiên cứu định tính.
2. Giới thiệu về phương pháp phỏng vấn; cách thực hiện phỏng vấn;
những ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng phương pháp
phỏng vấn.
3. Giới thiệu về phương pháp quan sát; những ưu điểm, nhược điểm,
những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng phương pháp quan sát và cách sử dụng
phương pháp quan sát trong đánh giá ngoài.
4. Giới thiệu về phương pháp thảo luận nhóm; nội dung, phương pháp,
hình thức thảo luận nhóm; những ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề cần lưu ý
khi sử dụng phương pháp thảo luận nhóm và cách sử dụng phương pháp thảo
luận nhóm trong đánh giá ngoài.
Thời gian học tập: 30 tiết (Lý thuyết: 10 tiết; thảo luận, thực hành: 10
tiết; tự nghiên cứu: 10 tiết).
Hình thức học: Hướng dẫn từ xa qua forum, kết hợp giữa việc đọc,
nghiên cứu tài liệu với trao đổi, thảo luận, thực hành.
3


Thực hiện chương trình: Tư vấn Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng

đi học cho trẻ mầm non.
Đơn vị tổ chức thực hiện: Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học
cho trẻ mầm non.
B. MỤC TIÊU
1. Về kiến thức
- Hiểu được những vấn đề cơ bản về phương pháp nghiên cứu định tính;
- Phân biệt được phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp
nghiên cứu định lượng;
- Hiểu được những nội dung cơ bản về kỹ thuật phỏng vấn, kỹ thuật quan
sát và kỹ thuật thảo luận nhóm.
2. Về kỹ năng
- Biết cách sử dụng kỹ thuật phỏng vấn, kỹ thuật quan sát và kỹ thuật
thảo luận nhóm trong hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài trường mầm non;
- Củng cố và phát triển kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng làm việc nhóm
và khả năng tư duy phản biện.
3. Về thái độ
Phát triển ý thức làm việc chủ động, tích cực, sáng tạo.
C. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào
tạo (2012), Tài liệu tập huấn tự đánh giá trường mầm non, Hà Nội.
2. Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào
tạo (2012), Tài liệu tập huấn đánh giá ngoài trường mầm non, Hà Nội.
3. Nguyễn Đại Dương (2012), “Một số vấn đề về tự đánh giá trường mầm
non”, Tài liệu bồi dưỡng giáo viên, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Nguyễn Đại Dương (2013), “Đánh giá ngoài trường mầm non”, Tạp chí
Giáo dục Mầm non, Số 2, Hà Nội.

4



5. Vũ Cao Đàm (1996), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb
Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội.
6. Phương Kỳ Sơn (2001), Phương pháp nghiên cứu khoa học, Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
D. CÁC HOẠT ĐỘNG
Hoạt động 1. Nghiên cứu định tính
Thảo luận về những nội dung sau:
1. Nghiên cứu định tính là gì?
2. Nguồn gốc của các phương pháp nghiên cứu định tính?
3. Sự khác nhau giữa nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính như
thế nào?
4. Cách chọn mẫu trong nghiên cứu định tính như thế nào?
Thông tin phản hồi
1. Khái niệm
Nghiên cứu là một quá trình tìm kiếm các tri thức được khái quát hóa để
có thể áp dụng vào việc giải thích cho một loạt các hiện tượng. Để làm được
điều đó người nghiên cứu phải xác định “nguồn” (nơi có thể thu thập được số
liệu, tư liệu, dẫn liệu,... thích hợp). Khi nguồn đã được xác định, người nghiên
cứu phải lựa chọn phương pháp thu thập cho phép thu được số liệu tốt nhất. Tuy
nhiên, trong thực tế, việc sử dụng phương pháp nào lại phụ thuộc vào những
thông tin thu thập (số liệu, tư liệu, dẫn liệu,...). Khi thu thập những thông tin định
lượng thì cần sử dụng các phương pháp định lượng. Khi cần thu thập những thông
tin định tính thì sử dụng các phương pháp định tính.
Nghiên cứu định tính là phương pháp tiếp cận nhằm tìm cách mô tả, phân
tích đặc điểm văn hóa và hành vi của con người và của nhóm người từ quan
điểm của nhà nghiên cứu. Nghiên cứu định tính cung cấp thông tin toàn diện về
các đặc điểm của môi trường xã hội nơi nghiên cứu được tiến hành.
Nghiên cứu định tính dựa trên một chiến lược nghiên cứu linh hoạt và có
tính biện chứng. Phương pháp này cho phép phát hiện những chủ đề quan trọng
5



mà các nhà nghiên cứu có thể chưa bao quát được trước đó. Trong nghiên cứu
định tính, một số câu hỏi nghiên cứu và phương pháp thu thập thông tin được
chuẩn bị trước nhưng chúng có thể được điều chỉnh cho phù hợp khi những
thông tin mới xuất hiện trong quá trình thu thập. Đó là một trong những đặc
điểm cơ bản của phương pháp định tính.
2. Nguồn gốc của các phương pháp nghiên cứu định tính
Phương pháp nghiên cứu định tính được phát triển và sử dụng đầu tiên
trong các nghiên cứu nhân chủng học, một bộ môn của khoa học xã hội. Các nhà
nhân chủng học đi đến các cộng đồng mà họ muốn nghiên cứu và sống ở đó một
thời gian dài để quan sát người dân, tìm hiểu những nguyên nhân chi phối hành
vi ứng xử của họ. Để có được những thông tin sâu, các nhà nhân chủng học
thường sử dụng các kỹ thuật như phỏng vấn phi cấu trúc, thu thập lịch sử đời
sống, thảo luận nhóm. Ngày nay, các kỹ thuật đó được sử dụng rộng rãi không
chỉ trong phạm vi của nhân chủng học mà còn ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
khác nhau.
3. Nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính
Nghiên cứu định lượng là việc sử dụng các phương pháp khác nhau (chủ
yếu là thống kê) để lượng hóa, đo lường, phản ánh và diễn giải các mối quan hệ
giữa các nhân tố (các biến) với nhau. Một ví dụ điển hình của phương pháp này
là điều tra định lượng. Điều tra định lượng cho phép suy luận thống kê từ kết
quả thu được ở các mẫu tương đối nhỏ để suy ra quần thể lớn hơn; nó cũng cho
phép đo lường và đánh giá mối liên quan giữa những biến số; tiến hành điều tra
khá dễ, triển khai nhanh chóng và kết quả thu được từ các cuộc điều tra tốt có
thể sử dụng để so sánh theo thời gian hoặc giữa các vùng. Tuy nhiên, điều tra có
một số nhược điểm và cần được sử dụng một cách thận trọng. Đáng lưu ý nhất là
những sai số không do chọn mẫu, ví dụ người được hỏi trả lời không đúng các
câu hỏi vì không nhớ hoặc do hiểu sai hoặc cố tình nói dối. Những nhược điểm
cơ bản nhất là:


6


- Sự phiên dịch lại về mặt văn hóa: Xảy ra khi đối tượng nghiên cứu
không hiểu câu hỏi như ý định của nhà nghiên cứu mà lại hiểu khác đi và trả lời
theo cách hiểu của họ.
- Những sai số ngữ cảnh: Câu trả lời của đối tượng có thể thay đổi phụ
thuộc vào các ngữ cảnh khác nhau.
Nghiên cứu định tính cho phép người nghiên cứu hạn chế các sai số ngữ
cảnh bằng cách sử dụng kỹ thuật phỏng vấn và tạo ra một môi trường phỏng vấn
mà trong đó đối tượng cảm thấy thoải mái nhất.
Các phương pháp thu thập thông tin khác nhau đem lại những thông tin
khác nhau. Vì vậy trước khi quyết định sử dụng phương pháp nào cần phải xác
định loại thông tin nào cần thiết nhất cho mục đích nghiên cứu. Các phương
pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng có thể kết hợp để bổ sung
cho nhau. Mối quan hệ đó thể hiện ở những điểm sau đây:
- Nghiên cứu định tính có thể hỗ trợ cho nghiên cứu định lượng bằng cách
xác định các chủ đề phù hợp với phương pháp điều tra.
- Nghiên cứu định lượng có thể hỗ trợ cho nghiên cứu định tính bằng cách
khái quát hóa các phát hiện ra một mẫu lớn hơn hay nhận biết các nhóm cần
nghiên cứu sâu.
- Nghiên cứu định tính có thể giúp giải thích các mối quan hệ giữa các
biến số được phát hiện trong các nghiên cứu định lượng.
Sự phân biệt định tính và định lượng trong một số trường hợp chỉ có tính
tương đối. Đôi khi khó tách biệt rạch ròi đâu là định tính, đâu là định lượng. Hầu
hết các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu xã hội học đều có mặt định
tính và mặt định lượng của nó.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu xã hội học thường xếp quan sát vào nhóm các
phương pháp định tính, nhưng quan sát cũng có thể là định lượng chứ không chỉ

thuần tuý định tính. Nếu thông tin thu thập từ phương pháp quan sát mà có thể
lượng hoá và được phân tích định lượng thì lúc đó phương pháp này sẽ được xếp
vào định lượng, còn khi thông tin không được lượng hoá và chỉ được phân tích
định tính thì nó sẽ được xếp vào nhóm định tính.
7


Phương pháp bảng hỏi soạn sẵn cũng như vậy, các câu hỏi mở trong bảng
hỏi soạn sẵn cũng có thể được dùng để phân tích định tính, trong khi những
thông tin từ phỏng vấn sâu lại có thể được sử dụng để phân tích định lượng.
Những ai biết sử dụng phần mềm xử lý các thông tin định tính đều biết rằng
phần mềm này cho phép thực hiện phép đếm trong các dữ liệu định tính và cho
chúng ta đầu ra là một bảng dữ liệu để có thể dùng để xử lý định lượng được.
4. Chọn mẫu trong nghiên cứu định tính
Vì không có đủ thời gian và nguồn lực để có thể phỏng vấn hoặc quan sát
từng cá nhân trong một tập thể có số lượng lớn, do đó phải tiến hành chọn mẫu
đại diện để nghiên cứu.
Có hai cách chọn mẫu chủ yếu:
4.1. Chọn mẫu xác suất ngẫu nhiên
Chọn mẫu xác suất ngẫu nhiên sẽ bảo đảm kết quả thu được mang tính đại
diện có ý nghĩa thống kê cho quần thể nghiên cứu mà từ đó mẫu được rút ra.
Mẫu chọn xác suất bao gồm các mẫu ngẫu nhiên đơn, mẫu ngẫu nhiên phân tầng
và mẫu chùm:
- Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn: Cho phép khái quát hóa kết quả từ mẫu tới
quần thể nghiên cứu mà nó đại diện.
- Chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng hoặc mẫu chùm: Tăng mức độ tin cậy trong
việc đưa ra các khái quát hóa cho từng phân nhóm cụ thể hay từng vùng cụ thể.
4.2. Chọn mẫu không ngẫu nhiên hay chọn mẫu có mục đích
Chọn mẫu không ngẫu nhiên có thể có tính đại diện về mặt lý thuyết cho
quần thể nghiên cứu nếu sử dụng tối đa phạm vi và sự đa dạng của đối tượng

nghiên cứu. Khi chọn mẫu theo cách này cần chú ý những vấn đề sau:
- Cần chọn đối tượng cung cấp thông tin có tính đại diện cho một số đặc
điểm quan trọng đối với chủ đề nghiên cứu (ví dụ đặc điểm địa lý, nhóm dân
tộc, học vấn, tuổi,...). Trong trường hợp này, một số lượng nhỏ đối tượng nghiên
cứu được chọn một cách đặc biệt có thể cung cấp một lượng thông tin xác thực
và có tính đại diện.
8


- Chọn các trường hợp có thể cung cấp nhiều thông tin cho nghiên cứu
sâu. Số lượng và trường hợp cụ thể phụ thuộc vào mục đích nghiên cứu.
- Chọn đối lập hay chọn lệch: Tìm hiểu từ các biểu hiện đi lệch một cách
khác thường của các hiện tượng ta đang quan tâm.
- Chọn với cường độ mạnh: Những trường hợp mà có nhiều đặc điểm của
hiện tượng ta đang quan tâm và cung cấp được nhiều thông tin (nhưng không
phải là trường hợp quá lệch).
- Chọn mẫu với mức độ đa dạng tối đa (chọn có chủ định một khoảng
thay đổi rộng của các đặc điểm ta quan tâm): Ghi chép các trường hợp duy nhất
hay các sự biến đổi khác nhau mà có thể giúp xác định được các mô hình thông
thường, mật độ thông thường khi tiến hành nghiên cứu qua sự thay đổi đó.
- Chọn mẫu đồng nhất: Tập trung vào các đối tượng có đặc điểm giống
nhau đơn giản cho việc phân tích, giúp đỡ cho việc phỏng vấn nhóm.
- Chọn trường hợp điển hình: Làm rõ hay nhấn mạnh cái gì là điển hình,
thông thường và trung bình.
- Chọn mẫu có mục đích phân tầng (chọn người cung cấp thông tin từ các
tiểu nhóm đối tượng): Minh họa các đặc điểm của từng nhóm cụ thể ta quan
tâm; hỗ trợ cho việc so sánh.
- Chọn trường hợp, địa điểm nghiên cứu, sự kiện, cá nhân giúp nhấn mạnh
một lý thuyết nào đó và thu thập thông tin đến mức tối đa khi các nguồn lực hạn
chế có thể làm ảnh hưởng đến số lượng địa điểm nghiên cứu hay cỡ mẫu chung.

Hoạt động 2. Kỹ thuật phỏng vấn
Thảo luận về những nội dung sau:
1. Phỏng vấn là gì?
2. Có mấy loại phỏng vấn?
3. Phỏng vấn có những ưu điểm,nhược điểm gì?
4. Khi phỏng vấn cần lưu ý những vấn đề gì?
5. Thực hiện phỏng vấn sâu như thế nào?
Thông tin phản hồi
1. Khái niệm
9


Phỏng vấn là một kỹ thuật thu thập dữ liệu trong đó người hỏi đặt câu hỏi
bằng miệng cho người được phỏng vấn và người được phỏng vấn đáp lại bằng
miệng (Gliner và Morgan, 2000).

10


2. Các loại phỏng vấn
2.1. Phỏng vấn không cấu trúc
Phỏng vấn không cấu trúc là kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trong
nghiên cứu xã hội. Khi sử dụng kỹ thuật này người phỏng vấn phải nhớ một số
chủ đề cần phỏng vấn và có thể sử dụng một danh mục chủ đề để khỏi bỏ sót
trong khi phỏng vấn. Người phỏng vấn có thể chủ động thay đổi thứ tự của các
chủ đề tuỳ theo hoàn cảnh phỏng vấn và câu trả lời của người được phỏng vấn.
Phỏng vấn không cấu trúc giống như nói chuyện, làm cho người được
phỏng vấn cảm thấy thoải mái và cởi mở trả lời theo các chủ đề phỏng vấn. Điều
cốt yếu quyết định sự thành bại của phỏng vấn không cấu trúc là khả năng đặt
câu hỏi khơi gợi một cách có hiệu quả, tức là khả năng kích thích người trả lời

cung cấp thêm thông tin.
2.2. Phỏng vấn bán cấu trúc
Phỏng vấn bán cấu trúc là kỹ thuật phỏng vấn dựa theo danh mục các câu
hỏi hoặc các chủ đề cần đề cập đến. Tuy nhiên thứ tự và cách đặt câu hỏi có thể
tuỳ thuộc vào ngữ cảnh và đặc điểm của đối tượng phỏng vấn.
Phỏng vấn được sử dụng để tìm hiểu thật sâu một chủ đề cụ thể, nhằm thu
thập đến mức tối đa thông tin về chủ đề đang nghiên cứu. Có thể sử dụng bản
hướng dẫn bán cấu trúc trên cơ sở những phỏng vấn thăm dò trước đó về chủ đề
nghiên cứu để có thể biết được câu hỏi nào là phù hợp.
Phỏng vấn này được sử dụng để thu thập thông tin toàn diện, có hệ thống
và sâu về các trường hợp đang quan tâm. “Một trường hợp” ở đây có thể là một
cá nhân, một sự kiện, một giai đoạn, một chương trình hay một cộng đồng.
Trong phỏng vấn bán cấu trúc, người ta thường sử dụng phỏng vấn sâu
(trình bày ở mục riêng) để thu thập chính xác đến mức tối đa thông tin về chủ đề
đang nghiên cứu.
2.3. Phỏng vấn có cấu trúc hoặc hệ thống

11


Phỏng vấn có cấu trúc hoặc hệ thốnglà kỹ thuật phỏng vấn tất cả các đối
tượng những câu hỏi như nhau. Thông tin thu được bằng kỹ thuật này có thể
bao gồm cả các con số và các dữ liệu có thể đo đếm được. Kỹ thuật này được
coi là một bộ phận trong nghiên cứu định tính vì chúng giúp cho việc mô tả và
phân tích các đặc điểm văn hóa và hành vi của đối tượng nghiên cứu.
Kỹ thuật này nhằm phát hiện và xác định rõ các phạm trù văn hóa thông
qua sự tìm hiểu “những quy luật văn hóa” trong suy nghĩ của cá nhân, tìm hiểu
xem họ nghĩ và biết gì về thế giới xung quanh họ và cách họ tổ chức các thông
tin này như thế nào.
3. Ưu, nhược điểm của kỹ thuật phỏng vấn

3.1. Ưu điểm của phỏng vấn
- Do người phỏng vấn và đối tượng khảo sát tiếp xúc trực tiếp với nhau
nên kỹ thuật phỏng vấn cho phép thu thập được những thông tin về thực tại cũng
như các thông tin về suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của đối tượng.
- Bằng kỹ thuật phỏng vấn, các thông tin thu được có chất lượng cao, tính
chân thực và độ tin cậy của thông tin có thể kiểm nghiệm được trong quá trình
phỏng vấn.
- Phỏng vấn trực tiếp có tính linh hoạt cao nên có thể thu được nhiều
thông tin, thậm chí cả những thông tin qua ngôn ngữ không lời.
3.2. Nhược điểm của phỏng vấn
Mặc dù có những ưu điểm vừa nêu, phỏng vấn cũng có bốn nhược điểm:
Thông tin thu thập từ phỏng vấn đã được sàng lọc qua lăng kính của người được
phỏng vấn; các cuộc phỏng vấn cùng diễn ra ở một địa điểm được quy định thay
vì là ở một bối cảnh tự nhiên; sự có mặt của người phỏng vấn có thể làm cho các
câu trả lời bị thiên vị; không phải ai cũng đều có khả năng diễn đạt và cảm nhận
như nhau.
4. Các điều cần lưu ý khi phỏng vấn
Berg (2001) có đưa ra “10 điều răn trong phỏng vấn”:
- Thiết lập mối quan hệ tốt với người được phỏng vấn;
- Bám chặt mục đích phỏng vấn;
12


- Đặt câu hỏi một cách tự nhiên;
- Tập trung lắng nghe và thể hiện sự thông cảm;
- Ăn mặc thích hợp;
- Phỏng vấn ở một địa điểm thoải mái;
- Khuyến khích người được phỏng vấn trả lời nhiều hơn một từ;
- Thể hiện sự tôn trọng đối với người được phỏng vấn;
- Bày tỏ lòng cảm kích đối với người được phỏng vấn;

- Tập dượt nhiều lần.
Ngoài ra, khi phỏng vấn cần tránh ba loại câu hỏi sau:
- Câu hỏi sử dụng từ cảm xúc: Các cuộc phỏng vấn sử dụng câu hỏi có từ
cảm xúc thường dẫn đến những câu trả lời tiêu cực về mặt tình cảm. Ví dụ: từ
“tại sao” là từ dễ gây cảm xúc tiêu cực vì nó đặt người được phỏng vấn vào thế
phòng thủ, làm cho họ nghĩ rằng câu trả lời trước đó của họ có lẽ đã sai.
- Câu hỏi có sử dụng nhiều hơn một ý: Câu hỏi có nhiều hơn một ý là câu
hỏi có nhiều hơn một vấn đề đòi hỏi phải có nhiều hơn một câu trả lời với những
mức độ khác nhau hoặc trái ngược nhau.
- Câu hỏi sử dụng cấu trúc phức hợp: Câu hỏi có cấu trúc phức hợp có thể
sẽ là câu hỏi dài, khiến người được phỏng vấn có thể quên đi phần chính yếu của
câu hỏi, vì thế làm ảnh hưởng đến mức độ chính xác của thông tin.
5. Cách thực hiện phỏng vấn sâu
Phỏng vấn sâu là điển hình cho phỏng vấn bán cấu trúc. Chúng ta cùng
tìm hiểu kỹ hơn về hình thức phỏng vấn này.
5.1. Một số vấn đề về phỏng vấn sâu
Phỏng vấn sâu là những cuộc đối thoại được lặp đi lặp lại giữa nhà nghiên
cứu và người cung cấp thông tin nhằm tìm hiểu cuộc sống, kinh nghiệm và nhận
thức của người cung cấp thông tin thông qua chính ngôn ngữ của người ấy. Tuy
nhiên, phỏng vấn sâu có hạn chế sau đây:
- Các câu trả lời không được chuẩn hóa nên khó lượng hóa;
- Người phỏng vấn cần có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm;
- Việc phân tích tốn nhiều thời gian.
13


Nên sử dụng phỏng vấn sâu khi mà:
- Chủ đề nghiên cứu mới và chưa được xác định rõ;
- Nghiên cứu thăm dò, khi chưa biết những khái niệm và biến số;
- Cần tìm hiểu sâu;

- Cần tìm hiểu về ý nghĩa hơn là tần số.
Người thực hiện phỏng vấn sâu phải nắm rõ vấn đề nghiên cứu; được
huấn luyện tốt; có kinh nghiệm trong tiếp xúc với những người thuộc các
thành phần xã hội khác nhau. Họ cũng phải là người kiên nhẫn và biết lắng
nghe người khác.
Trong phỏng vấn sâu thường sử dụng các loại câu hỏi sau:
Câu hỏi mô tả: Yêu cầu đối tượng mô tả về sự kiện, người, địa điểm hay
kinh nghiệm của họ. Câu hỏi mô tả được sử dụng để bắt đầu cuộc phỏng vấn
làm cho đối tượng cảm thấy yên tâm vì tạo cho họ cảm giác chủ động.
Câu hỏi cơ cấu: Tìm hiểu xem đối tượng sắp xếp kiến thức của họ như
thế nào.
Câu hỏi đối lập: So sánh các sự kiện và trao đổi về ý nghĩa của các sự
kiện đó.
Câu hỏi về quan điểm: Tìm hiểu quá trình tư duy và phân tích của đối
tượng để biết họ nghĩ gì về những người nào đó, vấn đề, hay sự kiện nào đó.
Câu hỏi về cảm nhận: Tìm hiểu phản ứng tình cảm của đối tượng.
Câu hỏi về kiến thức: Tìm hiểu xem đối tượng thực sự có những thông tin
gì và quan điểm của họ về những điều đó.
Câu hỏi về cảm giác: Tìm hiểu về những gì mà đối tượng nhìn thấy,
nghe thấy và cảm thấy, ... Người được phỏng vấn mô tả về các tác động mà
họ là đối tượng.
Câu hỏi về tiểu sử: Tìm hiểu một số đặc điểm cá nhân của đối tượng.
5.2. Kỹ thuật phỏng vấn sâu
- Bắt đầu một cuộc phỏng vấn sâu:

14


Khẳng định với đối tượng về tính chất khuyết danh của cuộc phỏng vấn.
Giải thích tại sao bạn lại cho rằng ý kiến hay quan sát của họ về một chủ đề nào

đó là quan trọng.
Nói với đối tượng phỏng vấn rằng bạn đang cố gắng để học hỏi từ họ.
Khuyến khích họ ngắt lời bạn trong khi phỏng vấn nếu họ nghĩ ra điều gì quan trọng.
Hỏi ý kiến của đối tượng khi ghi âm cuộc phỏng vấn và ghi chép trong
quá trình phỏng vấn.
Luôn thành thật, thẳng thắn và thực sự quan tâm đến những gì mà đối
tượng nói với bạn.
- Hãy để cho đối tượng dẫn dắt:
Đối tượng phải hiểu câu hỏi; họ phải có những thông tin mà bạn cần; họ
phải sẵn sàng dành thời gian và công sức để nói chuyện với bạn; cố gắng tạo
được một quan hệ giao tiếp tự nhiên, an toàn, chân thành và thông cảm.
Tuy nhiên không nên để cho cuộc phỏng vấn trở thành một cuộc đối thoại
thông thường để tránh sự lan man vòng vèo, lạc đề. Quy tắc: Đưa đối tượng vào
chủ đề bạn quan tâm và để cho đối tượng được tự do. Hãy để cho đối tượng
cung cấp những thông tin mà họ cho là quan trọng.
- Sử dụng kỹ thuật thăm dò:
Im lặng: Im lặng chờ đợi đối tượng tiếp tục nói. Có thể đi kèm với cái gật
đầu và ánh mắt chờ đợi của bạn;
Nhắc lại: Nhắc lại câu cuối cùng mà đối tượng vừa nói và yêu cầu họ
nói tiếp;
Gật gù: Khuyến khích đối tượng bằng cách gật gù hoặc "vâng", "đúng
rồi",...;
Đặt câu hỏi dài: Đem lại nhiều câu trả lời hơn và dễ gây thiện cảm hơn.
Tuy nhiên, không nên lái đối tượng trả lời theo ý mình bằng cách đưa ra các câu
hỏi như "Ông có cho rằng ..."mà nên hỏi "Ông nghĩ thế nào về,...";
Đối phó với đối tượng nói nhiều, lạc đề: Những đối tượng nói nhiều cần
phải tìm cách ngắt lời, nhưng phải khéo léo, không làm họ phật ý;
15



Xác nhận: Hãy tỏ ra là bạn đã nắm được một số thông tin nào đó về chủ
đề của cuộc phỏng vấn để khiến đối tượng cởi mở hơn và đỡ áy náy hơn vì đã
tiết lộ thông tin.
- Nguyên tắc kết thúc phỏng vấn:
Giữ mối thiện cảm với đối tượng để có thể thực hiện được những cuộc
phỏng vấn sau;
Thể hiện thái độ biết ơn và trân trọng những thông tin mà đối tượng vừa
cung cấp.
- Một số cách để kết thúc cuộc phỏng vấn: nói rõ lý do kết thúc cuộc
phỏng vấn; đưa ra câu hỏi thông qua vấn đề đang nói tới; tóm tắt cuộc phỏng
vấn; nhận xét hoặc hỏi han các vấn đề cá nhân; biểu lộ bằng các cử chỉ; cảm ơn
và biểu lộ sự hài lòng.
- Những nguyên tắc cần tuân thủ:
Không làm điều gì bất lợi cho đối tượng bằng cách tiết lộ các thông tin mà
họ đã cung cấp cho bạn. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt phải đặt lợi ích của
cộng đồng lên trên.
Đôi khi đối tượng trở nên rất cởi mở và sẵn sàng thổ lộ với bạn những
điều rất riêng tư, sau đó họ cảm thấy hối hận và lo lắng. Nếu thông tin đó không
cần thiết hãy khéo léo hướng câu chuyện sang hướng khác. Nếu đó là những
thông tin cần thiết thì trước khi kết thúc phỏng vấn hãy chuyển sang một chủ đề
khác nhẹ nhàng hơn để đối tượng không cảm thấy nặng nề.
Hoạt động 3. Kỹ thuật quan sát
Thảo luận về những nội dung sau:
1. Quan sát là gì?
2. Có mấy loại quan sát?
3. Quan sát có những ưu điểm, nhược điểm gì?
4. Các yêu cầu cần đạt khi quan sát là gì?
5.Thực hiện quan sát như thế nào?
Thông tin phản hồi
1. Khái niệm

16


Đó là quá trình tri giác (mắt thấy, tai nghe) và ghi chép lại mọi yếu tố liên quan
đến đối tượng nghiên cứu, phù hợp với mục tiêu nghiên cứu,... nhằm mô tả,
phân tích, nhận định, đánh giá.
Quan sát trong KĐCLGD là sự xem xét bằng mắt về trường học, môi trường,
văn hoá, và sự tương tác giữa những con người với nhau,...
2. Các loại quan sát
2.1. Theo Creswell (1994), quan sát có thể được chia thành bốn loại:
- Tham gia hoàn toàn: Không tiết lộ vai trò nghiên cứu;
- Quan sát từ góc độ của người tham dự: Vai trò nghiên cứu được nói rõ;
- Tham gia từ góc độ của người quan sát: Quan sát đóng vai trò thứ yếu đối với
vai trò tham gia;
- Quan sát hoàn toàn: Người nghiên cứu quan sát mà không tham gia.
2.2. Cũng có người chia quan sát thành hai loại
- Quan sát trực tiếp: Quan sát và ghi chép hành vi của con người ngay tại bối
cảnh và thời gian thực tế diễn ra;
- Quan sát gián tiếp: Không quan sát trực tiếp hành vi mà đi thu thập các dấu
vết của hành vi còn sót lại (ví dụ: lịch hoạt động của phòng thí nghiệm, phòng
nghe nhìn,...).
2.3. Các hình thức quan sát
- Quan sát tham gia hoặc không tham gia;
- Quan sát công khai hay bí mật;
- Quan sát một lần hoặc quan sát lặp lại;
- Quan sát một hành vi hoặc quan sát tổng thể;
- Quan sát thu thập số liệu định tính hoặc quan sát thu thập số liệu định lượng.
3. Ưu điểm và nhược điểm của kỹ thuật quan sát
Quan sát có những ưu điểm cơ bản là giúp cho người nghiên cứu hiểu được bối
cảnh và cung cấp dữ liệu liên quan trực tiếp đến tình huống hành vi điển hình.

Tuy nhiên, khi quan sát nên chú ý đến 2 nhược điểm là tính “chủ quan” (ảnh
hưởng của chủ quan người quan sát) và sự can thiệp (sự dàn dựng riêng cho việc
quan sát).
17


4. Các yêu cầu cần đạt khi quan sát
- Xác định rõ mục tiêu quan sát;
- Xác định rõ tiêu chí, hành vi cần quan sát;
- Xác định rõ thời điểm quan sát;
- Ghi chép đầy đủ những gì nhìn thấy vào phiếu quan sát;
- Nhất quán trong cách thức tiến hành quan sát.
5. Cách thực hiện quan sát
5.1. Chuẩn bị quan sát
- Xác định rõ vấn đề, nội dung, tiêu chí và mục đích;
- Thiết lập một chương trình, kế hoạch quan sát;
- Chọn thời gian, địa điểm, đối tượng quan sát;
- Chuẩn bị các công cụ hỗ trợ (phiếu ghi kết quả quan sát);
- Chuẩn bị các trang thiết bị hỗ trợ (máy quay camera, mấy ảnh,...);
- Chọn cách thức quan sát;
- Lập kế hoạch xử lý và phân tích kết quả quan sát.
5.2. Thực hiện quan sát trong đánh giá ngoài
Trong quá trình tự đánh giá, kỹ thuật quan sát rất ít được sử dụng để thu thập
thông tin. Quan sát được sử dụng rất phổ biến khi đoàn đánh giá ngoài đến
trường để thu thập thông tin.
Kỹ thuật quan sát sẽ rất hữu ích để:
- Đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học;
- Đánh giá năng lực giảng dạy của giáo viên (thông qua dự giờ);
- Cung cấp thông tin định tính để bổ sung cho các thông tin định lượng trong
điều tra thu thập minh chứng để đánh giá các tiêu chí.

Trước chuyến khảo sát chính thức, trưởng đoàn và thư ký đoàn đánh giá ngoài
tiến hành khảo sát sơ bộ tại trường. Cần quan sát tất cả những vấn đề cần thiết
cho chuyến khảo sát chính thức của đoàn đánh giá ngoài.
Trên cơ sở kết quả quan sát trong chuyến khảo sát sơ bộ, trưởng đoàn cần xây dựng
một chương trình làm việc thật chi tiết, kể cả việc thiết lập sơ đồ của trường.
18


Khi đoàn đánh giá ngoài đến trường thực hiện chuyến khảo sát chính thức các
thành viên của đoàn, theo sự phân công nhiệm vụ cụ thể, tiến hành quan sát cách
bố trí của nhà trường, khung cảnh nhà trường, cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ
cho trẻ, quan sát hoạt động của giáo viên và nhân viên nhà trường; quan sát lớp
học hoặc một buổi hoạt động của trẻ,...
Trong khi thực hiện các cuộc phỏng vấn cũng rất cần quan sát để ghi lại những
gì mình nhìn thấy (cách bày trí văn phòng, ngôn ngữ, thái độ của đối tượng được
phỏng vấn, các yếu tố ngoại cảnh có thể ảnh hưởng đến cuộc phỏng vấn,…).
Trong khi thu thập thông tin, quan sát giúp chúng ta ghi nhận những vấn đề cấn
lưu ý, những chi tiết đặc biệt.
Để xử lý kết quả quan sát cần đối chiếu những ghi nhận của mình với các nguồn
dữ liệu khác nhằm nâng cao độ tin cậy của các kết luận, đồng thời có thể phát
hiện những vấn đề cần được làm rõ trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo.
Hoạt động 4. Kỹ thuật thảo luận nhóm
Thảo luận về những nội dung sau:
1. Thảo luận nhóm là gì?
2. Khi nào thì cần sử dụng thảo luận nhóm?
3. Thảo luận nhóm có những ưu điểm, nhược điểm gì?
4. Những vấn đề cần lưu ý khi thảo luận nhóm?
5. Cách tổ chức thảo luận nhómnhư thế nào?
Thông tin phản hồi
1. Khái niệm

Thảo luận nhóm là quá trình chia sẻ, phản hồi thông tin trong nhóm nhằm
tăng cường sự hiểu biết của các thành viên trong nhóm về các vấn đề cụ thể để
đi đến thống nhất trong cách phân tích, nhận định, đánh giá.
Một nhóm thường bao gồm những thành viên có chung một số đặc điểm
nhất định, phù hợp với chủ đề cuộc thảo luận (cùng một trình độ học vấn, cùng
một độ tuổi, cùng một giới tính, cùng một lĩnh vực chuyên môn, cùng một vấn
đề quan tâm,...).
2. Các trường hợp cần sử dụng thảo luận nhóm
19


Có thể sử dụng thảo luận nhóm trong các trường hợp sau:
- Khi muốn tìm hiểu sự khác nhau về quan điểm giữa các thành viên trong
nhóm;
- Khi cần thông tin định tính bổ sung cho các thông tin định lượng để phân tích,
đánh giá;
- Khi muốn có nhiều ý kiến từ các thành viên của nhóm để bảo đảm tính khách
quan trong nhận định, đánh giá;
- Khi muốn chất vấn, phản biện về mức độ tin cậy, tính đầy đủ, tính pháp lý,...
của các minh chứng.
Để quyết định có sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm trong những trường hợp cụ
thể, cần nêu và trả lời những câu hỏi sau:
- Thảo luận nhóm có phải là hình thức thích hợp nhất để hiểu rõ hơn vấn đề này
hay không?
- Cỡ của nhóm như thế nào là thích hợp?
- Đối tượng tham gia thảo luận nhóm là ai?
- Chủ đề và mục đích của cuộc thảo luận nhóm là gì?
- Các phương tiện nghe nhìn hỗ trợ gồm những gì?
3. Ưu điểm và nhược điểm của thảo luận nhóm
Thảo luận nhóm có những ưu điểm là:

- Cung cấp một khối lượng thông tin đáng kể một cách nhanh chóng;
- Rất có giá trị trong việc tìm hiểu quan niệm, thái độ và hành vi của cộng
đồng;
- Hỗ trợ việc xác định những câu hỏi phù hợp cho phỏng vấn cá nhân.
Tuy nhiên, thảo luận nhóm cũng có những hạn chế cơ bản sau:
- Khó kiểm soát động thái của quá trình thảo luận;
- Kết quả thảo luận nhóm thường khó phân tích;
- Số lượng vấn đề đặt ra trong thảo luận nhóm ít;
- Việc chi chép lại chi tiết của cuộc thảo luận nhóm tương đối khó.
4. Những vấn đề cần lưu ý khi thực hiện thảo luận nhóm
4.1. Xác định cỡ nhóm thảo luận
20


Sự phân loại cỡ nhóm chỉ có tính tương đối. Người ta thường chia cỡ của nhóm
thảo luận thành 3 loại: nhóm nhỏ, nhóm vừa, nhóm lớn,...
- Nhóm nhỏ: Có khoảng 3 đến 9 thành viên.
- Nhóm vừa: Có khoảng từ 10 thành viên đến vài chục thành viên.
- Nhóm lớn: Có thể gồm hàng trăm thành viên.
Tuỳ tình huống, điều kiện và tuỳ vấn đề cần thảo luận mà quyết định chọn hình
thức thảo luận theo cỡ nhóm nào cho phù hợp. Tuy nhiên một nhóm thảo luận lý tưởng
là khoảng 5 đến 7 thành viên. Kinh nghiệm cho thấy một nhóm quá nhiều thành viên
thì thường các thành viên ít có cơ hội phát biểu trao đổi hay tham gia vào các quyết
định của nhóm.
4.2. Các bước chuẩn bị cho thảo luận nhóm
- Xác định rõ chủ đề và mục đích;
- Chọn người hướng dẫn thảo luận;
- Cử thư ký ghi chép biên bản (vấn đề, nội dung, các ý kiến tranh luận, các
khuyến nghị,…);
- Chuẩn bị các trang thiết bị hỗ trợ: thiết bị nghe nhìn (máy chiếu máy ghi âm,

máy tính, giấy bút, bảng,…);
- Lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, đối tượng tham dự;
- Lên kế hoạch xử lý và phân tích kết quả sau buổi thảo luận nhóm.
4.3. Các đặc trưng của kỹ thuật thảo luận nhóm
- Mọi thành viên trong nhóm cần thống nhất chủ đề, mục đích;
- Mọi thành viên trong nhóm biết lắng nghe, chủ động bổ sung ý kiến, đặt câu
hỏi phỏng vấn, phản biện, có chính kiến. Các phân tích, nhận định,đánh giá đều phải
mang tính xây dựng;
- Tạo cơ hội cho mọi thành viên trong nhóm được trình bày ý kiến, quan điểm
cá nhân;
- Mỗi thành viên trong nhóm nên đặt mình ở các góc độ khác nhau để chia sẻ
quan điểm và luôn khách quan trong việc đưa ra các nhận định đánh giá;
- Mọi thành viên trong nhóm tôn trọng lẫn nhau, không áp đặt ý kiến/quan điểm
của mình cho nhóm;
21


- Không truy xét, không lảng tránh, không quy trách nhiệm.
5. Cách tổ chức thảo luận nhóm
5.1. Hình thành nhóm thảo luận
- Việc hình thành nhóm thảo luận phải dựa trên việc các thành viên nhóm
có cùng một mục tiêu chung hay cùng chia sẻ sự quan tâm đối với một vấn đề
nào đó.
- Nguyên tắc tổ chức hoạt động nhóm: Nhóm hoạt động cần có một nhóm
trưởng, một trợ lý nhóm trưởng sẵn sàng thay thế, đảm nhận công việc điều
hành nhóm khi nhóm trưởng vắng mặt; nguyên tắc hoạt động nhóm là nguyên
tắc tập trung dân chủ; việc sắp xếp, bố trí chỗ ngồi cũng rất quan trọng, nên bố
trí sao cho nhóm trưởng và các thành viên đều thấy mặt nhau, dễ dàng trao đổi
trực diện với nhau.
5.2. Lựa chọn vấn đề cần thảo luận

Thành viên nhóm nên cùng bàn bạc và lựa chọn vấn đề thảo luận. Trong
trường hợp có quá nhiều vấn đề hoặc phạm vi vấn đề quá rộng, theo đề xuất gợi
ý nhóm trưởng, cả nhóm nên cùng quyết định chọn hoặc giới hạn phạm vi vấn
đề theo đa số. Theo các nghiên cứu khoa học cho thấy, thảo luận tối đa trong
nhóm nên từ 2 đến 3 chủ đề.
- Thảo luận và phân tích các vấn đề để đi đến thống nhất về nhận thức. Để
tạo ra sự thống nhất, vai trò người trưởng nhóm là rất quan trọng. Trưởng nhóm
phải biết hệ thống, tổng hợp, phân tích để đưa ra kết luận về các nội dung phát
biểu trong nhóm.
- Quyết định các giải pháp, chương trình hành động của nhóm nhằm giải
quyết những vấn đề đã thống nhất. Đây là bước cuối cùng rất quan trọng, là
thước đo hiệu quả của việc hình thành nhóm thảo luận và việc thảo luận nhóm.
Nó cũng quyết định sự cố kết lâu dài của nhóm một khi những quyết định của nó
đem lại hiệu quả trong thực tế cũng như đối với sự phát triển của từng thành
viên của nhóm.

22


5.3. Các hình thức kiểm tra nhận thức và hành động của thành viên
nhóm sau khi kết thúc thảo luận nhóm
Đây là hệ thống các hình thức kiểm tra nhận thức và hành động sau thảo
luận, từ đó có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của một nhóm. Thông thường các
hình thức như phiếu thu hoạch, phiếu khảo sát, hoặc nhóm tái họp sau một thời
gian định kỳ (tuần, tháng, quý, năm,…) để nhận xét, đánh giá mức độ phấn đấu,
hoàn thành các công việc chung của nhóm và từng thành viên.
Đôi khi trong quá trình kiểm tra, những vấn đề trong thảo luận và tổ chức
thực hiện trong thực tế vẫn chưa đi đến thống nhất trong nhận thức và hành động
hoặc nảy sinh những vấn đề mới thì quá trình thảo luận tại nhóm lại tiếp tục diễn ra.
- Thảo luận nhóm nên chú trọng đối thoại, phát huy dân chủ rộng rãi,

thông tin đa chiều nhưng cũng cần hướng vào trọng tâm, mục đích yêu cầu chủ
đề thảo luận, tránh nói lan man, dài dòng. Người chủ trì phải chuẩn bị đầy đủ
thông tin cho nhóm, có năng lực khái quát tổng hợp, kết luận những vấn đề
trong thảo luận nhóm. Người chủ trì cần tuyệt đối tránh hai xu hướng thường
xảy ra trong thảo luận nhóm: xu hướng độc thoại, độc diễn và xu hướng phát
biểu linh tinh, lan man. Cả hai xu hướng này đều tác động không nhỏ đến hiệu
quả hoạt động của nhóm và chất lượng trong thảo luận nhóm.

23



×