Tải bản đầy đủ (.doc) (6 trang)

Chủ nghĩa yêu nước của văn học việt nam 18 19

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (95.8 KB, 6 trang )

TIỂU LUẬN CUỐI KÌ
HỌC KÌ 1: NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN HỌC: VĂN HỌC VIỆT NAM NỬA CUỐI THẾ KỈ XVIII - THẾ KỈ XIX
Sinh viên: Đoàn Ngọc Chung

Mã số SV: 14031844

Lớp môn học:LIT3050 2

ĐỀ BÀI
Các hình thức biểu hiện, sự đa dạng về nội dung của chủ nghĩa yêu nước trong văn học
Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX.
DÀN Ý TÓM TẮT
I. MỞ BÀI: Giới thiệu khái quát về hình thức biểu hiện, nội dung của chủ nghĩa yêu nước
trong văn học Việt Nam thế kỉ XIX.
II. THÂN BÀI:
1. Sự đa dạng về nội dung:
1.1 Nói về cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân ta: Tình yêu quê hương, lòng căm
thù giặc, ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, ý chí quyết
chiến, quyết thắng, đề cao chính nghĩa của những người Việt Nam trong những cuộc
kháng chiến.
1.2 Văn học yêu nước chống tư tưởng đầu hàng thỏa hiệp: đánh giặc hay đầu hàng giặc.
2. Hình thức biểu hiện:
2.1 Hình thức biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước: Chủ nghĩa yêu nước không biểu hiện
trực diện mà biểu hiện gián tiếp tùy thuộc vào từng tác giả.
2.2 Hình thức biểu hiện của văn học yêu nước giai đoạn cuối thế kỉ XIX:
-Ngôn ngữ: Chữ Hán và chữ Nôm
-Thể loại: Sử ca, vè, thơ Đường luật, thơ lục bát, hịch, văn tế, tuồng, chèo…
-Nghệ thuật: Văn học chữ Hán: chưa có gì đổi mới. Riêng văn xuôi chữ Hán, phát triển
theo hướng chính luận. Văn học chữ Nôm: nghệ thuật biểu hiện vừa kế thừa truyền
thống, vừa có sự đổi mới đáng kể. Trong thơ hiện thực trào phúng tính cụ thể, cá thể rõ


nét. Tính chất cá thể, cụ thể- lịch sử xuất hiện phổ biến và xuất hiện rõ nét cái tôi trữ tình
BÀI LÀM
Ngược dòng thời gian, trở về với cội nguồn lịch sử của dân tộc, chúng ta có thể nhận thấy yêu
nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Trải qua hơn bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta
đã phải đương đầu với biết bao kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc. Cuối thế kỉ XIX, khi Pháp sang
1


xâm lược, thì truyền thống yêu nước của dân tộc ta lại bùng cháy lên một cách mạnh mẽ. Từ
đây, văn học chống Pháp ra đời, với hình thức biểu hiện đặc sắc, sự đa dạng về nội dung văn
học yêu nước thời kì này đã góp phần thể hiện chủ nghĩa yêu nước của con người thời đại. Và
với những thành tựu mà nó mang lại đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp kháng chiến và
bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.
Văn chương yêu nước thời kì nào cũng là để bộc lộ lòng yêu nước. Nhưng cái làm nên sự
khác nhau giữa các thời đại không phải là lòng yêu nước mà là tư tưởng yêu nước, sự khác
nhau dựa trên quan niệm về “nước” và “dân”, về trách nhiệm làm người, làm dân. Văn
chương yêu nước cũng lại chịu sự chi phối của quan niệm văn học, quan niệm chức năng của
từng thể loại văn học (kịch, thơ tâm sự, vè…). Đằng sau tất cả những quan niệm đó là nền
kinh tế, là thế chế chính trị- xã hội…Ở thời kì trước, ta biết đến một tư tưởng yêu nước quán
xuyến trong văn học thời Lý, Trần xây dựng quốc gia độc lập với những triều đại phong kiến
tập quyền tương đối ổn định. Đó là nội dung của “Chiếu dời đô”, “Nam quốc sơn hà”, “Hịch
tướng sĩ”…và đó cũng chính là nội dung thơ của Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Nghị và
những người chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp quyết liệt và
phức tạp, vì thế cách nhìn và thái độ của các tầng lớp người trong xã hội đối với các vấn đề
thời sự đặt ra trước mắt không giống nhau. Chủ nghĩa yêu nước không biểu hiện trực diện mà
nó biểu hiện gián tiếp và phụ thuộc vào từng tác giả mà có các cách biểu hiện lòng yêu nước
đa dạng và khác nhau. Văn học- một sản phẩm tinh thần, một vũ khí lợi hại để phục vụ chiến
tranh. Nhà văn cầm bút cũng chính là người chiến sĩ cầm súng, cầm gươm. Sáng tác cũng là
hành động giết giặc. Nội dung của nó chủ yêu nói về tình yêu quê hương, lòng căm thù giặc,
ý thức trách nhiệm của con người đối với đất nước, tinh thần vượt khó sẵn sàng hi sinh vì Tổ

quốc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, đề cao chính nghĩa của những người Việt Nam trong
những cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó văn thơ yêu nước đã vạch trần những luận điệu hèn
nhát, bỉ ổi của triều đình, bọn vua quan vô trách nhiệm, bè lũ Việt gian bán nước thành những
bản án đanh thép hoặc những trang châm biếm sắc sảo: “Hịch đánh Tây” của Lãnh Cồ, “Hà
thành thất thủ ca”…nó phản ánh tâm lí đau xót của nhân dân trước cảnh nước mất nhà tan:
“Vè thất thủ kinh đô”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”…Văn học yêu nước chống Pháp là sáng
tác của những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia phong trào chiến đấu chống Pháp.
Nhiệm vụ của nó là góp phần vào cuộc chiến đấu ấy của dân tộc. Hơn bất cứ một dòng văn
học nào khác, tính chiến đấu của văn học yêu nước chống Pháp trước hết thể hiện ở sự bóc
2


trần bản chất tàn bạo, thâm hiểm của bè lũ thực dân cướp nước và những hành động đớn hèn
bỉ ổi của quan lại đầu hàng, bán nước. Nói về bọn thực dân, văn học yêu nước chủ yếu nói
đến tội ác và âm mưu của chúng. Kẻ thù đi đến đâu là gieo tang tóc đau thương đến đó. Tiến
sâu vào đất nước của ta, tội ác của giặc bày la liệt dưới mỗi bước đi của chúng. Các nhà thơ
thấy tâm hồn mình bị giày vò. Trong những bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, mỗi lần nói
đến cảnh tra tấn, tù đày, chém giết, cảnh mẹ góa con côi, cảnh nhà tan cửa nát, ngòi bút của
nhà thơ cụ thể, sinh động và bao giờ cũng như có dầu sôi lửa cháy. Và tố cáo tội ác của giặc,
các nhà thơ yêu nước không chỉ ghi lại một thực trạng đau lòng của dân tộc, của đất nước để
rồi than thở ngậm ngùi, mà quan trọng là qua đó, họ muốn nhen nhóm, kích động lên ở mọi
người tình cảm yêu nước và ý chí quyết tâm chống giặc cứu nước: “Oán dường ấy, hận
dường ấy, cừu thù dường ấy, làm sao trả được mới ưng!” (Nguyễn Đình Chiểu). Nhưng dù
sao cũng phải thừa nhận rằng văn học yêu nước chống Pháp tố cáo bọn thực dân cướp nước
không nhiều bằng tố cáo bọn phong kiến đầu hàng, bán nước, làm tay sai cho giặc. Hình như
các nhà thơ cho rằng: đối với bọn thực dân từ nước khác đến xâm chiếm nước ta, hiển nhiên
phải nói chuyện với chúng bằng súng đạn, giáo mác. Còn bút mực là vũ khí dành riêng để nói
chuyện với bè lũ phong kiến đầu hàng, là những kẻ cũng “quen nghề bút mực”. Về đối tượng
này văn học yêu nước đả kích từ các vua nhà Nguyễn đến triều đình và bọn quan lại các cấp,
không chừa một ai (“Hà Thành thất thủ”, “Biểu trần tình”…). Thái độ của các nhà thơ yêu

nước đối với bọn tay sai phong kiến, quan lại, tùy từng lúc, tùy từng yêu cầu mà khi thì gay
gắt quyết liệt, khi thì ôn tồn khuyên bảo. Có những lời lẽ như phân trần phải trái để cho họ
biết điều hơn lẽ thiệt, để họ quay về với con đường chính nghĩa của nhân dân. Trong thơ văn
yêu nước ý chí chiến đấu giết giặc cứu nước là tiếng nói đanh thép nhất, vang vọng nhất.
Tiếng nói ấy thường được biểu hiện một cách trực tiếp trong những bài hịch kêu gọi chiến
đấu. Trong bài “Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây”, Nguyễn Đình Chiểu khuyên mọi người
không nên thấy triều đình giảng hòa mà bỏ rơi vũ khí. Lãnh Cồ trong bài “Hịch đánh
Tây”kêu gọi mọi người , hãy dựa vào sức mình, tin ở mình để đánh giặc…Các nhà thơ yêu
nước thường trở về những trang quá khứ vẻ vang nhất của dân tộc để động viên, khích lệ mọi
người hăng hái tham gia chiến đấu. Họ cùng nhân dân xông thẳng vào kẻ thù, lớp nọ ngã
xuống, lớp khác xông lên, chiến đấu hi sinh, không sợ đầu rơi máu chảy. Trong hoàn cảnh cụ
thể của lịch sử lúc bấy giờ, việc động viên bằng truyền thống đánh giặc của ông cha đem lại
3


cho con người lòng tự hào về quá khứ của dân tộc để hăng say chiến đấu. Nhưng cái quan
trọng nhất vẫn là làm cho mọi người có ý thức đầy đủ về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến
đấu, để hoàn cảnh nào họ cũng chiến đấu:
“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình
Chẳng them trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”
Chiến đấu là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi người, không một ai có quyền chùn bước. Văn
học yêu nước một mặt đề cao tư tưởng sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn, một mặt đề co tư tưởng
“chớ đem thành bại luận anh hùng”. Trong chiến đấu hi sinh, mất mát là chuyện thường! Văn
học yêu nước chống Pháp một mặt tố cáo tội ác, âm mưu của giặc, nói lên lòng căm thù và ý
chí chiến đấu chống giặc cứu nước; mặt khác nó ghi lại cuộc chiến đấu của nhân dân ta, đặc
biệt là ca ngợi những con người tham gia chiến đấu. Về phương diện này, văn học yêu nước
có nhiều thành tựu đáng kể. Văn học yêu nước hết lời ca ngợi người nghĩa binh và lãnh tụ
nghĩa binh chống Pháp. Hình ảnh những người nghĩa binh trong văn học yêu nước chống
Pháp thực chất là hình ảnh những người nông dân chống giặc. Đó là những con người nghèo
khổ nhất trong xã hội, bình thường họ chỉ biết lo việc làm ăn trong thôn xóm. Kẻ thù đến phá

hoại cuộc sống yên ổn của họ, giết vợ con, cha mẹ họ, đốt làng xóm của họ…căm thù quân
cướp nước, họ tự nguyện đứng lên chống giặc giữ làng giữ nước. Vũ khí của họ thô sơ: “gậy
tày giáo vạc”, “lưỡi dao phay”, “rơm con cúi”…nhưng lòng yêu nước và chí căm thù đã phát
huy sức mạnh của nó. Họ đã lập lên những chiến công vang dội trong buổi đầu của cuộc giao
tranh với thực dân Pháp. Bên cạnh hình ảnh người nghĩa binh và hình ảnh người lãnh tụ
nghĩa quân xuất hiện nhiều trong thơ văn. Các lãnh tụ nghĩa quân chủ yếu là các nhà Nho,
cũng như người nông dân không quen với gươm súng và trận mạc. Nhưng khi đất nước có
giặc, họ đã quẳng bút lông, cầm giáo sắt xông ra chiến đấu: “Giới trụ sĩ phi Nho giả phục”
(Nguyễn Xuân Ôn). Dựng lên hình ảnh người lãnh tụ nghĩa quân, các nhà thơ yêu nước vừa
ca ngợi bản chất anh hùng của họ, vừa ca ngợi con người đạo đức của họ. Tư tưởng trung
hiếu xuất hiện khá nhiều trong thời kì này và chủ yếu nó gắn liền với hình ảnh các lãnh tụ
nghĩa quân. Văn chương yêu nước thời kì này thực sự là một bản hùng ca về cuộc chiến đấu
của dân tộc. Đấu tranh tư tưởng trong văn học là một hiện tượng mới mẻ của văn học Việt
Nam đến giai đoạn này mới xuất hiện rõ nét. Ai cũng biết từ khi tiếng súng của thực dân
Pháp nổ ran trên đất nước ta, và bàn chân của bè lũ thực dân ngang nhiên giày xéo trên lãnh
thổ này, thì một vấn đề hết sức bức thiết đặt ra cho tất cả mọi người là đánh giặc hay đầu
4


hàng giặc. Cuộc đấu tranh tư tưởng trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX xoay quanh cái chủ
đề ấy. Đáng kể nhất là cuộc đấu tranh tư tưởng của các sĩ phu yêu nước Nam Kì (đại diện là
Phan Văn Trị) chống lại Tôn Thọ Tường- một tên Việt gian bán nước. Đây thực sự là cuộc
đấu tranh tư tưởng trong văn học bằng văn học, có tiếng vang lớn và có ý nghĩa sâu sắc đối
với thời đại bấy giờ. Mối quan hệ mật thiết giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh văn học, có
thể coi là một đặc điểm trong sự phát triển của văn học nước ta trong suốt thời kì chống lại
ách thống trị của thực dân Pháp.
Văn họcViệt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, về hình thức biểu hiện, còn nhiều gắn bó
với giai đoạn trước. Nó vẫn bao gồm hai thành phần chữ Hán và chữ Nôm. Nếu như những
năm cuối của giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX xu hướng sáng tác bằng chữ Hán được triều đình
nhà Nguyễn khuyến khích, có phần lấn át xu hướng sáng tác bằng chữ Nôm, thì ngược lại,

trong giai đoạn này sáng tác bằng chữ Nôm, chữ Hán đều phát triển, và sáng tác bằng chữ
Nôm lại sắc sảo hơn sáng tác bằng chữ Hán. Trong văn học thời kì này, chữ quốc ngữ cũng
được sử dụng để sáng tác nhưng chưa có thành tựu gì đáng kể.Về phương diện thể loại văn
học, thì trong giai đoạn này thể loại thể hiện tính đại chúng, tính nhân dân sâu sắc. Nhưng các
tác phẩm truyện thơ dài có giá trị dường như vắng bóng. Thể loại dài hơi của văn học giai
đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, đáng chú ý là các bài sử ca và thể loại hát bội. Sử ca là tác phẩm
diễn ca lịch sử. Nhưng sử ca trong giai đoạn này không phải là những tác phẩm diễn ca lịch
sử quá khứ như: “Đại Nam quốc sử diễn ca” hay “Thiên Nam ngữ lục”, mà diễn ca lịch sử
hiện tại, phản ánh những biến cố lớn như thất thủ Hà Nội, thất thủ kinh đô. Hát bội là một thể
loại sân khấu đã có từ trước, giai đoạn này phát triển mạnh mẽ hơn. Do được sự bảo trợ của
triều đình nên nội dung của nó chủ yếu là tuyên truyền cho chủ nghĩa chính thống, cho tư
tưởng trung quân. Cá biệt có vở viết ra để thỏa mãn cuộc sống ăn chơi của đám vua quan
trong triều. Xét về nội dung của hát bội thì thời kì này có sự thụt lùi nhưng về nghệ thuật nó
hoàn chỉnh hơn, có kết cấu chặt chẽ hơn. Phổ biến và thành công hơn cả trong giai đoạn văn
học này là thể loại ngắn, có tính chất đại chúng, sáng tác nhanh, phục vụ kịp thời như: thơ
Đường luật, thơ lục bát, hịch, văn tế, hát nói, vè. Hịch, văn tế, vè là những thể loại phát triển
nhất. Vè có tính chất thời sự nhạy bén và tính chiến đấu cao. Vè phản ánh cuộc chiến đấu của
nhân dân ta chống thực dân Pháp, có phần sắc sảo và chân thực hơn văn học thành văn. Hịch
và văn tế có kết cấu theo lối biền ngẫu. Hịch là để kêu gọi chiến đấu, kêu gọi chống Pháp sôi
nổi khí thế căm thù và quyết chiến, có tính chất hùng ca rõ rệt. Văn tế là để phúng viếng
5


những người đã mất, có nhiều tính chất bị thương, nhưng ở giai đoạn này, nó bị ảnh hường
bởi cuộc kháng chiến chống Pháp nên không chỉ bi thương mà còn căm phẫn. Giọng văn tế
trầm hùng rất dễ đi vào lòng người.Về hình thức nghệ thuật, do những yêu cầu phản ánh
trung thực và gần gũi để động viên chiến đấu nên văn hoc đã vận dụng nhiều chất liệu hiện
thực, mang sắc thái phê phán và ít nhiều đã phá vỡ những khuôn khổ của phương pháp sáng
tác truyền thống. Trong bộ phận văn học chữ Hán, phong cách biểu hiện của thơ nói chung
chưa có gì đổi mới, vẫn chưa thoát khỏi biểu hiện có tính chất công thức, ước lệ của văn học

phong kiến. Riêng văn xuôi chữ Hán có phần khác trước, phát triển theo hướng chính luận.
Câu văn có phần trong sáng, giản dị hơn, ý tứ rõ ràng hơn, minh xác hơn và lập luận cũng
chặt chẽ, logic hơn…Còn trong bộ phận văn học chữ Nôm, nghệ thuật biểu hiện vừa kế thừa
truyền thống, vừa có sự đổi mới đáng kể. Văn học giai đoạn này, bớt lối diễn đạt chung
chung, ước lệ, không cụ thể mà bám sát vào đời sống. Trong thơ hiện thực trào phúng nổi bật
lên là tính cụ thể, cá thể rõ nét. Các nhà thơ đã dùng tiếng cười để xua tan mọi suy nghĩ siêu
hình, tự biện, chất sống của nó rõ hơn trong thơ trữ tình. Cùng với lối biểu hiện có tính chất
cá thể, cụ thể- lịch sử là đặc điểm của nghệ thuật biểu hiện trong văn học giai đoạn này thì
còn xuất hiện cái tôi trữ tình. Phong cách cá nhân rõ nét. Và điều này đã làm cho văn học
giai đoạn này có tiếng nói riêng, vừa gần gũi vừa đại chúng.
Tóm lại, với hình thức biểu hiện độc đáo, sự đa dạng về nội dung của chủ nghĩa yêu nước,
Văn học Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX đã bám sát cuộc sống, đã đồng hành với cuộc đấu
tranh chống Pháp của nhân dân ta, đã ghi lại một cách sinh động và trung thành một giai đoạn
lịch sử đau thương mà hùng tráng của dân tộc. Có thể nói, giai đoạn này văn học mang tính
chiến đấu cao, tính dân tộc, tính đại chúng được biểu hiện rõ nét. Chủ nghĩa yêu nước trong
văn học Việt Nam cuối thế kỉ XIX xứng đáng là tiếng nói, là lương tri của dân tộc ta- một dân
tộc có lịch sử lâu đời hết sức vẻ vang và nó đã góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, động
viên dân tộc ta chiến đấu, chiến thắng kẻ thù để làm nên đất nước muôn đời.

6



×