Hoạt đôông chất vấn của đại biểu Quốc hôi
I. MỞ ĐẦU
Như chúng ta đã biết, chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc
hội. Trong thời gian qua, hoạt động này luôn được công chúng
quan tâm theo dõi. Những nỗ lực đổi mới và nâng cao hiệu quả
hoạt động chất vấn tại kì họp Quốc hội đã được cử tri cũng như các
đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao. Chất lượng của các
phiên chất vấn được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, trong thực tế
hoạt động chất vấn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế bởi vậy việc
đưa ra giải pháp khắc phục là điều rất cần thiết.
II. NỘI DUNG
1.Cơ sở lý luận
1.1 Một số khái niệm
a. Đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú trong các lĩnh vực hoạt
động của Nhà nước và xã hội được nhân dân cả nước bầu ra thông
qua tổng tuyển cử tự do. Đó là những đại biểu chân chính, đại diện
cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân đồng thời là người thay
mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
b. Chất vấn và trả lời chất vấn
Chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội đồng thời cũng là
quyền của đại biểu Quốc hội. Chất vấn được hiểu là “đặt vấn đề
hỏi một cơ quan chính quyền về một điều thắc mắc và yêu cầu trả
lời”. Trong phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội nêu ra những câu hỏi
và yêu cầu một cơ quan nhà nước hay một nhà chức trách phải trả
lời, báo cáo và giải thích trước cơ quan quyền lực nhà nước về
những vấn đề có liên quan đến hoạt động của cơ quan, cá nhân
đó. Chất vấn là một dạng câu hỏi nhằm quy kết trách nhiệm đồng
thời làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.
Trả lời chất vấn là hoạt động của cá nhân có thẩm quyền nhằm
giải đáp khúc mắc, nguyện vọng của cử tri thông qua đại biểu
Quốc hội. Những vấn đề chất vấn mà đại biểu Quốc hội đưa ra
buộc các cơ quan và người chất vấn phải trả lời một cách nghiêm
túc.
1.2 Bản chất,mục đích và vai trò của hoạt động chất vấn
Về bản chất, chất vấn là một hình thức được Quốc hội áp dụng để
giám sát hoạt động của các cơ quan và các cá nhân được giao
quyền. Có thể nói, chất vấn là một hoạt động bình thường mà các
cơ quan lập pháp trên thế giới đều tiến hành.Khi thực hiện hoạt
động chất vấn, đại biểu Quốc hội nhân danh cá nhân là đại diện
quyền lực của nhân dân, thay mặt nhân dân nêu ra những câu hỏi
thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ
tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng thời yêu cầu họ trả lời về
trách nhiệm pháp lí, nguyên nhân và giải pháp khắc phục vấn đề.
Về mục đích, hoạt động chất vấn không nhằm thu thập thông tin
hay số liệu mà nhằm làm rõ trách nhiệm của các nhà chức trách.
Nó nhằm giải đáp cho các câu hỏi như “người bị chất vấn có biết
về vấn đề này không?”, “tại sao vấn đề đó lại xảy ra?”, “biện pháp
khắc phục là gì?”, “trách nhiệm thuộc về ai?”… Đại biểu Quốc hội
có thể đưa ra chất vấn nhiều lần về một vấn đề cho đến khi nó
được giải quyết mới chấm dứt.
Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn còn nhằm mục đích kiểm tra
năng lực của các nhà chức trách trong việc nắm bắt và điều chỉnh
lĩnh vực mà họ được giao trách nhiệm quản lí. Người bộ trưởng
nắm vững công việc sẽ trả lời các câu hỏi một cách lưu loát, nâng
cao được uy tín và ngược lại. Ngoài ra, xét ở một góc độ nào đó
chất vấn còn là sự “cảnh báo” của Quốc hội về một vấn đề hoặc
tình trạng cần lưu ý giải quyết.
Về vai trò, chất vấn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giám
sát của Quốc hội cũng như tinh thần trách nhiệm của các cơ quan
nhà nước và cá nhân được giao quyền đối với cử tri. Thông qua
chất vấn thì các vấn đề bức xúc, những tồn đọng trong hoạt động
của các bộ, ban, ngành…sẽ được công khai và có hướng giải quyết
nhanh chóng hơn.
1.3 Một số quy định về hoạt động chất vấn của đại biểu
Quốc hội
Hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội được quy định tại điều
98 Hiến pháp năm 1992 như sau: “ Đại biểu Quốc hội có quyền
chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao . Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ
họp; trong trường hợp cần điều tra thì Quốc hội có thể quyết định
cho trả lời bằng văn bản.” Quy định này cũng được thể hiện tương
tự tại điều 49 của Luật tổ chức Quốc hội.
Ngoài ra, quy định trên còn được cụ thể hóa tại điều 40,điều
19,khoản 1 điều 37 Luật hoạt động giám sát Quốc hội, chương IV
của Nội quy kỳ họp Quốc hội và một số Nghị quyết, văn bản có liên
quan đến vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Quy trình chất vấn cũng được quy định rõ tại điều 11 Luật hoạt
động giám sát Quốc hội. Theo đó quy trình chất vấn bao gồm 5
bước như sau:
Thứ nhất, đại biểu Quốc hội ghi rõ nội dung chất vấn , người bị
chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đên Chủ tịch Quốc hội để
chuyển đến người bị chất vấn. Đoàn thư ký kỳ họp giúp Chủ tịch
Quốc hội tổng hợp các chất vấn của Đại biểu Quốc hội để báo cáo
Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến danh sách những
người có trách nhiệm trả lời chất vấn tại kỳ họp và báo cáo Quốc
hội quyết định.
Thứ ba, việc trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể Quốc hội được
tiến hành theo trình tự 2 bước sau đây:
Một, người bị chất vấn trả lời trực tiếp, đầy đủ các nội dung các
vấn đề mà đại biểu quốc hội đã chất vấn và xác định rõ trách
nhiệm, biện pháp khắc phục.
Hai, đại biểu Quốc hội có thể nêu lên câu hỏi liên quan đến nội
dung đã chất vấn để người bị chất vấn trả lời
Thứ tư, sau khi nghe trả lời chất vấn nếu đại biểu Quốc hội không
đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội tiếp tục
thảo luận tại phiên họp đó, đưa ra thảo luận tại phiên họp khác
của Quốc hội hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với
người bị chất vấn. Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn
và trách nhiệm của người bị chất vấn nếu xét thấy cần thiết.
Thứ năm, người đã trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại phiên
họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc đã trả lời chất vấn của
đại biểu Quốc hội bằng văn bản có trách nhiệm báo cáo với các đại
biểu Quốc hội bằng văn bản về việc thực hiện những vấn đề đã
hứa khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo.
2. Thực trạng hoạt động chất vấn đại biểu Quốc hội
Trong những năm gần đây, hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc
hội tại các kỳ họp càng ngày càng thu hút được sự chú ý của cử tri
cả nước. Thực tế hoạt động này đã có nhiều tiến bộ và đạt được
những kết quả tích cực tuy vậy vẫn không thể tránh khỏi những
hạn chế.
a. Những kết quả đạt được trong hoạt động chất vấn.
Hoạt động chất vấn trong thời gian qua đã có nhiều đổi mới, thể
hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn
góp phần xây dựng tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã trở nên sôi nổi và có sức
hút hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy không khí thẳng thắn,
tích cực, trách nhiệm, có tính tranh luận và đối thoại với tinh thần
xây dựng cao trong các phiên chất vấn gần đây đặc biệt là phiên
chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc vào ngày
22/11/2013. Trong kỳ họp này đã có nhiều đổi mới cụ thể như sau:
Thứ nhất, thời gian chất vấn nhiều hơn. Nếu như trước đây đại biểu
Quốc hội chỉ có 2,5 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ thì
nay đã được tăng lên là 3 ngày.Thứ hai, đây là kỳ họp đầu tiên
Quốc hội bố trí một buổi thảo luận về kết quả thực hiện lời hứa của
các thành viên Chính phủ sau ba kỳ họp Quốc hội trước đây. Buổi
thảo luận diễn ra với độ mở cao, tạo cơ hội cho một số vị trưởng
ngành không có tên trong danh sách chất vấn, được giải trình
thêm về các vấn đề gây bức xúc dư luận.
Điểm tích cực thứ hai là các đại biểu Quốc hội đã có trách nhiệm
hơn trong việc thực hiện chất vấn. Họ đã có sự nghiên cứu, tìm
hiểu, chuẩn bị câu hỏi chất vấn đích đáng đề cập đến nhiều vấn đề
nóng hổi của cuộc sống, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của
nhân dân.Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII
hàng loạt vấn đề nóng đã được đề cập, từ hệ lụy trong quy hoạch,
xây dựng thuỷ điện đến việc xả lũ của thủy điện gây thiệt hại cho
người dân; từ sự xuống cấp của y đức đến những vụ án oan sai, từ
hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng đến chất lượng
đội ngũ công chức, viên chức...Tất cả những thực tế của cuộc
sống, những vấn đề chung của xã hội, của đất nước đều được
chuyển tải trong các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Kết
thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét “ những vấn đề Quốc hội lựa chọn
để tiến hành chất vấn là những vấn đề bức xúc, cần giải quyết, do
cuộc sống thực tế của nhân dân đặt ra”. Các câu hỏi chất vấn cũng
được đại biểu Quốc hội gửi đến sớm hơn tạo điều kiện cho Ban thư
kí kỳ họp tổng hợp câu hỏi và gửi cho người trả lời chất vấn. Đồng
thời ý thức trả lời câu hỏi chất vấn của người bị chất vấn cũng
được nâng lên đáng kể. Nhìn chung, các thành viên Chính phủ đã
chuẩn bị rất kỹ các vấn đề và trả lời với tinh thần cầu thị cao, các
câu trả lời cũng bám sát vào các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan
tâm. Bên cạnh đó, họ đã thẳng thắn hơn trong việc quy kết trách
nhiệm thuộc về cá nhân hay tổ chức nào. Kỹ năng đặt câu hỏi chất
vấn của đại biểu Quốc hội và kỹ năng trả lời chất vấn trong thời
gian qua đã được cải thiện không ít. Hoạt động hỏi và trả lời đã đi
vào đúng trọng tâm, ngắn gọn hơn, có sự tranh luận khá liên tục
và sôi nổi. Qua đó các vấn đề cơ bản đã được làm rõ thêm ở nhiều
góc độ, giúp mọi người hiểu sâu hơn về thực chất, nguyên nhân
của vấn đề.
Bên cạnh đó, năng lực điều hành của chủ tọa phiên họp Quốc hội
cũng được đánh giá cao. Dưới sự điều hành của Quốc hội không khí
chất vấn ngày càng dân chủ, thẳng thắn và hiệu quả hơn. Một
người chủ tọa có năng lực và kinh nghiệm còn có thể giúp cho áp
lực nghị trường đối với đại biểu Quốc hội cũng như những vị Bộ
trưởng bị chất vấn giảm đi phần nào. Chẳng hạn như câu nói vui
của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng “Bộ trưởng nói với tốc độ 4G, nghe
mệt lắm” khi Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông nói quá
nhanh ở những phút đầu trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội
chiều 20/11/2013 vừa qua. Những câu nói đùa dí dỏm như vậy đã
khiến cho không khí đỡ “căng” đồng thời cũng là lời nhắc nhở rất
khéo léo về tốc độ nói của người trả lời chất vấn.
Ngoài ra, việc duy trì phương thức chất vấn theo nhóm vấn đề mà
đại biểu Quốc hội đặt ra cũng như việc Quốc hội cho phép báo chí,
phát thanh, truyền hình trực tiếp một số phiên thảo luận, chất vấn
và trả lời chất vấn đã giúp cử tri hiểu rõ hơn bản chất sự việc, nắm
được tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ; góp phần tạo ra bầu
không khí dân chủ trong xã hội, gắn kết nhân dân cả nước với
Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước.
b. Những hạn chế trong hoạt động chất vấn
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì hoạt động chất
vấn của đại biểu Quốc hội trong thời gian qua vẫn còn tồn tại
nhiều hạn chế.
Thứ nhất, hoạt động chất vấn thường chỉ tập chung ở một số đại
biểu trong khi có những đại biểu rất ít khi thậm chí là chưa bao giờ
thực hiện một lần nào quyền chất vấn của mình. Đơn cử như tại kỳ
họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII có đến 202 đại biểu đã không có
chính kiến trong việc trong việc chọn người cho các phiên chất vấn
trực tiếp. Ngoài ra, trong hoạt động chất vấn còn nhiều đại biểu
Quốc hội vắng mặt. Trong kỳ họp Quốc hội thứ hai khóa XIII tại
những phiên chất vấn hoặc những phiên biểu quyết thông qua
nghị quyết quan trọng số lượng đại biểu vắng mặt lên tới 50 người.
Điểm chung lớn nhất của các đại biểu đó là có tâm lí nể nang, né
tránh những vấn đề gai góc, chưa đi đến tận cùng bức xúc của cử
tri.
Thứ hai, kỹ năng đặt câu hỏi của đại biểu Quốc hội tuy đã được
nâng lên nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Những hạn chế đó có
thể phân tích trên ba phương diện như sau:
Đầu tiên, về cách chọn vấn đề chất vấn. Hầu hết các đại biểu
thường lựa chọn những vấn đề mà họ cảm thấy búc xúc nhất đồng
thời vấn đề ấy cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri, vừa mang
tính thời sự, vừa mang tính lâu dài. Tuy nhiên vẫn còn những câu
hỏi tập trung vào những vấn đề mang tính địa phương, thiếu tầm
khái quát. Đôi khi đại biểu lại đưa ra câu hỏi chất vấn vào những
vấn đề nhỏ không nhất thiết phải đưa ra chất vấn trực tiếp mà có
thể hỏi bằng văn bản.
Cùng với việc chọn vấn đề thì việc chọn người trả lời chất vấn có
đáp ứng được mong đợi của đại biểu, của người dân hay không là
công việc quan trọng, có tính quyết định sự thành công của cuộc
chất vấn. Nhưng trong thực tế các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc
hội vẫn xảy ra những trường hợp hi hữu đó là chất vấn không đúng
chủ thể. Điều này sẽ khiến cho người bị chất vấn lúng túng từ đó
dẫn đến sự kém hiệu quả trong hoạt động chất vấn.
Cuối cùng, về cách trình bày nội dung chất vấn. Để có thể đưa ra
một câu hỏi vừa hay, vừa sắc sảo lại vừa ngắn gọn đòi hỏi người
đại biểu phải có kỹ năng diễn đạt tốt cũng như cách sử dụng ngôn
từ chính xác. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng rất nhiều đại biểu
Quốc hội mắc lỗi khi trình bày nội dung chất vấn của mình. Những
lỗi cơ bản mà các đại biểu hay mắc phải đó là đặt câu hỏi có hai ý,
diễn giải quá dài dòng mà không đi vào trọng tâm hay đặt câu hỏi
đóng. Chẳng hạn như câu hỏi mà đại biểu Đặng Thị Kim Chi đặt ra
cho Viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong kỳ họp thứ 5
Quốc hội khóa XIII “Qua theo dõi công tác thi hành án dân sự trong
những năm gần đây cho thấy số lượng của các bản án quyết định
có nội dung tuyên không rõ ràng còn nhiều và điều này đã tác
động đến tiến độ công tác thi hành án dân sự cũng như ảnh hưởng
đến quy định và lợi ích hợp pháp của người dân. Xin hỏi Viện
trưởng, với trách nhiệm thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự,
Viện trưởng cho biết tại sao tình trạng trên lại tồn tại như thế và
giải pháp để khắc phục việc có những bản án quyết định có nội
dung tuyên không rõ ràng trong thời gian sắp tới. Tôi xin cảm ơn
Viện trưởng?” Đây là một câu chất vấn khá hay tuy nhiên lại bao
gồm hai ý: tình trạng và giải pháp khắc phục việc các bản án có
nội dung tuyên không rõ ràng.
Ngoài ra, trong các phiên chất vấn còn còn diễn ra sự trùng lặp
giữa câu hỏi của các đại biểu Quốc hội hay sự lặp lại các câu hỏi
đã được đưa ra ở phiên chất vấn trước. Nguyên nhân dẫn đến tình
trạng này là do nhiều câu hỏi của các đại biểu đã đưa ra ở những
phiên chất vấn trước nhưng chưa được giải quyết triệt để. Các bộ,
ngành đưa ra giải pháp nhưng chỉ là trong đề án chưa được thực
hiện vì vậy mà đại biểu dù không muốn vẫn đành hỏi lại những
câu hỏi cũ.
Thứ ba, về phía người trả lời chất vấn cũng còn tồn tại nhiều điểm
hạn chế. Có những trường hợp Bộ trưởng trả lời còn dài, chưa đi
thẳng vào ngay vấn đề, hoặc nói chưa sát những vấn đề mà đại
biểu muốn tìm hiểu.Điều này không chỉ làm cho các đại biểu phía
dưới rất sốt ruột, mà hàng triệu cử tri theo dõi qua truyền hình và
phát thanh cũng cảm thấy khó hiểu. Hơn thế, các đại biểu muốn
các Bộ trưởng phải đưa ra được các giải pháp trước những vấn đề
khó khăn đang vấp phải, cũng như cam kết trong thời gian nào sẽ
giải quyết xong những vấn đề trên. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho
rằng các phiên chất vấn dường như vẫn “thiếu lửa”. Sở dĩ có ý kiến
như vậy là vì nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn đúng nghĩa
trả bài: trình bày tình hình, số liệu, dẫn báo cáo, đọc nghị quyết,
kể đề án…thậm chí có những Bộ trưởng cố tình né tránh không trả
lời câu hỏi chất vấn như trường hợp của Bộ trưởng Bộ nội vụ
Nguyễn Thái Bình. Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội
khóa XIII có tới 5 ý kiến muốn làm rõ việc công chức không làm
được việc và tham nhũng trong đội ngũ làm công tác cán bộ và
được Chủ tịch Quốc hội nhắc lại để trả lời tuy nhiên Bộ trưởng
Nguyễn Thái Bình lại né trả lời và cho rằng đó là “vấn đề nhạy cảm
và tế nhị”. Ngoài ra, do quỹ thời gian chất vấn còn hạn hẹp nên
các đại biểu không thể truy vấn tới cùng điều này khiến cho tính
tranh luận và độ “nóng” của phiên chất vấn giảm đi đáng kể đồng
thời nhiều câu hỏi của đại biểu bị khất. Một trong những nguyên
nhân dẫn đến tình trạng câu hỏi của đại biểu bị khất đó là do các
đại biểu thường chỉ tập trung nêu câu hỏi ở các kỳ họp Quốc hội
trong khi khoảng thời gian giữa hai kỳ họp lại rất ít câu hỏi được
gửi đến nên các Bộ trưởng không có đủ thời gian để trả lời tất cả
các câu hỏi của đại biểu đưa ra.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả chất vấn trong các kỳ họp
Quốc hội
Muốn khắc phục những hạn chế đã nêu ở trên chúng ta cần phải
đưa ra được những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao hơn nữa
hiệu quả của những phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.
Trước tiên, cơ sở pháp lí về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
cần được hoàn thiện hơn. Cụ thể như sau:
Sửa đổi, bổ sung những điều còn bất cập trong hệ thống văn bản
pháp luật liên quan đến hoạt động chất vấn trong kỳ họp Quốc hội.
Cần xây dựng những quy định rõ ràng hơn nữa về chế tài xác định
trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành liên quan
đến vấn đề chất vấn. Đồng thời cần quy định cụ thể các thủ tục
hậu chất vấn như thu thập ý kiến đánh giá của đại biểu Quốc hội
về kết quả trả lời chất vấn, hoạt động giám sát việc thực hiện lời
hứa của người bị chất vấn, đưa ra lộ trình thay đổi cụ thể cũng như
điều chỉnh chính sách kịp thời với những vấn đề đưa ra chất vấn…
bởi sau chất vấn mà không có sự hành động, chuyển động thì mọi
thứ đều trở nên vô nghĩa.
Thứ hai, về phía đại biểu Quốc hội. Chúng ta cần nâng cao hơn nữa
chất lượng của hoạt động bầu cử nhằm lựa chọn những đại biểu
thật sự xứng đáng là đại diện đấu tranh cho lợi ích của nhân dân,
vững vàng về phẩm chất và chuyên môn. Đưa ra những biện pháp
cụ thể để nâng cao năng lực trình độ của đại biểu Quốc hội như tổ
chức khóa tập huấn các kỹ năng đặt câu hỏi chất vấn, kỹ năng
giao tiếp, kỹ năng trả lời báo chí…để có thể nâng cao khả năng
diễn đạt cũng như chất lượng câu hỏi chất vấn. Bên cạnh đó,
chúng ta cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên
trách, đại biểu Quốc hội tái cử và giảm số lượng đại biểu kiêm
nhiệm bởi đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa đảm bảo
điều kiện về thời gian hoạt động, vừa ít ràng buộc với các cơ quan
chịu sự giám sát hơn các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nên có
“lửa” và ít ngại va chạm hơn còn đối với đại biểu Quốc hội tái cử
đã có những trải nghiệm thực tế và kinh nghiệm hoạt động nghị
trường nên có kỹ năng giám sát, chất vấn tốt. Chính vì thế hoạt
động chất vấn sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Tính chuyên nghiệp của đại biểu trong hoạt động chất vấn cũng là
vấn đề cần được quan tâm. Đại biểu Quốc hội cần có khả năng
đánh giá, phân tích tốt vấn đề và thông thạo quy trình, thủ tục làm
việc của Quốc hội. Đồng thời họ cũng cần có sự liên hệ chặt chẽ
với nhân dân. Các đại biểu Quốc hội nên tăng cường hoạt động
tiếp xúc với cử tri nhằm nắm bắt rõ tâm tư, nguyện vọng và những
búc xúc của người dân về các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội…để từ đó có thể đưa những khúc mắc của nhân
dân đến các thành viên của Chính phủ. Phát biểu ý kiến và chất
vấn là sức ép của cử tri và của nhân dân đối với đại biểu Quốc hội.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi đại biểu phải hoạt động gần
dân, sát cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân, phải có những bằng
chứng sinh động như dùng mô hình, chụp hiện trường các công
trình, dự án để chứng minh một cách chân thực, rất thời sự về chất
lượng các công trình, dự án.
Thứ ba, về phía người trả lời chất vấn cần trả lời câu hỏi chất vấn
một cách rõ ràng hơn nữa. Tránh cách trả lời vòng vo hay coi chất
vấn như là cơ hội để báo cáo thành tích, giải trình khó khăn...Đồng
thời các thành viên của Chính phủ cần phải thể hiện tinh thần
trách nhiệm cao hơn nữa, có khuyết điểm thì phải thẳng thắn thừa
nhận và đưa ra giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề cũng như
nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình sau khi kết thúc phiên chất
vấn.
Thứ tư, đảm bảo điều kiện về bộ máy tham mưu giúp việc. Với
thực tế đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm như hiện
nay, bộ máy giúp việc và các chuyên gia không chỉ giúp giảm bớt
gánh nặng mà còn tiết kiệm thời gian cho đại biểu Quốc hội. Cần
thiết phải có cơ chế để đại biểu Quốc hội có thể tham vấn đội ngũ
chuyên gia và các nhà nghiên cứu khoa học cho hoạt động của
mình.
Thứ năm, đảm bảo điều kiện về tài chính. Cơ chế tài chính là một
trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho hiệu quả hoạt động
giám sát của Quốc hội. Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,
phương tiện làm việc cho đại biểu Quốc hội tạo điều kiện cũng như
động lực để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thứ sáu, cần tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
giữa hai kỳ họp Quốc hội, tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội, tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, để
tránh tình trạng gây áp lực quá tải trong kỳ họp Quốc hội. Ngoài
ra, cần nâng cao năng lực điều hành chất vấn và trả lời chất vấn
trực tiếp của người chủ tọa phiên họp. Người điều hành phải hướng
cho người bị chất vấn thấy được trách nhiệm của bộ, ngành mình
trước Quốc hội và cử tri, nội dung yêu cầu trả lời phải đi thẳng vào
trọng tâm câu hỏi chất vấn, phải giải trình rõ những vấn đề làm
được, chưa được, xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan,
tránh tình trạng lợi dụng diễn đàn để báo cáo thành tích hoặc trả
lời vòng vo, không đúng nội dung yêu cầu của đại biểu đặt ra.
III. KẾT LUẬN
Chất vấn là một trong những hình thức giám sát quan trọng của
Quốc hội. Qua hoạt động chất vấn đại biểu Quốc hội đã thể hiện
được vai trò, trách nhiệm của người đại diên cho nhân dân nêu lên
những vấn đề búc xúc của xã hội. Với nhiều đổi mới tiến bộ thì
hoạt động chất vấn càng ngày càng thu hút sự chú ý của đông đảo
quần chúng nhân dân. Chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành
nội dung được trông đợi và quan tâm nhiều nhất tại mỗi kỳ họp
Quốc hội. Mỗi kỳ chất vấn được cử tri xem như một đợt sát hạch tín
nhiệm các vị tư lệnh ngành cũng như đo lường chất lượng hoạt
động của Quốc hội một cách rõ ràng nhất. Mặc dù còn tồn tại
những điểm hạn chế song với những biện pháp cải cách cụ thể thì
hoạt động chất vấn trong thời gian tới chắc chắn sẽ đạt được hiệu
quả cao hơn nữa.