Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn chuyên tỉnh bắc ninh năm học 2016 2017(có đáp án)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.42 KB, 4 trang )

UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn (Dành cho tất cả các thí sinh)
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 10 tháng 6 năm 2016

=============

Câu 1. (1,0 điểm)
Tìm lời dẫn trong khổ thơ sau và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián
tiếp?
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
(Ông đồ, Vũ Đình Liên)
Câu 2. (1,0 điểm)
Xác định và phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ dưới
đây:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
(Bếp lửa, Bằng Việt)
Câu 3. (3,0 điểm)
Viết một văn bản ngắn (khoảng 300 từ) nêu suy nghĩ, cảm nhận của em về
vai trò của quê hương trong đời sống tâm hồn con người.
Câu 4. (5,0 điểm)


Cảm nhận của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của
Nguyễn Quang Sáng (Ngữ văn 9, tập một).

====Hết====
(Đề thi có 01 trang)


HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN BẮC NINH
NĂM HỌC 2016- 2017
MÔN: NGỮ VĂN
(Hướng dẫn chấm có 03 trang)
Câu 1. (1,0 điểm)
- Lời dẫn trong khổ thơ trên được thể hiện ở hai câu sau:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”(0,5 điểm)
- Đó là lời dẫn trực tiếp, dấu hiệu nhận biết: lời dẫn nằm sau dấu hai chấm và ở giữa
hai dấu ngoặc kép. (0,5 điểm)
Câu 2. (1,0 điểm)
- Đoạn thơ sử dụng phép điệp (từ, ngữ) và phép ẩn dụ (0,25 điểm)
Điệp từ rồi (hai lần), bà (hai lần), điệp ngữ một ngọn lửa (hai lần). Ẩn dụ : một
ngọn lửa (0,25 điểm)
- Tác dụng : Phép điệp tạo cho khổ thơ giàu nhạc tính, ý thơ được nhấn mạnh, gây
ấn tượng về bà, về bếp lửa. (0,25 điểm)
Hình ảnh ẩn dụ một ngọn lửa là biểu tượng cho tấm lòng, sức sống, niềm tin của
bà dành cho con cháu, gia đình, quê hương, đất nước. Bà không chỉ là người nhóm lửa,
giữ lửa mà còn là người truyền lửa cho thế hệ tiếp theo. (0,25 điểm)
Câu 3. (3,0 điểm)
I.Yêu cầu về kĩ năng
- Viết đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội (khoảng 300 từ)

- Bố cục ba phần rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, tiêu biểu
- Trình bày sạch sẽ, sáng sủa, diễn đạt lưu loát, hành văn trong sáng, không mắc lỗi
dùng từ, chính tả, ngữ pháp.
II. Yêu cầu về kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý
cơ bản sau:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của quê hương đối với đời sống tâm hồn
mỗi con người. (0,25 điểm)
- Giải thích khái niệm quê hương: quê hương là nguồn cội, nơi có ông bà, cha mẹ,
nơi ta sinh ra, lớn lên, gắn bó những kỉ niệm thời thơ ấu…(0,5 điểm)
- Bàn luận về vị trí, vai trò của quê hương trong đời sống tâm hồn con người: (1,5
điểm)
+ Trong tâm hồn, nhân cách mỗi người luôn luôn mang dấu ấn của bản sắc, truyền
thống, phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương. Vì thế, tình cảm dành cho quê hương ở
mỗi con người là tình cảm có tính chất tự nhiên, sâu nặng.
+ Quê hương luôn bồi đắp cho con người những giá trị tinh thần cao quý (tình cảm
gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê hương …).
+ Quê hương luôn là điểm tựa vững vàng cho con người trong mọi hoàn cảnh, là
nguồn cổ vũ động viên, là bến đỗ bình yên cho mỗi con người sau những bão tố, gió
giông của số phận.
- Bàn bạc mở rộng: (0,5 điểm)
+ Nếu mỗi con người không thuộc một đất nước, một quê hương thì giống như con
chim không có tổ, cái cây không có rễ. Vì thế tình yêu quê hương cũng đồng nhất với
tình yêu đất nước, tổ quốc.
+ Phê phán một số người không coi trọng, không có ý thức xây dựng, thậm chí
quay lưng, phản bội quê hương xứ sở…


- Bài học nhận thức và hành động: thấy được vai trò của quê hương đối với đời
sống tâm hồn của mỗi người; cần ra sức học tập để góp phần xây đắp, bảo vệ, phát huy

những truyền thống tốt đẹp của quê hương. …(0,25 điểm)
III. Biểu điểm
- Điểm 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc.
- Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, ít mắc lỗi.
- Điểm 1,5: Đáp ứng được khoảng ½ yêu cầu trên, còn một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm 0,5-1,0: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, nhiều lỗi diễn đạt.
Câu 4. (5,0 điểm)
I. Yêu cầu kĩ năng:
Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về một nhân vật trong tác phẩm tự
sự. Bài viết có bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài), hành văn trôi chảy, không mắc
lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
II. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về đoạn trích truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang
Sáng và nhân vật bé Thu, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ
những ý cơ bản sau:
1. Khái quát chung về tác giả, tác phẩm, nhân vật bé Thu (0,5 điểm)
- Nguyễn Quang Sáng là nhà văn thành công trong việc tái hiện vẻ đẹp con người
Nam Bộ trong và sau chiến tranh.
- Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966, khi tác giả hoạt động ở chiến
trường Nam Bộ và được đưa vào tập truyện cùng tên. Tác phẩm thể hiện tình cha con
sâu nặng và cảm động trong hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt của chiến tranh. Bé Thu là
nhân vật để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.
2. Cảm nhận về nhân vật bé Thu (4,0 điểm)
a. Bé Thu – một cô bé cá tính, bướng bỉnh và gan lì (1,5 điểm)
- Gặp lại con sau nhiều năm xa cách với bao nỗi nhớ thương nên ông Sáu không
kìm được trạng thái vui mừng, hạnh phúc trong giây phút đầu nhìn thấy đứa con. Nhưng
thật trớ trêu, đáp lại sự vồ vập của người cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực, lảng tránh và ông
Sáu càng muốn gần con thì đứa con lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách. Tâm lí và thái độ ấy
của Thu đã được biểu hiện qua hàng loạt các chi tiết mà người kể chuyện quan sát và
thuật lại rất sinh động: hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên khi mới gặp ông

Sáu, chỉ gọi trống không với ông Sáu mà không chịu gọi cha; nhất định không chịu nhờ
ông giúp chắt nước nồi cơm to đang sôi, hất cái trứng cá mà ông gắp cho. Nỗi đau khổ
trong ba ngày nén chịu trào lên, ông Sáu đánh con, Thu không khóc, lầm lì bỏ trứng cá
lại vào chén cơm và bỏ sang nhà bà ngoại, lúc đi còn cố ý khua dây xuồng cho thật rổn
rang. Những chi tiết bình thường mà tinh tế này chứng tỏ nhà văn rất thấu hiểu tâm lí trẻ
em. Sự ương ngạnh của bé Thu hoàn toàn không đáng trách.
=> Phản ứng của Thu là tự nhiên bởi em là cô bé có cá tính mạnh mẽ, tình cảm
sâu sắc, chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba của mình. Sự bướng bỉnh của
Thu phải chăng còn là cơ sở, tiền đề sau này làm nên tính cách cứng cỏi, ngoan cường
của cô giao liên, kiên định có lập trường?
b. Bé Thu – một cô bé có tình yêu thương cha tha thiết (1,5 điểm)
- Trong buổi sáng cuối cùng, trước lúc ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành
động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn. Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi “ba” và
tiếng kêu như tiếng xé, “nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy
thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc,
hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “hai tay nó xiết chặt lấy
cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy
ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”


- Trong đêm bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo đã làm
thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu xuất hiện một
trạng thái ân hận hối tiếc: “nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài
như người lớn”. Vì thế, trong giờ phút chia tay với cha, tình yêu và nỗi mong nhớ với
người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay òa vỡ mãnh liệt, hối hả, cuống quýt, đan
xen sự ăn năn, hối hận. Chứng kiến những biểu hiện tình cảm ấy trong cảnh ngộ cha con
ông Sáu phải chia tay, có người không cầm được nước mắt và người kể chuyện thì cảm
thấy như có bàn tay ai nắm lấy trái tim mình.
- Trong tâm hồn cô bé, tình yêu với cha đã có sự thay đổi. Ngoài tình yêu còn có
tình thương và cao hơn cả là niềm tự hào vô bờ bến, niềm kiêu hãnh vô cùng vì người

cha chiến sĩ, người cha hi sinh tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời cho cuộc kháng
chiến vĩ đại của dân tộc.
=> Xuyên suốt đoạn trích, trong hai hoàn cảnh và hai cách ứng xử hoàn toàn khác
nhau nhưng thực chất chỉ là một tấm lòng yêu cha sắt son của bé Thu. Với em, cây lược
nhỏ mang dòng chữ đầy yêu thương “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” là kỉ vật chứa đựng
tình thương nỗi nhớ, hình bóng tấm lòng người cha. Chiếc lược ngà luôn bên em và trở
thành nguồn động lực, sức mạnh giúp cho Thu vượt qua mọi khó khăn gian khổ.
c. Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật bé Thu (1,0 điểm)
- Cách tạo tình huống bất ngờ, khả năng am hiểu sâu sắc tâm lí và tính cách trẻ
em, cách lựa chọn chi tiết nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, ngôn ngữ đậm màu sắc Nam
Bộ…
3. Đánh giá (0,5 điểm)
- Qua diễn biến tâm lí, qua thái độ, hành động của bé Thu, người đọc cảm nhận
được đó là cô bé có tình cảm sâu sắc, mạnh mẽ, nhưng cũng dứt khoát rạch ròi. Cá tính
của Thu là sự cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh, nhưng Thu vẫn là một đứa trẻ
với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc
của em đã gây xúc động mạnh cho người đọc bởi tình người – tình cha con trong những
năm tháng chiến tranh xa cách, thương đau, để lại ấn tượng về một em bé Nam Bộ thời
chiến với tính cách đáng yêu, đáng mến.
- Câu chuyện về Chiếc lược ngà còn âm vang mãi trong lòng người đọc. Tác
phẩm không chỉ gây xúc động mạnh mẽ về tình phụ tử thiết tha sâu nặng mà còn gợi cho
người đọc suy ngẫm về một quá khứ đau thương của dân tộc. Căm ghét chiến tranh và
thấm thía nỗi đau thương, mất mát, éo le do chiến tranh gây ra, biết bao gia đình, biết
bao con người phải chịu cảnh tan nát, chia lìa đau thương như thế, song đó cũng là niềm
tự hào và vinh quang của một dân tộc anh hùng.
III. Biểu điểm:
Điểm 4-5: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, luận điểm rõ ràng, bố cục cân đối,
không mắc lỗi diễn đạt, trình bày.
Điểm 2-3: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên, bố cục cân đối, song luận cứ chưa
phong phú, sâu sắc. Còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt

Điểm 1: Bài viết sơ sài, không rõ luận điểm, phương pháp nghị luận còn yếu, bố
cục không cân đối, chữ viết cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
Lưu ý: Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của các câu hỏi trong đề thi, điểm
bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.



×